Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Hãy thức dậy trước lúc bình minh

Hãy thức dậy trước lúc bình minh
Thế là đã hơn hai năm tôi thường thức dậy trước lúc bình minh. Có lẽ cũng từ ngày ấy, tôi yêu cái không gian lành lạnh đầy sương và bóng tối đang vỡ nhẹ, từ từ chuyển mình, và tôi thấy thật hạnh phúc khi chờ đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới.
Không biết khi tôi thức giấc thì những ai vẫn đang say ngủ và ai trong số những người thức dậy sớm cũng có cảm giác như tôi lúc chào đón ánh bình minh. Vì tôi thấy, thật bất hạnh cho những người trong cả cuộc đời không một lần xúc động trước cảnh bình minh.
Tôi từng là một người như vậy. Hai mươi tư năm lặng lẽ đi qua tôi không một lần biết đến vẻ đẹp của một tia nắng mai. Thậm chí tôi ghét cay ghét đắng những buổi sáng mà chỉ yêu cảm giác buồn khi chiều muộn hay khi hoàng hôn buông xuống.
Người ta vẫn thường bảo tình yêu hay sở thích của mỗi người phần lớn do môi trường giáo dục, môi trường xã hội. Có lẽ điều này đúng nhưng chưa đủ. Với tôi hay một số người khác, điều này xuất phát từ chính bản thân họ, từ chính cơ địa của mỗi người tức là cái thể xác mà họ được cha mẹ sinh ra từ thủa lọt lòng cho đến khi qua đời.
Chẳng hạn một người mù bẩm sinh sẽ không bao giờ biết đến sự chuyển đổi tinh tế của màu sắc hay một người điếc thì sẽ chẳng bao giờ biết xúc động trước bất cứ một kiệt tác âm nhạc nào. Dù không đến nỗi phải bất lực trước vẻ đẹp của cuộc sống nhưng chính thể xác và những căn bệnh tôi phải đeo mang đã làm cho cuộc sống của tôi trở thành một "cuộc tồn tại đầy đau khổ" trong suốt hơn hai mươi năm.
Vốn là một cô bé yếu ớt từ lúc mới lọt lòng, sinh thiếu tháng lại vào đúng lúc gia cảnh khó khăn, khi ấy cũng vào thời điểm những năm 79, 80 cả nước đang tập trung vào chiến tranh biên giới và vừa giải phóng đất nước được mấy năm, hàng trăm thứ khó khăn chồng chất lên nhau. Bố mẹ đói khổ thì con lấy gì mà sung sướng được. Đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn thường xuýt xoa: "Chị Trang là khổ nhất nhà, hồi ấy sinh ra bé tí, đến nỗi bồng cũng chẳng được nữa, áo quần chẳng có mà mặc, mẹ phải dùng túi đựng bột mì để may quần áo cho chị. Lúc mới sinh, nhà chẳng có than củi gì cả, trời mưa tầm tã, nước lụt cứ dâng mà nhà thì dột, được một mảnh nilon ba che cho hai mẹ con...".
Tôi vẫn thường hay khóc, khóc vì nhiều thứ lắm nên đôi lúc tôi cứ nghĩ phải chăng do mình sinh ra vào mùa mưa nên cuộc đời mình nhiều nước mắt. Hai tuổi rưỡi phải vào viện vì bệnh lao, sau đó đủ thứ bệnh, tim, thấp khớp, hen suyễn, gan... và nhiều căn bệnh khác nữa luân phiên hành hạ tôi. Tuổi thơ của tôi trải qua trong bệnh viện, những kỷ niệm ấu thơ không phải là hoa hay bướm hoặc những buổi chiều hè trên đồi với nhiều trò chơi thú vị của trẻ thơ mà là những buổi chiều dài dằng dặc đợi mẹ ở bệnh viện.
Những cảm xúc đầu tiên trong đời tôi có được là cảm xúc về sự đau đớn thể xác và cái chết hàng ngày cứ rình rập mình. Nhiều đêm tôi không dám ngủ. Trong suy nghĩ ngây ngô của trẻ con, tôi chỉ sợ nếu mình nhắm mắt thì mãi mãi không bao giờ tỉnh dậy được nữa. Khi lớn lên, đi học đại học, ở ký túc xá, những âm thanh ở hành lang trong đêm khuya cứ gợi cho tôi cảm giác ở bệnh viện. Tiếng bước chân người đi lại, tiếng xe đẩy, tiếng chuông gọi cấp cứu khiến nhiều lúc tỉnh dậy trong ký túc mà tôi cứ tưởng mình ở bệnh viện.
Thế rồi, hình như ông trời vẫn còn thương nên bệnh tật không ảnh hưởng lắm đến trí não, tôi đi học như mọi người và may mắn học xong đại học. Nhưng rồi ra trường hơn sáu tháng thì tôi phải vào viện trở lại. Thực sự đến bây giờ tôi cũng không hiểu mình bị bệnh gì, bởi có quá nhiều ý kiến khác nhau về nó. Tôi chỉ biết mình đau nhiều lắm và khi vào viện thì đã bắt đầu mất cảm giác một nửa người bên phải, nghĩa là bắt đầu chuyển qua tê liệt.
Hơn hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chưa làm được gì cho cuộc đời, cho cha mẹ hay ít nhất cũng là cho mình thế mà... Lại bắt đầu khóc, bắt đầu những đêm vật vã vì bệnh tật, vì lượng thuốc kháng sinh liều mạnh làm cơ thể nhiều lúc tưởng chừng không kham nổi. Tôi vẫn thường hay nghe nhạc Trịnh, lúc ấy buồn quá bác sĩ bảo đừng nghe nữa mà suy nghĩ lung tung. Nhưng khổ thay nhà lại gần sát một quán cafe, đêm khuya người ta cứ bật nhạc Trịnh. Rồi cùng với cái buồn của những đêm mưa Huế, nhìn lại cuộc đời mình, suy tư về cái chết và thế là lại khóc.
Vào cái tuổi sung sức nhất của thời con gái, tôi được hơn ba mươi cân (cao 1.58m) và với sự "tàn phá" của đủ thứ thuốc kháng sinh, tôi gầy còm như một con mèo hen và xấu xí như một chú vịt. Tôi cũng không biết hy vọng hay trông chờ gì vào tương lai, nhìn lại quá khứ cũng một màu xám xịt. Tôi nhớ có lần đọc một bài viết về phong trào Thơ Mới thấy ai đó nhận xét là "luyến tiếc quá khứ, bi quan hiện tại, nghi ngờ tương lai" nhưng cảm giác của tôi còn tệ hơn.
Cha mẹ thương tôi lắm, cả bà con và bạn bè cũng vậy nhưng tình thương của mọi người càng làm tôi tủi thân và mặc cảm thêm. Tôi biết mình chỉ là gánh nặng của mọi người và càng làm tăng thêm ý nghĩ về sự vô tích sự của mình. Nhiều đêm không ngủ được, tôi nghĩ tại sao mình không chết từ khi còn bé, trong một lần nào lên cơn đau tim hay lên cơn hen suyễn chẳng hạn, có lẽ ba mẹ và mọi người sẽ đỡ khổ hơn. Và rồi tôi ngày càng mất dần ý thức phải phấn đấu, cố gắng để trở thành một người có ích. Ám ảnh về bệnh tật đẩy tôi vào trạng thái vô cảm, thậm chí trầm cảm. Tôi nghĩ mình có cố gắng lắm thì rốt cục cũng chỉ đến thế. Một ngày nào đó đột nhiên bỗng lăn ra chết, mà với tình trạng sức khoẻ như tôi giỏi lắm cũng hơn ba mươi tuổi mà thôi.
Sau này tôi mới nhận ra rằng, con người bình thường nếu không bị tai nạn đột xuất hay bệnh tật hiểm nghèo thì họ có sống được lâu hay không, một phần rất quan trọng ở chỗ bản thân họ có muốn sống nữa hay không?
Với một người mà ngày nào cũng nghĩ mình sắp chết thì chắc cũng có lúc họ lăn ra chết thật sự đấy! Thế rồi với sự cố gắng của gia đình và các bác sĩ, tôi cũng được xuất viện, nhưng tôi vẫn không khỏi hẳn được. Bác sĩ căn dặn tôi khi xuất viện rằng: "bệnh này nó như vậy, mười phần bớt mà được sáu bảy phần là tốt lắm rồi, cháu phải luyện tập để chấp nhận nó, quen với nó bác nghĩ là cháu làm được".
Tôi không xin được việc làm khi đã tốt nghiệp đại học, cũng đúng thôi, làm sao có thể chấp nhận một người như tôi vào làm việc. Nay đau mai ốm, thỉnh thoảng lại đi cấp cứu, mặt mày thì xấu xí, ủ dột. Để cứu vớt cho "cái tương lai mờ mịt của tôi" cả nhà động viên tôi đi học cao học. Các bác sĩ cũng bảo "để cháu nó học có khi nó cũng quên đi bệnh tật của mình". Cùng lúc đó tôi nhận được giấy gọi vào học văn bằng hai ngành Anh văn ở trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Phú Xuân.
Học tập vất vả nhưng tôi vui bởi vì trong môi trường mới có rất nhiều điều để khám phá. Nhưng dù thế, tôi vẫn không thoát khỏi sự tra tấn của bệnh tật. Những lúc trở trời, mình mẩy lại đau ê ẩm, lại uống thuốc và vật vã. Tất cả những công việc trong ngày lại phải trông chờ vào đứa em trai, mà nó cũng không thể chịu được khi chứng kiến chị đau đớn. Nó yêu chị lắm, luôn luôn động viên chị bằng những cuốn sách kiểu như "Tâm hồn cao thượng", "Cửa sổ tâm hồn"... để chị thanh thản hơn. Tôi cũng học được trong đó rất nhiều, những cuốn sách mà từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống. Thế nhưng từ việc biết đến việc thực hiện là cả một con đường dài dằng dặc có khi không bao giờ thực hiện được.
Tôi đã cố gắng thật nhiều để luyện tập, nhưng việc đi bộ buổi sáng chẳng những không làm cho sức khoẻ tôi tốt hơn mà ngược lại nó khiến tôi bị cảm lạnh. Tôi cũng đã ghi danh để tập thể dục thẩm mỹ hay nhịp điệu gì đấy nhưng chẳng những không có kết quả mà còn bị tra tấn bởi không khí ngột ngạt trong các phòng tập. Thế nên, tôi ngày càng căm ghét những buổi sáng và việc phải thức dậy quá sớm. Thế rồi lại cũng em trai tôi, hôm đó là một ngày trời chuyển mùa, tôi bị đau và bi kịch cũ lại tái diễn.
Không giống mọi lần, lần này nó không động viên nữa mà trở giọng la tôi không chịu cố gắng và nói là chẳng ai thương chị bằng chính chị đâu, cũng chẳng ai có thể cứu được bản thân chị ngoài chị. Tôi giận nó lắm và nghĩ rằng nó không thương mình, nhưng về sau càng nghĩ tôi càng thấy nó nói đúng.
Một hôm nó chợt hỏi tôi: "À, răng mà chị không đi tập Karate nhỉ, em thấy môn ấy hay lắm, chị thử đi, có khi thích cũng nên đấy". Em tôi theo học môn này từ khi nó mới sáu bảy tuổi, khi chúng tôi còn ở quê nhà, nó thích môn này lắm, sau này vào Huế nó lại đi tập tiếp. Một hôm tình cờ dọn sách cho nó, tôi bắt gặp cuốn sách nói về quyền trong Karate. Tò mò, tôi đọc từ đầu đến cuối và sau này mới biết rằng đó là cuốn sách do chính thầy giáo dạy võ của nó (sau này cũng là thầy của tôi) viết. Qua cuốn sách, tôi biết trong cuộc sống có thật nhiều điều thú vị, chẳng qua là do mình không quan tâm để ý và có định kiến về nó mà thôi.
Lâu nay tôi không ưa bạo lực, đánh nhau mà đặc biệt là đánh người, chưa kể tôi còn nghĩ những người tập võ thuờng vai u thịt bắp, hữu dũng mà vô mưu... Mặc dầu tôi cũng có đọc Kim Dung, cũng biết sơ sơ về văn hoá võ thuật nhưng tôi tin những người văn võ toàn tài như vậy trong xã hội bây giờ còn được mấy người. Qua cuốn sách, tôi hiểu hơn về môn Karate, về quyền và đặc biệt là sự tinh tế, sâu sắc và tính nhân văn trong những bài quyền của Karate.
Lúc đó tôi nghĩ rằng, học môn gì thì cũng phải có tư chất, mà tôi vốn là một đứa vừa yếu đuối về thể xác lẫn tinh thần, lại không được khéo léo gì cho lắm nên làm sao có thể theo học được. Thể dục là môn kinh khủng nhất đối với tôi từ tiểu học cho đến khi xong đại học, đó là môn duy nhất tôi thường xuyên thi lại. Thế rồi em tôi cứ động viên, ngày nào cũng khen môn học này thú vị lắm, và điều quan trọng là chị sẽ khám phá được chính mình bởi không thử thì biết là mình có làm được hay không.
Thế rồi sau bao nhiêu suy tính đắn đo, phải đến hơn hai tháng cân nhắc tôi mới rủ thêm một đứa em họ nữa đi xin học. Tháng tập luyện đầu tiên quả thật là kinh hoàng, cuộc sống của tôi gần như bị xáo trộn. Tôi phải thức dậy thật sớm và phải bước ra đường vào lúc trời còn tối, lúc mọi người vẫn còn đang say ngủ. Những hôm nắng ấm thì không sao nhưng những ngày trời lạnh đúng là cực hình. Mình mẩy chân tay đã đau sẵn bây giờ lại càng đau hơn, không biết là do bệnh hay do luyện tập. Nhưng tôi cứ tự động viên mình rằng thôi cố thêm một buổi nữa, rồi thêm một buổi nữa, và tất cả sẽ ổn thôi mà, cố gắng lên.
Em trai vẫn ở bên tôi để động viên không bỏ tập. Nó bảo: "Nếu chị bỏ một buổi là sẽ nghỉ thêm một buổi khác cho mà xem, rồi sẽ thành thói quen đấy" nên tôi không ngừng cố gắng. Và điều bất ngờ là không những tôi không bị ốm mà sức khoẻ có dấu hiệu khởi sắc. Tập luyện, vận động nhiều, tôi khoẻ ra, ăn được hơn dù không nhiều và mất dần cảm giác chán ăn. Buổi tối tôi ngủ được hơn và những đêm mất ngủ cũng mất dần.
Thế là hơn hai năm tôi vẫn thức giấc trước mặt trời, ngày qua ngày tôi càng trở nên thích và yêu những buổi bình minh. Dù đó là một ngày mùa đông hay mùa hè thì những buổi bình minh đều là khoảnh khắc chuyển giao giữa đêm và ngày, là khoảnh khắc thật thiêng liêng. Đó là lúc bóng tối và màn đêm lui dần và nhường chỗ cho ánh sáng. Với mọi người, đây chỉ là sự vận động của thiên nhiên, của vũ trụ nhưng với tôi đó là một sự chuyển giao vĩ đại của đất trời.
Trong cuộc đời của mỗi con người cũng thế, sẽ có những lúc đêm và những lúc ngày, có những lúc buồn đau và những ngày hạnh phúc. Có khi bóng đêm ngập tràn nhưng cũng có những ngày tràn đầy ánh nắng, điều quan trọng là phải biết được là có sự thay đổi và cố gắng để hướng về ánh sáng.
Trong cái khoảnh khắc thiêng liêng của phút chuyển giao ấy, tôi cũng cố gắng trong hy vọng để thực hiện cuộc chuyển giao cuộc đời mình bằng cách cố gắng tập luyện. Và kết quả, tôi đã tăng được 7 kg trong vòng hai năm, khoẻ mạnh và tươi tỉnh hơn ngày xưa rất nhiều. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về võ công mình chẳng học được gì nhiều nhưng điều quan trọng hơn tôi cảm thấy thật thanh thản khi luyện tập.
Mỗi khi đi quyền, tôi tập trung tâm trí vào từng động tác và trong chốc lát mọi buồn vui nhọc nhằn của cuộc sống được gạt bỏ một bên. Cuối buổi tập dù mệt nhưng cảm thấy thật thư thái và tự tin hơn để bước vào một ngày mới. Thế đấy, cuộc đời nhìn lại tôi thấy thật nhiều điều bất ngờ, và có những cuộc gặp gỡ đã làm nên những đổi thay trong cuộc đời. Ở đây, đó là lần gặp gỡ của tôi với môn Karate, với các huấn luyện viên và thầy. Dù không phải học trò thành đạt nhưng những cố gắng của một cô bé yếu đuối và bệnh tật, của một con vịt con xấu xí và nhút nhát đã được đền đáp.
Tôi chọn nghề dạy học và tôi sẽ bảo với các học trò của mình rằng hãy cố gắng và không ngừng cố gắng. Cuộc đời ai cũng có những lỗi lầm, vì bản thân con người là bất toàn mà. Nhưng khi mắc lỗi, phải cố đi tiếp mà sữa chữa chứ không bao giờ được dừng lại, càng không được quay lại điểm xuất phát ban đầu.
Tôi từng rất cảm động khi nghe thầy căn dặn điều này trong lần thi lên đai. Đúng vậy, với một võ sinh Karate, khi thi quyền, không được dừng lại nếu đi sai, còn với chúng ta, phải nỗ lực cố gắng vì hết đêm bao giờ cũng chuyển sang ngày, vì hạnh phúc bao giờ cũng chỉ đến với những người biết kiên nhẫn, chờ đợi và hy vọng không ngừng.
Tôi đã hoàn tất chương trình cao học cũng như chương trình đại học văn bằng hai. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôi đi làm và lại phải đối mặt với những khó khăn mới đầy cam go và thử thách. Có lần tôi từng than với một cô giáo rằng: "Tại sao con không bao giờ có được trọn vẹn sự bình an trong tâm hồn? Con chỉ muốn thiếp ngủ đi thôi cô ạ". Cô bảo tôi rằng: "Khoảng bốn mươi năm nữa con sẽ được bình yên đấy, lúc đó tha hồ mà ngủ, chẳng ai có thể gọi con dậy được nữa đâu".
Nếu như Marx nói: "Hạnh phúc là đấu tranh", thì Karate dạy tôi phải biết đối mặt, phải biết dũng cảm chiến đấu và chiến thắng chính mình một cách không mệt mỏi. Với một võ sĩ Karate khi ra đấu trường dù có mệt mỏi cũng phải chiến đấu một cách anh dũng, bao giờ cũng phải là chính mình.
Không phải ngẫu nhiên tôi lại lấy tiêu đề bài viết này là "Hãy thức dậy trước lúc bình minh", bởi Karate đã khiến tôi yêu những buổi bình minh. Thức dậy trước lúc bình minh, tôi sẽ được chào đón những tia nắng đầu tiên trong ngày, sẽ chứng kiến sự đổi thay của trời đất. Đây cũng là thời khắc mà theo tôi là đẹp nhất, tinh khiết nhất và tươi tắn nhất trong ngày.
Cả không gian, bầu trời, cây cỏ... như bừng sáng lấp lánh.... đẹp và tươi như một nụ cười.
Vài nét về blogger:
Con ốc sên dễ thương, mọi người gọi tôi là vậy và tôi yêu cái tên đó lắm. Tôi bé như một con ốc sên, yếu như một con ốc sên và chính xác là tôi chậm... như một con ốc sên. Tôi cũng có bề ngoài không bắt mắt như ốc sên nhưng tôi xinh xắn và dễ thương như ốc sên vậy (trong mắt tôi ốc sên là con vật dễ thương).
Mọi người bảo rằng ốc sên bò chậm chạp lắm, nhưng mỗi nơi nó đi qua đều để lại dấu vết, đó là một vệt sáng lấp lánh. Tôi chỉ được một lần dạo chơi qua cuộc đời, nên tôi cũng ước rằng mình như ốc sên, để lại những đường sáng lấp lánh, có chăng chỉ là một nụ cười...
Và tôi viết tất cả cho những người mà tôi yêu thương...
Hoàng Thị Quỳnh Trang
Theo http://ngoisao.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...