Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Tình yêu trong thi ca

 Tình yêu trong thi ca 
Từ lâu, tình yêu luôn là đề tài muôn thuở trong thi ca và là nguồn cảm hứng bất tận của thi sĩ. Cuộc sống có bao nhiêu sắc màu, thì tình yêu cũng có bấy nhiêu màu sắc. Sự biến hóa khôn lường của tình yêu khiến cho ta có khi nhớ nhung, đau khổ, lúc tuyệt vọng, chán chường nhưng lại có lúc sướng vui và hạnh phúc vô cùng tận. Con người sinh ra là để yêu thương và được yêu thương. Và thi nhân cũng thế, họ cũng có tình yêu như bao người khác. Họ không vay mượn cảm xúc để họa nên những vần thơ mà ngược lại, họ đã vắt cạn máu tim mình để sáng tạo ra những vần thơ ấy. Chính vì lẽ đó mà có biết bao bài thơ tình, biết bao câu chuyện tình đến hôm nay vẫn còn tồn tại mãi với thời gian và lưu lại trong mỗi chúng ta niềm xúc cảm sâu xa.
Tình yêu có muôn hình vạn trạng và có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Là thứ tình yêu sét đánh: “Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên – Tôi đã đày thân giữa xứ phiền” (Vì sao - Xuân Diệu) hoặc là thứ tình cảm đơn phương: “Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu – Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết” (Yêu - Xuân Diệu) hay đôi khi chỉ là nỗi tương tư, nhớ nhung bóng hình một ai đó: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm – Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em” (Tương tư chiều - Xuân Diệu). Và cũng có khi đó là thứ tình cảm dại dột, sai lầm, để rồi ngoảnh lại, ta chỉ biết lắc đầu hối tiếc: “Người ta khổ vì thương không phải cách – Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người” (Dại khờ - Xuân Diệu).
Có người dùng cả đời của mình để tìm kiếm một tình yêu: “Tôi đi tìm cái nửa của tôi – Nhưng tìm mãi đến bây giờ không thấy – Tình yêu của tôi ơi? Em là ai vậy? – Sao để tôi tìm, tìm mãi tên em” (Kẻ đi tìm tình yêu - Đặng Quốc Vinh), cũng có người dùng cả đời của mình để nhớ, để thương, để đau khổ vì một tình yêu: “Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói – Gió trăng có sẵn làm sao ăn – Làm sao giết được người trong mộng – Để trả thù duyên kiếp phụ phàng” (Lang thang - Hàn Mặc Tử).

Có người nuôi dưỡng tình yêu bằng những cảm xúc hồn nhiên, những rung động đầu đời: “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn – Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ! – Một hôm trận gió tình yêu lại – Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (Học sinh - Huy Cận). Nhưng có người lại giữ mãi bên mình một chuyện tình buồn dang dở dù đã lỡ làng, tách bến sang sông: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng – Trời ơi! Người ấy có buồn không – Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ – Tựa trái tim phai, tựa máu hồng” (Hai sắc hoa tigôn - T.T.Kh.).
Một khi đã yêu, ai cũng lo sợ điều tan vỡ, hay chính dự cảm vỡ tan đó lại là những khoảnh khắc đẹp nhất của một cuộc tình: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi – Thở dài trong lúc thấy tôi vui – Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ” – Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi” (Hai sắc hoa tigôn - T.T.Kh.). Có phải chính vì thế mà: “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở – Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”(1)? Ngẫm lại, vừa đúng lại vừa không đúng. Nếu như duyên tình dang dở để lại cho chúng ta nhiều nuối tiếc khôn nguôi và biết bao hoài niệm đẹp, dẫu đó là những hoài niệm đau buồn, cay đắng. Nhưng đời mất vui khi vẹn câu thề... lúc chung lối, chung đường với kẻ bên lề trái tim, với kẻ không hề thương cảm, nhưng với người mình nặng nghĩa yêu đương thì đó lại càng là một kết thúc viên mãn cho một cuộc tình, ai mà không ước mơ điều ấy?
Hạnh phúc của người phụ nữ chính là được yêu và hết lòng với người mình yêu: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em – Là máu thịt đời thường ai chẳng có – Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa – Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát - Xuân Quỳnh). Còn hạnh phúc của người đàn ông chính là được chung tay đắp xây tổ ấm gia đình với người mình thương mến: “Người đầu tiên hiểu đôi mắt anh – Người duy nhất hiểu điều anh chẳng nói – Hiểu nỗi anh lo, cả những điều tội lỗi – Vẫn bao dung như biển lớn yên lành – Không có em anh sống cũng chẳng là anh – Cám ơn bàn tay chỉ sắc màu hạnh phúc – Em là rễ nối liền anh với đất – Lại là chồi mở búp đón sương mai”. Bởi thế mà: “Anh yêu em và anh tồn tại” (Và anh tồn tại - Lưu Quang Vũ).
Xin hãy để cho những kẻ yêu nhau trên thế giới này đi tìm nhau: “Tôi đi tìm em, vâng tôi đã đi tìm – Và có thể trên đời này đâu đó – Em cũng đi tìm, tìm tôi như thế - Chỉ có điều chưa nhận ra nhau” (Kẻ đi tìm tình yêu - Đặng Quốc Vinh). Phải, họ chỉ là “chưa nhận ra nhau” mà thôi, rồi sẽ có ngày những kẻ yêu nhau sẽ tìm thấy nhau và dìu nhau đến bến bờ hạnh phúc, tôi tin như vậy.
(1) Đây là hai câu thơ dị bản rất nổi tiếng được phát triển từ hai câu thơ: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề – Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” trong bài thơ Ngập ngừng của thi sĩ Hồ Dzếnh.

Theo http://aotrang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...