Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

 

Một Truyện Báo Thù Ghê Gớm

Chương I

Phải, thực là một truyện rất ghê-gớm, rất lạ-lùng. Mà lạ-lùng ghê-gớm nhất là vì có thật, không huyền-hồ như bao nhiêu truyện ma truyện quỷ, đã làm cho người nghe phải sởn gáy rùng mình.

Ông cụ nói cho mấy ông người làng nghe đến đó, thì ngừng lại, uống cạn bát nước chè tươi, hút xong một điếu thuốc lào; hắng giọng một cái rồi lại tiếp:

– Tôi bình-sinh nghe đã lắm truyện lạ, tôi không hề sợ-hãi, vì không tin những điều vô-lý hoang-đường. Nhưng mà đến câu truyện này thì lại khác… Bởi chính tôi được chứng-kiến, chính tôi phải một phen nguy-hiểm, chính tôi là một người trong truyện này đây! Các ông ạ, mỗi khi một mình trong lúc đêm khuya thanh-vắng mà nghe thấy tiếng ếch-nhái nó ỳ-oặc nghiến răng, tôi lại nhớ đến truyện trước. Bên tai như nghe thấy tiếng người chết nó cười, nó kéo nhau từng đàn từng lũ đến bên giường tôi nằm mà nhao-nhao lên nguyền rủa tôi…! Không thể nào quên được! Tôi phải một phen sợ quá, hầu như mất hết hồn vía ; còn sống lại đây là chỉ để làm cái kho chứa bao nhiêu điều quái gở tôi trải qua thôi.

Năm Minh-mệnh thứ sáu, tôi lạc kỳ thi Đình lần thứ hai, bấy giờ mới có hai mươi mốt tuổi. Hai kỳ thi hỏng nhà lại nghèo; phần thì chán-nản, phần thì không đủ tài lực cố gắng  đợi đến khoa sau. Nhân trước có tập-tành cung kiếm là những món hợp với chí-hướng mạo-hiểm của tôi, tôi quyết chí bỏ làng đi phiêu-lưu cho thỏa lòng mong muốn. Các bạn đồng-niên ai cũng khuyên tôi ở lại. Tôi không nghe, mặc họ ở nhà kiên lòng với văn-chương kinh sử….

Nay đây, mai đó, sau mới nhất-định ở trong một làng gần rừng trên miền Lạng-sơn. Tôi ưa ở đấy vì trong cái phong-thổ rừng thiêng, nước độc lại còn ẩn bao nhiêu điều quái gở ly-kỳ. Lần đầu, bước chân vào đất lạ chỉ nghe thấy toàn cái kinh người cả: nào truyện ma gà, truyện hùm tinh, truyện lợn biết hát, truyện thần rắn, truyện Mán ăn thịt người.

Làng ấy gọi là làng Khau-dé.Tiếng rằng gọi là một làng, song chỉ lác-đác mấy nóc nhà cỏ là nhà những người Nùng sinh-nhai về nghề đi săn thôi. Người Nùng săn rất giỏi, rất nhậy. Cuộc đi săn của họ rất nguy hiểm mà lại cực kỳ vui. Tôi ở với  họ đã gần hai năm lấy làm thú lắm, không muốn đi đâu nữa. Thường thường chúng tôi đi săn ở những miền gần đó thì chia ra từng bọn ba bốn người vào một rừng. Khi nào đi săn ở rừng xa, rừng dữ, thì cả làng cùng đi. Lần ấy định săn ở mãi mạn Mùng-sa, Mùng-sáy. Sáng hôm đi, hơn hai chục người tay lao tay nỏ, cơm nước xong đâu đấy, mỗi người đeo thêm lương-thực đủ dùng trong mười ngày. Đầu canh tư bắt đầu đi. Gặp những cuộc này tôi hăm-hở lắm, vì một năm họ mới đi như thế có một lần.

Đi từ canh tư đêm hôm trước đến quá canh năm đêm hôm sau thì đến chỗ săn. Chúng tôi  không ai nghỉ chân cả, vào ngay trong rừng tìm chỗ để làm chòi. Chúng tôi định ăn ngủ trong rừng cho tiện. Tìm được chỗ tốt đang chia tay nhau người đẵn cây, người mang lá, thì một người trọng bọn tìm thấy một tòa cổ-miếu ẩn trong đám cây cối ùm-tùm. Chung quanh có quây tưòng, nhưng tường đã đổ nát. Qua tường thì đến miếu. Miếu đã xiêu vẹo, không còn dấu hương khói của người đến phụng thờ. Trước miếu có sân rộng. Gạch ở sân hầu hết bị bẩy trồi lên, rêu phong với lá chen phủ kín gần khắp. Tôi còn đứng xem mấy chữ đại-tự, chưa thể đoán biết là «Mai-hoa-tự» hay « Hải-hoa-tự» hay « Mẫn-hoa tự » vì chữ đã nhòe, và chưa hiểu miếu đó thờ ai ; thì có người bàn nên dùng chỗ này, đắp thêm đất cho cao tường để làm nơi ăn ngủ. Mọi người đều khen hay. Chúng tôi liền đem cây và lá đã đẵn được làm thành cái nhà một gian có cửa phên rất chắc-chắn. Làm xong cùng ngả lương ra ăn uống rồi vun thêm lá khô bên ngoài trải lên đất mà nghỉ ngơi.

Đi đường tuy mệt, tôi cũng không muốn ngủ. Một mình ra ngồi trước cửa, vừa xem những bầy khỉ trên cây nó lấy làm lạ mà dòm nghé vào gian nhà mới của chúng tôi, vừa nghĩ ngợi vẩn-vơ. Bỗng cái bụm cây trước mặt sột-soạt, tôi giật mình. Nhìn kỹ thì như có một con vật rẽ lá cây mà tiến đến! Tôi sửng-sốt, vào trong lều. Các bạn săn còn ngủ cả. Tôi không đánh thức, vớ lấy cái nỏ chĩa vào bụm cây sắp bắn ra thì lại không thấy động nữa. Nhưng có tiếng chân chạy. Bước chân nghe một ngày một xa dần. Có lẽ không phải là thú dữ, thật phải là giống ấy tất xông vào mà bắt tôi rồi. Tôi liền rẽ ngang theo tiếng chân dẫm lá của con vật mà đuổi nó. Thoáng một cái trong đám cây lá, tôi thấy bóng một người. Tôi không trông rõ mặt: người ấy lẩn mau lắm, mà lại cách xa tôi. Chỉ biết là người to béo, mặc quần áo lam, lại có đuôi sam. Tôi đoán ngay là một người Khách. Nhưng quái lạ! Người ấy là ai? Mà người ấy đến chốn nguy hiểm này làm gì? Có lẽ là người đi săn? — Người Tàu không bao giờ họ săn ở đây. Mà có đi săn chăng nữa tất có bọn, chứ không ai dám đi một mình… Mà không biết vì sao hắn thấy tôi lại trốn chạy? — Hay là quân cường-bạo? – Hay là tội-nhân vượt tù? – Hay là người bị tróc-nã truy-tầm gì đây chăng?

Tôi vừa quay về vừa nghĩ thế, thỉnh-thoảng vẫn ngó lại đàng sau. Về nhà ngồi nghĩ mãi vẫn không thể đoán ra người lúc nãy là người thế nào. Bọn người Nùng ngủ dậy, tôi đem việc ấy kể cho họ nghe. Không ai muốn tin tôi, bảo tôi rằng không đời nào có người dám táo tợn mà vào trong núi ghê gớm này như thế. Tôi nói là chính mắt tôi trông thấy nó, chính mắt tôi trông thấy người Khách, tôi lại cầm chính cái nỏ này đuổi theo kia mà. Họ vẫn chưa chịu tin, chỉ có một vài người đoán rằng: «Hẳn trước đây, có anh Khách đi qua rừng một mình rồi chết ; vong-hồn không đi khỏi, giờ thành ma hiện lên để trêu tôi.» Rồi mọi người nhất định tin là thế. «- Phải, phải. Ma Khách đấy, ở rừng thì nhiều ma lắm, nhưng đừng sợ nó thì nó sợ mình.» Tôi không chịu lời họ nói, nhưng cũng không cãi cố làm gì. Bỏ truyện đó một nơi rồi sửa soạn cung nỏ để đêm đi săn mãnh-thú.

Chúng tôi ở trong rừng đã được ba hôm, ngày thì ngủ, đêm lại đóng cửa để đi săn. Săn có hai đêm trời mà được ba con cọp lớn với năm con hươu đem về lột lấy da và róc lấy cốt. Còn thịt thì một nửa đem phơi khô, một nửa nướng lên ăn với lương thực. Ai cũng vui vẻ lắm, thường cười nói với nhau rằng: «Trời giáng thiên tai cho rừng này, nên sai toán thiên-tướng chúng ta xuống sát phạt một mẻ ».

Chiều ngày thứ ba tôi thức dậy trước nhất, vừa bước chân ra khỏi miếu, vụt đã thấy bóng người Khách kỳ-lạ hôm đầu. Lần này thì tôi trông thấy mặt, nhưng hắn lủi ngay mất.Tự nhiên tôi nổi lên giận lắm, tức-khắc lấy cung tên miệt đuổi theo. Tôi không cần gọi đến người Nùng, cứ đuổi một mình, hễ trông thấy thì là thằng Khách hay ma Khách tôi cũng bắn chết. Tôi chạy sấn vào lối hắn lủi được một lát thì đã trông thấy hắn chỉ còn cách tôi độ hai mươi bộ. Tôi không để cho hắn rẽ vào đám cây mất, vội giương cung bắn, bỗng rắc một cái như cành khô gẫy, thằng Khách đã đâu mất. Rồi từ phía đó, một con trăn rất to bò lại gần tôi. Phát tên tôi buông không trúng nó, rút bắn phát nữa thì không kịp nào, tôi phải quay đầu chạy. Lúc gần đến miếu, tôi liền kêu lên để gọi bạn săn. Bạn săn đã dậy cả. Nghe tiếng tôi đều chạy ra, mỗi người tay đã cầm sẵn lao với nỏ. Con trăn hình như không trông thấy người, cứ tiến. Chúng tôi liền xúm nhau xông lên, bấy giờ nó mới vùng tìm đường trốn chạy. Bằng ấy người đuổi đón một độ rồi đâm chém chết ngay.

Người Nùng hỏi tôi sao lại đi ra ngoài sớm thế. Tôi thuật chuyện đuổi thằng Khách cho họ nghe. Họ cười ồ cả lên rồi nói:

– Nó là ma đấy, sao lại đuổi nó? Nó đây rồi, con ma ấy đây rồi.

Vừa nói, họ vừa chỉ vào con trăn vừa vỗ vai tôi:

– Con ma ấy nó nhập vào con này, bây giờ con này nó chết, con ma nó cũng chết.

Thằng Khách lại là con ma? mà con ma lại hóa con trăn? Quái lạ! Tôi trông xuống thì hai mắt con trăn vẫn mở, như còn hằn-học nhìn tôi trừng-trừng. Tự-nhiên rợn người lên một lát, có lẽ là ma thật rồi! Lúc nãy rõ ràng trông thấy thằng Khách chạy, chỉ tí nữa mũi tên của tôi bắn trúng, thì lại thấy mất, rồi thấy hiện ra cái quái vật này. Có lẽ là ma thật. Tôi vốn không tin ma quỷ, bây giờ cũng đến phải gượng tin.

Nhưng ma hay là rắn, tôi cũng thoát khỏi nguy rồi. Còn người Khách kia là người hay là yêu-tinh tôi cũng không cần để ý tới nữa. Người Nùng nói có lý: « Đuổi nó làm gì, mặc nó. Nó có tự nhiên làm hại đến mình đâu.»

Mọi người vừa lôi con trăn vừa gật-gù bảo con trăn này lắm mỡ đem về ép hẳn được nhiều dầu ; da lại bền, lát mặt trống hay bịt chuôi dao rừng đều tốt lắm. Bấy giờ tôi ngẩng trông về cửa miếu, hốt nhiên kêu to lên một tiếng. Tôi thoáng thấy thằng Khách vừa lẻn vào! Các người Nùng giật mình ngạc-nhiên hỏi:

– Lại cái gì đấy?

– Thằng Khách!

– Thằng Khách làm sao?

– Nó vừa vào trong miếu!

– Không có gi đâu mà, không có gì đâu, anh trông lầm đấy!

– Không. Chính nó! Chính nó! Tôi trông thấy chính nó!

Rồi tôi xăm xăm chạy về, chợt chột dạ, giục họ mau cùng đi. Họ vẫn chùng-chình vừa lắc đầu vùa nói:

– Đã bảo không có gì mà sợ gì mới được chứ!

Tôi bực quá:

– Thì cứ về mau xem nào, chả lẽ tôi mơ hồ đến thế.

Họ nể lời liền rảo chân theo tôi, tôi liền vung thanh dao xông vào trước, bắt cho được thằng Khách cho người Nùng mất nói là ma. Kỳ lạ quá! Nhà vẫn vắng, đồ đạc vẫn nguyên, sục tìm từng li mà không thấy thằng Khách đâu cả! Ô hay!Tôi đã yên chí thằng Khách là con trăn rồi. Nay thấy nó đến, tìm nó nó lại biến mất. Tôi kinh ngạc không xiết nói, mà các bạn săn thì cứ một mực rằng: « Đừng sợ nó, ma không bao giờ dám làm chết những người thật thà. »

Tôi  không hiểu những việc xảy ra là nghĩa-lý gì nữa, ngồi bực-dọc một mình một xó, mặc họ hỳ-huych lột da con trăn. Họ thấy tôi thế, thấy một người ngay thẳng, can-đảm như tôi, mà băn-khoăn quá như thế, thì vùng phải tin những điều tôi trông thấy là việc phi-thường.

Sau có người đồ chừng là ông Thần ở cái miếu này thấy mình đến ở thì giận, nếu mình cúng bái mà xin, tất không việc gì ngay. Trong bọn có người làm thầy “Then” cho là phải. Liền đốt lửa ở trong miếu và gõ thanh-la cầu khấn ông “Thẻng” ông “Thần”, xin ông “Thẻng” ông “Thần” đừng giận dỗi người đi săn làm chi, vì người đi săn giết nhiều hổ, nó khỏi làm hại đến con đến cháu người Nùng, nó khỏi ăn trộm mất con lợn, con bò của người Nùng ; xin ông “Thẻng” ông “Thần” cho người Nùng ở miếu.

Cúng xong, các người Nùng lại nói đến truyện săn, không ai còn quan tâm đến việc thằng Khách hay ông ông “Thẻng” ông “Thần” nữa. Vì gặp một việc phải điều ngăn trở cho công việc họ, thì họ giết chết người làm ngăn trở ấy đi. Nếu lại là thần-nhân xui nên thì họ lạy lục, kêu nài, khấn khứa. Đã cầu khấn là họ yên lòng rằng thần-nhân nghe ngay rồi. Phần tôi, tôi không yên lòng được như thế, nhưng cũng ra bộ không lo ngại gì, sợ họ lại cười mình là nhút-nhát.

Chiều tối hôm ấy ăn cơm, họ bảo tôi  uống rượu đi cho vững chí. Tính tôi không hay rượu, nhưng bữa này cũng uống chơi. Vả rượu của họ làm họ dùng như cơm bữa mình có uống chút ít cũng chỉ thêm phần hăng cho sức mình. Uống rượu quả thấy khoan-khoái, cũng sẵn lòng vui cười không còn lo sợ điều chi. Mình lại tự nhủ: Ừ việc gì mà nghĩ ngợi? Mình là người chính-trực, không làm hại đến ai, thì dẫu có ma-quỷ thật chăng nữa, nó cũng không dám phạm tới minh… Nhân vui chén uống mãi sợ uống nữa thì không đi săn được. Tuy vậy cũng đã quá say rồi, ăn được chút cơm chỉ chực những nôn ra hết. Một người bạn săn thấy thế phải vực tôi nằm yên một nơi.

Chương II

Tôi ngủ quên đi không biết được bao lâu, song lúc giật mình dậy thì đã khuya lắm. Trong lều tối đen như mực, không biết mình nằm ở chỗ nào. Bấy giờ đã tỉnh rượu. Sờ quanh mình thì thấy nằm lên đám lá khô, bụng đắp một manh chiếu cói. Nằm rốn một lúc, mở mắt to cố nghĩ xem cửa ở phía nào. Bạn săn có lẽ đi đã lâu lắm, thử nghe xem có thấy tiếng tù-và và tiếng thanh-la không. Tịnh không. Trong lòng tôi tự nhiên thấy ghê sợ, như bị bỏ vào chốn ngục tối có nhiều cái quái-gở mà không ai cứu mình, tôi lại nhớ đến thằng Khách, nhớ đến con trăn lớn, nhớ đến những việc dị kỳ…. Nghĩ cứ giận người Nùng nỡ để tôi một mình trong chốn này. Song có lẽ vì tôi say rượu quá, họ biết không thể đi săn với họ được nên cứ để tôi ngủ yên. Nhưng mà nào có yên được! Đối với việc bí-mật này tôi có dửng-dưng hoài như người Nùng đâu …..

Bên ngoài như có tiếng chân se-sẽ bước đến. Tôi lắng tai nghe: tiếng chân bước ra dáng rón-rén, tôi chỉ hơi nghe thấy lá khô bị xéo rị xuống một cách rất êm và rất khoan thai. Kế đến một tiếng kẹt nhỏ, rồi thấy ánh lửa xiên qua kẽ phên, như có ai cầm đuốc đứng ngoài. Cửa phên từ-từ mở. Một cái tay to tướng nắm bó đuốc đưa vào, rồi cả người lọt vào.... Ai? — Thằng Khách!

Tôi tái hẳn người đi …. sẽ kéo chiếu lên gần mắt, rồi nằm thu hình lại cho nó không biết rằng có người trong này. Cũng may bấy giờ tôi nằm ở một góc miếu, sau mấy nải lương khô ; từ chỗ đó có thể trông thấy cử chỉ của thằng Khách mà nó không trông thấy được tôi.

Thằng Khách đưa cao bó đuốc nhìn khắp lều một lượt, yên chí rằng họn đi săn không còn một ai. Nó cắm bó đuốc xuống một kẽ gạch, rút ở lưng ra một con dao dài. Trống ngực tôi đánh mạnh lắm, không biết nó có nghe tiếng hay không mà tôi thấy nó nhìn về chỗ tôi ẩn. Rồi từ-từ đi lại, lôi mấy nải gạo vất đè lên mình tôi và ướm con dao dài trông vừa to vừa sắc… Trời ơi! nó đã đưa con dao lên! Tôi không còn hồn vía nào nữa… Toan vùng ra chạy, nhưng bị hai nải gạo nặng đè lên mình thì con dao đã thấy cắm bỏ xuống ngay bên cạnh. Thằng Khách cúi xuống, mặt nó sát gần với mình tôi, bấy giờ đang lúi-húi vun lá khô với đất vụn ra một chỗ. Tôi liếc mắt nhìn xuống thì thấy nó đã cầm lấy chuôi dao bẩy lên được một hòn gạch to bằng non nửa cái chiếu. Phiến gạch đã bẩy lên được, tôi xem ra thì là cửa một cái hầm.

Tôi nằm chỗ ấy không dám thở nữa, người cứng đờ ra như cây gỗ ; chỉ sợ nó mà trông thấy, thì một nhát dao kia là đi đời. Nhưng biết trước rằng thế nào rồi nó cũng trông thấy, vì chốc nữa nó đem bó đuốc lại gần để soi xuống hầm, mà mặt tôi thì sờ-sờ ra đó, thoát sao cho khỏi được đôi con mắt sáng quắc như hai lưỡi gươm kia.

Lúc thằng Khách nâng đươc phiến gạch đặt ở bên cửa hầm thì bưng cái nải gạo trên bụng tôi lăn xuống. Tôi đã tưởng nó biết, nhưng nó vô tình, bỏ nốt một nải gạo ra chỗ khác rồi lầm-bầm vừa nói vừa lách ra cửa phên. Tôi đồ chừng nó còn muốn ra khuân xuống hầm một vật gì nữa. Trong cái khoảnh khắc thằng Khách vắng mặt ở đây, tôi liền lật chiếu vùng dậy. Chưa kịp nghĩ gì hết, hãy vội vớ lấy cung tên treo ở tầm tay, còn đương bối rối thì cửa phên lại cọt-kẹt. Túug-thế tôi định trốn xuống ngay cái hầm đó ; cái tiếng nải gạo rơi xuống trước, nghe gần lắm, hầm tất cũng không sâu ; nghĩ thế, tôi liền lẹ chân nhảy xuống. Trong trí bấy giờ đã tính trước rằng nếu không tìm được chỗ khuất, nếu thằng Khách xuống hầm còn có thể vớ được tôi, thì lừa lúc anh chàng bất ngờ, cắm ngay cho mấy mũi tên sắt này vào gáy là rảnh chuyện.

Tôi xuống hầm rồi, quơ tay tìm lấy một chỗ nào liệu chừng ẩn được. Nhưng sờ-soạng mãi mà chẳng tìm thấy. Trong nơi đen tối ấy, trông lên thì chỉ thấy có một khung ánh sáng lửa vuông: chỗ đó là cửa hầm. Cứ nhin cái cửa hầm này cũng đoán biết thằng Khách làm gì trên ấy. Bó đuốc cắm ở giữa lều chừng như thằng Khách đã cầm lên, rồi soi tìm khắp mọi chỗ ; vì cái ánh sáng ở cửa hầm, lúc tỏ lúc mờ, lại có lúc gần tối hẳn. Có lẽ thằng Khách soi móc ở tận trong khe trong ngạch hay đem hẳn bó đuốc ra ngoài. Sau cùng, tôi trông thấy cả ngọn lửa. Thằng Khách đã cắm bó đuốc ở bên cửa hầm, rồi thấy đưa một cái thang nhỏ xuống. Nhờ có sáng, tôi liền nấp ngay vào một cái hõm đất gần đó, mà lúc nãy chưa tìm ra. Lúc cùng thì chẳng kịp suy nghĩ, thấy chỗ kín đáo thì chui liền, không biết có yên hay chăng.

Vừa nép mình vào đó thì đã thấy thằng Khách xuống thang. Nó xuống thang lại phải dò từng bực, như miễn cưỡng bị ai bắt xuống, thì ra vai nó mang một bao gì to nặng, với một bọc nhỏ buộc ở một bên. Thằng Khách cắm bó đuốc một nơi, rồi đặt cái bao xuống trước một cái bệ đất, trên có đủ các đồ thờ bấy giờ trông không rõ ràng vì tôi đứng cách bệ chừng ngót hai mươi bộ, mà cái đuốc lại gần tắt, không đủ soi khắp được cái hầm. Thằng Khách sau khi đã đậy nắp hầm lại cẩn thận, liền đi mở bọc lấy ra vàng hương xếp cả lên bệ, rồi đốt bốn cây nến đỏ và cắm hương vào bình. Lúc đó tôi mới có ý xem xét.

Hầm này không biết đào từ đời nào, cũng không biết đào trong bao lâu mà rộng-rãi được đến thế — chu-vi đến ngót hai miếng (Mỗi miếng là 36 thước vuông) — bề cao một người lớn đứng dơ tay chưa với được trần. Mấy cây nến thắp trên bệ thì khuất sau nhũng bình hương và cây đèn, trong hầm vì thế chỗ tối chỗ sáng. Những bóng tối của cái đồ vật ngữ trước lửa nến trông vừa to vừa ngoằng-ngoẵng dài, ngọn lửa lại bập-bồng không yên hẳn, thành ra bóng tối theo đó mà cử động trông như hình thù những giống yêu-quái đang chập-chờn trong một chốn yên lặng âm-u. Không-khí trong hầm lại khó chịu lắm. Hơi lá mục, hơi đất ẩm xông lên rất nặng-nề, mà lẫn với mùi hương nến đang cháy lại có mùi như mùi cá ươn, cóc chết hay mùi  rác để rữa nát ra lâu ngày ở dưới ruộng hôi.

Phía trước cái bệ có một phiến đá lớn, đó là chỗ thằng Khắch đang lom-khom quỳ đàng sau cái bao nó đem xuống. Vách hầm bên tả có treo mấy thanh mác cực lớn. Sát vách bên hữu một bản gỗ to, dầy dựng đứng ; trên bản gỗ lủng-lẳng những móc, xích treo lên trần dưới chân bản gỗ nằm ngổn-ngang những dây thừng và dây trão. Trước hết tôi cho chốn này là sào-huyệt của một bọn giặc cướp nào. Từ lúc vào đây vẫn thấy thằng Khách quỳ trước bệ, như khấn-khứa thầm-thì gì, lại thấy nó đem cái bao, thì tôi đoán ngay ra có lẽ là bao vàng bạc mà bao vàng bạc đó tất là của ngấm-ngầm của thằng Khách, chừng nó đem xuống hầm định để giấu-giếm chi đây. Có lẽ thế thật. Có vàng bạc mà đem giấu tất phải cẩn mật lắm. Những điều lạ-lùng của thằng Khách mấy ngày kia cũng là việc thường. Thế thì tôi chỉ có việc đợi cho nó cất xong bao của, là tôi thoát thân. Tôi nghĩ vậy, nên kiên lòng mà vừa chờ vừa xem.

Sau khi thằng Khách cúng ông Thần – tôi cho là ông Thần-Tài của nó rồi, nó bèn lôi cái bao ra giữa phiến đá. I.ấy dao rạch ngược cái  bao lôi ra ít vải rách ý chừng để lót cho không ai biết được là bao vàng. Nhưng lạ thay! cái bao không phải là bao của, khi hắn cởi mảnh vải xanh bọc trong cùng ra thì lại là một người con gái Khách. Trạc người này độ mười tám, hai mươi tuổi, mặt xanh nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, nhìn kỹ thì như thoi-thóp thở. Thằng Khách vẫn để nằm đó, mở bọc lấy một bầu gì đổ cho vào mồm, rồi ngồi một bên như đợi cho tỉnh dậy. Tôi đang yên lòng để chờ những việc tôi đoán trước, nay thấy thế, bỗng nhiên lo sợ, lại sực nhớ đến một câu chuyện đã khiến cho tôi kinh khủng, mà cũng là thứ truyện người Tàu giấu của.

Các ông hẳn cũng nghe thấy nói đến các lối người Tàu họ giấu vàng ở nước ta, mà cách ghê gớm nhất là bắt một người con gái, gắn trám đường vào mồm, mà chôn sống ở trong miếu riêng hay trong hầm để làm Thần giữ của.Vậy thì thằng Khách đem người con gái kia vào chốn bí-hiểm này làm gì, chẳng phải là để khóa miệng một cách thái ác rồi bắt chết đói ở đây sao? Duy chỉ có một điều tôi lấy làm lạ là sao người con gái ấy lại là người Trung-quốc, vì «thần giữ của» của người Khách vẫn là con gái An-nam kia mà.

Người con gái dần-dần tỉnh dậy, ngơ-ngác một lát, khi nhìn thấy thằng Khách thì sợ lắm, ôm mặt lùi lại đàng sau. Thằng Khách cầm ngay lấy hai tay mà cười ha-hả, rồi bỗng nghiến răng trợn mắt chỉ lên bàn thờ nói lớn một thôi một hồi những câu tôi không hiểu là gì. Người con gái cố vùng ra chạy, thằng Khách nhảy một cái nắm lôi lại rồi vung cho ngã xuống trước bệ thờ, lại nguyền rủa những lời rất độc. Người con gái lại ôm mặt khóc, vừa khóc vừa nhắc đi nhắc lại có mấy tiếng tôi không biết nghĩa, song mang-máng như là: «Ngổ, ngổ….ngổ…ngỏ, cái gì..chồi cô …».Thằng Khách thấy thế, liền trõ cái mặt ghê gớm vào mặt người con gái, nắm tóc bắt ngẩng lên mà nguyền rủa một mẻ nữa. Đoạn rồi lôi cô ta đứng dậy mà toan lột quần áo cô ta ra. Người con gái hết sức vùng-vẫy. Dằng co một lúc, thằng Khách tức mình liền cầm tóc kéo đến bản gỗ dựng, trói dang hai tay vào hai dây xích treo trên trần, và hai chân xuống hai cái móc dưới đất. Trói xong, vừa lảm-nhảm hục-hặc nói, vừa xé dứt hết quần áo lột trần người con gái ra, mặc cho người con gái kêu gào.

Bấy giờ tôi đứng trong xó, vừa lo vừa giận, chưa biết thằng Khách còn hạ những thói đê mạt độc-địa đến thế nào. Chân tay tôi run lẩy-bẩy, tuy có cung tên mà không dám dùng: lỡ bắn sai thằng Khách mà trúng vào cái thân lõa-lồ ở dưới ánh-sáng tù-mù của mấy ngọn nến kia chăng. Không những thế, thằng Khách này nó biết tất tính mệnh tôi cũng khó toàn. Trông người con gái thảm hại quá, vừa khiếp sợ vừa thẹn-thùng ; kêu gào cũng không khỏi, van vỉ cũng không xong ; nét mặt lộ ra điều tuyệt vọng, vì chắc chẳng còn ai đến mà cứu được cho thoát khỏi chốn này.

Thằng Khách lột hết quần áo xong, đứng đó nhìn người mà cười lạt một cách đến đáng ghét. Tôi đoán ngay ra rằng trước nó hiếp người con gái không được, nên đem cô ta đến đây mà cưỡng-dâm… Mấy phen tôi giương cung chực bắn, mấy phen lại ngại-ngùng không dám buông tên… Vì cơ-sự thế, vì cảnh-tượng ấy, tâm thần tôi không định, cái phát tên buông ra một là giết người con gái, hai là như tôi đã nói: hại lây cả đến tôi.

Tôi khó nghĩ quá: liều chết để cứu — mà liệu đã cứu được cho tấm thân người con gái khỏi phải nhơ-nhuốc vì con vật kia không ? Đứng đó mà coi cái công việc đốn mạt nó sắp thi-hành ư? …. Thằng Khách đã đến gần sát người con gái…Người con gái đã khóc không lên tiếng….Tôi bối rối lắm, quay mặt đi, không nỡ nhìn cái cảnh-tượng nhễ-nhại như kia. Chợt tỉnh ngộ lại, tự cho mình là đồ hèn-nhát không đáng làm một người con trai. Liền tay nắm cung, tay đặt tên, chỉ một vài bước nhảy là sẽ đối mặt với loài dê chó, được hay thua phó mặc tay trời.

Tôi ngoắt quay mình ra, lấy làm kinh lạ. Thằng Khách lại thấy nằm phục trên phiến đá, không cử động gì. Dần-dần hai vai run-rẩy nhịp với tiếng rưng-rức khóc trước nhỏ sau to, rồi bỗng òa lên khóc lớn. Tiếng khóc nghe ra thảm thiết, cay đắng, như bị xé bào gan ruột; vừa khóc vừa đen-đét vỗ hai tay lên phiến đá trước bệ thờ. Từ ngọn nến đang bập-bồng cho đến các hình-ảnh đồ vật trong cái hầm bí-mật ấy, cùng như vì tiếng khóc mà bị xúc động… cùng có một cảm-giác, một tính-tình như tôi. Tôi kinh-dị lắm. Nghe tiếng khóc càng lớn, tôi càng thấy hình như trời đất điên đảo, sắp đổ xuống làm sụp cái hầm nàv, mà chôn tươi vùi sống ba nhân-mạng, mà lấp đi cả thằng Khách, người con gái, lẫn tôi! Trong có chốc lát thời-giờ tôi đứng trong cái hầm ấy tôi thấy biết bao nhiêu điều kỳ-quặc, mà mau chóng đến nỗi trí tôi không thể kịp suy-lường. Lúc cho thằng Khách là người gian, lúc cho nó là yêu-quái, lúc thì chẳng hiểu, chẳng nghĩ, chẳng ngợi gì ; lại có lúc không tin được rằng mình ở trên trần-thế nữa! Trước cái hiện-tượng nhanh chóng lạ-lùng giống hệt với một giấc mơ dữ-dội ấy, ai là người chả phải nát lòng! Tôi đi săn, thường gặp những lúc hổ-báo nó nhảy chồm lên tôi, mấy phen suýt chết vì mãnh-thú ; nhưng tôi đều coi là việc thường, ngay trong lúc lâm-nguy mà trí vẫn tinh-tường, vẫn vững-vàng gan, không bao giờ khiếp-nhược. Ấy cũng vì những nạn ấy có đáng sợ thật, nhưng thường xẩy ra luôn, người đi săn ai cũng đã qua, ai cũng sẵn chờ tới những lúc đó. Nhưng mà việc này thì khác xa. Thực tôi không khi nào lại có ngờ gặp những cảnh-tượng đến như thế.

Thằng Khách khóc một hồi lâu lắm rồi vùng đậy, lấy ở đâu được ba bốn cái roi. Người con gái kêu lên những tiếng rất đau đớn suốt từ đầu đến chân bị thằng Khách đánh không lúc nào ngơi tay. Vừa quát vừa đánh, như muốn nhồi nhét bao nhiêu câu nguyền rủa hằn-học vào những vết máu lằn lên chiếc thân người con gái yếu-ớt kia. Đánh chán, lại lấy một nắm lá gì tợ như lá trúc-đào vò ra mà xát vào những lằn roi đó. Người con gái thét lên một tiếng rất lớn rồi gục đầu xuống ngực, lịm bặt người đi. Trong hầm vừa dứt tiếng kêu của người con gái, lại vang lên tiếng thằng Khách vừa vỗ đá, vừa líu-lo, vừa khóc, vừa gào.

Thằng Khách khóc chán, lại xỉa-xói người con gái vẫn bất tỉnh hồi lâu. Dần dần cô ta mở mắt cất tiếng rền-rĩ rồi như kêu van thằng Khách, nhưng nó cứ xỉa-xói hoài. Đợi người con gái hồi tỉnh lại hẳn, nó mới dơ một con dao nhọn, nói những câu đe nạt, làm cho người con gái nghe thấy mà rùng mình.

Nói xong, tôi thấy nó cầm một nắm đến ngót chục con dao nhọn cũng sáng quắc như con trước dơ lên. Người con gái vừa rú lên một tiếng thì một con đã vụt cắm vào sát bên sườn. Nó ném mấy con sau cũng thế: chỉ sát vào da thịt, chớ không hề phạm tới trong người. Con thì cắm ở bên cổ, con thì cắm ở dưới nách, con thì cắm sát bụng dưới, con thì cắm ở hai bên đùi, con thì chỉ một ly nữa là làm cụt mất bên tai. Chắc hẳn thằng Khách dọa giết nhưng chưa thèm giết vội. Mỗi nhát dao nó ném ra đó, là ý muốn cho người con gái tưởng là nhát dao giết ngay mình. Như thế tức là chết đi rồi lại sống lại, sống lại để chịu chết thêm chưa biết đến mấy mươi lần. Thằng Khách độc-địa thâm-hiểm thật, chẳng biết nó rắp tâm từ bao giờ mà tìm được cái hình-phạt ghê-gớm ấy? Ném hết cả dao cạnh mình người con gái, chỗ nào cũng có dao cắm như không cho cựa cậy. Còn con dao sau cùng, nó sợ người con gái chết khiếp đi, trước khi chết thật chăng, nên còn cầm lại ở hai đầu ngón tay mà lúc lắc. Nó thôi ném chăng! À không, còn ném! Mà nhát dao này mới thật là nhát dao hại người. Thằng Khách liền nhìn người con gái bằng đôi mắt rất dữ, cười gằn một tiếng nghe rùng mình, nhảy lùi lại một bước nghiến răng, trợn mắt, cầm đầu lưỡi dao nhắm thân người  con gái vào chỗ hiểm…. Tôi nóng sực người lên, cái tên lắp sẵn ở cung để giữ mình vụt ra cùng một lúc thằng Khách hất tay về sau vai: Con dao bắn ra một chỗ, thằng Khách « Ấy a!» một tiếng rồi vừa ôm tay vừa nhăn.

Chương III

Thằng Khách kinh sợ, không hiểu gì, trông lên bệ thờ rồi lại quắc mắt nhìn về phía tôi đứng. Tôi biết là cơ sự đã đến lúc kịch-liệt: Tôi với thằng Khách tất phải có một người chết đây. Tôi lắp sẵn tên mà đợi. Bấy giờ thằng Khách đã rút được mũi tên tôi bắn vào tay nó, lắng tai nghe động tĩnh, vẻ mặt lộ ra dáng kinh-ngạc lẫn với dáng tức giận vô cùng. Hai con mắt sắc ghê sắc gớm của nó như soi suốt được chỗ mù mịt, như đã trông thấy tôi! Hắn muốn bước lại chỗ tôi đứng, nhưng rụt rè không dám, lại từ-từ lùi lại đằng sau. Tôi chưa biết hắn giở những ngón gì ra, thì thoáng thấy hắn vung tay, giằng dao cạnh người con gái mà ném tôi. Tôi nghiêng mình may tránh khỏi, thì con dao khác đã cắm phập vào cạnh chân tôi. Tôi liền nhảy bổ ra bắn cho một phát tên vào giữa bụng. Thằng Khách gạt được, nắm luôn ngay lấy tên ném lại, suýt cắm vào cánh tay tôi. Tôi bắn phát nữa: nó lại bắt được. Ném lại, tôi lại tránh khỏi. Tôi giận quá, chắp luôn hai mũi tên mà phóng cả ra. Hắn co chân nhảy thoát, tôi bèn đặt luôn sắp cho một mũi nữa thì nó đã xông lại gạt tay tôi mà nhắm vào mặt tôi đấm một cái. Tôi né được vội nhảy lùi giữ miếng, vớ ngay được thanh mác đương treo, liền múa vung ra. Vừa múa vừa định trí, cuộc sung-sát vừa rồi tôi vì may mà không chết, chớ thằng Khách giỏi lắm, to béo thì to béo, nhưng nó lanh lẹ lạ lùng. Ngón võ của tôi giở ra, xem chừng nó không coi ra trò gì cả. Tuy thế, tôi cũng hết cả sợ hãi, múa thanh mác cho lượn thoăn-thoắt mà xông vào kẻ thù. Trong lúc đánh nhau, khi thế thắng thì hay lạm thế, võ-thư gọi là « khinh địch ». Dầu tôi có được thanh mác để giữ mình cũng chưa thể chắc là cầm được thế thắng! Nhưng mà cũng không đến nỗi nguy-hiểm như lúc tay chỉ có cung tên. Tôi không luống-cuống như lúc nãy. Tiến lùi đã vững vàng và « có ich » chứ không khua liều. Thằng Khách chưa kịp tìm được vật gì chống lại. Tôi cũng không để cho nó có khí giới, nhất là cố ngăn không cho nó cầm được con dao nào ném lại tôi. Nó biết rằng tôi không giơ mác chém bổ được xuống, vì trần hầm thấp ; nên chỉ cúi đầu, hắt tay để đỡ và tránh miếng của tôi. Tôi  tính sẵn: lựa cho hắn nép vào tận vách, đà lưỡi mác đánh nhử bên tả  rồi tức thì cho một nhát bên hữu là xong đời anh chàng. Song nó cũng khôn, tài đỡ tài né lắm, mấy lần tôi chém hụt lại suýt nữa thì nó bắt được tay mình. Khí tức nổi lên, lại thấy nó cười một cách khinh thường ngạo mạn, tôi liền thét lên một tiếng thu lấy lực, vằng lưỡi mác mà chém ngang đầu, trong chớp mắt.

Tôi không ngờ đâu đến thế — cả mác lẫn người tôi cùng lộn một vòng. Thì ra thằng Khách đã cúi xuống lia tay mà gạt mạnh hai chân tôi. Tôi chưa kịp trở mình thì chân tay đã bị thằng Khách ghịt chặt, không thể nào cựa ra được. Giẫy được tay ra lại bị cùm chân, mà đạp được cho vung chân ra thì nó lại nắm như kìm vào tay mà vật xuống. Sau tôi  bị nó trói cả lại, kéo nằm dưới chân người con gái bấy giờ còn lấy làm lạ nhìn tôi trừng-trừng.

Bụng bảo dạ:« Thôi, đời tôi đến bây giờ là hết, chả còn mong thoát khỏi móng hùm đâu.» Nhưng có chết cũng đành chết, cơ ni đã đến nước ấy, oán thán nào có ich chi. Tôi chết đi trong giữa lúc trong lòng mang mối căm tức, và mang mối thương hại người con gái, không biết phải đớn đau ô nhục vì tội tình gì. Tôi nhìn cô ta thì thấy như cũng thương tôi, cô ta cũng biết rằng đã vào tay thằng lang sói ấy thì chỉ còn có một việc đợi nó giết chết. Phải, tôi chỉ đợi nó giết mà lại mong cho nó giết chết ngay, chớ đừng hành hạ. Nhưng nào nó đã giết vội, vẫn cứ chùng-chình như muốn cho cái giờ sau cùng ghê gớm kìa làm tội tôi càng lâu nó càng vui càng thích.

Bấy giờ thằng Khách đang phục trước bệ thờ mà kêu khấn, chừng là tạ cái tội sơ-xuất, để cho người lẻn được vào đây. Trông lên người con gái thì như lắp-bắp muốn nói mà không dám nói, chỉ lấy đầu ra hiệu cho tôi. Tôi không hiểu gì cả. Sau thấy cô ta đưa mắt cho tôi nhìn thấy con dao quăng bên mình tôi, tôi lại càng lấy làm lạ: Có khi nó xui mình cầm dao tự-tử để tránh khỏi cái lúc đáng sợ sau cùng hay sao? Nhưng người con gái vẫn ra hiệu ; tôi nghĩ một lát mới hiểu được cô ta định bảo mình gì. Tôi liền sẽ lê mình thu lấy dao, cố lựa cho lưỡi lách được vào chỗ cổ tay bị trói, hết sức cứa cho đứt hết dây. Gỡ được tay lại vừa nhìn thằng Khách vừa khẽ lấy dao cắt dây trói ở chân, thằng Khách vẫn nằm phục, thấy tôi thở mạnh, ngảnh lại nhìn. Tôi sợ quá, đờ người ra. Cổ nghẹn như bị tắc, có nuốt mà nước bọt không trôi! May sao chân tôi vẫn chưa cởi được, mà tay thì vẫn đặt ra đàng sau, nên nó tưởng vẫn bị trói. Lại thấy nó nằm phục truớc bệ thờ. Lúc ấy mới dám thử! Cởi nốt hai chân, tôi cẩn thận giữ gìn hết sức để đứng dậy, rón-rén bước lại gần thằng Khách, nhắm con dao vào một bên lưng... Trước khi con dao cắm ngon vào cái xác-thịt to béo ấy, tay tôi thấy hơi chùn lại, vì lòng tôi như bảo rằng giết thằng Khách độc dữ ấy cũng là phạm tội giết người. Nhưng mà không giết nó, mình tất chết, tôi phải bạo dạn lên cho át được cái cảm-giác mới lạ nó xúc động tôi lúc « được giết người » và « phải giết người » này.

Thằng Khách như sẵn lưng đợi chết, nó không ngờ gì cả. Tôi lăm-lăm cầm chặt con dao, giơ dao lên cho vừa tầm, rồi mắm môi đâm thẳng xuống chỗ hiểm… Bất đồ thằng Khách đến lúc ngồi dậy. Con dao đâm trượt vào cánh tay trái của nó rồi rời ra văng đi một chỗ! Tôi túng thế quá trong lúc thoáng thấy cái chết, tôi hết sức bình sinh nắm tay đánh cho một cái vào bên má, nhân thể tống luôn một quả đấm vào mang tai. Nó đã nắm được tôi nhưng bị cái đấm sau mạnh quá, lại vào chỗ phạm liền gục xuống chân tôi. Tôi đạp nó ngã ngửa rồi vội vàng đến bên người con gái toan gỡ trói: cô ta nhất định không nghe, lấy đầu ra hiệu giục tôi trốn. Tôi chạy lại cửa hầm lấy tay nâng lên, nhưng hết sức nâng mà cái nắp không thấy chuyển. Phần vội-vàng, phần yếu sức, hỳ-huych mà chẳng ăn thua gì. Ngảnh xuống thì đã thấy thằng Khách trổi  dậy, đang loạng-choạng đi lại dưới chân thang. Tôi lo quá, thu hết cả sức lại, gắng một cái cực mạnh, cửa hầm mới bật hé được ra. Tôi  chỉ còn gắng một cái nữa cho phiến gạch bắn thêm ra chút nữa thì qua được. Dưới này thằng Khách đã đến nơi. Tôi liền bám phiến gạch đu lên đạp vào đầu nó. Nó phát tức cầm hai chân tôi lôi xuống, rồi cứ thế kéo đến bên bệ thờ mà trói tôi. Lần này nó trói rất kỹ lắm, dây trão thắt vào như nghiền nghiến chân tay. Giá thằng Khách không bị phát tên ở tay có lẽ tôi đến đứt hết da thịt.

Lần này mới thực là hết mong trốn: chả còn hòng thằng Khách lại vô tình cho mình đâm nó lần thứ hai. Tôi nghĩ lấy làm hối hận vì dại-dột một cách đáng giận quá.  Thằng Khách điếng người đi lúc nãy sao không nhân cơ-hội lấy dao hay mác, hay cái gì đó, giết phăng ngay nó đi. Để đến nỗi bây giờ đến nước thế. — Nhưng mà lúc bối rối, hấp-tấp thì không nói mạnh được, vả lại tôi cũng tưởng có thể thoát tay thằng Khách bằng ngoài cách giết nó, tôi còn mong có thể đi gọi người Nùng xuống bắt sống nó giúp tôi. Cũng bởi lẽ đó nên tôi quên cá cái nguy cho người con gái. — Hối hận cũng vô ich, chết đến nơi rồi.

Trong khi thằng Khách lấy trão trói tay chân, rồi thòng một đầu dây dài lên móc mà treo dốc ngược tôi lên trần hầm thì tôi nhìn người con gái, tỏ ý cùng cô ta từ-giã. Cô ta cũng nhìn tôi nước mắt chứa-chan, rồi dần dần lại nức-nở khóc. Thằng Khách thấy thế tức giận thêm, treo tôi xong lấy roi quật cả tôi lẫn người con gái. Cô ta lại cất tiếng khóc ran.

Bấy giờ máu khắp mình tôi dần xuống mặt, đầu ù mắt lóe, lại thêm nó đánh đau quá, phải nghiến răng không thèm kêu gào.. Tuy chết đến nơi, tôi vẫn giữ được lòng khí-khái. Thằng Khách vì căm tôi mà hành-hạ, muốn cho tôi đau khổ ê-chề. Tôi kêu gào bao nhiêu là hả lòng nó bấy nhiêu, vậy thì mình đã không phương làm gì được nó thì chỉ kháng lại với nó bằng một cách can-đảm vững-vàng. Như thế là làm cho nó thêm tức, mà nó càng tức càng ra dáng một con hổ dữ đang điên cuồng.  Tôi cứ mong cho nó phát khùng lên đến cực-điểm, để nó giết phăng ngay tôi đi. Vì rằng nếu tôi có gan chịu đòn nó đánh, tôi lại không thể nào nghe cái chập roi vun-vút vào da thịt người con gái, với tiếng cô ta la khóc thảm thiết mà không nát lòng. Thực đáng thương lắm các ông ạ, tôi chưa bị nó đánh thì còn không biết cái khổ ấy đến chừng nào….Trai trẻ như tôi còn lấy làm đau đớn thái quá, huống chi nguời con gái kia. người con gái khốn khổ yếu ớt kia thì chịu sao cho nổi? Tôi nén mãi tức đến lộn cả ruột, phải quát lên mấy tiếng cực to: « Đồ phi-nhân-loại! Chúng tao chết đi không biết oán mày mấy mươi đời!» Thằng Khách thấy tôi quát thì cười ngặt-nghẹo, vừa cười vừa líu-lo nói những gì ý bảo tôi rằng: « Mày cứ đợi đấy, rồi ta cho xem chết một cách thực là hay.»

Nói đoạn, nó cắm một con dao đằng chuôi xuống đất, mũi dao thì thẳng lên đầu tôi. Tôi hiểu ngay lối hành hình của nó. Lát nữa, nó cắm dao xong, sẽ cắt đứt cái dây treo ngược tôi lên, khiến cho khi tôi rơi xuống, đầu tôi sẽ đâm xuống, hay là lưỡi dao sẽ xiên ngập vào đầu tôi …

Nhưng nào nó đã cho hưởng cái chết ấy! Thế chả như đâm cho tôi một nhát cho rảnh đời sao? Cái đầu dây thằng Khách rút tôi lên móc sắt trên trần hầm, còn buộc vào một cái móc khác ở dưới đất, thằng Khách quay mình tôi cho nhìn thấy nó cởi nút buộc ấy ra. Cởi xong hai tay cầm đầu dây thả ra cho đầu tôi dần dần xuống. Nghĩa là nó muốn làm ông ác-thần sai khiến cái giờ tận số của tôi. Nó thả xuống, chỉ cho mũi dao chấm vào đến da tóc là lại kéo người tôi  lên ngay. Kéo lên xong, lại thả xuống, cứ như thế mãi, lần nào tôi cũng tưởng là lần sau cùng! Ví phỏng nó lấy cách ấy mà tra tôi ra của, thì tôi xin khai ngay; nhưng đòi lấy một lời van lạy năn nỉ thì không khi nào tôi chịu hèn mạt đến như thế.

Tôi không dám nói là không sợ chết, vì tôi cũng là một người như mọi người. Lòng tôi bấy giờ chua xót lắm, trí tôi bấy giờ lạ lùng lắm, mong cho nó giết, lúc tưởng gần phải chết, lại tê-tái kinh-hoàng, lại mong cho nó ngừng chậm lại mà kéo tôi lên khỏi mũi dao: Thành ra cái lòng muốn cho nó thẳng tay ngay một nhát, lại tức thì có cái lòng mong được sống «thêm chút nữa» nó phản đối ngay. Thằng Khách có biết tâm-sự tôi hay không mà nó làm khổ tôi đến thế? Tuy nhiên, trước cái chết đáng sợ kia, tôi không biểu-lộ cái sợ đó ra ngoài. Điều đó tôi thấy rất khó khăn, mà vẫn cố làm cho bằng được. Vẫn cố, cố mãi! Mấy phen đã yếu nhược lắm, chỉ chực những vì khốn khổ quá mà tái mét mặt, mà rùng khắp mình.

Thằng Khách thấy tôi cứ trơ như gỗ đá, tưởng có gan to không đủ khiếp vì cái hình khổ nó dùng để trị tôi, nó cho là tôi chưa biết khổ. Bởi thế, nó cột dây để đấy, rồi ngồi lên phiến đá nghĩ cách hành-hạ độc địa hơn. Nhưng độc-địa thì độc-địa chứ khi nào tôi lại để cho nó được hả, được sướng mà xem thấy cái chết trong lòng tôi lúc bấy giờ. Thằng Khách đứng dậy để yên tôi đó, mang đâu được một tảng đá lại, rồi vỗ trán nghĩ thêm một hồi. Bỗng thấy nó cười hà lên một tiếng, rồi mang nải gạo rơi xuống hầm lúc nãy để một bên. Đem cả tảng đá với nải gạo buộc kỹ vào đầu cái dây nó cầm lôi kéo tôi lúc nãy, xong rồi nó thử xem hai vật ấy có đủ nặng để giữ cho người tôi khỏi lôi bổng lên được không. Thử đã vừa ý, – người tôi không nặng hơn được nải gạo và tảng đá  – thằng Khách bèn buông cả ra. Người tôi lúc đó vẫn lơ lửng không rơi xuống lưỡi dao được, thằng Khách bèn lấy con dao khác chọc một lỗ ở dưới đáy nải cho gạo chảy dần ra. Bấy giờ tôi mới lại hiểu cái độc kế của nó! Nó đang ngồi mà ngắm cái máy móc mới nghĩ ra ấy, sực lại trông thấy người con gái nức nở, nó liền nổi giận, cầm roi vừa đánh vừa quát tháo.

Người con gái cứ khóc gào. Gạo trong nải cử chảy. Tôi cứ dần-dần đưa đầu xuống mũi dao. Tôi thực là trông thấy tôi chết! Mặt mày tôi nóng rực, trống ngực tôi đập mạnh, hai tai như nghe thấy muôn nghìn tiếng rất lạ kỳ! Ồ! cái chết ghê-gớm! Cái nải gạo kia tức là cái đồng-hồ, mà gạo chảy ra tức là giọt nước. Nước đồng-hồ hằng nhỏ xuống, đời người mới thấy từng khoảnh-khắc một mất đi. Nhưng cái đồng-hồ này, cái đồng-hồ «nải gạo» này khe khắt thay! Tuy gạo cứ từ-từ rơi xuống; nhưng hết hột nào là cái lúc chết nghiêm-ngặt, dõng-dạc, không chịu dung khoan, lại gần chừng ấy! Trong cái thời khắc bi-đát vừa ngắn ngủi vừa dài ghê kia, tôi nghĩ đến thân-thế tôi, đến quê-hưong tôi, nghĩ đến tất cả họ-hàng bạn-hữu tôi, đến cái cuộc đời còn lâu mà còn nhiều hạnh-phúc tôi hứa trước với tôi và sẽ ung-dung bước tới sau này…..đột nhiên bây giờ là đoạn, là tuyệt! Tôi phải chết! mà phải chết vì một tay thâm ác, vì một việc vô-lý, quái lạ ; chết ngầm chết ngấm, chết một cách chậm chạp ; trong giờ sắp chết, không được nằm trên giường, không được người phủ khăn vuốt mắt ; chết bởi lưỡi dao, trước mặt con quái nó lấy câu nguyền rủa để thay vào lời yên ủy tôi!

Chỉ còn độ hai gang tay nữa là mũi dao chấm tới.  Người tôi càng xuống, càng nặng thêm… Tôi  không biết tại sao không dẫy mạnh lên một cái cho mau rảnh nợ. Có lẽ trong bụng còn có chút hy-vọng chi chăng. — Nhưug hy- vọng gì? Điều dó tôi đã nghĩ mãi mà không tìm ra lẽ.

Người con gái như vẫn còn gào khóc, song thằng Khách đã nghỉ tay. Tôi đã thấy cái mặt nhăn-nhở không có vẻ mặt người của nó đuơng giương mắt mà xem tôi chết. Đầu tôi càng gần đất, thằng Khách càng cười già, miệng nó thổ ra những lời nghe dữ hơn tiếng gầm ghè của súc vật, rồi vừa hò vừa lấy tay đánh nhịp như để thúc giục gạo mau chảy, tôi mau hạ xuống, con dao mau cắm vào óc tôi…

Chương IV

Đầu tôi đã gần mũi dao quá, ngước mắt không trông thấy nữa, nhưng phỏng cũng chỉ còn gần một gang tay. Tôi liền nhắm mắt lại để tôi không nhìn cái bộ dạng đáng ghét của thằng Khách, trong lòng có đủ các mối bi-thảm, khó thể tả được rõ ràng. Đỉnh đầu bây giờ cứ thấy ghê-ghê rợn-rợn, hình như con dao sắp được lọt vào đầu người, đang phun trước ra một tia hơi độc để đánh dấu lấy chỗ nào đáng cắm, đáng chui vào. Tinh-thần đã loạn cả: chỉ trong khoảng hai hơi thở,  hai cái đập của quả tim mà tôi thoáng nghĩ đến trăm nghìn muôn ức triệu những hình-ảnh rất ly-kỳ. Mà vẫn nghe thấy người con gái như còn khóc, nghe thấy tiếng thằng Khách hãy còn hò. Rồi như xôn-xao tiếng người thưa gọi, rồi như huỳnh-huỵch có tiếng người tấp-nập chen-chúc nhau…. Mũi dao đã chạm đến da đầu tôi, hai tai ù bỗng nghe rõ một tiếng reo… người tôi thấy hẫng lên rồi hạ nằm xuống đất. Mở mắt ra thì trông toàn là mặt quen không biết tới tự bao giờ. Bạn săn của tôi lấy dao, người thì cởi tay, người thì gỡ cẳng. Tôi vẫn mơ-màng chưa hiểu ra sao. Trông đến người con gái thì mặt mày xám bặt bấy giờ bất tỉnh, vẫn bị trói, vẫn trần truồng. Người Nùng tranh nhau hỏi han, tôi chỉ ư-hử không trả lời được, chỉ tay trỏ người con gái cho họ nhổ dao bên mình và cởi trói cho cô ta. Còn thằng Khách thì bị mấy người đang đè xuống, lấy dây trói chằng chịt từ đầu đến chân.

Bấy giờ tôi mới biết là thoát nạn.

Tôi đã hoàn hồn rồi, người con gái họ đã mặc áo xống cho và đã đặt nằm một chỗ đợi cô ta hồi tỉnh. Tôi bèn đem đầu đuôi việc ở dưới hầm kể qua cho họ nghe. Nhân lại hỏi họ sao biết tôi bị nạn mà đến cứu.

Người Nùng nghỉ săn sớm, để đến trưa mai đem ít da cọp đi trình ông Châu Mùng-sa. Về đến miếu không thấy tôi đâu, lại thấy mất một nải gạo. Họ còn chưa biết duyên cớ, bỗng vẳng nghe tiếng khóc và tiếng quát tháo, họ liền vào miếu trong tìm xem. Không có gì cả, nhưng tiếng khóc vẫn còn. Trước họ còn tưởng là ông Thần miếu đe nạt, sau bỗng tìm ra lối xuống hầm. Nguyên lúc tôi chực trốn đã mở hé được phiến gạch mà thằng Khách vô-tình không đậy lại, nên người Nùng mới biết mà mở được ra. Họ mở ra,  trước hết  trông ngay thấy tôi và người con gái bị trói, rồi thấy thằng Khách xí-xố trước bệ thờ.  Họ bèn rón rén xuống cả, cùng ồ lại một lượt bắt lấy thằng Khách. Hai bên xung đột một hồi, thằng Khách mới chịu thua. Trong lúc đó hai người đến cứu tôi. Trước hết lấy chân ngả đổ con dao xuống, rồi một người  nâng tôi lên cho người kia cắt dây. Thực hú vía! Tôi có ngờ đâu còn được sống ở cõi trần.

Chúng tôi bàn định đến sáng rõ thì dẫn người con gái và thằng Khách lên quan Châu Mùng-sa để tra-vấn. Bỗng thấy thằng Khách thách lên cười. Tiếng cười nghe ghê rợn, không ra khanh-khách, không ra cười hì; cứ thấy tiếng « hệch-hệch » rất lớn tợ như tiếng ếch nhái nó ỳ-ào ỳ-oặc liên-thanh sau những trận mưa to. Ai nấy cùng kinh ngạc, lại gần xem thì thấy trên người thằng Khách máu chảy chan-chan ; thì ra cái tay bị trói đè trên bụng đã cố lần rút ruột ra mà tự-tử! Chúng tôi không kịp ngăn cản thì thằng Khách đã chết. Hai mắt trừng-trừng còn mở, trao-tráo nhìn vào mặt tôi. Tôi trông mà kinh khiếp, bỗng lại tưởng đến hai con mắt của con trăn bị giết hôm nào… Trời ơi, hai con mắt yêu quái kia, mỗi khi tôi chợt nghĩ tới, lại như xiên qua khắp người tôi, khiến cho tôi hoảng-hốt cả tâm-hồn. Cả đến tiếng cười kia cũng đáng kinh khủng, trước khi nó chết, hình như hẹn tôi rằng nó còn tìm được mưu độc, để rồi đây còn hại cho được tôi. Trong cuộc đời của tôi sau này, khi gặp sự gì nguy-hiểm lại nghi cho vong-hồn con ác-quỉ kia xui nên ; mà khi nào yên vui cũng không yên vui được trọn, tôi vẫn chột dạ hoài, vẫn tưởng-tưọng như cái vong-hồn kia còn vơ-vất đâu đây, cái vong-hồn thằng Khách, cái vong-hồn chứa đầy những điều căm hờn hằn-học, chỉ chực những ám-ảnh tôi, những phá rối sự thái-bình của tôi cho kỳ được mới nghe.

Bấy giờ các người Nùng đều lắc đầu le lưỡi. Còn tôi, thì như đã dạn với những điều quái-đản từ lúc nãy, nên không lấy sự thằng Khách cấu rốn tự-tử làm lạ-lùng. Duy chỉ ghê sợ, không dám nhìn hai con mắt của nó nữa, và cứ băn-khoăn nghĩ-ngọi một mình hoài.

Việc dưới hầm này thằng Khách hẳn đã rắp từ lâu, mà chừng làm đã quen lắm, nên mới có những hình-cụ tôi trông thấy trong hầm. Nay thấy một bọn người tự đâu đâu kéo đến ở đây từ bao giờ, thì hắn lấy làm lạ. Vậy nên hắn phải dò xét. Những lúc tôi thốt-nhiên thấy bóng thằng Khách, có lẽ chính là những lúc nó quanh quất gần đó mà dòm-dỏ chúng tôi. Cả cái lúc len vào lều cũng là để lẩn-lút, nhân thể để làm cho cái thói dị-đoan của người Nùng thêm vững-vàng mà không chú ý gì đến công việc của nó. — Ấy là tôi đoán phỏng thế, chẳng biết nó vào trong lều còn có ý gì nữa không. — Lúc nó lẻn vào lều chỉ có tôi trông thấy, mà dẫu cả mọi người trông thấy cũng không tìm ra ; ai ngờ đâu rằng có cái hầm dưới đất, là chỗ thằng Khách xuống ẩn. Thế thì việc cúng ông « Thẻng Thần » của người Nùng là một việc không đâu, thằng Khách nó có biết họ cầu cúng nó hẳn cũng phì cười cho bọn ngố. Khi dò xét đã biết được rằng chúng tôi là bọn đi săn, mà chỉ đi săn đêm nên mới dám đem tội nhân của hắn xuống. Hắn không ngờ là trong lều còn có tôi, mà vì có sự tình cờ đêm hôm ấy tôi mới phải một phen hút chết.

Song thằng Khách ấy là người thế nào, sao lại đến đây mà làm việc độc ác như thế?

*

Song thằng Khách đã chết thì bao nhiêu điều ẩn-tình về việc này chỉ còn người con gái Trung-hoa kia mới biết được. Từ hôm đi trình ông Châu thì cô ta cứ mê-mê mẩn-mẩn, khi cười khi khóc như người điên rồ. Quan Châu biết chưa thể tra-vấn được, nên cắt người săn sóc thuốc thang đợi cho cô ta hoàn hồn. Trong khi đó, các người Nùng ở những thôn gần đó, không ngày nào không nói đến việc lạ lùng này. Người thì cho rằng người con gái kia là một vật hy-sinh đem đến để cho con yêu trong hầm ăn thịt. Người thì bảo thằng Khách cưới vợ cho Thổ-thần, lại có người lo sợ rằng ông Thổ-thần ấy sẽ oán người Nùng vì đã làm chết mất người Khách là người hằng năm đi vào trong hầm cúng tế. Họ có kể cho tôi nghe rằng mấy năm trước đây, họ trông thấy một người Khách to béo đi vào trong rừng hoang, khi đi một mình, khi dẫn theo một người con gái ; hễ gặp thấy người Nùng là chạy, rồi không biết biến đi đàng nào mất.

Những điều người Nùng đoán đều ngây-ngô lắm, tôi không tin, nhưng cũng chẳng muốn cười chê bài bác làm gì. Duy có điều tôi cũng còn ngờ-ngợ là thấy họ nói là đã gặp thằng Khách một đôi lần rồi. Như thế thì có lẽ cái cảnh-tượng tôi trông thấy đêm xưa chưa chắc chỉ là đầu-tiên. Mà nếu thằng Khách không bị bắt thì chưa biết chừng nó còn làm ngấm-ngầm những điều độc ác đến mấy mươi lần nữa. Ông Châu và những người có trách-nhiệm và chú-ý đến việc này, trong khi đợi người con gái khỏi hẳn, đều băn-khoăn như tôi. Thằng Khách ấy là người thế nào, và nó giở những thủ-đoan kia ra làm gì: Bí-mật!

Đoán mãi, lúc thì bảo thế này, lúc thì tưởng thế khác, càng ngày càng chẳng ra nghĩa-lý gì. Khám xét trong hầm thì chỉ biết là một cái hầm kín đào đã lâu lắm. Cửa hầm thì ở trong một góc sân miếu, mà hầm thì lại đào ở ngoài. Có lẽ cái miếu dựng nên chỉ để làm nơi đánh dấu, và để cho người ra vào miếu không bị ai nghi ngờ gì. Tìm lục mọi nơi trong hầm thì ngoài những cái tôi trông thấy, chỉ thêm được một nắm lương khô thằng Khách đem theo, nhưng nắm lương ấy không bảo thêm được điều gì cả.

Người con gái Tàu thì càng ngày càng yếu. Không mê-hoảng như mấy hôm đầu nữa, song bệnh-tình cô ta trầm trọng như thế, xem chừng không sống được lâu. Một hôm, tôi đến thăm cô ta, cô ta ứa nước mắt không nói được, tôi lấy giọng ôn-tồn dịu ngọt yên-ủy cô ta. Tuy không không hiểu tiếng tôi nói, nhưng cũng biết là lời khuyên nhủ mình, cô ta hơi mỉm cười mà gật.

Cách đó ít lâu, tôi lại đến châu Mùng-sa thì người con gái Tàu đã chết. Tôi bùi-ngùi lắm toan trở ra về thì ông Châu cho người mời tôi vào nói chuyện. Vào đến nơi, ông ta đưa cho tôi một phong thư của người con gái để lại. Bức thư dài lắm, chữ viết ẻo-lả chi-chít nhưng cũng đủ rõ-ràng. Ông Châu nói rằng trước hôm người con gái Tàu tắt nghỉ, lại thấy tươi tỉnh, ra hiệu cho người cầm giấy bút đến và nâng ngồi dậy để viết bức thư này. Trong thư kể rõ duyên cớ vì sao cô ta bị nạn trong tay thằng Khách.

Chương V

Cô ta tên là Thu-Liễu, con gái họ Lâm, quê ở phía nam mạn Phù-châu. Cha mẹ nhà nghèo, chỉ có một mụn con gái làm của báu. Năm cô ta lên chín, hai ông bà bỗng cùng nhau tị-trần. Trong họ có bà dì, nhà giàu có, đem Thu-Liễu về nuôi, đến năm mười tám thì gả cho một người Huyện-quan họ Mã. Mã-Sinh là người ở mãi trên Hán-khẩu. Từ khi được ngồi huyện này kể đã năm năm mà chưa lần nào về thăm quê quán. Thu-Liễu thường thấy băn-khoăn lo lắng, có hỏi thì chỉ nói là bận lòng vì việc quan. Giục về thăm quê thì lại tìm cớ thoái-thác. Mã-Sinh làm quan rất là chăm-chỉ và liêm-chính ; tính lại nhũn-nhặn và hay thương người nghèo. Cả huyện ai cũng yêu-mến mà ai cũng kính sợ. Trong gia-đình tuy thanh-bạch song thực là êm ái lắm. Mã-Sinh như thế có thể gọi là người sung-sướng ít ai bì. Nhưng cái mối lo âu u-ẩn trong lòng làm cho lúc nào vẻ mặt chàng cũng buồn rầu kia, Thu-Liễu hết cách để dò xét cũng không thể nào biết được.

Một hôm, Mã-Sinh bỗng như cuồng như dại, cả ngày cứ bức-rức ở trong nhà. Đến tối sai tôi tớ mỗi người đi một việc, gọi Thu-Liễu vào phòng, gục đầu xuống vai nàng rưng-rức lên khóc. Thu-Liễu hết lời căn-vặn hỏi, chàng mới đem câu chuyện sau đây kể cho vợ nghe.

Ông thân-sinh ra cha Mã-Sinh là Mã-Hồng, trước kia làm quan rất có thế lực. Khi hồi hưu, đối với dân-gian thường hay thị-oai làm nhiều điều càn. Tính lại đam mê tửu sắc, đàn bà con gái gặp được ai ưa ý là sai bắt cho được về nhà. Vợ con hết cách can ngăn mà không chịu đổi nết. Trong bọn người bị ức-hiếp có Trương-thị là người đẹp hơn cả. Trương-thị rất khẳng-khái, một mực không chịu để cho người làm ô-trọc tới thân. Mã-Hồng trước còn dỗ-dành, sau đe-dọa, sau lại trói Trương-thị vào cột mà vùi dập tơi bời. Trương-thị phần đau đớn, phần tức-giận, đến đêm hôm thứ ba, Mã-Hồng mở cửa đi vào chỗ trói Trương-thị  thì thấy đã cắn lưỡi chết từ lâu rồi. Mã-Hồng vội sai người đắp điếm rồi ngầm đem vùi một nơi. Chồng Trương-thị là Lý-Ưng đi buôn ngọc với con trai ở xa về, nghe tin ấy lấy làm căm tức lắm. Nhưng không làm gì được, vì mình thì bé miệng, mà họ Mã thì quyền-thế, đi kêu đi khiếu chắc chả ăn thua gì. Sau cha con dò biết được chỗ chôn Trương-thị, đợi đến khuya cùng đào lên để cất táng cho hẳn hoi. Thấy cái hình-tượng lõa-lồ của xác vợ thì Lý-Ưng đau đớn đến điên dại, nghiến răng thề quyết giết Mã-Hồng để trả thù. Nhưng Mã-Hồng đã biết trước, lại dùng luôn cái việc báo-thù của Lý-Ưng để hại Lý-Ưng. Một đêm Ưng lẻn vào trướng phủ Mã-Hồng, trông thấy Mã-Hồng ngồi một mình đọc sách, hắn bèn cầm dao lại đâm. Bỗng bị gia-đinh của Mã-Hồng đổ ra bắt trói lại. Lý-Ưng bị bắt, Mã-Hồng biết thế nào con Lý-Ưng cũug phục thù cho cha, bèn nghĩ ra một kế rất độc là hãm Lý-Ưng vào cái tội âm mưu với ngoại-quốc về hãm-hại công thần. Trong nước bấy giờ vẫn bình-trị, không có điều chi lo-ngại về ngoại-bang, ấy thế mà lá sớ của Mã-Hồng tâu lên triều-đình tin ngay, hạ chỉ xuống bắt lấy cha con Lý-Ưng và tru-di tam- tộc. Mã-Hồng tịch biên lấy gia sản nhà họ Lý. Bao nhiêu bạc vàng châu báu lượm lấy hết, trích ra một phần đút lót thêm cho các đại-thần để công việc như ý của hắn chóng xong.

Con trai Lý-Ưng là Lý-Thạch, đang chạy chọt cố kêu oan cho cha, thấy tin ấy không dám về nhà nữa, phải ẩn náu một nơi rồi tìm phương trốn chạy. Sau khi Lý-Ưng bị xử-tử, Lý-Thạch rất là khổ-cực, liền phẫn chí theo một bọn cướp rừng rất ghê gớm ở Thanh-lâm.

Cách đó ba năm Mã-Hồng đương ung-dung làm điều ác, thì đang đêm bị người nhảy vào tận phủ giết chết. Bên cạnh thấy có một bức thư, ký tên Lý-Thạch.  Trong thư Lý-Thạch nguyền rằng sẽ giết chết ba đời nhà họ Mã. Việc ám-sát Mã-Hồng trừ người nhà ra thì không ai biết đến, vì Mã phu-nhân và con trai sợ lại thêm phần nhơ-nhuốc cho gia-thanh. Bởi thế người ngoài vẫn tưởng là Mã-Hồng chết vì ngộ cảm. Mã-Hồng vừa bị giểt được năm hôm thì Mã phu-nhân không biết đi đâu mất. Cả nhà không hiểu ra sao cả. Một hôm, Mã-Hoằng là con trai trở dậy sớm, bỗng trông thấy một mũi tên cắm ở cửa buồng phu-nhân, cuối tên có buộc một mảnh giấy, giở ra đọc thì thấy năm chữ: « Hảo-hán báo mẫu-thù ». Mã-Hoằng lại nhớ lại bức thư bên cạnh thây cha, biết rằng phu-nhân cũng bị Lý-Thạch hãm-hại. Chàng lo sợ lắm ; mấy lời nguyền cả quyết báo thù kia tất không khi nào I.ý-Thạch quên được. Vậy thì, chàng rồi đây tất cũng bị cái tay phạt cha mình kia giết cả đến mình. Giết mình rồi giết cả vợ con mình nữa. Ngoài mặt vẫn không cho ai biết đến điều mình lo sợ mà trong bụng vẫn đêm ngày tìm phương tránh cái nguy-cơ. Mã-Hoằng có một trai là Mã-Sinh. bấy giờ đã mười bốn tuổi. Mã-Sinh đang đi học ở nhà thì thấy cha gửi về Quảng-đông cho một ông bạn. Trước khi đi. Mã-Hoằng đã ghé tai dặn-dò cẩn-thận rằng đi xa như thế là cốt để lánh mình. Mã-Sinh cứ đi trước, độ năm bữa nửa tháng thu-xếp cửa nhà rồi cha mẹ sẽ cùng sang.

Mã-Sinh đến Quảng-đông được hai mươi hôm thì có tên đầy-tớ tín-cẩn ở nhà ngày đêm đi từ nhà đến báo rằng cha Mã- Sinh vừa bị một mũi tên của Lý-Thạch bắn chết, mà mẹ Mã-Sinh mấy hôm sau cũng không biết đi đâu.

Thế là trong hai tháng trời, cha con họ Mã cùng chết về một tay Lý-Thạch. Trong lá thư đầu đã nói: Lý-Thạch còn báo thù nữa, còn lấy máu ba đời cừu-nhân để hả cái oan hồn của cha mẹ họ hàng. Vậy thì Mã-Sinh sống ngày nào còn phải lo ngày ấy.

Nhưng lạ thay! Đã bốn năm năm rồi mà Mã-Sinh vẫn vô-sự. Có lẽ Mã-Sinh đã hết lòng làm điều nhân-nghĩa để mua chuộc cái tội của cha ông nên được thần-minh che-chở chăng? Mã-Sinh nghĩ thế, nên khi được bổ làm tri-huyện ở Phù-châu, cái phẩm-hạnh liêm-chính của chàng trong quan liêu không mấy ai sánh kịp. Hai mươi tuổi thì lấy vợ, gặp được vợ vừa đẹp vừa hiền, đã tưởng được yên tâm mà vui thú đình-viên, ngờ đâu một bức thư của Lý-Thạch bắn vào lại làm cho chàng lo sợ.

Thư rằng:

« Cha mẹ, họ hàng ta đang an cư, lạc-nqhiệp, tổ-phụ nhà ngươi dùng thủ-đoạn thái-ác mà làm cho phải chết, khối máu căm hờn chưa biết bao giờ mới tan. Ta may mà còn lọt sống tại đây, nên quyết dùng cái sống thừa đó làm cho ba đời nhà ngươi cùng chịu với cha mẹ ta một số  phận.

« Bấy lâu ngươi chưa chết là vì ngươi chưa có gia-đinh để ta đến phá. Bây giờ ngươi đã có vợ, là ta đã đến lúc  ra tay. Đầu của ngươi, ta đem tế cha ta, còn đầu của vợ ngươi ta sẽ đem tế mẹ ta ngày nay ở dưới cửu-tuyền vẫn đợi trông ta báo phục. »

Thu-Liễu nghe hết đầu đuôi câu chuyện, lo sợ lắm bàn với chồng tìm phương đề phòng. Mã-Sinh thở dài nói rằng đề phòng cũng vô ích, vì nếu nó biết mình đề phòng mà thoát khỏi tay nó, nó đã không bắn thư đe trước làm gì. Vả Mã-Sinh vẫn giấu kín việc nhà, ngoài Thu-Liễu ra chàng không dám đem tâm sự mà ngỏ cho ai biết nữa. Thu-Liễu thấy thế, phần thương chồng, phần thương cho mình, rồi hai người ôm nhau mà khóc.

Vợ-chồng Mã-Sinh ngồi lo-sợ thâu đêm, tường tuy cao, cửa tuy kín, nhưng không thâm nghiêm bằng dinh phủ của ông cha mình. Mã-Hoằng cũng biết trước có ngày Lý-Thạch đến giết, biết trước nên đã phòng giữ hết sức, thế mà tên cướp rừng tự xưng là hảo-hán kia cũng lẻn được vào mà trả thù. Thế thì cái dinh bé nhỏ này ngăn ngừa sao được nó. Mã-Sinh đành bó tay ngồi đó, phó mặc thân mình cho trời đất, nếu kẻ thù nó đến, chỉ cố kêu van cho Thu-Liễu khỏi chết oan vì chàng.

Đang lúc nôn nao sợ bãi, cửa phòng bỗng bật toang ra. Một người to béo lực-lưỡng bước vào, giơ một con dao sáng cũng như hai con mắt nó. Thu-Liễu rú lên một tiếng chết ngất người đi, rồi từ đó không biết tí gì nữa, mãi cho đến lúc Lý-Thạch đem xuống dưới cái hầm kia mới tỉnh lại.

Nguyên cái hầm này là Lý-Ưng tìm ra khi trước, bao nhiêu vàng ngọc người Tàu giấu từ xưa đều thuộc về tay hắn. Đến nay, của đã hết nhẵn, Lý-Thạch bèn dùng làm nơi chôn cất thi hài song thân, và làm nơi hành hình. Cái hình phạt Thu-Liễu phải chịu đó, nó nói cho biết là để nó tế hồn cha mẹ, nên trước khi ra tay, nó nhớ đến cái thảm cảnh khốc hại nhà nó, nên động lòng gào khóc ở trên phiến đá nó đặt làm tấm bia mồ. Trong cơn thịnh nộ, Lý- Thạch vừa nguyền rủa vừa kể lể lại vừa quát tháo nói lớn lên bảo cho Thu-Liễu hay rằng: «Bao nhiêu con trai họ Mã đều phải chết như phụ-thân của nó, mà bao nhiêu con gái con dâu nhà họ Mã cũng chịu một hình phạt cay độc nhơ nhuốc như mẹ nó đã bị hành-hạ khi xưa. » Khi nó đã giết hết ba đời nhà Mã-Hồng, nó sẽ đem chôn những thủ cấp kẻ thù xuống hầm này, để cho cha mẹ nó ở dưới âm-ti còn được báo thù một phen nữa.

Duyên do câu chuyện quái-gở ghê gớm này đều ở trong bức thơ « trần tình » ấy. Cuối thư, tôi còn nhớ kỹ được một đoạn như sau này:

«Thiếp nhờ được tay tráng-sĩ, nên thoát khỏi lưỡi dao độc-địa của thù-nhân. Những tưởng thân còn được sống để mong rồi đây có ngày báo đáp cái ơn cứu-mệnh. Nào hay bấy nhiêu hình khổ, cùng với bấy nhiêu điều khiếp sợ, đã làm cho thiếp mang trọng bệnh mà từ bỏ trần gian.

«Đáng lẽ những việc trên đây thiếp phải giữ kín, nhưng nghĩ tấm thân gửi nơi ngoại-địa, không đành làm một khối oan-hồn bí-mật, khiến cho tráng-sĩ không hiểu những tội tình thiếp phải chịu, là duyên cớ bởi vì đâu.

«Vậy thiếp xin để lại mấy lời này, xin tráng-sĩ soi xét».

Thế Lữ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...