Bỏ vợ
CHƯƠNG 1: DANH LỢI, LỢI DANH
Cách hai mươi mấy năm trước, dựa bên đường quản hạt Sài Gòn đi
Tây Ninh, ở giữa đường Chí Hòa, có một có một cái nhà ba căn xông [1], lợp lá,
vách ván: nhà cất tuy nhỏ, song cao ráo khoảng khoát. Trong nhà dọn dẹp sạch sẽ,
trước sân trồng bông đỏ vàng, một bên có trồng một đám đậu đũa, còn một bên có
trồng mấy giòng khoai lang; phía sau hè lại có năm sáu gốc xoài lớn, nhánh lá
sum sê, che đất mát mẻ. Người lạ đi ngang qua cuộc ở nầy, ai cũng đoán chắc chủ
nhà tuy không được đứng vào hạng người giàu có, nhưng có lẽ cũng không phải ở
trong đám dân nghèo cực.
Thiệt như vậy, nhà nầy chưa đáng gọi là nhà giàu, mà cũng
không phải là nhà nghèo: Ấy là nhà của ông Ba Chánh, làm nghề thầy thuốc Bắc. Ở
vùng Chí Hòa, Bà Quẹo ai cũng biết ông và thường kêu ông là "Thầy Ba".
Ông Ba Chánh năm nay vừa quá 50 tuổi, tóc đã bạc hoa râm,
nhưng răng còn chắc chắn, sức còn mạnh mẽ. Ông goá vợ đã hơn 6 năm rồi. Trong
nhà chỉ có một đứa con gái, là cô Huyền, được 21 tuổi. Ông quen với thầy Thanh,
nhà ở một xóm, mà làm việc dưới Sài Gòn, thường hay tới lui đàm luận với nhau
chơi. Cách vài năm trước, vì thầy Thanh làm mai nói dẻo dai quá, nên ông mới gã
cô Huyền cho thầy Võ Như Bình, người mồ côi, gốc ở đâu dưới Hậu Giang, thi đậu
bằng thành chung[2] rồi làm việc trong một hãng buôn dưới Sài Gòn. Ông nghĩ thầy
Bình thân phận côi cút lại là người có học thức, nên gả con ông cũng không đòi
hỏi vật chi hết, đám cưới làm sơ sài, mời năm ba người quen đến ăn uống một bữa
mà thôi, mà cũng không cần rước Chánh lục bộ đến lập hôn thú.
Từ ngày cưới rồi thì thầy Bình về ở theo bên vợ. Thầy có sắm
một cái xe máy, để mỗi buổi sớm mai thầy đạp đi xuống Sài Gòn làm việc, trưa thầy
ăn cơm quán và ở nghỉ tạm tại nhà của người làm chung một hãng, đến chiều tối
thầy mới về Chí Hòa. Thầy Bình ở với cô Huyền đã sanh được một chút con trai, đặt
tên là Nghiệp, mới 10 tháng mà sổ sữa, ngộ nghĩnh, chẳm hẳm[3] lắm.
Ông Ba Chánh mỗi ngày coi mạch hốt thuốc cũng được năm bảy
thang, lại nhờ có bán thuốc hoàn thuốc tán thêm nữa, nên ông đủ sức chịu các tổn
phí về ăn uống trong nhà, rể ông làm việc lãnh lương bao nhiêu thì vợ chồng nó
để riêng mà xài, ông chẳng hề biết tới.
Gặp khi Nhà nước mở hội thi, để chọn 20 thầy ký lục, thầy
Bình hăm hở xin nghỉ làm việc một tuần lễ mà đi thi hổm nay[4]. Vì hồi sớm mai
thầy có nói chắc chiều bữa nầy thì xong rồi hết, bởi vậy lúc mặt trời chen lặn,
cô Huyền nấu cơm và hâm thịt cá rồi cô giao cho con Tý là đứa ở giữ em, coi chừng
mèo chó, cô bồng thằng Nghiệp ra lộ đi thơ thẩn mà đợi chồng.
Trời tối lần lần, thầy thợ đi làm về nói chuyện om sòm. Cô
Huyền ngóng trông mà không thấy dạng chồng. Cách một hồi thầy Thanh đạp xe máy
về ngang thầy thấy cô Huyền thì hỏi:
- Mông xừ[5] Bình về chưa? Thi đậu hay không?
- Thưa, chưa về nên em không biết có đậu hay không. Sao tối rồi
mà biệt mất vậy không biết!
- Thôi, để qua về ăn cơm rồi tối qua sẽ lại thăm.
Cô Huyền thấy cha đã đốt đèn trong nhà rồi, cô mới bồng con
trở vô và hỏi:
- Tối rồi, thôi để con dọn cơm cho cha ăn trước nghe hôn cha?
- Thôi, để đợi nó về ăn rồi sẽ ăn luôn thể.
- Sợ về trễ rồi cha đói bụng chớ.
- Không có đói đâu.
- Sao mà về trễ dữ vậy không biết?
- Có lẽ quan chấm bài vở lâu, nên nó phải ở chờ chớ sao. Vái
trời Phật phò hộ cho nó thi đậu đặng vô làm việc nhà nước cho chắc chắn một
chút.
- Con cũng vái van dữ lắm. Hổm nay cha thằng Nghiệp cứ nói chắc
đậu hoài. Tuy nói như vậy, song con cũng lo quá. Con vái nếu thi đậu thì con ăn
chay một năm, ăn ngày mùng một với ngày rằm.
- Có chồng mà con biết lo cho chồng như vậy là phải lắm. Ở đời
giàu nghèo tại mạng, không cần gì, giàu càng tốt, mà không giàu cũng chẳng hại
gì, miễn là vợ chồng thương nhau, biết lo cho nhau là quý hơn hết.
Cô Huyền ôm con mà hun, rồi bước ra sân có ý đi đón chồng nữa.
Cô chưa ra tới lộ thì thầy Bình cởi xe máy về tới. Thầy quẹo vô sân nhảy xuống
xe nghe một cái rột, coi bộ chẳm hẳm lắm. Cô Huyền lật đật bước lại và hỏi:
- Sao? Ðậu hay không?
- Sao lại không đậu! Ðậu số một nữa cà.
- Ðậu số một là sao?
- Là đậu đầu, đậu trên người ta hết thẩy chớ sao.
- May dữ há!
- May cái gì? Phải giỏi nên mới đậu số một đó chớ.
- Tôi vái dữ lắm. Thôi, mùng một tháng tới bắt đầu ăn lạt mà
trả lễ.
Thầy Bình dắt xe vô nhà. Cô Huyền bồng con đi theo, mặt mày hớn
hở. Ông Ba Chánh cũng đắt ý nên tay gãi đầu, miệng chúm chím cười. Cô Huyền đưa
con cho chồng và nói:
- Thôi chơi với em một chút đặng tôi đi dọn cơm ăn.
Thầy Bình châu mày mà đáp:
- Ðể người ta thay đồ chớ. Mệt muốn chết mà còn bắt bồng em nữa
sao?
Ông Ba Chánh nói:
- Ðưa em đây cho tao, để nó đi thay đồ chớ!
Ông rước bồng thằng Nghiệp mà nựng và nói đả đớt:
- Ba con thi đậu rồi, con mừng hôn? Lớn riết rồi học đặng thi
đậu làm thầy thông thầy ký như ba vậy, nghe hôn con.
Cơm dọn xong rồi, cô Huyền kêu con Tý ra bồng em và cô ngồi lại
ăn với chồng và cha.
Ông Ba chánh hỏi rể:
- Con thi đậu, vậy mà chừng nào họ mới kêu con đi làm?
- Tôi đậu số một, chắc mai mốt gì đây quan trên cấp bằng liền,
chớ không lâu đâu.
- Còn dưới hãng con tính làm sao?
- Tôi xin phép nghỉ một tuần, để chừng mãn phép tôi xuống tôi
xin thôi luôn.
- Con tính như vậy thì gấp quá. Con cứ đi làm dưới hãng, chừng
nào nhà nước cấp bằng rồi con sẽ xin thôi hãng, không được hay sao?
- Tôi chắc cấp bằng mau mà. Ðể tôi xin thôi trước dưới hãng đặng
ở nhà nghỉ ít ngày.
- Tự ý con. Không biết đây rồi nhà nước sai cắt con đi làm việc
sở nào?
- Hoặc làm việc tại Soái phủ hoặc đi xuống mấy tỉnh.
- Ði làm trong Lục tỉnh nữa hay sao?
- Thưa phải. Làm với các quan tham biện.
- Cha chả! Nếu quan trên sai con đi tỉnh thì bất tiện dữ há!
- Có bất tiện gì đâu?
- Bây dắt nhau đi xa, tao ở nhà có một mình tao buồn lắm chớ.
Cô Huyền cười mà nói pha lửng:
- Con để thằng Nghiệp ở nhà với cha.
Ông Ba Chánh chưa kịp trả lời, kế thầy Thanh bước vô thầy hỏi:
- Toa[6] thi đậu hay không, Bình?
Thầy Bình gật đầu mà đáp:
- Hễ thi thì đậu, làm sao mà rớt được kìa.
Ông Ba chánh nói tiếp:
- Nó đậu số một nữa chớ. Giỏi hôn? Ngồi đó chơi thầy Hai.
Thầy Thanh kéo ghế ngồi và nói:
- Giỏi thiệt. Coi bộ cô thông khoái dữ há?
Cô Huyền chúm chím cười.
Ăn cơm rồi ông Ba chánh với thầy Bình lại ngồi chung một bàn
với thầy Thanh mà uống nước.
Thầy Thanh nói với thầy Bình:
- Toa thi đậu moa[7] sợ quan trên cấp bằng cho toa đi tỉnh
quá.
- Ði tỉnh thì sướng, chớ sao lại sợ.
- Toa đi tỉnh tự nhiên toa phải dắt vợ con theo, rồi toa bỏ
ông Ba ở nhà quạnh hiu có một mình ông buồn chớ.
- Thuở nay người mình không nở mặt nở mày được như người ta
là tại cái tánh bo bo ở nhà giữ ông Táo hoài đó. Ở đời phải bay nhảy đặng lập
công danh chớ. Tôi thi đậu ký lục thì trên đường công danh tôi đã bước lên được
nấc thang đầu rồi. Vậy tôi phải chen lấn bước riết mà lên tới bực tột cho mau.
Tôi nói thiệt, nếu chừng cấp bằng mà quan trên sai tôi đi xuống Lục Tỉnh thì
tôi chịu lắm.
- Có chí lập công danh. Ở Sài Gòn cũng lập được, cần gì phải
đi xa. Tại sao mà toa lại chịu đi tỉnh lắm vậy?
- Thầy không biết hay sao? Làm việc ở dưới tỉnh, trước hết
mình được làng dân kính trọng, sau nữa bề tiền bạc rộng rãi. Nếu mình siêng
năng bặt thiệp, được lòng thương yêu tin cậy của quan bề trên thì mình muốn việc
gì cũng được hết thảy, sự giàu sang sẽ thấy trước mắt.
- Trời ơi! Moa không dè toa có cái óc hối lộ đến vậy! Chưa có
gì hết mà toa đã muốn sắm dao cạo đặng cạo thiên hạ chớ!
- Hứ! Hối lộ nghĩa là gì? Mình khôn ngoan, người ta muốn việc
gì mình tráo trở làm cho người ta được việc, người ta thưởng công cho mình, ấy
việc ơn nghĩa, chớ có phải hối lộ đâu.
- Nhà nước phát lương tháng cho toa đặng toa làm việc cho
dân. Nếu toa làm mà toa còn lấy tiền của dân nữa thì toa hối lộ chớ sao.
- Tôi nói người ta đền ơn, chớ không phải mình hối lộ. Nếu thầy
buộc gắt, không cho lãnh của thiên hạ đền ơn thì vô làm việc nhà nước có ích
gì, làm sao mà sắm ruộng vườn, làm sao mà cất nhà tốt, làm sao mà ngồi xe hơi…
Lương sợ không đủ ăn xài, có thể nào làm giàu được?
- Toa học giỏi, mà toa cãi như vậy, thiệt moa lấy làm lạ lắm.
Người có học thức phải thương yêu dìu dắt kẻ dốt nát quê mùa. Nếu dùng học thức
để kiếm tiền, không kể nhơn nghĩa chi hết thì vô nhơn đạo quá!
- Thầy học theo trường cũ nên thầy nói chuyện xưa quá. Sanh đời
nầy mà theo thời thượng cổ, thì làm sao mà lập công danh được. Ðời nầy là đời
kim tiền, chớ không phải đời nhơn nghĩa. Ấy vậy dù làm việc gì cũng phải chú
tâm về tiền bạc mới được; vì hễ có tiền nhiều thì thiên hạ mới kiêng nể, mới
kính trọng mới ngợi khen. Thiên hạ ai cũng lo kiếm tiền hết thẩy, mình dại gì
mà còn đeo theo nhơn với nghĩa, đạo với đức, không chịu làm như họ. Ai nói tham
danh tham lợi thì tôi chịu hết thẩy, tôi sẽ cứ một đường mà bước hoài là làm có
nhiều tiền, dầu làm phương pháp nào cũng được. chẳng cần chọn lựa. Ðể chừng tôi
giàu sang rồi thầy sẽ thấy thiên hạ họ kính trọng tôi hay là họ khinh bỉ tôi.
- Theo thái độ của toa đó, moa sợ toa ở tù trước khi làm giàu
chớ!
- Có lẽ. Mà đó là sự rủi ro của đường công danh. Nếu mình biết
tránh cho khỏi rủi ro ấy thì mới gọi là có tài trí chớ.
- Thôi đi, toa! Toa nói tiếng "công danh ", tiếng
"tài trí", moa nghe sao khó chịu quá.
- Tại sao vậy?
- Toa không muốn hiểu thì thôi, cần gì moa phải cắt nghĩa nữa.
Moa cầu chúc cho tài trí của toa đó giúp mở đường công danh của toa cho được rỡ
ràng.
Thầy Bình cười, còn thầy Thanh thì lộ sắc bất bình. Ông Ba
Chánh thấy vậy bèn nói :
- Sắp nhỏ bây giờ nói chuyện nghe khác hơn lớp già quá! Hễ mở
miệng thì chỉ biết nói tiền bạc, bạc tiền. Tại cái đời kỳ cục như vậy, biết làm
sao!
Thầy Bình nói:
- Ðời tiến hóa ấy là lẽ tự nhiên có gì đâu, cha.
- Phải. Tại đời tiến hoá nên lòng người mới đổi dời.
- Phải đổi dời mới được chớ. Cha nghĩ đó mà coi, đời xưa là đời
nhơn nghĩa, thì thiên hạ ai cũng làm nhơn nghĩa hết thảy. Ðời nay là đời tiền bạc,
thì thiên hạ ai cũng ham tiền bạc hết thảy. Ðời nào cũng xuôi thuận quá, có nghịch
đâu. Mình sanh đời tiền bạc mà mình làm nhơn nghĩa, đó mới thiệt là nghịch.
Thầy Thanh cười ngắt mà nói:
- Toa nói câu nào nghe cũng có lý hết thảy. Toa luận riết rồi
moa sợ quân ăn trộm, ăn cướp đều trở ra hiền nhơn, quân tử hết.
Ông Ba Chánh chúm chím cười, còn thầy Bình thì rùn vai đứng dậy
không muốn cãi nữa.
Thầy Thành từ giã ra về.
***
Cách mười bữa sau, thầy Bình tiếp được giấy cho hay rằng thầy
được cấp bằng chức ký lục, bổ thầy tùng sự tại Tòa bố Cần Thơ và dạy thầy phải
lập tức đi lãnh giấy tờ mà tựu chức.
Ông Ba Chánh với cô Huyền hay tin quan trên sai thầy Bình đi
Cần Thơ thì buồn hiu, cha buồn vì sợ phân cách con, con buồn vì lo cha quạnh quẽ.
Còn thầy Bình thì vui vẻ lắm, lật đật lo đi nhận giấy tờ để có đi làm việc.
Ông Ba Chánh thấy rể thay đồ thì nói:
- Con xuống Cần Thơ chắc phải kiếm nhà mấy thầy mà ở đâu đó
ít ngày, rồi sẽ mướn phố sắm đồ mà dọn nhà. Nếu con đem vợ con đi theo một lượt
cha coi có chỗ bất tiện. Cha muốn con đi trước một mình, chừng nào con dọn nhà
rồi con sẽ về mà rước mẹ con thằng Nghiệp, được hay không?
- Ý tôi cũng muốn vậy đó. Bây giờ chưa có nhà cửa, đem vợ con
theo khó quá.
- Vậy thì xong lắm, thôi, con lo lãnh giấy tờ mà đi trước đi,
để ít ngày rồi mẹ con nó xuống sau.
Cô Huyền thuở nay chỉ biết Sài Gòn, Gia Ðịnh với Chợ lớn mà
thôi, chớ chưa biết xứ nào khác, thừa dịp nầy cô mới hỏi chồng:
- Cần Thơ ở đâu lận, mình?
- Ở dưới Hậu Giang.
- Ði ngả nào mà xuống đó?
- Ở Sài Gòn mình đi tàu Lục Tỉnh, nó chạy qua Mỹ Tho, lên
Vĩnh Long, Sa Ðéc, Châu Ðốc, rồi đổ xuống Long Xuyên, Cần Thơ hay là mình đi xe
lửa xuống Mỹ Tho rồi đi tàu nhỏ qua Cần Thơ cũng được.
- Ðường xa cách trở quá há.
- Có xa gì đâu.
- Sau mình phải về mà rước tôi, chớ tôi có biết đâu mà đi.
- Ðể ở yên chỗ rồi tôi sẽ xin phép về rước.
Thầy Bình lấy giấy tờ xong rồi, thầy mua một cái rương đặng đựng
quần áo, sắp đặt đàng hoàng để tới bữa sau xuống tàu Lục Tỉnh mà đi.
Chiều bữa sau, ăn cơm rồi, ông Ba Chánh kêu hai cỗ xe ngựa,
ông ngồi một cỗ với cái rương, còn vợ chồng thầy Bình với con ngồi một cỗ mà đi
xuống bến tàu Lục Tỉnh. Thầy Thanh hay tin trước nên bữa đó, mãn giờ làm việc,
thầy ở luôn dưới Sài gòn mà đưa thầy Bình đi. Ðem hành lý vô phòng xong rồi thầy
Bình trở lên tàu đứng nói chuyện chơi. Cô Huyền đưa con cho chồng và nói:
- Em đây nè, bồng chơi với nó cho đã rồi có đi. Mình đi đây đố
khỏi ở nhà nó nhớ nó khóc đêm cho mà coi.
Thầy Bình bồng con mà cứ lo nói chuyện với thầy Thanh hoặc với
cha vợ, bộ vui vẻ như thường, không bịn rịn vợ con chút nào hết.
Tàu gần mở dây nên súp lê[8] kêu giục hành khách xuống đặng
nó chạy. Thầy Bình trả lại con cho vợ, giã từ cha vợ và thầy Thanh rồi xây lưng
đi xuống tàu.
Cô Huyền đi theo và dặn:
- Xuống dưới, mình lo kiếm phố mướn cho mau rồi về rước, nghe
hôn. Ðồ đạc để tôi xuống rồi tôi sẽ mua sắm cũng được, mà bữa nào mình xuống tới,
mình gởi thơ về liền cho tôi mừng, ở nhà tôi trông dữ lắm.
Thầy Bình gục gặc đầu mà thôi, chớ không nói tiếng chi hết.
Tàu rút chạy, chưn vịt quay nước đùng đùng, súp lê thổi nghe
inh ỏi. Cô Huyền đứng ngó theo chiếc tàu rồi ôm con mà hun, nước mắt rưng rưng
chảy.
Chú thích
[1] xông: chái; ba căn một chái
[2] (diplôme),bằng trung học theo chương trình giáo dục „cũ“
của Pháp
[3] sốt sắng, sống động
[4] hôm ấy tới nay
[5] (monsieur), ông
[6] (toi), anh, mầy
[7] (moi) tôi
[8] (souffler), thổi còi, thúc còi
CHƯƠNG 2
T
an buổi hầu chiều, mấy thầy thông thầy ký trong toà bố Cần
Thơ kẻ trước người sau lần lượt ra cửa mà về, già thì bịt khăn đen, trẻ thì đội
nón, song người nào cũng mặc áo dài, mang giày tây, nơi cánh tay lại có mang một
cây dù hoặc đen hoặc trắng.
Thầy Bình ra sau hết, thầy mặc một cái áo địa minh lương, với
một cái quần tây trắng ống rộng, đầu đội nón nỉ xám, chưn mang giầy tây vàng,
thầy đứng tại cửa nhà hầu mà ngó, miệng có ngậm điếu thuốc, tướng mạo đẹp đẽ mà
lại nghiêm nghị.
Hương thân Ðáng ở trên Bình Thủy, đương đứng dựa bên một cỗ
xe ngựa đậu ngoài đường, vừa ngó thấy thầy thì lật đật đi vô, chắp tay cúi đầu
vừa xá vừa nói :
- Bẩm thầy, anh Xã cậy tôi đem xe xuống rước thầy. Vậy xin mời
thầy ra đi.
Thầy Bình gật đầu rồi thủng thẳng đi theo Hương thân Ðáng mà
ra đường. Tới chỗ xe đậu, thầy đứng ngắm con ngựa và hỏi Hương thân:
- Ngựa tốt quá hả. Có chứng hay không vậy?
- Bẩm, không. Rước thầy mà đâu dám bắt ngựa chứng, rủi ro rồi
dễ gì hay sao. Mời thầy lên xe.
- Ừ, nếu ngựa không chứng thì được, chớ ngựa chứng đi hiểm
nghèo lắm.
Thầy Bình lên xe với Hương thân Ðáng, rồi người đánh xe nắm
cương giục ngựa chạy lên đường Bình Thủy.
Thầy hỏi Hương thân:
- Tôi mới đổi lại, nên chưa biết làng nào hết. Ðây lên Bình
Thủy bao xa?
- Bẩm, gần …. Chừng ba bốn ngàn thước.
- Nhà chú Xã có đám gì mà hôm qua chú xuống ân cần mời tôi dữ
vậy?
- Bẩm, bữa nay chú có cúng cơm cho bà già chú. Chú nói thầy đổi
lại mấy tuần mà làng chưa có dịp gì đãi thầy, nên nay có dịp cúng cơm, chú mời
thầy lên chơi cho biết nhà.
- Có mời thầy cai, thầy phó hay không?
- Bẩm không. Chú Xã mời một mình thầy với ít vị hương chức
trong làng mà thôi. Bẩm, tôi xin lỗi thầy, không biết gốc gác thầy phải ở Cái Dầu,
trên Long Xuyên hay không?
- Phải. Sao chú biết?
- Bẩm, cách ba bữa rày tôi đi lên Cái Dầu, tôi nghe người ta
nói, nên tôi mới biết. Bẩm, tôi đây có bà con với thầy.
- Ủa! Bà con sao đó?
- Bẩm, tôi kêu bà cụ hồi trước đó bằng dì. Bà cụ với bà thân
của tôi là chị em một đầu ông cố.
- Phải. Hồi trước tôi nghe bà già tôi nói gốc gác ở Cần Thơ,
chắc là Bình Thủy chớ gì.
- Bẩm phải.
- Hồi nhỏ tôi mắc học. Mấy năm nay học xong rồi, thì tôi mắc
làm việc trên Sài Gòn, phần thì ông già bà già tôi khuất hết, nên tôi không có
về Cái Dầu nữa. Tại vậy tôi không biết người bà con nào hết.
- Tôi nghe trên Cái Dầu họ nói tôi mừng quá. Dì tôi tuy khuất
rồi, mà còn được như vậy, thì cũng đáng gọi là có phước. Tôi vái thầy ở Cần Thơ
luôn luôn cho tới già đặng làng tổng họ nhờ.
- Làm việc nhà nước nay ở chỗ nầy, mai dời đi chỗ khác, làm
sao ở hoài đây cho được.
- Tôi thấy có nhiều thầy thông ở một chỗ hoài có đổi đâu. Thầy
ở đây ít năm chắc thầy giàu.
- Làm sao giàu được?
- Ở đây khá lắm. Tỉnh giàu, hương chức biết ơn nghĩa, mà dân
cũng dễ chịu.
- Chú làm sao cho tôi giàu thì chú làm thử coi.
- Nếu thầy muốn thì có khó gì đâu.
- Làm giàu ai lại không muốn.
- Ðược để thủng thẳng rồi sẽ tính.
Xe lên tới Bình Thủy, đậu trước nhà Xã trưởng Tồn. Mấy tòa
nhà ngói đồ sộ, ngoài có hàng rào xây gạch, sân có để kiểng vật đủ thứ. Mặt trời
vừa mới lặn mà trong nhà đèn đốt sáng trưng. Thầy Bình bước xuống xe thì đã có
Xã trưởng Tồn, Hương cả Hạt với ba bốn vì Hương chức khác ra cửa tiếp rước mời
vô nhà. Thầy Bình ngồi giữa với Hương cả, còn mấy vị hương chức khác thì ngồi tại
bàn bên tay mặt chớ không đám ngồi chung.
Xã Tồn pha rượu khai vị mà mời thầy Bình uống và nói:
- Thầy Thông chiếu cố nên đến nhà tôi, thiệt tôi mừng không
biết chừng nào, xin thầy dùng chút rượu khai vị rồi lát nữa ăn cơm.
- Tôi ít ưa đi đám tiệc. Thầy chú có lòng mời cứ theo năn nỉ
hoài, nên tôi mới đi đây.
- Thầy đổi lại mấy tuần rồi, mà làng tôi chưa mời ăn cơm được,
thiệt hổm nay Hương chức ái ngại hết sức.
- Hương chức có đi lễ ra mắt tôi rồi, vậy cũng đủ, cần gì phải
đãi tiệc.
- Anh em tôi muốn mời thầy lên làng chơi cho biết.
- Quan lớn Chánh hay đi viếng làng, để rồi tôi đi với ngài, tự
nhiên tôi sẽ biết mấy làng, có gấp gì.
- Thầy nhỏ tuổi, lại vừa mới đổi xuống, mà tôi coi ý quan lớn
Chánh yêu thầy quá, có chuyện gì cũng kêu thầy luôn luôn.
- Tôi đứng thông ngôn, tự nhiên tôi phải gần ngài luôn luôn,
cái đó có gì lạ đâu.
- Bẩm thầy, không biết năm nay thầy được bao nhiêu tuổi?
- Tôi mới 24 tuổi.
- Tuổi còn nhỏ mà giỏi quá.
Ông cả Hạt bưng ly rượu mà uống, rượu nhểu ướt râu nên ông lấy
khăn mà lau và hỏi:
- Bẩm, thầy làm ký lục mỗi tháng lãnh lương của nhà nước được
bao nhiêu?
Hương thân Ðáng lật đật bước qua và nói :
- Bẩm Cả, thầy Thông đây là thông ngôn chánh ngạch chớ không
phải ký lục như mấy thầy khác vậy đâu.
Mấy lời bợ đỡ ấy làm cho dịu bớt câu hỏi vô vị của ông Cả, lại
làm cho thầy Bình vui vẻ, nên thầy chúm chím cười mà đáp giọng khiêm nhường rằng:
- Tôi mới thi đậu vô ngạch, nên lương còn ít lắm, mỗi tháng
lãnh có vài chục.
Hương thân Ðáng nói :
- Bẩm thầy, mới thì ăn lương ít, mà trong mấy năm thầy lên chức
Tri Huyện, Tri Phủ, lương mỗi tháng tới hai ba trăm lận chớ. Mà làm việc nhà nước
có ai kể số lương đâu, đó là tiền đi xe, uống rượu mà chơi chớ làm giàu làm có
được.
Thầy Bình càng thêm đắc ý nên uống cạn ly rượu rồi đứng dậy
đi vòng quanh nhà mà coi bàn ghế đồ đạc. Thầy đi tới đâu cũng có Hương thân
Ðáng đi theo sau lưng, vì chủ nhà mắc coi đặt bàn dọn tiệc. Thầy đi một vòng rồi
bước ra sau mà coi kiểng. Nhờ trăng tỏ rạng, lại cũng nhờ đèn trong nhà giọi
ra, nên ngoài sân sáng như ban ngày.
Thầy thấy hai bên phía tay mặt có một ngôi nhà tốt đẹp, thầy
mới hỏi Hương thân:
- Bên nầy nhà của ai?
- Bẩm thầy, đó là nhà của bà Chủ Phận, cô ruột của anh Xã.
- Ông chủ đó còn ở trong hội tề hay là cựu?
- Bẩm, ông mất lâu rồi. Bà chủ có một người con gái mà chồng
cũng chết rồi, nên bây giờ trong nhà có hai mẹ con mà thôi. Bẩm, bà chủ giàu lớn
lắm, mỗi năm thâu góp gần 30 ngàn giạ. Trong nhà bây giờ có bạc nhiều mà đồ đạc
thứ gì cũng tốt hết thẩy. Ðể ăn cơm rồi tôi mời thầy qua bển xem đồ chơi.
- Nhà đàn bà góa mình tới làm gì?
- Bẩm, không ngại gì. Nhà đó cũng như nhà anh Xã vậy. Ðể tôi
cho hay trước, rồi lát nữa tôi dắt thầy qua đó một chút.
Xã Tồn dọn tiệc xong rồi mới ra sân mời thầy thông vô dùng
cơm. Thầy thông ngồi ngang với ông Cả trên đầu bàn, còn Hương chức với chủ nhà
ngồi tiếp phía dưới. Bữa cơm dọn rất xứng đáng, đồ ăn món nào cũng ngon, lại Xã
Tồn và Hương thân Ðáng ân cần mời thầy thông từ món.
Vì Hương thân Ðáng đã có nói nhỏ hồi nãy, nên chừng ăn cơm uống
nước rồi, Xã Tồn mới mời thầy thông đi qua nhà bà Chủ chơi cho biết. Hương thân
với Xã trưởng đi theo thầy mà thôi, còn mấy ông Hương chức kia thì ở ngay tại
nhà.
Bên nhà bà Chủ Phận đã mở cửa đốt đèn sẵn rồi, thầy thông vừa
bước lên thềm, thì bà chủ với người con gái của bà là cô Hương tiếp chào và mời
khách vô nhà.
Cô Hương rót ba tách nước trà rồi kêu con nhỏ ở mà biểu bưng
lại để trước mặt mỗi người khách. Cô mở tủ lấy một gói thuốc điếu rồi bổn thân
đem lại để trên cái dĩa bằng đồng và mời thầy thông.
Ðồ đạc trong nhà thiệt là tốt, nhưng mà sự tốt của đồ đạc
không bằng sắc đẹp của cô Hương; bởi vậy thầy Bình cứ nhìn cô hoài, lúc cô đứng
rót nước thì ngó chung hình dung đề đạm, lúc cô để gói thuốc thì ngó bàn tay dịu
nhỉu.
Bà Chủ ngồi trên phía ghế trong, bà mời thầy thông uống nước
và hỏi:
- Tôi nghe nói thầy thông mới đổi lại vậy mà dọn nhà cửa xong
rồi hay chưa?
- Thưa, tôi mướn phố được rồi, nhưng đồ đạc mua chưa kịp, nên
có lẽ tuần sau tôi mới dọn.
- Nếu vậy thì hổm nay thầy ở đâu?
- Tôi ở đậu nhà của một thầy ký làm trong Tòa bố.
- Thầy đến nhà thăm tôi, thiệt tôi cám ơn lắm. Ðể thầy dọn
nhà rồi tôi sẽ xuống thăm.
Hương thân Ðáng nói:
- Bà chủ đây có điền đất nhiều, nên xuống Tòa bố mà hầu thường
lắm.
Thầy thông gật đầu nói:
- Bà có việc gì cứ cho tôi hay; tôi sẽ hết lòng mà giúp bà.
Bà chủ nói:
- Tôi rất cám ơn thầy. Tôi có ruộng đất chút ít, nên có chuyện
hoài. Ngặt trong nhà không có đàn ông bởi vậy có nhiều khi tôi bối rối hết sức.
Hồi trước thằng Xã nó rảnh, có việc gì tôi cậy nó làm giùm. Từ ngày nó ra làm
làng, nó mắc lo thâu thuế, có rảnh đâu mà cậy mượn nó được nữa.
Hương thân Ðáng nói:
- Thưa bà, có việc gì bà sai cô Hai đây đi cũng được, bà đi
làm chi cho nhọc lòng.
- Nó mắc con, nó có nói đi đâu được. Phần thì nó khờ quá, nó
hiểu việc gì đâu.
- Dể hôn! Cô Hai tháo việc lắm chớ. Tại bà không sai cô đi,
nên cô cứ ở nhà hoài. Có việc gì bà sai cô đi thử một lần coi cô làm xong hay
không mà.
Cô Hương đứng đằng xa cười và nói:
- Thuở nay tôi chưa có đến quan mà hầu lần nào, đến đó tôi thấy
mặt quan tôi quýnh, chắc tới nói lộng cộng rồi hư việc hết.
Thầy Bình thấy miệng cô cười rất có duyên, lại nghe giọng có
nói rất lảnh lót, thầy muốn ghẹo cho cô nói nữa, nên thầy nói:
- Quan cũng là người ta như mình. Mình có việc nên đến cầu
người phân xử. Mình có tội gì mà sợ.
- Ðể khi nào có việc tôi đi hầu thử một lần coi.
- Hễ cô xuống tới, xin cô bảo bếp hầu cho tôi biết trước.
- Tôi sẽ vưng theo lời thầy dạy.
Thầy Bình nghe đồng hồ gõ 10 giờ, nên thầy đứng dậy từ mà về.
Bà Chủ với cô Hương đi theo sau mà đưa ra thềm.
Xã Tồn kêu người nhà biểu dắt ngựa thắng xe, rồi cũng cậy
Hương thân Ðáng đưa thầy thông về Cần Thơ.
CHƯƠNG 3
T
hầy Bình mướn một căn nhà dọn ở riêng được mấy bữa rày. Thầy
mới mua một cái giường để ngủ và một cái bàn với ít cái ghế chớ chưa sắm đồ đạc
chi hết. Thầy mướn một đứa nhỏ để sai vặt, chớ chưa mướn người đi chợ để nấu
ăn, nên mỗi ngày thầy vẫn còn ăn cơm nơi nhà thầy ký Huế làm trong Tòa bố.
Một buổi chiều chúa nhựt, trời chuyển mưa, dông gió ầm ầm mây
kéo đen kịt, người đi ngoài đường sợ mắc mưa nên ai cũng bươn bả đi riết. Thầy
Bình bước ra đứng tựa của ngóng trông, bỗng thấy có một cỗ xe ngựa ngừng, rồi
Hương thân Ðáng leo xuống ngó dớn dác, dường như kiếm nhà. Vừa thấy thầy Bình
thì Hương thân lộ sắc mừng, lât đật đi vô cửa vừa xá vừa nói:
- Bẩm, tôi nghe anh Xã nói thầy đã dọn nhà rồi nên tôi xuống
kiếm thăm coi thầy dọn ở chỗ nào. Thầy ở dãy phố nầy vui mà lại mát mẻ, coi được
lắm.
Thầy Bình mời khách vô nhà. Hương thân Ðáng kéo một cái ghế để
dựa vách mà ngồi, ngó cùng trong nhà mà nói :
- Thầy mới dọn nên chưa sắm đồ đạc kịp. Ðể tôi đốc anh Xã mua
một cái tủ mà đi lễ tân gia. Nếu mấy làng lớn, hương chức chung đậu nhau, mỗi
làng mua một món đồ mà đi hạ[1], thì thầy có đủ dùng chớ gì.
Thầy Bình cười đáp :
- Có lẽ nào Hương chức mấy làng đều tử tế như chú vậy đâu.
- Bẩm, mỗi người đậu chừng một vài đồng bạc cũng đủ rồi, chớ
phải đậu một hai chục gì sao mà sợ tốn.
- Phải. Nhưng mà tôi mới xuống đây, chưa giúp ích cho ai được
việc gì, nên đâu dám mong cậy người ta đền ơn.
- Làm nghĩa trước đặng chừng hữu sự người ta giúp mới cao, chớ
đợi có việc đến cầu người ta giúp rồi mới đền ơn, thì có hay ho gì đâu. Thầy đứng
thông ngôn cho quan lớn, bề nào hương chức cũng phải nhờ thầy; ấy vậy hương chức
làm nghĩa với thầy có mất gì đâu mà sợ.
- Hôm nay chú nói chuyện với tôi, thì tôi thấy chú là người
cao kiến lại biết điều quá. Tại sao trong làng chú lại lãnh chức Hương thân,
không làm Xã Trưởng hoặc Hương quản đặng khá lương hơn một chút.
- Bẩm, làm Xã trưởng phải chịu tổn hao đủ thứ, còn làm Hương
quản thì phải đi tuần cực nhọc. Ðã vậy mà tôi không có hằng sản[2], nên Hội tề
có dám cử tôi làm Xã đâu.
- Sao lại không đám?
- Họ sợ rủi tôi làm mất bạc thuế hoặc công nho[3] rồi họ phải
thường.
- Có sao đâu mà sợ. Ðể chừng chú Xã nầy mãn khóa rồi tôi biểu
hội tề cử chú lên làm xã. Người biết chuyện mà trong làng lại yểm tài như vậy
sao được.
- Bẩm, cuối năm nay anh Xã Tồn mãn, nếu thầy thương, chừng
làng cử thầy nói giúp với, thì có lẽ làm được.
- Tôi sẽ nói cho.
- Cảm ơn thầy. Hôm qua có trát đòi cựu Hương giáo Tính hầu về
vụ mướn công điền. Tôi có dặn phải xuống đó trước với thầy, không biết y có xuống
hay không?
- Có.
- Bẩm, việc đó xong hay không?
- Xong.
- Bà Chủ Phận, là cô của anh Xã, nhà thầy quá chơi đêm hôm
đó, bà cũng hay có chuyện làm bởi vì bà giàu lớn, thường mua đất mua điền, đóng
thuế nầy thuế nọ, nên phải đi hầu hoài. Tôi có cắt nghĩa phải quấy cho bà nghe,
tôi khuyên bà phải đến thăm thầy mà làm nghĩa, sau có việc gì thì thầy giúp
cho. Bà có hứa với tôi để bữa nào bà xuống.
- Bà Chủ đó giàu lớn lắm hay sao?
- Bẩm, giàu lớn, mỗi năm thâu góp lối 30 ngàn giạ, trong làng
tuy còn nhiều người khác có ruộng đất nhiều hơn bà, nhưng mà người ta có đông
con, ăn xài nhiều, nên huê lợi mỗi năm phải hao hớt. Bà chủ có một người con
gái mà thôi, lại phận goá bụa không ăn xài chi hết, bởi vậy mỗi năm thâu góp
bao nhiêu thì còn nguyên. Tôi biết bây giờ trong nhà bà có bạc nhiều lắm.
- Hôm trước chú nói cô Hai là con gái của bà Chủ đó, cũng góa
chồng nữa phải hôn?
- Bẩm, phải. Chồng của cô Hai Hương chết, mới mãn tang hôm
tháng trước đây.
- Chồng của cô hồi trước là ai?
- Bẩm, con của một ông Chánh bái trong làng còn nhỏ nên chưa
có làm chức chi hết. Người đó mồ côi. Nên có phần ăn của cha mẹ để lại gần một
trăm mẫu điền. Bây giờ cô Hai Hương cũng góp ruộng ấy nuôi con. Giàu rồi họ còn
giàu thêm.
- Cô Hai có mấy đứa con?
- Bẩm, hai đứa, thằng Hoàng năm nay đã được bốn tuổi, còn con
Loan, hồi chồng chết cô có chửa được ít tháng, nay nó được hai tuổi.
- Cô đó coi còn măng quá, mà có tới hai đứa con rồi hả? Năm
nay cô được bao nhiêu tuổi?
- Bẩm, lối 25 hoặc 26 gì đó, tôi không nhớ chắc. Nhà giàu ăn
rồi ở không, có con thì mướn vú nuôi nên sắc không phai được. Mãn tang rồi đây
có lúc cô sẽ lấy chồng. Cha chả! Ðàn ông nào rớt vô đó thị no lắm.
Thầy Bình ngồi lơ lửng mà suy nghĩ.
Hương thân Ðáng hỏi:
- Hổm nay tôi quên hỏi coi thầy có vợ hay chưa mà sao xuống
đây thầy có một mình. Bẩm thầy, dầu thầy chưa cưới vợ, nhưng có lẽ thầy cũng đã
hứa hôn chỗ nào rồi chớ?
Thầy Bình chúm chím cười đáp :
- Tôi có vợ rồi mà cũng như chưa.
- Ủa, sao vậy? Vợ chồng ly dị hay sao?
- Lúc tôi ở Sài Gòn, làm việc ngoài, tôi làm bạn với một người,
có sanh một đứa con, tuy kết vợ chồng song không có cưới hỏi, không có làm hôn
thơ hôn thú chi hết. Chừng đẻ con, Chánh lục bộ nói không có hôn thú nên đứa nhỏ
phải khai theo tên mẹ. Tại như vậy đó, nên tôi có vợ có con, mà cũng như không
có chi hết.
- Bẩm, phải. Vợ không có hôn thú, con không có khai sanh thì
có ăn thua vào đâu. Tuy vậy mà con là máu thịt của thầy, bề nào thầy cũng phải
nhìn, chớ bỏ sao được. Chớ chi thầy chưa có vợ con, tôi làm mai cho thầy cưới
cô Hai Hương thì đúng lắm.
- Cưới như vậy sao được. Cổ lớn tuổi hơn tôi, lại có tới 2 đứa
con; nếu tôi cưới thì họ cười chết, họ nói tôi ham giàu.
- Bẩm, lớn hơn một hai tuổi có hại gì đâu. Còn cô Hai tuy có
hai đứa con, mà cô còn nheo nhẻo, cô đẹp quá xứng với thầy hết sức.
- Cô đẹp thiệt, song cô giàu, nếu mình rớ vô thì họ nói mình
ham tiền.
- Tiền mà không ham, chớ ham giống gì? Cô Hai Hương có tiền của,
còn thầy có học thức, thầy có thua cô chỗ nào đâu.
- Việc gì chú luận nghe cũng xuôi hết thẩy. Chú nói như vậy
chớ tôi chắc cô Hai Hương không dám lấy chồng đâu.
- Bẩm, tại sao mà không dám?
- Bây giờ cô ăn ruộng đất của chồng mà nuôi con. Nếu cô lấy
chồng thì bà con bên chồng trước của cô, họ kiện lấy ruộng đất ấy mà thủ hộ đặng
để dành cho hai đứa con nhỏ, họ có cho cô ăn nữa đâu.
- Bẩm, nếu cô lấy chồng mà đừng thèm làm hôn thú, thì bà con
bên chồng trước có nói được đâu. Mà số huê lợi đó lối năm, sáu ngàn giạ, chớ
nhiều nỗi gì. Dầu cô trả lại bên chồng cũ, thì còn của bà Chủ đó chi. Của bà
già cô còn nhiều bằng năm bằng bảy số đó nữa. Tôi biết hễ nhào vô đó thị bề nào
cũng no. Nếu về ở bên Bình Thủy, rồi mua một cái xe cao su, mỗi buổi hầu đi xuống
CầnThơ làm việc cũng được. Còn như muốn ở dưới nầy thì nói với bà Chủ mua cho một
cái nhà thiệt tốt đặng ở coi cho xứng đáng cũng được. Nhà đó mà có một người rể
làm thông ngôn thì phải lắm vậy.
Thầy Bình cười, song không cãi lẽ nữa.
Hồi chiều trời chuyển dữ dội, nhưng mà nhờ gió thổi tan mây hết,
nên rồi không mưa, Hương thân Ðáng từ mà về. Thầy Bình đi theo ra tới lộ, chừng
xe của Hương thân chạy rồi, thầy mới đi lên đi xuống ngoài đường mà suy nghĩ. Bề
thế của ông Bà Chánh trên Chí Hoà với bề thế của bà Chủ Phận ở Bình Thủy cứ vởn
vơ trước mắt thầy hoài làm cho trí thầy chộn rộn không yên. Hình dáng chơn chất
của cô Huyền với hình dáng sang trọng của cô Hương cứ chàng ràng trong óc thầy
hoài, làm cho lòng thầy xao xuyến không định.
Thầy Bình chấp tay sau đít, cúi mặt xuống lộ thủng thẳng bước
từng bước, không để ý đến kẻ qua người lại.Thình lình thầy nghe sau lưng có tiếng
kêu mà nói:
- Mình, mình, tôi kiếm tự hồi chiều đến bây giờ dữ quá!
Thầy day lại thì thấy cô Huyền tay xách hoa-ly nhỏ đi gần tới,
lại có con Tý bồng thằng Nghiệp đi theo. Thầy châu mày mà hỏi:
- Xuống tới hồi nào? Tôi chưa gởi thơ biểu xuống mà lại đi bất
tử như vậy?
- Hổm nay trông thơ dữ quá mà không thấy chi hết, tôi nóng nảy
chịu không được, nên tôi nói với cha mà đi đây. Mình có dọn nhà cửa mà ở hay
chưa vậy.
- Mới mướn được một căn phố mà chưa có đồ đạc chi hết. Tôi
tính để dọn nhà cho xong rồi tôi sẽ cho hay.
- Mướn căn nào đâu?
- Phố nầy đây.
Cô Huyền trao hoa-ly cho con Tý, cô rước bồng thằng Nghiệp mà
đưa vô mình thầy Bình và nói:
- Ba đây con.
Thầy Bình nói:
- Thôi đi vô nhà!
Thầy day lưng đi vô, mà không chịu bồng con. Cô Huyền không để
ý đến cái cử chỉ lợt lạt ấy, mà cô lại cười, rồi đi theo chồng mà vô nhà. Cô để
thằng Nghiệp trên bàn, tay vịn nó mà nói :
- Tàu lại tới hồi năm giờ chiều. Tôi hỏi thăm họ không biết.
May nhờ có chú lính chỉ đường nên tôi đi nhầu[4] lên đường nầy, may gặp mình
đó.
- Ai chỉ đường cho mình biết mà xuống đây?
- Tôi đi liều mà. Tôi đi xe lửa xuống Mỹ Tho, tôi hỏi thăm
tàu đi Cần Thơ. Họ chỉ và tôi xuống tàu mà đi. Ði dễ quá có khó chi dâu.
- Nhà có một cái giường với một cái bàn, chưa có đồ đạc chi hết.
Xuống bất tử như vậy rồi làm sao? Nồi ơ chén dĩa đâu có đặng nấu cơm mà ăn?
- Ðể sáng mai rồi tôi mua, mình đừng có lo. Ðồ đó ngoài chợ họ
bán thiếu gì. Ðâu mình bồng con dùm một chút đặng tôi đi coi nhà thử coi.
Bây giờ thầy Bình mới chịu bồng con, thằng nhỏ nhìn cha rồi
chằng miệng cười hít hát dễ thương lắm. Cô Huyền đi từ trước ra sau coi trong
buồng, coi nhà bếp; cô biểu con Tý đem hoa ly để trên giường rồi cô trở ra mà
nói:
- Căn phố rộng rãi mát mẻ quá. Mình mướn bao nhiêu một tháng
vậy?
- Tám đồng.
- Nhiều tiền quá hả.
- Phố rẽ tiền cũng có, mà dơ quá ở coi sao được. Ði rồi bỏ
ông già ở nhà có một mình, tôi nghĩ tới đó tôi không vui chút nào hết.
- Tôi có nói với cha để tôi xuống coi công cuộc ra làm sao ít
bữa rồi tôi về.
- Tôi muốn mình ở với cha, lâu lâu tôi xin phép về thăm thì
phải hơn. Bỏ ổng một mình ở nhà tội nghiệp quá.
- Cha nói tuy tôi đi thì cha buồn, song gái thì phải theo chồng,
cha không nỡ cản.
- Phải, có lẽ nào ổng cản. Mà phần mình làm con, mình đừng
làm cho ổng buồn mới phải chớ.
Trời tối rồi. Thầy Bình quẹt lửa mà đốt đèn. Cô Huyền biểu
con Tý bồng em ra lộ chơi cho mát. Thầy Bình hỏi:
- Bây giờ mình làm sao mà ăn cơm đây?
- Tôi với con Tý mua đồ dưới tàu mà ăn hồi chiều nên không
đói. Còn nhà không có nấu nướng, rồi mình làm sao mà ăn cơm?
- Từ hôm xuống dưới nầy đến nay, tôi ăn cơm đằng nhà thầy ký
Huê.
- Mình ăn cơm chiều rồi hay chưa?
- Chưa. Ðể một chút rồi tôi đi ăn.
- Tôi còn một hộp cá mòi của thầy Thanh mua dùm cho tôi đem
theo. Ðể một chút rồi tôi sai con Tý đi kiếm bánh mì, nó mua về rồi ăn cũng được.
- Tôi có muớn thằng nhỏ ở đó. Muốn mua giống gì thì sai nó đi
mua cho, chớ con Tý biết đường đâu mà đi.
- Thầy hai Thanh có gởi lời thăm mình nữa.
- Hôm nọ tôi cãi với thầy dữ quá tôi tưởng thầy giận tôi chớ.
Té ra thầy không giận, nên hôm tôi đi, thầy đưa cho tôi xuống tàu ở cho tới tàu
chạy.
- Anh em nói chuyện chơi mà giận nỗi gì. Mà mình thiệt tệ lắm.
Mình không vị ông mai chút nào hết, mình cãi dữ quá, tôi sợ mích lòng thầy chớ.
- Thầy nói chuyện nghe xưa quá, không cãi sao được.
Gần 7 giờ, thầy Bình kêu thằng nhỏ ở mà sai đi mua bánh mì,
còn thầy đi lại nhà thầy ký Huê mà ăn cơm. Cô Huyền đem con vô mùng mà dỗ ngủ,
rồi đi ra đi vô mà nhắm nhía căn nhà, coi bộ vui vẻ lắm.
***
Lại nhà thầy ký Huê ăn cơm, thầy Bình giấu biệt không chịu
cho vợ chồng thầy ký hay việc vợ con thầy xuống. Chừng trở về nhà, thầy thấy cô
Huyền đương ngồi chống tay trên bàn mà ngó ra lộ, cửa mở bét, dường như ngồi đợi
thầy về; thầy bèn khép cửa lại và hỏi:
- Thằng Nghiệp ngủ rồi hay sao?
- Ngủ rồi. Chắc nó biết đi xuống ba nó nên nó mừng hay sao mà
ngày nay ở dưới tàu nó giỡn dữ quá, dỗ cách nào nó cũng không chịu ngủ.
- Con nít biết khỉ gì mà mừng.
- Tính phải mua những đồ gì đâu, mình nói cho tôi biết, đặng
sáng mai tôi đi mua.
- Thôi, đừng mua vật gì hết, tiền bạc chưa có, để thủng thẳng
rồi sẽ hay.
- Tôi có tiền đây.Tôi đi cha có cho 30 đồng bạc.
- Ba chục đồng bạc mà mua giống gì! Ðừng có mua gì hết.
- Dầu không mua giống gì, thì cũng phải sắm nồi, ơ, chén bát
đặng ăn cơm chớ. Bề nào cũng phải sắm một lần, để tôi lựa đồ thiệt tốt tôi mua.
- Tôi biểu đừng có mua giống gì hết. Tôi muốn mình về trển ở
với cha, tôi ở dưới nầy một mình tôi ăn cơm tháng, tôi trả tiền cho người ta,
làm như vậy ít tổn hao, mà ông già lại khỏi buồn nữa.
- Phân cách như vậy khó quá.
- Có lễ nghỉ tôi về thăm, đường dễ đi, có khó chi đâu.
- Sợ thằng nhỏ nó nhớ rồi nó ốm tội nghiệp chớ.
- Thủng thẳng rồi nó quen chớ gì.
Cô Huyền ngồi buồn hiu.
Thầy Bình nhẫn tâm đến cùng, thầy không kể sự buồn của vợ, thầy
lại nói tiếp:
- Tôi muốn sáng mai mình về liền, cho ông già khỏi ở nhà ổng
trông. Mai 7 giờ có tàu chạy ra Mỹ Tho.
- Tôi có nói với cha tôi xuống ở chơi ít ngày. Cha biểu ở
luôn chừng nào có lễ nghỉ thì tôi với mình sẽ về thăm cũng được.
- Biết chừng nào mới có lễ. Thôi mai mình về trước đi, rồi chừng
nào có lễ thì tôi sẽ về.
- Ðể mẹ con tôi ở lại chơi ít bữa được mà.
- Mai hay ít bữa cũng vậy. Ở rồi ăn uống bất tiện quá.
- Ở chơi, thứ ăn uống mà lo làm chi. Thôi, mình để tôi ở một
bữa, sáng mốt rồi tôi sẽ về.
- Muốn ở tới sáng mốt thì ở; mà mình đừng có đi mua vật chi hết
nghe hôn, để thủng thẳng tôi có tiền rồi mua. Muốn ăn vật gì thì mình sai thằng
nhỏ đi mua cho, mình chẳng cần đi ra chợ làm chi.
- Mình không cho tôi mua đồ thì thôi, tôi ra chợ làm chi.
Tảng sáng bữa sau nữa, cô Huyền bồng con, con Tý sách hoa-ly.
Có thằng nhỏ ở dắt đường đưa xuống bến tàu mà về. Tàu chưa chạy, cô Huyền đứng
dưới tàu ngó lên dãy phố mé sông thấy thiên hạ kẻ qua người lại lăng xăng, mà
trong lòng cô áo não, nên sắc mặt buồn xo, cô ngó con rồi lấy khăn lau nước mắt.
Chiều hôm kia, lúc tàu vô bến Cần Thơ, cô phấn khở vui mừng bao nhiêu thì sớm
mai nầy, lúc tàu mở dây mà chạy, cô cũng chứa chan giọt lụy bấy nhiêu. Những giọt
lụy nầy chứa chan bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng, tiếc rằng tâm hồn của thầy
Bình bị vòng danh lợi bao trùm làm cho cứng chắc cũng như sắt như đá, nên không
thể thấm vô nổi.
Cuộc đời!......... Lòng người!...........
Chú thích
[1] (賀), quà mừng
[2] của có thật
[3] ngân quỹ công cộng
[4] đi đại, đi liều cầu may
CHƯƠNG 4
T
an buổi hầu sớm mai, thầy Bình ghé lại nhà thầy ký Huê để ăn
cơm trưa rồi buồn bã đi về nhà nghỉ một chút đặng hai giờ rưỡi còn đi làm việc
nữa.
Trời nắng chan chan, ngoài đường ít có người qua lại. Về gần
tới nhà, thầy thấy có một cỗ xe ngựa đậu ngoài cửa. Thầy sợ có khách phá mất giấc
ngủ trưa nên đã tính trong bụng sẽ hỏi khách cần dùng việc gì rồi từ chối mau,
đặng thay đồ mà nghỉ.
Thầy vừa bước vô cửa thì cô Hai Hương, đương ngồi trên ghế,
cô đứng dậy gọn gàng chấp tay cúi đầu mà chào thầy. Thầy chưng hửng. Sự làm việc
cực tròn buổi sớm mai, sự trời nắng mệt lúc đi về, sự tính đuổi khách cho về đặng
nghỉ cho mau đều bay đi mất hết. Sắc mặt quạo quọ hồi nãy, bây giờ đã đổi ra sắc
vui vẻ tươi cười. Thầy giở nón chào khách:
- Tôi chào cô. Phải cô Hai trên Bình Thủy hay không?
- Bẩm, phải.
- Mời cô ngồi. Bà Chủ mạnh hả? Cô xuống đây có việc chi?
- Dạ, bẩm má em mạnh. Má em biểu em xuống xin phép thầy đặng
hỏi thăm một việc.
- Ðược, được. Mời cô ngồi.
Thầy Bình kéo cái ghế mời cô Hương ngồi. Thầy để cái nón trên
bàn rồi ngồi ngang với cô mà hỏi:
- Sao cô biết nhà tôi ở đây mà lại?
- Bẩm, bữa hổm má em có xuống thăm thầy, má em chỉ cho nên em
mới biết.
- Phải, bữa hổm bà Chủ có xuống thăm tôi. Bà Chủ đáng cha mẹ,
bà có lòng thương tôi nên xuống thăm, thì tôi đã cảm ơn lắm rồi, mà bà còn đi lễ
vật nữa, thiệt tôi ái ngại hết sức.
- Bẩm, theo phong tục Việt Nam thì phải vậy coi mới được. Má
em đi chút lễ mọn có chi đáng đâu mà thầy phải ái ngại. Bữa nay em cũng có đem
cho thầy nửa chục trái sửa với vài chục quít đặng thầy dùng. Quít đầu mùa mới
chín, nên sợ chưa được ngọt lắm.
- Trời ơi! Cô làm như vậy lại càng nặng tình nhiều hơn nữa.
- Bẩm, trái cây trong vườn em, nên đem xuống cho thầy ăn chơi
chớ có phải mua chác gì hay sao mà thầy ngại.
- Tại trái cây của cô mà cô đem cho nên mới thiệt là quí chớ.
Cô Hương ngó thầy Bình rồi chúm chím cười, tỏ ý cô đã hiểu lời
thầy chọc ghẹo.
Thầy càng thêm đắc chí nên cũng cười và nói tiếp:
- Thôi cô nghĩ tình nên cô đem đồ mà cho, có lẽ nào tôi dám từ.
Chắc là tôi ăn trái cây nầy tôi vui lắm, nhứt là ăn trái sửa của cô.
- Em đã biết như vậy, nên hồi nãy em đã biểu thằng nhỏ ở đem
cất trong buồng rồi.
- Cảm ơn cô, cô chờ tôi lâu hôn?
- Bẩm, em mới lại tới đây. Em hỏi thăm thằng nhỏ ở nó nói thầy
gần về, nên em ngồi em chờ. Thầy mướn phố chật quá, em tưởng nên mướn một cái
nhà mà ở mới rộng rãi mát mẻ.
- Tôi có ở một mình, nên một căn phố thì vừa rồi, cũng có chỗ
ngủ, chỗ tiếp khách, chỗ nấu ăn đủ hết, cần gì rộng nữa.
- Hồi nãy em có đi coi rồi. ...Chật lắm.
- Cô có đi coi rồi hay sao?
- Bẩm, có. Em có đi ra tới đằng sau bếp, căn nhà như vậy, nếu
có vợ thì ở không tiện.
- Chừng nào có vợ rồi hãy hay. Mà tôi có hiểu ai ưng làm vợ
tôi đâu, nên tôi đâu dám tính tới sự mướn nhà rộng hơn.
- Bẩm, thầy không nói ra làm sao người ta ưng được, phải nói
rồi mới biết người ta ưng hay không chớ.
- Ạ! Nếu vậy hễ tôi nói thì người ta ưng hay sao? Ai ưng làm
vợ tôi đó, xin cô làm ơn chỉ giúp cho tôi biết thử coi.
Hai người nhìn nhau mà cười, rồi cô Hương không chịu đáp câu
hỏi ấy, cô bắt qua chuyện khác mà nói.
- Em nói chuyện tầm ruồng[1] làm mất thì giờ của thầy hết.
- Tôi lại thích nghe câu chuyện tầm ruồng của cô nói đó lắm,
dẫu mất hết cả đời của tôi đi nữa, tôi cũng không tiếc.
- Nếu thầy thích nghe, thôi để khi nào rãnh rồi em sẽ nói tiếp
những chuyện tầm ruồng đó. Bây giờ em xin phép nói chuyện của má em cậy cho thầy
nghe rồi em về đặng cho thầy nghỉ.
- Ngồi nói chuyện với cô dẫu mấy ngày mấy đêm tôi cũng không
mệt đâu, xin cô đừng ngại sự đó.
- Câu chuyện nào cũng vậy, mới nói nghe vui nên không biết mệt,
mà hễ nói nhiều nghe nhàm tai rồi, em sợ phải mệt chớ.
- Theo thiên hạ thì họ như vậy đó, còn theo tôi thì tôi không
mệt đâu. Xin cô nói thử coi rồi cô sẽ biết.
- Nếu thầy muốn thì thủng thẳng rồi em sẽ nói thử. Bữa nay em
xin hỏi thăm chuyện nầy: má em có đứng bộ hai chiếc ghe, một chiếc bị ăn trộm lấy
lâu rồi, còn một chiếc thì hư mục nên giải bảng mấy năm nay. Ghe không có, mà
má em xin bỏ bộ không được, nên mấy năm nay phải đóng thuế hoài. Má em biểu xuống
hỏi thầy coi, xem phải làm thế nào mà bỏ bộ đặng khỏi đóng thuế nữa.
- Chuyện đó dể ợt, xin cô về thưa với bà cứ yên tâm, để tôi
liệu cho. Bữa nào có Xã trưởng hoặc Hương thân xuống, tôi sẽ chỉ cách cho họ rồi
họ làm đơn đặng bà xuống mà xin. Ðơn ấy đưa cho làng gởi xuống Toà bố rồi tôi
nói với thầy thông coi bộ ghe thẩy bỏ bộ cho đặng năm tới khỏi đóng thuế nữa.
- Cảm ơn thầy lắm. Nếu vậy thì làng làm đơn giùm cho má em đứng
rồi làng gởi đơn đi, má em hoặc em khỏi đi hầu hay sao?
- Phải. Mà nếu cô rảnh rang có muốn đi đặng đem trái sửa cho
tôi nữa thì cũng được, tôi không dám cản.
- Vô Tòa bố sợ lắm, bởi vậy nếu đem trái cây cho thầy thì được,
chớ em có muốn đi hầu làm chi. Thôi, em xin phép thầy em về, đặng cho thầy nghỉ.
- Ðã quá một giờ rồi còn nghỉ gì nữa. Mời cô ngồi nói chuyện
đến 2 giờ rưỡi tôi đi làm việc rồi cô sẽ về.
- Em còn phải ra chợ mua đồ.
- Hai giờ rưỡi cô sẽ mua cũng được, có gấp gì đâu.
- Thầy còn muốn nói chuyện gì với em hay sao nên cầm em ở lại?
- Có chuyện.
- Bẩm, xin thầy cho em biết coi chuyện gì?
- Có một chuyện nầy nãy giờ tôi muốn hỏi cô, song không biết
cô có vui lòng trả lời hay không, nên tôi ái ngại, tôi không dám hỏi.
- Bẩm, thầy muốn hỏi chuyện gì?
- Tôi nghe nói chồng cô mất đã mãn tang rồi. Nếu cô không bắt
lỗi, thì xin hỏi cô coi cô tính thủ tiết với chồng hay là tính sẽ cải giá?
Cô Hương nghiêm sắc mặt mà suy nghĩ một chút rồi cô mới đáp:
- Bẩm, thầy hỏi chuyện đó, khó cho em trả lời quá. Theo phong
hóa của xứ mình, thì đàn bà chẳng được phép lấy chồng hai lần, rủi chồng chết
thì phải ở góa mà thờ chồng trọn đời chớ không nên cải giá.
- Tục ấy xưa quá, đời bây giờ có ai noi theo nữa đâu.
- Bẩm, phải. Tục ấy xưa mà lại gắt nữa. Phần em chồng chết,
em lại có tới hai con. Tuy nhà em có tiền chút đỉnh, song em là một người đàn
bà quê dốt, em nuôi con no ấm thì được, chớ còn dạy chúng nó học thì em đâu biết
gì đâu. Mấy năm nay em lo việc đó hết sức. Thủ tiết với chồng thì tròn chánh đạo,
song không ai dìu dắt dạy dỗ sắp nhỏ; còn cải giá thì trái phong hóa, song sắp
nhỏ có người bảo bọc dạy dỗ. Vì vậy nên em dụ dự không biết phải đi ngã nào.
- Ðời nầy phải kể sự lợi ích trước mắt, chớ không nên theo những
phong tục hết mùa. Tôi tưởng cô nên cải giá đặng có người giúp cô mà dạy dỗ sắp
cháu cho nó nên người, làm như vậy tốt hơn là tròn tiết với chồng mà để con hư.
Tôi chắc chồng của cô dưới cửu tuyền, nếu thiệt có lòng thương con, thì phải
công nhận lời tôi khuyên cô đó là phải.
- Nếu em cải giá, thì người chồng sau phải biết thương sắp con
của em, phải hết lòng lo dạy dỗ nó kia mới tốt.
- Ấy là lẽ tự nhiên. Nếu cải giá, thì có phải chọn người có học
thức rộng, họ mới biết cách mà dạy dỗ sắp nhỏ.
- Bẩm, thầy nói phải. Em cũng nghĩ như vậy. Em nói thiệt, tiền
bạc cùng là ruộng đất em có đủ dùng, em không sợ nghèo, mà cũng không cần làm
giàu thêm nữa. Nếu em lấy chồng thì sự sản của em đó là sự sản của chồng, muốn
ăn xài bao nhiêu em cũng không tiếc, miễn là biết thương hai đứa con của em, hết
lòng cho chúng nó ăn học đặng em khỏi hổ với người chín suối, thì em vui lắm vậy.
- Nói như cô đó, mới thiệt là biết thương chồng. Mà người nào
thương cô đi cưới cô, tự nhiên phải thương con của cô, chớ không thương sao được.
Cô Hương liếc cặp mắt rất hữu tình mà ngó thầy Bình. Tuy hai
người nói chuyện bong long chẳng có một câu nào đích xác, song đã hiểu ý nhau,
nên sắc mặt đều hân hoan, mà có lẽ trái tim cũng không khỏi khoan khoái.
Gần 2 giờ cô Hương mới từ mà về, đặng cho thầy Bình sửa soạn
đi làm việc. Khi bước ra cửa cô lại nói:
- Bẩm thầy, bữa nào thầy rảnh em xin mời thầy lên nhà em
chơi.
- Nếu cô cho phép thì tôi sẽ lên thường lắm. Mà tôi sợ tới
lui thường, bà già không vui lòng.
- Bẩm không. Nếu thầy lên chơi chắc má em vui lắm, bởi vì em
coi ý má em thương thầy lắm, hổm nay nhắc nhở khen ngợi thầy hoài.
- Nếu vậy thì chúa nhựt tôi lên.
- Em xin nói trước, nếu thầy lên thì chắc má em mời ở ăn cơm,
chớ không cho thầy về gấp đâu.
- Ðược như vậy thì càng tốt hơn nữa. Tôi xin vâng.
- Kính chào thầy. Chúa nhựt em trông lắm.
- Tôi sẽ lên sớm.
Cô Hương thủng thẳng đi ra đường rồi lên xe.
Thầy Bình đứng dựa cửa ngó theo, tâm hồn lơ lửng. Xe cô Hương
đã đi mất rồi, mà thầy vẫn còn đứng trân trân.
Từ đó, hễ chúa nhựt thì thầy đi lên Bình Thủy mà chơi. Sự sản
của bà Chủ Phận càng ngày càng thêm chóa con mắt của thầy; dung nhan của cô Hai
Hương càng ngày càng thêm khiêu gợi lòng thầy; những lời xúi giục của Hương
thân Ðáng càng ngày càng thêm mật thiết, và nhứt là sự kết tóc xe tơ với cô
Hương trúng theo chương trình thầy lập ra từ bấy lâu nay để bước lên đường công
danh phú quí. Bởi vậy trong ít tuần lễ sau, thầy nhứt định bỏ đứt cô Huyền,
không còn do dự nữa, chẳng thèm nghĩ coi phải dùng phương chức nào mà bỏ cho
êm, mà cũng chẳng thèm kể tới phận thằng Nghiệp ngày sau nó trở ra thế nào.
Thầy cậy Xã Tồn với Hương thân đặng làm mai tay trong, cậy
Hương cả Hạt đứng nói[2] chánh thức mà xin cưới cô Hương. Bà Chủ Phận chịu gả,
cô Hương cũng thuận tình nên định ngày làm đám cưới. Vì cô Hương đã có một đời
chồng rồi, lại cô hưởng phần ăn bên chồng, nên hai đàng bàn tính rồi nhứt định
đám cưới chẳng nên làm rình rang, mà cũng chẳng nên lập hôn thú, chỉ mời mấy thầy
thông, thầy ký với Hương chức mà đãi một tiệc thì đủ.
Cưới rồi, cô Hương theo òn ĩ, nên bà Chủ mua một căn nhà giá
5 ngàn đồng bạc trong Rạch Cái Khế, để cho vợ chồng thầy Bình ở mà đi làm việc
cho gần, sắp con của cô Hương thì ở với bà trên Bình Thủy. Bà có sắm sẵn một cỗ
xe ngựa để cho con rể mỗi ngày chúa nhựt, hoặc đêm nào rảnh thì về Bình Thủy mà
thăm cho tiện.
Hy vọng của thầy Bình đã đạt được rồi, đường công danh phú
quí đã mở trước mắt.
Chú thích
[1] lòng vòng, không có chủ đích
[2] cầu hôn
CHƯƠNG 5
B
uổi chiều thầy Thanh đi làm việc về, đạp xe máy đi ngang qua
trước nhà ông Ba Chánh, thấy cô Huyền đương đứng ngoài sân đút cơm cho con ăn,
thầy bèn ngừng lại dắt xe vô mà hỏi:
- Mấy tháng nay em có đi xuống Cần Thơ thăm mông xừ Bình nữa
hay không?
- Thưa không. Hồi mới xuống em có đi thăm một lần đó mà thôi.
Em muốn đi thăm nữa quá mà thầy cứ gởi thơ về bảo em đừng xuống nên em không
dám đi.
- Gởi thơ về hôm nào?
- Cái thơ chót hết em đã để hơn một tháng rồi.
- Thơ có nói chuyện gì?
- Biểu em phải ở trên nầy cho cha vui lòng, chớ có nói chuyện
gì đâu.
- Bậy bạ lắm! Nếu thiệt như vậy thì khốn nạn không biết chừng
nào!
Ông Ba Chánh ở trong nhà bước ra nghe thầy Thanh nói mấy câu
sau đó hỏi:
- Chuyện gì mà bậy bạ?
- Bữa nầy tôi có gặp một người quen ở Cần Thơ tôi hỏi thăm
mông xừ Bình, thì họ nói, mông xừ Bình đã cưới vợ rồi, cưới một người góa chồng
mà giàu lắm.
- Có lẽ nào! Cưới bao giờ?
- Họ nói đã cưới hơn một tháng nay. Họ nói quả quyết lắm, có
nói tên người vợ đó cho tôi nghe nữa, song tôi không nhớ. ..Nói cưới
trên....Bình Thủy thì phải.
- Chuyện nghe lạ quá! Nó ở với con Huyền đã có một mặt con,
chớ phải cặp xách[1] với nhau một ngày một bữa hay sao? Dẫu nó muốn bỏ con nó,
thì nó cũng nói cho rành rẽ chớ.
- Chuyện họ nói đó tôi chắc có lắm anh. Người có cái óc ham
danh lợi như mông xừ Bình, thì có việc gì mà không dám làm. Vậy chớ anh không
nhớ mấy lời va[2] luận biện với tôi hôm mới thi đậu ký lục đó sao?
- Tôi nhớ lắm chớ, song tôi không thể tin người học giỏi như
thằng Bình mà đoản hậu như vậy.
- Cái học bây giờ là vậy đó anh...Bây giờ anh tính lẽ nào?
- Tôi biết lẽ nào mà tính? Hồi trước thầy làm mai, thì bây giờ
thầy tính sao thầy tính chớ.
- Anh bắt thường hay sao? Hồi mông xứ Bình mới ra khỏi trường,
người học giỏi lại lanh lợi, nên tôi làm mai cho em Huyền có đôi bạn làm ăn với
người ta, tôi có để ý người như vậy mà tánh tình như vậy đâu. Mà mình nghe người
ta đồn rồi mình vội trách mông xứ Bình nghĩ cũng không phải. Tôi muốn cho em
Huyền đi xuống Cần Thơ coi việc hư thiệt lẽ nào rồi mình sẽ liệu định.
- Ði thì đi.
Cô Huyền đứng một bên nước mắt chạy chàm ngoàm, nghe cha chịu
cho đi thì cô nói: "Ðể khuya nay tôi đi. Không lẽ ba thằng Nghiệp bỏ tôi
mà cưới vợ khác đâu, chắc họ đồn huyễn chớ gì ".
Thầy Thanh lên xe đi về. Ông Ba Chánh kêu nói vói:
- Tối nay tôi ở nhà có một mình. Thầy lại nói chuyện chơi
nghe hôn, thầy Hai.
*
Bữa sau gần 5 giờ chiều tàu xuống tới Cần Thơ. Cũng như lần
trước, cô Huyền cũng đem thằng Nghiệp theo và cũng có con Tý theo bồng em. Mà
khác hơn lần trước là khi bước lên cầu tàu, sắc mặt cô nghiêm nghị, trong lòng
cô ái ngại, chớ không vui mừng hớn hở.
Ðã biết đường đi rồi, nên cô kêu một cái xe kéo ngồi chung với
con Tý và thằng Nghiệp rồi chỉ đường cho xa phu kéo lại dãy phố, chỗ chồng ở
khi trước. Vừa ghé xe thì thấy căn phố bỏ trống, cửa đóng không có ai ở. Cô hỏi
thăm người ở một bên, thì họ nói thầy Bình đã mua nhà dọn về ở trong Cái Khế.
Người xa phu nghe như vậy bèn nói "Cô muốn kiếm nhà thầy thông Bình hay
sao? Tôi biết nhà, thầy cưới vợ rồi bên vợ mua cho một cái nhà ở trong rạch Cái
Khế đây. Cô leo lên xe, rồi tôi kéo vô đó cho".
Cô Huyền ngẩn ngơ, tin thầy Thanh nói cho cô hay quả đúng là
như vậy rồi, chẳng còn nghi ngờ gì được nữa. Bây giờ phải làm sao? Phải đi đâu?
Cô đứng ngẫm nghĩ một chút rồi bước lên xe rất mạnh dạn và biểu xa phu kéo vô
nhà thầy Bình.
Xe chạy vòng vô rạch Cái Khế. Cô Huyền thấy nhà dài theo mé
cái rạch cái nào cũng đẹp đẽ, trước sân bông hoa đua nở, sau vườn cây trái sum
sê, nhưng cô mắc buồn lo trong lòng, nên cô không biết thưởng thức cái cảnh
thanh tao chớn chở ấy.
