Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Nhà thơ Văn Công: Nắng đã ngủ yên trên ngàn lá

Nhà thơ Văn Công:
Nắng đã ngủ yên trên ngàn lá…

Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nho học, một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng và nhiều trí thức lớn. Do sớm có năng khiếu, bấy giờ chú bé Cao Xuân Thiêm đã làm thơ ghi những điều trông thấy dọc đường, nhưng địa danh hấp dẫn: Vinh, Nghi Xuân, Đèo Ngang, Huế…
Nhà thơ Văn Công (1926-2021)
Tháng 8/1945 sau chuyến đi xa kiếm sống về, Cao Xuân Thiêm bước vào hoạt động cách mạng. Đó là cuộc hành trình xa quê gốc để vào vùng đất Liên khu 5 mà sau này trở nên thân thiết như chính quê mình. Năm 1946, hăm hở trong đoàn quân Nam Tiến, ông có mặt tại Phú Yên và như một định mệnh, ông gắn cuộc đời mình ở miền Tây Phú Yên, với những cái tên như Ma Pốp, Ma Xí, Ma Xoong, cũng quấn khố, để tóc dài, đi chân đất, nói tiếng dân tộc thiểu số, sống, chiến đấu cùng bà con trong những điều kiện ngặt nghèo, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến.
Văn Công  từng là cán bộ đi vận động quần chúng ở vùng địch hậu miền đông Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông không tập kết ra Bắc, tiếp tục ở lại nằm vùng phát động quần chúng. Ông từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế phục vụ chiến trường Phú Yên, cán bộ phụ trách Ban chi viện chiến trường khu Trung Trung bộ, là thành viên Ban chấp hành Văn nghệ giải phóng khu Trung Trung bộ.
Tác phẩm đã xuất bản: Bất khuất (tập thơ, 1964); Mảnh đất yêu thương (tập thơ, 1978); Khúc hát miền quê (tập thơ, 1985); Miền đất huyền thoại (tập ký, 1990); Vùng đất lửa (tập kỳ, 1990); Trước chiều gió (tập thơ, 1996); Hương đêm (tập thơ, 1996)
Giải thưởng văn học: Hai bài thơ Lòng em và Tiếng hát các em được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương tặng giải nhất (1960); Tập thơ Tiếng hát miền Nam, thơ in chung của nhiều tác giả, được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng (1965).
Buổi sáng sớm vào cuối tháng 9 (30/9/2021), tôi đến cơ quan để chuẩn bị vào đầu tháng sẽ bắt đầu công việc vì dịch Covid ở vùng đất này dần tạm ổn. Vừa mở máy thì nhận tin của Phạm Đoàn Anh Kiệt bên Hội Nhà báo nói: Nhà thơ Văn Công mất rồi. Tôi im lặng nhìn biển ban mai lấp lánh, sóng vỗ nhẹ vào triền cát vào cuối thu sáng lấp lánh lòng chợt chùng xuống…
Căn nhà nhỏ xanh lá của nhà thơ Văn Công cũng gần biển, đêm đêm ông vẫn nghe rì rào sóng vỗ khi tôi đến thăm ông lúc còn khỏe và ông cũng đã từng nói. Mái tóc bạc, da thẫm đồi mồi, mắt long lanh sáng cùng giọng trầm trầm của xứ Nghệ khó lẫn vào đâu được. Điều đặc biệt ở ông là rất yêu mến những người viết trẻ nhất là các hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thứ đến dù già lão vì ông sinh năm 1928 cũng vẫn đọc đều các báo, sáng tác đều đều trên trang giấy với dòng chữ ngay ngắn dễ đọc và tôi cũng thường sửa lại các trang bản thảo để Hội hỗ trợ in tác phẩm ký, tuyển tập thơ Văn Công…
Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm sinh năm 1928, trong một gia đình Nho học ở Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An vốn có truyền thống văn học do đó ông cũng ảnh hưởng không ít tài xướng họa thơ ca của gia đình. Văn Công bắt đầu làm thơ năm 13 tuổi; bài Tựu trường ông làm lúc đó đến năm 1996, NXB Hội Nhà văn đã in lại. Nhà nghèo, năm 17 tuổi, ông bỏ học để đi làm kiếm sống ở Huế, Đà Nẵng và có dịp được trao đổi kiến thức về thơ văn (vì ông làm thư ký cho các ông chú họ nên có đủ cơm ăn, áo mặc và đọc sách thoải mái) cho đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông lao vào công tác cách mạng. Từ đội viên Đội công tác vũ trang Tây Nguyên đến Phòng quốc dân thiểu số Phú Yên. Từ cuối 1946, ông làm cán bộ công tác miền núi Phú Yên đến năm 1954. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp ông là người gắn bó mật thiết với miền núi Phú Yên và được nuôi nấng, bảo vệ.
Cuộc đời ngắn lắm… Nhưng với nhà thơ Văn Công thì không vì ông cống hiến cả quãng đời của mình cho kháng chiến, quãng đời làm cách mạng và quãng đời của thơ ca một cách cần mẫn và trách nhiệm. Ông từng kể cho tôi, thời ấy trong những căn nhà bên triền đồi ven bờ Krông Ba và Sông Hinh, vốn là cái nôi xuất phát của các trường ca Đam Sam, Xing Nhã, Đăm Đon và các điệu Khan khiến tâm hồn thi sĩ của ông xúc động mà trở lại với việc sáng tác thơ và ca dao nổi tiếng ở miền núi (Khi ấy, nhà thơ Nguyên Hồ thì nổi tiếng đồng bằng Phú Yên). Những tờ báo Khu 5 lần lượt in thơ Văn Công: Chín năm kháng chiến trường kỳ/ Chín năm gian khổ dạn dày gió sương/ Ngược xuôi qua mọi nẻo đường/ Ba lô, dép lốp, núi rừng xông pha… (Hát tiếp bài ca, 8/1954)
Nhà thơ Văn Công từ một người miền xuôi ông đã dần hòa nhập với người miền núi và gắn bó vùng đất này cho đến sau năm 1954 thì được phân công ở lại miền Nam, xây dựng xã Thồ Lồ (miền Tây của Phú Yên) thành căn cứ địa của tỉnh khi địch tăng cường khủng bố, đàn áp thì ông thay tên, đổi họ bằng tiếng dân tộc, mặc khố hòa vào cùng bà con: Bảy năm quấn chiếc khố tời/ Bảy năm râu tóc mọc dài cải trang…Từ những bài thơ thương nhớ quê hương Nghệ An, những người vợ miền Nam gửi lòng theo chồng đi tập kết ở miền Bắc và cả những đồng bào các dân tộc giữa vòng vây kẻ thù: Sợ lọt tai Mỹ Diệm/ “Hát nho nhỏ thôi em”/ Em vẫn hát tự nhiên/ Hồ Chí Minh muôn tuổi – 1954. Lúc này, nhiều bạn đọc miền Bắc đã tìm đọc thơ ông và thơ Thanh Hải. Tác phẩm của ông đã từng được giải thưởng báo Thống Nhất, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam và các Tuyển tập thơ lớn của Việt Nam. Văn Công đã có vị trí xứng đáng trong làng thơ miền Nam kháng chiến với những bài thơ giàu tình cảm và sục sôi chiến đấu. Rất tiếc là ông rất ít thời gian cho riêng mình vì công việc của Đảng trong thời gian này cho đến năm 1965, tập thơ Bất khuất được Ban Tuyên huấn Phú Yên ra mắt và sau này, năm 1978 Hội Văn nghệ Phú Khánh xuất bản tập Mảnh đất yêu thương tập hợp các bài ông viết từ 1954 đến 1975.
Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà thơ Văn Công vẫn bị công việc đeo đẳng. Ông từng qua nhiều công tác chính trị như: Bí thư huyện ủy Tây Sơn (bây giờ là huyện Sơn Hòa); Quyền Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Phú Khánh. Mãi đến năm 1989 khi tái lập tỉnh Phú Yên, ông từ chối mọi công việc được mời cả về chính trị lẫn văn học nghệ thuật và lúc này ông hối hả viết như để bù lại những năm tháng làm việc cách mạng và như đuổi theo quỹ thời gian đã mất, chạy đua với tuổi già đang đến. Những tập sách cho ra mắt, những tập thơ in chung đều đặn xuất hiện. Ngoài thơ ông còn viết ký, các công trình nghiên cứu về bản sắc đồng bào dân tộc nơi ông từng sống, từng hoạt động và trở thành đề tài quý giá cho người viết trẻ, các nhà nghiên cứu sưu tầm, các nhà sử học.
Bây giờ, mọi người đã gọi ông bằng cái tên đầy quý trọng cho dù nhiều lần ông lắc đầu từ chối: Nhà thơ Văn Công, nhà thơ Việt Nam cao tuổi nhất ở Phú Yên và người đã xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình với các tác phẩm ồ ạt ra mắt để được bạn đọc tiếp nhận đầy trân trọng: Khúc hát miền quê (Thơ 1985); Miền đất huyền thoại (Ký 1990); Vùng đất lửa (Ký 1992); Trước chiều gió (Thơ 1996); Hương đêm (Thơ 1996) và các tập sách về lịch sử và khảo cứu: Hậu cần nhân dân (1997); Người Ba Na ở Phú Yên (1998) và cả Hồi ký: Ký ức về một miền đất (2001), Một chặng đường thơ (2007); Tuyển tập Thơ- Văn của Văn Công… UBND tỉnh đã tặng nhiều giải thưởng cao quý của Văn học nghệ thuật cho ông vì đây không riêng gì sự tự hào của nhà thơ mà là của tỉnh, của Hội Văn học nghệ thuật cùng nhiều văn nghệ sĩ mến mộ, trân trọng.
Nhà thơ Văn Công từng nói với mọi người, nhất là văn nghệ sĩ tỉnh nhà: Thơ là người bạn chí cốt của mình giúp mình vượt qua thử thách, gian nan, là nhật ký cảm xúc cuộc đời. Tuy viết cho riêng mình nhưng vẫn là nguồn mạch đến với đời, với những người đã từng sống, từng hoạt động,  cùng chia sẻ mọi gian nan thử thách, chia sẻ với bạn bè nhiều nơi, nhất là các vùng đất mang nhiều kỷ niệm trong cuộc đời…
Nhà thơ Thanh Quế, gốc người Tuy An, Phú Yên luôn cảm phục nhà thơ Văn Công nên mỗi lần về thăm nhà là nhà văn đều ghé thăm và cũng từng nhận xét: Nhà thơ Văn Công là một con người luôn khiêm tốn, biết mình biết ta, tự lượng sức mình để làm việc, và đánh giá người khấc là đặc điểm của ông trong công tác chính trị cũng như trong sáng tác văn học.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trước thềm Đại hội đại biểu Hội Nhà văn lần VII đã gửi giấy mời cho nhà thơ Văn Công xem như đại biểu chính thức được mời của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và yêu cầu tôi chăm sóc trong chuyến đi vì sẽ khó có dịp ông về dự nữa (Quả thật, những Đại hội sau này, nhà thơ Văn Công đều từ chối). Nhà thơ Hữu Thỉnh từng bày tỏ: Nhà thơ Văn Công đã cống hiến không nhỏ cho nền văn học cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là nhà văn cao tuổi thuộc thế hệ nhà văn lớp cha anh vừa cầm súng vừa cầm bút và vừa là chiến sĩ chống giặc ngoại xâm. Sau ngày đất nước ngừng tiếng súng thì ông vẫn miệt mài trên trang bản thảo để ghi lại những ân tình sâu nặng trên đất Phú Yên…
Tôi vẫn nhớ căn nhà nhỏ đường Trường Chinh, phố Tuy Hòa xanh bóng cây, lung linh sắc nắng mỗi khi tôi đến thăm ông lúc ông minh mẫn với ánh mắt đăm chiêu, buồn buồn: Năm nay sức khỏe kém quá cậu à, mà cũng đâu còn trai trẻ nữa… Ánh mắt toát lên những nỗi niềm, nỗi thương nhớ quê nhà vùng chiêm trũng Diễn Châu mà ông thường kể nay không có dịp về, thương nhớ vùng miền tây Phú Yên một thời kháng chiến ai còn, ai mất và những người bạn viết khi ông về phố biển Tuy Hòa.
Tử biệt sinh ly là đều không tránh khỏi, bóng dáng nhà thơ cặm cụi bên trang bản thảo với những vần thơ trong sáng nơi góc phòng tĩnh lặng đã khép kín, rèm buông. Chim đã kêu về núi, nắng đã ngủ trên ngàn lá xanh, sóng dần xô nhẹ vỗ yên bờ cát… Không gì hơn, lúc này tôi cầu mong sự thanh thản từ ông, từ con tim thấm đẫm tình người lẫn trách nhiệm kia nhẹ sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng!.
8/10/2021
Huỳnh Thạch Thảo
Nguồn: Báo Văn nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Nhiều chuyện chưa từng kể

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Nhiều chuyện chưa từng kể

Con đường văn học của Nguyễn Xuân Khánh không trôi chảy. Khoảng những năm 70 ông gặp phải một cú vấp số phận: bị kỷ luật, cho thôi việc, nhà văn buộc phải loanh quanh ở nhà làm thợ may, nuôi lợn, làm bảo vệ, thậm chí bán máu… để nuôi gia đình. Điều đặc biệt là, dù trong hoàn cảnh khó nhọc, ngột ngạt cả về vật chất lẫn tinh thần như thế, ông vẫn viết, viết khi không được công bố, viết khi không được in. Trong thầm lặng, những bản thảo viết tay kín chữ vẫn xếp đầy ngăn kéo.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021)
Nhân 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ Nữ – đơn vị chuyên in các tác phẩm của tác giả Chuyện ngõ nghèo phát hành một tập di cảo và một “chân dung Nguyễn Xuân Khánh” được “vẽ” bằng hồi ức của chính bạn bè, đồng nghiệp của ông.
“Không gì cản trở được một nhà văn lớn”
Hai cuốn sách lần lượt được giới thiệu là Tiếng người trong văn và Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi ra mắt bằng hình thức trực tuyến vào sáng 9/10/2021 thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả và những người nghiên cứu văn chương.
Giám đốc NXB Phụ Nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng tiết lộ, cuốn Tiếng người trong văn (tập hợp những bài viết của Nguyễn Xuân Khánh về các bạn văn của mình) được nhà văn “túc tắc” làm khi NXB đặt hàng từ trước đó nhiều năm. Nhưng cứ giục in là ông lại lơ đi, có vẻ như tác giả không muốn ra mắt cuốn sách khi ông còn sống, hoặc giả ông vẫn đang viết.
Sinh thời, khi bộ ba tiểu thuyết lịch sử: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh làm ra những hiện tượng xuất bản (mỗi cuốn đều được tái bản 8-13 lần) một độc giả yêu văn ông đã tiên đoán: văn ông Khánh hấp dẫn thế nào thì đời ông Khánh cũng hấp dẫn thế ấy. Nếu có ai kiên nhẫn làm một biên khảo về đời ông thì hay lắm!
Thì nay, sau khi ông mất 100 ngày, Tiến sĩ văn học Đoàn Ánh Dương đã làm được điều ấy với cuốn Nguyễn Xuân Khánh, một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá, cuốn sách như một “sơ yếu lý lịch, tự truyện văn chương của Nguyễn Xuân Khánh”.
Con đường văn học của Nguyễn Xuân Khánh không trôi chảy. Khoảng những năm 70 ông gặp phải một cú vấp số phận: bị kỷ luật, cho thôi việc, nhà văn buộc phải loanh quanh ở nhà làm thợ may, nuôi lợn, làm bảo vệ, thậm chí bán máu… để nuôi gia đình. Điều đặc biệt là, dù trong hoàn cảnh khó nhọc, ngột ngạt cả về vật chất lẫn tinh thần như thế, ông vẫn viết, viết khi không được công bố, viết khi không được in. Trong thầm lặng, những bản thảo viết tay kín chữ vẫn xếp đầy ngăn kéo.
Thời điểm đó (đầu những năm 80), Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện, được truyền tụng trong giới văn chương dưới dạng sách tự xuất bản (underground). Sau này, tiểu thuyết này đổi tên thành Chuyện ngõ nghèo và chính thức được cấp phép xuất bản.
Những đánh giá trái chiều
Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương đánh giá: Văn chương Nguyễn Xuân Khánh là dữ liệu để hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, trong tương lai ắt hẳn sẽ được đọc lại nhiều. Tiến sĩ Dương cũng nói thêm: “Nhiều người cho rằng ‘Trư cuồng’ là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Xuân Khánh, nhưng tôi tin Nguyễn Xuân Khánh sẽ sống lâu qua bộ ba tiểu thuyết lịch sử: ‘Hồ Quý Ly’, ‘Mẫu Thượng Ngàn’ và ‘Đội gạo lên chùa’. Đây là nỗ lực của tác giả trong hành trình đi tìm dấu vết văn hóa của một dân tộc trải qua nhiều hoạn nạn, sóng gió, va đập, và qua đó tìm ra sức mạnh sự bền bỉ của người Việt”.
Trong khi đó nhà văn Uông Triều có nhận định khác: “Đọc lại những ý kiến của các nhà văn đồng nghiệp về cuốn ‘Miền hoang tưởng’ của Nguyễn Xuân Khánh do báo Văn Nghệ tổ chức năm 1990, tôi thấy giật mình. Các tên tuổi như Bùi Hiển, Lê Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Tiến Duật, Ngô Ngọc Bội, Xuân Thiều… các nhà văn này đều chê ‘Miền hoang tưởng’ cạn lời, hầu như có rất ít lời khen. Cơ bản họ đều thấy nó thấp kém, cá nhân, không đạt, yếu, non?. Tôi ngạc nhiên, vì theo cảm quan cá nhân của tôi, ‘Miền hoang tưởng’ mới là cuốn đột phá, sáng nhất của Nguyễn Xuân Khánh, còn bộ ba lịch sử, văn hoá sau này, có khen thì cũng đương nhiên thôi. Cá tính sáng tạo, sự tiên phong của toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh chính là ở ‘Miền hoang tưởng’, thế mà nó bị chê hết lời, bị vùi dập, bị thay tên đổi họ, để xuất bản. Tôi chắc chắn rằng ở thời điểm này nó sẽ được bình tĩnh đánh giá đúng và khách quan hơn”.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương kể một câu chuyện thú vị: trong hành trình truyền bá việc đọc của anh, nhiều người đặt mua sách Nguyễn Xuân Khánh là các nhà tu hành. Khi cuốn Tiếng người trong văn của ông xuất hiện thì giới trẻ lại đặt mua khá nhiều, họ tò mò về những thứ gọi là chủ nghĩa xét lại, nhân văn giai phẩm,… họ cũng không thể hình dung một nhà văn sống trong hoàn cảnh vật chất ngặt nghèo, bị áp chế về mặt tinh thần vẫn viết, ngăn kéo lúc nào cũng sẵn bản thảo chỉ chờ có dịp là đưa in.
Bạn đọc Thùy Dương (sáng lập dự án “Sách nhà mình”) chia sẻ: Là một người làm ngân hàng nhưng lần đầu nghe Mẫu Thượng Ngàn đọc trên đài chị đã vô cùng xúc động và tìm mua bằng được tác phẩm. “Kể từ Nguyễn Tuân tôi mới thấy một nhà văn có tiếng Việt đẹp và lộng lẫy như vậy”, chị Dương nói.
Chị Dương cũng cho biết, chị hay giới thiệu cho bạn bè của mình: muốn tìm hiểu lịch sử thế kỷ 20 thì nên đọc Mẫu Thượng Ngàn, không khô khan như sách sử, những câu chuyện lịch sử trong Mẫu Thượng Ngàn được kể hấp dẫn, “vô cùng ngấm”.
Cũng trong buổi ra mắt, con trai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, anh Nguyễn Tâm Tư tiết lộ, hiện gia đình chưa lục tìm được hết di cảo của nhà văn nhưng anh biết chắc bố mình còn một bản thảo tiểu thuyết nữa tên là Trôi sông. Hy vọng bản thảo Trôi sông được tìm thấy và sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) quê ở làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội.
Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973.
Ông được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
11/10/2021
Hạnh Đỗ
Nguồn: Báo Tiền Phong
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Trần Ninh Hồ: Ăm ắp một tâm hồn thơ

Trần Ninh Hồ: Ăm ắp
một tâm hồn thơ

Nếu chưa từng gặp gỡ Trần Ninh Hồ ngoài đời, chỉ đọc thơ ông sẽ không nghĩ tác giả của những vần thơ ấy đã qua tuổi “thất thập”. Thơ ông nhiều tự sự, nhiều suy ngẫm nhưng được thể hiện bằng một cách rất riêng, đầy trẻ trung, tinh tế, đam mê và hóm hỉnh. Cứ độ dăm năm nhà thơ Trần Ninh Hồ lại có một đợt xuất bản thơ và dường như “gừng càng già càng cay”, các tập thơ xuất bản về sau này hay về cả lượng lẫn chất.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ.
1. Nhà thơ Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ. Bút danh Trần Ninh Hồ là do ông ghép tên quê ngoại của ông là làng Mật Ninh và quê nội là làng Sen Hồ. Ngoài đời rất khó đoán tuổi của nhà thơ bởi ông thuộc tạng người trẻ lâu, hoạt bát và hay chuyện. Chính ông tự nhận mình như vậy bằng những câu thơ: “Nhớ những lần gặp nhau/ Tôi thì cứ làu làu/ Chuyện trên trời dưới đất/ Bốn bể rồi năm châu/ Chuyện bóng chuyền bóng đá/ Hết bên Tây sang Tàu/ Rồi lại cả những chuyện/ Không đâu vào với đâu…”.
Tốt nghiệp phổ thông, cũng như nhiều thanh niên thời ấy, ông tham gia Thanh niên xung phong, tình nguyện lên tỉnh miền núi Tuyên Quang dạy học. Cũng trong những năm tháng đầy ắp nhiệt huyết của tuổi trẻ ấy, ông đã bắt đầu đăng truyện ngắn trên các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội và sớm nổi tiếng ở lĩnh vực văn xuôi. Truyện ngắn Trong những món ăn truyền lại của ông được giải Nhì cuộc thi báo Văn Nghệ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, sau đó được in vào tập Vườn hoa cổng ô (chung với Nguyễn Phan Hách) đã khiến ông trở thành một trong những cây bút trẻ được chú ý nhất thời bấy giờ. Vài năm sau ông nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ.
Cũng từ đây những truyện ngắn còn đẫm hơi sương, hơi nắng được viết từ hiện thực cuộc sống chiến đấu của quân dân miền Nam xuất hiện đều đều trên báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội… Thấy ông có khả năng viết lách, cấp trên cử ông sang làm phóng viên tờ Văn nghệ Quân giải phóng Đông Nam Bộ, sau đó làm Trưởng ban Biên tập báo Văn nghệ giải phóng. Sau ngày giải phóng miền Nam, Trần Ninh Hồ trở thành một cây bút chủ lực của báo Văn nghệ Giải phóng. Năm 1977, ông ra Bắc, công tác tại báo Văn Nghệ tới năm 1996, kinh qua các vị trí Trưởng ban Văn xuôi, Trưởng ban Thơ, Trưởng ban Phóng viên. Năm 1996 ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam… Một thời gian sau, ông xin nghỉ vì thấy “con người thơ” của mình không hợp với công tác quản lý.
2. Sau rất nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết được đăng tải, xuất bản, dạo gần đây Trần Ninh Hồ chỉ in thơ. Có người cho rằng văn xuôi, nhất là tiểu thuyết với đặc thù và dung lượng của nó mới có thể chuyển tải hết những điều tác giả muốn nói cùng bạn đọc, nhưng với Trần Ninh Hồ, thơ “nói” được nhiều hơn. Đặc biệt, hơn 2/3 các bài thơ ông đã viết đều nói về tình yêu, thậm chí trong 9 tập thơ đã xuất bản, ông có hẳn một tập… toàn thơ tình mang tên Cho người tôi thương nhớ (NXB Hội Nhà văn, năm 2005).
Thơ Trần Ninh Hồ thẩm thấu người đọc bằng sức cảm, sức ngẫm của một tâm hồn đa đoan, từng trải. Chính vì thế, với một bài thơ, ông nói về tâm trạng một người mà nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Có lần nhạc sĩ Thanh Tùng ra Hà Nội đã nhờ bằng được Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội lúc ấy là đồng chí Phạm Chuyên tìm ông. Lý do là vì cách đấy 20 năm, nhạc sĩ Thanh Tùng bất chợt đọc được một bài thơ của nhà thơ Ninh Hồ. Ông đã rất thích và lấy cái tứ của bài thơ ấy để sáng tác bài Giọt nắng bên thềm: “Tiễn em đi nắng còn đậu trên thềm/ Khi trở lại nắng đã đi bước nữa/ Không biết nắng về trời hay hóa lửa/ Ta chỉ cần nắng đã sáng thềm em…”. Ông bảo: “Bài thơ mang một ý nghĩa giản dị nhưng giàu sức gợi. Sứ mệnh của mặt trời không phải cái gì to tát, nó đơn giản chỉ là làm đúng phận sự của mình là soi vàng nơi hạnh phúc từng ngự trị mà thôi”.
Khi tôi hỏi ông viết nhiều thơ tình đến thế chắc cũng… đa tình lắm, ông chỉ cười và giải thích bằng những câu thơ: “Người ta bảo nhà thơ thường rất nhiều tình nhân/ Sao lại nhiều? Chỉ em thôi, cũng một! Nhưng riêng với nhà thơ thì hình như em cố tình đến muộn/ Và nhà thơ cứ mãi mãi đắm say, mãi mãi kiếm tìm”.
Thơ Trần Ninh Hồ rất phong tình, nhưng đằng sau sự phong tình đó luôn thể hiện một cách nhìn, quan điểm riêng, đôi khi từ một nghịch lý mà trở thành triết lý. Đặc biệt ông rất thích những vần thơ đối nghịch: “Những đám mây thong thả/ Dưới vòm trời lặng im/ Một người đi mấy ngả/ Một ngả mấy người tìm/ Thế giới này nhỏ bé/ Mặt nước loáng cánh chim/ Nền trời sôi tăm cá/ Theo tận cùng gót lạ/ Lại nghe tiếng chân quen/ Nhớ cái gì thắc thỏm/ Quên cái gì đinh ninh/ Chợt ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình…”. (Giấc mơ đom đóm). Ông kể rằng khi quan sát con đom đóm không yên ổn để sinh ra thứ ánh sáng của riêng mình mà thỉnh thoảng lại nhấp nháy, ông đã cho rằng đó là cái giật mình cần thiết. Giật mình để lần sau thứ ánh sáng mà nó mang lại sáng hơn. Cũng như con người sống trong cuộc sống đôi khi cũng phải biết giật mình trước cái hay lẫn cái dở của kiếp người. Giật mình để điều chỉnh mình, để hoàn thiện mình hơn.
Ngoài thơ tình, Trần Ninh Hồ còn có nhiều bài thơ mang tính chất kể chuyện. Lạ là thơ ông kể chuyện có đầu có cuối, tình tiết rõ ràng mà nhịp điệu vẫn chắc, vẫn hấp dẫn khiến độc giả thắc thỏm đọc đến từ cuối cùng. Văn thơ hay báo chí với ông dường như không có khoảng cách. Ông thậm chí đã có 28 phóng sự được viết bằng… thơ.
Thường Trần Ninh Hồ làm thơ khá dễ dàng, nhìn đâu cũng ra được tứ thơ. Một đề tài muôn thuở như vầng trăng, ông có đến 16 bài tứ tuyệt. Lúc thì vầng trăng là giọt sương, khi thì là khuôn mặt người ông yêu dấu…, mỗi bài một góc nhìn, một phát hiện nhỏ thôi nhưng thú vị. Hay một lần ngồi ngắm mưa trên sân thượng, trong một ngày mưa tầm tã, bỗng ông phát hiện có một con chim hồng tước đậu trên cành cây đinh lăng, ông chợt nảy một tứ thơ mà cho đến bây giờ ông vẫn tâm đắc: “Đầy trời mưa lướt thướt/ Đốm lửa nhóm trong cành/ Chợt vút từ sũng nước/ Cháy một đường mong manh”. Ông bảo rằng: “Trong kiếp người có những lúc phải lao qua một vùng mưa bão như thế. Và quyết định lao ra ngoài mưa của con chim hay hình ảnh con chim “nhóm lửa” trong mưa mang một tư tưởng lớn, một khát vọng tìm hạnh phúc, tìm bến bờ yên ổn lớn lao”.
3. Trần Ninh Hồ còn nổi tiếng với những tuyên ngôn thơ. Nào là: “Thơ là quá trình bôi và xóa. Thơ là hai trang giấy bỏ quên nằm giữa những gì chưa viết. Thơ là sự bất lực của người viết nên trước nhà thơ lúc nào cũng mênh mông giấy trắng. Thơ là một thứ triết lý bằng xúc động. Nhà triết học thì dùng logic lý luận tạo nên những nhận thức chân lý nhưng nhà thơ dùng sự cảm động của cuộc đời để người ta cảm nhận chân lý. Cho nên thơ là lịch sử tâm trạng của con người…”.
Đọc thơ Trần Ninh Hồ những năm gần đây, nhất là tập thơ Những dấu ấn chưa qua (2017) có cảm giác ông đã đến độ lão thực, nhìn thấu mọi điều. Sau tác phẩm Những dấu ấn chưa qua, Trần Ninh Hồ định chầm chậm với thơ để chuyển sang kịch. Ông đặt cho những vở kịch dài mình viết cái tên Truyện dài sân khấu với mục đích duy nhất là để thỏa mãn niềm yêu thích của mình, chứ ông không mong chờ chúng được bước ra sân khấu. Bởi với ông: “Nghĩ, đi, viết, sửa, xuất bản, rồi lắng nghe, với quy trình ấy tôi thấy cũng đã hơi nhiều!”. Tôi lại nghĩ khác. Nhiều nhưng với Trần Ninh Hồ không có nghĩa là dừng lại. Với một tâm hồn thơ lúc nào cũng ăm ắp tâm sự, ăm ắp nỗi thương mình, thương người đến thế, không có những câu thơ để nương tựa, ông biết bấu víu vào cái gì?.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ sinh năm 1943, quê ở làng quan họ Sen Hồ (nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Các giải thưởng văn học: Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, Giải truyện ngắn hay 10 năm báo Văn Nghệ Giải Phóng (1965 – 1975), Giải truyện ngắn hay của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1973 và 1975, Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1970 – 1971…
Các tác phẩm đã xuất bản: Vườn hoa cổng ô (truyện ngắn, NXB Văn học, 1973), Điều không ngờ tới (truyện ngắn, NXB Quân đội, 1984).
Thư cuối năm (truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1985), Những vòng vây (kịch dài, NXB Sân khấu, 1989), Trăng hai mùa (thơ, NXB Giải phóng, 1976), Viết cho một người (thơ, NXB Thanh niên, 1990), Giấc mơ vách núi (thơ, NXB Văn hóa Thông tin, 1999), Thơ gửi cho thơ (thơ, NXB Văn hóa Thông tin, 1999), Lữ thứ với con người (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2004), Cho người tôi thương nhớ (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2004)…
16/10/2021
Hoàng Lan
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nguyễn Thị Ngọc Tú với những sáng tác tiêu biểu về Hà Nội

Nguyễn Thị Ngọc Tú với những
sáng tác tiêu biểu về Hà Nội

Trong văn học hiện đại Việt Nam, khi nói tới các nhà văn nữ không thể không nói tới một cây bút nữ tài năng, tâm huyết, có bề dày sự nghiệp đáng kể, lại xuất hiện khá sớm trên văn đàn so với nhiều nữ đồng nghiệp khác. Đó là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, chị cầm bút khi tuổi đời còn trẻ.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú (1942 - 2013)

Phải nhận rằng tên tuổi Nguyễn Thị Ngọc Tú trở nên quen thuộc và nổi bật từ những tiểu thuyết về đề tài nông nghiệp (Đất làng - 1974, Buổi sáng - 1976, Hạt mùa sau - 1984), rồi mới đến các đề tài khác, trong đó có đề tài Hà Nội. Nguyễn Thị Ngọc Tú đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật khá sớm (2001) với một cụm ba tác phẩm, hai trong số đó là Đất làng và Hạt mùa sau, tác phẩm còn lại là Ảo ảnh trắng thuộc đề tài Hà Nội (viết về ngành y, trong phạm vi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).
Mảng đề tài nông nghiệp của chị đã được đề cập, bàn luận, phân tích rất nhiều. Nhưng các mảng đề tài khác, đặc biệt là đề tài về Hà Nội (mà tiêu biểu là tiểu thuyết Ảo ảnh trắng nêu trên) lại chưa được chú ý lắm. Trong khi Nguyễn Thị Ngọc Tú sinh ra, lớn lên, làm việc ở Hà Nội gần suốt cuộc đời nên những người, những cảnh, những việc, những tình huống mà chị được nghe, được thấy, được  trực tiếp trải nghiệm không thể không ăn sâu vào trí óc và trái tim của chị. Vì thế, chị đã viết được những tiểu thuyết , truyện vừa, truyện ngắn hay về Hà Nội. Trong đó, tiểu thuyết Ảo ảnh trắng là nổi trội nhất, xứng đáng nằm trong cụm ba tác phẩm được giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Ảo ảnh trắng không đi vào một thực tế ồn ào, sôi động, không khai thác những mâu thuẫn gay gắt, căng thẳng, giàu kịch tính mà phản ánh một mặt của đời thường nhưng lại có sức gợi mở những suy tư, lắng đọng. Bối cảnh chính là bệnh viện Bạch Mai, nhân vật chính là một bệnh nhân ung thư, vây quanh là những con người với bao mối quan hệ phức tạp, thật, giả khó lường. Bệnh viện như một xã hội thu nhỏ, là nơi chứa đựng những lo âu, đau đớn, và bộc lộ đầy đủ tình yêu thương mãnh liệt bằng mọi cách níu kéo, giành giật sự sống cho con người. Thế nhưng, khi những biểu hiện tiêu cực đang hoành hành trong xã hội thì một ngành cao đẹp như ngành y cũng không còn là “cấm địa”, và lương y đâu còn là “từ mẫu”. Hiện tượng bác sĩ, y tá moi tiền người nhà bệnh nhân, rồi kéo bè, kéo cánh, phá nhau về chuyên môn, bất kể sinh mệnh bệnh nhân… được khắc họa sống động với nhiều chi tiết sắc bén. Nhưng cuốn tiểu thuyết không phải là một bức tranh hoàn toàn màu xám. Với cách nhìn, cách nghĩ đôn hậu, đồng thời với việc phanh phui một số mặt tiêu cực, tác giả cũng phát hiện và nâng niu những điểm sáng tốt đẹp, những giá trị nhân văn khiến người đọc vẫn tin yêu cuộc đời. Như nữ bác sĩ Vân hết lòng chăm sóc bệnh nhân, khi cần còn lấy máu mình tiếp cho bệnh nhân, như bác sĩ Luận ngày đêm nghiên cứu cách chữa cho những người mắc bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ Đỗ Linh, giám đốc bệnh viện sáng suốt, vững vàng, giàu lòng nhân ái, v.v… Đặc biệt xúc động với nhiều trang viết giàu cảm xúc với lối hành văn giản dị, nhưng ngôn từ có sức lay động, truyền cảm khi thể hiện tình cảm hai vợ chồng (Thuận và Doãn) yêu thương nhau hết mức. Thuận hết lòng lo thuốc men chạy chữa cho chồng, ngoài thuốc bệnh viện bất kể công sức, tiền nong. Doãn thương yêu vợ hơn cả bản thân mình. Rồi tình cha con giữa Doãn và bé Vi thật ấm áp. Qua đây, tác giả cũng lên án tội ác của đế quốc Mỹ với chiến tranh hóa học ở Việt Nam, để lại những di chứng, hậu quả khôn lường (Doãn bị ung thư do nhiễm chất độc đi-ô-xin).
Ảo ảnh trắng còn là một trong những tác phẩm đánh dấu bước chuyển mới về phong cách của Nguyễn Thị Ngọc Tú khi chị đi sâu nhiều vào thế giới nội tâm của nhân vật từ những biểu hiện vi tế nhất. Năm 1990, chúng ta lại được đọc Chỉ còn anh và em là câu chuyện tình yêu oái ăm của một nữ nghệ sĩ với một người cùng giới nghệ thuật. Đó là những trang viết hay, chân thực, xúc động. Theo nhà phê bình Đoàn Thị Đặng Hương thì đây “không phải chỉ bằng sự thông minh và tài năng mà nó được “đẻ ra” từ nỗi đau hòa nhập vào số phận nhân vật”…
Năm 1999, Nguyễn Thị Ngọc Tú lại cho in Hình bóng cuộc đời. Đó là câu chuyện của mấy nhân vật mà đủ sức khát quát cho một thế hệ trưởng thành trong chiến tranh,trải qua thời bao cấp, bước vào giai đoạn của cơ chế thị trường. Là đôi bạn Bình và Dương cùng trong quân ngũ trở về, là Thịnh con nhà giàu, có cửa hàng may đo Âu Á Mỹ Nữ, và Myn, cô gái sinh ra trong một hoàn cảnh mà bất hạnh và may mắn đi liền nhau. Nét đẹp của Myn là trong mọi hoàn cảnh, dù đói nghèo đến đâu vẫn sống tốt, là giữ lòng tự trọng, không vì tiền mà làm mất đi phẩm giá của một người phụ nữ. Khi Myn đã thành bà chủ giàu có, sang trọng: Chủ tiệm vàng Kim Kim và chủ khách sạn Ước mơ, thì tác giả với dụng ý muốn cảnh báo những mặt trái của cơ chế thị trường đã để cho cô tiếp viên Hiền nói về Myn: “Bà chủ ghê lắm. Giàu. Đẹp. Sang và ác” cũng như mô tả vẻ mặt lạnh lùng của Myn, cách ứng xử thẳng băng, rạch ròi với khuyết điểm của nhân viên. Dù Myn đã nhận ra “trong cơ chế thị trường nhiều thứ như đảo lộn. Nó khắc nghiệt, nó tàn nhẫn nhiều khi phải bước qua cả sự thương tâm mới làm được việc…” thì bản thân cô cũng như bắt đầu tiêm nhiễm chất thực dụng. Nhưng Sơn, con trai Myn, đã cảnh báo mẹ mình, giúp Myn kịp nhận ra đâu là điểm dừng. Sơn chính là hình bóng Dương, người mà suốt đời Myn yêu, yêu mãnh liệt trong sự cho nhiều hơn nhận .
Cuốn sách không chỉ mang chủ đề về tình yêu mà còn đặt ra nhiều vấn đề về nhân tình thế thái, đạo đức, nhân sinh với sự lựa chọn con đường đi của mỗi cá nhân và những hệ lụy của nó. Sự vật lộn với cuộc sống từ thời bao cấp sang cơ chế thị trường của những người kháng chiến như Bình, Dương, Hậu đầy vất vả, gian nan. Lúc sa cơ, lỡ bước tưởng chừng “mạt vận” lại bươn chải, vượt dần lên. Và dù trong bối cảnh nào, sự trong sáng, trung thực, tình đồng đội, phẩm chất cao quý của những người linh, vẫn được phát huy đậm nét.
Có những trang miêu tả rất sống động, linh hoạt như cảnh Hà Nội trong những ngày chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rồi lúc Bình đến chơi nhà Dương, sinh hoạt gia đình Dương, cả nhà xúm vào làm tranh lụa, v.v… Lẽ dĩ nhiên vẫn còn một số khiếm khuyết nhỏ, nhưng Hình bóng cuộc đời như cái tên khái quát của nó là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, chân thực, hấp dẫn để đọc. Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Ngọc Tú còn có những truyện ngắn hay về đề tài Hà Nội, nổi trội nhất là Dòng sông ánh sáng, v.v…
Nhân đây, cũng cần nhìn lại một chút vì sao Nguyễn Thị Ngọc Tú lại sớm thành công từ đề tài nông nghiệp? Có lẽ bởi chị sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở phố chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Chị kể rằng: Yêu văn học, muốn viết văn xuất phát từ những kỷ niệm của người mẹ (quê ở một làng ngoại thành ven sông Hồng) luôn phải vật lộn với bùn lầy, lụt lội, mất mùa, đói rét, lần hồi chạy ăn cho cả một gia đình (chồng dạy học nhưng ốm yếu, mẹ chồng già, con nhỏ, v.v…). Nhưng với sự lo toan của người mẹ với sự nỗi lực của bản thân, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã trở thành một cô giáo trường làng ở Hà Tây.
Thoạt đầu, Nguyễn Thị Ngọc Tú viết những mẩu chuyện nhỏ rồi chuyện vừa (Huệ - 1964) đã thành công tốt đẹp. Đó chính là niềm vui, động lực thúc đấy chị viết tiếp. Niềm vui ấy mang một dấu ấn đậm, nên khi sinh con gái đầu lòng, cũng là duy nhất, chị đặt tên là Nguyễn Thị Thu Huệ. Được thừa hưởng gen di truyền của mẹ và phần nào của cha (anh Nguyễn Ngọc Chánh), Nguyễn Thị Thu Huệ cũng là một cây bút truyện ngắn tài năng, sắc sảo, và là một nhà biên kịch có tên tuổi.
Trên đà thành công bước đầu ấy, Nguyễn Thị Ngọc Tú say mê viết và với sự nỗ lực, bền bỉ, chị đã tạo được một bước nhảy vọt với tiểu thuyết Đất làng (1974) gây xôn xao dư luận trong làng văn, trong công chúng. Tiếp đó là Buổi sáng (1976), Hạt mùa sau (1984). Có thể coi ba tác phẩm dày dặn bề thế này, gần như tạo thành một bộ tiểu thuyết về đề tài nông nghiệp, phản ánh những vấn đề quan trọng vào những thời điểm khác nhau ở nông thôn miền Bắc. Ưu điểm nổi bật của Đất làng là sự sắc sảo trong xây dựng tính cách nhân vật. Ở Buổi sáng là sự thông minh trong cách gợi mở vấn đề, còn Hạt mùa sau lại là sự già dặn trong tầm suy nghĩ và kết cấu khá hiện đại.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, dù viết truyện ngắn hay tiểu thuyết viết về một nỗi lòng, một mảnh đời hay nhiều con người, trong những không gian, bối cảnh, nhỏ hẹp hay bề bộn, rộng lớn, Nguyễn Thị Ngọc Tú vẫn luôn đảm bảo được tính chân thực. Bởi chị thường chỉ viết về những gì được nghe, được thấy, được trải nghiệm và đã nghiền ngẫm, suy nghĩ thấu đáo. Hiện thực trong tác phẩm của chị luôn được chắt lọc, với những chi tiết, tình tiết đắt giá có sức gợi mở và liên tưởng, với lối viết mới mẻ đan lồng quá khứ và hiện tại, kết hợp những chiều kích không gian khác nhau để lôi cuốn độc giả. Bút pháp giản dị, có chất  u mua (hài hước) kể cả khi tả cảnh hay tả tình, yếu tố con người vẫn luôn là trọng tâm trong tác phẩm của chị. Dù còn mặt này, mặt khác có bị hạn chế (như tính dự báo của tác phẩm chưa cao, kết cấu, bố cục có cuốn còn dàn trải, tính cách của một số nhân vật đôi khi chưa được gia công xây dựng đủ đầy), nhưng nhờ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, cộng với tố chất tài năng của nhà văn, Nguyễn Thị Ngọc Tú có được những thành công rất đáng trân trọng. Chị có quyền tự hào khi nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Hạt mùa sau) và Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (Hai người và những con sóng) cùng nhiều giải thưởng của các báo.
Và đặc biệt chị được vinh danh bằng giải thưởng Nhà nước, không chỉ vinh dự cho nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú mà còn là niềm vui cho những ai yêu mến cây bút nữ đầy sức sống và sức sáng tạo này. Với riêng tôi, Nguyễn Thị Ngọc Tú là một người bạn trẻ vô cùng thân thiết, quý mến và khâm phục (tôi đã có nhiều bài nghiên cứu về tác phẩm, về sự nghiệp của Nguyễn Thị Ngọc Tú). Chúng tôi đã từng trò chuyện, tâm sự với nhau đủ mọi chuyện từ văn chương, xã hội, đến chuyện nhà cửa, chồng con, v.v… cởi mở và chân tình.
Nguyễn Thị Ngọc Tú đã rời xa cõi tạm từ năm 2013, nhưng tên tuổi chị, những đứa con tinh thần của chị vẫn sống mãi với thời gian trong lòng bạn đọc và in dấu ấn trên những trang văn học sử nước nhà trong giai đoạn hiện đại.
20/10/2021
Lê Thị Đức Hạnh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà văn Nguyên Ngọc với Tây Nguyên

Nhà văn Nguyên Ngọc với Tây Nguyên

Năm 1949, nhà văn Nguyên Ngọc vào bộ đội. Ở Nam Bộ hồi ấy gồm 4 tỉnh đồng bằng không có Thực dân Pháp. Địch dồn sức về Tây Nguyên vì không đủ sức chiếm đồng bằng. Lúc đó khu V (Tây Nguyên) địch tập trung nhiều tại đó. Nguyên Ngọc lên Tây Nguyên để tham gia công tác, đồng bào dân tộc Tây Nguyên lúc đó chưa biết gì về cách mạng. Cán bộ cách mạng phải thực hiện nhiệm vụ đi vận động tuyên truyền giác ngộ. Năm 1952, Nguyên Ngọc rút về làm báo, xin ở Tây Nguyên và trở thành cán bộ quân sự.
Nhà văn Nguyên Ngọc
Nguyên Ngọc là nhà văn rất am hiểu về Tây Nguyên. Nhà văn nhìn nhận con người, cuộc sống tây Nguyên từ phương diện bản sắc văn hoá dân tộc Tây Nguyên. Nguyên Ngọc khẳng định: “Tôi nghĩ nếu không có may mắn dược sống ở Tây Nguyên, có lẽ tôi không trở thành nhà văn. Tôi luôn muốn nói hoài, nói mãi về Tây Nguyên, một nền văn hoá hết sức đặc biệt…”.
Có thể nói Tây Nguyên là cái nôi tạo ra tài năng văn học của Nguyên Ngọc. Mới 23 tuổi, Nguyên Ngọc đã có tác phẩm “Đất nước đứng lên 1955”, một tác phẩm có vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Với tác phẩm này, Nguyên Ngọc có một cách nhìn mới mẻ độc đáo về hiện thực con người trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1965, Nguyên Ngọc viết tiếp về Tây Nguyên qua truyện “Rừng xà nu” với bút danh Nguyễn Trung Thành. Như vậy sau mười năm Nguyên Ngọc lại viết tiếp bài ca về Tây Nguyên. Có nhà nghiên cứu văn học cho rằng: “Cánh cửa Tây Nguyên đã mở ra trước nền văn học đương đại của chúng ta bắt đầu từ Nguyên Ngọc”. Qua những trang bút ký sau này lại tiếp tục miêu tả vẻ đẹp của Tây Nguyên: Tháng Ninh Nông (1996), Người hát rong giữa rừng (1996), Rừng trong văn hóa Tây Nguyên, Nhà rông hồn của làng (1996), Núp người già làng của của cả Tây Nguyên (2000)… Có thể khẳng định rằng: “Nguyên Ngọc là nhà văn viết hay nhất về Tây Nguyên đã làm nên phần hay nhất, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương của đời mình”. Nhà văn tìm về ngọn nguồn của văn hóa Tây Nguyên: “Ai không biết giá trị của lửa trong đời sống thì không biết gì về Tây Nguyên. Một gia đình trong làng Tây Nguyên không gọi là một hộ, mà là một bếp. Không chỉ để nấu nướng, không nấu nướng gì cả cũng phải đốt cái bếp giữa nhà sàn. Ở đó ngọn lửa sống, lúc lặng lẽ, lúc âm âm ỉ, suốt đêm, trong khi bên ngoài bốn bề là rừng âm u, mịt mùng, bí ẩn. Ở Tây Nguyên rừng là tất cả, bao trùm ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người bị hòa tan trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời của rừng, vừa cố phân biệt mình với rừng... Bằng ngọn lửa”. Và ở một đoạn văn khác, Nguyên Ngọc cắt nghĩa: “Trong nhiều ngôn ngữ của Tây Nguyên, từ rừng cũng có nghĩa là hoang dã, thậm chí là đồng nghĩa với “điên“ hay “ma”. Người Tây Nguyên vừa kiêng sợ rừng, cái lõi bí ẩn có thể làm cho người ta lạc đến mất mình, như sợ sự hoang dại, sự điên ma; đồng thời lại bị nó cuốn hút hướng dẫn, mê hoặc, đúng như bóng ma mê hoặc vậy. Tức rừng mới tự nó thôi, chưa chuyến biến gì hết, đã là rượu rồi. Hơn nữa rượu cần lại là tinh chất chắt ra từ rừng”. Nhà rông đối với đồng bào Tây Nguyên có một ý nghĩa đặc biệt, nhà văn mô tả nó từ góc nhìn văn hóa cộng đồng: “Nhà rông là linh hồn của làng. Ở Tây Nguyên, người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là làng “đàn bà”, tức cũng gần như nói cái làng chưa ra làng, khi lập một làng mới, tức là sự kiện trọng đại nhất trong đời sống cộng đồng. Tây Nguyên đầy dư vị và ấn tượng lâu bền trên những trang văn xuôi Nguyên Ngọc. Nhà văn giúp ta hiểu thêm về cây K Nia và tác giả của bài thơ “Bóng cây K Nia”. Hình ảnh cây K Nia trong cái nhìn thực tế của Nguyên Ngọc: “K Nia là vậy, thật tầm thường. Hoa nhỏ li ti, chẳng hề có hương. Thân thẳng đuột, sù sì. Gỗ hạng xoàng. Không mạnh mẽ và dẻo dai  uyển chuyển như cây tre để trở thành biểu tượng tâm hồn dân tộc. Không long lanh thanh bạch như cây bạch dương Nga. Nhưng hoá ra thiên nhiên thông minh và chu đáo đã sắp đặt đâu vào đây cả: Người lữ hành vượt cao nguyên chang chang nắng lửa, tìm đâu ra một chỗ tạm dừng chân trước khi băng tiếp chặng đường dài tít tắp những đồi tranh thiên nhiên trùng điệp? để ý một chút mà xem, anh sẽ thấy, thật lạ, hình như cứ vừa đúng một quãng ngút hơi, lại gặp một cây K Nia, tán nó dày và xanh thẳm quanh năm tỏa bóng mát rất rộng, như một chiếc lọng xanh đứng giữa đất trời”. Và Nguyên Ngọc khẳng định: “Chính tôi mãi về sau  tôi mới biết, tác giả của bài thơ ấy chẳng phải dịch gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Nhà văn Nguyên Ngọc và Ngọc Anh cùng nhập ngũ một ngày, cùng làm lính, rồi cùng làm phóng viên mặt trận, cùng rủ nhau lên Tây Nguyên. Sau này Ngọc Anh hy sinh vào đầu 1965 bên kia chân núi Ngọc Linh, huyện Đắc K GLei. Theo Nguyên Ngọc, mộ Ngọc Anh bây giờ ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam). Nguyên Ngọc suy ngẫm và tự vấn lương tâm: “chỉ có nghệ thuật và người nghệ sĩ mới làm nổi công việc đánh thức kỳ diệu ấy. Hóa ra nghệ thuật và nghệ sĩ là vậy, công việc trên đất này của họ là thế . Họ đánh thức cho ta những gì quý báu nhất, tốt đẹp nhất thường lẫn khuất vô danh trong chính ta, mà sống cả đời ta thờ ơ, ta vô tâm quá, ta chẳng hề hay.
Thiên nhiên và đời sống  văn hóa cộng đồng Tây Nguyên có một vị trí đặc biệt trong văn xuôi Nguyên Ngọc. Một vùng đất linh thiêng, một kho tàng sử thi giàu có. Cái linh hồn, khí thiêng, vốn văn hóa dân gian đã ảnh hưởng rất sâu sắc trong cuộc đời và trang viết của Nguyên Ngọc. Thiên nhiên là một cơ thể sống. Nhà văn chưng cất thiên nhiên rút ra được thứ men kỳ lạ, mô tả thiên nhiên trong mối quan hệ gắn bó với con người.
22/10/2021
Nguyễn Văn Ngọc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Tôi nhận được bản thảo tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc” của nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 phức tạp, khó lường.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển
Tác giả tập sách tâm sự, đây như là ” một nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Với hơn 300 trang in, “Nơi Thành đồng Tổ quốc” là một tập hợp dày dạn 38 bút ký của Trần Thế Tuyển. Bài viết lâu nhất cách đây vài chục năm; gần nhất vừa viết xong, còn tươi nguyên mùi mực.
Đọc Truyện ký của một nhà thơ giàu cảm xúc, một nhà báo dạn dày kinh nghiệm và hơn thế của một người trong cuộc, tắm mình trong sự kiện nên càng đọc càng lôi cuốn, sinh động và hấp dẫn. Từng chuyến đi, từng nhân vật; con người, vùng đất hậu phương hay chiến trường xưa đều lấp lánh kỷ niệm nghĩa tình của tác giả. Dù thời gian đã lùi xa, những bài ký hừng hực hơi thở cuộc sống ấy vẫn đậm đà chất văn học của một ngọn bút đam mê và tài hoa. Con chữ tuôn chảy từ trái tim nên rất sống động, tươi mới tính thời sự. Vốn sống của tác giả ngồn ngộn, hơi thở cuộc sống cứ như cuồn cuộn chảy, lấp lánh từng dòng, từng trang, hấp dẫn đến từng chi tiết. Có những chi tiết đắt giá mà chỉ người trong cuộc mới có được, mới cảm hết.
Có thể nói, Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc” tự nó hình thành 4 mảng chủ đề chính:
– Đồng đội – anh Bộ đội Cụ Hồ;
– Quê hương – hậu phương người lính;
– Chân dung những đồng đội yêu quý đã dũng cảm ngã xuống nơi chiến hào;
– Trách nhiệm của những người đang sống trong hoạt động về nguồn; đền ơn đáp nghĩa, góp phần dựng xây cuộc sống mới, thực hiện khát vọng dựng xây đất nước hùng cường – phát triển. Gọi là 4 nhưng vẫn chỉ là 1 – bởi sự quyện chặt và đan xen các nhân vật – sự kiện, không gian – thời gian, quá khứ – hiện tại – tương lai … không thể tách rời. Cùng với những mảng chủ đề chính, Trần Thế Tuyển không quên nhắc đến những kỷ niệm đẹp của người làm báo – nghề báo. Kể cả khi ông làm phóng viên chiến trường hay khi đảm nhiệm công việc Tổng biên tập một trong những tờ nhật báo lớn nhất của đất nước. Thế hệ làm báo trẻ có thể học ở đó những bài học về NGHỀ.
Với tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc”, gần như ở góc nhìn nào, văn cảnh nào, bài nào cũng sâu đậm về đồng đội – Bộ đội Cụ Hồ. Trần Thế Tuyển viết: “Ngoảnh lại sau lưng tôi đã có gần 70 mùa xuân đi qua. Gần như suốt bảy thập niên ấy, cuộc đời tôi gắn với người lính Cụ Hồ “. Trong Truyện ký “Bộ đội Cụ Hồ”, Trần Thế Tuyển kể về chú Dân, một anh Bộ đội Cụ Hồ thời Điện Biên. Đó là hình ảnh đầu tiên trong ký ức tác giả ngày còn cắp sách đến trường về người lính của nhân dân.
Ngày ấy mẹ đã kể cho tác giả nghe về chú Bộ đội Cụ Hồ tên Dân từ mặt trận Điện Biên Phủ khoác ba lô về làng. Một hình ảnh đẹp và trong sáng khắc sâu vào tuổi thơ Trần Thế Tuyển. Gặp và nói chuyện với chú Dân, Trần Thế Tuyển và các bạn ước ao sau này trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Và mong ước ấy đã thành hiện thực khi Trần Thế Tuyển và bạn bè cùng trang lứa lên đường tòng quân mùa hè năm 1970. Trần Thế Tuyển và đồng đội chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 174, (Đoàn Cao Bắc Lạng) đánh chiếm căn cứ Long Khốt và các căn cứ của địch dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Bằng sự quan sát và trải nghiệm nơi hòn tên mũi đạn, Trần Thế Tuyển đã tổng kết: “Dâng hiến là nét đẹp lung linh nhất của Bộ đội Cụ Hồ”. Vì nhiệm vụ vinh quang Tổ quốc đặt lên vai, anh Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu dũng mạnh và sẵn sàng hy sinh, dâng hiến thân mình cho Tổ quốc và nhân dân. Lý lẽ về sự “Dâng hiến” của Bộ đội Cụ Hồ được Trần Thế Tuyển phác họa, vẽ thành chân dung tuyệt đẹp, bằng những hình ảnh sống động của đồng đội.
Trần Thế Tuyển kể lại một câu chuyện cảm động về nghĩa tình những người lính – Bộ đội Cụ Hồ. Đó là “Anh bộ đội Đoàn Minh Tuấn đạp xe hơn ba chục cây số từ Đức Hòa lên thăm tôi (Trần Thế Tuyển – PQT). Anh mang lỉnh kỉnh nào xoài, rượu nếp và cả đậu phộng mới rang gói bằng giấy báo còn thơm mùi cát. Tôi đón nhận quà đồng quê từ tay người bạn chiến đấu cũ. Nhìn cái dáng gầy gò, tong teo và mái tóc hoa râm tuổi ngũ tuần của anh, lòng tôi rưng rưng xúc động”. Và Trần Thế Tuyển ghi lại chuyện anh Bộ đội Đoàn Minh Tuấn ở quê, khi trở về với cuộc sống đời thường, sống bình dị nơi làng quê với hạt lúa, củ khoai. Cuộc sống lam lũ, vất vả, khó khăn, chịu nhiều hy sinh, nhưng chính hoàn cảnh ấy mà phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong con người đồng đội Đoàn Minh Tuấn càng lung linh, tỏa sáng, tô đẹp thêm sự “Dâng hiến” của anh Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường. Có thể viện dẫn rất nhiều những tấm gương sáng khác về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ – một đời theo Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi con chữ, trang viết của Trần Thế Tuyển. Và, không nói đâu xa, chính ông cũng là một anh Bộ đội Cụ Hồ.
Cách kể chuyện của Trần Thế Tuyển lúc thắt, lúc mở – có không ít kịch tính tưởng chừng rất khó “phá” nút, nhưng rồi “nút” được cởi, chân dung người đồng đội hiện hữu,toả sáng. Với tập truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc”, thêm một lần nữa, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển thay mặt đồng đội ghi lại sự hy sinh to lớn, sự mất mát không gì có thể bù đắp của đồng đội, của đất nước và dân tộc. Bút ký “Từ Long Khốt đến Lái Thiêu”, viết tháng 4 năm 2.000 khi Trần Thế Tuyển trở lại chiến địa xưa. Ông viết: “Cách đây gần 30 năm, trên dòng sông biên giới rộng chỉ hơn 20 mét này chưa có cây cầu bắc qua. Ngày ấy dòng sông vốn hiền hòa, thơ mộng này, được gọi là dòng sông máu, bởi không biết bao nhiêu máu của đồng đội tôi (Trung đoàn 174) đã phải đổ xuống đây để chiếm cho được cái ô đất không lớn lắm, nhưng rất lợi hại mà giữa ta và địch, bên nào cũng quyết tâm chiếm giữ cho bằng được”. Trong hồi ức của mình, Trần Thế Tuyển – lúc đó là trợ lý chính trị của Trung đoàn 174 – nhớ lại rành rọt tên người, quê quán từng đồng đội và sự hy sinh của họ để đánh thắng quân thù. Và một Long Khốt hôm nay của sự đổi đời nhưng bao đồng đội thân yêu đã không còn, thậm chí đến nay vẫn còn những đồng đội chưa tìm đươc hài cốt. Món nợ với các đồng đội đã hy sinh ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1978, Long Khốt còn ghi dấu chiến công 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Pôn Pốt. Máu của đồng đội tiếp tục đổ xuống. Long Khốt linh thiêng, nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ qua các thời kỳ kháng chiến.
Long Khốt ngày nay đã trở thành vùng đất “Di sản quốc gia”. Cũng như các di sản quốc gia: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám Cô …, Long Khốt lừng lững như một tượng đài kỳ vĩ, như chính đôi câu thơ, cặp vế đối Trần Thế Tuyển đã viết ở đây: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”!
Từ một người lính trở thành nhà báo chiến sĩ, Trần Thế Tuyển từ báo Quân khu 7 được điều động về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Ông là Đại tá – Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam; rồi lần lượt giữ các trọng trách: Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng… Ở cương vị công tác nào Trần Thế Tuyển cũng đau đáu nghĩ về đồng đội, tham gia nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Khi làm Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, Trần Thế Tuyển là một trong những người có sáng kiến tổ chức Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”. Với trọng trách Tổng Biên tập – Trưởng ban, ông đến với các di tích lịch sử quốc gia: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Nghĩa trang Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn… Mỗi nơi đặt chân tới, Trần Thế Tuyển đều có bài ghi lại những chiến công hào hùng, sự đổ máu và hy sinh của đồng đội. Trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam – lương tri của thời đại đã có hàng ngàn, hàng vạn chiến địa anh hùng: “Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Trần Thế Tuyển là người đề xuất lấy ngày 27/7 hằng năm làm ngày Quốc Giỗ, cả nước tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ.
Quê hương, nơi Trần Thế Tuyển sinh ra và trưởng thành thuộc lưu vực sông Hồng. Hải hậu (Nam Định) là vùng đất “Mỹ tục khả phong; Thiện tục khả phong”;
hiếu học và giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Từ bé, Trần Thế Tuyển đã là cậu học trò chăm ngoan, yêu văn thơ. Thân mẫu Trần Thế Tuyển là một người mẹ nhan sắc, tần tảo, xuất thân từ một gia đình danh giá ở Hải Phòng. Bà đã vượt qua bao khó khăn cùng chồng nuôi con và tham gia kháng chiến.
Lớn lên trong tình yêu thương của cha, của mẹ, Trần Thế Tuyển càng yêu mẹ, yêu cha, yêu quê hương xứ sở. Chính mẹ chứ không ai khác đã khắc sâu vào con tim đứa con trai Trần Thế Tuyển hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ từ mặt trận Điện Biên trở về. Và cũng chính mẹ đã lần lượt tiễn 3 người con trai ra trận.
Năm 1970, tròn 18 tuổi, Trần Thế Tuyển lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thẳng đến chiến trường miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng. Và tại chiến trường ác liệt này, Trần Thế Tuyển tay súng tay bút, viết báo, làm thơ – ngợi ca cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Phải chăng, trái tim mẫn cảm, nhân hậu của Trần Thế Tuyển dù bất cứ ở mặt trận nào cũng luôn hướng về quê hương, về cha và mẹ, về người thân yêu. Nhập ngũ sau ông 2 năm, em trai ông vào chiến đấu cùng chiến trường với ông và anh dũng hy sinh trước ngày toàn thắng (30-4-1975). Đó cũng là nguồn cảm xúc để Trần Thế Tuyển viết về đồng đội.
Tình yêu đồng đội – Bộ đội Cụ Hồ như dòng sông cuộn chảy trong Trần Thế Tuyển.
Chẳng vậy, bước vào tuổi 70, Trần Thế Tuyển lại dấn thân thêm một lần nữa; là một trong những người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là người chủ biên, chịu trách nhiệm chính xuất bản các ấn phẩm đặc biệt mang tên”Linh khí Quốc gia” Nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển là con người của công việc đam mê và tận tụy – hết mình cống hiến góp phần “Trả món nợ cho đồng đội”. Đó cũng chính là điểm nhấn, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc”. Điều đáng chú ý, đây là tập sách trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2021 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội liên kết với Nhà xuất bản Văn học thực hiện .
Xin được trân trọng giới thiệu tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc” của nhà báo, nhà thơ - anh Bộ đội Cụ Hồ Trần Thế Tuyển.
Tp.HCM, 10/7/2021
Phạm Quốc Toàn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Những câu thơ "Vật vã mặn như máu"

Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Những câu thơ "Vật vã mặn như máu"

Trần Nhuận Minh sinh năm 1944 tại Hải Dương, tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH Tổng Hợp Hà Nội 1982, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, là tác giả của hơn 30 đầu sách gồm tập thơ và tiểu thuyết, trong đó nhiêu cuốn được chuyển ngữ sáng tiếng Trung, Hàn, Pháp, Nga. Trần Nhuận Minh hiện sống tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) bộ hiện hành, “anh em nhà họ Trần” có đóng góp thú vị: ở trang 36, ông anh Trần Nhuận Minh kể chuyện Lập làng giữ biển ngoài khơi xa, thì ngay trang 37, ông em Trần Đăng Khoa làm thơ “Hà Nội có hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực”.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh.
Bài tập đọc ở trang 36 của Trần Nhuận Minh được trích từ tiểu thuyết Hòn đảo phía chân trời (NXB Kim Đồng 2000) tác phẩm vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhì, giải thưởng sáng tác về biên giới và biển đảo cho các tác giả có tác phẩm về đề tài này từ năm 1975 đến 2020.
Lấy vài trăm chữ từ hàng vạn chữ của một tiểu thuyết làm bài tập đọc, có thể ví, người soạn sách đã mở một cửa sổ nhìn vào tác phẩm nguồn, khuyến khích học sinh đọc thêm, tìm tới những trang mà ý tưởng “lập làng giữ biển” của bài tập đọc hiện ra sáng rõ hơn, lôi kéo hơn bằng hình tượng văn học. Đấy là các trang miêu tả, ở làng biển mới lập “Lá cờ đỏ sao vàng động gió, bay như hát trên bầu trời”… “Cờ đỏ sao vàng, chủ quyền của đất nước đối với hòn đảo, bay như một đốm lửa, lấp loáng cháy ở lưng trời…”.
Một ngư dân khăn quàng đỏ mang tên cá
Chuyện bắt đầu đầy kịch tính ở bài tập đọc nhỏ xinh, nằm gọn một trang sách:
“Nhụ nghe bố nói với ông:
– Lần này con sẽ họp làng để đưa đàn bà và trẻ con ra đảo. Con sẽ đưa thằng Nhụ ra trước. Rồi nhà con cũng ra. Ông cũng sẽ ra.
– Tao chết ở đây thôi. Sức không còn chịu được sóng.
– Ngay cả chết, cũng cần ông chết ở đấy.
Ông đứng lên, tay giơ ra như cái bơi chèo:
– Thế là thế nào? – Giọng ông bỗng hổn hển. Người ông như tỏa ra hơi muối.
Bố Nhụ vẫn nói rất điềm tĩnh:
– Ở đấy đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần. Chả còn gì hay hơn cho một làng biển. Ngày xưa, lúc nào cũng mong có đất để dân chài phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền. Bây giờ đất đấy, rộng hết tầm mắt. Đất của nước mình, mình không đến ở thì để cho ai?”.
Trong một trang văn rất nhiều đối thoại, nhân vật Nhụ chỉ nghe và góp vào một tiếng “vâng”. Nhưng sau lời “đáp nhẹ”của cậu bé ấy, việc lớn đi, ở lại rành rẽ: “Vậy là việc đã quyết định rồi. Nhụ đi và sau đó cả nhà sẽ đi”.
Tác giả để diễn biến câu chuyện đề cao nhân vật thiếu niên của mình, chứ không tốn chữ xưng tụng. Và việc kiệm lời như thế cũng là “dấu chỉ” để người đọc dễ đồng cảm với Nhụ, nhân vật tuổi khăn quàng đỏ, nhân vật trung tâm của Hòn đảo phía chân trời.
Nhụ, do thời cuộc đưa đẩy sớm thành người anh lớn trong nhà có 4 người con mang tên cá: Chim, Thu, Nhụ, Đé (chị cả là liệt sĩ thanh niên xung phong, anh kế đang trong lính hải quân). Nhụ sống chín chắn, đằm tính, giàu nội tâm. Trần Nhuận Minh đã viết về Nhụ, ngay từ các trang đầu của tiểu thuyết này theo hướng ấy, như là phục bút chờ tới những trang cuối, để đưa Nhụ cùng với người cha xuống con tàu đang tới ngư trường: “Nhụ ra đứng trước mũi tàu, tay bám vào cọc bích, tập cho quen với những con sóng trẻ, hung hăng, luôn nhào lộn, hất tàu lên, bọt sóng bắn tung tóe. Nhụ nghĩ: Rồi mình sẽ phải tập đi, tập ăn, tập ngủ, trong trạng thái tàu chao lắc dữ dội. Đã thấy xa xa, những tàu cá Hà Tiên, Côn Đảo, Vũng Tàu, Bình Định…”.
Trích dẫn theo cách trổ cửa nhìn vào tác phẩm gắn với một thời kỳ lịch sử, tác phẩm được đóng dấu chất lượng như đã làm với Lập làng giữ biển và Hòn đảo phía chân trời là việc rất nên áp dụng khi làm mới sách giáo khoa tiếng Việt.
Nhà điêu khắc chọn chất liệu than đá
Trần Nhuận Minh viết trong lời nói đầu trường ca Đá cháy bản in lần thứ 34 của mình như sau: “Trường ca Đá cháy được khởi thảo từ mỏ than Mạo Khê, những năm 1962 – 1969 và cứ viết đi viết lại mãi, đến những năm 1983 – 1985, khoảng 23 năm sau, thì hoàn thành tại mỏ than Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh… Tôi lấy cái tôi đầy tâm sự của mình, với những câu thơ “vật vã mặn như máu” làm nhân vật trữ tình trung tâm, từ đó mà mở lòng mình ra, để đến với rất nhiều người thợ mỏ, rồi từ rất nhiều người thợ mỏ, lại đến với rất nhiều người khác. Rồi lại từ rất nhiều người khác, mà trở về với chính bản thân mình. Cái vòng “tuần hoàn” ấy, chuyển động trong tác phẩm, tôi ý thức được ngay từ đầu và cố gắng kiệm lời đến mức tối đa”.
Trần Nhuận Minh kiệm lời kiểu một nhà điêu khắc chọn chất liệu than đá, và đục bỏ những thớ than chưa đẹp hoặc quá diêm dúa, khắc họa đủ các loại thợ mỏ than:
Một cô thợ như gái chân quê, oằn vai gánh nước tắm cho đá mà không nản: “Cháu gái hợp đồng/ không gạo/ chậm lương// Gánh nước ngày ngày/ leo lên từng/ bậc núi// Cháu thì khát mà nước dành để dội/ Xuống lỗ khoan sâu/ cháy khét đá gan gà…”. Một chị bếp hồn nhiên: “Cô cấp dưỡng công trường bơm/ Xắn quần ngang gối/ Dẫm bột làm bánh bao/ Như dẫm nhảy trong cơn lốc nhạc/ cuống cuồng”. Một nam công nhân có sức phá đá mà hiền khô: “Anh nổ mìn đi khệnh khạng/ Tóc rối bù/ Áo phanh ngực/ Đội lên đầu chiếc chậu men/ Mỉm cười trước gương”. Một đồng chí lãnh đạo hào phóng và a-la-mod (hợp mốt): “Ông Tổng giám đốc Công ty/ Tuổi sáu mươi áo thun quần soóc/ Tặng bác thợ tiện về hưu/ Chiếc đồng hồ nhỏ mạ vàng…”.
Ngày ngày những người thợ leo núi, lên hay xuống để vào mỏ, đi ca cho nên thơ về họ phải là thơ bậc thang. Theo những bậc thang ấy, trên vách núi than đá, những người thợ nối thành bức phù điêu văn học Trần Nhuận Minh:
“Mặt trời lặn vào than/ hiện ra thành lửa/ Họ lặn vào thơ tôi/ thành câu”… “Những câu thơ như muối/ Chảy xót xa trong máu tôi/ Những câu thơ như/ Trống/ Đánh liên hồi trong tim tôi/ Những câu thơ như/ Lửa/ Cháy không nguôi trong xương tôi…”.
Thơ ấy, theo nhà lý luận Phong Lê: “… nó ghi nhận được gương mặt đất nước và gương mặt thơ một thời trong và sau chiến tranh còn chưa phai nhạt âm hưởng hào hùng của đất nước trong cuộc chiến chống ngoại xâm, và trong buổi đầu một sự nghiệp xây dựng chống đói nghèo, còn rất giàu sự tự tin, đến thành lãng mạn”; theo nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thi sĩ Hữu Thỉnh thì:“Tác giả chuốt đi, chuốt lại nhiều lần, để có một trường ca chắc mà thanh, đậm mà hoạt, vừa thấy bóng dáng của lịch sử vùng mỏ Hà Lầm, lại vừa thấy những rung động thơ thành thực và da diết của tác giả về cái vùng mỏ ấy”.
Người có công “giải phóng” bài thơ của vua
Trần Nhuận Minh nghe tôi nói rằng tôi chỉ viết bài ngắn về ông nhưng muốn (và cần) dài tư liệu thì cười và cho xem một “bản thảo” nằm ngoài sức tưởng tưởng của tôi – những trang ghi chép về 4.200 lượt bài thơ đã đăng báo! Có số báo, ngày tháng phát hành, và số trang báo in bài! Trần Nhuận Minh lao động như thể nếu không động bút thì dư thừa năng lượng! Phải tìm công việc văn học mà làm!
Sáng 26.10.2021, ông đi Cô Tô, nhưng vẫn hứa, chiều sẽ tìm cho tôi ảnh chụp bức tượng toàn thân Trần Nhuận Minh tạc bằng than đá!
Lại còn việc ông làm đã mấy mươi năm trước, khai thông ách tắc nối xưa với nay! Sát chân núi Bài Thơ, gần nhà ông, tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (tháng 3.1468), vào dịp mùa Xuân, vua Lê Thánh Tông đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long. Xúc động trước sơn thủy hữu tình, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc bài thơ tức cảnh của mình lên vách đá. Do sự kiện này mà nhân dân ở đây đổi tên núi chữ Hán là Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.
Nhưng Trần Nhuận Minh mỏi mắt tìm mà không thấy thơ vua. Hỏi ra mới biết nhiều gia đình trong thị xã đã sơ tán lên núi tránh bom Mỹ. Có gia đình xây nhà ở trước bài thơ khắc và làm bếp với chuồng lợn liền nhau, áp vào chân núi, rồi đổ mái bằng lên trên khiến 20 năm, bài thơ bị “nhốt” trong bếp và chuồng lợn. Tháng 6.1986,khi “giải phóng” bài thơ, Trần Nhuận Minh đã phải xin ông chủ nhà một chậu nước và khá nhiều xà phòng bột gột rửa, lau chùi. Chữ thánh hiền, ngày càng rõ, như sống lại:“… Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió/ Phía Bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên/ Vùng biển phía Đông, khói chiến tranh đã tắt/ Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững/ Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn”.
Từng là Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Ninh và có bút lực đáng nể, nhà thơ Trần Nhuận Minh làm thật tốt công việc “tu sửa việc văn” trong đó có việc viết thật hay, để có văn liệu cho sách giáo khoa tiếng Việt!.
29/10/2021
Trần Quốc Toàn
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...