Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Khi nào mưa thôi rơi

Khi nào mưa thôi rơi
Bắt đầu bằng màn chuyển động vội vàng, gấp gáp của những đám mây hoang. Nơi xa tít tắp. Sầm sập chạy về. 
Mặt đất cũng bộn bề, rộn ràng chẳng kém. Người người. Xe xe. Và lô cốt. Và bụi. Cứ rối tung. Lao nhanh rồi nghẽn lại. Tỏa ra rồi tụ lại một ngã ba ngã tư nào đó. Nhìn trên cao xuống ngỡ như những chú chuột nhảy valse do bị đột biến gene. Và cuối cùng là mưa. Mưa trút. Những giọt nước thi nhau nhảy nhót như một lễ hội của riêng nó. Đất bốc lên những làn khí hầm hập, khó thở. Dòng người dãn dần. Lưa thưa. Lưa thưa. Đường lúc này trông như một bàn cờ tàn, thưa thếch. Ai về nhà ấy, hay tìm chỗ lẩn tránh những tiếng ì ùng của thiên lôi ở một mái hiên, một quán cà phê, một điểm chờ xe bus. Chính lúc ấy, Quỳnh lao ra khỏi phòng trọ. Xe Jupiter. Áo khoác hiệu Nike fitstorm không thấm nước. Mắt kính Hugo Boss. Giày thể thao Converse. Và cái đầu trống rỗng, Quỳnh lao đi.
Qua vài khúc cua. Rẽ trái. Rẽ phải. Thêm vài lần về số lên số với đèn xanh đèn đỏ đã ra tới xa lộ. Kéo ga. Cứ thế. Con Jupiter lao phăm phăm. Đường quang. Chỉ có mưa. Mưa phả ran rát. Mưa đập ram ráp. Mặc. Quỳnh chẳng buồn rạp người xuống. Cứ giương mắt ếch lên. Quỳnh cảm giác mình đang bay. Lơ lửng và nhẹ nhàng. Êm lắm. Cứ như ru. Cứ như không trọng lượng. Cứ như sắp bước sang một miền khác. Vậy là đang thoát. Thoát khỏi sự ngột ngạt chất ngất này!
Đấy là những giây phút Quỳnh cảm giác được sự tồn tại của mình thật nhất. Còn lúc này đây Quỳnh gò lưng ở một góc quán cà phê gõ gõ những dòng chữ lúc thăng hoa, khi sống sượng, lúc bay bổng, khi trần trùi trụi để kiếm những đồng cho sự tồn tại theo nghĩa là cần phải nạp đủ năng lượng, dẫu tối thiểu, cho mấy cơ chế đồng hóa, dị hóa của cơ thể như những sinh linh bình thường ở cái thành phố ngót nghét gần mười triệu người này. Để chiều chiều lại tự thưởng cho mình một bữa nhậu bên bờ kênh bốc mùi ô nhiễm, không biết vẳng lên từ quá khứ hay tương lai dội lại. Người ta nói những người trẻ như Quỳnh đang đi tìm sự lạc loài của bản thân bị tạo hóa nặn ra, gửi vào thế giới quá ư chật chội này. Chật chội nên cuộc kiếm tìm như mò kim đáy bể. Càng quẫy, càng đạp, càng thấy mọi thứ như rối tung. Dẫu rằng, trong tập hồ sơ quăng ở góc phòng, do một lần nổi hứng đã làm, giờ chắc dày thêm theo vài lớp bụi, hay bị ô xi hóa của thời gian, cũng có thể chịu sự tác động cơ học gặm xé của gián, trong ấy có ghi:
Tên: Lê Quỳnh
Giới tính: Nữ
Tuổi: 27
Trình độ: Cử nhân báo chí
Công việc từng làm: Viết tự do
Phải. 27 tuổi. Một mình một xe. Một mình một phòng trọ. Vật bất ly thân là chiếc laptop. Công việc thường nhật là gõ gõ bàn phím. Niềm vui thường xuyên là kéo ga hết cỡ. Và nhậu. Chấm hết. Nếu muốn mở ngoặc thêm về đặc điểm nhận dạng thì, câu cửa miệng luôn luôn là những động từ mạnh không phải nhà mô phạm, nhà giáo dục học nào cũng nuốt trôi được. Vậy mà đôi lần đi trong mưa Quỳnh vẫn tự thắc mắc, tại sao mình học tới đại học được, ra trường được. Cử nhân như ai. Ở cái đất này vào đại học nghĩa là cũng phải đạp lên đầu không biết bao nhiêu người.
Mẹ gọi điện:
- Dạo này sao rồi con?
- Dạ, con vẫn thường. Mẹ ở nhà thế nào?
- Thế nào hay không thế nào chị cũng có đoái hoài đâu. Mẹ mày sắp chết rồi đây.
Thế là lại nhét vội vài thứ lặt vặt vào ba lô. Lên chiến mã. Và rú ga. Hai tiếng. Phải. Hai tiếng là tới nhà. Nhưng không hiểu sao cứ về tới đầu phố huyện thì không thể kéo ga lên được. Ở nơi ấy, trong một con hẻm, qua mấy lối rẽ, có một căn nhà. Trong căn nhà ấy, người mẹ già ở đấy.
- Mẹ, mẹ ơi. Mẹ đâu rồi! Quỳnh vừa chống xe cái xịch, quăng chiếc ba lô xuống thềm, vừa kêu.
- Cha bố chị, về rồi đấy. Rửa ráy đi cho mát rồi ăn cơm.
- Sao mẹ bảo ốm!
- Không nói thế làm sao chị vác xác về.
Quỳnh làm mặt giận. Nhưng chỉ ngúng nguẩy một lát. Một lát thôi. Rồi ôm ngang hông mẹ. Sau đó giằng tay lấy rá rau vung vang, thứ rau vùng này dùng nấu canh chua, món mà mẹ biết Quỳnh kết nhất mỗi khi về nhà. “Thôi, mẹ nghỉ đi, để con nấu”. Kiểu gì hai mẹ con cũng giành nhau rá rau giữa sân, trong chút ánh nắng còn sót lại của vùng chiều miền Đông. Chắc chắn mẹ phải thua. Quỳnh vào bếp băm băm thái thái. Mẹ đứng ngoài sân, nhìn vào lắc đầu, chép miệng “Nó cũng con gái lắm chứ. Sao mãi không dẫn thằng nào về hả con!”
Tối ấy, Quỳnh sẽ rúc vào nách mẹ. Sẽ tìm chút bình yên cho lòng mình. Nhưng nào yên được. Mẹ lại dấm dứ, không biết bao nhiêu lần rồi:
- Sao cứ chạy rông mãi thế? Chị chưa thấy mệt à? Lo yên bề đi. Mẹ ở một mình cũng buồn.
- Quỳnh đã mệt chưa? Chạy nhiều quá. Mẹ có biết Quỳnh cũng mỏi quá rồi. Nhưng không hiểu sao, không dứt ra khỏi cái guồng quay ấy được. Cứ như ăn phải bả. Sài Gòn ấy, nó như cái thanh nam châm khổng lồ mà Quỳnh thì chỉ là một mẩu sắt vụn, chẳng thể thoát ra khỏi từ trường ấy. Nghĩ rồi Quỳnh càng rúc sâu vào nách mẹ hơn. Hình như má nong nóng. Hơi ấm từ tấm thân ngũ tuần đã tới hồi rệu rã có phả ra được bao nhiêu đâu. Nhưng sao cứ ấm. Mắt Quỳnh có nước. Thứ nước mằn mặn. Dù bụi phố phường chưa bao giờ khiến nó mảy may chảy lấy một vài giọt gọi là. Vậy mà bên mẹ nó lại đang lăn ra, đang phản lại chủ nó. Nhưng bao giờ, lúc nào, trong những khi mẹ nói thế, Quỳnh cũng cố nhí nhảnh lại, trang bị cho mình một bộ mặt, một giọng nói mới. Lúc này Quỳnh không còn xưng là con nữa, mà là mình với bạn, hồn nhiên như đứa trẻ lên năm lên bảy.
- Dù gì mình cũng không ở với bạn được.
- Mẹ có bắt chị nuôi đâu. Mẹ còn vườn, còn nhà cửa, lương hưu. Rồi sẽ là của chị cả đấy.
- Mình không nhận đâu. Hay bạn qua ở với gia đình anh chị đi. Bán nhà, gửi tiền anh chị luôn. Ở một mình thế này, có tuổi rồi, lỡ trái gió trở trời.
- Mẹ không đi đâu hết. Chị không về, mẹ ở một mình.
- Hay là mình kiếm chồng cho bạn. Trông bạn còn phong độ lắm.
- Cha chị chứ. Giỡn với chị đấy hả. Lo cho cái thân chị ấy!
Và Quỳnh cù vào nách mẹ cho tới khi mẹ giãy nảy lên mới thôi.
Ừ, lấy chồng cho mẹ. Cái ý nghĩ tưởng rồ, hóa ra Quỳnh thấy thú vị. Mẹ chịu đựng vì mấy chị em quá nhiều rồi. Bố mất từ thuở Quỳnh chập chững, mẹ ở vậy lam lũ, chạy đông chạy tây, quay đủ đường cho chị em bằng bạn bằng bè, học hành đến đầu đến đũa. Vậy mà Quỳnh học rồi cứ đi biền biệt. May mấy chị lập gia đình còn ở gần. Có phải vậy nên Quỳnh mới ỉ thế, như con ngựa bất kham, chạy theo khói bụi thị thành? Giờ phải tìm bạn cho mẹ thôi. Có lần tết, mấy người bạn già ở tổ hưu trí qua nhà chơi, Quỳnh nghĩ là làm, thẳng tưng như ruột ngựa. Ai vào Quỳnh cũng hỏi. Thứ nhất “Bác đang ở một mình hay với ai ạ?” Nếu xuôi thì câu tiếp theo “Bác thấy mẹ cháu thế nào?” Hoặc cách hai, ngược lại “Bác ở cùng xóm, qua lại luôn, bác thấy mẹ cháu thế nào?” rồi tiếp “Bác đang ở một mình hay ở với ai ạ?” Nổi hứng lên Quỳnh còn phang luôn, nếu bác đồng ý qua ở cùng mẹ cháu, cháu sẽ cho quà hồi môn trị giá bao nhiêu đó. Bà mẹ trên năm mươi tuổi phải thẹn đỏ mặt với cô con gái rượu có tiếng là ngang nhất xóm từ thuở tóc để chỏm.
Thế rồi Quỳnh lại đi. Tuế tóa, ồn ào, ấm áp lòng rồi lại đi. Quỳnh bỏ lại phố huyện bụi mù đất đỏ, đang vỡ ra với mấy công ty xí nghiệp liên doanh Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông để về Sài Gòn. Mẹ chẳng khuyên được. Tặc lưỡi. Cái số nó rồi khổ. Tuổi Tuất sinh vào nửa đêm đông sao mà chạy hoài chạy mãi?!
Sài Gòn có cái gì? Là cái lò bát quát khổng lồ chứ gì. Sao ai cũng thích lao vào nhỉ? Vào cái lò ấy trăm tên chỉ vài tên chịu được, sống được, trụ nổi và nên người (là nên người theo cái nghĩa sống đàng hoàng, chứ không phải vất vưởng, là ngợm chứ không là người). Còn lại văng ra cả. Mà văng ra rồi thì không trầy vi cũng tróc vẩy, không thương tật nặng cũng thương tật nhẹ. Mỗi năm không biết bao nhiêu sinh viên ra trường, ngơ ngác, quyết tâm, sống chết cũng bám lại. Dù không có công việc ổn định. Cũng cứ cố bám lấy phố. Tạm thời tiếp thị sản phẩm đã. Tạm thời kiếm chân phục vụ đã. Tạm thời làm cu li đã. Đời mà. Đường còn dài lắm. Đường xa vạn dặm. Thành công không đến với những kẻ lười nhác và thiếu kiên trì. Thánh nhân dạy thế. Thế là phải bám. Quyết tâm bám để gột đi cái chất cả mấy chục đời bần cố nông, văn minh ruộng đồng. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Thế hệ F1 phải hơn mình chứ. Không thể như cụ tổ, ông nội và bố. Thế đấy. Quỳnh đã từng xổ toẹt vào những ý nghĩ kiểu ấy. Hồi sinh viên đã phang vài bài về cái sự gia tăng dân số một cách quá đáng, mù quáng và không kiểm soát được ở thành phố này.
Đó là chưa kể một lực lượng hùng hậu những con nai vàng ngơ ngác, chui ra khỏi lũy tre làng, não thì bằng quả nho mà chân tay to như cây chuối hột cũng bị ma lực ánh sáng phố thị hấp thụ về. Tất cả đổ xô vào. Rồng rồng rắn rắn. Cứ tưởng ở phố rồi sẽ thành người phố. Thấy ô tô máy bay là mình cũng chạy theo được. Những chàng trai cô gái chưa phổ cập tiểu học, hay trung học này không biết rằng, họ có ở đâu thì vào toilet năm sao vẫn cứ ngồi chồm hổm như hố xí hai ngăn ở làng, ngồi bàn tiệc, ăn xong vẫn tỉnh bơ dùng đũa chùi mép như gang mồm mình lại. Họ không biết rằng đang bị những thằng Tây thằng Tàu rút hết sức lao động bằng những đồng lương rẻ mạt. Rồi thì tăng ca. Rồi thì quay cuồng. Rồi thì ngủ gật ngay trên máy. Kim đâm phải tay. Máy cán phải chân. Và đụng tí sẽ phải lãnh đủ những lời cay độc, thóa mạ của những thằng cha quản lý ngoại quốc chỉ biết bóc lột sức lao động, xem con người rẻ như bèo. Rồi thì lúc nhúc trong khu nhà trọ nóng như chảo rang. Rồi thì sướng lên cũng ghép đôi lại. Đám cưới xập xình. Sinh thêm những công dân không có hộ khẩu mới cho thành phố. Tất cả mù mờ lao theo miếng ăn ngáp ngắn ngáp dài. Mọi thứ trở nên chật chội. Căn phòng trọ chẳng thể nở ra. Mà người cứ lúc nhúc. Đến tiếng rên của một cuộc làm tình, âu yếm cũng phải chớp nhoáng, dù kìm hơi hết cỡ cũng cho cả xóm nghe.
Đấy. Sài Gòn đấy. Với Quỳnh, chẳng phải ở Sài Gòn để kiếm miếng đất, để lừa một thằng chồng ra tấm ra món hay khoác lên mình chút văn minh đô thị. Quỳnh dửng dưng tất. Là rác. Mấy thứ ấy là rác. Không biết sao, biết là rác mà cứ nhảy vào.
Qua cầu Đồng Nai đã thấy người nóng lên. Qua cầu Sài Gòn thì cảm giác mình lọt tõm vào cái túi người khổng lồ. Và tranh nhau thở. Tranh nhau đường. Không phải Quỳnh không biết sự ngột ngạt và bức bách. Biết đấy. Thấy đấy. Sờ vào rồi đấy. Đi guốc vào bụng rồi đấy. Nhưng mà cứ lao vào như một con thiêu thân.
Hôm nay nhận được thiệp hồng. Quỳnh thở dài. Lại thêm một con cá nữa bị úp vào nơm và chuẩn bị lên thớt. Ừ, thôi thì chúc mừng cho tụi mày. Trăm năm hạnh phúc nhé. Đầu bạc răng long nhé. Có gì cũng đóng cửa bảo nhau nhé. Cơm lành canh ngọt nhé. Chia ngọt sẻ bùi nhé. Còn gì nữa nhỉ? Nói mãi rồi. Nhàm quá. Đám cưới nào cũng thế. Thành ra không chủ ý mà miệng thành phản xạ. Hay là robot rồi không biết. Cưới cưới xin xin. Lại nhà hàng, khách sạn. Không đi không được. Không đi thì thiếu mà đi thấy mình như người thừa, lạc lõng. Ngày mới ra trường còn háo hức. Giờ ngán. Đám cưới nào cũng một kịch bản. Bỏ phong bì. Ăn. Chụp ảnh với cô dâu chú rể. Lúc nào cũng phải cười. Nụ cười cơ học. Chẳng biết cái bắt tay rồi cô dâu chú rể có nhớ nổi mặt khách không? Nhớ được có là thánh. Quan trọng bỏ được cái phong bì vào thùng là hoàn thành sứ mệnh. Dẫu là khách sạn ngàn sao hay nhà hàng đám cưới tập thể của công nhân cũng như nhau tất. Và tối ấy, trong danh sách bạn bè thêm một cái tên bị đánh dấu. Thêm kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, hay kẻ theo vợ đánh rơi bạn bè.
Tan đám cưới, con bạn nói:
- Thôi, đủ rồi. Tu đi. Kiếm một chỗ lấy nơi đi về cho mọi người an lòng. Và mình cũng có bến bình yên nữa.
Quỳnh cười toét:
- Đếch hiểu sao nhìn mặt gã đàn ông nào tao cũng nghi ngờ. Hình như mặt đất này trong mắt tao toàn bọn đểu hết, không xực được mày ạ.
- Mày thành thám tử từ bao giờ vậy?
- Chắc nhiễm Tào Tháo. Cả loài người đang sống một cách bất an. Thế giới này rồi sẽ loạn. Tất cả rồi nổ tung hết mày ạ. Không hiểu sao, tao cứ nghĩ thế. Vậy thì cũng tàn đời cả thôi.
- Mày nghĩ gì rồ dại thế. Còn vui được cứ vui. Hơi đâu nghĩ mấy thứ “vĩ mô” ấy.
- Ừ, tao đang rất thoải mái, rất vui đây. Ngày mai dù có ra sao nữa, mà có ra sao cũng chẳng sao. Hay phải tưới thêm tí tình thì đời mới thăng hoa được?
- Thử đi. Chưa thử sao biết. Mà trước hết phải ổn định đã. Phải chó dái đâu mà chạy rông ghê thế!
- Tao tuổi Tuất đấy.
Ừ, nhưng là Tuất cái, là con gái.
- Nhiều lúc tao nghi ngờ giới tính mình. Đếch biết phải mình là con gái không? Hay mình lưỡng tính mẹ nó rồi.
- Phỉ phui cái mồm. Mày chỉ biết nói thế thôi à?
- Biết chửi thề và nhậu nữa.
- Thôi dẹp, nói chuyện quan trọng. Đi làm đi. Viết tự do thế đủ rồi. Vài cái giải lặt vặt, tên mày độc giả chắc cũng quen rồi đấy. Chắc xin không khó.
- Nhưng tao ghét gò bó, ghét sự sai khiến. Chỉ tao mới khiến được tao. Nhiều khi tao cũng đếch khiến được mình nữa là.
- Biết thế, nhưng có phải cứ cơ quan là hạch sách, sai khiến đâu. Chút chút thôi. Dung hòa là được. Cả nhóm mình còn mày là cờ lơ phất phơ. Đây, mai cứ đưa hồ sơ tới tòa soạn này, chắc chắn Ok ngay.
Sáng hôm sau mắt nhắm mắt mở tỉnh dậy, thấy tập hồ sơ xin việc lờ mờ ở bàn Quỳnh mới nhớ chuyện cô bạn dặn. Nếu nó rơi dọc đường tối qua thì có lẽ hay hơn. Cô bạn nói, đưa địa chỉ và cả túi hồ sơ, nói về điền thông tin vào mấy tờ khai, thêm bằng và mấy cái chứng chỉ nữa. Là biết thế, sau đấy Quỳnh đi nhậu tới tăng ba, phải gần một giờ sáng mới mò về đến phòng. Ngủ như chết. Sáng ra thấy tập hồ sơ mới nhớ. Ừ thì đi. Cũng chẳng làm gì. Vào xem cái tòa soạn này mặt ngang mũi dọc ra sao. Bình thường mới chạm vào cửa là tới bộ phận nhận nhuận bút nên để ý gì đâu.
Tiếp nhận hồ sơ là một lão mắt híp, môi thâm, trán ngắn, má phệ và có cái nốt ruồi to đùng, như con ve chó đóng dấu thương hiệu bên mép cằm. Trên “con ve chó” thêm vài sợi lông đung đưa như cần ăng ten, mà giống râu loài gián thì đúng hơn. Lão niềm nở đón Quỳnh. Sau một hồi phỏng vấn lấy lệ, lão kết luận:
- Anh thích khẩu khí của em. Và cũng đã biết em qua các bài viết khá nhiều. Em xứng đáng là ứng viên ưu tiên cao nhất. Nhưng có vài điểm lưu ý nhỏ khi về báo ta, cái này anh muốn kín đáo nhắc giúp em thôi. Hôm nay anh có thể mời em dùng bữa ở khách sạn W. chứ? Vừa nói lão vừa đưa cặp mắt, chắc chắn là kết quả lai cải tiến qua nhiều thế hệ giữa loài cú vọ, diều hâu và quạ đen, về phía Quỳnh, ánh mắt kéo dần từ cổ xuống ngực rồi đóng khung lại ở nơi chiếc áo lá đang phập phồng.
Quỳnh giật mình, nhưng vẫn tỉnh bơ:
- Bác thích à? Vậy cần gì phải đợi tới trưa. Ngay giờ đi. Ở đây luôn nhé. Em cởi đồ nhé, nhanh thôi. Bác trụ được mấy phút. Có phải dùng viagra không, em có đây?
Mấy nhân viên ra vào phòng há hốc miệng. Lão nhận hồ sơ tái mặt. “Con ve chó” rung rung rồi tím ngắt. Mấy sợi ăng ten rủ xuống như cờ lá chuối hơ qua lửa. Và Quỳnh quay gót, nói bye bye.
Không hiểu sao sáng nay dậy thấy lòng trống rỗng. Lâu lắm rồi, có lẽ hơn một năm, sau lần vào xem phòng và đồng ý thuê, lần đầu tiên Quỳnh nhìn căn phòng trọ của mình một cách có chủ đích, có động tâm. Chín năm ở thành phố này với vài chục lần tìm phòng chuyển phòng, nhưng nào để ý gì. Thấy chỗ nào chui vào chui ra được, an ninh tàm tạm là vào. Phòng trọ với Quỳnh chỉ là nơi gửi xác qua đêm vài tiếng để hồi sức cho những cuộc chạy vào ngày mới. Giờ đây Quỳnh mới nhìn lại cái Quỳnh vẫn nói với bạn bè là “ổ chó” của mình. Có vẻ nó tồi tàn quá. Đúng thôi, nó đâu được bàn tay chủ nhân chăm bẵm. Thật tội và vô phúc cho nó, nếu là một cô nàng khác thì căn phòng sẽ được mặc áo mới với những tờ dán tường lộng lẫy, những bức tranh điểm xuyết. Bàn sẽ ra bàn. Ghế sẽ ra ghế. Chứ không phải mỗi thứ một nơi với sách vở, giấy tờ nằm rã đám, ngả ngớn như một thằng say thế kia. Và trần nhà nữa, đâu nhiều nhện quanh năm rút ruột nhả tơ làm tổ và đánh đu, tập thể dục suốt ngày như thế. Bất giác Quỳnh thấy con nhện cái mang bụng trứng to ngật ngưỡng, đang ặc è bám ở góc trần của phòng.
Sẽ có vài trăm sinh linh sắp chào đời vào thế giới ngột ngạt này đây. Chúng có biết điều gì đang chờ đón chúng không nhỉ? Chỉ một nhát chổi quét thì mọi thứ với chúng là tan tành giấc mộng. Sao chúng vẫn vô tư như say đời thế kia. Không dưng Quỳnh thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Lâu nay mình có can hệ vào thế giới này không? Thấy thèm một cuộc gọi điện, một cái tin nhắn của ai đó la cà lạc vào máy quá thể. Của ai cũng được, dẫu là nhầm máy, để thấy mình còn tồn tại.
Chờ không được thì phải gọi. Quỳnh quờ tay kiếm chiếc điện thoại. Bực. Máy hết pin, hiện nguyên hình là một cục đồ chơi. Cắm bộ sạc. Còn ngây ngây chưa định vị mình thì máy rung. Giật thót mình:
- Mẹ ạ, lâu nay mẹ sao rồi? Quỳnh vặn mình phấn chấn lại.
- Sao trăng gì nhà chị, làm gì mà lặn mất tăm lâu thế con? Điện thoại sao mẹ gọi mãi mà không được?
- Dạ, máy con hết pin, vừa sạc lại. Mẹ lại giận con à, để con về giờ nhé.
- Ừ, đang giận đây, nhưng mà thôi, ở nhà giờ đang mưa, gió nữa, để một hai hôm nữa nắng lên thì về.
- Không, con về giờ. Mẹ kiếm lá vung vang ở vườn nhé. Con về tiện thể ghé chợ mua cá. Trời mưa mẹ không được đi chợ đâu đấy.
Nói rồi Quỳnh bật dậy. Vội vàng nhét mấy thứ vào ba lô. Quỳnh lao ra khỏi phòng. Xe Jupiter. Áo khoác hiệu Nike fitstorm không thấm nước. Mắt kính Hugo Boss. Giày thể thao Converse. Và cái đầu khát những cơn mưa, Quỳnh lao về. Không, Quỳnh đi đón những cơn mưa. Cơn mưa phía ấy có mẹ. Chỉ chạy trong mưa Quỳnh mới thấy lòng mình yên bình, nhẹ lại. Hai tiếng nữa. Phải. Hai tiếng nữa Quỳnh sẽ chạm vào cơn mưa. Có thể sớm hơn. Quỳnh đang lao về hướng ấy. Quỳnh cứ muốn chạy mãi như vậy. Chạy mãi trong mưa. Nếu mẹ biết điều này, chắc mẹ xót lắm, lại chép miệng: Biết tới khi nào mưa mới thôi rơi!.
Văn Thành Lê 
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dăm phía đời, gác lại…  Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản ...