Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Đến với bài thơ hay: "Về thôi em", một khúc tâm tình!... của Dương Quang Anh

Đến với bài thơ hay: "Về thôi em", 
một khúc tâm tình!... của Dương Quang Anh

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn. Ai cũng có một quê hương gắn với một gia đình và những người thân yêu của mình. Quê hương ấy sẽ là hình ảnh thiêng liêng hơn trong nỗi nhớ của những người xa quê. Chính vì thế, tình yêu quê hương đã trở thành một đề tài rất đổi sâu sắc trong thơ ca dân tộc.    
Quê hương Quảng Nam - mảnh đất “chưa mưa đà thấm”, mảnh đất thắm đượm nghĩa tình đã là nguồn cảm hứng dạt dào trong thơ ca đất Quảng.
Tác giả Dương Quang Anh cũng đã góp vào mạch thơ quê hương Quảng Nam những bài thơ rất ấn tượng. Tiêu biểu nhất là thi phẩm “Về thôi em”.
Dương Quang Anh (1946), quê ở thôn Việt An, xã Bình Lâm, huyện Thăng Bình - nay là xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ông có thơ đăng trên một số báo, tạp chí... Dương Quang Anh viết không nhiều nhưng có bài in dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc xứ Quảng. Hầu hết những bài thơ viết về quê hương của tác giả đều có giọng điệu chân thành, hình ảnh thơ gợi cảm và mang đậm chất Quảng Nam.
Bài thơ Về thôi em được tác giả viết cuối năm 1997, được tuyển chọn và in trong tuyển tập thơ Chưa mưa đà thấm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.    
Về thôi em là lời tâm tình trong nỗi nhớ thương da diết, quay quắt của một người con xứ Quảng phải xa quê trong những ngày giáp tết nôn nao ở tận miền Nam. Đây chính là nỗi lòng, là tâm tình chung của những con người Quảng Nam xa xứ.
VỀ THÔI EM
Em ra không, mai anh về đất Quảng.
Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao.
Thèm chi mô một chén rượu hồng đào,
Dẫu chưa uống - chỉ say từ câu hát.
Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát,
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm.
Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm,
Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo,
Lận đận một đời quảy gánh gieo neo,
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển
Đất dễ thấm - dễ mềm lòng quyến luyến,
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
Đờn Miếu Bông  ai chọn phím so dây,
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả?
Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ.
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi,
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi,
Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi.
Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải,
Cha mẹ trông ta - mòn Hòn Kẽm Đá Dừng!
Cuối năm 1997
(Dương Quang Anh, Tuyển tập thơ Quảng Nam Chưa mưa đà thấm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998)
Nhà thơ Dương Quang Anh đã từng tâm sự:
Ta mòn gót đi cùng trời cuối đất
Tóc trên đầu hao hết nửa phần xanh
(Về quê nghe tiếng chim bắt cô trói cột)
Khi viết lên bài thơ này, người con Quảng Nam quê ta đã hơn mười năm tha hương. Mười năm ấy biết bao dấu mốc để gợi lên nhiều ý niệm về gia đình, quê hương, cội nguồn. Nhưng có lẽ, tết cận xuân kề là mốc thời gian dễ lay gọi nhất. Bởi trong tâm thức của người Việt Nam, tết cổ truyền luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng. Và việc chuẩn bị đón tết trên mọi miền đất nước thường hết sức náo nhiệt.
Đang ở tận miền Nam, cái không gian giáp tết nơi ấy sao mà thôi thúc: “Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao”. Đất trời nôn nao, dòng đời tất bật, lòng người con xa quê cảm thấy xốn xang. Sợi dây cảm xúc chạm vào nơi thẳm sâu của nỗi nhớ quê, thế là… thốt lên lời mời mọc rất tâm tình nghe giản dị mà thân thương: “Em ra không mai anh về đất Quảng”. Cái hay của lời thơ là lời lẽ cứ chân tình không cần đến cách nói nghi thức, khách sáo gì cả. Có một đối tượng trữ tình được chọn trong bài thơ để người con tha hương có một người bạn gần gũi để giãi bày - nhân vật “em”. Điều này không lạ, nhưng cái lạ lại ở chỗ nhờ đó mà tác giả tạo nên một âm hưởng, một giọng điệu tha thiết rất riêng mà không phải bài thơ nào cũng có được. Chính vì thế, câu thơ đầu tiên đã cuốn ta vào ngay với cái giọng điệu tâm tình đầy thuyết phục ấy.
Đằng sau  cách mời mọc tự nhiên chân thành ấy là ngập tràn cả niềm thương nhớ. Thế là, hình ảnh của quê hương thân thiết cứ thế hiện về, sống lại trong mạch hồi tưởng xúc động. Đó là cảnh vật, đó là con người quê hương.
Thèm chi mô một chén rượu hồng đào,
Dẫu chưa uống chỉ say từ câu hát.
Hai câu thơ thật đậm chất Quảng Nam gợi nhắc đến câu ca dao thân thuộc: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say”. Có cái mộc mạc trong cách nói “thèm chi mô”, có nét đặc trưng trong hình ảnh chén rượu hồng đào, có cái tinh nhạy đến đắm say lòng người trong cái “chưa uống đà say” của con người xứ Quảng. Sự tinh tế ở đây là người con xa quê lại “thèm chi mô” ấy, lại khao khát làm sao ấy những vẻ đẹp từ tâm hồn quê hương. Không có một tình quê đã thăng hoa thì đâu dễ gì viết sâu được như thế!
Như ta biết, mảnh đất Quảng Nam có cả miền biển, miền đồng bằng, trung  du và đồi núi. Có lẽ, hai nơi chịu nhiều khó khăn hơn vẫn là “biển” và “nguồn”. Tác giả cũng rất tinh tế chọn những sản vật ở  hai nơi này để nhớ:
Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát,
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm,
Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo,
Những hình ảnh “ngọn khoai trườn nổng cát” “đá chẹn củ mì eo” “con cá chuồn" “trái mít” ở hai miền quê nghèo rất bình dị được chọn đưa vào thơ còn mang một ý nghĩa sâu xa“. "Ngọn khoai trườn nổng cát” “đá chẹn củ mì eo” gợi nghĩ về một sức sống tiềm tàng của quê hương ta. Dẫu có trắng cát dưới nắng lửa hay dẫu có chẹn đá giữa mưa ngàn thì ngọn khoai hay củ sắn cũng vẫn thích nghi để vươn lên, để thành hình - những hình hài của giọt mồ hôi và nước mắt!. Đặc biệt, hai sản vật dân dã mít non, cá chuồn của miền biển và miền núi đã tạo nên món ăn rất hợp khẩu vị với con người Quảng Nam. Ai đó trong chúng ta nếu xa quê, làm sao có thể quên được chất quê mặn mà trong những thứ rất dung dị ấy!
Rồi lớn hơn thế, hình ảnh của những địa danh như Miếu Bông, sông Thu, Hòn Kẽm Đá Dừng cũng da diết hiện về với nét đặc thù của nó. Tiếng đàn Miếu Bông đã từng làm nao lòng người, con Sông Thu bên bồi bên lở, Hòn Kẽm Đá Dừng vốn thân thương trong câu ca dao xứ Quảng,… Hình như âm thanh của tiếng đàn trong tâm tưởng đã lay động làm rung lên những cung bậc thiết tha nhất của nỗi nhớ:
Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây,
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả?
Với Tường Linh, ánh điện loang ngoài phố, chuyến tàu ra cũng đã   gợi bao ngậm ngùi:
Mỗi chiều ánh điện loang ngoài phố
Trông chuyến tàu ra lại ngậm ngùi
Với Dương Quang Anh thì bộc trực hơn, Quảng Nam hơn! Làm sao có thể gửi gắm theo chuyến tàu ra hối hả ấy cả nỗi niềm cố hương sâu thẳm nên người con tha hương không thể giấu nỗi xúc động của mình: “Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả?”.
Rồi nói đến con sông Thu - con sông của niềm cảm hứng trong thơ ca đất Quảng:
“Khúc cạn, khúc sâu, phía lở, phía bồi
Sông Thu Bồn thương nhớ của ta ơi”
(Dòng nhớ thương chảy mãi qua hồn - Tường Linh)
Nhớ sông Thu chuyến đi về
Dâu bắp xanh non suốt hai bờ sông thần thánh.
(Phan Thành Khương)
Dương Quang Anh cũng đã chọn hình ảnh con sông Thu “bên lở bên bồi” để nhớ. Không chỉ phác lại trong tim mình một nét đặc thù, một dáng dấp riêng của dòng sông quê mà còn mượn nó để gợi về một xứ sở thường phải đối mặt với mưa lũ hằng năm:
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi,
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi,
Hãy nghe  nhà thơ Tường Linh viết về cảnh lũ từ sông Thu:
Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả trăm người, cả ngàn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
Chới với ngửa nghiêng, người cuốn theo nhà
Đó là thảm cảnh, đó là đau thương. Hai nhà thơ  chắc đã hơn một lần sống trong nỗi niềm đó của người dân quê? Ôi quê ta, một miền quê còn nghèo, lại thường phải đối mặt với biết bao gian khó! Hẳn nhớ về những cảnh vật ấy là nhà thơ không sao quên được cái khó, cái khổ của người dân quê. Điều sâu xa là đằng sau cảnh, đi liền với cảnh là bóng dáng con người, là tình người. 
Các hình ảnh ẩn dụ như “ngọn khoai trườn nổng cát”, “cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi” gợi nghĩ về một sức sống tiềm ẩn, bền bỉ của người dân quê ta, dẫu có nắng lắm, mưa nhiều, dẫu có phải đối mặt với thiên tai bão lũ hằng năm, nhưng  vẫn như cây quê mẹ, con người vẫn vươn lên, vượt lên với một sức sống mãnh liệt.
Đặc biệt, hình ảnh được chọn để diễn tả trong bài thơ là cha mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đưa hình ảnh cha mẹ vào thơ và gắn cha mẹ bên những hình ảnh thơ giàu sức gợi cảm.
Bên “ngọn khoai trườn nổng cát,., “đá chẹn củ mì eo” là hình ảnh người cha cày bới lượm đói nghèo. Trong đói nghèo bới cày rất lam lũ ấy, diệu kỳ làm sao, người cha vẫn không hề than khó, than khổ mà vẫn có một  tình yêu lạ thường với quê hương:
“Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thắm”
Phải chăng “Thương thì quả ấu cũng tròn”? Đất dẫu cỗi cằn, đá sỏi thế  nhưng người con xa quê vẫn thấy cái nồng đượm thắm thiết của quê hương, con người. Chính tình quê, tình người sâu sắc đã hóa giải được tất cả chăng?     
Và sóng đôi với hình ảnh người cha là bóng dáng của người mẹ- người mẹ Quảng Nam đã từng “lên nguồn xuống biển:
Lận đận một đời quảy gánh gieo neo,
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển
Tác giả Bùi Tự Lực cũng có những câu thơ rất xúc động khi viết về mẹ:
Còn lại mẹ tôi đòn gánh uốn cong
Ớt, tỏi , dầu đèn, rổ cá cơm, lon mắm…
Quảy một đầu bí, bầu, khoai, sắn…
Một gánh chợ trưa nghiêng bóng lối mòn
(Bình Trị quê hương tôi)
Cái quảy, cái gánh của đời mẹ trong hai bài thơ nào có khác gì! Quảy gánh có “lận đận“, "gieo neo” cũng chẳng sao đâu, bởi cái hành trình “nuôi con lớn” với mẹ đã là cứu cánh, là hạnh phúc lớn nhất đời mẹ! Thấu cảm đức hi sinh thầm lặng đó, dẫu trời Nam hay trời Bắc, dẫu ở đâu, mẹ vẫn luôn ngự trị trong trái tim của con… Trong thơ không có chữ nhớ, chữ thương nào mà nỗi thương nhớ về cha mẹ, gia đình, quê hương lại tràn ngập và da diết!
Khép lại bài thơ, trong mạch xúc cảm thiết tha, người con đã có những mường tượng, những suy tưởng thật sâu sắc:
“Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải
Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”
Dùng từ “chừ” và hình ảnh hoa cải ửng vàng gợi lên cả chất Quảng Nam mộc mạc, dung dị. Nếu cha mẹ hay những người thân không có bàn tay miệt mài, không có tình yêu cho ngôi nhà, mảnh vườn thì chắc gì có rau lên xanh, có hoa ửng vàng. Cho nên, nhà thơ mượn hình ảnh mảnh vườn xưa để một lần nữa bày tỏ nỗi lòng với cha mẹ. Trong một bài thơ khác, tác giả tâm sự rằng:
Cha đào củ sắn nuôi ta
Chắt chiu mẹ muối trái cà dầm tương
Mong con phiêu bạt tha phương
Còn nghe mùi vị quê hương để về
Vậy người cha người mẹ trong thơ Dương Quang Anh rất sâu xa! Trong nỗi mong ngóng con mòn mỏi ấy, cha mẹ luôn nghĩ rằng phải có chút gì đó để chờ con về trong niềm vui sum vầy? Rồi cứ thế, cha mẹ lại mỏi mòn chờ mong con trong thương nhớ: “Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”. Nói đến “Hòn Kẽm Đá Dừng” là gợi nhắc một câu ca thân thương của xứ Quảng (Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi) nên tình cảm nhớ thương cha mẹ càng trở nên quay quắt và tha thiết hơn! Vậy đến hai câu kết, cảm xúc thơ vẫn cứ lai láng tự nhiên nhưng sức gợi của nó vang xa, sâu sắc hơn và thật gây ấn tượng.
Về thôi em đúng là một bài thơ trữ tình đặc sắc. Thể thơ tám chữ nhịp điệu linh hoạt, hình ảnh gợi cảm, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, phương ngữ Quảng Nam dùng rất đúng chỗ, đặc biệt việc vận dụng thành công ý tưởng của những câu ca dao Đất Quảng tiêu biểu cùng với giọng điệu tâm tình, thiết tha đã đem đến cho bài thơ một sức hấp dẫn rất riêng. Cái hay của bài thơ là tác giả chọn nhân vật trữ tình “anh” để giải bày với đối tượng “em”. Nhờ đó, giọng thơ tâm tình rất dễ đi vào lòng người.
Không hiểu sao, lời giục giã, hối thúc "Về thôi em", "Về thôi em bận lòng chi xứ lạ" cứ ngân nga trong lòng ta! Nếu một ai đó xa quê, nghe bài thơ của Dương Quang Anh, sẽ được chạm đến sợi dây cảm xúc sâu thẳm nhất của cõi lòng. Mỗi người con xứ Quảng sẽ nhớ biết bao đất Quảng quê mình. Cái hay của thơ là những gì lắng lại sau mỗi lời. Có thể nói, bài thơ góp thêm một tiếng nói, một giọng điệu riêng trong khúc tình quê đậm đà vốn làm nên mạch sống đất Quảng bất diệt!.
14/1/2015 
Phan Thị Chính
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...