Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống xập xoèng inh cả tai

Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ 
với chiêng trống xập xoèng inh cả tai

Khi Hoài Thanh viết bài giới thiệu tác giả Nguyễn Vỹ cùng hai bài thơ "Sương rơi" và "Gửi Trương Tửu" trong cuốn Thi Nhân Việt Nam vào Septembre 1941 thì hai bài thơ này đã sống 8 năm trong đời sống văn học, bởi Nguyễn Vỹ in Tập thơ đầu từ năm 1934.

Ngay từ khi mới trình Làng, Tập thơ đầu đã bị chê bai không ít: bị cho là rườm rà, "nhiều chân", tức những câu thơ có 12 chữ, ví dụ như:
Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù
Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng...
(Gửi một thi sĩ của nước tôi, Hà Nội báo, số 23, 1936).
Thế Lữ cho rằng ông có ý định toan lòe và bịp mọi người, còn Vũ Ngọc Phan thì viết: Với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt. 
Tuy nhiên, Lan Khai trong báo Đông Phương, Phạm Huy Thông trong báo L’Annam nouveau (báo của Nguyễn Văn Vĩnh), Lê Tràng Kiều trong Hà Nội báo (số 23, ngày 10 tháng 6 năm 1936) đều rất khen ngợi thơ Nguyễn Vỹ. 
Trong bài viết giới thiệu Nguyễn Vỹ ở cuốn Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh cũng chê sự kêu gọi đổi mới của Nguyễn Vỹ quá ồn ào và chỉ mang tính hình thức: 
“Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì. Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào: Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi,/ Ta hãy ký thác trong văn thơ những tình sâu ý hiếm,/ người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút “tình sâu ý hiếm” và mặc dầu cái lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm xếp hàng với những câu sáo nhất xưa nay mà không chút…ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm thường là thế”. 
Tuy nhiên, Hoài Thanh đã nhiệt tình thừa nhận thành công của Nguyễn Vỹ ở hai bài Sương rơi và Gửi Trương Tửu: 
Một bài như bài "Sương rơi" được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chầm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ. Nhưng "Sương rơi" còn có vẻ một bài văn. "Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật lòe đời. Người đã quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ. Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn… Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Thái Bạch chỉ biết có văn chương còn khinh hết thảy: 
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt. 
Sở vương đài tạ không sơn khâu. 
Hứng hàm lạc bút dao ngũ nhạc, 
Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu. (*) 
Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy xếp hàng cùng với…chó. Cái lối xếp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?”. (Thi Nhân Việt Nam, mục Nguyễn Vỹ, NXB Văn học, H.1988). 
Lời bình của Hoài Thanh thật tinh xảo và đã làm cho bức tranh bằng thơ của Nguyễn Vỹ về nhà văn An Nam hiện lên rõ ràng, sắc nét đến từng chi tiết nhỏ nhất!.
"Tiếng thu" - thiếu nữ Việt Nam

Năm 1962, Nguyễn Vỹ xuất bản tập thơ thứ hai Hoang vu ở Sài Gòn. Lúc này, Hoài Thanh không thể tiếp tục làm nhà phê bình cho Nguyễn Vỹ được. Ta hãy đọc một vài nhà phê bình khác về Nguyễn Vỹ:
Bình luận về tập thơ Hoang vu, nhà văn Thiết Mai trong tờ Sáng dội miền Nam viết: 
Nguyễn Vỹ đã nếm mùi tân khổ, gian lao... lại ở vào cảnh giao thời của hai thế hệ, trong tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế... rồi đi đến tâm trạng căm hờn, biếm nhạo, khắt khe, chua chát... Nhưng lúc trở lại với bẩm tính vốn có, chúng ta thấy ông hiền dịu, đa tình, đa cảm, thiết tha với một đời sống êm đềm... 
Về tài thơ, ta thấy thơ của ông được cấu tạo dễ dàng, không gò ép... Điều đáng chú ý là ông như muốn đưa những thể mới, có tác dụng gây xúc cảm, có âm điệu du dương, hợp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn. Thể mới ấy được thấy trong các bài thơ: Sương rơi, Mưa rào, Tiếng chuông chùa... 
Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh...). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng... 
Khi nói đến Nguyễn Vỹ, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng) có đoạn: "Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca... Nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt. 
Đọc Nguyễn Vỹ, người ta cảm nhận những điều mỉa mai, chua chát...là sự tức tối như muốn phá vỡ cái gì trong hiện tại đang bị dồn ép, uất ức để nói lên nỗi thống khổ của kiếp người... 
Thời tiền chiến, thân phận Nguyễn Vỹ đã thế, nhưng với ý chí phục vụ văn nghệ, trung thành đường hướng vạch sẵn, ông, một nhà thơ từng chịu nhiều cam go trên đường tạo lập văn nghiệp, đã kiên trì xây dựng lại Trường thơ Bạch Nga trong bán nguyệt san Phổ Thông từ Trung thu năm 1962 và được nhiều bạn đọc hưởng ứng, chứng tỏ lời nói trước kia của Lê tràng Kiều là đúng: "Người ta công kích ta, chỉ chứng tỏ là ta sống". Vậy, Nguyễn Vỹ ngày nay hãy yên ổn với trường phái của mình.” 
Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài. Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương. 
(Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng). NXB. Sống Mới, Sài Gòn, 1968). 

Hạt phấn cây Artemisia phóng to

triệu lần, một loại hạt gây dị ứng.

Nhìn khái quát, có thể nói Nguyễn Vỹ là con người điển hình của thế hệ trí thức đầu thế kỷ. Ông là người yêu nước chống Pháp ngay từ học sinh trung học và chống Nhật sau này. Ông khát khao xây dựng một nền văn chương mới. Tham gia viết hầu hết các thể loại, làm báo “từ A đến Z”, “thua keo này bày keo khác”, không bao giờ dừng bước và đã để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, nhưng ông thành công hơn cả với tư cách một nhà thơ.

Nguyễn Vỹ đã có những sáng tạo mới lạ, đầy táo bạo trong thơ. Nguyễn Vỹ là người đề xướng trường phái thơ Bạch Nga trên tạp chí tiểu thuyết Thứ Năm ở Hà Nội trong thập niên 30 của thế kỷ 20. Nguyễn Vỹ đã viết những câu thơ 2 chữ và 12 chữ (Có người gọi là câu thơ 12 chân). Sau này trên tạp chí Phổ Thông xuất bản ở Sài Gòn, Nguyễn Vỹ tiếp tục đề xướng Trường phái thơ Bạch Nga, thành lập Tao Đàn Bạch Nga (3). Thể thơ hình đối xứng được công bố trên thi đàn Bạch Nga. Bài thơ mang dạng hình học, các hình ảnh ngộ nghĩnh, đầy mới lạ (Thơ hình đối xứng là lấy câu giữa của bài thơ làm trục đối xứng của những câu thơ theo thứ tự đầu và cuối của toàn bài thơ. Những bài thơ, nhìn toàn bài sau khi viết hoặc in trên giấy giống như những bức họa, hoặc có hình lục lăng, tứ giác, hình thoi...). Trường phái mới lạ này đã thoát ly khỏi những quy tắc thể thơ cổ truyền. Sau Nguyễn Vỹ, người ta còn bắt gặp nhiều bài thơ "lạ" như thế của Phan Phụng Văn, Ngô Hữu Đoàn và nhiều cây bút khác. Tuy nhiên, phải nghiêm khắc mà nói thì những tìm tòi, cách tân đó của Nguyễn Vỹ và Tao Đàn Bạch Nga đã quá sa đà vào chủ nghĩa hình thức (mà ở phương Tây lúc đó chủ nghĩa Vị lai (4) đang rộ lên). Chẳng hạn bài thơ Mưa rào sau đây, nhìn thì “mới lạ” nhưng thực khó nói đó là bài thơ hay: 
Mưa Rào 
Mưa
Lưa thưa 
Vài ba giọt... 
Ai khóc tả tơi, 
Giọt lệ tình đau xót?... 
Nhưng mây mù mịt gió đưa 
Cây lá rụng xào xạc giữa trưa . 
Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa! 
Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười! 
Không gian dập vùi tan tác theo tiếng mưa trôi, 
Ðàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa! 
Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa! 
Nhưng ta không vui, không mừng. Lòng không ca, không hát! 
Ta đưa tay ra trời, xin dòng mưa thắm mát. 
Tưới vết thương lòng héo hắt từ năm xưa! 
Nhưng, ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa! 
Trời xanh xanh, mây bay tan tác, 
Ai còn ươm hạt mưa đào, 
Lóng lánh trong tim Hoa? 
Ai ươm mơ sầu, 
Ôi mong manh, 
Trong tim 
Ta! 
(Sài Gòn, một chiều hè 1959)
"Dấu ấn" - Hot girl Philippines

Nguyễn Vỹ, nhìn chung, sự nghiệp văn chương, sự nghiệp báo chí, so với những người cùng thời, chưa phải là lớn , là đặc biệt nổi trội nhưng cũng có thể xếp vào Top 10 nhà văn, nhà thơ - nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ - thế kỷ có cuộc biến thiên vĩ đại. Số lượng tác phẩm của Nguyễn Vỹ đã phần nào thể hiện rõ điều đó: 

- Tập thơ đầu - Premières poésies (Thơ Việt và Pháp), tác giả xuất bản, Hà Nội, 1934 
- Đứa con hoang (tiểu thuyết) NXB Minh Phương, Hà Nội, 1936 
- Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn) NXB Đông 
Tây, Hà Nội, 1937 
- Kẻ thù là Nhật Bản (luận đề chính trị), NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1938 
- Cái họa Nhật Bản (luận đề chính trị), NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1938 
- Đứng trước thảm kịch Việt Pháp - Devant le drame Franco Vietnamien, (luận đề chính trị bằng Việt và Pháp văn) tác giả xuất bản, Đà Lạt 1947 
- Hào quang Đức Phật (luận đề tôn giáo) tác giả xuất bản, Đà Lạt 1948 
- Chiếc áo cưới màu hồng (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn 1957 
- Giây bí rợ (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn 1957 
- Hai thiêng liêng I 
- Hai thiêng liêng II (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn 1957 
- Hoang vu (thơ) NXB Phổ Thông, Sài Gòn 1962 
- Mồ hôi nước mắt (tiểu thuyết), NXB Sống Mới, Sài Gòn 1965 
- Những đàn bà lừng danh trong lịch sử (biên khảo), NXB Sống Mới, Sài Gòn 1970 
- Tuấn, chàng trai nước Việt I 
- Tuấn, chàng trai nước Việt II, (chứng tích thời đại), NXB Triêu Dương, Sài Gòn, 1970 
- Văn thi sĩ tiền chiến (ký ức văn học), NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970 
- Buồn muốn khóc lên (thơ) 1970 
- Mình ơi (văn hóa tổng quát) 1970 
- Thơ lên ruột (thơ trào phúng) 1971 
Vào những năm trước khi từ biệt cõi đời, có thời gian Nguyệt san Phổ thông bán chạy, tuy chưa thật ngất ngưởng “tôi Trạng Nguyên, anh Tể tướng” nhưng cũng không phải lâm vào cảnh “nhà văn An Nam khổ như chó”… “nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/mà nhìn chúng mình hì hục viết/suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết…”. Tuy vậy, NguyễnVỹ vẫn không thoát vượt ra khỏi tâm trạng chung của “Thi sĩ tiền chiến” là đêm đêm phải đối diện với sự cô đơn vĩnh hằng: 
Bao nhiêu đêm không bến bờ cô quạnh, 
Ta âm thầm ôm khóc ánh sao rơi. 
Nếu ta biết một khu trời Vạn hạnh 
Trăng không tàn mà hoa cũng không trôi…
Ôi giếng thẳm biết bao giờ mới tạnh ? 
Nắng muôn chiều đã chết lịm trên môi. 
Tim đọng tuyết, rã rời tan những mảnh, 
Ðêm sầu về tê lạnh lắm, đêm ôi! 
(Đêm sầu về - Hoang vu) 
Tôi với tôi, 
Không hình, không bóng 
Tôi với tôi, 
Không thơ, không mộng. 
Tôi với tôi, 
Lồng lộng giữa Hoang Vu! 
(Đêm Trinh - Hoang vu) 
Mặc dù có nhiều người không tán đồng bài viết giới thiệu Nguyễn Vỹ của Hoài Thanh trên cuốn Thi Nhân Việt Nam, vì phần “phê” quá nặng, nhưng đến nay, trải qua thử thách của thời gian, phải thừa nhận rằng Hoài Thanh quả là người có Con mắt xanh và Nguyễn Vỹ quả là đã bị và được “đóng đinh” vào Thi Nhân Viêt Nam! Song điều đáng mừng là phần được nhiều hơn: Hai bài thơ Sương rơi và Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ vẫn luôn là kiệt tác thơ ca không chỉ của riêng nhà thơ Nguyễn Vỹ và là của cả nền thơ ca Việt Nam! Ngày hôm nay, đọc lại hai bài thơ này, người đọc sẽ có được thêm một cảm giác là được đi ngược thời gian với nhà thơ Nguyễn Vỹ về xem lại cái thời “Nhà văn An Nam khổ như chó!”. Nhân 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Vỹ, chúng ta hãy đọc lại hai bài thơ để đời này của ông: 
 
Gửi Trương Tửu (5) 
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai! 
Một mình rót uống chẳng buồn say! 
Trước kia hai thằng hết một nậm, 
Trò truyện dông dài, mặt đỏ sẫm, 
Nay một mình ta, một be con: 
Cạn rượu rồi thơ mới véo von! 
*
Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác, 
Mà vẫn coi tiền như cái rác! 
Kiếm được xu nào đem tiêu hoang, 
Rủ nhau chè chén nói huynh hoang, 
Xáo lộn văn chương với chả cá, 
Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả, 
Rồi ngủ một đêm mộng với mê, 
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê! 
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó, 
Nhà văn An Nam khổ như chó! 
Mỗi lần cầm bút nói văn chương, 
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương, 
Và nhìn chúng mình hì hục viết, 
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết, 
Mà thương cho tôi, thương cho anh, 
Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh! 
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng? 
Tôi làm Trạng Nguyên, anh Tể Tướng, 
Rồi anh bên Võ, tôi bên Văn, 
Múa bút tung gươm hả một phen? 
Cho bõ căm hờn cái xã hội 
Mà anh thường kêu mục, nát, thối? 
Cho người làm ruộng, kẻ làm công, 
Ðều được an vui hớn hở lòng? 
Bao giờ chúng mình gạch một chữ 
Làm cho đảo điên pho Lịch sử! 
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa 
Hất mồ nhổm dậy cười say sưa 
Ðể xem hai chàng trai quắc thước 
Quét sạch quân thù trên Ðất Nước? 
Ðể cho toàn thể dân Việt Nam 
Ðều được Tự do muôn muôn năm? 
Ðể cho muôn muôn đời dân tộc 
Hết đói rét, lầm than tang tóc? 
Chứ như bây giờ là trò chơi! 
Làm báo làm bung chán mớ đời! 
Anh đi che tàn một lũ ngốc, 
Triết lý con tiều, văn chương cóc! (6) 
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà, 
Ra chợ bán văn ngày tháng qua! (7) 
Cho nên tôi buồn không biết mấy! 
Ðời còn nhố nhăng, ta chịu vậy! 
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa, 
Bực chí, thành say mấy cũng vừa! 
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ! 
Chơi nước cờ cao lại gặp bĩ! 
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ, 
Rốt cục chỉ còn… mộng với mơ! 
(Viết rồi hãy còn say) - Báo Phụ Nữ. 
 
Sương rơi 
Sương rơi 
Nặng trĩu 
Trên cành 
Dương liễu... 
Nhưng hơi 
Gió bấc 
Lạnh lùng 
Hắt hiu 
Thấm vào 
Em ơi, 
Trong lòng 
Hạt sương 
Thành một 
Vết thương!... 
Rồi hạt 
Sương trong 
Tan tác 
Trong lòng 
Tả tơi 
Em ơi! 
Từng giọt 
Thánh thót, 
Từng giọt 
Điêu tàn 
Trên nấm 
Mồ hoang!... 
Rơi sương 
Cành dương 
Liễu ngã 
Gió mưa 
Tơi tả 
Từng giọt, 
Thánh thót, 
Từng giọt. 
Tơi bời 
Mưa rơi, 
Gió rơi, 
Lá rơi, 
Em ơi!... 

"Achilles cãi nhau với Agamemnon" - tranh của họa sĩ William Page

Chú thích:
(*) Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu: Bốn câu thơ này Hoài Thanh trích từ bài "Giang thượng ngâm" của Lý Bạch. Nguyên văn (phiên âm Hán - Việt) cả bài như sau: 
Giang thượng ngâm 
Mộc lan chi duệ sa đường châu, 
Ngọc tiêu kim quản tọa lưỡng đầu. 
Mỹ tửu tôn trung trí thiên hộc, 
Tái kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu. 
Tiên nhân hữu đãi thừa hoàng hạc, (*1) 
Hải khách vô tâm tùy bạch âu. 
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt, (*2) 
Sở Vương đài tạ không sơn khâu. 
Hứng hàm lạc bút dao Ngũ Nhạc, (*3) 
Thi thành tiếu ngạo lăng Thương Châu. 
Công danh phú quí nhược trường tại, 
Hán Thủy diệc ưng tây bắc lưu. (*4) 
Dịch nghĩa: 
Khúc ngâm trên sông
Con thuyền bằng gỗ sa đường, lái bằng gỗ mộc lan, 
Có tiêu ngọc sáo vàng ở hai đầu. 
Có ngàn hộc rượu ngon ở trên thuyền và chở thêm kỹ nữ mặc trôi theo sóng, 
Ngày xưa có vị tiên chờ cưỡi hạc vàng bay đi, 
Lại có người khách biển vô tâm đi theo chim âu trắng. 
Từ phú của Khuất Bình sáng mãi với mặt trời mặt trăng, 
Còn lâu đài của vua Sở khi xưa nay chỉ là núi gò. 
Khi cảm hứng say sưa, hạ bút đề thơ làm rung chuyển năm ngọn núi lớn, 
Lúc làm thơ xong, tiếng cười ngạo nghễ vang động Thương Châu. 
Nếu như công danh phú quí tồn tại lâu dài, 
Thì sông Hán Thủy phải chảy ngược dòng lên phía tây bắc. 
(*1) Hoàng hạc: Tương truyền tiên nhân Tử An cỡi hạc qua chơi ghềnh đá Hoàng Hộc ở huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; về sau có xây lầu Hoàng Hạc tại đây. 
(*2) Khuất Bình: Tức là Khuất Nguyên, người nước Sở, thời Chiến Quốc, là tác giả bài phú Ly Tao nổi tiếng. 
(*3) Ngũ Nhạc: Năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc là Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn. 
(*4) Hán Thủy: Tên sông, bắt nguồn từ tỉnh Thiểm Tây, chảy vào sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 
(1) Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1910-1971), quê làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong, lại đổi là Phổ Phong), huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Thời kỳ trước CM tháng 8-1945, làm báo, viết văn, làm thơ ở Hà Nội. Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tiếp tục làm báo, viết văn, làm thơ ở miền Nam, chủ yếu là ở Sài Gòn. 
Vào ngày 4 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tai nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An (Long An) - Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi. 
(2) Trương Tửu (1913 - 1999) là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Các bút danh khác: Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên, T.T... 
Trương Tửu sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Gia Lâm (Hà Nội). Thời trai trẻ, ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng , nghề thợ tiện, cùng trường lớp với Lê Văn Siêu (2*) Nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học (Năm 1927), vì tham gia bãi khoá ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả bài thơChiêu hồn nước Phạm Tất Đắc (2**).. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp Việt. Từ năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc Văn chương (tương tự Tổng biên tập) NXB Hàn Thuyên , thuộc nhóm Hàn Thuyên (2***). Thời kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học...Sau hiệp định Genève 1954, ông hồi cư về Hà Nội, dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong chức danh Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường…Đầu năm 1958, bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y. 
Từ những năm 1930, ông đã cộng tác với nhiều báo, như: Đông Tây tuần báo, Loa, Ích Hữu, Tiếng Trẻ, Hà Nội báo, Mùa gặt mới, Văn mới… 
Nguyễn Vỹ, bạn thân thiết của Trương Tửu, trong lúc say đã viết trong bài Gửi Trương Tửu rằng Tửu chỉ “triết lý con tiều, văn chương cóc”, nhưng lúc tỉnh đã nghiêm túc nhận xét: 
Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách Nghệ huấn luyện, lại sẵn thiên tài Văn nghệ nên lí luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh như búa, như kềm. Lời nói anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nẩy lửa, nghe lâu chát cả tai..." 
… Tuy vậy, lý luận của anh là một dây chuyền ngôn ngữ phối trí chặt chẽ, liên kết mạch lạc và rèn giũa với một nghệ thuật tinh vi, tế nhị…(Văn thi sĩ tiền chiến) 
(2*) Lê Văn Siêu (1912-1995): là Nhà văn, nhà báo, sinh ở thành phố Hà Nội. Thuở nhỏ học ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Công nghệ thực hành ở Hải Phòng, năm 1932 làm việc tại sở công chánh Hà Nội (Đốc công nhà máy gạch Đáp Cầu). Những năm 40 cộng tác với nhóm Hàn Thuyên của Nguyễn Đức Quỳnh, cùng Trương Tửu, Đặng Thái Mai... Viết báo Tiếng Trẻ và một số sách về thanh niên và thực nghiệp do nhà Hàn Thuyên xuất bản trước Thế chiến II. Năm 1934 - 1936 làm chánh văn phòng nghiên cứu kỹ thuật Sở Hỏa xa Hồ Nam - Quảng Tây (TQ). 
Khoảng các năm 1938-1944 ông chuyển về làm việc ở sở công chánh Hà Nội. Thời gian này ông hợp tác chặt chẽ với nhóm Hàn Thuyên viết các loại sách Tân văn hóa, giữ chức trưởng ban khánh tiết Hội truyền bá quốc ngữ Hải Phòng. 
Năm 1949 chuyển vào sống ở Sài Gòn với nghề thầu khoán, đến năm 1952 ông làm chủ bút báo Mới của Phan Văn Tươi, rồi tuần báo Phương Đông cho đến hiệp định Genève. Từ năm 1959 chủ bút các báo Cách mạng Quốc gia, nguyệt san Sáng dội Miền Nam. Năm 1967 ông được mời dạy một số giờ tại Đại học Vạn Hạnh, Cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm ở Sài Gòn... 
(2**) Phạm Tất Đắc (1909 - 1935): quê làng Kim Dũng, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 18 tuổi khi là sinh viên trường Bưởi ở Hà Nội, ông tham gia kêu gọi việc bãi khóa để đưa tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh rồi nhà giáo Lương Văn Can. Hoạt động của ông khiến ông bị chính phủ Bảo hộ theo dõi. Sau đó ông cho in ra cuốn Chiêu hồn nước, một tập thơ với lời lẽ thống thiết dấy lên lòng yêu nước của người Việt trước cảnh nước nhà bị người Pháp đô hộ. 
Với tập thơ đó, ông bị kết tội tuyên truyền "vận động có tánh chất làm rối sự an ninh công cộng và gây ra những sự rối loạn trầm trọng" rồi đem ra xử. Vì ít tuổi nên ông bị đem giam ở trại giáo hóa Trị Cụ ở thượng du cho đến khi 21 tuổi thì được thả. Vì bị giam lâu năm nên ông hay bệnh. Ông mất ngày 24 Tháng 4 năm 1935, khi mới lúc 26 tuổi. 
(2***) Nhóm Hàn Thuyên gồm những nhà văn, nhà phê bình, nhà biên khảo có khuynh hướng mác-xít như : Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Lạp, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Hải Âu, Lương Đức Thiệp và Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa. 
Hàn Thuyên chủ trương canh tân đất nước bằng con đường khác hai nhóm đương thời. Không hoài cổ như Tri Tân, Hàn Thuyên đả phá quan niệm Khổng Mạnh. Cũng không theo con đường Âu hóa như Thanh Nghị, Hàn Thuyên chủ trương «đi tìm một triết lý mới về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại của quốc dân Việt Nam» và qua tác phẩm của họ chúng ta thấy đó là triết học mác- xít. Hàn Thuyên lập nhóm Tân Văn Hóa, ra bán nguyệt san Văn Mới. 
(3) Thi đàn Bạch Nga lấy tờ Nguyệt san Phổ Thông làm diễn đàn. Tao đàn Bạch Nga có Nguyễn Vỹ làm chủ soái. Nguyễn Thu Minh làm thư ký và rất đông các thi sĩ đương thời góp mặt như cô Thu Nhi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Đức Hoài Trinh (Pháp), Ngọc Hân, Phương Đài, Thùy Dương Tử, Tuệ Mai, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát và Trần Tuấn Kiệt. 
Nguyệt san Phổ thông lúc bán chạy nhất lên đến hai mươi lăm ngàn số. Nguyễn Vỹ rất nhiệt tình giúp đỡ các nhà văn cũ như Lê Tràng Kiều, Vũ Bằng. Thời kỳ đầu, Tao đàn Bạch Nga rất đông vui, lúc nào cũng có các thi sĩ trẻ đến chơi và nhập hội. Nguyễn Vỹ gây dựng được thanh thế và giàu có. Ông sắm xe hơi đắt tiền, mướn lầu ở gần Cầu Kho đầy đủ mọi phương tiện… 
(4) Chủ nghĩa vị lai (CNVL) hay trường phái vị lai (tiếng Anh: Futurism, tiếng Pháp: Futurisme) là một trào lưu văn học và nghệ thuật rộ lên vào đầu thế kỷ 20. Trường phái này vứt bỏ truyền thống và tán dương thế giới hiện đại, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc và vận tốc. 
Một số nguyên tắc nghệ thuật của CNVL là: 
- Hướng về một nền “Nghệ thuật hiện đại độc đáo của tương lai”, ca ngợi cuộc sống đô thị và sức mạnh của kỹ thuật máy móc với tính năng động phi nhân cách, phi đạo đức. 
- Vứt bỏ mọi truyền thống, mọi di sản văn hóa của quá khứ, thách thức và chống lại thị hiếu nghệ thuật truyền thống. 
- Thiên về chủ nghĩa hình thức, không quan tâm đến nội dung của hình tượng nghệ thuật. 
(5) Bài này đã đăng trong “Phụ nữ Tuần báo” Hà Nội, năm 1937, bị Hội đồng Kiểm duyệt thời bấy giờ bỏ vài đoạn. Nay in đúng nguyên văn lần đầu tiên. (Nguyễn Vỹ: Hoang vu (thơ). Phổ thông Tùng thư. Sài Gòn, 1962). 
(6) Hồi bấy giờ Trương Tửu viết giúp báo Ích hữu của Lê Văn Trương; 
(7) Nguyễn Vỹ giúp báo Phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thảo. 
Tháng 8/2010
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: Văn học Tạp chí, 
1935 - Sài Gòn, tháng 8-2010 
Theo http://taophunghoiquan.blogspot.com/

Đặng Thơ Thơ - Hành trình đi tìm Bản kinh thánh cuối

Đặng Thơ Thơ
Hành trình đi tìm Bản kinh thánh cuối

“Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh”. Đặng Thơ Thơ đã viết như vậy trong truyện ngắn “Đi tìm bản kinh thánh cuối” như một trải nghiệm cần thiết của nhân loại và dân tộc mình.

Đặng Thơ Thơ bắt đầu viết năm 20 tuổi khi còn ở Việt Nam, theo tác giả những truyện này chịu ảnh hưởng Văn học Miền Nam, qua các tạp chí Văn, Bách Khoa, Tự Lực Văn Đoàn… Năm 1992, gia đình cô được bảo lãnh sang Mỹ. Tác phẩm đầu tiên cô gửi đăng là truyện ngắn “Mùa xuân xám” in trên tạp chí Văn học do nhà văn Nguyễn Mộng Giác giới thiệu năm 1995. Truyện ngắn này, Đặng Thơ Thơ đổi lại thành “Mùa xuân trắng” khi in trong tập “Phòng triển lãm mùa Đông”. Từ đó đến nay, Đặng Thơ Thơ đã đi vào nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến phê bình, dịch thuật, nhiếp ảnh, phỏng vấn...
Tác phẩm của cô xuất bản không nhiều, nhưng được chọn lọc kỹ càng, thường xuất hiện trên tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Đề.
Các tác phẩm đã in: Phòng Triển Lãm Mùa Đông, tuyển tập truyện ngắn (Văn Mới 2002). Tác phẩm mở: Khi Phong Linh Vỡ - truyện dài.
Đặng Thơ Thơ là một tác giả nữ đặc biệt trong dòng Văn học Việt Nam di dân, với một tâm hồn nhạy cảm luôn dằn xé trước thực tại và bản thân, tác giả thường trực khủng hoảng nội tâm, mâu thuẫn với chính bản thân mình, thích sống khép mình lui vào sự cô đơn, đọc tác phẩm của cô người đọc luôn tìm thấy sự tự tra vấn này.
Một trong những ám ảnh thường trực trong tác phẩm Đặng Thơ Thơ là sự “sống” và cái “chết”. Tác giả thường cho nhân vật tự hỏi: “Người ta có thể sống nhiều cuộc đời không? Người ta có thể chết nhiều lần không?... Mình có thể ngất đi, rồi tỉnh dậy hóa ra người khác, đúng không? Nếu mỗi lần sống lại, mình biến ra một con người khác, thì chuyện chết đi sống lại là tất nhiên. Đúng không? Nói chung, con người vẫn từng chết đi sống lại mà không hay biết”.(1)
Và linh cảm về một cái chết trước mắt. “Mân hay ngồi đó viết thư cho một người nào đó, báo tin thì đúng hơn, về cái chết của chính cô. “Mình sẽ tự tử vào một ngày mùa thu”, cô viết cho một người bạn có tên bắt đầu bằng chữ S, “Mình không bình tĩnh chút nào, mình rất hồi hộp, như sửa soạn đi chơi xa, mà có lẽ sẽ không về nữa.”(1)
Có thời gian nhà văn bị trầm cảm và hội chứng OCD (tâm thần thôi thúc ám ảnh), viết văn là một cách giúp tác giả thoát ra khỏi sự cô đơn và khủng hoảng đó. Giống như Thanh Tâm Tuyền viết Tôi Không Còn Cô Độc nhưng đến chết hẳn tác giả vẫn còn cô độc. Nhà thơ phải bám vào nỗi cô độc để thơ ông được tiếp tục viết và tiếp tục sống, hoặc để vượt thoát chính ông. Đặng Thơ Thơ cũng vậy.
Có lần tôi hỏi Đặng Thơ Thơ có chịu ảnh hưởng nhà văn nào không, cô cho biết ảnh hưởng nhiều bởi các tác giả như Borges, Virginia Woolf, Murakami, Kundera, Kafka, các tác phẩm của cô thời gian sau này phảng phất những xung đột nội tâm như vậy. Hiện nay Đặng Thơ Thơ thích đọc những tác giả nữ và da màu như Sandra Cisneros, Gloria Anzaldúa, Yiyun Li, Shan Sa, Yoko Ogawa, và Jeanette Winterson. Về tác giả Việt Nam, có 3 người viết mà phong cách của họ gây ấn tượng mạnh cho nhà văn là Trần Vũ, Nguyễn Hương, và Nguyễn Thúy Hằng.
Đặc biệt từ năm 2006, khi tham gia chủ trương trang web Văn học nghệ thuật không biên giới damau.org, Đặng Thơ Thơ sáng tác hàng loạt truyện cực ngắn, truyện chớp và nhận định phê bình: Luân hồi đen; Nữ Quyền Trốn Học; Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền; Nữ Quyền Trốn Học/ Feminism Plays Hooky; Polonium 210(*); Chiến tranh trên cánh đồng hoa tu-líp; Điều xảy ra sau khi Chúa chết; Hoa cúc trắng (đen) trên nền đen (trắng); Cấy Óc; Lối thoát cho Ted Haggart; Tình Yêu trước ngày Tận Thế; Ở khoảng giữa một gang tay; Lịch sử nhìn từ âm bản; Những vần thơ của Bác; Uncle’s Poetry; Buổi chiều ở Prague; Cuộc chơi của dân da màu; Con yêu tinh thứ một trăm lẻ tám; Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ; Quà Giáng Sinh Ý Nghĩa Nhất?;Quà cho người đàn bà lý tưởng; Tùy Bút của Thu Tứ; Những Bài Thơ Đến Trước Giấc Ngủ của vi lãng; 30 tháng 4 và một ngày ở phía tương lai; Vô đề; Con yêu ai nhất; Tôi đọc Thảo Trường; Hoàng Đạo - tiểu sử và sự nghiệp văn hóa; Lễ bế mạc một mùa hè; Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối.
Thời gian này, ngòi bút của cô trở nên sắc bén với một cảm quan thẩm mỹ mới. Đặng Thơ Thơ là một tác giả nữ luôn tìm cách làm mới mình qua nội dung và hình thức thể hiện. Hầu như mỗi tác phẩm là một thử nghiệm bút pháp trong một tư tưởng mới lạ. Những đề tài cô quan tâm thường là những vấn đề nhạy cảm mang tính thời sự xã hội, có ý thức dấn thân rõ nét. Hành trình cô tìm kiếm là một hành trình mở chưa có hồi kết.
Đúng vậy, với Đặng Thơ Thơ quá trình sáng tạo là một hành trình tìm kiếm, luôn luôn bất ngờ, luôn luôn thay đổi. Từ Mùa xuân Trắng đến Đi tìm bản kinh thánh cuối là một cuộc lột xác ngoạn mục.
Giai đoạn đầu nội dung trong tác phẩm của Đặng Thơ Thơ thiên về những chủ đề nhẹ nhàng như tình bạn, gia đình, tình yêu đôi lứa, cái đẹp trong nghệ thuật, văn mượt mà trong sáng, cảm xúc tuôn chảy như thơ. Trái lại, giai đoạn sau những đề tài tác giả phản ánh lại mang tính gai góc như văn chương nữ quyền, ẩn ức của những người đồng tính, lưỡng tính...hay các vấn đề nhạy cảm mà người viết trong nước thường tránh né như đối diện quá khứ, lật lại lịch sử. Giai đoạn này, văn phong thiên về tính chính luận, lý trí nhiều hơn, tác giả chú trọng nhiều đến kỹ thuật sáng tác. Một trong những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này là truyện ngắn Đi tìm bản kinh thánh cuối.
Lấy tư liệu từ Kinh Thánh làm chất xúc tác, Đặng Thơ Thơ đưa ra những luận đề: Vị trí và giá trị của người phụ nữ trong một xã hội giáo điều, mối tương quan giữa Niềm tin - Tri thức, Giáo điều - Tình yêu, và sự khả tín chính trị.
Nhân vật Tôi - một giáo sĩ chép kinh - thuộc phái Tín giáo, tượng trưng cho Tín điều. Nhân vật Mary Mađơlen - giáo chủ Tri giáo - tượng trưng cho lương tri, nàng cũng là người đàn bà duy nhất trong truyện - tượng trưng cho tình yêu.
Nội dung truyện xoay quanh nhân vật Tôi là một thầy tu dòng Tín giáo, có nhiệm vụ chép kinh thánh để lưu giữ, truyền cho hậu thế. Nhà văn Đặng Thơ Thơ dẫn người đọc vào một không gian hư cấu huyền ảo, không hiện thực huyền ảo mà thuần túy biến ảo của những truyền thuyết trong Tân Ước. Không gian và thời gian trong tác phẩm mở rộng vô giới hạn làm người đọc có cảm tưởng đang bay lượn ngoài vũ trụ nhìn về trái đất xem quá trình phát triển của nhân loại đang luân chuyển phía dưới. Tất cả mập mờ cùng lúc minh bạch, tất cả thâm u vừa chập chờn phân vân trong những gào la dằn xé của lý trí buộc im lặng...
Phụ nữ
Trong tôn giáo xưa Đàn bà là hiện thân của tội lỗi, tôn giáo phụ hệ xem thường người đàn bà, chỉ nhìn thấy nhục thể trên thân xác họ, không xem phụ nữ có khả năng sở hữu trí tuệ. Đây chính là điều mà Đặng Thơ Thơ đả phá, vì vậy trong “Đi tìm bản kinh thánh cuối” tác giả cho Mary có một chiếc đầu, biết suy nghĩ, biết chống đối và biết giữ sự độc lập cho thân xác mình. Mary không chỉ có nhục thể mà còn có cái đầu, có trí tuệ là thông điệp của nhà văn.
“Mary Mađơlen là người đàn bà có mình mà không đầu, hoặc có đầu mà không mình, và người đời sau chỉ biết một trong hai thứ. Thoạt tiên tôi chỉ biết cái đầu Mary. Cái đầu này chứa những khải thị huyền nhiệm và cả bản đồ chỉ dẫn đường đi của linh hồn. Cái đầu này thông minh xuất chúng và người ta bảo nó đã thu hết mọi lời Giêsu nói. Vì sợ nó gây thêm tổn thương cho niềm tin của chúng tôi, Giáo Chủ đã dùng thanh gươm vô hình lia ngang cổ, chặt phăng cái đầu đi. Từ đó truyền thuyết Mary người đàn bà không đầu đã biến Tri giáo thành một giáo phái huyền bí và ma quái. Nhưng thanh gươm của Giáo Chủ chỉ có thể cắt lìa mà không thể hủy hoại, cũng không thể khiến những thứ bị cắt lìa biến mất vào hư vô. Những thứ này vẫn tồn tại, nhưng trong một thể khác, trôi chảy lung linh hơn và dịch chuyển quỷ mị hơn. Nguyên tắc chung của những bí mật là tính hữu hạn của chúng: theo một lời nguyền của dòng Tri Giáo, thời gian lâu nhất để giữ một bí mật không thể quá hai ngàn năm. Sau thời hạn đó những bí mật bị chôn dấu sẽ trồi lên và làm thế giới ngỡ ngàng. Cái đầu của Mary chẳng hạn, nó vẫn lơ lửng giữa những cuộn kinh dài như tờ sớ.”.
Nhà văn Đặng Thơ Thơ đã cho Mary làm giáo chủ giáo phái Tri giáo dùng linh giác và lương tri để cứu rỗi, không ép buộc đức tin như bên giáo phái Tín giáo. “Sự đối nghịch giữa hai bên như mặt trăng với mặt trời về con đường dẫn đến cứu rỗi. Giáo chủ nói bên Tri Giáo đặt nặng kiến thức và coi nhẹ niềm tin. Ngài lên án Tri Giáo là ngạo mạn khi quan niệm con người có thể tự thông công với Chúa không cần thông qua giáo hội.”
Ở đây, hệ thống giáo hội đại diện cho các thiết chế xã hội, tôn giáo được tạo nên bởi quyền lực của người đàn ông. Qua hàng ngàn năm “quyền lực của người đàn ông” được thừa nhận như một niềm tin có giá trị truyền thống lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, điều đó mặc nhiên cầm tù người phụ nữ trong hệ thống niềm tin ấy. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, trong các lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, nữ giới luôn bị nam giới lấn át và tước đoạt quyền hạn. (Trong quá khứ phụ nữ ít khi được phép đến trường, ngày nay hãy còn tồn tại nhiều làng Hồi giáo tại các quốc gia như Yemen ngăn cấm phụ nữ đi học, ra đường phải che mặt và không được bước chân vào đền thờ mà phải đứng ngoài. Bên Công giáo, phụ nữ không được thụ phong linh mục và bên Phật giáo không làm Thượng tọa). Thời Cổ đại và Trung đại người nữ còn là vật dùng để tế thần như một cống vật. Người nữ không bao giờ được đối xử ngang bằng với đàn ông.
Văn chương tranh đấu cho nữ quyền là một trong những đề tài quan trọng đã được Đặng Thơ Thơ đề cập đến nhiều trong quá trình sáng tác của cô. Trong “Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền” tác giả viết: “Đằng sau mỗi vĩ nhân là một người đàn bà vĩ đại. Tôi rất thích viết về đàn bà vĩ đại. Nhưng vợ Khổng Tử có thật vĩ đại không? Chẳng ai biết gì về người vợ của ông. Nàng tên gì? Dung nhan nàng ra sao? Tài năng nàng thế nào? Nàng đã thành đạt gì trong cuộc sống, ngoại trừ việc cho ông mấy người con, trong đó có con trai nối dòng họ Khổng? Nàng có biết nói, biết khóc, biết cười không? Nàng có biết đọc, biết viết, biết làm thơ không? Chẳng sách vở nào nói đến nàng. Chẳng ai vẽ chân dung nàng. Làm sao vẽ chân dung một người không có chân dung? Tìm trong tiểu sử của Khổng Tử cũng không có tên nàng. Nàng là người đàn bà vĩ đại không tiểu sử.”
Khắc họa cách nào khi sự hiện hữu của nhân vật hầu như không được chứng giám?

Và nhà văn Đặng Thơ Thơ đi tìm vợ Khổng Tử trên trang sách Kinh lễ.

“Tôi tìm thấy những mảnh quần áo đông phương bị xé rách khi đọc kinh. Những trang kinh sắp trở về với hư vô, hơn hai ngàn năm đã trôi qua trên đó, nhưng Khổng Tử vẫn nhồi nhét thêm những người đàn bà mới vào sách của ông. Ông là vĩ nhân, có tài biến đàn bà thành chữ, thành nét, thành tư tưởng, thành tinh chất. Ông đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời là chắt lọc thân xác đổi lấy tiếng thơm. Như người ta ép tinh dầu. Bông hoa và mùi hương không thuộc về nhau. Bông hoa không được sở hữu mùi hương của nó. Hãy để ý đến động tác của họ, rất ngoạn mục: Họ cởi đồ chầm chậm, mỗi hành động buông áo, hạ quần, rút giây lưng kéo dài hàng thế kỷ. Họ ngần ngại và bị lôi cuốn, đến thiên niên kỷ thứ 3 mới bạo dạn dám khoe chút rốn. Ngôn ngữ của họ cũng lơ lửng; một chữ buông hờ ở cửa miệng rồi cứ đọng lại ở đó, một câu nói chưa thành tiếng đã bị mất hút vào không gian. Một ý nghĩ mất cả đời để thành hình. Một câu nói truyền từ người này sang người kia mất thêm vài trăm năm nữa. Chỉ có nước mắt của họ là vẫn vậy, xưa cũng như nay, những giọt lệ chảy nhanh, lăn tròn, đều đặn. Vận tốc của nước mắt là hằng số. Đêm đêm họ ngồi khóc bên những ngọn đèn lồng đỏ thắp lập lòe trên ruộng cao lương.” (2)
Nước mắt của người nữ là “Lệ đá” (3), dòng nước thổn thức bật ra từ lòng núi câm lặng mấy ngàn năm.
Đặng Thơ Thơ kết luận:
“Ký ức lịch sử Đông Phương không có chỗ cho một thân phận nữ đơn lẻ. Vì vậy Khổng Phu Nhân, người phụ nữ vĩ đại này đã tan biến vào tập thể và tồn tại như hương hoa để ướp thơm những trang kinh của chồng là đức Khổng”. (2)
Ngàn đời nay từ Tây sang Đông, từ Mary Mađơlen người yêu của Jesus đến vợ Đức Khổng PhuTử, phụ nữ luôn bị xem là chiếc bóng bên cạnh các vĩ nhân.
Đi tìm bản kinh thánh cuối cũng là con đường đi tìm sự giải phóng thật sự cho phụ nữ.
Giáo điều và Tình yêu.
Mary Mađơlen được nhắc đến trong tác phẩm như biểu tượng của nhục thể, tượng trưng cho tình yêu, nàng quyến rũ với “mái tóc từng lọn loăn quăn màu hạt dẻ phủ quanh cần cổ dài, làn da trắng ngà như sữa cừu, tia nhìn thống thiết và ngời sáng, một pha trộn giữa hy vọng và vô vọng. Và giọng nói của nàng, đau đớn rỉ rả cất lên từ trang sách”… “Nàng mảnh khảnh thanh tao như Donatello đã vẽ. Nàng đầy đặn vun tròn như người mẫu của Titian. Nàng hiện thân thành người đàn bà tội lỗi, cánh tay chắc nịch... bầu vú nàng căng mọng, căng đến nỗi chỉ cần bấu nhẹ thì sữa nhục cảm sẽ ứa ra tràn trề” (4).
Giáo điều trong kinh thánh cấm các giáo sĩ gần đàn bà vì cho đó là tội lỗi. Bản thân Giáo chủ ngoài mặt thì rao giảng thông điệp “Mary Mađơlen là người đàn bà xõa tóc lẳng lơ, đã lấy dầu sáp thơm thoa mình, đã để xác thịt phạm điều cấm kỵ” nhưng bản thân ông và các tăng lữ vẫn không thể thoát khỏi bản ngã nhục thể của chính mình, vì: “Bên dưới lớp áo dòng những dương vật chợt cương cứng nhức nhối. Bài giảng ấy là một thử thách và một rủa xả, nó bắt chúng tôi sinh lòng thèm khát. Ngay giữa giáo đường chúng tôi chứng kiến một cảnh thoát y quái gở khi Mary thay áo đổi vai từ một tông đồ sang một gái giang hồ. Tối hôm đó nàng tìm đến giường chúng tôi, khỏa thân và tràn trề xác thịt. Chúng tôi đầu hàng và tận hưởng nhục cảm nàng đem đến. Những nhục cảm không phải trả bằng tiền. Những nhục cảm trả bằng một thứ gì khác hơn, pha trộn sự biết ơn thống hối và cả nỗi buồn đắm đuối. Mỗi người trả bằng cái giá mà họ có. Ai có linh hồn thì sẽ trả linh hồn. Ai có quyền lực thì trả bằng quyền lực”, họ hiểu rằng đối với người đàn ông một trong những bản án chung thân, là lời thề đến chết không được gần phụ nữ. “Ban ngày tôi đọc và biên tập kinh, ban đêm linh hồn tôi lẻn xuống quảng trường gặp Mary... Vườn đá nằm khuất giữa những triền ô-liu bao quanh thung lũng... Mary nằm xoãi, ánh trăng chiếu qua tàng cây cằn cỗi rọi hình những chiếc lá nhọn hoắt lên thân thể nàng như những vết khâu. Tôi ngậm mút những trái ô-liu chín thẫm trên bầu vú nàng. Rồi chúng tôi làm tình trên tảng đá lộ thiên trơn nhẵn. Nơi đây tôi không gặp cơn ác mộng bị cắt phăng dương vật; nhưng sẽ luôn có một tai họa khác rình rập để trừng phạt tôi về tội tà dâm... Tôi ôm riết Mary, tôi khao khát truyền sự sống vào nàng” (4)
Cuối cùng, mọi giáo điều, đạo đức khô cứng đều quỵ ngã trước tình yêu. Sự xung đột nội tâm của các tăng lữ còn mở ra một chiều kích lớn. Đó chính là sự đấu tranh dám vượt lên chính mình của loài người, dám phá bỏ mọi niềm tin, lý tưởng giáo điều để sống thật với chính bản năng bình thường của con người. Thứ bản năng bình thường mà không tầm thường, vì chính là tình yêu, cội rễ của sự sống.
Chính mối tương quan giữa giáo điều và lương tri bên cạnh tình yêu sẽ quy định văn hóa sống của mỗi con người, bản chất của một thể chế xã hội, rơi vào tín ngưỡng hay vươn lên bằng lý trí... Các nền văn minh đều phải vượt qua thử thách này.
Niềm tin và Tri thức.
Câu chuyện xoay quanh thầy tu dòng Tín giáo xuất thân từ chủng viện lâu đời nhất thế giới, ông được Giáo chủ Tín giáo giao nhiệm vụ chép mấy nghìn cuốn kinh để lưu truyền hậu thế - đó là những bản kinh nguyên thủy xưa nhất mà loài người còn nhớ, viết trên giấy cói. Đầu tiên thầy tu chép kinh vì đức tin: “Tôi khấn nguyện ở đây trọn đời vì lòng kính mộ ngôi giáo đường này, vì nó là nguồn gốc của tôi, như thể thân xác tôi bắt nguồn từ đá, từ chất đồng của chuông, từ tiếng cầu kinh và tiếng đàn phong cầm cộng hưởng. Tôi cũng quyết định ở đây trọn đời vì Giáo Chủ. Ngài là biểu tượng của niềm tin, của sự thật, của trần thế, của thiên đàng. Uy quyền ngài không phải chỉ trong thời này, mà còn kéo dài những thế kỷ tới.”
Thầy tu chép kinh phát lời thề nguyện bảo vệ niềm tin của dòng Tín giáo bằng mọi giá. Thế nhưng, trong quá trình chép kinh, giáo sĩ nhận ra sự thật trong các cuốn kinh lưu trữ Không Duy Nhất. Không chắc chắn đấy là lời răn thật của chúa. Lương tri thôi thúc, bắt ông phải phản tỉnh, đức tin vào dòng Tín giáo lung lay, thầy tu bị dằn vặt: phải chép kinh theo sự chỉ đạo của Giáo chủ để phù hợp với quan điểm của Giáo hội hay chép kinh theo đúng sự thật của lời Chúa. Bắt đầu từ đây một sự đấu tranh gay gắt trong nhận thức của thầy tu giữa đức tin và lương thức con người: “Thời gian soạn bộ kinh thánh là thời gian căng thẳng trong quan hệ giữa Giáo Chủ và tôi, vì cách chúng tôi quan niệm kinh thánh thật khác nhau. Khởi ngay từ định nghĩa “kinh thánh” chúng tôi đã không nghĩ giống nhau rồi. Giáo Chủ bảo kinh thánh là lời Chúa, vì Chúa đã phán như thế. Những vị thánh ghi lại những gì Chúa nói, những gì Chúa làm. Tôi nói với ngài, các vị thánh cũng có thể ghi lại những điều họ tưởng là họ nghe, họ nghĩ là họ thấy. Cũng có thể những điều họ ghi chép là có thật, nhưng còn rất nhiều sự thật khác mà họ không thấy hoặc không nghe. Ngay tên gọi kinh thánh đã là một điều khó hiểu, vì nó không chỉ là một cuốn kinh, nó còn mang chất “thánh”, và từ “thánh” là điều khiến tôi suy nghĩ. Tại sao “thánh”? Chỉ vì chúng được viết ra bởi những vị thánh? Ai là thánh? Các thánh Phaolô, thánh Luca, thánh Gioan khi ngồi viết kinh vẫn chưa phải là thánh. Họ chỉ là thánh sau này, khi họ đã chết…”.
Hàng ngày lựa chọn các chương thi thiên để chép Giáo sĩ nhận ra còn có những con đường mới, những con đường khác so với niềm tin mà Giáo hội truyền dạy: “Thời ấy có rất nhiều kinh sách của Tri giáo, giáo phái đối nghịch với Tín Giáo chúng tôi, lưu trữ trong thư viện do tôi quản thủ. Giáo phái này do Mary Mađơlen thành lập, tuy cũng bắt nguồn từ khải thị của Giêsu, nhưng lại rẽ ra một hướng khác hẳn. Họ đi một con đường khác dẫn đến cứu rỗi, họ dùng linh giác và lương tri của họ, họ không dùng lòng tin của chúng tôi… Điều này khiến Giáo chủ không vui. Giáo chủ nói bên Tri Giáo đặt nặng kiến thức và coi nhẹ niềm tin. Ngài lên án họ là ngạo mạn khi quan niệm con người có thể tự thông công với Chúa không cần thông qua giáo hội”.
Việc đọc những cuốn kinh Tri giáo làm cho quá trình nhận thức của giáo sĩ từ từ thay đổi, ông hồ nghi chính mình vì niềm tin của ông đổi khác. Những cuốn kinh mà Giáo chủ cấm ông chép lại là những cuốn kinh giúp ông khai ngộ, mở ra những con đường mới. Thầy tu bị giằng xé giữa lời thề và lương thức của mình,  ông quyết định tự tìm một cuốn Kinh riêng: “Tôi cũng có một cuốn kinh của riêng tôi. Cuốn kinh phát xuất từ chính tôi, từ suy tưởng và chiêm nghiệm của tôi, một phần là chuyện của tôi với Giáo Chủ. Nếu mai này tôi chết đi, và tôi được phong thánh, thì cuốn kinh tôi viết kể là kinh thánh… Ở trang đầu tiên tôi đã viết như sau: “Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh.”
Cuối cùng, lương tri chiến thắng. Thầy tu đã chọn viết theo suy nghĩ của riêng mình không viết theo sự chỉ đạo của Giáo chủ, mặc dù ông biết viết trái với Giáo hội sẽ dẫn đến cái chết: “Nhưng tôi không thể trừ loại niềm tin và lương giác của mình. Nếu chúng ta có những định nghĩa khác nhau về niềm tin, thì mẫu số chung của niềm tin là gì? Chẳng lẽ không thể có mẫu số chung mà chỉ có hiệu số của một bài toán trừ bất tận, niềm tin này trừ khử niềm tin kia? Niềm tin nào giá trị hơn niềm tin nào? Niềm tin thắng thế của kẻ mạnh chăng? Đây là điều dễ hiểu. Đức Giáo Chủ là người mạnh vì cái nhìn của ngài thấu suốt tương lai thêm nhiều ngàn năm nữa. Còn cái nhìn của tôi bị giới hạn trong căn gác này, giữa những cuốn kinh đầy bụi và những tiếng nói tắc nghẹn của quá khứ. Tiếng nói của những cái đầu bị chặt”. 
Hành trình tìm kiếm chân lý
Giáo chủ muốn tiêu diệt Tri giáo nên ra lệnh thiêu hủy toàn bộ Kinh sách của Tri giáo, thầy tu quyết định hàng đêm ngồi dịch tất cả những cuốn Kinh Tri giáo sang một ngôn ngữ khác để cất dấu: “Những ngày sau đó tôi thức trắng đêm để dịch kinh. Tôi dịch tất cả những cuốn kinh Tri giáo mà Giáo Chủ chắc chắn sẽ đốt đi. Đức Giáo Chủ giỏi tiếng La-tinh, tiếng Do Thái và tiếng Hy-lạp nhưng cũng may ngài không biết tiếng Ả Rập và tiếng Ai Cập cổ xưa mà vùng này ít người thông thạo. Tôi chuyển linh hồn Mary sang một thân xác mới. Một thân xác có đủ đầu lẫn mình. Thân xác này sẽ nằm ẩn trong kinh, giữa những ký tự vòng vèo mà Giáo Chủ sẽ tưởng là sách dạy về bùa chú. Tôi vừa dịch kinh dưới ánh nến vừa nghĩ tới tháp Babel của Đức Chúa Trời, tới những mâu thuẫn gay gắt giữa màu da và chủng tộc. Tôi nghĩ đến sự diệu kỳ của ngôn ngữ. Những tiếng nói đa chủng tưởng như một trừng phạt, nhưng trở thành nơi lánh nạn của niềm tin. Chúa đã tạo ra Babel và tạo ra tôi, để làm điều Chúa muốn”...

“Mỗi tuần một lần Đức Giáo Chủ trèo lên đỉnh gác chuông, đưa thêm sách, dặn tôi chọn đoạn kinh này, bỏ cuốn kinh kia. Ngài vẫn kiểm tra những gì tôi viết. Tôi vẫn bị giằng xé giữa lời thề và lương thức của mình. Ngài không biết những gì tôi viết ra sẽ dẫn đến cái chết của tôi. Còn tôi thì đã chấp nhận viết cho đến chết dẫu đó là một số phận bi thảm không ai muốn.”

Người đọc cũng có thể hiểu, Giáo chủ ở đây tượng trưng cho uy quyền, cho một thể chế. Trong lịch sử nhân loại không bao giờ có một thể chế nào trường tồn mãi mãi. Cho dù các nhà cầm quyền luôn mong muốn kéo dài thời đại trị vì, luôn ra lệnh cho các sử gia ghi chép lịch sử theo ý người chiến thắng. Nhưng với thời gian lịch sử cũng được phơi bày ra ánh sáng với đúng sự thật vốn có của nó.
Trong thế giới ngày nay, không thể có một niềm tin nào là tuyệt đối, tất cả mọi việc đều có tính tương đối. Không thể lấy một niềm tin này để triệt tiêu một niềm tin khác, và làm sao biết niềm tin nào hơn niềm tin nào. Quy luật cuộc sống là một sự hài hòa. Cuộc sống con người cũng vậy, chúng ta sống không thể không có niềm tin nhưng cũng không thể không có nhận thức của lương tri. Tuyệt đối hóa một chiều, đều dẫn đến nguy hiểm. Vì vậy Niềm Tin và Lương Tri cả hai phải song hành cùng nhau. Không vô tình mà Đặng Thơ Thơ đặt tên hai giáo phái Tín giáo và Tri giáo.
Quá trình chép kinh cũng là quá trình phát triển nhận thức của con người, khi nhận ra sai lầm con người sẵn sàng phá bỏ để xây dựng con đường mới. Cuộc sống là một quá trình luôn luôn phát triển, thay đổi không ngừng. Vì vậy, không bao giờ có một chân lý nào tuyệt đối, không có một chân lý nào là mãi mãi. Cuối cùng một niềm tin tuyệt đối được thay thế bằng một sự phản bội tuyệt đối.
Kết luận của tác giả ở cuối truyện: Hành trình đi tìm chân lý của mỗi dân tộc là phải đi ngược lại lịch sử của dân tộc đó cho đến ngọn nguồn, bằng cách tự xoay lưng đi ngược. Không chân lý nếu không xét lại và không thể trốn tránh nếu muốn tìm ra sự thật.
Thông điệp truyện cho chúng ta một chiều kích rộng, con đường phải đi của mỗi dân tộc là phải biết xoay lưng với lịch sử chính thống ngụy biện để tìm ra lịch sử thật của dân tộc mình. Đây là một trong những thông điệp chính của truyện. Một tác phẩm xuất sắc phải mang trong mình một nội dung tầm cỡ, Đi tìm bản kinh thánh cuối là một trong ít những tác phẩm đó.
Trong một lần trao đổi, tôi hỏi Đặng Thơ Thơ: “Quan niệm nghệ thuật của Thơ Thơ là gì?”, cô trả lời không do dự: “Nghệ thuật có thể không mục đích từ cương vị người nghệ sĩ, nhưng tác động của nghệ thuật đúng nghĩa sẽ làm thay đổi hoặc nâng cao thẩm mỹ, cách nhìn, chiều kích, và tính nhân bản trong mỗi chúng ta”.
Đọc “Đi tìm bản kinh thánh cuối” ta bắt gặp thời gian luôn biến chuyển co giãn với một biên độ rộng: quá khứ - hiện tại - tương lai song hành cùng nhau. Các khái niệm, ý tưởng, hình tượng ẩn dụ hòa trộn nhuần nhuyễn tạo nên một cấu trúc đa tầng, làm phái sinh nhiều nghĩa qua cái nhìn đa chiều của người đọc. Cách viết này, làm cho không khí truyện luôn xáo trộn, biến ảo kéo theo cảm xúc của bạn đọc cũng luôn biến chuyển. “Đi tìm bản kinh thánh cuối” là một truyện kén bạn đọc, quá trình đọc cũng là quá trình khám phá, từng người đọc sẽ tự tạo cho mình một văn bản mới, bạn đọc cùng tham dự quá trình sáng tạo với nhà văn.
Hành trình đi tìm cái mới trong sáng tạo cũng là hành trình tìm kiếm bản kinh thánh cuối của tác giả, nhưng làm sao ta biết bản kinh thánh nào là bản kinh cuối, cũng như sáng tạo cái đẹp không bao giờ dừng, nó luôn biến chuyển, luôn thay đổi, đó chính là lời kêu gọi của Đặng Thơ Thơ.
Chú thích:
(1) Hoa Cúc trắng trên nền đen
(2) Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền
(3) Thơ Thanh Tâm Tuyền
(4) Đi tìm bản kinh thánh cuối.

6.10.2013
Ban Mai
Theo https://www.vanchuongviet.org/

  Cảm thức về cái đẹp và sự tự do của cõi người 17 Tháng Mười, 2023 (Đọc tập thơ “Nghiêng một giấc trưa” của Lê Bá Duy – NXB HNV, 2023) ...