Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Về vấn đề người đọc cổ điển và người đọc hiện đại

Về vấn đề người đọc cổ điển
và người đọc hiện đại

Cái kết ở bài viết của Đỗ Lai Thúy (Người đọc như là... Báo Văn nghệ số 27 ngày 03-07-2010) gợi một cảm tình với người đọc, ông nói “mô hình người đọc” mình đã nêu lên không có mục đích nào khác là để nhận diện nó trong một hệ hình tư duy mới, tạo bước tiến trên hành trình hội nhập thế giới, tạo ra quyền học thuật “Ở cái khác của những hệ hình tư duy khác nhau”. 
Cái mục tiêu đẹp đẽ đó được tác giả biện luận, dắt dẫn với nhiều luận cứ có phần mới mẻ nhưng với ý thức cầu thị chúng tôi muốn trao đổi thêm đôi điều. 
1. Về lịch sử vấn đề, ông cho rằng: Tùy theo yêu cầu thời đại mà mỗi yếu tố trong ba yếu tố tác giả, tác phẩm, người đọc nổi lên thành chủ đạo. “Suốt thế kỷ XIX yếu tố chủ đạo là Tác giả, nửa đầu XX - Tác phẩm, còn nửa cuối - Người đọc”. Thực ra ba yếu tố này trong lịch sử văn học đã luôn được nói đến và đều có tầm quan trọng đặc biệt, chỉ có điều do sự phát triển của tư duy thẩm mỹ và khoa học mà mỗi thời kỳ có cách lý giải đậm nhạt khác nhau mà thôi. Giữa thế kỷ XIX , K.Marx trong một tác phẩm phân tích về kinh tế, khoa học đã nêu ý kiến: “Tác phẩm nghệ thuật và mọi sản phẩm khác cũng thế, đều tạo ra một thứ công chúng sính nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp. Như vậy sản xuất không những chỉ sản sinh ra một đối tượng cho chủ thể, mà còn sản sinh ra một chủ thể cho đối tượng” (Y.N nhấn mạnh). (Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học - 1859). Áp dụng vào văn học, ta hiểu: Chủ thể tác giả khi sáng tạo tác phẩm - đối tượng cho chủ thể, thì cũng đã sản sinh một chủ thể mới cho tác phẩm - người đọc. Như vậy ta thấy trong số các ý kiến ít ỏi còn lại của K. Marx về văn học nghệ thuật ,quan hệ ba yếu tố này ông đã có bàn đến từ lâu, trong đó vấn đề người đọc - công chúng sính nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp (chủ thể cho đối tượng) ,được ông đánh giá cao không kém vấn đề tác giả, tác phẩm. Lý thuyết tiếp nhận, theo chúng tôi, về sau được xây dựng và phát triển đã có những tiền đề không quá xa lạ với luận thuyết này. 
2. Vấn đề Người đọc xưa và nay được ĐLT phân giải cũng chưa thật thuyết phục. Ông cho rằng người đọc cổ điển (NĐCĐ) là người đọc “cố tìm ra nghĩa tồn tại của văn bản hay nghĩa chủ ý của tác giả”, người đọc hiện đại (NĐHĐ) không chỉ thế mà còn “gián tiếp cùng tác giả xây dựng nên nghĩa kiến tạo, nghĩa ngoài chủ ý của tác giả”. Ông lý giải tiếp: “Tiêu chí cơ bản để phân biệt hai mô hình người đọc cổ điển và người đọc hiện đại là ở vấn đề nghĩa của văn bản. Người đọc cổ điển là người đi tìm nghĩa tức thừa nhận trong văn bản có tồn tại một thứ nghĩa, nghĩa tồn tại là thông điệp của tác giả gài vào. Với loại nghĩa lộ người đọc chỉ việc “bắt vòi” vào còn với nghĩa ngầm thì phải mất công đào bới làm “nổ tung” văn bản.” 
Trong phân tích của mình, khi đề cao NĐHĐ - người đọc chủ động, phi tuyến tính, người đọc kiến tạo thì không có gì phải bàn nhưng khi so sánh với NĐCĐ, ông đã vô tình hạ thấp trình độ tư duy cảm thụ nghệ thuật của NĐCĐ, cho là thụ động là chỉ đi tìm thông điệp tác giả gài vào như “bắt vòi” cho thông nhau, dẫu thông điệp có “nghĩa lộ” hoặc là “nghĩa ngầm” thì cách lý giải đó quả thật không thích hợp. Theo cách phân tích của ông, khi tiếp cận tác phẩm văn chương, cả về nội dung tìm hiểu cũng như cách thức khai thác, NĐCĐ đều sơ lược, đơn điệu, kém xa NĐHĐ vì một đằng chỉ tìm nghĩa tồn tại, nghĩa chủ ý của tác giả còn đằng kia ngoài công việc như NĐCĐ còn xây dựng nên nghĩa kiến tạo, nghĩa ngoài chủ ý của tác giả như một đối sánh kinh nghiệm sống và kinh nghiêm thẩm mỹ của đôi bên.Hay nói cách khác khi khai thác nghĩa của tác phẩm,cả về số lượng (định lượng) cũng như tính chất (định tính) NĐHĐ đều cao hơn NĐCĐ, thuộc một đẳng cấp khác. 
Ai cũng biết người đọc xưa (NĐCĐ) tiếp cận tác phẩm với nhiều đường hướng mới mẻ - ý nghĩa khách quan, có thể rất khác sự gửi gắm ban đầu của tác giả - ý nghĩa chủ quan. Người đọc khác nhau ở trong thời điểm khác nhau, không gian khác nhau sẽ hiểu tác phẩm không giống nhau. Cũng một Truyện Kiều nhưng Tự Đức, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Phạm Quý Thích hiểu rất khác nhau về các hình tượng trong tác phẩm và ứng xử rất khác với cái tâm sự ký thác của Nguyễn Du. Có cái sự khác nhau đó là nhờ sự khai thác các “nghĩa kiến tạo” ở các vị chứ không phải ở sự tìm “nghĩa tồn tại”. Không có cái chuyện các vị chỉ biết tìm cái chủ ý của Nguyễn Du gài vào khi đọc! Kim Thánh Thán bình Tam quốc chí, Tây du ký, cũng khác Mao Tôn Cương và nhiều độc giả cùng thời với rất nhiều ý nghĩa chẳng liên quan đến “chủ ý” của La Quán Trung, Ngô Thừa Ân.Chúng tôi cũng tin rằng người xưa khi khai thác tác phẩm không chỉ biết “nghĩa tồn tại” mà còn tìm ra nhiều “nghĩa kiến tạo”, nó không nghèo nàn mà rất phong phú, cho đến nay nhiều lớp nghĩa đó vẫn soi sáng cho chúng ta rất nhiều. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du tâm sự: “Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh”, Nguyễn hiểu rằng văn bản lời quê của mình sẽ được người đọc tạo dựng nhiều “nghĩa kiến tạo” để “mua vui” chứ không chỉ bám vào cái thông điệp tâm sự u hoài mà tác giả gửi gắm. 
Vấn đề quan hệ giữa người đọc và tác phẩm đã có từ xa xưa, chỉ có điều về sau người ta định danh rõ ràng ,nghiên cứu kỹ lưỡng phát biểu thành các lý thuyết như “đồng sáng tạo”, “tầm đón nhận” mà thôi. Có kiểu “đọc tái tạo” và kiểu “đọc kiến tạo”nhưng không nên gắn nó với sự phát triển những thế hệ độc giả theo thời gian! 
3. Chúng tôi sẽ rất tâm đắc nếu ĐLT chuyển cái sự nghiên cứu lịch đại về mô hình người đọc thành đồng đại. Có nghĩa là cái kiểu người đọc tuyến tính, “bắt vòi” vào sự ký thác đơn nghĩa ở các thông điệp xã hội học nơi tác phẩm vẫn còn đâu đó không chỉ ngày xưa mà cả thời hiện đại, khi khoác cái áo chật hẹp tiếp cận văn chương không với sự đa dạng mà đặc cứng với chủ đề nhất thể sáng rõ, nhưng đó là sản phẩm của sự trì trệ thiếu dân chủ, hạn chế cần bước qua, là cá biệt chứ không là một thông lệ phổ quát trong lịch sử văn học dẫu là lịch sử văn học quá khứ. 
Đỗ Lai Thúy có lý khi cho rằng văn hoá hậu hiện đại cho phép người đọc (nhà phê bình) hiểu và  giải thích một cách tự do và sáng tạo mọi văn bản: “Phê bình vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật [...]. Tác phẩm phê bình là một diễn giải độc đáo sáng tác của nhà văn và bằng sự kiến tạo nghĩa mới này gia tăng chiều kích tác phẩm”. Nhưng khi ông phát triển ý kiến: Người đọc giờ đây hiểu đúng/ sai không còn trong một hệ hình tư duy mà quan trọng hơn ở cái khác của những hệ hình tư duy  khác và biện minh cho sự giải thích của mình bằng một hệ hình tư duy mới  với nhiều khái niệm giải kiến tạo, phi trung tâm, đại tự sư... cho rằng dù đúng/ sai cũng có giá trị khai mở, cũng “tạo ra quyền học thuật”, thì người đọc thấy khiên cưỡng, thấy có cái gì như là “vụng đẽo khéo chữa”! Rất có thể khi triển khai sự so sánh hai mô hình người đọc xưa và nay, ĐLT dụng tâm đi vào một HHTD khác HHTD mà GS Trần Đình Sử vận dụng phê phán, nhưng theo chúng tôi hệ hình tư duy nào thì cũng cần cái đúng, không hạ thấp truyền thống, hạ thấp công chúng bằng cách cho người xưa chỉ biết đọc thụ động, tuyến tính, “bắt vòi” vào thông điệp tác giả gửi gắm, không sản sinh được nghĩa kiến tạo mới, ngoài chủ ý tác giả. Chúng tôi nghĩ cái đúng (chân lý), nó không phân biệt hệ hình tư duy cũ hay mới. 
5/7/2010
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Cảm nhận bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm"

Cảm nhận bài thơ 
"Mẹ tôi chửi kẻ trộm"

Nguyên văn bài thơ của Tòng Văn Hân:
MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM 
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé !
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa 
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.
Ở tỉnh lẻ báo chí về muộn, mãi đến gần đây thấy trên mạng fac có nhiều ý kiến khác nhau về bài thơ này. Hình tượng thơ bao giờ cũng có tính đa nghĩa, tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau điều đó không lạ, chúng ta mong tiến đến cách hiểu khá gần vẻ đẹp của bài thơ.
Chúng tôi xin trình bày cách cảm nhận của chúng tôi về bài thơ trên.
Bài thơ có hai phần/ đoạn dưới cách nói (nhân xưng) ngôi thứ nhất.
Phần một nói chuyện mất gà, lợn của gia đình, mẹ thường chửi thủ phạm. Cái lạ là nội dung câu chửi khác những câu chửi thông thường mắng nhiếc, xỉa xói, cầu cho thủ phạm bị tai nạn, tù tội, đau đớn cho đáng số, ở đây thì mong nó:
 Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
 có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
 Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Nghĩa là mong nó đủ ăn nếu không khá giả để khỏi đi trộm nữa! Bà mẹ có một tấm lòng nhân hậu, bà hiểu kẻ trộm cũng có ba, bảy loại.
Giữa hai đoạn là một khoảng lặng để cho người đọc tự kết nối.
Phần hai bài thơ nói hoàn cảnh cô gái, tuổi cập kê nhan sắc bình thường nhưng nhiều đám dạm hỏi muốn lấy làm vợ, phải chăng vì em là con một bà mẹ trung thực nhân hậu, là “con gái nhà lành”. Vì mến cái phẩm hạnh gia đình như vậy nên nhiều trai làng muốn lầy làm vợ!
Thông điệp bài thơ nghĩa đen là vậy, nhưng nghĩa bóng, nghĩa xa cuả nó khá sâu sắc, nó gợi cho người đọc suy nghĩ nhiều vấn đề đạo đức cũng như thiết chế xã hội. Tấm lòng bà mẹ ẩn dưới tiếng chửi là sự thông cảm, bà hiểu cái điều “ăn mày là ai, ăn mày là ta, vì chưng khốn khó nên ra ăn mày”, trộm cắp cũng là vậy! Ta có thể liên hệ với  Nguyễn Trãi về việc ông phân xử vụ án bảy tên trộm nhỏ tuổi, bảy tên cướp vị thành niên bị quan hình sự xử tội chết, ông xin tha, nghĩ rằng khi yên ổn no đủ khắp nơi chốn thanh bình thì nạn trộm cắp ắt không còn, hay liên hệ Nguyễn Du nói về cái sự liều lĩnh phản loạn của người nông  dân trong xã hội cũ vì thiếu, khổ nên đi ăn cắp, đói nghèo đi làm loạn. Giải quyết tận gốc vấn đề đó, đủ sống là hết nạn trộm cắp, loạn tặc. Cái tư tưởng này Nguyễn Du nói nhiều lần “Dân đen không chịu nỗi đói rét/ Lo bát cơm manh áo mà xem nhẹ tính mạng… Chỉ cần cứu tế một chút thì dân tự yên” (Tiểu dân bất nhẫn hàn thả cơ/ Cẩu đồ bão úc than vi khinh/… Sảo gia tồn tuất đương tự bình - Trở binh hành). Nó vừa bày tỏ nỗi cùng cực đến phải liều thân của kiếp dân đen trong xã hội cũ, nó cũng gián tiếp cho ta thấy phần nào cái nguyên nhân sâu xa đưa đến các cuộc khởi nghĩa nông dân triền miên trong lịch sử.
Ý nghĩa thứ hai: Bài thơ không chỉ qua tiếng chửi của bà mẹ mà còn qua tình cảm, sự lựa chọn của trai làng thể hiện một lối sống lành mạnh trong cái thời trắng đen còn lẫn lộn, cái bên ngoài lừa gạt bên trong, hình thức lấn át nội dung. Bài thơ đề cao sự trung thực, nhân hậu của đạo lý ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội, cái đạo lý luôn được đề cao trong nhân dân ta. Phần một bài thơ là nhân, phần hai là quả. Chính tấm lòng nhân hậu của bà mẹ đã đem đến vẻ đẹp phẩm hạnh của cô con gái khiến bao chàng trai muốn gá ngãi trăm năm. Bài thơ làm sáng thêm cái triết lý đạo đức mà nhân dân ta thường nói đến “cha mẹ ăn ở để phúc cho con cháu” hay “con nhờ phúc mẹ mẹ ơi”.
Hình thức bài thơ mộc mạc, tươi mát được xây dựng bởi một ngôn ngữ đời thường  và bố cục kiểu cắt dán có khoảng lặng khá mới. Cái lối ẩn ý nói ngược ta cũng thường quen gặp trong văn hóa dân gian kinh cũng như thượng, bên ngoài là chửi nhưng bên trong là cầu mong, nghe qua là tầm thường nhưng nghĩ lại là tốt đẹp cao quý, thoáng hẩng hụt ban đầu sau lại thấy giàu ý nghĩa. Đặt bài thơ này vào trùng điệp các bài thơ dự thi khác nó nổi lên như một bông hoa đồng nội đầy hương thơm. Bài thơ có cấu tứ đẹp. Nói như chơi mà thấm thía!. 
19/4/2021
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Về các phạm trù mỹ học và nền nghệ thuật mới

Về các phạm trù mỹ học
và nền nghệ thuật mới

Trong cuộc trao đổi của hai nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến và Đỗ Văn Khang các vị có nhắc đến các phạm trù mỹ học hiện hành. TS Đỗ Văn Khang nói đến năm phạm trù cái bi, cái hài, cái trác tuyệt, cái đẹp, cái xấu, GS Hoàng Ngọc Hiến nhắc đến bốn là cái bi, cái hài ,cái cao cả, cái đẹp. Quả là các tài liệu mỹ học thông dụng thường nhắc đến các phạm trù mà TS Đỗ Văn Khang nêu lên, cũng có tài liệu nêu thêm cái thấp hèn thành ba cặp đối lập: cái đẹp - cái xấu, cai bi - cái hài, cái cao cả -cái thấp hèn và ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi các tác giả của Nguyên lý mỹ học Mác Lênin chỉ chú trọng đến ba phạm trù chính là cái đẹp, cái bi kịch và cái hài kịch (1), tuy nhiên trong trường hợp nào thì cái đẹp thường được xem là phạm trù trung tâm khi nói về mối quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhân việc trao đổi của các vị chúng tôi muốn biện luận thêm một vài vấn đề liên quan khá thú vị về mối quan hệ giữa các phạm trù thẩm mỹ hiện hành với nền nghệ thuật nước nhà đương đại. 
Vấn đề số lượng các phạm trù thực ra không cố định trong lịch sử mỹ học, vì theo thời gian có phạm trù này mất đi và phạm trù kia thêm vào, nó không nhất thành bất biến. Vấn đề thực sự có ý nghĩa là nội dung các  phạm trù và cách vận dụng vào các nền văn chương, nghệ thuật ra sao! Về số lượng các phạm trù mỹ học trong lịch sử thì có những phạm trù nay đã mất (Thí dụ phạm trù cái tốt đẹp - kalokagatiia - trong nền nghệ thuật cổ Hy Lạp, thời kỳ sau không còn nữa). Có những phạm trù mà có thời và có quốc gia các nhà mỹ học bản địa đưa thêm vào, chẳng hạn phạm trù cái anh hùng! 
Vào những năm giữa thế kỷ trước các nhà mỹ học Xô viết gắn cái anh hùng với Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, xem là “phạm trù biểu hiện những đặc trưng trong sáng nhất của thời đại’ (2), sau đó trên  cơ sở hai cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, nền nghệ thuật chúng ta có những thành công trên mặt trận văn hóa chống đế quốc ,có tác động giáo dục lớn đến tình cảm quần chúng, các nhà nghiên cứu Hà Huy Giáp và Lê Anh Trà tiếp tục cổ súy bổ sung phạm trù cái anh hùng cho nền nghệ thuật Việt Nam. Tuy không thật chặt chẽ về phương diện lý luận thẩm mỹ nhưng trên phương diện thực tiễn sáng tạo, bổ trợ cho việc xây dựng CNAHCM trong đạo đức, phạm trù cái anh hùng đã có những tác động nhất định vào lý tưởng thẩm mỹ của văn chương, nghệ thuật nước ta suốt quãng đường dài. Nhìn chung cái anh hùng trên góc độ thẩm mỹ gần với cái cao cả, cái đẹp nhưng không đồng nhất và vì đến sau nên chưa thật có nhiều thành tựu gây ấn tượng! Trong những năm đánh giặc thì quan điểm chi phối nền nghệ thuật chủ yếu dựa trên phương diện đạo đức và chính trị. Đề tài gắn với thời sự phục vụ chủ trường đường lối, nhân vật chủ yếu là nhân vật tích cực để làm gương, chủ đề thì ngợi ca CNAHCM để giáo dục, đó là yêu cầu tất yếu mà lịch sử giao phó cho nền nghệ thuật cách mạng. Trong hoàn đặc biệt của Tổ Quốc, phạm trù cái anh hùng trở thành nội dung thẩm mỹ chủ đạo của nền nghệ thuật chúng ta, vấn đề này lúc bấy giờ cộng hưởng được với  tình cảm của dân tộc, các tác phẩm với cảm hứng anh hùng tạo được hiệu ứng thẩm mỹ lớn trong công chúng. Bước sang chặng đường mới, khi cuộc sống đã trở lại bình thường, đất nước phải lấy sự hội nhập làm thước đo phát triển thì nghệ thuật nước nhà, nếu kéo dài mãi tình hình trên sẽ không ít khó khăn, sẽ có nhiều hạn chế cho nền nghệ thuật mới trong việc phát triển để đi vào con đường lớn của nhân loại. 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự trong một lần gặp gỡ hội thảo với các nhà thơ Đông Á đã nói đến khoảng cách đó, tuy ông chỉ nói về thơ nhưng có thể suy rộng ra cho cả nền nghệ thuật nước nhà:
... Từ khi nền thơ ca hiện đại Việt Nam ra đời, có thể nói nền thơ ca này mới chỉ cất tiếng nói chính thức của mình trên thế giới khoảng 20 năm nay [...]. Trước năm 1975 Thơ ca hiện đại Việt Nam không có một cơ hội nào xuất hiện ở phía bên kia của thế giới. Nhưng một nửa phía bên này thơ ca hiện đại Việt Nam cũng chỉ xuất hiện như là một dấu mờ nhạt trong những chính sách ngoại giao chứ không phải là sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca [...]. Chỉ đến những năm cuối cùng của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nghĩa là khoảng gần 30 năm trở lại đây, thơ ca hiện đại Việt Nam bắt đầu mới xuất hiện trước bạn đọc của nhiều nước trên thế giới.(3) 
Ba mươi năm trở lại đây, nền nghệ thuật ta mới hội nhập vào “sân chơi” thế giới với “vẻ đẹp đích thực của ngôn từ” chứ không bằng “chính sách ngoại giao”, ta đã đến chậm lại ít gây ấn tượng, vì sao? Không phải vì tác giả ta ít tài năng, độc giả ta bảo thủ, văn hóa ta thấp, mà vì phương thức sáng tạo, cách nhìn nhận về đối tượng thẩm mỹ cũng như sự sáng tạo về thủ pháp nghệ thuật vẫn còn theo lối cũ chưa thật hòa nhập với thế giới! Đề cao bản sắc dân tộc (tính đặc thù) nhưng cũng cần  theo cái chuẩn thẩm mỹ của nhân loại (tính phổ quát) để có thể hội nhập nhanh chóng và có thành công lớn. Ngay thời chống Mỹ những tác phẩm được bạn đọc các nước yêu thích đa phần không phải là những tác phẩm nêu “gương sáng” mà là những tác phẩm giàu chất nhân văn, giàu tính thẩm mỹ. Người ta thích bài Hạn chế của Bác trong Nhật ký trong tù ,đánh giá cao tính trào lộng của Hồ Xuân Hương, chất nhân văn của Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm..., gần hơn, các tác phẩm đương đại được đón nhận cởi mở cũng là nằm trong quỹ đạo đó. Tác phẩm của ta bấy nay thường hướng vào cái anh hùng, cái đẹp, cái hài và có không ít thành công, nhưng ít tiếp cận  vào các phạm trù thẩm mỹ như cái cao cả, cái bi, đặc biệt là cái bi (có lúc ta cổ súy nhiều cho cái anh hùng mà muốn bỏ qua cái bi), những phạm trù mà văn học thế giới thường tiếp cận thể hiện và thu được thành công lớn, hệ quả là nhìn chung toàn cục nền nghệ thuật có phần đơn điệu. 
Cơ sở của các phạm trù thẩm mỹ trong nghệ thuật là các hiện tượng giàu tính thẩm mỹ trong đời sống. Cuộc sống hiện đại không phải không có các hiện tượng gần gũi với các phạm trù thẩm mỹ đã nêu mà trái lại gặp rất nhiều, đó là những vấn đề mà thời nào, nơi nào nghệ thuật cũng có sự mệnh thể hiện và thức tỉnh. Khi gặp những hiện tượng có sự hài hòa bên trong và bên ngoài, nội dung và hình thức khiến ta nghĩ đến cái đẹp; ngược lại cái bên ngoài, hình thức lấn át nội dung, sự trống rỗng bên trong được che đậy bằng một vẻ ngoài hào nhoáng ta nghĩ đến cái hài; khi cuộc sống bên trong, tài năng nhân cách cao hơn số phận, con người đương đầu với sức mạnh to lớn với một tinh thần đầy tự hào ta nghĩ đến cái cao cả; những tính cách cao đẹp, mãnh liệt bị thất bại do giới hạn của thời đại, ta nghĩ về cái bi... Những phẩm chất thẩm mỹ trong nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống. Cuộc sống với những oan trái, bất hạnh khiến Nguyễn Ngọc Tư đã thú nhận văn mình nghiêng về “những giọt nước mắt”; cái cao cả chùm lên cuộc đời các chiến sĩ như bí thư Kim Ngọc, chủ tịch Nguyễn Tư Thoan, cũng như sự chống chọi mạnh mẽ của những ngư dân trong mùa cá đương đầu cùng bão tố; cái bi của những số phận trong CCRĐ, trong chiến tranh vừa do hạn chế của thời cuộc, vừa do sai lầm của con người; cái đẹp tràn đầy trong cuộc sống bình dị hài hòa của người dân sông nước miền cực Nam, hoặc cần cù, phóng khoáng của người dân miền núi cực Bắc, cũng như nơi cảnh trí nên thơ của Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng... Cuộc đời của Bác chẳng phải là một hiện hữu sinh động tuyệt vời của cái cao cả đó sao! Về phía ngược lại, kẻ thù bây giờ, nội cũng như ngoại, bọn tham nhũng đầu cơ áp bức, đủ các mưu mẹo ác độc, đểu giả tác oai, tác ác là những mẫu hình cho việc xây dựng cái hài, cái xấu, cái thấp hèn. Rất nhiều tiền đề cho sự thể hiện các phạm trù thẩm mỹ hiện đại. 
Tiếp cận các hiện tượng thẩm mỹ trong đời sống, thể hiện nó dưới ánh sáng của các phạm trù thẩm mỹ, đó là một yêu cầu không mới đối với các nền nghệ thuật thế giới nhưng với chung ta thì đang là một thử thách. Có những hiện tượng đáng ra có thể khai thác dưới góc nhìn của các phạm trù thẩm mỹ để tạo những hiệu ứng cao thì tác giả lại đi theo lối mòn tiếp cận điển hình đạo đức kiểu cũ  nên trên mặt bằng văn chương, nghệ thuật ít có thành công mới lạ độc đáo. Theo lối viết quen thuộc, miêu tả mặt trái đời sống, về cái xấu, ta mới chỉ làm cho độc giả ghét mà chưa tạo được sự khinh bỉ hay phẩn nộ, viết về mặt sáng, tích cực của đời sống chỉ mới làm cho độc giả công nhận chưa tạo được cảm giác xót thương, sợ hãi, say đắm hay vui sướng, khoái trá, vì chưa xây dựng các hình tượng nghệ thuật được soi dọi bởi những đặc trưng thẩm mỹ, tạo được những tình cảm mãnh liệt mà chỉ dừng lại những tình cảm thường thường, chưa làm được cái gọi là “thanh lọc tâm hồn” mà chỉ dừng lại mức cảm nhận chung chung. Suy cho đến cùng, thật sâu sắc khi các nhà kinh điển đều cho rằng nghệ thuật là “quy luật riêng của tình cảm” mà tình cảm thẩm mỹ luôn là sở hữu thượng phong của nghệ thuật!. Vấn đề là cùng một hiện thực ta khám phá và thể hiện theo khuynh hướng nào để đạt hiệu quả cao về phương diện thẩm mỹ nghĩa là tạo được sự thích thú, khoái  trá - cảm giác thường gặp của con người trước cái đẹp! 
Cuộc sống dân tộc đang trên chặng đường mới,hội nhập đã trở thành một nhu cầu tất yếu, cần có một sự soi sáng về lý luận nói chung và mỹ học nói riêng thích hợp đáp ứng yêu cầu phát triển của nghệ thuật. Trong quan niệm học thuật cũng như thực tiễn sáng tác không ít tác giả ngoài việc tập trung thể hiện cái anh hùng, chỉ quanh quẩn với các phạm trù thẩm mỹ quen thuộc như cái xấu, cái hài, phạm trù cái đẹp thể hiện cũng chưa thật đầy đặn. Các phạm trù như cái bi, cái cao cả, cái đê tiện ít tiếp cận vì thấy chưa thiết thực, hoặc lấn cấn lẫn lộn giữa chính trị, đạo đức và thẩm mỹ nên ít vận dụng một cách tự giác, thảng hoặc có một vài sáng  tác  thể hiện có tính tự phát thì hình tượng nghệ thuật chưa thật đậm nét. Không phải chỉ khi hướng cái nhìn vào quá khứ  ta mới thấy các nhân vật đầy tính thẩm mỹ như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, hay qua kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi ta mới gặp những số phận giàu tính bi, tính hài; thấp thoáng trong các trang viết của Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh... đều có những số phận thời nay gần với cái bi, cái cao cả. Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều... và một số tác giả trẻ trong những chùm thơ mới so với thơ thời chống Mỹ đã có nhiều đổi thay khi thể hiện cái đẹp, cái xấu trong đời thực và trong cả tâm linh, với một nhãn quan mới mẻ; tất cả tiến dần đến một cách viết đầy cách tân mà trong đó có thể tìm thấy khá rõ dấu ấn các phạm trù kể trên, tác động tới bạn đọc bởi vậy cũng đa dạng hơn, sâu sắc hơn. 
Hài hòa truyền thống, bản sắc dân tộc, với  cái chuẩn lớn mà thế giới hướng đến tạo nên sức sống mới của nghệ thuật!. Bao nhiêu năm, phẩm chất anh hùng nổi bật trong đời sống dân tộc đã được văn chương ta ghi lại khá nổi bật, bên cạnh, so với các phạm trù phổ quát khác như cái cao cả, cái bi, cái đẹp thì quả thật nghệ thuật ta còn có khoảng cách, chưa đồng đều, nên chăng trong hướng đi tới bằng những hình thức tổng hợp thẩm mỹ giàu tính hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc, văn chương, nghệ thuật ta cần hóa giải cái khoảng cách đó để tiếp cận hoàn hảo thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng nhân loại, gia nhập một cách tự tin vào quỹ đạo nghệ thuật thế giới!.
Chú thích:
(1) Viện HLKH LX - Nguyên lý mỹ học Mác Lênin - Tập 3 - Cái đẹp, Cái bi kịch và Cái hài kịch - NXB Sự thật, Hà Nội 1963.
(2) Sách đã dẫn,tr.127
3) Nguyễn Quang Thiều - Thông điệp về Cái đẹp và Tự do - Tham luận trình bày ở Hội thảo “Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa” tổ chức tại làng Manhea, Hàn Quốc.
30/07/2009
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Có một nhà thơ xứ Nghệ

Có một nhà thơ xứ Nghệ

Trong một cuộc hội thảo về cuốn “Thi nhân Việt Nam” khi nhắc đến Quỳnh Dao, nhà nghiên cứu văn học lão thành Nguyễn Đình Chú có cho rằng “… sự tiếc nuối tăng lên nhiều lần bởi sự thiếu vắng khuôn mặt thi nhân Quỳnh Dao bên cạnh ba nhà thơ cùng quê hương Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can trong công trình rất sáng giá “Thi nhân VIỆT NAM”- một công trình mà có người đánh giá là cuốn sách của thế kỷ…” (Hội thảo 50 năm xuất bản “Thi nhân Việt Nam”- Hà Nội  1992).
Tại sao Nguyễn Đình Chú cũng như nhiều người yêu thơ khác khi nói đên Quỳnh Dao  lại có một sự luyến tiếc như vậy? 
Nhiều trường phái thơ xuất hiện vào khoảng những năm 30-45 thường được biết đên với các tên tuổi đã thành danh: Trường thơ Loạn Bình Định, Nhóm Dạ đài, Nhóm Xuân thu nhã tập… và rất nhiều thi sĩ tuy không thành nhóm nhưng cũng tập hợp một cách không tự giác và thường được nói đến trong một liên danh  như các nhà thơ Xứ Huế , các nhà thơ Lục Tỉnh, các nhà thơ Xứ Nghệ… Trong “Thi nhân VIỆT NAM, các ông  Hoài Thanh, Hoài Chân có tuyển chọn và đánh giá cao ba nhà thơ xứ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là Huy Cận, Xuân Diệu, Thái Can. Hai thi sĩ đầu là hai ngôi sao của làng Thơ Mới, còn người thứ ba không là “sao” nhưng cũng thường được biết đến như một tài năng hứa hẹn với nhiều bài ngũ ngôn độc đáo về quê kiểng. Thực ra còn một nhà thơ khác nữa mà nhiều thi phẩm cũng khá thành công gây nhiều ấn tượng cho độc giả đương thời nhưng thiếu vắng trong công trình của hai ông, đó là Quỳnh Dao, một tài thơ trẻ độc đáo. 
Quỳnh Dao (1918-1947) tên thật là Đinh Nho Diệm quê ở xã Gôi Mỹ, huyện Hương Sơn, một vùng đất nổi tiếng khoa bảng tỉnh Hà Tỉnh. Bố là một nhà nho yêu nước mẹ là một cô gái xứ Huế, con một vị đốc học chuyên trông coi việc giáo dục ở kinh đô. QUỲNH DAO được gia đình nuôi ăn học chu đáo, hứa hẹn một tương lai viên hạnh. Quá khứ từng cho ta thấy nhiều sự kết hợp huyết thống đẹp đẽ sản sinh nhiều nhân tài như sự kết hợp dòng tộc quê mẹ vùng Bắc Ninh trữ tình với quê cha vùng Nghi Xuân kiêu dũng đã  sản sinh một thi hào lớn là Tố Như, gần hơn dòng màu ông đồ nho cần mẫn xứ Nghệ hòa hợp dòng máu người phụ nữ hiền thục Quy Nhơn cho ta một Xuân Diệu lừng danh. Có thể chăng sự hòa hợp dòng máu Hương Sơn nghĩa khí, thông minh với xứ Huế  mộng mơ sẽ nuôi dưỡng một hồn thơ thành nổi tiếng nếu số phận không mang ông về thế giới bên kia quá sớm?. Bút danh Quỳnh Dao phần nào nói lên hoài bão của chàng thi sĩ trẻ. 
Nhà thơ mang dòng máu hai miền nhưng sống nhiều ở cố đô, và mảnh đất xứ Huế nuôi dưỡng trong ông nhiều tình cảm sâu đậm mà sau này ông mang vào trong các thi phẩm của mình. Chỉ trong khoảng 1938-1941, chàng thi sĩ tuổi vừa đôi mươi đã cho ra mắt bạn đọc các tập thơ “Tơ trắng”, “Dưới cầu Giang Tô”, và rất nhiều bài thơ lẻ khác đăng trên các báo rất được bạn trẻ ưa chuộng như Tiếng chuông chiều, Bài thơ Huế, Mối duyên hải hồ, Cả một buổi chiều, Hơi sương… Ngoài thơ tình ông còn viết một số bài thơ thế sự khác như Vịnh quan về hưu, Lính Tây mộ, Thăm cụ Phan Sào Nam… và một số truyện ký. Không phải bổng nhiên mà Lê Tràng Kiều một cây bút khá nổi đương thời, nguyên chủ bút “Tiểu thuyêt thứ năm”, đã không quên tên ông khi nhắc đến các thi sĩ tài danh một thời  như Anh Thơ, Thanh Tịnh, Yến Lan Phạm Huy Thông, Lưu trọng Lư…: “Những vần mơ màng của Quỳnh Dao, nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần trong sáng của Đổ Huy Nhiệm, những vần diễm ảo của Thanh Tịnh, những vần thành thực, tha thiết của Lê Anh Xuyên, những vần đầy mộng ảo và âm nhạc của Yến Lan, và những vần đặc biệt của TCHYA, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư…” 
Thế tại sao ông không vào được cặp mắt xanh của các tác giả “Thi nhân VIỆT NAM” để rồi sau đó tên tuổi chìm dần theo thời gian tạo một luyến tiếc cho đời sau? Phải chăng vì khi hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân xuất bản THI NHÂN VIỆT NAM trong tay chưa có nhiều thi phẩm của Quỳnh Dao, hay nghệ thuật thơ ông không hợp “gu” hai tác giả? Hoặc giả các vị thấy miệt Hồng Lĩnh có quá nhiều thi nhân trong tập sách nên không muốn đưa thêm vào một tên tuổi còn quá mới! Chỉ có thể nghĩ rằng có lẽ so với các tác giả nổi tiếng đương thời, Quỳnh Dao chưa có các bài “đỉnh” gây ấn tượng mạnh cho các ông như kiểu Tiếng thu - Lưu Trọng Lư, Bức tranh quê - Anh Thơ, Làng tôi - Tế Hanh, Ông đồ - Vũ Đình Liên, Hổ nhớ rừng - Thế Lữ… 
Một điều an ủi là dẫu không có tên trong THI NHÂN VIỆT NAM xuất bản năm 1942 nhưng trước đó và mãi sau này thơ ông vẩn được nhiều người mến mộ trong đó có những tác giả đã nổi tiếng. Nữ sĩ Anh Thơ trong hồi ký của mình đã viết về Quỳnh Dao với những dòng cảm phục: “Tôi thật sự kính phục anh về nhân cách và lòng tận tụy với văn học nghệ thuật, cảm mến anh về thái độ chân thành, cởi mở và tế nhị với đồng sự và bạn bè”. (Nhiều tác giả - Văn phẩm Quỳnh Dao - NXB Thanh Niên Hà Nội 1992). 
Cũng như các nhà thơ đồng trang lứa lúc bấy giờ, thơ của họ là tiếng nói của lòng ham sống một cuộc sống trong sạch không chạy theo những cám dỗ vật chất mà xã hội đương thời đang giăng bẩy, đang muốn lôi kéo thanh niên đi vào. Đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân thấy mình có trí tuệ, có nhân cách, có quyền vui sống. Với họ vũ trụ, đất trời, thiên nhiên rất tươi đẹp, đẹp ở sự tươi nguyên mới mẻ, trẻ trung: “Sớm hôm nay lòng ta như tủ áo, mới tinh khôi là lượt xếp từng đôi”. (Huy Cận). Cuộc đời với bao hy vọng đang đón chào. Các thi phẩm của Quỳnh Dao tô đậm thêm cái sự mơ mộng ham sống, dồi dào tình yêu với cái đẹp, những câu thơ vừa giàu chất tạo hình vừa thẩm đẫm những cảm xúc tươi mát hồn nhiên, bây giờ đọc lại ta vẫn không khỏi xúc động: 
Cả một chiều say trào cát bụi/ Lá vàng bay liệng mãi trong sân
Trời ơi làn gió vô duyên lạ/ Thiếu nữ hai tay giữ lấy quần. 
(Vài ba con hạc về tiên động/ Lộ cái thân ngà ngược gió mưa)
Những nét điên cuồng trên áo lụa/ Đương đòi cắt nghĩa ý da tơ. 
Nước mưa như luyến mùi son phấn/ Chưa ráo thêm duyên cặp má hường
Ta tưởng hồn đi trên xứ lạ/ Hàng ngàn ý nghĩ lạc trong hương.
(Tơ trắng - 1939) 
Chàng thanh niên 21 tuổi với những cảm xúc chân thực của mình khi ngắm những cô nữ sinh trường Đồng Khánh đi học về gặp mưa ướt như “hạc”... Thơ chân thành dể hiểu, lay động người đọc vì cải cảm xúc chân thành hồn nhiên hơi nhục thể nhưng vẫn trắng trong! Cảnh và người xứ Huế hiện lên trong các thi phẩm Quỳnh Dao quả thật rất thơ, rất mộng, con mắt chàng thi sĩ đa tình đã phát hiện nét đẹp riêng của các cô gái Huế quý phái, tươi vui mà dân giã lại rất gần gũi với thiên nhiên sông nước: “Một hàng tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu.”
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ ông gần gũi, tỏa lan chầm chậm đi vào hồn ta như một tình cảm quen thuộc muôn thuở, khơi gợi ở ta tình quê hương đất nước mặn nồng. Đó là một thiên nhiên không có cái sự ồn ào cuồng nhiệt như ở Xuân Diệu, cổ kính như Huy Cận, hoang dã như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư mà tĩnh lặng, mơ màng giống như một bức tranh thủy mạc, rất gần với Anh Thơ: 
Sương bay vô số gội lên cành
Mặt lá thêm buồn nhợt nhạt xanh
Ứa lệ hoa tàn run lẩy bẩy
Rồi triềng xuống cỏ cỏ làm thinh
(Hơi Sương - Tơ trắng) 
Và cái ngôn ngữ mà tác giả xử dụng thật tươi mát,thật trẻ trung: “Trời ơi làn gió vô duyên lạ/ Thiếu nữ hai tay giữ lấy quần”. hay “Sương bay vô số gội lên cành… Rồi triềng xuống cỏ cỏ làm thinh” Nó trẻ trung và hồn nhiên như chính tuổi Xuân của tác giả!. Với một ngôn ngữ thơ như vậy sẽ có người với thói quen thẩm thơ cũ cho là thô mộc, sống sít, nhưng với những con mắt khai sáng thấu thị ưa nhìn về tương lai sẽ cảm nhận được cái gì đó mới mẻ mà thi ca dần đến. 
Bên cạnh những bài thơ về tình yêu và tuổi trẻ, Quỳnh Dao cũng có nhiều vần thơ thông cảm với số phận những người lam lũ, những mảnh đời cay cực, trong thời buổi tao loạn: Cầu Giang Tô với Bích dương/ Ngói tan gạch nát con đường rêu xanh (Duới cầu Giang Tô). Sau này, với sự nhạy bén với thời cuộc ông đã có nhiều bài viết kín đáo lên án bọn cai trị, bày tỏ lòng mến mộ những nhà ái quốc (Lính Tây mộ, Thăm Phan Sào Nam), hướng về một đổi thay xã hội. Nhiều bài báo in trên tạp chí Đông Tây (1940 -1945) đã bị Sở liêm phóng theo dõi  cho đến khi tòa báo này bị đóng cửa.
Cách mạng thành công ông tham gia hồ hỡi vào các Nhóm công tác tuyên truyền Trung bộ và phụ trách Đoàn kịch quần chúng địa phương cho đến khi mất 1947 (29 Tuổi). 
Quỳnh Dao cũng như nhiều thanh niên trí thức tân học thời bấy giờ đã đến với Cách mạng từ lòng yêu văn chương, yêu cái đẹp. Cuộc sống ngắn ngủi nhưng “tiếng thơm” còn mãi với thời gian. Dẫu người đọc có kẻ nhớ, người quên nhưng chắc rằng trên con đường lưu lạc văn chương sẽ có những người bạn đồng hành gọi tên anh với một niềm yêu mến!. 
Chú thích:
Các câu thơ trích dẫn lấy ở Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX - Sở VHTT, Hội VHNT Hà Tĩnh xb 2000. 
31/7/2009 
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Chân cảm một hồn thơ

Chân cảm một hồn thơ

Duy Thảo sinh năm Mậu Dần (1938), tại làng Đông Thái, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Học xong phổ thông Duy Thảo ra Vinh tìm kế sinh nhai. Đầu năm 1962 anh nhập ngũ vào binh chủng Phòng không, trung đoàn pháo cao xạ 280. Đấy là những năm tháng mà sau này nhớ lại anh nói, cái may mắn cho đời văn chương của anh là thời gian ở quân chủng Phòng không được chiến đấu, sinh hoạt cùng những người đồng đội yêu văn chương và tài hoa sau này có người trở thành nhà văn nổi tiếng. 
Anh là một người kín đáo và khiêm tốn, sự khiêm tốn thể hiện ngay ở cả cái bút danh anh chọn cho mình Duy Thảo - ngọn cỏ nhỏ. Khi đề tựa cho tập thơ 80 bài của anh nhà văn Đỗ Chu có viết một nhận xét về Thơ đầy ẩn ý: “Cái vùng ấy mênh mang như bãi nước bí ẩn không thể giải mã, lúc rủ nhau nhào xuống thì đông mà lúc ngoi lên sao muốn vắng. Vậy mà nó cứ rủ rê con người ta mon men đến” (Duy Thảo và tôi). Dòng sông thơ rất khắc nghiệt, bao nhiêu người nhảy xuống đều chìm nghỉm họa hoằn vài người nổi lên, nhà văn có ngụ ý tin rằng  trong số ngoi lên đó có Duy Thảo!
Xuất phát điểm là nhà thơ mang áo lính! Ghi nhớ thời trận mạc, “màu áo lính - màu xanh giản dị” xuất hiện rất nhiều trong thơ  anh. Khi là kỷ niệm “Một thời thắm thiết màu xanh/ Cái màu áo lính trở thành nhớ thương”, khi là niềm tin “Cái màu tin để mà yêu/ Xa rồi để nhớ, gặp nhiều để mong, là nguồn an ủi“ đời mà nặng gánh bão giông/ Gặp màu áo lính nghe lòng nhẹ rơi…” (Màu áo lính). Chính chất lính ấy giúp Duy Thảo bền chí, vững bước trước những thử thách cuộc đời thời hậu chiến, rồi thời đổi mới mở cửa “Bao điều bạc phếch lòng tin/ Chỉ còn quê kiểng giữ xanh lời thề” (Cõi về).
Thơ anh giai đoạn đầu thấm đượm chất hào hùng, cái âm hưởng chung của thơ ca bấy giờ Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng... Nó cộng hưởng với người đọc về tâm trạng hơn là kỹ thuật thơ. Về sau thơ anh chủ đề trải rộng nhiều chiều hướng, với chiều sâu của một vốn sống từng trải luôn có những câu thơ đằm sâu suy nghĩ. Anh nói về sự hy sinh mất mát của những bà mẹ, người chị trong chiến tranh: Ngày báo tử chị khóc không thành tiếng Rồi hóa thân làng xóm gọi bằng bà (Mưa ngâu), hay Để tâm linh thấm vào tận nỗi đau, Lời trăn trối mẹ già lúc vĩnh biệt, Nắm nhang thắp giữa chừng không cháy hết, Khúc đoạn trường lời cách biệt âm dương (Nhắn tìm đồng đội). Trước mất mát của cuộc đời, sự hy sinh của người đi trước, ta bắt gặp trong thơ của Duy Thảo một tâm trạng riêng khá nổi bật, đó là sự tự hối, thấy cái hạn hẹp, tầm thường của mình trong mối cộng cảm cùng thế sự. Một cái gì có phần ray rứt có phần hối hận, khi nhớ đến những người bạn đã đi xa, dang dở bao nhiêu ý nguyện. Cái cảm thức về sự suy tính thiệt hơn đầy toan tính cá nhân, thấy mình là người có lỗi luôn trở đi trở lại cùng tác giả. Gần hết cuộc đời nhìn lại: Ngoái lại đằng sau bao nuối tiếc/ Tự trách mình chưa làm được nhiều hơn/ Qua nắng mưa qua nóng lạnh đời thường/ Vẫn chỉ thấy mình là người có lỗi/ Những toan tính của một thời nông nổi (Trước xuân này). 
Chủ đề quê hương, gia đình cũng sâu đậm trong thơ anh. Trong chiều dài cảm hứng gia tộc, gia đình, tác giả tìm được sự kết nối, sự phát triển, từ bé đến lớn, từ nhạt nhòa đến sâu đậm, từ bóng tối ra ánh sáng, từ đau khổ đến sướng vui. Tất cả hiển hiện qua sự thay đổi của làng xóm, từ cái thuở lao đao giáp hạt ngược xuôi tảo tần, đến bây giờ một vùng văn vật nên thơ nên vần và qua sự thay đổi của chính bản thân, từ cậu bé quần đùi mò ốc rét cắt da/ mà nay đi giữa phồn hoa đô hội têt/ man mác ân tình xuân cố hương (Gặp lại tết xưa). Thơ tràn đầy tình nghĩa với cuộc đời, gia đình, bè bạn nhưng không chỉ có thế, với bao nhiêu năm tháng từng trải tác giả còn ý thức được cả những va chạm, những cọ xát đằng sau bao sự việc. Những ân tình trải qua thời gian bao thử thách không phải không có nghịch lý, nhưng với những nghịch lý đó tác giả nghiệm sinh một lẽ sống, một cách xử sự nhẫn nại, yêu thương và tin tưởng. Đó là cái mạch ngầm triết lý  mà người đọc nhận thức gián tiếp qua bề sâu thơ anh. 
Khi nhà thơ nhắc đến ông bà tổ tiên trong mạch cảm hứng truyền thống dân tộc: Chân hương bao lớp cắm dày/ Tổ tiên cha mẹ họ hàng nằm đây/… Cúi đầu cầu nguyện tổ tiên… hay nhớ đến  song thân: Cha đi biệt xứ quê người bao năm/ Một đôi vai mẹ tảo tần/ Gánh bao cay cực âm thầm ngày đêm, ta cảm thấy đã nói hộ cho tấm lòng của mình. Trong làn hương khói nhạt nhòa, sống lại với người đọc cái tâm thức một thời trôi nổi “nửa thì gia tộc, nửa thì quê hương” (Hồ Dzếnh). Nhiều câu thơ nói về tình cảm gia đình, làng xóm thật cảm động. Đón người vợ sau tai biến trở về, chưa hoàn toàn bình phục “nhìn em lóng ngóng cầm rơi đũa/ Anh thương nước mắt bỗng trào ra”, câu thơ không có gì to tát, một chi tiết đơn giản mà thấm đẫm tình thương yêu tấm mẵn, tao khang! Và có thật gắn bó với quê làng mới thấy được đời sống bà con Đồng tiền gom nhặt dân quê/ Còn lo đóng đậu nhiều bề ăn theo! Câu thơ khiến người đọc không khỏi quặn lòng!
Sinh trưởng trên một vùng đất đẹp như tranh họa đồ, có núi giăng tiếp núi, mây trôi kín trời, vùng đất hội hè, đình đám, hết Chùa Hương, đến Chợ Củi, hết chọi trâu đến đua thuyền… Vùng đất xinh đẹp, đầy hào khí song cái nghèo đeo đẳng ngàn đời nay. Tập quán thẩm mỹ nơi này không ưa những hào nhoáng, những phù vân những hình thức giả tạo.Thơ Duy Thảo cốt lấy cái tình thực làm điểm tựa mà thể hiện, mà tỉ tê cùng bầu bạn. Đứa con miệt quê nghèo khi nói về nơi chôn rau cắt rốn thật khiêm nhường, dung dị:... Thương mẹ già còng lưng lo chống chọi
Nước xiết chân lẩy bẩy chuyến đò đầy
Thương em thơ bụng đói, mắt thơ ngây
Chờ tấm bánh mỏi mòn chưa kịp tới…
(Gửi miền Trung).
Và trong cái thời buổi còn nhiều nhố nhăng, thật giả lẫn lộn, nhiều đua đòi thái quá, người đọc tìm thấy đâu đây một hơi gió lành khoan hòa, ấm áp, một nền nếp gia phong: 
Câu tục ngữ ôm vào câu thành ngữ/
Đời cho ta giàu tiền gạch, ngãi vàng/
Để lúc vui con biết cười ý tứ/
Để lúc buồn con biết khóc đoan trang/
(Thơ cho con ngày đi lấy chồng)
Duy Thảo thử thách trên nhiều lối thơ: năm chữ , thơ tự do, thơ  tám chữ, thơ lục bát, tứ tuyệt... đâu cũng gặp một cách nói ấy, chân thật, giản dị, không khoa trương, màu mè, không hô to, gọi giật. Đặc biệt các bài thơ về hoa lá cây cảnh. Thiên nhiên vốn trong sạch và vô tư. Người xưa khi tránh cái đời “đục” hay tìm về với thiên nhiên. Duy Thảo khi mệt mỏi cũng tìm về thiên nhiên để nghỉ ngơi Chân mỏi gót trần lên thiền viện/ Bỗng nhẹ thênh lòng một tiếng chim (Tiếng chim). Đời không bình yên, nhà thơ tìm về với hoa lá mong nhận được một sự thủy chung chân thật. Đến cái tuổi cổ lai hy, ngẫm nghĩ sự đời câu thơ anh thốt lên đầy vẻ nghiệm sinh xoáy vào tâm tư người đọc: Thủy chung còn lại nhành hoa bưởi/ Thơm ngát góc vườn giữ tuổi xuân (Hoa bưởi). Bao năm trăn trở lưu lạc với đời, về vườn xưa nhà thơ thấy mình trẻ lại bởi cành bưởi thơm ngát giữ tuổi xuân cho mình! Thời nào cái tình ngươi vẫn quý nhất, và quý nhất trong cái bể tình đó là sự thủy chung. Và chính sự thủy chung nó làm cho tình người chiến thắng thời gian!
Là nhà báo giúp anh đi và biết nhiều nơi nhiều vùng, nhiều cảnh đời, với tâm hồn thơ Duy Thảo gửi gắm vào đấy nhiều rung cảm. Nào Tam Soa, Cầu Ngúc, Suối Tiên, rồi Xóm Mồ Côi, Núi Thiên Tượng, Ngã ba Đồng Lộc… tất cả đều được gửi gắm trong những câu thơ đằm thắm, chân tình. Theo con đường đi của các gia đình Việt Nam từ làng quê ra phố phường, trong cuộc di chuyển mưu sinh nặng nhọc này cái được, cái mất thật khó lường. Duy Thảo thổ lộ theo cách của mình: Từ ngày ra bám phố, kẻ lạ rồi khách quen, đêm ắng im cánh cửa, ngày nhao nhác đồng tiền. Từ ngày ra phố lạ, chen đi với dòng đời, chút gia tài góp nhặt, biết mình đang đánh rơi (Tìm về). Ai đã qua rồi những thăng trầm, lên xuống, những được thua, vấp ngã hẵn không thờ ơ lật qua những dòng thơ:
 Rồi tất cả tan chìm cơn dĩ vãng
Những dại khờ, những lọc lõi phù du
 Xin lượm chút sợi vàng vương trên gối
 Khóe mắt nhìn âu yếm những thương yêu
(Lối rẽ)
Hơn năm mươi năm cầm bút, trải nghiệm bao nhiêu thăng trầm của đời sống, “có bao nhiêu là ký ức, cuộc sống tưởng đã nghìn năm”, tác giả chiêm nghiệm thổ lộ ra trên những dòng thơ chân chất đằm sâu tâm sự. Trăm năm mỗi cuộc đời như là bốn mùa thì cái tuổi “cổ lai hy” của tác giả đã là cuối thu sang đông; những cơn mưa giao mùa này không còn cái mát mẻ hay nồng ấm của thì xuân, không hào nhoáng cháy bỏng cái sự lạ mùa hạ hay trong trẻo hương đưa của mùa thu mà giao hòa giữa trầm lắng pha chút u hoài của cái gì đã qua và sắp tới ở mùa đông.
“Khép lại tập sách, những lo lắng, thấp thỏm ban đầu mờ dần, đọng lại là nỗi bâng khuâng vướng vít, vừa lạ, vừa quen trước một hồn thơ đa cảm và chân chất. Chính điều này đã cứu anh và giữ lại cho chúng ta cái khôi nguyên của khá nhiều rung động thơ sau bao nhiêu trải nghiệm vui buồn” (Hữu Thỉnh - Hồn thơ Duy Thảo).
Xin mượn câu nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh để gói lại bài viết này.
22/5/2021 
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Trần Nam Phong và viết chờ sen lên

Trần Nam Phong và viết chờ sen lên

Viết chờ sen lên (*), tập thơ đầu tay cũng như nhiều bài khác trên trang Fac của Trần Nam Phong rất được bạn đọc trìu mến đón nhận. Lãng đãng ít sắc màu triết lý, pha một chút hương vị thiền, đậm chất trữ tình đồng quê…, thơ của anh gợi nhiều ấn tượng cho bạn đọc! Tuy nói tập thơ đầu nhưng là tập đại thành cả một quá trình sáng tác rất dài của anh, nên tập thơ nhìn chung chỉn chu, thoáng đãng đọc rất dễ vào.
Sinh ra ở một miền quê có nhiều đặc sắc, nơi đây là mảnh đất cuối, địa đầu phía Nam  của nước Việt cổ và cũng là tuyến sau của bao lớp binh đao thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Một vùng hỗn cư nhiều lớp cư dân, ngoài người bản địa, còn nhiều lớp người từ xa đến: những cung phi, thái giám, quan lại thất sủng, kẻ phản loạn chống triều đinh bị đi đày, nho sĩ ẩn cư vì thời loạn…, theo với lẽ hưng phế của thời cuộc họ cùng gia quyến về đây sống bao đời tạo nên một lớp cộng đồng nhiều nét đặc biệt. Văn hóa đằng ngoài ảnh hưởng vào đây từ rất sớm. Sinh thời nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh có cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hai vị tiến sĩ Lê Quảng Ý, Lê Quảng Chí thuộc lớp khoa bảng đầu tiên nước ta ( tk14), các nhà  khoa học, nhà văn hóa tên tuổi về sau cùng những doanh gia xây dựng cơ nghiệp lớn trên đất Âu, Mỹ nhiều người xứ này… Đời sống tinh thần mãnh liệt, tính cần cù nhẫn nại của đời trước còn truyền lại cho đời sau tạo một cốt tính để thích nghi hoàn cảnh! Trần Nam Phong gắn bó nhiều năm nắm rõ sắc thái  văn hóa xứ quê và không phải điều đó không ảnh hưởng ít nhiều trong sự chuyển dịch âm hưởng đời sống vào thi ca tạo một âm hưởng riêng mà quê hương mang lại.
Trên con đường từ miệt quê về phố thị anh vẫn mang theo nhiều âm hưởng quê kiểng tạo nên trong thơ một nét trong sáng dịu dàng mà không ít bạn đọc thích thú.Từ cái ấn tượng đầu tiên tập thơ Viết chờ sen lên đập vào cảm thức độc giả một hương vị của mùa sen đến độ, rồi sau đó những vần thơ trên trang fac cồn lên bao kỷ niệm về dấu chân người ra đi…
Bạn trẻ đọc thơ anh, bắt gặp một cảm xúc dịu ngọt mà mới mẻ trước tiên ở mảng thơ tình. Những câu thơ khá độc đáo, với những hình ảnh lạ, ngôn ngữ cũng rất ấn tượng:
 Bìm bịp ngủ trong lồng ngực em / Anh mơ làm con nước/
 Trăng thức để tròn/ Sao tình em/ Lại khuyết
 Gió ngậm tóc đi tu/ Sen thơm vào cốm nõn/ Mình anh thơ thẩn tìm thu
 Ra bể tìm sông, sông giấu mặt/ Mùa đi/ Vời vợi mảnh buồm nâu
(Tìm thu)
 Bìm bịp ngủ trong lồng ngực em/… Gió ngậm tóc đi tu/ Sen thơm vào cốm nõn.
Những hình ảnh vừa ẩn dụ vừa siêu thực đánh mạnh vào cảm giác người đọc. Cảm xúc thì trẻ trung, ngôn ngữ lại mới mẻ, những câu thơ mang hương vị riêng.
Hay:
Tiếng chim gáy cất lên/ Em họa mi trong mắt
Bình minh/ Mang cơn mưa/ Về gieo hạt
Anh nhặt được/ Những ánh sao/ Còn ướt
(Bình minh)
Người và vật, hình và tiếng, tất cả quyện lẫn hài hòa đánh thức các giác quan người đọc trong một niềm hân hoan khó tả. Niềm hân hoan của tình yêu! Dẫu sao đó cũng là cơn mơ tình ái. Nó lóe lên ở một vài bài, đa phần thơ anh mực thước và mang âm hưởng làng quê hồn hậu.
Như một nhà thơ tiền bối đã nhắc nhở, Thơ hay cốt hai điều: chân thật và có nét riêng! Hai điều đó đều có ở thơ Trần Nam Phong. Những điều anh thổ lộ về quê hương, cha mẹ, về tình yêu đều rất mực cảm động và cái dư vị đồng quê tạo nét riêng thơ anh. Một miền quê nghèo còn đầy sương gió nhưng không vì thế mà làm nguôi nỗi nhớ nhung, yêu mến của tác giả. Nhớ câu thơ cua P.Neruda “Tôi yêu đến tận cùng gốc rễ, Quê hương tôi nhỏ bé lạnh lùng”. Anh cũng vậy, yêu từ Mấy cành lan mộc lúc trăng lên đến Những hòn đá trắng mờ rêu xám của cái thôn nghèo Hoàng Diệu cho đến những vườn cau, những chiếc cầu mà trên đó từng in dấu mẹ, dấu em:
 Vườn quê vẫn ngát hương cau
Lối về phố thị bắc cầu qua sông
Nhớ xưa dáng mẹ trên đồng
Áo tơi, nón lá, nâu sồng nắng mưa.
(Khúc hạ 3).
... Ta về núi bỗng hai vai
Con sông thì chảy dặm dài nhớ mong
Bàn chân bước giữa cõi lòng
Em ơi sông rộng nhưng không có đò
(Bên sông).
Thơ Trần Nam Phong  rất sâu nặng tình cảm với cha mẹ. Đó là mẫu số chung của tình người ai cũng có, nhưng Trần Nam Phong đậm đà nồng hậu một cách nói riêng. Anh gắn hình ảnh mẹ với “nỗi buồn tháng tư”, nỗi mệt nhọc vất vả của mẹ qua đặc tả vạt áo mồ hôi trên cánh  đồng chiêm tái nhợt lưỡi cày vào lúc trời thâm thẩm tối. Hình ảnh thơ đầy sức gợi về thời gian và cường độ lao đông, nói rõ sự vất vả, mệt nhọc của mẹ (Tháng tư)! Hay những câu thơ đầy thương cảm “Lối nào mẹ tôi chạy chợ/ Nôn nao đòn gánh bán mua”, với hình ảnh người mẹ  với “chiếc đòn gánh” hơn một lần xuất hiện trong “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du người đọc gặp lại trĩu nặng cõi lòng (Thơ gửi mẹ ngày giáp hạt). Cộng hưởng thêm là nỗi thương nhớ khôn nguôi đối với người cha cùng anh gắn bó năm tháng nay đi xa: Đưa cha qua cánh đồng chiều/ Khổ đau níu lại bao nhiêu tháng ngày. Nỗi niềm làm tím cả khung trời tháng tư! Tình nghĩa gia tộc nhuần đượm trong thơ anh, nó tạo nên cảm giác miên man, xót xa mà trầm tĩnh. Đọc thơ anh cảm xúc ta lắng lại một dư âm hoài niệm lan xa mãi.
Kỳ Anh là một miền đất nhiều thắng cảnh sông, núi, biển, đồng, luôn tạo những nét riêng vừa hùng vĩ vừa dịu dàng luôn níu giữ bước chân du khách. Cảnh quê  trìu mến nồng đượm trong thơ anh. Nơi có Đèo Ngang thơ mộng, đền Bà Chiêu Trưng cổ kính, Chợ Voi hoang dã nơi Quang Trung từng làm trại dừng đàn tượng binh trên đường ra Bắc. Đây cũng là nơi khúc thắt giao thông tuyến đường Nam Bắc thời chống Mỹ là vùng trọng điểm chịu nhiều bom đạn, có nhà văn đã viết về vùng đất này “Một chiếc cầu ba thước mặt trời lên bom dội chùm chùm”, nơi “Từng chuyến xe qua từng dặm lửa/ Bom đạn trong chiều bay đuổi theo” (Quốc Anh). Bao xương máu đã đổ để giữ mạch máu này! Tập thơ đã phản ánh khá rõ nỗi gian lao mà anh dũng của mảnh đất quê, nơi Dòng sông thức với phù sa/ Nên chi điệu ví đậm đà hồn quê nhưng cũng là nơi “Mộc miên dậy đỏ đất trời/ Hoa rơi như níu hồn người bay lên/ Chiều ơi, chiều có bình yên/ Nơi bao xương máu nặng nguyền núi sông”.
Trần Nam Phong còn nặng tình với quê, một tình cảm sáng trong mà đằm thắm gắn với những năm tháng trẻ trung của mình, những hình ảnh thân thương thuở hoa niên hiện về trong thơ anh rất cảm động: những ngọn khói, cánh diều, mùa phượng vĩ, những tiêng ve ngân dội lên trong lòng anh bao xao xuyến:
 Bâng quơ ngọn khói lên trời
Cánh diều no gió rong chơi chốn nào
Lá đa thả vạn bè sao
Bao nhiêu hạt gạo nôn nao ngân hà
 Mây lành chầm chậm lên cao
Đã nghe trong gió xôn xao hạ về
Vườn xuân e ấp tiếng ve
Đâu đây lửa phượng đam mê đất trời
(Khúc hạ 3)
Tập thơ không chỉ nổi bật bởi những khúc tâm tình sâu lăng, những niềm vui bàng bạc về tình yêu, tập thơ còn gợi cho ta một bề sâu khác của tâm tình thi sĩ, ấy là nỗi bâng khuâng lo âu với cuộc đời, với thế sự. Tác giả nhìn cuộc đời bằng con mắt tình yêu nhân thế có pha chút suy tư của thiền giới. Qua một màn mưa anh thấy:
 Mưa rút ruột trời/ Chẳng lấp nổi đáy tham trần thế/
Mưa ơi có hay/  Khổ đau đã thành sông bể
Hay:
 Quê hương ơi đã qua thủa đói nghèo
Vẫn còn đó bao khổ đau, bất hạnh
Nhà thơ có thể rất vui với sắc màu cuộc sống đổi thay trên quê hương nhưng không bàng quang với những nghịch cảnh đang tồn tại. Nhận thức rõ sự hy sinh của  cha anh một thời qua “Trên đất nước máu xương thành sông núi”, thấy rõ trách nhiệm thế hệ đi sau, đó là tâm niệm của anh. Sự mong ước của tác giả có pha mùi đạo giới nhưng bề sau là tấm lòng của một con người sống không bàng quan vô trách nhiệm với đồng loại: Biết đâu trong cõi vô thường/ Nguyện làm ngọn cỏ lót đường người đi/ Biết đâu trên nẻo thiên di/ Nguyện làm chiếc lá yêu vì mùa xuân (Viết chờ sen lên). Vẫn biết sự mong manh bé nhỏ của mình, của một kiếp người, của một kẻ “với bất công, đang vào trận đánh” vẫn không nguôi mơ ước:
Chiếc lá mục cuối vườn
Gân lá cuốn theo dòng lũ
Xoay tít giấc mơ hóa thân
Làm chiếc bè cứu nhân độ thế
Tôi yêu những giấc mơ tự đáy lòng của thi sĩ, như trước đây Chế Lan Viên cũng từng thao thức “Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư”. Thầm cảm nhận bề sâu những suy cảm trong thơ của anh. Nếu chỉ toàn niềm vui dẫu hay đến đâu thơ cũng sẽ nhẹ so với đời!.           
Thơ Trần Nam Phong dẫu chưa có phong cách thật riêng nổi bật cá tính sáng tạo nhưng cũng đã có nhiều nét riêng về ý tứ, câu chữ. Con đường thi ca anh đi mới ở chặng đầu, chắc còn nhiều thay đổi cho đến khi anh “ngộ” được cái “tạng” thơ của mình. Cái đáng quý là những tác phẩm đầu tiên của anh đã đến được với tấm lòng bạn đọc. Đón chờ những tác phẩm mới của anh!.
Chú thích:
(*) Viết chờ sen lên, Thơ Trần Nam Phong, NXB.HNV 2020.
Tháng 5-2021 
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương...