Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Chuyện đời Bùi Giáng 1

Chuyện đời Bùi Giáng 1 

1. Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên?

                  Bùi Giáng qua ký họa của Chóe - Ảnh: Tư liệu

Có cuộn băng cassette ghi lời kể của chính Bùi Giáng về nguyên do ông bị “áp tải” vào nhà thương điên Biên Hòa.
Những tài liệu này ghi nhận qua các buổi gặp gỡ với đại diện của Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM - ông Bùi Dương Thạch, hoặc những người từng sống gắn bó nhiều năm với Bùi Giáng như ông Nguyễn Thanh Hoài tại số 482/35/5 Lê Quang Định, P.11, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Chính ở địa chỉ đó, hiện vẫn còn lưu giữ các cuốn băng với nhiều chi tiết sống động do Bùi Giáng kể ra, được Thanh Hoài ghi âm:

“Những năm cuối đời của bác Giáng, nhất là từ 1990 trở đi, hai bác cháu thường ngồi nói những chuyện riêng tư cho đỡ buồn trước hiên nhà, hoặc dưới tàng cây trong sân vào mỗi đêm khi gia đình đã đi ngủ hết. Bác kể hết sức chi tiết về chuyện đời của bác, từ thời còn nhỏ cho đến lúc lớn lên, rời miền Trung vào Sài Gòn sinh sống, làm thơ và giao du với ai, cũng như việc sáng tác, in ấn như thế nào… Một bữa, tôi lấy máy cassette để ghi âm lại lời nói của bác thì thấy bác có vẻ băn khoăn hỏi: “Mi thâu làm cái chi?”. Tôi nói với bác thâu để có gì hay thì cháu nghe lại không thôi nó quên! Bác nói rứa thì được, mi cứ thâu đi, tao nói cho nghe”. Và Bùi Giáng nói về “sự cố” đã đẩy ông vào nhà thương Biên Hòa với nội dung như lời Thanh Hoài tóm lược dưới đây.
“Vào những năm đầu tiên của thập niên 1960, bác Giáng viết rất nhiều, gần như không có ngày nào dừng bút, bản thảo dày lên chưa kịp in thì xảy ra vụ cháy nhà nơi bác đang ở trên đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ, khiến bao nhiêu bản thảo cháy rụi. Bác nói với tôi là tao quá tiếc và đau đớn nhất là công trình biên soạn về truyện Kiều ròng rã suốt 3 năm trời đã thành tro, làm tao buồn quá bỏ hết để rong chơi khắp lục tỉnh, sông nước kênh rạch chỗ nào có dịp là tao tới.
Khi về, thì Tòa đại sứ Pháp và Tòa đại sứ Đức ở Sài Gòn có mời tao đến hỏi thăm, họ nói nếu tao cần sách gì họ sẽ mang tặng không đòi một đồng nào. Nhưng nhà cháy rồi, lấy sách của Pháp của Đức về cũng không có chỗ để, nên tao cám ơn rồi từ chối, không nhận. Thế nhưng hai tòa đại sứ kia không biết thế nào vẫn lại tìm cách gửi đến tao mấy thùng sách quý của các tác giả nổi danh ở nước họ và trên thế giới. Tao đành phải nhận nhưng không biết cất nơi nào nên tao mới đến gặp ông chủ (tạm giấu tên) của NXB VT để vui vẻ tặng lại cho ông ta. Nhưng ông ta không nhận, vì ông nói người Pháp người Đức tặng cho anh toàn sách quý, nếu anh không có chỗ cất vì nhà đã cháy, thì tôi chỉ giữ giùm, khi nào anh cần đến nói là tôi giao lại cho anh. Tao vui vẻ ra về.
Đến không lâu sau tao kẹt quá, không có tiền đủ để ăn cơm bình dân và uống la-de con cọp chai loại lớn nên tao đến gặp ông chủ NXB kia để nhận lại số sách đã gửi. Nhưng kỳ cục là khi tao đến lấy, thì ông ta không giữ lời, nhất định không chịu trả. Tao nhắc lại là tại sao khi tao tặng thì không nhận, nói giữ giùm, bây chừ đến lấy tại sao lại không đưa? Ông ta cứ một mực tỉnh bơ, không trả. Tao nổi điên tao chửi một trận, rồi tao về. Bước ra ngoài đường tao thấy chiếc xe hơi kiểu Nhật sang trọng của ông chủ đó đang đậu trước nhà, luôn tiện tức quá tao lượm một cục đá xanh thiệt to ném thẳng vào chiếc xe đó cho hả giận, ai dè nó bể cái kính xe, mà lúc đó chiếc xe trị giá cả bạc triệu. Ông ta chạy ra thì sự đã rồi, vừa tiếc của, vừa giận tao lắm, mới điện thoại cho thằng em ruột của tao (không nêu tên) lúc ấy là sĩ quan của quân đội ông Thiệu đến mắng vốn và để chở tao về. Khi về đến nhà, thằng em ruột của tao ngao ngán nhìn tao và có lẽ nhớ đến chiếc xe đắt giá bị bể kiếng rồi sợ rằng tao ở trong nhà nó có thể cũng sẽ gây ra cảnh tương tự như thế. Nói trắng ra là thằng em tao với đứa con gái út của nó chắc hẳn nghĩ rằng tao điên nên đã cùng nói với tao là thôi để ngày mai tụi em chở anh về Vũng Tàu vài hôm nghỉ mát cho khỏe người tĩnh trí anh à. Tao cứ tưởng thật nên sáng hôm sau ngồi lên xe cho chúng chở đi về Vũng Tàu. Nào ngờ đến Biên Hòa tụi nó đã chở thẳng tao vào nhà thương điên để gửi, tao có nói gì đi nữa thì bọn “cai ngục” chung quanh cũng chẳng ai tin, mi thấy có đắng họng không?”. Về sau ông viết mấy câu: “Gặp người tôi tưởng người điên - gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”… 

“Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tĩnh tại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó… Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống. Sống dạt dào -  sống nóng hổi tươi mới. Sống và sống là thi ca tràn đầy trong thiên nhiên, trong tình cảm và giữa vạn loài. Ôi thời gian là thực chất mới mẻ đang dâng hiến, dâng hiến bất tuyệt cho người, cho ta, cho cây cỏ, cho nắng mưa, cho rượu chè, cho phở tái, cho tình yêu chan chứa giữa lòng nhau mà đau khổ càng rõ nét, càng vút cao tính khoan hòa thánh thiện… Tính cách này đạo Thiền gọi là phỉ lạc, Bùi Giáng gọi là Niết bàn của thi sĩ…”.

Trần Đới
(Thích Thông Bác)

2: Thiên tài không thể định nghĩa
Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng đã khép lại hôm 14.9 nhưng âm vang trên diễn đàn ấy 'vẫn còn tiếp tục truyền thông và mở rộng' như lời ông Bùi Dương Thạch - đại diện Bùi tộc Vĩnh Trinh tại tọa đàm, đã nói với chúng tôi trong cuộc gặp chiều hôm qua 18.9.

Bùi Giáng tại nhà đường

Lê Quang Định - Ảnh: Tư liệu

Thưa ông, vui lòng cho biết một trong những điều 'vẫn còn truyền thông' sau tọa đàm?
Tôi muốn nói đến tiểu sử Bùi Giáng mà trước đây thường do các tác giả ngoài tộc Bùi viết với một số chi tiết khác nhau làm công chúng băn khoăn. Nay qua tọa đàm, Bùi tộc Vĩnh Trinh chúng tôi thu thập thêm tài liệu để chính thức thông báo về các nét chính trong đời ông sau đây. Bùi Giáng sinh ngày 17.12 năm Bính Dần 1926 tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam, là con thứ nam của ông Bùi Thuyên (thuộc đời thứ 16 họ Bùi ở Quảng Nam) và bà Huỳnh Thị Kiền. Ông lấy vợ năm 1944, lúc 18 tuổi. Vợ ông là hoa khôi trong vùng: bà Phạm Thị Ninh; khi mang thai bà bị bệnh, phải sinh non và cả hai mẹ con đều qua đời. Từ đó ông in sâu vào lòng một quá khứ không vui: “Xin ngó lại bàn chân em bước/ Vì em đi vào lúc gió đương bay”. Rồi ông nói với người đã khuất trên núi rừng Trung Việt: “Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt/ Có lệ buồn, khóc với lệ hòa vui/ Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát/ Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi”...
Về các chi tiết khác, nghe nói đã có một số tài liệu mới về Bùi Giáng vừa lưu hành trong nội bộ của Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM?.

“Hiếm có tác giả nào mà khi ta đọc đôi câu cũng có thể cảm thụ được cái tinh thể của toàn bộ văn nghiệp đồ sộ, nhìn một hành vi mà thấy được phong độ dị thường của cả bình sinh. Một giọt nước mắt mang cả lượng hải hàm của đại dương - nói như nhà Phật. Các bậc thâm trầm ngày xưa gọi đó là “mở cửa thấy núi, một khí xuyên suốt (khai môn kiến sơn, nhất khí quán hạ). Phương Tây bảo rằng Văn là Người. Quả ở đây, Người trở thành Văn, Văn với Người không hai. Anh Giáng là sao Văn Khúc (...) thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được (génie indéfinissable)”.

Bùi Văn Nam Sơn
(Bùi tộc phổ hệ)

Đó là ấn phẩm dày khoảng 360 trang lần đầu tiên chúng tôi tập hợp các bài viết về Bùi Giáng được xem là một bộ sưu tập nhỏ dùng làm tặng phẩm kỷ niệm cho bà con trong Bùi tộc. Chúng tôi cám ơn và ghi nhận nhiều cách nhìn về Bùi Giáng mà chú Bùi Văn Nam Sơn gọi một cách hình ảnh là “Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa”. Chẳng hạn anh Mai Thảo viết về Bùi Giáng rất sống động và tài tình, riêng chuyện “điên” mà Mai Thảo nhắc đến qua 4 câu: “Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng. Tối tối về chùa đêm làm thơ. Ngày ca múa khóc cười giữa chợ. Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi” thì anh Huỳnh Hữu Ủy không đồng tình, cho là “Mai Thảo rất nhầm lẫn khi quy tội điên của Bùi Giáng cho những nguyên nhân thời đại” vì Bùi Giáng đã: “Thoát ra khỏi mọi phiền trượt của cuộc đời, chẳng còn câu chấp chi cả, ông sống hoan hỷ như một đứa trẻ với một nguồn thơ tinh khôi, hồn nhiên, đầy hoan lạc” như mấy câu: “Người con gái lội qua khe/ Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau/Nỗi niềm tưởng lại xưa sau/ Bàn chân với nước cùng nhau lại đè”...
Còn những điểm sáng tương đồng tương cảm?
Có lẽ cần nhắc đến kết luận của Thái Tú Hạp rằng: “Dù với bao nhiêu lời nhận định nào đi nữa ta vẫn thấy một điểm chung của mọi người là đã dành sự yêu mến cho con người siêu lãng tử lẫn thiên tài độc đáo này”. Một điểm chung tiếp theo là nhắc đến “một Bùi Giáng lang thang trên vỉa hè Sài Gòn đau đáu nhớ nhung về mảnh đất hẹp Quảng Nam mà vẫn đem triết học Đông Tây về với ca dao lục bát, vẫn có thể quàng vào thân thể của Brigitte Bardot hay Monroe những xiêm y của Xuân Hương” như Nguyễn Hoàng Vân đã viết từ Melbourne (Úc). Các bài viết trước năm 1975 của Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Tạ Tỵ, Du Tử Lê, hoặc sau này của Huy Cận, Trụ Vũ, Phạm Thiên Thư, Vũ Đức Sao Biển, cùng nhiều tác giả khác đều tựu trung nhắc đến Bùi Giáng là thi sĩ đã đưa thơ “vượt qua những rào cản của ngôn ngữ”. Nỗi nhớ quê hương của ông cũng thật lạ như: “Người hỏi tôi: Từ đâu ông đến đây?/ Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về/ Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?/ Và cô có phải là cô Bông năm nào?/ Anh còn nhớ rõ ôi chao!/ Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh/ Anh điên mà dzui-dzẻ thập thành/ Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu”.
Những năm cuối đời, có lần Bùi Giáng về thăm những “cô gái quê” thuở xưa: “Bảy mươi tuổi quá nặng nề/ Còn em đã sáu tám rồi em ơi”. Ông cũng viết một bài thơ trước khi mất do Bùi Kiến Quốc chép lại: “Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam/ Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn/ Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình/ Tìm người bạn cũ không ra/ Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày/ Xóm làng, đồng ruộng lạ thay!/ Chỉ còn dáng núi chạy dài xa xa/ Giữ nguyên hình ảnh đậm đà/ Còn trong kỷ niệm bao la tuổi nào/ Ngắm nhìn, tim máu xôn xao/ Tôi rời đất Quảng trở vào miền Nam/Tâm hồn bao xiết hoang mang/ Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng...”.
Riêng ông nhớ nhất những câu gì của Bùi Giáng?
Câu: “Ta đi còn gửi đôi dòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù”, thơ của ông gửi lời hẹn không chỉ đến người ở cõi này, mà còn đến những ngày “hội” ở kiếp sau. Đồng thời cũng làm chúng ta liên tưởng đến người vợ xinh đẹp của ông cùng qua đời với đứa con đầu lòng khi tuổi mới thanh xuân - và chắc chắn biến cố ấy đã làm ông đau xót hẹn hò: “Mai sau còn dự hội nào/ Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông...”. 
3: Cuốn sổ nợ 'đoạn trường'
Lúc 9 giờ sáng nay 20.9, lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất Bùi Giáng (1998 - 2013) sẽ cử hành tại ngôi mộ của ông ở nghĩa trang Gò Dưa, Q. Thủ Đức, TP.HCM.

Thủ bút của Bùi Giáng trong sổ nợ

 đoạn trường - Ảnh: tư liệu

Ngày Bùi Giáng mất theo âm lịch là 17.8 Mậu Dần, nên hằng năm lễ giỗ thường được tổ chức ngày 16.8 âm lịch (năm nay rơi vào 20.9.2013 dương lịch). Vì thế, trưa nay gia đình sẽ cúng ngọ với mâm chay đặt trước mộ và mâm mặn dành cho các văn nghệ sĩ khắp nơi yêu thơ ông đến viếng để uống chén rượu nhớ ngày ông ra đi giữa “ngàn thu rớt hột”. Nhà thơ Trần Đới - người gắn bó với Bùi Giáng suốt 15 năm trên “chiếc đu bay” sẽ có mặt. Và dự kiến Đắc Phúc sẽ hát tại chỗ một số bài nhạc do anh phổ thơ Bùi Giáng, bên cạnh tay đàn tây ban cầm cổ điển Lê Quốc Phong và nghệ sĩ nhạc rock Linh Xù (Phan Ngọc Linh), Lư Châu (Phan Văn Châu). Dịp này, chúng tôi đến ngôi nhà cũ Bùi Giáng ở nhiều năm trước lúc qua đời và được gia đình cho xem các cuốn sổ nợ do chính ông ghi từ 1993 đến 1998.
Trong đó, ông thường ghi nợ ở một quán mở gần nhà (nằm trong con hẻm đường Lê Quang Định), chủ quán là ông Tốt rất “từ bi”, hễ Bùi Giáng uống rượu chịu bao nhiêu vẫn cứ để ghi sổ dài dài, nên cuối năm 1997, giáp Tết Mậu Dần 1998 (năm Bùi Giáng mất), đã viết mấy câu vào sổ nợ: “Bài thơ thân tặng Đại ca/ Kính thưa ông Tốt là cha thằng Bùi khùng”.
Nghe nói ông Tốt đã xin Bùi Giáng đừng gọi ông ta bằng “cha” mà ông ta sẽ bị tổn thọ. Song Bùi Giáng bác bỏ, nói biết đâu kiếp trước, kiếp xưa, kiếp xa “ngài” đã mấy triệu lần làm cha “Bùi” này rồi. Chiều 30 tết, gia đình ra trả nợ để lấy cuốn sổ ấy về, thay vào cuốn sổ mới, Bùi Giáng lập tức ghi mở hàng: “Trả xong món nợ láng giềng/ Lòng vui phơi phới tháng giêng Mậu Dần”.
Nhưng chỉ vài giờ sau giao thừa, Bùi Giáng lại xuất hiện trước cửa ông Tốt “đạp đất” để khai bút đầu năm vào sổ, thiếu “một ngàn rưỡi ngày nguyên đán”. Mồng hai, mồng ba cũng vậy, đến: “hôm nay mồng bốn tháng giêng/ hai ngàn nợ này - say rượu suốt hoài trăm năm” và kéo dài gần hết tháng giêng: “sau tết 20 ngày nợ hai ngàn rưỡi” và “sau tết 22 ngày/ nợ nơi này hai ngàn rưỡi”… Điều khác người, là tiền nợ ông ghi bằng chữ chứ không ghi bằng số.
Cũng có chỗ nợ chỉ năm ngàn nhưng ông ghi: “nợ nần năm triệu” với chú thích rõ bên dưới: “tức là năm ngàn Việt Nam”. Có lần ông Tốt méc với gia đình là bác Giáng ngồi uống rượu ngoài quán la hét rằng làm vua, làm tổng thống, làm chủ tịch nước không sướng bằng ông Tốt sinh ra để suốt đời bán rượu cho thằng khùng, đúng như ông đã viết trong sổ nợ: “Muôn thu thiên thượng lâu đài/ không bằng bán rượu lai rai cho thằng khùng - năm ngàn hôm nay - giờ này số dzách - 1998 January”. Có những câu khá buồn: “Tháng năm sắp đổi sắp dời/Một mình ngồi uống biết mời mọc ai/ Chỉ còn cô độc đeo đai...” . Những câu ấy nhắc chúng tôi nhớ lại tham luận của GS-TS Huỳnh Như Phương mới đây tại Tọa đàm khoa học về Bùi Giáng có đoạn đại ý nói rằng tọa đàm mở ra ngoài các mục đích nghiên cứu khoa học, còn được xem là lời xin lỗi với vong linh Bùi Giáng về nhiều năm đã “bỏ quên” ông…
Trong “sổ đoạn trường” ấy Bùi Giáng cũng nói trước về ngày ra đi của mình: “Nợ nần ông trả từ nay/ Về sau ắt sẽ còn đâu nợ nần”. Thật ra, chính chúng ta nợ ông rất nhiều. Món nợ lớn nhất (chưa nói đến giá trị văn chương và tư tưởng độc đáo của ông), là nguồn vui lạ lùng mà cuộc sống lang thang của ông đã lan tỏa ra ngoài, không hề tính toán và đòi hỏi gì, như Huy Tưởng đã viết và đọc cách đây đúng 15 năm trong giờ vĩnh biệt: “anh Bùi Giáng đã dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi Thơ ca, TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy nhất thơ ca (…) tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gởi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vay tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng (…) Xin vĩnh biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời Đâu suất…”.
Thật vậy, ông đã mang “những hạt nắng bảy màu” đến với nhân sinh cùng tiếng cười vui bất ngờ đâu đó: “Cái vui ấy ông đã ban tặng cho đời mãi đến ngàn sau, không những bằng ngôn từ mà cả bằng thân xác” (Thích Nhuận Châu) - và nay ông đã về “cố quận” (như chữ ông thường dùng) để lại mấy câu da diết: “Đất hoa khóc vĩnh biệt người/ Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu”.
Lời cố quận là tên một tập khảo luận nổi tiếng của Bùi Giáng - cùng với tập Lễ hội tháng ba trở thành hai cuốn sách mà bạn đọc có thể tìm hiểu về tư tưởng được xem là “ẩn mật” của ông - như Bùi Văn Nam Sơn nhận định. Sáng nay, ông có thể sẽ trở về trong hương khói, với “niềm vui ẩn mật” mà Nguyễn Quang Thanh từng khẳng định là luôn luôn được “phơi bày ở trong chính mình và ở quanh mỗi chúng ta”. Phơi bày trong im lặng và im lặng như thơ Bùi Giáng viết: “Một lời chẳng nghĩa là bao/ Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe?”. 
Bùi Giáng đã tạo ra được một cuộc hôn phối kỳ lạ giữa Trời và Đất, Đông và Tây, giữa Heidegger đìu hiu gió tuyết và Nguyễn Du tịch mịch sương chiều. Bùi Giáng không bao giờ là một nhà “giải minh” tư tưởng triết học hiểu theo nghĩa hàn lâm của thuật ngữ này (...) ông không bao giờ sử dụng các “phương pháp phân tích” và diễn giảng của nhà trường để đi sâu vào một tác phẩm hay một tác giả. Với ông, chỉ có sự đồng cảm hay thấu cảm với một tâm hồn đồng điệu nào đó hoặc với suối nguồn uyên nguyên của tư tưởng mới là điều đáng kể, còn ngoài ra tất cả đều là phù phiếm, dù cho sự phù phiếm này có được nâng lên thành một hệ thống quan niệm có tính chất phương pháp luận. 
4: Đạt đạo cõi thơ
Chiều qua (20.9), dự lễ tưởng niệm Bùi Giáng ở Nghĩa trang Gò Dưa (TP.HCM) xong, lão thi sĩ Trần Đới, 82 tuổi - tác giả thi phẩm Tảo mộ lênh đênh, đã nói chuyện với chúng tôi một cách say mê về Bùi Giáng, mở đầu vỏn vẹn với bốn chữ Bùi Giáng đạt đạo.

              Bùi Giáng làm thơ trên xe xích lô - Ảnh: Tư liệu

Đạt đạo như thế nào? Nghe hỏi, Trần Đới nói với giọng khá to:
- Đạt đạo ở chữ “mỹ”. Có người vào đạo qua chữ “chân”, hoặc chữ “thiện”, còn Bùi Giáng đạt đạo ở cõi thơ tức vào đạo qua chữ “mỹ”. Giống như muốn vào một thành phố có nhiều cửa, người ta chỉ cần vào một cửa là được - Bùi Giáng đã theo cửa “mỹ” ấy để vào, thì cả “chân” và “thiện” cũng thành tựu một lần theo bước chân ông.
Trần Đới nói: “Mình bắt đầu quen Bùi Giáng tại Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn năm 1972”, lúc ấy đại học này quy tụ một số tài danh thi văn như Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sỹ, Trần Xuân Kiêm… Những ngày sống với Bùi Giáng tại một căn phòng vừa rộng vừa trống trải tại Tổng vụ thanh niên Phật tử, mỗi sáng hễ rủng rỉnh vài ba đồng trong túi là họ kéo qua quán phở Vũ Hùng gần đó ăn, xong về nằm “mỗi người làm việc của mình” trên những cái giường sắt trải nệm vừa cũ vừa mòn, nhưng có thể nhún nhảy tha hồ nhờ đám lò xo bên dưới. Chính ở đó Trần Đới đã làm thơ rồi đưa Bùi Giáng đọc, có lần Bùi Giáng đọc xong đã nhắc ông hãy tránh lối nói đao to búa lớn: “Chuyện như kia mà nói lời như thế, đó là lời tục tĩu của bọn phàm phu muốn bắt chước các ông thánh. Siêu thực không phải chỉ là chuyện ở trên mây. Càng không nên bắt chước lối nói của Phật, Chúa, Khổng, Lão. Phật, Chúa, Khổng, Lão đang nằm nhún nhảy, giỡn cười và hút thuốc trên giường đây nè! Chú mày hãy nghe tiếng cút kít của chiếc giường và nhận ra pháp âm của đạo. Ngôn ngữ của thi ca là cảm tính đi trước, tư tưởng đi sau…”. Và muốn làm thơ lục bát nên đọc và ngẫm các câu: “Đồn xa quằn quại bóng cờ/Phất phơ buồn tự thời xưa trở về… Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san… Cặp trên của ai vậy anh? - Huy Cận. - Dưới thì Kiều… - Ừ. - Rứa còn của anh? câu nào mà anh cho là đạt nhất? - Ông lộn xộn hoài… Muốn gì đấy? Mưa nguồn và Lá. Nhưng đọc xong thì quên tuốt mẹ nó đi. Hãy quên, tất cả những gì mà từ trước đến nay đã biết. Hãy quên đi rồi hãy viết. Hãy viết như viết trong chiêm bao: nơi đó mọi thứ đã trộn lẫn. Một thứ trộn lẫn đầy cảm động và mãnh liệt. Đừng có chằm hăm vào một cái gì, một chỗ nào. Hãy nên chằm hăm vào rạt rào, như vậy, như vậy… - Vậy vậy!”.
Lão thi sĩ Trần Đới nói đại ý người “đạt đạo” không ngự trên mây xanh mà hòa lẫn với vạn duyên trong trời đất, không từ chối niềm xôn xao chào đón của những hạt bụi, cỏ  hoang, hoa dại và sương khói bên đường. Có thể nghiệm ra điều ấy qua hành trang của một Bùi Giáng lang thang, khi thì ngồi làm thơ trên “xô xích le” (xe xích lô), khi thì lượm bao ni lông, giấy vụn…
Vừa nói, Trần Đới vừa đưa chúng tôi xem tập san kỷ niệm Bùi Giáng in đã lâu nhưng chỉ phổ biến rất hạn chế trong vòng thân hữu chứ chưa rộng rãi và bảo chúng tôi nếu thấy được hãy trích giới thiệu với bạn đọc trẻ ngày nay, trong đó có đoạn Trần Đới hỏi: “- Lô hỏa thuần thanh là chi rứa anh Bùi?”  - “Ngọn lửa đã xanh… Lửa đã xanh thì tươi mát như ngọn lá đa mới nở. Nhưng sức nóng mãnh liệt của nó xuyên thủng bất cứ thứ cứng rắn nào”. Trần Đới cũng nhắc đến một người: Phạm Mạnh Hiên - tác giả của một bài viết khác trong tập san trên, trích dưới đây:
“Tôi nhớ năm 1973, nhà văn Mai Thảo (đã chết ở Mỹ) và Nguyễn Xuân Hoàng lúc đó đang trông coi tập san Văn có ý muốn làm số đặc biệt về Bùi Giáng. Tôi vốn mê thơ Bùi Giáng từ lâu, dù chưa được gặp anh, tôi xăng xái viết cho Văn một lúc hai bài (ký bút danh Nam Chữ và Thục Khưu). Báo ra, một bữa tôi đến tòa soạn lãnh nhuận bút, bất ngờ gặp Bùi Giáng ở đấy. Sau lời giới thiệu của N.X.H rồi cùng kéo nhau ra quán cóc bên hông tòa soạn uống lave. Thế là tôi đã được gặp Bùi Giáng, một Bùi Giáng bằng xương bằng thịt hẳn hoi! Tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện đồng thời cảm thấy nhỏ bé trước anh vô cùng. Từ đó giữa anh Bùi Giáng và tôi trở nên thân thiết. Anh Bùi Giáng ở một góc nhỏ trong căn phòng rộng với vài vị sư khác trong Viện đại học Vạn Hạnh. Tôi thường lên anh chơi. “Tài sản” của anh chỉ có chiếc giường sắt cá nhân, manh chiếu mỏng, dưới gầm giường lủ khủ đủ thứ loại sách. Tôi rất ngạc nhiên, sau bao nhiêu năm thân thiết với anh, chẳng bao giờ tôi thấy anh ngồi bàn viết (mà bên chỗ anh nghỉ ngơi cũng không có chiếc bàn chiếc ghế nào). Lúc nào anh cũng nằm ngửa viết, nằm ngửa đọc trên chiếc giường cá nhân của mình. Anh viết nhanh, viết nhiều bằng những cuốn vở tập học sinh, những cuốn sổ dày kẻ ca-rô. Tôi thường cùng anh ngao du khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, bất kể đêm ngày. Những lúc đó tôi thấy anh làm thơ sao mà dễ dàng, ngồi đứng gì chữ cũng cứ theo ngòi bút trên tay anh trào ra ào ạt. Anh làm thơ bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, miễn là trên tay anh có bút giấy hay những trang sách nào đó cũng được, đặc biệt sách nào anh đọc qua đều thấy chằng chịt những ghi chú lẫn cả thơ anh viết. Được đi ngao du với anh như thế cũng là đã lắm rồi. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè. Thú vị xen lẫn với ngỡ ngàng, ngơ ngác!”. 
5: Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh

“Viết về bất cứ danh nhân nào người ta thường phải nhắc đến nơi chôn nhau cắt rốn cũng như dòng dõi huyết thống của danh nhân đó - ở đây chúng tôi muốn nói đến Bùi Giáng với Bùi tộc Vĩnh Trinh”.

                                        Ảnh: Gia đình cung cấp

Ông Bùi Dương Thạch (ảnh), 65 tuổi - đại diện Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM - đã mở đầu như vậy trong buổi gặp gỡ thân mật với chúng tôi vào trưa qua 21.9, rồi tiếp: “Bùi Giáng thuộc đời thứ 17 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Dòng họ này rời đất Hoan Châu, tỉnh Nghệ An ngày nay, vào cuối thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tôn, để theo cuộc Nam tiến lịch sử cùng tiền nhân của Đào tộc vào vùng đất Quảng Nam sáng lập ra xã hiệu Bình Khương, hiện nay là làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, với đệ nhất tổ là ngài Bùi Tấn Diên và đệ nhị tổ là ngài Bùi Tấn Trường, khai khẩn và phân ranh giới 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù Bàn và An Lâm, thường gọi “lục thôn”. Bài minh trên bia đá kỷ niệm trùng tu đình Lục thôn (Đình Châu) năm 1754 ghi: “Nguyên châu chúng ta ngày trước có ngài cai phủ Khánh Sơn hầu Bùi Quý công cấu tạo đình sở - đất linh, người giỏi, tiếng đồn vang khắp châu thôn - người gần lấy làm hài lòng - kẻ xa rủ nhau kéo đến - họp thành chợ đông vào lúc ban trưa - đến nay chưa ai quên được”...
Ông Thạch kể, về sau họ Bùi phân định làm 5 phái vào đời thứ 13. Sang đời thứ 14, Bùi gia đã nổi tiếng “của nhiều người đông”. Đến đời thứ 15, nhiều vị đã từ Vĩnh Trinh sang lập nghiệp ở các phủ huyện khác như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn. Tiêu biểu nhất cho nếp sống nho phong có ông Bùi Túc, hai vị đỗ đạt là ông Bùi Hữu Chí và Bùi Giác. Đến đời 16, nổi tiếng trong nước về lĩnh vực văn hóa có Bùi Văn Nam Sơn hiện nay và Bùi Thế Mỹ trước kia. Bùi Thế Mỹ (1904-1943) là nhà văn, ký giả nổi danh với bút hiệu Lan Đình và Thông Reo, chủ bút nhật báo Điện Tín - cộng tác thường xuyên với các tờ: Tân Thế kỷ, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ Tân Văn, Công Luận, Dân báo và từng bảo với bạn mình là Thiếu Sơn: "Tôi không tha thứ cho bọn gian lận kiếm ăn trên địa hạt văn chương". Khi ông mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có câu đối khóc ông trên báo Tiếng Dân.
Đời thứ 17 có Bùi Kiến Tín du học và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pháp, về nước ông sáng chế loại dầu chữa bệnh thời khí nổi danh có tên “Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín” thông dụng toàn quốc. Công thức bào chế của ông hiện nay vẫn được một số xí nghiệp dược phẩm Việt Nam dùng để tái sản xuất. Bác sĩ Tín là thân phụ của tiến sĩ Bùi Kiến Thành - người Việt đầu tiên được đào tạo tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính và có quá trình hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực này trên trường quốc tế (sau năm 1975, ông Thành trực tiếp hỗ trợ Ban Biên giới chính phủ nghiên cứu cơ sở luật pháp để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa, khu vực dầu khí biển Đông). Bác sĩ Tín cũng là thân phụ của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Cũng đời thứ 17 đã xuất hiện Bùi Giáng, “sinh tại làng Vĩnh Trinh, nay thuộc thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là con thứ hai của ông Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền - nhưng nếu tính tất cả các anh em trong nhà thì Bùi Giáng là con thứ năm. Sau này khi ông vào sống ở Sài Gòn được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng”, ông Thạch nói.

Rời quê hương, Bùi Giáng ra đi, đi và đi mãi, và đã gặp những ai trong lễ hội tháng ba, tháng tư tháng năm, tháng chín tháng mười, tất cả mọi tháng nào “còn sơ nguyên mộng”?
Gặp Bồ Tát cười vui như nắc nẻ
Một hôm nào nương tử bước 
hai chân
Vén xiêm áo nghe tượng thần 
mở hé
Tòa thiên nhiên ngồi xuống cỏ 
vô ngần (...)
Người ta chết lúc làm thơ
như thế
Không hề gì vì chết rỡn
cho vui...
BÙI GIÁNG

Như vậy, từ chiếc nôi Vĩnh Trinh, thi sĩ Bùi Giáng đã bước vào “cuộc lữ”, mang theo những kỷ niệm không quên về thời trẻ ở quê nhà: “Đường đi nhật nguyệt trôi qua/ Tha hương cố quận lạc hoa một nhành/ Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng”. Nội hàm của hai tiếng “cố quận”, “quê hương” hoặc “quê nhà”, trong sáng tác của Bùi Giáng mang nhiều ý nghĩa. Có thể đó là quê hương “nhất như” của tất cả mọi loài. Là nơi trăn trở “hướng về” của loài người bị “lưu đày” qua nhiều đời nhiều kiếp. Cũng có thể là chiếc nôi Vĩnh Trinh trong thương nhớ đời này của ông với những “mộng ban đầu”, với những “cái gì đã mất”, được ghi qua di cảo: “Hình dung ở dưới trăng ngà/ Một hình bóng cũ nảy hoa dưới trời/ Tình yêu đã mất em ôi/ Chiêm bao mộng tưởng rong chơi suối vàng”. Cũng trong bản thảo viết tay của ông để lại, đã đọc thấy những dòng hoài niệm: “Anh sắp đặt em một chỗ nằm/ Khoát tay em bảo em không nằm ngồi” - mà muốn “đứng” mãi trong trái tim ông. Và ông (cũng trong di cảo) đã đưa “tình trong tim máu ra ngoài rong chơi”. Đó là hiểu quê hương theo cái nghĩa xương thịt nguồn cội của Bùi tộc, còn “quê hương” và “nỗi nhớ” trong thế giới thơ Bùi Giáng quá đa nghĩa, mà chúng ta cần có thời gian chiêm nghiệm - ông Bùi Dương Thạch đã nói như vậy vào cuối buổi gặp mặt.  
6: Những bài thơ cuối đời
Sáng nay 23.9 ra mắt tập thơ cuối đời của Bùi Giáng gồm 88 bài trước đây còn nằm trong bản thảo chưa in, vừa được gia đình kết hợp NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành, với tựa do chính Bùi Giáng đặt lúc sinh thời: Tâm sự tuổi già.
Đây cũng là tập di cảo thứ 11 xuất bản trong vòng 15 năm qua - kể từ ngày Bùi Giáng rời “cõi người ta” - và chính thức bắt đầu phát hành hôm nay ở ngôi nhà ông đã sống và viết tập ấy trước khi mất năm 1998 ở số 482/35/5 Lê Quang Định, P.11, Q. Bình Thạnh, TP.HCM (nhà sách Quỳnh Na) và một địa chỉ khác: 245 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM (nhà sách Hà Nội).
Giở tập thơ ra, ngay bài thứ nhất cũng cho ta biết ông viết trước lúc ra đi không lâu: “Bảy mươi ba tuổi Xóm Gà chơi/ Xóm núi xưa xa ở cuối trời”. Xóm núi xưa xa là xóm núi nào? Đó là: “miền quê hẻo lánh, xung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy suốt cả tuổi thơ (làng tôi có xưa kia nhiều cỏ mọc - cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn gò, đồi núi thật xanh). Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn thiêu nướng khổng lồ” như Bùi Giáng từng bộc lộ. Cuối bài thơ là hai câu: “Sơn ổ cuối trời xa có biết/ Tâm tình dị khách thất thập dư?”. Ông tự nhận mình là một “dị khách” vào tuổi “thất thập dư” và “sơn ổ cuối trời” được nhắc đến trong bài chính là nơi ông đã mừng chào cô Chín nào đó: “Mừng chào cô Chín Quảng Nam/ Duy Xuyên phủ huyện Vĩnh Trinh thôn làng”.
Có tác giả từng nhận xét “Bùi Giáng càng điên... càng tỉnh - càng già... càng lãng mạn” (Nguyễn Hưng Quốc), ứng với bài Lần cuối trong di cảo Tâm sự tuổi già: “Thăm em lần cuối cùng này/ Tặng em chẳng rõ lấy gì tặng nhau/ Ngỡ ngàng chuyện trước chuyện sau...” và chú thích bên dưới bằng hai câu thơ tuyệt vời của Nguyễn Đình Toàn: “Ru em lần cuối cùng này/ Bằng hơi mát của một ngày sắp qua”.
Nối theo là: “Dòng sông chảy tới tận cùng/ Ngày đêm không một phút ngừng chảy trôi” - gợi đến Apollinaire mà ông đã dịch thơ - và bài Mon destin oh Marie chẳng hạn: “Tình chấn động suốt vùng cây suối liễu/Mà bỗng dưng nay chẳng kiếm ra dòng”. Cũng liên tưởng đến A une passante của Baudelaire, được Bùi Giáng dịch với câu: “Có nghe trong gió mộng triền miên qua”. Vậy đó, một mảng đậm đà trong di cảo này gồm những bài có dính dáng đến “mộng”: “Chiêm bao luống những nhiều rồi/ Nhớ dòng sông cũ nhớ đồi núi xưa” - “Tuổi già còn được bao lâu/ Mà mơ với mộng đằm đằm chiêm bao” vừa được Đắc Phúc phổ nhạc và in vào tập này (cùng với các nhạc phẩm: Xuân hồng và Trăm năm hồng lệ).
Các ý thơ tương tự viết năm 73 tuổi (vài tháng trước khi Bùi Giáng qua đời) đưa ta về với thơ Saint John Perse, như bài Je me souviens, với lời dịch thi thoát của ông: “Trong ly nước mộng tuyệt vời/ Với sầu giao động nỗi đời giao thoa/ Linh hồn định mệnh âm ba/ Bông vàng khép mở đầu hoa mơ hồ”! Một dấu nhấn nữa trong Tâm sự tuổi già là những lời “chào” viết lúc ông sắp qua đời: “Già quá sắp chết đến nơi/ Chào nhau biết có ai đâu mà chào (...) Chào em những buổi chiều chiều/ Ra bờ sông ngắm ngọn triều đang lên”. Đứng trên “bờ sông” sinh tử, ông vẫn cười và vẫn “phá thể” trong thơ: “Bà nay đã tám mươi ba/ Tôi nhỏ hơn bà mười tuổi/ Tôi nay chỉ bảy mươi ba mà thồi” (chữ thồi ở đây có nghĩa là thôi). Cũng có những câu gửi vào cõi nào xa lắm: “Tôi về nhà chốn Phiêu Bồng/ Tôi về nơi chốn có Mồng Một Giêng”. Ba chữ “Mồng Một Giêng” viết hoa nói đến một cuộc “tái lai” của ông. Còn hiện đời: “Còn chi nữa? Nữa còn chi/ Còn chi nữa chẳng chút chi là còn”. Một kiếp thi sĩ, một kiếp thị hiện tài hoa, rồi cũng trôi qua như màu hoa trên dòng nước xiết: “Dòng thu nước chảy chan hòa/ Sóng xuân thủy lục vì hoa hồng vàng”.
Đậm nét qua những bài thơ cuối đời trong di cảo thứ 11 này là những câu ghi lại “hành trạng” của ông trên đường lang thang: “Ăn trong vườn ngủ ngoài đường/Ấy là tình nghĩa máu hường cho tim/ Nhành mai hỏi, đóa lan xin/ Chiều nay ngõ trúc vắng tin tức người” (Ăn và ngủ). Có bài với tựa nghe rất buồn: Rồi tôi khóc - nhưng đọc lại thấy ấm áp: “Triền miên một phút vô cùng/ Một giây vô tận tao phùng tình yêu”. Ông cũng nhắc đến nhiều con vật: “Rằng sao rất mực người ta/Mà ngơ ngẩng vịt mà già nua trâu”. Vịt, được Huỳnh Hữu Ủy kể: “Có một bữa, ông đòi tôi chở về căn nhà nào đó bên miệt Phú Nhuận để ông cho vịt ăn, vì nhiều ngày qua rồi ông chưa trở về chắc là vịt đói lắm. Trên căn gác tôi đưa ông về, ông rào một chuồng vịt khoảng mấy thước vuông, ông ném gạo cho vịt ăn, nói nói cười cười, rất hoan hỉ, nhưng đàn vịt ấy chỉ toàn là một bầy vịt bằng... nhựa!”. 

Thi sĩ Phạm Phú Hải (đã qua đời) - tác giả tập thơ với cái tựa độc đáo và vang bóng: Gánh nước tưới sông - có đăng bài thơ Không đề khá dài trong đặc san Tưởng niệm Bùi Giáng, mà khi đọc chúng ta thấy hồn thơ của Phạm Phú Hải cùng “Bùi Giáng đại huynh” dường như kẻ trước người sau tiếp nối từ một nguồn Hồng Lĩnh. Xin trích đôi dòng:
Ngọn hồng và cỏ ngủ quên
Gót son (và) mặt đất nghiêng bên chân người
Áo bay nghiêng một bầu trời
Tiếng cười nghiêng một chút thời gian xanh
Gió là cánh của âm thanh
Ngày là sóng của biển hành tinh xa
Xuân là nguyên đán giao thoa
Nắng là mật của ngàn hoa không màu...

7: Bùi Giáng - Phạm Công Thiện với "Ngày tháng ngao du"
Ngồi lại với nhau nhân ngày đầu tiên phát hành tập thơ cuối đời của Bùi Giáng: Tâm sự tuổi già vào hôm qua (23.9), các bạn làng văn có nhắc đến một trong những gương mặt dị thường từng sống mãnh liệt cùng Bùi Giáng qua những “ngày tháng ngao du”...

Bùi Giáng qua ống kính của L.N.D

Ảnh: gia đình cung cấp

Đó là nhà thơ - học giả Phạm Công Thiện, sinh năm 1941 tại Mỹ Tho, tài hoa và rất thông minh như Bùi Giáng - thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha và Sanskrit (một cổ ngữ của Ấn Độ) từ 15 tuổi, biên soạn Anh ngữ tinh âm lúc 16 tuổi, bắt đầu viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học lúc 19 tuổi.
Phạm Công Thiện nổi tiếng với một loạt sách biên khảo: Bồ đề Đạt ma - tổ sư Thiền tông (1964), Im lặng hố thẳm và Hố thẳm của tư tưởng (1967), dịch cuốn: Tự do đầu tiên và cuối cùng (nguyên tác Krishnamurti - 1968), Về thể tính của chân lý (Martin Heidegger - 1968), Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (Friedrich Nietzsche - 1969).
Ông làm Khoa trưởng Văn khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh, chủ biên Tạp chí Tư Tưởng của viện này từ 1968 và đã xuất gia thọ giới với pháp danh Thích Nguyên Tánh tại chùa Hải Đức. Năm 29 tuổi (1970), từ giã Bùi Giáng và làng văn Sài Gòn, Phạm Công Thiện rời Việt Nam qua Đức, Pháp, rồi Mỹ, giảng dạy tại College of Buddhist Studies. Ở hải ngoại, ông tiếp tục viết nhiều tác phẩm, như: Trên tất cả đỉnh cao là im lặng, Đối mặt với 1.000 năm cô đơn của Nietzche và qua đời tại thành phố Houston (Texas, Mỹ) ngày 8.3.2011, thọ 71 tuổi.
Là một học giả, một nhà văn nổi danh với các cuốn: Mặt trời không bao giờ có thực hoặc: Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, nhưng trước hết Phạm Công Thiện tự nhận mình là nhà thơ, với tập: Ngày sinh của rắn (1967), trong đó nhiều câu được người yêu thơ đọc thuộc: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông” - hoặc cả đoạn dài: “Gió thổi đồi tây hay đồi đông/ Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng/ Trong mơ em vẫn còn bên cửa/ Tôi đứng trên đồi mây trổ bông/ Gió thổi đồi thu qua đồi thông/ Mưa hạ ly hương nước ngược dòng/ Tôi đau trong tiếng gà xơ xác/ Một sớm bông hồng nở cửa đông” (Lê Uyên Phương phổ nhạc).
Để giúp thêm tư liệu, một kỳ lão trong làng văn cho chúng tôi mượn cuốn đặc san Tưởng niệm Bùi Giáng do thầy Thích Quảng Hạnh và Thích Thông Bác chủ biên, có đăng bài của nhà văn Tuấn Huy viết về những “ngày tháng ngao du” giữa Bùi Giáng và Phạm Công Thiện như sau: “Mỗi lần Phạm Công Thiện gặp Bùi Giáng là hai người thường gây nhau. Gây nhau về những “triết thuyết” này và “tư tưởng” nọ. Nhưng với thơ văn thì hai người lại “thương” nhau vô cùng. Bùi Giáng thường đọc những câu thơ ngắn cho Phạm Công Thiện nghe và ngược lại. Trong thơ  không có điều gì phải luận giải, trong thơ chỉ có sự chia sẻ và cảm thông. Chúng tôi nhìn hai nhà thơ quàng ôm nhau. Hai nhà thơ ngó nhau cười dịu dàng. Hai nhà thơ uống những ngụm bia lạnh. Hai nhà thơ hút thuốc lá. Rồi hai nhà thơ ngồi yên như pho tượng” (…) Một ngày khác, tôi chở Phạm Công Thiện đến thăm Bùi Giáng. Căn gác gỗ ọp ẹp ở bến xe đò gần đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2- PV). Vừa bước lên cầu thang, đã thấy một dãy “gà mên” xếp đầy trước một khung cửa đóng kín. Phạm Công Thiện gõ cửa. Mùi thức ăn (từ gà mên để lâu ngày) gây nồng, và những con ruồi bay chấp chới trên những chiếc vung bằng nhôm xám xỉn. Một lúc, Bùi Giáng ló đầu ra. Áo quần nhăn nhúm và tóc tai bù rối. Căn phòng nhỏ, chật cứng sách vở. Một chiếc mền màu tro cũ và một ngọn điện được kéo thấp xuống còn cháy sáng. Bùi Giáng, một tay đẩy những đống sách cho gọn gàng lại, một tay hất hất chiếc mền. Cả ba chúng tôi vẫn đứng vì căn phòng quá hẹp. Một đôi đũa và mấy chiếc mũ quăng bừa bãi trên một cuốn sách của Camus. Một đôi vớ đen lẫn lộn giữa một cuốn sách của Heidegger. Bùi Giáng nói: “Ngồi đi, ngồi đi…” (…) nhưng chúng tôi đứng lổn ngổn như mấy con ngựa hoang giữa một lòng núi hẹp”. Bùi Giáng giải thích nhiều bữa ông đã quên ăn, cứ để những phần cơm trước cánh cửa đóng im lìm, nhưng người nấu cơm tháng cứ theo lệ hằng ngày vẫn xách tới thêm, để sẵn.
Tuấn Huy kể tiếp: “Tôi nhìn lại những chiếc gà mên và những con ruồi đậu xuống như một tấm lưới không hề có thực. Lát sau chúng tôi đến một tiệm cơm chay ở góc đường Trần Quốc Toản, đối diện với Việt Nam Quốc tự (…) Phạm Công Thiện gọi một ly cà phê. Tôi gọi một ly trà đá. Riêng Bùi Giáng gọi (một lúc bốn thứ cả thảy): một tô hủ tíu, một tô mì, một ly cà phê sữa và một ly đá chanh. Tôi ngơ ngác nhìn Bùi Giáng, nhưng càng ngơ ngác hơn khi thấy ông ăn một miếng mì, rồi lại ăn một miếng hủ tíu, uống một chút nước chanh, rồi lại nhắm nháp một chút cà phê (…) Ông gắp cái này một chút, uống cái kia một chút - như người nhạc trưởng uyển chuyển trước một dàn nhạc. Ngay cả đồ gia vị cũng vậy. Ông rắc một chút tiêu lên tô này, lại thêm một chút ớt vào tô nọ. Xúc một muỗng đường, xin vài hạt muối. Muối cho vào ly đá chanh. Đường cho vào tô mì, lung linh chộn lộn. Có lẽ chỉ có ông trời xanh hay bà trời trắng mới biết được ông đang ăn uống hay đang chơi dạo giữa mùa trăng châu thổ?”. 

“Bùi Giáng - thi nhân thấu thị, đã sống kiệt tận miên bạc bình sinh, đã là một trong số hiếm hoi những linh hồn đã đi đến tận đáy của cái vực sâu không đáy, đã yêu đắm đuối cả cuộc bể dâu thê thảm, để công phu ghi tặng lại, bằng ngòi bút lô hỏa thuần thanh...”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thanh

8: Với Thanh Tuệ và NXB An Tiêm
“Lá nằm duỗi dọc duỗi ngang/ An tiêm xuất bản một tràng cỏ hoa/ Trăm năm trong cõi người ta/ Ông là thanh tuệ tôi là tuệ thanh”...

            Ảnh bìa tác phẩm của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản

Đấy là bốn câu trích từ bài thơ của Bùi Giáng tặng ông Thanh Tuệ (hai chữ thanh tuệ viết thường) in trong cuốn Sa mạc phát tiết ấn hành tại Sài Gòn năm 1969 bởi NXB An Tiêm. NXB này đã in nhiều sáng tác, dịch thuật, biên khảo của Bùi Giáng và do Thanh Tuệ sáng lập điều hành từ năm 1965, nhà văn Tuấn Huy ghi: “Dạo đó tôi thường gặp Bùi Giáng ở nhà Thanh Tuệ sát cạnh nhà tôi, trong một hẻm nhỏ đường Lý Thái Tổ. Ngôi nhà lầu ngăn đôi, bên này một mình tôi mướn lại của nhà văn Song Linh, bên kia Thanh Tuệ thuê, vừa làm NXB An Tiêm vừa ở đó với mấy người bạn. Một lần, đang nằm ở bên này, tôi nghe tiếng bước chân xầm xập lên chiếc cầu thang gỗ. Rồi tiếng Bùi Giáng ồn ào cười nói. Có khi ông đọc thơ. Có khi ông chuyện trò với Thanh Tuệ và những người khác, bằng cái giọng vừa ồm ôm, vừa chọ chẹ. Một lúc huyên náo như thế, rồi bặt im, không một tiếng động nào nữa. Những căn nhà san sát mê thiếp dưới ánh nắng xế và lớp gió chiều quấn lộng... Tôi bước sang đẩy cánh cửa khép hờ, thấy Bùi Giáng đang ngồi ngủ gục trên một chiếc ghế. Thanh Tuệ thì nhẹ nhàng ý tứ xếp lại những chồng sách mới in. Tôi cũng nhẹ nhàng ý tứ đến gần bên Thanh Tuệ, nhặt một cuốn sách lên, để mùi thơm của giấy mới loãng tan trong khứu giác. Thanh Tuệ ngó Bùi Giáng, cười. Nụ cười tươi tắn và hồn hậu. Tôi khẽ gật đầu. Chúng tôi để yên cho nhà thơ chúng tôi ngủ”.

Con đường vào thơ của Bùi Giáng dẫn tới cửa chùa. Nói cụ thể hơn, không có NXB An Tiêm của Thanh Tuệ (một tu sĩ Phật giáo) thì bạn đọc không có cơ hội thấy hết được sự nghiệp thơ đồ sộ của Bùi Giáng. “Cuộc chơi lớn” của Bùi Giáng không dễ tìm được một NXB nào chịu bỏ tiền ra in cho ông, ngoài nhà An Tiêm.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Đến 1981, Thanh Tuệ sang Pháp, tiếp tục hoạt động xuất bản ở Paris, đặt văn phòng liên lạc tại số 3 đường Vincent Van Gogh. Mùa thu 2004, để chuẩn bị thêm tài liệu kỷ niệm 40 năm thành lập NXB An Tiêm (1965 -2005), Thanh Tuệ đến Mỹ lưu lại mấy tuần tại San Jose, rồi đến Nam Cali, ở tại chùa Liên Hoa do hòa thượng Thích Chơn Thành trụ trì và đột ngột lâm bệnh phải đưa vào Bệnh viện Garden Grove cấp cứu. Song ông đã qua đời lúc 7 giờ 30 tối 16.8 năm ấy, thọ 69 tuổi. Bấy giờ đời sống gia đình ông ở Pháp rất đạm bạc, ngặt nghèo, vợ ông là bà Đỗ Ngọc Lệ cùng trưởng nữ Thu Hương và hai cháu ngoại Hoàng Minh và Hoàng Bảo phải mượn tiền mua vé máy bay qua Mỹ. Tiền nhà thương, tiền nhà quàn, tiền hỏa táng lên tới hàng chục ngàn USD...
Hay tin, từ nước Đức, Thái Kim Lan viết những dòng “ai điếu” Thanh Tuệ qua bài Đi tìm dấu vết An Tiêm gặp Bùi Giáng, nhắc lời dịch giả Bửu Ý từng sống với Thanh Tuệ trong những năm mới thành lập An Tiêm: “thời ấy anh Thanh Tuệ thấy quyển sách nào trình bày đẹp, nhất là sách ngoại quốc từ Pháp, từ Mỹ, từ Đức, từ Ý trong các hiệu sách là anh mua về cho anh em đọc, rồi cắt bìa giữ lại làm tư liệu cho những cuốn sách mà anh sẽ hư cấu, chọn bìa, chọn giấy thích hợp với nội dung” để in. Trong 10 năm (1965 - 1975) NXB An Tiêm mở rộng cửa đón nhận nhiều tác phẩm danh tiếng trên thế giới, qua các bản dịch bởi Bửu Ý (chẳng hạn: Vườn đá tảng của Nikos Kasantzakis - 1967; Đứa con đi hoang trở về của A.Gide - 1967; Văn học thế giới hiện đại của R.M.Alberes - 1973), và các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, Vũ Khắc Khoan, Tuệ Sỹ... có hình bìa hoặc phụ bản của Đinh Cường, Hiếu Đệ, Trịnh Cung. Giáo sư Lê Văn Lợi nhắc: “Nguyễn Hiến Lê - dịch giả tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Leon Tolstoi 4 tập dày cộm (gồm 3.000 trang) - rất ít khen ai và tự xuất bản sách của thầy, lại hết lời cảm phục tài năng và tấm lòng Thanh Tuệ với văn chương chữ nghĩa”... Rõ nét nhất là các tác phẩm của Bùi Giáng do NXB An Tiêm in, mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở hải ngoại đã đề cập đến vài hôm sau ngày Thanh Tuệ mất: “có thể nói hầu hết những tác phẩm quan trọng của Bùi Giáng đều do anh Thanh Tuệ in, dù NXB biết không thể lấy lại vốn in đã bỏ ra (...) Một nhà thơ lớn (như Bùi Giáng) đẩy thơ vào một cuộc chơi lớn, thì ngay lập tức cũng có một NXB “chịu chơi” có đôi mắt xanh sẵn sàng bỏ công bỏ sức ra in thành quả khác thường của cuộc chơi ấy (...). Tôi tin chắc rằng anh Thanh Tuệ kiếp trước cũng là một nhà thơ. Không, tôi lầm. Không cần phải đi ngược lên kiếp trước. Ngay trong phút này, anh “đã là” một nhà thơ. Thi nghiệp của anh là An Tiêm (...) anh đứng đợi Bùi Giáng vào lúc, vào chỗ thích hợp nhất, để hai người sánh vai thực hiện một cuộc hành trình mới vào thơ”. Còn Bùi Giáng trong “thơ điên” của mình vẫn nhắc: “Tuy nhiên xuất bản một thầy/ Tu hành thanh tuệ còn ngây thơ cười” - cười thanh thản, vì đã góp tay mở được một cánh cửa mới và đầy “màu hoa trên ngàn” cho khu vườn văn học miền Nam, đưa An Tiêm vào huyền thoại đẹp của ngành xuất bản Sài Gòn một dạo. 
9: Cái nhìn Bùi Giáng về Kim Dung
Trong các tài liệu do gia đình thi sĩ Bùi Giáng vừa cung cấp qua đợt tưởng niệm 15 năm ngày mất của ông, có một số nội dung liên quan đến tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mà ông viết đến...
Bùi Giáng - Ký họa của Đinh Cường
Bùi Giáng đã dịch Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh và nhận định: “Những kiệt tác của Ngọa Long Sinh đi song song với Kim Dung và Gia Cát Thanh Vân - thực hiện cuộc chuyển biến dị thường trong lịch sử văn học tư tưởng Trung Hoa”. Không chỉ đọc suông, theo Bùi Giáng, đọc truyện võ hiệp là “một trong những phép tu dưỡng ký ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm. Chưởng lực, kiềm chế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện”. Riêng với thi sĩ, sách võ hiệp sẽ “giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ - điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cỗi nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng” (Sương Bình Nguyên, NXB Võ Tánh, Sài Gòn 1969).
Đoạn trên do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến trích dẫn về Bùi Giáng và Đỗ Long Vân với truyện võ hiệp trong tài liệu chúng tôi mượn được, có ghi nhận xét của Bùi Giáng về cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta - hay Hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân (NXB Trình bày, Sài Gòn 1967): “Ông Đỗ Long Vân nhận định thâm viễn khoảng vắng lặng vô ngôn trong sách vũ hiệp... Những khuyết điểm của bản dịch không làm trở ngại Đỗ Long Vân. Vì những kẻ tư tưởng chân thành, vốn thường nhận ra rất mau những gì gọi là “ý tại ngôn ngoại” hoặc “huyền ngoại chi âm” (âm thanh ngoài cây đàn - H.N.C) - hoặc “ngôn tại thử nhi ý tại bỉ” (lời ở đây mà ý nằm ở nơi khác - H.N.C)”. Bùi Giáng cũng viết “Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta để đọc lại”.

Những nhận định của Đỗ Long Vân về nội lực, về nguyên lý võ học và cơ cấu luận... đều bắt nguồn từ cái nhìn sâu thẳm vào tinh thể tinh yếu của vấn đề, và gợi cho người đọc rất nhiều dư hưởng mênh mông khát vọng từ các kiệt tác kim cổ Đông Tây (...). Còn Bùi Giáng có một cái nhìn rất lạ về tác phẩm Kim Dung nói riêng và sách báo võ hiệp nói chung.

Huỳnh Ngọc Chiến

Huỳnh Ngọc Chiến cho biết đôi dòng về Đỗ Long Vân “là người thâm cứu văn học Tây Phương, được đào tạo tại Pháp, nhưng tâm hồn ông lại hòa điệu và rất gần gũi với suối nguồn Đông Phương Sơ Thủy, nên dễ dàng thể hội phần tinh túy hoằng viễn trong tư tưởng Kim Dung bằng những suy niệm chân thành”.
Bùi Giáng đánh giá cao những gì Đỗ Long Vân bàn về Kim Dung và cho cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta đã “nằm trong vùng thâm viễn như cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim, chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Đông Phương Tây Phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng. Tôi có thể đưa ra vài nhận định khác ông ở đôi chi tiết. Nhưng không cần. Điều cốt yếu ông (Đỗ Long Vân) đã nói xong, và những dư vang vô số sẽ tỏa khắp mọi chốn. Và sẽ còn khiến người ta thể hội cái mạch thẳm trong những tác phẩm của những thiên tài xưa nay, bất luận là Đông Phương hay Tây Phương”.
Đến đây, để minh họa thêm cho các nội dung trên, chúng tôi trích mấy câu trong loạt bài Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung của Hồng Hạc và bài Xuân và hoa trong tiểu thuyết Kim Dung của Phi Pháp, đăng trên Báo Thanh Niên từ cuối năm 2005 (Hồng Hạc và Phi Pháp là hai bút danh khác của Giao Hưởng) như sau: “Là một vương tử, nhưng tâm hồn đa cảm của Đoàn Dự gần với gió bụi. Ông đi khắp giang hồ. Đến trước tượng thạch nữ sau núi Vô Lượng của phái Tiêu Dao, Đoàn Dự ngây ngất trước một "thiên nhan" mang hai quyền năng gần như mâu thuẫn nhau: sát sinh và tái tạo. Với những người muốn chiếm đoạt thạch nữ thì sẽ chết dưới chân "nàng". Với Đoàn Dự, thạch nữ đã "sinh" ra cho ông một niềm ngây ngất, nhẹ nhàng như hương trà mà ông từng nếm trải. Và cũng lạ lùng từa tựa như tâm thái quá thân thương trước một người xa lạ mà ta mới gặp và không giải thích được vì sao. Ngày kia, đôi mắt chứa những cơn sóng tình không ngừng vỗ của ông dừng lại ở một người: "Ôi Vương Ngữ Yên! Nàng ở đâu? Người con gái ấy chưa bao giờ động thủ, nhưng võ công nào cũng thấu triệt... Và mỗi lần nàng mở miệng mách một thế võ cho một cao thủ thượng thừa thì, nghe cái giọng yêu kiều và xa xôi như đến từ một thế giới khác, người ta muốn nghĩ rằng nàng ở giữa cuộc đời như nàng tiên của tri thức thuần túy (...). Tiếc thay võ học trong đời này chỉ là chuyện phụ. Người con gái ấy, cũng như Đoàn Dự, ngoài tình yêu chẳng coi gì là trọng (Đỗ Long Vân)”.
Đỗ Long Vân hạ bút: “Tham vọng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không bao giờ biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng trị đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn, mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu”. Bùi Giáng cũng vậy, ông viết: “Thật ra, sự vật không có phân ly chia cắt. Và nghệ thuật của con người xoay quanh một đề tài duy nhất là tình yêu muôn thuở vẫn gửi gắm về riêng một lời ước hẹn với Hữu Thể Sơ Nguyên”.

Không chỉ là một giọng thơ lạ lùng, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”. Thanh Niên xin giới thiệu với bạn đọc những tài liệu mới nhất về thi sĩ Bùi Giáng.

16/10/2014
Giao Hưởng
Nguồn tin: TNO
Theo https://www.cailuongvietnam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...