Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Anna Karenina 16

Anna Karenina 16
Quyển 6
Chương 12
Thức giấc từ sớm tinh mơ, Levin cố lay các bạn dậy. Vaxya nằm sấp, một bắp chân căng tròn trong bít tất, ngủ say như chết, không tài nào khiến anh ta trả lời lấy một tiếng. Oblonxki nửa tỉnh nửa mê thoái thác không chịu đi sớm thế (1). Cả con Laxca ngủ cuộn tròn ở rìa nệm cỏ, cũng miễn cưỡng trở dậy và lười nhác lần lượt dướn thẳng hai chân sau. Levin đi giày rồi cầm lấy cây súng thận trọng mở cửa kho lúa kêu kẽo kẹt và bước ra. Các xà ích thiu thiu cạnh xe, đàn ngựa cũng ngủ chập chờn. Chỉ có một con đang nhai lúa kiều mạch làm vung vãi trong máng. Bên ngoài, trời mờ mờ xám.
- Thưa cậu, cậu dậy sớm thế? - bà cụ chủ nhà bước ra khỏi căn nhà gỗ, nói với Levin thân ái như với một người quen cũ.
- Tôi đi săn, bà lão ạ. Đến đầm đi đường này phải không?
- Cứ thẳng phía sau ấy; cậu đi qua sân phơi lúa rồi qua ruộng gai; ở đó có một con đường mòn. Đôi chân đất rám nắng thận trọng đặt trên nền đất, bà lão đi theo Levin và mở cánh cửa rào sân phơi lúa.
- Cậu cứ đi thẳng lối này sẽ ra đến đầm lầy. Chính các cháu nhà tôi đã đưa gia súc tới đó chiều qua đấy.
Con Laxca vui vẻ chạy trên đường mòn; Levin bước nhẹ nhàng thoăn thoắt theo sau, mặt luôn dõi nhìn trời. Chàng mong mặt trời chưa lên kịp trước khi chàng tới đầm. Nhưng mặt trời đã sắp hiện ra. Vầng trăng lúc chàng ra khỏi nhà còn lấp lánh, giờ đã ngả màu bạc; phải tìm kĩ mới nhận ra ngôi sao mai một lúc trước đây còn rõ mồn một; những vệt mờ mờ ở cánh đồng phía xa đã rõ nét: đó là những đụn lúa lõa mạch. Sương mai, còn chưa thấy được vì mặt trời chưa chiếu sáng, thấm ướt đôi bàn chân và áo choàng của Levin đến quá thắt lưng trong ruộng gai thơm ngào ngạt mà những thân cây đực đã được gặt về. Trong yên tĩnh trong ngần của buổi sớm mai, người nghe thấy những tiếng động nhỏ nhẹ nhất. Một chú ong bay vù bên tai Levin như tiếng đạn rít. Chàng nhìn chăm chú hơn và thoáng thấy con thứ hai, rồi con thứ ba. Chúng bay phía trên tấm phên của tổ ong và biến về hướng đầm, bên trên ruộng gai. Con đường mòn dẫn thẳng đến đầm. Nhìn đám hơi nước bốc lên, chỗ dày, chỗ thoáng, đã đoán được đầm lầy ở đó, và những bụi sậy, những khóm liễu đu đưa trong thứ sương mù ấy trông như những hòn đảo nhỏ. Lối vào đầm, trên đường mòn, có những nông dân và những chú bé đắp áo choàng nằm ngủ sau phiên gác đêm. Cách đấy không xa, ba con ngựa buộc kỹ đang gặm cỏ. Một con rung xích kêu lanh tanh. Con Laxca đi cạnh chủ nhìn khắp phía, sốt ruột muốn được rộng cẳng chạy.
Khi đi qua chỗ toán nông dân ngủ và cảm thấy dưới chân mềm dần, Levin kiểm tra lại cò mổ và thả chó. Thoáng thấy Laxca, một con ngựa đực nhỏ đẹp màu nâu chừng ba tuổi, bèn bỏ chạy và dỏng đuôi lên mà khịt mũi. Những con khác đâm sợ và bì bõm lội nước ra khỏi đầm, móng rút khỏi lớp bùn dầy đặc kêu oàm oạp. Laxca dừng lại, đưa mắt giễu cợt nhìn đàn ngựa và nhìn chủ, vẻ dò hỏi. Levin vuốt ve nó và khẽ huýt sáo, đó là dấu hiệu có thể bắt đầu.
Laxca lao đi trên nền đất núng nính, vẻ vui sướng, bận rộn.
Khi đã vào trong đầm, giữa tất cả những mùi quen thuộc: mùi rễ cây, mùi cỏ đầm lầy, mùi gỉ sắt, cùng những mùi lạ như mùi cứt ngựa, Laxca lập tức phân biệt được ngay mùi chim, cái mùi thơm đặc biệt khiến nó nôn nao hơn cả. Đây đó, trên lớp rêu hoặc khóm ngưu bàng, mùi chim đó bốc rất mạnh, nhưng không thể nhận ra nó tăng lên hoặc dịu đi ở phía nào.
Muốn tìm hướng phải lựa theo chiều gió. Như không hề cảm thấy chân mình đang cử động, con Laxca chạy về bên phải, với tốc độ vừa phải, để nếu cần sẽ dừng ngay sau mỗi bước nhảy, vượt lên ngọn gió nhẹ thổi trước lúc bình minh rồi dừng lại quay mặt ngược chiều gió. Khi đã hít không khí vào hai lỗ mũi rộng huếch, nó lập tức cảm thấy trước mặt không phải chỉ có dấu vết chim mà là chính bản thân chúng nó và không phải chỉ một con mà đông đảo cả bầy. Laxca chạy chậm lại. Chúng nó đây rồi, nhưng đích xác chỗ nào thì nó chưa xác định được. Để tìm ra chỗ đó, nó bắt đầu lượn vòng vèo thì bỗng nhiên, tiếng chủ gọi vang làm nó nhãng đi. "Laxca, đây cơ mà!", Levin nói và chỉ cho nó một hướng khác. Nó dừng lại một lúc kiểu như hỏi chàng cứ tiếp tục như cũ có hơn không. Nhưng chàng xẵng giọng nhắc lại lệnh và chỉ cho nó một cái gò nhỏ không thể có gì hết. Nó tuân theo, giả vờ tìm kiếm để chiều lòng chủ, trèo lên gò rồi lại trở về chỗ đầu tiên: lập tức nó đánh hơi thấy chim. Giờ đây, khi không bị chủ làm rầy nữa, nó biết rõ phải làm gì, và không hề nhìn xuống chân, bực dọc vấp vào những mô đất hoặc chúi xuống nước, nhưng lại dướn thẳng bộ giò khoẻ mạnh và mềm mại đứng dậy tức khắc, nó bắt đầu chạy thành một vòng tròn có thể giúp nó tỏ tường tất cả. Mùi bọn chúng phả đến mũi nó mỗi lúc một mạnh, một rõ hơn và thốt nhiên, nó cảm thấy chắc chắn có một con ở chỗ kia, sau cái gò, cách năm bước trước mặt: nó bèn phục xuống và toàn thân không động đậy. Chân nó thấp nên không thể nhìn thấy gì trước mặt, nhưng ngửi mùi, nó biết con chim cách đó không quá năm bước. Nó cứ phục đấy không nhúc nhích, mỗi lúc một biết chắc hơn là có chim ở đó và rất khoái trá với sự chờ đợi này. Đuôi nó căng thẳng, chỉ riêng chỗ chỏm là rung rung. Mõm hé mở, tai hơi vểnh lên. Một bên tai bị lộn ra trong khi chạy; nó thở nặng nề nhưng thận trọng và ngoái nhìn chủ đằng sau, đầu vẫn gần như không động đậy. Levin lại gần với cái vẻ mặt rất quen thuộc đối với nó, với cái nhìn bao giờ cũng đáng sợ, chân vấp dúi dụi trên khoảng đất gồ ghề. Laxca tưởng như chàng bước quá chậm. Thực ra chàng đang chạy.
Thấy con Laxca áp mình xuống đất, hai chân sau cào đất, mõm hé mở, Levin hiểu nó đã đánh hơi thấy dẽ gà và chàng chạy về phía nó, bụng cầu Chúa đừng làm mình bắn trượt phát đầu tiên. Khi đến sát nó, chàng đứng sững nhìn thẳng trước mặt và mắt thoáng thấy cái mà con chó chỉ đánh hơi được. Giữa hai mô đất, cách đó một sải, chàng thấy một con dẽ gà. Nó quay đầu, rình ngóng. Rồi nó hơi xoè cánh, gấp lại và vụng về ngoáy ngoáy cái phao câu, biến mất sau một nếp đất mấp mô.
- Xuỵt! Xuỵt! - Levin vừa kêu vừa lấy chân đẩy con chó.
"Mình không thể nhúc nhích khỏi đây được, con Laxca nghĩ bụng. Mình sẽ đi đâu chứ? Từ chỗ này, mình đánh hơi thấy chúng, nhưng nếu tiến lên, mình sẽ không còn biết chúng ở đâu, hoặc sự thể ra thế nào nữa".
- Nhưng này, chủ lại thúc đầu gối vào mình nó và hết sức hồi hộp khe khẽ nhắc lại:
- Xuỵt! Laxca, xuỵt!"
Ông ta đã muốn thế thì mình cứ làm vậy, nhưng mình không chịu trách nhiệm nữa, nó nghĩ thế và lao về phía trước. Bây giờ, nó không đánh hơi thấy gì nữa, nó trông thấy và nghe thấy mà chẳng hiểu gì hết.
Cách chỗ cũ của nó mươi bước, một con chim bay lên với tiếng kêu quàng quạc lúng búng và tiếng đập cánh vang động rất đặc biệt của loài dẽ gà. Ngay sau tiếng nổ, nó rơi bịch trên nền đất mềm và ẩm, cái bụng trắng xấp xuống nước. Con thứ hai không nấn ná gì: nó vút lên đằng sau Levin không đợi chó sục tới.
Khi Levin quay lại thì con vật nhỏ bé đó bay xa rồi. Nhưng phát súng đã trúng đích. Sau khi bay một quãng chừng hai chục bước, con dẽ gà thứ hai vút lên thẳng tắp và nặng nề rơi xuống, đập mình vào một chỗ đất khô.
"Lần này thì ra trò đây! Levin nghĩ thầm và nhét hai con chim béo mập còn âm ấm vào túi ăn. Hừ, Laxca, sẽ thành công chứ?".
Lúc Levin đi tiếp sau khi nạp lại súng thì mặt trời, tuy còn ẩn sau những đám mây, đã lên quá chân trời. Mặt trăng bợt hết ánh sáng, giờ chỉ còn là một nụ mây trắng nhỏ trên bầu trời; không còn thấy ngôi sao nào nữa. Những khe đất lún lúc trước óng ánh bạc vì sương sớm, giờ hắt lên vầng sáng vàng rực. Mặc nước nhiễm gỉ sắt long lanh một màu hổ phách. Màu xanh lơ lớp cỏ ngả sang xanh lục úa vàng. Đàn chim nhỏ vùng đầm lầy tíu tít quanh những bụi rậm lấp lánh sương mai ngả bóng dài ven một con suối. Một con diều hâu thức giấc, đậu chót vót trên một đụn lúa và quay đầu hết bên này sang bên kia, ngắm bãi lầy, vẻ bất bình. Quạ bay lượn trên cánh đồng và một chú bé chân đất dắt đàn ngựa lại chỗ một ông già đã tung áo choàng đắp trên người, trở dậy và đang gãi. Khói súng vẽ thành những vệt dài màu sữa trên nền cỏ xanh.
Một chú bé chạy lại gần Levin.
- Hôm qua ở đây có vịt giời, chú ạ! - nó lớn tiếng mách và đi theo cách một quãng sau lưng chàng.
Và, trước mắt chú bé tỏ vẻ đồng tình, Levin càng khoái gấp bội vì đã liên tiếp bắn chết ba con dẽ giun.
Chú thích:
(1) Câu này trong bản dịch Pháp văn của Xynvi Luynô bị bỏ sót
Quyển 6 
Chương 13
Cái cổ lệ cho rằng nếu bắn trúng phát đầu thì cuộc đi săn sẽ đạt kết quả tốt, tỏ ra là đúng.
Khoảng mười giờ, sau khi đã cuốc bộ chừng ba mươi dặm, Levin mệt phờ, đói, nhưng sung sướng, trở về chỗ nghỉ với mười chín con dẽ, cộng thêm một chú vịt giời dắt ở thắt lưng vì không bỏ vừa túi săn nữa. Các bạn chàng thức giấc từ lâu, cuối cùng, vì đói ngấu, đã ăn sáng không chờ chàng.
- Khoan, khoan đã, tôi biết là có mười chín con mà, - Levin vừa nói vừa đếm lại lần thứ hai những con dẽ gà và dẽ giun co quắp, mình đầy máu đông lại, đầu ngoẹo đi, mất hết vẻ đường bệ khi đang bay.
Chàng đã đếm đúng và lấy làm thú vị khi thấy Stepan Ackađich lộ vẻ ghen tị. Chàng càng mừng khi quay vào căn nhà gỗ thấy người chạy giấy do Kitty phái đến mang cho chàng một lá thư.
"Em rất khoẻ và vui. Mình có thể yên tâm hơn trước, đừng lo cho em. Em vừa có một người hộ vệ mới: bà Maria Vlaxievna (đó là bà đỡ, một nhân vật mới và quan trọng trong đời sống vợ chồng Levin). Bà ta đến thăm thai cho em. Bà ta thấy em hoàn toàn khoẻ mạnh và chúng em giữ bà lại đến khi mình về. Mọi người đều vui tươi và sảng khoái, cho nên em xin mình đừng vội vã; nếu săn có kết quả tốt, mình cứ ở lại thêm một hôm nữa".
Hai niềm vui đó - mẻ săn may mắn và bức thư - thật lớn đến nỗi Levin dễ dàng bỏ qua hai chuyện bực mình nho nhỏ xảy ra sau buổi săn. Thứ nhất, con ngựa hồng đóng càng xe rõ ràng hôm qua bị thúc chạy quá nhanh, nay không chịu ăn và như rũ ra. Gã xà ích bảo nó mệt.
- Ông Konxtantin Dimitrievich, hôm qua ông đã bắt nó chạy cố, - gã nói. - Chẳng có gì là lạ, suốt mười dặm đường, cứ đà ấy mà chạy còn gì!
Nỗi bực mình thứ hai thoạt đầu có làm chàng kém vui nhưng sau đó lại khiến chàng cười mãi, đó là số thức ăn Kitty chuẩn bị cho đem đi nhiều đến nỗi tưởng đủ ăn tám ngày ròng mà nay hết nhẵn chẳng còn tí gì. Đi săn trở về, vừa mệt vừa đói, Levin rất thèm ăn bánh gối. Về gần đến chỗ trú chân, chàng đã dự cảm thấy mùi vị nó trong miệng, y hệt con Laxca đánh hơi thấy chim, và lập tức sai Filipov dọn món đó cho chàng. Vậy mà không những bánh gối, đến cả gà giò cũng chẳng còn chút dấu vết nào nữa!
- Anh ta háu ăn ghê gớm! - Stepan Ackađich vừa nói vừa cười chỉ Vaxya Vexlovxki. - Mình cũng chẳng phải là không háu ăn nhưng cái háu ăn của cậu ta thì thật kinh khủng…
- Không sao! - Levin vừa nói vừa lầm lầm nhìn Vexlovxki. - Filipov, dọn cho tôi món thịt bò vậy.
- Chẳng còn gì nữa ạ, đến xương các ông ấy cũng quẳng cho chó cả rồi, - Filipov đáp.
Levin bực mình hết sức và nói với giọng rầu rĩ:
- Lẽ ra các ông phải để phần tôi chút gì chứ!
Chàng tức đến phát khóc.
- Mổ chim đi, - chàng nói giọng run run và cố không nhìn Vaxya, - Rồi nhồi lá gai vào. Và ít ra cũng cố tìm sữa cho tôi.
Uống sữa no nê xong, chàng liền hối hận là đã tỏ ra bực dọc trước mặt khách và phì cười về nỗi đã phát cáu do cơn đói cào ruột.
Buổi chiều, họ lại đi săn, Vexlovxki bắn được mấy con chim và đến đêm họ trở về nhà. Lượt về cũng vui y như lượt đi. Vexlovxki lúc ca hát, lúc khoái chí kể lại đợt nghỉ chân ở chỗ các bác nông dân đã mời anh ta uống vodka và nói: "Đừng có vẽ vời!", hoặc cuộc léng phéng ban đêm bao gồm nào là chuyện hạt dẻ, chuyện cô gái tá điền và chuyện bác nông dân sau khi hỏi anh ta có vợ chưa, đã bảo: "Đừng có đi liếc vợ kẻ khác nữa, tốt hơn hết là chú hãy đi kiếm lấy một cô cho mình". Câu nói làm Vexlovxki thích thú đặc biệt.
- Tóm lại, tôi rất thích chuyến đi này. Còn anh, Levin?
- Tôi cũng thế, - Levin thành thật nói, không những rất vui sướng vì không còn cảm thấy hằn học với Vexlovxki như khi ở nhà nữa mà trái lại còn thấy rất thân thiện với anh ta.
Quyển 6
Chương 14
Khoảng mười giờ hôm sau, khi đi kiểm tra trại ấp về, Levin đến gõ cửa buồng Vaxya ngủ đêm trước.
- Cứ vào! - Vexlovxki nói to. - Xin lỗi, tôi vừa mới tắm gội, - anh mỉm cười nói.
Anh ta đứng trước mặt chàng, mặc độc bộ đồ lót.
- Xin anh cứ tự nhiên, - Levin ngồi xuống cạnh cửa sổ.
- Anh ngủ có ngon không?
- Ngủ như chết. Thời tiết hôm nay đi săn có tốt không?
- Anh dùng gì: trà hay cà phê?
- Chẳng trà mà cũng chẳng cà phê. Tôi vừa ăn cả một bữa điểm tâm thịnh soạn. Tôi lấy làm xấu hổ… Có lẽ các bà dạy rồi nhỉ. Giá đi chơi một vòng thì khoái biết mấy! Anh chỉ cho tôi xem đàn ngựa của anh nhé.
Sau khi đi dạo trong vườn, đến thăm chuồng ngựa và lên xà kép vài cái, Levin trở về nhà và cùng Vaxya đến phòng khách.
- Cuộc đi săn của chúng tôi thật tuyệt diệu, tôi trở về mang theo rất nhiều ấn tượng, - Vexlovxki vừa nói vừa bước lại gần Kitty đang ngồi cạnh ấm đun trà. - Thật đáng tiếc cho các bà không được hưởng những thú ấy!
"Anh ta cứ nhất định phải nói vài lời với nữ chủ nhân", Levin tự nhủ. Chàng thấy một sắc thái đặc biệt trong nụ cười, trong vẻ tán tỉnh của khách khi anh ta nói với Kitty.
Phu nhân ngồi phía bên kia bàn với bà Maria Vlaxievna và Stepan Ackađich, bà gọi Levin lại gần để bàn việc thu xếp nhà cửa. Dạo cưới, mọi sự chuẩn bị vô nghĩa lí như thế này đều khiến Levin khó chịu, vì nó làm tổn thưởng đến sự kiện cao cả đang hoàn thành; sự chuẩn bị cho việc sinh nở nay mai mà người ta bấm đốt ngón tay tính từng ngày, càng khiến chàng phật ý hơn nữa. Chàng cố bưng tai nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện về cách quấn tã cho trẻ sơ sinh, trước những dải băng đan bí ẩn dài bất tận, những mảnh vải hình tam giác mà Đôly coi là rất quan trọng v.v… Chàng thấy việc đẻ một đứa con trai (chàng đinh ninh đó sẽ là con trai) - điều mà người ta hứa hẹn với chàng, nhưng chàng vẫn chưa tin vì thấy điều đó thật quá kì lạ - một mặt là niềm hạnh phúc bao la do đó không thể đạt được, mặt khác lại là một sự kiệ huyền bí đến nỗi cả cái kiến thức hư ảo về điều sắp xảy tới lẫn những chuẩn bị dường như chỉ liên quan đến một việc thông thường, đều có vẻ ô nhục và ghê tởm dưới mắt chàng.
Nhưng phu nhân không hiểu tâm trạng chàng và cho việc chàng không muốn bận tâm và bàn bạc đến vấn đề ấy là do tính nhẹ dạ và thờ ơ, cho nên bà không để chàng yên thân chút nào. Bà đã nhờ Stepan Ackađich tìm cho họ một căn nhà và bây giờ, bà vẫy Levin lại gần.
- Thưa phu nhân, con chẳng biết gì cả. Xin tùy phu nhân muốn làm thế nào cũng được, - chàng nói.
- Anh chị phải định ngày lên đường đi chứ.
- Thật quả, con không biết gì về việc đó. Con chỉ biết là có hang triệu trẻ con không đẻ ở Moskva và không cần đến bác sĩ…, vậy tại sao…
- Nếu như vậy…
- Việc này sẽ tuỳ ý Kitty.
- Không nên bàn chuyện này với Kitty! Vậy ra anh muốn tôi làm nó sợ à? Anh chớ nên quên là mùa xuân năm ngoái, Natalya Gôlitxưn đã chết vì thiếu bà đỡ giỏi đấy.
- Con sẽ làm theo ý phu nhân, - chàng nói, vẻ lầm lì.
Phu nhân cứ nói, nhưng chàng chẳng buồn nghe. Tuy câu chuyện làm chàng phát ngấy nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến chàng buồn bực, mà chính do cái điều chàng nhìn thấy bên cạnh chiếc ấm đun trà kia.
"Không, không thể thế được", chàng nghĩ bụng, thỉnh thoảng đưa mắt hết nhìn Vaxya tươi cười cúi xuống nói chuyện với Kitty rồi lại nhìn vợ đỏ bừng mặt, xúc động.
Có cái gì khiếm nhã trong dáng ngồi của Vaxya, trong cái nhìn, trong nụ cười của anh ta. Thậm chí, Levin còn thấy cả dáng ngồi và cái nhìn của Kitty cũng vô lối nữa. Một lần nữa, tất cả lại tối sầm trước mắt chàng. Cũng như hôm qua, không hề có sự chuyển tiếp nào, chàng bỗng cảm thấy bị xô từ chót đỉnh của hạnh phúc, thư thái và phẩm giá xuống vực thẳm của tuyệt vọng, tàn ác và nhục nhằn. Chàng thấy cả thế gian đều tởm không chịu nổi.
- Thưa phu nhân, xin phu nhân muốn sao cứ làm vậy, - chàng nói, mắt vẫn nhìn đi chỗ khác.
- Việc gì cũng có mặt tốt mặt xấu, - Stepan Ackađich nói với chàng, giọng bông lơn, không những ám chỉ câu chuyện của phu nhân mà còn ám chỉ nguyên nhân khiến Levin bối rối mà ông ta đã đoán biết. - Đôly, sao hôm nay mình xuống chậm thế!
Mọi người đứng dậy chào Đarya Alecxandrovna. Vaxya chỉ đứng dậy một tí, và với thói bất lịch sự vốn là đặc điểm của lớp thanh niên ngày nay, anh ta chào thoáng một cái và lại vừa cười vừa tiếp tục câu chuyện nói dở.
- Con Masa không để em ngơi phút nào cả. Nó kém ngủ và trở nên trái tính trái nết ghê gớm, - Đôly nói.
Câu chuyện giữa Vaxya và Kitty lại xoay quanh vấn đề ngày hôm trước: họ nói về Anna và hỏi nhau người ta có thể đặt tình yêu lên trên mọi tập tục xã hội không. Câu chuyện làm Kitty khó chịu và đâm bối rối, do cả bản thân vấn đề lẫn giọng điệu của Vexlovxki và nhất là vì nàng biết trước nó sẽ tác động như thế nào đến chồng. Nhưng tính nàng vốn quá giản dị và hồn nhiên nên không biết đường cắt đứt câu chuyện, thậm chí không biết che giấu vẻ vui thích hời hợt mà những biểu hiện ân cần của gã trai trẻ đã đem đến cho nàng. Nàng muốn chấm dứt cuộc nói chuyện, nhưng không biết làm thế nào. Nàng biết mọi cái mình làm đều sẽ bị chồng hiểu theo nghĩa xấu. Và, quả vậy, khi nàng hỏi Đôly là Masa làm sao và khi Vaxya quay sang lạnh nhạt nhìn Đôly, chờ cái câu chuyện chán phèo đối với anh ta đó kết thúc, thì Levin thấy câu hỏi đó thật gượng gạo và giả dối đến ghê tởm.
- Hôm nay, ta có đi hái nấm không? - Đôly hỏi.
- Ồ có chứ, em sẽ cùng đi, - Kitty nói, và đỏ bừng mặt. Nàng muốn theo phép lịch sự hỏi xem Vaxya có đi không, nhưng không dám. - Koxtia, mình đi đâu đấy, - nàng hỏi chồng với vẻ phạm lỗi khi chàng quả quyết bước qua mặt nàng. Vẻ bối rối trên mặt nàng đã xác nhận mọi mối nghi ngờ của Levin.
- Có một thợ máy đến trong khi tôi đi vắng, tôi chưa kịp gặp anh ta, - chàng trả lời, không nhìn nàng.
Chàng đi xuống nhưng chưa kịp ra khỏi phòng làm việc thì đã nghe thấy tiếng chân quen thuộc của vợ chạy xuống sầm sầm không cần giữ gìn gì nữa.
- Mình cần gì? - chàng lạnh nhạt hỏi vợ.
- Chúng tôi đang bận.
- Tôi xin lỗi, - nàng quay về phía anh thợ máy người Đức, nói - tôi cần nói chuyện với nhà tôi một tí.
Người Đức định lui ra, nhưng Levin bảo:
- Anh cứ ở đây.
- Có phải ba giờ tàu chạy không? - người đó hỏi.
- Tôi không muốn bị nhỡ. Levin không trả lời và ra ngoài với vợ.
- Thế nào, cô có chuyện gì cần nói? - chàng nói với vợ bằng tiếng Pháp. Chàng không nhìn thẳng vào mặt vợ và không muốn trông thấy nàng run bắn cả chân tay, giữa lúc bụng mang dạ chửa. Nàng có vẻ rũ rượi và thiểu não.
- Em… em muốn nói với anh rằng chúng ta không thể sống như thế này được, đó là một cực hình… - nàng nói.
- Ở nhà bếp có người đấy, cô đừng có to tiếng, - chàng đáp, giọng cáu kỉnh.
- Thế thì lại đây, anh.
Họ đang đứng ở phòng chờ. Kitty định sang buồng bên cạnh nhưng cô gia sư người Anh lại đang dạy Tanya học ở đấy.
- Ta ra vườn vậy! ở ngoài vườn, lại chạm trán bác nông dân đang cào cỏ lối đi. Và, chẳng buồn nghĩ đến việc bác ta đã trông thấy mặt mày họ nhớn nhơ nhớn nhác như đang chạy trốn trước tai hoạ, họ cứ bước thẳng vội vã, cảm thấy cần nói ra tất cả những điều chất nặng trong lòng, phân giải cho nhau khỏi hiểu lầm, cần được đứng một mình với nhau trong vài phút và do đó, tự giải thoát khỏi giày vò.
- Không thể sống như thế này được! Đó là một cực hình. Em đau khổ, anh đau khổ. Tại sao lại như vậy? - cuối cùng, nàng nói, khi họ đi tới một chiếc ghế dài trơ trọi trong góc, trên lối đi giữa rặng bồ đề.
- Chỉ cần em nói với anh điều này thôi: trong thái độ anh ta, có đúng là có cái gì chướng mắt, bỉ ổi và điếm nhục không? - chàng nói và lại đứng sững trước mặt nàng, vẫn với cái dáng như hôm nọ, hai nắm tay áp chặt vào ngực.
- Vâng, - nàng trả lời, giọng run run. - Đấy, Koxtia, anh thấy rõ em không có tội tình gì! Em đã toan lập tức nói thẳng cho anh ta biết, nhưng với loại người ấy… Tại sao anh ta lại đến đây? Trước đó, chúng ta đang sung sướng bao nhiêu! - nàng nói, nghẹn nào giữa những tiếng nấc làm rung cả tấm thân nặng nề vì sắp đến kì sinh nở.
Người làm vườn ngạc nhiên thấy họ trở lại qua trước mặt bác với bộ mặt bình thản và rạng rỡ. Tuy vậy, nào có ai đuổi theo họ đâu, họ chẳng cần chạy trốn và họ cũng chẳng tìm ra cái gì đặc biệt sung sướng trên tấm ghế dài nọ.
Quyển 6
Chương 15
Sau khi đưa vợ lên nhà trên, Levin đến buồng Đôly. Về phần Đarya Alecxandrovna, hôm đó, bà cũng rất bực tội. Bà đi đi lại lại trong phòng và giận dữ mắng đứa con gái nhỏ đang đứng khóc ở góc nhà.
- Mày sẽ phải đứng ở xó nhà suốt ngày, phải ăn trưa một mình, tao sẽ cất hết búp bê đi và không may áo mới cho mày nữa, - bà nói và không biết bày vẽ thêm hình phạt nào nữa.
- Chao! Con cái nhà hư đốn quá! - bà quay về phía Levin nói. - Không biết sao bản tính nó lại xấu thế?
- Thế nào, cháu nó đã làm gì? - Levin hỏi, giọng khá hờ hững. Chàng định hỏi ý kiến chị vợ và tiếc là đã đến không đúng lúc.
- Nó đi hái phúc bồn tử với Grisa, và ở đằng ấy… thậm chí tôi không dám nói là nó đã đã làm gì nữa kia. Tôi tiếc cô Êliô quá. Cô này chẳng để tâm đến cái gì cả, cứ như cái máy… Chú cứ thử tưởng tượng xem con bé…(1)
Và Đarya Alecxandrovna bèn kể những trò hư đốn của Masa.
- Thế thì có sao, đó hoàn toàn không phải là bản tính xấu mà chỉ là tính nghịch ngợm của trẻ con thôi, - Levin nói cho bà chị nguôi lòng.
- Còn chú, nom chú cũng có vẻ xúc động. Chú đến có việc gì thế? Đôly hỏi.
- Ở đằng ấy, có chuyện gì vậy? Nghe giọng bà hỏi, Levin cảm thấy có thể dễ dàng nói điều định nói.
- Tôi không ở đằng ấy, tôi đứng một mình ngoài vườn với Kitty. Đây là lần thứ hai chúng tôi cãi nhau từ khi… Xtiva đến.
Đôly nhìn chàng bằng đôi mắt thông minh và thông cảm.
- Chị hãy hết sức thành thật cho tôi biết, phải chăng ở… không phải ở Kitty đâu, mà ở ông khách kia… có một cung cách thật khó chịu, và không những khó chịu mà còn quá quắt, xúc phạm đến kẻ làm chồng, đúng không?
- Biết nói thế nào với chú được nhỉ?… Đứng im trong góc đó! - bà ta thét Masa, con bé thấy mặt mẹ thoáng cười, bèn cựa quậy định quay lại.
- Trong giới thượng lưu thì người ta sẽ nói là anh ta xử sự như mọi thanh niên. Anh ta tán tỉnh một thiếu phụ trẻ và xinh đẹp và một người chồng thuộc giới thượng lưu thì chỉ có thể lấy đó làm hãnh diện.
- Phải, phải, - Levin nói, vẻ lầm lầm, - nhưng chị có nhận thấy gì không?
- Không những tôi mà cả Xtiva nữa. Sau bữa trà, anh ấy có nói với tôi: "Tôi thấy hình như Vexlovxki đang tán tỉnh Kitty tí ti thì phải"
- Tốt lắm, thế là tôi yên tâm rồi. Tôi sẽ đuổi cổ hắn đi, - Levin nói.
- Chú làm sao thế, chú điên rồi à? - Đôly sợ hãi kêu lên.
- Này, Koxtia, hãy tĩnh trí lại đi chú, - bà vừa cười vừa nói thêm. Được, cho phép mày đi tìm cô Fanni, - bà nói với Masa. - Nếu chú muốn, tôi sẽ nói chuyện này với Xitioa. Anh ấy sẽ đưa hắn đi. Ta có thể bảo hắn là chú sắp có khách. Tóm lại thì anh ta cũng không hợp với gia phong nhà ta mấy.
- Không, không, tôi muốn tự mình làm việc này.
- Nhưng chú sẽ không cãi lộn với anh ta chứ?
- Tuyệt không. Việc này sẽ làm tôi rất thú vị, - Levin nói, đôi mắt long lanh. - Nào thôi, hãy tha thứ cho cháu đi, chị Đôly! Cháu nó sẽ không tái phạm nữa đâu, - chàng xin hộ cô bé phạm lỗi đang tần ngần không chịu đến với cô Fanni mà cứ đứng sững trước mặt mẹ, mắt nhìn xuống liếc trộm, ngong ngóng chờ mẹ ngó tới.
Bà mẹ đưa mắt nhìn nó. Cô bé oà lên khóc nức nở, giấu mặt vào váy mẹ và Đôly đặt bàn tay thon gầy lên đầu nó.
"Giữa anh chàng đó và chúng ta có gì là hợp nhau kia chứ?", Levin nghĩ thầm và đi tìm Vexlovxki.
Khi đi qua phòng chờ, chàng sai người thắng ngựa vào xe chuẩn bị ra ga.
- Hôm qua, một ổ lò xo bị gãy ạ, - người hầu trả lời.
- Thì thắng xe tarăngtat (2) vậy, nhưng nhanh lên. Ông khách đâu?
- Ở trong phòng ông ta ạ.
Khi Levin bước vào, Vaxya mới mở đồ lề ra, xếp lại gọn gàng những bản tình ca mới và đang đi ghệt cưỡi ngựa.
Phải chăng mặt Levin có vẻ gì đặc biệt hay là Vaxya đã hiểu cái việc tán tỉnh tí ti đó là lạc lõng trong gia đình này? Dù sao anh ta cũng lúng túng (đến mức tối đa có thể thấy ở một người giới thượng lưu) khi chủ nhân bước vào.
- Anh thường đi ghệt để cưỡi ngựa à?
- Vâng, như thế sạch hơn nhiều, - Vaxya vừa nói vừa đặt cái cẳng chân to tướng lên ghế tựa và cài nốt cúc ghệt với một nụ cười hồn hậu.
Hiển nhiên anh ta là một thanh niên trung thực và Levin cảm thấy vừa thương hại vừa hối hận khi thấy cái nhìn rụt rè của Vaxya.
Trên bàn có một cái gậy sáng nay vào giờ thể dục họ đã làm gẫy khi tìm cách nâng những xà đôi bị khí ẩm làm nở ra. Levin cầm lấy đoạn gỗ và bẻ chỗ đầu bị tước ra, không biết vào đề thế nào.
- Tôi muốn… - chàng nín lặng, nhưng chợt nhớ đến Kitty và những chuyện đã xảy ra, chàng quả quyết nhìn thẳng vào mắt Vexlovxki và nói nốt - Tôi đã bảo thắng ngựa cho anh rồi.
- Sao kia ạ? - Vaxya kinh ngạc hỏi.
- Để đi đâu?
- Để đưa anh ra ga, - Levin lầm lầm nói và tước đầu gậy ra.
- Anh sắp đi à? Có chuyện gì xảy ra chăng?
- Chả là tôi sắp có khách, - Levin nói, những ngón tay khoẻ mạnh thoăn thoắt bẻ vụn nốt mẩu gỗ gẫy. - Với lại chẳng phải tôi sắp có khách và cũng chẳng có chuyện gì xảy ra đâu, nhưng tôi yêu cầu anh đi khỏi đây. Anh muốn cắt nghĩa thái độ bất lịch sự của tôi thế nào tùy anh.
Vaxya đứng thẳng người dậy.
- Tôi yêu cầu chính anh cắt nghĩa cho tôi… - anh ta dõng dạc nói. Cuối cùng, anh ta đã hiểu ra.
- Tôi không thể cắt nghĩa được, - Levin nói tiếp, giọng khàn đi, ngắt từng vần và cố không để anh ta thấy hai má mình đang run lên. - Anh đừng hỏi tôi thì tốt hơn.
Và vì bên đầu gãy đã xơ hết rồi, Levin lại xoay sang đầu nguyên, bẻ chiếc gậy làm đôi và thận trọng nhặt lại mẩu đã rơi xuống… Đôi bàn tay quắp lại, những bắp thịt mà mới sáng nay, lúc tập thể dục, anh ta đã nắn thử, cặp mắt long lên, giọng nói nghẹn lại và đôi môi run run kia hẳn đã thuyết phục Vaxya nhiều hơn lời nói. Anh ta vừa nghiêng mình vừa nhún vai với một nụ cười khinh bỉ.
- Tôi có thể gặp Oblonxki được không?
Cái nhún vai và nụ cười đó không làm Levin tức giận chút nào. "Hắn không còn biết làm gì khác được", chàng nghĩ thầm.
- Tôi sẽ cho mời anh ấy đến gặp anh ngay lập tức.
- Sao lại ngớ ngẩn đến thế là nghĩa lí gì! - Stepan Ackađich nói, lúc gặp lại Levin ở trong vườn, sau khi bạn ông báo tin anh ta đã bị tống ra khỏi cửa. - Thế này thì thật lố bịch. Con ong nào châm ruột chú vậy? Thế này thì thật lố bịch vô cùng. Vậy ra, chỉ vì một gã thanh niên…
Nhưng hình như chỗ ong châm vẫn dễ chạm nọc, vì khi Stepan Ackađich định phân trần, Levin tái mặt đi và vội vàng ngắt lời ông:
- Xin anh đừng có phân trần với tôi! Tôi không thể làm khác được! Tôi lấy làm ân hận cho anh và cho anh ta. Nhưng theo tôi, anh ta đi cũng chẳng buồn phiền gì lắm, còn nếu anh ta ở đây thì khổ cho cả hai vợ chồng chúng tôi.
- Nhưng thế là sỉ nhục người ta! Và hơn nữa, là lố bịch.
- Đối với tôi, cũng là sỉ nhục và đau đớn! Tôi đâu đáng phải chịu như thế và không lý gì tôi phải đau khổ cả!
- A, tôi không ngờ chú lại thế! Người ta có thể ghen tuông nhưng ghen đến mức như vậy thì lố bịch vô cùng.
Levin quay phắt đi, dấn sâu vào lối đi trong vườn và tiếp tục dạo quanh đó. Lát sau, chàng nghe thấy tiếng xe tarăngtat cót két dọc theo lối nhỏ, và qua hàng cây, trông thấy Vaxya đầu đội mũ nồi Ecot ngồi trên nệm cỏ khô (rủi thay xe lại không có ghế) mỗi khi gặp ổ gà lại nẩy bật người lên.
"Lại có chuyện gì thế kia?", Levin nghĩ thầm khi một tên đầy tớ chạy ra ngăn cỗ xe tarăngtat lại. Đó là người thợ máy mà Levin đã quên bẵng đi mất. Người đó cúi chào lia lịa, nói với Vexlovxki vài lời rồi leo lên xe và họ cùng đi xa dần.
Stepan Ackađich và phu nhân đều phật lòng về cách xử sự của Levin. Bản thân chàng cũng cảm thấy không những mình lố bịch đến cao độ mà còn có lỗi và mang tiếng nữa; nhưng cứ nghĩ đến những điều hai vợ chồng đã phải chịu đựng, chàng tự hỏi nếu lần sau lại gặp trường hợp tương tự thì sẽ xử sự ra sao và đều tự trả lời cũng vẫn hành động y như thế.
Mặc dầu mọi chuyện đó, chiều đến, trừ phu nhân vẫn không thể bỏ qua cho Levin, mọi người đều vui vẻ và hoạt bát như trẻ con sau khi chịu phạt hoặc như người lớn sau một cuộc tiếp đón long trọng nặng nề. Buổi tối, khi phu nhân đã về buồng, người ta nhắc đến chuyện trục xuất Vexlovxki như nói đến một việc từ thuở nào. Và Đôly, vốn thừa hưởng khiếu hài hước ở bố, đã làm Varenca cười ngất khi kể lại cho cô nghe đến lần thứ ba, thứ tư - mà mỗi lần đều điểm thêm những chi tiết trào lộng mới - câu chuyện bà chuẩn bị diện những dải "nơ" mới tiếp khách như thế nào, nhưng vừa bước vào phòng khách thì chợt nghe tiếng xe ngựa cót két. Và ai đang ở trên xe đó? Đích thân Vaxya với chiếc mũ nồi Ecot, với những bản tình cả và đôi ghệt, đang ngồi trên đống cỏ khô!
- Lẽ ra ít nhất chú cũng nên thắng cho anh ta cỗ xe nhà mới phải! Nhưng không!… Thế rồi, tôi nghe thấy: "Dừng lại!" Tôi tưởng người ta thương hại hắn. Tôi nhìn ra: họ xếp một gã người Đức to béo ngồi cạnh anh ta và đưa hai người đi… Tôi đã thắt dải băng uổng công vô ích quá!
Chú thích:
(1) Figures-vous que la petite (tiếng Pháp trong nguyên bản)
(2) Một thứ xe ngựa bốn bánh ở nông thôn Nga.
Quyển 6 
Chương 16
Đarya Alecxandrovna thực hiện dự định của mình và đi thăm Anna. Bà rất sợ làm cô em khổ tâm hoặc làm em rể khó chịu. Bà hiểu gia đình Levin không muốn gần gũi thân cận với Vronxki là đúng, nhưng bà cho mình có nhiệm vụ phải đến thăm Anna và tỏ cho nàng rõ tình cảm bà không thể thay đổi mặc dầu tình thế đã đổi thay.
Để khỏi phụ thuộc vào gia đình Levin, Đarya Alecxandrovna sai người đi thuê ngựa ở trong làng; nhưng khi biết chuyện, Levin liền đến rầy la bà.
- Tại sao lại cho việc chị đến đó làm tôi khó chịu? Mà nếu có thế đi nữa, thì tôi sẽ càng giận hơn khi chị mượn ngựa khác chứ không dùng ngựa của tôi, - chàng nói. - Chị chưa hề nói với tôi là chị dứt khoát định đến đấy. Nếu chị thuê ngựa trong làng, thì trước nhất chị xúc phạm tôi, thứ nữa là chúng sẽ không đưa chị đến nơi đến chốn được đâu. Tôi có ngựa, nếu chị không muốn làm tôi mếch lòng thì xin chị hãy lấy ngựa của tôi.
Đarya Alecxandrovna phải nhận lời và đến ngày đã định, Levin sai chuẩn bị cho bà một cỗ xe bốn ngựa và một trạm tiếp sức gồm những ngựa kéo và ngựa cưỡi không sang lắm nhưng có thể đưa Đarya Alecxandrovna bình yên đến nơi đến chốn trong một ngày. Giữa lúc đang cần ngựa cho phu nhân ra đi và cho cả bà nữ hộ sinh nữa, điều này khiến Levin lúng túng, nhưng tính hiếu khách không cho phép chàng để Đarya Alecxandrovna thuê ngựa ở ngoài, và hơn nữa, chàng biết số tiền hai mươi rúp chi phí về cuộc hành trình này rất cần cho Đôly; tình cảnh của Đarya Alecxandrovna rất eo hẹp về mặt tiền nong và vợ chồng Levin lo cho bà như cho chính mình.
Theo ý kiến Levin, Đarya Alecxandrovna khởi hành từ trước bình minh. Đường tốt, xe êm, ngựa vui vẻ phi nước kiệu và trên chiếc ghế ngồi đánh xe, ngoài gã xà ích ra, còn có người thứ ba do Levin phái đi làm tùy tùng cho bà chị vợ để thêm phần an toàn. Đarya Alecxandrovna ngủ thiếp đi mãi tới khi đến gần quán hàng, nơi phải thay ngựa, bà mới thức giấc.
Sau khi dùng trà ở chính người nông dân sung túc, nơi Levin đã dừng chân khi đến thăm Xvyajxki, sau khi nói chuyện với nhóm phụ nữ về con cái và nghe ông già hết lời ca ngợi bá tước Vronxki, Đarya Alecxandrovna tiếp tục lên đường vào lúc mười giờ. Ở nhà, quá bận bịu vì con cái, bà chẳng bao giờ có thì giờ suy nghĩ. Bù lại, trong chặng đường bốn tiếng đồng hồ này, tất cả những ý nghĩ trước đây bị dẹp xuống nay ùa vào tâm trí và bà ngẫm ngợi về cuộc đời như xưa nay chưa từng nghĩ thế bao giờ, quan sát nó dưới mọi khía cạnh. Những ý nghĩ đó làm cho chính bà ngạc nhiên. Thoạt tiên, bà nghĩ đến lũ con mà bà vẫn lo lắng tới, mặc dầu phu nhân và nhất là Kitty (bà đặt hy vọng vào nàng nhiều hơn) đã hứa trông nom: "Miễn là Masa đừng có lặp lại những trò dại dột, Grisa đừng bị ngựa đá và Lili đừng bị đầy bụng". Nhưng sau đó, những vấn đề hiện tại nhường chỗ cho những vấn đề sắp tới trước mắt. Bà tự nhủ mùa đông tới phải kiếm một gian nhà khác, thay đổi đồ đạc trong phòng khách và may áo lông thú cho đứa con gái lớn. Rồi những vấn đề của một tương lai xa hơn hiện ra: bà sẽ làm thế nào cho các con nên người? "Con gái thì còn dễ, bà nghĩ, nhưng còn con trai?".
"Được lắm, hiện nay, mình còn chăm sóc Grisa, nhưng đó chỉ vì bây giờ mình còn rảnh rỗi, mình chưa có mang đấy thôi. Tất nhiên đừng trông mong gì Xtiva, vô ích. Có kẻ hầu người hạ tử tế, mình sẽ có thể lo liệu được cho chúng nó. Nhưng nếu mình lại có mang…". Và bà nghĩ thật bất công thay, nỗi bất hạnh đè nặng trên cái kiếp đàn bà: mang nặng đẻ đau.
"Đẻ thì không sao, nhưng mang cái thai mới là điều đáng sợ nhất!", bà vừa nghĩ vừa nhớ đến lần có thai vừa rồi và cái chết của đứa con sau cùng ấy. Và bà nhớ lại câu chuyện với một thiếu phụ trẻ trong quán.
Khi bà hỏi chị ta có con không, chị nông dân xinh đẹp ấy trả lời:
- Em có một đứa con gái nhỏ, nhưng Chúa đã giải thoát cho em khỏi phải nuôi nó, chúng em đã chôn nó trong tuần chay rồi.
- Chị có thương tiếc nó lắm không? - Đarya Alecxandrovna hỏi.
- Thú thật là không. Ông cụ em cứ thế này cũng đã đông cháu rồi. Có con chỉ tổ lo thôi. Chẳng còn thì giờ làm việc gì cả. Đó là sợi chỉ buộc chân, thế thôi.
Đarya Alecxandrovna thấy câu trả lời thật ghê tởm mặc dầu người thiếu phụ nom đầy vẻ duyên dáng hồn hậu; nhưng giờ đây, lời nói bất giác trở lại trong trí bà. Những câu nói trắng trợn chứa đứng một phần sự thật.
"Tóm lại, Đarya Alecxandrovna vừa nghĩ vừa điểm lại mười lăm năm ăn ở với chồng: có mang, nôn mửa, đâm ra đần độn, dửng dưng với tất cả và nhất là xấu đi. Ngay cả Kitty, trẻ và xinh như thế, mà cũng xấu đi nhiều, còn mình, khi có chửa thì trông đến gớm ghiếc, mình biết lắm. Sinh nở, đau đớn, cái cực hình của phút cuối cùng trở dạ… rồi cho con bú, những đêm không ngủ, những cơn đau kinh khủng ấy…"
Chỉ nhớ lại những vết nứt nẻ nụ hoa mà hầu như đẻ đứa con nào cũng thấy xuất hiện, Đarya Alecxandrovna đã rùng mình. "Tiếp đó là tật bệnh của lũ trẻ, phải luôn luôn lo lắng; rồi nào là việc giáo dục, nào những thói xấu (bà nhớ lại cái tội của con bé Masa ở vườn phúc bồn tử), việc học hành, môn la tinh: tất cả những cái đó thật khó hiểu và khó khăn biết mấy. Và đáng sợ hơn cả là những đứa trẻ ấy lăn ra chết". Và một lần nữa lại hiện lên trong tâm trí cái kỉ niệm tàn nhẫn không ngừng nhói buốt trong tấm lòng người mẹ của bà: cái chết của đứa bé sơ sinh vừa đây của bà bị bệnh yết hầu cưới đi, đám tang nó, sự thờ ơ của mọi người quanh chiếc quan tài nhỏ màu hồng và nỗi đau thương đơn chiếc của bà trước vầng trán nhỏ trắng muốt với những mớ tóc mai loăn xoăn cùng cái miệng xinh xinh hé mở, ngỡ ngàng, mà bà thoáng thấy lần cuối, lúc nắp quan tài hồng hồng điểm một hình thập tự ren sập xuống.
"Và vì sao lại có tất cả những cái ấy! Nó dẫn đến kết quả gì? Mình chẳng có được lấy một phút nào thảnh thơi: khi thì chửa, khi thì nuôi con, lúc nào cũng cau có, mệt rũ, khả ố với mọi người xung quanh và với chồng; và chịu tất cả những cái đó để sinh ra đời những đứa trẻ xấu số, kém giáo dục và nghèo hèn ư? Nếu hè này không kéo cả nhà đến ở với Levin thì không biết mình sẽ xoay xở thế nào. Tất nhiên Kitty và Koxtia rất tế nhị, khiến ta không thấy ngượng gì cả; nhưng không thể cứ kéo dài thế mãi. Khi có con, họ sẽ không thể giúp đỡ ta được nữa: ngay bây giờ họ cũng không còn phong lưu lắm đâu: Ba thì hầu như chẳng còn giữ lại gì cho bản thân ba nên cũng không thể đỡ đần mình được. Vậy mình không thể đơn độc nuôi các con, đành nhờ cậy người khác, thật nhục nhã. Cứ cho rằng mọi việc đều chu toàn, mình không mất đứa con nào nữa và mình lo được tàm tạm cho chúng học hành. Chỉ mong ước nhiều nhất là chúng đừng trở nên hư hỏng. Mình chỉ muốn có thế thôi. Biết bao đau khổ, cực nhọc để đạt tới đó!… Đời mình thế là bỏ đi rồi!". Bà lại nhớ đến lời người thiếu phụ đã nói và một lần nữa, thấy phẫn nộ khi ôn chuyện đó; nhưng bà vẫn công nhận trong những lời đó có một phần sự thật chua chát.
- Còn xa không, Mikhail? - Đarya Alecxandrovna hỏi người thủ hạ để tránh những ý nghĩ làm bà sợ hãi.
- Người ta bảo đi hết cái làng kia thì còn bảy dặm nữa.
Sau khi qua làng, xe đi vào một cái cầu nhỏ. Một tốp phụ nữ, mang những bó dây trên lưng, chuyện trò vui vẻ, lúc đó cũng qua cầu. Họ dừng lại tò mò nhìn cỗ xe ngựa đi qua. Đarya Alecxandrovna thấy tất cả những bộ mặt ấy hướng về phía bà đều lành mạnh, linh hoạt và như trêu chọc bà do niềm vui sống toát ra từ đó. "Ai nấy đều sống và hưởng thụ cuộc đời, Đarya Alecxandrovna tiếp tục nghĩ khi xe đã vượt qua những chị nông dân, leo lên một sườn dốc và khi bà lại khoan khoái lắc lư người theo nhịp ngựa phi nước kiệu, trên lò xo mềm mại của cỗ xe cũ kĩ. Còn mình thì vừa thoát khỏi cái thế giới làm mình chết mòn như thoát khỏi một nhà tù: mãi bây giờ mình mới có thể bình tâm lại một lúc ngắn ngủi. Tất cả phụ nữ: cả những người đàn bà nọ, cả cô em Natalya của mình, cả Varenca lẫn Anna, mà mình đang trên đường đến thăm, đều biết thế nào là sống, tất cả, trừ mình ra…"
"Họ đổ xô vào công kích Anna. Tại sao? Liệu mình có hơn gì cô ấy không? Mình đây, ít ra mình còn có người chồng mà mình yêu. Không phải đã như ý muốn, nhưng mình yêu anh ấy, còn Anna, cô ta không yêu chồng. Vậy cô ấy có tội gì kia chứ? Cô ấy muốn sống. Chính Chúa đặt trong tâm hồn cô ta nhu cầu đó. Có thể vào địa vị ấy, mình cũng sẽ hành động như cô ta. Cho đến nay mình vẫn còn băn khoăn không biết là vào cái đận kinh khủng khi cô ấy đến gặp mình ở Moskva, mình nghe theo cô ấy như thế có đúng không. Đáng lẽ bấy giờ mình phải bỏ chồng và bắt đầu lại từ đầu. Giá như thế mình sẽ có thể yêu và được yêu thật sự. Bây giờ liệu có hơn gì không? Mình không trọng anh ấy, mình chỉ cần đến anh ấy, bà tự nhủ khi nghĩ đến chồng, và mình phải chịu đựng anh ta. Có hơn gì không? Dạo ấy, ắt còn có người ưa mình, mình hãy còn đẹp", Đarya Alecxandrovna tiếp tục nghĩ và bỗng thèm soi gương. Bà có một tấm gương nhỏ đi đường để trong bọc và rất muốn lấy ra; nhưng nhìn vào lưng gã xà ích và người thủ hạ lắc lư trên ghế, bà cảm thấy nếu một trong hai người quay lại thì bà sẽ xấu hổ lắm, nên đành thôi.
Nhưng dù không soi gương, bà vẫn nghĩ bây giờ cũng chưa phải đã quá muộn; và bà nhớ đến Xergei Ivanovich đã tỏ ra đặc biệt ưu ái đối với bà, ông bạn Turovxưn tốt bụng của Xtiva đã giúp bà chăm nom các con khi chúng sốt phát ban và đã mê bà. Lại còn một gã rất trẻ cho là bà đẹp nhất trong ba chị em, theo lời chồng bà bông lơn kể lại. Và những chuyện tình duyên say đắm nhất, không tưởng nhất cứ dựng lên trong tâm trí bà, "Anna đã làm đúng, mình sẽ không bao giờ kết tội cô ấy. Bản thân cô ấy hạnh phúc, cô ấy lại làm cho một người khác hạnh phúc, cô ấy không ngu độn đi như mình và hẳn cô ấy vẫn tươi trẻ, vẫn sắc sảo, vẫn cởi mở như xưa", Đarya Alecxandrovna nghĩ thầm và thoáng nở một nụ cười ranh mãnh trong khi dựng lên, song song với thiên diễm tình của Anna, một chuyện gần giống như thế với một người đàn ông tưởng tượng, sẽ yêu bà. Cũng như Anna, bà thú hết với chồng. Rồi vẻ ngạc nhiên và bối rối của Stepan Ackađich khi nghe tin đó, khiến bà mỉm cười.
Bà tới chỗ ngoặt từ đường cái lớn rẽ vào con đường dẫn tới Vozđvijenxcoie, trong tâm trạng mơ mộng triền miên đó.
Quyển 6  
Chương 17
Gã xà ích dừng ngựa và nhìn sang bên phải, về phía cánh đồng lúa loã mạch có toán nông dân đang ngồi cạnh một chiếc xe tải. Người thủ hạ định nhảy xuống khỏi ghế nhưng lại thay đổi ý kiến, và hách dịch quát gọi một nông dân, vẫy bác lại gần. Cơn gió nhẹ, lúc đi đường còn thấy hây hẩy, giờ tắt hẳn khi họ dừng lại; ruồi trâu sà đến bâu chi chít vào bầy ngựa đầm đìa mồi hôi đang tức tối xua chúng đi. Tiếng lưỡi hái lanh tanh bên xe tải bỗng ngừng bặt. Một nông dân đứng lên và lại gần cỗ xe ngựa.
- Thế nào, anh mọc rễ ra đấy à! - Người thủ hạ cất giọng cáu kỉnh quát bác nông dân đang thong thả tiến đến, đôi chân đất bước trên con đường gồ ghề và khô nẻ. - Anh có đến hay không?
Người đó - một ông già tóc xoăn chít bằng dây vỏ cây, lưng còng đen xạm mồ hôi - vội rảo bước đến chỗ xe đỗ và vịn bàn tay rám nắng vào cái chắn bùn.
- Vozđvijenxcoie, nhà các quan chủ ư? Nhà bá tước à? - lão nhắc lại - Chỉ việc leo lên cái dốc kia rồi rẽ tay trái là vào ngay lối đi và tới nơi thôi. Các vị muốn gặp ai? Đích thân bá tước à?
- Họ có nhà không, hở bác? - Đarya Alecxandrovna nói, không chỉ đích danh ai vì bà không biết hỏi lão nông dân này về Anna như thế nào cho phải.
- Chắc là có, - lão vừa nói vừa lạch bạch dậm bước tại chỗ, làm hằn vết chân trần năm ngón trên lớp bụi đường. - Tôi chắc có, - lão nhắc lại, rõ ràng muốn kể lể dài dòng hơn. - Mới hôm qua, họ còn có khách. Họ toàn tiếp khách sang… Chú mày muốn gì chứ? - lão vừa hỏi vừa quay về phía một gã thanh niên ngồi cạnh xe tải đang lớn tiếng nói với lão. à, phải rồi! Lúc nãy, họ cưỡi ngựa qua đây để đến xem máy gặt. Bây giờ, hẳn họ về nhà rồi. Thế các vị ở đâu đến?
- Ồ xa lắm, - gã xà ích vừa nói vừa trèo lên ghế.
- Vậy thì cũng không bao xa nữa phải không?
- Thì tôi đã bảo chú là đến nơi rồi mà. Chú cứ đi quá cái dốc… - ông lão vừa nói vừa lấy ngón tay gõ gõ vào cái chắn bùn.
Đến lượt một nông dân trẻ tuổi lực lưỡng tiến lại gần.
- Liệu đến khi gặt lúa về có việc làm không? - anh ta hỏi.
- Lão không biết, anh bạn trẻ ạ.
- Thế là chú hiểu rồi đấy, chú rẽ sang trái là vào đúng ngay đó, - lão nông dân nói, rõ ràng miễn cưỡng phải chia tay giữa lúc còn muốn chuyện gẫu thêm lát nữa.
Gã xà ích khẽ quất đàn ngựa nhưng vừa đi vào đường rẽ, lão nông dân đã lớn tiếng gọi họ:
- Dừng lại! Này, anh bạn, dừng lại! - có tiếng hai người kêu. Gã xà ích làm theo.
- Họ kia rồi! Kia kìa! - lão nông dân kêu to.
- Họ đi cả đoàn! - lão nói tiếp và chỉ bốn người cưỡi ngựa cùng một chiếc xe ghế dài đang tiến lại gần đường cái. Đó là Vronxki, gã giô kê, Anna và Vexlovxki cưỡi ngựa, quận chúa Vacvara và Xvyajxki ngồi xe. Họ đi xem những máy gặt mới mua hoạt động ra sao.
Khi cỗ xe dừng lại (1), các kị sĩ bèn cho ngựa đi bước một. Anna cùng Vexlovxki đến trước tiên. Nàng cưỡi một con ngựa Anh nòi "cóp"(2), tầm vóc trung bình, chắc nịch, đuôi ngắn và bờm xén, ung dung tiến lại. Cái đầu xinh xắn đội mũ đứng thành loà xoà những búp tóc đen nhánh, đôi vai tròn trặn, thân hình bó gọn trong xiêm áo nữ kị sĩ màu đen cùng dáng ngồi ngựa bình tĩnh và duyên dáng của nàng khiến Đôly ngỡ ngàng.
Thoạt đầu, bà thấy Anna cưỡi ngựa khí khó coi. Trong ý nghĩ Đarya Alecxandrovna, việc phụ nữ cưỡi ngựa là một kiểu làm đỏm trẻ trung và phóng túng mà bà cho là không hợp với tình cảnh hiện tại của Anna; nhưng khi nhìn gần nàng, bà lập tức thay đổi ý kiến. Trong cả tư thế, y phục lẫn cử chỉ của Anna, mọi nét đều thanh lịch mà vẫn bình dị, điềm đạm và đường hoàng đến mức không có gì để tự nhiên hơn.
Bên cạnh Anna, trên một con ngựa kị binh màu xám rất hăng, Vaxya Vexlovxki đầu đội mũ nồi Ecot, phất phơ những dải băng, hai bắp chân to tướng duỗi thẳng ra đằng trước, ngạo nghễ đi tới, và Đarya Alecxandrovna không thể nén được một nụ cười tinh quái khi nhận ra anh ta.
Vronxki đi sau hai người. Chàng cưỡi một con ngựa nòi màu hồng nâu rõ ràng bị khích động trong lúc phóng nước đại. Chàng giật dây cương ghìm nó lại. Tiếp đến một Gã nhỏ bé mặc quần áo giôkê. Theo sau các kỵ sĩ là Xvyajxki và quận chúa ngồi trong cỗ xe ghế dài mới tinh do một con ngựa đen khoẻ mạnh kéo.
Mặt Anna ngời lên một nụ cười sung sướng khi nàng nhận ra Đôly trong cái dáng dấp nhỏ bé nép trong góc cỗ xe ngựa cũ kỹ. Nàng reo lên, giật thót mình trên yên ngựa và giục ngựa phi tới. Đến ngang tầm xe, nàng nhảy xuống không cần ai đỡ, và vén cao váy nữ kỵ binh, nàng chạy tới Đôly.
- Quả đúng như em đoán, nhưng em vẫn chưa dám tin là thực. Thật vui quá! Chao, chị không thể tưởng tượng là em sung sướng biết bao, - nàng nói, lúc áp mặt vào mặt Đôly mà hôn, lúc nhích ra, mỉm cười ngắm bà. - Alêxây, anh hãy xem này, hạnh phúc biết bao! - nàng vừa nói vừa ngảnh về phía Vronxki lúc đó đã xuống ngựa và đang đi lại chỗ họ.
Sau khi ngả chiếc mũ đứng thành màu xám ra chào, Vronxki đến bên Đôly.
- Chị đến chơi thế này, chúng tôi rất vui sướng, chàng nói nhấn mạnh từng tiếng thốt ra và mỉm cười để lộ hàm răng trắng khoẻ mạnh Vaxya Vexlovxki không xuống ngựa, ngả mũ chào bà khách mới tới và vui vẻ vẫy mũ trên đầu.
- Đó là quận chúa Vacvara, - Anna nói để trả lời cái nhìn dò hỏi của Đôly khi chiếc xe ghế dài tới gần.
- À! - Đôly nói, và mặt bà bất giác lộ vẻ khó chịu.
Quận chúa Vacvara là một bà cô chồng; bà biết bà ta từ lâu và vẫn coi khinh. Bà biết suốt đời quận chúa Vacvara chỉ ăn bám những bà con giầu có; việc bà hiện sống ở nhà Vronxki, vốn chẳng có họ hàng gì khiến Đôly thấy nhục cho gia đình nhà chồng. Anna nhận thấy vẻ mặt đó của Đôly; nàng bối rối, đỏ mặt, buông váy xuống và vướng chân vào đó.
Đarya Alecxandrovna đến bên xe ghế dài và lạnh lùng chào quận chúa. Bà cũng quen Xvyajxki. Ông này hỏi thăm sức khoẻ anh bạn độc đáo cùng cô vợ trẻ (3) và sau khi nhìn thoáng chiếc xe cũ kĩ với cỗ ngựa thắng xộc xệch cùng những chắn bùn vá víu, ông bèn mời các bà lên xe ghế dài.
- Còn tôi thì đi xe này, - ông nói. - Con ngựa này thuần tính và quận chúa lái khéo lắm.
- Không, ông cứ ngồi đấy, Anna vừa tới chỗ họ bèn nói, - hai chúng tôi sẽ đi xe đó. Và nàng khoác tay Đôly kéo đi.
Đarya Alecxandrovna choáng mắt vì cỗ xe sang trọng đàn ngựa đẹp đẽ và những bộ mặt thanh lịch và rờ rỡ vây quanh bà. Nhưng bà ngạc nhiên nhất về sự thay đổi ở nàng Anna yêu quý và thân thuộc. Một phụ nữ khác, ít chú tâm hơn, trước đây chưa biết Anna và nhất là chưa từng băn khoăn với những ý nghĩ đã khuấy động tâm hồn Đarya Alecxandrovna trên đường tới đây, ắt sẽ không nhận thấy có gì đặc biệt ở Anna. Nhưng Đôly thì sửng sốt về cái đẹp thoáng qua chỉ lộ ra ở người phụ nữ trong những phút yêu đương, mà lúc này bà thấy trên mặt Anna. Mọi nét trên mặt nàng: từ những lúm đồng tiền hằn rõ trên má và trên cằm, từ nếp môi đến nụ cười như phảng phất bay quanh mặt, từ ánh mắt, cử chỉ duyên dáng và nhanh nhẹn, giọng nói đầy đặn, cho đến cả cái cách nàng trả lời Vronxki nửa bực dọc nửa thân mật, khi anh ta xin phép cưỡi con ngựa của nàng, luyện cho nó phi chân phải, tất cả đều quyến rũ vô cùng; hình như nàng cũng biết thế và lấy làm vui thích. Ngồi lên xe rồi, hai người đột nhiên thấy lúng túng. Anna ngượng nghịu dưới con mắt chăm chú, dò hỏi của Đôly đăm đăm nhìn nàng. Về phía Đôly, sau câu nói của Xvyajxki, bà đâm xấu hổ vì cỗ xe cũ kĩ đầy bụi mà Anna đã lên ngồi cùng. Gã xà ích Filip và người thủ hạ cũng có cảm giác đó. Anh chàng thủ hạ, để che giấu nỗi bối rối của mình, cứ xun xoe với các bà, nhưng gã xà ích Filip thì lộ vẻ hầm hầm và chuẩn bị tư tưởng không để cái hào nhoáng kia làm loá mắt. Gã cười mỉa con ngựa đen nhánh và cả quyết trong thâm tâm rằng cái thứ ngựa như thế giỏi lắm chỉ thắng vào xe ghế dài để đi "du ngạn"(4) là tốt, chứ không bao giờ chạy nổi một mạch bốn mươi dặm giữa trời nóng nực.
Đám nông dân ngồi quanh xe tải đứng dậy cả và vừa tò mò ngắm cuộc gặp gỡ vừa bàn tán:
- Họ hài lòng lắm, đã lâu chưa gặp nhau mà, - ông lão tóc xoăn buộc dây vỏ cây nói.
- Này, bác Ghêraximôp, giá được con ngựa giống đen kia mà chở cỏ về thì được việc quá, hẳn là chẳng lâu la gì!
- Ô! Xem kìa, có phải là một phụ nữ mặc quần không? - một người trong bọn chỉ Vaxya Vexlovxki đang cưỡi con ngựa có bộ yên dùng cho phụ nữ.
- Không phải, đàn ông đấy chứ. Chú xem, anh ta nhẩy lên nhẹ nhàng thế kia mà!
- Thế nào, các cậu, ta không ngủ trưa à?
- Đến giờ rồi! - ông lão nói và liếc nhìn mặt trời. - Quá trưa rồi đấy. Cầm hái làm đi!
Chú thích:
(1) Đây chỉ cỗ xe của Đôly
(2) Loại ngựa cưỡi chân ngắn, thân mập
(3) Chỉ vợ chồng Lêvin
(4) Bản tiếng Pháp là "promenage". Chính là là "promenade" (dạo chơi) nhưng gã xà ích nói sai. Chúng tôi tạm dịch là "du ngạn" (do chữ "du ngoạn" đọc chệch đi)
Quyển 6  
Chương 18
Anna nhìn bộ mặt gầy guộc, bơ phờ của Đôly mà bụi đường càng làm nổi bật những nếp nhăn và định nói ra điều nàng nghĩ, nghĩa là bảo bà đã gầy đi: nhưng chợt nghĩ bản thân mình lại đẹp ra, mà cái nhìn của Đôly cũng nói lên điều đó, nàng bèn thở dài và xoay ra nói chuyện mình.
- Chị nhìn em, - nàng nói, - và chị tự hỏi liệu em có thể sung sướng trong hoàn cảnh mình không chứ gì? Thế thì… em lấy làm xấu hổ mà thú thật với chị… thực tình em… em sung sướng một cách không thể tha thứ được. Những điều xảy đến với em đúng là do phép mầu vậy. Thật y như khi tỉnh dậy sau một cơn ác mộng gớm ghiếc và thấy mọi kinh hoàng đến qua hẳn. Em đã bừng tỉnh dậy. Em sống sót qua thời kì tàn khốc ấy và bây giờ, nhất là từ khi ở đây, em thật sung sướng vô cùng! - nàng vừa nói vừa nhìn Đôly với nụ cười rụt rè, dò hỏi.
- Tôi rất mừng! - Đôly mỉm cười nói, giọng lạnh lùng hơn trong ý định. - Tôi rất mừng cho cô. Tại sao cô không viết thư cho tôi?
- Tại sao ư?… Vì em không dám… chị quên mất hoàn cảnh em rồi sao.
- Cô không dám viết thư cả cho tôi ư! Giá cô biết là tôi… Tôi cho rằng…
Đarya Alecxandrovna định kể lại những cảm nghĩ ban sáng nhưng không hiểu sao lại thấy không đúng lúc.
- Thôi, ta sẽ bàn chuyện đó sau. Những nhà gì thế kia? - bà hỏi, muốn lái sang chuyện khác và chỉ những mái nhà xanh, đỏ, thấp thoáng sau hàng giậu dạ hợp và tử đinh hương còn tươi. - Trông như một thành phố nhỏ ấy.
Nhưng Anna không trả lời câu bà hỏi.
- Không, không, chị nghĩ thế nào về hoàn cảnh em? - nàng hỏi.
- Tôi đồ rằng… - Đarya Alecxandrovna định nói thì vừa lúc ấy Vaxya Vexlovxki đã luyện được cho ngựa của Anna phi chân phải, phóng vèo qua rất nhanh cạnh họ, người nhún nhẩy nhịp nhàng trên chiếc yên phụ nữ bằng da thuộc.
- Được rồi, Anna Arcadievna ạ! - anh ta nói.
Anna không buồn nhìn anh ta; nhưng, một lần nữa Đarya Alecxandrovna lại cảm thấy khó lòng mở đầu câu chuyện dài dòng này trên xe ngựa, nên đành tóm tắt những ý nghĩ của mình.
- Tôi chẳng cho là thế nào cả, - bà nói tiếp, - bao giờ tôi cũng yêu mến cô, mà khi yêu một người, ta yêu trọn vẹn con người đó y nguyên như trong thực tế chứ không phải như trong ước muốn của ta.
Anna quay đi không nhìn vào mặt bà bạn nữa và hấp háy mắt (một thói quen mới của nàng mà Đôly chưa từng thấy), bắt đầu suy nghĩ, muốn hiểu thấu hoàn toàn ý nghĩa lời nói đó. Rồi hẳn là đã hiểu như ý mình muốn, nàng nhìn thẳng vào Đôly.
- Ví thể chị có tội lỗi trong lương tâm, - nàng nói, - thì việc chị đến thăm và nói với em những lời này cũng sẽ chuộc lại được tất cả.
Và Đôly thấy nàng rơm rớm nước mắt. Bà xiết chặt tay Anna không nói gì.
- Thế những nhà này là nhà gì đây? Sao nhiều đến thế! bà nhắc lại sau một phút im lặng.
- Đó là nhà người làm, trại nuôi ngựa, chuồng ngựa, Anna trả lời. Bãi cỏ cho gia súc bắt đầu từ đây. Tất cả chỗ này trước đây đều bỏ hoang, nhưng Alecxei đã khôi phục lại hết. Anh ấy yêu trang trại này lắm và em rất ngạc nhiên thấy anh ấy đâm ra say mê khai khẩn ruộng đất. Với lại, đây là một con người có bản chất hết sức phong phú! Bất cứ bắt tay vào việc gì, anh ấy cũng làm rất trội. Không những anh ấy không bao giờ chán mà còn say mê với việc mình làm nữa kia. Theo như em biết, anh ấy trở nên tiết kiệm, thành điền chủ xuất sắc, thậm chí còn hà tiện nữa… Nhưng chỉ trong công việc canh tác thôi, vì anh ấy vẫn tiêu hàng vạn rúp không cần tính toán, - nàng nói với nụ cười vừa sung sướng vừa tinh quái thường thấy ở phụ nữ khi nhắc đến những cá tính sâu kín của người yêu mà chỉ riêng họ nhìn thấy. - Chị có thấy toà nhà to kia không? Đó là bệnh viện mới. Em chắc xây cũng đến hơn mười vạn rúp. Đó là cái thích thú (1) hiện nay của anh ấy. Và chị có biết do đâu anh ấy lại thế không? Nông dân xin anh ấy nhượng lại theo giá rẻ mấy cánh đồng cỏ; anh ấy từ chối và em trách anh ấy keo kiệt. Tất nhiên, không phải chỉ vì thế thôi, đó là cả một mớ nguyên nhân gộp lại; anh ấy liền làm nhà thương này để chứng tỏ mình không phải là đồ keo kiệt, chị hiểu chứ. Đó là chuyện nhỏ nhen(2), nếu chị muốn cho là thế cũng được; nhưng chính vì thế em càng yêu anh ấy hơn. Bây giờ, chị sắp sửa thấy nhà chúng em đấy. Nhà xây từ đời ông nội và anh ấy không thay đổi gì ở bên ngoài cả.
- Đẹp thật! - Đôly trầm trồ ngắm ngôi nhà có hàng cột chạy quanh, nổi bật trên vòm lá xanh óng của những cây cổ thụ.
- Phải không chị? Và đứng trên gác hai mà ngắm phong cảnh thì tuyệt.
Họ đi vào sân rải sỏi điểm một khoảnh đất trồng hoa mà hai người làm vườn đã viền đá bọt xung quanh và dừng lại trước thềm nhà rải thảm.
- À, họ đã về đến nơi rồi! - Anna thốt lên khi thấy có người dẫn ngựa cưỡi về chuồng.
- Con vật mới đẹp làm sao, chị nhỉ? Nói "cóp" đấy. Nó là con ngựa cưng của em đấy. Dẫn nó lại đây và cho tôi ít đường. Bà tước đâu? - nàng hỏi hai người hầu mặc quần áo nâu đang chạy tới.
- À, anh ấy kia rồi! - nàng nói khi trông thấy Vronxki đến đón họ.
- Mình định xếp quận chúa nghỉ đâu? Vronxki hỏi Anna bằng tiếng Pháp và không chờ trả lời, chàng lại chào Đarya Alecxandrovna và lần này hôn tay bà.
- Có lẽ ở phòng lớn có bao lơn chăng?.
- Ồ, không, xa quá! Phòng trong góc tiện hơn, để chị em tôi còn gặp nhau luôn chứ. Ta đến đấy đi, - Anna nói và cho con ngựa cưng miếng đường người hầu vừa mang đến.
- Thế là ông quên nhiệm vụ rồi, nàng bảo Vexlovxki đang bước lên thềm nhà.
- Xin lỗi, tôi có đường đầy túi đây, - anh ta mỉm cười đáp và luồn hai ngón tay vào túi gi lê.
- Nhưng ông đến chậm quá, - nàng nói tiếp và lấy khăn lau bàn tay bị ướt vì cho ngựa ngoạm đường. Anna quay về phía Đôly.
- Chị ở chơi lâu không? Một ngày thôi ư? Không được!
- Tôi đã hẹn thế rồi! Với lại còn các cháu… - Đôly nói, ngượng ngùng vì phải lôi cái túi đi đường xoàng xĩnh ra khỏi xe và vì biết chắc mặt mình đầy bụi.
- Không, chị Đôly, chị thân mến của em… Nhưng ta sẽ liệu sau. Đi nào, đi nào! - và Anna dẫn Đôly vào buồng dành cho bà.
Buồng này không lộng lẫy bằng căn buồng Vronxki định xếp cho bà và Anna xin lỗi về điều đó. Nhưng nó vẫn sang trọng hơn mọi thứ buồng Đôly từng ở và gợi cho bà nhớ tới những khách sạn đẹp nhất ở nước ngoài.
- Ôi, chị thân mến, em sung sướng quá! - Anna nói và ngồi xuống cạnh Đôly một lát, nàng vẫn mặc bộ đồ kỵ sĩ.
- Chị kể em nghe về gia đình chị đi. Em có thoáng gặp anh Xtiva một lát. Nhưng anh ấy không biết kể về các cháu. Tanya, đứa cháu gái cưng của em ra sao rồi! Chắc nó lớn lắm rồi nhỉ?
- Ừ, cháu lớn lắm, - Đarya Alecxandrovna đáp gọn lỏn, bà ngạc nhiên thấy mình nói đến con cái một cách lạnh lùng đến thế. - Chúng tôi ở nhà Levin dễ chịu lắm, - bà nói tiếp.
- Giá trước kia em biết chị không khinh em, - Anna nói… - Biết thế thì em đã mời cả gia đình chị đến ở với chúng em. Xtiva là bạn cũ của Alecxei, - nàng nói tiếp và bỗng nhiên đỏ mặt.
- Vâng, nhưng chúng tôi ở đằng ấy cũng dễ chịu lắm, - Đôly bối rối đáp lại.
- Đúng thế đấy, em mừng quá nên đâm ra ăn nói nhảm nhí. Em rất sung sướng được gặp chị, chị thân yêu của em! - Anna vừa nói vừa hôn chị dâu lần nữa. - Chị vẫn chưa nói cho em biết chị nghĩ gì về em và em muốn biết tất cả. Nhưng em hài lòng vì chị thấy em như thế này. Em mong hơn hết là người ta đừng cho là em định chứng minh cái gì. Em chẳng muốn chứng minh gì hết, em chỉ muốn sống, thế thôi; không làm hại ai kể cả bản thân mình. Em rất có quyền như thế, phải không chị? Với lại, chuyện dài lắm, chúng ta sẽ còn tha hồ hàn huyên. Em đi thay quần áo đây; em sẽ phái hầu phòng đến cho chị.
Chú thích:
(1) Dada (tiếng Pháp trong nguyên bản)
(2) C' est une petitessse (tiếng Pháp trong nguyên bản)
Quyển 6 
Chương 19 
Còn lại một mình, Đarya Alecxandrovna xem xét căn buồng với con mắt người nội trợ. Tất cả mọi thứ bà nhìn thấy khi đến gần ngôi nhà này, khi đi thăm suốt lượt, cũng như ở căn phòng này đều mang dấu vết sang trọng và vẻ xa hoa của phương Tây mà bà chỉ biết qua các tiểu thuyết Anh; chưa bao giờ bà thấy cái gì tương tự như thế ở nông thôn Nga. Mọi thứ đều mới, từ giấy sơn Pháp đến tấm thảm phủ kín sàn nhà. Cái giường lò xo với nệm nhỏ, cái gối dài kì quặc và những gối nhỏ bọc áo gối bằng tơ sống. Bàn rửa mặt bằng đá hoa, ghế tựa dài, bàn tròn, đồng hồ bằng đồng đen trên lò sưởi, rèm cửa sổ, màn cửa ra vào, mọi thứ đều mới và đắt tiền.
Chị hầu phòng chỉnh tề đến giúp việc, kiểu tóc và áo còn "mốt" hơn tóc và áo Đôly, chị ta cũng mới và đắt tiền như mọi thứ trong phòng này.
Đarya Alecxandrovna ưng thái độ lễ phép và ân cần chị ta, nhưng vẫn ngường ngượng khi có chị ta ở bên; bà xấu hổ vì chiếc áo ngủ mạng chi chít mang nhầm theo; bà đỏ mặt vì những miếng vá và những chỗ mạng mà ở nhà thì bà hãnh diện biết bao. Ở nhà rõ ràng là sáu chiếc áo ngủ cần có hăm bốn arsin(1) vải năngxuc(2), mỗi arsin giá sáu mươi lăm kopeik, vị chi là hơn mười lăm rúp chưa kể công may lẫn khuy cài, và như vậy tiết kiệm được khối tiền. Nhưng trước mặt chị hầu phòng, nếu bà không cảm thấy tủi nhục thì ít ra cũng ngượng ngùng.
Đarya Alecxandrovna nhẹ hẳn người khi Annuska(3) mà bà quen từ lâu, bước vào phòng. Nữ chủ nhân cho gọi chị hầu phòng người Pháp và Anna ở lại hầu Đarya Alecxandrovna. Rõ ràng Annuska rất mừng thấy Đôly tới nên chuyện trò không dứt. Đôly nhận thấy chị ta muốn bày tỏ ý kiến về hoàn cảnh nữ chủ nhân và đặc biệt về mối tình cùng sự tận tâm của bá tước với Anna Arcadievna, nhưng Đôly khôn khéo lái đi khi chị ta vừa mới đả động đến vấn đề này.
- Cháu được nuôi lớn lên cùng với cô Anna Arcadievna, cháu quý cô nhất trên đời, việc phán xét đâu đến phận chúng ta, phải không ạ? Và xem ra bá tước yêu cô ghê lắm…
- Này, tôi nhờ chị nhé, nếu tiện chị bảo giặt hộ tôi cái này, - Đarya Alecxandrovna ngắt lời.
- Thưa bà được ạ. Ở đây có hai chị lo liệu riêng việc ấy và quần áo đều giặt bằng máy. Đích thân bá tước sắp đặt tất cả. Một người chồng như vậy…
Đôly hài lòng thấy Anna bước vào và do đó, chấm dứt câu chuyện phiếm của Annuska. Anna mặc áo dài vải gai nõn rất giản dị. Đôly chăm chú ngắm nghía chiếc áo. Bà hiểu rõ ý nghĩa và cái giá của sự giản dị ấy.
- Người quen cũ đấy, - Anna chỉ Annuska.
Anna đã hết bối rối. Nàng hoàn toàn thoải mái và bình thản. Đôly thấy rõ nàng đã trấn tĩnh hẳn sau nỗi xúc động do thấy bà tới thăm và giờ đây nàng lại giở cái giọng hời hợt và ơ thờ, có thể nói nó khép lại cánh cửa khoang lòng chứa đựng những tình cảm và ý nghĩ sâu kín.
- Cháu gái bé của cô ra sao, cô Anna? - Đôly hỏi.
- Anni ấy à? (nàng gọi bé Anna, con gái mình như vậy). Cháu khoẻ lắm. Cháu xinh ra nhiều. Chị có muốn xem cháu không? Ta đi đi, em sẽ đưa nó cho chị coi. Bọn em gặp nhiều cái rầy rà về chuyện vú bõ quá. Chúng em đã thuê một vú nuôi người Ý. Một người thật thà nhưng đần quá! Chúng em định cho ra, nhưng con bé quen hơi chị ta quá rồi, nên đành phải giữ lại.
- Cô chú định thu xếp ra sao,.. - Đôly mào đầu, định hỏi đứa trẻ sẽ mang họ ai; nhưng nhận thấy nét mặt Anna lập tức sa sầm, bà liền hỏi khác đi.
- Cô chú cho cháu cai sữa chưa? Nhưng Anna đã hiểu ra.
- Chị không định hỏi thế, có phải không? Chị muốn ám chỉ đến họ của cháu, đúng không? Điều đó đang giày vò Alecxei. Cháu không có họ. Em muốn nói cháu lấy họ… Karenin, - nàng nói tiếp và nheo mắt lại, chỉ còn thấy hai hàng mi chập vào nhau. - Vả lại (mặt nàng đột nhiên sáng lên) ta sẽ trở lại chuyện này sau. Ta đi đi, em sẽ đưa cháu cho chị coi. Cháu nó kháu lắm. Nó biết bò rồi kia.
Tại phòng trẻ, sự sang trọng từng làm Đôly ngạc nhiên trong khắp ngôi nhà, tới đây càng khiến bà sững sờ hơn. Ở đây, có xe nôi đặt mua tận bên Anh, dụng cụ tập đi, một cái đi văng dụng ý làm theo kiểu bàn bi a để tập bò, những cột đu và bồn tắm mới, lạ kiểu. Tất cả đều của Anh, thuộc loại thượng hảo hạng và rõ ràng rất đắt tiền. Phòng rộng thênh thang rất cao và sáng sủa.
Khi họ bước vào, đứa bé mặc sơ mi đang ngồi trong một chiếc ghế bành nhỏ kê trước bàn, ăn canh để rớt ướt bộ ngực nhỏ xíu. Một cô hầu gái người Nga được cắt đặt làm ở phòng trẻ đang cho nó ăn và cùng ăn với nó. Cả vú nuôi lẫn bảo mẫu đều không có đó, họ đang ở phòng bên cạnh và người ta nghe thấy họ chuyện trò bằng một thứ tiếng Pháp kì cục, thứ ngôn ngữ độc nahát qua đó họ có thể hiểu nhau.
Nghe tiếng Anna, một phụ nữ Anh cao lớn, sang trọng, mặt khó coi, vẻ xảo trá, hối hả bước vào, lắc lư những mớ tóc xoăn và lập tức xin lỗi ngay mặc dầu Anna không hề trách mắng lời nào. Cứ mỗi câu Anna nói, chị ta lại vội vã trả lời liên chi hồ điệp: "Vâng, thưa bà".
Con bé nước da hồng hào, lông mày và tóc đen nhánh, thân hình nhỏ nhắn khỏe mạnh và đỏ đắn với làn da gà giò, làm Đarya Alecxandrovna thích mê, mặc dầu nó rất nghiêm nghị nhìn chằm chằm vào mặt bà khách lạ; Đôly thấy thèm cả cái vẻ lành mạnh của nó. Cách bò toài của con bé cũng khiến bà rất thú vị. Không đứa con nào của bà dạo trước bò khéo như nó. Đặt lên thảm với chiếc váy vạt sau tốc lên, con bé nom đáng yêu lạ lùng. Tựa một con vật nhỏ, nó nhìn người lớn bằng đôi mắt đen láy, coi bộ đắc ý ra mặt vì thấy mình được chiêm ngưỡng. Nó cười rất tươi, chân dạng ra, tì thật mạnh lên hai tay, thoăn thoắt đẩy cả mông đít lên, rồi lại quăng hai tay về phía trước.
Nhưng không khí phòng trẻ và nhất là chị người Anh khiến Đarya Alecxandrovna rất khó chịu. Bà thầm nghĩ sở dĩ Anna, vốn biết người biết của, mà phải nuôi một người đàn bà đáng ghét và đáng bỉ đến thế để trông nom con nhỏ, hẳn là vì người đứng đắn ắt từ chối không chịu vào làm ở một gia đình bất chính như gia đình Anna. Hơn nữa, qua vài câu, Đôly còn hiểu rằng Anna, cùng vú nuôi, bảo mẫu và đứa bé thật xa lạ với nhau và việc Anna đến thăm con thế này quả là một sự kiện khác thường. Anna định lấy đồ chơi cho con, cũng không biết đâu mà tìm cho ra.
Cuối cùng, khi bà hỏi con bé đã có mấy răng, Anna cũng lầm lẫn (Đôly đâm sửng sốt vì điều đó): nàng không biết con bé đã có thêm hai răng mới.
- Đôi khi điều đó làm cho em thật khổ tâm, em cảm thấy ở đây em là thừa, - Anna nói khi ra khỏi phòng trẻ và kéo cao gấu áo để khỏi vướng vào những đồ chơi la liệt trước cửa. - Thật khác hẳn với cháu đầu.
- Tôi cứ tưởng trái lại… - Đarya Alecxandrovna rụt rè nói.
- Ồ không! Chắc chị biết em đã gặp cháu Xerioja, - Anna nói tiếp và lim dim đôi mắt như đang đăm đăm nhìn một vật gì đằng xa. - Vả lại, ta sẽ trở lại chuyện đó sau. Chị không thể tưởng tượng được đâu, em như người sắp chết đói được dọn cho bữa tiệc, không biết nên ăn món gì trước. Bữa tiệc đó chính là chị và những chuyện em sắp hàn huyên với chị, đương lúc em không dám nói ra với ai cả. Em không biết bắt đầu bằng chuyện nào. Nhưng em sẽ bắt chị phải nghe tất cả mọi chuyện. Em phải thổ lộ với chị tất cả những gì mang nặng trong lòng. Phải, em cần nói phác cho chị hiểu sơ qua cái xã hội chị sắp thấy ở nhà chúng em, - nàng nói. - Em bắt đầu từ các bà trước. Quận chúa Vacvara nhé. Chị đã biết bà ta và em hiểu anh chị nghĩ như thế nào về bà ta, chị và anh Xtiva ấy. Anh Xtiva nói mục đích duy nhất của đời bà là chứng minh bằng được rằng bà ấy hơn hẳn bà cô Ecaterina Paplôpna của chúng em; hoàn toàn đúng như vậy; nhưng bà ta thật là tốt bụng và em rất biết hơn bà ta. Ở Petersburg, một dạo em rất cần một bà tuỳ tùng. Và bà sẵn sàng giúp em. Em cam đoan với chị là bà ấy thật tốt bụng. Bà làm cho tình cảnh em dễ chịu hơn rất nhiều. Em thấy chị chưa hiểu tình cảnh em lúc đó thật nặng nề biết bao… hồi ở Petersburg ấy, - nàng nói thêm. - Ở đây, em hoàn toàn thanh thản và sung sướng. Nhưng ta sẽ quay lại chuyện này sau. Em tiếp tục kể nhé. Rồi đến Xvyajxki, vị đại biểu quý tộc trong quận, một con người rất lịch thiệp, ông ta có việc đang cần nhờ vả Alecxei. Chị biết đấy, hiện nay bọn em về ở nông thôn, với tài sản của mình, Alecxei có thể có thế lực lớn đấy. Rồi đến Tuskievich, chị đã gặp anh ta rồi đó, trước kia anh ta luôn luôn hộ tống Betxy. Bây giờ người ta cho anh về vườn, anh ta tìm đến chúng em. Như lời Alecxei nói, anh ta thuộc loại người rất dễ chịu, nếu ta coi họ đúng như ý họ muốn; hơn nữa, anh ta cũng là người đứng đắn, theo lời quận chúa Vacvara. Vexlovxki… anh chàng này thì chị biết rồi. Đó là một thanh niên rất dễ thương, - nàng nói và đôi môi bỗng mỉm cười ranh mãnh. - Câu chuyện kì cục xảy ra với Levin là ra thế nào nhỉ? Vexlovxki đã kể lại cho Alecxei nghe, nhưng chúng em chẳng tin lấy nửa lời. Anh ta rất dễ thương và chất phác, - nàng nói, vẫn nụ cười như vậy. Đàn ông vốn cần phải tiêu khiển, Alecxei không thể sống thiếu bạn bè đông đúc, cho nên em thấy cần có tất cả đám người đó. Cuộc sống chúng em cần vui tươi và hoạt động và cần làm sao cho Alecxei không mong muốn gì khác nữa. Lại còn viên quản lí nữa. Đó là một người Đức, một con người rất tốt, thông thạo công việc. Alecxei quý trọng bác ta lắm. Rồi đến bác sĩ, một thanh niên: không phải anh ta hoàn toàn theo chủ nghĩa hư vô đâu, nhưng chị biết không, anh ta vẫn ăn bằng dao riêng… tóm lại, đó là một thầy thuốc xuất sắc. Rồi đến kiến trúc sư… Một cái triều đình nhỏ.
Chú thích:
(1) Một đơn vị đo chiều dài bằng 0m71.
(2) Một loại vải bông thô.
(3) Tên gọi thân mật của Anna. Chú ý đừng lầm Anna hầu phòng với Anna nữ chủ nhân.
Quyển 6
Chương 20
- Thưa quận chúa, đây là Đôly, người mà cô vẫn ao ước được gặp, - Anna nói khi nàng cùng Đarya Alecxandrovna tới sân thượng lớn nơi quận chúa Vacvara đang ngồi trong bóng râm sau khung cửi để thêu vải lót ghế bành cho bá ước Alecxei Kirilovich. Chị ấy bảo không muốn ăn gì trước bữa trưa, nhưng cô cứ sai dọn cho chị ấy điểm tâm một chút nhé, cháu đi tìm Alecxei và sẽ dẫn tất cả lại đây.
Quận chúa Vacvara tiếp Đôly bằng vẻ hoà nhã hơi kẻ cả và lập tức giải thích sở dĩ bà đến ở nhà Anna vì xưa nay bà vẫn ưa nàng hơn bà chị Ecaterina Paplôpna, người đã nuôi nấng Anna, và vì giờ đây, trong khi mọi người đều bỏ rơi Anna, bà cho mình có nhiệm vụ phải đến giúp nàng trong thời kì quá độ đặc biệt khó khăn này.
- Khi nào chồng cô ấy bằng lòng li dị, tôi sẽ lại trở về với cảnh sống cô đơn, nhưng lúc này tôi có thể giúp cô ta và tôi đang thực hiện bổn phận mình, dù nó nặng nề đến đâu chăng nữa, tôi không làm như kẻ khác. Chị thật quý hoá quá, chị đến đây là rất phải! Họ sống với nhau như cặp vợ chồng thuận hoà nhất; việc phán xét thuộc quyền Chúa, chứ đâu đến phận mình. Không riêng Biruzovxki và phu nhân Avenieva… Cả Nicandrov, cả Vaxiliev, cả cô Mamonova và cả Liza Nevtunova… Chẳng ai nói gì bao giờ! Và cuối cùng, mọi người đều tiếp họ. Hơn nữa, đây là một nội thất rất đẹp, rất đàng hoàng. Hoàn toàn theo kiểu Anh. Buổi sáng mọi người họ mặt ăn điểm tâm rồi chia tay nhau tuỳ mỗi người muốn làm gì thì làm cho đến bữa chiều. Bữa chiều ăn vào lúc bảy giờ. Xtiva để chị đến đây là rất đúng. Anh ấy cần giữ quan hệ tốt với họ. Chị nên biết, với sự giúp đỡ của mẹ và anh, bá tước có thể làm được mọi việc. Họ đã làm rất nhiều việc thiện. Anh ta không nói chuyện với chị về cái nhà thương ư? Sẽ tráng lệ đấy. Mọi thứ đều đặt mua từ Pari.
Câu chuyện bị Anna làm gián đoạn, nàng đã tìm thấy cánh đàn ông ở phòng bi a và cùng họ trở lại sân thượng. Từ đó đến bữa chiều còn vô khối thời giờ và vì trời đẹp, nên mọi người đề ra nhiều cách để qua nốt hai giờ còn lại. Ở Vozđvijenxcoie, thật có lắm cách tiêu thời giờ và tất cả đều rất khác với lối tiêu thời giờ thông dụng ở Pokhrovxcoie.
- Một ván quần vợt đi, - Vexlovxki đề nghị với nụ cười tươi đẹp. - Tôi với chị lại cùng bên, Anna Arcadievna nhé.
- Không, trời nóng quá; tốt hơn là ta dạo chơi trong vườn và đi thuyền một vòng để chỉ cho chị Đarya Alecxandrovna xem phong cảnh, - Vronxki nói.
- Tôi thì thế nào cũng được, - Xvyajxki nói.
- Tôi chắc chị Đôly thích đi dạo hơn, phải không? Sau đó, ta sẽ đi chơi thuyền, - Anna nói.
Thế là quyết định như vậy. Vexlovxki và Tuskievich đi tắm, hẹn sẽ chuẩn bị thuyền, chờ mọi người ngoài đó.
Họ đi vào con đường nhỏ từng đôi một. Anna với Xvyajxki và Đôly với Vronxki. Đôly hơi lúng túng và băn khoăn giữa cái môi trường này hoàn toàn mới mẻ với bà. Một cách trừu tượng và trên lí thuyết, không những bà bênh vực Anna mà còn tán thành cách xử sự của nàng nữa. Cũng như những phụ nữ hoàn thiện thường chán cuộc đời đức hạnh phẳng lặng của mình, không những bà tha thứ cho mối tình tội lỗi, mà thậm chí còn thèm muốn như thế nữa. Hơn nữa, bà lại hết lòng yêu mến Anna. Nhưng trong thực tế, khi thấy nàng ở giữa đám người xa lạ kia, với cái giọng điệu thanh lịch mới mẻ đối với bà, Đarya Alecxandrovna thấy thật gượng gạo. Bà khó chịu nhất là thấy quận chúa Vacvara bỏ qua mọi sự cho những người đó vì họ đã cung phụng bà.
Nói chung, trên quan điểm trừu tượng, Đôly tán thành cách xử sự của Anna, nhưng bà lấy làm khó chịu khi có mặt con người đã khiến nàng đi chệch khỏi con đường đoan chính. Vả lại, xưa nay bà vẫn không ưa Vronxki. Bà cho là chàng rất kiêu ngạo, vậy mà ngoài tài sản ra, bà chẳng thấy chàng có gì đáng lên mặt cả. Nhưng, ngược với ý muốn của bà, ở đây, với ta cách chủ nhân, chàng càng có ưu thế hơn đối với bà và ở bên cạnh chàng, bà thấy mất cả thoải mái. Trước mặt chàng, bà có cái cảm giác tương tự như trước mặt chị hầu phòng vì cái áo ngủ của mình. Cũng như trước mặt chị kia, bà đã cảm thấy, nếu không phải là xấu hổ thì ít ra cũng ngượng ngùng vì những chỗ mạng trên áo, trước mặt chàng, bà luôn cảm thấy nếu không phải là hổ thẹn thì ít ra cũng ngường ngượng về con người mình.
Đôly lúng túng tìm đầu đề nói chuyện. Tuy tin chắc thói kiêu kì của Vronxki không thể thỏa mãn với những lời tán dương nhà cửa, vườn tược của chàng, nhưng vì không biết cách nào khác để khơi chuyện, bà vẫn cứ nói chỗ ở của chàng khiến bà rất ưng ý.
- Vâng, đó là một toà nhà đẹp theo kiến trúc cổ, - chàng nói.
- Tôi ưa ngôi chính đình lắm. Cũng kiểu cổ đấy à?
- Ồ, không ạ! chàng nói, mặt rạng rỡ vui thích.
- Giá chị trông thấy nó về mùa xuân!
Và, mới đầu còn dè dặt kín đáo, rồi mỗi lúc một bốc lên, chàng lưu ý Đôly tới những nét trang trí điểm tô cho ngôi nhà và khu vườn. Rõ ràng sau khi tốn bao công phu trang hoàng dinh cơ, Vronxki thấy cần phải khoe điều đó với bà khách mới và hiển nhiên là chàng vui thích vì những lời khen của Đarya Alecxandrovna.
- Nếu chị muốn và chị không mệt thì ta đến ngó qua bệnh viện một chút. Không xa đâu. Ta tới đó đi, - chàng vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt bà để chắc chắn điều đó không có gì phiền toái.
- Mình có đi không, Anna? - chàng hỏi thêm.
- Có chứ, phải không ông? - nàng vừa nói, vừa quay về phía Xvyajxki. - Nhưng không nên để anh chàng Vexlovxki tội nghiệp và Tuskievich đợi mỏi mắt ở ngoài thuyền. Phải báo cho họ biết. Đó là đài kỉ niệm anh ấy sẽ để lại nơi đây, - Anna quay về phía Đôly nói, vẫn với nụ cười thông đồng và ranh mãnh ban nãy khi kể cho bà nghe về bệnh viện.
- Đúng vậy, thật là một công trình quan trọng bậc nhất, - Xvyajxki nói. Nhưng để khỏi có vẻ tâng bốc Vronxki, ông lại thê ngay vào một nhận xét hơi có tính chất phê phán. - Tuy nhiên, thưa bá tước, tôi lấy làm ngạc nhiên là ngài đã làm bao điều cho dân chúng về phương diện vệ sinh công cộng, mà lại thờ ơ đối với vấn đề mở trường học đến thế.
- Trường học, cái đó thôn thường quá, - Vronxki nói. - Vả lại, tôi cũng bị lôi kéo thôi. Đi lối này, - chàng vừa nói vừa quay về phía Đarya Alecxandrovna và chỉ một con đường ngang.
Các bà mở dù và đi vào lối đó. Sau mấy chỗ ngoặt, ra khỏi vườn bằng lối cửa xép, Đarya Alecxandrovna trông thấy trên gờ đất trước mặt một toà nhà lớn bằng gạch đỏ xây theo một kiến trúc phức tạp, sắp hoàn thành. Mái tôn chưa sơn hắt ra một vầng sáng loá mắt dưới ánh nắng. Cách đấy không xa, sừng sững một toà nhà khác, có dàn dáo bao quanh với những công nhân đeo tạp dề đang lúi húi đặt gạch, trát vữa và san đều bằng thước góc.
- Ở trang trại ngài, công việc tiến triển nhanh quá! - Xvyajxki nói. Lần vừa rồi tôi đến, còn chưa có mái.
- Tất cả sẽ hoàn thành vào mùa thu. Phía trong nhà đã gần xong rồi, - Anna nói.
- Còn cái này, mới xây ạ?
- Đấy là nhà ở của thầy thuốc và nơi bào chế, - Vronxki trả lời và thoáng thấy kiến trúc sư mặc áo khoác ngắn đang đi đến, chàng xin lỗi các bà để gặp ông ta.
Chàng đi quành sang bên để tránh hố vôi và tới chỗ kiến trúc sư, nói chuyện sôi nổi với ông.
- Vòm dưới mái còn thấp, - chàng trả lời khi Anna hỏi họ bàn chuyện gì.
- Em đã bảo là phải nâng cao móng lên, Anna nói.
- Tất nhiên như thế thì tốt hơn đấy, thưa bà Anna Arcadievna, - kiến trúc sư nói, - nhưng bây giờ thì muộn quá rồi.
- Vâng, tôi rất quan tâm đến môn đó, - Anna trả lời Xvyajxki khi ông tỏ vẻ ngạc nhiên trước kiến thức của nàng về kiến trúc. - Tòa nhà mới phải cân đối với bệnh viện. Vậy mà mãi về sau mới quyết định làm và khởi công chẳng có quy hoạch gì cả.
Nói chuyện xong với kiến trúc sư, Vronxki quay lại chỗ các bà và dẫn họ vào bên trong bệnh viện.
Các gờ tường phía ngoài chưa chạm trổ, tầng dưới đang quét vôi, nhưng gác hai đã gần xong. Trèo lên cầu thang rộng bằng gang đến sàn gác, họ bước vào gian phòng lớn đầu tiên. Tường phủ một lượt hồ giả cẩm thạch. Những cửa sổ lớn nối tiếp liền một mạch đã đặt xong; chỉ sàn gác là còn dở dang và toán thợ mộc đang bào một miếng gỗ vuông ngừng việc để cất những sợi dây nhỏ buộc tóc trước khi cúi chào các khách đến thăm.
- Đây là phòng tiếp khách, - Vronxki nói. - Ở đây sẽ chỉ kê một giá đọc sách, một bàn và một tủ.
- Lại đây các vị. Chị đừng đến gần cửa sổ, Anna vừa nói vừa lấy đầu ngón tay sờ thử lớp sơn. - Alecxei, sơn khô rồi đấy, - nàng nói thêm.
Từ phòng khách, họ ra hành lang. Ở đây Vronxki chỉ cho họ xem một hệ thống thông gió. Rồi chàng dẫn họ xem những buồng tắm lát đá hoa, những giường lò xo kì diệu. Sau đó, chàng đưa họ lần lượt đi thăm tất cả các phòng, kho chứa đồ ăn, kho quần áo, giới thiệu những bếp lò bố trí theo phương pháp mới, rồi chiếc xe một bánh êm ru, và nhiều chi tiết khác. Xvyajxki nhận xét mọi thứ ra dáng con người thông thạo những cải tiến mới nhất. Đôly chỉ còn biết thán phục tất cả những cái xưa nay bà chưa từng thấy, và vì muốn hiểu cặn kẽ, bà hỏi tỉ mẩn từng thứ khiến Vronxki thích thú.
- Đúng thế, tôi nghĩ đây là bệnh viện duy nhất ở nước Nga được bố trí hợp lý hóa hoàn toàn, Xvyajxki nói.
- Ở đây có phòng đỡ đẻ không? - Đôly hỏi.
- Cái này, ở nông thôn cần lắm. Tôi luôn luôn… Tuy rất lịch sự, Vronxki vẫn ngắt lời bà.
- Đây không phải là nhà hộ sinh, mà là bệnh viện chữa tất cả các bệnh truyền nhiễm, chàng nói.
- Này, chị xem… - và chàng đẩy về phía Đarya Alecxandrovna một chiếc ghế bành có bánh xe vừa đặt mua cho những người dưỡng bệnh - Chị trông đây, - chàng ngồi vào ghế bành và cho chuyển động. - Bệnh nhân còn yếu hoặc đau chân chưa đi được, nếu cần ra chỗ thoáng, có thể ngồi vào ghế đó lăn đi.
Đarya Alecxandrovna chú ý đến hết thảy, cái gì cũng làm bà thích thú, và đặc biệt là Vronxki với thái độ phấn khởi hồn nhiên. "Phải, thật là người tốt và dễ thương, thỉnh thoảng bà lại nghĩ thầm, không lắng nghe mà cứ nhìn chàng, cố tìm hiểu thật thấu đáo vẻ mặt chàng, và trong ý nghĩ, bà thử đặt mình vào địa vị Anna. Thái độ hoạt bát của chàng làm bà rất ưa và bà chợt hiểu tại sao Anna lại yêu chàng.
Quyển 6
Chương 21
- Không, anh chắc phu nhân mệt rồi và cũng chẳng thích xem ngựa đâu, - Vronxki nói với Anna khi nàng đề nghị đến trại nuôi ngựa cho Xvyajxki xem con ngựa giống mới. - Hai người cứ đi đi, còn tôi sẽ đưa phu nhân về nhà và chúng tôi sẽ chuyện trò một chút, - chàng quay lại hỏi Đôly, - chị có ưng thế không?
- Tôi chẳng biết gì về ngựa, nên xin vui lòng nhận lời, - Đarya Alecxandrovna hơi ngỡ ngàng nói.
Nhìn nét mặt Vronxki, bà biết chàng có điều muốn hỏi bà. Bà không lầm. Vừa đi qua cái cửa nhỏ trở lại khu vườn, chàng liền nhìn về hướng Anna đang đi và sau khi yên trí đã ở ngoài tầm nghe và tầm nhìn của nàng, chàng mào đầu:
- Chắc chị đã đoán được là tôi muốn nói chuyện với chị, - chàng nói, đôi mắt tươi cười nhìn bà. - Tôi không lầm khi coi chị là người thực sự thân thiết với Anna, - chàng bỏ mũ và rút khăn tay ra lau cái đầu chớm hói.
Đarya Alecxandrovna không trả lời và chỉ sợ sệt đưa mắt nhìn chàng. Còn lại một mình với chàng, bà chợt cảm thấy lo ngại: cặp mắt tươi cười và vẻ mặt nghiêm nghị của chàng khiến bà sợ hãi. Những phỏng đoán khác nhau nhất về vấn đề chàng sắp nêu ra, lướt qua óc bà: "Anh ta sắp mời mình cùng các con đến ở đây và mình đến phải từ chối thôi; hay là anh ta muốn mình tập hợp cho Anna một nhóm bạn bè ở Moskva… Hoặc giả là chuyện Vexlovxki và quan hệ của anh chàng này với Anna?” Cũng có thể là chuyện Kitty vì anh ta cảm thấy có lỗi với cô ấy? Bà toàn dự tính những chuyện khó chịu chứ không đoán ra điều chàng định nói.
- Chị có uy tín rất lớn đối với Anna, nàng rất quý mến chị, mong chị hãy giúp tôi, - chàng nói.
Đarya Alecxandrovna thắc mắc và rụt rè đưa mắt nhìn bộ mặt kiên nghị lấp loáng ánh nắng lọc qua vườn lá bồ đề và chờ chàng nói tiếp: nhưng chàng vẫn lặng lẽ đi bên bà, chiếc can khua khua lớp sỏi.
- Theo tôi hiểu, sở dĩ chị đến thăm chúng tôi, chị, người độc nhất trong số bạn bè cũ của Anna (tôi không kể quận chúa Vacvara), đó không phải vì coi hoàn cảnh chúng tôi là bình thường mà chính vì chị hiểu tình cảnh này thật rất khổ tâm, chị vẫn tiếp tục yêu mến và muốn giúp Anna. Tôi hiểu như vậy có đúng không? - chàng vừa hỏi vừa quay nhìn bà.
- À phải, - Đarya Alecxandrovna đáp và khép dù lại, - nhưng…
- Không, - chàng ngắt lời và vô tình đứng lại, quên khuấy mất như thế là du người tiếp chuyện vào một thế bất tiện, khiến bà cũng phải dừng lại. - Không ai cảm thấy mãnh liệt hơn tôi là tình cảnh Anna thật đau xót chừng nào. Và chị sẽ hiểu điều đó nếu tôi vinh dự được chị coi là người có tâm hồn. Chính tôi là kẻ chịu trách nhiệm về tình cảnh này, cho nên tôi xót xa lắm.
- Tôi hiểu, - Đarya Alecxandrovna nói, bất giác thấy khâm phục thái độ chân thật và kiên quyết của chàng khi nói ra những điều đó. - Nhưng chính vì anh cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm nên tôi e rằng anh đã nói quá lời đấy, - bà nói. - Tôi hiểu hoàn cảnh cô ấy trong xã hội thượng lưu quả có khổ tâm.
- Trong xã hội thượng lưu thì đó là địa ngục! - chàng nói rất nhanh, lông mày cau lại, vẻ lầm lầm. - Không thể tưởng tượng được cực hình tinh thần nào ghê gớm hơn những điều nàng đã phải chịu đựng suốt hai tuần lễ ở Petersburg… tôi xin chị hãy tin là thế.
- Vâng, nhưng ở đây, chừng nào cả Anna… lẫn anh đều không cần đến giới thượng lưu…
- Giới thượng lưu ấy à! - chàng thốt lên khinh bỉ, - tôi cần đến giới thượng lưu làm gì kia chứ?
- Cho đến lúc này… và có thể mãi mãi về sau, cô ấy và anh sẽ sung sướng và thanh thản. Tôi thấy Anna đang sung sướng, hoàn toàn sung sướng, cô ấy đã đủ thì giờ thổ lộ với tôi điều đó, - Đarya Alecxandrovna mỉm cười nói; và giờ đây khi nói vậy, bất giác bà đâm ngờ ngợ chẳng biết Anna có thực hạnh phúc không.
Vronxki có vẻ như không nghi ngờ gì về điều đó.
- Phải, phải, - chàng nói. - Tôi biết nàng đang hồi sinh sau khi trải qua mọi đau khổ; nàng đang sung sướng. Sung sướng về hiện tại. Nhưng tôi… tôi sợ những cái đang chờ chúng tôi… Xin lỗi, có lẽ chị không muốn đi dạo nữa?
- Không, tôi thế nào cũng được.
- Vậy thì ta hãy ngồi xuống đây.
Đarya Alecxandrovna ngồi xuống một chiếc ghế dài ở góc lối đi. Chàng vẫn đứng trước mặt bà.
- Tôi biết nàng đang sung sướng, - chàng nhắc lại và mối nghi ngờ về hạnh phúc của Anna càng tăng lên trong Đôly. - Nhưng liệu điều đó có thể kéo dài được không? Chúng tôi đã hành động đúng hay sai, đó là vấn đề khác; nhưng số mệnh đã định sẵn rồi, - chàng nói, chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, - và chúng tôi sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Chúng tôi kết liên bằng sợi dây thiêng liêng nhất đối với chúng tôi: sợi dây của tình yêu. Chúng tôi đã có một con và có thể còn đẻ thêm nữa. Nhưng pháp luật và hoàn cảnh chúng tôi thật cay nghiệt, nó bày ra muôn vàn phức tạp mà nàng không nhìn thấy và không muốn nhìn thấy, sau tất cả những đau khổ và thử thách trải qua. Và điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nhưng tôi, tôi không thể nhắm mắt được. Theo pháp luật, con gái tôi không phải là con tôi mà là con Karenin. Tôi không muốn sự man trá ấy! - chàng nói với một cử chỉ phủ nhận quyết liệt và nhìn Đarya, vẻ buồn bã, dò hỏi.
Bà không trả lời và chỉ nhìn chàng. Chàng nói tiếp:
- Mai đây, có thể tôi sẽ sinh một đứa con trai, con trai của tôi và cứ chiểu theo pháp luật, thì nó sẽ là dòng dõi Karenin, nó sẽ không được kế thừa cả họ tên lẫn tài sản của tôi. Dù chúng tôi có sung sướng mười mươi, chúng tôi có đông con đến mấy đi nữa, cũng sẽ chẳng có mối liên hệ nào giữa chúng nó với tôi. Chúng nó vẫn thuộc tộc hệ Karenin. Chắc chị hiểu tất cả cái khủng khiếp của hoàn cảnh đó. Tôi đã thử bàn với Anna chuyện này. Điều đó khiến nàng bực mình. Nàng không hiểu và tôi không thể nói hết mọi nhẽ với nàng được. Bây giờ chị hãy nhìn theo một quan điểm khác. Tôi đang sung sướng, sung sướng vì tình yêu của nàng, nhưng tôi cần có một công việc. Tôi đã tìm thấy công việc đó và lấy thế làm tự hào, tôi cho rằng nó còn cao quý hơn những hoạt động của các bạn cũ ở Triều đình hay trong quân đội. Dứt khoát tôi chả đời nào đánh đổi địa vị với họ. Tôi làm việc tại chỗ ở đây và tôi sung sướng, mãn nguyện, chúng tôi chẳng cần gì khác nữa. Tôi yêu thích công việc này. Đây không phải là một việc bất đắc dĩ, trái lại…
Đarya Alecxandrovna nhận thấy khi trình bày đến đoạn này, chàng đâm lúng túng. Bà không hiểu rõ ý nghĩa sự lạc đề đó, nhưng bà cảm thấy giờ đây, một khi đã bắt đầu nói đến những ý nghĩ thầm kín không thể bộc lộ với Anna, ắt chàng sẽ nói ra hết, và vấn đề hoạt động ở nông thôn hẳn cũng nằm trong phạm vi những băn khoăn thầm kín cùng vấn đề quan hệ giữa chàng và Anna.
- Tôi nói tiếp nhé, - chàng định thần lại và nói. - Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi làm việc là làm sao đạt được niềm tin chắc chắn rằng những cái tôi làm sẽ không chết theo tôi, rằng tôi sẽ có kẻ thừa tự… và đó lại chính là cái điều hiện tôi không có. Chị thử tưởng tượng hoàn cảnh của một kẻ biết trước là những đứa con với người đàn bà mình yêu sẽ không phải của anh ta mà của người khác vốn ghét chúng và không thừa nhận chúng. Thật kinh khủng!
Chàng ngừng bặt, rõ ràng rất xúc động.
- Vâng, tất nhiên tôi hiểu chứ. Nhưng hiện Anna có thể làm gì được? – Đarya Alecxandrovna hỏi.
- Chính điều đó dẫn tôi đến mục đích cuộc nói chuyện này, - chàng cố tự chủ nói. - Anna có thể làm được gì, việc đó còn tùy nàng… Dù chỉ để xin đức vua hợp pháp hoá các con tôi, thì việc ly dị vẫn là cần thiết. Và điều đó phải do Anna quyết định. Trước đây, chồng nàng đãưng thuận ly dị - dạo ấy Xtiva đã dàn xếp xong mọi việc rồi. Và ngay bây giờ, tôi biết ông ta cũng không từ chối đâu. Chỉ cần viết thư cho ông ta. Hồi trước ông ta có nói nếu nàng muốn vậy, ông ta sẽ không từ chối. Tất nhiên, - chàng nói, - vẻ lầm lầm, đó là một thói tàn bạo kiểu giả nhân giả nghĩa mà chỉ những kẻ nhẫn tâm như họ mới nỡ làm thôi. Ông ta thừa biết mọi cách nhắc nhở đến ông đều khiến Anna rất đau đớn, và biết vậy rồi, ông bèn đòi hỏi nàng phải viết thư khẩn cầu. Tôi hiểu điều đó thật khổ tâm cho Anna. Nhưng trước những lý do quan trọng đến thế, cần phải vượt lên trên mọi éo le tình cảm. Hạnh phúc cùng cuộc đời Anna và các con nàng tùy thuộc ở đó. Tôi không nói đến tôi, mặc dầu tôi cũng đau khổ, rất đau khổ, - chàng nói, vẻ như hăm dọa kẻ nào đó đã gây cho chàng đau khổ. - Cho nên phu nhân ạ, cho nên tôi phải bấu víu lấy chị một cách nhục nhã, như chết đuối vớ phải cọc. Chị hãy giúp tôi thuyết phục Ann viết thư cho ông ta và yêu cầu ly dị!
- Vâng, được thôi, - Đarya Alecxandrovna nói, vẻ tư lự, nhớ lại rõ ràng cuộc nói chuyện lần trước với Alecxei Alecxandrovich. - Vâng, được thôi, - bà nhắc lại, giọng quả quyết, bụng nghĩ đến Anna.
- Chị hãy dùng uy tín của mình đối với Anna làm sao cho cô ấy viết thư cho ông ta. Tôi không muốn và hầu như không thể nói chuyện này với cô ấy.
- Được, tôi sẽ nói. Nhưng làm sao tự cô ấy lại không nghĩ đến chuyện đó nhỉ? - Đarya Alecxandrovna nói và đột nhiên, không có nguyên do gì cụ thể, bà chợt nhớ đến cái thói quen nheo mắt kì lạ của Anna. Và bà nhớ ra là Anan thường nheo mắt đúng vào lúc người ta đụng đến những vấn đề liên quan đến đời sống nội tâm của nàng. "Dường như cô ta nheo mắt nhìn cuộc đời mình để khỏi phải thấy hết mọi sự". Đôly nghĩ.
- Được, nhất định tôi sẽ nói với cô ấy, vì cả tôi lẫn cô ấy, - Đarya Alecxandrovna đáp lại lời cảm ơn của Vronxki.
Họ đứng dậy ra về.
Quyển 6
Chương 22 
Về đến nhà đã thấy Đôly ở đó, Anna chăm chú nhìn bà như muốn lục vấn về câu chuyện trao đổi với Vronxki, nhưng không hỏi lời nào.
- Có lẽ đến giờ ăn chiều rồi đấy, - nàng nói.
- Chúng mình vẫn chưa gặp nhau mấy tí. Em trông vào tối nay đấy. Bây giờ, em phải đi thay quần áo. Cả chị, em nghĩ chị cũng nên đi thay đi. Chúng mình đều nhớp bẩn trong khi đi thăm công trường.
Đôly trở về phòng và thấy hoàn cảnh mình thật tức cười. Bà không còn gì để thay vì đã mặc chiếc áo đẹp nhất; nhưng để tỏ ra cũng có chuẩn bị trang phục đôi chút nhân bữa chiều, bà nhờ chị hầu phòng chải hộ chiếc áo, thay cổ tay áo, thay nơ và gài lên tóc một tấm ren.
- Tôi chỉ có thể trang điểm đến mức này là cùng, - bà mỉm cười nói với Anna đến tìm bà, lúc này nàng đã thay chiếc áo thứ ba cũng hết sức giản dị.
- Phải, ở đây bọn em rất nệ hình thức, - Anna nói như để biện bạch cho sự sang trọng của mình. - Alecxei rất mừng thấy chị đến thăm, ít khi em thấy anh ấy bằng lòng như vậy. Anh ấy rất mến chị, - nàng nói thêm. Chị không mệt lắm chứ?
Họ không có thì giờ nói chuyện nhiều trước bữa ăn. Bước vào phòng khách, họ đã thấy quận chúa Vacvara và tốp đàn ông mặc áo đuôi tôm ở đấy. Kiến trúc sư vận lễ phục đen. Vronxki giới thiệu bác sĩ và quản lý với Đôly. Chàng đã giới thiệu kiến trúc sư với bà ở bệnh viện rồi.
Một người đầu bếp to béo, mặt tròn xoe nhẵn nhụi và nhờn bóng, thắt cà vạt trắng hồ bột, tới báo tiệc đã dọn xong. Các bà đứng dậy. Vronxki mời Xvyajxki đưa tay cho Anna khoác còn chàng thì tiến về phía Đôly. Vexlovxki chìa tay cho quận chúa Vacvara trước Tuskievich thành thử Tuskievich phải đóng vai kỵ sĩ đơn độc cũng như viên quản lý và bác sĩ. Bữa tiệc, phòng ăn, bát đĩa, công việc hầu bàn, rượu vang và thức ăn không những hoà hợp với không khí chung sang trọng, hiện đại của ngôi nhà mà còn choáng hơn và mới hơn là đằng khác. Đarya Alecxandrovna quan sát với con mắt bà nội tướng và tuy không hi vọng đem bất cứ cái gì trông thấy ở đây áp dụng vào nhà mình bởi lẽ mọi thứ đều cao hơn mức sống của bà rất nhiều, bà vẫn chú ý đến mọi chi tiết và tự hỏi ai đã lo liệu nên thế này. Những chủ nhân thuộc giới thượng lưu thường thích để khách khứa tưởng mọi việc ở nhà mình đều tiến hành không chút khó khăn và có thể nói cứ tự dưng mà xong thôi. Vexlovxki, chồng bà, thậm chí cả Xvyajxki và nhiều người bà quen biết vốn không bao giờ suy nghĩ về điều đó, ắt có thể tin là thế. Còn bà, Đarya Alecxandrovna đây, bà thừa biết ngay cả cháo sáng cho trẻ con cũng không phải tự dưng mà có và cách sắp đặt phức tạp đến thế, chu đáo đến thế tất phải đòi hỏi sự chăm chút cao độ. Xem vẻ Alecxei Kirilovich nhìn bao quát khắp bàn ăn, gật đầu ra hiệu cho đầu bếp, xem kiểu chàng mời Đarya Alecxandrovna chọn giữa món cháo cá nguội với món nước hầm thịt, bà hiểu ngay đích thân chủ nhân đã lo liệu mọi thứ. Các việc đó không phải do Anna làm, nàng cũng không hơn gì Vexlovxki, chẳng hạn. Anna, Xvyajxki, quận chúa và Vexlovxki đều là quan khách như nhau, vui vẻ hưởng thụ những cái sắp sẵn cho họ.
Anna chỉ đóng vai trò chủ nhân trong việc dắt dẫn câu chuyện. Và cái nhiệm vụ rất khó khăn ấy đối với bà chủ nhà ở một bàn ăn thưa thớt, lại có mặt những người thuộc một giới khác hẳn như viên quản lý và kiến trúc sư (họ đã cố dẹp nỗi rụt rè trước cảnh tráng lệ khác thường này mà vẫn không sao góp chuyện lâu được), nhiệm vụ đó, Anna đã làm tròn với vẻ tự nhiên và tế nhị thường ngày, thậm chí đầy hứng thú nữa, theo nhận xét của Đarya Alecxandrovna.
Thoạt đầu, câu chuyện xoay quanh cuộc đi chơi thuyền của Tuskievich và Vexlovxki, rồi Tuskievich lại muốn bàn rộng ra những cuộc đua gần đây của câu lạc bộ du thuyền ở Petersburg. Nhưng Anna, lợi dụng một quãng ngắt nói luôn với kiến trúc sư, để kéo ông ra khỏi sự trầm lặng.
- Ông Nicolai Ivanovich lấy làm sửng sốt về những tiến bộ của toà nhà mới kể từ lần đến thăm trước, - nàng nói về Xvyajxki; nhưng chính tôi, ngày nào cũng đến đó mà vẫn cứ ngạc nhiên thấy công việc tiến triển nhanh quá.
- Làm việc với quan lớn nhà thật dễ chịu, kiến trúc sư mỉm cười nói (ông vốn là người lễ độ và điềm đạm, rất có ý thức về phẩm cách của mình).
- Không như làm việc với nhà chức trách ở tỉnh lỵ. Ở đó, hẳn họ phải bôi đen hàng xấp giấy trong khi chỉ cần ba câu là có thể thoả thuận xong với bá tước.
- Tác phong Mỹ đấy, - Xvyajxki mỉm cười nói.
- Vâng, ở bên đó, họ cũng biết xây dựng…
Câu chuyện xoay sang những sự lạm quyền ở Mỹ, nhưng Anna lại lái vào một đầu đề khác cho viên quản lý tham gia.
- Chị đã thấy máy gặt chưa? - nàng quay lại hỏi Đarya Alecxandrovna. - Lúc gặp chị là bọn em đang đi xem đấy. Đây là lần đầu em được thấy máy gặt.
- Máy hoạt động như thế nào? - Đôly hỏi.
- Giống hệt cái kéo. Có một tấm ván và vô số kéo con. Như thế này này. Anna cầm lấy dao ăn và dĩa trong đôi bàn tay đẹp trắng nõn đeo đầy nhẫn, bắt đầu trình bày. Nàng thấy rõ chẳng ai hiểu nàng nói gì; nhưng cậy có giọng nói êm ái và đôi bàn tay đẹp, nên nàng vẫn tiếp tục.
- Đó là những con dao díp thì đúng hơn, - Vexlovxki nói đùa, mắt không rời nàng.
Anna thoáng mỉm cười nhưng không trả lời.
- Đúng không, bác Karl Federovich, có phải nó giống những cái kéo không? - nàng vừa nói vừa quay về phía bác quản lý.
- O, ja, - bác người Đức trả lời, Es ist ein ganz einfaches Ding (à vâng, nó rất giản dị) và bác liền giải thích cách bố trí các bộ phận máy.
- Chỉ tiếc là nó không bó được thành lượm, - Xvyajxki nói.
- Trong cuộc triển lãm ở Viên(1), tôi đã thấy những máy gặt dùng dây thép bó lúa thành lượm. Những máy đó tiện hơn.
- Es kommt drauf an… Der preis vom Drant muss ausgerechnel werden (Cái đó còn tuỳ, còn phải tính giá dây thép), và bác người Đức, bị lôi cuốn vào chuyện, nói với Vronxki. Das lasst sich ausrenchnen, Erlaucht (cũng dễ tính toán thôi, quan lớn ạ), bác người Đức thò tay vào túi bao giờ cũng có cây bút chì và quyển sổ ghi đủ mọi thứ, nhưng cái nhìn lạnh lùng của Vronxki ngăn bác lại. Zu complicirt, macht zu viel Klopot (Phức tạp lắm, cái đó gây rất nhiều "Khơlôpôt" (phiền phức), - bác kết luận.
- Wuncht man Dochots, so hat man auch Klopots (Muốn có "đôkhôt" (lời lãi), thì phải chị "khơlôpôt" (phiền phức), - Vaxya Vexlovxki trêu bác người Đức. - Tôi rất thích tiếng Đức, - anh quay sang Anna nói tiếp, vẫn với nụ cười quen thuộc.
- Ông Vaxili Xemionich ạ, lúc này chúng tôi đã tưởng gặp ông ngoài đường, - nàng nói với bác sĩ, một người ốm yếu. - Ông có ra đấy phải không?
- Vâng, nhưng tôi biến ngay, - bác sĩ đáp, giọng muốn bông lơn nhưng thực tế lại hoá ra thê thảm.
- Vậy ra, ông đã tập đi dạo nhiều đấy nhỉ.
- Vâng, rất tốt ạ.
- Thế còn bà lão bệnh nhân ra sao? Chắc không phải sốt thương hàn chứ?
- Thương hàn hay không thì bệnh tình bà ta cũng chả khá hơn.
- Thật đáng buồn! - Anna nói và sau khi làm tròn nhiệm vụ xã giao bằng cách đó với những người thường lui tới nhà, nàng bèn quay sang các bạn thân.
- Dù sao đi nữa, cứ theo lời bà chỉ dẫn mà chế tạo máy thì quả là khó đấy, Anna Arcadievna ạ, - Xvyajxki nói đùa.
- Không được ư, tại sao vậy? - Anna nói với một nụ cười chứng tỏ nàng thừa biết trong cách mình giải thích cơ chế máy gặt có một cái gì duyên dáng không lọt khỏi mắt Xvyajxki. Cái nét làm đỏm mới đó khiến Đôly ngạc nhiên một cách khó chịu
- Nhưng, bù lại, kiến thức của Anna Arcadievna về kiến trúc thì thật kỳ diệu, - Tuskievich nói.
- Đúng thế, hôm qua tôi đã nghe Anna Arcadievna nói về chân cột và vòm dưới mái, - Vexlovxki nói.
- Có đúng thế không?
- Cái đó chẳng có gì là lạ khi người ta thường xuyên trông thấy, nghe thấy những chuyện ấy, - Anna nói. - Tôi chắc ngay đến chuyện làm nhà bằng vật liệu gì, anh cũng không biết phải không?
Đarya Alecxandrovna thấy Anna không thích cái giọng cợt nhã giữa nàng và Vexlovxki nhưng vẫn phải chịu.
Trong trường hợp này, Vronxki tuyệt nhiên không hề xử sự như Levin. Rõ ràng chàng coi sự ba hoa của Vexlovxki chẳng có gì quan trọng và trái lại, còn khuyến khích bông đùa nữa.
- Phải, Vexlovxki, anh thử nói xem người ta gắn đá vào nhau như thế nào?
- Tất nhiên là bằng xi măng.
- Hoan hô! Nhưng xi măng là cái gì chứ?
- Một thứ cồn dán… không, một thứ mát tít, - Vexlovxki trả lời, làm tất cả phá lên cười.
Câu chuyện giữa các thực khách - trừ bác sĩ, kiến trúc sư và quản lí vẫn lặng lẽ ủ ê - cứ thao thao bất tuyệt: khi thì lướt nhanh, khi lại kéo dài xung quanh người này hoặc người khác. Có lúc, Đarya Alecxandrovna bị chọc tức đã nổi nóng đỏ mặt tía tai lên và sau đó lại tự hỏi xem mình có buột miệng nói quá câu nào chăng. Chả là Xvyajxki nhắc tới Levin, kể lại những tư tưởng kì quặc của chàng cho rằng máy móc chỉ tổ làm hại nền nông nghiệp Nga.
- Tôi không được hân hạnh quen ông Levin đó, - Vronxki mỉm cười nói, - nhưng có lẽ ông ta chưa bao giờ trông thấy những máy móc mà ông ta lên án. Hoặc giả nếu ông ta đã trông thấy và thể nghiệm qua thì hẳn đó là máy móc Nga chứ không phải máy móc nước ngoài. Như vậy làm sao ông ta có thể có nhận định được?
- Ông ta nhìn sự vật theo quan điểm Thổ Nhĩ Kỳ, - Vexlovxki quay lại Anna mỉm cười nói.
- Tôi không đủ trình độ bênh vực ý kiến của anh ấy, - Đôly nói và đỏ bừng mặt, - nhưng tôi có thể nói đó là người rất học thức và nếu có mặt ở đây, hẳn anh ấy sẽ biết cách trả lời các vị như thế nào, còn tôi thì xin chịu.
- Tôi mến ông ta lắm và chúng tôi là bạn rất thân, - Xvyajxki mỉm cười nói, vẻ hiền từ. Nhưng xin lỗi, ông ta có hơi gàn tí đấy. Chẳng hạn, ông ta quả quyết rằng chế độ hành chính hành tỉnh và tòa án hòa giải là vô ích và từ chối không chịu tham gia.
- Đó là thói thờ ơ của người Nga chúng ta, - Vronxki vừa nói vừa rót nước đá vào một cái cốc có chân mỏng mảnh - không chịu thừa nhận những bổn phận do quyền lợi buộc phải làm và do đó, phủ nhận mọi bổn phận.
- Tôi chưa từng thấy người nào làm tròn bổn phận triệt để hơn Levin, - Đarya Alecxandrovna nói, khó chịu về giọng trịch thượng của Vronxki.
- Về phần tôi, - Vronxki nói tiếp, rõ ràng bị câu chuyện kích thích mạnh, - chính tôi như các vị đang thấy đây, trái lại, tôi rất biết ơn về cái vinh dự được bầu làm thẩm phán hoà giải danh dự, nhờ ông Nicolai Ivanovich đây (chàng chỉ Xvyajxki). Tôi cho rằng đối với tôi, nhiệm vụ đến toà án xử một tên nông dân ăn trộm ngựa cũng quan trọng như mọi việc tôi có thể làm. Và nếu được bầu làm đại biểu nghị viện, tôi sẽ coi đó là một vinh dự. Đó là cách duy nhất để trả nợ xã hội về những đặc quyền tôi được hưởng với tư cách là điền chủ. Khốn thay, người ta lại không hiểu tầm quan trọng cần thiết của điền chủ lớn trong bộ máy nhà nước.
Thấy chàng có vẻ tự tin đến thế ở ngay nhà chàng, tại bàn ăn của chàng, Đarya Alecxandrovna lấy làm lạ. Bà nhớ lại Levin, vốn suy nghĩ khác hẳn, cũng có thái độ dứt khoát như thế trong nhận định khi ngồi trước bàn ăn nhà mình. Nhưng bà mến Levin, nên đứng về phía chàng.
- Vậy thì, thưa bá tước, chúng tôi có thể trông cậy ở ngài trong kì hội nghị sắp tới chứ? - Xvyajxki nói.
- Phải khởi hành sớm hơn để mồng tám đã ở đó rồi. Nếu ngài cho tôi được vinh dự đón ngài ghé qua nhà…
- Em cũng có phần đồng ý với em rể chị, - Anna nói, nhưng vì lý do khác kia, - nàng mỉm cười nói thêm.
- Em thiết nghĩ thời gian gần đây, những nhiệm vụ xã hội chúng ta trở nên nhiều quá. Đâu đâu cũng vấp phải những người hoạt động xã hội y như những viên chức trước kia. Alecxei ở đây mới sáu tháng nay mà đã là ủy viên của năm, sáu tổ chức khác nhau: nào quản lí tài sản, nào quan tòa, nào nghị viện, nào bồi thẩm. Cứ cái đà này (2) bao nhiêu thì giờ của anh ấy rồi sẽ bỏ vào đấy hết. Và em sợ những chức vụ quá nhiều đó chỉ đơn thuần có tiếng mà không có miếng. Ông Nicolai Ivanovich, ông là ủy viên của bao nhiêu hội, - nàng vừa nói vừa quay về phía Xvyajxki. - Hình như vào khoảng hai mươi phải không?
Anna nói đùa, nhưng giọng nàng thoáng lộ vẻ bực tức.
Đarya Alecxandrovna từ nãy chăm chú quan sát Anna và Vronxki, nhận thấy ngay điều đó. Bà cũng để ý là Vronxki nghe nói vậy liền nghiêm nghị đanh mặt lại. Thấy quận chúa Vacvara vội vàng lái sang chuyện bạn bè ở Petersburg, đồng thời nhớ lại lúc ở ngoài vườn, Vronxki đã nói lạc sang những hoạt động của mình, Đôly chợt hiểu là vấn đề hoạt động xã hội này có liên quan đến một xung đột ngấm ngấm nào đó giữa Anna và Vronxki.
Bữa tiệc chiều, các loại rượu vang, việc hầu bàn, tất cả đều hoàn mỹ, nhưng mọi sự đều diễn ra y như trong những bữa tiệc trịnh trọng, những vũ hội mà Đôly không quen dự nữa: cũng căng thẳng và chung chung như thế mà lại là một ngày bình thường giữa một nhóm nhỏ với nhau, thành thử bà đâm khó chịu.
Sau bữa ăn, họ ra sân thượng. Rồi chơi quần vợt. Đấu thủ chia làm hai tốp, dàn ra hai bên tấm lưới căng thẳng buộc vào những chiếc cột sơn vàng óng trên sân quần đã được san bằng và lăn nền cẩn thận. Đarya Alecxandrovna thử chơi nhưng mãi không hiểu ra sao cả.
Khi hiểu ra thì đã mệt quá, đành phải tới ngồi cạnh quận chúa Vacvara mà xem. Người cùng bên với bà, Tuskievich cũng bỏ cuộc; nhưng những người khác vẫn chơi tiếp khá lâu. Xvyajxki và Vronxki cả hai đều đánh rất hay và rất nghiêm túc. Bằng con mắt sắc sảo, họ theo dõi trái bóng đối phương phát sang, chạy lại không vội vàng mà cũng không chậm trễ, chờ bóng nẩy lên và đánh trở lại bên kia lưới bằng một nhát vợt chính xác. Chơi tồi nhất là Vexlovxki. Anh chàng hay nóng mắt, nhưng ngược lại, sự hào hứng của anh ta đã kích thích các đối thủ. Anh ta cười, reo không ngừng. Cũng như các ông khác, được sự đồng ý của các bà, chàng đã cởi áo đuôi tôm, để sơ mi trần và dáng dấp đẹp đẽ, bộ mặt hồng hào nhễ nhại mồ hôi, cùng cử chỉ lập cập của chàng đã gây ấn tượng sâu sắc.
Đêm ấy, khi Đarya Alecxandrovna đi nằm, bà vừa nhắm mắt đã thấy Vaxya Vexlovxki bổ nhào tới đầu này đến đầu kia sân quần.
Suốt cuộc chơi, Đarya Alecxandrovna thấy chán phèo. Cái lối bờm xờm kiểu cách vẫn tiếp diễn giữa Anna và Vexlovxki và sự gượng gạo của những người đứng tuổi lao vào một trò chơi trẻ con, khiến bà khó chịu. Nhưng để khỏi làm người khác mất vui và để tiêu phí thì giờ, bà cũng tham gia và giả vờ vui thích. Suốt ngày, bà có cảm giác đang đóng kịch với những diễn viên cừ hơn mình, và diễn xuất kém cỏi của bà đã làm hại đến họ.
Bà đến đây với ý định ở lại chơi hai này nếu thấy ưng ý. Nhưng ngay chiều hôm ấy, trong cuộc chơi quần vợt, bà quyết định ngày mai sẽ ra về. Những lo lắng dằn vặt của người mẹ mà khi đi đường bà ghét cay ghét đắng, giờ đây như đã chuyển sang một phạm vi khác và lại hấp dẫn bà sau một ngày vắng nhà.
Sau khi dùng trà tối và đi thuyền chơi đêm một lúc, Đarya Alecxandrovna trở về phòng một mình, cởi áo dài, ngồi xuống chải mớ tóc thưa thớt chuẩn bị đi ngủ, và cảm thấy nhẹ hẳn người. Thậm chí, bà còn khó chịu khi nghĩ Anna có thể bất chợt đến. Bà muốn suy nghĩ một mình.
Chú thích:
(1) Thủ đô nước Áo.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...