Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Ba khuôn mặt lớn trong sinh hoạt văn hóa văn học Việt không còn nữa

Ba khuôn mặt lớn trong sinh hoạt văn hóa 
văn học Việt không còn nữa
Trong thời gian chưa đầy mười ngày những người theo dõi sinh hoạt văn hóa văn học Việt đã phải chứng kiến sự ra đi của ba nhân vật đã có nhiều đóng góp cho sinh hoạt văn hóa văn học Việt trong cũng như ngoài nước, là ông Thanh Tuệ, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu và họa sĩ kiêm văn sĩ Tạ Tỵ.
1. Ông Thanh Tuệ
Là giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, ông Thanh Tuệ là một người tận tụy với hoạt dộng giới thiệu những tác giả có một đường hướng mang tính khai phá và mang nhiều giá trị văn học. Nhà xuất bản An Tiêm ra đời năm 1965. Tuy nhiều người không biết đến ông Thanh Tuệ cùng những hoạt động âm thầm của ông, nhưng không ai chối cãi một điều là nhà xuất bản An Tiêm đã mang một luồng gió cải biến đến sinh hoạt in ấn tác phẩm văn học Việt thời đó. Những sách do An Tiêm xuất bản là những sách có giá trị về nội dung, và nhất là cách trình bày trang trọng, tính nghệ thuật và sự trau chuốt từ giấy đến bìa. Những tác phẩm do An Tiêm xuất bản hoàn toàn không có bóng dáng thương mại. Nhận xét về điều này, có người đã coi An Tiêm như một mốc thời gian, chia ngành xuất bản tại Việt Nam (trước 1975) thành hai thời kỳ: ‘trước’ và ‘sau’ An Tiêm. An Tiêm đã cho chúng ta đã biết được Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, (Thích) Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ… Một số tác phẩm nổi tiếng An Tiêm đã xuất bản trong giai đoạn này có thể kể: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Mười Hai Con Mắt, Thập Mục Ngưu Đồ Tụng…
Sau năm 1975, Nhà xuất bản An Tiêm bị nhà cầm quyền cộng sản đóng cửa, ông Thanh Tuệ và gia đình đã vượt biển và định cư tại Pháp từ năm 1981. Từ đó, sinh hoạt của An Tiêm, vì môi trường xuất bản hạn chế, chỉ còn giới hạn trong việc giúp các văn hữu in ấn những tác phẩm của họ. Phần lớn việc phát hành sách An Tiêm được giao cho nhà sách Văn Nghệ tại Westminster tại California.
Trang web của An Tiêm là: http://goken.free.fr/antiem/antiem.html
Trong chuyến viếng thăm thân hữu tại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 40 năm An Tiêm, ông Thanh Tuệ đã bị biến chứng do bệnh viêm gan siêu vi C tái phát, và mặc dù được đưa vào bệnh viện Garden Grove (California) chữa trị cấp cứu, ông đã qua đời hôm sau, ngày 16/08/2004, hưởng thọ 69 tuổi..
2. Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu
Một ngày sau đó (17/8/2004) nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã qua đời tại bệnh viện UCI vì chứng tai biến mạch máu não đột ngột. Trước đó vài giờ ông vẫn còn tỉnh táo làm việc, và có một cuộc hẹn với các em trong Gia Ðình Phật Tử từ xa về đến để dùng cơm chung.
Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu là một trong những người có mặt đầu tiên trong phong trào Du Ca, và là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cao niên. Ngoài đời ông là một thành viên trong hội đồng quản trị Công Ty Người Việt, giám đốc điều hành Ðài Phát Thanh VNCR và là giám đốc phụ trách Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt, đồng chủ trương phụ trang Quán Văn hàng tuần trên Nhật Báo Người Việt.
Ngoài sinh hoạt trong lãnh vực báo chí truyền thanh, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu là nhà hoạt động xã hội tích cực, có nhiều uy tín, nhất là trong lãnh vực thanh thiếu niên. Ngoài tên Ngô Mạnh Thu ông còn nhiều bút hiệu khác như: Trần Tú, Trần Thái Ngưu, Thùy Trâm. Một số ca khúc của Ngô Mạnh Thu được nhiều người biết là: Từ một cõi mơ, Câu hát này xin dành cho, Bãi hoang, Dìu nhau, Buổi sáng nghe chim hót, Quà mẹ tặng, Thu phong, Sương khói chập chờn v.v..., ngoài ra ông còn rất nhiều ca khúc viết riêng cho Gia Ðình Phật Tử và trẻ em đang học các lớp mẫu giáo.
Một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của Ngô Mạnh Thu là tác phẩm ‘Trường Ca Lửa’, được sáng tác do những rung cảm khi ông chứng kiến Lửa Từ Bi được thắp lên bằng chính nhục thể của Hòa Thượng Thích Quảng Đức trong mùa pháp nạn 1963.
Những sinh hoạt của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu rất đa dạng, nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang, cũng là một đàn anh trong phong trào, đã cho rằng ‘Ngô Mạnh Thu là một cái gì hoàn tất bởi vì Ngô Mạnh Thu là một người đa tài trong đám đông.’
Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu sinh ngày 12/9/1938, sau thời gian bị giam cầm và quản chế tại Việt Nam ông đã sang Mỹ định cư năm 1994.
Vào ngày 20/8/2004 một buổi tưởng niệm ông Thanh Tuệ và nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã được tổ chức tại hội trường Lê Đình Điểu của công ty Người Việt (thường được biết qua Nhật Báo Người Việt hay trang mạng www.nguoi-viet.com)
3. Họa sĩ kiêm văn sĩ Tạ Tỵ
Ngày 24/8/2004 họa sĩ Tạ Tỵ đã từ trần tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bệnh tuổi già kéo dài. Là một người đa tài, họa sĩ Tạ Tỵ còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực khác, như viết truyện, làm thơ, bút ký, soạn kịch. Thời gian sáng tác của ông kéo dài hơn nửa thế kỷ, với nhiều tác phẩm qua các thể loại khác nhau.
Hoạ sĩ Tạ Tỵ sinh năm 1922 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943. Trong thời kháng chiến chống Pháp ông là người thày dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Sau 1954 ông di cư vào Nam và sống ở Sài Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là Trung Tá trong Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị. Ngoài ra ông cũng phục vụ trong nhà in Quân Đội, nơi đã in hầu hết những tờ báo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như tờ Tiền Tuyến, Chiến Sĩ Cộng Hòa… Năm 1975, sau thời gian bị giam cầm, ông lại ra đi một lần nữa, cùng vợ con vượt biển đến Mã Lai và đến Hoa Kỳ định cư, để năm 2002 lại trở về quê hương sống nốt chuỗi ngày còn lại.
Bắt đầu viết từ đầu thập niên 50, Tạ Tỵ là một nghệ sĩ đa tài. Nhiều người biết đến Tạ Tỵ qua nét vẽ chân dung hí họa thần tình của ông. Ngoài hội họa, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực sáng tác: truyện, thơ, kịch bản, bút ký... Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, Tạ Tỵ đã để lại nhiều tác phẩm với các thể loại khác nhau: Những Viên Sỏi (tập truyện - Nam Chi Tùng Thư 1962), Yêu và Thù (tập truyện Phạm Quang Khai 1970), Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (nhận định văn học - Nam Chi Tùng Thư 1970), Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn (Văn Sử Học - 1971), Cho Cuộc Ðời (thơ - Khai Phóng 1971), Bao Giờ (tập truyện - Gìn Vàng Giữ Ngọc 1972), Ý Nghĩ (tạp văn - Khai Phóng 1974).
Ở Mỹ, ông đã cho ra mắt cuốn hồi ký tù cải tạo Ðáy Ðịa Ngục (1985), và rồi sau đó ông tiếp tục cho ra đời thêm nhiều tác phẩm khác như: Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi (1990), Xóm Nhà Tôi (1992), Mây Bay (thơ - 1996), Một Chuyến Ngao Du (2000), và sau cùng là cuốn Tuyển Tập Tạ Tỵ được ấn hành vào năm 2001.
Năm 2004
Cái Đình
Theo http://www.caidinh.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dăm phía đời, gác lại…  Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản ...