Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Một mai thức dậy

Một mai thức dậy

“Một mai thức dậy
Chợt thấy lòng mình như lá rơi
Chợt thấy lòng mình như suối reo…”
Thuận khẽ trở mình. Tia nắng loe lóe qua khe cửa lấp lóa trên vành mi, tiếng chim choanh choách vọng vào tai, một cảm giác thư thái dễ chịu khi cậu mở mắt. Vẫn nằm im trong một tư thế thoải mái nhất của một giấc ngủ sâu, cậu tận hưởng bầu không khí êm mát của buổi sớm nơi thảo nguyên yên bình. Trong khoảnh khắc thanh thỏa ấy, cậu như gột rửa, bôi xóa tất cả một đoạn đường nhiều xốc xủi đã qua. Có thể tất cả hình ảnh sự kiện ấy sẽ tản mát không còn chút dấu vết nếu không có một cảm giác nhoi nhói khe khẽ nhắc nhớ phía đầu gối trái khi cậu vô tinh cử động.
Mắt Thuận chợt nhắm lại, cơ mặt hơi nhăn không chỉ vì sự rêm rẩm từ vết thương, mà còn là một thực tại mà cậu đang phải đối mặt đã từ mấy tháng nay. Không chủ định, nhưng chất nước âm ấm từ khóe mắt cứ cậu ứa ra, thành một vệt dài theo triền má. Cậu nằm im nghe một nỗi tê tái lan khắp tâm can mình, cậu cảm giác nỗi đau từ vết thương râm ran cả cơ thể. Nỗi đau vô biên hạn ấy không còn như những đợt sóng cuồng muốn tung phá gào thét đập tan tất tật mọi hiện hữu như khi nó mới xuất hiện, mà giờ nó như hàng tấn dầu loang từ thân con tàu bị chìm, nó âm thầm mà tiệm cận đến mọi ngóc ngách tâm thân cậu, nó chiếm hữu toàn bộ hệ cảm quan tri giác cậu, nó như một kẻ tham lam không muốn chừa lại bất kỳ một mẩu thừa nào dù chỉ một milimet, nó nuốt chửng toàn bộ cậu vào thế giới u ám của nó. Cậu mê lịm đi trong nó, tan tác đi trong nó, phó mặc cả trong nó. Cậu bất động, chỉ còn mỗi hơi thở chứng tỏ cậu còn hiện diện trong cõi đời này. Tiếng chim vẫn lách chách trên những cành cây, tia nắng ấm vẫn mơn man trên làn da rám rám. Nhưng khoảnh khắc của một cái nhói đau đã đẩy tuột nó sang một bến bờ xa lạ nào đó, và nó như không đang hiện hữu trong không gian của một căn phòng.
Tiếng kẹt cửa thật khẽ, thật khẽ nhưng đủ vọng vào tai cậu một âm thanh của cuộc sống. Cậu vờ vươn vai dụi mắt, kỳ thực là để chùi nhanh dấu nước, và cũng là dấu hiệu tiếp nhận sự có mặt của người vừa gây ra tiếng kẹt cửa. Một thanh âm dịu dàng, ấm ấp, đầy yêu thương lan rộng trong không gian, lan rộng trong tâm thức :
- Con trai yêu của mẹ, dậy rồi hả? Mẹ đem bánh mì sữa vào cho con đây, dậy rửa mặt rồi ăn cho nóng đi con.
Thanh âm ấy cùng hơi ấm từ bàn tay đỡ nhẹ lưng, trong thoáng chốc đưa Thuận trở lại trạng thái cân bằng, trực diện thì hiện tại. Cậu nương theo đà đỡ ngồi hẳn dậy, nở một nụ cười thật dễ thương trên gương mặt đẹp đẽ của một cậu con trai ngoan:
- Mẹ. Đêm qua con mơ thấy mẹ dắt con đi leo núi đấy, con leo lên rồi ngã xuống, ngã đến mấy lần cơ, rồi thấy mẹ dắt con chạy bay trên đồng cỏ, con chạy không kịp mẹ ngã xoài ra, mẹ chạy lại cốc vào đầu con, thế là hết mơ, tiếc quá mẹ nhỉ.
- Mơ với mộng. Để mẹ chắp cho con đôi cánh bay luôn cho nhanh nhá.
Vừa nói, người mẹ vừa cặp đôi nạng vào nách con, cậu cười rồi chống nạng vào nhà vệ sinh, chiếc ống quần bên trái phơ phất phơ phất. Mắt người mẹ đỏ hoe sau lưng con trai. Giấc mơ…? Hiện thực…? Bà không biết, đằng sau cánh cửa kia, có những giọt nước mắt đang lã chã theo bọt kem đánh răng rơi xuống bồn nước với tâm trạng đối sánh giữa mơ và thực y như bà. Bởi thường thì những giấc mơ phản ảnh nỗi khao khát tiềm ẩn, người hay ngồi một chỗ luôn mơ thấy mình đi mọi nơi, người khó khăn trong đi lại thi hay mơ thấy mình chạy nhảy, người ở nơi khô cạn cheo leo thì thường mơ thấy mình vùng vẫy bơi lội hoặc đi biển… Tóm lại, giấc mơ là một thực trạng bên kia của đời sống thật. Bà mẹ biết rằng, những giấc mơ ấy đã không xuất hiện vào khoảng thời gian trước, nhưng có lẽ nó sẽ càng xuất hiện thường xuyên hơn vào những ngày tháng về sau. Nó chỉ có thể chấm dứt khi trong lòng cậu con trai yêu quý của bà đã tan đi những cơn bão ngầm, đã lặng đi những trận cuồng phong của một thực tế khốc liệt, một thực tế trở thành cái ngáng chân của một tương lai rạng rỡ mà hai ông bà luôn vẽ trên nền toan trắng mang dòng tên Hông Như Thuận. Nhưng những nét vẽ của ông bà cứ như dùng phải một chất màu dỏm, chất màu như bị pha loãng hơn vốn dĩ, nên nó gây ra những vệt loang trên tấm vải, những vệt loang ấy tạo thành những đường nét sần sùi đứt gãy, và trên tấm toan ấy hiện giờ không phải là một bức tranh hoàn chỉnh, mà chỉ là những vệt màu ố ẩm nhung nhoăng. Phía trước nó là một khoảng không thăm thẳm, một khoảng không mà có dõi căng mắt cũng khó mà nhìn được một dấu hiệu gì.
Tiếng nạng lộc cộc sau cánh cửa bỗng như một cái nút điện bật bàn tay người mẹ cuống quýt xóa tan dấu nước trên mi mắt, và đôi môi đã sắp sẵn một nụ cười âu yếm:
- Ngồi đây con.
Một tay kéo chiếc ghế, một tay nắm lấy canh tay cậu con trai, và khi cậu đã nhè nhẹ ngồi xuống, thì bà cũng nhè nhẹ xếp cặp nạng qua một bên.
- Ba con đi đâu rồi hả mẹ?
- Ba con xuống khu phía Nam rồi. Chắc phải trưa mới về.
Cậu con trai không hỏi gì thêm nữa mà hăm chủ vào những miếng bánh mì thơm giòn cùng những ngụm sữa nóng ngọt. Bà mẹ cũng không nói gì, ngồi lặng lẽ nhìn con ăn. Thần sắc cậu đã khá hơn rất nhiều, cả tâm trạng cũng tốt lên trông thấy. Nhớ những ngày mới xảy ra chuyện, không ai hình dung được cậu sẽ vượt qua sự chấn thương nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần bằng cách nào. Người mẹ tội nghiệp cũng vật vã theo con từng ngày, và có lẽ, sự hốc hác, héo mòn và kiệt quệ của mẹ, sự đau khổ thẫn thờ suy sụp của cha, đã như một sợi dây giằng dẫu mỏng mảnh đã lôi dần cậu trở lại bên này bờ vực. Để rồi sau hai ngày im lìm như một sụ chìm xuống rồi trồi lên, cậu con trai đã thắp lại nụ cười trên hai đôi môi khô sạm bằng thái độ ngoan ngoãn nuốt từng muỗng cháo, và nằm im khi người y tá nhè nhẹ thay bằng nơi vết thương. Và dấu hiệu khả quan kế tiếp là cậu nhờ cha đỡ mình ngồi dậy, dựa vào chiếc gối kê thành giường, cậu chăm chăm nhìn vào cái chân với một màu trắng xỉn quanh đầu gối. Cái chân đã vĩnh viễn ngắn đi một đoạn, khi cái đoạn buộc phải ngắn đi ấy đã giập nát không còn một chút khả năng cứu vãn. Và cái nhếch môi dẫu có vẻ chua chát khi cha cậu ôn tồn:
- Con đừng lo, bác sĩ nói khi vết thương đã lành hẳn thì sẽ gắn cho con một cái chân giả, và con sẽ mau chóng quen với nó thôi.
Rồi cảm thấy như chưa đủ, ông nắm chặt tay cậu con trai, mắt nhìn sâu vào mắt cậu, giọng trầm nhưng đầy vẻ khích lệ:
- Con trai. Hãy mạnh mẽ lên. Một lần va vấp không phải đã là mất cả. Vẫn còn những cơ hội nếu con biết đứng dậy.
Cậu đã đáp lại lời kêu gọi của cha bằng một nắm tay siết chặt.
Trả lại không gian riêng cho con trai, bà mẹ thu dọn gọn ghẽ giường chiếu và đem cái khay ra ngoài sau khi giúp cậu đẩy chiếc ghế có bánh xe đến trước màn hình vi tính. Thuận bật công tắc chờ màn hình đang chạy những phần khởi động. Chấm đèn của ổ modem cũng bật sáng. Thuận ngả người dựa lưng vào thành ghế nhìn ra ngoài cửa sổ. Mặt trời đã lên cao, nắng đã tràn ngập không gian, tỏa rộng trên một màu xanh trải dài tít tắp. Màu xanh cây lá đã làm dịu nhẹ tâm hồn chàng trai chuẩn bị bước vào tuổi hai mươi. Khung của sổ của gian phòng cậu đang ngồi ở trên một tầm cao của hai tầng nhà phía dưới, nên nó cho phép cậu thỏa thuê tầm mắt đến tận chân trời. Một hướng nhìn luôn dẫn tâm tưởng phiêu du đến ngàn xa, và cũng dễ mở rộng những viễn cảnh đầy sắc màu cho một ngày mai đang tới. Âm thanh hoàn tất khởi động kéo tia mắt chàng trai rời cảnh vật ngoài khung cửa trở lại màn hình. Như Thuận nhấp chuột vào biểu tượng chữ E. Rồi nhấp tiếp nhấp tiếp. Lướt qua tiêu đề cũng như danh tính của một loạt email, cậu chợt chú ý một email mang tên Thanh Viễn. Email của thầy Viễn. Những con chữ hiện ra, Thuận đọc nhanh, rồi đọc lại lần nữa… lần nữa…
“Thuận em. Cậu học trò thân yêu của thầy.
Thầy biết lúc này em đang cần tĩnh dưỡng cho cả thể xác lẫn tinh thần. Thầy cũng rất tiếc với những điều đã xảy ra với em. Nhưng em ạ ,trên đời này không có chuyện gì xảy ra mà không có căn nguyên của nó. Thầy không nói đến những nguyên do thúc đẩy sự thể, điều mà thầy muốn nói là vấn đề từ nội tại của sự việc. Không ngã thì không biết đứng dậy. Đó mới chính là điều thầy muốn em suy nghĩ đến. Không chỉ suy nghĩ để biết cách chấp nhận thực tại, mà còn suy nghĩ để tìm cách đi qua nó. Đành rằng, không ai muốn những điều không may xảy đến với mình, nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng yên bình như ta muốn, nếu không có những rủi ro thì ta sẽ không biết trân trọng những giá trị hiện thực. Thầy không trách em. Em không thể hiểu ra mọi điều với lứa tuổi đang chập choạng trưởng thành này. Nhưng mỗi ngày đi qua, em đều có thể tự lớn lên một chút, và thầy tin, sau mọi chuyện, em đã thực sự trưởng thành một cách vững vàng hơn.
Hồng Như Thuận.
Cái tên đã gieo cho thầy một ấn tượng đầu tiên, và nó lại càng khẳng định một dấu chấm phết trong thầy hơn khi thầy được biết kết quả học tập của em. Một học sinh xuất sắc cấp phổ thông trung học và một điểm số khá tốt trong kỳ thi tuyển đại học. Những tưởng theo đà mà thẳng tiến. Không ngờ chút tự ái nông nổi của tuổi trẻ đã đẩy em đi xa thế. Nhưng thôi, không nhắc lại nữa, như thầy đã nói, điều cần thiết với em bây giờ là việc em sẽ đi tiếp con đường của mình như thế nào? Thầy đã bảo lưu kết quả học tập cho em. Em hãy tĩnh dưỡng cho tốt rồi trở lại trường nhé. Thầy nghĩ niềm tin của thầy sẽ không là vô ích, phải không em?
Thầy chúc em sức khỏe ngày càng hồi phục.
Mong gặp lại em.
Thầy. Thanh Viễn”.
Thuận nhắm mắt nghe một thứ cảm xúc bồi hồi dâng ngập. Trong tâm tưởng dậy lên hình ảnh cao dong dỏng, gương mặt hiền dễ mến cùng đôi mắt đầu ưu tư của một người thầy. Người thầy mà Thuận đã nhiều lần tìm cách tránh mặt vì những lý do mà cả hai thầy trò đều hiểu rất rõ.
“Chút tự ái nông nổi của tuổi trẻ”.
Không có cách gọi nào khác cho nguyên nhân của sự biến chuyển các hình thái cho một tâm thế. Nhưng nó chỉ có thể được gọi lên một cách đầy đủ khi nó đã trải qua những chứng nghiệm rất cụ thể. Còn trước đó… thì khác… rất khác…
“ - Học giỏi ư? Thật đáng nể.
- Đẹp trai ư? Cũng không tồi.
- Nhưng bấy nhiêu chưa đủ đâu anh bạn. Cuộc sống này còn cần nhiều điều hơn thế.
- Là những gì ư? Há há… Ê tụi mày, đứa nào làm ơn giải thích giùm cho anh… anh gì nhỉ? Có Hai Lúa, có Ba Chè rồi… à, anh Tư Phê. Đúng rồi. Tư Phê. Quá chí lý. Thông minh không chịu nổi.
- You. Thế nào anh Tư Phê ? Biệt danh kêu đấy chứ? Há há…”
Một chút ngơ ngác cuối cùng trong ánh mắt chàng trai trẻ đến từ vùng cao nguyên đất đỏ nhanh chóng biến mất. Thay ngay vào đó là một ánh nhìn sắc lên mang một hàm ý “Hãy đợi đấy”.
- Ba. Ba phải giúp con. Con không nuốt nổi cái nỗi nhục này đâu.
Chúng nó ỷ chúng nó được sinh ra nơi thành phố chúng nó có quyền coi khinh người tỉnh lẻ à? Chắc gì cái túi của ba mẹ chúng nó bằng một cái vảy của nhà mình. Con phải cho chúng nó biết. Ba mà không giúp con thì con bỏ học đó, con không chịu đựng được nữa đâu.
- Được rồi, con trai của ba đừng lo. Ừ thì Tư Phê. Hãy cho chúng nó mở to mắt mà nhìn xem Tư Phê này là gì. Yên tâm đi con trai.
- Sao ông lại nói với con như thế ? Nó đang nổi cơn tự ái vặt, mà ông còn hùa theo nó…
- Bà thì biết gì mà nói. Chuyện động chạm đến danh dự sĩ diện của người đàn ông mà bà bảo là chuyện vặt à. Con tôi thì không ai có thể coi thường được. Tôi sẽ cho chúng nó thấy dân tỉnh lẻ này sẽ nuốt chúng nó như thế nào.
Lời nói ấy đã được hiện thực hóa một cách tốc độ. Chưa đầy tháng sau, Như Thuận lột xác hẳn từ một chàng trai hơi rụt rè ngơ ngác trước không khí ồn ào sôi động tấp nập của một thành phố lớn, trở nên một cậu công tử sành điệu sang trọng từ đầu đến chân. Chưa hết, một căn phòng thuê dài hạn với đầy đủ những vật dụng sinh hoạt cùng một số thiết bị vào hàng đắt nhất. Ngoài ra, một chiếc xe phân khối lớn có vóc dáng kềnh càng trông rất ngầu càng tôn thêm vẻ oai phong lẫm lẫm của một gã trai vừa lún phún ria mép. Công cuộc cải tổ sĩ diện không dừng lại ở đấy, mà còn kéo dài thành những cuộc ăn nhậu xả láng cùng những trò vui không giới hạn. Đương nhiên là hiệu quả một cách cấp kỳ. Những cái mặt vênh ngược lên lúc trước giờ lại vô cùng lễ phép, lễ phép đến mức Thuận như mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu. Trong cậu xuất hiện một thứ cảm giác rất lạ. Cái thứ cảm giác chưa bao giờ cậu được cảm nhận. Như chếnh choáng trong một cơn say. Như chênh vênh lơ lửng trên mây. Như chìm ngập trong một rừng hoa của sự chiến thắng. Như một anh chàng đốn củi rừng sâu bỗng được muôn dân thần tướng tôn lên đài cao chín bệ. Chàng trai hiền lành ham học, luôn được thầy cô yêu mến tự hào chỉ còn là một cái bóng mờ xa xưa. Như Thuận không khác gì một chiếc xe được cài số tự động đang lăn ầm ầm xuống con dốc lổn nhổn đá to sỏi nhỏ. Cũng đã có những cái giật mình từ phía gia đình, thầy cô và bạn cũ. Cũng đã có những khúc căn muốn len vào vòng lăn của bánh xe mà hãm mà chận lại. Một trong những khúc căn ấy là thầy Thanh Viễn. Hơn ai hết, thầy hết sức bất ngờ trước sự thay đổi của cậu sinh viên năm nhất. Nếu không có những lần tiếp xúc trước khi xảy ra sự thể, chắc thầy sẽ khẳng định cái thành tích đã đưa một cậu học trò trở thành sinh viên kia là một thành tích ảo. Tuy rằng trong trường đại học, cách giảng dạy không như phổ thông, việc thầy cô chú ý đến một vài sinh viên là rất ít, ngoại trừ một vài lý do đặc biệt. Với thầy Thanh Viễn thì ngoài lý do đó là một học sinh giỏi, còn là một đồng hương thuở xa xưa của thầy. Thầy cũng đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy nắng đầy gió ấy. Thầy cũng đã từng chai sần đen sạm vì công việc vườn rẫy cho những cây cà phê trong nhiều năm tháng, và thầy cũng từng ngơ ngác khi bắt đầu một chặng đường mới, chỉ khác là cách thầy đi tiếp thật là chật vật. Nhưng dù có bao chật vật thì rồi thầy cũng đã đến đích. Không phải thầy không trải qua cảm xúc khó chịu của sự dằn xóc, kỳ thị vùng miền, nhưng thầy đã chứng minh bằng cách khác. Rồi bằng vào cái cách đã đưa ra hiệu quả vô cùng thuyết phục ấy, thầy đã được giữ lại trường với danh hiệu thủ khoa. Thầy đã rất muốn rất muốn dắt cậu sinh viên Hồng Như Thuận đi theo con đường mà mình đã đi qua. Nhưng rồi thầy dần cảm thấy bất lực khi sự tác động của thầy chênh lệch quá lớn với sự lôi kéo náo nhiệt của các thứ phương tiện và quan niệm của thời đại. Đã có lúc thầy nghĩ, mình thật là may khi trưởng thành vào giai đoạn gọi là chậm tiến của xã hội, tuy thầy cũng đã từng tiếc cho tuổi trẻ của mình không được phong phú như tuổi trẻ của ngày nay. Nhưng thầy hiểu, cốt lõi của vấn đề không nằm ở các yếu tố ngoại quan, mà chính từ sự nhận thức từ nội tại của mỗi con người. Đáng tiếc là sự nhận thức không phải ai cũng như ai. Mà chính vì không như nhau thì mới là con người, chứ nếu tất cả như một thì chỉ là một loại robot mất rồi. Có điều là cái sự không giống nhau ấy đã đẻ ra quá nhiều hệ lụy cho cuộc đời này.
Khi nghe tin Thuận bị tai nạn trong một cuộc đua xe, thầy Thanh Viễn đã rất choáng váng. Nhưng khi biết cái giá phải trả là chân trái bị cưa đến đầu gối, thì thầy lại thấy mừng, không chỉ mừng vì Thuận thoát chết, mà thầy bỗng tin, rất tin rằng cậu sinh viên ấy sẽ được sống lại thật sự. Tai nạn ấy đã là một khúc căn đúng lúc, khúc căn ác nghiệt nhưng lại hết sức hiệu quả. Và thầy biết, thầy chính là người dắt tay chàng trai bước qua cái hố thẳm giữa đường đời.
Ông Hồng Lương Hòa ngồi lặng trên một mô đất, dưới những cành cà phê lòa xòa, điếu thuốc trên tay ông chập chờn đốm đỏ. Sắc diện ông biểu lộ một tâm trạng cực kỳ đau khổ. Ông già xọm hẳn đi sau tai nạn của con trai. Ông đã vô cùng hối hận khi đã gián tiếp đẩy con đến hậu quả nghiệt ngã này. Khi thấy con phẫn uất vì bị bạn bè coi thường chỉ vì sinh ra nơi tỉnh lẻ. Ông cũng đã bốc hỏa, vì chính ông cũng đã từng phải nếm trải nỗi đắng cay ấy không chỉ vài lần. Với hàng chục hecta cà phê trong tay, ông thuộc dạng đại điền chủ ở cái xứ lắm đồi nhiều núi này. Không ít người bản xứ đã quá lời mà tôn xưng ông là Vua cà. Ông vui với biệt danh hồn nhiên mà sát thực ấy. Bởi để có được một sự sản vào hàng bậc nhất ở xứ sở này, ông đã đánh đổi cả một cuộc đời với bao tâm sức. Ông thầm tự hào với những gì mình đã đạt được. Nhưng niềm tự hào đó của ông thường bị tổn thương rất nặng nề mỗi khi đến những thành phố lớn, không nói thành lời, không biểu hiện một cách rõ rệt, nhưng ông cảm nhận rất rõ sự coi thường của người đối diện khi nói rằng mình từ đâu đến. Nỗi cay nhức không thể giải tỏa ấy luôn là một thứ ung nhọt trong ông. Hừ. Họ có hơn gì ta ngoài cái mác là dân thành phố? Mà rất nhiều trong số họ không bằng cái móng tay của ta, nhưng họ cứ nghiễm nhiên tự cho phép mình có quyền coi khinh người tinh lẻ. Một điều hết sức vô lý, nhưng nó luôn tồn tại. Biết nó tồn tại một cách vô lý nhưng lại không có cách nào để giải quyết. Chẳng lẽ bỗng nhiên sửng cồ đòi họ phải biết phép công bằng. Họ có nói gì đâu. Nên sự nhức nhối âm ỉ ấy đã bùng cháy khi nhìn con trai mình cũng phải chịu đựng tương tự. Ông phải chịu đựng vì không thể tìm ra cách, nhưng con ông thì khác. Nó phải được đứng đúng vị trí của nó. Không ai có thể coi thường nó vô cớ như vậy được. Ông phải giúp nó rửa mối nhục này, cũng là rửa cả cho ông. Và thế là… Khi ông nhận ra mình đã sai lầm thì con trai ông đang mải miết lao xuống vực. Oái oăm ở chỗ ông không thể lấy quyền làm cha mà ngăn cản, dạy dỗ con một cách cứng rắn quyết liệt, và cũng không thể làm như những người cha mẹ khác là cắt nguồn. Ông chỉ biết van lơn con, còn cậu con trai thì nói với ông nghe có vẻ đầy tin tưởng “Ba đừng lo, con chỉ chơi một thời gian cho tụi nó biết mặt thôi, chứ chuyện học với con không có gì đáng lo cả, ba biết con học hành thế nào rồi mà”. Ông bấm bụng, ừ cũng có lý… thôi thì… Nhưng một khi con ốc vít đã tuông gai, làm sao vặn vào khớp được nữa. Để rồi… Ông đã chết ngất khi nghe hung tin. Sự lo lắng cộng nỗi ân hận dày vò, khiến ông gần như quỵ ngã. Nhưng ý thức của người cha đã vực ông dậy, và ông đã biết ông cần phải làm gì.
Người kỹ thuật chỉnh hình cài xong vành dây khóa trên cùng rồi nói:
- Xong rồi, cậu đứng dậy đi thử xem.
Như Thuận đứng dậy, cậu khẽ nhăn mặt vì sự khó chịu của những vành dây khóa thít vào đùi, cùng cảm giác đau râm ran nơi mỏm đầu gối tiếp xúc vào chất liệu cứng của chiếc chân giả. Nặng và gượng gạo khi cậu nhấc chân. Ông Lương Hòa cầm lấy cánh tay con khi cậu hơi loạng choạng, cậu bặm môi cố bước vài bước.
- Cố lên em. Rồi em sẽ nhanh quen với nó thôi.
Cùng với câu nói là một cách tay kia của Thuận được xốc lên.
- Thầy… sao thầy biết…
- Ba có báo cho thầy con à. Thầy nói thầy muốn thấy con trong ngày này.
- Thầy nghĩ em không từ chối sự có mặt của thầy trong lúc này chứ.
Như Thuận không nói thành lời, nhưng trong ánh mắt long lanh của cậu như trào lên một niềm xúc cảm. Cậu cúi nhìn xuống, bàn chân của cái chân giả được lồng vào một chiếc giày cùng một đôi với cái chân thật. Trong khoảnh khắc, cậu cảm nhận một sự thân quen gắn bó của nó. Bắt đầu từ bây giờ, nó đã trở thành một phần của cơ thể cậu, của cả cuộc đời cậu nữa.
- Nào ta đi tiếp em.
Hai người đàn ông luống tuổi, một là cha một là thầy, đi hai bên nắm hai cánh tay của một chàng trai mặt đang hồng rựng lên bởi sự cố gắng và cũng là một cảm trạng đầy mới mẻ rộn lên lòng. Cậu đi từng bước từng bước, hai bàn tay nắm hai cánh tay cậu lỏng dần lỏng dần, rồi rời hẳn. Như Thuận ngước mặt hít một hơi thật sâu và bước tiếp. Phía sau cậu là sự giao nhau của hai đôi mắt biết cười.
14/7/2010
Đàm Lan
Theo https://www.drdvietnam.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...