Xa phu chạy một lúc rồi ngừng xe và nói:
- Thưa cô, nhà thầy thông Bình là nhà nầy đây. Có cô thông đứng
ngoài sân kia.
Cô Huyền ngó vô, thì thấy một tòa nhà nền đúc cửa cuốn, nhà
tuy không lớn, mà cao ráo mát mẻ, trước có sân rộng, cây và bông mới trồng nên
coi chưa được đẹp như mấy nhà khác. Chánh giữa sân lại có một người đàn bà mặc
áo bà ba lụa trắng với quần cũng lụa trắng, đương đứng coi chừng hai ba người
gia đinh xách nước tưới cây. Cô Huyền biểu con Tý ngồi trên xe mà coi hoa ly, rồi
cô bồng con leo xuống và hăm hở đi vào sân.
Cô Hương thấy cô Huyền thì không biết là ai, nên đứng ngó
trân trân. Chừng cô nọ vô tới, cô mới hỏi:
- Cô ở đâu lạ tôi không biết? Cô đến nhà tôi có việc chi hay
sao?
- Tôi đi kiếm thầy Bình. Xin lỗi cô, không biết phải thầy
Bình ở nhà nầy hay không?
- Phải. Nhà nầy là nhà của thầy thông Bình. Cô kiếm thầy
thông có việc chi?
- Tôi là vợ thầy, nên tôi xuống kiếm thầy.
Cô Hương chưng hửng, biến sắc, châu mày, ngó cô Huyền từ trên
đầu xuống tới chưn, rồi cô chúm chím cười và nói: "Cô nói cô là vợ của thầy
thông. Rủi quá, bữa nay thầy không có ở nhà, thầy mắc đi với mấy thầy vô làng
mà ăn tiệc. Vậy tôi xin mời cô vô nhà cho tôi hỏi thăm một chút "
Cô Hương đi trước, cô Huyền theo sau mà vô nhà.
Cô Hương mời khách ngồi tại bộ ván để dựa cửa rồi cô cũng ngồi
ngang đó mà hỏi:
- Cô nói cô là vợ của thầy thông, còn em nhỏ đây là con của
ai?
- Con của thầy Bình. Tôi ở với thầy sanh được một đứa con
trai nầy đây. Xin lỗi cô, cô nói nhà nầy là nhà của thầy Bình, còn cô là ai mà ở
đây?
- Tôi là vợ của thầy thông Bình.
Cô Huyền trợn mắt ngó cô Hương, sắc mặt hầm hừ, nghẹn cổ nói
không được.
Cô Hương thấy cô nọ giật mình thì chúm chím cười và nói tiếp:
- Thầy thông cưới tôi đã hơn một tháng nay. Tôi nói thiệt với
cô, tôi không dè thầy có vợ có con rồi; nếu biết trước, thì có lẽ nào tôi nhẫn
tâm ưng thầy đặng cho thầy bỏ con bỏ vợ. Mà tôi cũng xin hỏi cô, thầy thông làm
bạn với cô được bao lâu? Từ ngày thầy đổi xuống làm việc tại Cần Thơ đây, cô ở
đâu, sao cô không ở với thầy?
Cô Huyền nghe mấy lời mềm mỏng như vậy thì cô bớt giận, nên
cô thở ra mà đáp:
- Trước khi trả lời câu hỏi của cô, tôi xin cô cho tôi biết
coi thầy Bình cưới cô, thiệt thầy không có nói cho cô hay rằng thẩy đã có vợ,
có con rồi hay sao?
- Thiệt thầy không có nói chuyện đó cho tôi hay.
- Cảm ơn cô. Vậy thì thẩy tham phú phụ bần, chớ không phải tại
cô nhẫn tâm phá gia cảnh của tôi. Vì cô lấy thiệt tình mà đối đãi với tôi, vậy
tôi cũng lấy thiệt tình mà đáp lại. Tôi là người ở trên Sài Gòn. Cách hơn hai
năm nay, thầy Bình ra trường rồi làm việc tại hãng buôn. Thầy cậy mai nói mà cưới
tôi rồi về ở chung nhà cha tôi trên Chí Hòa. Vợ chồng ở với nhau sanh được thằng
nhỏ nầy đây. Cách mấy tháng trước, thầy thi đậu vào ngạch ký lục, rồi quan trên
sai thầy xuống dưới nầy mà làm việc. Vì tôi không có mẹ mà cũng không có anh
em, thầy sợ nếu dắt mẹ con tôi theo thì cha tôi ở nhà một mình buồn, bởi vậy thầy
biểu tôi ở nhà hủ hỉ với với cha tôi, chừng nào thầy mướn phố dọn nhà xong rồi,
thầy sẽ về mà rước. Tôi đợi mấy tuần lễ, không thấy thầy về. Tôi nóng nảy nên
có lần đi xuống dưới nầy coi bề ăn của thầy ra thế nào.
- Té ra cô đã có xuống dưới nầy hay sao?
- Có. Tôi có xuống một lần. Thầy dọn phố rồi nhưng mà thầy
không muốn cho tôi ở, thẩy cứ bảo tôi về đặng ở trển mà hủ hỉ với cha tôi cho
vui. Tưởng chồng biết thương cha, tôi không nghi chi hết, nên tôi trở về Chí
Hoà. Mới hồi chiều hôm qua đây, có người nói cho tôi hay rằng thầy đã cưới vợ
khác rồi. Tôi chưng hửng mới lật đật bồng con xuống đây hỏi coi lời người ta
nói như vậy mà có thiệt hay không. Theo lời cô nói với tôi đó, thì quả thiệt có
như vậy rồi. Té ra thầy Bình học giỏi như vậy, đáng làm ông gì hay không tôi
không hiểu, nhưng mà mình đã thấy rõ không đáng làm một ông "chồng",
bởi vì thẩy cưới tôi đặng làm vợ mới vài năm mà thẩy đã gạt tôi, rồi bây giờ thẩy
cũng cưới cô đặng làm vợ, ai dám chắc trong ít lâu thẩy không gạt cô nữa. Ðàn ông
thiệt khốn nạn.
Cô Hương thấy cô Huyền y phục tầm thường, bộ tướng ngơ ngáo,
nên ban đầu có ý khinh thị cô nên tính mời vào nhà định lấy thế lực kim tiền mà
dọa cho cô biết mặt. Ðến chừng nghe cô nói chuyện mới biết cô không phải là người
giả dối, hay khờ khạo, để làm cao hơn cô được, bởi vậy cô Hương ngớ ngẩn rồi thở
ra mà nói:
- Thiệt tôi cũng bị thầy thông gạt nữa.…Tôi xin hỏi thiệt cô,
vậy chớ hồi thầy thông cưới cô, thầy có lập hôn thú đủ phép hay không?
- Vợ chồng bền chặt là tại tình sâu nghĩa nặng, chớ phải nhờ
chánh lục bộ lập hôn thú nên mới ở đời với nhau được. Tôi nghĩ như vậy nên hồi
thầy cưới tôi, thiệt tôi không buộc thầy lập hôn thú.
- Khổ lắm!...Cô không dè dặt, bây giờ làm sao mà nói được! Nếu
có trách thẩy, ví như thẩy nói thẩy không biết cô là ai, thì cô làm sao?
Cô Huyền cười ngó con.
Cô Hương hiểu ý nên nói tiếp:
- Phải, con là một cái bằng cớ của cuộc vợ chồng. Mà thuở nay
thiếu gì người họ bỏ vợ, rồi họ bỏ luôn tới con nữa, đàn bà cũng không biết phải
làm sao được.
- Thiệt như vậy!.... Chồng không thương, mình phải chịu, chớ
biết làm sao được!...Tôi xét phận tôi thiệt là khổ. Bây giờ tôi cũng như người
đi đêm tối, không thấy đường mà bước. Cô cũng là đàn bà như tôi, vậy tôi xin cô
chỉ giùm đường cho tôi đi. Theo ý cô, thì tôi phải xử trí làm sao bây giờ?
- Câu cô hỏi đó, tôi khó trả lời quá. Tôi cũng thuộc người
trong cuộc chớ không phải người bàng quan, vậy thì câu tôi trả lời sợ e không
được công bình.
Cô Huyền ngồi lặng thinh ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cô hỏi:
- Hồi nãy, cô nói thầy Bình mắc đi ăn tiệc, không biết chừng
nào thẩy mới về?
- Ði ăn tiệc trong làng chắc là về khuya lắm.
- Vậy tôi xin kiếu cô tôi đi, để mai rồi tôi sẽ gặp thầy.
- Bây giờ đã tối rồi, cô đi đâu?
- Tôi ra chợ kiếm chỗ nghỉ.
- Cô có quen ai ở ngoài chợ hay sao?
- Không. Tôi không có ai quen ở Cần Thơ nầy hết. Tôi sẽ mướn
phòng khách sạn tôi ở.
- Vậy thì cô ở đây mà nghỉ.
- Cám ơn cô. Nếu tôi ở đây, thì tự nhiên tôi sẽ gặp thẩy. Tôi
không muốn gặp thẩy trước mặt cô, bởi vì tôi sợ cô nghe câu chuyện của vợ chồng
tôi nói với nhau, rồi cô không vui, thà là tôi tự gánh sự buồn một mình chớ san
sớt cho cô làm chi.
- Tôi muốn cô gặp thẩy trước mặt tôi, là vì tánh tôi không ưa
mờ ám, phải hay quấy nói rõ ràng phứt một lần cho rồi.
- Xin cô nhớ lại mà coi, nãy giờ tôi có nói chuyện với cô,
tôi chẳng có nói một lời nào trách cô hết, phải hay là quấy đều tại nơi thẩy,
chớ không phải tại cô, mà cũng không phải tại tôi. Nếu cô muốn biết sự phải quấy
cho rõ ràng, thì cô cứ hỏi thẩy, nghĩ cũng đủ. Tôi xin nói tóm lại điều nầy:
máu ghen là bịnh chung của đàn bà, chẳng ai có tài nào mà tránh khỏi cho được.
Tuy vậy mà có khi mình thấy sự bạc tình bạc nghĩa mình gớm quá, rồi máu ghen nó
tiêu mất hết, mình có thương tiếc gì đâu nữa mà ghen. Nếu mình còn ghen, thì té
ra mình thấy đồ dơ mình không biết gớm hay sao. Thôi, tôi xin chào cô.
Cô Hương nghe những lời êm ái mà nặng nề như vậy thì cô lấy
làm bối rối, chỉ gật đầu rồi ngó theo cô Huyền, chớ không kiếm được lời mà đáp.
Sang hôm sau, gần đông hầu, thầy Bình ngồi xe kéo xuống Tòa bố
mà làm việc. Có lẽ thầy thức sáng đêm hay sao mà cặp mắt đỏ trõm lơ[3], gương mặt
xát xơ, lại đi dọc đường thầy ngó dáo dác, dường như sợ người ta chặn đường vậy.
Tới Tòa bố, xe vừa ngừng lại thì thầy nhảy xuống gọn gàng rồi lật đật đi riết
vô cửa.
Chẳng dè cô Huyền đã đứng sẵn trong cửa mà chờ, chừng thấy thầy
vô tới thì cô bước ra cản trước mặt thầy mà hỏi:
- Thầy gạt tôi mà cưới vợ khác giàu có, bây giờ thầy tính phận
mẹ con tôi phải làm sao?
Thầy Bình biến sắc, đứng trân trân, rồi nói ú ớ rằng:
- Chỗ nầy là Tòa bố, nói chuyện không tiện. Em ở khách sạn
nào, em nói cho qua biết, rồi em trở về đó mà chờ qua. Một chút nữa qua sẽ xin
phép đi xuống đó nói hết công chuyện cho em nghe.
Cô Huyền vừa cười vừa đáp:
- Công chuyện của thầy tôi đã biết rồi hết, chẳng cần nghe thầy
nói nữa làm chi. Công chuyện ấy chỉ có 4 tiếng mà thôi, là: “Tham phú phụ bần"
chớ chẳng có chi lạ, bây giờ thầy tính phần mẹ con tôi phải làm sao đây, thầy
nói phứt cho rồi.
- Ðể qua cho em ít trăm đồng bạc, em trở về Chí Hoà ở mà nuôi
con, mỗi tháng qua sẽ gởi tiền cho em xài, qua không bỏ em đâu.
- Vợ chồng ở với nhau hơn hai năm nay mà thầy chưa biết bụng
tôi chớ! Tôi có phải là người chịu để cho chồng làm "đĩ đực" đặng lấy
tiền mà ăn đâu. Chẳng bao giờ tôi thèm dùng tiền dơ dáy như vậy.
Mấy người đi hầu với mấy thầy thông, thầy ký nghe thầy Bình với
cô Huyền nói chuyện lẹo chẹo[4], thì đứng xa xa chong mắt mà ngó. Thầy Bình hổ
thẹn nên năn nỉ nho nhỏ:
- Ðứng đây mà nói chuyện nhà, thiên hạ họ nghe thì kỳ cục
quá. Xin em trở về khách sạn đi.
- Không. Thầy phải nói cho dứt rồi tôi mới đi. Có hai lẽ nầy:
hoặc thầy phải bỏ người vợ mới cưới rồi mướn phố cho mẹ con tôi ở với thầy; hoặc
thầy đuổi mẹ con tôi về đặng ở với người vợ mới đó. Trong hai lẽ đó thầy nhứt định
lẽ nào thầy phải nói phứt đi.
- Người vợ qua mới cưới đó giàu lắm, em à.
- Tôi không cần biết việc đó.
- Ðời nầy có chi quí cho bằng tiền. Nếu em thiệt thương qua,
thì em phải để cho qua kiếm tiền đặng sang trọng với người ta chớ.
- Vậy thì thầy nhứt định bỏ mẹ con tôi đặng ở với người đó
cho sang trọng phải hôn? Cám ơn thầy. ..
- Qua đã nói với em như vậy, em không hiểu hay sao?
- Tôi hiểu lắm chớ. Tôi hiểu nên tôi thấy mặt thầy tôi gớm
quá. Thôi tôi chúc cho thầy ở với vợ mới cho được lâu dài. Tình vợ chồng, nghĩa
cha con đều dứt hết, kể từ bữa nay.
- Em đừng nóng giận…
- Tôi có nóng giận đâu. Tôi xuống đây là cố ý muốn biết rõ bụng
thầy mà thôi. Nếu tôi nóng giận thì hồi chiều hôm qua tôi đã sanh giặc với người
vợ mới của thầy rồi.
- Em phải nhớ rằng trai năm thê bảy thiếp…
- Thôi, câu chuyện ấy cũ lắm, đừng có viện cái lý thuyết hủ bại
ấy mà che đậy cái lòng trọng tiền hơn trọng nghĩa của thầy.
- Qua đã nói hết lời mà em không chịu nghe, em muốn dứt tình
vợ chồng thì tự ý em, qua biết làm sao.
- Cảm ơn thầy một lần nữa. Thầy học giỏi nên nói chuyện nghe
hay quá. Thầy tham tiền nên bội nghĩa, mà rồi thầy nói như lỗi tại tôi vậy. Tuy
tôi không có học song tôi thấy rõ cái lòng của thầy hơn thầy thấy lòng của tôi.
Thôi, hết chuyện rồi. Tôi về...
Cô Huyền bồng con ra đi, thầy Bình nói vói:
- Em lấy bạc nầy mà về.
Cô Huyền day lại đáp:
- Bạc của thầy dơ lắm, thầy để mà xài, tôi không thèm đâu.
Thằng Nghiệp day đầu lại mà ngó cha nó. Cô Huyền lấy tay xây
mặt nó qua chỗ khác, vừa đi vừa nói:
- Ðồ như vậy mà con ngó làm gì con.
***
Tối một lát thầy Thanh đi làm việc về ăn cơm rồi thầy lại nhà
Ông Ba Chánh như mấy bữa trước, đặng nói chuyện chơi với ông. Thầy vừa mới ngồi
thì thì cô Huyền về tới. Thầy thấy cô Huyền bước vô thì lật đật hỏi:
- Sao em về mau vậy? Chắc tin họ nói đó có thiệt như vậy chớ
gì!
- Thưa, phải. Thẩy bỏ mẹ con em mà cưới vợ khác rồi. Cưới hơn
một tháng nay, bên vợ giàu lắm, nên có mua cho thẩy một cái nhà thiệt tốt đặng
vợ chồng thẩy ở.
- Ðồ khốn nạn!... Em gặp thẩy rồi thẩy nói tại sao mà thẩy bỏ
em, đâu em thuật lại nghe coi.
- Ðể em thay đồ rửa mặt rồi em sẽ thuật hết công chuyện cho
cha với thầy nghe.
Cô Huyền trao con lại cho ông Ba Chánh bồng rồi đi vô trong,
sắc mặt nghiêm nghị mà thôi, chớ không có nét buồn hay là giận chút nào hết.
Thầy Thanh thở ra mà nói với ông Ba Chánh:
- Tôi làm mai không nên thân, tôi buồn quá.
- Thầy muốn sự tốt cho em cháu nên thầy mới làm mai. Nếu vợ
chồng con Huyền phải rời rã, ấy là tại số mạng nó, chớ phải tại lỗi thầy hay
sao mà thầy buồn.
- Ðể nghe coi em Huyền nói chuyện ra làm sao rồi tôi viết thơ
tôi xài cho nó biết tôi.
Cô Huyền thay đồ rồi cô trở ra thuật hết đầu đuôi chuyện cô
đi Cần Thơ lại cho thầy Thanh với ông Chánh nghe, khi mới tới cô đi kiếm nhà,
cô hay tin thế nào, gặp vợ mới của thầy Bình cô nói những câu chuyện gì, sáng bữa
sau cô gặp thầy Bình tại đâu, thầy cắt nghĩa cách nào, cô đáp lại lời gì, cô
thuật rõ hết, không để sót một mảy.
Ông Ba Chánh nói:
- Nếu vậy thì tại người kia giàu, thằng Bình nó mê, nên nó
lén cưới bướng chớ có gì đâu.
Thầy Thanh trợn mắt mà đáp :
- Anh nói như vậy sao được. Họ giàu mặc họ chớ. Nó có vợ con
rồi, có lý nào thấy họ giàu mà mê rồi bỏ vợ bỏ con đi.
- Nó có bỏ con đâu. Nó biểu về trên nầy mà ở, nó hứa sẽ gởi
tiền cho đặng nuôi con.
- Nó sợ em Huyền nóng nảy mà rầy ra xấu hổ, nên nó kiếm chuyện
nói cho mát ruột như vậy, chớ nó biết thương vợ con, thì nó làm nó nuôi không
được hay sao, cần gì mà phải cưới vợ khác cho giàu rồi mới nuôi vợ trước được.
- Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, Tôi tưởng
thằng Bình cuới thêm một người vợ nữa, nó không có phạm phong hoá đâu.
- Ồ! Anh kiếm cớ mà bào chữa cho nó như vậy nghe dở quá! Phải,
trai năm thê bảy thiếp. Người Việt Nam mình muốn cưới mấy vợ cũng được, nhưng
mà phải cho minh bạch, phải có vợ lớn đứng cưới hỏi cho thì mới trúng lễ nghĩa.
Thầy Bình muốn cưới vợ khác, kiếm chước mà đuổi vợ con về bên nây, gạt biểu đừng
xuống nữa, rồi ở dưới lén cưới vợ. Cử chỉ như vậy không thanh nhã, mà cũng không
chánh đáng chút nào hết.
Ông Ba Chánh hết lời mà cãi nữa.
Thầy Thanh dây qua nói với cô Huyền:
- Em thuật mấy câu em nói với chồng em đó, qua nghe qua phục
hết sức. Nói như vậy thì đúng lắm. Mà nhứt là chồng em cho bạc mà em không thèm
lấy đó, em mới thiệt là cao thượng.
- Cái phải mới quí chớ tiền bạc có nghĩa lý gì đâu. Thà nghèo
mà giữ cho sạch, chớ giàu mà dơ dáy thì em có ham đâu.
- Bây giờ em tính lẽ nào, đâu em nói cho qua nghe thử coi?
- Chồng em đã bạc tình bội nghĩa, nó bỏ em mà cưới vợ khác,
thì bây giờ em coi ai chịu cuới em, em sẽ bỏ nó mà lấy chồng khác, em nhứt định
như vậy rồi.
Thầy Thanh với ông Ba Chánh ngó nhau, bộ ngơ ngẩn.
Ông Ba Chánh trao thằng Nghiệp lại cho con Tý bồng đi dỗ ngủ,
rồi ông nói với cô Huyền :
- Con đừng có nóng giận mà tính liều như vậy.
- Con có nóng giận đâu, con bình tĩnh lắm chớ. Thiệt, hôm mới
nghe tin, thì còn có buồn, mà lại giận nữa. Mà chừng xuống tới Cần Thơ con thấy
rõ mọi việc, thì con chán ngán, con gớm quá, nên con không có ghen.
- Vợ chồng ở với nhau đã có con. Ðể thủng thẳng coi nó tính lẽ
nào. Con nằm giữa không mất phần mền, có lý nào nó bỏ con hay sao. Con không
nên lấy chồng khác mà trái đạo nghĩa.
- Còn gì nữa mà nói đạo nghĩa cha! Vậy chớ cha không nhớ hôm
người ta cãi với thầy Hai đây, người ta nói đời nầy thiên hạ ai cũng lo kiếm tiền
hết thảy, mình dại gì mà còn đeo theo nhơn nghĩa đạo đức. Người ta lại nói người
ta quyết kiếm tiền cho nhiều, dầu dùng phương pháp nào cũng được không cần chọn
lựa. Người tâm tánh như vậy thì mình dùng đạo nghĩa mà đối đãi sao được. Con nhứt
định phải trả đũa liền. Họ bỏ con thì con cũng bỏ họ lại. Vợ chồng không có hôn
thú, con khai sanh theo họ mẹ, thì không ai ngăn cản con được. Mà con lấy chồng
con không thèm ưng người nào có học thức nữa, con ưng người cu ly mà thôi, bởi
vì người học thức họ lo kiếm tiền chớ có kể tình nghĩa gì đâu; hàng cu ly quê dốt,
họ không biết môi miếng, có lẽ họ có tình nghĩa hơn.
Thầy Thanh gục gặc đầu mà nói:
- Ðau lắm! … Em nói chơi mà đau quá! Ðể mai qua viết thơ mà
nói chuyện với thầy Bình.
Ông Ba Chánh chúm chím cười và nói:
- Thôi, thầy cũng chẳng cần viết thơ làm gì. Thẳng bỏ thì nó ở
hủ hỉ với tôi. Tuy tôi là thầy thuốc nhà quê, song tôi cũng đủ sức nuôi con
nuôi cháu tôi mà.
Thầy Thanh từ mà về, thầy vừa bước ra cửa vừa nói lẩm bẩm:
"Danh lợi! Lợi danh! Ðời dễ ghét quá!”
Chú thích
[1] bồ bịt, dan díu qua đường, ở với nhau không cưới hỏi
[2] nó, thằng đó, ông đó
[3] đỏ và lõm sâu: …cái đầu sù sụ, con mắt trõm lơ, hình đi
phất phơ, như hình chó đói. (vè “cờ bạc”)
[4] lời qua tiếng lại
CHƯƠNG 6
H
ai mươi lăm năm.
Trông khoảng một phần tư thế kỷ ấy, cuộc đời dời đổi chẳng biết
bao nhiêu mà kể xiết. Có kẻ hèn lại trở nên sang, mà cũng có người giàu hóa ra
nghèo. Có kẻ hiền lương lại chết mất, còn có người hung bạo vẫn sống hoài.
Võ Như Bình làm Ký lục, lần lần thăng lên chức Tri huyện, rồi
bây giờ lại lên tới chức Tri phủ. Ông cũng còn tùng sự tại Cần Thơ và cũng còn
ăn ở với cô Hai Hương, duy chồng tóc đã bạc nhiều, vợ răng đã rụng bộn. Niềm vợ
chồng vẫn còn đầm ấm, hiềm vì bấy lâu nay không có con, nên bây giờ trong gia
đình có vẻ quạnh hiu ít nhiều. Bà Chủ Phận chết đã lâu rồi còn hai đứa con
riêng của bà Phủ, đứa trai lớn là Hoàng còn học bên Pháp, đứa con nhỏ là Loan học
tại Sài Gòn đặng thi tú tài kỳ nhì.
Một buổi chiều, lúc tan hầu, quan Phủ Bình ở trong Tòa bố đi
ra, ngài cúi mặt xuống đất mà bước chậm rãi, không ngó ai hết, sắc mặt coi buồn
xo. Có một chiếc xe hơi mới đậu ngoài đường rước ngài. Ngài bước lên xe, sốp
phơ vừa đóng cửa vừa hỏi:
- Bẩm quan lớn, về ghé nhà hay chạy lên luôn Bình Thủy?
Quan Phủ châu mày suy nghĩ rồi đáp:
- Ghé nhà đặng tao rửa mặt rồi sẽ đi.
Xe ghé nhà trong rạch Cái Khế. Quan Phủ lột khăn đen, cởi áo
dài mà rửa mặt, rồi lại nằm trên cái ghế xích đu, hai tay chấp sau ót, mắt ngó
sửng[1] ra sân, coi sắc mặt đủ biết ngài đương buồn lo lung lắm.
Trời tối lần lần. Người trong nhà vặn đèn lên, quan Phủ sực
nhớ sự đi Bình Thủy dự đám kỵ cơm[2] cho mẹ vợ nên ngài đứng dậy bận áo bịt
khăn rồi ra xe hơi mà đi.
Nhà của bà Chủ Phận ở Bình Thủy cũng còn y như xưa, duy cái
nhà lớn bây giờ đã cũ, còn phía sau thì cái lẫm lúa hồi trước đã phá bỏ và đã cất
lại hai cái lẫm khác dài hơn, mỗi cái dễ đựng tới ba bốn ngàn giạ. Từ ngày bà
Chủ chết rồi thì nhà của bà để lại làm nhà thờ, hai cái lẫm để trữ lúa, vợ chồng
quan Phủ cứ ở dưới Cái Khế, giao nhà và lúa trên Bình Thủy cho một người tâm
phúc ở coi chừng, một vài ngày bà Phủ lên thăm một lần mà thôi.
Bữa nay là ngày kỵ cơm cho bà Chủ nên bà Phủ đã lên nhà thờ hồi
sớm mơi, rồi chiều bà mới cho xe xuống rước quan Phủ lên đặng dự tiệc với làng
tổng.
Xe của quan Phủ vừa vô sân, làng tổng đương ngồi nói chuyện
trong nhà đồng chạy ra tiếp rước, Hương thân Ðáng nhờ vợ chồng quan Phủ nưng đỡ,
nên bây giờ làm Bang biện phó tổng, còn Xã trưởng Tồn bây giờ lên Ðại hương cả,
hai người ấy đứng trước các Hương chức và điền chủ mà chào quan Phủ.
Quan Phủ gật đầu đáp lễ rồi thủng thẳng đi vô nhà, tổng làng
lần lượt đi theo sau. Bà Phủ đứng sẵn tại cửa, vừa thấy chồng bước vào thì hỏi:
- Sao ông lên tối dữ vậy?
- Mắc công chuyện….Cúng rồi hay chưa?
- Tôi cúng hồi chiều.
- Thôi thì biểu dọn đi, đặng đãi bà con người ta cho sớm.
- Tôi có biểu dọn rồi. Ðể hâm đồ lại cho nóng một chút.
Quan Phủ ngồi giữa phòng khách, day mặt ngó ra sân, còn bà Phủ
thì ngồi trên bộ ván ngang đó.
Thầy Bang biện Ðáng ngồi gần quan Phủ, thầy ngó quan Phủ một
hồi rồi nói:
- Bẩm quan lớn, tôi coi lúc nầy quan lớn có da thịt hơn lúc
trước nhiều.
- Khỉ mốc chớ có da có thịt! Mấy tháng nay tôi ăn không biết
ngon, nên mất 4 kí lô. Tôi mới cân hôm kia đây.
- Dữ hôn! Mất 4 kí lô lận? Vậy mà tôi coi quan lớn khá hơn
lúc trước chớ.
Ðại Hương cả Tồn nói:
- Chắc là tại vụ kiện lộn xộn đó làm cho quan lớn buồn quan lớn
ốm chớ gì?
Thầy Bang biện rước mà cãi:
- Dân ngu không biết nhơn nghĩa gì hết; quan lớn ở tử tế với
chúng nó, mà chúng nó lại phản, nên kiện tầm bậy, có bằng cớ gì đâu mà quan lớn
buồn. Làng tổng ai nghe vụ đó cũng đều giận hết thảy.
Quan Phủ thở dài mà nói:
- Chúng nó kiện bậy không đủ bằng cớ, chúng nó làm cho tôi
mang tiếng, nên tôi cũng phải buồn chớ. Tôi nghĩ lại phận làm quan thiệt là khốn
nạn hết sức. Ở tử tế cho mấy đi nữa cũng không vừa lòng hết thảy thiên hạ được.
Mình cứ lấy lẽ công bình mà phán đoán thì quân gian giảo, quân bất chánh, chúng
nó lừng lên, không được tự nhiên chúng nó oán, rồi kiếm chuyện mà vu cáo. Dân đời
nầy phần nhiều không biết lễ nghĩa, không biết tôn trọng bực trên trước nữa. Ðọc
nhựt báo, đọc tiểu thuyết, học những tiếng tự do, bình đẳng, tư bổn, lao động,
hữu sản, vô sản, rồi nói um sùm, mà không hiểu nghĩa gì hết. Vậy mà họ đám trở
lại họ sanh sự với mình, nghĩ mới thiệt là tức chớ.
Bà Phủ nói:
- Hơi đâu mà giận cái hạng người như vậy ông. Mình cứ phải
hoài, thì không sợ ai hết. Làm quan mà chơi với người ta, nếu vui thì làm, con
như buồn thì thôi, ở nhà lại đói khát gì hay sao mà sợ.
Thầy Bang biện nói:
- Bẩm, bà lớn nói phải, Quan lớn ra làm quan là làm mà chơi,
chớ quan lớn có cần gì đâu. Ở nhà quan lớn còn sướng hơn nhiều. Ở xứ nầy ai
cũng kính mến quan lớn, tại như vậy nên quan lớn mới không nỡ bỏ tổng làng mà
nghỉ chớ.
Tiệc dọn rồi, bà Phủ cho chồng hay và mời khách ngồi cỗ. Vì
bà đã dùng cơm với mấy bà trong thân tộc hồi chiều rồi, nên bà biểu nhắc một
cái ghế để trên đầu bàn, dựa bên ông Phủ, rồi bà ngồi đó mà coi cho Hương chức
nhỏ đãi khách.
Câu chuyện hồi nãy bị đứt nửa chừng, giờ tiếp nối lại, mà
cũng chẳng có chi khác hơn là thầy Bang biện với Hương chức xưng tụng tài đức của
quan Phủ còn quan Phủ thì ngài vẫn than phiền dân sự không có lương tâm, ngài ở
tử tế mà dân không biết ơn, trở lại kiện ngài.
Tiệc vừa mãn, chủ khách đương uống rượu thì có người nhà của
quan Phủ dưới Cái Khế cởi xe máy đem đưa một phong thơ và nói:
- Bẩm quan lớn, có người bồi của ông trạng sư đem thơ lại,
nói thơ gấp, nên con lật đật đem lên cho quan lớn.
Quan Phủ châu mày xé bức thơ ra mà coi.
Bà Phủ bước lại đứng một bên, chừng thấy chồng coi thơ rồi bà
mới hỏi:
- Ông trạng sư gởi thơ nói việc gì vậy?
- Ông đi Sài Gòn vừa mới về tới; ông gởi thơ nói cho tôi hay
rằng tôi sẽ bị đổi vô Hà-Tiên.
Thầy Bang biện với Hương chức đều nhìn nhau trân trân và
không nói được tiếng nào hết. Bà Phủ kéo ghế ngồi và hỏi chồng:
- Vậy ông hứa với mình làm sao, mà bây giờ lại đổi vô Hà
Tiên?
- Ông nói vụ của tôi do người ta muốn đem qua Tòa, nhờ ông
năn nĩ dữ lắm, nên họ mới bỏ qua, song tôi phải đi Hà Tiên.
- Vô Hà Tiên mà làm gì? Ðược ở đây thì làm nữa chơi, còn như
phải đổi ở xứ khác thì gởi đơn xin từ chức phứt cho rồi. Tôi không bằng lòng
cho ông đi đâu hết.
- Nói ngang như bà vậy sao được. Dầu muốn thôi cũng phải đi
vô Hà Tiên rồi sẽ gởi đơn chớ.
- Bỏ mà về nhà cho rảnh, đừng thèm đi đâu hết, rồi đây có cuộc
tuyển cử Hội đồng quản hạt, mình bỏ chức Tri Phủ ra tranh cử mà làm Hội đồng quản
hạt còn thong thả hơn.
Thầy Bang biện gật đầu mà nói:
- Bà lớn tính việc đó thiệt là cao. Nếu quan lớn được ngồi
mãi trong tỉnh nầy thì làm mà chơi, chớ vô Hà Tiên có ích gì mà làm nữa. Ði rồi
nhà cửa ruộng đất ngoài nầy ai coi. Làm hội đồng quản hạt cũng sang trọng vậy,
mà lại thong thả khỏi đổi đi đâu hết. Mà ông trạng sư mới nghe nói mà thôi, chớ
việc đổi quan lớn đó cũng chưa nhứt định. Vậy quan lớn không còn làm thế nào ở
luôn tại tỉnh nầy cho tới hưu trí hay sao?
Quan Phủ lắc đầu mà đáp :
- Tôi đã lo đủ cách rồi, cùng thế mới cậy đến ông trạng sư
đó. Ổng đi Sài Gòn về, mà ổng nói như vậy thì chắc chắn, chẳng còn nghi ngờ gì
nữa.
- Ði bất tiện quá!
- Làm quan thì phải dời đổi, ở hoài một chỗ sao được. Tôi ở
đây đã 25 năm rồi, lâu quá tự nhiên phải đi chỗ khác chớ.
- Quan lớn đi, quan lớn bỏ làng tổng bơ vơ tội nghiệp lắm. Ai
cũng kính mến quan lớn hết thảy, nếu quan lớn đi thì ai cũng buồn hết.
- Sao thầy dám chắc làng tổng đều yêu mến tôi?
- Quan lớn ở đây 25 năm rồi, quan lớn giúp người nầy, đỡ người
nọ, ai cũng nhờ quan lớn hết thảy, làm sao mà không yêu mến quan lớn hết được.
Quan Phủ ngồi suy nghĩ không nói nữa.
Bà Phủ hỏi thầy Bang biện:
- Thầy nói ở đây làng tổng đều yêu mến ông lớn hết. Ví như
ông lớn ra tranh cử Hội đồng quản hạt, làng tổng họ sẵn lòng bỏ thăm hết thảy
cho ông lớn hay không?
- Bẩm bà lớn, sự đó cầm chắc trong tay. Ông trời xuống đây mà
tranh cũng không lại quan lớn đừng nói người phàm.
- Mà quận nầy gồm tới Sóc Trăng, Bạc Liêu chớ phải một tỉnh Cần
Thơ mà thôi. Không biết cử tri ở hai tỉnh dưới họ có sẵn lòng bầu cử quan lớn
như trên Cần Thơ vậy hay không?
- Bẩm bà lớn, làng tổng trong hai tỉnh dưới họ không biết
quan lớn, nên khó chịu một chút. Những hễ quan lớn chịu tốn tiền thì việc gì
cũng xong hết.
- Muốn ra tranh cử thì phải tốn tiền chớ sao. Tốn nhiều lắm
là ít chục ngàn chớ bao nhiêu mà sợ.
- Bẩm, phải. Tốn cở đó. Bà lớn chịu thì tôi dám bảo kiết quan
lớn sẽ toàn thắng.
Bà Phủ dây qua nói với chồng :
- Tôi nhứt định rồi. Ông xin từ chức đi, đặng tranh cử Hội đồng
quản hạt.
- Thiệt bà muốn như vậy hay sao?
- Tôi muốn như vậy.
- Nếu muốn như vậy thì không cần phải xin từ chức. Tôi làm việc
đã 25 năm rồi, tôi có phép hưu trí. Vậy thì để tôi vô Hà Tiên tôi gởi đơn xin
hưu trí liền, rồi tôi tiếp xin nghỉ 6 tháng mà đợi giấy hưu trí. Làm như vậy
thì trong ít tuần lễ tôi sẽ trở về Cần Thơ được.
- Ông tính như vậy thì tôi chịu. Xin hưu trí rồi trở về vận động
trước đặng chừng mở cuộc tuyển cử thì mình sắp đặt công việc đâu đó xong rồi hết.
Thầy Bang biện nói:
- Quan lớn ra tranh cử tôi xin lãnh đi vận động cho quan lớn.
Nói chuyện đến khuya khách mới từ mà về. Vợ chồng quan Phủ
cũng lên Cái Khế. Thiệt quả trong ít bữa có giấy đổi quan Phủ Bình về Hà Tiên.
Ngài tuân lệnh đi tựu chức. Vô tới đó ngài liền gởi giấy tờ xin hưu trí và gởi
đơn xin nghỉ 6 tháng rồi trở về đi vận động đặng tranh cử Hội đồng quản hạt.
***
Cuộc tuyển cử Hội đồng quản hạt đã xong xuôi rồi hết.
Ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã khai thùng thăm ra mà
đếm rồi đánh dây thép cho nhau. Mỗi người ra tranh cử được số thăm ở tỉnh nào
bao nhiêu, người ta biên rành rẽ và dán trước cửa Tòa bố.
Quan Tri Phủ hồi hưu Võ Như Bình thất cử, ngài thua người ta
xa lắm, số tranh cử 5 người mà ngài đứng về thứ tư, lại thua người thứ ba tới
450 lá thăm. Xét số thăm từng tỉnh thì số thất bại của ngài chính tại cử tri Cần
Thơ vì họ bỏ thăm cho ngài ít quá, số thăm trong hai tỉnh kia kéo không nổi. Bà
Phủ ngồi ngoài xe hơi mà đợi tin, chừng nghe thất bại thì biểu sốp phơ đưa bà về
liền. Bà nằm chèo queo trên ván tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim.
Cách một lát quan Phủ cũng về tới, ngài nằm ngay trên ghế
xích đu, thất chí não lòng nên sắc mặt xuôi xị.
Những bộ hạ đi vận động mua thăm và đãi cử tri lần lượt về đủ
hết, kẻ tức giận la lối om sòm, người than phiền làng tổng không biết ơn nghĩa,
tham tiền trở mặt.
Vợ chồng quan Phủ nằm lặng thinh, không nói một tiếng chi hết.
Bộ hạ nói một hồi cho hả hơi, rồi than mệt nên từ mà về hết.
Quan Phủ kêu gia dịch đóng cửa cho ngài nghỉ. Bây giờ bà Phủ
mới ngồi dậy mà hỏi chồng:
- Ðể tôi biểu bầy trẻ dọn cơm cho ông ăn, nghe hôn?
- Tôi mệt quá, ăn cơm không được đâu.
- Tôi cũng vậy, mệt quá. Thôi, để tôi biểu bầy trẻ nấu cháo
gà đặng ông nghỉ một lát rồi ăn một chén cho khỏi mệt.
Vợ chồng đi thay áo, rửa mặt rồi ra nằm song song trên bộ ván
cẩm lai, dựa cửa sổ mà nghỉ. Trong nhà vắng teo, chớ không phải rần rộ như mấy
đêm trước nữa.
Bà Phủ nằm một hồi rồi thở dài mà nói:
- Tôi nghĩ lại việc nhà thiệt tôi buồn hết sức. Tại tôi mà ông
phải chịu xấu hổ về sự thất bại nầy.
- Bà cũng lo hết sức, tại cái mạng của tôi hổng được làm đại
biểu cho dân thì thôi, bà có lỗi gì đâu mà buồn.
- Tại tôi xúi giục ông xin hưu trí đặng ra tranh cử nên mới
có cái nhục thất bại nầy. Nếu tôi để cho ông làm quan luôn, vô Hà Tiên ở ít
lâu, rồi xin đi tỉnh khác, thì cái danh vọng của ông còn y nguyên, có ai dám
khinh rẽ ông đâu.
- Thôi, việc đã qua rồi, dầu mình tiếc nó cũng không lấy lại
được. Bà nhắc lại làm chi, tôi khuyên bà đừng buồn. Ðường công danh của con người
chẳng khác nào đường qua núi, ban đầu ở dưới trảng thủng thẳng mình đi dốc mà
lên đảnh. Mà hễ tới đảnh là chỗ cao chót vót rồi, thì tự nhiên mình phải xuống
thấp. Chức Tri Phủ là chức cao hơn hết trong đường công danh của tôi. Thiệt tôi
cũng có lòng trèo cao nữa, mà cái mạng của tôi cho tôi tới đó mà thôi, vậy tôi
phải chịu, tôi không than phiền chi hết. Tôi xin bà đừng buồn, đừng nhớ tới việc
đó nữa, để trí yên tịnh mà dưỡng tinh thần. Mấy tháng nay bà lo nên bà mất sức
nhiều. Vậy để nghỉ vài bữa rồi tôi đem bà đi Sài Gòn đặng đi đốc tơ coi mạch và
cho thuốc tiếp dưỡng mới được.
- Ông cũng ốm dữ quá, ông cũng phải tiếp dưỡng vậy. Thôi để
nghỉ ít bữa rồi mình đi với nhau… Ông biểu tôi đừng thèm nhớ tới việc tuyển cử
nữa, không nhớ làm sao được. Họ lấy tiền của mình mà họ bỏ thăm cho người khác,
nghĩ tức quá mà.
- Bà có tính thử coi cuộc tuyển cử làm mình tốn hao hết thảy
là bao nhiêu hay không?
- Bốn chục ngàn đồng bạc bán lúa hôm tháng giêng, tôi để
riêng trong túi đó, thủng thẳng lấy ra xài gần hết, còn không được hai ngàn.
- Nếu vậy thì tốn nhiều quá!
- Tốn bao nhiêu tôi cũng không tiếc. Tôi tức là tức cử tri
trong tỉnh mình, họ quen biết mình hết thảy mà họ lại trở mặt. Trong hai tỉnh
dưới, mình thua thăm người ta, tôi không giận. Mình kể chắc cử tri ở tỉnh mình
mà họ trở mặt, không chịu bỏ thăm cho mình, xấu hổ là ở chỗ đó.
Quan Phủ ngồi dậy đốt một điếu thuốc mà hút và nói:
- Ở đời, lúc mình có thế lực ai cũng theo bợ đỡ kính trọng hết
thảy. Ðến chừng mình thất thời, thì dầu người thân thích họ cũng trở mặt. Nhơn
tình thì vậy đó, có gì lạ đâu.
- Ông làm quan ở đây hai mươi lăm năm, ông giúp đỡ tổng làng
dân sự luôn luôn. Nay ông có việc, ông cậy họ lại mà còn đưa tiền cho họ xài nữa,
mà họ lấy tiền rồi bỏ thăm cho người khác, nhơn tình như vậy thì chịu làm sao
được.
- Cách vài bữa rày, có một thầy cai tổng nói chuyện với tôi,
làm cho tôi sợ lắm.
- Nói chuyện gì mà ông sợ?
- Nói cử tri các làng tính báo hại tôi, tiền thì họ lấy mà họ
không thèm bỏ thăm cho tôi. Họ nói tôi chặt đầu lột da người ta mấy chục năm
nay nên mới làm giàu, bây giờ phải móc bớt tiền bạc ấy lại. Tôi nghe như vậy
tôi lo quá, ngặt vì đã lỡ cuộc rồi nên phải ráng mà theo chớ thối lui sao được.
- Họ nói như vậy sao họ không nghĩ: ông làm quan có thể nào
mà không thọ của thiên hạ được. Mà ông giàu có phần nhiều là nhờ của nhà, chớ
nào phải ăn của thiên hạ mà có tới 5, 6 chục ngàn giạ lúa ruộng đó đâu.
- Chừng họ không thương, họ muốn nói tiếng gì lại không được.
- Thiên hạ nhiều chuyện quá!
- Tôi nói lại cho bà nghe chơi chớ tôi không có kể gì đến thứ
đồ nói xấu cho tôi đó. Họ nói giống gì mặc kệ họ. Tôi hứa chắc từ rày sắp lên
tôi không dại để cho họ gạt đặng lấy tiền nữa đâu. Thôi, tôi không ham công
danh gì nữa hết, ở không mà ăn, có buồn thì thả xe hơi đi chơi cho khỏe tấm
thân, làm ông nhà giàu sung suớng hơn ông gì hết thảy.
Người nhà nấu cháo gà rồi bưng lên một mâm. Hai ông bà dùng
cháo rồi mới đi ngủ.
Cách vài ngày sau, bà Phủ tiếp được một phong thơ của con
trai bà là Hoàng ở bên Pháp gởi về cho ông bà hay rằng đã thi đậu Bác vật[3] rồi,
và đã xuống tàu mà trở về nước nhà. Bà vui mừng nên quên cái buồn thất bại
trong cuộc tuyển cử hôm trước.
Quan phủ coi nhựt trình thấy tàu bên Pháp qua gần tới, vợ chồng
mới đi trước lên Sài Gòn đặng cho đốc tơ coi mạch và đón rước Hoàng luôn thể.
Ðốc tơ coi mạch quan Phủ thì nói ngài làm việc lâu năm mệt nhọc
nên trong mình suy nhược và khuyên ngài hãy ra Long Hải hoặc Nha Trang ở hứng
gió biển chừng một tháng đặng lấy sức lại, còn coi mạch cho bà Phủ thì nói bà
đau phổi và khuyên bà phải đi rọi kiếng đặng biết đau chỗ nào, đau nhiều ít rồi
mới trị được. Bà vưng lời đi rọi kiếng thì thiệt quả cái phổi bên phía tay mặt
đã lở nhiều chỗ, còn cái phổi bên phía tay trái thì đã bắt đầu sưng rồi, bởi vậy
trong vài tuần nay bà có ho chút đỉnh mà bà không dè. Ông đốc tơ viết toa biểu
bà mua thuốc đem về uống, như không bớt thì phải lên ở ít ngày cho ông tiêm thuốc
mới được. Ông theo căn dặn phải nằm nhà mà tịnh dưỡng, nhứt là chẳng nên lo buồn
gì hết.
Hoàng về tới. Vợ chồng quan Phủ xuống tàu mà rước lên nhà
hàng, lại xin phép cho cô Loan, là con gái của bà Phủ, nghỉ học ít bữa đặng anh
em, mẹ con vui chơi với nhau cho quên nỗi nhớ thương mấy năm phân rẽ.
Về Cần Thơ ở chung một nhà được vài ngày, quan Phủ dòm coi
Hoàng đối với ngài có ý nghi kỵ nhiều khi đương nói chuyện vui cuời với mẹ, mà
hễ thấy dạng ngài thì nín khe, lại lộ sắc buồn. Ngài muốn để cho mẹ con vui
chơi với nhau thong thả ít ngày hoặc may bà hết bịnh, nên ngài khuyên bà ở nhà
ráng uống thuốc, rồi ngài đi một mình ra Nha Trang hứng gió.
Thiệt nhờ con nên hổm nay bịnh của bà Phủ dòm đã bớt nhiều,
bà ăn được ngủ ngon, lại cũng ít ho nữa. Một đêm, bà Phủ đương nằm trên ván nói
chuyện với cô Loan, Hoàng đi qua lại ngoài sân một hồi rồi trở vô nhà, nhắc một
cái ghế lại ngồi gần mẹ vừa cuời vừa hỏi:
- Hổm nay con muốn nói chuyện nhà với má, mà bị có người ta
chàng ràng, con nói chuyện không được. Bữa nay có một mình má với hai con mà
thôi. Phần con ăn học đã hoàn toàn rồi, còn con Loan trong vài tháng nữa nó thi
tú tài kỳ nhì rồi cũng xong. Vậy bây giờ mà tính cho con phải làm sao?
- Tính giống gì? Con học xong rồi, để má coi chỗ nào xứng
đáng mà cưới vợ cho con.
- Việc cưới vợ xin má đừng lo cho mệt trí. Ðể đợi lòng con
khiến thương người nào thì con sẽ tự liệu.
- Con nói hơi Tây quá! Ví như con thương đứa bậy bạ, rồi má
cũng cuới cho con hay sao?
- Chẳng bao giờ con buộc má phải cưới ai cho con đâu mà má sợ.
Việc vợ chồng là việc riêng của con: con xin má để cho con tự do mà thôi. Con hỏi
má phải tính cho con làm sao, là hỏi về gia tài kia?
- Gia tài gì?
- Cha con chết có để lại cho hai anh em con trên 100 mẫu ruộng.
Bà ngoại mất lại còn để lại 5, 6 trăm mẫu nữa. Con về hổm nay con nghe nói thuở
nay má thâu huê lợi ruộng đất ấy, má có mua thêm 400 mẫu má đứng bộ nữa. Bây giờ
con thành nhơn rồi, con xin má tính giao ruộng đất ấy lại cho hai anh em con
cai quản, chớ má lấy chồng khác mà má thâu hết sự nghiệp ấy đặng để cho thiên hạ
hưởng thì tội nghiệp cho hai anh em con quá.
Bà Phủ nghe dứt lời, bà lồm cồm ngồi dậy, ngó ngay Hoàng mà
nói rất nghiêm chỉnh rằng:
- Má lo cho con học thành thân đặng con đòi gia tài hay sao?
Con đừng có dại mà nói bậy như vậy má nghe má buồn lắm?
- Con xin lỗi má. Con vẫn biết hễ con nói chuyện ấy thì chắc
má không vui. Ngặt vì sự nghiệp của cha con, sự nghiệp của bà ngoại con, mà con
không được hưởng, để cho người dưng họ hưởng, thì con uất ức quá không thể
không nói được.
- Sao con nói xiên nói xéo ông Phủ như vậy?
- Con nói ngay bót, chớ con nói xiên xéo ai đâu.
- Nhờ có ông Phủ dạy dỗ lo lắng nên ngày nay con mới được như
vậy đó. Ổng là người ơn, tuy không sanh nhưng có dưỡng, sanh dưỡng đạo đồng.
Con phải thương yêu kính trọng ổng cũng như cha ruột của con vậy, con chẳng đặng
nói một lời chi thất lễ.
- Nếu cha và bà ngoại của con không có để ruộng đất lại thì
chắc gì ổng nuôi con.
- Con không hiểu gì hết, con đừng có nói dại. Ổng vì nhơn
nghĩa nên ở đời với má, chớ nào phải thấy má có sự nghiệp lớn mà ổng ham đâu. Ổng
làm quan, lúc đắc thế đắc thời, tiền bạc ổng thiếu gì. Mấy trăm mẫu ruộng má
mua thêm đó là ruộng của ổng, ổng xuất tiền bạc của ổng ra ổng mua, song làm
quan không được phép sắm ruộng đất trong chỗ mình trấn nhậm, nên ổng muốn má đứng
bộ giùm cho ổng đó chớ.
- Nếu vậy thì hai mươi mấy năm nay huê lợi của cha và bà ngoại
con má làm việc gì mà hết đi?
- Còn không được phép tra vấn má.
- Con đâu dám. Vì má cải với con, nên con phải nói cho cạn lẽ
chớ.
- Bây giờ ổng hưu trí rồi, vậy để ổng về đây má sẽ làm giấy tờ
má trả những ruộng đất má đứng bộ giùm đó lại cho ổng.
- Thưa, không được. Con xin lỗi với má, nếu má làm như vậy
thì con sẽ ngăn cản, con ngăn cản đến cùng. Con xin hỏi má: một đàng là con, một
đàng là chồng, má đành lòng lấy sự nghiệp của con đem bù sớt cho chồng hay sao?
- Má nói tiền bạc mua ruộng đất đó là tiền bạc của ổng chớ
không phải của má. Má đứng bộ giùm cho ổng mà thôi.
- Má nói như vậy, chớ có bằng chứng gì đâu. Còn tiền bạc của
má mua ruộng đó thì đủ bằng cớ lắm. Huê lợi ruộng của cha và của bà ngoại con mỗi
năm tới ba mươi mấy ngàn giạ. Mà nuôi hai con ăn học mỗi năm tốn ít ngàn đồng bạc
chớ bao nhiêu. Số còn dư má mua thêm ruộng đó mà để cho hai con. Sự ấy là lẽ tự
nhiên, má hỏi thiên hạ thử coi họ có nói như con vậy hay không.
Bà Phủ nghẹn họng, không nói được nữa.
Hoàng nối tiếp :
- Hồi con còn nhỏ dại chẳng nói làm chi. Bây giờ con đã thành
nhơn rồi, vậy con xin má giao hết sự nghiệp cho con cai quản. Con hứa chắc con
sẽ nuôi má và nuôi ông Phủ trọn đời, muốn ăn xài cách nào con cũng lo cho vừa
lòng hết thảy, song việc thâu xuất phải để về phần con.
Bà Phủ lắc đầu mà đáp :
- Nếu mà làm theo ý con muốn thì còn gì thể diện của ông Phủ…Nghe
con nói chuyện nãy giờ, sao cái ngực của má nặng trìu trịu, mà má lại mệt quá.
Thôi, con đừng có nói nữa, để cho má nghỉ.
Bà vừa nằm xuống thì huyết trong họng tuôn ra có cục. Bà mệt
ngất tay chưn lạnh hết. Cô Loan la lên, rồi hai anh em cô và người trong nhà
xúm lại kẻ đốt than mà hơ, người lo cầm huyết cho bà. Hoàng đem xe hơi ra đặng
đi xuống chợ rước đốc tơ liền. Ðốc tơ coi mạch, tiêm thuốc, và nói riêng cho
Hoàng biết rằng bịnh của bà Phủ trầm trệ lắm, hai cái phổi nát bấy hết, không
còn hy vọng cứu bà được.
Thiệt quả trong mấy ngày sau bịnh coi mòi nặng thêm hoài, hễ
bà cục cự thì thổ huyết, mà hễ huyết ra thì bà mệt xỉu.
Hoàng lấy làm ăn năn những câu chuyện mà mình nói đã làm cho
mẹ phải sanh bịnh đến thế. May nhờ có ông đốc tờ mỗi ngày đến tiêm thuốc hai ba
lần, ông thường nói với bà Phủ có bịnh năm bảy tháng rồi, tiếc vì bà không dè
mà chữa trị trước, nên đến ngày nay mới nặng như vậy đó. Hoàng nghe như vậy mới
bớt hối hận chút đỉnh.
Một buổi sớm mai bà Phủ khỏe được một chút bà kêu hai con lại
đứng gần mà nói:
- Hai con đã khôn lớn rồi, dầu má chết cũng chẳng hại gì. Má
còn lo có một việc là lo cho ông Phủ. Hai con phải đánh dây thép ra Nha Trang
xin ông về lập tức đặng má tính việc nhà với ổng. Hôm mới ra tới, ổng có gởi
thơ nói ở nhà hàng gì đó. Con coi thơ lại mà đánh dây thép[4].
Hoàng không đám cải lời mẹ nữa, liền viết dây thép và sai người
đi gởi liền. Qua bữa sau, bà Phủ tắt hơi, mà quan Phủ Bình chưa về tới.
Hoàng thâu chìa khóa tủ sắt, tủ cây mà giữ hết, rồi lo sắp đặt
cuộc tống táng mẹ.
Liệm rồi quan Phủ mới về tới nhà.
Ngài ôm quan tại mà khóc. Hoàng là người có trí ý thiệt hành,
chớ không phải người đa sầu đa cảm, bởi vậy thấy quan Phủ khóc mẹ mình, chàng
đã không động lòng, mà lại tính cho quan Phủ khóc đó là tiếc không được làm chủ
một gia tài lớn nữa, chớ không phải thương tiếc người chết mà khóc.
Chú thích
[1] ngó ngay mặt với vẻ sửng sốt
[2] cúng cơm, giổ cơm
[3] kỹ sư
[4] gởi điện tín
CHƯƠNG 7
Ðời người như một giấc mộng.
Cô Hai Hương trước kia là một người đàn bà góa chồng ở trong
chốn vườn ruộng. Nhờ cô còn trẻ tuổi, lại sót chút sắc đẹp, mà nhứt là nhờ cô
có sẵn một gia tài lớn, nên phần cô được làm "bà Phủ", được thiên hạ
kính trọng kiêng nể, còn phần con của cô cũng thì học đã thành nhơn, khỏi lo vất
vả. Ðời đã đầy đủ, đã vui sướng như vậy, tưởng trăm năm hạnh phúc phủ phê, nào
dè đường danh lợi đi chưa cùng chưa tột, thình lình bị bí ngang, rồi bức tranh
gia đình trước kia rực rỡ lại hóa ra u ám, làm cho bà Phủ thương tâm tuyệt
mang, chẳng khác nào nằm chiêm bao mà bị người thức tỉnh nên giấc mộng vỡ tan.
Tống táng bà Phủ vừa rồi, bà con trong thân tộc còn ở lại ít
người. Ðến tối quan Phủ Bình kêu Hoàng mà hỏi:
- Hồi má con gần tắt thở, má có giao chìa khóa tủ sắt lại cho
ai?
- Quan lớn hỏi việc đó làm chi? Nếu không phải tôi thì là em
tôi, chớ người khác làm sao có quyền giữ chìa khóa được.
Quan Phủ nghe mấy lời ấy thì ngơ ngẩn, ngồi ngó Hoàng trân
trân một lát rồi mới hỏi nữa:
- Thuở nay con kêu cậu bằng cậu, sao bây giờ kêu bằng quan lớn?
- Má tôi đã mất rồi, tôi phải kêu bằng quan lớn như thiên hạ
mới trúng lệ chớ kêu bằng cậu nữa sao được.
- Cậu nuôi con từ nhỏ, cậu cho con ăn học, tuy cha ghẻ, song
cậu cũng thương con như máu thịt; bấy lâu nay cậu tưởng con còn nghĩ chút tình
dưỡng dục mà thương yêu cậu, té ra má con vừa mới nhắm mắt mà con đã dứt tình
phụ tử gấp như vậy hay sao?
- Quan lớn có công lo cho hai anh em tôi, ơn ấy chẳng bao giờ
tôi quên được. Nhưng vì tánh ý của tôi là người thiệt hành, chớ không phải tánh
ý người đa cảm, bởi vậy tôi không thể tối ngày cứ ngồi nói "Cám ơn, cám ơn
" hoài. Ðã vậy mà nếu lấy tâm lý mà xét cho tường tận, thì quan lớn thương
anh em tôi là vì có má tôi, chớ không phải tự nhiên mà quan lớn thương. Còn sự
nuôi dưỡng hai anh em tôi, thì chúng tôi có huê lợi của cha và bà ngoại chúng
tôi để lại, tôi chắc chẳng bao giờ anh em chúng tôi làm tổn hao quan lớn đồng
nào.
- Con nói như vậy thì có thể nào cậu còn ở chung với con nữa
được.
- Quan lớn muốn tính ở đâu cũng được, tôi không có quyền liệu
định việc ấy.
Quan Phủ châu mày, ngồi trơ trơ. Ngài suy nghĩ hồi lâu rồi mới
nói:
- Từ hồi con còn nhỏ cho đến bây giờ, con mắc đi học, con
không rõ việc nhà. Nay chẳng may má con đã mất rồi, vậy con để cậu nói hết công
việc nhà cho con hiểu. Cậu kết nghĩa vợ chồng với má con đã được 25 năm. Tuy má
con có gia tài riêng, nhưng mà trong khoảng ấy cậu cũng làm ra tiền nhiều lắm.
Cách mười năm trước, cậu thấy người ta bán ruộng rẻ, cậu mới lấy tiền của cậu
làm ra đó mà mua gần 400 mẫu. Vì cậu làm quan, cậu không được phép sắm điền thổ
trong tỉnh, bởi vậy cậu mua ruộng mà cậu mượn má con đứng bộ giùm. Vợ chồng là
cuộc trăm năm, cậu không nghi ngại chi hết, nên cậu mới làm vậy. Cậu không dè
má con mạng vắn, đành bỏ cậu mà theo ông theo bà…Cậu lấy làm tức, lúc má con
đau nặng, cậu không có ở nhà đặng má con trối lại việc nhà của với cậu trước mắt
các con cho con hiểu. Thôi, việc đã qua rồi, chẳng nên than phiền làm chi. Bây
giờ cậu muốn tính việc nhà với con như vầy: những ruộng đất của ông thân con và
bà ngoại con đứng bộ thì cậu giao hết cho con. Còn những ruộng đất cậu mua mà cậy
má con đứng bộ giùm đó, thì cậu lấy lại cậu hưởng. Bây giờ cậu hưu trí rồi, cậu
có phép đứng bộ ruộng đất. Hai con là người kế nghiệp của má con, hai con làm tờ
bán lại cho cậu đặng cậu đóng bách phần và xin cải bộ thì xong việc.
- Quan lớn tính như vậy khó coi lắm. Má tôi sanh có hai anh
em tôi mà thôi. Nay má tôi mất, thì hết thảy gia sản của má tôi phải về hai anh
em tôi hưởng trọn. Quan lớn biểu làm tờ sang bộ ruộng lại cho quan lớn đứng, té
ra quan lớn được hưởng một phần gia tài của má tôi hay sao? Việc đó không được.
Quan lớn giận thì tôi chịu chớ những tài vật gì thuộc hoặc của cha tôi, hoặc của
bà ngoại tôi hoặc của má tôi đứng bộ, thì hai anh em tôi được hưởng, tôi không
chịu chia cho ai hết.
- Cậu đã nói ruộng đất má con đứng bộ đó là đứng giùm cho cậu.
Thiệt cậu lấy tiền của cậu mà mua đó, chớ không phải tiền của má con đâu.
- Quan lớn có giấy tờ để làm bằng có ruộng ấy má tôi đứng bộ
giùm cho quan lớn hay không?
- Vợ chồng tin nhau nên để đứng bộ giùm, chớ có giấy tờ gì
đâu.
- Việc tài sản phải có giấy tờ đàng hoàng mới được. Xin quan
lớn xét lại mà coi, ví như tôi thấy một người nào đó có ruộng nhiều, tôi đến mà
biểu phải sang bộ lại cho tôi, có thế nào họ chịu sang đâu. Nếu tôi đến tòa mà kiện,
tôi nói họ đứng bộ ruộng đó là đứng giùm cho tôi, song tôi không có nạp bằng cớ
gì hết, thì có lẽ nào tòa xử người đó phải trả ruộng đất lại cho tôi đâu.
- Việc nhà mình tính êm với nhau là hay, chớ đi kiện thì tốt
lành gì, con.
- Tôi ví dụ cho quan lớn nghe, cho kiện sao được mà kiện, mà
quan lớn nói ruộng đó là quan lớn xuất tiền mà mua, tôi xin hỏi quan lớn vậy chớ
quan lớn làm việc nhà nước lãnh lương bao nhiêu mà trong mười mấy năm qua quan
lớn có dư tiền đến nỗi mua được 400 mẫu ruộng. Còn huê lợi của má và của bà ngoại
tôi mỗi năm trên 30 ngàn giạ lúa, trong 25 năm nay dùng làm việc gì đâu mà mất
hết đi. Tôi chắc má tôi lấy huê lợi nầy mà mua thêm ruộng đó thì phải hơn. Xin
quan lớn nghĩ thử coi lời tôi nói đó có lý hay không.
Quan Phủ cưới vợ không lập hôn thú, mà thuở nay ngài tin vợ,
làm có bao nhiêu tiền đều giao cho vợ hết; nay vợ chết, con ghẻ nắm chìa khóa,
biết nói làm sao được bây giờ. Ngài tức giận nên ứa nước mắt, rồi đứng dậy đi
ra ngoài sân. Ngài suy nghĩ biết mình đã thất thế, nếu làm dữ thì hư việc chớ
không ích lợi gì, bởi vậy ngài đi qua đi lại cho hết giận, rồi mới trở vô nhà
mà nói với Hoàng:
- Cậu thất thế nên cãi với con không được, chớ không phải
không đủ lời mà cãi. Thôi, không cãi làm chi nữa, cậu xin con nghĩ tình dưỡng dục
mà thương cậu. Bây giờ cậu đã già rồi, không thế gì mà gây sự nghiệp khác được.
Vậy cậu xin con làm tờ để lại cho cậu chừng một trăm mẫu ruộng và con cho cậu
chừng vài chục ngàn bạc đặng cậu an dưỡng lúc ngày già. Công cậu làm lợi cho má
con thuở nầy nhiều lắm. Cậu xin bao nhiêu đó không phải là nhiều đâu.
- Thuở nay tôi tập quen tánh ý thiệt hành, chẳng bao giờ tôi
biết cảm động. Mà tôi nghe mấy lời quan lớn nói đó, tôi không thể làm ngặt quan
lớn được. Tôi nói thiệt dầu tôi cho quan lớn hết mấy trăm mẫu ruộng của má tôi
đứng bộ đó, anh em tôi cũng không đến nỗi nghèo. Tiếc vì nếu chiết ra chừng một
mẫu ruộng mà chia cho quan lớn thì coi cũng kỳ quá, thiên hạ họ cười tôi dại, tại
như vậy nên tôi xin quan lớn đừng có nói chuyện chia ruộng đất cho quan lớn nữa.
Còn tiền bạc thì hôm má tôi tắt thở rồi, tôi có mở tủ sắt ra tôi đếm, thiệt còn
tám mươi mấy ngàn đồng, quan lớn xin vài chục ngàn không phải là nhiều. Ngặt gì
số bạc của má tôi để lại đó thuộc về gia tài chung của hai anh em chúng tôi. Em
tôi còn khờ dại, tôi không phép cướp quyền của nó mà định đoạt về số bạc ấy
theo ý tôi được. Vậy để tôi kêu em tôi ra đây hỏi ý nó coi, như nó chịu cho thì
tôi chịu, còn nếu nó không chịu thì thôi.
Cô Loan ở trong buồng nghe anh nói như vậy thì cô bước ra mà
hỏi anh:
- Quan lớn biểu phải giao bao nhiêu bạc cho quan lớn ?
- Vài chục ngàn.
- Nhiều quá như vậy sao được.
- Ý em muốn đưa cho quan lớn bao nhiêu?
- Vài ngàn là nhiều. Quan lớn có tiền hưu trí. Tiền ấy đủ dưỡng
già mà.
- Còn ruộng đất em chịu chia cho quan lớn bao nhiêu?
- Ruộng đất chia sao được, em không chịu.
Hoàng cười và nói:
- Quan lớn có nghe không? Em tôi nói cũng không chịu chia ruộng.
Còn bạc thì nó định đưa quan lớn hai ngàn mà thôi.
Quan phủ nổi giận, đứng dậy và nói lớn:
- Bây là quân phản, đã không biết công ơn tao nuôi dưỡng dạy
dỗ hai mươi mấy năm nay mà lại còn cướp giựt tài sản của tao làm nữa. Tao có phải
ăn mày đâu, nên theo xin bây từng đồng. Thôi, tao không thèm tiền bạc, ruộng đất
gì hết, để anh em bây ăn cho nhiều. Tao cũng không thèm ở trong nhà nầy một
phút nào nữa.
Quan Phủ ngoe ngoảy đi lấy một cái hoa ly lớn quăng trên ván
nghe một cái xạch, tom góp quần áo xếp bỏ vô hoa ly, mở tủ bàn viết lấy cuốn sổ
lãnh lương hưu trí và lấy giấy tờ gì đó nữa rồi cũng bỏ vô hoa ly. Sắp đặt hành
lý xong rồi ngài biểu gia dịch đi kêu cho ngài một cái xe kéo.
Bây giờ Hoàng mới ăn năn về thói gắt gao, nên mở tủ sắt đếm bốn
ngàn bạc để trước mặt cha ghẻ mà nói:
- Quan lớn không thèm ở với anh em tôi nữa thì tự ý quan lớn,
tôi không dám cầm. Hồi nãy em tôi định cho quan lớn hai ngàn, tôi thêm phần tôi
nữa hai ngàn, là bốn ngàn đó. Xin quan lớn vui lòng nhận số bạc ấy làm lộ phí
mà đi chơi.
Quan Phủ trợn mắt đáp:
- Tao nói tao không thèm.
Hoàng cuời và nói:
- Quan lớn chê thì thôi. Tôi xin cho quan lớn biết, số bạc nầy
tôi sẽ để dành cho quan lớn luôn luôn. Nếu lúc nào quan lớn cần dùng thì trở về
mà lấy.
Xe kéo đem lại. Quan Phủ biểu gia dịch xách đem hoa ly ra xe
rồi ngài lên xe mà đi, không thèm lấy bạc mà cũng không từ giã ai hết.
Hoàng đứng trong cửa ngó theo, rồi ngó em và rùn vai mà nói :
- Ở đời phải như vậy mới được. Nếu mình tử tế họ cười mình dại.
Cô Loan châu mày đáp:
- Vưng theo lời anh dặn, em phải làm gắt như anh. Nhưng mà thấy
cậu Phủ ra đi, em động lòng quá. Vậy nếu cậu hết giận, cậu trở về xin năm mười
ngàn, anh đừng có tiếc với cậu. Nghĩ cũng tội nghiệp chớ.
Hoàng gật đầu.
Về chiều.
Ở Vũng Tàu, phía Bãi Sau, nước đương lớn, gió đương thổi hiu
hiu, hơi nước hơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ.
Xa xa ngoài khơi, mặt biển linh láng nổi lên cao, bị ánh mặt
trời chiều giọi nên nhuộm màu vàng vàng. Mấy chiếc thuyền đánh lưới đều trương
buồm nhắm bến mà về, thuyền chạy rề rề, cánh buồm trắng trắng.
Bên phía tay trái, núi miệt Long Hải, Long Phú nằm giăng ngang
một dãy, uốn éo chỗ thấp chỗ cao, như ai phết một vết xanh lè nơi góc trời xám
xám.
Gần trong bờ, bị gió đùa nên mặt nước guộn[1] có vồng[2]
thành sóng, rồi lượn sau tiếp lượn trước mà tràn lên bãi, đập vô gành dội tiếng
ồn ào, phun bọt trắng xóa.
Chưn trời xa mù, mặt biển mênh mông, sóng bủa lào xào, gió
chiều hây hẩy. Người giàu tình cảm hoặc có viễn chí, ai ngồi ngắm cái cảnh nầy
một hồi, cũng phải bồi hồi khoan khoái, rồi chẳng khỏi sanh tình lai láng như
biển rộng, hoặc sanh chí cao xa như chơn trời, hoặc xét thân người như thuyền
con lửng đửng ngoài khơi, hoặc nghĩ công danh như bọt nước rã rời trên bãi.
Quan Phủ Bình ngồi trên một cỗ xe ngựa mà ra Bãi Sau, thấy
khách hứng gió đông đảo, kẻ chòm nhom ngồi trên bãi mà chơi, người lăng xăng lội
đùa nhau dưới biển. Ngài muốn tìm nơi thanh tịnh nên xuống xe rồi đi bộ lên đường
vòng chưn núi. Ngài thủng thẳng đi một hồi, đã xa Bãi Sau, tới một chỗ cao, thấy
trong núi lồi ra một miếng đá lớn mặt bằng phẳng nằm tròi trọi dựa đường, ngài
bèn ngồi trên đó đặng ngó mông ra biển.
Không hiểu ngài ngồi ngắm trời ngắm nước rồi ngài cảm xúc hay
sao mà ngoài mặt ngài buồn hiu, trong lòng lại thắt thẻo. Con người đã trải qua
một đời mặn lạt đủ mùi như ngài, nay lại gặp cảnh như vậy có lẽ nào mà không bồi
hồi sao được. Ngài buồn chắc là tại ngài, chớ cái đời của ngài, trong khoảng
hai mươi mấy năm vừa qua, chìm rồi lại nổi, nổi rồi lại chìm, chẳng khác nào biển
lớn rồi lại ròng, mặt trời mọc rồi lặn. Lúc nhỏ có hai bàn tay trắng, lao thân
mệt trí, lập kế lo mưu, lướt hổ dằn lòng, khum lưng uốn lưỡi mà làm cho trở nên
giàu sang, rồi đến ngày già hai bàn tay trắng cũng trở lại hai bàn tay trắng, sự
nghiệp chỉ có ít trăm đồng bạc với cuốn sổ hưu trí mà thôi.
Rõ ràng công danh là bọt nước, phú quí là mây bay, không rồi
lại có, có rồi lại không, không hay có cũng vậy, chẳng ra gì hết.
Ngài đương bàng hoàng nghĩ ngợi, thình lình có một chiếc xe
hơi thiệt đẹp ở phía Bãi Sau chạy lên, trong xe có một người đàn ông ngồi với một
người đàn bà. Lúc xe chạy ngang qua chỗ ngài ngồi hai người ấy nói cười vui vẻ
lắm. Ngài day mặt chỗ khác không muốn ngó. Xe qua khỏi rồi ngài rún vai mà chúm
chím cười, dường như ngài khinh khi hai người ấy không biết sợ thế cuộc xây vần,
cứ vui hưởng hạnh phúc hiện tại.
Ngài chưa quên chiếc xe ấy, bỗng có một ông già đầu bạc trắng
mà bộ tướng còn mạnh mẽ, tay chống một cây ba ton[3] lớn, ở hướng Bãi Trước đi
lại, đi thủng thẳng, vừa đi vừa ngó ngoài biển mà chơi.
Ngài cứ ngồi ngó mông ra khơi, không thèm để ý đến khách đi
chơi ấy. Chừng người ấy đi ngang trước mặt ngài, người chăm chỉ ngó ngài rồi đứng
lại mà hỏi:
- Phải me xừ Bình hay không?
- Phải. Tôi là Bình. Ông là ai mà biết tôi?
- Ồ, toa quên moa rồi hay sao? Quên thiệt hay là không muốn
nhìn?
- Tôi quên thiệt.
- Người ta nói giàu bỏ bạn sang đổi vợ. Nếu toa quên tới moa
nữa thì thiệt toa đúng với lời của người ta nói đó rồi.
- Có lẽ lâu quá nên tôi quên chớ.
- Thiệt quên à? Moa là Thanh ở Chí Hoà, ông mai của toa hồi
trước đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét