Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Những giai điệu chắp cánh mùa xuân

Những giai điệu chắp cánh mùa xuân
Không gian mùa Xuân nôn nao và rạo rực. Mỗi người một xúc cảm riêng tư. Các ca khúc nói về mùa Xuân như sẻ chia, như nói hộ những rung động dạt dào và đằm thắm của mọi người. Mỗi dịp vào Xuân được nghe, được hát những ca khúc nồng nàn ai cũng sâu lắng với nhiều cảm xúc.
Nhiều năm nay cứ mỗi khi bắt đầu năm mới đó đây lại náo nức vang lên giai điệu du dương “Happy New Year” của nhóm ABBA. Dẫu nhóm nhạc quốc tế ấy chỉ còn là huyền thoại, nhưng bài ca này vang lên khi Xuân về, chưa ai có thể dự đoán bao lâu nữa mới có một ca khúc thay thế được. Thế nhưng “Happy New Year” có hay đến chừng nào cũng của… nước ngoài, Tết cổ truyền dân tộc phải “ta về ta tắm ao ta”.
Ca khúc về mùa Xuân đầu tiên, không thể không nhắc đến là “Xuân và tuổi trẻ” (La Hối - Thế Lữ). Nhạc sĩ La Hối là người Việt gốc Hoa, được biết đến như một nhạc sĩ khởi trào tân nhạc tại Hội An. Năm 1945, nhạc sĩ La Hối mãi mãi nằm xuống chỉ với 25 mùa Xuân cuộc đời mình, tuy nhiên khát vọng tuổi trẻ của anh còn ngân vang đến hôm nay: “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”. Nhiều năm nay, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” tiếp tục đưa điệu valse của nhạc sĩ La Hối đến với công chúng. Bài hát được nhạc sĩ La Hối phổ thơ của thi sĩ Thế Lữ, sự hòa quyện giữa ca từ và giai điệu luôn tươi trẻ và đầy ước mơ.
Sau ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”, có khá nhiều bài hát về mùa Xuân với sắc độ âm thanh mang hơi thở nhạc tiền chiến như “Mộng chiều Xuân” (Ngọc Bích), “Xuân họp mặt” (Văn Phụng), “Gái Xuân” (Từ Vũ - Nguyễn Bính)… được hát với bao niềm riêng tư thầm kín.
Riêng nhạc sĩ Văn Cao lại có bước trỗi dậy bất ngờ với “Mùa Xuân đầu tiên”. Trước đây công chúng gặp Văn Cao ở một “Bến Xuân” đắm đuối, thời gian 30 năm ngừng sáng tác những tiết tấu cứ đẩy đưa trong lòng con người tài hoa ấy, để mùa Xuân năm 1976 bật lên “Mùa Xuân đầu tiên”: “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về, mùa bình thường thành mùa vui nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một chút nắng khơi cho bao tâm hồn…”. Ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” thực sự như một món quà tặng ấm áp cho mỗi người nghe, đến nay vẫn dạt dào cảm xúc.
Trong các ca khúc mùa Xuân được xếp vào hàng kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đóng góp hai ca khúc nổi tiếng “Đón Xuân” và “Ly rượu mừng”. Ông sinh năm 1929 tại Hà Nội, có nghệ danh Hoài Bắc cùng các anh em của mình là nhạc sĩ Hoài Trung (Phạm Đình Viêm) ca sĩ Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và ca sĩ Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) thành lập ban Hợp ca Thăng Long nổi tiếng. Là một người tự học nhạc, tính đến khi qua đời năm 1991, nhạc sĩ Phạm Đình Chương để lại khoảng 50 ca khúc, trong đó có nhiều bản tình ca nổi tiếng như “Xóm đêm”, “Nửa hồn thương đau”, “Mộng dưới hoa”…
Bản nhạc “Ly rượu mừng” được ấn hành lần đầu tiên.
Hai ca khúc “Đón Xuân” và “Ly rượu mừng” được sáng tác gần như cùng thời điểm, vào mùa Xuân năm 1952. Ca khúc “Đón Xuân” được hát từ khi đó đến nay, với sự dặt dìu trìu mến: “Ta nghe gió về đang thiết tha như muôn tiếng đàn. Xuân dâng niềm vui, cho ngày xanh không hoen lời than… Nào ai hững hờ, Xuân vẫn ngóng chờ. Tới đây nắm tay cùng ca múa, hát lên đón Xuân của tuổi thơ..." Còn ca khúc “Ly rượu mừng” chính thức được cấp phép phổ biến lại vào đầu năm 2016. Tính đến mùa Xuân Đinh Dậu 2017, “Ly rượu mừng” đã ra đời 67 năm, vẫn được xem như bài hát ăn khách nhất trong các chương trình ca nhạc. Với điệu valse tươi trẻ, ca khúc “Ly rượu mừng” là lời chúc chân thành cho tất cả mọi người: “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó… Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương, bước con về hòa nỗi yêu thương”. Có thể nói, sự trở lại của “Ly rượu mừng” đã giúp không khí mùa Xuân trong âm nhạc có thêm phần ấm áp.
Xếp sau những ca khúc kinh điển, cũng có nhiều ca khúc về mùa Xuân khá rạo rực. Ca khúc Trịnh Công Sơn trữ tình mà vẫn luôn đượm một nét buồn, “Hoa Xuân ca” si mê và vắng xa: “Cây sẽ cho lộc, và cây sẽ cho hoa, Xuân đến bên tôi ngồi trời mở ra cánh én, em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình… Em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió, em cứ bay nhưng đừng bỏ lại tôi một mình…”. Những nhạc sĩ từng sống và viết tại Sài Gòn đã từng có một bộ sưu tập các ca khúc mùa Xuân dày dặn, như “Mùa chim én bay” (Hoàng Hiệp-Diệp Minh Tuyền), “Tình ca mùa Xuân” (Tôn Thất Lập), “Mùa Xuân” (Phạm Minh Tuấn), “Mùa Xuân bên cửa sổ” (Xuân Hồng)… Rất tiếc nhu cầu thị trường lắm khi khắc nghiệt dường như đang lãng quên những sáng tác này. Ngay cả một ca khúc được nhiều người yêu thích “Lá thư ngày Tết” (Trần Long Ẩn), ai muốn thưởng thức lại cũng phải chờ đợi chương trình ca nhạc Đài truyền hình hay lục tìm băng đĩa cũ: “Ngày Tết đến được thư em là niềm vui bất ngờ. Ngày Tết đến rất nhớ em tựa một nỗi nhớ nhà… Ngày Tết đến rất nhớ em và vườn hoa trước sân, đóa cúc trắng nở âm thầm ngoài hàng dậu như nhớ như mong, những tiếng hát từ cõi lòng thật nhẹ nhàng như gió trên sông…”.
Nhiều nhạc sĩ cho rằng viết ca khúc có dính líu đến mùa Xuân thì dễ, kiểu này lá này hoa, nhưng lại khó hay. Có thể đất trời mùa Xuân mênh mông với bao thanh âm nhộn nhịp mới mẻ nên bước chân lẻ loi của nhạc sĩ không biết chọn lối nào vào trái tim giới mộ điệu chăng? Nhạc sĩ Từ Huy ít nhiều thành công khi dắt người ta về “Ngày Tết quê em” với bao phấn khởi: “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người…”. Nếu như nhạc sĩ Quốc Dũng có “Điệp khúc mùa Xuân” thì nhạc sĩ Nguyễn Nam có “Dịu dàng sắc Xuân”. Nhạc sĩ Dương Thụ có khá nhiều ca khúc về mùa Xuân, từ “Hơi thở mùa Xuân” đến “Bài hát ru mùa Xuân”, nhưng lọt vào tầm ngắm của khán giả nhiều nhất vẫn là “Lắng nghe mùa Xuân về”. Có lẽ cái giây phút phập phồng trước mùa Xuân khiến chúng ta thích “lắng nghe” hơn là nói ong ỏng lên một điều gì đó: “Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường, mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng. Và em đợi anh, đợi anh như đã hẹn, nghe trong mưa đêm mùa Xuân lặng lẽ sang…”.
Khi các hãng băng đĩa đề nghị mua ca khúc để làm album Tết, nhiều nhạc sĩ trẻ và đang ăn khách đều lắc đầu “Khó lắm! Khó lắm!”. Nói là nói thế để khán giả khó tính thông cảm mà bỏ qua cho những ca khúc bị… ít hay. Thực tế trên thị trường băng đĩa nhạc, toàn là sáng tác của các nhạc sĩ trẻ. Tùy xu hướng thẩm mỹ có thể tiếp nhận các ca khúc “Mưa Xuân” (Đức Trịnh), “Phút giao thừa lặng lẽ” (Anh Quân), “Tình em mùa Xuân” (Trường Huy), “Giọt mưa Xuân (Vũ Quang Trung), “Giai điệu mùa Xuân” (Tuấn Nghĩa), “Dáng Xuân” (Minh Châu)… Nổi bật nhất vẫn là nhạc sĩ trẻ Ngọc Châu với hai ca khúc “Thì thầm mùa Xuân” và “Chiều Xuân”, với chất giọng và phong cách của nhiều ca sĩ khác nhau. Nhịp điệu mùa Xuân của các nhạc sĩ trẻ như hối hả, như giục giã. Câu ca như ngắn lại bởi các liên ba, cung quãng như gấp khúc trong các dạng thức chuyển điệu. Đặc trưng ấy hợp với tình cảm và lối sống của giới trẻ hiện nay.
Tâm Huyền
Theo http://www.baomoi.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tấm bưu thiếp tố cáo  Có một vụ xô xát nảy lửa xảy ra trong khuôn bếp này. Vệt máu khô này tôi đoán là của ông cụ. Tuy ông cụ Phố và gã ...