Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Mùa xuân tản mạn về... say

 Mùa xuân tản mạn về... say

Quý vị có bao giờ say chưa nhỉ? Chưa bao ''vờ'', không bao ''vờ''...
Nè, có chắc không đấy nhé vì Sao Khuê thấy người, vật và ngay cả Đất, Trời cũng đều say ráo trọi đấy à nghe, nói có cụ Tản Đà làm chứng:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười...
Cụ Tản Đà và Trời và Đất đang say rượu. Say rượu thì nhiều người say nên dài dòng lắm, mình sẽ nói sau... Riêng khi Trời say thì ông ấy làm cho nhiều người say theo nếu chúng ta dang nắng mà ngó ông ấy hoài; khi đó mặt chúng ta cũng đỏ gay, nhiệt độ tăng rồi có khi lăn quay ra đất, người miền Nam gọi là trúng nắng nhưng Bắc Kỳ rau muống như Sao Khuê gọi là say nắng. Say nắng khác với nắng say:
Chiều trông cho mềm môi ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say
Nắng đợi chiều hây hây...
Nắng khi say thì nhẩy múa, len qua các cành cây kẽ lá, rung rinh bóng trên mặt đất, ngả nghiêng y như người say phải không quý vị?
Có nhiều vị leo lên núi cao thì chóng cả mặt cả mày, rồi nôn mửa thì gọi là say núi (mountain sickness) và rất, rất nhiều người đi tầu ngoài biển cũng bị hiện tượng tương tự thì mình nói là họ bị say sóng (sea sickness) đấy quý vị à. Tương tự có người lên xe bị ói mửa gọi là say xe; lên xe mà không ói mửa lại còn phóng ào ào gọi là say tốc độ. Say tốc đô nguy hiểm lắm lắm vì có thể gây tai nạn dẫn đến ngủ say (ngủ dài ngày hay ngủ luôn). Say kiểu này Sao Khuê hổng ham, Sao Khuê chỉ thích:
Đêm qua say tiếng đàn
Đôi chim uyên đến giường báo tin...
Hay là như người xưa say trăng. Người xưa quý vị biết rồi; Việt Nam nổi tiếng có Tản Đà và Hàn Mặc Tử, bên Tầu nổi tiếng có Lý Bạch. Hàn Mặc Tử tối ngày chỉ nhắc đến Trăng, Theo Hàn Mặc Tử thì... mới lớn lên trăng đã thẹn thò, thơm như tình ái của ni cô... để thấy... Từ đầu canh một đến canh tư, tôi thấy trăng mờ biến ảo như.... hay có lúc Hàn thắc mắc chờ trăng: thuyền ai đậu bến sông trăng đó, có chở trăng về kịp tối nay?...
Hàn Mặc Tử đã thấy trăng nằm sóng soãi trên cành liễu, đợi gió đông về để lả lơi... rồi lại còn thấy ô hay bóng nguyệt trần truồng tắm, lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Hàn Mặc Từ quá yêu trăng, yêu quá như vậy gọi là say mê. Ông đòi chiếm trăng làm sở hữu rồi... lúc túng tiền đòi bán cả trăng: Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng! ai mua trăng tôi bán trăng cho, không bán đoàn viên, ước hẹn hò....
Nhà thơ Lý Bạch bên Tầu cũng mê Trăng, cũng đòi chiếm Trăng làm của riêng cho mình mà với lên trời thì quá xa trong khi trăng đáy nước lại có vẻ thật gần nên ngài đã nhào đại xuống nước mà ôm lấy trăng trong một đêm thật say. Còn quý vị, có bao giờ quý vị ngất ngây vì trăng chưa nhỉ, cũng có rồi phải không, Hằng Nga đẹp thế ai mà không say? Tuy vậy cũng có người không say trăng mà lại say tình. Người say tình thì nhiều lắm lắm quý vị ơi khi đó thì lời nghẹn ngào hồn anh như ngây như say vì đâu... Kim Trọng, trước nàng Kiều thì càng yêu vì nết càngsay vì tình vì cô Kiều này có làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh thuộc loại sắc đành đòi một tài đành họa hai chứ quý vị nhớ coi đâu có ông nào say trước bà Chung Vô Diệm đâu cơ chứ (quý vị nhìn hình Sao Khuê nhắm cũng không say nổi phải không, biết ngay mà...); vậy có nghĩa là đàn ông say sắc dù sắc không cao như núi, không ầm ầm như sóng vỗ ngoài biển khơi. Chuyện! ai mà chả biết là sắc bất ba đào dị nịch nhân với má đào không thuốc mà say, nước kia muốn đổ thành này muốn nghiêng...
''Muốn'' gì nữa, không những đổ, chẳng những nghiêng mà còn mất tiêu luôn khi Trụ Vương say mê Đắc Kỷ, Ngô Phù Sai say đắm Tây Thi. Đàn bà thì sáng suốt hơn một tí, chỉ mới ngẩn ngơ thôi... con tằm bối rối vì tơ, anh say vì rượu em ngẩn ngơ vì tình... hay cùng lắm mới nàng say tình mới hồn tôi tơi bời, nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng... hay... ngày đó có say duyên vượt biển ngoài, trùng dương ơi giữ kín chơ lâu dài tình đôi... Yêu làm cho say, tình làm cho ngất ngây, vậy buồn có làm cho quay lơ không nhỉ? Có hỷ:
Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa vui uống rượu say
Em có biết đâu đời vắng lặng
Lạnh buồn như ngọn gió heo may
Quí vị đã thấy tình làm say, cảnh làm say vậy mà đến ăn uống cũng làm say luôn quý vị à. Không tin quý vị thử cứ ngồi bóc nhãn ra ăn cho no, ăn trừ cơm, cỡ ..một thùng xem.. khi đó cũng đỏ mặt, lảo đảo rồi ngủ say li bì... nhưng mà các cụ bảo ăn trầu, nhất là trầu thuốc thì dễ say lắm. Thuốc đây là thuốc lào. Quý ông nào đã được học tập cải tạo thì được say hoài, phê hoài vì bụng đói dài dài, rít điếu thuốc lào sáng sớm là dễ say lắm. Ít người say thuốc lá nhưng thuốc phiện và các loại ma túy dễ làm cho người ta say. Vậy thì ăn say, hút say, hít say và uống cũng làm say. Quí vị biết Sao Khuê muốn nói đến uống gì rồi. Uống rượu và say rượu. Đàn ông uống rượu nhiều hơn đàn bà và dĩ nhiên ít khi thấy đàn bà say rượu chứ mấy ông thì thấy hoài hà. Say rượu cũng có nhiều mức độ khác nhau tùy lượng và độ rượu uống vào. Say tí ti cho đời lên hương gọi là say ngà ngà, thêm tí nữa là say mềm, rồi say nhừ, say bí tỉ, say khướt. Quý vị có biết tại sao không?
Chả là hồi xưa xửa xừa xưa có một anh chàng, anh ta muốn cất một vò rượu cho thật ngon. Đặt lò dưới một tàng cây lớn, anh nấu suốt cả một ngày mà chẳng có giọt rượu nào chảy ra. Có người mách là anh phải hạ cái cây ấy xuống, dùng nó mà làm củi đốt lò sẽ có rượu ngon. Anh bèn chặt cây làm củi đốt lò, đâu ngờ cây đó vốn là chỗ trú của bốn con vật: chim sáo, con vẹt, con cọp và con heo rừng; bọn này đi kiếm ăn đến tối mới về ngủ.
Chiều đó sáo sậu về trước thấy mất tổ thì buồn rầu, lại thấy lửa ấm bèn lao vào mà sưởi. Lạ thay, rượu bắt đầu chảy ra. Lát sau con vẹt về và cũng làm y như thế, rượu chảy ra nhiều hơn nữa. Con cọp về, thấy mùi thơm của rượu cũng lao vào lửa khiến rượu ồ ạt tuôn ra. Cuối cùng là chú heo rừng cũng lại tình nguyện làm BBQ khiến rượu tuôn ra xối xả. Anh chàng được vò rượu ngon lại thêm thức nhắm nhưng cũng từ đó tác dụng của rượu thay đổi:
- Uống một chén đầu: người uống thấy vui vẻ, hoạt bát, tự tin, nói lứu lo như sáo (tửu nhập ngôn xuất).
- Uống chén thứ hai: vui nhộn rồi lè nhè, nói lứu cả lưỡi, lập đi lập lại như con vẹt.
- Uống chén thứ ba thì thấy khỏe như cọp, đâm ra khoác lác, hay khiêu khích gây chiến vì tưởng mình có thể nuốt chửng con mồi.
- Uống chén thứ tư thì thành heo rừng Trư bát Giới đến mất cả tư cách có thể làm chuyện tồi bại như heo.
Bởi vậy, quý vị à, uống tí ti thôi, đủ cho thấy đời vui vẻ, máu huyết lưu thông... Khốn nỗi khi rượu đã nhập môi thì nhiều người lại cứ... mềm môi chén mãi tít cung thang...
Rồi! quý vị có biết vì sao đàn ông uống rượu nhiều hơn đàn bà không. Ấy, chỉ vì ngày xưa, chỉ có đàn ông mới được đi học, đi học biết chữ rồi biết làm thơ, muốn làm thơ phải mựơn tí rượu để có ''yến sĩ phi lý thuần'' (inspiration) thì mới mong có thơ hay như thơ của Vũ Hoàng Chương hay Lý Bạch vậy vì hai vị này khi say thì thơ rất hay!!! Còn các nàng, rõ dại, cứ mơ cái hình ảnh... chàng hai má đỏ hồng, nói với thằng tiểu đồng, mang túi thơ bầu rượu, mai ta vào chùa trong... khiến mấy anh đồ gàn này lại càng được thể, nói khích nhau để uống cho say mềm: nam vô tửu như kỳ vô phong quên rằng: không gió cờ chẳng bay, gió nhiều thì cờ rách, lấy gì bay đây?
Uống rượu để lấy hứng làm thơ nhưng cũng có nhiều người uống cho quên sầu! Một sai lầm to lớn vì Túy tự túy tửu, sầu tự sầu, có ai lấy rượu giải sầu, cái say ngất ngưởng cái sầu nào vơi như Vũ Hoàng Chương đã than thở:
Nhưng em ơi!
Đất trời nghiêng ngả
Mà trước mắt thành sầu không sụp đổ
Đất trời nghiêng ngả
Thành sầu không sụp đổ, em ơi!...
(nhưng người uống sụp đổ là cái chắc)
Uống rượu, uống một mình không thú:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Lý tưởng của cuộc rượu là bốn người vì họ nói 'tửu tứ, trà tam, phiện nhị'. Bốn người nhưng lý tưởng lại là hai ông bạn thân và hai... cô đầu:
Có khi tầng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xang
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp
Chén quỳnh tương ôm ấp bầu xuân.
Tại sao bốn người? Để... làm thơ, ngâm thơ, bình thơ và thưởng thức thơ...
Rượu, không những chỉ uống khi làm thơ với bạn bè mà dần dần được uống bất cứ lúc nào và ở đâu:
- Ngoài chiến trường: Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi, Túy ngọa sa trường quân mạc vấn, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...
- Ngày Tết: Cùng nhau nâng chén ta chúc nơi nơi...
- Mừng ngày sinh nhật: Nâng cốc rượu chúc mừng bà, Vừa là tình nghĩa vừa là yêu thương, Thủy chung vẹn tấm lòng vàng, Phơ phơ đầu bạc ta càng thương nhau (Trương Tửu mừng sinh nhật vợ 80 tuổi)
- Khi tiễn biệt nhau: Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm, Em vẫn đùa nô uống rượu say..
- Khi vu quy: Rượu hồng em uống cho say, Vui cùng với chị vài giây cuối cùng...
- Khi ở bên nhau: Khi chén rượu khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên...
Nghĩa là... bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng uống rượu được hết!
Người Tây phương thường chỉ uống rượu trước khi dùng bữa hay khi tiếp bạn bè và thường uống rượu xuông. Người mình lại cần chất đưa cay gọi là mồi rượu. Những ''con sâu rượu'' rất kỵ uống rượu với mấy người phá mồi, uống thì ít mà ăn thì nhiều. Mồi là thức nhắm thường là thịt, cá nhưng kẹt quá cũng có thể chỉ là vài trái cóc, trái ổi hay đôi khi chỉ có muối và mấy trái ớt hiểm: Đốt than nướng cá cho vàng, Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi, Phòng khi có khách đón mời, Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chàng... hay Đôi ta như rượu với nem, Đang say ngây ngất ai dèm chớ xa...
Rượu uống vào không những chỉ làm say còn làm nghiền. Nghiền rượu có thễ chữa được:
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
chừa được nhưng hiếm người muốn chừa:
Những lúc say sưa chũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa!
nên mấy ông cứ tiếp tục mà Say sưa nghĩ cũng hư đời. Hư thời hư vậy, say thời cứ say ngay cả dư biết rằng say sưa làm cho người thân buồn khổ: Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng, thấy con uống rượu hai hàng lệ rơi (những người uống rượu là con Ngọc Hoàng)
Lý Bạch bên Tầu, Tản Đà bên Việt đều say sưa tối ngày vì: việc trần ai ai tỉnh ai lo, Say tuý luý nhỏ to đều bất kể.Trơì đất nhỉ! caí say là sướng thế! Vợ khuyên chồng ai dễ đã chừa ngay? Muốn say lại cứ mà say... Đúng vậy cứ say để chuyện cho người tỉnh lo, chả sướng sao được!!!!
Mà này, rượu là cái gì mà người ta lại thích thế nhỉ? Chà! nói về rượu, e phải vài cuốn sách mới nói hết được quý vị ơi! Thôi, nếu muốn tìm hiểu kỹ, quý vị ra thư viện mượn sách về mà đọc hay vào internet mà tìm, ở đây Sao Khuê chỉ nhớ đâu nói đó thôi nhé. 

Rượu được Tây xưng tụng là eau de vie có được do sự lên men rượu của:
- Các nước trái cây như nho, táo, dâu, lê....
- Các loại ngũ cốc nhất là gạo nếp (gạo nếp ngọt do chứa nhiều đường nên dễ lên men)
- Houblon (rượu bia)
- Mía (rượu rhum)
Rượu được tìm ra từ 4000 năm trước Chúa giáng sinh ở vùng Cận Đông từ nho Vitis vinefera. Rượu nho do nho lên men nhờ lớp men nằm ngay ngoài vỏ trái nho và rượu nho càng để lâu càng ngon:
Rượu ngon rót lấy chín tuần
Lòng em đã quyết mười phân lấy chàng...
Nho làm rượu được trồng khắp Âu Châu và đặc biệt nho ở vùng Champagne cất được thứ rượu sủi bọt vừa ngon vừa... bổ (?) nên được đặt tên là rượu Champagne. Ở Mỹ Châu, phải đến thế kỷ thứ XV, Colombus mới mang nho vào trồng để làm rượu. Rượu nho tức rượu vang (vin-wine), quý vị biết rồi, có hai loại là vang trắng và vang đỏ. Vang đỏ, nhớ là đỏ à nghe, uống ngày một ly giúp cho máu lưu thông giúp cho tim mạch (trời đất! ly uống vang chứ ai lại lấy ly cối để uống bia ra mà uống vang thế này, thấy được phép uống là lợi dụng liền! Hư quá!). Mới đây người ta còn thấy vang đỏ có chứa chất resveratrol có tính ngăn sự tổng hợp DNA nên có tác dụng trị herpes, nhưng hổng phải uống vang hết bệnh đâu, mà phải xoa Stil-5 lấy từ vang đỏ ngay khi vừa chớm bị. Đã dặn là uống ít nhưng quý vị có tưởng tượng nổi là dân Ý tà lồ và Tây mũi lõ trung bình hàng năm uống tới 158 lít vang mỗi người không, khiếp chưa?
Người ta cũng dùng các loại ngũ cốc để làm rượu. Thổ sản của Nga la Vodka, của Nhật là Saké và của việt Nam là rượu Đế. Ở Tàu có nhiều thứ rượu và người luôn luôn say tên là Lưu Linh nên sau này người nào sáng say, chiều xỉn, tối sứa đích thị là đệ tử của Lưu Linh.
Rượu làm ra có rượu mạnh, rượu nhẹ, tùy theo độ cồn (do tiếng alcool). Nhẹ nhất là rượu bia (bièrre - beer). Beer nổi tiếng là beer của Đức có dưới 10 độ cồn.
Rượu vang từ10 đến 20 độ. Từ rượu bia hay rượu vang, người ta cất những thứ rượu khác mạnh hơn, từ 20 đến 40 độ (cognac, whisky...)
Rượu có khi ngon khi dở, tùy theo men rượu, cách cất, cách giữ (bảo quản). Men rượu, thời tiết, cách làm có thể làm rượu sủi tăm, thật ngon: Đố ai chừa được rượu tăm, Chừa ăn thuốc chín, chừa nằm chung hơi.
Độ rượu thấp, vị còn chua gọi là rượu nhạt nhưng: Rượu nhạt uống lắm cũng say, Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm khiến cho Rượu ngon trong hũ rót ra, Để lâu cũng nhạt nữa là duyên em thế nên muốn rượu giữ được vị ngon, tăng vị ngon, thì làm rượu xong còn phải ủ rượu. Rượu vang thì được chứa trong các thùng gỗ giữ nằm nghiêng, yên lặng trong các hầm rượu có độ lạnh vừa phải, càng để lâu thì rượu càng ngon. Ở Việt Nam khí hậu nóng nên muốn giữ rượu được lâu và cho ngon người ta chôn rượu dưới đất, dưới ao, dưới giếng. Ai mà ham rẻ do sale hay do ''duty free'' lúc đi du lịch cứ khuân về để dành uống hay để tặng thì nhớ để rượu chỗ mát mẻ, chai rượu phải để nghiêng cho rượu chạm vào nút chai, tránh sự tiếp tục lên men ở phần có không khí gần nút chai có thể làm cho rượu hóa chua do biến thành dấm.
Quý vị biết rồi, rượu uống vào mới đầu làm cho người ta quên sầu (quên thôi chứ cái sầu vẫn còn đó chưa đi đâu hết - ta chỉ tạm quên mà thôi nhé), ít cảm thấy đau đớn, giúp cho tiêu hóa tốt, giúp ngủ say... rồi rượu thấm vào máu làm nở mạch máu, thấm vào phổi (nên cảnh sát đo ruợu bằng hơi thở, mà uống nhiều chỉ cần đứng cạnh là đã thấy nồng nặc mùi rượu), cùng lúc rượu thấm vào mồ hôi, đi vào não bộ; lúc đó thì cử động chậm chạp, ăn nói lè nhè, đứng không vững, đi thì chân nam đá chân siêu, mặt và mắt đỏ ké, môi thâm sì, nhìn không tường, nghe không rõ... rồi có khi làm cho người ta trở thành mạnh bạo tới mức hung dữ hay đôi khi lại làm cho người ta trở nên buồn quá, khóc rưng rức, thật là giống... người say rượu!
Rượu uống hàng ngày - ngày nào cũng uống ấy mà - làm tăng enzyme (enzyme inducer) một diếu tố giúp cho sự biến hóa (métabolisme) của thức ăn và thuốc uống, tức là làm thuốc bị thải ra nhanh hơn nên uống rượu kinh niên làm giảm tác dụng thuốc nhưng nếu quý vị đang uống thuốc (mà hàng ngày không uống rượu) nay tình cờ được mời đi ăn, ghé môi nhấp một ly rượu thì lúc đó tác dụng lại ngược lại, rượu làm giảm enzyme(enzyme inhibitors), thuốc bị thải ra chậm lại, tác dụng thuốc đột nhiên tăng lên nhiều khi quá mức kiểm soát có thể trở thành độc hại. Điều đó có nghĩa là nếu bạn phải uống thuốc thì nhớ khai với bác sĩ và dược sĩ để người ta gia giảm liều thuốc cho phù hợp nhất là khi dùng thuốc trị đông máu (anticoagulant) và những thuốc có tác dụng lên hệ thần kinh. Những người bị bệnh tiểu đường, huyết áp cũng chỉ nên uống nước lọc chứ đừng uống loại eau de vie này, rắc rối lắm... Những vị không phải uống thuốc trị bệnh thì chiều chiều lại nhớ chiều chiều, uống lưng ly rượu (vang Đỏ) cho nhiều máu qua (quý vị cần nhớ chỉ có vang Đỏ mới giúp cho máu huyết lưu thông mà thôi).
Rượu ngoài việc uống vào bụng còn dùng để xoa. Xứ mình ngày xưa dùng ngay rượu đế để xoa, để xông (giã gừng cho vào đĩa rượu, đốt lên rồi chùm kín mền mà xông khi bị cảm), để bóp khi đau nhức (rượu thuốc), để tẩy múi hôi của thức ăn (vịt, mực, sứa v.v... muốn cho bớt hôi thì bóp với rượu trộn chung với gừng giã nhỏ, sau đó đem rửa sạch lại). Xứ mình còn bắt chước người ta, đem ngâm đủ thứ vào rượu để uống: củ sâm, thuốc Bắc, lá cây, rắn rít, rùa,... đôi khi rất là nguy hiểm mà nhiều người vẫn không biết sợ!!!! Ở xứ Âu Mỹ cũng vậy, rượu để uống và để xoa, để đốt, tuy vậy cần phân biệt là rượu uống được phải là Ethanol, công thức là C2H5OH, tức là alcool éthylique, lên men từ trái cây, ngũ cốc như quý vị đã biết; rượu để xoa bóp là chất tổng hợp tên là alcool isopropylique, rượu để đốt ''đèn cồn'' là alcool de bois, tên hóa học là alcool méthylique CH3OH. Tất nhiên là còn nhiều loại rượu khác dùng trong phòng thí nghiệm; đó là những chất có gốc ''CHOH'' nhưng lưu ý các bợm nhậu là những chất rượu đó có thể gây mù mắt hay chết người khi uống vào dù chúng đều có mùi thơm như nhau!!!
Rượu làm say và uống lâu ngày làm ghiền sau đó làm chai cứng gan rồi ung thư gan chưa kể rượu còn gây ra bao nhiêu tai nạn xe cộ đến chết người, gây đổ vỡ bao nhiêu gia đình; con cái của người nghiện rượu sinh ra ít được bình thường, nếu không ngu dốt ngớ ngẩn thì cũng kém thông minh...
Muốn bỏ rượu quá nhưng không bỏ được... Làm sao đây???
Thật ra đâu có gì là khó. Trước hết là... cất hết tiền đi, không có tiền thì lấy gì mua rượu?
sau đó là các trung tâm cai ghiền lúc nào cũng rộng mở để giúp đỡ người lầm đường lạc lối, người lỡ bước sa chân. Để cai rượu, các bác sĩ cho dùng thuốc tên là ''antabuse''. Khi đã uống antabuse mà uống rượu vào thì ói mửa thấy mật xanh mật vàng, lần sau chỉ ngửi thấy mùi rượu là cũng sợ chết khiếp, từ nay xin chừa. Disulfiram, tên hóa học của antabuse ngăn chặn sự biến hóa của rượu, làm cho rượu uống vào thành alcétaldéhyde. Uống antabuse mà uống một chút rượu thôi thì tim đập nhanh, nóng nực, khó thở, bứt rứt mệt mỏi rồi ói mửa tới phát sợ luôn... Những ngươì ghiền có thiện chí cai rượu bằng antabuse, ngoài ý chí nghị lực cũng cần có người thân bên cạnh trông nom giúp đỡ trong những lúc này. Vậy thì uống vào làm gì cho khổ, thôi thì chúng mình những cây sậy yếu đuối nên kính nhi viễn chi trước mấy món gây nghiền này quý vị nghĩ sao???
Có một chuyện vui Sao Khuê kể hầu quý vị: Có một nhóm các cô các cậu trẻ tuổi dự một party. Cảnh sát chờ sẵn ngoài cửa để đo độ rượu, trước hết là để... phạt, sau đó là để tống kên xe đưa về cho đỡ tai nạn lưu thông. Đi ra trước hết có một anh chàng, chân nam đá chân siêu, nghiêng ngửa, anh ta móc túi để lấy chìa khóa xe mà móc mãi mới được, lẩy bẩy mãi mới mở được cửa xe để chui vào, hì hà hì hục mãi mà không đề nổi máy xe. Cảnh sát đến gần, hỏi giấy xe và bắt anh ta thở vào máy để xem anh ta xỉn tới cỡ nào: không có tí hơi rượu nào cả!
- Ơ hay, thế này là thế nào? anh có uống rượu không?
- Không, tôi không uống một giọt nào hết!
- Thế sao anh đi đứng không vững, có vẻ như say lắm?
- Nếu tôi không làm như thế thì đâu có giữ xếp ở đây để mấy thằng bạn say sưa của tôi ra về được. Chúng về hết rồi xếp ơi! Xếp cho tôi về chứ...
Mà này, quý vị có thấy là trong phim Đại Hàn, con trai con gái cứ buồn là vào quán làm hết ly nọ đến ly kia sau đó kẻ nào say khướt lại được cõng về không nhỉ...
Có tin mừng cho quý vị thích rượu là uống nhiều rượu thì không tốt lại còn say nhưng nấu thức ăn với rượu thì... được phép. Quý vị có thể nấu nào là gà, nào là bò, nào là thỏ với rượu. Chưa kể là chim, nghêu, sò... có rượu vào cũng ngon hẳn lên. Dễ ẹc à. Quý vị cứ ướp thịt với gia vị, với rượu vang đỏ (đồ biển thì vang trắng), để tủ lạnh qua một đêm, hôm sau đem chiên sơ thịt với bơ, cho thêm rượu vào mà nấu nhỏ lửa cho chín kế đó quý vị xào hành sắt hạt lựu với bột và bơ cho vàng, bỏ vào nồi thịt trộn đều cho sền sệt là ngon ngay.
Ô!!!!!
Mãi vui rượu sớm cờ trưa
Đào đà phai nhạt sen đà nẩy xanh
Sao Khuê vừa nhâm nhi tí ''ice wine'' - một đặc sản của xứ lạnh - làm bằng nho đông đá trong mùa đông, có vị ngọt thật ngon - vừa tản mạn về rượu với quý vị mà trưa rồi đó, thôi hẹn quý vị lần sau... say nhé. À quên, SAY, tiếng Tầu là TÚY nên mới có chữ là say túy lúy. Túy Nga là Hằng Nga say, Túy Vân là mây say; nhiều vị hay đặt tên lót cho con gái là Túy, không biết mấy ''cô con gái rượu'' này có say như bố không nhỉ???.
Sao Khuê
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...