Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Người nghệ sĩ giữa dòng trôi

Người nghệ sĩ giữa dòng trôi

“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi”
(Tố Hữu)
Lúc đó má đứng ngoài cổng, vẻ bồn chồn mong đợi, mắt cứ lấp lánh lấp lánh. Má có vẻ đẹp như Tố nữ trong tranh, mắt môi như được một người họa sĩ tài hoa vẽ sắc nét trên khuôn mặt thanh mảnh gọn gàng. Nhiều khi nhìn má vất vả lam lũ với bầy bò, ao cá, mảnh ruộng để nuôi bầy con mười đứa ba bỏ hết lại để tìm sự thảnh thơi trong chùa, tôi tự nghĩ, má lấy đâu sức lực để làm ngần ấy việc mà vẻ mặt vẫn phơi phới, mà nét đẹp vẫn không hề phôi pha theo năm tháng.
Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền (An Giang)
Má nheo mắt tinh ranh khi tôi về tới:
– Tao mua cho bây một món quà. Bây đoán coi là cái gì?
– Trời, bày đặt quà nữa. Bộ đồ hả? Má thấy đồ đạc tui rách te tua nên mua chớ gì?
– Hông phải
– Cuốn sổ tay chớ gì?
– Mua sổ tay làm gì?
– Thì tui sắp đi du kích.
– Hả, mày định đi du kích hả?
– Chớ hông đi sao được. Bọn con trai trong làng đi hết rồi. Làm con trai thấy làng mình hết người này bị giết hết người kia bị đày hông biết nhục sao?
Má thần người ra, ánh sáng tắt hẳn trong đôi mắt vừa lóe lên như hai vì sao. Má thở dài thườn thượt, tao cũng ghét, cũng căm tụi nó lắm, nhiều khi muốn lấy cái đòn gánh quất tụi nó cho hả giận. Nhưng bây đi rồi tụi em ở nhà sao. Toàn con gái. Bọn lính cứ lảng vảng quanh nhà. Rồi sao má mần nổi để nuôi tụi nó. Chị Hai bây thì khờ.
Tôi cũng thần ra một lát rồi cười xí xóa:
– Thôi từ từ tính. Coi má mua quà gì cho tui nè!
– Kia kìa – Má liếc mắt ra hiệu ở đằng vách.
Thứ tôi nhìn thấy trên vách, dưới tấm ảnh má chụp cùng út Nhạn, như không phải chỉ là cây đàn phím lõm tôi hằng mơ ước, mà là cả một sân khấu hoành tráng cảnh Sở Bá vương Hạng Vũ đối mặt cùng Hán vương Lưu Bang.
Tôi mang cây đàn đến nhà chú Sáu Đờn. Cả bọn xúm vào trầm trồ cây đàn mới. Ui chèn ơi, thằng Bình là nhứt xứ này rồi. Sau này thành nghệ sĩ lớn đừng quên tụi này nghen. Út Nhạn ca đi. Út Nhạn mình không thua gì sầu nữ Út Bạch Lan đâu nghen.
Út Nhạn vẫn hồn nhiên hát như mọi đêm, khi ban đờn ca tài tử của xóm cứ ăn cơm chiều xong là rậm ràng rập rịt í a í ời đi ca tụi bay ơi. Những con Mén con Mẹc thằng Ngô thằng Ngố xúng xính những bộ đồ coi còn được được, phủi những đôi chân đầy cát, leo cầu thang cao nghều nghệu lên ngôi nhà sàn của ông Sáu Đờn, ba Út Nhạn, giành chỗ ngồi và hí ha hí hửng chờ đến phiên mình trịnh trọng đứng lên hát, thầm tưởng mình là vương là tướng.
Đêm đó Út Nhạn hát Phi Vân điệp khúc. Bản này tôi nghe từ khi út Nhạn còn ngọng nghịu nói không rành mà cứ giành hát. Bao nhiêu đêm đã trôi qua. Bao nhiêu mùa gió chướng lạnh căm căm mà cả bọn vẫn rúc bên nhau hát. Tiếng hát tròn dần mùi dần theo từng vóc dáng lớn lên của bọn nhóc với tham vọng cũng lớn dần lên của ông Sáu Đờn. Sao mình hông thành lập gánh hát vậy ta. Tao gửi ba Bình và út Nhạn lên Sài Gòn học nghề rồi về thành lập gánh hát nghe. Gánh hát mình đặc biệt hông cố định, mà ở trên ghe. Tao khoái đi đây đi đó. Tao khoái hát cho bà con trong cùng trong ngọn. Người ta nổi tiếng trên sân khấu lộng lẫy, còn tao khoái nổi tiếng trên sông nước.
Nên ông vui khi ba Bình có cây đàn mới, như thể ngày mai có thể tuyên bố với cả làng Khánh Bình rằng gánh hát của ông đã ra đời, với kép hát đẹp trai hào sảng khí khái vừa đàn hay hát mùi là Bình Thiên, cái tên nghệ danh ông vừa nghĩ ra cấp thì cho ba Bình và đào thương đẹp như hoa lục bình trôi lửng lờ trên sông Bình Di. Một con công xòe đuôi ánh tím ánh xanh lộng lẫy trên dòng nước trong xanh. Một nghệ sĩ tương lai sẽ không thua gì út Bạch Lan hay Bạch Tuyết. Từ nay gọi nó là Bạch Nhạn nghen tụi bay. Vở tuồng đầu tiên mình diễn sẽ là Bạch nhạn rợp trời Búng Bình Thiên.
Bạch nhạn là loài chim gì chưa từng ai thấy, càng không bao giờ rợp trời Búng Bình Thiên. Vở tuồng ai sẽ viết ông còn chưa nghĩ tới, nhưng cả bọn nhao nhao lên cho con làm Vua cho con làm Hòang hậu. Đứa tệ nhất cũng rụt rè lí nhí con làm nô tỳ cũng được.
Chỉ có nghệ sĩ Bạch Nhạn tương lai, út Nhạn vẫn hát. Tôi ngồi đối diện út, tìm ánh mắt em như muốn nhắn gửi lời ly biệt. Tôi đề nghị em hát lại lần nữa. Sao vậy? Đâu có sao đâu. Chỉ là muốn nghe tiếng tri âm lần cuối. Mai này cuộc chiến sẽ ra sao, ai còn ai mất, cung đàn này khúc nhạc này như niềm đồng hành trên đường lập chí trai bình thiên hạ như cái tên Bình ba đã đặt cho. Hoài bão làm trai phải có danh gì với núi sông của ba đã tất ngúm theo thời cuộc để ủ tro tàn trong chùa, nay nhen dần trong tôi.
Như linh cảm điều gì trong ánh mắt của tôi, út Nhạn khẽ gật đầu. Tôi dạo trên phím đàn mới. Mười sáu tuổi của út Nhạn là mười sáu năm Phi vân điệp khúc ướp hồn em từ tiếng hát của người mẹ rồi tới giọng hát của chính em.
Tiếng… tơ… đồng ơi! Sao buồn rơi, âm ba não nề? Rơi vào đêm đen mù khơi.
Ai?… Ai người tri âm? Một kiếp con tằm. Lăn lóc gió sương, đàn với ta réo kêu khúc tình thương.
Mòn gót chân phong sương, dù nắng mưa chẳng phai tấm lòng son. Ta với đàn trọn câu thủy chung, từng đêm ta vắt máu tim trao đàn.
Thương… thương sao tiếng đàn nhỏ giọt buồn rơi chắt chiu với đời, cung đàn hòa máu, máu tim đỏ hồng. Ôi tình ta xin gởi vào theo tiếng tơ. Ôi tình ta xin gởi lại theo tiếng tơ. Ôi tình ta xin để lại theo tiếng tơ…
Khi tôi còn đắm đuối theo tiếng tơ, thì chú Sáu Đờn lẳng lặng đi ra sau hè, ra miết bờ ruộng mấp mé nước dập dềnh. Nước tràn đồng rồi. Khi tôi thắt lòng dứt ra khỏi tiếng hát của út Nhạn xuống đứng kế bên ông thì ông nói như vậy.
– Bây đã suy nghĩ kỹ chưa? Mẹ con Nhạn sẽ đưa nó lên Sài Gòn. Dù hư thúi cỡ nào cũng là mẹ. Huống chi suy cho cùng cũng tại mình bất tài không giữ được người ta. Bả nói nếu bây và con út sâu nặng thì bả đem cả hai đứa lên đó dạy cho thành tài. Bây nghĩ sao?
– Con phải ra đi.
– Dứt khoát như vậy luôn hả?
– Dạ!
Khi tôi và ông trở lên nhà thì Út Nhạn đang đóng Tây Thi. Ông Sáu trân trối nhìn con đang rơi lệ. Ông lẳng lặng gạt con xuống, ôm đàn tự mình hát lớp Phượng hoàng, giọng buồn não nuột như cái lúc ông hát khi mẹ của út Nhạn bỏ theo đoàn hát cải lương đào kép sáng trưng đầy mê hoặc dạo nào.
“Tây Thi ơi! Nàng có biết không.
Cho nỗi khổ biệt ly sầu.
Từng đêm ngậm ngùi ta thức trắng.
Cả một bầu trời vừa sụp đổ dưới chân ta.
Nàng về với Ngô vương.
Với nhung lụa vàng son trong gác phượng cung hoàng.
Bỏ lại mình ta ôm mối hận lòng
Gối lẻ chăn đơn ta bàng hoàng xót thương cho số phận.
Bởi ta bất tài nên đành để mất Tây Thi.”
Lời ca theo tôi xuống ghe xuôi dòng sông Bình Di qua căn cứ Vạt Lài. Đó là chiếc ghe ông cho má tôi mượn tiền mua để chị Hai tôi đi buôn bán, vì sau khi tôi đi, những công việc nặng nhọc trong nhà không còn ai làm nổi. Sau này khi chị Hai không còn đi buôn nữa, chiếc ghe trở thành chiếc ghe hát tài tử. Những đứa bé trong ban đờn ca tài tử của ông ngày nào không bao giờ được bước lên sân khấu, kẻ tù đày, đứa hy sinh, còn lại vẫn như muôn đời cha ông mình làm một anh nông dân ngày quần quật đêm mơ khúc tình tang. Nhưng ước mơ của ông, má vẫn duy trì ban hát với những con út thằng ba mới, vẫn đến tận trong cùng trong ngọn hát đám tang đám cưới, hay không đám gì cả, lửng lờ thả ghe trôi trên sông mà “Tây Thi ơi! Nàng có biết không cho nỗi khổ biệt ly sầu?”.
Ông đưa tôi đi. Dáng chèo xuồng của ông như một dây đàn chùng xa xót nỗi tiễn đưa. Má tôi và út Nhạn đứng trên bờ trông theo. Xa hơn nữa dưới mỗi bụi chuối hàng dừa gốc me đám sậy, là những gương mặt lấp ló của mấy chị em tôi. Một cuộc tiễn đưa không bí mật cũng chẳng công khai.
Cây đàn treo trên vách. Mỗi lần Bạch Nhạn về là qua nhà đàn hát với má tôi. Cô đào Bạch Nhạn nổi tiếng Sài Gòn với vai Tây Thi ôm nỗi sầu thân Ngô hồn Việt lộng lẫy áo bào vương giả, nhưng khi về với má tôi vẫn đằm thắm nết na áo bà ba nón lá má ơi má à. Hai má con kẻ đàn người hát nuốt vào lòng bao nỗi đớn đau thời chiến binh loạn lạc. Tiếng đàn lần lượt đưa từng người về cõi xa xôi, nào ba tôi tịch viên mãn một đời tu hành, đi về cõi cực lạc một mình mặc đời thịnh hay suy, mặc bầy con nheo nhóc một mình má tôi bươn chãi. Tiếng đàn đưa ông Sáu Đờn đi trong bản Phượng hoàng đau đớn. Tiếng đàn đưa em Năm tôi, cũng là bạn thân tình của út Nhạn, đi trong một sáng tinh sương hòa tiếng súng gọn bâng vào tim. Máu tim em tràn ra đỏ cả dòng sông Bình Di, xác nằm phơi trên bãi tím ngắt hoa lục bình sóng đánh dạt vào bờ dưới cái nhìn đau đớn của má tôi. Tiếng đàn đưa em Bảy tôi tay bị cùm ra Côn Đảo rồi mãi mãi không về. Đoản khúc Lam Giang em thường hát thành bài ca lãng du hòa cùng sóng biển.
Đó là đêm mùng hai rạng mùng ba Tết Mậu Thân năm 1968. Tôi nhận lệnh tiêu diệt bọn lính đóng trong đồn Khánh Bình để mở đường cho chủ lực.
Tôi không nói với cả tiểu đội du kích của mình đó là ngày tôi tròn mười tám tuổi. Tôi hào hứng với trận đánh đầu tiên tràn đầy niềm tin thắng trận như món quà mừng sinh nhật cho chính mình, đánh dấu cho giai đoạn mới của cuộc đời. Tôi không biết nhiều về tình hình trước đó, dù những diễn biến của cuộc chiến cách đó vài ngày có liên quan đến trận đánh nhỏ nhoi vô danh của tiểu đội tôi, ở một ngôi làng cũng nhỏ nhoi xa xôi tận miền quan tái của tôi. Tôi chỉ biết nhận lệnh và thi hành mệnh lệnh, biết giữ vững niềm tin vào thắng lợi sau cùng. Đêm giao thừa, qua radio, tôi cũng được nghe bài thơ chúc Tết của Bác Hồ, hiệu lệnh mở màn chiến dịch Tết Mậu Thân vang dội toàn cầu sau này:
“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.”
Nhưng mãi sau ngày giải phóng, tôi mới biết được toàn bộ diễn biến của trận Mậu Thân năm ấy, biết được khi cả tiểu đội du kích của tôi lội sông Bình Di từ Vạt Lài qua Khánh Bình, rằng Quân khu 5 đã nổ súng trước giờ G, làm lộ bí mật, vì miền Bắc và miền Nam áp dụng lịch khác nhau, rằng những trận đánh khốc liệt nhất của Biệt động đã nổ ra ở Sài Gòn, rằng cuộc tấn công của quân giải phóng đã lan ra khắp miền Nam tới tận Châu Đốc. Trong giờ phút tôi lom khom dẫn cả tiểu đội tiến vào đình, chắc hẳn cũng có hàng ngàn tiểu đội khắp miền Nam cùng tôi tiến công bao đồn lũy khác, hẳn cũng có hàng vạn thanh niên mười tám đôi mươi mặt trong trẻo hồn nhiên như tôi ôm súng và lý tưởng bước vào trận.
Đình Khánh Bình không chỉ là cái đình, mà đó còn là ngôi nhà chung của toàn thể dân chúng làng Khánh Bình. Mỗi năm, hễ vừa ăn Tết xong là cả làng háo hức chuẩn bị ngày cúng Kỳ Yên vào rằm tháng 3 của ngôi đình nổi tiếng nhất trong vùng đã tồn tại hằng trăm năm, đã được sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh của vua Bảo Đại vào năm 1932. Nhưng điều tạo niềm tự hào của làng Khánh Bình đó đối với bọn trẻ chúng tôi không phải là điều quan trọng. Quan trọng là ngôi đình là nơi diễn ra những trò chơi đánh trận giả rất hoành tráng của bọn con trai chúng tôi, khi những trò leo cây, tắm sông…không còn hấp dẫn nữa. Tôi làm tướng, trong thâm tâm nghĩ mình cỡ như Hàn Tín đứng giữa cổng đình bề thế như cổng thành với hai con hổ đá dũng mãnh đứng hai bên cổng và hai con rồng chầu vòng lửa trên nóc đình. Quân sĩ xếp hàng dọc đều tăm tắp sau lưng tôi, mỗi đứa cầm một cây ná giây thun nạp sẵn đạn bằng trái ổi nếp non mọc hoang khắp nơi. Cả đội quân đang chờ đợi sự tấn công của kẻ thù, đội quân con nít từ làng bên kia sông Bình Di, làng đa số người Việt từ Camphuchia về, chiến tranh loạn lạc khiến họ hết lưu lạc từ Việt qua Miên rồi từ Miên về Việt, lúc phe Quốc gia, lúc phe Việt cộng, tùy Quốc vương Campuchia ngã theo phe nào. Chúng tôi ra sức bảo vệ cái đình vốn không cần sự bảo vệ. Chỉ là chúng tôi tự cho nó là cung điện của chúng tôi với những ban bệ thờ bên trong sơn son thếp vàng lộng lẫy như cung vàng điện ngọc. Những trận đánh bên nào cũng thua đầu u trán bầm với kết cuộc đứa nào cũng bị lôi về nhà với những trận đòn vì bỏ heo đói, bỏ em bị té cầu thang, bầy vịt lạc mất không ai lùa về…
Bọn trẻ đánh trận giả ngày ấy giờ cũng thành hai phe. Phe địch đóng quân trong đình và phe ta mà tôi đang dẫn đầu bao vây xung quanh đình. Bọn chúng trong đó có những đứa nào tôi đều rõ. Đứa nào giỏi nhất về bơi lội, có thể lặn cả buổi trời mà không biết được đang ở đâu dưới đáy sông, có thể bơi dọc sông Bình Di mà không cần phải leo lên bờ, đứa nào cùng tôi thả diều những chiều lộng gió, đứa nào giả đào đẹp tuyệt trần cùng tôi hát khúc Nam ai…
Nhưng điều tôi không rõ nhất đúng ra tôi phải biết trước khi dẫn quân đến đây, điều mà chủ quan trong trinh sát khiến tôi phải ôm hận đến sau này, không bao giờ nguôi được, là ngôi đình sinh ra tôi đã sống cùng, đã lăng quăng cùng nó theo năm tháng, đã được tụi “địch” của tôi, cái tụi cũng đã lớn lên cùng ngôi đình như tôi, tường tận từng góc đình, từng cái cây ngọn cỏ xung quanh đình không thua gì tôi, đã cho đào hai cái hầm ngầm kiên cố trong đình và một hệ thống giao thông hào đủ sức chống trả cả một tiểu đoàn chứ không phải một tiểu đội nhỏ nhoi của tôi. Kết quả trận đánh không như năm xưa đứa nào đứa nấy mếu máo líu ríu theo cha mẹ về nhà, mà sân đình Khánh Bình ngập ngụa máu và xác chết của cả hai phe. Cuộc chiến sinh tử khiến không còn ai quan tâm đến chuyện thằng trong đình hay ngoài đình kia là thằng từng cùng nắm tay mình nhảy từ trên cầu xuống sông cười nắc nẻ hay thằng mình đang nhắm súng bắn trúng vào tim là thằng từng cùng mình hát những bài lý mặn nồng tha thiết. Cảm giác cuối cùng trước khi tôi bị bắt là tôi đau đớn trái tim như hóa đá khi nhìn thằng Kheo ngọng đớt chỉ dám xin làm quân hầu trong các tuồng hát, ngã gục trước mặt tôi từ viên đạn bắn ra từ trong đình và viên đạn cuối cùng của tôi găm thẳng vào giữa ngực của thằng địch từng cùng tôi hát lớp Hạng Vũ biệt Ngu Cơ. Nó giả gái đóng vai Ngu Cơ còn đẹp hơn cả út Nhạn. Tôi nghe tiếng hộc cuối cùng của nó mà như nghe tiếng gọi của Ngu Cơ sau khi uống chung rượu độc.
Bệ hạ ơi…ơi…ơi…!
Ngu Cơ cùng quân sĩ chết hết, chỉ Hạng Vũ còn sống. Hạng Vũ ngày xưa đứng trước Ô giang ngậm ngùi trước khi tuẫn tiết. Tôi khi đó đứng trước sông Bình Di đau xót nhìn bãi chiến trường đầy xác chết không còn phân biệt nổi ai Sở ai Hán nếu chỉ nhìn vào làn da nét mặt, trước khi bị một thằng địch mắt man mác buồn ôm chặt tôi vật xuống đất. Hạng Vũ không ai phong nhưng cả nghìn năm sau thiên hạ vẫn xem ông là đấng anh hùng, dù bao nhiêu quân sĩ nước Sở ông dẫn qua Ô Giang đã không trở về. Còn tôi nỗi day dứt đeo đẳng mãi tới ngày hòa bình, cho tới tận sau này khi đứng trước ống kính truyền hình tôi từ chối danh hiệu anh hùng, vì tôi có xứng đáng là anh hùng không khi cả tiểu đội tôi dẫn đi đánh trận chết hết chỉ mình tôi còn sống, dù khoảng đời sau đó của tôi là vào tù ra khám, là lăn xả trong bom đạn để lại chiến trường cánh tay trái tài hoa, là xây dựng lại phong trào cách mạng sau năm Mậu Thân tan vỡ gần hết, là biến đình Khánh Bình thành nơi tiền tiêu bất khả xâm phạm, nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội, nơi đóng trạm của chi bộ, hộ, nơi dừng chân trước khi rẽ đi khắp vùng của mọi lực lượng, biến xã Khánh Bình thành một xã anh hùng qua trận chiến hào hùng mùa Xuân năm 1975, cũng như những trận tiêu diệt Polpot sau này.
Đám cưới cô đào Bạch Nhạn cùng ông trung tá rôm rả xứ Sài Thành cùng với lệnh ân xá khỏi tội tử hình của tôi mà cả tôi cũng ngỡ ngàng. Má đưa tôi lên xe đi tù với ánh mắt chao đảo những nỗi niềm. Trong đám bụi ngút trời sau xe, tôi nhìn thấy dáng má gầy đứng bên cây da mấy trăm năm tuổi. Tôi liên tưởng má với cây da, mãi mãi vững tồn cùng năm tháng không gì quật được. Bên cạnh má tôi giờ chỉ còn em gái út, sau khi lần lượt các anh chị kẻ hy sinh người bị đi tù. Em gái út có đôi mắt lì lợm, trong giờ phút đó càng nhâu lại, thấy từng tia máu. Em hét lên khi xe chạy: “Anh Ba kiên cường nghe. Út sẽ đi theo”. Út đã đi theo con đường tôi đi và đã hy sinh trong một lần đưa cán bộ qua sông. Một lần nữa giọt máu của má hòa trong dòng nước sông Bình Di. Má tôi chỉ còn một mình đứng dưới cây da sần sùi, rễ ngoằn ngoèo bò trên mặt đất, rễ phụ buông mành phủ khắp cả không gian tím trời chiều.
Sau khi tiếp quản, tôi bộn bề bao nhiêu việc vẫn chưa thể về làng. Má cho ghe đến tận bến trước cổng ủy ban. Bước sãi sãi vào cổng, má rổn rảng nói:
– Vừa được làm quan đã quên nguồn quên cội rồi hả ông quận?
Tui lập cập chạy ra, ôm má mừng mừng tủi tủi:
– Con nóng ruột muốn chết mà hông sao dứt ra về được.
Chị Hai tôi, người âm thầm đứng sau lưng tất cả chúng tôi, người nuôi quân thầm lặng, người khóc thầm lặng cho mỗi cuộc ra đi, mỗi lần tử trận của các em, đẩy dạt cái máy ghe qua một bên, phóng ào lên bờ, chạy đến ôm trọn cả má và tôi, khóc nức nở. Hai nhớ bây quá. Thấy bây trên truyền hình mà muốn đập cái truyền hình để ôm bây.
Má nắm lấy tay tôi:
– Đi với má.
– Đi đâu má?
– Qua Châu Đốc rước út Nhạn. Nó từ Sài Gòn về.
– Ủa, con tưởng.
– Tưởng cái gì?
– Tưởng Út phải đi di tản với chồng chứ.
– Tưởng tưởng cái đầu bây. Nó vừa cho người đưa thư về nè. Nó nói nó sẽ dẫn con về quê sống.
– Hả?
– Hả hả cái gì. Nó lấy ông trung tá là để cứu bây khỏi chết đó. Giờ bây không đi đón nó bây không phải là con người.
Tôi đi đón em không phải vì đền ơn cứu mạng. Tình yêu còn hơn cả mạng sống con người. Tôi đi đón người tri âm sẽ cùng tôi hát bài Phi vân điệp khúc dỡ dang năm nào.
Má mang theo ghe cả cây đàn tặng tôi năm ấy. Tay trái là tay thuận của tôi đã mất lâu rồi, nhưng tôi đã tập đàn bằng tay phải cũng như chuyển qua viết bằng tay phải. Không phải tôi mong chờ ngày được sum vầy cùng bà Trung tá phu nhân, mà dường như trong tôi, út Nhạn vẫn còn nguyên hình nguyên dạng trên ngôi nhà sàn cao ngất ấy, chỉ cần nghe tiếng đàn là Phi vân điệp khúc trong trẻo vang lên. Giọng ca của út Nhạn không còn trong trẻo như ngày xưa, mà nặng nỗi niềm dâu bể.
Ai?… Ai người tri âm? Một kiếp con tằm. Lăn lóc gió sương, đàn với ta réo kêu khúc tình thương.
Mòn gót chân phong sương, dù nắng mưa chẳng phai tấm lòng son. Ta với đàn trọn câu thủy chung, từng đêm ta vắt máu tim trao đàn.
Má hát bài lý con sáo làm trước mắt tôi cứ chập chờn đôi cánh sáo bay qua sông và hình dáng má tôi đứng dưới gốc cây da buồn cô độc, tay ẳm tôi, nhìn miết trên sông ngày ông Sáu làm đám cưới với mẹ út Nhạn. Câu chuyện của ba, má tôi và ông bà Sáu là câu chuyện không ai hiểu rõ. Nhưng với tôi, má mới đúng là người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất trong thiên hạ. Hai bên bờ sông Bình Di, dập dềnh hoa lục bình tím ngát và vàng rực hoa điên điển. Một đàn vịt ngừng rỉa lông, ngẩng cổ lên nghe má tôi hát.
“Chiều chiều buồn nhìn con sáo bay
Nghe xót xa sáo bay về đâu
Thời gian tưởng chừng như giấc mơ
Theo tháng năm mái tóc bạc phơ”.
29/12/2019
Trương Thị Thanh Hiền
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu...