Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe
Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe
Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa...
Ngày xưa, người ta hăng hái rủ nhau lên đường... Đường lên
Thiên Thai. Đường tới Xứ Hoa Đào. Đường vào tình sử. Đường ra chiến trường. Đường
lên sơn cước. Đường về xóm nhỏ. Đường thiên lý hiền lành. Đường gập ghềnh khúc
khuỷu. Đường mòn dữ dội. Ngày xưa có con đường vui đầy ánh sáng. Có con phố buồn
không đèn, không tên. Có hoạn lộ dẫn đến cửa quyền. Có ngõ cụt chạy vào lao
tù... Có cả đường lên trời, xuống địa ngục của niềm tin.
Có đường diễm ảo, mộng mơ. Thênh thang, lộng gió. Có đường đẫm
mồ hôi, trộn máu hòa nước mắt. Chật hẹp, ngoằn ngoèo. Những con đường lầm lì dầm
mưa dãi nắng. Những con đường uốn lượn cạnh bờ vực.
Ai trong chúng ta lại không ôm ấp, gìn giữ trong lòng một hai
con đường?
Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù
Theo nhau buổi đó đường mơ
(Phạm Thiên Thư, Ngày xưa Hoàng Thị)
Anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù
Theo nhau buổi đó đường mơ
(Phạm Thiên Thư, Ngày xưa Hoàng Thị)
Trả lại em yêu khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát.
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt...
(Phạm Duy, Trả lại em yêu)
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát.
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt...
(Phạm Duy, Trả lại em yêu)
Những con đường của hẹn hò, yêu thương bỗng một ngày kia vang
dội lời ca:
Xuống đường! Xuống đường nào anh em ơi!
Tay cầm tay ta cùng bước tung ra phố phường
(Trần Nhật Nam, Xuống đường).
Tay cầm tay ta cùng bước tung ra phố phường
(Trần Nhật Nam, Xuống đường).
Có con đường hàng ngày đón nhận tất cả mọi người, bỗng dưng bị
trở thành nhân chứng bất đắc dĩ của thi nhân nông nổi:
Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi!
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi...
(Tố Hữu, Dửng dưng, 1938)
Dửng dưng không một cảm tình chi!
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi...
(Tố Hữu, Dửng dưng, 1938)
Huế ơi, đẹp lắm quê nhà
Câu Nam ai hóa bài ca anh hùng
Ai đi qua đó miền Trung
Xin mời ghé lại, vui cùng Huế tôi!
(Tố Hữu, Bài ca quê hương, 1975)
Câu Nam ai hóa bài ca anh hùng
Ai đi qua đó miền Trung
Xin mời ghé lại, vui cùng Huế tôi!
(Tố Hữu, Bài ca quê hương, 1975)
Đáng thương nhất là những con đường mang nặng dấu ấn của một
thời kì đen tối, khủng khiếp:
Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!
(Bàng Bá Lân, Đói)
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!
(Bàng Bá Lân, Đói)
Nạn đói khủng khiếp đã giục giã hàng hàng lớp lớp lên đường cứu
dân, cứu nước:
Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng...
(Lưu Hữu Phước, Lên đàng)
Kiếm nguồn tươi sáng...
(Lưu Hữu Phước, Lên đàng)
Đường Việt Nam chứng kiến nhiều chết chóc, nhiều cuộc chia
lìa, dang dở.
Đường về Hà Nội xa thăm thẳm
Hởi phố phường xưa bao mến yêu
Mưa nắng có thay lòng kẻ ở
Người đi tình vẫn vấn vương nhiều
(Lê Minh Ngọc, Đường về Hà Nội)
Hởi phố phường xưa bao mến yêu
Mưa nắng có thay lòng kẻ ở
Người đi tình vẫn vấn vương nhiều
(Lê Minh Ngọc, Đường về Hà Nội)
Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức...
(Trịnh Công Sơn, Em còn nhớ hay em đã quên)
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức...
(Trịnh Công Sơn, Em còn nhớ hay em đã quên)
Tôi muốn mời em về
Thăm lại Hà Nội xưa
Cổ Ngư chiều đổ lá
Trong mưa buồn lưa thưa
Tôi muốn mời em về
Thăm lại Sài Gòn xưa
Duy Tân chiều say nắng
Uống môi nồng hương xưa
(Mời em về)
Thăm lại Hà Nội xưa
Cổ Ngư chiều đổ lá
Trong mưa buồn lưa thưa
Tôi muốn mời em về
Thăm lại Sài Gòn xưa
Duy Tân chiều say nắng
Uống môi nồng hương xưa
(Mời em về)
Đường Cổ Ngư, đường Duy Tân dìu dịu buồn, day dứt hơn cả cầu
Ô Thước.
Tôi chẳng bao giờ được dìu người yêu đi dạo đường Duy
Tân, chẳng bao giờ được thấy đường Cổ Ngư để vấn vương, nuối tiếc.
Tôi chỉ biết, chỉ thích mấy con đường "trèo me ném sấu, chơi bi đánh
đáo" của trẻ con thôi.
- Cuối năm 1946, nhà mình ở Bốn chó đá dưới Hoàng
Mai. Ông bà bên nội bên ngoại ở trong làng, nhà mình ở ngoài phố. Bố có xưởng gỗ.
Mẹ buôn bán dăm ba thứ tạp hoá. Trước ngày toàn quốc kháng chiến hai ba ngày,
có lệnh tản cư. Gia đình mình 8 mạng người, thằng Thăng còn phải ẵm ngửa, mày
được 4 tuổi, dắt díu nhau chạy vào Om, Nhót, Quỳnh Lôi (Thanh Trì). Vất vưởng mất
mấy tháng, rồi hồi cư. Cả nhà bị ghẻ lở bê bết. Nhà mình tan tành, xưởng gỗ bị
đốt.
Có người mách Bố làm đơn khiếu nại. Tây gọi Bố lên điều tra,
cuối cùng chấp nhận bồi thường xưởng gỗ bị lính tây đốt phá. Bố xin được giấy
phép lên Hà Nội. Từ đấy nhà mình sống luôn trên Hà Nội.
Gia đình mình thuê được một phòng trên gác nhà cụ Vượng ở phố Bút
Xa (Goussard), người mình gọi là phố Chợ Đuổi (Tuệ Tĩnh bây giờ).
- Con nhớ cái phố "Bút sa gà chết" của Mợ rồi.
Nhà cụ Vượng thì con chỉ nhớ cái " kỉ niệm đầu tiên trong đời " thôi.
- Mày học lối ăn nói đao to búa lớn của ai vậy?
Ranh con mà cứ như nhà văn, nhà báo viết Hồi kí không bằng!
Nhà cụ Vượng là cái mốc xa nhất của trí nhớ của tôi.
Tôi bị ngã cầu thang nhà cụ Vượng, lăn từ trên tầng gác xuống
đến gần sân. Đầu đập vào bực thang bằng gạch, rách toạc một vệt ngay phía trên
mắt phải. Mỗi lần nhắc đến Mẹ vẫn còn sợ.
- Hôm ấy, Mợ tưởng mày chết mất.
May mà tôi chỉ phải mang suốt đời một cái sẹo lớn màu đen. Bố
Mẹ vẫn gọi đùa tôi là "thằng ba mắt".
Phố Chợ Đuổi năm 1947 bắt đầu từ phố Huế đến phố
Lê Lợi (Bà Triệu bây giờ). Tiếp theo là cánh đồng bỏ hoang.
Ở nhà cụ Vượng được mấy tháng thì Bố Mẹ dọn sang nhà số 35 vẫn
phố Chợ Đuổi, nằm xế bên kia đường. Căn phòng cũng ở trên gác như bên nhà cụ Vượng
nhưng phòng nhà này rộng hơn. Phía dưới là một cửa hàng giặt là quần áo. Lối
vào nhà vừa tối vừa lấm tấm bụi than quả bàng. Mùi thuốc giặt (Javel) nồng nặc.
Hơi nóng của lò than đặt trước cửa bốc lên tận ban công...
Ở nhà 35 Chợ Đuổi được độ một năm thì lại dọn nhà. Lần này dọn
sang 112 phố Lê Lợi. Nhà nằm giữa Nhà thương đau mắt và chùa
Chân Tiên. Dưới nữa là nhà Diêm.
Tôi còn nhớ... Trước mặt, bên kia đường là nhà "cô Cúc
giết ông huyện Trường". Cách nhà cô Cúc mấy bước là nhà "cô Minh Đỗ
hát nhạc cải cách".
Cái nhà số 112 Lê Lợi cũng để lại cho tôi một kỷ niệm.
Hôm ấy Bố có khách, chị Thoa rủ tôi ra ngoài sân chơi. Chị
cho tôi leo lên xe đạp của Bố, dắt đi ven bờ tường. Bỗng có tiếng Bố từ trong
nhà vọng ra:
- Thoa ơi, đun cho Cậu ấm nước!
Chị Thoa "dạ" thật to, rồi buông xe, chạy xuống bếp.
Chiếc xe lăn kềnh ra lối đi. Tôi khóc thét lên. Bố chạy ra nhấc xe, đỡ tôi dậy.
Tay trái đau quá. Đến tối vẫn còn đau. Hôm sau khuỷu tay bị sưng to.
- Giời đất ơi, mày bị trẹo tay rồi.
Chị người ở đưa tôi đến một gia đình người quen của chị. Sau
một hồi xì xào với vợ chồng chủ nhà, chị dỗ tôi đi ngủ. Lúc tỉnh dậy thì... chị
về Hà Nội rồi. Tôi ngơ ngác, lo sợ. Sáng sớm hôm sau, tôi đang ngủ thì bị những
tiếng sột soạt xung quanh đánh thức. Có tiếng thì thầm:
- Cậu ấy còn ngủ...
Một lát sau lại có tiếng đều đều. Tôi giả vờ ngủ, nằm im. Về
sau mới biết ông bà chủ nhà là người Công giáo, sáng sáng cầu kinh.
Gần trưa thì ông lang đến. Ông xem tay tôi. Xem xong ông mở đẩy
lôi ra cái cối, cái chày bằng gỗ. Ông mở gói giấy lấy một nắm lá bỏ vào cối. Mở
chai rượu đong một tách nhỏ đổ vào cối. Trộn đều. Rồi giã. Rồi đến màn "tra tấn". Ông nắn bóp, rịt thuốc, quấn một lớp vải, bó tay cho tôi. Tôi bị
một trận đau điếng. Sợ ông lang quá. Mấy lần ông đến "thay thuốc"
làm tôi... hết hồn. Tôi chỉ nhớ là mình sợ ông lang. Hoàn toàn không nhớ những
bữa cơm, những lúc chơi đùa với con ông bà chủ nhà.
Độ một tuần sau chị người ở trở lại. Mừng quá.
Năm 1949...
- Dư ơi, Cậu ghi tên cho mày đi học rồi đấy.
- Dạ!
"Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió
lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường
này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật
chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm
nay tôi đi học ". (Thanh Tịnh, Tôi đi học).
Tôi cắp sách đến trường Quang Trung, học lớp năm với thầy Ân
râu quai nón!
Ngày ngày tôi lững thững, nhởn nhơ đi hết phố Lê Lợi, đến ngã
tư Trần Quốc Toản thì rẽ trái, đi thêm một quãng là tới trường Hàng Kèn. Bố
Mẹ quen gọi như vậy.
Tuổi thơ được ê a làm quen với con đường :
Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng.
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng,
Hương đồng quyến rủ hát lên vang.
(Tế Hanh, Lời con đường quê)
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng.
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng,
Hương đồng quyến rủ hát lên vang.
(Tế Hanh, Lời con đường quê)
Đi học, tôi học được nhiều trò chơi. Trò nào học cũng nhanh,
cũng khá. Chẳng bao lâu phố Lê Lợi trở thành "con đường bi đáo" của
tôi.
Năm 1951, Bố Mẹ tậu được căn nhà số 43D Ngô Quyền của bà Cao
lai tây đen. Mẹ đứng ra gọi thợ sửa chữa, lát gạch hoa, xây bể nước... Mẹ hãnh
diện khoe họ hàng cái nhà " phố tây, 4 thước bề ngang ". Đúng là
phố tây. 43B là nhà bà Đại me tây, 43C là ông Thiệu may đồ đầm, 45 là tây
lục lộ. Trước mặt là nhà thầy kiện Mayer (đại sứ quán Indonésia bây
giờ). Nhìn tréo sang bên tay trái là nhà dầu Shell (Ủy Ban Khoa Học
Nhà Nước). Ngã tư phía tay phải là nhà S.T.A.I., Hôtel Splendid (Khách
sạn Hoà Bình). Bố thoải mái đạp xe đi làm, lên đến Tràng Tiền, rẽ sang bờ Hồ là
tới sở Vô tuyến điện.
Tuổi thơ vô tư, có mới nới cũ một cách dễ dàng. Tôi
làm quen với phố Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt. Ngày ngày đi học, nhởn
nhơ phố Đồng Khánh, phố Huế, dán mắt vào tủ kính nhà sách Trường Xuân, say mê
ngắm ảnh Tarzan, Zorro, ngắm con thuyền, luỹ tre, bà mẹ ru con của Về miền
Trung, Ru con... Hoạ sĩ Phi Hùng vẽ đẹp quá.
Phố Ngô Quyền trồng nhiều me, sấu. Vỉa hè rộng rãi.
Khó quên được những buổi trời bỗng dưng tối sầm. Đứng trong
nhà sốt ruột chờ trận mưa rào. Mưa như trút nước. Mưa tràn đường ngập phố. Tôi
xin Mẹ cho ra vỉa hè chơi đùa, tắm mát. Nhớ những lần chờ cho dứt cơn giông bão
để chạy ra đường nhặt me, nhặt sấu rụng tơi bời.
Tôi rất thích "con đường me sấu" Ngô Quyền. Phố
ưu đãi tôi! Nhưng hè phố cũng có một khuyết điểm đáng phàn nàn là... chỗ nào
cũng lát gạch ngay hàng thẳng lối. Rộng thênh thang nhưng không có miếng đất
cắm dùi để chơi bi, đánh đáo. Bọn nhóc con phải tìm chỗ chơi quanh gốc me,
gốc sấu. Vỉa hè phố Ngô Quyền " hoành tráng " nhưng... vô dụng. Không
phải đất thi thố tài năng của làng bi đáo.
Năm 1952, Bố viết thư yêu cầu thành phố trồng cây trước mặt
nhà. Mẹ cười Bố hay mơ hão. Hai, ba tuần sau, thành phố cho người chở cây đến
trồng! Chuyện lạ nhưng có thực ! Sắp hết thời, thực dân mới chịu công nhận...
dân là chủ. Không những vậy, thành phố còn giao cho Bố làm chủ cái cây. Dặn Bố
trong hai ba tháng đầu, mỗi tuần phải tưới gốc cây một lần. Thấm thoắt cái cây
của Bố được 60 tuổi rồi đấy.
Phố Chợ Đuổi, Lê Lợi, Ngô Quyền là những kỉ niệm đầu tiên của
tôi. Lúc đầu óc bắt đầu biết nhớ. Ai muốn làm gì mấy con đường này thì cứ việc
làm. Nhưng "vu khống" cho mấy con đường này thì... tôi bực mình cho
mà xem!
Cách nay đã khá lâu, lúc đầu óc bắt đầu quên, tôi được đọc :
- Từ khi mở phố (Bà Triệu), đoạn phía bắc là đại lộ Gia Long,
dân quen gọi là phố Hàng Giò, đoạn qua phố Trần Hưng Đạo đến ngã 5 phố
Nguyễn Du là phố Lê Lợi dân quen gọi là dốc Hàng Kèn. Cuối năm 1946 đại
lộ Gia Long đổi gọi là phố Bà Triệu, phố Lê Lợi là phố Mai Hắc Đế. Sau
1955 gọi chung là phố Bà Triệu và mở dài như ngày nay (1).
Đoạn viết của Bùi Thiết làm tôi hoang mang, mất tự tin. Mình
nhớ sai nhiều như vậy sao? Phố Lê Lợi, Mai Hắc Đế, Bà Triệu... Chẳng lẽ đầu óc
tệ đến thế?
- Dì ơi, Dì có nhớ lần Mợ cháu đẻ thằng Sinh, phải nhờ Dì lên
giúp mấy ngày liền không?
- Nhớ chứ! Dạo ấy nhà cháu ở phố Lê Lợi. Thuê nhà Tô Cự, bạn
tài tử Ngọc Bảo. Mợ cháu đẻ ở nhà hộ sinh của đốc tờ Bách. Quên thế nào được.
Dì Mùa, cả đời chỉ sống ở Hà Nội, xác định năm 1950 nhà tôi ở
phố Lê Lợi, phía dưới phố Nguyễn Du.
Có 2 tài liệu chính xác để bàn về phố Lê Lợi là cuốn Danh
bạ điện thoại Đông Dương năm 1933(2) và
tấm Bản đồ Hà Nội năm 1951 (3).
- Tấm bản đồ (không ghi năm vẽ) của Danh bạ cho thấy đại
lộ Gia Long bắt đầu từ phố Desbordes (Tràng Thi bây giờ) đến phố Riquier (Nguyễn
Du). Từ phố Riquier đến phố Wiélé (Tô Hiến Thành) là đại lộ
Gia Long nối dài.
Danh sách đường phố Hà Nội năm 1933 của Danh bạ cho
biết phố Lê Lợi là (bắt đầu từ) đại lộ Gia Long nối dài. Nghĩa
là phố Lê Lợi bắt đầu từ Nguyễn Du. Ngoài phố Lê Lợi, năm 1933 Hà Nội còn
có cả đại lộ Lê Lợi, bắt đầu từ phố Chanvre (Hàng Gai) đến hết Beauchamp (Lê
Thái Tổ).
- Bản đồ Hà Nội 1951 cho thấy phố Lê Lợi đổi
tên thành phố Bà Triệu. Đại lộ Gia Long năm 1951 vẫn còn. Đại
lộ Lê Lợi (Beauchamp) đổi thành Lê Thái Tổ. Phố Mai HắcĐế nằm
tại... Mai Hắc Đế bây giờ.
Bên cạnh tài liệu của Pháp, tài liệu của người Việt cũng viết
về phố Lê Lợi.
" Hồi 1947, một người bạn tôi là Q... (hiện nay làm ở sở
Thanh Niên) ở ngoài kháng chiến hồi cư về Hà Nội. Thành phố lúc ấy tan nát, có
đường không còn lấy một căn nhà. Vì thế Hội đồng An dân, phụ trách sự ăn ở cho
những người có nhà bị tàn phá, buộc lòng phải lấy tạm nhà của những người chưa
trở về để cho những người hồi cư ở tạm. Q... được Hội đồng An dân dành cho ngôi
nhà số 47 đường Lê Lợi " (4).
" Quãng nửa dưới phố Bà Triệu, từ chỗ cắt nhau với phố
Nguyễn Du, trước gọi là phố Lê Lợi, thì năm 1916 còn là ruộng. Chiều nào ở
dốc Hàng Gà mình cũng nghe thấy tiếng kèn rè rè, nghe rợn người. Dân ở đây gọi
là kèn đuổi ma. Trường Quang Trung gọi là trường Hàng Kèn. Mình chưa đi quá đấy,
cho nên không biết còn có hồ Thuyền Quang, vì chỗ này vừa lầy lội, vừa rậm rạp
những cây. Nay là phố Nguyễn Du " (5).
Có thể khẳng định rằng cuối năm 1946 không có phố
Bà Triệu. Năm 1947, phố Lê Lợi là đoạn từ Nguyễn Du xuống đến Tô Hiến Thành của
phố Bà Triệu bây giờ,
Năm 2010 về thăm Hà Nội, chúng tôi đến thăm, chào hỏi mấy người
tại trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Française d'Extrême-Orient, ngõ Hà Hồi),
nhân tiện ghé thăm thư viện của trường. Tôi được tham khảo tập sách dầy cộm ghi
chép biên bản các buổi họp thời Pháp tạm chiếm của
hội đồng thành phố Hà Nội. Tôi đọc vội được vài trang, ghi chép vài điều. Tiếc
rằng quên không ghi tên sách, nhà xuất bản. Vô duyên!
Sách chép: Ngày 1/12/1945 có cuộc họp bàn đổi tên đường
thành phố Hà Nội:
Phố Nguyễn Khuyến
|
đổi thành
|
Lương Ngọc Quyến.
|
Đại lộ Gia Long
|
...
|
Mai Hắc Đế
|
Đại lộ Đồng Khánh
|
...
|
Triệu Quang Phục
|
Phố Goussard
|
...
|
Thái Phiên
|
Phố Lê Lợi
|
...
|
Bà Triệu
|
Đường Bạch Mai
|
...
|
Nam Bộ
|
Đường Cống Vọng
|
...
|
Cách mạng tháng 8
|
Tiếc rằng những thay đổi này chỉ là chuyện của bác sĩ Trần
Văn Lai và hội đồng thành phố Hà Nội họp bàn, quyết định trên giấy tờ. Cả nước
đang hồi hộp, lo sợ chiến tranh sắp bùng nổ. Chưa có ai đứng ra thay đổi bảng
tên đường phố.
Ngoài nhóm bác sĩ Trần Văn Lai ra, dân Hà Nội sống dưới thời
quân đội Pháp còn đóng trong thành Hà Nội, chưa ai được thấy hay nghe nói đến mấy
cái tên đường, tên phố "sặc mùi chống Pháp" như Nam Bộ, Cách mạng
tháng 8, Thái Phiên...
Năm 1951, đến lượt bác sĩ Thẩm Hoàng Tín đổi tên đường phố. Lần
này... thay đổi thật. Tên phố được ghi vào bản đồ, được gắn ngoài đường.
Năm 1954, "hòa bình lập lại", lại đổi tên một số
đường phố. Phố Hàng Lọng được đổi thành Nam Bộ. Năm 1990, Nam
Bộ đổi thành Lê Duẩn.
Sau 1975 đường phố Hà Nội lại đổi tên.
Phải chờ đến ngày "thống nhất đất nước" mới có đường Cách
Mạng Tháng Tám. Nhưng đường này là của... TPhố HCMinh.
Đường phố Hà Nội "đổi mới" không ngừng. Phải
chăng Bùi Thiết và một số nhà "Hà Nội học" đã căn cứ vào những quyết
định chưa được đem ra thi hành của bác sĩ Trần Văn Lai nên đã viết sai?
Năm học lớp tư hay lớp ba (lớp 2, lớp 3 bây giờ) trường Quang
Trung, tôi được một con đường dạy cách "tính thời gian để hai người đi đường
gặp nhau".
Cả lớp há hốc mồm nghe thầy giảng. Giảng xong thầy bảo chỉ cần
học thuộc lòng mấy câu thơ:
Trên đường kẻ trước với người sau
Hai kẻ đồng chiều đuổi gấp nhau
Vận tốc đôi bên tìm hiệu số
Đường dài chia với khó chi đâu.
Trên đường kẻ trước với người sau
Hai kẻ ngược chiều muốn gặp nhau
Vận tốc đôi bên tìm tổng số
Đường dài chia với khó chi đâu!
Hai kẻ đồng chiều đuổi gấp nhau
Vận tốc đôi bên tìm hiệu số
Đường dài chia với khó chi đâu.
Trên đường kẻ trước với người sau
Hai kẻ ngược chiều muốn gặp nhau
Vận tốc đôi bên tìm tổng số
Đường dài chia với khó chi đâu!
Tuyệt vời ! Nhớ đến già.
Nhưng không phải con đường nào cũng sẵn sàng giúp học trò như
vậy. Ngược lại, có đường vô tình... cản đường tiến của nghệ sĩ tương lai.
Năm đệ thất trường Trần Lục (Tân Định, Sài Gòn) tôi được học
nhạc với thầy Thiên Phụng. Thầy dạy nhiều thứ lắm. Nào là đánh nhịp 3/4 thì đưa
tay theo hình tam giác đều, nhịp 2/4 thì đưa lên đưa xuống. Có vậy thôi mà tôi
khua tay cũng không đều. Nào là nốt trắng, nốt đen, nốt móc, nốt này kéo dài bằng
hai lần nốt kia... Thú thực là với tôi tất cả đều vô nghĩa.
Lí thuyết xong, qua phần thực hành. Cả lớp tập hát một bài
"chậm rãi, tình cảm" do chính thầy soạn:
Tiếng chuông chiều thu không nào đây
Đường còn xa chưa đi được mấy
Chim lướt trong trời mây
Bóng thôn làng nấp sau tre gầy.
Đường còn xa chưa đi được mấy
Chim lướt trong trời mây
Bóng thôn làng nấp sau tre gầy.
Thầy hát trước. Cả lớp hát theo. Mỗi câu hát 3 lần. Rồi thầy
đi đến trước mặt từng trò. Trò hát, thầy nghe. Nhiều đứa được thầy gật đầu. Có
đứa bị thầy sửa. Một lát sau thầy đến hàng ghế cuối lớp, dừng lại trước mặt
tôi. Tôi đằng hắng, cất giọng. Thầy nghiêng đầu nghe. Rồi thầy nhăn mặt, lắc đầu,
ra hiệu cho tôi ngừng hát. Thế là xong!
Mai sau làm gì thì làm, chớ có mơ mộng làm ca sĩ, nghe rõ
chưa! Uổng cơm cha mẹ, uổng công thầy Thiên Phụng.
Nước nhà thống nhất... Người thì mơ tưởng một con đường sắt
mang lại ấm no:
Trên đường Xuyên Việt
Tàu ra đi
Nặng than Cẩm Phả
Trên đường Xuyên Việt
Tàu trở về
Trĩu gạo Bạc Liêu
Tàu ra đi
Nặng than Cẩm Phả
Trên đường Xuyên Việt
Tàu trở về
Trĩu gạo Bạc Liêu
Người thì tiếp tục tự hào đường ta rộng thênh thang tám
thước. Làng Hoàng Mai cũng tự hào được trở thành một quận nội thành Hà Nội. Đất
lên giá vùn vụt. Kiện tụng tưng bừng. Con đường chính của làng, xin lỗi chưa cập
nhật, con đường chính của một quận nội thành được mở rộng, có chỗ rộng... hơn 4
mét.
Ngày nay nước ta đổi mới, hội nhập. Con đường cái quan, quốc
lộ số 1, bây giờ có thêm tên mới AH1. Tỉnh Gia Lai cũng có đường AH... Tôi bỡ
ngỡ, thắc mắc. Anh bạn cho biết AH là Asean Highway. Ồ! Hết chỗ chê. Đâu phải
chỉ có Mỹ mới có highway. Ta cũng có. Muốn là có! AH của ta độc đáo hơn
highway của Mỹ rất nhiều. AH cho phép cả người đi bộ, xe thồ, xe bò qua lại thoải
mái. Có đoạn ôtô phải dừng lại tránh nhau, tránh hố. Tha hồ bóp còi chào nhau,
chửi nhau, dằn mặt nhau.
Thuở bé được học: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông
cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Già đầu rồi mới nghiệm ra : Đường đi khó không khó vì lòng
người ngại núi e sông mà khó vì hố sâu, đường ngập, lái ẩu, thắng hư. Khó vì
lòng người ngại... bị chết oan!
Mới đây, tháng 9 năm 2012, vợ chồng tôi về thăm một chị bạn ở
Bến Tre. Chị bạn khuyên chúng tôi nên dạo chơi con đường từ cầu Hàm Luông
về chợ của thành phố. Đường nằm ven sông. Sạch đẹp, thoáng mát, thư giãn.
Chúng tôi hăm hở ra chân cầu Rạch Miễu đón xe buýt, dặn lơ xe
cho xuống chân cầu Hàm Luông.
- Cầu Hàm Luông xuống đây nghen!
Chúng tôi xuống xe. Gần 11 giờ, trời nắng chang chang. Trước
mặt, sau lưng chúng tôi là một con đường rất rộng, thẳng tắp, vỉa hè lát gạch rất
đẹp. Lòng đường, vỉa hè không bị lấn chiếm như tại Hà Nội, Sài Gòn. Đường khá
dài. Người đi bộ lúc này chỉ có vợ chồng tôi. Cặp du khách... trông chẳng giống
ai! Đang đi, bỗng có tiếng động mạnh.
- Bốp!
Tôi giật mình. Một chiếc Honda chở hai người từ phía sau rồ
lên, quẹt vào tôi.
- Cà chớn! Rộng như vậy mà chạy xém chút thì đụng người đi bộ.
Chúng tôi tiếp tục đi. Cầu Hàm Luông còn cách khá xa. Xung
quanh chẳng thấy đường nào khác. Chắc là nhầm rồi. Chúng tôi quyết định qua đường,
đi trở lui, hỏi thăm đường đến bờ sông. Vừa đứng lại trước một tiệm sửa Honda
thì...
- Bốp!
Chiếc Honda ban nãy lại từ phía sau rồ tới. Lần này thằng ngồi
sau giật được... cái áo mưa đeo ngang bụng của tôi. Mấy người ngồi trong quán Cà
Phê Võng gần đó hốt hoảng chạy ra. Mấy chú xe ôm từ bên kia đường cũng chỉ
trỏ, hò hét. Người thì tưởng hai thằng đi Honda cướp gà. Người thì lo ngại
chúng tôi bị cướp tiền bạc, giấy tờ. Người thì giục đi báo cảnh sát, công an.
Tôi nói chỉ bị mất cái áo mưa xoàng thôi. Khỏi cần khai báo làm gì cho mất thì
giờ. Mọi người an tâm, quay sang than phiền nạn du đãng, cướp bóc.
- Từ ngày thành phố mở mang, tụi nó lộng hành quá trời!
Chúng tôi đành phải bỏ dở cuộc dạo chơi thoải mái, thư giãn.
Tránh cướp chẳng xấu mặt nào. Tôi tự an ủi không bị xô té gẫy tay gẫy chân,
không bị đánh vỡ mặt là nhờ phúc đức ông bà phù hộ. Còn muốn gì nữa? Khôn hồn
thì mau mau về trung tâm thành phố kiếm cái gì ăn cho... lên tinh thần.
Mới hơn 12 giờ trưa mà chẳng còn tiệm ăn nào mở cửa. May quá
có một lò bánh mì nóng giòn. Lúc này nhai cái gì cũng thấy ngon. Một lát thấy
siêu thị Co.opMart. Vào làm mỗi đứa một tô hủ tiếu. Nhâm nhi cà phê đá. Thật sự
thư giãn, thoải mái. Vệ sinh sạch sẽ. Thủng thẳng đón xe buýt về cầu Rạch Miễu.
Thăm Bến Tre mà quên cả mua kẹo dừa. Chỉ ôm về được một kỉ niệm
không đáng nhớ. Tự nhiên lại nhớ bài sử năm xửa năm xưa :
- Dưới thời vua Lê chúa Trịnh, quan lại hà khắc, nhũng nhiễu.
Trộm cướp nổi lên như rươi. Khắp nơi dân tình ta thán...
Nước ta gần đây làm nhiều đường. Đường vượt trên cao, đường
chui dưới sông, đường xuyên lòng núi, " đường gốm sứ " sặc sỡ, vui mắt.
Đường nào cũng được tặng danh hiệu, lập kỉ lục. Đường đẹp nhất, đắt nhất Việt
Nam. Đường dài nhất Đông Nam Á. Đường xuống cấp nhanh nhất thế giới.
Bên cạnh mớ kỷ lục, giang sơn gấm vóc vẫn đang chờ mong có được
vài con đường thông thoáng an toàn, xanh sạch đẹp, văn minh... Khỏi phải đốn rừng
vàng, vét biển bạc để lấp đầy hầm hố, hàn gắn nứt rạn, che dấu lún sụp của những
con đường chúng ta đi.
Lữ khách la cà, thì thầm ca hát...
Đường ta đi dài theo đất nước bao la hiền hòa
Đường ta tỏa đi khắp nơi làng quê tới chốn rừng xa...
Yêu biết mấy những con đường
(Phạm Tuyên, Yêu biết mấy những con đường)
Đường ta tỏa đi khắp nơi làng quê tới chốn rừng xa...
Yêu biết mấy những con đường
(Phạm Tuyên, Yêu biết mấy những con đường)
Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan...
Yêu là yêu không bờ bến rồi.
Yêu là yêu những nẻo đường ấy...
(Trọng Khương, Những nẻo đường Việt Nam)
Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan...
Yêu là yêu không bờ bến rồi.
Yêu là yêu những nẻo đường ấy...
(Trọng Khương, Những nẻo đường Việt Nam)
- Này, các cụ thường nhắc Đường đi hay tối, nói dối hay
cùng. Đã có chỗ ngủ cho đêm nay chưa?.
11/2012
Nguyễn Dư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét