Âm nhạc cổ truyền mãi
Từ thuở Hùng Vương, người dân Việt đã được thưởng thức hát
Xoan, hát Ghẹo, được thưởng thức các nhịp trống đồng, trống da, cồng chiêng,
chuông và sênh, được nghe tiếng khèn bè, tiếng tù và, được nghe cả tiếng đàn
dây. Qua thăng trầm lịch sử, cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, dân tộc ta đã được
thừa hưởng một di sản âm nhạc cổ truyền to lớn do tổ tiên, cha ông để lại vô
cùng phong phú. Di sản đó do 54 dân tộc tạo nên và gìn giữ. Di sản đó mãi dinh
dưỡng tâm hồn Việt và là niềm tự hào của dân tộc. Bên cạnh bản đồ đất nước là bản
đồ âm nhạc đất nước thật sinh động và đầy mến thương. Từ sau Cách mạng tháng
Tám, mặc dù gặp hai cuộc chiến tranh tàn khốc, chúng ta vẫn để ra rất nhiều
công sức sưu tầm và lan truyền âm nhạc cổ truyền đến các nẻo đường chiến tranh
để đến hôm nay đã có những di sản âm nhạc trở thành di sản văn hóa phi vật thể
thế giới như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc
Ninh, Hát Xoan Phú Thọ và sắp tới có thể là hát Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Đó là một nỗ
lực vô cùng lớn lao của toàn dân tộc. Kho tàng đồ sộ này chẳng những đã dinh dưỡng
trực tiếp tâm hồn những người thưởng thức mà còn dinh dưỡng các thế hệ nhạc sĩ
hôm nay để tạo nên những tác phẩm âm nhạc Việt mang đậm chất dân gian đương đại.
Và dường như dòng nhạc mang tính chất này hiện nay vẫn là dòng nhạc chủ đạo với
đầy đủ tầm cỡ “hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc”.
Người anh cả Tân nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là tấm
gương sáng trên con đường tiếp thu tinh hoa âm nhạc cổ truyền để tạo ra những
tác phẩm âm nhạc thuần Việt hiện đại. Ông từng tâm sự, lúc mới vào nghề sáng
tác, ông đã rất máy móc kẻ luôn một lèo 32 ô nhịp và điền vào các ô số 4, 8,
12, 16, 24, 28, 32 những nốt nhất định trước. Rồi tiếp tục điền vào các ô khác
những nốt nhất định tiếp theo. Rồi tiếp tục điền vào các ô khác những nốt tự
cho là xuôi tai. Đặt xong cũng thấy hay, ngồ ngộ nhưng thật chán là giai điệu
nghe cứ na ná như “cầm nhầm” ở một bài hát nào đó. Chính vì sự chán
đó, ông đã ngộ ra khi đọc được những dòng viết về nhạc Tuồng Việt Nam của C. Debussy
- nhạc sĩ Pháp nổi tiếng đầu thế kỷ XX: “Một chiếc kèn dăm rất mực gợi cảm.
Một chiếc trống diễn tả sự náo động. Chỉ có thế thôi. Một bản tính yêu nghệ thuật
đến dễ chiều mà không hề có gì trái với thẩm mỹ cả. Trong khi các nhạc sĩ Pháp
chúng ta viết rất nhiều bè để chẳng ai muốn nghe”. Cùng lúc ấy, hội họa có
phong cách tranh lụa, tranh sơn mài, kịch Molier được dịch ra tiếng Việt, nhân
vật Tây ăn mặc thời trang ta để diễn trên sân khấu. Thơ, văn Tự lực Văn đoàn
cũng tìm về văn học dân tộc. Vậy là ông và các bạn đồng nghiệp cũng dùng âm nhạc
cổ truyền làm gốc rễ để tạo ra tác phẩm của mình. Kể từ những tác phẩm đầu tay
như “Con cò mày đi ăn đêm”, “Con Voi”, “Thằng Bờm”…đến những tác phẩm cuối đời
là những tác phẩm viết cho bộ gõ như “Xuân - Hạ - Thu - Đông”, “Cúc trúc tùng
mai”…thấy rằng ông đã dành toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của mình để khai thác tận
lực âm nhạc cổ truyền làm ra tác phẩm của chính ông.
Nhân hiện nay có nhiều dư luận cho rằng lớp trẻ hiện nay quay
lưng lại với âm nhạc cổ truyền, chỉ thích sài âm nhạc đại chúng thế giới với đủ
các thể loại đang tràn lan trên các mạng, màn hình, phát thanh và sàn diễn. Tôi
muốn “bênh” tuổi trẻ một chút vì thiết nghĩ rằng với một thời đại chuyển động
hiện đại như hôm nay, việc lớp trẻ còn chưa mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc (tất
nhiên cũng chỉ là một bộ phận thôi) thì cũng là điều bình thường chứ không đến
nỗi là “thảm họa” này nọ gì cả. “Bênh” là vì cần có thời gian cho họ, cần tạo
“cú huých” trong đời sống của họ. “Bênh” là vì “Nói người chả nghĩ đến thân
/ Thử sờ lên gáy xem gần hay xa”. “Bênh” để họ có cơ hội cảm nhận thực sự cái
hay, cái đẹp của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, để đừng mắng oan, nghi ngờ lòng
yêu nước của họ. Bởi vì khi còn trẻ, tôi cũng bị mắng như họ hôm nay.
Tôi lớn lên ở Hải Phòng. Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng rất nhiều
nhạc tiền chiến và nhạc quốc tế. Đến khi Hải Phòng giải phóng, thì nhạc Nga và
nhạc các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũng tràn ngập, càng dinh dưỡng cái
“goût” thích giai điệu Tây của tôi. Lúc ấy, bọn tôi gọi chương trình “Dân ca và
Chèo” là “Dân kêu ca về Chèo” và “Khắp nơi ca hát” là “Khắp nơi kêu khóc”. Thật
cực đoan. Lên đại học, máu thích nhạc Tây của tôi càng được chắp cánh. Chỉ cần
đề tài học tập và sẵn sàng chiến đấu thì dù nhạc có Tây cũng cứ được anh em học
theo một cách sung sướng. Khi vào bộ đội, mấy tháng đầu đóng ở bên này sông Cầu
thuộc Hiệp Hòa, nhớ nhạc Tây quá, chúng tôi thành lập “Hội lội sông” toàn những
giáo viên đại học lội qua sông Cầu, sang nhà một người bạn đi Nga về mang theo
nhiều đĩa hát trong đó có cả đĩa của Robertino lúc đó rất thịnh hành ở Hà Nội
và Hải Phòng. Nhưng đến khi vào Quảng Trị mùa hè 1972 thì tình trạng tâm hồn
tôi đã có một bước chuyển biến khác thường. Dù ở đơn vị, tôi thường hát nhạc
Tây cho mọi người nghe thì khi mọi người hát lại cho tôi nghe những điệu Hò Quảng
Trị, những làn điệu Chèo, những câu Quan họ da diết, thì càng nghe nhiều, tôi
càng tự cảm thấy mình quá lạc lõng giữa những tâm hồn thuần khiết cùng chung
bom đạn với mình. Vậy là nghe nhiều, tôi tự ngấm những làn điệu dân ca từ lúc
nào. Có lúc tôi còn nhẩm hát theo để thấy cái hay, cái độc đáo mà tổ tiên để lại
cho mình. Trong nhật ký của mình, tôi còn nhớ Đức - một cây Chèo của đại đội 6
anh hùng chúng tôi - đọc để chép các làn điệu Chèo. Không chỉ chép tên làn điệu
mà còn chép cả ý nghĩa làn điệu. Ví dụ: Luyện năm cung để diễn tả cái
đạt được của công việc. Chức cẩm hồi văn là tâm tình giữa người đi
xa, người ở lại. Tứ quý là khúc hát đón chào…
Lúc ở Quảng Trị ra Quảng Bình an dưỡng thì tôi vớ được cuốn
tìm hiểu dân ca Việt Nam không nhớ tác giả là ai, nhưng tôi lại ghi vào nhật ký
có đến ngót 20 loại hình dân ca và tính chất của nó. Ghi và tự học giai điệu.
Nhờ vậy mà mùa thu 1973, trung đoàn giao cho tôi thành lập đội văn nghệ cùng một
số anh em khác. Đấy cũng là thời khắc quan trọng để tôi học được những làn điệu
dân ca từ anh em - người dạy Chèo, người dạy Chầu văn, người dạy Hò, người dạy
Ví Giặm. Nhờ vậy mà tôi viết ra được mấy tác phẩm có âm hưởng Hò, đặc biệt nhờ
cây đơn ca Triệu Ngọc Lâm - người Cao Bằng, tôi còn học được Sli, Lượn, Then để
viết ra bài hát cho chính Lâm đơn ca. Phục vụ đơn vị nhiều buổi được hoan
nghênh, chúng tôi lại được điều từ Quảng Trị ra Hà Nội biểu diễn. Mấy sáng tác
của tôi đều được khen là có chất dân tộc và được giải thưởng. Vậy là tôi đã rời
bỏ những âm điệu Tây để trở về với bản thể dân tộc nhờ dấn thân vào cuộc chiến
tranh cùng bao đồng đội. Đấy là một “cú huých” quan trọng cho tôi trong sáng tạo
âm nhạc cũng như thơ ca. Năm 1974, được giao nhiệm vụ khảo sát thiết kế đường
dây thông tin chiến lược xuyên Trường Sơn, ngay từ đầu xuân chúng tôi đã ở A Lưới.
Võng, tăng, khảo sát, đo đạc, tuyến kéo đến đâu, có dịp là tôi lại học bà con
dân tộc các làn điệu dân ca của họ. ở Thừa Thiên thì học dân ca Pa kô, Tà ôi,
Vân kiều. ở Quảng Nam thì học dân ca xứ Quảng, Bài chòi, dân ca Ka tu. Vào Tây
Nguyên thì học dân ca Tây Nguyên. Cũng suốt năm 1974, đi đến đâu, cũng được
nghe các chương trình của các đội tuyên văn những trung đoàn, sư đoàn công
binh, xăng dầu của bộ đội Trường Sơn. Không khí chiến trường vừa khẩn trương, vừa
tràn ngập âm hưởng âm nhạc cổ truyền chế lời mới. Hoàn thành nhiệm vụ cùng
đơn vị đưa đường dây vào Tây Nguyên, tôi lại được giao nhiệm vụ làm trưởng
“gánh hát” đơn vị. Toàn đực rựa. Phải chọn hai cậu đẹp trai nhưng dáng vẻ hơi nữ
tính đóng giả con gái. Nhưng gay nhất là phải sáng tác ra những tác phẩm
phù hợp với cuộc tổng tiến công chiến lược sắp tới. Tôi phải bỏ ra mất một
tháng ròng để viết một hoạt cảnh Chèo, một ca cảnh Quan họ, một cảnh hát mới và
những ca khúc “chốt” chương trình. Nhờ vậy mà hành khúc “Bàn chân người lính”
phổ thơ Nguyễn Duy ra đời mang âm hưởng Ví Giặm hòa lẫn hiện đại. Đến khi nghe
tin đánh Buôn Ma Thuột thì ca khúc “Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên” đã ra đời
mang âm hưởng Tây Nguyên. Cứ thế, gánh hát của tôi đi biểu diễn khắp Tây Nguyên
vừa giải phóng, rồi xuống Túy Loan sau khi giải phóng Đà Nẵng, để rồi mùa thu
1975 thì ra công diễn ở Hà Nội.
Riêng tôi, được phát thanh Quân đội giới thiệu riêng một chương trình với tám ca khúc. Có lẽ đấy là phần thưởng lớn nhất sau ngày thống nhất dành cho một chàng trai thành phố vốn mê nhạc Tây như tôi. Không khước từ những tinh hoa thế giới, nhưng trong tôi càng ngày càng đầy lên những âm hưởng dân tộc. Đó là cái vốn liếng quý báu mà các tác giả âm nhạc đi theo cách mạng dần dà được trang bị theo nhiều cách khác nhau. Không so về tài năng, nhưng so về sự hiểu biết âm nhạc dân tộc thì các nhạc sĩ cách mạng hơn hẳn các nhạc sĩ dưới thời Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam chỉ loanh quanh nối dài dòng nhạc lãng mạn thời tiền chiến và cùng lắm là khai thác các làn điệu dân ca người Kinh ở Nam Bộ rồi hát theo điệu Boléro rất dễ thương. Đó là đường lối của hai chế độ khác nhau. Bây giờ, non sông đã về một mối từ nhiều năm nay. Các nhạc sĩ đã có thể đi lại và tìm hiểu dân ca của nhiều vùng đất, nhiều dân tộc. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn là món ăn đặc sản khi đi biểu diễn ở nước ngoài qua sân khấu rối nước hay các sàn diễn độc đáo. Đặc sản này như là phở và chả giò Việt Nam. Vậy nên, những bạn trẻ nào vẫn thích phở và chả giò thì không lẽ gì không yêu thích âm nhạc cổ truyền của ta. Sau một tuần làm việc căng thẳng trước màn hình máy tính, thay vì cho việc tiếp tục đến nghe những giai điệu pop, rock phát ra công suất lớn ù tai, bạn có nên thỉnh thoảng đến chợ đêm Hà Nội dọc Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đến chợ Đồng Xuân để nghe làn điệu Xẩm, Chèo, Ca trù… hoặc có thể nghe các làn điệu khác ở một nhà hàng nào đó có giới thiệu, có mặn mà với âm nhạc cổ truyền. ở Hà Nội là Quan họ, Chầu văn…, ở Sài Gòn là Vọng cổ, Cải lương và cũng có những địa điểm ngược lại. Cứ “mưa dầm thấm lâu”, các bạn sẽ nghiện những âm điệu này như nghiện một người tình duyên dáng và quyến rũ.
Riêng tôi, được phát thanh Quân đội giới thiệu riêng một chương trình với tám ca khúc. Có lẽ đấy là phần thưởng lớn nhất sau ngày thống nhất dành cho một chàng trai thành phố vốn mê nhạc Tây như tôi. Không khước từ những tinh hoa thế giới, nhưng trong tôi càng ngày càng đầy lên những âm hưởng dân tộc. Đó là cái vốn liếng quý báu mà các tác giả âm nhạc đi theo cách mạng dần dà được trang bị theo nhiều cách khác nhau. Không so về tài năng, nhưng so về sự hiểu biết âm nhạc dân tộc thì các nhạc sĩ cách mạng hơn hẳn các nhạc sĩ dưới thời Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam chỉ loanh quanh nối dài dòng nhạc lãng mạn thời tiền chiến và cùng lắm là khai thác các làn điệu dân ca người Kinh ở Nam Bộ rồi hát theo điệu Boléro rất dễ thương. Đó là đường lối của hai chế độ khác nhau. Bây giờ, non sông đã về một mối từ nhiều năm nay. Các nhạc sĩ đã có thể đi lại và tìm hiểu dân ca của nhiều vùng đất, nhiều dân tộc. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn là món ăn đặc sản khi đi biểu diễn ở nước ngoài qua sân khấu rối nước hay các sàn diễn độc đáo. Đặc sản này như là phở và chả giò Việt Nam. Vậy nên, những bạn trẻ nào vẫn thích phở và chả giò thì không lẽ gì không yêu thích âm nhạc cổ truyền của ta. Sau một tuần làm việc căng thẳng trước màn hình máy tính, thay vì cho việc tiếp tục đến nghe những giai điệu pop, rock phát ra công suất lớn ù tai, bạn có nên thỉnh thoảng đến chợ đêm Hà Nội dọc Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đến chợ Đồng Xuân để nghe làn điệu Xẩm, Chèo, Ca trù… hoặc có thể nghe các làn điệu khác ở một nhà hàng nào đó có giới thiệu, có mặn mà với âm nhạc cổ truyền. ở Hà Nội là Quan họ, Chầu văn…, ở Sài Gòn là Vọng cổ, Cải lương và cũng có những địa điểm ngược lại. Cứ “mưa dầm thấm lâu”, các bạn sẽ nghiện những âm điệu này như nghiện một người tình duyên dáng và quyến rũ.
Nguyễn Thụy Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét