Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

XXXXMai Hương và Lê Phong

Mai Hương và Lê Phong

Chương 1

Người phải chết

Trời lạnh nhưng nắng ráo.

Ánh mặt trời buổi sáng tươi cười gội xuống những chòm lá cây thu, tươi cười chiếu lên các mặt tường cao lộng lẫy, vuốt ve màu áo của những cô nhan sắc đi cạnh những cậu lịch sự, và soi lấp loáng những xe hơi tối tân đang đỗ ở trước Đông Dương đại học đường.

Lớp dinh cơ nghiêm trang yên lặng này hôm đó bỗng như nhuộm màu trai trẻ.

Một người thiếu niên ăn mặc chải chuốt quần áo "flanelle"xám, đầu trần mượt láng, tay đeo một chiếc máy ảnh contax nhỏ, nhanh nhẹn bước lên thềm.

Chàng ta vui vẻ chào bọn người đứng tụ họp ở bên cửa chính, nhẹ nhàng len qua mấy bọn người khác, lúc vào tới"phòng đợi".-một cái phòng trống trơn rất cao và rất rộng-Chàng ta đứng ghé vào cần bên phảI là cửa giảng đường.

Hai tay xoa vào nhau ra chiều thích ý, người thiếu niên lẩm bẩm:

-Mình đã tưởng đến muộn thế mà chưa có gì.

Ngoắt quay ra, chàng ta nhìn mấy ông giáo sư, mặc áo rộng đen bằng đôi mắt kính cẩn, nhưng hơi có vẻ ranh mãnh khôi hài rồi lại nhìn mấy người sinh viên trường y học đứng gần đấy. Họ đạo mạo trong bộ lễ phục mới và khấp khởi sượng sùng như mấy chú rể đến nhà tân nhân. Đó là mấy ông y khoa bác sĩ mới đỗ kỳ vừa rồi.

Những tiếng nói chuyện vang lên. Câu chuyện phần nhiều nói về cuộc phát bằng long trọng đầu tiên ở nước Việt Nam và về bài luận án rất có giá trị của Trần Thế Đoàn một người đỗ đầu y khoa bác sĩ.

Mấy người trông đây trông đó tỏ ý ngạc nhiên:

- Gần chín giờ rồi. Mà này, anh có thấy Đoàn đâu không?

-Không, có lẽ chưa đến.

-Sao bây giờ chưa đến nhỉ? Anh này có vẻ một danh nhân muốn cho mọi người chờ đợi mình...

Mấy tiếng cười lanh lảnh ở gần đó. Người thiếu niên chú ý thì thấy một cô thiếu nữ đang đọc tấm bảng yết tên những nhà tân khoa.

-Trần Thế Đoàn. Cái tên nghe lạ nhỉ.

Rồi cô hỏi một người bên cạnh:

- Người thế nào anh biết không?

-Biết. Người còn trẻ lắm, giỏi trai nữa. Anh Đoàn không có vẻ một nhà thông thái như các cô tưởng đâu.

- Thế chúng tôi tưởng thế nào? Anh chỉ hay nói mò. Một nhà thông thái cũng như người thường chứ sao? Mà nhà thông thái bây giờ có lẽ lại lịch sự hơn các anh nữa.

Nhưng không để ý đến vẻ náo động ấy, người thiếu niên cứ đi đi lại lại một cách lơ đãng, thỉnh thoảng đứng lại biên mấy chữ lên một cuốn sổ tay. Rồi lại thản nhiên lững thững đi trong phòng như đi giữa chỗ vắng. Tuy vậy, ai nhận kỹ, cũng thấy đôi mắt anh ta vẫn tinh nhanh và quan sát từng cử chỉ của mọi người, quan sát rất chóng nhưng rất chu đáo. Nét mặt linh động với cái miệng mím lại chốc chốc thoáng qua một nụ cười tỏ ra anh đương nghĩ đến một chuyện gì, mà chuyện ấy hẳn là vuilắm.

Đi tới cạnh bọn phóng viên, họ đến đó để làm bài tường thuật, người thiếu niên bỗng trông ra ngoài đường, vẻ mặt sáng hẳn lên, rối vội vã như có việc khẩn cấp vô cùng, anh chàng chạy ra cửa, ở đó, người ta đang dồn lại bắt tay một người mới đến, hấp tấp và lúng túng trong bộ Smoking mới may.

Người thiếu niên đến trước mặt người kia lễ phép nói:

-Thưa ông, nếu tôi không nhầm, ông chính là ông Trần Thế Đoàn?

Người mặc Smoking nhã nhặn thưa:

- Vâng, chính tôi.

- Còn những ba phút nữa mới mở cuộc phát bằng, vậy tôi muốn xin ông ba phút ấy.

- Nhưng...

- Ông đừng từ chối, ông Toàn quyền chưa đến. Tôi có một việc rất quan trọng muốn thưa với ông.

Rồi dìu Đoàn vào một góc phòng, người thiếu niên mỉm cười rút sổ tay đưa mắt nhìn Đoàn và nói:

- Xin ông thứ lỗi cho, tôi biết ông vội lắm, nhưng ông còn đủ thời giờ. Tôi là một người đi nhặt tin cho báo "Thời Thế” và muốn phỏng vấn ông ở đây.

Đoàn có vẻ ngạc nhiên và tỏ ý khó chịu:

-Ông phỏng vấn tôi?

- Vâng, tôi biết ông vẫn khiêm tốn, ông không ưa việc vô ích ấy, và không nhận cho ai phỏng vấn bao giờ. Nhưng báo “Thời Thế” là một báo đứng đắn rất xứng đáng được truyền những lời quý hóa của một nhà thông thái của quốc dân.

Không để Đoàn ngắt lời, người thiếu niên lại nói:

-Vả lại cuộc phỏng vấn sẽ rất nhanh chóng. Hai phút là cùng. Tôi sẽ đề tựa là: "Cuộc phỏng vấn vội vàng hai phút với bác sĩ Đoàn, tác giả tập luận án về những ánh sáng trong sự kinh nghiệm của y học Đông Dương". Thưa ông, những điều dẫn chứng trong y lý đó là do sách tây dịch hay ông đọc trong nguyên bản?

Giọng nói thành thực và đôi mắt vui vẻ của người thiếu niên, khiến bác sĩ Đoàn không nỡ cự tuyệt. Đoàn ôn tồn đáp:

-Tôi đọc toàn ở các sách Tàu.

-Tôi cũng đoán thế. Nhưng chữ nho ông mới học, hay trước kia ông đã học rồi...

Trần Thế Đoàn đáp:

-Tôi tưởng điều đó có quan hệ gì...

- Có chứ, xin ông cứ cho biết...

- Tôi cần phải khảo cứu đến các sách Tàu nên mới để tâm học cẩn thận, trước kia thì không.

-Đó là một điều chưa báo nào biết mà nói đến. Ngoài việc y học, ông còn để tâm đến khoa học nào khác nữa không

-Có,có vật lý học và hóa học tôi vẫn chuyên chú đến, có hai khoa ấy giúp ích cho những cuộc nghiên cứu của tôi sau này rất nhiều, nhưng bây giờ hết giờ rồi, nếu ông muốn, tôi xin đáp sau khi về nhà.

Người thiếu niên bỗng hỏi một câu đột nhiên:

- Lúc nãy ông ở nhà viết một bức thư dài phải không? Ông cần viết đến nỗi chút nữa thì lỡ mất một việc quan trọng là hôm nay có cuộc phát bằng long trọng.

Đoàn kinh ngạc nhìn người thiếu niên thì anh ta tiếp:

- Mà lại vừa nhận được một bức thư lạ, một bức thư làm cho ông bối rối có phải không?

Vẻ kinh ngạc của Đoàn lại càng rõ rệt, nhưng người thiếu niên cứ bình tĩnh nói, tiếng hạ thấp, có ý chỉ riêng Đoàn nghe.

- Thưa ông, bức thư ấy nói những gì, xin ông cho biết.

Bây giờ Đoàn mới trấn định được tâm trí, hỏi lại người thiếu niên:

- Những điều ấy có liên lạc gì với việc ông phỏng vấn tôi?

- Vâng! Không có liên lạc gì, hay chỉ liên lạc ít thôi, nhưng đó là điều rất quan hệ. Thưa ông Trần Thế Đoàn, xin ông nghe tôi và trả lời cho tôi rành mạch. Ông có những kẻ thù ghê gớm toan hại ông, những kẻ thù ấy ông có biết không và nếu biết,ông có rõ được một chút gì về mưu mô của họ không?

Đoàn lúc ấy lại nhìn người thiếu niên một cách rất kỳ dị,chưa kịp đáp thì anh ta lại nói:

- Xin ông cho biết, đó là những điều cực kỳ quan trọng, vì...

Đoàn bỗng hỏi:

-Nhưng ông là ai?

- Tôi là phóng viên báo “Thời Thế”.

- Vâng. Nhưng là người... Tên ông là gì?

- Tên tôi là Lê Phong, và là người rất có cảm tình với ông.

- Ông Lê Phong! Tôi vẫn biết tiếng ông... Tôi định đến thăm ông để hỏi những việc riêng và cần ông giúp.

Lê Phong đáp:

- Càng hay, vì những việc riêng ấy chính lúc này là lúc ông nên nói ra.

- Không, tôi không nói ở đây được xin mời ông lại chơi nhà hay chốc nữa ra, tôi sẽ xin đến báo "Thới Thế”. Bây giờ (Đoàn nhìn đồng hồ) bây giờ gần đến giờ rồi, xin lỗi ông. à mà tại sao ông biết?

- Biết gì kia?

- Biết các điều ông hỏi tôi. Ông biết từ bao giờ?

-Vừa rồi.

-...?...

- Vâng. Vết mực ở ngón tay ông, ông viết bức thư dài, ông chưa kịp rửa tay, và đến muộn, còn bức thư mới nhận được, ông nhét nó vào túi áo một cách cũng vội vã đến nỗi để tôi trông thấy mé phong bì nhô lên... Còn về những kẻ thù của ông thì tôi cũng vừa mới thấy trong lúc tôi nói chuyện với ông, tôi vẫn để ý đến hai người lạ mặt đứng cách đây ngót 10 thước và nhìn ông một cách hằn học không biết ngần nào. Chúng lẩn xa rồi.

Nhưng tôi vẫn nhận được: một người ăn vận quần áo tím thẫm,đeo kính trắng, quấn phu la tuy trời không rét lắm, còn người kia thì rỗ hoa mặc quần áo màu tro, cao lớn, và cụt một tay.

Đoàn kêu sẽ lên một tiếng:

-Trời ơi? Người cụt tay!

-Vâng cụt tay trái,tay ấn thọc luôn vào túi,nhưng tôi vẫn chú ý nên không giấu được tôi...

Đoàn nhắc đi nhắc lại:

-Người cụt tay? Trời ơi? Tôi hiểu rồi, suốt mấy ngày nay, khi ở trường ra, khi sắp bước vào nhà, khi đi xem chiếu bóng hay ở hiệu cao lâu, lúc nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, tôi thường gặp hắn, tôi cũng chú ý đến cái tay cụt ấy, nhưng tôi không ngờ gì... Đến bây giờ...

Mặt Đoàn tái xanh đi. Chàng hốt hoảng nhìn ra, không trả lời những tiếng chào hỏi của những người bạn qua đấy như trước nữa. Chàng thốt nhiên nắm lấy tay Lê Phong:

- Ông Lê Phong, nếu vậy thì tính mệnh tôi nguy mất, tính mệnh tôi nguy thật, ông... Tôi nhờ ông tìm giúp kẻ thù tôi nhé...ông ngăn cản hộ, tôi biết chỉ ông ngăn cản nổi...

Giọng nói mỗi lúc một thêm van vỉ:

- Vâng, xin ông giúp tôi, ông cứu tôi... Trời! Đến lúc này,việc tôi sắp thành, kết quả gần thấy rỒi, mà... Hôm nay là một ngày quan trọng trong đời tôi, nhưng tôi cũng không được vui mấy.

-Thế ra ông biết cách hành động của kẻ thù đã lâu.

- Tôi biết gì? Có lẽ tôi ngờ thôi... Tôi vẫn ngờ rằng có kẻ muốn hại tôi, nhưng mãi hôm nay, mãi lúc này, tôi mới biết rõ.

-Thế sao ông không đi trình sở Liêm phóng

- Tôi cũng định thế, nhưng xét ra có điều bất tiện. Ông Lê Phong, ông tìm ra nhé! ông đi bắt ngay hộ hai đứa nhé. Tôi đến điên cuồng lên mất?

Lê Phong ôn tồn nói:

-Đi bắt! Tôi chỉ là người nhà báo... Vả lại chúng nó không ở đây nữa, chúng hẳn tránh xa rồi.

-Ông chắc không?

Lê Phong toan trả lời "Tôi đoán thế”. Nhưng muốn an ủi Đoàn, anh ta nói:

- Chắc. Nhưng ông vẫn phải đề phòng cẩn thận. Bây giờ xin ông cứ yên tâm vào giảng đường vì hình như đến giờ rồi. À quên, ông đứng lại để tôi chụp ông bức ảnh.

Bấm xong bức ảnh. Lê Phong bắt tay người thiếu niên bác sĩ lúc đó vừa có người ra gọi, rồi lững thững đến ngồi lên một cái ghế dài gần cửa, cặm cụi viết lên cuốn sổ tay.

Anh ta vừa viết được cái đầu đề:

-“Một cuộc phỏng vấn vội vàng. Mấy phút cùng thiếu niên bác sĩ Trần Thế Đoàn, một nhà thông thái kỳ dị...”

Bỗng đập tay xuống ghế chép miệng:

-Ồ ngốc chưa! Vội gì thì vội, nhưng quên không xem bức thư lạ lùng kia thì ngu thực...

Ngẫm nghĩ một lát, lấy đồng hồ xem. Lê Phong toan đứng dậy, nhưng vẫn ngồi yên. Anh tắc lưỡi một cái, rồi viết rất nhanh, vừa viết vừa đưa mắt nhìn mấy người đến chậm vội vã bước vào giảng đường.

Lúc bốn trang giấy nhỏ đã đầy chữ. Lê Phong bước ra ngoài, đến bên một người ghếch xe đạp đợi ở vệ đường, đưa cái "Tin" mới xé ở sổ tay ra cho hắn và dặn:

-Anh về ngay tòa báo, bảo sửa qua bài tôi viết, rồi đăng ngay, cần lắm. Trang nhất, đầu đề rất to, mau lên cho kịp số hôm nay.

Rồi ngoắt quay vào, anh lẩm bẩm nói một cách rất sung sướng:

- Nào! Lê Phong, đem hết sức hết trí ra! Câu chuyện không đến nỗi tầm thường lắm.

Sắp bước lên thang để vào chỗ dành riêng cho các phóng viên, Lê Phong chợt để ý đến một mảnh giấy nhỏ rơi dưới đất.Anh nhặt lên và bất giác kêu lên một tiếng sẽ: "Ô! lạ chưa!".Trên mảnh giấy có nấy hàng chữ này, lối chữ in hoa, vạch bằng bút chì:

"Lê Phong, anh coi chừng đó, đừng dúng tay vào việc này mà mang họa. Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết, nhưng anh không được tìm, được hiểu, được trông thấy, nghe thấy một điều gì”.

Chương 2

người thiếu nữ kỳ dị

Lê Phong đọc lại mảnh giấy, anh ta chau mày ngẫm nghĩ một lát, đôi mắt đen láy có vẻ sắc sảo lạ thường:

- Hừ! Một bức thư đe dọa! Hay lắm, câu chuyện với Đoàn...

Cái trường hợp kỳ dị vừa rồi làm kích động tâm trí người thiếu niên.

Lê Phong cảm thấy cái nguy hiểm, đoán thấy những việc gian ác ghê gớm sắp xảy tới, và thấy lòng sôi nổi lên... Ngay trong giây phút đó, cả một chuyện bí mật diễn qua trí tưởng tượng của Lê Phong, anh nóng ran cả người lên, lẩm bẩm nói một mình:

- Trời! Ta biết lấy gì cảm ơn sự tình cờ nó làm cho ta được gặp việc này! Một người bác sĩ giỏi nhất nước Nam lại là một người có không biết bao nhiêu chuyện kín... Có bao sự nguy hiểm nó vây bọc. Rồi còn phải chết nữa. Chết ngay bây giờ,trong giữa lúc được thấy cảnh rực rỡ nhất đời... cái câu: "Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết" ta cầm trong tay đây thực là những lời viết bằng máu. Không, không thể là một việc mơ hồ được vẻ lo sợ của Đoàn, cái dáng điệu bối rối, hai người lạ mặt trong đó vẫn có một người theo đuổi Đoàn, một người mà Đoàn nghe nói đến đã khiếp sợ, bằng ấy điều đủ bảo cho ta biết sẽ có những việc dị thường, với lại bức thư đe dọa này nữa. Bức thư

như khiêu khích ta, như thách thức ta... Lê Phong ơi, mi thực là một tay phóng viên có diễm phúc...

Cái tràng diễn thuyết cho mình nghe ấy, Lê Phong nói lên một cách sôi nổi và kiểu cách như người diễn kịch. Không bao giờ anh nhiều lời đến thế, nhất là không bao giờ anh lại văn hoa đến thế. Anh còn lẩm bẩm nói nữa, nói mãi, hình như những tiếng thao thao ở miệng anh mỗi lúc mỗi thêm nhiều ra...

Trong lúc đó thì đôi mắt linh hoạt vẫn không bỏ sót một vật gì quanh mình. Cái phòng rộng thênh thang lúc đó không có qua một người nào, nhưng Lê Phong hình như cố ý cho người ta trông thấy cử chỉ mình, cố ý cho người ta biết rằng anh đương toan tính.

Đột nhiên, Lê Phong ngừng lại. Anh vẫn giữ nguyên cái cử chỉ lúc nãy. Tay vẫn cầm mảnh giấy nhỏ, cái đầu vẫn cúi,nhưng mắt không rời cái cánh cửa trái ở bên kia lối bước vào sân trong. Trong mắt kính mờ, anh như thấy bóng một người đứng ngoài đang rình anh và tay cầm một vật mà anh chưa thể nhận được rõ. Lê Phong nghĩ bụng:

- Trong này không tối hơn ngoài kia mấy. Ta trông thấy được bóng nó thì nó cũng trông thấy bóng ta, nó và ta tuy cách tường, nhưng nhờ có cửa kính phản chiếu, nên rình được nhau.Vậy thì nó là ai... Sao nó lại dò xét ta...

Rồi, không nghĩ gì thêm, anh nhét vội mảnh giấy vào túi,giả tảng bước lên thang gác, rồi thoắt một cái, nhảy ra.

Lê Phong sững sờ đứng lặng, ngượng nghịu không biết chừng nào. Vì người đứng bên ngoài, người mà anh tưởng đương chú ý rình anh, chỉ là một cô thiếu nữ óng ả. CÔ ta lúc ấy đứng ở bao lơn bên lối xuống sân tennis tay cầm một cái máy ảnh nhỏ hình như mới chụp xong.

Thấy Lê Phong đột ngột hiện ra, vẻ mặt đổi hẳn đi, cô ta ngạc nhiên và hơi mỉm cười như chế riễu. Lê Phong ấp úng:

-Thưa cô?

Thì người thiếu nữ giương đôi mắt đẹp, dưới đôi mày kẻ rất thanh lên nhìn anh ta, khiến Lê Phong bối rối không nói được gì nữa. CÔ ta tinh quái se sẽ hỏi lại:

- Thưa ông ạ...

Lê Phong nhận biết vẻ lố bịch của mình, cố trấn tĩnh lại rồi hỏi:

- Thưa cô... cô đứng đây một mình.

Miệng cười của người thiếu nữ lại cho anh thấy rõ câu hỏi kỳ khôi của anh là vô nghĩa lý.Lê Phong vội chữa:

-Nghĩa là... tôi muốn hỏi, cô có thấy người nào đứng... đợi tôi ở đây

- Nếu tôi thấy thì ông không thấy được sao. Mà đứng... đợi ông ở đây? ông hẳn có nhiều người đứng đợi nhỉ?

Lê Phong khó chịu về câu nói giọng mai mỉa, nhưng anh không thể nào không thầm khen cái nhan sắc đằm thắm, tươi trẻ của người thiếu nữ, thứ nhan sắc tuyệt mỹ, cao quý, khiến cho người ta chỉ trông giây lát cũng không đời nào quên.

Anh ta muốn nói lên một câu gì, nhưng không tìm được lời nào hết, mà người thiếu nữ thì vẫn yên lặng nhìn anh không chớp, trên cặp môi, trong đôi mắt, trên cả nét mặt yêu kiều,Phong thấy có vẻ tinh ranh ngạo nghễ, làm cho anh càng bối rối thêm.Trời ơi? Con người tình tứ làm sao?

Anh nghĩ thế rối toan lại gần, lấy cớ xem cái máy ảnh cô cầm ở tay để hỏi mấy câu, nhưng người thiếu nữ đã quay vào,đi qua trước mặt anh và thoăn thoắt bước vào giảng đường. Lê Phong mắm môi, nắm tay tự đấm vào vai mình một cái.

- Từ giờ thì chừa nhé! Mồm miệng để đâu?

Rồi vừa giận mình vừa lẩm bẩm câu:

"Đỗ tồi? Mình thực là đồ tòi?" Anh vội vã bước lên thang gác, vào chỗ ngồi của nhà báo, đưa mắt nhìn khắp giảng đường một phút, cố ý tìm người thiếu nữ, nhưng không thấy, ngẫm nghĩ nửa phút rồi ngồi xuống ghế, mỉm miệng cười:

- Được, có ngày ta sẽ gặp nhau.

Bấy giờ đã hơn mười giờ.

Công chúng trong giảng đường, trên những hàng ghế bắc thành từng bậc thấp dần, đang yên lặng nghe bài diễn văn của các vị giáo sư ngồi ở mấy hàng ghế đối diện.

Lúc đó đến lượt ông giám đốc trường y học đứng lên nói,ông thuật lại những công nghiệp của các thiếu niên bác sĩ và ngợi khen họ đã đem nghị lực và tài trí ra phụng sự một khoa học cao nhất, một thứ nghệ thuật để cứu giúp nhân loại v.v...

Lê Phong nghe bằng cái tai lơ đễnh nhất của anh vì anh còn đương nghĩ đến cái nghệ thuật giản tiện hơn, là tìm hiểu sự liên lạc của hai việc gặp gỡ kỳ dị vừa rồi; mảnh giấy đe dọa anh bỏ dưới cầu thang với người thiếu nữ cầm máy ảnh.

Cái nhan sắc diễm lệ hiếm có ấy cũng làm cho anh băn khoăn hồi hộp như câu chuyện kín của Trần Thế Đoàn, tại sao cùng trong một khoảng thời gian ngắn, sự tình cờ dẫn đến cho anh một việc anh cho là bí mật nhất, cùng một người thiếu nữ lạ lùng nhất, mấy lời hăm dọa trong mảnh giấy kia thoạt tiên anh cho là kẻ thù của Đoàn viết, nhưng theo một thứ cảm giác mới lạ và theo luận lý của những trường hợp lúc đó, anh lại ngờ là chính mảnh giấy của người thiếu nữ...

Anh giở mảnh giấy ra coi chữ vạch từng nét thoáng theo lối chữ hoa in, nhưng vạch bằng thứ bút chì máy nhỏ và có cạnh. Mảnh giấy lúc viết đặc lên một vật màu, gờn gợn như những tấm da đen vẫn làm bìa sách hay ví tiền của đàn bà.

Anh chợt nghĩ đến cái ví đầm mà người con gái đặt ở bờ lan can.

Lê Phong kinh ngạc tự hỏi:

-Nhưng chính cô ta hăm dọa mình ư? Chính cô ta là kẻ thù ghê gớm táo tợn đến thế ư? Ồ có lẽ nào? Thế còn hai tên lạ mặt kia, đồng đảng của cô ta chăng? Người chân tay của cô ta, hay người sai khiến của cô ta?Bằng ấy câu làm cho trí Lê Phong rối tung lên như mớ chỉ lộn.

Anh cố trấn tĩnh lại, cố sắp đặt tư tưởng cho nó thứ tự và nghĩ thầm:

- Việc đó sau này sẽ tìm ra. Điều cần nhất bây giờ là mở hết sức mắt ra mà trông, mà tìm xem trong bọn người dưới kia,trong bao nhiêu công chúng đến dự lễ phát bằng, trong bọn giáo sư với trong đám bạn hữu ngồi với Đoàn ở phía tường trong cùng kia, ai là người có thể ám sát Đoàn giữa lúc này được.

Lê Phong chăm chú quan sát một lúc rất lâu rồi kết luận:

- Công chúng họ ngồi rất xa. Trong đám ấy kẻ nào muốn giết Đoàn tất phải đến gần dùng súng lục bắn. Hai điều đó cùng không thể làm được, trừ khi hung thủ chịu hy sinh tính mệnh mình. Các giáo sư (Lê Phong lắc đầu). Người ta dẫu là kẻ thù của học trò cũng không chọn lúc này để hạ thủ; không,không sợ các ông này. Còn các bạn hữu của Đoàn? Đáng ngờ hơn, nhưng xem ra ông nào cũng tưởng đến sự tình bằng hữu,vả lại ta không thấy họ có một cử chỉ nào khác lạ hết, không?Mặc dầu bức thư kia! Đoàn chưa chết bây giờ được.

Lúc đó, Đoàn ngồi nghiêm trang trên một chiếc ghế dựa áp tường, phía tay phải các giáo sư. Lê Phong trông rõ vẻ bình tĩnh của Đoàn, nhưng anh ái ngại lắc đầu. Bình tĩnh ngoài mặt thôi! Trong lòng ông ta bây giờ thực đủ các điều lo sợ...

Nhận thấy trong giảng đường chốc chốc lại chớp lòe vì ánh sáng magnésium của bọn thợ ảnh, Lê Phong cũng giơ máy ảnh ngắm trước rồi đợi những làn chớp khác để chụp, mấy bức ảnh in kèm bài tường thuật mà anh sẽ viết về một cuộc phát bằng.

Bỗng nhiên anh tái hẳn mặt đi. Đôi mắt mở cực lớn nhìn trừng trừng vào mặt Trần Thế Đoàn. Hai tay cầm máy ảnh của anh run bật lên như người bị xúc cảm một cách phi thường,miệng sẽ sẽ kêu:

- Trời ơi! Trời ơi! Có ai ngờ?

Làm cho mấy người ngồi gần cũng nhìn theo phía anh nhìn, phải lấy làm lạ. Lê Phong vẫn lẩm bẩm:

-Chậm mất quá rồi; mình có ngờ đâu...

Mọi người hỏi:

- Gì thế?

Lê Phong nói như trong giấc mơ:

- Trần Thế Đoàn...

- Sao?

- Chết rồi?

Mấy người kia càng ngạc nhiên. Trông lại thì Đoàn vẫn yên lặng ngòi yên trên ghế:

- Ồ! ông nói gì lạ vậy?

Vừa tìm lối len ra cửa. Lê Phong vừa đáp:

- Chết rồi! Bác sĩ Đoàn bị ám sát rồi.

Như một thằng điên, Lê Phong chạy ra ngoài, đâm bổ xuống cầu thang, rẽ sang tay phải, mở cửa chính giảng đường,cố len qua mấy người cảnh sát Tây họ cản anh ta lại.

Ngay lúc đó, một tràng vỗ tay dữ dội hoan hô cái tên nhà thiếu niên bác sĩ mà ông giám đốc vừa đọc tới, rồi một câu nghiêm trang trịnh trọng xướng lên:

- Ông Trần Thế Đoàn, trường Đại học Đông Dương xin tặng ông bằng y khoa bác sĩ.

Tiếng vỗ tay lại ran lên lần nữa, nhưng trái với điều mọi người trông đợi, Đoàn vẫn không đứng dậy, không nhúc nhích,ngồi trơ như bức tượng.

- Chết rồi? Bị ám sát rồi?

Lê Phong nói câu đó một cách tuyệt vọng rồi bỗng trừng trừng nhìn về mọi phía. Anh vừa thoáng thấy bóng người thiếu nữ đang tìm cách lẻn ra.

Trong giảng đường, nhất là gần chỗ các giáo sư, người ta xôn xao lên. Ai cũng nhìn dồn về phía Đoàn ngồi, một vài người đứng lên, những tiếng hỏi nhau, những tiếng đáp lại với những tiếng ngạc nhiên mỗi lúc một thêm nhiều.

-Mọi người ngồi yên?

Tiếng quát của viên giám thị tạm dẹp được sự náo động trong một lát.

Lúc ông hiệu trưởng nhận ra rằng Trần Thế Đoàn đã chết thực thì tiếng ồn ào lại nổi lên.

Bọn sinh viên với những người ngồi xem đều dần dần đứng đậy cả. Các viên chức sở Cảnh sát sở Liêm phóng cố giữ lại trật tự cũng không được. Người ta kinh dị nhắc lại câu mà Lê Phong nói trước nhất:

-Chết rồi! Đoàn chết rồi!

Thoạt tiên, Lê Phong muốn xông vào, nhưng người ta chen nhau chật cả lối đi, anh đành đứng lại nép vào một phía cửa,đợi cho người thiếu nữ bước ra. Anh nhận ra rằng trước cô ngồi lẩn vào đám phụ nữ ở đầu hàng ghế thứ tư, chỗ ấy ở phía trái giảng đường và cách bọn tân khoa chừng hai chục thước. Lê Phong lúc này không tìm thấy người thiếu nữ có lẽ vì cô ta cố ý không để anh trông thấy, và chỗ của phóng viên ngồi hơi khuất và xa.

Một tay người thiếu nữ vẫn cầm cái ví đầm con màu phớt xanh và tay kia, cái máy ảnh lại trông khắp giảng đường một lượt mặt có vẻ bối rối; lưỡng lự một lát rỗi bước ra ngoài.

Lê Phong chạy theo liền. Người thiếu nữ thoăn thoắt đi về phía cầu thang, chực bước lên, nhưng biết có người theo, cô liền chạy thẳng ra phía cửa sau, rẽ xuống sân, ngoắt về tay trái qua nhà người "gác" rối toan ra khỏi cái cổng riêng các sinh viên vẫn ra vào thường ngày. Lê Phong tiến lên rất nhanh, đứng án ngữ trước mặt cô ta, rồi đường đột nói:

- Tôi hỏi câu này không phải...

Thì người thiếu nữ yên lặng trả lời:

- Ông hỏi câu nào bây giờ cũng không phải... Một cái án mạng xảy ra một cách rất lạ. Một việc rất quan trọng trong trường cao đẳng. Mà ông là người làm báo. Phận sự của ông là ở đó, sao ông lại theo hỏi một người đàn bà?

Lê Phong đáp liền:

- Vì người đàn bà ấy là... (Lê Phong muốn nói là người khả nghi, nhưng anh đổi tiếng ngay) là một người có những cử chỉ lạ lùng tôi muốn hỏi cho biết rõ hơn... tôi thấy lạ hơn việc án mạng.

Người thiếu nữ cất tiếng cười giòn, miệng cười tươi phô ra hai hàm răng nhỏ và trắng nuột.

Lê Phong nghiêm sắc mặt lại:

- Thưa cô, tôi tưởng lúc này cười không phải dịp.

- ồ! Thế ra ông muốn tôi khóc?

- Không. Nhưng...

- Nhưng ông cấm tôi cười? Người ta cấm một người thiếu nữ cười, chỉ vì người ta là một nhà phóng viên... mà nhà phóng viên đạo mạo? ông là phóng viên phải không?

- Phải.

- Lê Phong, phóng viên kiêm trinh thám?

- Phải, thế rồi sao nữa?

Người thiếu nữ nghiêm nghị một cách tinh nghịch:

- Thưa ông Lê Phong, phóng viên trinh thám, tôi xin kính chào ông!

Rồi ngoắt quay ra mở cổng, người thiếu nữ vừa cười vừa bước lại gần chiếc « Nervasport » mới màu tro dịu, đỗ lẻ loi bên vệ đường.

Cái áo hàng thẫm trên chiếc thân kiều lệ vừa lọt vào trong xe, thì tiếng máy bắt đầu chuyển động rất êm. Một tiếng còi điện réo lên, Lê Phong chỉ còn kịp trông thấy hàng: « C.T.8.228 ».

Chương 3

phóng viên và trinh thám

Một mình đi một chiếc xe tối tân. Người lại tối tân hơn.

Miệng cười như hoa hồng nhung nở, mắt hình như ngọc huyền dưới hỗ nước trong. Ăn nói bạo dạn làm sao, ý vị biết chừng nào... Mà cũng kỳ dị biết chừng nào? Trời ơi, sao ta lại gặp cái bóng tiên nga bí mật kia, trong những trường hợp ghê gớm này? Tại sao họ lại biết ta, lại có ý ngại ta... Một khách qua đường ư? Hay là một thứ bẫy cạm.

Lê Phong vừa lững thững bước vừa th ầm nói những câu đó- những câu đẹp đẽ, kiểu cách mà người thiếu niên nào cũng thường nói đến khi thấy cảm động vì một nhan sắc yêu kiều. -

Anh mỉm một nụ cười rất tình tứ rất có duyên. Nhưng cái duyên đó phai dần, miệng cười biến dần, nét mặt tươi sáng của anh dần dần như ám bóng mây. Đôi mày mỗi lúc một chau thêm, môi mím chặt lại, mắt đăm đăm nhìn xuống đất lơ đãng như người nghĩ tận đâu đâu. '

Bỗng anh ngửng lẽn như người tỉnh dậy.

Điệu bộ quả quyết, anh bắt tay lên gió và nói: "Lê Phong ơi? Đừng thở than nữa". Rồi nhảy ba bước vào cửa sau trường Đại học,ba bưcớ nữa tới cửa giảng đường.

Nhưng ngẫm nghĩ thế nào,Lê Phong lại quay ra chạy lên cầu thang bên phải, bên phòng thư ký, gõ lên cánh cửa mấy cái rồi ngả mũ bước vào:

- Thưa ông đây là phòng giấy trường cao đẳng phải không?

Người thư ký đáp:

- Phải, ông hỏi gì?

- Tôi muốn gọi nhờ điện thoại về báo “Thời Thế”..: Tôi là phóng viên của nhà báo. Việc cần lắm.

-Mời ông...

Phong cám ơn rồi quay chuông:

- Allô! 874 s.y.p. 874.

- Allô! Tòa soạn "Thời Thế? Lê Phong đấy à. Phải rồi...

Trường cao đẳng. Cần lắm, gọi Văn Bình đến cho tôi dặn đây. Tin sau cùng: Bác sĩ Trần Thế Đoàn chết giữa lúc đang dự lễ phát bằng... Phải... Chết. Bị giết, bị ám sát. Phải phải, vừa bị giết xong... 10 giừ 45 phút... Bị giết, bị giết, anh cứ đăng thế... Án mạng rất bí mật, tôi biết rằng họ sẽ không thể tìm ra hung thủ ngay được. Anh phải nhớ kỹ, các báo sẽ đăng là bác sĩ chết đột nhiên... Có lẽ sở Liêm phóng cũng vậy. Nhưng tôi biết... ám sát, phải của tôi, tin của tôi, anh viết thêm rằng phóng viên của báo “Thời Thế” đang ra công điều tra. Phải... được... à, tý nữa quên. Anh đổi đầu đề bài phỏng vấn ra thế này: cuộc phỏng vấn vội vàng. Những lời tuyên bố cuối cùng của bác sĩ Trần Thế Đoàn... Phải, cuối cùng được... càng hay, cho in thêm bao nhiêu số nữa cũng... Ừ... Phải... anh cứ viết đoạn đầu, khuôn hai tiếp theo tôi sẽ nói tường tận... Được, tôi sẽ viết ngay... được được...Thôi chào!"

Vừa ra khỏi cửa, Lê Phong gặp một người vội vã bước tới,anh nhoẻn cười và hỏi:

-Chào ông T. Phụng ông vẫn mạnh?

-Chào ông Lê phong.

Ông T. Phụng đứng lại, ông này vào trạc hăm chín, ba mươi tuổi, mặc xám gọn ghẽ,lịch sự. người nhỏ nhắn nghiêm nghị, nhưng dễ thương, khuôn mặt xương xương, vẻ mặt thông minh và thành thực, ông T. Phụng làm ở sở liêm phóng Hà Nội, một người thiếu niên làm việc rất cẩn thận và minh mẫn,thường gặp Lê Phong trong các vụ bí mật mà ông ta khám phá được rất chóng ít khi chịu trái ý kiến Lê Phong. Lê phong không bao giờ giấu những "bí thuật" của mình. Anh khéo bày diễn những điều xét đoán của anh một cách khiêm tốn, khiến cho nhà trinh thám của sở Liêm phóng bao giờ cũng không bị tổn đến lòng tự ái, và thường nhất nhất theo lời chỉ dẫn của người phóng viên. Tuy hai bên nhiều khi cũng không ăn ý nhau, tuy thỉnh thoáng sự ganh cạnh nhà nghề có làm cho họ coi nhau như hai địch thủ, và tuy một đôi khi Lê Phong có trêu tức « nhà liêm phóng » vì bài tường thuật lý thú hóm hỉnh,nhưng bao giờ gặp mặt, hai người cũng chào hỏi nhau một cách thực như hai người bạn thân.

Lần này Lê Phong cũng tươi cười một cách rất thực thà,song trong đôi mắt của anh ta lại có vẻ ranh mãnh, Lê Phong hỏi:

- Ông đi đâu mà hấp tấp thế?

Thấy vẻ ung dung của người phóng viên ông T. Phụng hơi lấy làm lạ, ông ta hỏi lại:

- Ồ! Vậy ra ông chưa biết? Chả nhẽ ông lại chưa biết?

-Biết gì kia, cái chết bí mật của bác sĩ Trần Thế Đoàn?

- Phải.

Tôi vừa đánh tin về nhà báo xong... Tôi lại biết đó là một vụ ám sát nữa.

Ông T. Phụng trừng mắt hỏi:

- Ông bảo sao? Một vụ ám sát

-Có lẽ ông lấy làm lạ?

- Tôi không lấy làm lạ. Tôi chỉ cho là một điều vô lý, một điều vô lý ông bịa ra để nói đùa. Chứ có lẽ nào một việc ám sát,một án mạng xảy ra trong giữa một hội lễ, xảy ra trước mặt tôi?

Không, việc náo động vừa rồi không có điều gì đáng quan tâm.Đó chỉ là một cái chết tự nhiên, chết đột nhiên, đứt mạch máu,trúng cảm, hay một duyên do nào khác, còn ám sát? Thế hung thủ ở đâu?...

Lê Phong nhìn thẳng vào mặt ông T. Phụng, hơi nhách miệng. Một lát anh mới nói:

-Hung thủ đâu? Không có, hay không thấy, hay chưa tìm thấy đó thôi. Phải, việc ám sát xảy ra trước mắt mọi người,trước cả đôi mắt tinh tường của nhà thám tử đại tài T. Phụng nữa. Chính vì thế mà việc này bí mật vô cùng. Có lẽ ông biết rồi, ông vội vã bước đến đây hẳn là để gọi điện thoại báo tin ghê gớm này đi.

- Không phải. Nhưng ông chắc là một án mạng thực?

-Chắc.

-Tự sát?

-Người ta không tự sát ở đây?

-Mà sao ông chắc rằng bác sĩ Đoàn bị ám sát đã?

Lê Phong hỏi lại:

-Tử thi bác sĩ Đoàn ở đâu?

-Ở nhà thuốc trường Cao đẳng.

-Xem xét cẩn thận chưa?

-Rồi. Không có thương tích gì. Viên y sĩ nói là bị trúng

cảm... Bác sĩ Đoàn vẫn là người không được khỏe mạnh luôn.

-Nhưng ông, ông đã khám tử thi chưa?

-Tôi xem qua thôi. Vả lại cuộc khám nghiệm bây giừ mới đơn sơ chưa biết kết quả ngay... Nhưng này, sao ông biết là bị ám sát?

- Vì có người báo cho biết

Ông T. Phụng kinh ngạc:

-Hừ? Có người báo cho ông biết?

- Phải. Chứng cớ đây.

Lê Phong đưa mãnh giấy đe dọa ở dưới bực thang cho ông T. Phụng xem và thuật qua hình dạng hai người lạ mặt anh thấy đứng rình Đoàn, nhưng không nói đến sự kinh ngạc của Đoàn mà anh biết chính Đoàn cũng muốn giấu sở Liêm phóng,anh cũng không nói gì đến người thiếu nữ kỳ dị, chỉ kết luận một câu:

-Trong khi tôi nói chuyện với bác sĩ Đoàn, bác sĩ vẫn khỏe mạnh như thường, không có một triệu chứng nào có thể cho mình tin rằng sau đó không đầy một giờ, Đoàn bị chết được.

Ông T. Phụng trách:

-Thế sao ông không cho sở Liêm phóng biết với?

-Biết gì?

-Cái giấy nầy!

- Trước hết, tôi không sợ những lời đe dọa quá đến nỗi phải cầu cứu sở Liêm phóng. Còn về phần bác sĩ Đoàn thì tôi cũng không ngờ rằng hung thủ dám giữ đúng lời đe dọa của chúng"Trần Thế Đoàn sẽ bị giết hôm nay". Nhưng hôm nay có thể là bây giờ, là chốc nữa là chiều,là tối... cho đến mười hai giờ đêm... Vừa rồi ông cũng không tin như tôi rằng bác sĩ Đoàn có thể bị ám sát được... Bởi thế, tôi tưởng rằng sớm ra thì cũng phải sau khi Đoàn ra khỏi trường kẻ thù của Đoàn mới hạ thủ...

- Nhưng bác sĩ bị giết bằng cách nào mới được chứ?

Lê Phong đáp:

- Cho đến lúc ông với tôi tìm ra được thì có trời biết. Nhưng thế nào cũng tìm ra được, trước thì tìm ra cái lối giết người rất khéo của hung thủ, sau sẽ tìm ra chính hung thủ. Vâng, thế nào ta cũng tìm được nếu không ông, thì tôi.

Câu ấy nói ra bằng thứ giọng quả quyết và ngạo nghễ như thách tranh đấu. Ông T. Phụng nhìn người phóng viên mỉm cười:

- Vâng, chính thế. Nếu thực là việc án mạng thì hung thủ sẽ bị bắt... bởi tôi.

Lê Phong cũng cười:

-Và bởi cuộc điều tra của báo "Thời Thế'. Trong lúc đợi đến cái ngày mà tôi mong là gần tới đó, tôi hãy xin phép ông đi xem qua tử thi bác sĩ Đoàn.

Lê Phong nói rồi quay đi, nhanh nhẹn vui vẻ như đứa trẻ con, nhưng bỗng ông T. Phụng gọi giật lại:

- ông Lê Phong?

- Tôi đây.

Lê Phong vừa quay trở lại vừa nghĩ thầm: " Lòng tự phụ của nhà nghề đấy? ông này hắn muốn chiếm công một mình,thế nào cũng cản trở ta".

Quả nhiên, ông T. Phụng nói:

- Ông Lê Phong, bây giờ là lúc theo lời ông tôi biết đó là việc án mạng, thì tôi không thể cho phép ông tự tiện xem tử thi được. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng luật phải thế xin ông hiểu cho.

-Vâng, tôi hiểu rồi.

-Vậy ông sẽ đợi cuộc xem xét của tôi, tôi sẽ cho ông biết tin ngay, biết trước báo khác.

- Còn việc xem tử thi thì không phải là việc của tôi, vì tôi chỉ là một nhà báo. Vâng, tôi hiểu.

- Ông thông minh lắm.

- Cám ơn ông.

Lê Phong có vẻ thất vọng, bắt tay ông T. Phụng lần thứ hai. Anh chậm chạp vừa bước xuống phòng vừa thở dài, trong lúc ông T. Phụng cũng thở dài, nhưng thở một cách khoái trí.

Ông T. Phụng đợi cho Lê Phong đi khuất mới vào phòng giấy trường Đại học. Ông đánh điện thoại ra sở Liêm phóng báo một việc không quan hệ lắm, rồi ngẫm nghĩ một lúc, ông lại gọi điện thoại cho ông dự thẩm tòa án là bạn ông. Ông nói đến cái chết của người thiếu niên bác sĩ bằng những lời dè dặt, nhưng cũng đủ làm cho ông bạn ở đây bên kia dây phải ngạc nhiên.

Ông cố ý cho ông bạn biết rằng cái chết đột nhiên đó là một án mạng mà không ai ngờ đến, trừ có ông. Ông sẽ khám phá ra được.

Lúc ra, ông T.Phụng nhìn qua xuống phòng đến, trước giảng đường: ở đó,người ta đương ồn ào, bàn tán về cái chết lạ lùng của bác sĩ Đoàn.

Ông ta không chú ý lâu, rẽ sang tay phải, qua sân quần của trường cao đẳng vừa đến phòng trước là chỗ để xác người thiếu niên bác sĩ.

Trước khi bước vào ông mời những người tấp nập đi đi lại lại trước cửa xuống cả sân đợi, rồi gọi hai người gác ngoài đó dặn cấm không ai được vào đấy.

Rồi trịnh trọng, đạo mạo ông mở cửa bước đến bên giường người chết, gật đầu chào mấy người sinh viên mặc áo khán hộ đứng cạnh đấy, và lật tấm khăn xem lại tử thi. Một sinh viên lễ phép đến gần, trỏ lên mặt và tay bác sĩ Đoàn mà nói:

-Xin ông thanh tra mật thám chú ý đến những chỗ tím tím ở dưới làn da xanh nhợt này. Từng đốm tròn bằng đồng hào,thoạt trông thì không ai ngờ gì nhưng xem kỹ thì đó là những triệu chứng của sự trúng độc. Người chết tất uống phải một thứ thuốc độc mạnh, giết người một cách nhanh chóng ghê gớm,thứ thuốc độc ngấm nhanh vào máu, nên người chết chưa chắc đã phải chịu đau lâu nhưng bác sĩ Đoàn - xin ông để ý đến điều này - có uống gì trong hơn một giờ lúc ngồi dự lễ phát bằng đâu?Thế mà cái thứ thuốc độc kia lại ngấm nhanh chóng,ngấm nhanh "như nọc rắn độc". Vậy tất nhiên thuốc độc ấy phải vào máu Đoàn bởi chỗ khác trong thân thể. Tất nhiên phải vào bởi... thí dụ... chỗ này...

Người sinh viên mặc y phục khán hộ, sẽ lật tấm khăn phủ phía dưới lên và trỏ vào một điểm nhỏ ở đùi bên trái bác sĩ Đoàn, màu bầm đỏ, như nốt muỗi đốt, chung quanh cũng có những đám tròn tím như ở trên tay và trên mặt, nhưng mau hơn và nhỏ hơn nhiều.

- Cái điểm nhỏ này, thưa ông, nếu nhìn rất cẩn thận sẽ biết rằng đó là một thứ thương tích nguy hiểm vô cùng, chứ không phải là một nốt muỗi đốt như người ta tưởng. Do chỗ đó mà thuốc độc ghê gớm ngấm vào được và giết chết Đoàn... Mà,theo luận lý và sự kinh nghiệm của tôi thì, thưa ông T. Phụng.

Nhưng không để người sinh viên nói hết, ông thanh tra mật thám xẵng tiếng hỏi:

- Tôi đã bảo ông không được phép vào khám... ông lợi dụng lúc tôi không có đây để...

- Để tự tiện vào? Không. Thực ra thì không ai cho tôi vào đây, người ta nhất định gác lối cửa vào mà tôi thì thế nào tôi cũng phải vào vì việc điều tra của tôi bắt phải thế. Cho nên tôi mới phải dùng cái mưu nhỏ này, mượn được cái áo "blouse" của một người bạn thân tức là mượn được cái phép vượt qua các điều nghiêm cấm.

Ông T. Phụng cưới:

-Ông Lê Phong, ông thực là người tinh quái!

Lê Phong (vì người đó chính là anh ta) se sẽ ngả đầu:

- Vâng, tôi chính là Lê Phong và là người muốn giúp ông hết lòng, vì nếu không nhờ thế lực và trí minh mẫn của ông thì một mình tôi...

Bỗng anh ngừng lại nhìn trân trân ra phía cánh cửa chợt mở, nhưng chợt khép ngay lại anh thoáng thấy một người chực lẻn vào trong nhà thuốc.

Người ấy là cô thiếu nữ dị kỳ.

Chương 4

mỹ châu và trọng thủy

- Lần này thì "giai nhân" phải có cánh mới trốn thoát được.

Lê Phong vừa nói vừa bỏ bộ áo khán hộ ra, nhưng mắt vẫn không rời khỏi "giai nhân" lúc ấy thoăn thoắt bước về phía cửa sau phòng ký túc.

Anh trao bộ áo cho một người gác gần đó dặn đưa trả"quan" thanh tra mật thám, rồi một tay giữ chặt lấy cái máy ảnh đeo lên nách, anh chạy rất nhanh quá sân, vừa chạy vừa nghĩ thầm:

- Con người kỳ dị đến thế là cùng. Mà đẹp cũng đến thế là cùng. Nhưng cô ấy là ai? Là người thế nào? Bao nhiêu cử chỉ đều làm cho mình ngờ là người có liên lạc mật thiết với vụ án mạng.

Trong phòng ký túc đông nghịt những người ở giảng đường vừa kéo ra. Lễ phát bằng tuy không đình lại vì việc xảy ra, nhưng cũng hết vẻ long trọng.

Lê Phong thích bên phải bên trái, nhìn đây nhìn đó, anh bực mình hết sức vì không thể tìm thấy người thiếu nữ, mà cũng không thể tiến lên được dễ dàng.

-Con chim xanh lại bay mất rồi!

- Con chim xanh nào?

Lê Phong quay lại nhìn thì người hỏi câu vừa rồi là ngườI quen. Anh trả lời:

- Một cô đẹp nhất đám này. Cầm ví da, máy ảnh, mặc áo nhung thẫm...

Người bạn cười:

- Thế thì là một con chim xanh thực, vì tôi không thấy đâu.

-Anh tìm để làm gì?

Lê Phong không nói gì, vẫn cau có trơ tráo nhìn khắp mọi người, rồi sấn sổ đi ra phía cửa chính.

Tới đó, mặt anh bỗng hớn hở. Anh trông thấy chiếc"Nervasport" vẫn còn đỗ đằng xa.

Trong xe không có người, mà người có xe thế nào cũng ra đây. Ta chỉ có việc đứng rình một chỗ.

Anh đưa mắt bao quát nhìn quanh một lượt rồi lững thững đi lần vào đám người, bước về phía trước ô- tô, bụng bảo dạ:

- Chốc nữa cô ta ra... Ta phải tìm cách để giữ lại... Hay là...

Lê Phong nghĩ đến cách mở buồng máy làm hỏng dây điện cho xe không chạy được. Nhưng anh lắc đầu:

- Không xuôi! Mình không có quyền phạm đến của người khác... Mà không thế con chim lại trốn thoát. Ta đuổi sao kịp một chiếc xe nhẹ, mới, lại đuổi theo một người định trốn ta... Ồ!Thế này hơn?

Anh liền cắm cổ chạy như bị hổ đuổi, không đầy hai phút,đâm thẳng vào hãng Babilot gần đó, nắm lấy người Pháp hỏi:

-Ô tô! Tôi cần thuê một chiếc ô tô mới, bao nhiêu một giờ cũng trả. Tôi là phóng viên nhà báo. Việc khẩn cấp.

Người Pháp nhìn anh ta như mỉm cười:

-Thưa ông phóng viên, đây không có xe cho thuê.

- Thế tôi muốn mua... mua thì được chứ/

- Được nhưng ông không được lợi dụng để làm một cuộc chơi phiếm đâu.

Lê Phong khó chịu ra mặt, hơi có giọng gắt:

- Tôi không chơi phiếm. Việc tôi cần lắm. Hay tôi mua thực. Bao nhiêu?

- Cái nào?

- Cái kia, cái màu beige, bao nhiêu?

-Bảy nghìn.

Lê Phong toan nói "tôi lấy ngay", nhưng tưởng đến cái nhăn mặt của ông chủ nhiệm khi thấy anh tiêu tán đến thế, thì nguôi dần cơn nóng nảy.

- Vả lại (anh vừa ngồi vừa buồn vội quay lạ) nhà báo tuy phải trả, nhưng việc mình cũng không lợi hơn... Xe mới người ta cho chạy đến 60 cây số một giờ là cùng mà cái xe kia thì...

Anh mừng rằng chiếc xe "Nervasport" vẫn đỗ nguyên chỗ cũ.Bỗng anh tìm thấy một kế, reo lên một tiếng, quay vào hiệu xe gọi:

- Cho tôi một thùng dầu máy.

Người Pháp hơi lấy làm lạ:

- Dầu máy?

- Phải.

- Thứ nào?

-Thứ nào cũng được. Cần lắm, ông bảo đem ngay ra đây.

Lê Phong nâng thùng dầu nhỏ người ta đưa ra, gật đầu bằng lòng, trả tiền rồi hỏi nữa:

- Ông có cuộn dây thép nào không? Cho tôi xin một đoạn...Một thứ quà biếu người mua hàng sòng phẳng.

Lê Phong giễu câu đó bằng một nụ cười rất đáng yêu.

Người Pháp cũng mỉm cười, bảo người đem cuộn dây thép gần đó ra cho Lê Phong và thân mật bảo Lê Phong:

- Ông là một người phóng viên rất lạ lùng.

Rất vội thì đúng hơn... Nếu ông đọc báo tối, nếu ông biết đọc quốc ngữ, ông sẽ thấy bài tường thuật sắp đăng...

Lê Phong không nói hết lời, cảm ơn người Pháp bằng cái gật đầu, rồi cầm đoạn dây chạy đến gần chỗ chiếc xe của người thiếu nữ.

Anh quấn một đầu dây vào cái quai xách, lần đến sau xe,cúi xuống cho người ta không trông thấy rồi buộc rất chặt cái thùng dầu máy xuống gầm xe. Công việc rất nhanh và cũng may chỗ ấy vắng người, nên khi Lê Phong đứng lên cũng không ai để ý đến, mấy phút sau Lê Phong thấy người thiếu nữ ló ra khỏi cửa trường Cao đẳng. Anh vội lẩn mặt để rình xem. Người thiếu nữ đứng lại một lát như có ý xem xét rồi thong thả bước về xe hơi, mặt có vẻ lo âu, đôi mắt đen lấm lét đưa ra hai bên rồi vội vã mở cửa xe máy chạy tức khắc. Lê Phong đợi xe rẽ sang đường Carreau và khuất hẳn rồi anh mới ở chỗ cũ nhảy ra, mỉm cười xoa tay vào nhau:

- Bây giờ thì ta không sợ mất tích cô em nữa, vì ta đã có vết lông ngỗng của cô em đi đường.

Rồi ngoắt chạy về phía nhà hát Tây, anh gọi chiếc xe bảo:

-Xe, về hàng Bông.

-Thầy cho tám xu.

- Cho hào sáu, chạy thật nhanh.

Ngồi lên xe, anh cứ luôn mồm giục:

-Mau lên? Mau lên! Mau nữa lên! ồ anh này trông khỏe trai mà chạy chậm thế...

Người phu xe ngả hẳn thân về đằng trước chạy như ngựa thế mà Lê Phong cứ kêu chậm:

- Nhanh lên nữa, vội lắm. Hứ... giá tôi kéo thì anh phải biết... chạy! Chạy mau lên.

Vụt có chiếc xe đạp ở đầu hàng Khay băng lại.Lê Phong nện chân xuống sàn xe hét:

-Đứng

Rồi nhảy xuống gọi:

- Này Thúy! Thúy, xuống, đi đâu đây?

Người đi xe đạp bóp phanh đứng lại:

- Đến Cao đẳng lấy tin!

-Không cần. Xe hơi có nhà không?

- Không. Ông chủ bút đi có việc.

-Xong khuôn nhất rồi chứ?

- Vâng. Ông cần xe ngay ư?

- Thôi được. Đưa xe đạp đây. Anh về nhà báo bão tôi đi có việc gấp, chốc nữa lại hiệu An Thi lấy xe đạp về.

Quăng một hào trả phu xe, anh nhảy lên xe đạp phóng lấy phóng để, vừa phóng vừa nghĩ bụng:

- Thuê một chiếc xe đuổi theo cũng được, vì ta dã có nàng Mỹ Châu rắc lông ngỗng đưa đường. Giá đuổi bằng mô- tô thì mau hơn, nhưng tất nó nghi, xe đạp hơi chậm, nhưng kín đáo.

Đến hàng Bông, Lê Phong nhảy vào một hiệu cho thuê xe,mặc cả rất chóng, ký giấy xong lên xe đi liền, anh không thèm tưởng đến luật trong thành phố, cho xe chạy nước đại, qua phố nhà thờ, qua Jauréguiberry, gặp đường Carreau thì anh rẽ ngang, đôi mắt dán xuống đường nhựa: '

- Đây rồi,  « lông ngỗng thiếp đưa đường » đây rồi..., cái thùng dầu máy ta chọc thủng có một lỗ con thế mà cũng được việc đáo để.

Rối cứ theo những giọt dầu nhỏ thưa trên mặt đường như một tràng hạt dài vô tận, Lê Phong thẳng đường Carreau đi mãi tới tòa án. Anh cho xe chậm lại khi rẽ qua nhà pha hỏa lò,vì những giọt dầu cũng nhỏ theo lối đó, nhưng anh hơi lấy làm lạ vì thấy đến mặt trước cửa đề lao, thì một vũng dầu to đọng lại hình như trước đó người thiếu nữ có ngừng lại đó ít lâu. Từ chỗ vũng dầu to trở lên, anh lại thấy "tràng hạt dài" lại nối theo và đi về phía Hàng Bông thợ nhuộm.

Đến phố Jean Soler vết dầu lại chạy thẳng rỏi rẽ vế đường Gambetta. Gần hết đường Gambetta xe anh lại chậm lại lần thứ hai để xem xét. Anh nhận ra thì đến chỗ đó, giọt dầu nhỏ thưa hơn lần.

Một là dầu trong thùng còn ít. Điều đó không chắc vì ít ra thùng dầu đến đây mới còn non một nửa, hai là nàng Mỹ Châu tân thời của ta cho xe chạy mau hơn lên.

Lê Phong tin điều thứ hai là đúng hơn vì khi hết đường Gambetta, đến chỗ rẽ sang tay trái, lối xuống Cống Vọng anh thấy vết bánh xe sát lên rất rõ:

-Chỗ này cô ta bóp phanh mạnh, mà xe lúc ấy đang chạy

nhanh...

Rồi cũng mở thêm ga, anh lại theo vết dầu rẽ sang tay trái.

Lúc ấy Lê Phong mới có thì giờ xếp đặt các ý tưởng.

Anh vừa chăm chú theo vết "lông ngỗng ' vừa nghĩ thầm:

- Người con gái này mỗi lúc một khả nghi thêm... Cái án mạng tối kỳ bí hiểm kia thực là một việc giết người có phương pháp rất chu đáo, và chủ động việc đó hẳn là những tay giảo quyệt ghê gớm, trong đó có những người mưu trí, học thức và cả người nhan sắc lạ thường này... Ồ có thể thế được ư? Ở cái nước Nam yên lặng này, lại nảy nòi ra được một thứ người đẹp phạm tội ác một cách khôn khéo đến thế ư? Mà khôn khéo hơn cả các vụ án mạng khôn khéo bên âu, Mỹ. Họ giết một người cả quốc dân chú ý, giết ở giữa một đám hội lễ, trước mặt công chúng,trước mặt các thám tử hộ vệ mấy người có quyền thế... trước cả mắt ta! Thế mà có ai ngờ đâu, cả ông T. Phụng nào biết là Đoàn chết vì những tay ám sát kia đâu? Ta là người đầu tiên thấy những triệu chứng thứ nhất hiện ra mà cũng chưa thể nào biết được cách chúng hành động.

« Nếu sự tình cờ không cho ta trông thấy hai người lạ mặt trong cái khoảnh khắc nói chuyện với Đoàn rồi lại cho ta gặp người con gái kia... thì... Nhưng đối với Đoàn, cô ta là người thế nào? Chính cô ta đã dùng một cách tuyệt xảo nào ta chưa hiểu được để giết Đoàn, hay cô ta chỉ là người có can thiệp đến vụ án mạng độc nhất mà lại có một người rất đẹp, rất kỳ dị ở trong.

Vì tình ư? Vì thù ư? Hay là một cuộc âm mưu vì tiền? Hay là một hình phạt của một hội đồng đảng chánh trị?

Cái bóng dáng kiều lệ ấy sao mà khác thường thế mà sao lại có duyên đến thế. Ừ, con người mới đáng yêu làm sao! »

Đôi mắt sáng suốt của người phóng viên trẻ tuổi ấy tuy nhìn trân trân lên mặt đường phẳng, tuy không rời những điểm dầu đen láy lấp lánh dưới ánh mặt trời, nhưng cũng thoáng qua một vẻ mơ màng, một vẻ mơ màng tươi cười và tình tứ dịu dàng và cảm động, hình như cái đẹp, cái duyên của người nhan sắc đã khiến cho lòng ai luyến tưởng đến bao nhiêu cử chỉ khác lạ, đến bao nhiêu điều tối tăm đáng ngờ vực, đáng đề phòng.

Lê Phong bỗng bật cười, ngồi thẳng người lên, tuy dáng ngồi của anh vẫn ngay thẳng như thường, "vẫn không ủy mị"như anh chợt tưởng thế.

- Hừ! Nhu cảm! Sensiblerie? Có lẽ cô em là một tiên nga,nhưng một vị tiên nga nguy hiểm, cho đến cái ngày ta tìm ra được điều vô lý là cô ta nhúng tay vào tội ác, thì cô ta vẫn còn là kẻ thù của ta. Bây giờ thì là cuộc săn đuổi kỳ cùng. Cuộc săn đuổi mà phần thắng về ta. Lê Phong! Vì ngay lúc đầu tiên cái mưu rắc lông ngỗng đưa đường kia đã có kết quả hay... Trọng Thủy sẽ cố tìm, mà thế nào cũng tìm được cô em, nàng Mỹ Châu tinh quái của tôi ạ!

Lê Phong thích chí vì câu nói ấy, miệng nhoẻn cười một cách khoái trá, nhưng rồi thu ngay lại, mắt nhìn dính lấy một chỗ.

- Ồ này Mỹ Châu dừng chân ở đây ư?

Vì trên mặt đường, qua nhà thương Cống Vọng, anh thấy một khoảng dầu tròn to bằng miệng chậu đọng lại đó thành một vũng và hai dòng nhỏ chảy xuống rãnh đường.

Lê Phong hãm xe. Nhìn lên thì chỉ còn mờ hai vết bánh chạy dài và rẽ về một phía đường nhỏ: những giọt dầu đến đây đứt quãng, anh đoán rằng trong thùng không còn giọt nào.

- Nhưng cô ta đỗ xe ở đây làm gì? Đỗ hẳn lâu vì chỗ này dầu đọng lại nhiều lắm.

Lê Phong đang suy nghĩ, chợt để ý đến một mảnh giấy nhỏ cách đấy mười thước, ghếch lên bờ cỏ, hình như bị các xe qua lại làm bay lên mấy lần. Lê Phong thoạt tiên tưởng là một mảnh giấy thường nhưng anh một lúc một chú ý thêm: khổ giấy và mẫu giấy giống như mảnh anh nhặt được ở trường Cao đẳng.

Nghi hoặc, Lê Phong bước lại, cầm lên xem rồi tráo mắt rất lớn đọc những chữ sau này, cũng vạch bằng bút chì và cũng là lối chữ in hoa:

« Ông Lê Phong, phóng viên trinh thám,

« Ông đừng theo đuổi vết lông ngỗng của nàng Mỹ Châu nữa, cái thùng dầu buộc ở dướii hậu xe tôi, tôi đã biết ngay từ lúc ở trường Cao đẳng, vì tôi vẫn để ý đến ông lắm. Ông nên về đi việc án mạng Trần Thế Đoàn ông không thề tìm ra thủ phạm được đâu, cũng như không thề tìm được lối nếu tôi không muốn ông tìm thấy ».

Lê Phong nén những tiếng bẳn gắt, mỉm cười một cách chua chát:

- Hừ? Thế này thì gớm thực, thế này thì táo tợn thực, họ lại chế giễu mình, lại khinh thường mình, họ lại (chỗ này Lê Phong có vẻ sượng sùng) biết cả ý nghĩ trong thâm tâm của mình nữa. Phải, Mỹ Châu đi trốn Trọng Thủy, khác với chuyện dã sử, nhưng cũng khác với chuyện dã sử, Trọng Thủy Lê Phong thế nào cũng tóm được Mỹ Châu. Ờ, không ví von để hỏi mà xem cô ả đi lối nào!

Lê Phong theo vết xe đi một quãng xa nhưng chỉ theo được mười thước đã không thể nhận được nữa, vì trên mặt đường còn bao nhiêu vết xe qua lại đè lên. Anh đứng lặng một hồi lâu,cúi đầu ngẫm nghĩ trước một đường đá rẽ sang một bên rồi chậm chạp bước về, thở dài một tiếng buồn bực vô cùng rồi nói:

- Vô ích, con chim xanh bay rồi!

Chương 5

tin dữ trong giây nói

Lê Phong xem đồng hồ tay. Lúc đó 10 giờ 10, bụng đã thấy đói.Anh lên xe đến bên một hàng quà cách không xa đấy lắm,nheo mũi nhìn những bát bẩn thỉu úp trên mẹt rồi hỏi nhà hàng:

-Bà hàng có những thứ quà gì ăn được?

- Bẩm quan, quà thì thứ gì mà chẳng ăn được. Quan xơi bún riêu nóng.

-Tôi không là quan, nhưng có bún riêu nóng tôi cũng ăn.

Câu nói đùa làm cho Lê Phong lại thấy vui vẻ.

Anh vừa ăn vừa nghĩ, sự ngon miệng vì món quà ít khi ăn tới hình như khiến cho anh coi việc thết bại vừa rồi là một việc không đáng bận lòng lâu.

Anh sắp đặt sẵn trong óc những việc anh sẽ làm trong ngày hôm ấy ra từng khu từng hạng và nhất định theo đúng thứ tự anh vạch sẵn để khởi công điều tra. Hình ảnh ngườI thiếu nữ mọi khi thoáng qua trong trí anh cùng với vẻ nhanh nhẹn, cùng với miệng cười tươi thắm như cánh hoa hồng, lạI làm cho đôi mắt anh long lanh lên. Tâm trí bị xúc động nhưng một cách êm ái nhẹ nhàng. Nhưng sự bí mật anh chưa khám phá ra là những sợi dây đan thành một tấm màn thưa mà sau đó anh thấy dáng người thiếu nữ hôm qua, người thiếu nữ mang cả một tâm tình ly kỳ và có những cử chỉ không thường làm sôi nổi tính tò mò của anh chàng cùng với tình yêu mạo hiểm.

Lúc Lê Phong đứng dậy thì sự khó chịu nó chực ám ảnh anh lúc này đã biến hẳn, Lê Phong bước nhanh lên chiếc xe,vặn máy, rồi thảnh thơi về Hà Nội như người đi chơi về, cái cảm giác được đưa đi rất nhanh khi ngồi xe làm kích thích tài xét đoán của anh. Anh thấy lúc đó anh tính được rất nhiều việc có ích.

Lê Phong về tới nhà báo "Thời Thế ' mới gần một giờ trưa.

Anh vào tòa soạn bắt tay mọi người, rồi đứng thẳng ngườI lên, dáng đạo mạo một cách khôi hài và tuyên ngôn rằng:

-Ông chủ nhiệm mời ta ký "bông ' xuống két.

Đó là một lối Lê Phong dùng để bảo những việc quan trọng mớI xảy tớI hứa trước những bài tường thuật rất sáng suốt và những cuộc điều tra rất công phu. Mà công việc điều tra của anh càng cẩn thận, anh tiêu càng nhiều tiền. Tiền không tính, tiêu không chừng. Nhưng tiêu vì việc nhà báo. Anh dùng các cách để cho mau được tin, mua cái áo đi mưa khi giữa cuộc hành trình xa gặp mưa luôn, mua những sách rất đắt tiền khi anh cần tra cứu, mua hẳn mấy con ngựa khi ở đường rừng theo đuổi một vụ cướp, và mua cả bộ quần áo kỳ dị nhất khi cần cảI trang... Hơi cần cái gì cũng mua thực rộng rãi, thực nhiều, rồI tính tiền cho nhà báo trả sau. Ông chủ nhiệm trả tiền những bộ áo trả tiền xe, ngựa, trả hết mọi thứ phí tổn mà nhiều lần ông biết là không có ích mấy. Ông trả với một nụ cười không tươi lắm, nhưng ông cứ trả. - Miễn là có "bài" hay. Mà bài của Lê Phong bao giờ cũng có đặc sắc.

Lê Phong lại nói:

- Vụ án mạng này có nhiều điều bí ẩn không ngờ được. Tôi"đánh hơi" không biết bao nhiêu sự kỳ lạ tôi sẽ tìm ra. Dư luận bây giờ chỉ hơi xôn xao thôi. Người ta, theo các báo khác đưa tin, sẽ chỉ cho là một cái chết đột nhiên, như tôi đã nói,chứ chưa ai kinh dị. Ta sẽ cho mọi người biết sự thực. Một tiếng trái phá chưa ai từng nghe thấy trong các rừng tin tức ở nước Nam.Tôi bắt đầu làm việc ngay từ bây giờ. Báo « Thời Thế » không phải là một báo đưa tin lạ mà thôi, lại là một báo có những tin,nhưng mắt tinh tường hơn ai hết thấy...

Rồi, ngồi xuống ghế cầm bút, anh xem qua trang báo có đăng bài phỏng vấn nhà thiếu niên bác sĩ. Một lát anh hỏi Văn Bình:

- Anh đã làm bản kẽm chân dung Trần Thế Đoàn chưa?Trong máy ảnh này còn một bức mà không có báo nào có. Anh làm ngay để in kèm bài tôi viết đây... Dưới đề là: "Bác sĩ Đoàn, bốn mươi phút trước khi bị giết". Bây giờ anh lục báo,viết một cột về tiểu sử của bác sĩ Đoàn, gia thế, tính hạnh, và những điều nguyện vọng về tương lai. Tôi, tôi chỉ tường thuật vụ ám sát. À quên, anh chủ nhiệm bao giờ mới đến?

- Hai giờ.

- Lâu nhỉ. Vậy anh ký thay chủ nhiệm xuống két lấy tiền trả hộ tiền ô- tô. Từ nay tôi muốn chiếc xe hơi của chủ nhiệm thuộc về tôi trong ít lâu... nhưng nếu cần, có lẽ dùng mô- tô.Cho tiện. Anh cho người đứng chực sẵn đó, tôi viết từng đoạn một; cho "sắp" đi thì vừa.

Lê Phong lấy thuốc lá hút, vân vê ngọn bút, hai mắt lim dim, rỗi như người viết thư vội vàng, anh một mạch viết hết dòng này xuống dòng khác.

Anh có một lối tường thuật riêng, không kể lể lôi thôi, vào bài một cách đột ngột như người mở cửa nhà không gõ trước.Vụ án mạng, dưới ngòi bút anh, diễn ra rất minh bạch, chu đáo khiến cho người đọc suốt từ đầu chí cuối thấy ham thích và hiểu rõ những điều anh hiểu, và như trông thấy các việc xảy ra.

Từ lúc đứng phỏng vấn Đoàn, lúc Đoàn chỉ còn là cái xác chết ngồi im trên ghế... Lê Phong thuật ra một cách gọn ghẽ, nhanh nhẹn như người viết một câu truyện ly kỳ. Nhưng bài tường thuật này chỉ đúng có một phần. Anh nhất định không đả động gì đến người thiếu nữ, có lẽ đó là một chủ ý anh muốn giữ kín hay đó là vì một lẽ gì khác mà anh không muốn cho công chúng ngờ rằng có một người đàn bà trong vụ này? Lê Phong chỉ kết luận rằng: "Vụ ám sát bác sĩ Đoàn tỏ ra rằng nghệ thuật giết người ở đây thực đã tiến hành nhanh hơn cả

mọi khoa học khác. Bọn hung thủ ra chiều không cần gì pháp luật không sợ gì các nhà chuyên trách, bức thư đe dọa, phóng viên của bản báo đủ làm cái chứng cớ rõ rệt rằng chúng coi thường cả mọi cách đề phòng. Cũng như bao nhiêu những việc từ trước tới nay, bản báo hết sức khám phá ra, vụ này không mấy chốc bản báo sẽ tìm được cách lần ra manh mối. Thủ phạm tuy khôn khéo, nhưng không lẩn trong bóng tối được mãi.Chúng tôi nhất quyết sẽ là người đầu tiên tố cáo bọn gian ác và cũng lâ người ngăn ngừa những hành động ghê gớm của chúng. Những hành động ngấm ngầm, quỷ quyệt nhưng hiện nay chúng tôi cũng biết rằng chúng chỉ đợi dịp tọt để ra tay...vụ ám sát bác sĩ Đoàn chỉ là cơn gió báo hiệu cho nhiều trận dông tố khác".

Viết đến đó, Lê Phong buông bút đứng dậy thì ông chủ nhiệm bước vào. Lê Phong cười:

- Anh có ngờ gì không?

- Ngờ gì?

-Vụ án mạng ở trường Cao đẳng không phải là một việc riêng của bác sĩ Đoàn. Chính báo "Thời Thế ' hay nói cho đúng một nhân viên trong báo "Thời Thế ' sẽ đóng một vai trong tấn kịch này kia đấy.

Rồi Lê Phong kể sơ qua các việc xảy ra và nói tiếp:

- Chúng đe dọa tôi một cách công nhiên. Tính mệnh tôi ở trong tay bọn này đó. Nhưng tôi tưởng đó chỉ là một cớ để anh cho tăng số báo lên gấp đôi, phải không Văn Bình?

Ông chủ nhiệm mỉm cười:

- Tăng số báo lên gấp đôi và trả tiền phí tổn có ích của anh gấp bốn.

-Đành vậy. Nhưng việc phải thế. Lúc nãy chỉ chút nữa tôi lấy cái V 8 mới của Hãng Babillot thì anh còn nhăn.

- Một chiếc xe mới? Trời ơi! Thế nhà báo không có xe ư?

- Mỗi lúc lại về nhà báo của anh lấy xe thì còn gì là việc của tôi. Tôi là phóng viên. Nghĩa là người nhắm mắt tiêu. Còn anh,chủ nhiệm báo thì cứ việc mà trả.

- Nhưng thôi, bàn phiếm mãi, anh nghĩ việc này thế nào?

-Tôi thì nghĩ rằng...

Bỗng có chuông máy nói.

Văn Bình nhấc ống nghe rỗi đưa cho Lê Phong:

- Người ta gọi anh đấy.

Lê Phong hỏi:

-Allo Ai đấy?

Đầu dây bên kia trả lời:

- Ông Lê Phong phải không?

- Phải, nhưng ai đấy?

-Ông không cần phải biết, vì có điều này cần biết hơn,ông nghe đây!

Lê Phong nghĩ thầm:

- Quái! Tiếng ai mà kỳ thế, lại làm như sai bảo được mình không bằng.

Rồi cũng xẵng tiếng, anh hỏi lại:

-Ai đấy? Tôi có lệ không nói chuyện với những người tôi không biết tên.

Bên kia trả lời:

-Tôi cũng vậy. Tôi có lệ khi nói một chuyện như chuyện này tôi không cần cho ai biết tên... Nhưng nếu ông muốn, thì tôi cho ông biết tôi là ai...

- Phải, phải, ông là ai

-Người cụt tay ở trường Cao đẳng.

Lê Phong đứng thẳng người lên áp chặt máy nói vào tai:

- Hừ? Cái gì? ông nói cái gì?

- Tôi là người cụt tay, một người ông đã gặp, nhưng lại là người ông nên tránh, vì...

- Vì?

-Vì tôi không muốn gặp ông trên đường của tôi đi. Ông nghe đây:sáng mai trong giờ giảng học, Lý Tuyết Loan, một người nữ sinh trong ban Hồng thập tự sẽ bị giết. Tôi báo trước cho ông biết thế, rồi cho ông sẽ thấy đúng thế như... Nhưng nếu ông tìm cách ngăn trở - mà ngăn trở cũng không được - hay nếu ông cố dò xét công việc của tôi, thì liệu cho tính mệnh của ông đó.Chào ông.

Lê Phong hỏi mấy câu sau, nhưng người bên kia hình như đã đặt máy xuống.

Lê Phong chau mày nhìn trân trân xuống mặt bàn. Anh lẩm bẩm nửa như nói một mình, nửa như bảo mọi người:

-Nữ sinh Hồng thập tự? Nữ sinh? Một người con gái nữa?

-Anh Bình, anh Bình?

Văn Bình vẫn chăm chú nhìn Lê Phong:

-Cái gì?

-Anh Bình! Anh hỏi hộ tôi xem trong ban Hồng thập tự có ai tên là Lý Tuyết Loan không?

Văn Bình ngạc nhiên:

- Lý Tuyết Loan? Ừ sao? Anh biết cô này.

- Biết qua thôi, vợ chưa cưới của bác sĩ Đoàn?

Văn Bình hỏi:

- Ừ thế làm sao?

- Sáng mai, cô ta sẽ bị giết.

Chương 6

ta còn gặp nhau

Lê Phong không nói gì thêm nữa, lấy mũ ra ngay. Bỗng anh quay vào vặn Téléphone:

- Allo! Thưa bà ở đây báo “Thời Thế” 874. Bà làm ơn cho biết người gọi ba phút trước đây ở số bao nhiêu... Không được ư? Thưa bà, bà làm ơn cho tôi, cần lắm... Không phải là abonné? Người ấy gọi ở phòng điện thoại công? Này tôi có thể biết ở nhà dây thép nào không?... Vâng. Cảm ơn bà...

Lê Phong đặt máy nói xuống lẩm bẩm:

- Lý Tuyết Loan, vị hôn thê của bác sĩ Đoàn, sáng mai sẽ bị giết trong giờ giảng học. Ồ, có thể như thế được chăng?

-Mà chính hung thủ, hay là chính một người trong bọn hung thủ vụ ám sát bác sĩ Đoàn báo cho tồi biết trước.

Chợt nghĩ ra một ý, Lê Phong mở cửa, xuống nhà dưới, qua phòng trị sự, qua cổng nhà báo, rẽ về phía tay trái vào nhà bưu điện phụ ở gần đó, lễ phép hỏi người thư ký:

-Thưa ông, ông có nhớ chừng năm phút trước đây có ai vào đánh téléphone không?

Người thư ký nhà bưu điện có vẻ lưỡng lự.

Lê Phong chắc họ muốn giữ bí mật nhà nghề, nên vội tươi cười nói:

- Xin ông cứ yên tâm, vì người đó chính là người nhà tôi.Một người đàn ông, cụt một tay... Tôi chắc ông còn nhớ rõ... vì mới đây chừng năm phút...

Người kia đáp:

-Có.Cách đây năm phút, có người vào gọi điện thoại,nhưng không phải là người ông nói.

- Vậy là ai được...?

- Một người đàn bà, một cô thiếu nữ thì đúng hơn.

-Một người thiếu nữ

-Phải.

-Đẹp?

-Đẹp lắm.

- Mang ví đầm màu xanh phớt?

-Phải

Lê Phong sẽ kêu lên một tiếng:

-Trời! Lại người thiếu nữ kỳ quái?

Rồi không kịp cảm ơn, Lê Phong quay ra chạy về nhà báo gọi Văn Bình:

-Anh Bình, anh cho thêm một tin sau cùng nữa về vụ án mạng trường Cao đẳng; "Hung thủ còn giết người. Tính mệnh của vị hôn thê bác sĩ Đoàn, bọn sát nhân đã định trước. Bản báo phóng viên đang điều tra..." Đại ý là thế, anh viết dộ 10 dòng, đặt ở trang hai, dưới bài tường thuật...

- Được.Còn gì nữa không?

- Còn anh phải có mặt tuôn ở đây để đợi tín của tôi. Anh sẽ giữ các báo hàng ngày ra hôm nay để xem đối với vụ này họ nói thế nào. Nghĩa là anh phải để tâm theo đuổi việc này trong lúc tới theo đuổi bọn hung thủ. Bây giừ tôi hãy đến phỏng vấn cô Tuyết Loan đã. Nhà cô ta ở đâu nhỉ?

-Ở đường Huế, số nhà 99 hay 97 gì đó...

Lê Phong liền ghi số nhà rồi lấy xe hơi của nhà báo đi liền.

Ngồi trên xe, anh tự nghĩ:

-Bây giờ mới có ba giờ chiều, mình còn cả một buổi chiều nay, mà nếu cần, thì còn cả một đêm nay để tìm và để ngăn ngừa công việc của hung thủ.. Phải, chúng hành động thực là khôn khéo, cái án mạng ở trường Cao đẳng chúng tính toán giỏi đến nỗi ta trông thấy cái chết, ta biết trước cái chết của bác sĩ Đoàn mà không làm gì được. Chúng tin mưu cơ của chúng một cách vững vàng đến nỗi dám báo trước công việc với ta.Sáng ngày một bức thư, vừa rồi gọi téléphone, hai lần báo tin hai việc giết người. "Báo trước nghĩa là biết, rằng không có cách gì cản trở việc hành động bí mật của chúng. Nhưng cũng để thách ta, để đe dọa ta đừng có tra xét đến, mà để dọa ta cũng tức là để ý đến ta, tức là sợ ta, một ông T. Phụng, một nhà thám tử kể cũng không thiếu tài, với cả sở Liêm phóng ở nước này,chúng không coi vào đâu, nhưng chúng sợ ta - việc điều tra của

Lê Phong có thể hại cho chúng được".

Lê Phong ra vẻ tự'đắc và vui hưởng lấy cái sung sướng của một người biết mình có tài. Rồi anh lại nghĩ:

"Những chữ "tài" với chữ "tai" quá gần nhau thực... Ta chưa biết rồi đây ta sẽ gặp những tai nạn gì? Lời đe dọa của bọn kia không phải là một câu chuyện đùa. Cái chết của bác sĩ Đoàn đã cho ta thấy rõ. Một cái chết phi thường ghê gớm, tối kỳ bí mật. Lại có vẻ thần quái nữa. Hung thủ quanh quất đâu đây,hung thủ không dùng đến những khí giới thường có. Hung thủ không ra mặt. Thế mà giết người được, giết một cách chắc chắn, nhanh nhẹn biết chừng nào? Đến mai là một người sẽ bị giết mà cũng theo một phương pháp thần bí ấy, biết đâu ngườI bị giết thứ ba chẳng là ta? Bởi vì xem ra ta cũng hơi chướng ngại cho bước đi của chúng".Ồ! Hay lắm, kịch liệt lắm. Cả một thiên tiểu thuyết mạo hiểm mà trong đó ta là vai anh hùng trừ gian!.

Lê Phong mỉm cười:

"Hay là gian trừ cũng không biết chừng. Nhưng không hề gì cuộc chiến đấu càng gay go càng thú. Chỉ phiền việc này bí mật quá, nên trong có một khoảng mấy giờ đồng hồ đã xảy ra biết bao nhiêu điều rắc rối khiến cho trí ta không kịp suy tưởng... Từ sáng đến giờ ta chỉ như một vật thụ động, ta làm việc theo trí phán đoán thì ít, phần nhiều chỉ theo những trường hợp xảy ra, mà trong bao nhiêu việc xảy ra, lúc Đoàn bị giết lúc khám tử thi, lúc đi theo vết xe ô- tô, lúc nghe máy nói ở “Thời Thế”, bao giờ cũng thấy bóng người thiếu nữ, nhận thấy những cử chỉ, những hành vi kỳ dị... mà chỉ thấy riêng có một mình cô ta trong cả một vụ rắc rối này thôi..."

Trong thâm tâm người thiếu niên thấy nảy ra những ý tưởng rất khác thường. Anh không chịu tin rằng một nhan sắc vui vẻ đến thế lại có thể chủ động những tội ác ghê gớm đến thế. Vậy mà bao nhiêu điều anh trông thấy đều rành mạch tố cáo với anh rằng cô ta là thủ phạm, không thì ít ra cũng là một người trong bọn thủ phạm.

"Mà vì đâu họ giết người, vì cớ gì họ giết người một cách gần như công nhiên? Ta biết được "cái duyên cớ chủ động' đó thì việc tra xét ta mới dễ dàng, nhưng hiện giờ ta chưa thể thấy rõ một manh mối nào hết".

Nghĩ đến Lý Tuyết Loan, Lê Phong se sẽ gật đầu:

- Bọn hung thủ định giết vị hôn thê của bác sĩ Đoàn, sau khi đã giết ông ta hẳn có một mục đích quan trọng. Điều đó cho ta biết rằng án mạng này không phải vì chuyện tình. NgườI ta vì ghen hoặc vì muốn chiếm đoạt người tình, thường chỉ trừ đi một, đôi bạn yêu nhau. Đây thì cả hai người cùng là tội nhân của quân gian ác. Vậy thì thù ư? Ta liệu hỏi Lý Tuyết Loan sẽ biết.

Xe đến đường Huế, đỗ trước một cửa hàng nhỏ, quá chợ Hôm, Lê Phong xuống đi bộ chừng một trăm thước, vừa để tìm nhà, vừa để xem xét. Lúc đến nhà số 99, anh đứng lại giả vờ lấy thuốc lá hút để đưa mắt nhìn lại đằng sau. Anh có ý xem có kẻ nào đi theo anh, hoặc đứng rình đâu đó không. Lúc biết chắc không có gì khả nghi, anh mới bấm chuông đứng đợi. Anh hỏI người đầy tớ ra mở cổng.

-Nhà cô Tuyết Loan đây phải không?

-Vâng. Nhưng cô tôi đi vắng.

Lê Phong ra vẻ bất mãn:

- Đi vắng' Vừa đi hay đi đã lâu?

-Cô tôi vừa đi được chừng mười phút thôi... Đâu như trên sở mật thám người ta gọi.

- Anh chắc chứ. Mà này, anh có biết sở mật thám gọi về việc gì không?

Thấy vẻ săn đón của Lê Phong, người đầy tớ nhìn anh ta hơi ngạc nhiên và đáp:

-Tôi không được biết. Cô tôi chốc nữa về, ông lại chơi...

Nói rồi hắn đi trở vào. Lê Phong vội gọi:

-Này... Đan!Thế nào?

Người đầy tớ bỗng quay ngoắt lại, kinh ngạc vô cùng,nhưng Lê Phong vẫn bình tĩnh nhắc lại:

-Đan? Thế nào? Đến mai đấy chứ?

Rồi không để người đầy tớ có thì giờ đáp, anh hỏi luôn:

- Bây giờ những ai có nhà?

- Nhưng...

- Thực! Ai có nhà bây giờ. Việc cần kíp lắm. Cô Loan đi vắng lúc này thật là may.

Người đầy tớ bỗng bỏ hẳn vẻ ngờ nghệch, đôi mắt sắc của hắn liếc nhìn vội vào một cái, rồi vừa mở cổng vừa nói nhỏ:

- Thế ra anh là...

- Phải... Nhưng mau lên. Ai ở nhà bây giờ?

-Thằng em nó. Thằng này thì không đáng lo.

- Sao không cần phải dò kỹ nó mới được.

Tên đầy tớ toan nói nữa, song Lê Phong ra hiệu bảo im, rồi cất mũ chào một người thiếu niên ở trong nhà ló đầu ra. Anh bước vào nói rất nhanh một câu với tên đầy tớ và cố ý nói khẽ cho hắn không hiểu là nói gì.

Lúc hắn khép cổng rồi đi ra sau nhà. Lê Phong mới bảo người thiếu niên:

- Thưa ông, tôi là Lê Phong, muốn thưa chuyện với ông về

một việc rất quan trọng.

-Vâng, mời ông vào.

Lê Phong vào một gian nhà trang hoàng lối mới, lịch sự và ý nhị nhưng anh để ý đến các cửa hơn.

-Ông gọi đầy tớ lấy nước uống đi, nước thường thôi, không cần pha trà.

Người thiếu niên lấy làm lạ, nhưng cũng nghe theo, bấm chuông gọi tên Đan rót nước bưng ra, rồi lại cho nó xuống. Lê Phong không uống, đợi tên đầy tớ ra khỏi, đặt chén xuống khay rồi nhích lại gần hạ thấp tiếng hỏi người thiếu niên:

- Ở đây nói chuyện, bên ngoài có nghe được không?

-Không?

- Nhưng ta cũng nên nói nhỏ. Trước hết xin ông biết rằng tôi đến điều tra một việc có liên lạc với cô Tuyết Loan. Tôi là phóng viên báo « Thời Thế ».

-Vâng, tôi vẫn biết tiếng ông.

- Càng hay... Như thế thì ông tin tôi hơn. Vậy xin nói ngay cho ông rõ: "Cô Tuyết Loan hiện đang bị người ta mưu hại, mà những kẻ âm mưu là thủ phạm trong vụ ám sát bác sĩ Đoàn".

Người thiếu niên giật mình:

- Thế ra anh Đoàn tôi bị ám sát thực ư?

- Vâng. Nhưng việc này sau hãy nói đến. Hiện giờ cái nguy hại đang ở bên mình cô Tuyết Loan…Cô đến sở Liêm phóng phải không?

-Vâng.

-Ông chắc chứ!

-Vâng. Vì có giấy gọi. Tôi cũng đọc giấy ấy.

-Nếu vậy, được. Chả tôi sợ giấy đó là một mưu đánh lừa của bọn gian...

Rồi không có liên lạc, anh chợt hỏi:

- Tên đầy tớ vừa rỗi mới đến ở phải không?

- Vâng, mới đến chừng bốn hôm nay. Nó ở thay cho thằng ở trước xin phép nghỉ.

-Nó làm ăn còn vụng lắm, phải không '

- Vâng.

-Tên nó là gì?

- Là Hồng.

- Theo trong thẻ thuế thân?

- Không. Theo lời nó nói.

- Sao ông không xem thẻ của nó?

- Nó nói là bỏ quên ở nhà trọ chưa tìm thấy.

Lê Phong chau mày hỏi:

-Nó nói thế mà ông tin được sao? Tên nó không là Hồng mà là Đan, nó ở đây không phải hầu hạ nhà này, nhưng để dò xét ông phải đề phòng cẩn thận mới được.

-Trời.Thế ra ông biết từ trước?

- Không. Tôi vừa biết xong. Lúc tôi bấm chuông, thấy ông gọi thằng Hồng ra mở cổng, mới biết nó chưa quen nghề làm đầy tớ và mới biết nó mới đến ở đây. Hai ống tay nó sắn rất cao để dọn dẹp, khác với thói quen của các đầy tớ thường, cũng vì thế, tôi thấy chữ Trần Xuân Đan, mà lại xưng là Hồng, lại làm đầy tớ của cô Tuyết Loan, vẻ mặt lại không có vẻ gì lương thiện... Bằng ấy cớ đủ làm tôi sinh nghi mới vờ thử làm một người đồng đảng, hỏi qua nó mấy câu, anh chàng mắc mưu ngay tức khắc. Bây giờ ông nghe tôi: "Bác sĩ Đoàn có nhiều việc kín mà bọn gian dò biết. Có lẽ việc kín đó, cô Tuyết Loan là vị hôn thê của bác sĩ cũng biết một phần lớn, nên chúng mới định hại cả cô. Những việc kín đó là những việc gì, ông có thể biết được không?

- Không. Tôi là lưu học sinh ở trường Albert Sarrawt,không mấy khi về nhà, nên cũng không hay gặp chị tôi với anh Đoàn. Vả lại đã là việc riêng của hai người thì...

-Ông Đoàn là vị hôn phu của cô Tuyết Loan từ bao lâu?

-Từ hơn một năm nay? Thưa ông, kể ra thì anh Đoàn là người nghèo. Song thân mất đã lâu, họ hàng cũng không còn ai gần gụi, anh là người rất có chí, lại rất tốt, chúng tôi biết là người có tương lai rực rỡ, nên thầy me tôi vẫn có bụng yêu.Đoàn đến dạy riêng tôi với em gái tôi hỏi ba năm trước đây để lấy tiễn ăn học, nhân thế được thầy me tôi mời ở trọ đây luôn thể.Mãi đến khi anh xin được lương ở trong trường mới thôi. –"Chị Loan tôi với anh Đoàn xem ra rất tương đắc, bởi thế khi chị không thuận người đến hỏi thì thầy me tôi hiểu là chị đã ưng Đoàn. Đoàn một lần có ngỏ ý với thầy me tôi thì hai cụ bằng lòng ngay, nhưng việc hôn nhân anh Đoàn định đến ngày thi xong mới tính đến.

"Đoàn rất hiếu học. Bản luận án anh soạn công phu lắm.Công nghiên cứu trong các sách cổ về y học Tàu đủ khiến cho các giáo sư phải hết lòng ngợi khen. Tôi chú ý đến những sách chữ nho mà Đoàn mua về rất nhiều, và vì chị tôi thường nói đến hơn. Chị Loan tôi cũng biết chữ nho và thường để tâm tìm kiếm những sách mà Đoàn dặn mua giùm... Nhưng tôi tưởng những điều này không có ích cho ông mấy.

Lê Phong lắc đầu:

- Không, không? Trái lại có ích lắm xin ông cứ nói.

Người thiếu niên nói tiếp:

- Đoàn bao giờ thấy một bộ sách cũ cũng tỏ ra quý hóa,trân trọng. Anh thường bảo chị Loan rằng: cứ là sách cổ, những bộ ấy cũng đủ có giá trị lắm rồi, huống chi lại còn giúp cho việc khảo cứu của anh được thiều điều hay nữa. Có bộ anh coi quý hơn vàng ngọc, giữ gìn cẩn thận như người giữ của, mà khi đem ra thì anh có vẻ sung sướng như người được nâng niu những vật quý báu nhất trên đời.

Lê Phong ngắt lời hỏi lại:

-Nhưng ngoài bộ sách, ông Đoàn còn vật gì đáng chú ý nữa không?

-Không. ông định nói vật gì kia?

-Vàng, ngọc, một thứ đồ cổ, mặt nhằm, thanh đao cổ...Chẳng hạn?

- Không.

-Thế trong đời bác sĩ, ông xem có ai thù oán gì không?

- Theo ý tôi thì Đoàn chỉ có những bạn thân.

-Bạn thân là những ai?

- Một vài người trong trường thuốc.

- Thế còn cô Tuyết Loan?

- Chị tôi cũng chỉ có những chị em bạn cũ ở trường nữ sư phạm. Từ ngày xin học ban Hồng thập tự, chỉ có một, hai cô bạn mới thường qua lại đây.

- Cô Tuyết Loan mai có đi học không?

-Có lẽ không, chị tôi không thiết làm gì nữa. Sáng ngày,khi nghe thấy tin Đoàn chết, tôi tưởng chị đến phát điên mất...Thầy me tôi về ấp vắng với đứa em nhỏ, còn tôi thì không biết an ủi thế nào cho phải. Sự đau đớn tuyệt vọng của chị tôi thật đáng thương.

"Chúng tôi không ngờ đến việc ám sát như tin ông vừa rồi,nhưng giá chị tôi biết thì có lẽ còn khổ hơn thế nữa".

Lê Phong xem đồng hồ rồi bảo thiếu niên:

-Bây giờ tôi phải đi có việc, mà cô Tuyết Loan chắc chưa về được ngay, vậy để lúc khác, để chiều hôm nay, tôi sẽ xin đến hỏI thêm cô Tuyết Loan ít điều cần biết. Bây giờ phải yên lặng, dặn cô Tuyết Loan cũng vậy, và khi thuật đến việc tôi đến phỏng vấn, thì phải khéo giữ đừng cho tên đầy tớ nhà ông nghe thấy hay ngờ vực điều gì. Đối với nó, ông vẫn sai bảo như thường nhưng phải để mắt xem từng cử chỉ của nó, nhất là phải xem có ai hỏi han nó điều gì không, và phải để ý nhận xem người đó là hạng người thế nào, ông nhớ nhé.

-Vâng.Thế ra việc này bí mật thế kia ư?

-Bí mật và ghê gớm hết sức. Kê thù quỷ quyệt lẩn trong bóng tối mà hành động nhưng chưa chắc đã thoát khỏi tay tôi...à, còn điều này tôi muốn dặn ông... Hai cụ khi nào về, ông với cô Tuyết Loan cũng đừng đả động gì đến các việc bí mật vội. Các cụ lo sợ không có ích gì... Thôi chào ông...

Có tiếng xe đỗ ngoài vệ đường. Rồi tiếng chuông bấm, nhìn ra qua hàng rào lưa thưa cây lá, Lê Phong thấy bóng một người đàn bà.

- Có lẽ cô Loan đã về.

Người thiếu niên đứng dậy chạy ra xem. Lê Phong cũng đứng dậy theo, thì thấy chàng ta vui vẻ gọi bằng tiếng Pháp:

-Ô kìa! Cô Henriette! Cô đi đâu thế?

Người thiếu nữ ngoài cổng đáp lại cũng bằng tiếng Pháp:

- Anh Phương, anh ở đây à? Tôi đến hỏi cô Tuyết Loan...

- Tuyết Loan là chị tôi. Cô vào chơi.

Lê Phong lúc ấy cũng tới sau lưng người thiếu niên. Anh bỗng kêu lên một tiếng hỏi:

- Ô kìa?

Thì người thiếu nữ cũng vừa nhận được ra anh, vội vàng,quay ra nhảy lên chiếc xe tay bảo chạy ngay tức khắc.

Người thiếu niên ngạc nhiên nhìn Lê Phong thì thấy anh trừng mắt và lăm lăm muốn chạy đuổi theo. Chàng ta vội hỏi:

- Ai đấy?

Lê Phong không đáp, hỏi lại:

- ông quen cô này à?

- Vâng.

- Quen thân?

- Không. Bạn cùng học một trường cô ta, ở ban triết học từ hồi đầu năm, nhưng bây giờ hình như không học nữa.

- Trường Lycée Albert Sarraut?

- Vâng.

- Lưu học sinh?

- Không ở ngoài.

-Con cái nhà ai thế?

- Tôi không biết, hình như nhà giàu lớn và là con đỡ đầu của một người Sài Gòn vào làng Tây.

- Tên cô là Henriette à?

- Vâng, Henriette Mai Hương... nhưng tại sao định hỏi chị tôi lúc trông thấy ông cô ta lại chạy mất?

Lê Phong không đáp, ngẫm nghĩ nửa phút, bắt tay người thiếu niên rồi ra ngay.

Lê Phong đã trông hút bóng cái xe tay và đã nhận kịp được số xe Amic 846. Anh mắm môi chạy một mạch về phía nhà chớp bóng Majestic. Được chừng ngót trăm thước, thì anh vui mừng nhận thấy người thiếu nữ vẫn chưa rẽ sang phố khác, đang cho xe tiến thằng về phía bờ hồ.

Chương 7

mặt đối mặt

Lê Phong liền nhảy lên một chiếc xe kéo gần đó giục xe chạy hết sức, mắt vẫn nhìn dán lấy màu áo người thiếu nữ,miệng lẩm bẩm:

- Lần này mà trốn thoát thì một là cô ta có phép lạ, hai là...chính mình là một đồ tồi.

Anh định bụng rằng sẽ dùng hết cách để dò biết tung tích người con gái cho bằng được, sẽ đuổi theo cho đến cùng thế giới,sẽ giữ cô ta lại hỏi cho ra các điều khó hiểu mà nếu cần, anh sẽ gọi lính cảnh sát giúp sức nữa cũng nên.

Lúc ấy thì Lê Phong không ngờ nữa, anh đoán chắc, anh tin chắc chắn rằng cô ta chính là chủ động trong vụ ám sát, một người nham hiểm, một tên gian ác, và thấy lòng tức giận căm ghét người thiếu nữ như một kẻ thù.

Hai xe còn cách nhau có chừng ba mươi thước. Dư xa để anh có thể lánh bóng được và đủ gần để anh nhận được các cử chỉ của cô.

Người thiếu nữ hình như không để ý gì đến Lê Phong.Hình như cô ta cũng không biết rằng anh đang đuổi theo, cứ thản nhiên như chẳng ngờ sự gì, không một lần nào Lê Phong thấy cô ta ngoảnh đầu trông lại.

Nhưng Lê Phong chợt giữ ý. Trên kia, người thiếu nữ giở cái ví đầm mở ra trước mặt và đang như chăm chú tô lại cặp môi son. Anh ngồi né sang một bên xe, cố ý cho mấy người trên chiếc xe hơi vừa vượt lên che khuất mình, và lẩm bẩm nói:

-Cái gương. Phải, cái gương ở ví đàn bà thỉnh thoảng cũng dùng vào những việc khác việc trang điểm.

Chiếc xe hơi đi khỏi, nhìn lên vẫn thấy người thiếu nữ chưa đậy ví lại. Lê Phong khó chịu vì biết rằng trong mảnh gương thế nào cô ta cũng soi thấy bóng anh.

-Không cần. Trông thấy ta, nhưng cũng không thoát khỏi tay ta được.

Xe đến trước hiệu "gô đa" thì bị nghẽn lối vì mấy chiếc xe hơi ở Tràng Tiền và ở cuối hàng Khay qua lại liên tiếp.

Dưới này, Lê Phong thúc xe chạy lên. Người thiếu nữ lúc ấy mới có vẻ bối rối.

Cô ngoảnh trông vội lại, bảo hạ xe xuống trả tiền; trông lại lần nữa, rồi nhanh chân bước vào cửa chính hiệu « gôđa ».

Lê Phong không để mất một giây.

Anh theo tới nơi thì vừa kịp thấy người thiếu nữ thoăn thoắt đi đến chỗ bán sách, giấy. Chỗ đó rộng và vắng người, nên Lê Phong không sợ cô ta lẩn mất. Anh quăng tiền trả phu xe,rồi tức khắc chạy vào...

Anh sửng sốt và thấy một thứ cảm giác khó chịu lạ lùng vì trái với điều anh tưởng, người thiếu nữ không trốn tránh đang ung dung đứng giở xem một cuốn sách Tây.

Lê Phong ngừng bước lại, chưa biết nên xử trì ra sao, thì thấy người thiếu nữ ngửng lên nhìn. Hai người đứng cách nhau không đầy một thước. Mắt cô ta vẫn đen sáng và vẫn có cái ánh cười cợt như lúc Lê Phong trông thấy lần đầu.

Nửa phút lặng thinh.

Sau cùng người con gái hỏi một cách rất tự nhiên:

- Lại gặp ông?

Làm như hai bên gặp nhau chỉ là vì ngẫu nhiên chứ không phải Lê Phong theo đuổi.

Lê Phong không kịp nghĩ gì hết. Anh gần như quên cả các điều kỳ dị; nghe tiếng nói nhẹ nhàng, trông cái miệng cười tươi,với thấy cả cái dáng kiều lệ đáng yêu của cô ta có một vẻ dịu dàng, âu yếm, quyến luyến lạ thường. Anh bất chợt thấy mình đứng phỗng người ra trước cái nhan sắc kia thì bực mình, đến đổ tội cho hai con mắt người thiếu nữ.

-"Phải (anh nghĩ bụng thế). Hai con mắt sắc đen lánh, sâu xa nầy, còn giấu không biết bao nhiêu điều bí hiểm độc ác... Ta chớ tin cái bề ngoài hiền lành".

Nhưng đó là lý sự của trí, còn lòng anh thì có nghĩ thế đâu.Anh lại sắp thấy cử chỉ của mìnlh lúc đó là ngây ngô, là lố bịch,và thấy cần phải hỏi một câu gì mới được, vì anh theo đuổi cũng chỉ cốt để hỏi cô ta kia mà! Lê Phong hỏi rằng:

- Thưa cô...

Người thiếu nữ lại nhìn Lê Phong:

- Thưa ông?

Nhưng Lê Phong quả quyết đột ngột, dằn từng tiếng:

- Thưa cô Mai Hương...

- Mai Hương Henriette? Vâng, ông muốn dạy điều gì?

Cách ngắt lời của người thiếu nữ tại làm cho anh thêm khó chịu lần nữa.

- Thưa cô, trong vụ án mạng ở trường Cao đẳng - vụ án mạng mà cô đã biết rất rõ - tôi thấy cô là một người rất đáng chú ý, một người có can thiệp mật thiết, một người rất khả nghi... cho nên tôi tưởng cần phải hỏi cô...

-Ông cần phải hỏi tôi? ông nghĩ tôi? Mà tại sao mới được?

Cô ta cười, nói tiếp luôn:

-Tại tôi là một người thiếu nữ có mặt ở trường cũng như ông, cũng như bao nhiêu người, trong lúc xảy ra án mạng?

Lê Phong cau mày:

-Tại thế với lại nhiều cớ khác nữa, vì cô, phải, vì chính cô đã viết cho tôi cái giấy này trước khi xảy ra án mạng... (Lê Phong đưa ra mảnh giây đe dọa nhặt được ở chân thang trường Đại học) và cái giấy thứ hai này lúc cô chạy trốn tôi trên đường Cống Vọng (Lê Phong lại giơ ra cái giấy thứ hai), lại chính cô đánh điện thoại báo cho tôi biết rằng sáng mai sẽ lại có vụ ám sát nữa.

Người thiếu nữ bật cười:

-Hay nhỉ. Thế nghĩa là ông cho tôi là người chủ mưu các việc ám sát? Một tay sát nhân đi nói trước cho người ta biết, đi tố cáo mình với người khác... mà người khác ấy lại là nhà trinh thám phóng viên Lê Phong!...

Lê Phong không để ý đến vẻ mỉa mai trong câu nói:

- Khi người ta là sát nhân, người ta có đủ mọi sự táo bạo.Nhất là khi người ta giết người (Lê Phong nhìn thẳng vào mặt người con gái), biết giết người một cách quỷ quyệt như bọn hạ thủ bác sĩ Đoàn.

- Vả lại cô báo trước cho tôi cốt để dọa tôi, để làm cho tôi sợ cách hành động của bọn cô, cô sợ báo thù, không dám tìm xét việc này... và (Lê Phong càng nói càng thấy lời nói thao thao không ngắt) và để cho cô yên tâm làm các điều gian ác không dè, không hối hận, thản nhiên, bình tĩnh trước mắt mọi người.

Tiếng Lê Phong nói sẽ, nhưng giọng quả quyết, anh đứng gần lại người thiếu nữ, đôi mắt nghiêm nghị lạnh lùng như muốn thôi miên:

- Nhưng còn có tôi, khi bọn cô làm nhưng việc tải ác ghê gớm ấy. Tôi sẽ khám phá ra sào huyệt bọn gian ác mà nay tôi đã biết những tay trọng yếu, nếu tôi chưa có quyền bắt cả bọn, ít ra tôi cũng có cách làm cho cả bọn cô phải vào vòng pháp luật.Tôi sẽ dò xét, sẽ truy nã, rồi sẽ tố cáo... Phải! Tôi có cách! Mà chỉ nay mai thôi, bọn cô sẽ không ẩn mãi được trong bóng tối...

Suốt trong mấy phút Lê Phong nói, người thiếu nữ giương mắt nhìn anh một cách vừa tinh nghịch, hóm hỉnh, vừa ngây thơ như đứa trẻ thấy người lớn làm một trò hay hay.

Sau cùng, cô ta cũng nghiêm sắc mặt nói lại:

- Ông làm như chính tôi là thủ phạm thực, có lẽ ông tìm cách bắt tôi ngay bây giờ cũng nên. Mà như thế chỉ vì ông gặp tôi luôn, vì ông theo đuổi tôi và nhận được mảnh giấy mà ông nhất định bảo là tôi viết... Trong lúc ấy thì những thủ phạm chính thức vẫn không được cái hân hạnh ông để ý đến như tôi...mà ông lấy những chứng cớ gì buộc cho tôi là thủ phạm mới được chứ?

Lê Phong thấy nhũng lời ấy nói ra một cách thành thực,bạo dạn và lại có lý nữa, cũng hơi lấy làm khó nghĩ, nhưng anh nhớ lại nhưng cử chỉ lạ lùng của cô ta từ lúc sáng nên thong thả trả lời:

- Có những trường hợp khác thường. Tôi thấy cô ra mặt rồi lại tìm cách lẩn tránh... Tại sao cô lại tránh tôi.

- Tại sao tôi lại tránh ông M à tại sao ông lại tưởng tôi trốn tránh? Khi người ta theo một người đi trước, thì người đi trước nhất định là một kẻ chạy trốn ư? Ồ thế thì những ý nghĩ của ông kể cũng giản tiện thực... mà...

Bỗng nhiên, người thiếu nữ im bặt, đôi mắt lấm lét, cô ta cố sức giấu sự bối rối mà không được, khiến Lê Phong quay lại nhìn, giật mình kinh ngạc. Anh vừa thấy hai người lạ mặt bước vào.

Một người bé nhỏ trạc ba mươi tuổi, mặc quần áo tây màu tím thẫm, đeo kính trắng; cổ quấn cái phu la lụa ngũ sắc, trước ngực, sợi dây đồng hồ vàng đeo lủng lẳng mấy cái vuốt cũng bằng vàng. Người có vẻ giàu sang, nhưng dáng hơi quê kệch. Theo sau hắn ta là một người to lớn, lanh lẹ nhưng hơi khúm núm như một kẻ bề dưới theo một người trên.

Hắn ta mặc quần áo tây màu tro, ngoài khoác cái áo đi mưa và cụt một tay trái.

- Người cụt tay.

Lê Phong se sẽ nói thế, rồi ngoắt quay lại thì thấy người thiếu nữ đã trấn tĩnh. Cô ta toan bước tiến lên, nhưng Lê Phong cản lại, nắm hai tay cô đẩy lùi vào góc căn bán sách là chỗ vắng nhất, đôi mắt ghê gớm nhìn như hai mũi tên cắm vào mắt cô ta, anh nói rất nhanh rất nhỏ nhưng đủ cho cô nghe thấy:

- Dẫu thế nào cô cũng phải đứng đây, phải im, không được nói, không được cử động, không được tìm cách thoát thân.Không thì tôi thề sẽ sai bắt cô ngay tức khắc. Khi Lê Phong đã quả quyết là làm thẳng tay... cô cứ đứng yên đấy, nghe không,đứng với tôi... để tôi xem hai đứa kia giở trò gì...

Hai người lạ mặt đi qua căn bán nước hoa, qua chỗ bày các thứ vải màu, rồi đi đến cái chân thang gác cách xa đó, đứng lại  đưa mắt nhìn quanh quất như có ý tìm tòi, Lê Phong dìu người thiếu nữ tránh vào một chỗ khuất, Lúc thấy hai người lên gác,Lê Phong lại nắm rất chặt hai cổ tay người thiếu nữ và dọa:

- CÔôkhông được có một cử chỉ nào khác... nếu không....

Người thiếu nữ nhíu đôi lông mày lại kêu đau, cố cựa ra nhưng không được!

- Ô hay? ông có quyền gì mà...

Cô im ngay...

Anh toan nói thêm, bỗng lại thấy hai người lạ mặt trên gác bước nhanh xuống, và đang vội vã bước ra cửa.

Tức khắc anh nhảy xổ ra để đuổi, nhưng bị người thiếu nữ hết sức níu lại, khiến anh lại càng ham đuổi thêm. Anh vung mạnh một cái rồi chạy ra, hai tai còn nghe tiếng con gái gọi to:

-Ông Lê Phong! Đứng lại? ông Lê Phong. Đứng lại! Trời ơi?

Ra đến cửa, anh chỉ còn kịp, trông thấy số chiếc xe ô- tô hòm trên đó có hai người lạ mặt. Xe rẽ về phía sở cảnh sát hàng Trống và chạy rất nhanh.

Lê Phong bực dọc quay vào, thì người thiếu nữ dị kỳ đã không còn đó nữa.

Lê Phong biết không thể tìm thấy người thiếu nữ tinh quái kia được, chỉ đưa mắt nhìn khắp nhà hàng một lượt, rồi bước ra, anh nghĩ thầm:

- Mai Hương, Henriette Mai Hương... con gái Việt Nam vào làng Tây... nhà giàu lớn... người lanh lẹ một cách, xem ra lại là người học rộng nữa... ừ thế mà. Anh không có thể hiểu đối với vụ án mạng cô ta có liên lạc thế nào, theo các việc xảy ra thì một là cô chủ mưu việc này, hai là cô là một tay lanh lợi của bọn sát nhân. Một bọn sát nhân hành động rất lặng lẽ, rất chu đáo,rất bí mật, chẳng khác gì một đảng gian ác tổ chức rất khéo ở các nước Âu Tây. Mà cả người thiếu nữ cũng vậy. Cũng lạ lùng,cũng thấy nguy hiểm, cũng có những cử chỉ dị thường của một con nữ tặc bên Mỹ hay bên Anh. Ta có ngờ đâu rằng nước Nam này lại nảy nòi ra những vật quái ác thế.

Anh nghĩ đến người thiếu nữ thoát khỏi tay anh một cách dễ dàng như mấy lần trước thì tự hổ thẹn như một người bị kẻ khác khinh thường, coi mình như một trò cười. Rồi nghĩ đến lúc cô ta trông thấy hai tên lạ mặt ở trong hiệu « gôđa » Lê Phong không thể nén được giận:

-Ồ! Nó quỷ quyệt đến thế là cùng! Cái vẻ tươi cười thản nhiên lúc đối diện với ta sao mà đóng khéo thế... Tí nữa ta đã tưởng là ta nghĩ lầm, tí nữa ta tin rằng nó chỉ là một người thiếu nữ thích mạo hiểm và để ý đến vụ án mạng cũng như ta...ngờ đâu, chính nó, đã đánh tháo cho hai tên kia, lnó toan giữ ta lại lúc ta chực đuổi chúng...

Lê Phong bực tức lắm. Anh ta lại buồn nữa. Bây giờ là lúc anh không được bán tín bán nghi về cái "tội ác" của người con gái, là lúc anh đã chắc chắn biết rằng cô chỉ lâ một nhân vật nguy hiểm, anh thấy ảo não về những cảm tưởng chua cay chưa từng có bao giờ.

Lê Phong gọi một chiếc xe, nhảy lên gieo người xuống nện xe, bảo chạy về phía chợ Hôm. Rồi ngồi bần thần trêln đó, anh lắc đầu thở dài:

-Trời ơi! Tại sao một người có duyên, một bực nhan sắc đến thế kìa, lại học thức, lại giàu có... mà lại đi làm những việc tối tăm đến thế. Giết người? Hay chẳng gì cũng đồng mưu với một bọn giết người... Thế nghĩa là tay kia đã dúng vào máu? Đã thành một kẻ đáng khinh bỉ, đáng thù. Tại sao những việc ghê gớm bí mật kia chẳng là những việc dành riêng cho bọn mấy ông đàn ông thô bỉ, độc ác kìa? Hữ? Tại sao?

Lê Phong lấy làm lạ rằng, sao mình lại có nhưng ý tưởng băn khoăn vừa rồi. Mọi lần, anh theo đuổi dò xét một việc gì,anh có cái tâm trạng sáng suốt, bình tĩnh của một nhà khoa học thản nhiên tra cứu. Lần này thì khác, anh thấy lòng bối rốI trí mờ ám, nghị lực cũng như thiếu sốt, anh không kịp phân biệt rõ một manh mối nào của bao nhiêu trường hợp vừa qua.

Lê Phong nhắc đi nhắc lại một trăm lần rằng Mai Hương,người thiếu nữ dị kỳ, là một kẻ nay mai anh sẽ đưa ra trước công lý với bao nhiêu điêu buộc tội ghê gớm, khe khát. Nhưng trong thâm tâm của anh, anh lấy làm khổ sở lắm. Không chắc anh đã có can đảm làm.

Lê Phong sực kinh ngạc mà nghĩ rằng:

- Hay là...

Nhưng anh chưa dám tự thú thực với mình cái điều vữa nghĩ đó. Anh chỉ vội vàng trách anh, giận anh hết lòng hết sức và cho rằng mình vừa có những ý tưởng điên cuồng. Anh xua tay lên gió như ruồng đuổi cái ám ảnh, miệng nói:

- Không! Không! Không thế được. Ta điên hay sao? Không.

Người phu xe đang cắm cổ chạy, bỗng đứng lại ngoảnh đầu ra ý hỏi anh, Lê Phong bật cười:

-Ồ! Vô lý! Không, cứ kéo?

Rồi lấy thuốc lá hút, Lê Phong thở một hơi rết dài, rất nhanh, rất mạnh, đôi mắt lanh lẹ ngước nhìn trong những ngọn cây lần lượt qua trên đầu anh.

Qua số nhà 99, anh liếc mắt nhìn thoáng một cái, biết cô Lý Tuyết Loan vẫn ở sở mật thám chưa vế, toan đi thẳng, bỗng thấy tên đầy tớ mở cổng chực ra.

Anh nện gót giày ngừng xe lại gọi khẽ:

-Đan!

Tên đầy tớ nhận được anh ra dáng mừng và hỏi Lê Phong:

-Thế nào? Sao lúc nãy anh đi ngay thế

- Yên đã. Ta đứng tránh ra một chỗ nói chuyện tiện hơn.

- Hai người đã qua đây rồi chứ?

- Ba cụt với chủ Du ấy à? Rồi. Tôi thấy họ đi ô- tô đến đây đỗ lại một tí rồi đi ngay. Đi về phía bờ Hồ.

- Thế không dặn gì thêm.

- Không, dặn gì thì họ sai người dặn. Không bao giờ họ bảo thẳng tôi... Vả lại...

- Được rồi, cô Tuyết Loan vẫn chưa về?

- Chưa. Thế anh cũng chưa gặp "họ"?

"Họ" đây vừa có thể là hai người lạ mặt, vừa có thể là cả một đảng mà hai người đứng đầu. Lê Phong chưa biết tên Đan muốn nói đến ai, nên trả lời một câu không nhất định:

- Chưa gặp vội, thôi tôi đi. Cẩn thận nhé.

Lê Phong muốn hỏi thêm, nhưng sợ tên đầy tớ sinh nghi,nên anh bí mật đưa mắt cho nó một cái, rồi quay gót.

Lúc trở lại chỗ xe hơi của anh đỗ, Lê Phong mỉm cười, xoa tay:

- Trần Xuân Đan tức Hồng, Mai Hương tức người thiếu nữ kỳ dị, Ba cụt tức người cụt tay, chủ Du tức là người lạ mặt thứ hai... Được rồi, cái đầu mối dây của mối bòng bong ta đã gần tìm được thấy.

Chương 8

cái bóng theo hình

Cái tin nhà thiếu niên y khoa bác sĩ bất thình lình bị chết giữa lễ phát bằng làm cho dư luận khắp thành phố Hà Nội xôn xao lên. Theo các báo hàng ngày ra buổi trưa hôm đó thì bác sĩ Đoàn chết vì ngộ cảm. Một vài tờ báo đoán rộng rằng bác sĩ vì làm việc nhiều quá, ngoài bản luận án, bác sĩ Trần Thế Đoàn lại đang lưu tâm dự bị soạn những sách khảo sát về lịch sử y học cổ ở nước Tàu.

Báo nào cũng đăng, hoặc sơ lược, hoặc kỹ càng, một bài nói về đời riêng của bác sĩ Đoàn sau bài tường thuật cái chết đột nhiên ở trường Cao đẳng: báo nào cũng than tiếc một thiếu niên có tài, có chí, cái hy vọng rực rỡ của nền y học nước Nam.

Trong số đó cũng có tờ báo chịu dò xét, khi nói đến bác sĩ, có đả động đến hai tiếng "ám sát" và đặt một cái nghi vấn trong vụ này. Song bài đó chỉ là một đoạn ngắn, lời lẽ hồ đồ không dám quả quyết. Công chúng vì thế cũng chỉ theo các báo mà sửng sốt và phàn nàn cho số phận người chết, chứ không ai ngờ đến cái án mạng kỳ bí mà Lê Phong ra công điều tra.

Nhưng đến ba giờ chiều thì tình thế khác hẳn.

Ba giờ chiều là lúc báo "Thời Thế" phát hành.

Những đầu đề in rất to: "Bác sĩ Đoàn bị ám sát giữa cuộc phát bằng. - Tin chắc chắn của bản báo phóng viên". "Cuộc phỏng vấn vội vàng: những điều tuyên bố sau cùng của nhà thiếu niên bác sĩ", khiến cho ai đã cầm đến tờ báo cũng phảI kinh ngạc. Đến khi họ đọc những lời xét đoán rất chắc chắn, mà chính tay Lê Phong viết ra, thì ai cũng phải rùng mình, cho là một điều quái gở chưa hề xảy đến bao giờ. Người ta tin là sự thực hiển nhiên ngay, và biết rằng việc này chắc còn nhiều đoạn ly kỳ nữa.Báo "Thời Thế' lại được hoan nghênh thêm một bực nữa.

Những giấy đòi thêm báo ở các đại lý trong thành phố và sự hấp tấp của bọn trẻ bán báo, làm cho ban trị sự luôn bận rộn.

Trên tòa soạn, mọi người đều nói đến nhưng tiếng: "Đại thắng,kịch liệt" và dự bị bàn với ban trị sự cho in gấp đôi số báo hôm sau.

Trong lúc đó thì Lê Phong ngồi một mình ở phòng bên,lưng ngả lên chỗ đưa ghế bành, hai chân gác thương lên bàn,mặt ngửa nhìn lên trần, đôi mắt lim dim nhìn khói thuốc lá bay lên từ từ, mặt có vẻ đăm đăm như người đang lắng hết tinh thần để suy nghĩ. Anh ôn lại các việc xảy ra từ phút thứ nhất của câu chuyện án mạng. Từ lúc gặp bác sĩ Đoàn cho đến lúc anh gặp một người thiếu nữ tên là Mai Hương lần cuối cùng.

Bao nhiêu việc bí mật, rắc rối thêm mãi lên và kế tiếp nhau trong hơn nửa ngày? Thực từ xưa đến giờ, anh chưa thấy lúc nào tinh thần anh làm việc dữ dội đến thế, mà kết quả? Kết quả nào có gì đâu? Anh chỉ như người lạc vào một nơi mịt mù không biết phương hướng nào mà đưa bước.

Anh đã tự hỏi không biết đến lần thứ mấy mươi rằng người thiếu nữ kia là người thế nào? Đối với vụ án mạng này, cô ta có hẳn là một kẻ chủ mưu nguy hiểm không, hay chỉ là một kẻ đồng phạm?

Nhưng chủ mưu hay đồng phạm, cô ta cũng là một tay lợI hại và táo tợn, ranh mãnh và ngạo nghễ, một người kỳ quái vừa làm cho anh tức giận vì những cử chỉ bí mật, vừa làm cho anh thầm mến vì cái duyên đằm thắm và vẻ óng ả lệ kiều...

"Lúc nào ta cũng gặp cô ta, chỉ gặp cô ta, làm gì cũng thế...

Đến đâu cũng thế, cô ta cũng đột nhiên hiện ra như để dò xét hoặc ngăn trở việc của ta làm... Thật là một cái bóng theo hình,mà là một cái bóng không thiếu vẻ diễm lệ: nếu cứ thế này mãi, nếu ta cứ phải mất thì giữ mãi về cái bóng lạ lùng ấy thì ta còn tâm trí nào mà theo đuổi bọn gian?"

Lê Phong tuy nghĩ vậy, nhưng trong tâm tưởng vẫn rõ rệt hình ảnh của người thiếu nữ, nhất là vì trước đó không đầy nửa giờ, lúc anh một mình dò xét trong trường Cao đẳng để tìm những dấu vết của hung thủ, anh lại thấy cả dấu vết của Mai Hương.

Lúc đó vào khoảng ba giờ rưỡi chiều. Lê Phong cho xe hơi đỗ ở trước trường Đại học. Cửa chính đóng, anh phải đi lốI cổng, do cửa sau lẻn vào giảng đường. Trong giảng đường vắng ngắt, ánh sáng yếu ớt trên và hai bên cửa kính cao mập mờ soi xuống. Lê Phong đến ngói trên một hàng ghế để tưởng lại cuộc lễ phát bằng.

Đó cũng là một lối làm việc riêng của Lê Phong. Khi nào lý trí không đủ sức suy đoán một việc gì, thì anh gọi đến sức tưởng tượng, đến trực giác, và đến cái tài đặc biệt mà anh gọi là cái “giác quan thứ sáu”của mình.

Câu anh tự hỏi lúc đó là: "Trong một nơi có mấy trăm công chúng, dưới ánh đèn sáng như lúc đang có lễ phát bằng ở đây,hung thủ làm thế nào mà giết được Đoàn?" Rồi anh hết sức nghĩ.

Cái không khí im lặng ở trong giảng đường rất tiện cho việc suy tưởng của Lê Phong.

Không đầy 5 phút đông hồ mà anh đã thấy nảy ra một tia sáng.

Lê Phong đứng dậy đi vào phía trong, đến bên cái ghế mà Trần Thế Đoàn ngồi lúc sáng, anh quỳ xuống đất rồi nhìn chăm chú xuống chân ghế để tìm một vật. Tìm quanh ghế không thấy, anh lại bò ra những chỗ gần đó, đếm từng viên gạch xem từng khe, lại lật cả mép cái thảm giải dưới đất: nghĩa là anh cẩn thận không bỏ qua cặp mắt luận lý một tý gì. Sau cùng, Lê Phong sẽ reo lên một tiếng vui mừng, vì anh đã thấy lấp loáng một vật nhỏ và dài như cái tăm nằm len dưới mép thảm.

Đó là thứ kim tiêm làm theo một kiểu đặc biệt, mũi kim rất nhọn, lòng kim cũng thông, nhưng chân kim không có cái mấu đồng để cắm vào ống thủy tinh như mọi chiếc kim thường.

Lê Phong đứng lên, cẩn trọng cầm lấy giữa mình kim ở hai đầu

ngón tay, ngắm nghía một lúc.

-Đây rồi, ta đoán đúng thực. Đây là khí cụ giết người? Ồ,quả thực chúng nó khôn khéo... Tính được cái mưu thần quái này phi người có học thức, người thông minh lắm, còn không ai nghĩ được ra.

Lê Phong mừng đến nỗi không nghĩ gì đến sự giữ gìn, lấy đèn bấm trong túi ra soi đầu mũi kim và nhận ra đó là thứ kim tiêm có đựng thuốc độc. "Một thứ thuốc độc ta phải phân chất mới biết rõ, nhưng quyết là một thứ thuốc gớm ghê... Thực chẳng còn thứ gươm đao nào, chẳng còn thứ súng đạn nào giết người nhậy hơn được. Sáng nay Đoàn chết, mà cả đến người bên cạnh cũng không ngờ... Cái kim bắn đến một cách bất thình lình thì ai để ý, mà thứ thuốc độc ghê gớm chắc thấm vừa mau vừa êm... nhưng sao Đoàn lại để rơi xuống? Sáng nay người ta chú ý có thấy Đoàn giẫy giụa gì đâu, một sự tình cờ chăng, hay mũi kim chỉ châm vào thịt một chút rồi rơi ngay

xuống.

Mắt Lê Phong soi mói nhìn vòng mấy lượt chung quanh chỗ chân anh đứng, bỗng thấy một mảnh giấy trắng cách đó ba,bốn thước, Lê Phong rùng mình, nghĩ đến mảnh giấy bí mật có những lời đe dọa anh.

Lê Phong vội vàng chạy nhặt lên coi, thì cả hai mặt đều không có chữ, nhưng để ý thì thấy trên mảnh giấy có những nét hằn xuống hình như có vết giày đàn bà! Lê Phong nhận thấy,nóng ran người lên lẩm bẩm nói:

- Mai Hương? Lại Mai Hương rồi? Mai Hương vừa ở trong này chắc cũng tìm như ta? Ồ! Thế thì quái lạ thực. Nếu không phải là một hung thủ tìm cách làm biến tang vật, thì còn là ai...Trời ơi! Trời ơi! Sao lại có người cả gan đến thế. Ngay lúc đó có tiếng động ở phía trong. Anh ngoắt quay lại thì thoáng thấy một tà áo hồng lọt vào cái khung cửa nách tối om. Lê Phong như người hóa dại nhảy vào phía đó rẽ qua lối tay phải, chạy qua một đường hẻm rồi ra cửa chính trường Đại học. Nhưng chợt nhớ cửa ấy khóa, anh quay ra sân, rẽ ra cổng. Ngoài cổng người thiếu nữ đang rảo chân bước về một con đường khuất và nhảy lên chiếc xe hơi "Nerva sport".

Lê Phong cho được máy xe mình chạy quanh được một vòng trở lại thì đã không thấy tăm hơi chiếc xe kia đâu.

Bây giờ, ở nhà báo, ngồi nghĩ lại, những việc xảy ra rất nhanh chóng ấy lại hiện đến trong trí Lê Phong rất rõ ràng. Lê Phong chắc hẳn rằng người thiếu nữ lúc nào cũng để mắt đến anh trong khi tìm kiếm trong giảng đường và thế nào cũng biết rằng anh đã lấy cái kim tiêm là thứ tang vật chắc chắn để buộc tội hung thủ.

Lê Phong kéo dài hai chân lại để xuống đất ngồi thẳng dậy rồi lấy phong bì gấp ở trong ví ra, anh mở phong bì lấy cái kim tiêm anh gói cẩn thận trong đó, rồi chăm chú ngắm lại một hồI lâu:

-Tối hôm nay về nhà phân chất thứ thuốc độc vào hạng nào: aconitine, strichine, strophantine hay là nọc rắn... Ta đọc sách còn thấy nói chất onahaine là thứ độc nhất, nguy hiểm nhất mà bọn Phi Châu vẫn dùng để ngâm tên.Lại còn những thứ nhựa cây ở thượng du của giống Mán nữa. Cả một bài dược tính cần phải khảo nghiệm để tìm ra một cái kết quả cỏn con... Bây giờ thì ta xét xem hung thủ dùng cách nào để máy hay bắn cái kim đến người bị giết.

Còn có nhiều cách, một cái súng loại nhỏ chế kiểu riêng mà cái kim này là đạn, một thứ ống "si đồng" rất tinh xảo, một thứ máy kỳ cục mà dễ giấu... hay là... hay là... ồ hay là...

Lê Phong chợt đứng phắt dậy, hai mắt sáng quắc, hai gò má ửng đỏ:

- Phải, hay là một thứ máy ảnh giả! Phải, một thứ máy ảnh? Máy ảnh thì giơ lên lúc nào mà chả được, ở đâu mà chả được? Rồi, tách một cái, lò so bật, cái kim bắn, hung thủ có thì giờ nhắm kỹ kẻ bị giết mà không cần phải giữ ý với ai...

Lê Phong nghĩ đến những cái chóp magnésium trong lễ phát bằng, nghĩ đến bọn thợ xoay quanh bác sĩ Đoàn và nghĩ đến cái máy ảnh xinh nhỏ ở trong tay người thiếu nữ kỳ dị.

Những tia sáng ấy vụt đến trong trí Lê Phong cùng một lúc bao nhiêu cử chỉ của Mai Hương cùng hiện ra... Mai Hương người thiếu nữ lạ lùng, người thiếu nữ khả nghi, người thiếu nữ giết người!

Lê Phong đập tay xuống bàn:

- Một trăm chứng cớ rành rành ra đấy! Phải, cô em quỷ quyệt đến thế nào cũng không thể chối được. Mà chính ta,chính tay ta sẽ bắt cho bằng được cô em! Bây giờ phải làm việc cho có thứ tự. Ta chưa rõ cái cớ chính của vụ ám sát, nhưng ta sẽ biết... vì hiện nay...

Chợt nghĩ ra, Lê Phong chạy sang phòng bên hỏi Văn Bình:

- Văn Bình? Anh đã cho người cầm tờ giấy của tôi cho cô Lý Tuyết Loan rồi chứ?

- Rồi.

- Mà anh đã dặn kỹ đừng cho ai biết chứ?

- Kỹ thế nào?

- Không. Nhưng sao bảy giờ cô ta chưa đến?

- Tôi hẹn cô ta bảy giờ đến tôi hỏi có việc cần. Sao anh không đến tận nhà cô Loan?

- Đến rồi nhưng cô ta đi vắng. Đến nữa, sợ họ nghi. Nhà ấy có một thằng nhỏ tôi đã dò biết được thái độ của nó.

Lê Phong kể lại câu chuyện gặp thằng nhỏ ở nhà số 99 đường Huế, rồi tiếp:

- Nhưng chỉ có điều tôi lấy làm lạ rằng sao nó mắc mưu tôi sớm thế. Một tên đồ đảng của tụi giết người cần phải ranh mãnh hơn nhiều.

Bỗng có người bảo Lê Phong:

- Thưa ông có người hỏi ông.

- Ai đấy?

Một người đàn bà.

- Cô Tuyết Loan rồi? Được, mời người ấy lên sang buồng bên.

Rồi Lê Phong dặn Văn Bình:

- Tôi muốn nói chuyện riêng với Lý Tuyết Loan. Trong khi ấy, ai hỏi anh cũng bảo tôi đi vắng nhé.

Lê Phong đóng cửa ngang lại, ngồi vào bàn giấy, quay lưng ra cửa sổ và quay mặt ra phía cửa vào. Sau mặt kính phủ lần ren, bóng một người đàn bà đứng ngoài như chờ đợi. Lê Phong lấy sẵn bút giấy ghi chép và đặt vào cái phong bì cái kim tiêm bên lọ mực, rồi cất tiếng nói:

-Mời cô vào?

Cửa mở, Lê Phong sửng sốt đứng phắt dậy. Vì người bước vào không phải là Lý Tuyết Loan, mà chính là Mai Hương.

Lê Phong bất giác nắm chặt tay lại, mắt nhìn người thiếu nữ trừng trừng.

Anh không kịp hiểu, kịp đoán xem cô ta sao lại đến đây.

Anh không đời nào lại ngờ rằng cô dám táo tợn đến thế. Anh đứng lặng ra đó, đợi xem cô ta giở những trò gì ra. Nhưng thiếu nữ không có vẻ nhanh nhẹn tinh quái như mọi lần. Cô ta lấm lét nhìn quanh quẩn trong nhà, mặt có sắc lo sợ, cử chỉ bối rối.

Lúc gặp đôi mắt thù hằn của Lê Phong thì cô vội nhìn xuống, se sẽ khép cửa lại, rụt rè tiến lại gần bàn.

Lê Phong chợt xẵng tiếng hỏi:

-Cô Mai Hương?

Thì Mai Hương hơi giật mình ngửng lên:

-Vâng. Tôi...

Rồi nói nhanh:

- Thưa ông, ông hẳn không đợi đến việc tôi vào đây...Nhưng xin ông cho tôi nói. Tôi sợ lắm... Hiện giờ tôi đang bị người ta theo đuổi. Những kẻ thù ghê gớm toan hại tôi...

Lê Phong ngắt lời:

- Cô cô lại có kẻ thù!

- Vâng... Ông không tin ư? Nhưng thực thế, vừa rồi qua đây lúc sắp bước vào, tôi thấy bóng mấy người...

Lê Phong lại ngắt lời:

- Nhưng người nào?

- Thưa ông... (người thiếu nữ vừa nói vừa tự tiện ngồi xuống ghế) nói ra thì dài quá, mà lúc này tôi bối rối lo sợ lắm... Ông cho phép... Tôi xin kể đầu đuôi ông nghe sau... ông đừng hỏi tôi vội.

Lê Phong nhìn người thiếu nữ từ đầu đến chân, dáng người thanh thanh, nhưng không kém phần rắn rỏi, cô mặc một cái áo màu hồng phớt, kiểu mới, giản dị nhưng trang nhã,cô đeo một cái vòng vàng có đính mấy điểm ngọc xanh. Hai bàn tay trắng và mềm, ngón nhỏ muốt nhè nhẹ đặt lên mép bàn và hơi run lên vì cảm động quá. Khuôn mặt thì cực kỳ thanh tú,tươi tắn, trẻ trung, và có một vẻ mặt cao quý khác thường.

Nước da nhỏ đánh phấn khéo đến nỗi màu đào trên hai gò má.Lê Phong không biết là màu của phấn hay chính màu của da.

Cô ta thường trông xuống luôn. Dưới đôi mày cong, hàng lông mi uốn dài thường chỉ trên đôi mắt trong đen và sắc sảo.

Lê Phong ngắm mãi cái nhan sắc tuyệt vời ấy và kinh ngạc tự bảo mình rằng: con người như thế lại có thể là một người gian ác được ư.

-Thưa ông Lê Phong...

Lời nói dịu dàng của Mai Hương làm Lê Phong như sực tỉnh lại.

- Thưa ông Lê Phong... có lẽ những việc xảy ra hôm nay mà trong lúc đó ông cũng thấy có tôi, đã làm cho ông tưởng là ngườI kỳ quặc lắm. Nhưng đó vì ông chưa hiểu... sẽ có dịp tôi xin nói rõ cho ông biết mọi điều... Còn bây giờ thì chưa thế được... tôi hiện giờ đương còn có trăm nghìn cái lo, cái sợ, quanh mình toàn thấy những sự kinh khủng, không biết rồi chính tính mệnh tôi có toàn vẹn được...

Lê Phong bỗng hỏi một câu đột nhiên:

-Lúc nãy ở trường Cao đẳng, cô cũng lo sợ thế phải không?

- ông muốn hỏi lúc ông tìm được cái kim tiêm ư?

- Phải, lúc chiều. Mà cô cũng biết tôi nhặt được cái kim hung thủ dùng để giết người.

Mai Hương liền thưa:

- Vâng, vì tôi thấy ông chăm chú xem, rồi bỏ vào trong một cái phong bì nhỏ.

- Thế cô có biết cái kim ấy ở đâu mà đến không?

- ông vừa nói là của hung thủ dùng để giết người?

- Mà hung thủ (Lê Phong trông thẳng vào mặt người thiếu

nữ). Cô có biết là ai không?

Mai Hương se sẽ thưa:

- Sao ông lại đem câu ấy hỏi tôi?

Lê Phong nghĩ thầm: "Có, có lẽ nào nó giả vờ khéo được đến thế?

Rồi anh lại nói tiếp:

- Là một người cầm máy ảnh. Phải, cái máy ảnh ấy chính là thứ máy bí hiểm tinh xảo, dùng để bắn cái kim tiêm trong có thuốc độc... Cô hiểu chưa?

Người thiếu nữ lắc đầu thở dài ra ý không thể hiểu được.Lê Phong cố ý rình xem trong đôi mắt kia có vẻ hốt hoảng nào không, nhưng lúc đó chỉ thấy hình như thoáng qua thứ ánh lửa vui vẻ... Cô ta mỉm cười và nói:

- Ồ! ông đoán tài nhỉ. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu sao ông lại đem việc ấy hỏi tôi...

Chương 9

những chuyện kín của cô mai hương

Người thiếu nữ nói rồi lại mỉm một nụ cười buồn, đôi mắt dịu dàng nhìn Lê Phong long lanh như làn suối trong có tia nắng rọi.

Lê Phong vẫn nhìn cô ta một cách ngờ vực nghiêm khắc,nhưng lòng phân vân như người không biết xử trì thế nào cho phải đường. Một lát, anh chợt hỏi một câu, cố ý làm cho người

thiếu nữ lúng túng:

- Từ lúc nãy đến giờ, cô chưa nói rõ cô vào đây làm gì?

Cô ta trả lời:

- Để được gặp ông.

-Sao lại để gặp tôi?

Cái vẻ nhanh nhẹn lại hiện ra trên mặt Mai Hương:

- Vì tôi muốn được gặp ông, mà, nếu tôi đoán không sai,hình như ông cũng muốn thế.

Lê Phong khó chịu, lại xẵng tiếng hỏi:

-Thì giờ của tôi ít lắm, cô nên nói vắn tắt cho. Phải, tôi muốn gặp cô thực, muốn gặp cô đã lâu, mà gặp bằng cách khác bây giờ nhiều...

Nghĩa là...

- Nghĩa là... Nhưng có lẽ tôi không phải là người cho cô chất vấn. Nay tôi hỏi: cô đến đây có ý gì?

Người thiếu nữ chừng muốn đáp lại bằng một câu ranh mãnh theo thói quen của cô ta, nhưng thấy sắc giận của Lê Phong, mới thong thả đáp:

-Thưa ông, tôi đến đây, như lời tôi đã nói vừa rồi, là vì tôi muốn được gặp ông, nhân thể để cho ông khỏi phải nghi ngờ theo đuổi tôi mãi. Có lẽ những cử chỉ của tôi trong vụ án mạng vừa rồi đã làm cho ông phải ngạc nhiên nhiều lần, có lẽ ông nghi cho tôi nhiều điều quá đáng nữa... Nhưng, nếu ông biết rõ,ông thấy rõ đầu đuôi câu chuyện cũng như tôi thì chắc người thiếu nữ mà lúc nào ông cũng thấy quanh quẩn ở gần ông chỉ là một người... như mọi người khác. Mà nếu một vài việc riêng không bắt tôi phải có một vài cử chỉ khác lạ, thì ngay từ lúc đầu ông đã coi tôi như một người bạn, chứ không phải là một kẻ thù.

Lê Phong chỉ trả lời:

- Xin cô nói vắn tắt cho.

- Thưa ông, câu chuyện của tôi lôi thôi lắm. Đem kể rõ ra đây sẽ làm mất thời giờ của ông nhiều quá... Còn bây giờ...

- Không. Tôi cần phải biết.

-Trước hết ông hãy cho phép tôi hỏi mấy điều đã. Ông đã thấy manh mối nào trong vụ ám sát Trần Thế Đoàn chưa?

- Tôi tưởng đã tìm được nguyên ủy vụ này. Mà chậm lắm chỉ mai kia, tôi đã có thể bắt được bọn hung thủ.

- Mãi mai kia ư?

- Phải, vì bọn này quỷ quyệt lắm. Trong bọn có những người học thức nữa. Mà nhất là có một tay lanh lợi, nguy hiểm,táo tợn một tay đàn bà...

Người thiếu nữ vẻ mặt rất thản nhiên, nhắc lại lời Lê Phong:

- Một tay đàn bà?

- Phải, một người đàn bà... Một người thiếu nữ, thưa cô Mai Hương, chính là...

Mai Hương mỉm cười:

- Chính là tôi? Chính là người ngồi trước mặt ông?.Thưa ông Lê Phong, lúc này có lẽ là lúc nên suy nghĩ chu đáo nhất.Vâng, tôi xin phục tài ông lắm, mà không phải chỉ riêng có lần này, vì tôi đọc báo, biết tài và nhất là biết tiếng ông đã lâu.Nhưng xin ông cẩn thận hơn chút nữa. Một người mà ông nghi là tòng phạm trong vụ quan trọng này không khi nào dám tự dẫn mình đến trước một người có tài trinh thám như ông. Trừ ra khi người ấy là một nhân vật giảo quyệt như bọn gian ác bên Tây, hay trừ khi là nhân vật trong tiểu thuyết...

Lê Phong cau mày nói tiếp:

- Và nhất là khi người ấy là Mai Hương.

-Thế nghĩa là ông cho tôi là thứ nhân vật đáng phục ấy ư?.Không! Tôi không được cái hân hạnh đó. Ông chỉ mới dò được tên tôi thôi, ông chỉ mới biết tôi là Mai Hương thôi. Nhưng nếu ông điều tra kỹ càng hơn. Ông sẽ biết rằng Mai Hương còn là một người nữ học sinh ở trường Albert Sarraut tử năm 1925 đến năm 1934, khi học đến gần hết ban "philo" thì bỏ trường và theo đuổi một công cuộc mà ai cũng cho là dỡ hơi, là làm nữ tài tử diễn kịch, gia thế không đến nỗi kém, có thể gọi là giàu được,vì Mai Hương là con thừa tự độc nhất của một người Nam rất đứng đắn và cũng giàu. Nói thế để ông rõ cho rằng Mai Hương không tội gì đi làm một kẻ giết người hay tòng phạm với bọn ấy.

Trái lại tôi là một người bị chúng theo đuổi, bị chúng mưu hại,chúng cũng chỉ mong giết được tôi như đã giết được Trần Thế Đoàn. Duyên cớ vì đâu sẽ có lần tôi xin kể lại cho ông biết.

"Hiện nay thì phải đề phòng, phải tránh kẻ thù, nhưng chỉ được đề phòng một cách kín đáo, không dám lộ việc riêng ra với ai, cả với người thân thiết của tôi cũng vậy. Thưa ông, nếu tôi không có can đảm, thì có lẽ tôi bị hại rồi. Trong mấy năm nay,một mình tôi đã làm hỏng mưu của bọn kia nhiều lần... nhưng tôi thoát khỏi tay chúng chỉ để mà thấy cái ghê gớm dữ dội hơn lên, chỉ làm cho chúng thêm hăng hái căm giận tôi hơn lên. Lúc này là lúc tôi phải lo sợ nhất.

"Chắc hẳn ông cũng biết những kẻ ám sát bác sĩ Đoàn và mưu sát cô Tuyết Loan là những tay coi thường cả luật pháp, vì chúng làm việc giỏi không biết ngần nào. Tôi là một người tính mệnh bị cầm lỏng trong tay bọn ấy đó, vừa rồi, khi qua đây, tôi chợt thấy bóng người theo...

Lê Phong hỏi:

- Cô đi bộ, đi xe tay, hay đi xe hơi?

-Đi xe hơi. Bởi thế tôi không thể trông thấy rõ người trong chiếc xe đi sau. Tôi tưởng là chiếc xe thường như mọi xe khác.Nhưng lúc đỗ trước cửa nhà báo thì xe kia vụt tiến lên hai người trong xe ló đầu... Trời ơi? Tôi hiểu ngay vì đó là hai người tôi vẫn gớm sợ?

- Người thế nào?

- Hai người ăn mặc rất sang và là bọn tín cẩn nhất của chủ Du...

- Nhưng chủ Du là người thế nào?

- Tên đứng đầu... Vâng, người chủ mưu, mà tôi tưởng ông cũng biết. Chính là một trong hai người ông gặp ở trong nhà hàng "gô đa" lúc chiều.

Lê Phong ngẫm nghĩ rồi lại hỏi:

- Cô với bác sĩ Đoàn có liên lạc gì không?

- Không.

- Vậy thì sao cũng bị chúng mưu hại?

Người thiếu nữ thở dài, nhắm mắt, lắc đầu rồi ngửng trông Lê Phong, giọng nói tha thiết:

- Thưa ông, xin ông hứa giữ kín cho. Tôi đến đây là mong nhờ ông vừa che chở, vừa khám phá cho một việc rất quan hệ đến đời tôi... Nhưng trước hết xin ông hứa cho rằng, ông sẽ không cho công chúng biết việc này trên báo. Trong việc bài tường thuật vụ án mạng, bài tường thuật rất cẩn thận, rõ ràng,tôi thấy ông không nói đến tôi là người đáng cho ông nghi ngờ nhất, tôi mừng lắm và rất lấy làm cám ơn ông. Tôi mong rằng ông cũng cứ giữ kín như thế mãi. Bởi vì... tôi thực có nhiều điều không thể cho ai biết được.

- Tôi không hiểu vì nhẽ gì?

-Thưa ông, có nhiều nhẽ quan trọng lắm. Một ngày kia tôi sẽ xin nói tường tận cho ông biết, còn bây giờ...

- Bây giờ thì sao?

- Bây giờ xin ông hứa với tôi rằng đừng hỏi điều gì nữa mà dù có hỏi, tôi cũng chưa thể trả lời được. Vâng, đó là điều trái ý ông thực, nhưng có lẽ riêng chưa thể chiều được ý ông...

Lê Phong chú ý nhìn Mai Hương một hồi lâu, đôi mắt dò xét cố hiểu lấy một phần trung tâm trạng người thiếu nữ lạ lùng ấy. Trong vẻ bối rối lo sợ của cô ta, Lê Phong vẫn thấy sự ngây thơ với cái duyên đậm đà đã khiến cho anh nhiều lần khen phục.

- Quả thực cô là người khó hiểu.

Rồi lại nhắc lại:

- Phải! Cô thực là người rất dị kỳ. Tôi không biết có nên tin những chuyện cô vừa kể cho nghe không. Vì...

-Vì sao kia?

Lê Phong đôi mắt đăm đăm, gõ ngón tay xuống bàn:

- Vì …. Vì có nhưng trường hợp rất lạ lùng, rất rắc rối... Thí dụ như những bức thư đe dọa, những bức thư mà tôi xét ra chính tay cô viết, nét chì tuy cứng - vì viết theo lối chữ hoa -nhưng mảnh giấy quyết nhiên là của cô. Vậy thì tại sao cô viết cho tôi. Tại sao cô báo cho tôi biết tin Trần Thế Đoàn bị giết sáng ngày... Rồi lúc tôi theo vết xe cô... mà cả người đánh điện thoại về đây cho tôi. Người ấy cũng lại là cô nốt.

Người thiếu nữ không đáp. Cô ta rầu rầu trông xuống,thỉnh thoảng thấy giọng gắt của Lê Phong, cô mới nhìn mau lên một cái, rồi lại trông xuống ngay, Lê Phong hỏi nữa:

-Tại sao? Cô phải trả lời tói. Ít ra cô cũng phải cho tôi biết những cử chỉ kỳ quặc ấy?...

Mai Hương vẫn lặng thinh, Lê Phong liền đứng dậy, chống hai tay lên bàn, nhìn tận mặt cô ta, tỏ ra rất quả quyết:

- Cô Mai Hương? Lúc này là lúc cô phải nói, cô phải nói rõ....chứ mơ hồ như thế không được nữa... Thế nào? Sao không trả lời tôi

- Thì... thì tôi xin nói với ông rằng...

- Nhưng tôi không thể nghe cô được. Những chứng cớ buộc tội cô rành rành ra đấy...

Lúc đó, vẻ mặt người thiếu nữ hơi đổi khác. Có lẽ là bực tức. Có lẽ là sợ hãi. Nhưng cô dịu lại ngay, trông Lê Phong bằng cặp mắt đau đớn. Nửa như van lơn, nửa như oán trách. Rồi cô nhẹ nhàng nói:

- Ông thực là người ác nghiệt quá. Tôi tưởng ông hiểu cho.Tôi tưởng đến đây liệu chiều cầu cứu với ông...

- Cô cầu cứu tôi mà lại lạ lùng thế!

- Xin ông bình tĩnh lại... Có những điều cần yếu, tôi coi trọng hơn mọi sự cần yếu ở đời... hơn cái tính mệnh tôi nữa.

"Tính mệnh của tôi lúc này nguy lắm. Tôi biết thế lắm...Trời ơi, ông không thể tưởng tượng được cái khổ của một ngườicon gái bị săn đuổi ư?

Giọng của cô mỗi lúc một tha thiết hơn, mỗi lúc một thêm chân thực. Hai tay cô run lên theo lời nói cảm động.Rồi như cô sực nhớ tới một điều gì, mặt cô bỗng tái xanh,mắt nhìn Lê Phong, luôn luôn ngơ ngác như người hoảng hốt.

Cô vừa thở vừa nói tiếp:

- Vâng, có nhiều kẻ săn đuổi tôi... có những người thề giết tôi. Cái chết ghê gớm, cái chết vô hình lúc nào cũng ở cạnh tôi. Thưa ông.. Vâng... Hay là tôi không dám giấu ông nữa.Tôi nói ra, tuy chưa chắc ông đã tin ngay việc khủng khiếp của tôi tuy biết rằng có lẽ tôi nói xong chắc có khỏi bị hại ngay tức khắc không...

- Bị hại tức khắc ngay ở đây?

- Vâng... vì lường sao được bọn quỷ quyệt kia.

Lê Phong thấy câu chuyện càng thân lại hỏi dồn:

-Ồ? Thế ra... việc của cô ghê gớm đến thế thực ư!

Mai Hương gật đầu nói sẽ:

- Vâng? Vâng! Kể thực tôi làm việc huyền diệu quỷ thần!Nhưng dẫu nguy hiểm, tôi cũng xin nói ngay, vâng nói ngay bây giờ, rồi muốn xảy ra chuyện gì thì xảy nhưng...

Cô ta hơi lưỡng lự trong giọng quả quyết:

- Nhưng... Hay xin ông để sau này tôi hãy nói...

Lê Phong, mặt sắt lại, hai tay ấn chặt xuống bàn:

- Không, tôi thề với cô rằng cô sẽ không việc gì. Cô nói đi?

-Nói mau? Nếu bọn kia chạm đến một sợi tóc của cô, thì...

Người thiếu nữ hết sức nén sự cảm động, nhắm mắt lại,thở dài một tiếng, rồi ra vẻ quả quyết, cô bắt đầu nói:

-Trong vụ ám sát Trần Thế Đoàn, và trong các việc mưu sát hiện đang ngấm ngầm... Người đáng sợ hơn hết, khôn ngoan hơn hết là người tôi biết rõ tên tuổi, nhà cửa... Mà người ấy chính là...

Bỗng nhiên người thiếu nữ ngừng lại, đứng phắt lên mắt trợn trừng mở rất lớn. Trong ngót nửa phút, mặt cô ta là hình ảnh của một sự kinh hoảng không thể tô được: môi hé run bần bật, hai tay bíu một cách tuyệt vọng lên thành bàn.

- Cô Mai Hương! Cô sao vậy?

Mai Hương chưa thể trả lời được, chỉ cứ thế, trông ra phía trước cửa sổ trước mặt. Mãi sau mới lẩm bẩm:

- Trời ơi? Trời ơi?

- Sao? Cái gì?

- Chúng nó nghe rõ cả rồi? Chúng sắp giết tôi rồi.

- Mà ai??!

- "Chúng nó" bọn kẻ thù?... Trời ơi? Tôi vừa thấy bóng

người hiện ra.

- Nhưng đâu?

-Ở cửa sổ kia, một bóng người nhô lên, trời ơi!

Lê Phong ngoắt quay lại. Cửa sổ kính vẫn đóng. Trên nền ren căng, ánh nắng in hình mấy chiếc lá cây cao...

- Đâu? Có ai đâu?

Lê Phong toan nhảy ra mở cửa xem, nhưng nhìn lại thấy một người thiếu nữ mắt lờ đờ, mặt xám xanh đang lảo đảo chực ngã.

Anh vội chạy đến bên đỡ, thì vừa lúc cô gieo người xuống ghế, thân ngả lên tay anh, và hai mắt nhắm nghiền.

-Cô Mai Hương? Cô Mai Hương!

Lê Phong cuống quýt lên, trông trước trông sau, rồi lại nhìn vào nét mặt im lặng của người thiếu nữ.

- Cô Mai Hương!!!

Nhưng cô ta vẫn im bặt, không đáp, toàn thân rũ xuống,yên tĩnh phó cho hai tay che chở của người thiếu niên.

Lần đầu tiên Lê Phong thấy cái cảm giác rất êm đềm, đầm ấm, đượm vào tận tâm hồn.

Anh trông xuống con người yểu điệu mà kỳ dị ấy – con người có bao nhiêu điều bí mật vây bọc quanh mình - thì tự thấy có một sức mạnh lạ thường ở người anh bồng bột lên. Anh coi mình như một vị thần hộ mệnh có dư can đảm, có dư lòng nghĩa hiệp để bảo vệ người thiếu nữ.

Lê Phong say sưa hít thở cái hương phảng phất ở bên mình, se sẽ ôm chặt lấy Mai Hương ghé đầu xuống gần mặt cô,và êm ái hỏi:

- Mai Hương? Mai Hương? Em là ai? Mà khó hiểu thế.

Người thiếu nữ lúc ấy chỉ là một bực nhan sắc dịu dàng,yếu đuối ẩn náu trong sự bao dung của Lê Phong. Hơn nửa phút đồng hồ, anh vẫn đỡ cô trong tay, đợi cho cái vẻ kinh sợ trên mặt kia biến dần và đợi cho hơi thở của cô điều hòa lại.

Khi anh thấy đôi gò má đã phơn phớt có sắc đỏ, anh mới nhẹ nhàng bế cô lên, lấy chân kéo nhích cái ghế bành lớn lại gần, rồi nhẹ nhàng đặt cô xuống.

Anh quỳ một gối lên ghế, cánh tay phải nâng dưới đầu người thiếu nữ lúc đó vẫn chưa tỉnh, tay trái vẫn giữ lấy năm ngón tay lạnh giá của cô.

Lê Phong yên lặng, ngắm cặp môi thanh trên nét mặt đăm đăm ấy, cặp môi tươi thắm, nét cong uốn rất tinh xảo, và hình như bao nhiêu duyên, bao nhiêu tình tứ, bao nhiêu ân ái đều thâu góp lại để khi hé nở sẽ thành một nụ cười say sưa.

Đôi mắt cô vẫn nhắm nghiền. Nhưng vẻ mặt mỗi lúc thêm một bình tĩnh, Lê Phong lẩm bẩm nói:

- Không hề gì, cơn lo sợ đã qua. Cô sắp hồi tỉnh... Mai Hương tỉnh lại sẽ nói, sẽ kể rõ cho tôi các điều bí mật... Tôi sẽ tìm hết cách để giúp cô, để săn đuổi bọn gian ác vẫn ngấm ngầm hại cô!... Không... chúng nó sẽ không thể thi hành được mưu kế nào mà không có tôi ngăn trở... Mai Hương sẽ không giấu tôi nữa, sẽ nói thực rõ, nói hết, có phải không Mai Hương.Mai Hương lúc nào cần đến tôi cũng đã thấy tôi ở sẵn bên cạnh...

Tiếng nói của anh rất nhỏ, nửa như mình tự bảo mình,nửa như nói cho người thiếu nữ nghe, giọng anh cảm động dần dần thấp xuống, và ân ái như những lời khuyên nhủ dỗ dành.

Một tiếng thở nhẹ và dài của Mai Hương khiến anh ngừng lại.

Lê Phong nhìn xuống, thì đôi mắt Mai Hương đã mở, trông thẳng vào mặt anh như ngạc nhiên, rồi như trách móc, nhưng Lê Phong thoáng thấy vẻ sung sướng tin cẩn ở trong, anh vẫn cầm tay cô và vẫn để cho đầu cô ngả đặt lên vai mình? Toan nói mấy câu ân cần, bỗng người thiếu nữ chau mày, hai mắt long lanh lo ngại. Cô se sẽ kéo tay về và ngồi thẳng dậy, sượng sùng nhìn Lê Phong rồi lại sượng sùng trông đi.

-Cô Mai Hương?

Nhưng người thiếu nữ đã đứng lên, yên lặng đến bên bàn cầm lấy cái ví đầm sửa qua lại mái tóc, xem qua đồng hồ tay, rồi yên lặng bước ra cửa.

- Cô Mai Hương! Cô đi đâu bây giờ?

Người thiếu nữ quay đầu lại, nhưng vẫn không đáp. Anh phải hỏi lên lần nữa, cô mới se sẽ đáp:

- Thưa ông... Tôi ra.

- Nhưng...

- Vâng, tôi phải đi. Không thể ở đây được.

-Nhưng sau câu chuyện kỳ quái vừa rồi.

- Câu chuyện nào, thưa ông?

- Thì cô vừa cho tôi biết rằng cô đương bị kẻ mưu hại...

Người thiếu nữ lạnh lùng đáp:

- Không, không có chuyện gì hết. Vừa rồi tôi nói lầm đấy.Xin ông quên chuyện ấy đi...

Lê Phong càng lấy làm lạ hơn:

- Ơ hay, chả nhẽ... mà... cô không nhớ rằng chính cô vừa đây đã sợ hãi ngất người đi đấy ư? Không! Có thế nào, cô cứ cho tôi biết... Tôi không thể để cô ra một mình được. Nhiều việc ly kỳ như thế, mà sao cô lại giấu tôi.

Mai Hương ra vẻ ngẫm nghĩ. Một lát cô nhạt nhẽo mỉm cười:

- Tôi không giấu ông chi hết. Câu chuyện lúc nãy xin ông cứ tưởng như tôi không nói. Cũng xin ông đừng để ý đến tôi nữa. Tôi... Không tôi phải đi khỏi đây ngay bây giờ!

Lê Phong nhảy ra giữ lấy nắm cửa:

- Không! Không thể được? Cô phải ở đây! Kẻ thù cô dầu có quỷ quyệt đến đâu, tôi cũng không để yên chúng nó.

Thì Mai Hương ra ý bất mãn, cô nhìn Lê Phong se sẽ nói:

-Xin ông để tôi ra. Xin ông vì bao nhiêu sự thống khổ của tôi để cho tôi ra ngay, ra khỏi đây ngay bây giờ?

Đôi mắt cô tha thiết, van lơn, nét mặt lộ ra những nỗi đau khổ, cảm động, không biết chừng nào.

Lê Phong thì không biết nên xử trí ra sao, không tưởng đến sự nhất quyết ngăn cản cô. Lúc cô sẽ gạt cái tay giữ nắm cửa, rồi mở cửa bước ra, anh cũng để yên. Mãi lúc cô bắt đầu

bước xuống bậc thang, anh mới vội chạy xuống gọi:

-Cô Mai Hương

Anh theo liền sau lưng cô ta, thiếu chút nữa thì giữ lấy vai cô không cho xuống nữa:

- Cô Mai Hương! Nếu cô không nói rõ đầu đuôi việc này, thì tôi thề rằng...

Mai Hương lại quay lại, nhìn Lê Phong một cách khổ sở tuyệt vọng, đôi mắt năn nỉ lóng lánh như chực khóc...

- Cô ở lại, cô nên nói rõ cho tôi biết đã.

Người thiếu nữ chỉ đáp:

-Xin ông để tôi ra!

Và khi thấy người thiếu niên vẫn chưa chịu nghe, cô lại nói:

-Tôi van ông.

Rồi thoăn thoắt chạy xuống.

Bên ngoài, chiếc xe hơi "Nerva Sport" vẫn đợi, cô ta chạy ra, mở buồng máy trông qua, rồi đưa mắt nhìn quanh quất đây đó một vòng. Không thấy gì khả nghi, cô mới nhảy lên xe, rồi cho chạy ngay, không để ý đến Lê Phong đang nhìn theo ở trước cổng tòa báo.

Lê Phong đứng thẫn thờ đó cho đến khi chiếc xe khuất hẳn về lối chợ Đồng Xuân, trong lòng thấy buồn bã một cách rất êm đềm. Anh thở dài và tự cái sâu xa của tâm hồn anh, nhưng lời dịu dàng như âm thầm réo rắt:

- Mai Hương ơi? Cái tên của em đẹp biết chừng nào, ân ái biết chừng nào? Nhan sắc em dịu dàng biết chừng nào? Em là một người để cho người ta yêu quý, để cho người ta nâng niu,một người chỉ để hưởng những hạnh phúc trong trẻo nhất đời...Thế mà sao đời em lại lạnh lùng đến thế, lòng em lại khó hiểu đến thế, hỡi Mai Hương.

Chương 10

lê phong nổi giận

Lê Phong trở lên phòng giấy. Trong phòng, cái hương phấn của người đẹp vẫn chưa phai, cũng như trong tâm tưởng anh, hình ảnh của Mai Hương vẫn còn đằm thắm.

Anh đứng lại trước gương treo cạnh lối ra và nhìn dáng mình soi trong đó. Đầu trơn mượt, nét rắn rỏi, và hình như trên miệng, trong mắt, không thiếu vẻ tình tứ của một thứ đẹp trai tráng. Lê Phong tự thấy lúc đó mình cũng có duyên.

Nhưng anh khoát tay, thầm bảo mình là đồ tồi rồi mạnh mẽ bước tới bàn giấy:

- Rồi hãy si tình Lê Phong ạ. Bây giờ là lúc cần phải khám phá các việc dị kỳ...

Trong các việc dị kỳ, việc giáp mặt Mai Hương là điều anh nghĩ đến trước hết.

Mắt Lê Phong lại dìu dịu, lại mơ mộng, anh chúm chím cười trông cái ghế trước bàn giấy, trông cái mép bàn mà đôi bàn tay ngọc đặt khoảng mười lăm phút trước, nhớ cả chỗ người thiếu nữ đặt cái ví đầm. Tâm trí người thiếu niên vẫn còn dư âm của lúc gặp gỡ quái lạ và êm ái vừa rồi.

Bỗng nhiên khi để mắt tới cái phong bì đựng chiếc kim tiêm anh bắt được trong trường Cao đẳng. Lê Phong có vẻ sửng sốt mắt anh đã quen quan sát, nên nhận được những điều rất tỉ mỉ, mà những mắt người khác bỏ qua.

Anh thấy hình như cái phong bì trước mắt anh lúc nãy,cũng màu vàng phớt, cũng khổ thường, nhưng không phải là cái phong bì anh vẫn đặt ở đây? Càng nhìn càng thấy rõ sự đổi khác. Lê Phong lo sợ, nghi hoặc, cầm lên coi. Anh giật mình!

Cái phong bì nhẹ không. Ngón tay anh run rẩy nắn thử coi, cái kim tiêm đựng trong không còn đó nữa. Lê Phong tưởng chừng quả tim se hẳn lại. Anh vội mở mép giấy ra thì trong phong bì có một mảnh giấy nhỏ, trên mặt giấy, mấy hàng chữ gãy nét,vạch bằng bút chì:

ông Lê Phong,

Mượn tạm ông cái phong bì cũ và cái tang vật giết người đựng trong đó. Cám ơn.

Mai Hương

Và ở dưới, nhỏ hơn, mấy dòng chữ viết theo lối thường:

Lại cảm ơn ông đã sẵn lòng tin cái kịch tôi đóng trước mặt ông vừa rồi, và xin ông đừng theo đuổi thu phạm nũa, vì ông không bắt được thủ phạm đâu!

M.H.

- Lê Phong ơi, mi thật là đồ tồi, mi thật là đồ ngu ngốc!

Đó là những tiếng mà ta có thể gọi là "tiếng lương tâm" của Lê Phong tự mắng anh ta. Nhưng tiếng ấy, rõ rệt khe khắt,hùng hồn đến nỗi Lê Phong cứ lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại hoài:

- Đồ tồi? Đồ ngu ngốc!

Rồi lại tiếp:

- Để cho nó lừa dối, nó giễu cợt, nó coi như đứa trẻ, mà lạI một đứa trẻ khờ dại, đần độn, xuẩn ngốc khốn nạn!

Ồ? Lê Phong! Lê Phong! Đi về làm một anh mê gái, một anh văn sĩ tầm thường còn hơn?

Nhưng Lê Phong không đi về làm văn sĩ quèn, Lê Phong vẫn ngồi yên, và đọc lại tờ giấy của Mai Hương lần nữa.

- Lần này thì nó cho mình b;ất tay đáo để của nó. Lần này nó không giấu giếm, nó ký tên cẩn thận, rồi lại cho biết cả nét chữ của nó nữa. Nó thách mình đấy. Nó chửi vào mặt mày đấy,Lê Phong ạ! Rõ nhục chưa!

Rồi anh quắc mắt nhìn vào cái gương treo, thấy vẻ giận dữ ghê gớm của mình, thì bĩu dài cái môi dưới ra, cười gằn:

- Hứ, đáng ghét chưa? Đồ... Khốn nạn!

Tuy sự căm tức làm anh không nhịn được, nhưng lòng tự ái của Lê Phong cũng cho những lời mắng mỏ vừa rồi là quá đáng. Anh trấn tĩnh lại và nghĩ thầm:

- Mình ngu ngốc thật, nhưng thử xem con quái ấy nó lấy cái kim tiêm kia để làm gì... nó có ý gì? Hung thủ tìm cách làm biến tang vật đi chăng? Hay nó dùng một cái mưu thâm hiểm gì nữa?

Rồi Lê Phong khoanh tay lại, mảnh giấy tuy vẫn để trước mặt, nhưng mắt anh cũng nhắm lại, cứ thế trầm ngâm mãi đến nửa giờ đồng hồ.

Mặt anh, đỏ vì giận, sau dịu dần dần, hai gò má lúc đó cũng ửng hồng, nhưng đó là vì tâm trí anh đương bị kích thích.

Trông Lê Phong chẳng khác gì một pho tượng.

Người thoạt vào thì tưởng là anh ngồi và ngủ.

Nhưng ai biết anh lâu, thì hiểu là Lê Phong theo phép tĩnh tọa, đang lắng hết tinh thần, hết tâm trí, hết nghị lực để xét một việc khó giải, hay để lập mưu cơ.

Lúc Lê Phong mở mắt hít mạnh hơi đầy ngực để thở ra một tiếng rất dài, là lúc tâm trí anh đã minh mẫn và bình tĩnh như thường. Câu chuyện được đọc vừa rồi anh không để bận đến lòng, và đã bắt đầu tìm ra được một vài manh mối.

Lê Phong cầm mảnh giấy lên, đọc lại những dòng chữ của Mai Hương, mắt có vẻ đăm đăm hơn là căm tức. Đôi mắt anh trước còn chăm chú, sau bóng láng, sau cùng dính lấy mảnh giấy như người thấy một việc rất kỳ quái.

Tay anh run lên, mắt anh cũng hình như rung động lên.

Thốt nhiên, anh cùng đứng dậy cất tiếng cười rất to, tiếng cười ghê gớm kinh rợn, ròn rã, kỳ dị, mà từ xưa đến nay chưa ai nghe thấy ở miệng anh phát ra.

Rỗi vẫn quắc mắt nhìn mảnh giấy trên tay. Lê Phong cắn chặt răng lại nói một câu tiếng Pháp:

- Được lắm, được lắm, cô em bé nhỏ của tói ạ! Cô đóng kịch giỏi thì tôi đóng lại giỏi hơn. Rồi cô xem, phải rồi cô xem, tôi sẽ tìm được cô. - Tìm được ngay? Mà cũng không khó nhọc lắm.

Chương 11

m.h: mai hương

Bảy giờ rưỡi tối, trời mưa nặng hạt, gió lạnh thổi từng cơn vội vã trên nhưng vầng cây thưa thớt hai bên đường Phố Huế,về phía quá chợ Hôm, vẻ tấp nập kém hẳn mọi khi, những chiếc xe tay, giương mui, áo tơi, cánh gà che kín hấp tấp qua lại trên đường nhựa đen nhoáng.

Một chiếc xe kiểu mới, đến đỗ trước cổng nhà số 99. Từ trên xe một người Pháp thấp bé nhảy xuống vừa càu nhàu vừa quăng tiền giả người phu xe.

- Sứ đồ (ông cho tôi một hào, ông đi lâu quá).

Người Pháp trừng mắt, toan sừng sộ, nhưng sau cũng móc túi lấy thêm tiền vất vào tay người phu xe rồi quay vào cổng bấm chuông. Chưa thấy người nào ra, ông lại bấm nữa miệng lẩm bẩm mấy câu tỏ vẻ nóng ruột, rồi một lát tự tiện bước vào.Đến cửa thì vừa gặp một người thiếu niên ở trong nhà chạy ra.

Người Pháp hất hàm hỏi một câu tiếng Pháp:

- Đây là nhà cô "Ly- Chuya- Loan" phải không?

-Phải, ông hỏi có việc gì?

- Việc cần.

Rồi không đợi mời, người ấy bước vào trong phòng khách,không bỏ mũ, không bỏ áo đi mưa, đôi mắt sâu đưa nhìn khắp phòng; mẩu thuốc lá ở miệng chạy từ mép bên này sang mép bên kia, hình như sợ làm sém mất bộ râu rậm rì và hung hungđỏ

- Cô Ly- Chuya- Loan... Không có nhà?

Giọng nói ồm ồm, khê nằng nặc, lại thêm vẻ ngạo mạn,sống sượng của người ấy, khiến người thiếu niên cau này không đáp. Người Pháp lại hỏi, đôi mắt quằm quặm nhìn tận mặt người thiếu niên:

- Kìa, tôi hỏi, sao anh không trả lời tôi? Cô Ly- Chuya-Loan có nhà không?

- Có nhà, nhưng cô Loan cũng như tôi không quen tiếp những người vô lễ. Ông là ai? Vào đây hỏi có việc gì? Tôi tưởng sự đường đột của ông vừa rồi không phải cử chỉ của một người lịch sự.

Vẻ nhã nhặn của người thiếu niên dần dần đổi ra vẻ kiêu hãnh, và lời nói cũng dần dần thêm giọng ôn tồn. Người Pháp chỉ mỉm cười, rồi vỗ vai người thiếu niên:

- ông là người Việt Nam khá đấy... Nhưng hơi nóng tính.Tôi tuy thiếu lịch sự, nhưng là người rất tử tế với ông. Tôi chính là người đã được hân hạnh nói chuyện với ông lúc ba giờ chiều,mà nếu ông bảo cho tôi biết rằng đứa đầy tớ tên là Hồng, tức Đan, hiện giờ không có nhà thì ông biết tôi là ai...

Rồi người Pháp nói tiếp luôn:

- Thằng Đan ông sai nó đi đâu?

Người thiếu niên kinh ngạc vô cùng, vì câu vừa rồi hỏI bằng tiếng Việt Nam, mà lại là thứ tiếng Việt Nam rất sõi...

-Ồ! Thế ra ông là...

Người Pháp gật đầu:

- Vâng, tôi chính là Lê Phong...

- Nhưng sao ông lại ăn mặc thế này?

-Ăn mặc cũng chưa đủ. Phải đổi dạng, đổi nét mặt, đổi cả tiếng nói nữa. Tôi cần phải làm thế dể cho người ta không nhận

được

- Ông đổi dạng khéo lắm. Giá không nghe tiếng ông nói,thì tôi không thể nào biết được... Tiếng ông nói cũng "Tây" đặc?Nhưng ông đến đây mà phải đổi dạng, hẳn có việc gì quan trọng.

- Vâng, nhưng ta nói tiếng Pháp tiện hơn.

Rồi đổi tiếng, Lê Phong hỏi luôn:

- Thằng Đan, thằng đầy tớ của ông không có nhà ư?

-Không. Tôi vừa sai nó đi mua thêm mấy số báo hằng ngày.

- Phiền nhỉ?

-Sao lại phiền?

-Vì tôi không muốn cho nó ra khỏi nhà này lúc nào. Nhưng thôi, không sao. Từ chiều có ai đến hỏi nó không?

- Chỉ có một lần, một người đứng chờ ngoài cổng, thấy nó ra chưa kịp hỏi câu nào đã đi ngay.

-Người thế nào?

-Một người ăn mặc thợ thuyền...

- Quần áo xanh bạc, đội mũ "cát- két ', đeo kính đen phảI không?

-Vâng. Lại có râu mép nữa. Nhưng sao ông biết?

- Vì người ấy là tôi đấy. Tôi định lại hỏi thêm nó mấy điều nữa, nhưng xem ra nó dè dặt. Và chừng như đã sinh nghi. Cái mưu giả làm đồng đảng chỉ dùng được một lần thôi. Cũng vì thế, tôi không muốn nó thấy tôi vào đây tối hôm nay.

Lê Phong bỗng ngừng lại, nghe ngóng: bên ngoài có ngườI mở cổng đi vào sân trong.

- Có lẽ nó đã về. Ông gọi ngay nó lên đây... Mà này, cô Loan đâu?

- Chị tôi ở trên gác.

- Được.Để lát nữa, tôi sẽ nói chuyện với cô ấy, thằng Đan vào ông cứ coi tôi là người của sở mật thám.

Tên đầy tớ vào, Lê Phong khoanh tay ngồi hút thuốc lá,lim dim mắt nhìn nó và hỏi người thiếu niên:

- Ông chỉ sai nó đi mua báo thôi chứ?

- Vâng.

-Nó đi có lâu không?

- Lâu, chừng nửa giờ.

-Vậy mà hiệu bán báo ở gần đây, ở ngay phố này...

Lúc đó, tên đầy tớ đã đặt mấy số báo xuống, nhìn Lê Phong trong hình dáng người Pháp một cách gớm sợ, rồi toan quay đi.

Nhưng Lê Phong vội đưa tay ra, lờ lợ giọng như một người Tây nói tiếng Nam trọ trẹ:

-Ê mày! Đứng lại!

Rồi ngồi thẳng dậy, anh quắc mắt nhìn thẳng vào tên đầy tớ hỏi:

-Anh mua báo ở hiệu nào?

Thì tên Đan luống cuống thưa:

-Bẩm... ở hiệu... Nam Minh...

-Công! Anh công mua ở hiệu Nam Minh. Anh đi xa, đi xa nữa, mà anh đi bằng xe đạp, cái xe đạp ấy, anh thuê ở một hiệu gần đây.

Tên Đan tái mặt đi, anh vẫn trọ trẹ nói bằng cái giọng mũi mà anh bắt chước rất đúng:

- Anh đi bằng xe đạp, lên bờ hồ, qua hàng Bè, qua hàng Bạc, rẽ đến phố Mã Mây, anh đến phố Mã Mây làm gì, nói!

Vẻ sợ hãi càng rõ rệt trên mặt tên đầy tớ. Nỏ không đáp và lấm lét nhìn chỗ khác để tránh đôi mắt của Lê Phong. Lê Phong thì nắm lấy hai thành ghế, bộ điệu ghê gớm như một người sắp túm lấy nó đánh, anh dẫm chân xuống, quát:

- Kìa? Sao mày không trả lời? Mày đến Mã Mây làm gì?Mày đi đâu, đến đâu? Không nói. Mày không nói thì tao nói mày vào một cái boát (boite) một tiệm hút thuốc phiện. PhảI rồI!Mày vào đấy, báo tin cho những thằng ăn cướp, mà tên mày, tao biết, nghề mày, tao biết, tao theo mày đấy. Ô! Voyon?

Thoắt một cái, tên đầy tớ vòng chạy ra cửa nhưng liền ngã vấp xuống đất, một tay bị vặn ra sau gáy, lưng bị đè dưới đầu gối Lê Phong.

- Im! Nằm im, mày giẫy thì tao bẻ gãy tay tức khắc. Chạy thế nào được thoát, vì không có lúc nào tao không dò xét từng cử chỉ của mày.

Rồi Lê Phong cúi xuống, xách cổ lôi nốt nó lên và cười:

- Quá tay tý nữa thì cậu Đan nhà tôi đã hóa ra thằng què.

-Thế nào? Đan vẫn chưa nhận ra ư? Lê Phong đây mà...

Tên đầy tớ giật mình, bất giác hỏi:

- Lê Phong?

- Chứ ai? Cái người đỏng đảng với mày lúc chiều ấy thôi...Khốn nạn! Đi ăn cướp mà ngu xuẩn đến thế. Vừa rồi mày đến tiệm Mã Mây nói chuyện với tụi mày, mới biết là mắc mưu Lê Phong... Nhưng biết khí muộn một chút, chỉ đáng khen mày còn có gan lại dám về đây. Thế ra mày cũng là một tay cần cho bọn kia lắm nhỉ.

Thằng Đan để cho Lê Phong trói lại, không nói không rằng, không có một cử chỉ nào tỏ ra muốn phản kháng. Lê Phong trói xong quay lại bảo người thiếu niên:

- Tôi giao cho ông coi tên này, ông phải cẩn thận đừng để nó trốn thoát, không cần hỏi han gì nó, vì tôi đã biết cả. Bây giờ tôi cần nói chuyện với cô Tuyết Loan một lúc, nói chuyện trên gác càng hay. Dưới này, ông không nên có cử chỉ gì khác lạ, nếu có khách, ông tiếp rất chóng, nhưng rất bình tĩnh, làm như không xảy ra chuyện gì. ông hiểu không

-Tôi hiểu.

-Bây giờ ông lên nói cho cô Tuyết Loan biết tôi muốn thưa chuyện. Nói cả việc cải trang của tôi cho cô khỏi kinh ngạc.Trong lúc ấy thì tôi "gói ghém" tên này cho ông đỡ lo.

Người thiếu niên mở cửa sau lên gác rồi, Lê Phong mới lôi thằng nhỏ lại gần, dỗ:

- Một là mày rũ tù, hai là mày không việc gì hết, tao sẽ nhận cho mày không có tội gì. Nhưng mày phải nói, phải nói thực các điều mày biết nghe không? Mày sợ gì? Bây giờ mày không nói thì rồi thế nào mày cũng phải nói, có người bắt mày nói, mà không được tử tế như tao đâu?

Tên đầy tớ vẫn im.

-Tao biết mày chẳng qua cũng chỉ a dua, thấy được nhiều tiền thì theo, chứ thực ra, mày cũng không dám làm những việc ám muội ấy, phải không?

-Thế nào, nói đi. Tao bắt được mày, thì tao cũng tha được mày, nói mau. Đan! Bọn chúng bây hiện có bao nhiêu đứa?.

Thấy nó vẫn chưa chịu nói, Lê Phong phải cố nén giận:

-Mày dại lắm, bây giờ thì còn mong gì nữa? Mày chỉ còn một cách để gỡ tội, mà cách ấy đã ở trong tay tao... Đây tao cho mày vài phút, mày nghĩ ngay xem, quá hai phút, thì dù mày muốn cũng không được, mày hối cũng không kịp nữa.

Ngừng một lúc rồi anh lại giục:

-Thế nào. Đan? Nói đi, hai phút rồi.

Đan nhìn anh bằng đôi mắt tức giận, nhưng sợ hãi, Lê Phong phải hỏi han, ba lượt nữa nó mới chịu hé răng:

-Ong biết cả rồi, ông đã theo tôi thì việc gì còn bắt tôi phải khai ra nữa...

- Tao không theo mày...

- Thế sao ông biết tôi đi xe đạp đến Mã Mây

-Tao không theo cũng như tao theo. Vì tao trông mày tao cũng đủ đoán được, dấu quần mày có vết dầu xe ở ống quần bên phải. Mày đi mua báo mà đi mất ba mươi phút... Còn nhiều dấu hiệu khác nữa... Đấy mày xem, những điều tao chưa biết ngay,thì rồi thế nào tao cũng biết được... Thế nào nào, nói đi...

Rồi Lê Phong nghĩ thầm:

“Mà quái, sao bây giờ...”

Bỗng nhìn thang gác có tiếng chạy rầm rầm. Lê Phong chưa hiểu chuyện gì thì cánh cửa trong bật mở ra, người thiếu niên mặt biến hẳn sắc, chạy vội vào:

-Ông Lê Phong! ông Lê Phong!

- Gì? Sao?

- Chị Loan tôi...

- Cô Loan làm sao?

-Chị Loan tôi không có trên gác.

- Cô Loan không có trên gác?

- Vâng. Mà chị tôi không có việc phải đi đâu hết... Mà nếu có đi đâu thì thế nào cũng phải cho tôi biết chứ...

Rồi người thiếu niên nói một câu kỳ dị khiến Lê Phong giật mình đến thót một cái.

-Có lẽ chị tôi bị chúng bắt rồi?

Lê Phong liền đâm bổ lên thang đưa mắt nhìn khắp các phòng vắng người, thì một mảnh giấy nhỏ vẫn quen trông thấy nhiều lần làm anh nghiến răng lại, ni lên một tiếng căm tức:

- Mai Hương? Lại thủ đoạn của Mai Hương rồi! Trời ơi! Mà nó vào lúc nào? Nó lên gác lúc nào? Nó làm thế nào bắt được cô Tuyết Loan?

Rỗi anh giẫm chân xuống, khẽ kêu lên một câu rất chua xót:

- Mà... không biết chúng nó có khỏi hại cô Tuyết Loan ngay đêm nay không? Lê Phong ơi, nếu mày để cho một mạng ngườI nữa bị hại, thì mày là một đồ vứt đi. Lê Phong à...

Trên mảnh giấy mà anh chắc có những lời làm cho anh thêm bực tức, thêm hổ thẹn, Lê Phong chỉ thấy có hai chữ viết rất lớn: M.H.

- Ồ! Nó còn dám ký tên vào tội ác? Con nữ tặc táo tợn đến thế là cùng!

Chương 12

lý tuyết loan

Người thiếu niên em cô Tuyết Loan lúc đó cũng vừa chạy lên tới gác. Lê Phong quay lại chau mày hỏi:

- Sao ông không ở dưới giữ thằng Hồng?

Người thiếu niên thưa:

- Trói kỹ thế thì sợ gì?

- Không, ông xuống ngay đi, bọn đồng đảng của nó quỷ quyệt lắm.

Chàng ta trở xuống thì Lê Phong đứng lại nhìn khắp phòng trên gác một lượt nữa, rồi xuống theo.

Anh gọi người thiếu niên:

- Ông Phương?

-Tôi đây.

- Nhà này có cổng sau không?

-Không.

-Nhưng bức tường vây chung quanh sân sau có cao không?

- Cao. Mà lại có mảnh chai gắn trên...

Lê Phong ngó ra lấy đèn bấm chiếu khắp bốn bề rồi nói:

- Không thể nào qua tường được, vậy muốn thoát ra đây thì phải xuống thang, rẽ ra cái ngõ cuối cạnh nhà này để qua đằng cổng trước. Cô Loan quyết nhiên bị bắt ra lối ấy, mà ra lốI ấy thì...

Anh liền chạy vụt ra cổng cất tiếng gọi:

- Cao su!

Nhưng anh kinh ngạc vì không thấy tiếng thưa tuy bờ hè bên kia vẫn có chiếc xe tay đang gác đó.

Nhảy mấy bước qua đường, đến tận bên cái xe bỏ không,anh trông đó trông đây để tìm người phu xe, nhưng không thấy bóng nó đâu hết.

Còn đang ngơ ngác, bỗng người phu xe ở đâu chạy về bước vào nâng vội càng xe ghếch lên lề đường ra ý mời. Lê Phong không nói gì, nhảy lên xe, thì tên phu xe yên lặng cắm đầu kéo.

Chạy được chừng hai chục thước, đến một chỗ vắng và tối,xe bỗng đứng lại ghé vào cạnh đường.

Lê Phong không xuống. Anh hé cánh áo tơi ra hỏi:

-Gì đấy?

Thì tên xe đáp:

-Hai người con gái ở đây ra mà cậu không biết ư?

-Biết rồi, nhưng sao mày không báo hiệu ngay?

- Con có thổi còi mà cậu không nghe thấy, và sợ nó nghi,nên con phải thôi không thổi nữa. Hai người ấy là cô Loan với một người con không biết mặt.

Lê Phong hỏi dồn:

- Cô Loan? Mày nhận chính cô Loan chứ?

-Vâng, vì lúc chiều cậu sai con cầm thư đưa cho cô ta, con đã có ý nhìn kỹ.

-Thế bây giờ cô Loan đâu?

- Cô ta đi với người lạ mặt đến gần chợ Hôm thì rẽ sang tay trái. Còn người lạ mặt thì con thấy vừa vào đây xong.

Vừa nói, người phu xe vừa chỉ vào một cửa hàng. Rồi lạI tiếp:

- Người lạ mặt này chắc là Mai Hương.

- Mày chắc không?

-Chắc.

- Mày có biết mặt cô Mai Hương đâu?

- Nhưng con biết mặt cô Loan, mà người ấy không phải là cô Loan, thì chỉ là cô Mai Hương mà cậu nói đến lúc này.

Lê Phong gật đấu:

-Được thế mày chắc chưa ra khỏi nhà này chứ?

- Vâng, cậu ở đây rình lát nữa chắc gặp. Mà kìa, hình như cô ấy đã ra. Chính phải rồi.

Lê Phong đã xuống xe nhìn theo ngón tay người phu xe trỏ. Anh vẫn giữ nguyên bộ râu với cái dáng điệu của người Pháp, và muốn cho mấy người vội vã đang qua đó khỏi ngờ, anh giả tảng móc túi lấy tiền trả tiền xe.

Lúc đó, xế đường bên kia, một người thiếu nữ ở một cửa hàng đang lững thững bước ra rồi rẽ về tay trái, đi về phía trại lính khố xanh, trông ngang, trông ngửa như có ý tìm tòi.

Lê Phong kéo mũ xuống tận mặt, bẻ cổ áo đi mưa lên, rồi chạy sang rảo cẳng bước theo. Anh nhất quyết lần này dẫu sao cũng không để cho cô kia thoát khỏi tay mình. Anh nghĩ thầm:

- Dù phải dùng đến những cách đáo để nhất ta cũng dùng...

Lúc thấy người thiêu nữ vẫy xe, anh liền đi vượt lên, và lúc cô toan bước lên cái xe tay kéo anh vừa rồi, thì Lê Phong ngoắt quay lại gọi:

- Hãy gượm! Lê Phong vẫn đợi Mai Hương ở đây!

Lê Phong bất giác kêu lên một tiếng:

Vì dưới ánh đèn sáng bên đường, người thiếu nữ ấy,không phải là Mai Hương mà chính là cô Lý Tuyết Loan. Phải,chính cô Loan mà anh đã biết mặt trong những bức ảnh chụp treo ở nhà cô! Lê Phong bực dọc hỏi người phu xe:

- Thế nào, Biên? Sao mày quáng đến thế? Đây là cô Loan,chớ có phải Mai Hương đâu.

Người phu xe cãi:

- Không, cô Loan là người lúc nãy kia... Còn cô này...

- Cô này! Cô này không phải là cô Loan? Trời ơi! Thế lúc nãy mày đưa thư của tao cho ai?

- Cho cô lúc nãy!

- Cô nào?

- Cô đi với cô này lúc nãy.

Lê Phong dậm chân xuống đất:

- Khốn nạn? Mày có được việc gì đâu! Mày lại để cho con Mai Hương nó lừa rồi?

Trong lúc ấy thì người thiếu nữ không hiểu ra sao, hết nhìn cái người Tây nói sõi tiếng Việt Nam và tự xưng là Lê Phong ấy rồi lại nhìn tên phu xe. Lê Phong thấy thế vội xin lỗI và nói:

- Thưa cô, thằng đầy tớ nhà tôi vô ý quá. Lúc chiều tôi sai nó cầm giấy mời cô đến nhà báo hỏi cô mấy điều quan trọng...

Người thiếu nữ chừng như chợt hiểu:

- Thế ra ông là Lê Phong thực?

Lê Phong đứng tránh vào bờ hè một nhà đóng kín cửa. Chỗ ấy tối và lúc đó ít người đi qua: Anh ra hiệu mời cô Loan cùng đứng vào đó và hạ thấp tiếng nói:

-Vâng. Tôi cải dạng để cho kẻ thù cô khỏi nghi ngờ.

Tuyết Loan nhìn kỹ Lê Phong. Đôi mắt thông minh của cô lộ vẻ khen phục. Một lát cô chau mày hỏi:

- Mà bức thư ông cho tìm tôi đáng lẽ tôi phải nhận được từ chiều phải không?

-Vâng, từ chiều. Tôi mời cô đến nói về một việc cần, có liên quan đến vụ bác sĩ Đoàn. Tôi lấy làm lạ rằng sao cô không đến... Thì ra bức thư vào tay kẻ khác, mà kẻ ấy lại là ngườI đáng sợ nhất... Vừa rồi có một người con gái vào nhà cô rủ cô đi có phải không?

-Vâng. Nhưng cô ấy thì tôi tưởng ông cũng quen, vì cô ta đưa mảnh thư này đến cho tôi, nói rằng chính ông nhờ cô ta đưa đến.

Lê Phong cầm lấy bức thư đọc:

“Mời cô đến ngay tòa soạn báo "Thời Thế ' có việc cần lắm.Tôi đã đến nhà định thưa chuyện,nhưng cô đi vắng.Xin cô đến ngay.”

Lê Phong

Rồi anh nói:

-Vâng chính thư này tôi viết. Nhưng không hiểu vì sao lạI lọt được vào tay Mai Hương...

- Mai Hương nào, thưa ông?

- Mai Hương tức là người thiếu nữ đi với cô vừa rồi. Thì ra... Ồ! Thì ra việc gì của tôi.Người ấy cũng biết trước được cả!

-Tôi cũng sơ ý, khi trao bức thư cho thằng Biên nhà tôi cầm đến, không dặn nó cẩn thận hơn chút nữa. Vả lại, có ai ngờ đâu?

Lê Phong ngẫm nghĩ một lát, rồi bỗng hỏi:

-Cô ta đến nhà cô, lên thẳng gác sao?

- Vâng.

- Và đưa giấy này cho cô?

-Cô ta lại nói rằng chính tôi trao cho cô ta mời cô đến tòa soạn ngay bây giờ.

-Vâng, cô ta giục tôi phải đi ngay, vì là việc rất quan trọng.Chúng tôi đi đến đường lớn rẽ ra phố Laveran, thì cô ta nói có việc phải qua đó, dặn tôi đợi ở đây năm phút. Tôi vào nhà ngườI quen đợi mãi, sốt ruột định đến tòa báo một mình thì lại gặp ông đây...

Lê Phong thoạt tiên nghĩ ngay đến một mưu kế hiểm độc của Mai Hương. Anh đoán chắc Mai Hương định lừa Lý Tuyết Loan đến “Thời Thế” để đi báo cho bọn đồng đảng tìm bắt cóc lấy. Nhưng anh chợt nghĩ đến một ý, và hỏi người thiếu nữ:

-Người con gái kia biết chắc rằng cô đến ngay báo "ThờI Thế" chứ? Liệu cô ta có sợ cô trở về không?

- Thế nghĩa là thế nào, thưa ông?

- Nghĩa là...

Bỗng anh ngừng lại quắc mắt nói rất mau như người tức giận:

-Nhưng thôi, tôi hiểu rồi, cô phải về ngay bây giờ, về nhà cô ngay với tôi... Nhà cô đang có việc biến lớn.

Rồi không để người thiếu nữ hỏi, anh gọi xe, mời cô lên,còn anh cũng nhảy lên chiếc xe của thằng Biên và giục:

-Chạy mau, việc gấp lắm, gấp lắm.

Đến nhà số 99, anh nhảy xuống trước, qua nhà dưới, thấy tên Đan vẫn bị trói và người em trai cô vẫn ngồi canh giữ, anh liền chạy lên gác trống ngực đánh rất mạnh, vì anh biết rằng thế nào cũng thấy những việc khác thường.

Lên tới nơi, anh thấy phòng ngoài vắng không, phòng trong cũng vắng không, nhưng khi qua gian phòng học nhỏ ở bên, anh nhìn dán về một phía tường là chỗ những giấy má, sách vở xếp bừa bộn trong nhưng ngăn tủ dài. Một hồi lâu Lê Phong lẩm bẩm nói:

-Ta biết mà? Chính là mưu mẹo của Mai Hương? Trời ơi, ta có một địch thủ giảo quyệt biết chừng nào? Bao giờ nó cũng lừa được ta, mà bao giờ ta biết ra cũng đã quá muộn?

Chương 13

năm bộ sách quý

Cô Lý Tuyết Loan nữa phút sau cũng lên tới gác.

Lúc cô vào buồng học (một gian phòng xinh xắn ở ngay cạnh hai gian rộng lớn ăn thông nhau)thì thấy Lê Phong đứng trước một cái bàn giấy con, nét mặt đăm đăm, đôi mắt cau có, đang cúi đầu suy nghĩ và hình như không để ý gì đến cô.Người thiếu nữ lo ngại nhìn anh, chú ý đến vẻ yên lặng của anh hơn là đến đôi lông mày quá rậm với bộ râu Tây giả dán rất khéo ở trên mép.

Có lẽ cô nghĩ đến những trường hợp kỳ dị vừa rồi, có lẽ cô nghĩ đến câu nói kỳ dị của Lê Phong lúc bảo cô rằng:nhà cô đang có biến lớn.

Việc biến lớn ấy là việc gì?Có phải việc bắt tên đầy tớ mà cô thấy bị trói dưới nhà không?Nếu chỉ có thế thì sao lúc ở ngoài đường Lê Phong lại có cử chỉ hấp tấp đến thế.

Không, hẳn có việc gì khác lạ.Mà theo cô xét thì lúc đó thực không có điêù gì khác xảy ra hết.Cả nhà đều có vẽ yên tĩnh, và vần có thứ tự như thường…Tuy vậy, cái dáng lo âu của Lê Phong hẳn có một duyên cớ quan trọng nào đây?

Tuyết Loan lưỡng lự muốn hỏi Lê Phong một câu, nhưng xem ra hình như anh không biết có ai ở trong này, cho đến lúc cô lại gần anh, kéo ghế mời anh ngồi, Lê Phong cũng không nhúc nhích.Cứ thế cho đến hai, ba phút.

Sau cùng, Lê Phong thở dài.Anh thong thả ngồi xuống, chống khủyu tay lên bàn, rồi như nói một mình:

- Việc nghiêm trọng đến thế thực không ngờ! Một là kẻ gian đã chiếm được thứ của quý mà chúng vẫn tìm, nếu thế thì chúng đã trốn tránh ngay rồi:hai là chúng chưa chiếm được, nếu chưa thì còn có nhiều chuyện lạ, còn nhiều hành động táo tợn của chúng, mà chỉ nội đêm nay thôi.

Tuyết Loan còn đang ngạc nhiên, thì Lê Phong đã quay lại hỏi:

- Cô Tuyết Loan, mời cô ngồi đó và xin trả lời tôi từng điều một, lời khai của cô sẽ giúp tôi nhiều việc có ích lắm.

Rồi, như một dự thẩm ra án, anh trịnh trọng hỏi Tuyết Loan:

- Bác sĩ Trần Thế Đoàn hồi chưa là lưu học sinh, vẫn ở trong buồng học này phải không?

Tuyết Loan đáp:

- Vâng, buồng này anh Đoàn dùng để vừa học vừa làm một công việc riêng.

- Đó là việc gì, xin cứ nói thực ra, vì chỉ riêng cô với bác sĩ biết.Chính bác sĩ Đoàn cũng đã địng đem việc ấy ra nói riêng với tôi, và định hỏi ý kiến tôi nữa, nhưng không ngờ lại xảy ra cái án mạng sáng ngày.

“Cái án mạng ở trường Cao đẳng, trong việc riêng của bác sĩ, bọn hung thủ là những tay ghê gớm, giảo quyệt không thể lường được...Chúng không những là kẻ hại một người thân nhất của cô.CHúng còn định hại cô nữa! Thế thì tôi không nên giấu cô một câu gì...”

Lời nói của Lê Phong rất thành thực giọng nói có một sức xúi giục lạ thường.Tuyết Loan lưỡng lự một lát, rồi tỏ ra vẻ quả quyết.Hình như lúc đó cô căm tức bọn hung thủ hơn là lo sợ cho tính mệnh cô.

Lê Phong xem đồng hồ đeo tay, rồi nhìn thẳng vào mặt thiếu nữ, khuôn mặt trái xoan, trên đó cũng có những nét êm đềm, điều hoà, ít thắm tươi, của một nhan sắc điềm đạm.

Lê Phong lấy sẳn bút giấy để biên chép những điều đáng nhớ, người thiếu nữ se sẽ nói bằng một thứ giọng thấp và buồn:

- Thưa ông, tôi cũng không còn nhẽ nào giấu ông nữa, vì bây giờ thực tôi không còn tâm trí nào tưởng đến cái việc đã hại mất người tôi quý mến nhất đời.Xin ông cho phép tôi kể rành mạch ông nghe, mong rằng do những điều tôi kể ra, ông có thể tìm bắt đưọc những quân gian ác mà anh Đoàn tôi biết là vẫn quanh quất ở bên mình.

- Ông Đoàn biết?

- Vân, vì xem vẻ lo âu của Đoàn sáng ngày nay, trước khi đi dự lễ phát bằng, thấy anh bối rồi đọc một bức thư gửi đế, tôi căn vặn hỏi thì anh chỉ nói: “Em Loan ơi, anh có những kẻ thù, kẻ ghen ghét nó thấy kết quả rực rỡ của anh mà căm tức, có lẽ chúng còn tìm cácg hãm hãi anh nữa...”Trước tôi còn tưởng anh Đoàn nói đến những kẻ tình địch với anh trong việc học, sau mới biết là những bọn gian ác ghê gớm hơn thế.Tôi biết được cũng do bức thư anh vô ý bỏ quên ở nhà.

- Bức thư ấy nói những gì?

- Bức thư nặc danh, trong toàn những lời đe dọa, đại khái nói: “Đoàn phải bỏ việc khảo cứu năm pho sách chữ nho mà anh mua được ba năm về trước, phải bỏ hết các điều dự định, nếu không thì sẽ bị hại”.

- Bức thư đâu?

- Tôi đưa cho ông chánh mật thám mất rồi.Lúc chiều ra sở tôi đã khai hết sự thật.

- Ông T.Phụng có ngỏ ý kiến riêng về việc này không?

- Không. Ông chỉ dặn tôi phải giữ kín đừng nói việc đó ra cho ai và nhất là...NHất là đừng nói với ông?

Lê Phong mĩm cười:

- Hay! Ông T.PHụng thông minh thực. Ông biết thế nào tôi cũng tìm cô để hỏi.Nhưng điều ông không ngờ đến, là việc này, tôi đã biết nhiều sự rất lạ lùng.Vâng, xin cô chú ý nghe tôi nói...Cái cớ chủ động trong vụ ám sát này, chỉ là ở trong năm pho sách chữ nho mà cô vừa cho tôi biết, năm pho sách cổ, cái giá trị về y học có lẽ không có mấy, nhưng đó là một thứ sách quý vô song.Năm pho sách ấy, một hôm tình cờ ông Đoàn mua được của một người Thổ trong một kỳ nghĩ mát ở SaPa cách đây ba năm.Người Thổ này tên là Nùng- Da, nhà nghèo, cả gia tài chỉ có những gươm cổ, sách cổ của một người quan tàu ngaỳ xưa để lại.Câu chuyên lôi thôi lắm, tôi cũng sợ bị sự tình cờ, trong việc đi làm phóng sự miền thượng du nên biết được.Nùng- Da, có thuật qua cho tôi biết về việc bán năm bộ sách cho người ở Hà Nội lên chơi đó và có khoe với tôi rằng bộ sách thuốc hắn không dùng làm gì được, mà người mua lại trả hắn một giá rất cao.Từ hồi ấy, tôi để tâm ngay, tin rằng trong sách hẳn có ẩn những điều bí mật, thí dụ như có những dấu hiệu, hoặc những kiểu, những chữ sắp đặt một cách không khéo, chỉ vẽ cách tìm một kho của chôn giấu trên miền thượng du... “Nhưng điều chú ý của tôi dần dần cũng phai lạt và quên hẳn đi. ĐẾn nay, biết được người có năm bộ sách kia chính là bác sĩ tôi mới lại nhớ ra, thì bác sĩ Đoàn đã bị hại. Đó là những điều quan hệ đến vụ án mạng này, để sau này tôi tìm thấy những pho sách kia, tôi sẽ xem xét cẩn thận hơn...”

Lý Tuyết Loan vội hỏi Lê Phong:

- Nhưng thưa ông sao vừa rồi ông nói rằng ông sẽ tìm ra năm pho sách kia?Năm pho sách vẫn ỏ trong phòng này, vẫn xếp ở ngăn tủ kia...

Vừa nói người thiếu nữ vừa trỏ vào cái tủ sách trước mặt.

Lê Phong quay lại lắc đầu nói:

- Không, mất rồi!

- Mất rồi? Ô hay, có đâu, vẫn dựng kia thôi, ông cứ với tay ra cũng lấy được.

Lê Phong lắc đầu:

- Phải, với tay lấy thì được, nhưng chỉ lấy được năm quyển giấy trắng, năm quyển sách chỉ lấy được năm bộ thực, có cái bìa ngoài! Thưa cô Tuyết Loan, kẻ gian đã có thì giờ đánh tráo của giả lấy của thực.Cái mục đích của chúng chỉ ở năm pho sách đó, chúng định hại cô cũng chỉ cốt thế, nay chúng đã chiếm được là xong của chúng, nếu không, cô đã bị hại từ lúc nãy rồi!

Cô Tuyết Loan chỉ ngạc nhiên khi nghe Lê Phong nói dứt câu.Cô chạy đến ngăn sách lấy những cuốn sách chữ nho cũ xuống xem, thì quả như lời đoán của Lê Phong;trong sách chỉ toàn giấy trắng.

Nhưng Lê Phong mỗi lúc một thêm kinh ngạc, vì ngoài sự thản nhiên bình tỉnh, cô Lý Tuyết Loan không tỏ ra vẻ phàn nàn hay tiếc những của quý đã mất.Cô thản nhiên đặt những pho sách xuống, rồi lẳng lặng nhìn Lê Phong.

Một lát cô mới nói:

- Thưa ông, năm bộ sách của anh Đoàn vẫn còn ở nhà.

Lê Phong càng ngạc nhiên:

- Sao?Cô bảo sao?Vẫn còn ở nhà?

- Vâng.

- Thế ra chúng chưa lấy năm bộ để ở ngoài tủ này sao?

- Chúng lấy rồi!

- Lấy rồi?

- Vâng.Nhưng không phải là những bộ sách đáng cho ông lo ngại đến.

- Tôi không hiểu, xin cô nói rõ.

- Những bộ sách chúng lấy mất cũng là những bộ sách giả.Tuy bề ngoài và cả chữ trong sách nữa, đều giống in như năm bộ “sách thực” mà anh Đoàn mua được, nhưng trong sách chỉ khác đôi chút, là những điểm câu, những nét thừa là những dấu hiệu bí mật mà anh Đoàn và tôi đã tìm ra...

- Cả cô cũng tìm ra.

- Vâng.Chúng tôi đã dụng công tìm xét trong hai năm nay.

- Mà kết quả...

- Kết quả phi thường! Đem ghép những chữ rải rác trong các trang của năm pho sách lại chúng tạo thành một bản di chúc dặn chỗ tìm đến một kho vàng bạc, châu báu của người Tàu...Một kho của quý vô cùng...

- Những pho sách ấy ở đâu?

Lý Tuyết Loan đáp:

- Ở trước mặt ông.

- Trước mặt tôi.

- Vâng.

Lê Phong chỉ thấy những số báo để ngổn ngang bề bộn trên bàn giấy. Đó là những tờ báo quốc ngữ hoặc chữ Pháp xuất bản ở Hà Nội nhưng anh chú ý thấy ngày xuất bản đã xa hẳn, trong đó có cả một tờ đình bản đã trên một năm.

- Thưa ông (lời Tuyết Loan)cả năm pho sách chúng tôi phải tháo ra đế giấu như thế mới không lo mất. Đó là mưu kế của anh Đoàn.Vì anh vẫn bảo tôi rằng những của này không phải chỉ mình chúng tôi để tâm đến mà thôi...

“...Ngoài chúng tôi ra, còn có kẻ muốn chiếm đoạt lấy cho bằng được...Còn mưu đóng năm bộ sách giả, bìa, giấy, chữ giống in năm pho sách chính, cũng là công nghiệp của anh Đoàn.Không ngờ cái mưu ấy chỉ giữ sách lại, còn chính tính mệnh mình thì...”

Người thiếu nữ cố nén sự cảm động, quay mặt nhìn đi chỗ khác.

Lê Phong chợt lo sợ đứng phắt dậy:

- Cô Tuyết Loan! Cô Tuyết Loan!

Tuyết Loan nhìn Lê Phong ra ý hỏi...

Lê Phong lo âu đáp:

- Nếu thế thì tính mệnh cô không được yên hẳn.Phải, tôi thấy rõ rồi, tôi thấy rõ cái nguy hại sắp tới.Bọn gian đồ thế nào cũng biết chúng bị lừa, thế nào cũng hiểu rằng những pho sách thực hiện còn trong tay cô...Vậy thì chúng cũng chưa chịu bỏ.

Rồi lấy mũ đội, anh giục tôi xuống nhà dưới, vừa xuống vừa lẩm bẩm:

- Cái dây tôi đã tìm gỡ ra gần hết.Phải, nội đêm nay, nội đêm nay thôi.

Anh gọi em của Tuyết Loan:

- Ông Phương, ông nghe tôi dặn đây, cả cô Tuyết Loan cũng nghe tôi:các cửa ngõ, các lối ra vào nhà này ông phải tự tay đi đóng kín cả lại! Rồi ngồi yên trong nhà đợi cho tới lúc tôi về.Ngoài tôi ra, nhất thiết không được cho ai vào, ai cũng không được vào, ông nghe chưa?

- Vâng.

- Được rồi.Bây giờ tôi có việc quan trọng phải đi ngay.Lúc về tôi sẽ có hiệu riêng.

Lê Phong ghé tai hạ thấp tiếng như nói thầm chỉ để hai người nghe thấy rồi lại tiếp:

- Ông với cô Tuyết Loan nhớ lấy nhé.

- Vâng.

- Nếu tôi đoán không lầm, chỉ nội đêm nay thôi.

Rồi quay ra, chạy ra đường, nhảy lên cái xe của thằng Biên vẫn chờ, kéo đến hàng Bườm, nhưng lúc đến quá chợ Hôm, thì anh nên gót giày xuống sàn xe bảo đứng lại, anh nhảy xuống bảo:

- Thôi, để tao gọi xe khác, chốc nữa mày đến tiệm thuốc phiện Mã Mây đón tao...Phải theo đúng những lời tao dặn ở nhà, nghe không?Chỉ một đêm nay thôi.

“Nội đêm nay, một là cả tao lẫn cô Tuyết Loan bị giết ngay, hai là...Cả bọn hung thủ đều bị bắt”.

Chương 14

trá hình

Đến phố hàng Buồm, Lê Phong xuống xe vào một hiệu cao lâu lớn.

Anh lên thẳng trên gác, mũ chụp thấp, cổ áo đi mưa bẻ cao, cái "phu la" quấn che hẳn nửa mặt dưới, nên người hầu sáng chạy đến chả biết anh là Tây hay Việt Nam.

Lê Phong bước vào một căn buồng ăn nhỏ, thứ buồng riêng, kín đáo, đứng thành hàng ở hai bên lối đi, anh dặn:

-Trứng lập là, bít tết, rau, rồi cà phê. Vội lắm, trong mười phút có xong được không?

- Được.Nhưng trứng làm mấy quả?

- Sáu quả, mau lên...

Người hầu sáng đi rồi, anh đến ngay trước cái gương to treo phía tường trong, bỏ mũ, bỏ "phu la" rút đôi lông mày với bộ râu tây giả, nhả hai miếng bông gòn, anh nhét vào mồm trước để độn cho đầy hai má, lấy ra bộ ria khác thay, ngắn và đen hơn, dán lên hai bên mép đoạn lim dim mắt đeo thêm đôi kính trắng thu cả những thứ vừa nhả ra nhét gọn vào hai túi cùng với chiếc mũ dạ ướt. Rồi sau cùng, Lê Phong cởi cái áo đi mưa.

Bằng ấy công việc chỉ trong ba, bốn phút là xong. Ngắm lại trong gương thì anh đã thành một người khác hẳn. Mặt xương xương, da mái mái, đôi mắt hấp háy như người cận thị, lại thêm cái áo phủ (trench coal) màu tro nhạt mặc trong cái áo đi mưa lúc nãy, anh gật gù nghĩ bụng:

- Thế này thì đến thánh cũng không nhận được Lê Phong,vì ta cần phải ẩn hình, để cho thành rối mắt, bọn quỷ quyệt kia không thể nhận ra được...

Lúc người hầu sáng bưng đồ ăn bước vào thì thấy anh đương hí hoáy viết lên cuốn sổ con, hắn ta hơi ngạc nhiên nhưng lẳng lặng đặt đĩa trứng với đĩa thịt lên bàn, rồi ra. Lê Phong gọi lại:

- Này, cho anh hai hào: nhưng anh phải giúp tôi việc này.

-Anh có thể ra phố mấy phút được không?

- Được.

- Anh cầm hộ tôi mảnh giấy này đến phố hàng Bún, đến số nhà 45 bis, nhà rất lớn, có cái biển đề hai chữ  « Thời Thế »... Anh biết quốc ngữ chứ?

- Biết.

- Anh bấm chuông rồi đưa giấy này cho người cầm vào.Tiền xe đây.

Mảnh giấy của Lê Phong là bức thư viết bằng thứ tiếng riêng, chỉ có một người trong nhà báo hiểu. Ngời đó là Văn Bình.

Văn Bình đọc xong lời dặn của Lê Phong, lập tức bảo người đánh xe hơi, còn mình thì chạy sang "Studio" phòng ảnh, gọi:

- Anh L, xuống nhà in bảo một số thợ in phải đến đây từ năm giờ sáng mai để làm việc. Mai báo ra sớm, anh Minh ở lại buồng ảnh, anh Lạc không được rời téléphone, anh Ban, anh sang với tôi ở luôn đây, sắp máy ảnh, đèn magnésium, đợi lát nữa đi lấy tin cần.

- Ở đâu?

- Chưa nhất định. Nhưng tin đặc biệt! Ta sẽ chụp được cả những hình ảnh đặc biệt...

-...Đêm nay Lê Phong có cách bắt được bọn giết bác sĩ Đoàn. À quên? Một anh bảo xếp ngay mấy hàng này ở khuôn đầu: "Vụ án mạng hôm qua. Cuộc săn bắt hung thủ, chữ Capitales 86 chạy dài cả trang báo.

Lúc đó “Thời Thể” hoạt động một cách vui vẻ sung sướng.Khắp cả phòng tòa soạn, những tay trợ bút lanh lợi đương chăm chỉ tường thuật những công việc kỳ dị mà nhà phóng viên trẻ tuổi đã làm khoảng từ chín giờ sáng đến bây giờ, một cử chỉ của Lê Phong, một lời dự đoán của Lê Phong, hoặc một mưu cơ nào của anh trong lúc điều tra vụ này, anh đều có một cách riêng truyền tin cho nhà báo biết tức khắc.

Cắt đặt xong đâu đó, Văn Bình bảo mấy người phóng viên chụp ảnh cứ ở tòa soạn đợi, rồi xuống xe hơi đi liền. Lúc tới hiệu cao lâu hàng Buồm, Văn Bình chạy lên buồng trên gác thì tên hầu sáng bảo Lê Phong đã xuống dưới nhà và đang đợi mình trong lúc uống cà phê.

Văn Bình xuống nhà, đưa mắt nhìn các bàn, nhưng không thấy Lê Phong đâu hết. Anh nghi hoặc, đến một bàn gần cửa là chỗ khách ăn vắng nhất, ngồi xem xét lại lần nữa, nhng vẫn không thấy Lê Phong.

Trong đám khách đang kẻ ăn, người uống. Văn Bình thấy một người thiếu niên hao hao giống Lê Phong, đã toan đi lại gần xem, nhân thể tìm kỹ một lượt. Bỗng có tiếng thìa gõ vào chén từng năm tiếng một, khiến Văn Bình quay nhìn sang cái bàn kế gần đấy, một người mặc áo tăng- cốt màu tro, ria mép đen, kính trắng gọng đồi mồi, đầu đội mũ Mossant mềm, đang hút thuốc lá trước chén cà phê uống cạn.

Tay người ấy vẫn gõ nhịp năm lên cạnh chén rồi gõ nhịp ba, rồi nhịp ba xen với nhịp năm.

Văn Bình lẩm bẩm:

- Thôi đích rồi?

Và lại gần người kia, nhng người kia vẫn thản nhiên trông khói bay, Văn Bình do dự một lát, rồi bật cười gọi:

- Lê Phong?

Thì người kia quắc mắt nhìn anh một cách lạ thường,nhng vẫn không nói gì, vẫn ngồi yên. Văn Bình phải dằn lòng về chỗ cũ ngồi đợi. Tuy người ấy có vẻ lơ đãng và tuy đôi mắt lim dim hấp háy kia như không chú ý đến vật gì hết, nhưng Văn Bình cũng biết rằng hắn ta không bỏ sót một cử chỉ nào của những khách ngồi trong hàng.

Lúc một người trẻ tuổi đứng lên ra ngoài, người đeo kính trắng mới đứng lên, nhưng không ra theo. Hắn đến gần, sẽ vỗ lên vai Văn Bình và nói:

-Văn Bình?

Văn Bình vui vẻ quay lại cười và khen:

-Ồ! Lê Phong! Anh trá hình thực là...

Nhưng Lê Phong vội ngắt lời, giọng nói hơi xẵng:

-Anh thực là vô ý tứ.

Văn Bình hỏi:

- Sao?

-Anh làm như đây là cái buồng kín không bằng.Tại làm sao tôi phải cải dạng chứ?Thế mà anh chực đọc tên tôi ra cho chúng nó ngờ!

-Chúng nó? Ai?

- Cái thằng vừa qua đây!

-Sao? Nó là người thế nào?

- Tay chúa trùm trong vụ án mạng!

Rồi thấp tiếng xuống anh nói tiếp:

-Phải! Tay thủ phạm chính! Một mình nó gây ra các việc đấy anh nghe chưa? Trông người lịch sự đẹp trai lại có vẻ học thức lắm, thông minh lắm. Nhng lai lịch của nó tôi biết cả rồi.Anh về, mở tủ "tài liệu” của tôi ở tòa soạn ra mà lục xem, ngăn chữ D, tập số XII, chính nó đấy.

- Ồ? Thế ra nó đi Tây về?

- Ừ? Một du học sinh. Nhưng du học sinh có nhiều hạng!Bây giờ thì nó khó thoát tay tôi lắm... Tôi biết nó sẽ đi đâu, sẽ làm gì đêm nay. Ồ! Mà nó giỏi không biết ngần nào! Một tay đại bợm tối tân, làm việc có óc khoa học...

- Thế sao anh không bắt ngay lấy?

- Vô ích. Không có bằng cớ. Bây giờ hơi cử động khác là nó biến ngay, mà dẫu có bắt ngay được, nó cũng sẽ là người vô tội trước pháp luật. Nó với con Mai Hương là một cặp xảo trá ghê gớm, nhưng nó ghê gớm hơn, vì con Mai Hương tôi còn thấy được vài lần, còn để cho biết hành động nhiều lần: thằng này thì... đến bây giờ tôi mới trông thấy lần thứ nhất.

Lê Phong cau mày, mắt tư lự sau hai mắt kính.

- Duy có điều này tôi chưa thấy rõ được là con ấy với thằng ấy, hai đứa có liên lạc gì với nhau...

- Chúng nó cũng là quân gian đồ cả, chứ gì.

- Đã đành, nhng tôi vẫn thấy còn nhiều điều bí ẩn; còn những việc quái lạ; việc giao tiếp của tôi vẫn có vẻ thụ động...vẫn như dựa theo vào trường hợp, dựa theo một cách mơ hố vào các trường hợp.

Lê Phong thở dài, nhìn đồng hồ:

- Các việc lạ, các việc quan trọng dần dần kế tiếp nhau nhanh chóng quá; những mưu cơ của tôi cũng phải theo nó mà sắp đặt nên không thể hoàn hảo được cho tôi vừa lòng...

Cho nên đến đêm nay, chỉ trong nội đêm nay, đáng lẽ tôi phải tin chắc chắn rằng sẽ bắt đợc hung thủ như mọi lần khác, thì tôi lại ngờ vực; lại phải nói bướng, lại không biết rằng kẻ vào tròng là bọn kia hay chính là tôi...

Mắt anh trông xuống, luôn luôn nhìn cái đồng hồ đeo tay,lời nói buồn rầu, vì là những lời thú thực sự thất bại của anh.

Lần đầu tiên Văn Bình thấy vẻ chán nản trên mặt Lê Phong và thấy người con trai ấy không tự tin ở sức mình.

- Trời ơi? Trời ơi! (Lê Phong nghiến răng lại nói) Trời ơi!Thì giờ sao đi chậm lạ thường thế này...

Rồi Lê Phong lẩm bẩm như nói một mình, Văn Bình không nghe rõ câu nào, chợt hỏi:

- Bây giờ mấy giờ?.

- Mười giờ hơn.

- Anh quên cơm chiều?

- Quên. Nhưng vừa nghĩ ra. Phải ăn mới có đủ sức để mà bắt hùm, hay để... hùm bắt.

Mặt Lê Phong lại tươi cười và mất hết những nét buồn bực căm giận lúc trước. Anh vừa lấy thuốc lá mời bạn vừa nói:

- Phải. Nguy hiểm lắm, Văn Bình ạ... Chốc nữa tôi sẽ lén vào sào huyệt của chúng đây... Tôi sẽ thấy được đông đủ các mặt gian ác... Mà chỉ một mình tôi xông pha mới không hỏng việc và có làm sao chỉ một mình tôi chịu thôi... Nhng không hề gì. Tôi quyết rằng phần thắng sẽ về ta, phải không. Tôi đã sắp đặt mọi việc rồi, cái bẫy cái lưới của tôi đã đặt rồi... Tuy không được hoàn hảo nhưng cũng không đến nỗi tồi lắm.

Lê Phong gõ điếu thuốc lá xuống bàn, mắt lơ đãng nhìn đi,miệng mím lại nửa như cười, nửa như nhăn:

- Mai Hương, ừ, Mai Hương là người thế nào, sao tôi vẫn chưa phân biệt được rõ rệt hành vi của con quái ác này? Tại sao? Bao nhiêu việc, bao nhiêu người trong tấn kịch này đều lạ lùng, đều khác mọi lúc thường... cho cả đến tôi nữa.

- Tôi có giúp được anh việc gì bây giờ không?

Lê Phong không trả lời, điếu thuốc đã ngậm lên miệng nhưng chưa châm.

Một lát anh mới se sẽ hỏi:

- Anh đã làm đủ các điều tôi dặn rồi chứ?

-Rồi.

-Anh cũng nhớ cái kế hoạch tôi tính rồi.

- Nhớ.

-Được.Thế là đủ lắm...

- Tôi còn phải làm những gì khác nữa?

- Chốc nữa về tòa báo, không cần nói trước những việc chưa xảy đến nhé?

- Thế nghĩa là...

- Nghĩa là việc này quan trọng không thể nói chắc trước được.

- Tuy thế, tôi vẫn tin tài của anh.

- Cám ơn... Nhng tôi lần này không dám nói quyết một điều gì bởi vì...

Lê Phong đánh diêm, đưa lửa lên châm thuốc, nhng anh không hút vội, cái diêm cháy gần hết, đầu thuốc lá đã đen xám,mà Lê Phong vẫn ngậm im bên khóe mép, mắt liếc ra phía cửa,không nói, không nhúc nhích...

- Lê Phong, gì thế, anh?

Lê Phong vội giữ tay Văn Bình lại; buông luôn que diêm xuống, mắt không rời phía cửa, hỏi rất khẽ:

- Ô- tô anh đỗ đâu?

- Bên kia đường, kế đây là nhà...

- Thế ư?ôi quên không dặn anh đỗ xa hơn...

- Sao?

-Không. Im.

Mặt Lê Phong vẫn nhìn mãi ra đờng, rồi bỗng nói rất nhanh:

- Anh ra ngay? Lên mô- tô ngay; mau lên, đứng để cho nó nghi có tôi ở đây! Đi!

-Nhưng

- Nhưng gì nữa. Đi mau lên, "nó" nhận ra ô- tô rồi! Đi đi!

Rồi Lê Phong ngồi xuống bên bàn, điềm nhiên ăn. Trong lúc đó thì Văn Bình kinh ngạc bước ra và thấy bóng một người thiếu nữ thong thả bước vào cửa hiệu.

- Con hổ cái (Lê Phong vừa nhai bánh vừa lẩm bẩm), con hổ cái giỏi thực? Nếu ta không muốn bắt mày ngay trong tổ thì bây giờ mày còn chạy lối nào...

Mai Hương (vì người thiếu nữ ấy chính là Mai Hương) lững thững bước vào đưa cặp mắt đen láy nhìn mọi người và hình như không biết có Lê Phong ngồi đó.

Cô ta đứng lại một lát rồi đi thẳng lên phía gác, lúc qua ghế Lê Phong ngồi, cô ta đứng lại toan quay gót, rồi không biết ngẫm nghĩ thế nào, ngồi xuống bên cái bàn Lê Phong ngồi lúc nãy nghĩa là ở ngay bên cạnh bàn Lê Phong hiện đang ngồi.

Anh phải lấy hết nghị lực mới ép mình không nhảy lên để nắm lấy cô ta: trống ngực anh đập rất dữ.

Lê Phong ngả người trên ghế, khuỷu tay chống xuống bàn và tay kề lên má để che một phía mặt, cổ bành ra mồm hơi né,để cái môi dưới trề xuống và đôi mắt cố làm cho ra vẻ cận thị hơn lên.

Anh có cái cảm giác như Mai Hương nghe thấy trống ngực mình, rồi như đoán biết được cái bác trưởng giả ngô nghê kia là chính mình, chính Lê Phong.

Lê Phong nghĩ bụng thế, nhưng vẫn ngồi đó xem Mai Hương sẽ giở trò trống gì. Sau thấy người thiếu nữ nhìn ngang và trông rõ mặt anh mà vẻ mặt bình thường, anh mới dám tin rằng nó vẫn chưa nhận ra được.

Bây giờ Lê Phong mới chậm chạp đứng dậy, thong thả bước ra bàn tính tiến trả tiền, vừa thong thả bước lên một cái xe vừa hất tay xua đuổi lũ ăn mày đứng chực ở cửa. Nhưng xe vừa chạy được mươi bước về phía đường Phúc Kiến, anh đã đòi xuống, trả vội mấy xu rồi trở gót đi ngược lên...

Anh đứng len vào một hàng tạp hóa nhỏ kế cửa hiệu cao lâu như người ẩn mưa, vì trời vẫn mưa nặng hạt, vừa giơ tay xem lại giờ, thì đã thấy Mai Hương, mình mặc áo tơi cao su màu sẫm, bước ra đi về phía Mã Mây.

Lê Phong đi theo liền, nhng có ý để người thiếu nữ cách mình hai chục bước.

Người thiếu nữ đi nhanh, nhưng anh cũng không mất hút.

Qua một tiệm nhảy, cô ta ghé vào đó chừng ba, bốn phút, lúc trở ra mang một bọc vuông to ở một tay:

- Năm bộ sách của bác sĩ Đoàn! Nhng sao nó lại giữ ở đây.Được rồi ta sẽ biết.

Ngời thiếu nữ lại đi trước, và anh ta lại vừa ẩn vừa theo sau.

Đến một căn nhà cửa mở hé, Mai Hơng lại rẽ vào. Lê Phong mỗi lúc một lấy làm lạ thêm, nhng anh vẫn yên lặng đứng rình gần đấy và để ý nhớ số nhà vừa rồi. Lần này cũng như lần trước, ngời thiếu nữ không ở lâu, lúc cô ta bước ra,bao giờ cũng trông trước trông sau nhưng tất nhiên Lê Phong không để cho cô ta biết anh vẫn theo đuổi.

Qua phố hàng Buồm đến phố Mã Mây, qua một tiệm nhảy thưa người, qua một vài tiệm hút ở cách nhau không xa. Rồi đến một cái cổng lớn ở một đoạn đường vắng tanh và om tối.

Người thiếu nữ đứng lại trước cổng, nhìn quanh quất và nghe ngóng đến hơn một phút rồi mới thoăn thoắt bước vào.

Lê Phong cười gằn sau một cái cây to:

- Hổ cái vào hang!

Và đứng rốn lại để dán lại bộ ria mép.

Anh vừa dè giữ bước lại phía cổng được mấy bước, bỗng nhảy lùi lại đứng nấp ở chỗ cũ: sau hàng rào sắt, anh thoáng thấy một bóng đen ở trong nhà đi ra. Cái bóng đen ấy là Mai Hương. Lê Phong cố nép mình sau cái cây, vì thấy cô ta bước về phía mình, nhưng còn cách xa. Mai Hương đã gọi xe nhảy lên.

Lê Phong nghe có tiếng bảo phu xe:

- Hàng Điếu.

Anh phải chạy đến bốn chục thước mới gặp được cái xe nữa, vừa lên anh đã giục chạy và mắt không rời cái xe bọn kia trước mặt. Lê Phong nghĩ thầm:

- Quái lạ! Lần này sao nó cũng lại ra, mà lúc ra mình không thấy mang cái gói xách kia... có lẽ nó đã để cả ở trong tiệm cho bọn đồng đảng... Được lắm. Ta không thể để cô em trốn thoát được nữa. Cái lưới của Lê Phong đầy mắt lắm, bền chặt lắm... Ta đã thất bại nhiều lần vì tay cô em thực... Nhưng,nhưng lần này...

Đến phố hàng Điếu.

Lê Phong vội bảo xe đứng lại, dặn phu xe lững thững đi bước một làm như kéo xe không. Trên kia, người thiếu nữ vừa xuống xe và chạy tọt vào một căn nhà đèn thắp sáng trưng:

- Lại một tiệm nhảy nữa? Quái, nó vào làm gì đấy!

Đợi đến năm phút chưa thấy người thiếu nữ ra, anh đã sinh nghi, rồi mỗi lúc một thêm sốt ruột.

Lê Phong liền bảo xe dừng lại, bước xuống trả tiền, rồi không dự bị, chạy sấn vào.

Trong tiệm, từng cặp trai gái đang nhảy theo điệu "fox”nhịp nhàng. Lúc thấy người thiếu nữ đang ngồi ở phía trong,anh liền sấn lại gần, nhất định lần này sẽ không để lỡ cơ hội.

Bỗng nhiên Lê Phong đứng sững lại kinh ngạc, người thiếu nữ vừa ngẩng lên, Lê Phong hai mắt trợn trừng, chỉ kêu lên được một tiếng "Ồ" trong đó như chứa chất không biết bao nhiêu sự tức giận.

-Thôi ta đã bị nó lừa rồi!

Nói đoạn, Lê Phong hầm hầm chạy đến trước mặt người thiếu nữ lúc ấy giương đôi mắt mệt nhọc nhìn anh.

Cô ta chả hiểu ra sao, thì anh đã hỏi:

- Cô ở tiệm hút Mã Mây về phải không?

Người thiếu nữ đáp:

- Phải. Thế sao?

- Cô gặp một người con gái ở đó?

- Phải...

- Người ấy quen cô?

- Không.

Lê Phong quắc mắt nhìn:

- Không quen! Không quen sao cô lại đánh tháo cho nó?

-Ô hay! Ông này hỏi mới lạ! Tôi đánh tháo cho ai mới được chứ.

- Cho Mai Hương? Con Mai Hương không trút cái áo đi mưa này để cô mặc là gì? Cô có nhận là đã giúp Mai Hương trốn thoát tay tôi không?

-Ồ! Mai Hương nào!

Lê Phong tức lắm, bộ điệu hung hăng như người sắp làm dữ, khiến cho mấy cặp đang nhảy phải bỏ dở bài khiêu vũ dồn đến vây chung quanh cô.

Họ chắc sẽ xảy ra một chuyện kịch liệt nh họ thường gặp ở đây.

Người thiếu nữ cũng ra ý bực dọc. Bộ mặt gầy gò, đầy những phấn, của một thứ nhan sắc tàn héo, có một vẻ lờ đờ chán nản, tỏ ra cô ta là một hạng người nghiện hút và sống trong những thú vui hại người.

Lê Phong toan kéo cô ta đứng dậy và chực sừng sộ hỏi nữa,thì một người đàn ông trẻ tuổi, chững chạc trong bộ áo smoking tiến đến và hỏi anh bằng một câu tiếng Tây:

-Vous désirez? Monsieur, (ngài muốn hỏi gì?)

- Tôi muốn hỏi cô này một việc cần. Cô này vừa ở tiệm hút Mã Mây ra và đã làm tôi lầm với một người tôi đang theo bắt.

Lê Phong chợt nghĩ ra một ý và chợt hiểu rằng cử chỉ mình hơi đường đột, nên dịu lời hỏi ngời con gái:

- Tôi cần phải hỏi cô để tránh cho cô một việc lôi thôi với sở mật thám. Vậy cô nên nói rõ cho tôi biết Mai Hương, người con gái lúc nãy, có thực quen với cô không?

Nghe đến hai tiếng "mật thám", ngời con gái có vẻ hơi lo,thấy Lê Phong nhắc lại câu hỏi vừa rồi, nên vội vàng đáp:

-Không? Tôi không quen. Lúc nãy, ở tiệm Mã Mây bước xuống thì gặp một người đi vào trong sân. Chỗ ấy tối, tôi không nhận được là ai.

- Đàn ông hay đàn bà?

- Đàn bà. Con gái thì đúng hơn. Cô ta thấy tôi, lên tiếng hỏi: "Tuyết đấy phải không"' Tôi bảo: "Không, Nga đây."

- À! Nga đấy à? Đi đâu?" Tôi nói là đến đây thì cô ta mừng rỡ, bảo: "Chị đến bar cho em gửi áo này nhé, chốc nữa tình nhân của em nó có lại thì chị đua nó mang về nhà cho em.Ngoài ấy mưa, cho chị mượn mặc nhân thể". Tôi tưởng cô ta cũng là người quen, nên hỏi tình nhân cô ta là ai, thì cô ta đáp:

"Một người đeo kính trắng, mặc áo tăng cốt, râu mép lún phún,và tên là Lê Phong?

- Là Lê Phong!

Lê Phong giật mình nhắc lại câu đó, và trong lúc mọi người lấy làm lạ nhìn anh, thì anh chỉ lẩm bẩm nói:

- Ồ! Con giặc cái! Con giặc cái! Nó đáo để thực? Thật ra nó biết mình thế nào cũng mắc mưu...

Rồi không nói gì thêm: anh tức khắc chạy ra, lên xe, giục xe chạy mau về Mã Mây, và lẩm bẩm luôn mồm:

- Con bé tinh quái đến thế là cùng! Ồ! Thế ra trong lúc nó lừa cho ta đuổi một người vu vơ, thì nó có đủ thì giờ báo cho đồng đảng nó biết... Và lại cười ta nữa! Cười ta là thằng ngốc. Ồ! Lê Phong! Mi thực là...

Anh tìm hết các tiếng không hay để tự mắng. Đến phố Mã Mây anh bảo xe ngừng, rồi xuống cắm đầu chạy như thằng điên về phía tiệm thuốc phiện.

Chương 15

mắc bẩy

Gần đến cái cổng mà nửa giờ trước Lê Phong đứng, anh đi chậm lại. Mưa vẫn rơi dưới bầu trời tối, dòng nước trắng bay vắt chung quanh anh, ánh vào một ngọn đèn điện bên đường.

Mười một giờ điểm ở đồng hồ một nhà gần đó. Phố vắng tanh, không một bóng người nào qua lại. Trong lòng Lê Phong thấy hồi hộp, cái thứ cảm giác nồng nàn của tâm hồn khi người ta sắp thấy một việc quan trọng, sắp vào một nơi đầy gian nguy.

Anh đứng sau gốc cây to ở đường bên này, nhìn sang cái cổng lớn, cửa sắt hé mở, đang yên lặng trong bóng tối và dưới mưa âm thầm... Sau cổng, một cái cửa đóng, bên trong không có một tia sáng. Trên gác, các cửa sổ cũng đóng, và hình như cũng không thắp đèn.

Lê Phong đứng một hồi lâu, không chờ đợi gì, vì anh biết rằng sẽ không gặp một người nào trong những giây phút sắp tới.

Lúc ấy, anh thấy anh oai vệ và quan trọng như người mang cái trách nhiệm lớn và sắp sửa hành động những việc phi thường.

Alth nhân tính lại cái mưu cơ anh sắp đặt tuy vội, nhưng cũng khá chu đáo. Lê Phong tự nghĩ:

- Cái bẫy cạm đều sẵn sàng cả, bốn mặt lưới vây, chỉ đợi hiệu lệnh của ta là dồn lại mà chụp lấy cả bọn, Mai Hương dọn tinh khôn đến mấy cũng khó lòng thoát khỏi tay ta.

Anh đưa mắt, lắng tai nghe ngóng một lát nữa rồi xem đông hồ:

- 11 giờ 10. Được lắm! Muốn bắt hùm phải vào tận hang hùm. Ta vào một nơi chưa để gót tới bao giờ, nhưng sự nguy hiểm càng to, ta càng được thấy cái thú của sự chiến đấu...

Nhẹ nhàng, Lê Phong, đẩy cổng bước vào. Qua một cái sân hẹp, anh đến trước cửa. Cửa chỉ khép, đa đầu vào, anh thấy một lối đi bên tường dẫn tới cái sân rộng và ớt, lấp lánh dưới một ngọn đèn mờ. Bên trái lối đi là những căn buồng bóng ván lên tới trần, kín mít và tối om. Lắng tai nghe không thấy gì bên trong, hình như một nơi bỏ không, không bao giờ có người ở. Lê Phong xem xét kỹ lưỡng biết rằng cửa buồng nào cũng khóa,anh mới bước thẳng vào sân trong, một cái cầu thang bằng gạch, áp tường sân trong là lối lên gác trên. Anh trông trước trông sau không thấy gì khả nghi nên thản nhiên lên, định bụng rằng nếu trong tiệm không ai chú ý đến anh và nếu người ta tưởng anh cũng như mọi người đến hút ở đây, thì anh để ý dò xét thêm, cho cẩn thận, bằng nếu gặp điều gì khác, thì một

tiếng còi thổi, anh sẽ có người đến trợ lực, và lúc đó, mười phần chắc tám, anh sẽ bắt được bọn gian.

Trên gác, cũng như dưới nhà, cũng có nhưng buồng ván liên tiếp nhau. Buồng nào cũng có một tấm màn vải dầy kéo che kín. Lê Phong đứng ở bậc cửa một lát thì có người chạy ra như đợi anh sai bảo. Người đó là tên bồi tiêm của nhà này.

- Còn buồng nào không, (Lời Lê Phong hỏi).

- Thưa ngài còn nhiều. Ngài cần buồng nào?

Lê Phong lẳng lặng nhìn tên bồi ra ý lưỡng lự, rối thấp tiếng nói:

- Buồng nào cũng được... cần nhất phải để tôi một mình tôi tiêm lấy.

- Ngài xơi bao nhiêu?

Lê Phong bắt chước điệu bộ một người khách quen, không nói, chỉ giơ hai ngón tay lên, rối thong thả bước vào.

Những hơi thuốc phiện nồng nặc đưa ra, trong cái không khí nặng nề và ấm áp.

Lê Phong thấy khó chịu, huyết mạch như lợm tởm, nhưng ngoài mặt vẫn cố giữ vẻ tự nhiên. Đến trước một buồng có tiếng xì xào nói chuyện anh đứng lại, ghé nhòm vào chỗ màn mở hé...

Lê Phong cắn lấy môi để nén sự cảm động. Tuy anh vẫn đến những cảnh tượng ấy nhưng anh không khỏi thấy hồi hộp một cách dị thường.

Trong buồng, quanh ngọn dèn dầu lạc, ba người ngả nghiêng nằm. Trong số đó, anh nhận rõ hai người lạ mặt gặp ở trường Cao đẳng với người trẻ tuổi anh mới thấy ở hiệu cao lâu hàng Buồm.

Anh nghĩ bụng:

- Quái, thế con Mai Hương đâu? Sao bây giờ chưa có ở đây?

Rồi lại lẳng lặng cúi nhìn nữa.

Mặt người nào cũng có vẻ trầm ngâm, tư lự song không ra ý nghi ngờ gì.

Anh liền rón rén đi vào gian buồng áp bên, thì người bồi cũng vừa đem thuốc phiện tới.

- Ngài cần dùng đến điếu?

Lê Phong nằm ngả lên chiếc giường thấp lắc đầu nói khẽ:

- Không, mặc tôi, anh cứ để cả đấy.

Lúc ngọn đèn dầu lạc đã thắp, và lúc tên bồi đã ra khỏi, Lê Phong liền đứng thẳng dậy, đến áp tai vào ván gỗ nghe xem bọn bên kia nói những gì.

Trong tiếng tẩu vo vo, Lê Phong chỉ phân biệt được những lời nói rất nhỏ của người trẻ tuổi, và thỉnh thoảng thấy tiếng ầm ừ của hai người đàn ông.

Bỗng anh nín hơi. Tiếng sột soạt quần áo cho anh đoán rằng một người đang trở dậy. Mấy tiếng khạc nhổ, mấy tiếng tiêm móc chạm nhau. Rồi lại im. Một lát, tiếng vo vo lại đều đều kéo.

Hết sức cẩn thận nhẹ nhàng, Lê Phong đứng lên ra ngoài, qua trước buồng của bọn kia, lần sang cái buồng thứ ba ở phía tay phải. Chỗ đó tối mù mịt, anh phải đưa tay rờ mãi mới gặp được cái giường kê áp tường trong. Lê Phong ngồi xuống, gõ một ngón tay xuống sàn gác, gõ rất nhẹ. Từng ba tiếng gõ nhịp ba cũng chậm và cũng nhỏ như thế đáp lại. Anh liền hỏi, như người nói thầm:

- Biên vẫn ở đây?

- Vâng.

-Có đứa nào khác nữa không?

- Không.

- Lại gần đây.

- Con vẫn ở bên cậu.

- Đâu?

-Dưới gầm giờng.

- Thế nào, mày đã làm cẩn thận các điều tao dặn chứ.

-Cẩn thận.

- Mày dặn họ hễ nghe tiếng còi thì ồ cả vào tức khắc đấy chứ?

- Vâng, cậu nói khẽ chứ

- Chúng nó nghe được sao?

- Được

- Mày cũng đã dặn kỹ họ phải nhận là người của sở mật thám đấy chứ?

-Vâng. Mà họ đóng vai ấy khéo lắm, cậu không lo.

- Càng hay. Chốc nữa ô- tô của ông Văn Bình phải đón ta ở đây.Ta sẽ đưa cả mấy tên hung thủ trao cho sở mật thám.

- Nhưng sao cậu không báo ngay mật thám?

- Vì một lẽ riêng, nhng này Biên, chúng nó bên kia hình như rục rịch sắp đi.

- Vâng. Chúng định đến nhà cô Loan bắt cô ngay bây giờ...

-Vậy ta còn đợi gì? Thôi ra đi, Biên... Biên... Biên? Kìa sao tao gọi không thưa...

- Dạ.

- Sao để tao gọi mãi?

- Con... con... con... còn...

Lê Phong hơi lấy làm lạ vì câu trả lời của tên đầy tớ, anh hỏi:

- Mày ở đâu thế?

-Ở đây! ở đây!

- Mà lạ, sao mày nói tiếng khác đi thế.

- Cậu thấy khác à?

- Ừ tại sao thế?

Thì nghe một câu trả lời rất dị thường:

-Vì....con không phải là thằng Biên!

Lê Phong liền đứng phắt lên. Anh hiểu ngay câu trả lời ghê gớm ấy. Anh vừa toan thò tay vào túi lấy ra một vật thì đèn điện bỗng bật sáng. Người mà anh tưởng là thằng Biên đã đứng sững trước mặt, tay giơ một con dao sáng nhoáng và cười gằn:

-Lê Phong. Bây giờ anh mới biết tay chúng ta.

Ngay lúc ấy, ba tên hung thủ ở phòng bên cũng vừa sang.

Lê Phong chưa kịp cử động đã bị chúng bẻ ngoắt tay ra đằng sau và trói gọn ngay lại.

-Chưa biết ngay nhưng rồi thế nào cũng chết.

Lê Phong lại quát lên mấy tiếng nữa và lúc anh nhận thấy tên Biên mà anh sai đến đây từ trước, đang bị trói gô ở một góc,mồm bị nhét đấy những giẻ, và đang giãy giụa nhìn anh.

Ngời tuổi trẻ bật cười:

-Cả thầy lẫn trò... Ồ! Tôi cứ tưởng Lê Phong giỏi lắm cơ đấy! Anh khó chịu? Anh muốn có người lại cứu? Vô ích, những tay mật thám giả hiệu của anh cũng bị ta bắt cả rồi. Mà cũng không khó nhọc đâu. Chỉ mưu mẹo một chút là được.

Lê Phong biết cái tình thế lúc ấy không hay gì cho anh lúc này cả nên đành im. Mấy con dao trần sáng loáng ở tay kẻ thù báo cho anh biết rằng anh khôn hồn thì đừng tìm cách chống cự.

Lê Phong thấy lòng cay đắng chua xót không biết chừng nào. Cái số của anh trong việc này là bị thất bại. Bao nhiêu mưu cơ, bao nhiêu công sức với bao nhiêu tài xét đoán của anh,mọi lần giúp anh toàn thắng, thì lần này lại như quay lại phản anh.

Tuy vậy, Lê Phong vẫn điềm nhiên, và theo cái tâm lý kỳ dị của một tính tình phi thường, anh lại thầm phục bọn kẻ thù là khôn đến tột bực.

Lê Phong đăm đăm nhìn bọn gian phi không chớp mắt.

Yên lặng đến hai, ba phút, sau cùng Lê Phong nói lên trước:

- Bây giờ chúng mày định làm gì tao.

Ngời trẻ tuổi gật đầu:

- Câu hỏi biết điều đấy? Như thế dễ nghe hơn là những tiếng quát to vô ích, vì anh quát cũng không ăn thua gì.

"Trong này, ngoài những người tay chân của anh mà ta đã bắt trói một nơi, chỉ toàn là người bọn ta cả, cứu viện bên ngoài cũng vô ích. Chốc nữa, những phóng viên của báo anh có đến,ta cũng có cách tuyệt diệu để họ đi tìm thấy anh ở dưới âm ty..."

Rồi hắn cười, tiếng cười tự phụ và độc ác:

- Hì! Anh tính, đương đầu tới nhà trinh thám Lê Phong, ít ra cũng phải có những phương pháp tối tân chứ.

Lê Phong nhắc lại câu hỏi:

- Được thế bây giờ chúng mày định làm gì tao?

-Có hai việc cũng quan trọng như nhau. Một là tôi xin tự giới thiệu tôi với anh...

-Vô ích? Tao biết rồi. Mày là một tên đại gian đại ác, mang bộ áo với nét mặt ngời lương thiện, người học thức, ngời nhã nhặn, tử tế nữa. Lai lịch của mày tao đã có thì giờ xem xét cả...

Mày là...

Ngời trẻ tuổi ngắt lời:

- Thôi, đủ rồi. Anh thực xứng đáng là một người phóng viên làm hết bổn phận. Nhng tôi chỉ tiếc cái nghiệp làm báo của anh đến đây là hết, vì...

Trong mắt hắn, những tia sáng nham hiểm như thoảng qua, Lê Phong thấy ghê rợn chạy khắp mình khi nhận ra thấy một cái máy ảnh rất nhỏ hắn cầm trong tay và đang cẩn thận vặn cái "khuy" bấm. '

- Cái máy ảnh? (Lê Phong nghĩ bụng thế). Phải, chính cái máy ảnh tối tân này là thứ khí giới nó dùng để giết bác sĩ Đoàn đây.

Thấy Lê Phong chăm chú nhìn, hắn liền giơ máy ảnh gần mặt Lê Phong, đầu gật gù ra vẻ tự đắc:

- Anh thấy vật này hay lắm phải không? Một kỳ công sáng tác của tôi đấy? Rồi anh sẽ biết hiệu lực của nó? Phải, nó tài tình lắm, nó đã giúp tôi được việc lớn... cái kim tiêm bé nhỏ trong này đựng một thứ thuốc độc tự tay tôi chế ra... và chính anh cũng đã biết qua cái sức giết ngời nhanh chóng... Bây giờ...Hì... Hì.... bây giờ muốn cho anh biết rõ hơn nữa... Tôi cũng xin đem thí nghiệm nó trên người anh...

Rồi hắn lại cười, nhắm máy ảnh vào giữa ngực Lê Phong.

Anh bất giác quay đi, cứng đờ người ra, cam tâm đợi đến cái giây phút ghê gớm...

Những phút đợi chờ ấy Lê Phong thấy lâu dài lạ thường.

Anh vẫn quay mặt đi. Toàn thân cứng ra. Tư tưởng thần trí cùng các thớ thịt, các mạch máu trong khoảnh khắc như ngừng hẳn sự sinh hoạt.

Và đó là lúc anh chờ đợi cái chết kỳ quái, mau lẹ và ghê gớm nhất đời.

Thứ khí giới sẽ giết anh cũng như đã giết bác sĩ Đoàn, anh đã hiểu rõ cái sức thần hiệu phi thường của nó. Anh biết rằng tính mệnh mình bị cầm lỏng trong tay kẻ thù, trong lòng chua xót không biết chừng nào, nhng anh không nhúc nhích. Lê Phong chỉ đem hết sự kiêu hãnh, hết can đảm của tâm hồn ra để đương đầu với kẻ thù và lặng lẽ nhận lấy cái số phận của người thất bại.

Một phút sau, rồi một phút nữa qua...

Anh thấy rõ rệt một thứ cảm giác rùng rợn chạy khắp mình, làm se các chân lông lại.

Người trẻ tuổi nhất trong bốn tên gọi gian ác vẫn đứng yên đó,và hình như đang tò mò, đang chăm chú, để xoi mói, để bắt chợt trên mắt anh nhưng nổi đau khổ ở trong lòng, Lê Phong vẫn cố thản nhiên, cố cưỡng lại với cái bản năng của mình.

Chương 16

những phút cuối cùng của lê phong

Bỗng thấy tiếng cười làm Lê Phong quay nhìn lại. Người trẻ tuổi, bộ mặt độc ác, vừa nhoẻn miệng một cách khả ái vừa hỏi Lê Phong:

- Thế nào, ông Lê Phong, nhà thám tử đại tài, ông không quát nữa đi? Thế ra trước sự chết người ta không được hùng hổ lắm nhỉ.

Lê Phong không thèm đáp, đôi mắt lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt hắn, mặt không biến sắc, và tuy bị trói ngồi ở một mép phản gỗ, anh cũng không tỏ ra một dáng gì là khiếp nhược.

Ngực anh ưỡn lên ngạo nghễ, như khiêu khích kẻ thù.

Người trẻ tuổi cười gằn:

- Hừ! Ông Lê Phong định trêu tức tôi, định đáp lại tôi bằng cái yên lặng khinh bỉ. Nhưng nhờ trời, tôi được cái không nóng tính làm việc gì cũng có phương pháp, có thì giờ hẳn hoi.

“Bây giờ, trong lúc ông còn ở dương gian, tôi còn muốn cho ông mến cái tài hành động của tôi... không ít ra cũng phải biết tôi có những thủ đoạn gì... để khỏi ân hận rằng không có người địch thủ xứng đáng... ”

Rồi hắn lại cười, ngồi xuống phản bên cạnh Lê Phong, xem đồng hồ tay, lấy thuốc ra hút, ngoảnh nhìn mọi người sắp nói một câu chuyện bình thường và thân mật.

- Ông Lê Phong ạ, mỗi người chúng ta có một tính xấu nhỏ. Cái tính xấu nhỏ của tôi cũng tương tự như lòng tự ái của tác giả một quyển sách, nghĩa là tôi muốn cho người khác, thí dụ như ông chẳng hạn, hiểu cái đẹp của sự nghiệp mình...

Vụ án mạng Trần Thế Đoàn, thưa ông, cũng là một tác phẩm có giá trị đấy. Tác giả, Nghĩa là người chủ động vụ án mạng, chính là Lương Hữu, chính là người có cái hân hạnh được hầu nghe, chuyện ông đây... Vậy trước khi đưa ông đi sang thế giới khác, tôi xin ông hãy lắng tai mà nghe.

Lê Phong vô tình chú ý. Anh quên cả cái thế nguy hiểm cho mình lúc đó, đôi mắt long lanh tỏ ra vẻ muốn hiểu, muốn biết. Thấy thế người trẻ tuổi cười, gật đầu:

- Ông quả là một nhà nghệ sĩ, tôi rất vui lòng rằng câu chuyện của tôi không bị ông bỏ ngoài tai. Vả lại, ông có đủ các nhẽ để biết cho tường tận... Trước hết tôi tưởng nên nói để ông rõ uyên uỷ việc hành động này phần nhiều nhờ vì nghệ thuật...

Bỗng Lê Phong cười gằn:

- Phải, nghệ thuật sát nhân, nghệ thuật ăn cướp.

Lương Hữu thản nhiên đáp:

- Giết người, ăn cướp! Cũng là nghệ thuật chứ sao?

Lê Phong thấy chướng tai, thấy những lời sống sượng kia nói ra một cách bình tĩnh ghê gớm, thì cơn giận lại đùng đùng chực nổi, anh cố nén mới khỏi để lộ ra nét mặt.

Lương Hữu lại tiếp luôn:

- Chứ không ư? Nếu không có những phương pháp nghệ thuật tuyệt xão, tuyệt mỹ thì khi nào việc này nhanh chóng được đến thế? Ông tính, giữa trường đại học, trước bao nhiêu là con mắt, ấy thế mà chỉ thoáng một cái, một người chết ngay tại trận, chết một cách quyền bí lặng lẽ, không ai ngờ vì không ai hiểu, cả đén những tay thành thạo của sở Liêm phóng cũng vậy:chỉ trừ ra có ông... Phải chỉ có Lê Phong! Lê Phong biết trước việc của chúng tôi, nhưng biết trước cũng vô ích. Vì lúc ấy nhà phóng viên đại tài có ngờ đâu đến cái vật nhỏ mọn này.

Nói đoạn, hắn đưa cái máy ảnh vẫn cầm ở tay lại gần cho Lê Phong xem, và làm như một người giảng bài, hắn vưà chỉ vào các bộ phận vừa nói:

- Một vật rất nhỏ mọn, không có dáng chi hết, hay chỉ có dáng hiền lành của một cái máy ảnh thôi. Ấy thế mà công dụng của nó lớn lắm kia đấy. Ông xem, cũng ống objectif cũng khuy vặn mise au point để ngắm, cũng khuy bấm déclencheur, cũng cái kính viseur...

“Một công trình sáng tác có một không hai mà tôi đã khổ tâm lắm mới nghĩ ra được... Ông xem cuộc du học của tôi trong mấy năm ở bên Pháp có phải là vô ích đâu...

“Nếu ông Lê Phong của tôi cũng đã khảo cứu về máy móc, ông sẽ phải nhận đấy là một chứng cớ  của một thứ thông minh sáng tác, nhưng tôi, tôi chỉ xin nói đến cái thông minh hoạt động trong vụ ám sát khó khăn này.

“Việc cốt yếu của chúng tôi là phải giết một người, một người có danh tiếng nhất nước Nam, phải giết ngay, nếu để chậm mấy giờ là mọi việc lớn hỏng cả. Thế mà người ấy không ở chỗ vắng, không có một cái gì ra khỏi Hà Nội, để chúng tôi có thể lừa bắt được, như đã lừa bắt được ông Lê Phong... Lúc người ấy cần phải chết lại là lúc khó giết nhất.

“Vậy làm thế nào?

Ngừng lại một lát để châm điếu thuốc thứ hai, rồi hắn lại tiếp:

- Trả lời được câu hỏi đó, chúng tôi đã có cái máy ảnh...

“Vậy cùng với đám công chúng, sáng hôm nay, tôi cầm cái máy ảnh vào dự lễ phát bằng. Được lắm. Nhà thiếu niên y khoa bác sĩ ngồi kia, ở trước mặt và cách chúng tôi chừng hơn hai chục thước. Tôi cũng làm như một người chơi máy ảnh thực thụ, vặn objectif là một thứ miệng súng lục trong cái máy ảnh của tôi... cái ống objectif ấy sẽ không thu hình người tôi ngắm, nhưng sẽ phát ra một thứ đạn riêng ở ngăn buồng tối. Thứ “đạn” ấy là một thứ kim tiêm chế theo một kiểu thích hợp, trong lòng tiêm có một thứ thuốc độc mau nhậy một cách không ngờ. Cái kính viseur dùng trong các máy thường, để cho đúng chỗ chụ thì ở máy này dùng để nhắm đúng cái điểm nào trên người ông mà kim sẽ bắn tới. Còn cái vặn mise au point là thứ không có ích chỉ để đấy làm vì...

“Thực là một thứ súng lục tối tân, có phải không ông? Nhưng thứ súng lục này có thể mang vào các nơi mà người dùng nó không bao giờ bị ai ngờ vực gì... Tôi có thể giết người ở giữa đám đông người cũng dễ như những hung thủ tầm thường giết người ở chỗ vắng...

“Vâng tôi chỉ có việc ngồi trên cái ghế trong trường Cao đẳng, ngắm trước người tôi sẽ giết và đợi dịp và đợi dịp... Dịp ấy là lúc có những luồng chớp magnésium của những người thợ ảnh trong nghề. Tôi chỉ giơ máy lên một cách tự nhiên, tôi nhắm rồi tôi bấm déclencheur, rồi ung dung ngồi xem kết quả”.

Hắn cười lên mấy tiếng khẽ:

- Kết quả thật nhanh chóng. Đoàn bị giết ngay lập tức, không kịp cử động, không tỏ một dấu gì là đau đớn, đến nỗi không ai ngờ đến án mạng, không ai dám bảo là Trần Thế Đoàn bị giết, trừ có ông Lê Phong...

“Bài tường thuật của ông trong số báo “Thời Thế” ra chiêu hôm nay, xin thú thật rằng đã làm tôi bất mãn nhiều lắm, bởi vì những điều nhận xét của ông rất đúng và cuộc điều tra mà ông hứa sẽ theo đuổi, thế nào cũng sẽ trở ngại cho công việc riêng tôi. Đối với một tay phóng viên thường, thì có lẽ một bài công kích khéo viết của tôi cũng đủ lấy lại dư luận ngay, nhưng tôi đã có nhiều lần biết tiếng ông, và phục tài ông nữa. Tôi biết rằng nếu tôi để ông yên, thì trái lại, ông không khi nào để tôi yên. Ngay từ số báo hôm nay, tôi đã thâý rõ sự quả quyết của ông và đã lo rằng việc của tôi có lẽ bại lộ mất...

“Bởi vậy, muốn cho việc trước và những việc quan trọng của tôi sau này được hoàn hảo như ý tôi đã định, tôi phải mời ông đến đây... ”

Rồi hắn nhìn Lê Phong bằng đôi mắt lạ lùng nữa như dò xét, nữa như chế giễu:

“Hừ! Tôi mời ông đến đây- mời bằng một cách riêng của tôi- Không phải là để có ý dụ dỗ ông đâu, vì tôi biết lương tâm nhà nghề là một điều ông trọng hơn cả tính mệnh! Tôi mời ông đến, chỉ có một chủ ý, một chủ ý tha thiết... là...

Đôi mắt hắn bỗng như sáng lên bởi cái ý nghĩa nham hiểm. Hắn giơ cái “máy ảnh” lên, rồi lại tiếp:

“Là... như tôi đã nói, để thí nghiệm, để ông được biết cái hiệu lực thứ thuốc độc tôi chế ra dùng trong vụ này... Ồ! Ông Lê Phong không lo, vì ông sẽ không đau đớn lâu, có lẽ chỉ trong mấy giây đồng hồ thôi, vì cái kim tiêm bắn ra, máu chỉ thông chuyển độ hai giây là quả tim ông ngừng đập... Bây giờ là mười hai giờ mười phút, nghĩa là còn mười phút nữa, tôi sẽ ở nhà cô Loan, tôi tiếc là phải vĩnh biệt ông ngay, giá còn thì giờ thì tất tôi không bỏ phí một dịp tốt được hầu chuyện ông...

“Nào bây giờ là lúc quan trọng, ta phải đưa người này sang đời khác, anh em đứng đó cho lễ phép để chào ông Lê Phong”.

Nói đoạn Lương Hữu cũng đứng lên, trong lúc ba tên kia vây chung quanh anh, lột vẻ mặt sung sướng như sắp được thấy một trò vui mắt.

Lê Phong lúc đó mới chợt tỉnh lại. Anh mới hiểu lại cái chủ ý của bọn gian ác và lấy làm lạ rằng sao mình đã thản nhiên từ trước đến giờ.

Tuy anh vẫn không lộ ra vẻ khổ sở tuyệt vọng, song trong lòng không khỏi có những tình cảm bi đát não nùng.

Có ngờ đâu cái kết quả công lao khó nhọc của anh lại thảm khốc đến bực này, anh biết rằng không có một phương kế gì làm cho bọn người không có chút lương tâm kia ngừng tay lại nữa.

Cái máy ảnh vẫn giơ trước mặt anh.

Lê Phong nín thở vì trông thấy ngón tay trỏ của Lương Hữu đã cẩn thận đã đặt vào khuy bấm và lựa cho ống ảnh trỏ vào quả tim anh. Sự yên lặng ghê gớm như đè nén không khí xuống. Sự yên lặng nặng nề, nghiêm trọng, khiến cho cả mấy tên gian ác cũng như lo sợ và thầm mong cho việc kết liễu nhanh hơn lên...

Lương Hữu thì vẻ mặt trầm ngâm, lại hình như lấy làm khoan khoái được thấy kẻ thù bị khốn trong tay mình. Hình như nó thấy cái “hấp hối” của Lê Phong càng kéo dài ra nó càng vui thích... Rồi chợt nghĩ ra một kế, hắn bật cười bảo một tên đồng đảng:

- Lấy diêm.

Tên đồng đảng lấy một bao diêm cầm ở tay.

- Đánh lên!

Tên kia theo đúng như lời.

- Cầm ngang que diêm để giữ cho nó cháy đến hết. Que diêm ấy tức là những phút chót cuối cùng của Lê Phong đấy... Kìa, nó đang cháy, nó cháy mãi, đến lúc nó tắt thì một cái bấm máy, một tiếng “tách” thế là hết đời nhà phóng viên...

Lê Phong, như trong giấc mơ, nhìn ngọn lửa kia như nhìn thấy cái chết của mình.

Que diêm ngắn dần, trước còn một nữa rồi còn đến phần ba, rồi sau chỉ còn một điểm sáng rất nhỏ, rất yếu, chỉ chực tắt... Rồi sau cùng, tắt hẳn.

Ngón tay trên khuy máy vừa bấm xuống được chừng non nữa phút, thì Lê Phong, mặt tái mét, ngã rũ xuống đầu gục bên chân phản, hai mắt nhắm nghiền.

- Thế là xong!

Đó là lời của Lương Hữu  nói lên trước hết.

- Bây giờ đến nhà con Loan. Trước ba giờ đêm nay, mọi việc phải xong cả.

Giọng nói nghe quả quyết lạnh lùng như một câu truyền lệnh. Mấy tên đồng đảng rấp nghe theo. Chúng không nói nửa lời, đưa mắt nhìn cái thây chết một lần cuối cùng, rồi yên lặng ra đi. Lương Hữu thong thả bước ra sau điềm nhiên như người ra khỏi hàng cao lâu, một mẫu thuốc lá vẫn phí phèo cháy ở một bên mép.

Chương 17

thế rồi...

Đến đây, người thuật chuyện cần phải nói ngay để độc giả biết rằng lúc đó Lê Phong thấy mình chết thực.

Anh tin rằng anh sẽ chết, và sau thấy cái kim tiêm xuyên qua mấy lần áo đâm chói lên ngực anh, anh liền tự bảo mình rằng:

- Thôi thế là xong chuyện.

Rồi mắt hoa lên, dần dần tối sẫm lại. Đầu thấy nặng một cách dữ dội. Toàn thân bải hoải, bủn rủn yếu đuối không biết chừng nào. Lê Phong cố chống cưỡng cái sức tối tăm, cái sức ghê gớm mà anh gọi là sự chết, cố sống thêm lấy một giây phút nào nữa, nhưng không thêm được. Không đau đớn, Lê Phong ngã gục xuống, đầu đâm chúi xuống sàn gác và từ đó nằm yên như khúc cây.

Bởi thế, cách đó chừng mười phút sau Lê Phong mở mắt ra, ngơ ngác nhìn chung quanh ra vẻ kinh ngạc lắm.

Anh chớp mắt luôn mấy cái, bụng bảo dạ:

- Quái, mình chưa chết hay sao?

Rồi lại nghĩ:

- Rõ ràng cái kim đã phạm tới mình... Mà rõ ràng mình thấy  mình không sống nữa... Thế mà...

Anh cựa mình mấy cái, chân tay bị trói chặt, dây thừng ăn lẳn vào da thịt anh, Lê Phong càng cựa càng thây đau nên nằm yên nghe ngóng huyết mạch hơi thông trong người...

Anh lẩm bẩm nói thế, rồi bật cười ngoái cổ trông lại vì anh vừa thấy tiếng động ở phía tường trong. Lê Phong hỏi:

- Biên?

Và phải nhắc lại câu hỏi lần thứ hai, mới có tiếng se sẽ đáp:

- Dạ.

- Thế nào, mày có lê lại đây được không?

- Con bị trói chặt quá... Cố mãi mới lôi được cái giẻ chúng nhét vào miệng... Mà, cậu không việc gì cả. Con đã tưởng cậu...

- Tưởng tao chết rồi, chứ gì?Tao cũng tưởng thế. Đến bây giờ mới thực biết là chưa chết...

Rồi Lê Phong cất tiếng cười to làm như việc vừa rồi là đáng tức cười lắm.

- Chết! Sao cậu cười to thế?Nó biết thì sao?

- Ai?

- Bọn du côn ở tiệm này...

- Không sợ.

- Sao không sợ?

- Vì không còn một móng nào ở đây hết, chúng giết xong phải giải tán, Tất nhiên phải bỏ chỗ sào huyệt này... Kể ra thì bọn chúng cũng khôn ngoan lắm. Công việc làm cũng chu đáo như một bài tính.. Nếu không vì một sự tình cờ mà đến tao cũng chưa hiểu được thì cậu mày chết thực rồi chứ không còn nói chuyện với mày bây giờ đưọc đâu...

Anh lại cười hai mắt vui vẻ nhìn Biên.

Cả thầy trò vẫn bị trói nằm cách xa nhau.

Nhưng xem ra Lê Phong không lấy làm khó chịu.

Biên hỏi:

- Nhưng sao lúc nãy cậu lại ngã gục xuống thế?Cậu làm con lo quá...

- Tao cũng không hiểu nữa. Có lẽ cái chết  tao trông thấy gần quá, tao tin rằng thế nào cũng chết nên... “tự kỷ ám thị”

- Tự kỷ ám thị!

- Ừ, mày không biết được điều bí mật ấy. Nhưng không hế gì. Có lẽ vì tinh thần tao hoạt động dữ quá tỏ ra mình can đảm trước cái chết, nên đến phút cuối cùng, tao ngất đi...

Rồi Lê Phong lại vui vẻ nói rất nhiều, nói những câu lý luận viễn vông không ăn nhập với tình thế lúc đó. Biên đã tưởng anh ta hoá điên, như người thường hoá điên qua những trường hợp kinh hoàng như thế. Nhưng khi Biên chú ý thì biết Lê Phong tuy miệng vẫn nói mà như đang thầm tính một việc gì.

Một lát, Lê Phong reo lên một tiếng to và nói:

- Được rồi!

Biên trông lại thì đã thấy Lê Phong đứng thẳng lên, bao nhiêu mối dây trói chân tay anh, anh đã cởi ra được hết. Lê Phong cười bảo đầy tớ:

- Phải thú thực rằng bọn gian ác kia trói người cẩn thận lắm. Cũng là một nghệ thuật đấy. Nhưng may phép gỡ trói của tao cũng là một khoa học khá thần tình.

Rồi anh lấy gân tay làm mấy cái cử động thể thao, nắn các bắp thịt mình, ra vẻ đắc ý:

- Vẫn khỏe mạnh, vẫn rắn rỏi... Có lẽ (Anh giơ cái kim tiêm mà anh rút mà anh rút ở phía ngực soi lên ánh sáng )có lẽ thứ thuốc độc trong này đối với máu người khác thì nguy hiểm, mà đối với Lê Phong có lẽ là thứ thuốc bổ cũng nên.

Anh xoay cái kim tiêm đủ các chiều. Lúc soi dọc, lúc xem ngang, như người nhà nghề đang xem viên ngọc quý.

Đôi mắt tươi sáng của anh trước còn lóng lánh, sau im lặng mơ màng, rồi sau cùng đấm hẳn vào trong những hình ảnh xa xôi. Anh lẩm bẩm như tự nói cho mình nghe:

- Phải rồi. Chính cái kim này, chính cái kim tiêm này, ta bắt được trong trường Cao đẳng... Rồi sau lại chính cái kim tiêm này lọt vào tay Mai Hương... Ồ lạ lùng! Lạ lùng không biết ngần nào... Có thể thế được không?Ta có thể tin những điều vô lý như thế được không?Mai Hương?Phải, Mai Hương đã xếp đặt những việc này, bao nhiêu trường hợp, bao nhieu mưu cơ... Phải, tất cả mọi điều kỳ dị, đều một tay người con gái ấy gây nên cả...

Anh im lặng ngồi xuống phản gỗ, trầm ngâm theo đuổi những ý tưởng đang sôi nổi trong trí anh... Trong bốn, năm phút đồng hồ, anh hình như quên cả sự thực.

Thốt nhiên anh quay lại gọi:

- Biên!

- Dạ.

- Đi.

- Đi đâu kia?

- Đến chợ Hôm. Mau lên... Lúc này mới  là lúc kịch liệt...

- Mau lên, ra theo tao...

- Nhưng...

- Còn nhưng cái gì nữa?

- Nhưng con bị trói thế này thì dậy thế nào được...

- Ừ nhỉ, tao quên hẳn đi mất... Vì Biên ạ, vừa rồi, tao đoán thấy nhiều việc lạ lắm, lạ quá, trí tao nhu bị kích thích dữ dội! Tao thích quá.

Vừa nói, anh vừa cẩn thận cởi trói cho Biên:

- Tao sung sướng quá... Tao mới tìm ra một bộ mặt khác của Mai Hưong! Thế nào tao cũng sẽ biết nó là ai, là thứ người như thế nào.. Phải, Mai Hương lần này thì quyết không khỏi tay ta, nếu không...

Mặt Lê Phong có vẻ cương quyết lạ thường. Anh gio tay lên nói một cách trịnh trọng:

- Nếu không, ta không còn mặt mũi nào mà sống nữa.

Cởi xong trói cho tên đầy tớ, Lê Phong đở nó đứng dậy và hỏi:

- Bọn kia đâu?

- Bọn nào?

- Mấy người “mật thám”giả!

- Con chắc cũng bị trói như con.

- Nhưng ở đâu? Ở buồng nào?Phải đi cởi trói cho họ chứ.

Không đợi Biên đáp, anh chạy ngay sang một buồng gần đó, vì anh vừa nghe thấy mấy tiếng động khe khẻ đưa sang.

Trong buồng tối om, Lê Phong vừa sờ tay lên tường để tìm khuy đèn điện vừa nghe ngóng.

Bỗng anh chạm phải một vật, không! Một người, một người hình như vẫn đứng nép đó và có ý tránh anh. Lê Phong vội lùi ngay lại, thì lúc ấy tay anh ta gặp cái khuy đèn. Lê Phong sắp vặn lên thì bỗng có tiếng nói:

- Đừng vặn, vô ích.

Le Phong kinh ngạc, ngừng tay lại, vì tiếng đó anh nhận rõ ra tiếng đàn bà...

- Vô ích ( tiếng kia lại tiếp luôn). Đèn điện hỏng rồi, mà anh thì phải đứng im... nếu không ta đã có phép.

Giọng nói nghe có vẻ quả quyết lạ, Lê Phong bỗng nghĩ được một kế.

Anh buông tay xuống, nín thở, hết sức nhẹ nhàng đi lần đến chỗ có tiếng nói vừa rồi... Rồi, thóat một cái, anh nhảy sấn lại ôm choàng lấy người kia. Nhưng bỗng đèn điện bật sáng lên, người kia đã lên mất tự bao giờ, còn anh thì hụt chân đang ngã soài trên sàn gác.

- Biên, mà vừa vào đay chứ?

Lê Phong vừa ngồi đây vừa hỏi thế. Biên đáp:

- Vâng?

- Thế ra đèn không hỏng?

- Hỏng thì đã không sáng được.

Nhưng đến cái cửa ngoài cùng, chỗ ra cầu thang, Lê Phong không thể tiến được nữa! Cánh cửa ấy khóa lại ở phía ngoài, Lê Phong hầm hầm chạy vào hỏi Biên:

- Lúc nãy vào buồng này, mày không thấy ai?

- Không, vì trong này tối.

- Mày cũng không nghe thấy gì?

- Có. Nhưng con tưởng là tiếng cậu gọi con sang!

Lê Phong toan nổi giận nhưng lại trấn tĩnh được ngay. Anh nhận ra mấy người tay chân của anh đang nằm chúi ở một xó buồng và người nào cũng bị trói kỹ.

- Tao chưa chết là công việc chưa đến nỗi hỏng, mày cởi trói cho bọn này, còn tao, tao tìm cách phá cái cửa ngoài kia, con Mai Hương nó vừa khoá lại.

- Mai Hương?Thế ra cậu gặp Mai Hương trong này?

- Chứ còn ai nữa. Thôi, mau lên.

Lê Phong lại chạy ra. Nhưng lúc ra đến cửa cầu thang anh kinh ngạc không biết ngần nào, vì cái cửa ấy lúc đó đã mở toang và bên ngoài anh thấy tiếng người ồn ào đang trèo lên bực gạch.

Chương 18

những câu chuyện lạ lùng của lê phong

Lê Phong lùi lại mười bước, nép vào một chỗ, bụng bảo dạ:

- Có lẽ chúng nó lại trở về chắc?

Và toan tìm cách báo cho thằng Biên và bọn tay chân của anh biết mà đề phòng.

Nhưng ngay lúc ấy, một bóng người dưới cầu thang nhô lên đi thẳng vào: theo sau, còn một người nữa, tay cầm một cái máy ảnh nhỏ.

Lê Phong nhận được rõ mặt liền chạy ngay ra:

- Văn Bình?

Văn Bình và người kia reo lên:

- Anh Lê Phong! Lê Phong. Chúng tôi tưởng anh bị hại rồi?

Lê Phong cười:

- Tôi cũng vậy. Nhưng thế nào? Sao bây giờ anh mới đến đây

- Vì chúng tôi đợi ở nhà cô Tuyết Loan... Bọn hung thủ đã bị bắt cả rồi!

Lê Phong không tỏ vẻ ngạc nhiên chỉ hỏi:

- Bị bắt cả rồi? Bị bắt ở nhà cô Loan?

- Ừ.

- Thế là cái kế hoạch của tôi hỏng phần thứ nhất, nhưng lại được phần thứ hai... Nhưng sao anh lại không đến đây lúc 12 giờ như lời tôi hẹn?

- Kìa, anh gọi điện thoại bảo đừng đến nữa kia mà!

Lúc đó, Lê Phong mới lấy làm lạ:

- Tôi, tôi gọi điện thoại cho anh?

- Ừ, anh lại dặn đi dặn lại rằng chớ có đến đây nữa, mặc anh chống cự với bọn chúng, vì đến thì thế nào cũng bị chúng bắt.

Lê Phong cau mày gắt:

- Quái lạ!... Phải, anh đến đây thì có lẽ bị bọn chúng bắt thực, nhưng tôi có đánh điện thoại cho anh bao giờ đâu?

- Ồ! thế là nghĩa lý gì?

Lê Phong cũng nhắc lại:

- Ừ! Nghĩa lý gì?

- Nhưng dẫu sao, bọn hung thủ hiện đã sa lưới cả. Ông T.Phụng đã trói cả tụi và đang làm biên bản... ông dặn tôi đến đây tìm thấy anh thì mời anh đến phố chợ Hôm ngay.

- Để làm gì?

- Để đối chứng...

Lê Phong cười gằn:

- Hừ? Đến lúc này mà ông T. Phụng vẫn còn chưa chịu tội hẳn. Ông vẫn ra vẻ một viên chức "nhà nước" làm việc theo ý mình. Ông bắt được hung thủ là theo những điều chỉ dẫn của tôi mà ông vẫn làm như không theo ai cả... Nhưng không hề gì. Đó là lòng tự ái của nhà nghề, việc quan hệ nhất đã xong,là hung thủ đã bị bắt...

Lúc đó thằng Biên và mấy người chân tay đã gỡ xong trói đi ra, Lê Phong cười:

- Giá tôi chu đáo hơn chút nữa thì chúng đã bị bắt ngay ở đây, không đợi đến ông T. Phụng nữa...

Chợt anh sực nghĩ ra một việc:

- Văn Bình!

- Gì?

- Anh lên đây lúc này có gặp ai xuống không?

- Không. Sao?

- Thế cửa gác ai mở?

- Cửa này ấy à? Vẫn mở...

Lê Phong nắm cánh tay Bình:

- Hừ! Vẫn mở... Thế ra... ồ, thế ra nó khóa lại, rồi lại chính nó mở.

- Nó là ai?

- Mai Hương? Mai Hương chứ còn ai! Mai Hương vẫn còn ở ngoài vòng? Chỉ còn có nó ở ngoài vòng thôi: nó vẫn còn trêu chọc tôi! Mà có lẽ nó còn nhiều thủ đoạn quỷ quyệt nữa. Người con gái kỳ dị này chưa bị bắt là tôi chưa có thể gọi là thắng trận được! Không! Bây giờ cả bọn gian ác bị bắt, còn nghĩa lý gì nữa, vì chúng để cho người ta tóm cổ được những thằng khốn nạn tầm thường khác, nhưng còn Mai Hương…

Anh bỗng ngừng bặt, cắn lấy môi, hai mắt nhìn xuống đất,phía cửa một căn phòng. Dưới mép tấm màn dầy buông trước phòng, anh thấy hai vật đen loáng, làm anh rợn người lên...Nhận kỹ thì thấy đó là một đôi giày, một đôi giầy đàn bà chỉ lộ ra ngoài một nửa trước. Sự cảm động làm cho anh nghẹn thở...

Lêê Phong biết rằng đôi giày kia là giầy của một người đứng nấp sau bức màn để nghe trộm, mà người nghe trộm ấy,anh cũng biết chắc là Mai Hương... Con người táo tợn đến thế là cùng!

Lê Phong đưa mắt nhìn thoáng một cái để liệu trước tình thế.

Trong cùng lối đi là cái cửa sổ gác, có chấn song sắt.Ngoài này thì anh, Văn Bình với bọn thằng Biên?Dẫu có cách, người thiếu nữ cũng không trốn đâu cho thoát.

Nghĩ thế, anh loền thong thả tiến lên hai bước dõng dạc gọi:

- Mời cô Mai Hương ra ngoài này!

Đôi mũi giầy đứng yên, Lê Phong lại nói thêm:

- Xin cô đừng phiền chúng tôi phải sấn đến bắt nữa, mời cô ra.

Đôi giầy vẫn không nhúc nhích, Lê Phong cười nhạt:

- Được lắm... Tôi muốn mời mọc cô tử tế, cô lại không muốn... Có lẽ cô ưa mạo hiểm hơn...

Rồi quay lại bảo mọi người:

- Hai anh đứng chắn lối ra... Hai anh nữa vào bật đèn trong buồng này, còn thằng Biên thì theo tôi vào "đón" cô Mai Hương... Nào xông vào đi!

Không ngờ, theo lệnh anh, khi ai nấy đã sẵn sàng, Lê Phong hốt nhiên hầm hầm quay bước đi, miệng lẩm bẩm mấy câu tiếng Tây:

 - "C'est ridicule! C'est ridicule? (Rô lố! Rõ lố chưa? )

Khiến cho mọi người kinh dị không hiểu ra sao cả.

Văn Bình chạy theo hỏi:

- Cái gì thế

Lê Phong gắt:

- Lố bịch chứ sao?

- Ô hay? Nhưng thế nào? Thế còn... (Văn Bình đưa mắt về

đôi giày nói khẽ) còn Mai Hương?

Lê Phong lườm Văn Bình, tức run cả người lên, đứng lại

nói được có một câu:

- Chẳng có Mai Hương nào hết?

Rồi cắm đầu đi ra bực thang xuống gác.

Trên này, Biên kéo vội tấm màn lớn ra xem lại thì trong phòng om tối, không có một bóng người nào thực, mà đôi giày trông thấy lúc trước (một thứ giày đàn bà kiểu tối tân, gót cao,mũi nhọn), vẫn đứng nguyên chỗ cũ, nhưng lại là đôi giày không.

Lê Phong bực dọc xuống nhà, ra khỏi cổng và đến đứng đợi bọn kia bên chiếc xe hơi mà Văn Bình đem tới lúc nãy. Anh có vẻ suy nghĩ lung lắm và hình như căm giận hết thảy mọi người.

Nhưng năm phút sau, khi Văn Bình đến gần Lê Phong thì anh đã tươi cười quay lại nói:

- Xin thú thực tôi chưa thấy người con gái nào tinh quái,ranh mãnh đến thế... Cả một bọn đàn ông trai tráng, mà nó coi như một đứa trẻ con...

Rồi làm như quên các việc khó chịu vừa rồi, Lê phong giơ tay xem đồng hồ:

- Ba giờ kém hai mươi. Thôi bây giờ về thì vừa... Không còn

việc gì hết.

Văn Bình kinh ngạc:

- Thế nào? Về à?

- Về chứ còn ở đây làm chi nữa: "con chim xanh bay về tổ rồi".

- Thế nghĩa là thế nào?

Lê Phong đủng đỉnh nói:

- Thế, nghĩa là thế.

- Kìa, lúc này không phải lúc nói giỡn! Thế còn bọn hung

- Bọn hung thủ? Thì chúng nó bị bắt cả rồi chứ sao. Bị ông T. Phụng bắt ở nhà cô Loan phải không?

- Phải rồi, nhưng...

- Nhưng nếu tôi không lầm, thì chúng... không còn mống nào ở đó hết.

Văn Bình sửng sốt:

- Hừ! Cái gì? Anh nói cái gì?

- Tôi nói câu tôi vừa nói.

- Ồ! thế ra Mai Hương gạt chúng mình ở đây để đánh tháo cho bọn kia rồi sao?

Lê Phong bật cười:

- Không.

- Thế sao... anh bảo không còn ai ở nhà cô Loan nữa.

- Thế nghĩa là ông T. Phụng dẫn chúng về sở mật thám rồi chứ gì?

Văn Bình trách:

- Thế mà cứ nói đùa mãi...

Lê Phong nghiêm mặt lại một cách khôi hài:

- Không, tôi không ưa nói đùa đến thế đâu...

- Vả lại.

Lê Phong lại bật cười rồi hỏi sang chuyện khác:

- À này, lúc nãy tôi nói đúng chứ?

- Đúng cái gì?

- Mai Hương chỉ để lại đôi giầy của cô?

- Ừ

- Mà, trong đôi giày còn có mảnh giấy nào giữ riêng cho tôi

không?

- Không, không ai để ý.

- Thử tìm xem, đôi giầy đâu? Có đem xuống không?

Biên đưa đôi giày cao gót ra, Văn Bình đưa ngón tay vào thì quả nhiên có một mảnh danh thiếp giắt trong đó. Trên danh thiếp, Bình đọc thấy mấy hàng chữ in lớn mới:

Henriette Mai Hương

144, Duvillier Hanoi

Lê Phong vẫn giữ vẻ khôi hài lúc nãy, bảo:

- Lật đằng sau xem có gì không?

- Có

- Đọc xem.

Văn Bình đọc:

"M. H. thành thực mừng ông Lê Phong đã thoát nạn,khuyên ông nên về nghĩ, trấn tĩnh lại tinh thần và kính tặng đôi giày này gọi là chút kỹ niệm tinh quái của một ngườii thiếu nữ tinh quái.

Trái với điều Văn Bình tưởng,Lê Phong không lấy những điều giễu cợt trên đây làm tức bực lại tỏ ra ý vui thích, cất tiếng cười lớn làm vang động cả quãng đường vắng vẻ bấy giờ.

- Văn Bình! Tiếng cười là một của báu trên đời. Nó làm tiêu tan biết bao nhiêu nỗi ưu phiền, nó là cơn gió thổi tan đám mây, nó là ánh nắng tươi trên vườn xuân, nó là biểu hiệu của sự vui sống ở trần gian... Không? Tôi không thể nào không cười được.

Rồi, như người hóa dại, anh lên trên xe hơi, giục mấy người lên theo, dận máy cho xe chạy và lại khanh khách cười,khiến cho Văn Bình ngẩn người ra chẳng biết tại sao Lê Phong lại lạ lùng đến thế.

Nhưng sự kinh ngạc của Văn Bình lại tăng lên gấp bội khi thấy sau tràng cười điên cuồng đó, Lê Phong lại im lặng, đôi mắt mở lớn trông thẳng, và cho xe chạy hết phố này sang phố khác, mà chạy rất nhanh.

- Kìa đi đâu thế này?

Lê Phong không trả lời, mở thêm tốc lực.

- Lê Phong! Đi đâu bây giờ?

Anh vẫn không đáp.

- Kìa sao đi đâu anh không bảo? Mà sao lại cho chạy nhanh thế?

Lê Phong không thèm nghe chi hết, cứ mỗi lúc một mở thêm tốc lực, mắt đăm đăm như để tâm trí tận đâu đâu.

Sau cùng, anh hãm xe, quay đầu hỏi Văn Bình một câu rất

kỳ quái:

- Anh có thể đi chơi ô- tô với tôi từ giờ đến sáng mai không?

- Thế nào anh có đi được không. Nếu không tôi đi một mình vậy.

- Nhưng đi đâu mới được chứ?

- Đi chơi mà.

- Đi chơi?

- Ừ! chỉ đi chơi thôi. Nếu không, anh xuống.

- Tôi thực không hiểu sao cử chỉ của anh lúc này lại lạ thế,có lẽ anh hóa điên...

Lê Phong nghiêm trang trả lời:

- Anh không hiểu, mặc anh, nhưng tôi không điên. Thế nào, đi hay xuống

- Ồ? Thế còn bọn hung thủ?

- Bọn hung thủ bị bắt rồi chứ sao?

- Thế còn anh?

- Tôi thì không phải đeo đuổi chúng nó nữa.

- Nhưng...

- Chẳng có nhưng gì hết. Bọn hung thủ bị bắt, và đã bị giải về sở mật thám rồi. Vì bọn hung thủ bị bắt nên báo“Thời Thế“ sẽ được một bài tường thuật nhanh nhất, ngộ nhất, tường tận nhất, thế là công việc của tôi xong.

Văn Bình càng kinh dị hơn:

- Ồ! nhưng mà...

Lê Phong có vẻ cáu:

- Còn gì nữa? Thế các anh lúc nãy không ở nhà cô Loan sao?

- Sao lại không?

- Các anh đã chứng kiến rõ lúc chúng bị bắt chứ?

- Rõ.

- Phóng viên chụp ảnh cũng có đấy như lời tôi dặn chứ?

- Có

- Mà có chụp được cả ảnh chứ?

- Chụp được.

Lê Phong nhún vai:

- Thế thì anh còn muốn gì? Tôi đã lừa cho chúng vào tròng là công việc của tôi kết liễu rồi... Hay anh muốn cho tôi được thưởng mề đay? Cám ơn, tôi xin nhường chiến công và mề đay cho ông chánh mật thám...

văn Bình thấy Lê Phong cứ nói vẩn vơ mãi cũng đâm gắt:

- Anh thực không đứng đắn tí nào cả?

- Sao vậy?

- Một vụ án mạng nghiêm trọng đến như thế mà anh là người hoạt động nhất trong cuộc săn bắt chúng, bao nhiêu việc bí mật anh khám phá ra được...

Lê Phong vội ngắt:

- Ừ, thế rồi sao nữa? Ồ, Văn Bình! Văn Bình! Nhưng việc đó bây giờ không quan hệ gì lắm. Tôi tưởng nên xếp một nơi đã,rồi tôi dẫn anh về nhà báo, thúc mọi người làm việc để mai báo kịp ra sớm, còn tôi...

Lê Phong ngửa mặt nhìn trời:

- Còn tôi... tôi đi chơi... đi tìm gặp nhiều việc quan trọng gấp năm gấp mười thế, mà bí mật cũng gấp năm gấp mười vụ án mạng bí mật... Tôi đi... đi... tìm... cô Mai Hương?

Lúc đó Văn Bình chợt hiểu ra rằng giọng nói của Lê Phong tuy bỡn cợt, nhưng có ẩn một vẻ chân thật ở trong, Văn Bình biết rằng anh mới tìm ra một điều khác thường, vừa vụt qua trí anh, nên mới có những cử chỉ ấy.

Văn Bình để cho Lê Phong đưa đến tòa báo « Thời Thế » rồi xuống cùng với người phóng viên phụ.

Lê Phong chỉ dặn qua máy câu:

- Bài tường thuật các anh viết. Còn bài điều tra thì tôi viết rồi. ở ngăn kéo ấy. Đến mai ông T. Phụng có cho người hỏi gì thêm thì bảo tôi đi vắng, ông cứ mua báo « Thời Thế » mà đọc...

- Bây giờ thì... chào các anh.

- Thế còn Mai Hương

- Mai Hương là một con chim xanh, là một sự bí mật thứ hai, là một người tôi đi tìm bây giờ đây. Nhưng về Mai Hương,các anh không cần nói đến vội.

Nói rồi, Lê Phong mở máy cho xe chạy liền.

Chương 19

con chim xanh

Xe hơi băng băng chạy trên con đường nhựa bóng loáng.Qua hàng Bún, rẽ lên đường Quan Thánh rẽ sang hàng Cót,hàng Bông, cửa Nam qua ga rồi cứ thế chạy thẳng mãi, mỗi lúc Lê Phong mỗi mở thêm tốc lực như người đi đâu có việc rất cần.

Thực ra thì Lê Phong không nhất định đi đâu, và cũng không có việc gì khẩn cấp. Đó chỉ là một phép lạ lùng anh dùng để bắt trí phải suy nghĩ mau chóng, cái cảm giác được đưa đi rất nhanh trong không khí, cùng nhữlng tiếng máy chạy, tiếng gió vun vút bên tai, làm kích động tinh thần xét đoán của anh.

Khi có thì giờ trầm ngâm về một vấn đề gì, Lê Phong ngồi nhà,khóa kín cửa lại, suốt ngày không nhúc nhích và không nói nửa lời Khi cần phải nghĩ mau, nghĩ gấp, thì anh giục giã trí thông minh của anh bằng cách ngồi nghĩ trên xe hơi chạy nhanh. Bộ máy suy tưởng của anh sẽ theo sức nhanh của xe hơi mà hoạt động.

Ta hẹn cho ta từ bây giờ đến bảy giờ sáng, sự bí mật này phải cắt nghĩa ra.

Sự "bí mật này" không phải là vụ án mạng trường Đại học nữa. Vì hung thủ hiện đã bị bắt, và bao nhiêu đầu mối tự nhiên gỡ tung ra, bây giờ thì những ẩn tình rắc rối, những thủ đoạn giảo quyệt, cho đến lai lịch bọn thủ phạm, nguyên ủy vụ ám sát anh đều thấy cả, mà thấy một cách rất rõ ràng.

Cả câu chuyện kỳ bí rắc rối kia, bây giờ khi ôn lại, anh chỉ thấy thu nhỏ trong khuôn khổ của một việc rất thường đăng trên báo, việc đó tóm tắt như sau này:

- Người sinh viên trường thuốc Trần Thế Đoàn, cách đây ba năm, nhân một cuộc nghỉ mát trên Sa pa, tình cờ mua được của một người Thổ ở đó năm bộ sách thuốc. Đoàn đem về, chủ ý tra cứu về y học cổ, và tưởng năm bộ cách kia chỉ có giá trì của một mớ tài liệu thôi. Không ngờ đọc kỹ, Đoàn mới tìm ra được một điều khác lạ?.Sách ấy là một thứ sách viết, cũng chia ra từng mục, từng tiết nói về y lý, được tính ra linh thể, bệnh căn như mọi sách khảo cứu về môn học này; nhưng trong các đoạn văn, thỉnh thoảng lại có một chữ viết thiếu nét, hoặc một lối chấm câu đánh lạc chỗ, hoặc một chữ lối viết khác những chữ thường,Đoàn đánh dấu lấy các chữ lạ ấy, chép riêng ra một chỗ rồi ghép từng câu, từng đoạn thành một bản di chúc chỉ dẫn lối chôn một kho của rất lớn ở vùng thượng du. Công việc ấy mất hơn hai năm trời. Đoàn định thi y khoa bác sĩ xong sẽ đem bộ

sách ấy và cách tìm kho của, nói cho chính phủ biết; nếu kết quả đúng như lời trong tờ di chúc thì một nửa phần của kia thuộc về chính phủ, còn một nửa thuộc về tay Đoàn. Cái mộng tưởng sang du học các nước, mở viện khảo cứu, nghĩa là cái hy vọng tha thiết nhất trong đời một người ham học, lúc đó sẽ thành sự thực. Dè đâu việc người Thổ bán năm pho sách lại có một người khác biết, người ấy là Lương Hữu, một du học sinh ở Pháp về. Lương Hữu lên đó hỏi và cũng đoán biết cái giá trị phi thường của năm pho sách kia, liền xui giục người Thổ Nùng Du đòi lại, viện lẽ rằng đó là của báu của nhà Nùng Du; nhưng Đoàn không chịu. Vì thế, chúng mới tính cách đe dọa Đoàn,Lương Hữu là một người rất khôn khéo, hắn quen một nơi chỉ làm việc trong bóng tối. Đoàn vẫn cương quyết và hết sức đề phòng. Cho đến ngày Đoàn thi xong, bọn kia biết là nếu không chiếm đoạt ngay, thì cái di chúc trong năm pho sách sẽ công bố lên và lúc đó sẽ vĩnh viễn thuộc về Đoàn và chính phủ. Cái óc khôn ngoan, giảo quyệt của Lương Hữu bỗng nảy ra một kế.Hắn bàn với bọn kia rằng chỉ còn cách trừ ngay Đoàn đi mà không để cho ai ngờ đến án mạng. Cái công việc khó khăn ấy không phải bất cứ người nào cũng làm nổi; Lương Hữu bèn nhận lấy, nghĩ được một phương pháp thần diệu rồi chính hắn đã lẻn vào trường Cao đẳng và chính hắn dùng cái máy ảnh bắn kim tiêm thuốc độc, giết Đoàn một cách rất nhẹ nhàng yên lặng giữa lúc phát bằng.

Giết xong Đoàn, là xong một phấn thứ nhất trong kế hoạch của chúng. Chủ Du tức là Nùng Du và Lương Hữu cùng với mấy tên đồng đảng nữa định bắt cóc Lý Tuyết Loan để tra khảo lấy năm bộ sách mà chúng biết rằng hiện ở trong tay cô.Mưu kế chúng đã sắp đặt sẵn sàng và việc bắt cóc của chúng sẽ êm ái như việc giết Đoàn, vì có tên Đan làm tay trong cho chúng. Những việc ngấm ngầm đó, sau này chúng biết sẽ vỡ lở ra, nhưng chúng lại biết rằng đến lúc khám phá ra thì chúng đã chiếm được kho của và sẽ có cách tẩu tán được. Chúng cứ việc ung dung mà hành động theo phương lược rất chắc chắn của Lương Hữu và quyết thế nào việc cũng thành. Không ngờ có Lê Phong đó, Lê Phong đoán được cái chết của bác sĩ Đoàn,

tố cáo những mưu kế của chúng trên mặt báo, tuy Lê Phong chưa biết rõ ngay sào huyệt của chúng, và trong bài tường thuật, Lê Phong chưa biết thủ phạm là ai, song cuộc điều tra của anh có thể hại chúng được. Đối với Lê Phong, Lương Hữu chỉ có một cách là trừ người phóng viên chướng ngại ấy đi.

Trong lúc tính việc vội vàng, Lê Phong không biết rằng chúng vẫn đề phòng và vẫn có ý đợi anh trong tiệm hút Mã Mây là nơi chúng tạm dùng làm sào huyệt. Vì thế mà cả bọn người của anh phái đến trước đều bị chúng bắt và rồi anh cũng suýt bị hại, nếu không nhờ ở một sự tình cờ... Sự tình cờ đó là một điều bí mật mà anh chưa thể hiểu rõ được.

Tại sao cái kim tiêm trong máy ảnh của Lương Hữu lại không có thuốc độc? Tại sao một người tính việc chu đáo như Lương Hữu lại có thể sơ suất đến thế Và tại sao Mai Hương,người thiếu nữ kỳ dị, đã biết anh thoát khỏi cái nạn ghê gớm mà không tìm cách gì đối phó với anh? Tại sao? Tại sao trong bọn gian ác kia mọi người đã bị bắt cả, Mai Hương vẫn ở ngoài vòng, vẫn hành động một cách táo tợn và tinh quái hình như không sợ ai và tin rằng không ai làm gì được?

Bao nhiêu câu đó cùng hỗn độn trong trí Lê Phong, mà câu hỏi quan hệ nhất, khó giải nhất là Mai Hương là người thế nào? Những việc khác, những kế hoạch hành động của hung thủ và bao nhiêu trường hợp ky dị gây nên bởi bọn Lương Hữu,đến bây giừ Lê Phong không thấy quan trọng gì nữa. Lê Phong coi như một việc rất thường, rất giản dị, như một bài tính đã có sẵn lối giải. Anh không thấy cái thú như mọi lần khi trí thông minh của mình đã khám phá ra một việc lạ... Không, cả vụ án mạng trường Cao đẳng, đến bây giờ thực không có nghĩa lý gì, nếu so sánh với điều bí mật dầy độc nhất là: Mai Hương? Mai Hương với cái dáng yêu kiều, với bao vẻ tinh nhanh, với bao cử

chỉ lạ lùng đã làm cho anh chú ý, anh ngạc nhiên ngay từ phút thứ nhất gặp ở trường Cao đẳng.

Lê Phong không thể nào không thấy cái liên lạc của cô ta trong vụ này được. Mà điều lạ nhất là trong vụ này, anh chỉ gặp có cô lúc nào cũng chỉ thấy cô hiện ra, hoặc để lừa anh, hoặc để trêu chọc.

Cái luận lý riêng của anh; cái trực giác của tinh thần anh lúc đó hình như vẫn không muốn nhận rằng Mai Hương là một "con giặc cái". Mai Hương không phải là kẻ phạm tội ác, không thể là người nham hiểm được. Thế mà bao nhiêu trường hợp đều như cãi lại anh một cách hùng hồn. Anh ôn lại các việc xảy ra: bức thư đe dọa anh, cuộc săn đuổi theo vết dầu xe hơi, cái tin dữ nghe ở máy nói, cái bóng áo hồng anh thoáng thấy lúc tìm được tang vật giết người trong giảng đường trường Đại học,rồi lúc diện kiến, là lúc Mai Hương khôn khéo nhất, táo tợn nhất, vì cô tự mình đến bịa ra một câu chuyện sợ hãi và giả vờ ngất lịm người trong tay anh... Mỗi lúc, người thiếu nữ một lạ

lùng thêm hơn lên, mỗi lúc anh mỗi thấy khó hiểu... Lê Phong tự nghĩ:

- Từ xưa tới nay, việc gì ta xét cũng ra, cả đến việc ám sát Trần Thế Đoàn ta cũng không coi vào đâu, duy chỉ có người thiếu nữ này, thực là một việc khó khăn, một điều phi thường như một sự màu nhiệm... Mai Hương! Mai Hương là người thế nào?

Anh bất giác lại nhớ đến những phút rất êm đềm lòng anh như thổn thức, như hương chiều về cái tình cảm kỳ dị nó xui khiến anh thầm mến, thầm phục người thiếu nữ tinh quái kia... Anh nhớ lúc anh ôm cô ta trong tay và ghé xuống gần tai cô hỏi bằng những lời dịu dàng:

- Mai Hương! Em là ai? Mà khó hiểu thế)

Rồi anh cũng lẩm bẩm nhắc lại câu nói đó:

- Phải Mai Hương sao mà khó hiểu thế. Lê Phong nhớ lại rất rành mạch rằng trong nhưng phút say sưa đó, Mai Hương chỉ là một bực nhan sắc đằm thắm, yếu đuối, phó thác toàn thân cho sự bao dung của anh... Rồi đến lúc cô mở mắt ra trông anh, tuy lộ vẻ trách móc, ngạc nhiên, nhưng Lê Phong cũng thấy cả vẻ tin cẩn sung sướng...

Lê Phong vừa mở hết chữ cho xe chạy thẳng vừa âm thầm để cho những điều ký ức ấy ru lòng. Anh những muốn nhớ đến những việc khác nữa, anh quên rằng người thiếu nữ kia mấy phút sau đã lừa anh và còn lừa anh mãi mãi, cho đến vừa rồi, cô ta cũng còn tìm cách giễu cợt anh bằng những lời mỉa mai.

Lê Phong mỉm cười lấy đôi giày ra xem, và đọc lại mảnh danh thiếp:

"M.H. thành thực mừng ông Lê Phong đã thoát nạn... và kính tặng ông đôi giày này, gọi là chút kỹ niệm tinh quái của một người thiếu nữ tinh quái.

Lê Phong nói tiếp:

- Người thiếu nữ tình quái và... rất có duyên.

Lúc đó, mặt trời đã mọc lâu. ánh sáng tươi cười chiếu xuống cảnh vật tươi cười... Lê Phong xem đồng hồ tay rồi quay xe trở về, trong lòng khoan khoái, nhẹ nhàng, những điều bí mật về Mai Hương đến lúc đó vẫn chưa khám phá được.

- Hình như đã có lời tiền định cho ta rằng, trong việc này Mai Hương là con chim xanh muốn để cho người ta trông thấy lúc nào nên lúc ấy... khó lòng mà đuổi bắt được, dầu người đuổi bắt là Lê Phong... Chính Mai Hương đã chẳng báo trước cho ta biết rằng ta không thể tìm được thấy cô, không bao giờ gặp được cô trừ ra khi cô cố ý để cho người ta tìm thấy. Nhưng không hề gì. Bây giờ chỉ còn hai ta, cô em không trước thì sau,thế nào ta cũng dò ra được tung tích.

Đến Hà Nội, Lê Phong vào một phòng cắt tóc để cạo mặt và trút nốt những dấu vết cải trang, đoạn vào một hiệu cà phê ăn điểm tâm, nhân tiện đánh điện thoại về « Thời Thế » dặn dò mấy điều. Sau cùng anh lên xe hơi đi về phố hàng Đẫy.

Đến hàng Đẫy, theo địa chỉ ở tấm danh thiếp của Mai Hương, Lê Phong đỗ xe trước một nhà Tây lớn số 144 bis,nhưng đó lại là nhà một hạ sĩ quan Pháp. Lê Phong hỏi thì người bồi ở đó trả lời chủ hắn mới dọn đến được hơn một tháng nay.

Lê Phong hỏi mấy nhà gần, mới biết lối năm tháng trước,

hai cha con một người Sài Gòn có ở phố này, nhưng bây giờ đi

dọn đi nơi khác. Lê Phong hỏi dọn đi đâu thì không ai biết hết.

Anh tự nghĩ:

- Người Sài Gòn kia tức là người cha đỡ đầu cho Mai Hương, nhưng ta cũng ngốc, đi tin ở một địa chỉ vu vơ ở tấm danh thiếp kia thì có gì là chắc chắn? Tìm, ta phải cố gắng tìm!

Rồi suốt từ bảy giờ đến chín giờ sáng hôm đó, anh phóng xe hơi đi khắp Hà Nội, hỏi trường trung học Albert Sarraut là chỗ cô ta học ngày trước, hỏi nhưng người quen thuộc, anh lại tìm cách hỏi cả sở bưu điện xem người giữ việc thư tín có biết địa chỉ của Mai Hương không. Nhưng vô ích, Mai Hương quả như lời anh nói, là một con chim xanh, một con chim xanh bí mật không biết đã bay đi tận phương nào?

Lê Phong đành hoãn cuộc săn đuổi lại. Anh tự nhủ rằng trời đất này cũng không đủ rộng để anh mất tăm vết giai nhân.Thế nào rồi cũng có một ngày kia anh gặp cô, và thế nào rồi những sự kỳ dị cô mang theo, anh cũng sẽ hiểu được hết.

Tuy thế, Lê Phong cũng không khỏi bất mãn? Trong trí lại nảy ra một vài điều ngờ vực vừa làm cho anh khó chịu hơn lên.Anh thong thả rẽ xe về phía gian nhà riêng của anh thuê ở phố Huế, tâm trí mỗi lúc một thêm phiền muộn và nét mặt anh muốn cho tươi tỉnh, mỗi lúc một thêm rõ những nét băn khoăn.

Lê Phong để xe trước nhà, khóa máy lại; uể oải bước vào cổng, uể oải lên gác, uể oải lấy chìa khóa mở cửa rồi uể oải bước vào căn phòng lạnh lẽo hình như sẵn sàng để đón tiếp sự thất vọng của anh, căn phòng này chia ra làm hai phần: trong là chỗ

làm việc.

Bỗng nhiên anh đứng lặng người ra! Một cảnh tượng cực kỳ quái lạ hiện ở trước mặt anh, Lê Phong không ngờ, nên không tin rằng đó là sự thực được.

Sau bàn giấy của Lê Phong, một người con gái đang ngồi đọc một cuốn sách. Cô ta đọc ra chiều chăm chú lắm; đến nỗi tiếng động khi mở cửa và tiếng kêu ngạc nhiên của Lê Phong cũng không làm cô ta ngửng đầu lại.

Chương 20

mai hương và lê phong

Mai Hương? Ồ! Mai Hương vào đây!

Lê Phong nhắc lại câu đó hai, ba lần, người thiếu nữ mới hé miệng cười trông lên. Rồi một lát mới nói:

- Vâng, Mai Hương đợi ông ở đây đã lâu!

Lê Phong vẫn như người trong giấc mộng:

- Cô vào đây? Cô vào được đây à?

Thì Mai Hương lại mỉm cười:

- Vâng. Chứng cớ rất rõ ràng? Tôi ngồi đây tức là tôi đã vào đây, có gì lạ.

- Nhưng cô vào lối nào mới được chủ?

- Thế ông vào lối nào?

- Còn lối nào... cửa tôi khóa kia mà!

Mai Hương cất tiếng cười:

- Cửa khóa thì mở bằng chìa.

- Mà chìa khóa...

- Chìa khóa đây, chẳng biết có phải sự tinh cờ hay không,mà tôi cũng đặt thợ đánh cho một cái chìa khóa giống cái của ông như đúc.

Lê Phong thấy những câu trả lời ranh mãnh với dáng ngạo nghễ của cô từ trước. Anh chau mày lại hỏi nữa:

- Nhưng sao cô được lẻn vào nhà tôi? Cô vào đây có ý gì?

Mai Hương thong thả đáp:

- Trước hết, hai tiếng "lẻn vào" ông dùng không được đúng lắm vì tôi có lẻn đâu. Tôi mở cửa, tôi vào. Rồi tôi ngồi đây đợi ông, có thế thôi.

Lê Phong đã thấy khó chịu:

- Nhưng sao cô lại vào nhà tôi?

Vì tôi muốn giữ lời hứa với ông.

- Cô hứa gì với tôi?

- Ông chóng quên thực. Tôi hứa rằng nếu tôi không muốn cho ông tìm được tôi, thì ông không thể tìm được tôi. Trái lại cũng thế, nay tôi muốn ông gặp tôi thì ông cũng đã gặp.

Lê Phong càng thấy bực tức toan gắt, thì cô ta lại tiếp:

- Gớm! Làm gì mà ông Lê Phong đã chực nổi giận. Ông không thể chịu được sự vui vẻ của một người con gái ư?

Rồi, vẫn giữ vẻ khoan thai nhẹ nhàng, cô gấp cuốn sách lại nhìn thẳng vào Lê Phong:

- Mời ông ngồi xuống đi. Lần này thì tôi không dám "đóng kịch" nữa, và đến đây để nói với ông mấy câu chuyện rất bình thường.... về cái án mạng trường Cao đẳng. Vâng, vụ án mạng ấy đã kết liễu. Hung thủ bị bắt cả. Sự bí mật đã ra ngoài ánh sáng. Nhưng còn một sự bí mật nữa (hẳn ông cũng đang nghĩ thế) còn một sự bí mật khó giải nữa, là tôi. Vậy tôi xin nói ngay để ông biết cho rằng tôi không bí mật nữa. Cái con bé đáo để,cái con bé ranh mãnh, tinh quái, cái con nữ tặc giảo quyệt, thưa ông Lê Phong, thực ra chỉ là một người bạn của ông, chỉ là một người đã giúp ông thôi.

Lê Phong cười nhạt:

- Hữ? Cô giúp tôi!

- Vâng!

- Mà về những việc gì? Ngay từ hôm cái án mạng xảy ra...

Mai Hương vội nói:

- Ngay từ hôm? Hôm nào? án mạng trường đại học mới xảy ra hôm qua... Đấy, ông xem, đến ông còn tưởng là xảy ra đã lâu rỏi, và vô tình không tin rằng bao nhiêu trường hợp có thể dồn dập một cách nhanh chóng đến thế.... Mà chính vì thế, nên tôi mới tìm hết cách để giục giã ông làm việc cho mau chóng hơn lên...

Lê Phong chau mày:

- Cô giục tôi?

- "Giục giã" có lẽ chỉ là một cách nói vì thực ra thì tôi đã được quen ông đâu, nhưng tôi đã có những cách riêng của tôi.Tôi biết rằng ông là người làm báo có tài, một nhà báo có tài trinh thám nữa, nhưng tôi lại biết rằng khi ông theo đuổi một việc ông chú trọng đến báo ông hơn là đến số mệnh của một người bị nạn, một việc ám sát đối với ông chỉ là một cái tin hay đặc biệt, có thế thôi. ông dò xét, ông phán đoán, ông khám phá được những việc bí mật nhất, thế là việc của ông có kết quả rồi,báo của ông có tài liệu rồi; còn ngoài ra, một tính mạng nữa có bị nguy hiểm hay không, ông không cần để ý đến lắm. Tôi không trách ông, nhưng tôi tưởng người ta có thể vừa là phóng

viên vừa là người trừ kẻ gian ác được...

Ngừng một lát, Mai Hương lại tiếp:

- "Khi thấy ông nói chuyện với bác sĩ Trần Thế Đoàn sáng hôm qua, tôi đã biết ngay là sắp có sự lạ. Tôi chợt nhớ đến một việc tình cờ tôi gặp ở nhà dây thép mấy hôm trước, sự tình cờ ấy là một bức điện tín đánh cho một người tên là Nùng Du ở một làng Thổ trên Sa pa. Xin thú thực rằng tính tôi rất tò mò mà thử công việc tôi cho là thích nhất là nghe đánh điện tín. Tôi cứ nghe cũng đủ đoán ra những chữ đánh theo lối morse vì ngày trước tôi có dịp nghe quen... Bức điện tin có mấy lời này:

- Xuân sẽ cùng hạ tuyển thủ gặp đoàn sinh giảng giữa đường

Lúc đó thì bức điện tín tôi coi là bức diện thường nói chuyện thể thao, hay về một việc gì tương tự như thế. Duy chỉ hơi lấy làm lạ rằng sao những chuyện ấy lại đánh điện lên cho một người Thổ và sao ý nghĩa lại quá mập mờ...

Song việc đó tôi quên đi. Sáng hôm qua thấy vẻ lo sợ của Trần Thế Đoàn và lại nghe lỏm được những mẩu chuyện của ông với bác sĩ nên tôi bất giác nghĩ ngay đến những tiếng Đoàn,tiếng giảng và tiếng đường trong bức điện tín. Không cần phải tính kỹ tôi cũng nhận ra đó là một bức thư vắn tắt; cứ việc bỏ cách một chữ đọc một chữ là thấy ngay cái câu ghê gớm! Sẽ hạ thủ Đoàn giảng đường.

"Tuy nó là một sự bí mật quá ngây thơ và rất dễ thấy,nhưng tới lúc đó như thấy cái khiếu trong trí tôi nổi lên, tôi tự bảo tôi rằng dịp may đấy, chẳng khác gì một nhà phóng viên gặp một truyện kịch liệt. Cái khiếu đó - cái thị hiếu kỳ quặc của thứ óc rắc rối của tôi. - Thưa ông Lê Phong, là sự ưa chuyện mạo hiểm và bí mật. Rồi từ đó bắt đầu nảy ra những tia sáng,tôi phác hẳn ra một thiền truyện kỳ dị, một truyện kỳ dị mà có thực và sẽ xảy ra...

"Tôi liền viết mảnh giấy đe dọa ông để cho ông vừa kinh ngạc vừa bị kích thích và chú ý đến việc này một cách nhiệt thành hơn. (Lúc ấy là lúc ông đã biết những điều lo sợ của bác sĩ Đoàn rồi, mà ông chưa chịu đi tìm cách che chở cho Đoàn ngay, ông còn mải viết bài tường thuật).

"Tôi cố ý làm thế nào cho ông vì lời đe dọa mà hoạt động ngay, đừng chờ đợi những việc sắp đến nữa. Không dè việc sắp đến lại đến một cách bất ngờ quá. Đoàn bị giết mà không ai thấy hung thủ đâu, đến ông và tôi là người đã biết trước rồi mà cũng không thể đoán được cách giết người quỷ quyệt ấy. Tôi nghĩ mãi, hết sức dò xét và cũng hết sức điều tra như ông, song không thể nào biết một mảy may vì về phương pháp hành động của hung thủ.

"Vâng tôi cũng điều tra kỹ lưỡng như ông có lẽ lại nhanh hơn ông nữa, vì tôi là đàn bà, lại được cái khéo bắt chước và đóng kịch" cũng khá, nên chả có đâu là tôi không bước đến. Ở tiệm nhảy tôi là gái nhảy, ở tiệm hút tôi là người đàn bà nghiện, ở ngoài đường tôi là một người nửa đứng đắn nửa giang hồ; ở đâu cũng chẳng có ai ngờ chi hết.

"Vì thế mà tôi đò được chỗ hẹn hò của người thổ Nùng Du với tên ba Cụt và nhân thế mà biết tiệm hút Mã Mây chính là sào huyệt tạm thời của chúng. Giá tôi "chì" một chút nữa có lẽ tôi là tình nhân của Lương Hữu cũng nên.

"Trong lúc ấy thì ông vẫn ngờ tôi và chỉ theo đuổi có riêng tôi ông cho tôi là con nữ tặc nguy hiểm nhất. Tôi coi là một cái hội ngộ và nhân lợi dụng ngay sự ngờ vực ấy tôi tìm cách để ông cứ theo đuổi tôi mãi đi... vẽ lên ông sự nghi ngờ đó không có hại mà chỉ tiện việc cho tôi, ông sẽ vì tôi mà tìm ra sào huyệt hung thủ, mà tìm ra một cách rất mau chóng, chứ không thong thả theo cái bước đi thong thả của phương pháp ông vẫn dùng xưa nay".

Mai Hương cười bằng cả miệng cười xinh đẹp của cô. Lê Phong ngồi đối diện, tuy bộ mặt vẫn giữ vè nghiêm nghị, nhưng trong mắt anh lại có những tia sáng rất vui vẻ dịu dàng... Mai Hương nhìn anh một cách ranh mãnh rồi lại tiếp:

- Tôi thấy việc mạo hiểm của tôi vui như một tấn kịch vui,nhất là tự biết rằng chính mình đã làm cho ông Lê Phong theo được ý muốn của mình. Cử chỉ của tôi tức là những liều thuốc kích thích đó. Bức thư đầu ở trường Cao đẳng, rồi bức thứ hai viết trên đường Cống Vọng trong cuộc "săn đuổi bằng ô- tô" rồi cái tin ghê gớm tôi báo cho ông bằng điện thoại, rồi lúc giáp mặt ở gô- đa.... Toàn là những việc đáng cho ông thù tôi, nhưng cũng toàn là những việc tôi cố ý gây nên cả, nhưng tôi không lấy thế làm ngại, có lẽ lại thích nữa, vì nếu tôi không lầm, ông tuy thù nhưng không ghét, vẫn dành riêng cho con bé tinh quái một phần nhỏ trong cảm tình của ông...

Lê Phong hơi đỏ mặt và bất giác mỉm cười, nhìn Mai Hương một hồi lâu, trách:

- Ồ! ra thế kia đấy! Nhưng giá cô cứ cho tôi biết chủ ý ngay có hơn không.Việc gì lại để tôi cứ ngờ vực mãi.

- Thế thì đã chả nên chuyện. Vả lại ồng có để cho tôi ngỏ ý gì với ông đâu. Vả lại nữa, tôi còn có một lẽ riêng, sau này sẽ nói cho ông biết. Vâng, một lẽ rất tha thiết, táo bạo nữa...

Lê Phong ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:

- Tôi hiểu rỏi.

- Ông hiểu gì? Không? Cái lẽ đó, ông không thể đoán được đâu cũng như ông không ngờ được rằng tôi chỉ vụng một chút nữa, là đã làm hại ông rồi. Nhưng may tôi không đến nỗi vụng lắm...

- Cô làm hại tôi?

- Vâng. Ông có nhớ tại sao ông biết tiệm hút phố Mã Mây không? Ông có nhớ lúc chiều hôm qua, tôi vâo nhà báo “Thời Thế”ăn trộm cái kim tiêm của ông không? Rồi sau khi tôi ra,ông có nhớ đến mảnh giấy còn trong phong bì không.Mảnh giấy ấy tôi dùng để chế riễu ông và cũng để ông ngờ rằng tôi vô ý nữa... cái vô ý đó là những chữ hằn lên mặt giấy, những chữ vạch bằng một vật nhọn để ông tưởng rằng tôi vô tình để vết lại đó khi viết lên mảnh giấy khác. Vậy những chữ ấy là những chữ gì?

- R.v. fumerie Mã Mây...

Mai Hương gật đầu:

- Rendez- vous fumerie Mã Mây: hẹn nhau ở tiệm hút Mã Mây? Rõ ràng lắm. Ông tưởng đó là những câu ghi chép hay một mảnh giấy truyền lệnh của tôi cho bọn đồng đảng của tôi phải không? Ông tưởng thế nên ông mới đến tiệm hút Mã Mây định bắt cả tôi lẫn chúng... Mà vì thế nên chính ông đã sa vào lưới của Lương Hữu. Nhưng khi bị bắt, ông không ngờ rằng từ trước tôi đánh tráo cái kim tiêm của Lương Hữu mà hắn không biết. Nếu không thì ông đã bị giết thực rồi... Đánh tráo bằng cách nào? Làm thế nào tôi gần gũi được bọn gian ác kia để làm việc nguy hiểm đó? Kể ra đây thì câu chuyện khí dài quá. Tôi phải sắp đặt mưu mẹo: thực là cả một thiên mạo hiểm tiểu thuyết, nhưng để thong thả sẽ có ngày kia tôi xin thuật lại

tường tận ông nghe. Bây giờ chỉ cần nói để ông biết một điều lạ trong sự thành công vừa rồi... ông nên nhận rằng tôi cũng có một phần công vào đấy...

- Một phần công thôi. Không? Cô có công nhiều lắm...

- Nội bao nhiêu việc ấy tôi làm chỉ do một chủ ý, một nguyện vọng thôi...

Lê Phong chợt ngắt lời:

- Nhưng cô chưa nói tại sao cô lữa cho tôi theo đuổi cô đến Mã Mây, nên mới trốn vào đó để tôi theo và cũng vì tình cờ nên mới gặp người con gái ở đó đi ra. Cô này sau tôi mới biết tí nữa bị tôi ngờ oan!

Lê Phong cười, tiếp:

- Thế ra trong việc này, ngờ vực là một điều tôi không thể nào tránh được...

Rồi yên lặng một lát, Lê Phong lại hỏi:

- Bây giờ thì tôi có thể nói tại sao cô theo đuổi việc này một cách khác thường như thế? Cô có biết bác sĩ Đoàn không?

- Biết nhưng không quen.

- Còn cô Loan?

- Cô Loan tôi cũng chỉ gặp có một bận. Nói mấy câu chuyện với cô là tôi hiểu được cái cớ chủ động vụ ám sát: đó là năm cuốn sách thuốc mua ở Sa pa. Tôi tìm cách ăn trộm về, để xem có điều gì lạ không, nhưng cũng để ông ngờ thêm tôi một lần nữa. Không ngờ năm cuốn sách đó là năm cuốn sách giả, không có giá trị gì... còn như ông muốn biết tại s ao tôi lại dở những trò kỳ quặc kia ra.Tôi xin trả lời: tôi làm thế chỉ vì... nhưng ông thử đoán hộ xem...

Lê Phong không trả lời.

Mai Hương lại tiếp:

- Chỉ vì... như tôi đã nói... tôi muốn cho ông làm việc mau chóng hơn chút nữa. Một vụ âm mưu chu đáo như thế, nếu không tìm cách khám phá cho mau, thì còn tai hại nhiều nữa,mà có lẽ khi biết ra các đầu mối, thủ phạm đã tẩu thoát từ lâu rồi. Ông xem... bao nhiêu trường hợp rắc rối, thế mà chỉ trong không đầy một ngày, ông đã có thể khiến cho cả bọn gian đồ sa vào lưới pháp luật...

"Nhưng... nhưng đó chỉ là một cớ phụ, cái cớ chính của tôi là một điều mong mỏi rất tha thiết... Tôi muốn ông chú ý đến tôi, đến nhưng điều tạm gọi là khó khăn nguy hiểm mà một người thiếu nữ có thể làm được... "

Lê Phong lắc đầu lấy làm lạ nhìn người thiếu nữ, ra ý cố hiểu lời cô ta nói. Nhưng Mai Hương vẫn tươi cười một cách rất tự nhiên. Cô lại tiếp:

- Đó là một cách biểu diễn, một cách trổ tài mà tôi có, và đó cũng là một cách làm một bài thi... một bài thi không có đầu đề.

- "Thôi tôi cứ nói trắng ngay rằng tôi muốn ông nhận cho tôi có đủ sự tinh thông đủ trí xét đoán... Và có can đảm để có thể làm một người... cộng tác với ông.

Đến chỗ này, Mai Hương đưa mắt nhìn Lê Phong một cách e dè và như để dò ý. Sau cùng cô hạ thấp tiếng xuống nói:

- Vâng, một người cộng tác... nghĩa là người... cùng theo đuổi một công việc với ông... Thưa ông Lê Phong, tôi... tôi muốn

là nữ phóng viên cho báo « THời Thế ».

Nói được câu đó, Mai Hương liền im bặt, ngượng nghịu và lo lắng như người học trò không thuộc bài, vẻ lanh lẹ của cô đi đâu mất hết, cô đợi mãi Lê Phong mới thèm hỏi:

- Thế nào? Cô muốn làm nữ phóng viên?

Giọng nói của Lê Phong hình như không được tử tế lắm.

- Tôi hỏi cô: những việc cô làm trong vụ này chỉ cốt để cho  tôi chú ý đến cô ư. Chỉ cốt cho tôi nhận cô làm nữ phóng viên cho “Thời Thế ”.

Người thiếu nữ se sẽ gật và se sẽ thưa:

- Vâng...

- Cô thích làm báo đến thế kia ư?

- Vâng, thưa ông, làm báo, làm phóng viên đó là cái nguyện vọng của tôi, của một tâm hồn ưa mạo hiểm. Bao lâu nay tôi hằng mơ ước rằng sẽ có một ngày kia được đeo máy ảnh lên vai, mang cuốn sổ dưới tay và đi hết chỗ này đến chỗ khác, khi phỏng vấn, khi làm phóng sự, khi theo những việc lạ các nơi xa lạ. Thí dụ như điều tra về các điều thầm kín, về các xứ Mường Mán hay dò theo dấu vết của những người buôn lậu,người thám hiểm hay tìm vàng. Rồi...

Giọng nói của cô mỗi lúc một thêm hăng hái, đôi má ửng đỏ đôi mắt lóng lánh khiến cho cô lại đẹp hơn lên...

" Rồi khi nào gặp một cái án mạng ly kỳ như vụ án mạng Trần Thế Đoàn chẳng hạn, tôi sẽ được hợp lực với ông Lê Phong. Mai Hương sẽ cùng với ông Lê Phong cùng điều tra,cùng khám phá, rồi cùng viết bài tường thuật trên báo "Thời Thế" và dưới nhưng bài đó sẽ ký... Lê Phong và... Mai Hương...

Lê Phong đứng lên cười, rồi bước lại gần cô. Anh nhìn cô

một cách tò mò, lắc đầu và nói:

- Không! Phải ký Mai Hương và Lê Phong mới được: vì đối với người đàn bà, tôi rất có lễ phép, nhất là khi người ấy thông minh như cô.

Mai Hương không thể nén được nỗi vui sướng. Cô reo lên:

- Ô! Thế ra ông nhận rồi, ông nhận cho tôi làm nữ trợ bút.

Lê Phong gật...

- Làm nữ phóng viên cho  “Thời Thế”?Lê Phong gật.

- Và cộng tác với ông?

Lê Phong lại gật.

T- hế thì còn gì hơn nữa... Này, ngay từ hôm nay ông với tôi sẽ giúp cô Lý Tuyết Loan tìm sự bí mật trong năm cuốn sách của bác sĩ Đoàn, sẽ cùng đi tìm kho của ở thượng du... và sẽ đăng cái việc ly kỳ ấy lên báo...

Lê Phong gật nhưng anh mỉm cười ý nhị và nói:

- Trong lúc chưa tìm được kho của, tôi đã tìm được một thứ của báu cũng quan trọng như thế... có lẽ lại hơn thế... tức là cô Mai Hương...

Mai Hương cúi đầu mỉm cười, nhưng đôi mắt đưa lên nhìn Lê Phong, có vẻ tình tứ và... ranh mãnh.

Thế Lữ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...