I.
Thời gian biến chuyển, bốn
mùa thay nhau vận hành như vòng tròn khép kín. Mỗi mùa có mỗi sắc thái khác
nhau và có những cái đẹp đặc trưng của nó. Nếu như mùa hạ có cái đẹp lung linh
của những hạt mưa rơi thì mùa thu có cái đẹp chín vàng của những chiếc lá, cái
đẹp trong xanh của làn nước mát trong ao hồ… Nếu như mùa đông có cái đẹp trắng
ngần của băng tuyết thì mùa xuân có cái đẹp muôn màu của cỏ hoa, cái đẹp trong
trẻo và thanh thoát của tiếng nói muôn loài. Lẽ dĩ nhiên không chỉ có bấy nhiêu
đó, mỗi mùa còn có vô số cái đẹp khác nữa; nhất là mùa xuân – mùa mà xưa nay được
xem là thời điểm hội tụ của những cái đẹp.
II.
Luồng khí lạnh cuối cùng của
mùa đông dù có tiếc nuối và cố gắng lưu lại nhưng rốt cuộc cũng phải ra đi nhường
chỗ cho bình minh ấm áp. Khắp đó đây chim muông cất lên những tiếng hót thật nồng
ấm, trăm hoa nở rộ cùng nhau khoe sắc, báo hiệu xuân về. Chỉ cần đề cập đến cái
đẹp của thiên nhiên và vạn vật thì cũng không bút mực nào có thể ghi cho hết,
huống chi mùa xuân còn có vẽ đẹp của con người.
Mùa xuân ngự trị nơi nào thì
không khí nơi ấy ấm áp, hoa cỏ nơi ấy tuôn hương, chim thú nơi ấy hớn hở. Xuân
như thổi sức sống vào vạn vật! Nếu vạn vật cảm thấy rất sung sướng khi xuân về
thì lòng người cũng nhận biết thật hạnh phúc khi tết đến.
Hơn ai hết, thi nhân là người
có tâm hồn rất nhạy cảm với cuộc sống, có cái nhìn sâu sắc với cuộc đời. Một
chiếc lá chuyển màu, một làn mây bay vô định, một đóa hoa phai tàn hay chớm nở
… cũng làm cho lòng họ xao xuyến và bâng khuâng. Cho nên, sự thay đổi mùa từ đông
sang xuân là sự dịch chuyển lớn lao làm sao thi nhân có thể làm ngơ được. Có thể
rất đúng khi bảo rằng họ là người cảm nhận trước tiên về tiết xuân, họ nhận biết
xuân sang không phải đợi lúc xuân hiện hữu ở nhân gian mà ngay từ lúc làn khí ấm
mới bắt đầu len lỏi vào vạn vật trong những ngày cuối đông.
Mùa xuân đi vào thi ca như một
điểm son chói lọi. Từ lâu xuân trở thành chủ đề nổi bật không thể thiếu được của
thơ văn, các thi nhân đua nhau khai thác và cho ra đời vô số tuyệt tác về xuân.
Hãy nghe nhà thơ Tống Tử Kinh (998-1065) ca ngợi dáng xuân qua bài từ viết theo
điệu Ngọc lâu xuân:
“Đông thành tiệm giác phong
quang hảo,
Hộc sô ba văn nghênh khách
trạo.
Lục dương yên ngoại hiểu hàn
khinh,
Hồng hạnh chi đầu xuân ý
náo.
Phù sinh trường hận hoan ngu
thiểu,
Khẳng ái thiên kim khinh nhất
tiếu.
Vị quân trì tửu khuyến tà
dương,
Thả hướng hoa gian lưu vãn
chiếu”. [1]
Tạm dịch:
“Dần dần nhận ra phong cảnh
phía Đông thành càng đẹp,
Sóng nước lăn tăn chào đón
mái chèo của du khách.
Dương liễu rủ tơ như khói,
sáng sớm trời hơi se lạnh,
Ý xuân rộn ràng ở đầu cành
hoa hồng hạnh.
Trên cõi đời niềm vui thì
ít, buồn hận thì nhiều,
Sao lại quý tiếc ngàn vàng
mà xem nhẹ nụ cười.
Vì anh, dâng rượu khuyên ánh
tà dương,
Hãy lưu lại giọt nắng sau
cùng cho vùng hoa thắm”.
Đây là một cuộc du
xuân, tác giả đưa người đọc vào cảnh xuân thật tươi mát, ý xuân thật nồng nàn.
Sắc thái mùa xuân như trùm phủ xuống cả vùng, khí trời mát mẽ, làn nước trong
xanh, chim chóc ríu rít, ong bướm bay lượn, hoa cỏ và cây cối xanh tươi… Sự huyên
náo, rộn ràng của mùa xuân không chỉ dừng lại ở đó, nó được tác giả nâng lên đến
đỉnh điểm ở câu “Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo”. Chữ “náo” ở đây đã diễn
tả hết sắc thái của cảnh tượng hoa hồng hạnh khai nở khoe hương sắc và đang
tranh giành cái đẹp với các loài hoa khác. Mới hay rằng cảnh xuân ở đây thật
vui nhộn và huy hoàng.
Nhưng cái đẹp thì ngắn ngủi
và qua mau. Chính vì lẽ đó mà lòng người thường hay tiếc nuối. Tử Kinh cũng vậy,
ông như muốn níu kéo thời gian đứng lại để vẻ đẹp của xuân được lưu lại dài
hơn. Hình ảnh dâng rượu để khuyên bảo tà dương lưu lại tia nắng cuối cùng của
ngày cho vùng xuân thắm này đủ thấy lòng trân trọng và nuối tiếc mùa xuân của
nhà thơ lớn lao đến dường nào.
Cũng như những mùa
khác trong năm, xuân tồn tại trong ba tháng, không thêm không bớt nhưng trong cảm
nhận của mọi người, nhất là thi sĩ thì dường như nó quá ngắn ngủi. Nó thật sự
ngắn chăng hay vì lòng người quá say đắm, quá luyến lưu vẻ đẹp của nó nên có cảm
nhận như vậy? Có lẽ không cần trả lời vì thật sự trong sâu thẳm cõi lòng mọi
người đều biết rằng tạo hóa rất công bằng, ba tháng xuân không phải là ít. Và
cũng vì mùa xuân quá tuyệt vời và tồn tại có thời hạn còn lòng đam mê cái đẹp của
con người thì vô hạn nên nhận thấy chưa chi mà xuân đã vội đi rồi:
“Nhất xuân phong vũ xuân
tương mộ,
Hựu bả xuân quang ngộ.
Vô nại não xuân tình:
Xuân điểu xuân hoa,
Đô trục xuân quy khứ.
Xuân lai nguyên thị vô bằng
cứ,
Xuân khứ tri hà xứ?
Bả tửu chúc xuân phong:
Ngã dục lưu xuân,
Thí vấn xuân tương hứa?”
(Túy hoa âm-Thanh triều Trọng
Hằng) [2]
“Gió mưa sớm dục xuân tàn,
Vô tình dập tắt bao làn nắng
xuân.
Nhìn xuân mình cũng tủi
thân,
Chim cùng hoa lá
Theo lần xuân đi.
Xuân về biết ở đâu về?
Xuân đi đâu đó làm gì có
hay?
Ân cần nâng rượu chúc xuân:
Thương xuân tôi hỏi câu này
“Xin xuân ở lại ít ngày được
chăng?”
(Túy hoa âm - Trọng Hằng,
đời Thanh)
(Lý Phúc Điền dịch)
Bài từ này trong mỗi câu đều
có một chữ xuân.
Trong cái nhìn chủ quan của
nhà thơ, những trận gió và những cơn mưa như có ý đánh đuổi xuân đi, làm cho
mùa xuân mau phai tàn. Chim chóc và hoa cỏ cũng vì đó mà lần lượt bỏ con người
theo mùa xuân ra đi. Ở đây, sự ra đi của mùa xuân dường như là do lỗi của gió
mưa nhưng gió mưa xưa nay vô tình làm sao gây nên điều ấy! Nhà thơ muốn mượn sự
việc những ngọn gió và cơn mưa đã làm tắt đi ánh nắng ngày xuân và làm hoa cỏ
rơi rụng để gợi lên sự ngắn ngủi và chóng tàn của mùa xuân.
Trong các câu tiếp theo cho
thấy sự ra đi hay trở về của mùa xuân không thuộc ở sự mong muốn của con người,
mọi người có mong xuân đến sớm hay muốn lưu giữ xuân ở lại lâu hơn cũng không
thể được. Xuân đến từ nơi nào và xuân đi về đâu, không ai biết được. Biết chăng
là tâm trạng hoài xuân của lòng mình:
“Bả tửu chúc xuân phong:
Ngã dục lưu xuân,
Thí vấn xuân tương hứa?”
Hình ảnh ân cần nâng ly rượu
chúc xuân và yêu cầu xuân ở lại với đời là biểu hiện lòng trân trọng và luyến
lưu cái đẹp của tác giả. Mùa xuân ở đây không đơn thuần là mùa xuân của thiên
nhiên, của tạo hóa mà nó đã được tác giả mở rộng hàm nghĩa hơn, đó là mùa xuân
của đời người – tuổi xuân. Nhưng mùa xuân của thiên nhiên dẫu có ra đi thì cũng
có ngày trở lại, còn tuổi xuân ra đi thì không bao giờ trở lại. Thế mới hay rằng
khi thấy “xuân” ra đi lòng của tác giả tan nát và ngậm ngùi đến độ nào!
Mùa xuân và tuổi trẻ luôn được
sánh đôi với nhau, nếu như mùa xuân được xem là giai đoạn đẹp nhất trong năm
thì tuổi trẻ được xem là giai đoạn đẹp nhất trong đời người. Nhưng tuổi xuân
hay mùa xuân đều hữu hạn, đôi khi vì một duyên cớ nào đó người ta bỏ quên nó,
mãi đến lúc nó trôi đi mất rồi mới chợt nhận ra giá trị của nó thì quá muộn
màn:
“Quán bị hảo hoa lưu
trú,
Điệp phi oanh ngứ.
Thiếu niên trường thượng
túy hương trung,
Dung dị phóng, xuân
quy khứ.
Kim nhật Giang Nam xuân mộ,
Chu nhan hà xứ?
Mạc tương sầu tự tỉ phi
hoa,
Hoa hữu số, sầu vô số”.
(Nhất lạc sách-Tống triều
Chu Đôn
Nho)
“Bấy lâu say đắm vì hoa,
Mải xem bướm múa oanh ca
quên về.
Trẻ trung sung sướng biết
gì,
Thờ ơ để mặc xuân đi vội
vàng.
Giang Nam nay lại xuân tàn,
Dung nhan năm cũ cũng lần lữa
phai
Mối sầu chớ sánh hoa bay,
Hoa rơi đếm được, sầu đầy đếm
sao?”
(Chu Đôn Nho, đời Tống)
(Lý Phúc Điền dịch)[3]
Mở đầu bài từ là những lời
tiếc xuân. Nhà thơ cho biết không những mình đã vô tình để mùa xuân của thiên
nhiên đi qua “Kim nhật Giang Nam xuân mộ” mà còn để mùa xuân của đời
người-tuổi xuân, tuổi trẻ trôi mất “Dung dị phóng, xuân quy khứ”. Đến khi nhận
thức được tuổi xuân đáng quý đến dường nào và mùa xuân tươi đẹp đến dường nào
thì nhan sắc đã không còn “Chu nhan hà xứ?” và mùa xuân của thiên
nhiên cũng sắp tàn rồi “xuân mộ”, còn chăng là những nỗi sầu vô tận ở
trong lòng mình .
Sự tàn úa của hoa cỏ sau
xuân đủ để làm cho cõi lòng kẻ hoài xuân thương tiếc, vậy mà không chỉ dừng lại
ở đó nỗi sầu còn được tăng theo cấp số nhân khi nhận thấy nét xuân của đời người
đã không còn nữa. Cho nên đành phải thốt lên “hoa hữu số, sầu vô số” là
thế. Ở các câu cuối “Mạc tương sầu tự tỉ phi hoa. Hoa hữu số, sầu vô số”, lời từ
tuy ngắn gọn nhưng diễn tả trọn vẹn cái thần thái tái tê trong cõi lòng tác giả.
Những gì qua rồi thì sẽ
không thể nào nắm bắt lại được, con nước thời gian cuốn trôi mọi thứ: tuổi trẻ,
công danh, sự nghiệp… Mọi người đều cho rằng vàng bạc là quý nhưng không thể
nào dùng nó để đổi lấy giai đoạn xuân thì:
“Thì tự khứ như lưu
thủy,
Công danh lãnh tự hàn
khôi.
Tận giao Giang, Dũ, phú đa
tài,
Nhất khắc thiên kim nan mãi.
Khách lý nguyệt viên nguyệt
khuyết,
Tôn tiền hoa lạc hoa khai.
Xuân lai hà xứ đới sầu
lai?
Xuân khứ thử sầu
hà tại?
(Xuân mộ-Tống triều Trần Đức
Vũ)[4]
“Thời gian như nước trôi
mau,
Công danh lắt lẻo vùi sâu lửa
lòng.
Dẫu tài Giang, Dũ vô song,
Nghìn vàng mua phút xuân nồng
được đâu.
Mấy lần tròn khuyết trăng
thâu,
Hoa xuân rụng nở hương sầu đầy
vơi.
Xuân về sầu cũng về rồi,
Xuân đi, sầu cứ ở hoài không
đi”.
(Xuân tàn-Trần Đức Vũ đời Tống)
Bài từ của nhà thơ Trần Đức
Vũ chứa đựng một nỗi niềm xót xa. Đường công danh sự nghiệp chưa trọn vẹn vậy
mà thời gian cứ vùn vụt trôi qua không chờ đợi nhau. Nhưng dù có thành tựu sự
nghiệp vẽ vang như Giang Yêm và Dũ Tín [5] thì
có ích gì đâu khi mà tuổi già kề cận bên mình. Tháng ngày qua đi, trăng khuyết
rồi tròn, hoa tàn rồi nở… và xuân lại về. Mỗi lần xuân về mang theo bao nhiêu
niềm vui và nỗi buồn đi theo, vui vì được ngắm vẻ đẹp của trăm hồng ngàn tía,
nhưng buồn vì biết hoa kia sẽ tàn khi xuân ra đi; ngoài ra còn có một nỗi buồn
lớn hơn là tuổi đời đua nhau chồng chất. Cho nên mới bảo: “Xuân về sầu
cũng về rồi; Xuân đi, sầu cứ ở hoài không đi” là thế! Bài từ tuy kết thúc
nhưng nỗi sầu còn đọng lại mãi không tan.
Như vậy, phần lớn những cảm
nhận của các thi nhân về xuân có những điểm tương đồng nhau. Họ đều cảm thấy rất
hạnh phúc khi xuân về bởi vì mùa xuân của đất trời luôn tưới tẩm cho họ nguồn sống
và niềm vui khôn tả. Xuân còn mang đến cho họ biết bao niềm tin giúp họ thêm
yêu đời, yêu cuộc sống. Mùa xuân trong mắt họ rất thanh tú và diễm lệ. Nhưng đằng
sau niềm vui và cái đẹp mà xuân ban tặng là nỗi sầu và niềm thương tiếc không
cùng tận khi xuân cất bước ra đi, càng lưu luyến cái đẹp bao nhiêu thì càng xót
xa bấy nhiêu. Nỗi niềm hoài xuân của thi nhân không dừng lại ở việc mùa xuân của
tạo hóa ra đi mà nó còn chuyển sang cấp độ cao hơn, đó là lòng tiếc nuối tuổi
thanh xuân không ở lại lâu dài. Xuân về mang đến niềm vui, xuân đi để lại nỗi
buồn; niềm vui và nỗi buồn cứ như thế mà đan xen vào nhau thành một chuỗi dài
vô tận. Nhưng trong cái giao thoa của cảm xúc vui buồn ấy, nỗi buồn có phần chiếm
lĩnh nhiều hơn, nếu không muốn nói là thắng thế; và từ đó khẳng định một cách
sâu sắc hơn nữa lòng tôn trọng và yêu mến cái đẹp của các thi nhân tha thiết đến
dường nào.
[1] Cổ đại thi tự cố sự, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng
Hải 1993, tr 171.
[2] Lý Phúc Điền dịch, 1997, Thơ Đường , Từ Tống với một
số tác phẩm triều đại khác, Nxb Văn Nghệ Tp. HCM, tr 449.
[3] Lý Phúc Điền dịch, 1997, Thơ Đường , Từ Tống với một
số tác phẩm triều đại khác, Nxb Văn Nghệ Tp. HCM, tr 393.
[4] Lý Phúc Điền dịch, 1997, Thơ Đường , Từ Tống với một
số tác phẩm triều đại khác, Nxb Văn Nghệ Tp. HCM, tr 417.
[5] Giang Yêm và Dũ Tín là người Nam Bắc triều, cả hai đều rất
giỏi và nổi tiếng về thơ văn.
[6] Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr 337.
[7] Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr 341.
[8] Thiền sư Bổn Tịnh (?-761): Môn đệ Lục tổ, đời thứ I.
[9] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 74.
[10] Thiền sư Giác Hải (?-?): Đời thứ 10 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
[11] Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền
uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr 142.
[12] Thiền sư Phật Nhãn (?-1119): Hiệu Thanh Viễn, thuộc phái
Dương Kỳ, tông Lâm Tế đời thứ 11, đời thứ 15 sau Lục tổ.
[13] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 200.
[14] Thiền sư Mãn Giác (1052-1096): Dòng Vô Ngôn Thông.
[15] Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền
uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr 95.
[16] Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr 341.
[17] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 67.
[18] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 268.
Thiền sư cũng là một con người,
một thi nhân; vậy thì không có lý do gì khiến họ không thưởng thức cái đẹp mà tạo
hóa ban cho:
“Thụy khởi khải song
phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa
phi”.
(Xuân hiểu – Trần Nhân Tông)
“Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chưa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới quện hoa
bay”.
(Ngô Tất Tố dịch) [1]
Mới đọc bài thơ, ta có cảm
tưởng mùa xuân ở đây dường như âm thầm trở về, vì không có một dấu hiệu nào báo
trước. Và cũng không rõ là do xuân đến một cách âm thầm nên người ta không nhận
ra hay vì đắm say trong giấc ngủ mà không biết xuân đã về, mãi đến lúc nhìn thấy
“Song song đôi bướm trắng, phất phới quện hoa bay” mới khiến cho người ta
biết chắc xuân đã thực sự trở về.
Rõ ràng là mùa xuân đã đến rồi,
chứ không phải đợi đôi bướm xuất hiện hay hoa nở xuân mới đến. Câu “Ngủ dậy
ngỏ song mây, xuân về vẫn chưa hay” chỉ là một cách nói, để tạo ra một sự
yên lặng của cảnh vật chung quanh, từ đó làm nổi bật lên sự nhộn nhịp của vạn vật
khi xuân sang, cụ thể ở đây là đôi bướm trắng bay tìm hoa. Mùa xuân ở đây được
miêu tả tuy rất giản đơn, chỉ thể hiện qua đôi bướm tìm hoa nhưng cũng đủ làm
rõ được sự nhộn nhịp, vui tươi của lòng người và cảnh vật.
Thực sự thì cảnh xuân còn
bao nhiêu thứ khác nữa, chứ đâu chỉ có thế:
“Dương liễu hoa thâm
điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân
phi.
Khách lai bất vấn nhân gian
sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy
vi”.
(Xuân cảnh – Trần Nhân Tông)
“Chim nhởn nha kêu liễu trổ
đầy,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây
bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện
nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi
mây”.
(Huệ Chi dịch) [2]
Khởi đầu của bài thơ
trước có phần trầm lặng bao nhiêu thì khởi đầu bài thơ này nhộn nhịp, vui tươi
bấy nhiêu; bởi lẽ cảnh vật ở đây có vẻ sôi động hơn nhiều. Tuy rằng mùa xuân được
miêu tả có chim hót lếu lo, có hoa thơm cỏ lạ nhưng giọng điệu chủ đạo của bài
vẫn chứa đựng cái tinh thần trầm lắng và nhàn nhã chứ không huyên náo, ồn ào. Đọc
hai câu thơ đầu, ta dễ dàng nhận thấy ngay sức sống mới đang tuôn chảy trong vạn
vật, mọi thứ đều chuyển mình khi xuân đến. Cảnh vật ở hai câu này đều trong trạng
thái động, nhưng cái động này là để làm nổi bật cái trầm lắng và thanh nhàn ở
câu sau:
“Khách vào chẳng hỏi chuyện
nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi
mây”
Nếu như ở bài thơ trước
dùng cái tĩnh lặng của mọi sự vật chung quanh để diễn đạt sôi động của mùa
xuân, thì ở bài này dùng cái động của mùa xuân để tả cái thanh nhàn và u huyền
của lòng người. Tinh thần siêu nhiên thoát tục thể hiện rõ ở việc khách đến chơi
không quan tâm đến chuyện trần tục mà chỉ cùng nhau ngắm cảnh đẹp của mùa xuân.
Chính lúc không để tâm vào những chuyện thị phi, đắc thất, thịnh suy… của cuộc
đời mới có được trạng thái thanh nhàn và siêu thoát. Và từ đó mới có thể ngắm
nhìn tường tận vẻ đẹp của vạn vật quanh ta.
Trong cái nhìn của Trần Nhân
Tông, mùa xuân thật tươi đẹp nhưng không huyên náo, ồn ào mà rất nhàn tịch,
thanh đạm. Nó đồng điệu với tâm hồn an lặng và siêu thoát của tác giả.
Khi tìm hiểu cảm nhận của
các Thiền sư về mùa xuân, điều dễ dàng nhận thấy là các ngài cũng không chối từ
hay lẩn tránh vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng, thậm chí còn rất trân trọng món quà
quý giá này. Mùa xuân đến, các Thiền sư cũng vui xuân, cũng ngắm hoa thơm cỏ lạ,
cũng thưởng thức tiếng ca hát của chim muông như bao nhiêu người khác; nhưng chỗ
đặc biệt của các Thiền sư là khi xuân ra đi lòng các ngài vẫn an nhiên và tự tại.
Lý do nào đã tạo nên điều đó? Tuy thật sự quý trọng cái đẹp nhưng các Thiền sư
không đắm nhiễm hay tham luyến cái đẹp, bởi các ngài nhận thức rằng mùa xuân là
một hiện tượng tự nhiên nằm trong dòng sinh diệt. Xuân đến thì đón chào, xuân
đi thì tiễn biệt, chẳng có chi phải bận lòng:
“Nhất niên xuân tận nhất
niên xuân,
Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân.
Thiên hiểu bất nhân chung cổ động,
Nguyệt minh phi vị dạ hành
nhân”.
(Bổn Tịnh Thiền sư) [3]
“Một năm xuân trọn một năm
xuân,
Cỏ dại non hoa mấy độ tươi.
Trời sáng chẳng do chuông trống
động,
Trăng trong đâu bởi khách đi
đêm”.
(Thích Thanh Từ dịch) [4]
Hai câu đầu nói về xuân, hai
câu sau nói về tính khách quan của vạn vật. Không đọc kỷ bài thơ, sẽ thấy chúng
chẳng có quan hệ gì với nhau.
Tất cả các sự vật, hiện tượng
trong vũ trụ tồn tại một cách khách quan, chúng vận hành theo quy luật tự
nhiên. Chẳng hạn chuông trống canh không điểm thì trời vẫn sáng, không có người
đi đường vào ban đêm thì trăng vẫn cứ tròn và soi chiếu. Thời tiết đến, nhân
duyên hội đủ thì vạn vật xuất hiện và tồn tại; khi thời tiết, nhân duyên phân
tán thì vạn vật không còn hiện hữu nữa. Đó là tính khách quan của vạn vật.
Mùa xuân cũng vậy; nó đến đi
theo quy luật tự nhiên, theo sự tuần hoàn của vũ trụ, tồn tại không dài hay ngắn
hạn. Nếu chúng ta đem ý chí chủ quan của mình áp đặt vào sự vật, hiện tượng buộc
chúng tồn tại và hoạt động theo mình thì không những chúng ta không gặt hái được
kết quả như mong đợi mà còn chuốc lấy muộn phiền. Vì thể nghiệm được điều đó
nên Thiền sư Bổn Tịnh không bận lòng đến cái sinh diệt, đến đi của mùa xuân.
Ngài sống hài hòa và hướng thuận theo quy luật vận hành của vũ trụ, cho nên
ngài có được sự tự tại và niềm an lạc trước dòng sanh diệt của cuộc đời. Quan
niệm này là chỗ gặp gỡ giữa Thiền sư Bổn Tịnh và Giác Hải:
“Xuân lai hoa điệp thiện tri
thì,
Hoa điệp ưng tu cộng ứng
kỳ.
Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng
tâm trì”.
(Giác Hải Thiền sư) [5]
“Xuân sang hoa bướm khéo
quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng
kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,
Thấy hoa mặc bướm để lòng
chi”.
(Ngô Tất Tố dịch)[6]
Hễ mùa xuân đến thì hoa thơm
rộ nở, ong bướm cũng theo đó mà tụ hội về. Việc này xưa nay chưa từng thay đổi.
Đứng trước vẻ đẹp của mùa xuân, Thiền sư Giác Hải chẳng ngần ngại thưởng thức,
rồi cầm bút miêu tả. Nhưng không dừng lại ở đó, ngài còn nhìn thấy rõ bản chất
của các hiện tượng trên là hư huyễn, chúng không trường tồn, không vĩnh hằng; tất
cả hoa, bướm có đẹp đến mức nào thì cũng tàn phai theo thời gian. Chính vì lẽ
đó mà Thiền sư chẳng vương vấn về sự tàn nở của hoa, sự ra đi hay trở lại của
mùa xuân. Khi đối cảnh, tâm của Thiền sư rất bình lặng; nó tợ như tấm gương, sự
vật hiện tượng nào đến trước gương thì gương phản chiếu hình ảnh của sự vật hiện
tượng đó, nhưng khi sự vật hiện tượng đó ra đi thì gương không lưu hình ảnh của
chúng lại và gương vẫn sáng soi bất động:
“Nên biết bướm
hoa đều huyễn ảo,
Thấy hoa mặc bướm để lòng
chi”.
Biết thưởng thức cái đẹp
là khó, nhưng thưởng thức cái đẹp mà lòng không say đắm và chiếm hữu nó thì
càng khó hơn. Chỉ có những người nào nhìn đời, nhìn người bằng tuệ giác-vô ngã
mới có được trạng thái như vậy. Bằng ngược lại, khi tiếp xúc với cái đẹp, lòng
không những không được tự tại mà còn khởi lên tham sân, phiền não. Chắc chắn rằng
vì nhìn cuộc sống bằng tuệ giác-vô ngã nên dù xuân thời gian đã ra đi mà lòng của
các Thiền sư vẫn còn mãi một niềm vui vô tận:
“Xuân nhật xuân sơn
lý,
Xuân sự tận giai xuân.
Xuân quang chiếu xuân thủy,
Xuân khí kết xuân vân.
Xuân khách tình xuân động,
Xuân thi xuân cánh tân.
Duy hữu thức xuân nhân,
Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.
(Phật Nhãn Thiền sư) [7]
“Ngày xuân, xuân trong núi,
Việc xuân thảy đều xuân.
Hồ xuân ánh xuân chiếu,
Khí xuân kết mây xuân.
Khách xuân lòng xuân động,
Thi xuân, xuân càng tươi.
Chỉ có người biết xuân,
Muôn kiếp một mùa xuân”.
(Thích Thanh Từ dịch)[8]
Bài thơ này rất đặc biệt, tất
cả các câu đều có hai từ “xuân”, trừ hai câu cuối chỉ có một từ “xuân”. Chính
vì chỗ mỗi câu đều được bố trí từ “xuân” như vậy nên tạo cho ta cảm giác mùa
xuân đang trùm khắp vạn vật, dường như không nơi nào xuân không hiện hữu. Và từ
“xuân” ở đây đã mở rộng biên độ nghĩa của nó, xuân còn là cái đẹp trong tự
nhiên và cuộc sống.
Cái khéo của tác giả là chỉ
dùng một vài hình ảnh cụ thể nhưng rất khái quát để diễn đạt tính khách quan và
phổ biến của cái đẹp, của mùa xuân. Nhìn lên trên thì ta bắt gặp “xuân
vân”, “xuân sơn”; nhìn xuống dưới thì ta thấy “xuân thủy”; ngoài
ra còn có “xuân quang”, “xuân khí” đang bao trùm và soi sáng mọi nơi.
Cả không gian: xa, gần, cao, thấp, rộng, hẹp… đều chìm ngập trong xuân. Nhưng
không chỉ có thế, ở đây còn có sự giao hòa giữa cảnh vật và con người. Nếu như ở
bốn câu đầu mùa xuân len lỏi vào vạn vật thì ở các câu sau mùa xuân thấm vào tận
lòng người:
“Xuân khách tình xuân động,
Xuân thi xuân cánh tân”.
Hai câu này bọc lộ rõ thần
thái rạo rực và hạnh phúc trong lòng người trước cảnh tươi đẹp của mùa xuân.
Cái tươi đẹp của mùa xuân hòa cùng nét thanh tú của con người làm cho đất trời
thêm rực rở, và giữa chúng có sự tác động qua lại lẫn nhau. Xuân làm cho lòng
người trẻ hơn, đẹp hơn; ngược lại hoạt động của con người làm cho xuân thêm ý
nghĩa.
Đến hai câu cuối:
“Duy hữu thức xuân nhân,
Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.
Chữ “xuân” ở câu trên là
chân lý, còn ở câu dưới nó có nghĩa là niềm vui, niềm hạnh phúc. Thực vậy, muốn
có niềm vui muôn thuở thì phải hiểu rõ chân lý trong cuộc sống. Tức phải thấy
được xuân thời gian thì hữu hạn, xuân có đến thì có ra đi, hoa có nở thì có
tàn; mọi thứ đều nằm trong dòng sinh diệt, vô thường. Sống thuận theo dòng chảy
của tự nhiên, xuân đến thì nghinh đón, xuân đi thì tiễn biệt. Có như thế lòng mới
đạt được niềm an lạc vĩnh hằng, mới hưởng được “mùa xuân muôn thuở”.
Như vậy, các Thiền sư dùng
tuệ giác để nhìn đời, nhìn cuộc sống. Trong mắt của mình, mọi sự vật hiện tượng
trong thế giới đều đổi thay, đều hư huyễn; cho nên sự sinh diệt của mùa xuân chẳng
làm các ngài bận lòng. Thái độ sống của các Thiền sư là “Tùy duyên nhi bất biến,
bất biến nhi tùy duyên”. Mùa xuân của dất trời không phải không đẹp nhưng cái đẹp
đó chỉ là cái đẹp hữu hạn, cái đẹp thực sự, mùa xuân thực sự chính là chân lý
cuộc sống.
Một điểm đặc trưng khác
trong cái nhìn của các Thiền sư khi mùa xuân đến là từ sự nở tàn của hoa cỏ, sự
sinh diệt của mùa xuân, sự biến đổi nơi thân thể của mình; các ngài nhận ra một
chân lý phổ biến, tồn tại một cách khách quan trong cuộc đời. Chân lý ấy là: vạn
vật và con người trên thế gian này đều chịu sự chi phối của nguyên lý vô thường.
Từ nhận thức này, các Thiền sư không để tâm duyên theo vẻ đẹp và niềm vui giả tạo,
hư huyễn của xuân thời gian mà an trụ vào cái đẹp tuyệt đối và niềm hỷ lạc nhiệm
mầu của tâm xuân, của bản giác xuân ở lòng mình.
Ở phần trên, tuy có đề cập
ít nhiều đến nhận thức của các Thiền sư về nguyên lý vô thường nhưng chưa đầy đủ
lắm, vì chỉ bàn đến nhận thức của Thiền sư về tính chất hư huyễn, sự đổi thay của
vạn vật, chứ chưa nói đến nhận thức của Thiền sư về sự đổi thay của con người.
Lẽ dĩ nhiên, nguyên lý vô thường chi phối không chỉ đối với sự vật hiện tượng
mà còn cả con người:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc
tận,
Đình tiền tạc dạ nhất
chi mai”.
(Mãn Giác Thiền sư) [9]
“Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng
hết,
Đêm qua sân trước một cành
mai”.
(Ngô Tất Tố dịch)[10]
Căn cứ trên ngôn từ
thì bài này là một bài thơ xuân nhưng bên dưới lớp nghĩa đen của ngôn từ là một
triết lý sống uyên áo. Bằng hình ảnh rất thi vị, Thiền sư Mãn Giác đề cập đến một
năng lực hùng mạnh đang tác động cả vũ trụ vạn hữu, đó là nguyên lý vô thường.
Trước hết, nguyên lý vô thường thể hiện ở vạn vật mà cụ thể là hình ảnh tàn nở
của hoa cỏ khi xuân ra đi và trở về:
“Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa cười”.
Hình ảnh hoa tàn, hoa
nở là hình ảnh rất đổi quen thuộc và giản đơn nhưng nó khái quát được sự biến đổi
của vạn vật trước dòng chảy của thời gian. Kế đến là sự đổi thay nơi con người,
biểu hiện cụ thể là sự đổi màu của mái tóc: “Trên đầu già đến rồi”. Nếu
bài thơ mà dừng lại nơi đây, chắc chắn rằng nó sẽ mang đến cho mọi người cái cảm
giác bất an và buồn chán; bởi lẽ mọi thứ tốt đẹp bên ta dường như đã ra đi hết,
không còn thứ nào ở lại: mùa xuân cũng ra đi, hoa thơm cũng tàn phai, tuổi trẻ
cũng không còn… May thay bài thơ vẫn còn tiếp những câu sau và mở ra một khung
trời tươi sáng tuyệt vời:
“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành
mai”.
Lời thơ như vầng thái
dương bừng lên giữa đêm trường u ám, xóa tan bao nhiêu lo lắng, nghi vấn trong
lòng người. Cứ ngỡ rằng mọi thứ sẽ bị cuốn trôi theo dòng sinh diệt, cũng như
sau xuân sẽ chẳng còn một đóa hoa nào tồn tại; nhưng trái lại quy luật tự
nhiên, một nhành mai nghiễm nhiên tồn tại và tươi nở. Nhành mai hiện hữu trái với
quy luật của tạo hóa, là biểu tượng cho cái chân thường, bất biến, tồn tại vĩnh
hằng. Rõ ràng, trong cái vô thường vẫn tồn tại cái thường hằng; trong thân tứ đại
hư huyễn này vẫn có cái không hư huyễn, đó là giác tánh của mọi người. Giác
tánh vốn không sinh không diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, không tăng không giảm…
không chịu sự tác động của nguyên lý vô thường.
Thể nhập giác tánh, trở về với
giác tánh tức là trở về với mùa xuân trong cõi lòng mình, lúc ấy sẽ được an lạc
và giải thoát. Đó mới là niềm vui chân thật phát ra từ tâm xuân của mọi người.
Niềm vui này tồn tại vĩnh viễn, nó không giống niềm vui có được từ ba tháng
xuân mang lại, niềm vui do ba tháng xuân mang lại rất ngắn ngủi, mong manh và sẽ
chấm dứt khi mùa xuân ra đi. Mới hay rằng muốn hưởng được niềm an lạc vô tận;
muốn ngắm nhìn, thưởng thức mãi sắc đẹp và hương thơm của nhành mai bất diệt với
thời gian thì phải quay về an trụ nơi tâm xuân của mình.
Tóm lại, bài thơ chuyển tải
một triết lý sống vô cùng sâu sắc. Bằng những hình ảnh hết sức sinh động, ước lệ;
Thiền sư Mãn Giác đã cho chúng ta thấy rõ quan niệm của mình về con người và cuộc
sống. Trên thế gian này, hễ sự vật hiện tượng nào có hình tướng thì đều nằm
trong sự tác động của nguyên lý vô thường; con người phải trải qua các giai đoạn:
sinh, lão, bệnh, tử; sinh vật thì trải qua các quá trình: sinh, trụ, dị, diệt;
sự vật hiện tượng thì trải qua các thời kỳ: thành, trụ, hoại, không. Nhưng
trong cuộc đời tương đối này vẫn còn có cái tuyệt đối, không bị hư hoại với thời
gian, không bị vô thường chi phối; đó chính là giác tánh của mọi người, được thể
hiện bằng hình ảnh nhành mai nở muộn cuối xuân.
“Hữu sinh tắc hữu diệt, hữu
hình tắc hữu hoại” là một quy luật, là một chân lý nhưng dường như không
phải ai cũng nhận ra điều này. Nếu sớm nhận ra chân lý thì sớm đạt được sự tự tại
và an lạc, còn ngược lại thì mãi chìm trong não phiền và đau khổ. Hãy lắng nghe
Điều Ngự Giác Hoàng tâm sự:
“Niên thiếu hà tằng liễu sắc
không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa
trung.
Như kim khám phá đông
hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán
trụy hồng”.
(Trần Nhân Tông)
“Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc
không,
Xuân sang hoa nở rộn tơ
lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen
mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng”.
(Ngô Tất Tố dịch)[11]
Hướng về cái đẹp, truy tìm
cái đẹp là thuộc tính của con người nhưng hướng về cái đẹp, thưởng thức cái đẹp
mà không đắm nhiễm, không lệ thuộc vào nó mới là việc khó thực hiện. Thanh xuân
là giai đoạn đẹp nhất của đời người, là giai đoạn đầy ấp những ước mơ, những dự
tính cho tương lai và cũng là giai đoạn mà mọi người hướng tâm tìm cầu cái đẹp.
Mỗi độ xuân về, lòng người thường dao động, tâm niệm thường xu hướng theo muôn
hồng ngàn tía, cho nên mới nói: “Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng”. Bản dịch tuy
không xác thực nghĩa nhưng cũng bôc lộ hết cái rạo rực, hưng phấn trong lòng tuổi
trẻ.
Nhưng đó là việc của quá khứ,
hiện tại thì:
“Chúa xuân nay đã thành quen
mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng”.
Trước kia, vì không tỏ ngộ
được lẽ sắc không của cuộc đời nên rong ruổi theo cái đẹp hư huyễn. Còn bây giờ
đã giác ngộ cuộc đời là giấc mộng, cái đẹp không trường tồn, vạn vật có sinh có
diệt. Từ đó, tâm không còn rộn ràng và xao xuyến khi thấy hoa nở, xuân về; và
tâm cũng không luyến lưu và tiếc nuối khi thấy hoa héo, cỏ tàn và mùa xuân ra
đi. Hình ảnh “Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng” là thể hiện cho lòng
bình thản, vô ngại trước cái sinh diệt của các sự vật hiện tượng trong cuộc sống.
Với cái nhìn thấu suốt bản
chất của sự vật hiện tượng, Điều Ngự Giác Hoàng đã đạt được sự tự tại, vững
chãi trước vòng sinh diệt của cuộc đời. Mùa xuân có đến hay đi, hoa có nở hay
tàn cũng chẳng làm ngài bận lòng nữa, bởi lẽ ngài đã an trụ vào tâm xuân, vào Bản
giác xuân và tận hưởng mùi hương nhiệm mầu của nhành mai bất diệt.
Sang các Thiền sư Trung Hoa,
khi đem đối sánh với các Thiền sư Việt Nam, ta cũng thấy có sự đồng điệu trong
cái nhìn về con người và cuộc sống:
“Khứ niên phùng
thanh xuân,
Châu nhan ánh đào lý.
Kim niên phùng thanh xuân,
Bạch phát yểm song nhỉ.
Nhân sanh thất thập niên,
Tật nhược đông lưu thủy.
Bất liễu bổn lai tâm,
Sanh tử hà do ly”.
(Tống triều Quang Giác Thiền
sư)
“Năm trước gặp thanh xuân
Má hồng khoe đào lý.
Năm nay gặp thanh xuân,
Tóc bạc đầy cả mái.
Người đời tuổi bảy mươi,
Nhanh như dòng nước chảy,
Chẳng ngộ tâm nguyên sơ,
Sanh tử làm sao thoát”.
Thời gian trôi đi, xuân hạ
thu đông rồi lại xuân… cái thanh xuân của con người theo đó mà phôi pha. Năm
trước đón xuân thì “má hồng khoe đào lý” nhưng năm nay đón xuân thì “tóc
bạc đầy cả mái”. Giai đoạn từ thanh xuân sang già nua thật là mau chóng tợ như
dòng nước chảy. Thực ra, chẳng phải đợi đến một năm chúng ta mới thấy sự già
nua kéo đến, sự biến đổi đã diễn ra từng giây từng phút trong cơ thể mọi người.
Thấy rõ nguyên lý vô thường chi phối con người như vậy nên Thiền sư Quang Giác
đã khuyên mọi người để tâm vào việc truy tìm chân lý, chân lý ở đây là tâm
nguyên sơ (bổn lai tâm), là giác tánh vốn có trong mỗi người chúng ta. Liễu ngộ
được bản tánh ấy thì thoát khỏi dòng sinh tử, đó mới chính là mùa xuân miên viễn
mà mọi người cần hướng đến.
Và tinh thần này, trước kia
đã được thể hiện khá rõ ở Thiền sư Thiện Chiêu:
“Như kim lục thập
nhất,
Bạch phát tương thôi xuất.
Huyễn chất tỉ phù vân,
Không tâm đồng Tổ Phật.
Xuân lai bất tiện hoa,
Thu khứ khởi hiềm vật.
Cánh dữ tam thập niên,
Miết nhiên như điện phất”.
(Đường triều Thiện Chiêu Thiền
sư)
“Nay tôi sáu mươi mốt,
Tóc bạc đuổi nhau điểm.
Chất huyễn dường mây trôi,
Tâm không đồng Tổ Phật.
Xuân đến chẳng chê hoa,
Thu về nào ghét vật.
So cùng năm ba mươi,
Bỗng nhiên như điện chớp”.
(Thích Thanh Từ dịch)[13]
Quả thật, lời thơ dẫu có
khác nhưng quan niệm thì hoàn toàn tương tự nhau. Mỗi khi xuân về là tuổi đời
theo đó tăng lên, mái tóc xanh ngày nào bây giờ trở thành bạc trắng; thân tứ đại
hư huyễn này cứ dần dần trải qua các giai đoạn sinh, lão, bịnh, tử. Nếu như ở
bài thơ trước, Quang Giác xem kiếp sống con người trôi mau như dòng nước chảy
thì trong bài này, Thiện Chiêu nhìn sinh mệnh con người qua nhanh như làn điện
chớp. Cách ví dụ này làm cho người đọc cảm thấy đời người quá ngắn ngủi, mạng sống
thật mong manh, chợt có rồi chợt không, không thể nào làm chủ được, hễ mang
thân tứ đại thì không ai thoát khỏi sự chi phối của quy luật vô thường.
Bên cạnh đó, bài thơ còn cho
thấy tinh thần tự tại và siêu thoát của Thiền sư trước sự đổi thay, sinh diệt của
kiếp người:
“Huyễn chất tỉ phù vân,
Không tâm đồng Tổ Phật.
Xuân lai bất tiện hoa,
Thu khứ khởi hiềm vật”.
Điểm then chốt của vấn đề là
chỗ “Không tâm”, chính điều này đã tạo nên thái độ an nhiên, bình thản của Thiền
sư. Hàm nghĩa của “Không tâm” có nhiều cấp độ cao thấp khác nhau, hoặc có thể
hiểu là một trạng thái giác ngộ của nhà Thiền, hoặc có thể hiểu là tâm không thị
phi, thiện ác, nhân ngã… Còn các câu “Xuân đến chẳng chê hoa, thu về nào
ghét vật” chỉ là hệ quả của trạng thái “không tâm”, là biểu hiện của lòng
tự tại mà thôi.
Tóm lại, mỗi khi xuân về,
căn cứ vào các hiện tượng: đến đi của mùa xuân, tàn nở của hoa cỏ, biến đổi từ
trẻ trung sang già nua của con người… các Thiền sư nhận thức rằng vạn vật và
con người trên thế gian này đều nằm trong vòng chi phối của nguyên lý vô thường.
Theo phàm tình, hễ thấy cái đẹp tàn phai sẽ khiến lòng người luyến tiếc, xót
thương nhưng đối với các Thiền sư thì chưa từng có điều ấy. Hơn thế nữa, ở các
ngài còn đạt được tâm trạng tự tại và an nhiên trước sự đổi thay của cuộc đời,
bởi vì các ngài luôn sống trong niềm an lạc của tâm xuân chứ không trụ vào cái
vui, cái đẹp của xuân thời gian.
Có thể nói, cái nhìn của các
Thiền sư về mùa xuân có nhiều điểm khác biệt với những thi sĩ. Các thi sĩ đều rất
phấn khởi khi xun về, lòng họ rộn ràng trước những sắc màu tươi đẹp của trăm
ngàn hoa cỏ. Đối với họ, mùa xuân là mùa đẹp nhất, là giai đoạn tuyệt vời nhất;
mùa xuân mang đến niềm vui và hạnh phúc. Chính vì thế nên mỗi khi xuân ra đi họ
lại thương tiếc vô cùng vì mùa xuân ra đi có nghĩa là nguồn vui và cái đẹp
không còn nữa. Do nhận thức như vậy nên khi xuân đến cảm thấy vui sướng bao
nhiu thì khi xun đi nhận lấy buồn chán bấy nhiêu. Niềm hoài xuân và lòng thương
tiếc cái đẹp luôn tồn đọng trong lòng thi sĩ khi xuân không còn ở lại với đời.
Bằng cái nhìn tuệ giác-vô
ngã, các Thiền sư không say đắm cái đẹp hư huyễn, không tìm cầu cái vui giả tạm
do xuân thời gian ban tặng, các ngài luôn an trụ trong cái hỷ lạc vĩnh hằng của
tâm xuân, của Bản thể xuân.
Không phải các Thiền sư hờ hững,
lạnh lùng với vẻ đẹp của mùa xuân, xuân đến các ngài cũng thưởng thức hoa thơm
cỏ lạ; nhưng đồng thời các ngài nhận thức được rằng vẻ đẹp của xuân thời gian
là vẻ đẹp hư huyễn, niềm vui mùa xuân thời gian mang lại là niềm vui không tồn
tại dài lâu; vì vậy lòng các ngài rất tự tại, an nhiên trước sự ra đi của xuân
thời gian. Mùa xuân mà các Thiền sư an trụ là tâm xuân, là Bản thể xuân. Chỉ có
tâm xuân mới đem lại niềm hỷ lạc vĩnh hằng cho mọi người và chỉ an trụ ở tâm
xuân mới có thể ngắm nhìn, mới có thể thưởng thức được cái đẹp trường cữu và
mùi hương bất diệt của nhành mai khai nở muộn sau xuân.
[1] Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr 337.
[2] Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr 341.
[3] Thiền sư Bổn Tịnh (?-761): Môn đệ Lục tổ, đời thứ I.
[4] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 74.
[5] Thiền sư Giác Hải (?-?): Đời thứ 10 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
[6] Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền
uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr 142.
[7] Thiền sư Phật Nhãn (?-1119): Hiệu Thanh Viễn, thuộc phái
Dương Kỳ, tông Lâm Tế đời thứ 11, đời thứ 15 sau Lục tổ.
[8] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 200.
[9] Thiền sư Mãn Giác (1052-1096): Dòng Vô Ngôn Thông.
[10] Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền
uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr 95.
[11] Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt
Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr 341.
[12] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 67.
[13] Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền,
Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr 268.
Chùa Huệ Nghiêm, cuối đông Tân Mão
Đông Tùng
Đông Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét