Sắc hương vạn thọ
Tết về, cùng với những hương vị truyền thống và hiện đại
giúp cho người ta cảm nhận được không khí mùa xuân, như các món ăn, các loại
bánh trái mùa Tết, trang hoàng nhà cửa, may sắm quần áo mới … thì điều đặc biệt
nhất, tạo nên xúc cảm rõ nét về sự hiển hiện của mùa xuân chính là sắc màu rực
rỡ của cỏ cây hoa lá. Và chính những thời khắc như thế này, tôi thường nhớ về
câu ca dao của miền quê Trung bộ:
Ai ơi dẫu có đi xa
Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười.
Vạn thọ - hoàng hoa một thuở
Để chuẩn bị cho ngày đón xuân với lộc thọ đủ đầy, nhà cửa
sáng bừng rực rỡ, từ trung tuần tháng Mười âm lịch, người dân quê ở Trung bộ đã
bắt đầu đem gói giống vạn thọ truyền thống (thường giắt trên gác bếp) ra ngâm
nước và gieo vào chậu lớn đã được làm tơi xốp sẵn. Vượt qua cái lụt hai mốt,
hai ba tháng Mười, những cây vạn thọ xinh xinh mọc dày, với chiếc lá hình răng
cưa bắt đầu vươn lên mặt đất. Độ mươi ngày sau đó, người ta bắt đầu tách ra từng
cây một để trồng vào chậu, hoặc trồng xuống đất dọc chiều dài của sân, hai bên
lối đi dẫn ra cổng. Lức này, hàng xóm bên nhà thường gọi nhau í ới để xin vài
cây giống dặm thêm vào chỗ đất còn khuyết. Khi cây cao đến tầm hơn gang tay,
khoảng 35 ngày tuổi, đã được 6-7 cặp lá, là lúc chủ nhân bắt đầu bấm ngọn để
cho cây đẻ nhánh, làm cho cây sum xuê, có người còn tiếp tục bấm đọt các cành gần
gốc, để cành tiếp tục nứt nhánh át, về sau cây cho hoa nhiều và đều. Trồng vạn
thọ không khó, nhưng để có một cây vạn thọ thân cao khoảng 1-1,5m, đường kính của
vòm hoa trên 1m, hoa nở đạt thì người trồng trải qua những công đoạn chăm sóc vừa
công phu, vừa kinh nghiệm.
Sau rằm tháng chạp, trên những chi chít nụ xanh đầu ngọn đã bắt
đầu lộ ra những cánh vàng hoàng yến, vàng cà-rốt, vàng chanh (tuỳ giống). Đó
cũng là lúc gốc mai già trước ngõ trút lá, để lộ những búp hoa chưa bóc trấu,
xanh nâu, tự tại trên xương mai khắc khổ. Tất cả đều đợi khoảnh khắc giao mùa.
Những ngày cuối năm, khi những nhành mai xuân đã búng đầy nụ
xanh, thì khắp đường làng ngõ xóm đã vàng rực màu hoa vạn thọ. Dù có năm do thời
tiết thất thường, mai vàng không thể nở đúng mùa, nhưng vạn thọ thì bao giờ
cũng trung thành đúng hẹn. Và cái màu vàng rực rỡ ấy sẽ kéo dài cho đến tháng
Hai.
Ba ngày Tết, sắc xuân ngập tràn từ nhà đến ngõ xóm đường
thôn. Ngoài sự hiện diện như một đặc trưng cho mùa xuân, hai chữ vạn thọ còn
mang ý nghĩa về mặt tâm linh, biểu trưng cho sự tốt lành, cho sự sống dài lâu để
hưởng phúc lộc. Vạn thọ là mơ ước của nhiều người khi năm mới đến…Vì thế, Tết ở
nông thôn không thể thiếu hoa vạn thọ. Trên bàn thờ gia tiên, trang ông
Táo lúc nào cũng luôn có bình vạn thọ sum xuê. Khi mừng tuổi, chúc thọ cho các
bậc cao niên, người ta cũng thường lấy cụm từ “vạn thọ” để cầu mong trăm điều tốt
đẹp. Hai chữ vạn thọ đủ nói lên được bao điều về giá trị tinh thần, tâm linh
và đạo đức trong tâm hồn người Việt.
Thắm mãi ngày sau
Ngày nay, khi đời sống vật chất và tinh thần có nhiều thay đổi,
không mấy người dân thành phố biết đến cái không gian đón mùa xuân dân dã bên
màu hoa vạn thọ chốn thôn quê. Nhưng đâu đó, những người xa quê lên phố vẫn
không nguôi thao thức về những mùa Tết thơm nồng hương hoàng hoa chốn quê nhà.
Thỉnh thoảng hay bắt gặp những mái tóc muối tiêu, thậm chí có cả những thanh
niên đang săm soi quanh mấy chậu vạn thọ chân quê trong hội hoa ngày Tết, rồi từ
chối những nụ hồng kiêu sa, những nàng lan quyến rũ, nàng Lyly đài các,
những đỗ quyên lộng lẫy sắc màu, những Gerbera, Arum, hoả châu, cát tường, mãn
đình hồng, cẩm tú,… tràn ngập hương sắc để bê về nhà chậu vạn thọ hăng nồng
hương ngày cũ.
Cuộc sống hiện đại đã làm phai nhạt hoặc thủ tiêu rất nhiều
thói quen truyền thống của cộng đồng. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại cũng tạo ra
nhiều nếp mới văn minh, cao đẹp và không kém phần hoài cổ trong thú chơi hoa vạn
thọ.
Ở nhiều gia đình, sáng mùng Một, cả nhà cùng sum vầy, thắp
hương ông bà, mừng tuổi các thành viên, cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm… Xong những
thủ tục trong nhà ấy, cả nhà cùng xuất hành ra nghĩa trang viếng những người
thân đã mất. Cùng với đèn nhang, đồ cúng, thứ không thể thiếu chính là hoa vạn
thọ. Đó là thứ hoa mang đầy đủ ý nghĩa nhất thể hiện tấm lòng của người đang sống
đối với người đã khuất.
Nếu như ở chợ hoa Tết đêm ba mươi, những gian hàng vạn thọ đứng
khiêm nhường và ế ẩm bên những hàng hoa đắt tiền, sang trọng; thì sáng mùng một
Tết, khi chợ hoa xuân đã tàn từ đêm, hẹn đúng 12 tháng sau mới gặp lại, thì một
chợ hoàng hoa năm mới đã kịp mọc lên rực rỡ trước cổng các nghĩa trang. Một chợ
hoa lặng lẽ chứ không náo nhiệt như đêm hôm trước, kẻ bán và người mua không
rao hàng, mặc cả. Loài hoa mang sắc hương trang trọng này luôn được chọn để
dâng tặng người đã khuất. Sáng mùng một, nghĩa trang tấp nập, vàng rực màu hoa
thành kính, không còn thấy cảnh ảm đạm tĩnh mịch thường ngày, chỉ thấy lòng
tràn ngập an bằng trong mùi hương gợi nhớ cội nguồn.
Ngày nay, khi đời sống phát triển, dân số đông đúc, “tấc đất
tấc vàng” không gian sân vườn của miền quê cũng thu hẹp, những vườn, những luống
vạn thọ cũng tiết giảm theo. Thay vào đó, người ta chọn giống vạn thọ mới, như
vạn thọ mini (còn gọi là vạn thọ Pháp),vạn thọ lỡ, diện tích chỉ bằng 1/5 đến
1/3 vạn thọ truyền thống để trồng. Tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa,
Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế số người trồng vạn thọ bán
Tết vẫn duy trì, lượng hoa vạn thọ đủ để góp mặt đáng kể trong hội hoa Tết.
Đón xuân bên vạn thọ, với nhiều người là niềm hạnh phúc, an bình không muốn rời xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét