Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Khai bút đầu năm - Nét đẹp truyền thống Việt

Khai bút đầu năm - Nét đẹp truyền thống Việt
Minh niên khai bút, bút khai hoa
Vạn sự giai thành phú quý đa
Đa tử đa tôn, đa phúc lộc
Đắc tài đắc lợi, đắc danh gia
Truyền thống khai bút đầu xuân của dân tộc ta đã có từ lâu đời, nhất là dưới xã hội phong kiến khi nền Nho học thịnh hành. Khi chữ quốc ngữ chưa ra đời thì chữ Hán và chữ Nôm giữ vị trí độc tôn, được coi là chữ của thánh hiền, thì sự quý chữ, trân trọng chữ đã đạt đến tột đỉnh. Cũng theo như các tài liệu lịch sử, thì tục khai bút và xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, khi thầy giáo Chu Văn An về Chí Linh ở Hải Dương để mở lớp dạy học. Tình cảm thầy trò sâu đậm như tình cha con, trong dịp tết học trò đến thăm, khi ra về được thầy tự tay viết tặng một chữ với mong muốn nhắn nhủ học trò đề cao sự học, thi cử đỗ đạt. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.
Ngoài ra, ngày xưa cha ông ta còn có quan niệm, đầu năm chưa khai bút mà đã viết văn, làm thơ, thì cả năm sẽ giông: đi học thì dốt, làm gì cũng hỏng. Từ nhỏ tôi được ba mẹ dạy rằng, sau thời khắc giao thừa nên ngồi vào bàn học bài, đọc sách, viết chữ, ghi vài ba câu ca dao tục ngữ mình yêu thích, bởi nó sẽ giúp chuyện học cả năm của tôi được hanh thông, gặp nhiều thuận lợi. Tết nào cũng vậy, khi chuông đồng hồ điểm đúng 0 giờ tôi cùng ba lên phòng thờ thắp nén nhang, rồi quay xuống lấy sách vở ra học, đó có thể là một bài tập còn dang dở, nếu không có thì cũng viết lấy dăm ba dòng, soạn bài mới hay viết vài dòng nhật ký…chỉ cần nghe ba mẹ nói ngồi vào bàn học sau giao thừa sẽ học giỏi là tôi răm rắp làm theo mà không hề thắc mắc vì sao lại thế. Ấy thế, theo thời gian cũng không biết mình thích cái việc ngồi vào bàn học sau giao thừa tự khi nào, chỉ biết cứ mỗi năm vào thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tôi lại ngồi vào bàn học với một tâm niệm, ước muốn một năm học hành tấn tới.
Lớn lên chút nữa, khi được thầy cô kể về những phong tục, tập quán ngày tết trong đó có tục khai bút, tôi mới vỡ lẽ thì ra ba mẹ đang dạy tôi thói quen “khai bút đầu xuân”, một nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Đến bây giờ tôi vẫn giữ thói quen ấy, mỗi năm Tết đến, tôi lại háo hức để chờ được khai bút.
Cùng với quan niệm “Vạn sự khởi ư xuân” (Muôn việc khởi đầu từ mùa xuân) vốn hiện hữu trong tâm linh người Việt. Đầu xuân, người có chức tước khai ấn; học trò, sĩ phu khai bút; nhà nông khai canh; người buôn bán mở hàng lấy ngày… Với bậc nho sĩ, khai bút là để giáo dục con cháu coi trọng việc học hành vì “nhân bất học bất chi lý”. Đối với các nhà Nho viết văn, làm thơ thì khai bút luôn ẩn chứa khát vọng về sự nghiệp văn chương rộng mở. Là văn sĩ lẽ nào không khai bút?/ Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài/ Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời/ Thì Tết đến cũng phải có bài thơ…rắc rối (Khai bút rông - Tú Mỡ). Hay nhà thơ Trần Tế Xương từng nổi danh với câu đối khai bút: Nhập thế cục bất khả vô văn tự/ Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài/ Huống thân danh đã đỗ tú tài/ Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối.
Thời xưa, khai bút là một nghi thức được thực hiện rất trang trọng, không phải chỉ giản dị cầm bút viết lên giấy bất cứ cái gì cũng được mà là cả một nghi thức trang nghiêm. Ngay sau giao thừa hoặc vào sáng mồng một Tết thường chọn giờ hoàng đạo để khai bút. Người khai bút theo đúng lễ nghi truyền thống phải mặc áo the, khăn xếp chỉnh tề, kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên khấn vái rồi mới tiến lại bàn viết đã đặt lư trầm đốt sẵn bên cạnh, dùng cây bút mới được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó, mài mực tàu và hạ bút viết những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa trên giấy hồng điều hoặc giấy hoa tiên (giấy có in hoa). Khai bút xong, người viết trang trọng treo lên tường nhà để thưởng xuân hay quý tặng những người thân thiết.
Xưa nền Nho học thịnh hành, khai bút của các nho gia sĩ tử toàn bằng chữ Hán chữ Nôm, ngày nay khai bút cả chữ Hán, chữ Nôm lẫn chữ Quốc ngữ. Người xưa chuộng chữ đẹp, khai bút lại càng phải nắn nót, từ nét chữ, người xem đoán được cả nết người. Chữ ngay ngắn là người phúc hậu, chữ kín đáo là người cẩn thận, chữ buồn tẻ nét không đến nơi là người vất vả, chữ tươi tắn là người có hậu vận tốt.
Đối với tục khai bút thường chỉ có giới học giả trong xã hội mới thực hiện. Ngày xưa có ông đồ, thầy đồ, học sĩ, ngày nay có học sinh, văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết. Đến nay tục khai bút đầu xuân đã có nhiều thay đổi, không mang đậm tính lễ nghi như xưa nữa. Xưa nâng bút trịnh trọng đề thơ văn, câu đối thì đến ngày nay có thể viết bất cứ thứ gì thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tùy theo sở thích của mỗi người. Cũng không còn mặc áo the, đội khăn xếp, thắp lư trầm như các bậc cao niên thời xưa. Ngày Tết du xuân, ngẫu hứng viết một hai dòng chữ như thế đã là khai bút.
Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chịu nhiều ảnh hưởng từ những nền văn hóa khác, còn ít lắm những hình ảnh khai bút với mực tàu, giấy hồng điều, lụa đỏ. Người ta đã thay “khai bút” bằng “khai phím” viết những lời chúc mừng năm mới, dòng cảm xúc trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Twitter… nhưng dù viết ở đâu, dùng bút hay dùng phím thì những gì được viết ra điều mong muốn, hy vọng cho một năm mới khởi sắc, tươi sáng hơn. Dù ở thời đại nào, song tục khai bút đầu xuân vẫn luôn thể hiện được giá trị riêng của nó.
Ngoài khai bút đầu xuân, tục xin chữ đầu năm của người Việt cũng là một nét văn hóa đặc sắc. Nói đến xin chữ lại nhớ đến bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”…
Hình ảnh ông đồ với bút mực ngồi trên phố cho chữ đã in sâu vào tâm trí của người dân Việt mỗi dịp xuân về, đồng thời, như một chuẩn mực về lễ giáo, còn người xin chữ là người biết lễ nghi, trọng đạo thánh hiền. Hiện nay, để duy trì và phát triển mỹ tục này, đầu năm ở các văn miếu, đền, đình…nhiều tỉnh thành vẫn thường tổ chức lễ khai bút đầu năm. Nghi lễ này không chỉ khơi dậy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc mà còn là niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh, tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam.
Trong không khí đất trời giao hòa, vạn vật đâm chồi nảy lộc, mùi hương trầm ngát quyện với gió xuân. Ngoài sân, cây hoàng mai nở vàng rung rinh lộc biết điểm xuyết trong đêm lạnh lòng gợi lên nhiều cảm xúc khó tả, tôi bắt đầu thảo những nét bút đầu tiên với nguyện cầu một năm mới sức khỏe - bình an - hạnh phúc cho bản thân và tất cả mọi người.
HOÀNG BÍCH PHƯỢNG
Theo http://dothiphattrien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dăm phía đời, gác lại…  Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản ...