Các mức độ thưởng thức nhạc cổ điển:
Từ bình dân đến bác học
Đã có ý kiến nếu người ngoài hành tinh đến với chúng ta mà hai bên không thể trao đổi được với nhau, thì chỉ cần cho họ nghe bản Giao hưởng số 5 của Beethoven là họ sẽ hiểu thế giới con người!
Trên thế giới, người ta vẫn xem nhạc cổ điển là đỉnh cao của âm nhạc, kể cả của văn hóa nhân loại.
Nhưng nhạc cổ điển không phải dễ nghe, dễ thưởng thức. Trước hết, nói về thưởng thức, trong âm nhạc không lời (khí nhạc) mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Cùng nghe một bản nhạc, người này thả hồn về thuở ấu thơ tung tăng bắt bướm bên sườn đồi, người khác lại nhớ giây phút chia tay với người yêu đầu đời, kẻ khác lại nhớ đến người mẹ đã ra đi… là bởi vì mỗi chúng ta xúc cảm với âm nhạc theo cách riêng.
Chúng ta thán phục những người thao thao bất tuyệt về kiến thức âm nhạc. Chúng ta thấy mình thấp bé khi nghe người khác tuyên bố bản Giao hưởng số 3 của Beethoven thật oai hùng, khúc nhạc Ave Maria của Schubert là thoát tục, sự thăng hoa của tình yêu… Nhưng bạn đừng sợ, đó chỉ là những cảm nhận của ai đó, chỉ có giá trị gợi ý mà không hề định hướng.
Những mức độ nghe
Theo cách nghĩ trước đây, chẳng hạn Hugh M. Miller trong cuốn Introduction to Music, người ta thường phân chia việc thưởng thức âm nhạc thành 4 mức độ: thụ động, cảm giác, cảm xúc và tư duy.
Trong nhiều trường hợp, âm nhạc không đòi hỏi người nghe chú ý. Các bản nhạc trong bữa ăn chỉ giúp ta thêm ngon miệng, có không khí ấm cúng để thù tạc với bạn bè, người thân. Hoặc bạn mở nhạc êm dịu để dễ ngủ hơn… Bạn đang nghe nhạc ở mức độ thụ động.
Ở mức độ cảm giác, bạn không cần phải có chút kiến thức âm nhạc nào. Bạn cảm thấy hay hay, vui vui, buồn, thích thú… vì các âm thanh đẹp đẽ đang trôi nổi, bồng bềnh. Thái độ thưởng thức cảm tính này cũng đem lại chút ít giá trị cho người nghe, nhưng chưa đủ tạo nên sự thưởng thức âm nhạc trọn vẹn.
Ở mức độ cảm xúc, bạn đã đáp trả lại tín hiệu âm nhạc. Âm nhạc đã gợi cho bạn nhiều cảm xúc riêng, tuỳ theo trải nghiệm của bạn. Bạn không nhất thiết phải hùa theo người khác để thốt lên: “Chao ơi, bản Sonata ánh trăng thật tuyệt vời. Nghe cứ như từng giọt ánh trăng rơi trong vườn hoa vào một đêm thu…”, nếu thực sự bạn không cảm thấy như thế.
Ở mức độ tư duy, bạn phải tập trung lắng nghe, hiểu được và phân tích, đánh giá bản nhạc, cũng như ý thức được mình đang có những tâm tình, ý nghĩ gì khi nghe bản nhạc này. Danh hoạ Raphael từng nói: “Hiểu biết tức là bình đẳng”. Khi chúng ta hoàn toàn hiểu được một tác phẩm âm nhạc, chúng ta đã nắm bắt được cái “khoảnh khắc chân lý” đã khai sinh ra tác phẩm đó. Bạn đang nằm trong tâm tư của nhà soạn nhạc. Muốn hiểu được một tác phẩm, bạn phải biết lắng nghe.
Khi có ai đó tích cực thâm nhập vào câu chuyện ta đang kể, khích lệ ta, hiểu được điều ta muốn diễn tả, người đó mới thực sự là kẻ biết lắng nghe đúng nghĩa. Với âm nhạc cũng thế. Hơn nữa, bạn còn phải có chút ít vốn kiến thức về âm nhạc như lịch sử âm nhạc, thể loại âm nhạc, nhạc lý…
Đọc đến đây, bạn đừng nhăn mặt nhíu mày: “Sao rắc rối thế! Học ở đâu, đọc sách nào?”. Không cần phải đến trường lớp nếu bạn không rảnh. Bạn hãy hỏi bạn bè đã biết sơ qua âm nhạc. Và tìm đọc những sách âm nhạc đại cương. Biết những kiến thức sơ đẳng âm nhạc cũng ví như khi hiểu một số luật về bóng đá, bạn xem trận đấu giữa hai đội sẽ thích thú nhiều hơn là không biết chút nào về luật lệ túc cầu, phải không bạn?
Bài tập nghe cụ thể
Theo quan điểm hiện đại, như Joseph Machlis viết trong cuốn The Enjoyment of Music, trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, các yếu tố cảm giác, cảm xúc và tư duy đan quyện nhau, chứ không phân định rạch ròi. Như thế, với cùng một bản nhạc, chúng ta cảm thụ nó khác biệt theo không gian và thời gian.
Sau khi đã phân tích vấn đề thưởng thức âm nhạc nói chung, trở lại đề tài làm sao để là người sành nghe nhạc cổ điển, chúng ta có thể tóm tắt các hệ luận như sau:
1. Thường xuyên nghe và chú tâm. Đọc sách và bàn luận về âm nhạc chỉ là phụ trợ. Cũng như tình yêu, âm nhạc dễ dàng nếm trải hơn là phân định.
2. Nghe đi, nghe lại một bản nhạc, cho đến khi huýt sáo được một vài đoạn, tức là trở nên thân thuộc với bản nhạc đó. Một kinh nghiệm nhỏ: bạn nên nghe tổng quát một bản nhạc, sau đó nghe lại, nhưng chỉ lắng nghe giai điệu. Bạn nghe lại, nhưng lần này chỉ nghe bè trầm (bass), và cứ thế lần lượt bè đệm, bè tòng… Cuối cùng bạn nghe tổng hợp. Bạn sẽ khám phá ra mỗi bè có một sức sống riêng. Bạn sẽ thích thú hoà mình vào bản nhạc.
3. Loại bỏ thành kiến: có người chưa nghe đã tưởng tượng không chịu nổi loại nhạc này, loại nhạc nọ. Hãy đón nhận âm thanh một cách hồn nhiên, vô tư như trẻ thơ, bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy chân trời thưởng ngoạn âm nhạc của mình mở rộng rất nhiều.
4. Nếu được, nên ghi lại cảm xúc, ý nghĩ của mình khi nghe lần đầu, và những thay đổi ở lần thứ “n”…
Sau một thời gian thực hành, bạn bè sẽ thán phục khi nghe bạn ngân nga một số giai điệu, nhận ra ngay tên bản nhạc và tác giả, nêu nhận xét, cảm nhận rất cá tính và thú vị của riêng bạn về tác phẩm đó. Nhưng đó chưa phải là niềm vui lớn nhất.
Phần thưởng lớn nhất mà bạn hưởng, đó là bạn sung sướng vì âm nhạc khai mở cho bạn thấy tâm hồn người sáng tạo, nhưng lại kết thúc bằng cách bộc lộ cho bạn thấy được chính bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét