Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Mưa bên kia sông

Mưa bên kia sông

Có tiếng gõ cửa.
Tôi buông viết và cảm thấy bực bội khi có người cắt ngang dòng suy tưởng của mình. Là lão, cái người mà tôi cho là lập dị nhứt đời đứng thù lù trước mặt tôi, hơi run. Có lẽ lão lạnh. Cơn áp thấp nhiệt đới đi qua đồng bằng gần một tuần nay, những đám mây đen lúc nào cũng oằn xuống mặt đất như sắp mưa nhưng chỉ ráng nhỏ vài hột rải trên mặt sông Cổ Chiên xam xám.
– Chắc mạnh lên thành bão quá.
Lão nói và bước vào ngồi trên chiếc ghế bàn dài không đợi tôi mời. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ lão. Lão đẹp người. Đôi mắt sáng trong và ngây thơ như một nhà thơ luống tuổi.
– Bác uống cà phê nhe?
– Không! Rượu!
Lão làm tôi ngạc nhiên, cứ như lão và tôi thân nhau lâu rồi. Nhưng cũng phải, người lang bạt giang hồ như lão thường ít khách sáo. Lão đến rồi đi ở cái xóm Vàm này như có thời khoá biểu. Vào đầu tháng Bảy, khi những cơn mưa nối đuôi nhau mệt mỏi đi qua vùng châu thổ thì lão lại xuất hiện như chui từ dưới mặt nước lên chiếc xuồng câu tôm cũ xì. Đến đầu tháng Mười lão lại biến mất. Năm năm rồi, lão cứ lập đi lập lại cái qui luật bất di bất dịch đó. Lão chưa bao giờ làm quen với bất cứ người nào ở đây. Thỉnh  thoảng lão ghé chợ Vàm mua vài thứ cần thiết rồi lẻn xuống xuồng bơi ra giữa sông buông câu.
Nhà văn Đào Ngọc Vinh
Tôi đem ra dĩa mắm tép và chai rượu ngâm ô môi nói đùa với lão.
– Bác câu được mấy cần xé buồn rồi mà ngồi hoài không chán vậy?
– Câu đầy một đời rồi mà chưa hết!
– Sao không đem bán bớt?
– Kêu cho hoài mà chưa ai dám nhận, chú mầy cần không?
Ông tự tay rót rượu và uống đúng nửa ly. Những hột mưa rớt như rưới nước trên mái nhà nghe buồn buồn. Và gió, gió chẻ hai cái lạnh căm căm ngang người rồi dồn đẩy nháo nhào ngoài vườn cây mù mịt.
– Tôi đã lén nhìn chú mầy ngồi một mình suy tư buồn bã hoài chứ gì. Có nỗi niềm à? Tôi cũng cảm nhận được cái nhìn xa xăm của chú mầy những lúc ngồi thừ bên bờ sông khi chiều xuống. Muốn hỏi tôi điều gì phải không? Sự cô đơn thường bắt gặp bạn bằng ánh mắt mà.
– “Thời khoá biểu” có dính líu gì tới quá khứ của bác?
Lão mĩm cười rót rượu.
– Quá khứ là chiến tranh và một người phụ nữ.
Đối với thằng thanh niên hăm sáu tuổi như tôi lúc đó thì đã rậm rật, nhứt là phải sống miết trong cứ. Nằm mơ thấy phụ nữ đã sướng chứ đừng nói cấp trên thảy vào đây một tiểu đội toàn nữ, mê đời! Nhưng con mẹ Hai tiểu đội trưởng thì như có gắn thêm hai con mắt đằng sau ót. Quản lý mười hai cô gái mơn mởn còn hơn giữ tù binh. Ba mươi tuổi, chưa chồng, khó như mấy bà mẹ chồng hồi đầu thế kỷ. Có lần tôi định tán tỉnh con Thu, nhỏ đẹp nhất trong tiểu đội, con mắt đằng sau ót bà ấy nhìn thấy, lườm lườm rồi nói giọng cay độc.
– Bom đạn đã bắn nát hết mấy cây so đũa ở đây rồi, thức ăn nuôi… dê đã cạn, chờ hết chiến tranh so đũa mọc trở lại mặc sức mà ăn.
Tôi nóng mũi đốp chát.
– Chỗ súng đạn ai lại đem mấy bà ni cô thả vào đây, xui xẻo!
Lại lườm. Rồi chị ngoe nguẩy đi mất. Những lúc chị ấy chảnh choẹ như vậy, lại đẹp! Nét đẹp của mấy cô gái lỡ thời thì có đui mới không lén nhìn. Nhưng chiến tranh, bom đạn luôn réo chật trên đầu, một chút mơ mộng, khát thèm rất con người vội tan để nhường lại cho cuộc chiến khốc liệt trước mặt. Đôi khi cũng tự an ủi rằng, kệ, kết thúc chiến tranh, còn lại bao nhiêu đời, yêu bù!
Có tiểu đội nữ bọn “nam tử hán” chúng tôi bớt chật vật về đường… ăn uống. Những lúc chống càn họ hung hăng ghê lắm nhưng khi tạm yên họ lại trở về vị trí mà tạo hoá đã sắp đặt: nội trợ. Chị Hai tiểu đội trưởng khó chịu và “chảnh” như vậy nhưng không chê vào đâu được với món cháo cóc ngọt ngất. Lần ấy, sau một trận chống càn mệt nhừ, chị Hai xuất hiện với thau cháo thơm lừng.
– Các đồng chí có nhu cầu không nhai mà nuốt không? Cháo nhừ lắm rồi đó.
Tôi ngóng đầu dậy hỏi lớn.
– Cháo chay hả? Đậu hủ ở đâu có vậy?
Chị nguýt tôi một cái thật bén.
– Cháo nấu với mấy viên đạn chì, gia vị là tổng hợp tư tưởng của bọn thanh niên chưa vợ.
– Ôi! – Tôi giả bộ ngán ngẩm – Phải chi có thêm chút bùi ngùi của các bà ế chồng nữa thì tuyệt vời!
Lại ngoe nguẩy bỏ đi. Tôi biết chị không hề giận nhưng chắc buồn. Đôi mắt chị đã nói lên điều đó. Hầu hết phụ nữ trong thời chiến tranh đều có đôi mắt buồn như buổi trưa ở vùng quê vắng người. Và điều tế nhị nhứt là đừng  bao giờ nói tội nghiệp họ. Họ tự nguyện cấm súng, tự nguyện nhét tuổi xuân vào đôi mắt. Cho nên, những nét buồn vừa thoát ra ở đâu đó trong họ là rất  bình thường…
– Nhưng hình như bác không phải là người ở vùng này?
Tôi hỏi khi lão chợt ngừng nói, trầm ngâm. Người già có cái kiểu suy tư của họ, đôi lúc chỉ là một cái nhăn mày hoặc kéo nhanh một hơi thuốc lá rồi phả khói ra từ từ là đã nói lên nhiều điều.
– Không, ở Trà Vinh.
– Còn bây giờ?
– Sau năm 1975 trở về cố hương và mang tình yêu của tuổi già rao bán và cũng là để thoả mãn cái ước nguyện lúc trước rằng hết chiến tranh, yêu bù! Nói chơi để chọc tức thiên hạ thôi không dè có người đồng ý mua với cái giá rẻ mạt! Kệ, dẫu sao thì nó vẫn còn có giá. Bà xã tôi bây giờ là một người Khơ-me hiền hậu. Bà ấy xui, lấy tôi là để chịu đựng những cơn đau bất tử của thằng thương binh bom đạn găm đầy mình và cả cái chứng bỏ nhà đi đúng ba tháng mà chú mầy cho là “thời khoá biểu” đó.
– Bác đến đây để ngồi câu quá khứ à?
– Chú mầy hết rượu rồi hả? Bán chịu cho tôi thêm một xị nữa đi. Có gì đâu. Cái con mẹ “ nữ tu” ấy đã ăn cắp của tôi hết nửa phần đời. Có những chuyện vô lý mà càng lý giải càng rối mù, như tình yêu chẳng hạn. Tôi nhớ rất rõ đó là những ngày mưa tháng Bảy. Toàn bộ khu vực này bị cô lập. Đất đai, cây cối ở đây bầm giập bởi những trận càn điên cuồng của giặc. Thế mà trong mớ đổ nát hoang tàn ấy, trong cái hỗn tạp mùi của chiến tranh ấy tình yêu cứ ngang nhiên trồi đầu trong thằng tôi rất lạ và rất… khùng! Đôi khi tôi muốn tát cho mình một bạt tai bảo “ tỉnh” nhưng không được. Tôi yêu chị thật! Cố biện minh, rồi đổi thừa, rồi giả bộ như không có chuyện gì xảy ra nhưng hình ảnh chị như dán dính vào tâm tưởng tôi. Tôi tự chọc quê mình rồi mắc cỡ. Thôi thì yêu đại, mắc mớ gì phải sợ khi tình yêu vốn không phải là cái tội. Nhưng, mở miệng với chị bằng cách nào thì tôi… chịu trận!
Có một cơ hội hiếm hoi tôi được gần bên chị trong một không gian hữu tình. Đó là đêm rằm tháng Tám, mặt trăng chui ra từ một đám mây đen và làm duyên như cô gái mười sáu tuổi. Tôi cùng chị ngồi trên chiếc xuồng ba lá len lách dưới những tán bần rụng đầy trăng. Gió làm không gian chuyển  mình. Lạnh. Tôi ngồi kèm lái cho chị bơi. Không gian yên tĩnh đến nghe rõ từng tiếng động tĩnh của ngàn lá khi bị ánh trăng mê hoặc. Định nói với chị một cái gì đó để khoả lấp khoảng trống mênh mông và buồn đến nao lòng này nhưng sao cứ thấy hồi hộp. Lát sau, tôi buộc miệng nói vu vơ.
– Lâu lắm mới thấy trăng, đẹp quá!
Tôi nghe tiếng bỏ dầm của chị mạnh hơn. Chị tằng hắng.
– Vào với mấy cha văn nghệ mà làm thơ. Ở đây thở còn không kịp mà bày đặt mơ với mộng!
Kiểu nói xóc óc của chị nhiều lần làm tôi “quạu” nhưng giận chị thì không được, bởi từ đâu đó trong tâm hồn, tôi bắt đầu nghiện cái hình ảnh nghiêm khắc mà rộng lượng, chanh chua mà rất đàn bà ở chị. Cố ý kéo tay lái cho mũi ghe đâm vào đám bần, tôi chọc tức chị:
– Chị lên bờ rồi thắt cổ tự tử đi chứ trái tim và tâm hồn chị đạn bắn hổng lủng đâu.
Tôi thấy chị xoay mặt nhanh về hướng tôi nhưng không nhìn thấy nét mặt  nên không đoán được tâm trạng. Hồi lâu, tôi nghe chị thở dài.
– Bơi nhanh lên, trễ giờ rồi. Đối chọi với súng đạn phải có trái tim bằng sắt. Mai mốt…
Chị ngừng lại đột ngột khiến tôi tiếc rẻ không nghe được phần sau của câu nói.
Địa điểm họp là một ngôi đình bỏ hoang. Tôi và chị bước vào thì đã thấy có trên mười người đang ngồi chờ, nét mặt ai cũng đầy tâm trạng. Sau cái quan sát rất… thủ trưởng, anh Nam, người chủ trì cuộc họp nói chậm rải rằng cấp trên quyết định phải thủ tiêu tên thiếu tá Lộc, trưởng đồn Giồng. Tên này trước đây là trùm xứ nhưng nổi tiếng là tàn ác, dã man. Hắn từng bắt cóc phụ nữ hãm hiếp, tra khảo rồi nẻ đạn vào đầu. Vấn đề là chọn ai cho cái nhiệm vụ quan trọng này vì cơ hội sống sót cho chuyến đi này gần như bằng không. Không khí cuộc họp đột nhiên trầm xuống, ngột ngạt. Đúng lúc đó chị đứng bật khỏi ghế, hai tay nắm chặt.
– Tôi tình nguyện.
Tôi phản ứng một cách vô ý thức:
– Không được! Rất nguy hiểm khi một phụ nữ đi đối đầu với một bầy thú đói như vậy. Tôi, cha mẹ không còn, vợ con chưa có, tôi không bị ràng buộc  gì về gia đình, tôi tình nguyện.
Chị nhìn xoáy vào mặt tôi nói gằn từng tiếng:
– Lọng cọng, lom com như đồng chí đi chưa tới chỗ là đã ăn đạn rồi chứ đừng nói làm tròn nhiệm vụ. Như vầy, là người địa phương tôi rành đường đi nước bước. Hơn nữa, nhiệm vụ còn lại của các đồng chí không phải là đánh một thằng mà phải diệt cho tiêu một lũ kìa.
Tôi nhớ còn cãi nhau lâu lắm với chị nhưng cuối cùng chị đã thuyết phục được anh Nam. Đêm đó trên đường trở về cứ tôi buồn rầu nhìn về khoảng không đen thẵm. Những đám mây đen ùn ùn kéo qua bầu trời chen nghẹt ánh trăng và mưa chụp xuống nhanh không tưởng. Cơn gió lồng lên thét vào khôn gian những âm thanh dữ dội. Hình như lúc đó tôi khóc nhưng không biết khóc vì cái gì. Khóc nghẹn đi và tôi nghe đằng sau tiếng sấm là những âm thanh phụ kéo dài chua chát.
Một tuần sau, đêm đó không trăng cũng không sao. Tôi đang nằm lơ mơ ngủ trong căn chòi giữ vườn ở đầu vàm bỗng giật mình khi có tiếng bước chận nhè nhẹ gần bên vách lá. Tiếng chân gần hơn và bước thẳng vào chòi. Tôi lo lắng hỏi nhanh.
– Ai? – Không có tiếng trả lời. Một phản ứng rất nhanh, tôi ôm súng lên đạn. Tiếng của chị khẽ khàng.
– Phương, Hai đây!
Tim tôi rộn lên một cảm giác khó tả. Trong một thoáng, ý nghĩ tội lỗi loé lên trong tâm trí tôi, bệnh hoạn và điên khùng. Và cũng trong ngần ấy thời  gian, tôi đủ bình tỉnh để ghìm cơn xúc động xuống, hỏi cắc cớ.
– Mấy cô nữ trong tiểu đội của chị còn đủ không mà ra đây kiếm?
Im lặng. Lâu lắm mới nghe giọng chị nghèn nghẹn.
– Ở lại khoẻ nhe, Hai đi à!
Tôi bật dậy như cái lò so và hỏi một câu ngớ ngẩn:
– Đi đâu?
Lại im lặng. Tôi chợt nhớ ra rằng đêm nay chị sẽ đi đánh đồn Giồng. Ruột tôi thắt lại, nỗi lo sợ như bám dính vào da thịt.
– Có cái chai dầu nóng Hai để trong kẹt vách nè nhe. Ờ, còn mấy con cóc bắt hồi hôm, mần và bầm nhuyễn rồi đó, sáng nấu cháo mà ăn.
Tôi ngờ nghệch nhìn vào khoảng không mù mịt. Tôi toan nhảy xuống giường phóng nhanh ra nói với chị một cái gì đó nhưng hai chân cứ níu lại, giọng tắc nghẽn. Khi có tiếng chân bước xa dần tôi mới chạy ào ra, nói vói theo, nghẹn ngào.
– Hai… chị Hai!
– Gì?
– Về nhe!
– Ờ… Nếu… Mai mốt…
Rất mau, cái dáng của chị bị bóng đêm nuốt chửng. Phía xa, âm thanh của cơn mưa đêm ào ạt ập đến.
Tôi đến thăm Trung tâm dưỡng lão của tỉnh vào buổi chiều cuối mùa hạ oi bức. Cô cán bộ trẻ dẫn tôi đi dọc dãi hành lang thoáng rộng giới thiệu từng phòng. Tôi dừng lại ở phòng số Bốn với dòng chữ khắc đậm treo trước cửa phòng: “Cụ bà Nguyễn Thị Hai, sáu mươi chín tuổi, quê quán…”. Tôi dợm bước vào, cô cán bộ ngăn lại.
– Cụ bị mù lại bệnh tâm thần, không nhớ gì đâu.
Tôi định bước tiếp, chợt nghe tiếng bà cụ lanh lảnh.
– Đồng chí không được đi, để tôi đi.
Tôi dừng lại và linh cảm một điều gì đó rất mơ hồ. Bước vào phòng, đối diện với tôi là một gương mặt méo mó đầy sẹo với một con mắt bên trái hủng sâu, con còn lại mờ đục, ngây dại và chân phải cụt mất hai phần ba. Cụ sợ sệt nhích dần vào gốc giường khi nghe có tiếng người lạ.
– Đi dang, không tao bắn chết.
Cụ giương tay giả làm súng chĩa vào khoảng không rồi la lớn “đùng đùng” và cười lên ngặt nghẽo.
– Cho mầy chết, tên sát nhân ác đức!
Tôi ngồi xuống cạnh giường rất khẽ, hỏi nhỏ:
– Cụ bắn ai thế?
– Thằng trưởng đồn. Tao bắn nó bể đầu, lính nó bắn lại tao nát bét mình mẩy rồi rinh tao thảy xuống sông. Tao chết, mới đầu thai lại nè, tìm bắn thằng trưởng đồn cho nó chết hai lần tao mới chịu.
Tôi được dịp khơi gợi.
– Cụ có nhớ nồi cháo cóc không?
– Cháo chay hả?
– Dạ, cháo chay.
– Khùng tao đâu có ăn chay, tao ăn đạn chì của mấy thằng đại ác. Mà thôi, đồng chí ở lại khoẻ nhe, tôi đi à.
Cô cán bộ kéo tôi ra khỏi phòng, nói như trách:
– Sau những lần nói chuyện như vậy cụ thường mệt vật vã, tội nghiệp lắm. Cụ sống với người con nuôi ở miệt biển, nghèo quá nên chính quyền  địa phương giới thiệu đến Trung tâm dưỡng lão này. Lý lịch à, không có một dòng.Tôi đã đi khá xa căn phòng số Bốn nhưng vẫn còn nghe văng vẳng tiếng của cụ:
– Ở nhà khỏe nhe, Hai đi à.
Một mùa mưa nữa lại đến. Lần này thì tôi thật sự đợi lão. Cuối tháng Sáu, tôi thấp thỏm chờ. Đầu tháng Bảy, tôi cứ trông mãi về hướng đầu vàm. Tháng Bảy đi qua chậm chạp. Mưa đi qua chậm chạp. Tháng Tám… Tháng chín… Tôi tuyệt vọng ngồi nhìn theo những đám lục bình dạt trôi dưới dòng sông Cổ Chiên đục ngầu. Tháng Mười, tôi vẫn ngồi hút mắt chờ. Chuyển mưa. Và, đám mây đen muộn mằn đã đổ một cơn mưa cuối mùa phía bên  kia sông.
29/7/2021
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...