Cây trái cho đời; Giấc mơ đầy rêu;
Năm ngoại ngoài bảy mươi, ở nhà trông cháu đi ra đi vào buồn
tay buồn chân nên ngoại thường ra vườn trồng cây. Quẩn quanh bên cái ang nước
ngoại cũng có thể tìm thấy mấy cây mít vừa lên hay vài cây bơ mới nảy mầm mà
cách đó vài tuần lũ cháu ngoại ăn vứt xuống.
Cái thị trấn nửa phố nửa quê cũng khiến cho đất đai ngày một
hẹp dần. Thế nên trồng cây gì trong vườn cũng là một lựa chọn khó khăn đối với
ngoại. Hôm ngoại trồng cây mít, một ông lão hàng xóm bảo: “Bà sống được bao lâu
nữa mà trồng. Có khi cây chưa lớn thì mình đã quy tiên”. Ngoại cười, nụ cười
sóm sém vì cái răng sâu đã bị gãy: “Trồng cho con cho cháu chứ phải cho mình
đâu”.
Năm ngoại tám mươi, sức khỏe vẫn tốt. Cây mít thoáng cái mà
đã có gần 10 năm tuổi, bằng tuổi thằng út em mình. Mỗi mùa mít đến ngoại cứ đi
ra đi vào trông chừng những trái mít sắp chín như sợ ai đó trèo hàng rào vào
hái mất. Khi mít chín, mạ mình giục lên hái xuống, mít thơm lừng cả xóm thế mà
ngoại không ăn. Ngoại bảo: “Bây ăn đi, khi nào tao khuất núi rồi thờ cả quả
cũng được”. Nói xong ngoại cười khì khì làm hở những cái răng đã sún.
Nhìn lũ cháu móc từng múi mít ăn ngon lành, ngoại nói: “Cái
tay tao mát lắm. Trồng cây là sum sê trái. Đứa nào thích ăn nhãn, mai kiếm giống
về tao trồng cho”. Mấy năm sau cây nhãn trong khu vườn chật chội đã có quả đầu
tiên. Hái chùm nhãn đầu tiên cho ngoại, vẫn nụ cười sóm sém, ngoại bảo: “Đời
tao thế mà may mắn, trồng cây gì là ăn được cây đó”.
Vừa rồi trường học kỷ niệm mấy chục năm thành lập, tôi về dự,
gặp bạn bè một thuở vui như tết. Có đứa chỉ tay vào cây phượng, cây bàng hay
cây muồng bảo cây này do tay tao trồng nè. Mới đó mà trên hai chục năm. Hèn gì
tóc đã bạc. Tự nhiên nhận ra trong khu vườn rộng thênh thang của trường mình chẳng
để lại một thứ gì để mà nhớ. Những mầm bàng, mầm phượng của mấy chục năm trước
mọc cơ man dưới chân nhưng chẳng bao giờ tôi để ý.
Ở tuổi nào thì trồng cây chưa muộn? Tôi thường hỏi như thế để
rồi thấy mình ngây thơ. Ngay cả ngoại mình đến 80 tuổi vẫn trồng cây dù chẳng
trông mong ngày hái quả.
Tương truyền, Lão Tử trước khi cưỡi trâu xanh đi ở ẩn đã để lại
bộ sách Đạo Đức Kinh mà người đời sau xem là học thuyết vô vi huyền diệu, xứng
đáng là ông tổ của Đạo giáo. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong trong cuộc đời ngắn ngủi
cũng kịp để lại vài bản nhạc. Những tình khúc như Giọt mưa thu, Con thuyền
không bến đã làm tiền đề cho tân nhạc ra đời. Chúa Nguyễn Hoàng trước lúc
viên tịch căn dặn chúa Sãi lấy dân làm gốc, dựa vào dân để nuôi quân chống chúa
Trịnh. Đó là kế sách lâu dài của một triều đại... Những con người như thế,
trong hoàn cảnh như thế đã để lại di sản như thế âu cũng là một cuộc đời viên
mãn bất kể ngắn hay dài. Những gì họ để lại cũng là một “cây ăn trái” mà họ chẳng
mong mình hái được quả!
Di sản thuộc về những người cầm trên tay hạt giống và chọn một
khoảnh đất màu mỡ. Chỉ có thế thôi mà đến nửa đời người mình mới nhận thấy!
Giấc mơ đầy rêu
Đi lâu thì nhớ. Nhớ ngôi nhà đằng sau con đường đất đỏ. Nhớ bờ
ao với vạt bèo xanh biếc dáng mạ ngồi vớt bèo cắt cho lợn. Những gì hiện ra
trong cái khoảnh khắc nhớ nhớ thương thương đó lộ rõ hình bóng quê nhà.
Nhớ hồi còn ở làng. Quanh đi quẩn lại cũng từ đầu đồng, cuối
chợ. Chán ngấy, bức bách như muốn nổ tung. Tự hỏi lúc rời khỏi cái làng bé bằng
bàn tay này, mình sẽ nhớ thứ gì. Lũy tre, triền đê hay hàng cau...? Những thứ
đó đâu đâu cũng có, cần gì.
Nhưng chỉ cần tháng đầu tiên xa nhà, xa quê ăn học ở phố đã
nhớ nhà quay quắt. Nhớ cái ang nước cứ róc rách suốt ngày. Cái ang nước với chiếc
bao cát lọc nước vàng khè vì phèn. Lại thương người dân quê phải uống thứ nước ấy.
Rồi bên cái ang nước là giàn bầu trái đu đưa. Trái nào già ăn được thì cắt dần.
Nhà ít người nên mạ không cắt cả trái mà cắt một phần hay một nửa. Phần còn lại
treo lơ lửng trên giàn vẫn tươi ngon dành cho ngày sau.
Giữa cái không gian ấy là hình bóng của mạ. Mạ hay đi ra đi
vào từ bến đến cái ang nước, xa hơn thì cái giếng rêu và quyết mọc lún phún
xung quanh. Mạ quanh năm đầu tắt mặt tối. Đôi lúc mạ chẳng nhớ nổi ngày tháng.
Chỉ biết khi con bé bên nhà nghỉ hè hay mạ nó báo nó sắp về thì mạ bắt đầu
ngóng con về!
Học năm ba đại học, nghe quê mình đã có Internet. Bọn con
nít, thanh niên đua nhau đi chat chit, chơi game suốt ngày. Đứa em gái học cấp
II cũng bắt đầu thích nghi với máy tính. Nó về bảo mạ muốn thấy anh hai ở tận
trong Nam không. Mạ mình liền theo nó chạy ra quán Internet để xem đứa con trai
mấy tháng chưa gặp. Không biết nhìn cái hình con méo mó, chập chờn thế nào mạ
liền khóc bảo sao mà nó ốm thế, lại còn đen. Sau này mạ bảo không phải khóc vì
thấy con gầy. Khóc vì sung sướng được thấy con. Lúc đó mình bảo mạ đi lại ở ang
nước đầy rêu cẩn thận kẻo trượt, bảo nuôi ít lợn thôi cho đỡ vất vả. Mạ lại bảo
con em nói anh lo học, đừng ham chơi. Heo, gà mạ bán hết rồi. Đừng lo.
Rồi mình về nhà. Mới tới đầu làng bọn con nít vây quanh. Đứa
thì bảo anh Tèo từ phố về à. Đứa thì nói anh Tèo làm cán bộ về thăm quê à. Đứa
lại bảo mụ Hỏn (mạ mình) bị té gãy tay, anh không biết à... Mình chạy ù về nhà.
Vừa chạy vừa khóc. Vào bếp, mạ đang ngồi bằm chuối, tay trái bó bột. Bếp lửa với
nồi cơm sôi sùng sục, khói rơm nghi ngút. Nhìn ra ang nước, nước chảy róc rách
như hồi nào. Những đám rêu ở sân được ai đó cạo nhẵn, sạch sẽ như chuẩn bị cái
sân cho một buổi lễ nào đó.
Mình đi đi về về như thế mà chẳng biết làng đã lên phố tự bao
giờ. Cái bảng tên đường, số nhà trước ngõ. Những ngôi nhà bắt đầu kín cổng cao
tường. Dù xóm đã là phố, ngôi nhà vẫn còn cái ang nước, giàn bầu và đặc biệt
cái sân nhỏ đầy rêu. Đó là những thứ còn lại mà sự đô thị hóa không xóa được ở
nông thôn. Thế là mỗi lần đi xa mình lại nhớ cái khoảnh sân đầy rêu đó. Trong mỗi
giấc mơ cứ thấy mình bị té ngã ở ngay cái chỗ ngày xửa ngày xưa chơi ô quan hay
nhảy dây đó. Những giấc mơ cứ lặp lại trên vùng ký ức mình trải qua ngay chỉ một
mét vuông đất.
Giờ thì mới hiểu vì sao những Việt kiều hằng năm muốn quay về
cố hương. Có người muốn về định cư hẳn. Có lẽ họ cũng có một khoảnh sân để mơ về. Có
người thèm nhìn thấy quê hương đã sắm trong vườn mình những thứ thân thuộc,
chân quê. Rồi thì có người lập chợ người Việt ở tận xứ người xa lạ để mỗi sáng
thấy mớ rau, bó cải.
Ai cũng cần có một mét vuông đất để nhớ. Dù nó đầy rêu và đêm
mơ thấy mình hay trượt ngã.
Bơi giữa dòng sông rất rộng
Nắng đầu mùa làm cho dãy quán bên đường như khô đanh lại. Những
tấm bạt che tạm cứ vươn xa ra khỏi vỉa hè như cố che cái nắng oi ả cho gia chủ
của mình khiến con đường nhỏ lại, lụp xụp chứ không thoáng đãng như mùa đông.
Những đứa trẻ đánh giày nép vào vỉa hè trốn nắng đợi khách.
Chúng quẹt mồ hôi trên trán, cái má đỏ au và đôi môi khô khốc dường như đang độ
cơn khát. Tan tầm rồi mà nắng còn vàng ong. Đám con nít được bố mẹ chở đi lòng
vòng hóng gió. Có đứa mang theo áo phao, áo tắm bấu vào lưng mẹ đi về con phố,
nơi có những bể bơi đông nghẹt người. Thằng bé đánh giày nhỏ nhất chép miệng với
mấy đứa lớn hơn: “Giờ có cái hồ mà nhảy xuống nhỉ, mát ơi là mát. Em biết bơi từ
bé, khỏi cần áo phao”. Những đứa còn lại cùng đồng thanh: “Ừ, ước gì giữa phố
này có một đoạn sông. Chỉ cần nhảy xuống ngụp lặn chứ không cần mua vé thì hay
biết mấy”. Một thằng trầm trồ: “Tao chưa bao giờ bơi ở bể bơi hay mặc áo phao cả.
Ước gì mình được như mấy đứa ngoài phố”, rồi chỉ tay về phía mấy đứa trẻ được bố
mẹ chở đi tắm ở bể bơi đang theo dòng người hối hả ngoài kia. Một đứa khác lên
tiếng: “Bố tao bơi giỏi lắm, giỏi có tiếng ở làng chài. Thế mà đi biển từ lúc
tao còn nằm trong nôi đến giờ bố vẫn chưa về”. Nói đến đây, nó rớm nước mắt. Mấy
đứa khác chọc quê làm nó vừa khóc, vừa cười.
Một đứa khác kể: “Quê tao cũng có con sông chảy ngang làng.
Chiều nào chăn trâu cũng cho trâu mẹp dưới sông rồi tắm. Sông mát lạnh như que
kem ngày hè. Giờ muốn về quê mà nhảy xuống đó vẫy vùng cho sướng nhưng sợ”. Nói
rồi nó im lặng. Mấy đứa kia cứ giục nói đi, sợ gì. Nó chẳng nói, rơm rớm
nước mắt. Có đứa lại động viên, nói đi, nói mau đó rồi tao cho cái kẹo. Lần lữa
mãi thằng bé mới mở miệng: “Mẹ tao mất sớm, ba tao lấy vợ khác. Dì vợ mới của
ba tao đánh tao nhiều hơn cho tao ăn cơm...”.
Hầu hết bọn chúng là những đứa thất học, đều mồ côi cha, mẹ
hoặc cha mẹ mỗi người mỗi ngả. Có đứa theo mẹ gồng gánh từ dưới quê lên, trú tại
khu nhà trọ nào đó, nghiễm nhiên xem mình là người thành phố và mang trong mình
một nỗi cơ cực mà không phải ai ở phố cũng cảm nhận được. Có đứa đẻ ra nơi chốn
đô thành nhộn nhịp được xem là văn minh hơn cả nơi khác nhưng chẳng bao giờ hưởng
được những đặc ân đó. Chúng có số phận khác nhau, độ tuổi khác nhau nhưng đều
có điểm chung là cái bụng bao giờ cũng thấy đói và nhiều nỗi lo sợ. Nếu để ý
thêm tý nữa sẽ thấy chúng đều tóc vàng hoe, áo quần nhếch nhác và đôi dép
thì mỏng tang vì bào mòn trên mọi cung đường.
Bà bán trà đá nghe tụi nhóc bàn chuyện tắm, chuyện bơi, chuyện
gia cảnh mà thương. Những đứa trẻ đánh giày cơm không đủ ăn, tiền đâu mua vé để
bơi. Bà thì thầm với chính mình rồi đập đá, rót cho mỗi đứa một ly trà miễn
phí: “Uống đi kẻo khát mấy cháu. Uống xong còn chạy bán cho hết vé mà về, còn
chạy đánh giày”. Mấy đứa trẻ uống ừng ực một hơi. Một đứa bảo: “Uống ly nước
mát của bà như ngày hè nhảy xuống sông tắm, quá đã đời”.
Cả nhóm uống nước xong rồi tản ra mỗi đứa mỗi đường. Chúng
tràn ra phố như đang bơi giữa dòng sông rất rộng.
Yên Mã Sơn
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 273,
tháng 6 năm 2017
tháng 6 năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét