Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Con trâu và người dân quê Việt Nam

Con trâu và người dân quê Việt Nam

"Ai bảo chăn trâu là khổ"?

"Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ..." (Quốc văn giáo khoa thư).

Với trẻ em thôn quê, có con vật nào gần gũi, thân thiết hơn con trâu? Trước hết vì cái thú cưỡi trâu. Bức tranh dân gian Chăn trâu thổi sáo với chú bé vắt vẻo ngồi trên lưng trâu là hình ảnh đẹp của thời thơ ấu, của làng quê thanh bình, yên vui.
Cưỡi trâu là một cái thú. Có thể đi qua bụi gai. ruộng lầy, thậm chí qua sông. Nhưng chủ yếu vì được chỉ huy một con vật to lớn gấp mình hàng chục lần. Trẻ con đôi khi cũng cưỡi bò, nếu nhà không nuôi trâu. Nhưng cưỡi bò không thú vị bằng, vì bò lưng nhỏ lại trơn, dễ ngã, và nhất là bò hôi hám do không tắm. Ngoài ra trâu còn hiền lành, "sáng dạ" hơn bò. (Người ta nói Ngu như bò chứ có nói Ngu như trâu đâu). Nếu cậu chủ bé quá, không leo được thẳng từ sườn trâu lên lưng thì trèo từ phía đầu, có thể đứng lên cả hai sừng, trâu sẽ nghển cổ để cậu dễ dàng tuồi người về phía lưng. Trâu rất nhớ đường. Ði trong đêm tối, nếu người không thuộc đường, cứ việc dong trâu đi trước. Trâu dong bò dắt mà.
Nhưng sung sướng nhất là những ngày chăn trâu tập trung. Bây giờ những bãi chăn thả có thể tập trung vài chục trâu bò gần như không còn nữa, chứ cách đây khoảng ba chục năm về trước, có rất nhiều bãi chăn tự nhiên: những đồi hoang đủ loại lau cỏ, những cánh đồng rạ sau khi gặt còn bỏ không hàng tháng, những triền đê cao rộng mượt cỏ về mùa xuân,... Buổi trưa, tan học về, trẻ con ăn cơm vội vàng rồi í ới gọi nhau "đi trâu". Những con trâu đói meo đánh sừng lạch cạch vào văng chuồng, hễ thấy bóng người là thò đầu ra, mắt như giục giã van lơn nhanh nhanh cho chúng đi thôi. Vì đói quá, hay vì sung sướng được tháo cũi sổ lồng mà nhiều con vừa ra khỏi chuồng đã tế lên phía trước, làm cho nhiều đứa trẻ phải lốc thốc chạy theo, hò hét khản cả giọng.
Dù thả đồng hay thả đồi, lũ trẻ cứ việc "ngõa" trâu lại (quấn thừng vào cổ hoặc sừng), bỏ đấy cho chúng tự do kiếm ăn. Trâu quen nhau, ăn theo đàn, chỉ cần nhìn thấy một con là yên tâm. Lũ mục đồng tha hồ bày đặt các trò vui: đi tắm, đi "ăn sim", "ăn ong", ăn trộm hoa quả, chơi đánh trận giả (Ðinh Bộ Lĩnh trước khi trở thành Ðinh Tiên Hoàng Đế đã từng là một ông vua mục đồng trong trò chơi đánh trận giả này). Mùa hè thú nhất là tắm - sông, suối, hồ, ao, ngòi, kênh, mương - bất cứ chỗ nào có nước sâu cũng thành "bãi tắm" được. Còn mùa đông thú nhất là đốt lửa, vừa sưởi vừa nướng sắn, đôi khi cá tôm nữa. Mấy câu thơ của Ðồng Ðức Bốn diễn tả thật sinh động cái cảnh ấy:
Cõi đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
Tuy vậy chăn trâu cũng nhiều khi thật khốn khổ. Ấy là chẳng may khi trâu lạc, cả nhà bổ đi tìm. Lại có khi trâu phá lúa, rau màu, bị người ta bắt giữ, phải về gọi bố mẹ đến xin rồi xơi một trận mắng hay một trận đòn lằn mông. Rồi những ngày đông mưa phùn rét thấu xương, củi lửa đâu mà đốt, áo thì chỉ một hai manh, đứa nào đứa ấy run cầm cập, môi tím thâm. Lũ trâu thì vừa đói vừa rét, vì đồi núi, ruộng đồng trơ một màu xỉn đất, một đám cỏ cằn cũng khó kiếm. Chúng lang thang cả ngày mà bụng vẫn lép kẹp. Có năm rét quá, trâu bị sưng chân, quỵ giữa đồng, phải đem rơm đến sưởi, may thì khỏi, nếu không thì phải thịt tại chỗ, cả nhà ngậm ngùi.
"Con trâu là đầu cơ nghiệp"

Em Bé Quê - Ai Bảo Chăn Trâu Là Khổ

Khoảng năm nghìn năm trước, nhờ thuần hóa trâu rừng làm sức kéo, cha ông ta đã bước từ đời sống hái lượm bấp bênh sang đời sống nông nghiệp ổn định mà nghề chính là trồng lúa nước. Con trâu được coi là "đầu cơ nghiệp", bởi vì "Đường cày bằng ngày cuốc", sức trâu làm đất bằng hàng chục lần sức người. Bò cũng dùng để cày bừa nhưng kém trâu nhiều, bởi vì bò không quen dầm nước và sức lại yếu hơn trâu: Yếu trâu hơn khoẻ bò, Trâu năm sáu tuổi còn nhanh, Bò năm sáu tuổi đã tranh về già; Trâu he cũng khoẻ bằng bò; Trâu ho bằng bò rống; Trâu gầy cũng tầy bò bò khoẻ....
Một gia đình được coi là sung túc phải có "ruộng sâu trâu nái". Mua trâu là một việc lớn trong ba việc lớn của đời người, do đó, người ta không gọi là "mua" nữa, mà gọi là "tậu": Tậu trâu, cưới vợ làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó khăn. Tậu trâu đúng là một việc khó khăn, vì ngoài việc phải có một "nố" tiền lớn, người mua phải thông thạo xem tướng trâu, hiểu giá cả để khỏi bị lừa, bị hớ. Bởi những tay buôn trâu thường là những tay lừa đảo ghê gớm. Thật thà cũng thể lái trâu mà. Trong nghề buôn xưa, có lẽ chỉ buôn trâu được "tôn xưng" là "lái" (buôn chè, buôn vải, chứ không có lái chè, lái vải,… và ngày nay có thêm từ lái súng nhưng ít dùng).
Có ít nhất hai tiểu thuyết nổi tiếng về con trâu, và cũng là về nông dân, nông thôn. Hồi trước Cách mạng, nhà văn Trần Tiêu viết tiểu thuyết Con trâu, kể về nỗi khao khát có một con trâu cái của bác nông dân tên là Chính. Bác Chính đi làm thuê, làm mướn, lao tâm lao lực với một động cơ mãnh liệt là có đủ tiền tậu một con trâu cái. Có một con trâu cái để sinh lợi là có tất cả: tậu ruộng, mua nhà, để thoát khỏi đói nghèo; mua "xã", mua "hương", để thoát khỏi thân phận "bạch đinh", vì ở chốn quê đầy sự phân biệt ngôi thứ, đẳng cấp. Bác lao vào làm thuê với tất cả niềm say mê cho mục đích "lớn lao" đó, đến nỗi kiệt sức, phải kết thúc bằng cái chết thảm thương.   
Trong kháng Pháp lại có tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng. Ta thấy cách giặc phá ta thật thâm hiểm: sát hại trâu bò để phá hoại sản xuất, làm cho cả quân dân đều đói thì không thể kháng chiến dài lâu. Người nông dân khu V hồi ấy có lúc phải "kéo bừa thay trâu" vô cùng vất vả. Cho nên vấn đề "con trâu" trở thành mối quan tâm hàng đầu của tổ chức Ðảng và lực lượng vũ trang địa phương. Người ta không chỉ đào hầm cho người mà còn đào hầm cho cả trâu nữa.
Hồn quê Việt Nam
Con trâu không chỉ là công cụ, là tài sản mà còn là người bạn đồng hành của người nông dân. Trâu bầu bạn với dân cày, khi tươi vui cũng như khi lầm than cực nhọc: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa; Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu (ca dao). Con trâu do đó có khi được dùng để chỉ luôn nghề nông: Dù ai buôn bán trăm nghề/ Không bằng đi về theo đít con trâu. Người với trâu thân thiết đến mức thề ước sống chết có nhau: Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. Với những đức tính và hạn chế có gì giống đó với người nông dân, cho nên trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, con vật này thường dùng làm ẩn dụ cho người nông dân xưa: khoẻ mạnh, cần mẫn, hiền lành nhưng cũng cam chịu: Khỏe như trâu, Làm như trâu, Thân trâu ngựa, Trâu cày ngựa cưỡi. Ngoài ra, trâu được dùng làm "văn liệu" để thể hiện những quan niệm nhân sinh, những quan hệ xã hội khác nhau: Trâu chết để da, người ta chết để tiếng, Trâu chậm uống nước đục, Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy, Trâu ta ăn cỏ đồng ta Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã (Trâu bạn với trâu, ngựa bạn với ngựa), Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò dốt, Trâu lành không ai mừng cả, trâu ngã lắm kẻ cầm dao, Trâu buộc ghét trâu ăn, Trâu khát chẳng phải đè sừng, Trâu mộng húc nhau nát đồng cỏ cằn, Trâu không có, bắt chó đi cày, Trâu trao chạc, bạc trao tay,…
Còn nhớ khi chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Ðông Nam Á (Sea Games) thứ 22 - Ðại hội lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, giới học thuật tranh luận mãi về việc chọn biểu tượng nào: con rồng? chú tễu? con trâu,.. cuối cùng thì con trâu đã "thắng". Con trâu vừa biểu tượng cho Việt Nam, vừa vẫn rất gần gũi với khu vực Đông Nam Á - quê hương của cây lúa nước, cũng là khu vực trồng lúa nước lớn nhất hành tinh hiện nay.
Ở một số nơi trên đất nước ta có tục chọi trâu. Trâu là hình ảnh của sức mạnh, của tinh thần thượng võ. Những con trâu chọi, người ta kiêng gọi là "con trâu" mà gọi trân trọng là "ông trâu" hoặc "trâu". Ví dụ nói "dự giải năm nay có 32 trâu", giống như nói "32 người" vậy. Sự tôn trọng loài trâu đã biến đổi cả quy tắc ngữ pháp!
Máy móc thay dần sức trâu, sức người. Ðó là một điều đáng mừng. Nhưng bên cạnh cái được vẫn có cái mất. Bãi chăn thả hết dần, bờ ruộng bé teo, có khi chẳng đủ bàn chân người đi, nói gì có cỏ cho trâu. Trâu được nuôi tại chuồng bằng cỏ voi, bằng cám tổng hợp, sung sướng hay nhàm chán tù túng, cô đơn? Người viết bài này đã từng một thuở chăn trâu, nay nghĩ đến người bạn ruộng đồng năm xưa thật không khỏi ngậm ngùi.
Ðào Tiến Thi
Theo http://chimvie3.free.fr/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dăm phía đời, gác lại…  Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản ...