Nhân cách và giá trị của thi sĩ Bùi Giáng
Khi đăng loạt cuối Chuyện đời Bùi Giáng, chúng tôi đọc được bài: Ai làm Bùi Giáng sống lại sau 15 năm? trên Báo Văn Nghệ TP.HCM số 274, ra ngày 3.10.2013, với những lời xúc phạm nặng nề đến thi sĩ Bùi Giáng và Báo Thanh Niên.
Bùi Giáng bên hè đường Sài Gòn, đang đọc thơ: “Trăm năm nước chảy hoa trôi/ Còn ai ngồi lại hát lời tử sinh” (B.G) - Ảnh: gia đình cung cấp
Bài báo ấy viết: “15 năm nay Bùi Giáng đã chết không kèn không trống, giờ sống lại nhờ Báo Thanh Niên và các vị bạn bè thân hữu của ông ấy với động cơ gì trước sau gì ta cũng rõ”. Chỉ riêng câu đó, chúng tôi thấy đã không ổn. Vì, trước hết, khi còn sống, thi sĩ Bùi Giáng đã được biết đến là một nhà thơ lỗi lạc có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Đây, nhà thơ Huy Cận viết một bài thơ gửi Bùi Giáng ngày 3.10.1983, có những câu cuối: “Gửi anh mấy vần thơ/ Nói con chim say hót/ Chim Thơ bay thuở giờ/ Mặt trời xoay không ngớt/ Xin gửi kèm ngọn bút/ Để khắc Thực cùng Mơ”. Chẳng lẽ Huy Cận lại gọi mối giao tình văn thơ giữa thi sĩ Bùi Giáng với ông là “nghĩa đất trời” (chữ Huy Cận dùng) nhằm gửi tặng cho một người có “nhân cách sống thì không ra gì” như bài báo trên đã viết sao?.
Đoạn cuối bài thơ của Huy Cận gửi Bùi Giáng từ Paris ngày 3.10.1983Khi Bùi Giáng mất, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bấy giờ là Tổng
thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, đứng ra làm Trưởng ban tang lễ. Trong sổ tang có
hàng trăm nhà hoạt động văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước
ghi những dòng kính trọng và thương cảm, như bút tích của nhà văn Sơn Nam
(nguyên văn): “Anh Bùi Giáng, biết nói gì bây giờ. Tôi hiện ở Gò Vấp, lang
thang bất đắc dĩ. Trẻ con, người lớn, các Phật tử ở Gò Vấp mến anh vô cùng vì
anh có một nhân cách không giống ai, gẫm lại dễ thương. Đời nay và đời sau, giá
trị anh ngày càng rạng rỡ. Anh đã đốn ngộ, điều rất khó được” - ký tên Sơn
Nam. Nhà báo nổi tiếng Nguyễn Nguyên khẳng định: “Tên tuổi của Bùi Giáng chắc
chắn sẽ lấp lánh trên nền trời thơ Việt Nam (...) cuộc đời anh là cả một bài
thơ”. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từ Hà Nội vào, ngậm ngùi: “Thoắt nhanh một trận
say dài/Tóc bay trắng thác đổ ngoài hư không. Vĩnh biệt anh”. Chẳng lẽ các nhà
văn, nhà thơ có uy tín trong nước thuộc nhiều thế hệ lại có thể viết một cách hồ
đồ về nhân cách và giá trị của thi sĩ Bùi Giáng ở trên sao? Trích thêm: “Nhớ
thương vô cùng là từ/ Là từ vô tận ứ ừ viển vông” - Trịnh Công Sơn. “Vô cùng
thương tiếc chú - Thi sĩ Bùi Giáng. Mấy bữa nay trời đất cũng bùi ngùi. 9.10.1998”
- nhà thơ Ý Nhi. Hoặc “Bùi huynh! Trung Phước đợi anh về/ Đồi cũ mong người thuở
“giữ dê”/ Giọt giọt “Mưa nguồn” rơi chẳng ngớt/ Sài Gòn xa vọng tiếng mưa quê!” -
nhà thơ Tường Linh, “Nhớ anh Bùi Giáng/ Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy/ Đã chơi
thì mặc xác luân hồi” - nhà thơ Phạm Thiên Thư. Tổng biên tập Báo Thanh
Niên lúc đó là anh Nguyễn Công Khế cũng ghi mấy lời trước linh cữu Bùi
Giáng: “Vĩnh biệt anh Bùi Giáng - một văn tài của đất nước”...
“Trong dòng sông văn học khá bình thản của ta mà có được một người “quậy tưng” như Bùi Giáng kể cũng đặc biệt và thú vị. Nhưng rồi, ngay trong những lúc “quậy” như thế, chợt ta chìm lắng lại với những câu thơ thế này: “Một hồn rũ rượi trong mưa/ Nhớ ôi ngọc trắng ngày chưa cát lầm”. Như một khúc bi ca về cội nguồn trinh thục của Thơ (...) Chứ sao gọi một thiên tài thi ca như Bùi Giáng là điên?”. Nhà thơ Thanh Thảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét