Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Đọc "Văn học và báo chí từ một góc nhìn" của Trần Thị Trâm

Đọc "Văn học và báo chí 
từ một góc  nhìn" của Trần Thị Trâm

“Văn học và báo chí từ một góc nhìn” xuất bản năm 2003, là một tập sách dày 302 trang, tập hợp 36 bài viết công phu kết tinh từ bao trăn trở của nữ tác giả Trần Thị Trâm. Chị sinh năm 1954, là người con của vùng đất đồng bằng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam. Từng là Phó chủ nhiệm bộ môn Ngữ Văn, Phân viện Báo chí và Tuyên Truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Là một tiến sĩ Ngữ văn, giảng dạy nhiều năm ở Phân viện Báo chí và Tuyên Truyền, dĩ nhiên, chị quan tâm đặc biệt đến Văn chương và Báo chí, và đến cả vùng giao thoa giữa hai lĩnh vực ấy. Cuốn sách “Văn học và báo chí từ một góc nhìn” là một tập hợp bài viết nghiên cứu phê bình thuộc nhiều mảng đề tài rất phong phú ở hai lĩnh vực: văn chương và báo chí. Đó là những bài viết, chuyên đề được tuyển chọn từ những say mê tìm tòi, phát hiện, những cảm nhận đặc sắc của một cây bút phê bình thuộc phái nữ, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc như một “chấm nhớ” trong cuộc đời.
1. “Văn học và báo chí từ một góc nhìn” - những điểm sáng
In trên những trang đầu tiên của cuốn sách là Lời giới thiệu của thầy giáo, Tiến sĩ Chu Văn Sơn - giảng viên Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Lời giới thiệu ngắn gọn, giản dị ẩn chứa cách nhìn tinh tường, sắc sảo của thầy Chu Sơn đã đánh giá chân xác những nỗ lực nghiên cứu của tác giả, khái quát được đóng góp quan trọng của chị ở địa hạt phê bình. Cũng ở những trang sách đầu tiên này, tác giả trích dẫn nhận định của Hoài Thanh như kiểu đặt lời đề từ trong một bài thơ: “Đi tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật. Đi tìm cái đẹp của nghệ thuật là phê bình”. Đó phải chăng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ những bài viết trải dài từ trang đầu cho đến trang cuối của cuốn sách? Nương theo tinh thần của lời đề từ đó, trong cả 36 bài viết, tác giả đã miệt mài, say mê tìm kiếm những vẻ đẹp của nghệ thuật… Dù chỉ mới bước vào địa hạt phê bình, nhưng tác giả, như một nhà phê bình thực thụ đã thực hiện cuộc hành trình nhận diện, khám phá, đúc kết cái đẹp của nghệ thuật, của văn chương, của báo chí. Trên hành trình kiếm tìm những giá trị đích thực của nghệ thuật, tác giả đã phát hiện ra những vẻ đẹp lung linh, đa nghĩa của những tác phẩm văn chương; định danh được phong cách nghệ thuật, vị trí, vai trò tiên phong của mỗi nhà văn, nhà thơ trong từng thời kỳ, từng chặng đường phát triển của văn học và cả trong nền văn học dân tộc; khái quát được diện mạo, đặc điểm, thành tựu của những giai đoạn, thời kỳ văn học; sự ra đời, hình thành, phát triển của báo chí và vai trò của báo chí đối với văn hóa, văn học; nhận diện và lý giải các hiện tượng đột biến về thể loại văn học…
36 bài viết mở ra những chân trời sáng tạo của nhà phê bình, giúp người đọc hình dung về phạm vi, đối tượng nghiên cứu của tác giả. Tác giả hướng đến nhiều mảng khác nhau trong hai lĩnh vực văn chương và báo chí. Am tường cả báo chí, nhưng đọc kỹ hẳn ai cũng thấy rằng, tác giả vẫn rành văn hơn. Văn chương vẫn là khoảng trời thao thức nhất.
Là hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Trần Thị Trâm có nguồn cảm hứng dồi dào với bộ phận văn chương dân gian folklore, chị có ý thức khai thác, lục tìm trong vốn xưa những điều giản dị mà mới mẻ, làm giàu thêm cho nguồn suối trong mát, ngọt lành của văn học dân gian. Hơn 10 bài viết trong tập sách đi sâu phân tích, bình giảng những vẻ đẹp trong sáng, hàm súc của những bài ca dao, hát ru, đồng dao,…; cảm nhận, đánh giá về các nhân vật văn học trong những truyện cổ, truyền thuyết, tích chèo dân gian…Từ một góc nhìn riêng, mang màu sắc giới tính, chị ít nhiều đã có những khám phá mới và đầy thú vị trước một số hiện tượng đã rất quen thuộc trong văn học dân gian. Những bài: Hát ru - niềm hạnh phúc của tuổi thơ, Khúc hát giao duyên trong lời ly biệt, Âm vang từ một câu chuyện cổ, Bức thông điệp về quyền sống của con người… là những bài phê bình đã gây được ấn tượng trong lòng người đọc.
Tuy nhiên mảng văn học đầu thế kỷ XX - cái đoạn giao thời, cái đoạn nảy sinh những tác phẩm như những hạt giống, những chồi mầm của cả quá trình hiện đại hóa sau này - thu hút tâm huyết của chị nhiều hơn cả. Trong đó cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là đối tượng được chị “đào xới” kỹ nhất. Là cuốn sách khai mạc cả một cuộc cách mạng lớn trong Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, Tố Tâm đã được chị khảo sát, khám phá trên nhiều bình diện, đặt trong nhiều mối liên hệ với văn học đương thời, nhất là trong tiến trình canh tân rầm rộ và mau lẹ khi ấy. Có thể nói loạt bài viết xung quanh cuốn tiểu thuyết Tố Tâm là phần trọng lực của cả tập nghiên cứu phê bình này.
Ngoài ra, trong từng thời kỳ khác nhau trong tiến trình phát triển của văn học và báo chí, thời trung đại hay hiện đại, tác giả Trần Thị Trâm cũng có những cách nhìn nhận, đánh giá, lý giải sắc sảo về các hiện tượng, các tác giả, tác phẩm văn học, báo chí… Bài Âm hưởng chủ đạo trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ đã thể hiện một cảm quan tinh tế, sâu sắc về cái mạch văn buồn thương, bi ai của chặng văn học đầu thế kỷ XX… Những bài về Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tố Hữu, Trần Đăng Khoa… đã thể hiện cách tiếp cận ở góc độ riêng với cái nhìn sắc nét giúp người đọc nhận diện được chân dung nghệ thuật của các nhà thơ, nhà văn, các hiện tượng độc đáo trong nền văn học. Chẳng hạn, từ một góc nhìn mang thiên tính nữ, tác giả có những nhận định rất tinh tế về Hồ Xuân Hương: “Thơ Xuân Hương là tiếng hát trái tim của Xuân Hương. Đó là những vần thơ của người phụ nữ viết cho phụ nữ. Văn chương nàng in rõ sắc màu giới tính, bởi đàn bà luôn nhìn đời bằng con mắt riêng. Xuân Hương không chỉ cảm nhận cuộc đời bằng cái nhìn giới tính mà còn cảm nhận bằng cái nhìn đầy cá tính. Nàng đã có một cái nhìn sắc nhọn của phóng sự vì đã chọn những điểm nóng bỏng của cuộc sống, và bắt đầu từ mặt trái của xã hội phong kiến thối nát… Góc tiếp cận thực tại mới mẻ này đã giúp Xuân Hương phát hiện và lý giải hiện thực một cách độc đáo. Ở nàng đã xuất hiện một quan niệm mới lạ về con người. Con người xuất hiện mang màu sắc cá nhân, con người với những đặc điểm về giới tính, với hạnh phúc trần tục, với tình yêu và khát vọng tự nhiên. Dưới con mắt của kẻ khát sống thèm yêu, vạn vật dường như ở trạng thái gợi tình, nhún nhảy, mời gọi và gợi dục. Nàng đã phả vào cái thế giới đông cứng, già nua một sức sống mới. Tất cả như được lạ hóa, trở nên cựa quậy sống động, rỡ ràng, trẻ trung, tinh nghịch, đáng yêu. Toàn bộ sáng tác của Xuân Hương được soi chiếu qua cái nhìn độc đáo: của giới tính, của cá tính sáng tạo và của thể loại phóng sự này”  hay “Nàng có một đời sống kép. Nàng là sự thống nhất giữa hai mặt đối lập: sự yếu mềm, tinh tế rất đàn bà và sự thông minh, cứng cỏi đầy bản lĩnh làm đám mày râu muôn thuở phải “kính nhi viễn chi”. Mà sự dịu dàng mới là yếu tố làm nên sức hấp dẫn độc đáo của Xuân Hương”, “Xuân Hương là sự thống nhất giữa một trái tim nhân hậu, đa cảm và bộ óc mẫn tiệp, thông tuệ… Đó là sự gặp gỡ giữa hai dòng dân gian và bác học để rồi thăng hoa lên thành một Xuân Hương dung dị mà kiêu sa, hồn nhiên, nồng nàn mà sâu lắng…”. Nhà thơ Tú Xương cũng hiện lên trên trang viết của Trần Thị Trâm thật sinh động: “Tú Xương được mệnh danh là “người thư ký giỏi của thời đại”, bởi thơ ông đã bám sát từng sự kiện của đời sống, là tấm gương phản ánh chân thật diện mạo của một thời kỳ lịch sử đau thương với những biến động dữ dội, đã chứa đựng những bi kịch mang dáng hài kịch ở buổi giao thời. Là người trong cuộc, một nhà thơ nhạy cảm, một nhà nho sớm có tư chất nhà báo, Tú Xương đã dồn sức viết lên được những phóng sự bằng thơ đặc sắc. Những phóng sự ấy chính là cái gạch nối giữa vè - một kiểu báo truyền miệng dân gian và những tác phẩm phóng sự nổi tiếng của Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng… trên báo chí sau này”. Tác giả đã đưa ra nhận định khá bất ngờ, mới mẻ về thơ Tú Xương, đó là những phóng sự bằng thơ, đưa tin thế sự như một tờ báo, rất giàu chất thời sự, ăm ắp sự sống, mang hơi thở nóng hổi của thời đại, các sự kiện và nhân vật như từ cuộc đời đi thẳng vào thơ… Đặc biệt tác giả còn tỏ ra rất am tường trong cái nhìn về Tú Xương ở thế đối lập tương phản với những vần thơ phóng sự bằng cách lý giải về cội nguồn sức sống trong thơ Tú Xương: “Bi kịch lớn trong trái tim ông Tú đã gặp bi kịch của thời đại của cả thế hệ và tạo nên một nỗi đau nhân thế, đã làm nên âm hưởng bi ai thống thiết não nùng vừa độc đáo vừa đẹp đẽ của thi ca thời đại. Mà có lẽ cái hồn thiêng của thơ đã nằm ở cái mạch ngầm trong những bài thơ lặng lẽ như Sông Lấp, Vị Hoàng hoài cổ, Thương vợ, Nhớ bạn phương trời…của thi nhân… Càng thấy rằng: cái tiếng nói trữ tình thống thiết mới chính là cội nguồn làm nên sức sống của thơ Tú Xương…”.
Nhóm bài nghiên cứu: Về đội ngũ nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ XX, bài viết về Bước đột biến của thể loại phóng sự Việt Nam giai đoạn 1932- 1945 hay bài viết về Vũ Trọng Phụng thể hiện sự công phu, già dặn trong công việc nghiên cứu phê bình. Những nhận định, đúc kết của chị về tình hình phát triển, đặc điểm của ngành báo chí Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, những đánh giá, khái quát thành tựu về một thể loại, một tác phẩm, tác giả cho thấy một thái độ nghiên cứu khoa học chỉnh chu, nghiêm túc, một sự hiểu biết thấu đáo, cặn kẽ ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, một văn phong sáng rõ, chặt chẽ, khúc chiết, một nhiệt tâm sôi nổi với nghề, với đời…
Tập chuyên đề phê bình của Trần Thị Trâm nhìn chung đã tiếp cận, phát hiện được những giá trị đích thực, những vẻ đẹp tinh kết trong văn chương nghệ thuật, giải mã được những hiện tượng văn học bí ẩn, mang đến những hiểu biết bất ngờ, sâu sắc về thế giới phức tạp và phức điệu của văn học và cả báo chí. Những thành công của chị trong địa hạt phê bình có ý nghĩa định hướng cho việc sáng tác và tiếp nhận nói chung, từ đó thắp lên cho người nghệ sĩ niềm đam mê sáng tạo bất tận, lan tỏa được tình yêu văn chương nghệ thuật cho bao thế hệ độc giả.
2. Văn học và báo chí từ một góc nhìn - những điều cần trao đổi.
Tiếp cận những trang viết của nữ phê bình Trần Thị Trâm về văn học, về báo chí, người đọc bị cuốn hút trong mạch văn trôi chảy, lưu loát, phong phú tri thức và giàu cảm xúc của tác giả. Những bài viết khá đều tay, bài nào cũng thể hiện được cách khai thác riêng, thể hiện ý tưởng mạch lạc, có chiều sâu. Tuy nhiên, đâu đó, người đọc vẫn thấy có những khúc mắc, những lý giải chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục. Những băn khoăn, nếu có, cũng chỉ là những cảm nhận rất riêng của cá nhân của người đọc, mạn phép được trình bày như một sự trao đổi lại trong quan điểm cởi mở, dân chủ, khách quan.
Trong nhiều bài viết, chị Trần Thị Trâm đã cố gắng làm mới những giá trị vốn đã rất quen thuộc với thế giới văn chương bằng nhiều nhận định mang ít nhiều cảm nhận chủ quan của mình. Đó là những tìm tòi, khám phá đáng ghi nhận của chị nhưng đồng thời cũng là những điểm khiến người đọc còn thấy hoài nghi, băn khoăn. Trong bài viết “Sao em nỡ vội lấy chồng”, khi bàn về nội dung của bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, tác giả phủ nhận cách hiểu truyền thống: “nhìn chung, dư luận cho đó là một bài ca dao thất tình. Dựa vào sự nuối tiếc của hai nhân vật, một số người có ý lên án những nguyên nhân xã hội đã làm lỡ làng duyên kiếp và tỏ thái độ cảm thông đối với những bất hạnh của người con gái trong bài ca dao và cả một lớp phụ nữ giống như chị trong xã hội cũ” và đề xuất một cách hiểu khác theo tác giả là hợp lý hơn. Chị bình giảng giảng hai câu đầu: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” là yếu tố gợi hứng, với tác dụng đưa đẩy, những hành động đó mang ý nghĩa chỉ sự từng trải, chiêm nghiệm của con người để nhờ vốn sống mà có thể nhận ra chân giá trị mà không còn vàng thau lẫn lộn. Sự xuất hiện của hai thứ hoa đồng nội như một tín hiệu nghệ thuật độc đáo. Hoa bưởi là thứ hoa màu trắng tinh khiết, có hương thầm quyến rũ. Còn tầm xuân, loại hoa hồng nhạt thơm ngát, dịu dàng. Thật khác với trường hợp hoa tình yêu đổi màu không kết trái hạnh phúc, chuyển sang màu lạ trong bài “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím”…
Cách hiểu của tác giả Trần Thị Trâm ở đây có chút khiên cưỡng (trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân mà để chỉ sự từng trải, chiêm nghiệm của con người nghe có vẻ xa vời, suy diễn chứ không có căn cứ, chưa nói là ở đây còn có một dấu hiệu đáng lưu ý là: tại sao lại bước xuống vườn cà mà lại hái nụ tầm xuân? nữa kia); cách giải thích hình ảnh đơn giản, cạn ý, không lý giải được ý nghĩa hình ảnh, không có sự dẫn dắt thuyết phục (sự xuất hiện của hai thứ hoa đồng nội như một tín hiệu nghệ thuật độc đáo. Hoa bưởi là thứ hoa màu trắng tinh khiết, có hương thầm quyến rũ. Còn tầm xuân, loại hoa hồng nhạt thơm ngát, dịu dàng. Thật khác với trường hợp hoa tình yêu đổi màu không kết trái hạnh phúc, chuyển sang màu lạ trong bài “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím”). Trong cách lý giải ở những câu sau, tác giả không tạo được sự liên kết chặt chẽ với hai câu trước: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc: một màu xanh kỳ ảo vụt đến, đẹp đẽ, trẻ trung đầy sức sống, một vẻ đẹp siêu thực thoắt hiện, một màu xanh, xanh đến vô cùng, ánh lên những tia lạ, lung linh huyền diệu. Cái vẻ đẹp bừng sáng khác xa so với thường nhật, có khi chỉ xuất hiện một lần trong thời khắc thiêng liêng, vào một phút giây đặc biệt trọng đại trong đời người phụ nữ, khi chị vào vai cô dâu xinh đẹp. Hạnh phúc từ bên trong toát ra làm rạng ngời khuôn mặt, ánh lên những nét đẹp lạ thường… khiến chàng trai ngỡ ngàng bất chợt nhận ra vẻ đẹp mê hồn đó, điều mà trước kia chàng chưa bao giờ chiêm nghiệm, mặc dù xưa nay bao giờ nhà nàng chẳng ở cạnh nhà ai…”. Cách hiểu này phải chăng hơi quá đà, sự bình giảng, phân tích đã rơi vào tán tụng suy diễn, thoát ly văn bản, mang màu sắc chủ quan nên thiếu thuyết phục? Từ màu xanh phi lý của  tầm xuân mà bình: một màu xanh kỳ ảo vụt đến, đẹp đẽ, trẻ trung đầy sức sống, một vẻ đẹp siêu thực thoắt hiện, một màu xanh, xanh đến vô cùng, ánh lên những tia lạ, lung linh huyền diệu không phải là có khoảng cách quá xa xôi hay sao?; từ hình ảnh nụ tầm xuân màu hồng nhạt nở ra xanh biếc mà hiểu đó là vẻ đẹp bất ngờ, kỳ ảo của cô dâu xinh đẹp trong ngày cưới không phải là quá xa xôi hay sao? Có thể thấy, cứ nên hiểu theo cách hiểu truyền thống thì vẫn hợp lý hơn. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong bài ca dao là chàng trai và cô gái. Ở đây, có thể có ba giả thiết. Có thể là chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau; cũng có thể là chàng trai thầm yêu cô gái nhưng chưa có dịp thổ lộ thì cô gái đã đi lấy chồng; và cũng có thể chàng trai và cô gái gặp nhau, mến nhau nhưng đã muộn màng. Dù hiểu theo cách nào thì bài ca dao cũng có cái lý riêng của nó nhưng phù hợp nhất có lẽ là giả thiết thứ nhất. Chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó mà họ không lấy được nhau, cô gái phải đi lấy chồng. Bài ca dao như là một sự tương ngộ của những "người xưa" và "tình xưa" trong sự buồn đau, nối tiếc muộn màng. Những câu thơ đầu tiên đọc lên có cái gì đó rất vô lý. Tại sao lại trèo lên cây bưởi mà hái hoa? rồi lại bước xuống vườn cà? giữa vườn cà lại có nụ tầm xuân? Và nghịch lý hơn nữa là nụ tầm xuân lại có màu xanh biếc! Nhưng cái hay, cái độc đáo của bài ca dao là ở chỗ đó. Từ cái tưởng chừng như vô lý nhưng lại trở nên rất hợp lý. Nó vô lý bởi lẽ tự nhiên nhưng lại hợp lý với lòng người. Dường như cái hành động "trèo lên", "bước xuống" ấy là hành động của vô thức, thể hiện tâm trạng rối bời của chàng trai. Và cái sắc màu "xanh biếc" ấy không còn là sắc màu thật nữa mà đó là sắc màu của ảo giác, sắc màu của tâm trạng. Nó không còn là sắc hồng thắm thiết của những tâm trạng đang yêu, mà giờ đây tất cả như đã biến sắc đổi hình. Cách gieo vần trắc ("iếc" - biếc/ tiếc) như xoáy sâu vào sự nối tiếc muộn màng của chàng trai, và sự đau khổ đến tột cùng…  
Bốn câu cuối là lời của cô gái, tác giả bình: Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?/ Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu/ Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra? Là lời trách cứ nhỏ nhẹ,… nào chị có kén chọn, …nhưng con gái phải là con gái,… do trái tim lỡ nhịp,… do anh vô tâm đã để lỡ cơ hội… Việc sử dụng môtip “chim vào lồng, cá cắn câu” là một cách nói rất có duyên, hợp lý hợp tình, biểu hiện lối ứng xử đẹp đẽ của người phụ nữ ván đã đóng thuyền… Đó là một thái độ dứt khoát và sáng suốt. Làm gì có chi tiết nào nói chị có cuộc sống hạnh phúc hay không hạnh phúc với người chồng của mình…”. Cách diễn đạt rất khéo! Cách hiểu này khiến ta cảm thấy thật nhẹ nhàng, thanh thản! Nếu được thế thì còn gì bằng. Nhưng ở đây, lời ca dao cứ réo rắt thế, cứ xoáy vào lòng ta những trăn trở: sao anh chẳng hỏi, bây giờ em đã có chồng, như chim vào lồng, như cá cắn câu… Hai hình ảnh so sánh như chim vào lồng, như cá cắn câu điệp ngữ vừa láy đi láy lại, vừa đảo ngược như nhấn mạnh sự tù túng, bế tắc không thể thay đổi được nữa. Những câu hỏi tu từ Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?/ Chim vào lồng biết thuở nào ra?,… gợi một nỗi ám ảnh về thân phận. Có muốn hiểu đơn giản cho nhẹ lòng cũng không thể hiểu đơn giản như cách hiểu của chị Trâm được. Sự tinh tế của câu ca dao không phải là nói chuyện trầu mà là chuyện chàng trai không đủ bản lĩnh để hỏi cưới nàng về làm vợ, khi mà người con gái không tự quyết được hôn nhân của mình. Câu ca ấy ngân lên một nỗi niềm xót xa, một nỗi đau nhưng không bi lụy, tuyệt vọng. Không hề có chuyện phụ tình trong bài ca dao này. Bởi vậy ta càng quý trọng biết bao nhiêu những tình yêu thủy chung, son sắt. Và dù không lấy được nhau, dù vẫn ngoái vọng nhau trong niềm tiếc nuối nhưng cách ứng xử của đôi tình nhân rất rạch ròi, dứt khoát, cao thượng. Và dù không lấy được nhau nhưng trái tim họ thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Bài ca dao thể hiện một lối ứng xử đẹp đẽ, cao thượng và ẩn chứa đằng sau đó là một khát vọng mãnh liệt về tình yêu chân chính. Bài ca dao kết thúc bằng một câu hỏi bỏ ngỏ đầy day dứt, dang dở như chính cuộc tình của chàng trai và cô gái vậy.
Trong một số bài viết tìm tòi, khám phá những vẻ đẹp thuộc thiên tính nữ, đề cao những bậc kỳ nữ, kỳ tài, trân trọng chắt chiu những sáng tạo thuộc phái nữ cũng dễ nhận thấy đó đây trong trang viết của chị có cả một chút thiên vị nữa. Ví như tác giả đã khẳng định một cách chắc chắn bài “Người ta đi cấy lấy công” là bài hát dành để ngợi ca những người phụ nữ nông dân Việt Nam bất khuất và quả cảm” và nâng lên thành “Bức tượng đài người phụ nữ Việt Nam”. Từ “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề” mà cứ nhất nhất áp đặt hình ảnh người đi cấy trong bài ca dao là người phụ nữ trong khi không có căn cứ rõ ràng, liệu có khiên cưỡng chăng? Tìm hiểu tác phẩm văn chương đôi khi không cần phải cứ lý giải rõ ràng, tường minh mà đôi khi cứ đoán định đa chiều, để ngỏ những nghĩ suy, những xúc cảm mơ hồ, không kết luận cực đoan trước vẻ đẹp hàm ẩn lung linh, đa nghĩa của thế giới văn chương có lẽ sẽ hấp dẫn hơn, thú vị hơn. Huống chi việc hiểu đó là một trong những bài ca dao đặc sắc viết về nỗi lòng của người dân cày Việt Nam ngày xưa, họ có biết bao nỗi lo âm thầm và còn có biết bao nhiêu hi vọng chứa chan đã định hình giá trị của bài ca dao trong lòng độc giả yêu thích văn học dân gian muôn đời nay. Và cũng thế, trong bài, tác giả cũng có nhận định tương tự: “dù thiên tai địch họa họ vẫn ráo riết neo đậu vào cuộc đời giống như người phụ nữ trong bài vè “Nuôi gà” Bình Trị Thiên quả cảm: Đừng lo phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Phải chăng trong cái nhìn ưu ái đối với giới nữ, tác giả đã cố ý phủ nhận sự xuất hiện, vai trò của nam giới chăng? Cũng thế, khi viết về Hồ Xuân Hương, Thị Màu, người phụ nữ trong nhiều bài khác, chị cũng ưu ái và tuyệt đối hóa vẻ đẹp, sức mạnh, vai trò của người phụ nữ bằng nhiều ngôn từ bóng bẩy, hơi phóng đại, khoa trương…
Ở bài “Tố Tâm - tác phẩm khai mạc cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX”, tác giả đã nhận định “Tố Tâm là tác phẩm mở đầu cho quá trình phát triển của tiểu thuyết và văn học Việt Nam hiện đại… Có thể coi Tố Tâm là tác phẩm khai mạc cho cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam ở buổi giao thời”. Trước Tố Tâm, tiểu thuyết đã ra đời và sớm hình thành nên một dòng thể loại ở Nam Bộ với những tên tuổi thử nghiệm: Nguyễn Trọng Quản, Trương Duy Toản, Trần Nhật Thăng, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh… Ở miền Bắc, tiểu thuyết xuất hiện muộn hơn nhưng lại đạt được nhiều giá trị hơn, những bên cạnh Hoàng Ngọc Phách vẫn có sự xuất hiện của những cây bút tiểu thuyết khác như Trọng Khiêm, Nguyễn Trọng Thuật… Dẫn vậy để chứng minh: Nam Bộ chứ không phải Bắc Bộ là cái nôi của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đầu thế kỉ và tác phẩm Tố Tâm không phải là tác phẩm đầu tiên mở đầu cho thể loại tiểu thuyết hiện đại đầu thế kỷ. Vì vậy nên chăng có thể ghi nhận Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ở một cách diễn đạt khác: “Tố Tâm - tác phẩm kết tinh cho cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX”. Bởi vì, với Tố Tâm, tác giả Hoàng Ngọc Phách đã tạo ra được một sự đổi mới đồng bộ chứ không phải sự đổi mới từng phần như nhiều nhà văn khác trước đó. Tác phẩm thể hiện tính chất hiện đại trong việc lựa chọn đề tài, xây dựng cốt truyện, kết cấu mới lạ, hình tượng nhân vật mới mẻ, ngôn ngữ, nghệ thuật miêu tả độc đáo…  Tác phẩm đã kết tinh được những thành tựu của thể loại tiểu thuyết, như một dấu son mở ra một loại hình tiểu thuyết tâm lý hiện đại.
Thảng hoặc, trong những bài viết của mình, tác giả Trần Ngọc Trâm vì đề cao đối tượng nghiên cứu khám phá của mình mà vô hình dung đã có cách đánh giá chưa thật công bằng với các hiện tượng, các phạm trù cùng loại, cùng thời, như để khen bài Người ta đi cấy lấy công đã chê bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa; ca ngợi, tuyệt đối hóa nhân vật Thị Màu mà quên trong văn học dân gian có nhân vật Xúy Vân cũng đa đoan, lệch chuẩn trong tích chèo Kim Nham đã từng nổi loạn, quẫy đạp trong khát vọng mãnh liệt được bùng cháy, khát vọng giải phóng bản thể, đòi quyền sống, quyền yêu, quyền hạnh phúc…
Trên đây là những ý kiến riêng của người đọc, chỉ là những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình tiếp nhận một tác phẩm phê bình, không có ý “vạch lá tìm sâu” mà chỉ mong được trao đổi lại với tinh thần khoa học để nhìn nhận mọi hiện tượng văn học ở nhiều chiều hơn, nhiều góc độ hơn, nhằm góp phần tìm kiếm những vẻ đẹp, giá trị đích thực của văn chương. Hy vọng nhận được những ý kiến đóng góp của thầy cô, của các học viên cũng trên tinh thần như vậy để giúp cho việc đọc sách, tiếp nhận văn học ngày càng phong phú và đạt được hiệu quả hơn.
Dẫu đọc xong tập sách, người đọc không khỏi có những băn khoăn nhưng nếu có điều kiện, chắc chắn cuốn sách sẽ lại được đọc nhiều lần nữa. Bởi không thể hoài nghi những giá trị mà nó mang đến cho chúng ta. Đó là những trang viết  công phu của một nhà phê bình đam mê với nghề. Đọc tập sách này, người đọc có thể thấy ngay tác giả của nó thật say mê. Niềm say mê không chỉ ở mối bận tâm dành cho khá nhiều mảng khác nhau trong hai địa hạt văn chương và báo chí, mà còn ngay ở giọng văn. Từ bài ngăn ngắn đến bài dài hơi, từ bình tác phẩm đến nghiên cứu một tác giả hay khảo sát một đặc điểm nào đó suốt cả một chặng đường văn học… ở đâu cũng thấy một hơi văn mê mải, say sưa. Có lẽ đó là cái chất keo kết dính ngòi bút của chị với cái nghiệp nhọc nhằn này. Và có lẽ đó cũng là chất men chính làm nên cái duyên của các trang viết ở đây.
Văn học và báo chí từ một góc nhìn của tác giả Trần Thị Trâm đã mang đến một cái nhìn mới của một nhà phê bình nữ về văn chương và báo chí, góp một tiếng nói, một giọng điệu riêng trên văn đàn phê bình. Những tìm tòi, phát hiện của chị kết tinh từ niềm say mê, sự miệt mài trải nghiệm, tích lũy vốn sống, vốn văn chương, quá trình nghiên cứu làm việc nghiêm túc, khoa học và cả tài năng cá tính sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói, trên con đường đi tìm cái đẹp của nghệ thuật, chị đã tạo ra được cuộc hội ngộ đặc biệt, đó là sự giao thoa gặp gỡ giữa cái đẹp của nghệ thuật và cái đẹp của phê bình. Đó là điều mà không phải ai cũng có khả năng tạo ra.
18/7/2020
 Hoàng Hường - Sưu tầm và giới thiệu
Theo https://kxhnv.duytan.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...