Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Bốn phép tính trong nghệ thuật âm nhạc

Bốn phép tính trong nghệ thuật âm nhạc

Nghe một tác phẩm âm nhạc vô cùng phong phú bao gồm người biểu diễn, diễn viên hát, nhạc công hòa tấu dàn nhạc, âm thanh, ánh sáng, chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn, chỉ huy đêm diễn… Một tác phẩm âm nhạc đến công chúng thật không đơn giản, chỉ là âm thanh giai điệu nhạc.
Người nhạc sĩ muốn hoàn thiện tác phẩm âm nhạc phải tinh thông các môn: Nhạc lý, hòa thanh, phức điệu, phối khí… Mỗi môn cần tính toán như bốn phép tính, phép cộng trừ trong nhạc lý. Một nhạc phẩm hoàn chỉnh đầu tiên tính đến các quãng giai điệu, tinh thông các loại cấu trúc quãng, đảo quãng, quãng tăng, quãng giảm, quãng trưởng thứ… Lý thuyết đảo quãng cách tính đầu tiên phép cộng, tổng số các quãng đảo bao giờ cũng cho tổng = 9. Ví dụ: Quãng một đồ- đồ, đảo thành đồ đố. Đồ đố là quãng 8 đúng như thế 8+1= 9. Quãng 2, đồ rề. Đảo thành rề đố, rề đố là quãng 7. Quãng 7+ quãng 2 = 9. Quãng 3 đồ mi, đảo thành mì đố là quãng 6. Như thế quãng 3+quãng 6 = 9. Quãng 4 đúng đồ fa, đảo thành pà đố, là quãng 5 đúng. Như trên q4+q5 = 9… Một phép + cho nguyên lý đảo quãng và phép trừ trong lý thuyết âm nhạc. Lấy tồng = 9 ở cung đô trưởng (cT): Q 9 - Q2= 7, ta có quãng 7 T. Q 9 - Q3= 6 T, Q 9 - Q5 = 4đ, Q 9 - 4đ = 5 đúng… 
Quãng sử dụng trong âm nhạc nhằm cấu trúc các loại giai điệu tác phẩm mang màu sắc khác nhau, ví dụ quãng đi liền bậc: Quãng một, quãng hai, quãng ba, giai điệu êm đềm ru dương, quãng nhảy xa: 5, 6,7, 8 giai điệu bất ngờ tạo âm thanh mới… Giá trị quãng mang lại giai điệu phong phú, biểu cảm mỹ học tác phẩm âm nhạc.
Môn hòa thanh là môn sử dụng nhiều phép tính cấu tạo các quãng hòa thanh, tiến hành các bè gia điệu, mỗi bè mang một lối diễn tả biểu cảm riêng cùng vang lên thành một ý tưởng âm nhạc. Ví dụ từ một giai điệu âm nhạc cho trước như bài hát Con voi, người nhạc sĩ sử dụng phép nhân: Bè1x 2, 1x 8 như thế giai điệu bài Con voi có hai bè âm thanh cùng vang lên: Đồ +đồ + đố nghe đã dày giọng khác nét giai điệu ban đầu…
Môn phức điệu, môn học thêm bè cho một tác phẩm phối khí. Người phốí khí đưa tác phẩm âm nhạc từ đơn giản đến phức tạp, kết hợp hòa thanh phối khí sử dụng phép chia như 6: 2, 4: 2, 8: 4… Trên một nét giai điệu, tác giả phối khí tạo ra 8 bè hay 4 bè, hai bè… tạo thành sự tăng giảm người hát. Đôi khi chia ra hai bè hát đối đáp nhau trong dân ca, nghe mới lạ hấp dẫn. Ví dụ người thứ nhất hát một câu: Con vỏi con voi, Người sau đáp lại: Con vỏi con voi ở giọng cao hơn giọng ban đầu một quãng ba. Hay họ đáp lại ở quãng bốn, rồi quãng hai… Những lối hát phức điệu này, trình diễn bái hát dưới một hình thức mới lạ, hấp dẫn người nghe. Phức điệu, phối khí là những môn học làm thay đổi tác phẩm âm nhạc lại giữ nguyên bản mọi giá trị tác phẩm ban đầu của nhạc sĩ sáng tác. Người phối khí là nhà sáng tạo thứ hai đưa tác phẩm âm nhạc lên đỉnh cao tận cùng nghệ thuật âm thanh, bằng những nguyên lý toán học và âm thanh vật lý. Người phối khí đồng sáng tạo tác phẩm âm nhạc từ người trần mắt thịt thành gã siêu nhân, con người khổng lồ biểu cảm mọi ý tưởng mỹ học âm nhạc. 
Các bạn thường thấy khi nghe một bài hát đơn ca, các ca sĩ thường thêm bè phụ, hát lồng ở dưới đi bè sẽ hấp dẫn hơn, nếu chỉ hát một giọng. Đây là lối hát phức điệu, còn nhiều cách biểu hiện khác như họ sử dụng một dàn người đứng hát đệm cho một giọng ca… Phối khí phức điệu là những phương pháp phù trợ phát triển âm nhạc, thông thường người sáng tác phối khí luôn cho phù hợp ý tưởng sở thích tác giả. Nhưng ở nước ta đa phần nhạc sĩ rất nổi tiếng chỉ vì một hai bài hát nghiệp dư không biết: Hòa thanh, phối khi, phức điệu nên thường có tác giả phối khí, phối phần đệm cho người nhạc sĩ bất đắc dĩ. Đây là thông lệ ở nước ta! Nhạc sĩ các nước không có, hoặc hiếm thấy. 
Hòa tấu dàn nhạc với hợp xướng thiếu nhi.
Những tác phẩm âm nhạc các bạn nghe hay, thật không đơn giản bởi nó gần với các môn khoa học tự nhiên, là sự kết hợp hài hòa cấu trúc âm thanh vật lý với toán học. Âm nhạc vận dụng bốn phép tính:
Phép cộng, phép nhân từ cảm xúc thăng hoa, phép trừ, phép chia cho lý trí cấu trúc câu đoạn tác phẩm.
Vì thế có một sinh viên toán lý của Đại học Sư phạm I chỉ cần đi thực tập xong là thành thày giáo, nhưng ông dám làm lại cuộc đời bằng cách đi học nhạc. Đó là nhạc sĩ Phó Đức Phương, hầu hết công chúng yêu thích âm nhạc của ông không chỉ thắm đượm chất dân ca sâu lắng tình đời mang âm hưởng thời đại. Mỗi bài hát còn cấu trúc hoàn thiện câu đoạn, âm thanh giai điệu tinh tế, chuẩn xác như một nhà vật lý+toán học, hiếm thấy nhạc sĩ nào cho ra đời những tác phẩm âm nhạc lại hoàn chỉnh như một công trình toán học. Nếu các nhạc sĩ Việt có may mắn như ông học xong toán lý thì sáng tác nhạc sẽ gãy gọn hơn, thật khó nói đâu là chuẩn bởi có khi toán lý khéo lại làm hỏng âm nhạc bởi sự máy móc khô cứng của nó. Nhưng nghe các bài hát nhạc sỹ Phó Đức Phương, hay nhạc nước ngoài khá chuẩn mực thẩm mỹ nghệ thuật, đặc biệt sự cấu trúc hình thứ âm nhạc, nội dung lời ca phản ánh đa chiều cảm xúc, nhân văn cao cả. Sự điều tiết khi sáng tác âm nhạc giữa lý trí với cảm xúc, là bí quyết thành công của nhạc sĩ và những người sáng tạo các công trình nghệ thuật.
Nghệ thuật luôn là sự hài hòa cảm xúc với cấu trúc nội dung, hình thức, kết hợp chặt chẽ giữa toán lý với sự hoàn chỉnh tác phẩm. Âm nhạc là môn nghệ thuật tổng hòa bốn phép tính trong sáng tạo cấu trúc nội dung, hình thức tác phẩm âm nhạc, chỉ đơn giản nó là môn: Nghệ thuật thời gian, xây dựng tác phẩm bằng hình tượng âm thanh giai điệu.
Hà Nội, 17/4/2015
Tuấn Giang
Theo https://vanchuongviet.org/

Gặp lại phía cuối đường chân trời

Gặp lại phía cuối đường chân trời

1. Trong ký ức của tuổi thơ tôi, nông thôn có nghĩa là những vùng ngoại thành vây quanh vành đai phố cổ Hội An chừng vài ba cây số. Nơi ấy, có khi là những cánh đồng trống trải, nối liền kề nhau dọc bên con đường đất quanh co khúc khuỷu, lồng lộng gió biển khơi...; có khi là những xóm làng đầy bóng mát, sau khi băng qua một con sông và những khóm cây dày nghịt thường xuyên vang tiếng chim hót líu lo...  
Hồi ấy, cứ mỗi năm vài ba lần, dù muốn hay không, tôi vẫn phải về với những vùng nông thôn như vậy. Hay nói đúng hơn, nông thôn ấy với tôi, là nơi “về quê ăn giỗ”. Những lần đó, tôi luôn chạy lẽo đẽo theo má tôi đang tay xách tay mang những thứ vật phẩm lỉnh kỉnh cần thiết cho việc cúng kiến, hối hả đi về phía trước. Con đường làng thường đầy trắc trở, nhiêu khê... Nhiều đoạn phải vượt qua vũng đầm lầy lội. Nhiều đoạn phải băng qua những bãi cứt trâu... Tôi luôn miệng hỏi má:
- Gần tới chưa má ơi?
- Gần rồi. Quê nội ở chòm cây phía trước đó!       
Tôi nhìn theo hướng má chỉ. Thấy rõ chòm cây ở đường chân trời. Nhưng đi mãi, đường chân trời vẫn cứ lui về phía trước. Tôi thật băn khoăn, hỏi má, quê mình sao xa quá? Nếu cứ đi giáp  tận đường chân trời, thì chắc mình phải đi tới nơi cuối cùng trái đất!...
Thế nhưng, chuyện đó đã xa lắm rồi! Giờ đây, mọi thứ ở miền quê đã đổi thay.
Cái đổi thay gây ấn tượng với tôi lớn nhất xảy ra từ câu chuyện lần đầu tôi gặp anh Lê Nuôi - một Việt kiều Canada (gốc Quảng Nam) mà dân văn nghệ cả  nước rất nhiều người biết, bởi anh từng  đóng phim (Bernard - phim Ký ức Điện Biên), và anh cũng chính là “chàng lãng tử” hào hoa, nhân vật thứ hai trong cuốn tự truyện ái tình “Yêu và Sống “của một nghệ sĩ múa kiêm diễn viên điện ảnh gây xôn xao dư luận một thời.      
Hôm đó, đón một người bạn từ phương xa về, anh mời cả nhóm chúng tôi cùng lên ô tô chạy đến nhà anh tại Hội An nhậu chơi. Thật trớ trêu, nhà “để nhậu chơi” của anh Lê Nuôi là một biệt thự sang trọng thứ thiệt, ở ngay chính miền quê, mà thuở ấu thơ tôi đi mỏi mệt, trầy trụa băng qua những chặng đường đất quanh co, những cánh đồng hoang vắng... vẫn chỉ nhìn thấy đường chân trời lùi mãi về phía tít xa (!).      
Nhà  anh Nuôi có vài phòng tiếp khách, đầy đủ tiện nghi. Có hoa lá, có tranh tượng và rượu bia... Anh cho biết, từ khi “khánh thành” nhà này, anh chỉ dành để đón bạn bè văn nghệ sĩ từ mọi nơi đến để sáng tác hoặc nghỉ ngơi. Đáng nói hơn cả, hai tác giả “Yêu và  Sống” (người kể và người viết) đã hoàn tất phần cuối tập bản thảo tự truyện tại chính ngôi nhà này. Khi quyển sách tung ra, biết được vụ việc, ông Bí thư thị uỷ Hội An gặp anh ở quán cà phê đã “mắng” một trận tơi bời: “Răng ông dại quá, mời người ta về nhà mình ở để họ viết sách nói xấu mình”.        
Từ ngày có ngôi nhà anh Lê Nuôi, hỏi thăm ra, tôi mới biết, cả làng quê mình, tự  nhiên rục rịch, nhà nhà chỉnh trang, rồi dần dần trở thành một trong những địa phương phát triển mạng lưới du lịch nhà vườn (homestay) hấp dẫn của Hội An. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng cho hay: ”Hội An đã có định hướng phát triển mạng lưới du lịch nhà vườn quy hoạch cụ thể, tập trung tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Nam, phường Cẩm Châu, Cẩm An,... vốn là những vùng ven phố cổ có sẵn tiềm năng về cảnh quan, cây xanh.Các hộ dân sẽ là “chủ đầu tư” các dự án nhà vườn của chính mình, với diện tích đất vườn và nhà ở tối thiểu 500m2, kiến trúc phải tuân thủ dạng nhà truyền thống Hội An, chương trình sinh hoạt hằng ngày cùng du khách phải cụ thể, đậm tính văn hoá bản địa. Trong thời gian lưu trú, du khách hòa mình vào đời sống gia chủ, tham gia các sinh hoạt thường nhật của người dân nông thôn, cùng đi chợ, mua thức ăn, cùng lăn vào bếp để nấu nướng những món ăn truyền thống của xứ Quảng, chăm sóc hoa màu, tìm hiểu những danh thắng, di tích ở Hội An. Gia chủ sẽ là những “hướng dẫn viên” nhiệt tình, cùng “sát cánh” giúp du khách khám phá, tìm hiểu đời sống của cư dân Hội An, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội dân gian...”.
Vậy là những cánh đồng miền quê hương thơ ấu của tôi đã bị đẩy lùi rất xa về phía nơi nào đó cuối đường chân trời. Hoặc là ở cuối đường chân trời, tôi không còn gặp lại những cánh đồng lồng lộng hương gió biển khơi của ngày xưa? Hết những khu nhà vườn là những khu resort, những sân golf đan kín suốt chiều dài từ ven sông kéo ra vùng biển. Người nông dân trẻ giờ đây không phải lặn lội ra đồng ruộng một nắng hai sương. Họ làm bồi bàn, làm nhân viên sân golf, đi chăm sóc cây cảnh ở các khu resort và nhà vườn...
Nông thôn đang bị đô thi hóa với tốc độ khốc liệt. Nhưng liệu có nên chăng lột bỏ những lớp bê tông trên con đường đất, để quay về tìm lại hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn trìu mến bên mái tranh xưa?
2. Cách đây khoảng hai thập niên, nói đến nông thôn Quảng Nam Đà Nẵng, người ta thường nhắc đến Lưu Ban - người được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong những Anh hùng Lao động đầu tiên trước thời kỳ "đổi mới" (cuối năm 1985). Từ khi ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn II, Duy Xuyên, dưới sự lãnh đạo của ông, Duy Sơn II là HTX đầu tiên trên cả nước có... nhà máy thủy điện và bán điện cho quốc gia. Báo chí cả nước ca ngợi tung hô ông. Thậm chí, nhiều hội nghị văn nghệ đã mời ông đến dự, xem ông như là một biểu tượng văn học của nông thôn mới.            
Thế nhưng, năm tháng qua đi với biết bao biến động cuộc sống, hình ảnh người anh hùng Lưu Ban cũng mờ nhạt, rồi chìm dần vào quên lãng. Thay vào đó, vào cuối  năm 1994, một sự kiện mới tạo nên dấu ấn ngoạn mục trên đất Quảng: người nhận chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc này vẫn thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng, đến 1997 mới tách thành  đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương), vốn cũng xuất thân từ Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp. Ngay khi vừa nhận nhiệm vụ, trong buổi ra mắt báo chí, văn nghệ sĩ, ông nói rõ: “Tôi nguyên là người làm công tác nông nghiệp, chủ yếu biết rành trâu bò, ruộng đồng, phân bón... chứ không biết chi nhiều về thành phố, bước đầu rất  cần sự tham gia ủng hộ, góp ý của anh em”. Bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt, cộng với lối diễn đạt bộc trực, chân chất như vậy, nghe vị chủ tịch mới của thành phố nói xong, nhiều người phát hoảng (!). Họ băn khoăn, liệu ông này có kéo thành phố Đà Nẵng đi xuống không? Đô thị Đà Nẵng sẽ dễ bị nông thôn hoá hay không?            
Vậy mà từ ấy đến nay, nhất là sau giai đoạn Đà Nẵng trở thành đô thị loại I, trong vòng hơn 10 năm, ông Chủ tịch xuất thân nông dân ấy (hiện nay là Bí thư thành uỷ), đã dám đưa ra những ý tưởng “thay trời đổi đất”, nhanh chóng biến đổi Đà Nẵng trở thành một thành phố hiện đại, với những thành tựu đột phá diệu kỳ, khiến cả nước phải học tập.  
Đà Nẵng giờ đây mở rộng mỗi tháng, mỗi ngày. Trung tâm thành phố với những con đường nhựa hoành tráng đẹp đẻ kéo dài, băng ngang, xoá sạch những đồng ruộng, những thôn xóm lụp xụp buồn tênh. Khó ai biết được những người nông dân sau khi nhận các khoản tiền đền bù đầy ắp, bây giờ ở đâu? đi đâu? làm gì? ra sao?
3. Khắp nơi trên đất nước, nông thôn Việt Nam hôm nay đang chuyển động dữ dội, và  dường như  đã  đến lúc nảy sinh ra một cái gì đó rất mới, rất lạ, ngoài tầm dự đoán chúng ta? Bởi vậy, thật khó lòng đổ lỗi cho ông Việt kiều Lê Nuôi hay vị lãnh đạo Đà Nẵng có gốc gác HTX nông nghiệp, đang góp phần bê tông hóa những miền quê đất Quảng.
Cùng trao đổi về vấn đề này, nhà văn Lê Lựu nói ngay: “Nhiều người nhận thấy trong các sáng tác văn học còn rất thiếu những hình tượng về người nông dân, về sự đổi mới ở nông thôn cũng như thiếu đi những dự báo xã hội cần thiết. Ngày xưa cả dân tộc sống và đánh giặc bằng hạt gạo của người nông dân. Họ một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời… Đấy chính là sự xúc động, cuộc sống tạo ra sự xúc động cho người nghệ sĩ. Nhưng bây giờ làm giàu cho cuộc sống hôm nay lại chính là những doanh nhân, một hecta trồng lúa làm sao bằng được khi sử dụng một hecta ấy để làm công nghiệp?”.
Tuy nhiên, nói như thế không đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình lãng quên hình tượng người nông dân trong văn học. Nhà văn Lê Lựu khẳng định: “Lãng quên thì không, nhưng bây giờ không ai dám nhịn đói để viết về những người nông dân. Hơn nữa phải là người sống, những người ở cùng chung sống với nông dân thì mới viết sâu sắc được. Những người nông dân khốn khổ, khốn nạn không phải do nhà văn quên họ mà do xu hướng mới đã làm cho nhà văn quên đi sự khốn khổ của họ. Lớp người nào tác động đến sự thay đổi của xã hội thì nó hấp dẫn người viết. Nhà văn là những người dự báo xã hội”.     
Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thoạt nhìn nông thôn Việt Nam rất thanh bình. Tuy nhiên, bên trong sự thanh bình ấy đang ẩn chứa nhiều xung đột khiến nông thôn nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn... Thực tiễn này đang đòi hỏi chúng ta phải "vẽ" bức tranh nông thôn Việt Nam. Vấn đề này đang được cơ quan hữu trách triển khai thực hiện với việc xây dựng một đề án phát triển nông nghiệp nông thôn nước ta đến năm 2020.      
Vậy bức tranh về nông thôn mà người cầm bút “vẽ” lại trong văn học hôm nay và ngày mai sẽ ra sao? Theo tôi, không phải lớp nhà văn trẻ hiện nay đang tránh né, mà e rằng, nếu không nắm bắt và sẻ chia những biến động dữ dội trong đời sống nông thôn hiện nay, thì chúng ta dễ vội vàng phác nên những chân dung méo mó, phiến diện và áp đặt.
Đà Nẵng, tháng 7/2009
Trần Trung Sáng
Nguồn: Văn Nghệ Trẻ
Theo https://vanchuongviet.org/

Nét bút, âm thanh và cát bụi

Nét bút, âm thanh và cát bụi…

Bây giờ tôi không thể hình dung được khúc hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn đã đến với mình như thế nào (!). Nhưng điều chắc chắn, khi tôi bước vào những năm đầu bậc trung học của Trường Trần Quý Cáp (Hội An) thì âm nhạc ấy, lời ca ấy dường như đã chất chứa đầy tim.
Đó là giọng hát của một người đàn ông có nhiều hơi rung trên nền ghi ta rời rạc, nghe sao đơn côi mà mê hoặc đến lạ lùng! “Đàn bò vào thành phố, không còn ai hỏi thăm. Đàn bò về dòng sông, dòng sông đã cạn khô…”. Đó là giọng hát của một người phụ nữ có mái tóc dài ngang lưng, như vọng về từ một đêm tối liêu trai! “Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son, vào thời lãng quên, tóc em trôi dài, ru mãi ru thêm ngàn năm…”. Cứ như thế, qua suốt bao đêm dài chiến tranh, chúng tôi nghe, chúng tôi hát… Những khúc hát xa xôi mà vô cùng gần gũi. Lạ lẫm mà rất thân quen. Và không ai có thể phủ nhận: hiện tượng Trịnh Công Sơn một thời bắt đầu như thế!. 
Thế nhưng, Trịnh Công Sơn không chỉ đơn thuần là một hiện tượng âm nhạc. Hình ảnh người phu quét đường dừng chổi đứng nghe tiếng đại bác, người con gái Việt Nam da vàng đến những cơn mưa vào hạ, mái tóc dài đêm thần thoại… như bước ra khỏi khuôn nhạc và dòng chữ phóng túng, bay bướm để trở thành một thứ triết lý hòa nhập vào cuộc sống hổn mang.
Nét chữ - thủ bút của Trịnh Công Sơn phổ biến từ các tuyển tập ca khúc càng trở nên ma mị, lôi cuốn không cưỡng được. Đàn, hát và viết chữ theo kiểu Trịnh Công Sơn là một hiện tượng, không tách rời nhau. Có lần thầy Tống Khuyến (dạy Pháp Văn) cố vấn lớp học chúng tôi bấy giờ phải tổ chức kiểm tra bảng tên, hễ phát hiện ra bảng tên nào thêu bằng kiểu chữ fantaisie của Trịnh Công Sơn là lập tức cho mauvaise note (điểm xấu) và tháo gỡ thay lại bảng tên mới. Vậy mà nét chữ ấy không ngừng tràn ngập nơi nơi. Nó sống trong những cuốn sổ lưu bút học trò, trong những tập thơ nhạc chép tay, trong những lá thư tình…
Đến tận ngày nay, mỗi lần nhìn lại thủ bút Trịnh Công Sơn rơi rớt đó đây trong nhiều chồng sách cũ, tôi vẫn không hết cái cảm giác xôn xao của một thời tuổi trẻ.
Nét bút ấy, không chỉ là nhạc, ca từ mà còn là những tản văn rất ngắn và đầy chất thơ của họ Trịnh. Một trong những lời tự sự mà tôi thích nhất đó là bài viết nói về sự ra đời của ca khúc Cát Bụi. 
Vào một buổi chiều “ngày tháng không còn nhớ”, sau khi xem phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6, Trịnh Công Sơn kể lại, ông tản bộ lang thang trên phố và không hiểu vì sao cảm thấy buồn buồn. Chiều tối về nhà, đọc lại cuốn “Zorba le Gree”, đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa. Tiếng hót này làm tan nát tim ta”, ông gấp sách lại không đọc nữa, ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường về nhà, trong đầu bỗng vang lên tiếng hát…Với ông, mỗi bài hát gần như bắt đầu từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu. Và ca khúc “Cát bụi” đã ra đời như vậy.
Đoạn văn trên Trịnh Công Sơn viết vào mùa xuân 1998 có phần cuối như sau: “Bây giờ thì Người hiệp sĩ mù kia đã chết rối. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời, dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakis tiểu thuyết hóa thì nay ông cũng đã mất rồi. “Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”. Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi.”
Vâng, thời gian đã nghiền nát tất cả. Chỉ còn lại nét bút, âm thanh và cát bụi (…)  
2/4/2008
Trần Trung Sáng
Theo https://vanchuongviet.org/

Thị trấn bên kia suối

Thị trấn bên kia suối

Dòng nước róc rách băng ngang các dốc đá lổm chổm của con suối, chảy mãi, như một kẻ dẫn đường vội vả, không hề chờ đợi... Trong các lùm cây rậm rạp, lũ chim ríu rít hót vang tạo nên một khúc hòa tấu triền miên, vui nhộn. Chốc chốc, vài ba con thú nhỏ nô giỡn rượt đuổi nhau qua lại, có lúc lại lăn mình nằm dài trên một phiến đá rộng. Bất chợt, phía bên kia suối, những chòm lá rung rinh chuyển động xào xạc... Bọn thú biến mất. Có tiếng động của những bước chân hối hả lội vào dòng nước.
- Mệt quá trời, chừng bao lâu nữa tới chú Ba? 
Gã thanh niên vừa hỏi,vừa ném ba lô vào bờ đá,rồi khom người vốc nước tới tấp vuốt vào mặt mình. Bên cạnh gã, một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, mặt có nhiều nếp nhăn, oai nghiêm nhưng nhân hậu,cũng chậm rãi làm những động tác tương tự. Ông nói:
- Đã dặn rồi, thư sinh như chú mi thì theo tụi tau không nổi đâu (!)
- Tui nóng ruột mà hỏi rứa, chớ chú đừng tưởng tui ngán.
Cả hai cùng ngồi xuống phiến đá, gã thanh niên châm thuốc hút, người đàn ông với tay lấy ống thuốc lào trong ba lô.
- Tau chỉ thích thứ ni.
Trong lúc ông ta nằm ngữa người mơ màng theo khói thuốc lào, gã thanh niên nhìn đăm đăm vào những viên sỏi nhỏ trong lòng suối, lặng lẽ lùa vào lòng tay một nhúm đất bùn lộn xộn. Gã băn khoăn hỏi:
- Chú Ba ơi, mần răng biết trong ni có vàng hay không? 
Người đàn ông lim dim mắt.
- Đừng nóng nảy, rồi chú mi sẽ biết hết. Bây chừ  chỉ có tụi tau rờ tay chỗ mô thì chỗ đó lòi ra vàng, còn như tụi bay, có phá hết bao nhiêu ngọn núi trên ni cũng chẳng thấy con c... chi mô!
Gã thanh niên không hỏi nữa. Gã đi ngược lại dòng suối, dăm ba bước lại đưa tay moi móc các hòn đá. Được một quãng dài, gã nghe từ xa vọng lại tiếng cười khúc khích. Không nhịn được tò mò, gã thận trọng nép người vào một lùm cây rậm, chờ đợi... Trước mắt gã, một nhóm thiếu nữ Cơ-tu đang đặt các gùi hàng tựa kề các bờ đá. Lần lượt, họ vừa chuyện trò, đùa giỡn vừa lội ra giữa dòng suối. Chợt một cô hụp người xuống, tung nước vào người những cô trên bờ. Thế là thoắt chốc tất cả đều trầm mình vào nước... 
Những múi tóc xoã tung. Những cánh tay trần. Những vồng ngực khoẻ khoắn. Những đường cong hoang dã... Tất cả nét đẹp diệu kỳ của tạo hóa thấp thoáng phơi bày sau những làn vải mong manh, ít ỏi, phập phồng trong làn nước. Gã thanh niên móc vội chiếc máy ảnh nhỏ nhắn trong túi, thận trọng bước thêm mấy bước tìm một chỗ đứng thuận lợi hơn. Gã bấm máy liên tục... 
Hơi thuốc lào vừa hết chừng làm người đàn ông thiếp đi một vài giây, ông giật mình ngồi dậy rảo mắt nhìn quanh...                   
- Cái thằng khỉ  khô ni, không khéo đi ú ớ lạc mất.
Ông quờ quạng sờ chiếc ba lô của gã thanh niên đang còn lại lộ vẻ yên tâm, nhưng cũng bước đi dọ dẫm, hướng mắt về phía xa. Được vài bước, thoáng nghe những tiếng cười vui, ông bước vội vã dứt khoát hơn.
- À, lại chớp hình, đã biểu, hắn vẫn không cất cái thứ chết tiệt đó vô ba lô cho rồi.
Ông rướn người định gọi với đến, nhưng vừa lúc ấy, gã thanh niên cũng vừa im ỉm rời bỏ chỗ đứng cũ quay về. Gã cười chúm chím.
- Tuyệt vời! mới chụp được mấy bô ảnh hết ý đó chú Ba!
- Tau biết mi chụp những ai rồi! Đó là lối đi riêng của họ. Làm ăn ở trên chỗ ni phải tránh mất lòng họ. Kiểu như  mi thì liệu hồn đó (!)
- Họ có làm ăn mua bán với dân đãi vàng không chú Ba?
- Cũng có chút đỉnh, nhưng họ không phải gắn bó lắm.
Cả hai quay lại phiến đá cũ. Người đàn ông khoát ba lô lên vai nói:                    
- Đường còn xa ,mình đi không khéo tối thì chưa đên nơi... À, mà tau nhắc lại lần chót, mi phải giú biệt cái máy chớp hình vào đáy ba lô. Lên kia, tụi hắn không ưa mấy cái thứ đó đâu... Lại biết ra mi muốn đi “thực tế“ này nọ, có khi còn bị đòn, mà tau cũng bị ảnh hưởng công việc làm ăn.
Người đàn ông đầy sự nghiêm khắc trong câu nói. Gã thanh niên ngoan ngoãn mở ba lô, tìm vị trí để cất chiếc máy ảnh. Khuôn mặt người đàn ông dịu dàng trở lại :
- Chú mi yêu nghề dữ thiệt rứa hử? Hay là tự vì tiền, làm một cú phóng sự về dân đãi vàng tui tau mi lãnh tiền xài cả tháng nổi không?
- Đâu có chú Ba, nghề tui có khi bị thâm tiền túi nữa là khác...
Gã thanh niên khoác xong ba lô. Cả hai cùng đi.
- Nếu rứa, sau cú đi thực tế ni, lỡ ra mi mê nghề đãi vàng, mai mốt chẳng nên thân, đừng có mà oán trách chú Ba...
- Chú nói cứ y như là đọc được ý nghĩ trong đầu tui đó. Chú mà tận tình dìu dắt tui vào nghiệp đãi vàng thì tui biết ơn chú lắm lắm(!)
- Để tau mang tội làm sa ngã người của nhà nước hở?
Cả hai cười xòa. Bóng đêm đang dần đến, nhưng lác đác có những đốm sáng nhỏ xuyên qua các lùm cây cũng đồng nghĩa dấu hiệu đích đến đã gần kề.
Trong ánh sáng lập loè từ ngọn đèn gió của lán hàng rượu bia, ăn uống. Chú Ba, gã thanh niên trẻ và một người đàn ông có gương mặt sần sùi đang ngồi quay quần nhấm nháp bên mảnh ván kê tạm bợ. Chú Ba rót rượu từng ly nói:
- Thằng nhỏ ni đây là cháu gọi tau bằng chú, vừa xong đại học không có chuyện chi làm, tau dẫn nó theo. Gọi nó là Trứ. Còn đây là anh Hổ, "bốt" trưởng của tụi mình. Nề, nâng ly mời ảnh chào sân đi Trứ.
- Dạ xin phép được mời anh, mời chú.
Hạ ly rượu, Hổ nhìn thẳng vào mặt Trứ soi mói. Hắn trầm ngâm, gằn từng tiếng một:
- Nơi đâu có luật ở đó. Chú em là cháu của chú Ba thì cũng dễ thôi. Nhưng mai ni kiếm ăn được cũng phải biết điều, không khéo qua "bốt" khác thì gặp toàn bọn đầu gấu, dân tứ xứ ngoài Bắc vô, không dễ chơi đâu...
Chú Ba xuề xòa:
- Anh nói rứa chớ cứ yên tâm. Ở đây "bốt" Hổ là ngầu nhất. Ở răng cho được lòng ảnh là chuyện chi cũng êm đẹp hết. Dzô đi, chúc sức khoẻ một ly nữa... Chỗ tình nghĩa lắm mới đổ rượu, chớ không thèm đổ bia đó.
Hổ gọi:
- Em gái ơi, vài xị nữa... Chà! con nhỏ mới lên coi bộ “ngon“ quá hở chú Ba?
Hắn vỗ vai, nháy mắt Trứ:
- Mi thấy không, ở đây chẳng thiếu thứ chi. Thích cờ bạc có cờ bạc, thích rượu bia có rượu bia, thích gái có gái...
Chú Ba:
- Xuỵt, con nhỏ là con nhà lành ở thị trấn đó!
Hổ:
- Hừ, lên đây lành cũng thành rách.
Cô gái cầm xị rượu bỏ lên bàn, đột nhiên dừng lại nhìn Trứ nói:
- Í... cái anh mới ni... có phải là phóng viên, chụp hình chi đó... không chú Ba?
Nhanh như chớp, chú Ba cấu nhẹ vào tay cô gái:
- À, hắn là cháu tau ở Đà Nẵng, gia đình hắn có ở gần một tiệm chụp hình. Mà răng mi biết?
"Bốt" Hổ đang lơ là nghe ngóng một điều gì..., không chú ý chi tiết ấp úng của hai người vừa xảy ra trước mắt. Chợt, hắn ngoái đầu nhìn về phía sau, từ một lán xa, có những tiếng ồn ào khác thường. Mấy lán kế cận cũng trở nên chộn rộn.
- Lại đánh nhau nữa rồi!
Có tiếng gọi hốt hoảng.
- Hổ ơi, hình như nó chém người của "bốt" mình.
- Chết mẹ rồi!
Hổ bỏ ly rượu chạy thật nhanh. Chú Ba ngần ngừ giây lát rồi nói:
- Để tau đên coi đứa mô, mi cứ ngồi đó có ai hỏi nói là người của "bốt" Hổ nghe.
Trứ nhấp nhổm chừng muốn chạy theo chú Ba. Cô gái bán hàng không có dấu hiệu giao động vì sự ồn ào, chộn rộn của các lán trại mà cứ nhìn chằm chặp vào Trứ. Cô nói:
- Kệ họ anh, ở đây đêm mô cũng như đêm nấy!
Trứ ngồi lại xuống ghế. Cô gái đến gần tò mò:
- Em nhớ không lầm: lâu ni anh công tác thường trú chi chi đó...ở huyện phải không?
- Xuỵt, cô ở đâu ra mà nghĩ tôi như rứa?
- Tự anh không để ý. Em ở ngay thị trấn, xóm ngay trước ủy ban. Anh tới làm việc với mấy ổng, em thấy miết...
Trứ thoáng lo âu, rảo mắt nhìn quanh.
- Đã rứa, cô hứa giữ bí mật giùm tôi nghe!
- Em vô tình, chớ biết anh giấu em đã chẳng nhìn. À, mà anh định lên tìm hiểu thực tế về viết báo, đài... hở?
- Còn cô? Đã lên trên đây lâu chưa?
- Tìm việc làm hoài không được, chán quá, em theo bà chị họ lên đây đã hơn vài tuần, định ở thời gian kiếm ít vốn, mà phức tạp quá sợ theo không nổi!
- Bộ cô chưa hình dung trước cảnh ni à?
- Răng không (!)... Nhưng chắc em cũng rán chịu thôi. Em phải có tiền, có nhiều tiền thì làm chi mà chẳng được. Em sẽ về thị trấn mở một hiệu may, hoặc khá hơn em sẽ tìm một thành phố lớn. Thời buổi chừ học hành cũng uổng, cứ có nhiều tiền thi ai cũng kính nể.
- Cô quá bi quan! Chẳng lẽ ở thị trấn cô không tìm được một thời cơ nào khác hay răng?
- Ở nhà có mà sốt ruột. Bọn ở xóm em chẳng học hành chi mô, theo dân buôn vàng trầm, lên quần áo, lên xe cộ chẳng coi ai ra ai...
- Cô nghĩ tôi có thể giúp cô một cái chi đó được không?
- Xí..., anh nên lo cho anh đi, kiếm một nghề chi  thực tế hơn, chứ đừng có lý tưởng quá mà lo cho xã hội...
- Cô... lý sự giỏi quá!
Trứ đánh lửa châm thuốc. Gã cầm ly rượu định nốc hết phần còn lại, nhưng một bàn tay nào đó bỗng dưng bịt ngang vành ly. Gã nhìn lên: hai ba tên thanh niên từ đâu bước đến ngồi quanh.
- Ông anh ở đâu đến trông lạ hoắc lạ huơ... hở?
- Tui là người của "bốt" Hổ mới lên.
- Ơ... ờ..., chắc ông anh là người hồi chiều cùng lên với chú Ba chớ chi?
Một tên xuề xòa:
- Thôi anh em với nhau cả mà. Uống là xong hết... Em gái ơi, đổi sang bia cho tụi anh. Đem ra một thùng để xã giao coi...
Cô gái tự nảy giờ đứng lên lùi dần vào trong, lưỡng lự... Trứ gọi:
- Cô đem thêm bia cho tui đi.
Cô gái đem bia đặt lên bàn,chưa kịp quay lui. Chợt, một trong ba tên quàng ngang vai cô gái níu xuống, hôn "chụt" một cái vào má. Cô gái giẫy nẫy:
-Trời ơi, tui không phải... Tui không làm chuyện đó đâu. Thả tui ra, buông tui ra... Chị Hai ơi, chị Hai...
Tên thanh niên vẫn không buông thả. Hắn hôn tới tấp vào mặt cô gái. Cô gái vùng vẩy làm một cúc áo bật mở, hở một phần da trắng trên ngực. Hai tên thanh niên ngồi cạnh càng cười to hơn. Trứ áy náy lên tiếng:
- Cô em vào bên trong được rồi đó, để tụi tui còn uống bia chớ!
Tên thanh niên dừng tay. Cô gái thoát vào bên trong. Không khí bàn nhậu trở nên câm lặng, ngột ngạt. Trứ mời bia, không đứa nào cầm ly. Một hồi, tên vừa ôm cô gái cất giọng lạnh lùng:
- Tự răng ông anh đuổi con bé vào?
- Mấy anh chớ hiểu lầm. Ý tôi là muốn anh em mình uống vui vẻ với nhau, chứ có phụ nữ phiền hà.
- Bây giờ yêu cầu ông anh đem con bé ra lại chỗ cũ cho tôi.
Im lặng. Cả bàn không một ai cử động. Chừng vài giây, một đứa trong bọn cầm vỏ một chai bia bỏ vào mồm nhai trệu trạo. Nhả những mãnh thuỷ tinh nát vụn trên đĩa, hắn hất hàm hỏi:
- Có chịu lôi con bé ra không?
Trứ lúng túng, chưa biết ứng xử sao cho phải lẽ thì may mắn vừa lúc "bốt" Hổ và chú Ba trở về. Hổ rảo mắt nhanh một lượt, nói ngay:
- Người mới của "bốt" tau đo, tụi bây định bắt nạt hử?
Chú Ba xẳng giọng:
- Lo mà dzọt lẹ đi cho rồi. Vì cái vụ đâm chém đầu kia mà công an lên tìm cả đám tụi bây đó.
Bọn thanh niên đứng dậy ngần ngừ:
- Ông định hù tụi tui đó hở?
Ở những lán kề cận, có tiếng chân thậm thịch chạy đuổi đến. Người ngợm khắp nơi xôn xao.
- Công an lên thiệt rồi, chuồn gấp!
- Chuồn tui bây ơi!
Ba tên thanh niên rời lán, biến vào bóng đêm.
Dọc theo dòng sông, rãi rác từng nhóm người tụm vào các bụi bờ với đủ thứ loại dụng cụ của dân đãi vàng. Những thứ âm thanh rít hú hỗn độn chừng át hẳn hẳn tiếng chim muông. Các gã đàn ông to khoẻ đầm mình dưới dòng nước miệt mài với những công việc nặng nhọc. Bọn người sốt rét, da vàng bệt loay hoay trên bờ qua lại với những chiếc thau nhôm, hoặc các chiếc rá tre bên những vũng nước nhỏ.
Chú Ba vừa hướng dẫn Trứ cách đãi vàng, vừa hỏi:
- Mi thấy ra răng? Nghề ni coi bộ dễ ăn không?
- Chắc không phải dễ, nhưng tui cũng gắng theo chú học việc.
- Học rành rồi... thì mi cũng kiếm được chút ít đó.
- Không phải vì chuyện đó, tui chỉ mong chú thực sự chỉ huy tui trong suốt thời gian ở đây.
- Nếu muốn rứa phải chú tâm cật lực vô. À... sửa lại, làm lại...
Chú Ba giúp Trứ sửa lại một số cách thức thao tác đãi vàng chính xác hơn. Hồi lâu, Trứ ôm bụng nhăn nhó, chú Ba hỏi:
- Chuyện chi mà nhăn hung rứa?
- Tự nhiên đau bụng quá!
- Chắc bị lạ nước... Mau chạy đi tìm cái bụi mô đó. Đằng kia kìa...
Trứ bỏ chạy. Chú Ba nói với theo:
- Thấy không êm lo về lán kiếm thuốc uống, nằm nghỉ nghe.                  
Trứ lách sâu dần vào các khe đá chen lẫn giữa những lá cây rậm rịt. Đến một quảng xa, qua kẻ lá, trước tầm mắt của Trứ hiện ra một nhóm người lô nhô chuẩn bị dọn dẹp hiện trường đánh chất nổ một hòn đá lớn.Tất cả lao nhao qua lại như sửa soạn bước vào một pha tập kích. Trứ rút máy ảnh trong chiếc áo lót. Gã bâm máy. Sợi dây ngòi nổ đã được châm. Mọi người tản ra tìm chỗ nấp. Trứ bước thêm mấy bước và bấm liền mấy bô.
- Ê tụi bây ơi, có đứa chụp ảnh tụi mình trên vách đá đằng kia.
- Đâu? Đứa mô?
Dăm ba người la ó nhốn nháo. Trứ lách mình vào bụi cây rồi băng nhanh một hướng tắt để về các lán trại. Tiếng nổ rền vang. Những mảnh đá vụn tung bay rào rạ thành mảng khói mịt mù. Nhóm người bên dưới nép yên ở các hốc đá, quên việc đuổi theo tìm người chụp ảnh.        
Chen lẫn trong số người lác đác đi quanh quẩn ở khu vực lán trại, Trứ  bước vào quán hàng rượu bia đã ngồi ngày đầu tiên mới đến. Cô gái hôm nọ nhìn thấy tươi cười:
- Không làm hở anh?
- Nửa chừng bị đau bụng, cô có thuốc chi uống cho xin một viên.
- Anh đợi em tìm thử nghe.
Cô gái cầm trên tay một viên thuốc màu đen. Từ ngoài sông có tiếng kẻng đánh liên hồi.
- Chưa chi thấy anh hơi xanh rồi đó! Anh uống liền đi, chỉ một viên thôi là đỡ liền.
- Người ta đánh kẻng mần chi rứa?
- Thỉnh thoảng các "bốt" trưởng giao ban. Không hiểu bửa ni có chuyện chi mà mấy ổng đánh sớm quá.        
Trứ thoáng phân vân. Anh nói với cô gái:
- Có một việc tui định nhờ cô, chỉ riêng cô tui mới dám nhờ...
- Anh cứ nói đi, đừng ngại.
Trứ thò tay vào ngực lấy chiếc máy ảnh dúi vào tay cô gái dưới gầm bàn.
- Giấu gấp giùm tui. Nếu nó còn nằm trong ba lô tui, chắc trước sau gì tui cũng bị rắc rối.
Vài kẻ ngang qua nhìn. Anh mắt của họ làm cả hai hoang mang. Cô gái giã lã đập vào vai Trứ:
- Đã nói tên em là Trinh, răng anh cứ gọi "cô" hoài.
- Ừ, thì Trinh, em đừng cho là tui rụt rè. Thiệt ra cái tên của em trùng lặp với một bà cô rất chằng ăn của tui, nên tui có ý cử đó!
Phà hơi khói thuốc lào vào khoảng không trước mặt, chú Ba chậm rãi nói với Trứ:                     
- Bửa trước tất cả các "bốt" đều kiểm tra ba lô của dân lính mới. Tau tưởng là có chuyện rồi. Chớ  mi cất ở mô tài rứa?
- Suýt nữa là tui phải ăn năn vì không nghe lời chú. Bây chừ coi như tui đã hoàn thành nhiệm vụ ở bước đầu, mai tui về.
- Đừng nói giỡn chớ! Mi đã biết thực tế được chút mô đâu...
- Đâu có, tui về giao bài và ảnh một vài tuần rồi có lẽ lại lên. Tui định chọn đề tài này để mần luôn cả cuốn sách đó chú Ba.
Chú Ba trầm ngâm:
- Về dưới đó ưng làm chi đó là chuyện tui bay..., nhưng nhớ cân nhắc đừng để ảnh hưởng công ăn việc làm của tụi tau đó, chẳng qua cũng vì cuộc sống thôi...
- Chú cũng đừng hình dung dăm ba cái ảnh, vài bài báo có tác dụng chi ghê gớm. Thiệt ra người ta xem, đọc những cái đó cũng như cỡi ngựa xem hoa thôi.          
Chú Ba đứng dậy, tiếp tục đi bên cạnh Trứ một chặng. Chợt, ông dừng lại vỗ vai Trứ:
- Trứ nề, dù với chú mi chỉ là chuyện phiêu lưu, nhưng dân làm ăn tụi tau vẫn luôn sòng phẳng. Đây cầm lấy cái ni, phần của chú mi đó.   
Chú Ba đưa Trứ hai khoen vàng. Trứ đẩy lui:
- Trời ơi, tui chỉ tập sự, chú làm chi đưa nhiều dữ rứa, tui không dám.
- Mi đừng ngại, những chuyện ăn uống nhậu nhẹt tau đã tính rồi. Mi mà không lấy nữa sau lên tau đuổi về đó.         
Chú Ba không chờ đợi, dúi tay vào túi áo của Trứ một cách cách dứt khoát.
Buổi sáng. Ngược dòng người cầm các thứ dụng cụ lỉnh kỉnh về phía sông, Trứ khoát ba lô trở ra quán hàng của Trinh.
- Anh di một mình thôi hở?
- Có mấy người buôn bán về thị trấn lấy hàng, tui theo cùng họ.          
Trứ ngồi xuống ghế.
- Em lấy cà phê anh uống nghe?
Trứ châm thuốc, nhả khói nhìn về phía Trinh.
- Làm chi nhìn người ta chằm chằm rứa?
- Anh tự hỏi, không biết tự răng em có thể chịu đựng ở đây đến chư, và còn ở đây đến chừng mô nữa?
Đặt cà phê lên bàn, Trinh ngồi xuống tựa cằm nhìn lại Trứ.
- Nhà báo, nhà văn như anh mà không hiểu hở? Bất kể là hoàn cảnh mô, một khi con người còn biết ước mơ, hy vọng thì người ta còn chịu đựng được hết.
- Anh hiểu. Anh muốn nói là răng  em không lựa chọn, chịu đựng trong một môi trường tốt hơn.
- Xí, anh nói môi trường mô đây? Môi trường như anh hở? Lý tưởng quá, đẹp đẽ quá! Em cũng ước mơ  lắm chớ, nhưng làm răng mà được, và giả tỉ được liệu có tốt đẹp không? Hay ngoài kia, có những người cũng chẳng kém anh, đại tá về hưu, sinh viên y khoa, nhà giáo ... cũng bỏ tất cả mà đi đãi vàng.
Trứ cho đường vào cà phê, khuấy. Giọng Trinh đằm thắm trở lại:
- Anh đừng giận và cho em cay cú. Em cũng muốn sớm bỏ khỏi chỗ ni trở về thị trấn. Nhưng thiệt tình, em chỉ về một khi có thể làm lại tuổi trẻ mình sáng sủa hơn.
- Dù ra răng đi nữa anh vẫn mong những điều tốt đẹp đến với em.
- Còn anh? Anh nghĩ anh đã hiểu rõ cái thế giới trên ni rồi chắc?
- Tất nhiên cũng ở một mức độ nào đó! Có điều, nếu mai kia thấy anh lên lại thì em hãy hiểu... tự vì... anh nhớ em quá đó!
- Xí, nhớ em hay nhớ vàng!
Phía bìa rừng có tiếng gọi ơi ới, Trứ loay hoay đứng dậy.
- Anh đi, ngoài kia mây người họ đang chờ.
- Trả lại anh cái hôm nớ.
Trinh giúp Trứ nhét chiếc máy ảnh vào ba lô, cô nói:
- Uổng quá, anh lo chụp hình toàn ai đâu mà không chịu chụp lén em một bô.
- Khỏi cần, em thì nằm hoài trong đầu anh rồi.                 
Trứ đi. Trinh đứng nhìn, hai mắt mở tròn. Những lời đối đáp lúc nảy lởn vởn trong đâu cô.
Người đàn ông xấp xỉ lục tuần, nước da trắng bệch, mang kiếng trắng, gương mặt không biểu lộ buồn vui ngồi đọc xấp giấy dày cộm trên chiếc buy-rô ngăn nắp. Có tiếng gõ cửa.Ong ta nhíu mày, xích nhẹ tấm biển nhỏ có gắn chữ “Tổng biển tập“ trên bàn, hắng giọng:
- Cứ vào (!)
- Thưa anh, tôi vừa công tác về.
- À, Trứ hở! Tôi chờ cậu đây...    
Tổng biên tập ngừng tay, có vẻ thân mật bất ngờ, kéo Trứ đến bộ bàn khách. Ông ta vừa rót nước, vừa đon đả:
- Bài viết phóng sự "Vùng đất vàng" cừ khôi lắm. Tôi đã đọc. Mấy bức  ảnh cũng hết sức nóng bỏng (!)
- Chạy vào số tới hở anh Sáu?            
Trứ hớn hở, tự tin ra mặt. Lần đầu tiên, từ ngày làm việc đến nay, gã thấy người đàn ông trước mặt trở nên gần gũi, thân thiện hơn bao giờ cả. Gã nhích người về phía trước, muốn tâm sự với ông thật nhiều về những điều mắt thấy, tai nghe sau một chuyến đi... Nhưng vị Tổng biên tập bỗng trở lại thái độ trầm mặc thường ngày. Sau một giây lặng lẽ, ông ta nói từng câu, chậm rãi, nghiêm trọng:
- Trứ à, tình hình hiện nay có nhiều phức tạp. Bọn “xấu“ đang lợi dụng những sơ hở, lõng lẽo trong quản lý của ta để tuyên truyền xuyên tạc. Do đó, những bài như vầy chưa thể đưa ra được.       
Trứ thảng thốt buộc miệng:
- Ơ... đó là chủ trương, chỉ đạo của Ban biên tập kia mà.
- Ừ, để đó rồi tính, chứ chẳng mất đi đâu.
Tổng biên tập ngữa người vào ghế. Mắt ông đăm chiêu. Ông nói:
- Cậu định bao lâu thì có vợ hử Trứ?
Trứ băn khoăn, không hiểu tại sao câu chuyện lại xoay sang đề tài gia đình, y trả lời đắn đo:
- Việc đó... bao giờ đến thì đến, làm sao nói trước được anh Sáu?
- Tôi hỏi, tức là cũng góp một lời khuyên với cậu, đừng vội, cậu còn trẻ, có năng lực, có điều kiện rất tốt để bay nhảy.
- Thời buổi khó khăn này, ai cũng muốn có một hoàn cảnh ổn định, chứ bay nhảy làm gì?
- So với anh em trong cơ quan này cậu có nhiều ưu điểm thuận lợi hơn.
- Anh Sáu nói tôi không hiểu (!)
- Thôi thì đành noi rõ ra vậy. Trong đợt tinh giảm biên chế lần này, ít nhất phải giảm bớt một vài người. Ai cũng vợ con đùm đề, cuộc sống khó khăn chẳng lẽ cho người ta nghỉ...
- Anh Sáu nói như vậy, tôi hoàn toàn phản đối. Tôi cần ban biên tập đưa ra lý do chính đáng. Tôi đã vi phạm điều gì?
- Cậu lý sự với tôi dó hở?
Tổng biên tập đứng phắt dậy, trở lại bàn buy rô. Ong nói lạnh lùng:
- Muốn biết lý do gì, cậu cứ sang phòng hành chính nhận quyết định. Ở đó họ sẽ trả lời và giải quyết cho cậu mọi chế độ chính sách luôn.
Những người đãi vàng, ngày một đục khoét sâu hơn vào lòng sông uốn theo triền núi. Có những nhóm người đào thành những hầm sâu, chui lách vào các ngạch núi. Ở một bãi đá vắng vẻ hơn, chú Ba cùng Trứ vừa thao tác vừa chuyện trò.
- Cuộc chơi nào cũng có cái giá phải trả. Để có được một phóng sự thực tế về việc đãi vàng, dù là không in, bỗng dưng chú mi trở thành dân đãi vàng. Nhưng yên chí đi con ạ, có khi rồi trời sẽ bù đắp cho con
- Thiệt tình thất  vọng quá, tôi phải trở lại đây, định kiếm một ít vốn để làm cái gì đó... Tôi không hy vọng xây dựng sự nghiệp theo kiểu ni đâu chú Ba.
- Chừ mi nói được rứa là đã biết khôn. Dân Hà Nam Ninh tới đây có đứa từng ở mấy năm trời, cũng chỉ ăn nhậu tại chỗ, chẳng đem về được bao nhiêu. Tội nghiệp, có bao nhiêu thằng chưa kiếm được chút chi... thì phải trả lại bằng chính sinh mạng của mình.
- Còn chú?
- Tau hở? Tao đâu phải còn trẻ để mơ mộng tương lai. Đông lương hưu với vật giá bây giờ thì làm sao?... Tao cứ lai rai ở đây... Nói rứa, chớ ra răng đi nữa tau cũng phải kiếm được một ít gởi ngân hàng, nuôi đàn gà trong sân, trồng luống rau ngoài vườn, uống trà ngắm hoa, chứ đâu lẽ ra ri miết...
- Chú kìa, hình như bọn họ trúng quả rồi.
Nhóm người chung quanh một miệng hầm nhốn nháo vây quanh một người vừa dưới hầm chui lên.
- Trời ơi ,ngọc...
- Thiệt không?
- Ngọc, đúng là ngọc. Tui đã thấy ở hàng kim hoàn một hạt như vậy giá vài chục triệu đồng.             
Người từ dưới hầm vừa chui lên, nhảy nhót như điên dại. “Bốt“ Hổ đứng cách đó không xa, đưa mắt nhìn sưng sốt, chẳng nói chẳng rằng, hắn cắm cúi chạy thẳng đến miệng hầm, nhảy xuống. Một vài người khác nhảy xuống theo.
- E, coi chừng, đừng xuống đông, hầm còn chật lắm!
Tiếng đục phá dưới lòng đất bắt đầu vọng lên đều đặn. Bất ngờ, một tiếng nổ tức tửi đẩy dạt mọi người chung quanh.
- Chết mẹ, hầm sụp bà con ơi, cứu dùm tụi nó.
- Hầm sụp, hầm sụp...
Tiếng gào thét lan chuyền qua từng nhóm người trên bãi sông. Giữa những tiếng kẻng đánh liên hồi là những âm thanh vội vã đào xới đống đất đá ngỗn ngang trên miệng hầm vừa sụp. Những lỗ hỗng bên dưới hé mở. Một cánh tay dập nát ló hiện. Trứ và chú Ba cùng mọi người bế xốc những thân xác phía dưới lên; “Bốt” Hổ người bê bết máu, hai mắt nhắm nghiền, không còn chút hơi thở. Hai nạn nhân còn lại, vẫn còn đang quằn quại, rên rĩ. Có tiếng la: "Còn một người ở dưới". Chú Ba nhanh nhảu lách vào một kẻ hở. Nhưng bất thần, các đống gạch đá ngổn ngang chợt đổ xuống lấp vùi ông.
Ở các khu đãi vàng, bây giờ chỉ có những nhóm người thưa thớt,uể oải. Họ phần lớn đi tản mạn qua lại các hàng quán xì xầm to nhỏ. Một gã thanh niên bị hai ba người túm cổ áo, cấu xé:
- Thanh toán nợ nần cho tụi tao. Cho mày thiếu cả năm trời này là đủ rồi, đừng thừa cơ chuồn luôn hở?
Ở một lều quán khác xảy ra cuộc ẩu đã, rượt đuổi nhau về phía bìa rừng. Thỉnh thoảng, có những cuộc trao đổi giá cả của những người địa phương từ thị trấn hỏi mua các loại động cơ phục vụ việc khai thác vàng.
- Tình hình có chi lạ không, mấy bữa ni nghe... khác thường quá anh (!)
Nhìn về những đám người đang giằng co, la hét lẫn nhau, Trinh bâng khuân hỏi Trứ.
- Nghe đâu nay mai công an tỉnh và huyện sẽ tập trung lên giải tán khu đãi vàng ni. Việc đào phá đã làm lấp các khúc sông, làm tắt dòng thuỷ điện của huyện. Mọi người đang bán lại cho dân địa phương các loại máy móc nặng nề, để tính đường cuốn gói.
