Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Biểu đạt âm thanh trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương

Biểu đạt âm thanh trong
thơ Nôm của Hồ Xuân Hương

Cấm kỵ, dân giã, sống động, khiêu khích, gợi tình, bi hài và cả thơ mộng. Đó là những tính từ và còn nhiều hơn nữa khi nói đến bút pháp đa dạng, tài hoa của Hồ Xuân Hương, đặc biệt trong thơ chữ Nôm của bà. Người viết bài này vốn là kẻ say mê sưu tập những ấn phẩm về Hồ Xuân Hương đã xuất bản trong và ngoài nước trong những thế kỷ qua; thấy rằng, hiện đã có hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ, bài viết về thơ cũng như về cuộc đời bạc phận, truân chuyên của bà. Đọc lại thơ Nôm Hồ Xuân Hương, tôi thấy cần nói thêm đôi lời về cách biểu đạt âm thanh trong thơ chữ Nôm của nữ thi sĩ họ Hồ. Nó thể hiện một bút pháp tài hoa, độc đáo có một không hai của một nhà thơ Việt Nam được yêu mến nhất từ trước đến nay. 
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn
Âm thanh và vần điệu vốn là một trong những thủ pháp cơ bản để các nhà thơ tạo ra thần thái, cũng như sự hấp dẫn, quyến rũ cho thơ. Nó mang cho người đọc vẻ đẹp của ngôn ngữ, hình ảnh thơ thông qua những xúc cảm âm thanh, nhịp điệu. Tuy vậy, mỗi nhà thơ đều có cách biểu đạt âm thanh riêng, thể hiện phong cách và bản sắc sáng tạo. Khái niệm âm thanh trong bài viết nhỏ này, không đơn thuần đề cập đến những từ tượng thanh trong thơ Hồ Xuân Hương, mà qua đó khảo sát một phần hệ thống ngôn ngữ, những hình tượng thơ phát ra âm thanh, tiếng động trong tâm thức, thị giác người đọc.
Trước khi đề cập đến hệ thống âm thanh trong thơ Hồ Xuân Hương, tôi xin nêu ý kiến ngắn về hai nhà thơ hiện đại tiêu biểu, Xuân Diệu và Lê Đạt, nhằm so sánh và làm nổi bật hơn bút pháp của nữ sĩ họ Hồ.
Trong bài thơ “Nguyệt Cầm”, Xuân Diệu viết: “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần/ Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”. Ở đây Xuân Diệu đã cho ánh trăng hòa nhập, hóa thân vào từng dây đàn, và sau đó, ta nghe thấy tiếng lòng ông ngân lên dìu dặt trong mỗi con chữ, mỗi thán từ. Nhà thơ đã cho những giọt thanh âm ở cuối khổ thơ rơi xuống chầm chậm, tan ra và lan đi xa. Điều đáng chú ý là, những giọt âm thanh ấy giống như những giọt nước mắt cứ ngân lên thành tiếng trong lòng người đọc, và còn tiếp tục vang vọng dù mọi tưởng tượng về ánh trăng đã chấm dứt.
Nhà thơ Lê Đạt, một cây bút cách tân hình thức ngôn ngữ thơ cho hay, thơ không chấp nhận chữ như những kí hiệu xơ cứng trong đời sống, mà qua bàn tay của nhà thơ, ông gọi là các “phu chữ” đã hoán chuyển những âm thanh, hình ảnh để chúng mang một sắc diện khác trên trang viết. Ông viết: “Nhà thơ làm chữ không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ”(1) . Từ quan niệm ấy, Lê Đạt đã biểu đạt âm thanh trong một số câu thơ của ông như sau: “Vỏ ốc u u gọi mê miền cát ngủ” (Tương tư); “Ơi em rất ô/ Ơi em rất hồ/ Trắng vỗ ồ hô trúc bạch” (Vào hè)…
Cả hai trường hợp, Xuân Diệu và Lê Đạt đều cho thấy, nhà thơ luôn đứng ở ngôi/ vị trí thứ ba để lắng nghe, quan sát và ghi lại những tiếng động trong tâm hồn, trong đời sống thường nhật mà tác giả được trải nghiệm. Âm thanh trong đoạn thơ của Xuân Diệu được ông lắng lọc từ trong tâm cốt, nơi hòa quyện giữa tâm trạng và hiện thực khách quan, trong mẫn cảm tinh tế của cảm xúc. Còn âm thanh trong thơ Lê Đạt là kết quả của quá trình hoán chuyển, va đập của chữ, tìm trong bóng chữ, ánh xạ của chữ ra nghĩa mới của từ.
Trở lại với thơ Hồ Xuân Hương ta thấy, cách biểu đạt âm thanh của bà khác hẳn với Xuân Diệu và Lê Đạt như tôi vừa đề cập. Mặc dù thơ của nữ sĩ họ Hồ xuất hiện trước thời đại chúng ta gần hai thế kỷ, nhưng cho đến nay sức lôi cuốn và sự lan tỏa của nó không thua kém bất kỳ nhà thơ đương thời nào. Điểm nổi bật cần nhắc tới trước tiên là, Hồ Xuân Hương có cách biểu đạt âm thanh trực tiếp chứ không thông qua bất kỳ “phin lọc” ngôn ngữ, hay mượn lối nói ví von, uyển ngữ, nhã ngữ nào. Âm thanh của đời sống sinh động muôn vẻ thường được vang vọng trực tiếp vào từng câu thơ của bà. Tôi tạm gọi đây là những âm thanh “nguyên thủy” được nhà thơ chắt lọc từ đời sống, từ thiên nhiên, vũ trụ. Qua khảo sát cho thấy, đa số các nhà thơ tránh lối diễn tả trực tiếp này mà nó thường được thăng hoa, biến tấu qua bàn tay của những “phù thủy ngôn ngữ”. Tôi cũng ít thấy các nhà thơ kim cổ đưa trực tiếp những âm thanh của đời sống vào thơ, như tiếng chó sủa “gâu gâu”, tiếng mèo kêu “meo meo”, con dê kêu “be… be”, tiếng chuông ngân “bính… boong” v.v. Những âm thanh này thường được các nhà thơ cho khúc xạ, ẩn nấp trong tâm trạng và xúc cảm, hoặc đi kèm với những hình ảnh, thán từ, thán ngữ…
Với thơ Hồ Xuân Hương, thi sĩ thường dẫn bạn đọc đi lối tắt. Ta hãy nghe âm thanh của tiếng mõ và tiếng chuông bất ngờ vang lên trong bài thơ “Tự tình” của bà: “Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?”. Tiếng “cốc” và “om” quả thực rất tài tình và bất ngờ. Nhất là tiếng “cốc” đã làm người đọc giật mình, phá vỡ quy luật của cảm xúc, mà vang lên đột ngột, lạ lẫm, đầy thách thức. Điều kỳ lạ ở đây là tiếng “cốc” lại vọng ra từ “mõ thảm”, mà trước đó không ai động vào chiếc mõ đó. Lối viết ma mị này rất ít thấy trong thơ trung đại ở nước ta.
Trong ca dao Việt Nam cũng nhắc nhiều đến tiếng mõ, nhưng nó thường văng vẳng trong không gian buồn tênh, xa vắng: “Sư đi chùa mốc sân rêu/ Mõ khuya ai gõ, chuông chiều ai khua?”. Có đôi câu ca dao nhắc tới tiếng “cốc”, tiếng mõ nhưng thường có tiết tấu chậm, không gây bất ngờ: “Cốc cốc đánh mõ đi tuần/ Cha mi nói dối đau chân ở nhà”. Hoặc, hành động “gõ mõ” trong câu ca dao sau chỉ thể hiện động tác đơn thuần, làm nền, khai mở cho câu thơ tinh nghịch kế tiếp sau đó: “Một tay gõ mõ, gõ chuông/ Một tay bóp vú cô nàng nghe kinh”(2)…
Vẫn cách biểu đạt âm thanh “trực tiếp” như tôi vừa trình bầy, Hồ Xuân Hương đã vận dụng tối đa cách nói dân gian, dân giã, để tạo nên những câu thơ sinh động mà mang hàm nghĩa mới cho những từ tượng thanh:
“Rúc rích thây cha con chuột nhắt/ Vo ve mặc mẹ cái ong bầu” (Vô âm nữ)
“Luồng gió thông reo vỗ phập phòm/ Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm” (Hang Cắc Cớ)
“Thương chồng nên phải khóc tì ti” (Khóc chồng làm thuốc)
“Gió vật sườn non kêu lắc rắc/ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong” (Núi Kẽm Trống)
“Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa” (Tát nước)
Hệ thống các từ tượng thanh trong thơ Hồ Xuân Hương như “rúc rích”, “phập phòm”, “lõm bõm”, “tì ti”, “lắc rắc”, “long bong”, “xì xòm”… cho thấy, chúng được phát ra trong tâm thế một kẻ du ca, luôn có ý thức phá vỡ cái nghiêm trang, giả tạo chốn cung đình, khuê các, mà hồn nhiên ăn nằm, cười khóc với nhân gian lấm láp, nhọc nhằn. Qua cách sử dụng từ ngữ nêu trên, nhà thơ cũng cho ta thấy cái tâm trạng, tâm thế của người viết thật trẻ trung, hóm hỉnh và tinh nghịch.
Có một số câu thơ của Hồ Xuân Hương không nằm trong hệ thống các từ tượng thanh, nhưng khi đọc lên ta lại thấy vang vọng những âm thanh được phát ra từ những hình ảnh táo bạo, lạ lùng:
Người quen cửa Phật chen chân xọc (Chùa Hương Tích)
Tên sẵn bút đề dường chĩnh chện,/ Trống mang dùi cắp đã phanh phanh” (Duyên kỳ ngộ)
Động từ “xọc” và tính từ “phanh phanh” trong hai câu thơ trên cũng hiếm thấy trong ngôn ngữ văn chương “chính thống” hồi đó. Nó táo tợn đến mức người đọc cảm nhận nhà thơ đã bóc lớp vỏ từ ngữ đến trần trụi, làm cho nghĩa của động từ, tính từ phát ra âm thanh rất kỳ lạ và sống động.
Cách sử dụng âm thanh độc đáo của bà có lẽ phải nhắc đến bài thơ “Thân phận người đàn bà”. Các hình ảnh trong bài thơ này, theo cảm nhận của tôi, cứ liên tục nhấp nhô và phát ra âm thanh vừa quen vừa lạ, ấm áp và xa xót:
“Bố cu lổm ngồm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tất cả những là thu với vén,
Vội vàng nào những bống cùng bông”
Mỗi lần tôi đọc bài thơ này lại thêm cảm nhận mới, những âm thanh trong một căn nhà/ gia đình nông dân Việt Nam xưa hiện lên sống động, hoang hoải và ngột ngạt, quanh quẩn và tăm tối. Tiếng động trong “màn kịch” trên đã vang lên từ cái phông nền thẫm đen, nói đúng hơn là nó mang cho người đọc đương đại cảm giác không xác định rõ cái nền thời đó màu gì.
Nghệ thuật sử dụng âm thanh trong thơ ca vốn mang đặc trưng vùng miền, rộng hơn là trong phạm vi cộng đồng, dân tộc. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn những từ tượng thanh trong tiếng Việt đều có hình thức láy, ví dụ: oa oa, oe oe, ti tỉ, oai oái, chí chóe, ú ớ, ha hả, hô hố, khì khì, hu hu, ằng ặc, gừ gừ, ăng ẳng, chít chít, chiếp chiếp, cạc cạc… Nhưng trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài những từ láy, ta thấy tác giả còn dùng từ đơn âm tượng thanh rất độc đáo, như “cốc”, “om”, “phòm”…
Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, các từ tượng thanh thường được tạo ra trên cơ sở âm và nghĩa. Bản tính của từ tượng thanh cho thấy cái vỏ vật chất âm thanh của từ thường gợi ra nội dung ý nghĩa. Tuy nhiên, vỏ vật chất âm thanh của ngôn ngữ bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, từ lịch sử ngôn ngữ cộng đồng, vùng đất, còn âm thanh tự nhiên của thế giới bên ngoài lại thuộc về hiện thực khách quan. Một số trường hợp cho thấy, vỏ vật chất âm thanh và âm thanh tự nhiên không đồng nhất. Trong trường hợp thơ Hồ Xuân Hương, thuộc tính nói trên bắt nguồn từ ngôn ngữ dân gian, phong tục, văn hóa Bắc Bộ. Cái vỏ vật chất âm thanh của thơ bà luôn ăn khớp, hòa quyện với nội dung ý nghĩa của văn bản và càng làm gia tăng biểu nghĩa trong tiếng Việt, vốn là một ngôn ngữ đa âm sắc và giàu khả năng biểu cảm. Cách biểu đạt âm thanh trong thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương thêm một lần nữa cho chúng ta thấy tài năng, bản lĩnh của “Bà Chúa thơ Nôm”.
Chú thích:
(1) Lê Đạt: “Nhân con ngựa gỗ”, Bóng chữ, NXB Hội Nhà văn 1994.
(2) Mã Giang Lân: “Tục ngữ và ca dao Việt Nam”, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5).
8/3/2020
Mai Ngọc Phát
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa Mỗi lần viết về một nhà thơ tôi thườn...