Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Tình mẹ trong bài thơ "Con cò" của nhà thơ Chế Lan Viên

Tình mẹ trong bài thơ "Con cò"
của nhà thơ Chế Lan Viên

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
Hai câu thơ giàu chất triết lý với ý nghĩa phổ quát sâu xa đã trở thành tâm niệm của mỗi người con khi nghĩ về người mẹ với đức hy sinh lặng thầm cao cả và lòng thương con vô hạn. Cũng nhờ đó mà bài thơ “Con cò” - sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường - Chim báo bão” (1967) của tác giả Chế Lan viên đã có một sức sống riêng trong tâm hồn bạn đọc.
Nhà thơ Chế Lan Viên
Từ xa xưa, con cò vốn là hình ảnh thân thuộc gắn bó với làng quê Việt Nam, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc trong ca dao, thơ ca dân tộc. Sáng tạo độc đáo với hình ảnh con cò trong ca dao qua lời hát ru, bằng một phong cách thơ suy tưởng triết lý, đậm chất trí tuệ và giàu tính nhân văn, Chế Lan Viên đã ca ngợi tấm lòng thương con vô hạn của mẹ và ý nghĩa sâu sắc của những điệu hát ru.
I.
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng…”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
“Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng...”
Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân.
Con chưa biết con cò, con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

II.
Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen,
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ.
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn…

III.
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi! Ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, những câu thơ dài ngắn khác nhau tạo nên một nhịp thơ biến đổi, linh hoạt rất gần với âm điệu những lời hát ru. Con cò là hình ảnh ngọn nguồn và xuyên suốt từ đầu hết cuối bài thơ. Theo đó, qua ý nghĩa biểu tượng của từng hình ảnh cụ thể, vẻ đẹp của tình mẹ lấp lánh ở nhiều dạng thức.
Mở đầu bài thơ, tác giả gợi lên hình ảnh con cò trong những khúc hát ru bắt đầu đến với tuổi ấu thơ:
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng…”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
“Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng…”
Ngủ yên! Ngủ yên!
Cò ơi, chớ sợ!
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân.
Con chưa biết con cò, con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

Tác giả chỉ lấy lại vài chữ trong mỗi câu ca dao có hình ảnh con cò nhằm gợi nhớ về những biểu tượng phong phú ở chốn làng quê. Đó là “con cò bay la, con cò bay lả”, “con cò cổng phủ, con cò đồng Đăng...”. Sự cân đối nhịp nhàng của điệu thơ như đưa ta về với khung cảnh quê hương bình yên, thơ mộng và cuộc sống dân dã thuở xưa. Và những câu ca về hình ảnh “con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng” đã gợi nghĩ về tấm thân mảnh mai của người phụ nữ xưa nhọc nhằn, lặn lội kiếm sống để chăm lo cho đời con, nhưng dẫu có nghịch cảnh đi nữa, lòng mẹ vẫn trong trắng, sạch đẹp. Từng ngày, từng ngày, những lời hát ru cứ ngân nga, ngân nga, và những con cò ấy đã đến với tâm hồn đứa trẻ một cách vô thức: “con cò bế trên tay - con chưa biết con cò” hay “Con chưa biết con cò, con vạc - con chưa biết những cành mềm mẹ hát ”... Rất bé bỏng trong vòng tay bế bồng của mẹ, đứa trẻ đã hiểu ra điều gì đâu. Nhưng kì diệu thay, bằng nhịp nôi đưa nhẹ nhàng, bằng lời ru êm ái, bằng cử chỉ vỗ về trìu mến, đứa bé đón nhận tình yêu và sự che chở của mẹ một cách trực giác và vô thức. Đặc biệt, hình ảnh con cò trong khúc hát ru đến với tâm hồn ấu thơ là một sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn con người. Phải chăng, lòng nhân ái của con người, điệu hồn dân tộc đã được khơi lên từ đó, từ những câu hát ru thấm đẫm tình đời lúc mới sơ sinh!
Lời ru có bóng dáng con cò cũng ngọt ngào và tràn đầy như dòng sữa, cũng lai láng như tình thương con của mẹ để con và bao người con có được niềm hạnh phúc diệu kỳ thuở ấu thơ được mẹ chăm chút và đỡ nâng: “Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ! Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng! Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân/ Con chưa biết con cò, con vạc/ Con chưa biết những cành mềm mẹ hát/ Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”.
Rồi hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi và sẽ theo cùng người con trên mọi nẻo đường đời.
Thời gian dần trôi, những giấc ngủ no say ru đời con lớn dậy, trên mọi nẻo đường con đi, cánh cò tình mẹ trong lời hát ru cứ theo mãi, theo mãi, gần gũi, thân thương và rất đổi thi vị:
Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen,
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ.
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
“Con cò” ở đây là sự hóa thân diệu kỳ của lòng mẹ. Vì đứa con thơ dại, vì mong con “ngủ yên” mẹ sẽ nguyện làm cánh cò trắng “đến làm quen”, “cò đứng quanh nôi”, “rồi cò vào trong tổ”. Bao giờ mẹ cũng tìm cách để vỗ về, để trông nom, ôm ấp cho con yên tâm trong giấc ngủ nồng say. Phải chăng, mẹ không thôi thao thức nếu con chưa ngủ. Sự chiều chuộng đầy dịu dàng của mẹ đã làm nên một hình ảnh rất thơ, vừa quen thân, vừa lạ lẫm: “Con ngủ yên thì cò cũng ngủ - Cánh của cò hai đưa đắp chung đôi”.
Hóa ra, lúc ấy, cùng trong hơi thở ấm nồng bên giấc ngủ của đứa con bé bỏng, mẹ sải rộng đôi cánh để bao bọc, che chở, và mẹ còn là một đứa bạn đáng yêu đủ để làm hài lòng thiên thần bé bỏng của mình!
Có bao giờ mẹ thôi lo lắng vì con? Khi con chập chững rời khoảng sân nhà để đi học, cánh cò tình mẹ lại đưa đường dẫn lối: “Mai khôn lớn, con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”. Lúc chỉ đường, khi theo chân con, hình ảnh của người mẹ mãi dõi theo con bền bỉ, dịu dàng, sự dắt dìu đầy trách nhiệm của mẹ sao mà vô tận!
Trong tiềm thức con, đẹp đẽ vô ngần là cánh cò trắng tình mẹ. Vì thế, hơn ai hết con hiểu cả những âu lo lẫn niềm tin yêu của mẹ về đời con: “Lớn lên, lớn lên, lớn lên.../ Con làm gì?/ Con làm thi sĩ!”. Phải chăng, con  làm thi sĩ  để sáng tạo cái đẹp, ngợi ca cuộc sống, làm đẹp cho cuộc đời! Và  kỳ diệu thay, cánh cò từ lời ru vô thức năm nảo năm nào bên vành nôi đã chắp cánh cho thơ con bay lên. Có cánh cò mang hơi ấm tình yêu, hơi xuân, vẻ đẹp trong lành, tinh khôi của tình mẹ đến trong thơ. Con mới chợt hiểu ra rằng đôi cánh tình mẹ không bao giờ ngừng vỗ nhịp để mãi mãi nâng đỡ đời con. Tình mẹ là thế đó, là sâu sắc, là vô bờ, là nguồn mạch không bao giờ vơi cạn!
Đoạn thơ đã phát triển hình tượng con cò trong ca dao bằng cách cho nó hiện hữu trong tâm thức con người với nhiều hình ảnh khác nhau bằng liên tưởng và tưởng tượng phong phú, thi vị, nhờ đó, con cò trở thành biểu tượng sinh động cho tấm lòng thương con vô bờ của mẹ!.
Đoạn cuối là những câu thơ đậm chất suy ngẫm và triết lý đã nhấn mạnh hơn ý nghĩa biểu tượng của con cò trong những lời ru của mẹ.
“Dù ở gần con/ Dù ở xa con/ Lên rừng xuống bể/ Cò sẽ tìm con/ Cò mãi yêu con”, những câu thơ ngắn, cân đối, khỏe chắc như những lời nguyền đi ra từ gan ruột đầy ắp yêu thương, từ tấm lòng thành thực của người mẹ bao đời nay. Mẹ thầm thì điều gì để con luôn hiểu rằng bên con luôn có ánh mắt mẹ? Dù ở nơi đâu, phương trời nào, gần con hay xa con, có lên rừng hay xuống bể, cách mặt nhưng không xa lòng, lòng mẹ vẫn dõi theo với tình thương con dào dạt “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. (Ca dao).
Để rồi, nhà thơ nâng tình mẹ lên ở tầm phổ quát của quy luật với ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Con dù đã khôn lớn, trưởng thành vẫn chỉ bé nhỏ trước mẹ thôi. Mẹ vẫn dành cho đứa con một tình cảm bao dung, lớn lao. Với con, mẹ bao giờ cũng là hiện hữu lớn lao. Con dù đi trọn cuộc đời thì lòng mẹ cho con vẫn là vững bền, sắc sâu và bao la: “Ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy). Cảm xúc thơ Chế Lan Viên đã được mở ra ở tầm khái quát giàu chất triết lý.
Những câu thơ kết lại trở về với âm hưởng lời ru cũng mang màu sắc triết lý rất hay: “Một con cò thôi/ Con cò mẹ hát/ Cũng là cuộc đời/ Vỗ cánh qua nôi”. Phải chăng sinh linh nào cũng có một số phận, một cuộc đời riêng và đều qua vành nôi được mẹ nâng niu trong vòng tay trìu mến để được lớn khôn. Thấm thía bao mảnh đời từ trong câu ca mẹ hát, con mới có đủ tấm lòng, trí tuệ để hiểu ra lẽ sống, tình đời để thấu hết “chín chữ cù lao" của mẹ. Con mới thấy những lời ru đến trong vô thức bắt đầu thuở ấu thơ ấy diệu kỳ, quý hóa. Và cứ thế, có lẽ, một mai đây, mỗi cuộc đời đã tìm nơi trú ngụ thì lời ru “Ngủ đi! Ngủ đi” và cánh cò trong câu hát ngọt ngào sẽ theo mãi mỗi đời con. Trong cuộc hành trình dài rộng, trong khoảng trời đầy màu xanh hôm nay của chúng ta, phải chăng là chân trời ước mơ chứa cả sắc trời, đến hát quanh nôi thuở nào trong ước mơ đời mẹ!
Thể thơ tự do với nhiều câu dài ngắn đan xen, nhiều cấu trúc lặp lại gợi âm điệu lời ru; giọng suy ngẫm và triết lý được đúc rút từ những câu thơ giàu ý nghĩa biểu tượng; sáng tạo trong hình ảnh, bài thơ gần gũi nhưng hàm chứa ý nghĩa đã ca ngợi tình mẹ thiêng liêng, bất tử và ý nghĩa sâu sắc của những câu hát ru. Ta thêm quý trọng, tôn thờ mẹ ta và bao người mẹ cao cả giữa cuộc sống đang còn không ít gian lao vất vả hôm nay.
Cảm ơn nhà thơ Chế Lan Viên, ông đã nâng cánh cò tình yêu thương trải rộng và sâu sắc của người mẹ lên cao và trên không gian thăm thẳm của vô tận, để con người sẽ luôn được chở che và yêu thương.
5/3/2015 
Phan Thị Chính
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bông Hồng Cho Ngoại Có hai người phụ nữ mà tôi tôn thờ yêu thương nhớ nhung nhất, đó là bà ngoại và má của tôi. Tôn thờ, bởisự hy sinh...