Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Thân phận con người trong thơ Lưu Quang Vũ

Thân phận con người
trong thơ Lưu Quang Vũ

Xét trên bình diện phổ quát, thân phận con người cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là vấn đề thường gặp trong văn chương của nhiều thi nhân mà tên tuổi của họ đã trở nên gắn bó với nền văn hóa dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… Vấn đề đặt ra ở đây là trong thơ Lưu Quang Vũ  chân dung con người cô đơn được tái hiện như như thế nào?.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ
1. Trong bài thơ Giấc mộng đêm Lưu Quang Vũ với trí tưởng tượng bay bổng của mình đã mơ được gặp Thi hào Nguyễn Du và nghe tiền nhân căn dặn: “Anh chớ ngại con đường gian khổ nhất/ Đau nỗi đau của mỗi trái tim người/ Để thơ anh mang lửa đến cho đời/ Trên chữ “tài”, chữ “tâm” kia phải “lớn”. Thực ra, đây chính là những lời tự vấn đầy trăn trở bật lên từ thẳm sâu tiềm thức của Lưu Quang Vũ – một thi sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm và luôn đau đáu, nồng nàn, da diết những yêu thương với cuộc đời và con người. Suốt một đời cầm bút, sáng tác trên nền tảng tinh thần lấy chữ “tâm” làm điểm tựa cơ bản cho nên dẫu chỉ có mặt trên “cõi tạm” bốn mươi năm ngắn ngủi nhưng Lưu Quang Vũ đã để lại một sự nghiệp văn chương đầy ấn tượng trong đó có sự thành công của thơ ca. Song nếu với kịch – một thể loại mà ngay từ những vở công bố đầu tiên đã khiến tên tuổi của Lưu Quang Vũ tỏa sáng, từ đó ông trở thành kịch gia lừng danh nhất trên văn đàn Việt Nam ở thế kỷ XX thì sự nghiệp thơ ca của Lưu Quang Vũ cũng như số phận của chính tác giả đã chịu nhiều nỗi truân chuyên. Lưu Quang Vũ từng ngậm ngùi chia sẻ: “Hàng vạn người biết đến tên Lưu Quang Vũ nhờ sân khấu, nhưng mình không thích bằng có năm trăm người yêu thơ mình. Mình chỉ mong in được một tập thơ thôi…” (Lưu Quang Vũ, Di cảo, 2018, Nxb.Trẻ, Hà Nội, tr.390). Lời tâm sự chân thành cho thấy đối với Lưu Quang Vũ, thơ mới chính là thể loại mà ông đam mê nhất, nhưng cũng đồng thời hé lộ bi kịch đau đớn của người cầm bút. Song, cùng với năm tháng, vẻ đẹp vĩnh hằng trong thơ Lưu Quang Vũ cũng như bản lĩnh, nhân cách nghệ sĩ với “một trái tim trung thực” của ông ngày càng tỏa sáng. Âu đó cũng là điều tuân theo quy luật mà không cường quyền, bạo lực và sự phi lý nào có thể phủ nhận: nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là viên ngọc phát ánh hào quang trong tro bụi thời gian. Những vần thơ cất lên từ trái tim chưa bao giờ yên ổn vì tình yêu thương con người của Lưu Quang Vũ như một liên khúc thanh âm phủ đầy nốt lặng, trầm buồn, vang ngân xuyên thấu thời gian, mãi mãi thắp lên trong tâm thức bạn đọc những nỗi buồn, niềm vui, những sẻ chia đau khổ, hạnh phúc cho con người và vì con người – quan tâm đến thân phận con người với tất cả những vui buồn, được mất, hạnh phúc, khổ đau, vinh quang, cay đắng trong kiếp nhân sinh đầy biến đổi và bất an và đó là một trong những hệ giá trị nhân văn sâu sắc nhất khiến thơ Lưu Quang Vũ có sức cuốn hút, say lòng bạn đọc bao thế hệ.
2. Sinh thời Lưu Quang Vũ mới in được nửa tập thơ, kể từ sau khi nhà thơ đi vào cõi vĩnh hằng cho đến hôm nay, thơ ông đã được xuất bản nhiều lần, tập trung phần lớn ở các tập: Lưu Quang Vũ, Thơ tình, (NXB Văn học, 2002), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ, Nxb Hội Nhà văn, H.2010), Di cảo Lưu Quang Vũ, (Lưu Khánh Thơ tuyển soạn, Nxb. Trẻ, H.2018). Đọc thơ Lưu Quang Vũ có thể nhận thấy ngọn gió mang nỗi đau về thân phận con người thổi xuyên suốt thơ ông – đó là ngọn gió “không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ/ bởi vô biên là khát vọng của con người” (Những đám mây ban sớm). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh khốc liệt, do đó cũng như nhiều người cùng thời, Lưu Quang Vũ nếm trải “ngọn gió dữ của rừng già khắc nghiệt”, chứa chất trong lòng muôn nỗi buồn, sự lo âu và những trăn trở, khát vọng. Nhưng khác nhiều người, Lưu Quang Vũ đã dám sống và dám bộc bạch thật lòng mình. “Bởi như gió, anh phóng túng, tự do. Dám sống đúng mình, dám nghĩ đúng mình. Anh không thể yên ổn trong những cái mực thước, khuôn phép, vừa phải, lừng chừng”. (Phạm Xuân Nguyên, 2014, Nhà văn như Thị Nở, Nxb.Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.248). Khi Lưu Quang Vũ tự hỏi: Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh/ Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao? (Anh đã mất chi, anh đã được gì?), hoặc chân thành bộc bạch: Tình yêu trong lòng tôi chẳng ích lợi cho ai/ Còn những gì mọi người cần tôi chẳng thiết (Có những lúc) thì cũng chính là thời khắc nhà thơ thấm thía nỗi đau “bị chối bỏ” của thân phận nghệ sĩ, nhận diện rõ hơn giá trị nhân vị, ý nghĩa sự tồn sinh của mỗi cá nhân, sẵn sàng tâm thế đối diện với sự thật nghiệt ngã của cuộc sống vốn tồn tại nhiều điều phi lý. Và tất cả những điều trên là cơ sở để chúng ta suy ngẫm, luận giải vì sao vấn đề thân phận con người trong thơ Lưu Quang Vũ lại ám ảnh nhiều nỗi buồn đến thế?! Đó là nỗi buồn về con người – nạn nhân đau khổ bởi chiến tranh; đó là nỗi buồn vì đổ vỡ niềm tin, con người cô đơn, tuyệt vọng; đó là con người mang tâm trạng “lưu đày” ngay chính trên quê hương xứ sở của mình;là nỗi lo âu về sự hữu hạn, mong manh của kiếp người trong dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian…Đằng sau nỗi buồn dằng dặc, đầy khắc khoải trong thơ Lưu Quang Vũ về thân phận con người phải chăng tiềm ẩn lớp lớp thông điệp cần được “đọc”, được tiếp tục khám phá bằng tấm lòng “tri âm”, đồng điệu, để từ đó có thể khẳng định tầm tư tưởng nhân văn sâu sắc cũng như tài năng, nhân cách và bản lĩnh của một nhà thơ – nhà văn hóa lớn của dân tộc ở thế kỷ XX đầy biến động.
Đọc thơ Lưu Quang Vũ, có thể nhận thấy đối với nhà thơ chiến tranh quả thực “ không phải trò đùa”. Giữa dàn đồng ca hào hùng, lãng mạn tụng ca khí thế của một thời cả nước lên đường: đường ra trận mùa này đẹp lắm (Phạm Tiến Duật), Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu (Chính Hữu),  Lưu Quang Vũ riêng mình sớm nhận diện bản chất thực của chiến tranh “giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ” (Gửi một người bạn gái). Trong tâm thức của Lưu Quang Vũ, cho dù ở đâu và bất cứ ở thời đại nào chiến tranh cũng mang gương mặt lạnh lùng, hắc ám của tên đao phủ, là gieo rắc cái chết thương tâm khắp nơi, là sự đổ máu, và những phá hủy tàn khốc cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Ngay trong tập thơ đầu đời Hương cây đã thấy những mất mát bởi chiến tranh đã chi phối âm hưởng buồn man mác trong nhiều bài thơ (Qua sông Thương, Phố huyện, Phủ Lý tháng hai, Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa, Mùa xoài chín, Chia tay), và dòng cảm thức về thân phận con người trong chiến tranh càng ngày càng đậm nét ở những tập thơ sau này của Lưu Quang Vũ như Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Mắt của trời xanh, Những đám mây ban sớm, Những bông hoa không chết.
Như bức họa về chiến tranh phủ đầy gam màu tối u buồn, trong thơ Lưu Quang Vũ hình ảnh con người và cái chết thê thảm vô nghĩa luôn được tô đậm một cách có chủ ý nghệ thuật. Lưu Quang Vũ đã không cường điệu hóa hiện thực, nhà thơ cảm nhận chiến tranh và cái chết bằng cảm xúc rất thật của mình. Cái chết thương tâm được tái hiện cực thực, tỷ mỉ, chi tiết mang đến cho bạn đọc một ấn tượng khó phai mờ, một cảm giác tê điếng, hãi hùng, đau đớn: những người chết trong đêm thân gãy nát/ óc chảy ròng trên gạch/ những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng/ tay chân vặn vẹo thịt xương/ lòng ruột mắc trên dây điện/ phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp/ tiếng người la khủng khiếp đêm dài/ mặt trời lên trên bãi thây người/ mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác/ những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn/ những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm (Khâm Thiên); Người chết vùi thân dưới hố bom.(Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn); Xác người trôi trên biển sóng xô tan/ huyệt bom tối ầm ào cơn gió hú (Em – tình yêu những năm đau xót và hy vọng); Bao đầu người bêu trên cọc gỗ (Đất nước đàn bầu); Xác gục giữa bùn lầy/ thái dương rỉ máu (Những đám mây ban sớm);  Xác nguỵ nằm ruồi muỗi bâu đầy/ những đôi mắt bệch màu hoa dại/ những gương mặt trẻ măng xanh tái/ những bàn tay đen đủi chai dầy (Cơn bão); Những đứa trẻ con bị giết/ nằm kín hàng hiên/ mùi xác chết u ám cả bầu trời (Sông Hồng – năm mẹ sinh em);  Ta có thằng bạn học/ hy sinh chôn dưới nền nhà (Sông Hồng – lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô); Hùng chết giữa trời cao/ Trong chiếc Mig bị quân thù bắn cháy/ Dù không mở, bọn mình tìm chẳng thấy/ Xương thịt Hùng lẫn với đất nâu (Giấc mộng đêm)… Như vậy, trong thức nhận của Lưu Quang Vũ sự lạnh lùng tàn bạo là một thuộc tính của chiến tranh và vì vậy chiến tranh dù bất luận vì lý do gì đều gieo rắc chết chóc đau thương cho nhân loại, không trừ một ai và lứa tuổi nào, cho dẫu đó có là mẹ già hay em nhỏ trong nôi… chiến tranh giáng xuống số phận con người hậu họa khôn lường, vết thương do chiến tranh để lại trong lòng mỗi người khó có thể hàn gắn được.  Trong lúc nhiều nhà thơ cùng thời vì nhiều lý do khác nhau không nói (hoặc không dám nói) đến cái chết trong thơ mình, hoặc có nói đến thì cũng oai hùng hóa về cái chết thì trong thơ Lưu Quang Vũ, ta bắt gặp nhiều lần ông nhắc đến cái chết.  Cái chết trong thơ Lưu Quang Vũ  như một thảm họa mặc định của chiến tranh, cái chết mang đầy nỗi ưu lo về phận người, trong suy niệm của Lưu Quang Vũ, chiến tranh luôn mang lại đau thương vô hạn cho con người mà cái chết là tận cùng nỗi đau thương đó. Khi vấn đề sự sống và cái chết của con người được đặt lên hàng đầu và trở thành một hệ giá trị nhân văn, có giá trị thức tỉnh nhân loại chấm dứt chiến tranh, hướng đến hòa bình vì hạnh phúc của con người thì thiết nghĩ Lưu Quang Vũ rất xứng đáng được tôn vinh là “đại sứ hòa bình” bởi thơ ông khiến bạn đọc ghê sợ chiến tranh và tội ác, thêm trân quý sự sống, trân quý từng phút giây hiện hữu của mỗi con người.
Chiến tranh không chỉ khiến con người phải chết một cách vô nghĩa mà còn đày đọa con người trong biết bao cảnh đời ly tán, loạn lạc, đói nghèo lam lũ. Đi từ những nỗi đau riêng trong sự nghiệm sinh của chính cuộc đời mình, Lưu Quang Vũ đã đến với nỗi đau chung của phận số con người, của cộng đồng thấm đẫm nỗi niềm xót xa, thương cảm:
Thổi xoã tóc đoàn người chạy giặc/ những dòng người kéo đi xé ruột/ đội chiếu, ôm chăn, đeo làn, vác bọc/ chút gia tài nghèo cực địu trên lưng/ bao gia đình dắt díu chị bồng em/ những quần áo khói bom lấm rách/ những cụ già vịn nhau dò dẫm/ máu ròng ròng trên những chiếc cáng thương (Khâm Thiên); Cả dân tộc cởi trần đứng trên bùn ướt/ Đầu đội mưa bom, tay cầm khẩu súng trường/ Những lòng người chia cắt đến tan hoang/ Những núi rào gai và vỏ đạn/ Đồng bãi hoang liêu, phố phường gạch vụn/ Bao cỏ ngọt bị giày đinh dẫm đạp/ Bao tha ma gò đống ngổn ngang nằm (Những Đám Mây Ban Sớm); Những mặt vàng sốt rét/ Những bộ xương đói khát vật vờ đi (…) con trai chinh chiến liên miên/ Con gái mong chồng, hoá đá (Đất nước đàn bầu);  giải đất tối tăm giải đất nghèo hèn/ chỉ còn những cơn gió lang thang/ chỉ còn cái đói (Sông Hồng – năm mẹ sinh em);
Người mẹ nghèo đầu ô/ chiếc xe nôi trẻ thơ/ lỗ chỗ đầy vết đạn/ chiếc dương cầm nhà ai/ tiếng dây đứt trong đêm chờ giặc (Sông Hồng – lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô); Nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy/ những tháng năm đã mất/ những nhịp cầu gẫy gục/ những toa tầu sụp đổ tan hoang (Những đứa trẻ buồn)…
Nhà phê bình Cao Thị Hồng
Cuộc sống của con người trong và sau chiến tranh ủ rũ thảm hại! Tất cả còn lại chỉ là đống hoang tàn, đổ nát, đầy tử khí. Con người tồn tại vật vờ giữa cõi dương gian mà tối tăm, mù mịt, nghẹt thở như ở chín tầng địa ngục. Có cái gì như uất nghẹn trong lồng ngực…Cảm xúc thẩm mỹ được đẩy lên đến cao trào, ào ạt, triền miên dồn dập đầy ắp hình ảnh pha trộn giữa ảo và thực… Có cảm giác nhà thơ như đắm đuối chìm trong một cơn ác mộng. Thi giới Lưu Quang Vũ là thi giới của tưởng tượng phong phú, điệp điệp lớp lớp hình ảnh sống dậy từ tiềm thức…Từ góc nhìn tích cực, nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh có thể thấy thơ Lưu Quang Vũ đã truyền được sang người đọc nỗi đau đớn tột cùng, niềm day dứt khôn nguôi khi ngẫm về chiến tranh và những điều phi lý của nó đổ xuống những kiếp người bé nhỏ, đáng thương.
Là một người từng tham gia cuộc chiến, hơn ai hết Lưu Quang Vũ thấu hiểu “nỗi buồn chiến tranh” thăm thẳm đến chừng nào. Trong nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ người lính hiện lên trong hình hài là nạn nhân của chiến tranh. Họ không hề thi vị, lãng mạn, kiêu hùng, cũng chẳng hề mang mặt nạ yêu đời, lạc quan. Dù “thắng” hay “thua” họ đều mang gương mặt của kẻ “chiến bại”, cuộc đời chinh chiến của họ phải đánh đổi bằng rất nhiều mất mát, đau thương, thiệt thòi – đây cũng là cảm thức về thân phận con người rất khác biệt của Lưu Quang Vũ so với nhiều nhà thơ khác cùng thời: Cuộc chiến tranh dằng dặc/ rừng đầy muỗi độc/ chiến hào lở loét khói bom/ những đôi giày thủng đầy bùn/ những tấm vải mưa ướt sung/ những con vắt đói chui vào lung/ lá thư nhà đọc mãi đến thuộc lòng/ đêm trắng sương lùa củi tắt/ mộ bạn đá hoang gió lạnh/ chôn bao trìu mến của ta (Những đứa trẻ buồn); Tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất/ đều trôi qua trong bụi xám chiến hào/ triệu con người lên sống rừng sâu/ khoét núi làm đường chặt cây nhóm lửa/ võng bạt, lán tranh, đất bùn nhầy nhụa/ những đường dây, binh trạm, những sư đoàn/ những mô đất con đổi bằng tính mạng trăm người/ bằng pháo kích, lưỡi lê bằng chân tay vật lộn (Cơn bão)… Nhớ không em năm 1954/ mùa hè nóng bỏng như lửa/ lính mũ đỏ rượu say chai vỡ/ lính Bắc Phi nhớ quê ngồi khóc (Năm 1954)… Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/ Ta kịp biết gì đâu/ Vừa hết trẻ con đã là người lính/ (…)Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết/ Ta đã vượt bao đèo cao chót vót/ Bao điều nhà trường chẳng dậy cho ta/ Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ/ Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng/ Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt (Những bông hoa không chết).
Thơ Lưu Quang Vũ biểu hiện nội tâm tan nát của con người thời loạn, con người khủng hoảng niềm tin, không biết bấu víu vào đâu. Tham gia chiến tranh trong vai trò người lính, phải biền biệt xa gia đình và những người thân yêu, chấp nhận mất mát, hy sinh, đói khát, bệnh tật và những thử thách nghiệt ngã nhất của hoàn cảnh. Song đớn đau nhất của những người lính không phải ở chỗ họ phải chịu gian khổ, cơ cực, mất mát, hy sinh mà là sự day dứt, là lời sám hối vang lên từ sâu thẳm lương tâm khi phải cầm súng xả đạn vào con người, cho dẫu họ là “kẻ thù”, là người bên kia chiến tuyến: Bao phố làng đổ sụp/ cổ nghẹn lòng thù hận/ nhìn bao em bé mồ côi/ mà sao chiều nay/ giết xong quân giặc/ chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm/ chỉ nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ. (Những đứa trẻ buồn); Mai đây bão táp lùi xa/ những lớp người vĩ đại/ hay chỉ là những thế hệ đáng thương?/ sẽ xuýt xoa thán phục biết ơn/ hay kinh hãi trước bạo tàn bắn giết?(…) Các anh ơi, đừng trách chúng tôi/ các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi/ chúng tôi chẳng thể làm khác được/ quả đồi cháy như một phần quả đất/ bao đời người ta đã giết nhau/ với các anh tôi oán hận gì đâu/ nhưng còn có cách nào khác được (Cơn bão)…Đó là những cảm xúc rất Con Người, rất chân thật, nó cho chúng ta thấy nỗi khổ tâm của người lính tham gia chiến trận khi thức nhận, ngộ ra một bi kịch trên cả bi kịch: muốn sống làm người nhân đạo, tử tế cũng không phải dễ dàng. Chiến tranh với quy luật nghiệt ngã và tính chất khốc liệt của nó buộc con người nhiều khi không còn cách lựa chọn nào khác là phải “nhắm mắt đưa chân” để rồi cuối cùng phải nói lời “xin lỗi về những lầm lẫn dĩ vãng” (Nguyên Sa). Có lẽ bắt nguồn từ chủ nghĩa cảm thương sâu sắc đầy tính nhân bản của người Việt Nam:  nghĩa tử là nghĩa tận. Không ai nỡ đối xử tệ bạc với người đã mất cho dù đó là kẻ thù của mình khi sống, những chia sẻ chân thành của Lưu Quang Vũ là hiện thân sinh động của tư tưởng nhân văn cao đẹp, bắt nguồn từ trong truyền thống đối nhân xử thế vô cùng tốt đẹp của dân tộc. Vì lẽ đó, những giá trị văn hóa này đồng thời cũng thuộc một hệ giá trị tư tưởng, nó cần được khẳng định trong  sự nghiệp thơ của Lưu Quang Vũ.
Xuất phát từ tư tưởng tiến bộ của thời đại Lưu Quang Vũ đã thể hiện khát vọng thiết tha con người hãy đón nhận con người làm bạn. Ở đây hồn thơ Lưu Quang Vũ đã đồng điệu cùng hồn thơ Quang Dũng – một nhà thơ đầy cá tính của thế hệ đi trước. Trong bài thơ mang tên Chabbi Chabbi đối tượng quan tâm của Quang Dũng là người lính bên kia chiến tuyến, là “kẻ thù” của cộng đồng dân tộc. Đi ngược lại với lập trường phân biệt ranh giới địch/ ta, cũng như không khí hào hùng của khá nhiều bài thơ kháng chiến đương thời, trong Chabbi Chabbi là sự lắng sâu âm hưởng trầm buồn của nỗi niềm khắc khoải phận người. Qua hình ảnh những người lính Âu Phi – những con người bị bủa vây bởi muôn vàn bi kịch của đời sống: chiến tranh, chia ly, cái chết, nỗi cô độc và sự lãng quên …chúng ta có thể thấy vang lên từ đây tiếng nói phản kháng chiến tranh cùng câu hỏi khẩn thiết: phải làm sao cho nhân loại thoát khỏi nỗi đau và sự mất mát nhiều khi đến phi lý do chiến tranh gây ra? Đằng sau mỗi câu thơ là thông điệp hiện sinh, là tiếng thở dài xót xa cho nhân quần, cho mỗi kiếp người mà đường biên giữa sống/chết, hạnh phúc/bất hạnh thường hiện hữu như sợi tơ mong manh giữa “cõi nhân gian bé tí” (từ dùng của Nguyễn Khải) và hư ảo… Phải chăng ở những nhà thơ có trái tim rộng mở tình yêu thương đối với con người và tư tưởng nhân văn tiến bộ sâu sắc thường gặp nhau ở những điểm chung mà Lưu Quang Vũ và Quang Dũng là những trường hợp không ngoại lệ!
Hàn Mặc Tử từng viết “Người thơ phong vận như thơ ấy”, điều này rất đúng khi xem xét mối quan hệ giữa “thơ” của Lưu Quang Vũ và “phong vận” của thi nhân.  Đọc Lưu Quang Vũ có thể nhận thấy rất rõ thơ đối với ông như một nhu cầu tự thân của thế giới nội tâm. Lưu Quang Vũ làm thơ là để diễn tả tâm trạng và những cảm xúc cao độ mà ông trải nghiệm trong cuộc sống, thơ là phương tiện chủ yếu để “người thơ” bộc bạch nỗi niềm, tình cảm. Dường như có một đại dương tình cảm luôn nồng nàn, sôi sục trong “con người bên trong con người” của Lưu Quang Vũ, chỉ mong được trào ra dữ dội, mong được dâng hiến đến tận cùng. Nhưng hiện thực cuộc sống với muôn mặt tương phản không đơn giản như vậy. Đối diện với nhiều thử thách của cuộc sống, trải nghiệm những vui buồn, hạnh phúc, thất vọng,  khổ đau… Lưu Quang Vũ thức nhận chính mình: Tôi lại là đứa trẻ lang thang/ đi tới bao miền xa lạ/ ta đi giữa cỏ hoang và gỗ đá/ giữ trong lòng ngọn thác trắng trào sôi/ một tình yêu không biết nói cùng ai/ đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn/ mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng/ em ơi ngày ấy em đâu?/ hoa cúc xanh tuổi nhỏ chết từ lâu (Em – tình yêu những năm đau xót và hy vọng).
Sự thất vọng và đổ vỡ niềm tin khiến con người dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Cảm thức cô đơn, nhiều ưu tư, trăn trở thậm chí có lúc u uất đến “nghẹn ngào đau đớn” cứ trở đi trở lại trong thơ Lưu Quang Vũ như một trong những cảm hứng chủ đạo chi phối nhiều bài thơ của ông: Ngã tư tháng chạp, Móng tay trên đá, Hoa Tigon, Liên tưởng tháng hai, Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà, Hoa cẩm chướng trong mưa, Mặt trời trong nước lạnh, Người con giai đến phòng em chiều thu, Em – Tình yêu những năm đau xót và hy vọng, Gửi Hiền mùa đông, Không đề I, Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa,  Lời cuối, Bầy ong trong đêm sâu, Mấy đoạn thơ, Giấc mộng đêm, Nếu đó là tội lỗi, Gửi một người bạn gái…
Xét trên bình diện phổ quát, thân phận con người cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là vấn đề thường gặp trong văn chương của nhiều thi nhân mà tên tuổi của họ đã trở nên gắn bó với nền văn hóa dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… Vấn đề đặt ra ở đây là trong thơ Lưu Quang Vũ  chân dung con người cô đơn được tái hiện như như thế nào?
Viết về Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ đã nhận xét: “Bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, cô đơn, tuyệt vọng” (Lưu Quang Vũ, 2010, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nxb. Hội Nhà văn , Hà Nội, tr.7)
Quả đúng là như vậy, dường như nỗi buồn, sự cô đơn đã đánh thức tiềm năng sáng tạo của Lưu Quang Vũ. Trái tim nhạy cảm dễ “vỡ” của thi sĩ đã không thể ngủ yên trước “cuộc sống anh không chấp nhận/ mà thương đến xót xa lòng” (Vẫn thơ tình về người đàn bà không có tên II). Đọc Lưu Quang Vũ có thể thấy thi giới ông tràn ngập nỗi cô đơn – cô đơn như “dự phóng sáng tạo” bật lên từ ám ảnh thẳm sâu vô thức. Trạng thái cô đơn được Lưu Quang Vũ phác họa sinh động, đa dạng, phong phú, nhiều cung bậc: Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang/ Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc (Đất nước đàn bầu); Sao tôi lại muốn em tin/ Khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả/ Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao (…) Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách…. (Mấy đoạn thơ); Cả cuộc đời là ở sân ga/ Trước chuyến đi vô tận/ Cuộc lên đường tối tăm đơn độc/ Người ta chết có một mình/ Đó là điều buồn nhất (Lời cuối); Chẳng có chi phía trước để mong chờ/ Chỉ còn lại một màu hoa gay gắt/ Cái màu hoa cô độc/ Nở âm thầm trong giá buốt heo may (Những đêm hoa vàng); Một nhà ga cô quạnh/ Một người đàn bà ướt lạnh/ Đứng chờ anh (Không đề I); Anh có hẹn đâu, anh chả nói câu nào/ Anh chỉ buồn thôi, em chỉ buồn thôi, ai biết? (Bầy ong trong đêm sâu), Em u buồn em có nhận hay không/ Em gầy như huệ trắng xanh/ Ngọn lửa nhỏ giữa hai vực thẳm/ Em tê dại em âm thầm kiêu hãnh/ Em cô đơn như biển lạ lùng ơi (…)/ Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi/ Tôi ở lại một mình trên phố vắng (….) Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời/ Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát/ Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực/ Tôi muốn đi tới vách cùng em (…) Tôi tan nát tôi kinh hoàng sợ hãi/ Em cô đơn rồ dại của tôi ơi! (Lá thu); Phải xa em anh chẳng còn gì nữa/ Chẳng còn gì, kể cả nỗi cô đơn (Em vắng)…
Chiêm nghiệm, suy ngẫm về văn hóa của nhân loại, chúng ta thấy rất rõ nhiều khi cô đơn không phải là điều đáng sợ, mà còn là điều rất đáng trọng. Cô đơn chỉ đáng sợ khi ta tuyệt tình với vạn vật và mọi người xung quanh, khi chỉ biết sống quay quắt với bản thân mình. Nhưng nếu coi cô đơn là môi trường cần thiết để ta sống thật lòng mình, tìm lại chính mình trong sự thật và sự thiện, để từ đó hứng khởi sáng tạo, trở thành một con người vững chãi thì ta hãy dũng cảm đối diện với sự sô đơn. Sự trốn chạy khỏi nỗi cô đơn là trạng thái tâm lý chỉ làm ta suy yếu, tránh né chính mình, không dám sống trọn vẹn là mình. Lý thuyết hiện sinh đã khẳng định cô đơn là một yếu tính của thân phận con người. Nếu chối bỏ, không thừa nhận sự cô đơn chính là đã vô tình tước bỏ những phẩm tính Người trong mỗi Con Người. Cô đơn như người bạn đồng hành mang đến một sức mạnh nội tâm để thanh luyện tâm tình, hướng tới sự thông giao mầu nhiệm với thế giới xung quanh. Do đó, thực chất của cô đơn là tập trung năng lực để sáng tạo,  cô đơn được coi như một giá trị tinh thần. Những giây phút tĩnh lặng như một điều kiện để an dưỡng tinh thần; để định tâm và tu tập; để khám phá bản thân sâu rộng hơn qua những gì mình đã, đang sống và cảm nhận. Chiêm nghiệm thơ Lưu Quang Vũ chúng ta thấy vấn đề con người cô đơn không nằm ngoài những giá trị nhân văn trên. Đề tài về sự cô đơn trống vắng cũng là một đề tài thường gặp trong thơ của nhiều thi nhân mang tầm vóc nhân loại như Puskin, Lecsmantop, Exinhin, Onga Becgon… Thơ Lưu Quang Vũ không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ mang tính phổ quát toàn nhân loại. Do vậy, sự hiện hữu cái Tôi cô đơn bản thể trong thơ Lưu Quang Vũ là giá trị chứng tỏ tư duy thơ của ông đã bắt kịp với dòng chảy của tư duy thơ nhân loại.
Một trong những ám ảnh sâu sắc trong thơ Lưu Quang Vũ là bi kịch thân phận nghệ sĩ cô đơn.  Lưu Quang Vũ là nhà thơ luôn nhận thức và khám phá chính bản thể mình. Đọc thơ ông chúng ta thấy thân phận con người nghệ sĩ của chính ông. Lý do cơ bản khiến thơ Lưu Quang Vũ xuất hiện bi kịch thân phận nghệ sĩ cô đơn là bởi nhà thơ với tất cả trách nhiệm và sự trân quý cuộc sống đã không thừa nhận sự tồn tại của những điều phi lý, phi nhân văn đang diễn ra trong cuộc sống.
Trong quan niệm của Lưu Quang Vũ, những mất mát mà con người phải chịu trong chiến tranh là phi lý: Đêm chiến tranh/ Thành phố không đèn/ Má em tựa vào tay anh gầy guộc/ Tóc em trắng trong cơn mơ thảng thốt/ Chúng mình chẳng nhận ra nhau/ Đứng giữa hai ta là những người đã chết/ Bóng họ che đen sì cả mặt/ Những vết thương rách nát/ Những nụ cười từ lâu đã tắt/ Như tuổi trẻ sớm tàn trong cơ cực của ta (…) Những khổ đau dằng dặc/ Những tai ương đang diễn ra khủng khiếp/ Có chút gì nghĩa lý hay không? (…) Có ai nghe lời nói thật của ta đâu/ Đêm tối quá không tìm nhau được nữa.” (Mặt trời trong nước lạnh); Sự thật phũ phàng, bạc bẽo, không gian tối tăm bóp nghẹt cuộc sống là phi lý: Khi người ta mặc cả máu người/ thay tình nghĩa như thay áo lót/ khi chung quanh ngổn ngang xác chết (…)  thù hận mênh mông mặt đất bùn lầy/ em chập chờn đi trên đổ nát/ thành phố bờ đá dựng/ những bánh xe lăn vỡ/ những hầm hố những nhành hoang huyệt mả (…) bầy ruồi chết ngạt trong tủ kính/ những mặt nạ khóc ròng trong rạp xiếc (Em III), sự phi lý có lúc nằm trong Cuộc đời như một mụ già dâm đãng/ Một núi giây thừng bẩn thỉu rối ren (Có những lúc)… Nhà thơ không dung nạp, không thỏa thuận sự phi lý, ông viết về sự phi lý để bày tỏ thái độ phản kháng lại sự phi lý. Nhưng làm sao hết được sự phi lý, bất công khi cuộc sống vẫn cuồn cuộn chảy theo quy luật. Bản thân Lưu Quang Vũ đã từng bộc bạch: Đã có lần tôi muốn nguôi yên/ Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng/ Nhưng vô ích làm sao quên được/ Những yêu thương khao khát của đời tôi. (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi). Dẫu biết rằng mình “lực bất tòng tâm”, muốn an phận cho bình yên cuộc sống riêng mình nhưng cuối cùng trái tim nghệ sĩ với tình yêu tha thiết với con người và cuộc đời vẫn khiến ông tiếp tục vượt lên trên những mệt mỏi, hoài nghi để suy tư, trăn trở, yêu thương, khát vọng, sống và viết… Nhưng càng hướng đến lý tưởng sống bao nhiêu, thi nhân lại càng thất vọng bấy nhiêu, và càng thất vọng  thì con thuyền cô đơn càng đẩy ông xa bờ…cứ như thế, một nghịch lý luẩn quẩn, bế tắc không gì có thể giải tỏa đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái tuyệt vọng:  Anh muốn ác mà không sao ác được/ cứ yêu thương chờ đợi ích gì không? (Em III), Giờ khắp nơi những tấm gương trong/ Đã vỡ vụn sau dập vùi bom đạn/ Người con giai yêu em/ Đã chết ngoài mặt trận (Gửi Hiền mùa đông), Mông lung không đoán được ngày mai/ Máu chảy thành sông thây chất núi/ Bè bạn tan hoang mình rã rời (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn); Gã đàn ông quầng mắt tối đen/ Trong cuốn sách buồn/ Nói với tôi lời buồn bã: Con người chỉ là ống sậy cô đơn/ Trái đất giữa không trung/ Như một giọt nước mắt (….) Nỗi cô đơn tuyệt vọng… (Hoa cẩm chướng trong mưa;  Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng (Có những lúc); Tôi mua hai hào thuốc lá/ ngồi hút mà buồn thiu/ cuộc đời chẳng ra làm sao/ có đáng cho mình đau đớn? (Ngã tư tháng chạp); Thôi chẳng chờ mong nữa/ Chẳng đua chen với cuộc đời này/ Xin chối từ cái bàn tiệc đắng cay/ Lòng tốt ai cần dùng đến/ Thơ không đâu dùng/ Anh như thằng Bờm/ Chẳng thiết trâu bò chẳng thiết lim/ chỉ nhận nắm xôi cười ngặt nghẽo (Ngã tư tháng chạp).
Thông thường, khi nỗi cô đơn đã chạm đến bến bờ của tuyệt vọng thì mọi hiện hữu cũng trở thành vô nghĩa; Song, ở Lưu Quang Vũ, ngay trong sự tuyệt vọng nhất của thi nhân người đọc vẫn thấy thơ ông tha thiết hướng về tình yêu thương con người và cuộc sống, bởi vì khi tuyệt vọng được chưng cất thành thơ đồng nghĩa với việc nhà thơ đã bất tử hóa cuộc sống, truyền vào nó một giá trị mỹ cảm, mang lại niềm tin cho con người. Phải chăng nhà thơ muốn gửi đến chúng ta thông điệp cho dù dư vị của nó thế nào cuộc sống vẫn rất xứng đáng để con người yêu quý, nâng niu, trân trọng: Dù tiếng tôi chỉ một người nghe/ Tôi phải đốt lên một cái gì/ Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm/ Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng/ Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi/ Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài…(Có những lúc). Chính vì vậy, dẫu đơn độc đến tột cùng, thi nhân vẫn kiên cường theo đuổi giấc mơ: Tôi thức suốt trong nỗi buồn của đất/ Tôi nguyên chất tôi đi tìm đôi cánh/ Để cuối cùng gặp được biển khơi/ Mặn xé lòng là muối biển đấy thôi/ Lên ghềnh đá chênh vênh tôi viết/ Những dòng chữ không sóng nào xoá được/ Những dòng chữ như móng tay day dứt/ Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè/ Cho kẻ không nhà mái lá chở che( Móng tay trên đá); Dù con người là cô đơn/ Các ác là dày đặc/ mỗi bài thơ của chúng ta/ phải như một ô cửa/ mở tới tình yêu (liên tưởng tháng hai). Tinh thần trên cho thấy  bản lĩnh nghệ sĩ cao cường của Lưu Quang Vũ - một bản lĩnh mà nếu không có một sự nghiệm sinh bền bỉ, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và một trí tuệ mẫn tiệp thì không bao giờ đạt được.
Đặc biệt cảm thức về thân phận cô đơn của người nghệ sĩ được thể hiện sâu sắc trong bài thơ Nếu đó là tội lỗi: Một con người không phải chỉ là một cái tên trong hộ khẩu/ Một con tốt trong bàn cờ/ Một viên gạch một cái đinh/ Để treo biển hàng và đặt ghế/ Con người chưa được làm người/ Bao lệnh cấm đang đè lên thế giới/ Cấm yêu thương cấm khát vọng cấm tự do/ Bao con chim bị nhốt ở trong tù/ Bao giải băng đen che kín mắt/ Khi bè bạn gặp nhau có người theo dõi/ Thầm thì không dám nói to. Ý thức về nhân vị của người cầm bút, tư tưởng muốn phá bỏ những rào cản phi lý để người nghệ sĩ được cất tiếng nói thành thật với lòng mình, được tự do bay bổng trong bầu trời sáng tạo nghệ thuật – đó là khát vọng chưa bao giờ nguôi ngoai của nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Bi kịch: Khi những bài thơ anh viết ra/ Chỉ một mình anh đọc là sự phi lý đến khó hiểu, là nỗi đau đớn “bị ruồng bỏ” không chỉ của riêng nhà thơ, đó là nỗi nhức nhối chung của những người cầm bút coi văn chương là lẽ sống của đời mình. Sở dĩ lúc đương thời thi sĩ đã không thể cho ra mắt bạn đọc được một tập thơ theo tâm nguyện là bởi sự “dấn thân” lựa chọn con đường đi khác biệt đã khiến thơ ông trở nên “lạc điệu” trong dàn “đồng ca” thơ của một thời đất nước chìm trong chiến tranh, tao loạn. Chính sự khác biệt, độc đáo của tư duy thơ đã mang đến “hệ lụy” cho thơ Lưu Quang Vũ, để rồi cũng như nhiều nghệ sĩ chân chính khác dám “lội ngược dòng” đã đi vào cõi bất tử, Lưu Quang Vũ cũng đã thực sự cô độc trên hành trình thơ của mình. Nhưng cuối cùng, đúng như nhà thơ đã khẳng định: Không sợ ngục tù bạo lực/ Dù khổ sở dù phiền hà/ Thơ không bao giờ câm lặng/ Như nhịp đập của trái tim trung thực/ Là nhân chứng của anh/ Là ngọn lửa trắng trong/ Trên lịch sử tối tăm trên tro bụi (Nếu đó là tội lỗi).
3. Có thể nói, trước khi trở thành một nhà viết kịch lừng danh ở những năm 80 của thế kỷ XX thì Lưu Quang Vũ đã là một nhà thơ hiện hữu trên thi đàn với một phong cách riêng, độc đáo và giàu cá tính sáng tạo. Thơ Lưu Quang Vũ từ khi mới xuất hiện đã thể hiện một cách nhìn mới, một cách nghĩ mới, một thi pháp mới khác với bầu khí quyển của thơ ca đương thời. Vũ trụ thi ca của Lưu Quang Vũ, vì thế là vũ trụ thi ca của một thi giới riêng thấm đẫm vị nhân sinh với những day dứt, băn khoăn và khắc khoải về thân phận con người. Trước đây, bởi giới hạn của hệ hình tư duy ấu trĩ một thời, đọc những bài thơ khác lạ, không mang “âm hưởng hào hùng” người ta thường nghĩ thơ Lưu Quang Vũ gieo rắc nỗi buồn đau bi lụy. Nhưng với độ lùi thời gian, hôm nay chiêm nghiệm những vần thơ Lưu Quang Vũ để lại, chúng ta cảm nhận rất rõ nỗi buồn thương, chia sẻ sâu sắc về thân phận con người trong thơ Lưu Quang Vũ mãi mãi như một điểm tựa tinh thần quý giá đồng hành cùng độc giả trên hành trình cuộc sống đầy trắc ẩn. Câu nói của André Maurois: “Nghệ thuật là thứ chống lại định mệnh” quả thật luôn có ý nghĩa với trường hợp Lưu Quang Vũ. Dẫu định mệnh nghiệt ngã với số phận của một thiên tài nhưng sự nghiệp thơ ca đầy ấn tượng của ông đã, đang và sẽ thắp lửa trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ; Tấm lòng bao dung vị tha và tình yêu Con Người tha thiết, nồng nàn, trong sáng, tinh khôi như pha lê của Lưu Quang Vũ sẽ tiếp tục được nối dài thêm đến vô cùng; và điều đó như một sự chia sẻ, tri âm sâu sắc cùng thi sĩ với khát vọng nhân văn ông nhắn gửi mai sau: Bao bài ca xáo trộn trong tôi/ Có tiếng khóc của con chim gẫy cánh/ Tiếng đau rên của ngôi nhà đổ sập/ Tiếng con thuyền không về được bờ quen/ Tiếng mưa rơi trên ngọn cỏ yếu mềm/… (Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn).
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh, Nxb. Văn học, Hà Nội
2. Phạm Xuân Nguyên (2014), Nhà văn như là Thị Nở, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Nguyễn Bá Thành (2015), Toàn cảnh thơ Việt Nam, Nxb.Đại học Quốc gia, Hà Nội.
4. Lưu Quang Vũ (2002), Thơ tình, Nxb. Văn học, Hà Nội.
5. Lưu Quang Vũ (2002), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ, Nxb Hội Nhà văn, H.2010), Di cảo Lưu Quang Vũ, (Lưu Khánh Thơ tuyển soạn, Nxb. Trẻ, H.2018) Lưu Quang Vũ (2018), Di cảo, Nxb. Trẻ, Hà Nội.
6. Jean Paul Sartre (2016), Thuyết hiên sinh là một thuyết nhân bản, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
12/3/2020
Cao Thị Hồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...