- Anh tính răng chừ?
- Anh cũng nóng ruột muốn về thị trấn để thăm tình hình sức khoẻ chú Ba. Nhưng còn một số vàng của “bốt” chưa biết chia chát kiểu chi, vì bốt Hổ đã chết, chú Ba lại cũng không có mặt.
- Đã rứa... coi chừng rắc rối thêm! Họ có cách giải quyết chưa?
- Họ bàn để ngớt đợt truy quét này tính sau, nghe đâu phần lớn họ băng rừng đi về ngã Gia lai - Kom Tum. Họ không tiện đi về ngã thị trấn.
- Là cái chắc rồi. Họ đã từng gây thù oán với bọn thanh niên dưới thị trấn.
Trứ đứng dậy. Có mấy tên đàn ông râu tóc bù xù vừa đến, vẫy tay gọi gã bằng giọng Bắc đậm đặc rất khó nghe:
- Mọi việc giải quyết ổn thôi. Nào, đi... mày cầm luôn giùm phần chú Ba. Nói với ổng trước sau gì tụi mình cũng phải tái ngộ nhau trên này. Có khoảng nào chưa rõ, tính sau...
- Kiếm chỗ nào vắng vẻ hơn, vàng bạc phải cẩn thận.
chứ.              
Trứ rảo bước đi theo nhóm người này. Đến một dốc đá, cây cối rậm rạp, bất thình lình một tên trở người đạp vào ngực Trứ. Quá bất ngờ, Trứ không kịp trở tay, ngã lăn xuống dốc.
- Ồ, tui chẳng hiểu các anh muốn chi?
Trứ lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp phản ứng đã bị hai tên nhảy đến khóa quật tay.                        
- Bây giờ mày hãy khai đi? Chính mày là người cộng sự với công an, mày đã về thị trấn tổ chức công an lên đây dẹp bãi vàng này khải không?
- Các anh lầm rồi.
- Hừ, mày đừng chối nữa, chính mày là cái thằng chụp ảnh lén trên vách đá hôm nọ. Tao có báo xếp trưởng, nhưng vì không bắt được tang vật nên ổng không tin. Bây giờ tụi tao trị mày chẳng cần báo ai nữa.
- Chẳng phải đâu,các anh hãy bình tĩnh nghe tui nói đây... 
Mặc kệ những lời phân trần của Trứ, những nắm tay hung hãn không ngớt đấm túi bụi vào bụng gã. Oằn oại một hồi, Trứ vung chân đạp ngã tên phía trước mặt, rồi vùng khỏi tay hai tên đứng kèm hai bên hông, chạy băng vào rừng cây. Nhưng hồi lâu, không thoát khỏi vòng vây đuổi bắt, gã kiệt sức gục ngã.
- Chẳng phải dông dài, lục túi nó.
Hoàng hôn dần phủ xuống núi rừng. Trong cảm giác buốt đau, choáng váng Trứ nghe vài câu nói mơ hồ: “Cũng khá, nó có trên năm thẻ. Còn phần của ông Ba và thằng Hổ chẳng rõ đứa nào giữ“, rồi mê thiếp.              
Tiếng chim rừng líu lo chừng nhảy múa theo những tia nắng xuyên qua cây lá, làm Trứ cựa mình, đôi mắt từ từ hé mở. Gã nhìn quanh: những mãng đất đá lỡ lói chung quanh, những cành cây vương vãi... Gã gượng người ngồi dậy, cố nhớ những việc đã xảy ra. Chợt phía trước, một lùm cây rung rinh, chuyển động mạnh...
- May qua, anh đã tỉnh lại rồi!
- Trời ơi, Trinh!
- Em đến đây tự nảy chừ. Anh bị họ hành hung phải không? Em hái lá cây về rịt vết thương cho anh đây.
Trứ cầm lấy tay Trinh:
- Không ngờ em tốt với anh quá. Nhưng mần răng em lại có mặt ở đây?
- Anh hãy nằm xuống nghỉ đi cái dã...
Trinh dùng lá nhai vụn đắp lên các chỗ trầy xước, rướm máu trên người Trứ, cô vừa làm vừa kể:
-Tối hồi hôm... chẳng khác chi địa ngục trần gian. Gần như các lán trại đều đột ngột tháo gỡ. Số người Hà Nam Ninh bỏ đi về phía Gia Lai - Kom Tum. Số người thị trấn lên bán hàng quán thì bình tĩnh hơn, định nán lại ít ngày. Nhưng rồi giằng co trong việc thanh toán nợ nần, có mấy hàng quán bị đốt phá. Em và chị Hai thu dọn đồ đạc nửa chừng nghe có tiếng súng nổ. Tự nhiên, tất cả mọi người hô hoán" công an đã lên bố ráp, tịch thu tất cả mọi thứ". Thế là, phần ai nấy chạy. Em chỉ kịp mang chiếc xách đựng ít tài sản dành dụm bấy lâu nay chạy theo chị Hai. Nhưng do trời tối, em bị lạc một mình... Đến mờ sáng, không dè gặp anh ở đây.
-  Chừ đây, mình về ngã nào đây em?
Trinh nhìn về xa xăm.
- Về nơi mô cũng được, miễn là đừng  trở lại cái bãi đãi vàng...
- Em có cho anh đưa em đi không?         
Không kìm được cảm xúc, Trinh ngã người vào lòng Trứ. Gã quàng hai tay ôm chặt nàng. Trinh nói:
- Hồi hôm em không định hướng được. Chừ trời sáng rồi, chắc sớm muộn chi tụi mình cũng tìm được con suối. Tìm được con suối là tìm được lối về thị trấn.           
Mắt Trứ rực sáng:
- Về thị trấn... Trinh ơi, tụi mình phải tìm được lối về thị trấn. Về nơi đó anh và em sẽ làm lại từ đầu tất cả. Tuổi trẻ, tình yêu, sự nghiệp... chẳng một khó khăn mô làm anh sợ hãi. Miễn em hứa từ nay luôn có bên anh...
Giờ đây, nắng đã lên cao. Nhưng suốt khoảng vài giờ đồng hồ, hầu như cả hai vẫn đi trong bóng cây dày kịt, chưa gặp thấy một khoảng sáng rộng nào của bầu trời.Họ hoang mang, mấy lần toan đổi hướng. Hồi lâu, qua một quảng rừng thưa, đột nhiên họ gặp phải những dốc cao gập ghềnh. Rừng càng âm u... Trinh rụt rè dừng lại:
- Nguy hung rồi! chắc đã lạc mất lối về thị trấn...
- Em đừng nóng vội, cứ bình tĩnh rồi chúng ta sẽ lần ra.
- Nhưng có lẽ phải quay ngược lại một lần nữa. Tốt hơn tụi mình phải quay lại chỗ khởi đầu để từ từ tìm lại những lối đi quen thuộc.
Hai người lại tiếp tục tìm đường băng qua các lối đi trong rừng. Được một đoạn, cả hai dừng chân, đứng nhìn... Ở một ngọn đồi không xa, có những làn khói lan toả từ các lùm cây.
- Nơi kia có người, mình gặp may mắn rồi!
- Có thể sắp đên một bản làng nào đó...
- Anh nghĩ, chỉ mới đến rẫy của họ.       
Hai người  hối hả nhanh bước về phía có làn khói.
- Hãy thận trọng một tí đã em.
Trứ khom người, chậm chạp lòn qua các bụi cây. Trinh đuổi theo sau. Qua một nhành lá, họ nhận ra các tên đàn ông hung hãn đã hành hung Trứ đang ngồi cùng nhau bên cạnh một bếp lửa. Một tên nói:
- Tao nghĩ, tụi mình nên nán lại quanh quẫn nơi đây vài hôm đợi cho tình hình ổn đã rồi tính...
- Nhưng liệu ngược về hướng này có an toàn không? Bởi công an cần chộp được vài thằng có tiền án đầu sỏ như tụi mình, chứ không phải đuổi theo đám quân đánh thuê ấy làm gì!
- Đành vậy, nhưng chắc chắn không ai ngờ bọn mình rẽ về hướng nầy.
- Thôi chả phải bàn luận nữa, căng lều ngủ tạm đêm này nơi đây đã hẵn hay.          
Trứ lặng lẽ dìu Trinh rời khỏi nơi vừa nấp. Đi một quảng xa, Trứ nói:
- Chúng ta phải nhanh chóng tránh chạm mặt với bọn hắn. Bọn hắn nghỉ lại đêm, đó là thời cơ để chúng ta vượt xa một đoạn đường dài.
Bóng đêm dần đổ xuống. Trong bóng cây xào xạc có cả tiếng  những con chim lạ vang lên làm khu rừng vắng càng tăng thêm vẻ kinh dị. Trinh đầy mệt mỏi, lo sợ. Nàng dừng lại ôm chầm một thân cây.
- Anh ơi! Em không còn đi nổi.             
Trứ dừng lại đỡ lấy Trinh.
- Cố gắng lên em, hình như đang gặp một lối mòn.
Trinh nhướng mắt nhìn về phía trước. Nàng vẫn thở hổn hển:
- Trời sắp tối rồi! Em sợ!
- Đã có anh, phải đi thôi em. May ra lối mòn này sẽ dẫn đến một khu dân cư...       
Đột nhiên gã Trứ nhướng người nhảy lên phía trước, reo to:
- Phía kia có ánh sáng. Nhanh lên em...
Một ngôi nhà tranh tuềnh toàng, giản đơn hiện ra trước mắt. Dăm ba thanh niên trẻ đang ngồi bên ánh sáng của một chiếc đèn măng sông.
- Hình như là một Trạm kiểm lâm. Mình cứ nói thiệt với họ.                  
Trứ và Trinh bước vào. Những người kiểm lâm dừng tay, quay ra nhìn. Một người lên tiếng:
- Chắc có ai bị sốt rét nữa đây!          
Một người khác nói:
- Phiền thật, đây có phải là trạm xá đâu?         
Trứ đáp:          
- Không phải anh ạ, tụi tui ở khu đãi vàng về, bị lạc, nhờ mấy anh qua một đêm...
- À, ra rứa,  dân đãi vàng thì xin ghé vô...
- Tụi bây ơi, coi còn chai rượu với mấy gói thuốc đem ra tiếp khách.
Trứ và Trinh bước vào nhà. Một người đứng dậy sửa soạn lại bàn ghế và vỗ vai Trứ:
- Ông anh thức chơi bài và lai rai với tụi tôi, còn nhường chỗ cho bà xã ngủ nghe!
Phía góc nhà,Trinh đã được hướng dẫn đến nằm vào một phảng có giăng mùng. Trên chiếc bàn nhỏ, bên những cốc rượu toả đầy khói thuốc, Trứ hòa nhập cùng những người đàn ông cười giỡn vô tư chia các con bài.
Sớm mai hôm sau, hai người được nhóm Kiểm lâm hướng dẫn cặn kẻ cách thức băng rừng để tìm lối về. Lúc chia tay, một anh chàng có râu mép, đưa ngón tay khều khều Trứ nói:
-  Đêm qua, quý vị tá túc ở khách sạn chúng tôi có xảy ra điều chi thiếu hài lòng không?
 Anh ta lại tiếp tục khều ngòn tay và đá lông nheo chớp chớp. Trứ ngơ ngác. Trinh lặng lẽ thò tay vào cấu một vật nhỏ lấp loé sáng vào tay anh chàng này. Nàng cười xởi lởi:            
- Các anh thông cảm, tụi em không phải là dân làm ăn đãi vàng chuyên nghiệp, nên còn nhiều cái chưa biết. Các anh đã giúp, sau nay gặp lai ở thị trấn bọn em không bao giờ quên ơn.
Anh ta liếc mắt nhìn xuống bàn tay, nhoen miệng cười:
- Giỡn chơi với các bạn một tí xíu đó mà. Nhớ đi đúng theo lời tụi tui dặn đó nghe!                   
Hai người tiếp tục lách các đám lá cây băng đi trên con đường rừng. Chẳng mấy chốc, có âm thanh róc rách của một con suối nghe rõ dần. Cả hai hớn hở bước nhanh hơn.
Nước trôi vui, nhảy múa, quấn quýt dưới bàn chân của hai người. Họ vốc nước tát lên mặt rồi tát vào người nhau. Một lúc, họ ngồi lại âu yếm nhau trên phiến đá. Trinh nhắm mắt thì thầm:
- Trời ơi, thế là sẽ về được thị trấn...
- Em định sẽ bắt đầu lại như thế nào?
- Chừ đây đã có chút ít vốn liếng. Chính em cũng chưa định bắt dầu ra sao. Em chỉ cần thấy về được thị trấn là về lại với chính mình, là có thể làm lại được tất cả... còn anh?
- Anh hở? Anh cũng nghĩ như em. Có điều anh cảm thấy bất ngờ là đã gặp em. Cũng như bất ngờ về một mảng vốn mới của cuộc sống. Trước tiên, anh bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết như anh đã dự định. Chỉ tội nghiệp cho chú Ba, cái giấc mơ có được một cuộc sống yên lành, với đàn gà trong sân, luống rau ngoài vườn rồi sẽ thành tựu hay vĩnh viễn không còn một cơ hội mô nữa...
Trinh rớm nước mắt;
- Không biết tự răng em cũng thấy lo cho chú Ba quá!
Đột nhiên, Trứ lần tay vào cái nút bên trong áo;
- Í chết, anh trả lại em cái khoản "khách sạn" trong đêm vừa rồi... May mà nghe lời chú Ba, anh còn giấu trong ni vài khâu, không đã bị tụi họ lột sạch trơn rồi.
Trứ tháo một mé chỉ, trút những khoen vàng ra tay, đưa Trinh một khoen.
- Cái anh ni, làm như việc của riêng anh. Coi chừng, em giận đó.
Trinh vùng vằng quay mặt, Trứ phân vân một hồi:
- Trinh, em không nhận thì thôi. Dù sao anh cũng lỡ tháo ra, em cho anh gởi tạm vào xách, sợ rớt dọc đường.
- Rứa thì được.
Trứ cởi áo trải trên một phiến đá có bóng mát, ngã lưng. Gã nói:
- Trời nắng quá, phải nghỉ một tí đi em
- Ờ, anh nghỉ trước đi.
Trứ chớp mắt, chìm vào giấc ngủ. Trinh mang theo túi xách đến một khúc suối có những lùm cây kín đáo. Để xách trên bờ, nàng trầm mình dưới nước.
Van tiếng suối róc rách yên bình, vẫn tiếng chim đùa vui ríu rít. Nhưng cách đó không xa, bóng dáng ba tên đàn ông du thủ tưởng đã đi về một hướng khác bỗng dưng xuất hiện. Bọn chúng dừng lại, khoác nước rửa mặt. Bõng nhiên, một tên sáng rực đôi mắt. Hắn kịp nhìn ra một cô gái hở hang đang ngụp lặn trong dòng suối. Hắn mon men đến gần.
- Trời ơi, quá đã!...
Hai tên phía sau bước tiếp đến. Bọn chúng thì thầm vào tai nhau. Thoắt chốc, một tên nhảy xổ đến ôm chầm lấy người Trinh. Những tên còn lại níu lấy hai cánh tay Trinh, tìm cách cởi bỏ những gì còn che vướng trên thân thể nàng. Bọn chúng hôn tới tấp vào cổ, vào má, vào ngực...
Trinh vẫy vùng, lăn lộn vào bờ la hét:
- Anh Trứ ơi, anh Trứ ơi, bọn họ...
Những tên đàn ông vẫn chìm đắm trong cơn thèm khát dục vọng mãnh liệt. Bọn chúng chen nhau để được vùi đầu vào ngực Trinh. Những hòn đá long lỡ, chừng muốn kéo tuột chiếc xách tay trôi đi. Trứ vùng dậy chạy đến, đấm liên tiếp vào mặt hết tên này sang tên kia. Một tên còn đang ngơ ngác đã bị Trứ dùng một cành cây đánh ngã nhào xuống suối. Bây giờ Trinh mới được tự do, thoát nhảy lên bờ cài lại các khuy áo.
Trứ như bất ngờ được tiếp thêm một sức mạnh nào đó, tấn công không ngừng vào các đối thủ. Nhờ chủ động với cành cây trên tay, Trứ tiếp tục bổ vào đầu một tên khác. Tên kia bị ngã chúi, nhưng Trứ cũng bị mất đà ngã theo. Tên còn lại thừa cơ túm tóc Trứ nhận chìm xuống nước. Trứ vùng vẫy một hồi nắm được chân, quật ngã hắn trở lại. Trứ siết cổ, vùi hắn vào nước...
- Anh Trứ, coi chừng...
Trứ quay lại, một ánh dao của một tên vừa đâm bổ đến, lóe sáng. Trứ né kịp. Nhưng những tên còn lại đủ tỉnh táo để xông vào, áp đảo, khoá hai tay Trứ. Một tên nói:
- Lần này thì kết liễu nó luôn, xong rồi giải quyết con bé. Lưỡi dao vung lên trước tầm mắt Trứ. Bỗng ngay lúc ấy, có tiếng súng nổ như xé rát bên tai:
- Đoàng, đoàng...
- Vất dao xuống, đưa tay lên!
Một nhóm dân quân vũ trang địa phương có mặt tự lúc nào đang tiến đến đứng bên bờ suối.
- Ca bọn đứng im, từng đứa một lên đây. Công an huyện đang tầm na tụi bây. Không ngờ lại gặp  tụi bây đang cố tình gây thêm chuyện...
Cả ba tên rã rời đưa hai tay đi về phía những người dân quân. Trứ bước đến quàng vai Trinh nói với họ:
- May mà gặp các anh kịp thời, không thôi tụi tui bị hại rồi.
- Còn mấy người lo về thị trấn làm ăn đi, chuyến ni nhà nước chủ trương giải tán khu đãi vàng chứ không để dây dưa nữa đâu.
Toán dân quân  quay lưng dẫn bọn tội phạm đi. Trinh dục Trứ:
- Mình cũng đi luôn anh. À, cái xách đâu?
Chiếc xách nằm trên những hòn đá vốn đã bị lung lay, sau đợt xô xát, giờ đây không còn sức chịu đựng cũng vừa lúc bị lún tuột và trôi đi...
- Í, trôi rồi... Coi chừng trôi mất, đuổi theo anh ơi...
Cả hai chạy theo... Nhưng chiếc xách đã nhanh chóng bị cuốn phăng lăn lóc như muốn đùa nghịch, nhảy nhót vùn vụt trên từng mô đá, chẳng biết về đâu...
Thoáng trong giấy lát, niềm hy vọng rời khỏi tầm tay. Trinh gục đầu vào vai Trứ òa khóc... Một người dân quân dừng lại nhìn hai người trầm ngâm, rồi nói:
- Mấy người cũng đừng buồn, cái chi của rừng nên trả lại cho rừng. Xưa nay người ta lấy của rừng bao nhiêu thứ, có ai nghĩ rừng sẽ buồn (!).            
Đâu đó, những tiếng gà trưa vọng lại rất gần. Đôi tình nhân tiếp tục bước đi. Qua những đồi dốc cây lá xanh tươi, họ nhận ra thấp thoáng những mái nhà thị trấn...
7/10/2007
Trần Trung Sáng
Theo https://vanchuongviet.org/

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...