Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Nỗi ám ảnh cơ cấu: Con đường sáng tạo của Đỗ Long Vân

Nỗi ám ảnh cơ cấu: Con đường
sáng tạo của Đỗ Long Vân

Từ cuối thập niên 1950 đến những năm 1970, trên các tờ tạp chí Đại học, Nghiên cứu văn học… của Sài Gòn, người ta bắt gặp một Đỗ Long Vân tuy xuất hiện khá khiêm tốn so với các cây bút cùng thời, nhưng mỗi lần đăng đàn, ông luôn để lại những ấn tượng sâu đậm.
Khởi xuất từ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đến Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên và nhất là thế giới võ hiệp Kim Dung, Đỗ Long Vân đã lựa chọn để đi trên một con đường độc đáo mà ở đó, nỗi ám ảnh cơ cấu cứ treo lơ lững.
Một lối phê bình choáng ngợp
Đỗ Long Vân luôn biết cách tạo nên một lối phê bình khiến người ta choáng ngợp. Sự choáng ngợp trước hết đến từ nỗi kinh ngạc và thống khoái khi đọc một thứ văn nằm ở giao điểm của biên khảo, triết học và thi ca. Một thứ vănvừa uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc tính, vừa mạnh, sắc, đầy khí lực như thể trào ra từ một nguồn nước nguyên ủy vĩnh cửu. Mà có lẽ chính bởi phát tiết từ cái nguồn nguyên ủy ấy nên văn Đỗ Long Vân đẹp một cách ban sơ và đẹp từ những điều ban sơ. Những câu đơn ngắn, dung dị mà căng, khỏe, bay vút. Những dấu phẩy vượt thoát khỏi vai trò ngữ pháp khô cứng, công thức của chúng để hòa vàonhịp đi phức biến của suy tưởng. Những từ ngữ tưởng chừng cụt ngủn, nghĩa cạn cợt, đơn giản ở mức vỡ lòng, nhưng qua tay Đỗ Long Vân chợt bừng lên một chất sống mới, mãnh liệt, cuồn cuộn, đầy sức gợi.
Song điều khiến người ta còn ngạc nhiên và choáng ngợp hơn khi đọc Đỗ Long Vân chính nằm ở chỗ, tuy chảy trôi theo những điệu dào dạt tài hoa, nhưng văn ông không trưng trổ, không tuôn ra thứ cảm xúc miên man, uốn éo, hoa hòe hoa sói. Cái nguồn văn giàu mỹ cảm ấy, ngược lại, cuốn theonó nhữngthế giới. Những thế giới từ các văn phẩm tuyệt tác rầm rộ bước ra theo con đường mà Đỗ Long Vân khơi mở. Những thế giới được khảo cổ và phục dựng trên cấp độ khung sườn, cấu thức cốt lõi, nguyên sơ của nó chứ không chỉ được mô tả, bình giá một cách phơn phớt từ bên ngoài.
Đọc Điêu tàn, Đỗ Long Vân cụ thể hóa, cấu trúc hóa cái thế giới của Chế Lan Viênthành một “bản đồ địa ngục” mà ở đó, tất cả đều triển hoạt theo chiều âm, chiều diệt vong, chiều Hư không. Đọc Thanh Quan, ông quy mọi hiện hữu trong thế giới của thơ bà về một điểm đồng quy: nỗi ám ảnh hoàng hôn – nỗi ám ảnh về cái thời khắc nhá nhemmang trong nó những dư âm của cả một ngày dài, cái thời khắc khoác lên mọi vật một màu sờn cũ, khiến quá khứ liên tục trở về còn thực tại thì hóa thành một chiếc “gương cũ nghìn năm soi kim cổ”.
Và khi viết về Kim Dung, Đỗ Long Vân cũng không quên tìm thấy trong cái thế giới võ học mênh mông kỳ diệu ấy một cấu trúc, mà kết quả là sự ra đời của Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung – một trong những thiên biên khảo văn chương đã đưa ông lên hàng “cao thủ” của giới phê bình văn nghệ miền Nam trước 1975.
Kiến trúc thế giới võ hiệp Kim Dung
Cái cột trụ chống đỡ và gầy dựng nên toàn bộ thế giới của tiểu thuyết Kim Dung, theo Đỗ Long Vân, không là gì khác ngoài võ học.
Từ việc quan sát kỹ lưỡng chiến lược tự sự của Kim Dung, ông nhanh chóng nhận ra rằng,trong tiểu thuyết của cây bút được tôn xưng là “minh chủ võ lâm” của giới sáng tác truyện võ hiệp này, võ học trước hết là một “yếu tố của truyện kể”. Theo đó, như lý giải của Đỗ Long Vân, cái mốc đánh dấu cho sự xuất hiện, sự lộ mặt của các nhân vật, các tình huống, sự kiện, mâu thuẫn và cao hơn hết là toàn bộ thế giới trong tiểu thuyết Kim Dung gần như luôn là huyền thoại về một thứ võ công, một loại binh khí hay một tay cao thủ mai danh ẩn tích với những độc chiêu thần diệu làm náo động một vùng võ lâm rộng lớn. Nói khác đi, những thứ võ công mà Kim Dung mô tả, từ Lục Mạch thần kiếm, Lạc Anh quyền, Đả Cẩu Bổng pháp, Lăng Ba vi bộ đến Cửu Dương thần công,… không chỉ là những cái tên đẹp, “cơ hội cho những vũ điệu ngoạn mục mà còn góp phần vào sự diễn biến và sức dẫn cảm của truyện”[1] (tr.26). Thậm chí, theo Đỗ Long Vân, những thứ võ công ấy còn có vai trò biến tiểu thuyết Kim Dung trở thành một thứ truyện khung, một thứ truyện lồng truyện “ngưng tụ quanh nó cả một không gian chập chùng đe dọa và bí mật”(tr.26). Ở đó, mỗi lần một thứ võ công được tung ra là một câu chuyện, một huyền thoại tràn về, và trước mắt độc giả hiện lên vô số những ảnh tượng được nối liên với nhau, hòa trộn vào nhau để cộng thông thành một thế giới nghệ thuật đầy chiều sâu chứ không giả tạo, ước lệ, công thức.
Tuy nhiên, cái nguyên lý võ học mà Kim Dung xây dựng, theo Đỗ Long Vân, mới chính là thứ khiến tiểu thuyết võ hiệp của ông bứt phá ra khỏi cái quán tính mãnh liệt của truyền thống kiếm hiệp cổ điển.
Để người đọc dễ hình dung, trước khi đi vào lý giải luận điểm này, nhà phê bình họ Đỗ dành hẳn một chương riêng để luận bàn về mô dạng của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, một kiểu truyện kể giản đơn, bình dânmà ở đó, “tất cả cố gắng của người kể truyện là để tách họ ra khỏi cái nhân loại thường ngày để, thấy họ, là người ta biết ngay rằng các chuyện đang xảy ra không phải là một chuyện giữa người và người và những nhân vật ấy chỉ là những diễn viên của một vở tuồng kể lại cuộc xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa” (tr.65). Võ học trong những truyện kể võ hiệp cổ điển ấyvì thếgần như chỉ là một thứ trang sức có vai trò làm dáng, điểm tô thêm chút hấp dẫn cho lời tự sự và minh họa cho những rao giảng đạo lý.
Trong khi đó, theo diễn giải của Đỗ Long Vân, võ học Kim Dung chứa trong nó những triết luận, những quan niệm rất riêng có chức năng tạo lập, định hình bản sắc, căn cốt của toàn cảnh thế giới võ hiệp với tất cả những nhân vật, sự kiện, chiều kích mà ông kiến tạo.
Có một điều mà rất nhiều người đọc Kim Dung sẽ nhận ra, rằng rất khó để có thể minh định đâu là môn võ công tuyệt đỉnh có khả năng chiến thắng mọi thứ quyền cước khác trên thế gian để từ đó đưa người sở hữu nó lên ngôi vị võ lâm minh chủ. Đỗ Long Vân nhấn mạnh liên tục điều này, thậm chí chứng minh bằng một chuỗi các ví dụ: “Có Ỷ Thiên kiếm thì có Đồ Long đao, có Cửu Âm chân kinh thì có Cửu Dương chân kinh, có độc dược của Vương Nạn Cô thì có giải dược của Hồ Thanh Ngưu, có kiếm pháp của Tuyết Sơn thì phái Kim Cô cũng có đao pháp để hóa giải” (tr.35). Đó quả tình là một thế tồn tại đầy lý thú của thế giới võ hiệp Kim Dung mà Đỗ Long Vân gọi là “sự tương đối hóa võ học hay thế đa nguyên của võ lâm” như tên một đề mục thuộc chương II quyển sách.
Tình thế đa nguyên ấy của võ học, trước hết, khiến những biến cố diễn ra trong thế giới tiểu thuyết Kim Dung là không thể đoán trước. Nếu trong truyện võ hiệp cổ điển, võ công của những môn phái thuộc phe Chính nghĩa chắc chắn sẽ chiến thắng những thứ võ được cho là tàn độc, điêu ngoa của phe Tà đạo, thì với Kim Dung, tất cả những cuộc tỉ thí giữa những thứ võ công đều ẩn giấu một kết quả bất ngờ.
Du Thản Chi tưởng đã trở thành võ lâm minh chủ khi luyện được mấy thành công lực từ Dịch cân kinh, nhưng cũng phải chịu thua trước Kiều Phong trong trận ác chiến dưới chân núi Thiếu Thất. Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác tưởng chừng đã là những chân nhân am tường võ học nhất trung nguyên, nhưng cuối cùng lại chịu thua dưới tay một vị sư già Thiếu Lâm gần như vô danh ẩn cư giữa Tàng kinh các. Thậm chí, như luận giải của Đỗ Long Vân trong chương V của quyển sách này, những bất ngờ ấy sẽ kéo theo chúng hàng loạt những bất trắc, nghi vấn khác để cấu thành nơi tiểu thuyết của Kim Dung “một thế giới đang chờ được định nghĩa” (tr.89), một thế giới của sự hoài nghi. Hoài nghi thành bại. Hoài nghi tình cảm. Hoài nghi thân phận. Và trên hết là hoài nghi chính mình.
Khởi đi từ hàng vạn những mối hoài nghi như thế, thế giới của Kim Dung, theo Đỗ Long Vân, cũng bắt đầu trở thành một không gian của những lưng chừng, bất toàn và xa dần lối phân loại rạch ròi nhị phân thiện – ác, chính – tà để tiến đến một khối nghi vấn khổng lồ về cái gọi là đạo đức.Với Kim Dung, có thứ võ công nào là ác và thứ võ công nào là thiện đâu; đơn giản bởi chúng cùng là những công cụ dùng để giết người. Tương tự, cũng chẳng có phe phái nào, nhân vật nào là thuần thiện hay thuần ác, hay nói đúng hơn, như diễn giải của Đỗ Long Vân, tất cả những thiện, ác ấy, tuy vẫn còn xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung, song chỉ là những “nhãn hiệu vô thực” (tr.74). Tất cả nhập nhoạng, mơ hồ trong vòng vây bất tận của những nghi vấn giá trị.
Tuy vậy, Đỗ Long Vân cho rằng Kim Dung không đơn giản dừng lại ở chỗ phá bỏ những xác tín của truyện võ hiệp cổ điển. Ông chủ trương xóa bỏ cái trật tự cũ, nhưng là để kiến tạo một trật tự vận hành mới – một thứ trật tự mà Đỗ Long Vân định cho một tính từ rất đẹp: “nên thơ”.
Ngay từ những trang viết đầu của Vô Kỵ giữa chúng ta…, Đỗ Long Vân đã chỉ ngay vào yếu điểm, bản sắc của võ học Kim Dung: một thứ võ học không cốt ở chiêu thức, võ công mà xoáy sâu, trở về với nội lực. Không cần biết điều đó có phải là hoang đường hay không, nhưng bằng cách đưa nền tảng võ học trở về với nguyên khí của vũ trụ, với tự tính thuần thành, Kim Dung – theo Đỗ Long Vân – đã phác họa ra một hệ luận mới về con người và vũ trụ trong thế giới võ hiệp của mình.
Rõ ràng, sự trở về với nội lực của võ học khiến cho người luyện võ trong tiểu thuyết Kim Dung không thể không quan tâm đến việc trui rèn một nội tâm yên tĩnh. Không có được sự quán thấu cái như nhiên của tâm trí để nội lực được thi triển thì người anh hùng trong truyện Kim Dung mãi mãi không bao giờ có thể trở thành một tay cao thủ. Những “giấc mộng bách khoa”, những tham lam, tróc nã, mưu tính, dục vọng, những hờn ghét, sân hận, những tự cao duy ngã độc tônchỉ làm kiềm hãm bước chân của những người muốn đi sâu vào trong nguồn võ học thâm diệu mà Kim Dung gầy dựng, bởi nói một cách súc tích như Đỗ Long Vân: “Võ học”, lúc này, đã“trở nên một kỷ luật của nội tâm” (tr.22), và ai không vượt qua được bài kiểm tra nội tâm ấy thì hẳn không thể hiểu thấu cái thần kỳ của võ học, hoặc chỉ học võ trong vô minh và hứng chịu những cơn “tẩu hỏa nhập ma” như một sự trừng phạt.
Thật ra vẫn có cơ sở để phân loại võ công trong thế giới Kim Dung: có loại âm có loại dương, có loại phức biến có loại giản dị, có loại biến ảo uốn éo và cũng có loại minh bạch đường hoàng,…, nhưng vấn đề là dù có phân loại ra sao thìhàng ngàn kiểu võ công trên đời cũng chỉ khởi phát từ cùng một thứ gọi là nội lực, và vì thế chúng tương kết chứ không mâu thuẫn, tranh đấu, đối đầu. Sự quy giản võ học về nội lực ấy, theo Đỗ Long Vân, từ đó hé lộ một vũ trụ quan mà Kim Dung bồi đắp cho thế giới tiểu thuyết của mình – cái thế giới võ hiệp tuy liên tục phân hóa, chia rẽnhưng tất cả rồi thật ra “chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất như sai lầm là mặt trái của chân lý” (tr.141).
Đi tìm con đường của Đỗ Long Vân
Đời sống của phê bình văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 diễn ra trong một không gian tương đối mở, thoáng và dân chủ, nên không có gì kỳ lạ khi bên trong nó chằng chéo những con đường. Phê bình Marxist, hiện sinh, cấu trúc luận, phân tâm học, hiện tượng luận và rất nhiều những lối đi khác nữa xuất hiện trong thời đoạn này, gắn liền với những tên tuổi lớn trong lịch sử nghiên cứu văn chương Việt Nam như Lữ Phương, Tạ Tỵ, Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Đặng Tiến, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Đình Lưu, Tam Ích,… Mỗi người một con đường. Và con đường của họ cũng không phải là một quãng dài thẳng tắp, mà là những chồng lấp, chằng chịt, nghiêng ngả trong sự tương giao, ảnh hưởng qua lại giữa rất nhiều nguồn tư tưởng, triết lý khác nhau.
Nhìn về Đỗ Long Vân và nhất là công trình Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung, người ta dễ dàng định danh ông – một cách đầy xác tín – như một nhà phê bình cấu trúc/ cơ cấu luận, mà đơn cử là Nguyễn Mạnh Tiến trong bài Từ Xuân Hương đến Vô Kỵ, cấu trúc phê bình hay phê bình cấu trúc luận Đỗ Long Vân(đăng trên tạp chí Sông Hương số 281 tháng 7/2012) hay Trần Thiện Khanh – người đảm trách viết mục “Lý luận, phê bình văn học miền Nam trước 1975” trong sách Lịch sử lý luận, phê bình văn học Việt Nam (Trịnh Bá Đĩnh chủ biên, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016). Điều đó có cái lý của nó.
Nói gì thì nói, nhắc đến Đỗ Long Vân trước hết là nhắc đến một con người đeo đuổi cấu trúc. Ông hình dung thế giới văn chương như một ngôi nhà, và nhiệm vụ trọng yếu của ông là bóc tách, khảo cổ để tìm thấy phần móng cốt, xà cột quan trọng nhất mà nếu thiếu chúng, căn nhà hiện hữu ấy, cái thế giới nghệ thuật ấy sẽ hoàn toàn sụp đổ. Thực hành này thực sự khó nhằn, phức tạp bởi người ta sẽ rất dễ rơi vào sự nhìn “sai”: cố nhìn, nhưng mãi mãi chỉ nhìn thấy phần da thịt chứ không thể đi sâu vào phần xương tủy của cái thế giới ấy.
Ví như, sự dung tục, hướng về phồn thực, dục tình nơi Hồ Xuân Hương hay những triết lý nhân sinh trong truyện Kim Dung như “vô cầu nhi đắc”, “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”,… thực ra chỉ là những bức tường được trang hoàng bóng bẩy chứ chưa phải là phần sắt thép có vai trò kiến trúc từ bên trong. Đỗ Long Vân nhấn mạnh điều đó quyết liệt. Và tài năng của ông cũng thực sự phát tiết đầy kiêu hãnh ở chính điểm này. Mối quan tâm của Đỗ Long Vân không nhiều, nhưng mỗi lần đeo đuổi và phát hiện ra cấu trúc của một thế giới văn chương, ông gần như luôn “chuẩn xác”. Một nguồn nước ẩn cấu thành thế giới Xuân Hương. Một quan niệm võ học “lạ đời” kiến trúc nên thế giới võ hiệp Kim Dung. Hay một thứ bóng chiều tạo nên một không gian thế giới đầy ám ảnh trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Tất cả được Đỗ Long Vân xác định một cách trơn tru, mượt mà, chuẩn mực, nhất tiễn xuyên tâm,đến nỗi người ta rất khó có thể tìm ra một lý do chính đáng nào để phủ định, bác bỏ.
Tuy nhiên, con đường phê bình của Đỗ Long Vân phức tạp, quanh co và nhiều “nghi binh” hơn thế. Trong một tiểu luận hoành tráng dài 12 trang đăng trên tạp chí Đại học của Viện Đại học Huế số tháng 7/1963 mang tên Lược trình về công dụng của Duy vật sử quan trong Văn học sử, Đỗ Long Vân trình bày những dẫn nhập nền tảng nhất về phê bình xã hội học L. Goldman trên cơ sởquan niệm duy vật sử Marxist một cách rốt ráo, thông tuệ, dù rất khiêm nhường, nhưng đủ để ta nhận biết rằng, sự đọc văn chương của Đỗ Long Vân cũng chịu một ảnh hưởng rất lớn từ triết lý Marx và hậu Marxist. Ông không bao giờ đặt mọi thứ ra khỏi vòng vây của lịch sử, của cái cấu trúc lớn hơn bao lấy tác phẩm văn chương. Quan tâm đến cấu trúc ngôi nhà thế giới nghệ thuật chỉ là một phần. Phần còn lại, thậm chí quan trọng hơn, là phục dựng cái khung cảnh bao lấy căn nhà ấy.
Khía cạnh này của Đỗ Long Vân, theo quan sát của tôi, ít khi được người ta chú tâm. Đọc qua một số bài bình luận về Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung, tôi hầu như không thấy người ta đề cập đến những vấn đề mà Đỗ Long Vân đã nhắc đi nhắc lại, nhất là trong chương I và chương VIII của thiên biên khảo này. Ông nhấn mạnh khi viết những dòng cuối cùng của chương mở đầu: “Truyện Kim Dung không hay hơn những truyện võ hiệp xưa. Chúng khác hẳn. Tại chúng đáp lại những nhu cầu tâm lý khác” (tr.11).
Nhưng vì sao như vậy? Đỗ Long Vân, trong chương cuối, giải thích một cách thuyết phục: thế giới thời Kim Dung sống là “một thế giới của nghi vấn, của phiêu lưu và của sự tranh sống” (tr.154), nên tinh thần tiểu thuyết hiện đại đi vào truyện võ hiệp là một điều bình thường, không thể được xem là tiến bộ hơn, là chuẩn mực hơn, hay ho hơn. Bên cạnh đó, ông còn lý giải vì sao cuối cùng Kim Dung lại đưa toàn bộ cái thế giới hoài nghi của mình về một trật tự mới (như tôi đã trình bày khá rõ ở mục trên). Ông cho rằng, việc ấy là điều mà Kim Dung phải làm, giữa cái xã hội tư bản vốn đề cao sự tổ chức, kỷ luật và một không gian rối ren với những cuộc chiến điêu tàn mà ở đó, “chiến tranh thuộc địa cần thiết cho sự phồn thịnh của thương mại” (tr.156), như quy luật tương hỗ, tương kết của hai mặt âm – dương.
Tinh thần Âu châu hiện đại rõ ràng thấm đẫm một cách sâu sắc vào lối phê bình của Đỗ Long Vân. Tuy nhiên, vẫn còn một điều rất nên lưu ý: làm việc với triết Tây, song Đỗ Long Vân vẫn luôn song hành với con đường của Đạo học phương Đông. Ông dường như rất thích những thứ đơn nhất: võ học đối với thế giới võ hiệp Kim Dung, Hư không đối với sự triển diễn thế giới địa ngục Điêu tàn hay nguồn nước ẩn đối với thơ Hồ Xuân Hương gần như đều có ý nghĩa của một thứ nhất nguyên phát khởi nên toàn vũ trụ, một ý niệm nên thơ, ngây ngất, trong sáng cơ hồ như quan điểm của Đạo đức kinh, Nam hoa kinh xem Đạo như là nguồn cơn phát tiết và triết lý vận hành của toàn thể cõi giới. Chưa kể, ông lúc nào cũng nhấn mạnh sự trở về. Trở về với nội lực, trở về với địa ngục, trở về với hoàng hôn,… Hay nói một cách tổng quát là trở về với cái như tính, cái cõi nhiên giới nội tại.
Chính bởi điều này, tôi rất thích cách Nguyễn Tiến Văn gọi Đỗ Long Vân là một hiền nhân.
Một đám mây rồng
Long Vân có nghĩa là một đám mây rồng. Ông là một con rồng, nhưng là một con rồng mây, hay nói đúng hơn là một đám mây hình rồng. Mà đám mây thì phù hư, trôi nổi, liên tục thay hình đổi dạng. Có lúc người ta thấy ông lịch lãm trên những giảng đường kiêu hãnh của Viện Đại học Huế hay hào hoa phong lưu trong những cuộc chơi cao nguyên cùng bạn bè khi còn làm thủ thư ở Viện Đại học Đà Lạt. Nhưng cũng có lúc người ta thấy ông ngồi thinh lặng giữa Sài Gòn trong một căn phòng trọ tối om, trên sàn khoai sắn lăn lóc. Có lúc ông có cơ may ra sách, đăng báo và góp nhiều tiếng nói đầy sức nặng vào học giới miền Nam. Song cũng có lúc gần như không còn ai nhớ đến ông, và những tinh hoa mà ông để lại thì gần như đứt lìa, trôi tuột về phía quá vãng.
May mắn thay, trong năm 2018 này, sau hơn hai thập kỷ từ ngày Đỗ Long Vân từ giã trần ai,hai quyển sách của ông – Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương và Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung trở lại.
Tin rằng ở lần này, cái đám mây của Đỗ Long Vân sẽ được cố định (như tựa đề một tập truyện xuất bản gần đây của Nguyễn Ngọc Tư). Để người ta luôn biết đấy là một đám mây rồng. Để cây bút phê bình kinh lịch tài hoa một thời có thể ngậm cười sau bao nhiêu năm sống và chết trong quên lãng. Và nhất là, để chúng ta luôn tự nhắc nhớ bản thân rằng, đừng bao giờ tự tay cắt đứt mối nối kết chính mình với những di sản.
Tranh: Đỗ Long Vân theo ký họa của Đinh Cường
Chú thích: 
[1] Các trích dẫn trong bài viết này đều là từ Đỗ Long Vân (2018), Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung, Domino Books và NXB. Đà Nẵng, TP.HCM.
17/1/2019
Nguyễn Đình Minh Khuê
Nguồn: Bản tin Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, số 191-192 (Xuân 2019), tr. 45-49
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...