Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Ray Bradbury - Nhà văn đến từ sao Hỏa

Ray Bradbury - Nhà văn
đến từ sao Hỏa

Văn chương Ray Bradbury là một bài thơ kỳ lạ, ta tưởng tượng nếu thực sự ngoài Trái đất có những nhà thơ thì kẻ đó hẳn sẽ viết như Bradbury. Ông là nhà văn ngoài hành tinh của chúng ta.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Paris Review, Ray Bradbury – một trong những nhà văn lớn người Mỹ thế kỷ 20 – từng nói truyện ngắn mà ông tự hào nhất là câu chuyện kể về một người đàn ông tuyên bố với cả thế giới rằng anh ta đã sáng chế ra một cỗ máy thời gian và anh ta đã được diện kiến tương lai, anh ta cảnh báo nếu con người không thay đổi thì thế giới này sẽ chìm vào địa ngục. Anh ta chỉ nói dối. Nhưng có sao đâu, con người tin anh ta. Bradbury bảo theo một cách nào đó, người đàn ông nói dối ấy chính là ông. Những lời nói dối vô hại của văn chương. Và không chỉ vô hại, những lời nói dối của Bradbury còn đẹp vô kể.
Người ta xếp Bradbury vào nhóm một nhà văn khoa học viễn tưởng. Văn chương cũng có chủng tộc và chủng tộc “khoa học viễn tưởng” luôn được xếp gần bét bảng, có chăng chỉ hơn những tác phẩm yêu đương lãng mạn. Khoa học viễn tưởng là cho lũ trẻ con vắt mũi chưa sạch – không đứa trẻ nghiêm túc nào đọc thể loại ấy, không nhà văn nghiêm túc nào dành thời gian cho thể loại ấy. Nhưng khoa học viễn tưởng của Bradbury không như vậy, không phải những chiếc phi thuyền tối tân ra sao, những cuộc du hành vũ trụ kỳ lạ thế nào, người sao Hỏa gớm ghiếc đến đâu, dù tất cả những điều đó đều xuất hiện. Văn chương ông thiếu vắng hoàn toàn cái hãnh tiến của một nền công nghệ đạt tới đỉnh cao, con người trong đó dù đi xuyên qua những tầng trời thì cũng không thoát được việc họ là con người – u buồn và dễ chìm trong ảo mộng, văn chương Bradbury như những bài thơ – điều cuối cùng mà người ta nghĩ tới khi nghĩ về thể loại này. Nhưng đúng vậy, văn chương ông là một bài thơ kỳ lạ, ta tưởng tượng nếu thực sự ngoài Trái đất có những nhà thơ thì kẻ đó hẳn sẽ viết như Bradbury. Ông là nhà văn ngoài hành tinh của chúng ta.
***
Có một truyện ngắn trong tập The Illustrated Man (Người minh họa, theo bản dịch của Lê Minh Đức) của Bradbury mang tên Astronaut (Phi hành gia). Truyện kể về một vị phi hành gia cứ 10 năm một lần được về nhà nghỉ phép với vợ và con trai. Anh hứa với vợ rằng, anh sẽ chỉ đi thêm một lần nữa thôi, còn lần tới anh sẽ về hẳn. Nhưng người vợ tin rằng anh đã chết, và những lần về phép đó chỉ là những bóng ma ký ức viếng thăm. Chị nghĩ, nếu anh chết trên sao Hỏa, chị sẽ không bao giờ thấy sao Hỏa nữa, nếu anh chết trên sao Kim, sao Kim sẽ không còn tồn tại với chị nữa, tương tự với sao Thổ, sao Mộc, Thiên Vương, Hải Vương. Và anh chết thật, nhưng chẳng phải vì hành tinh nào cả, anh bị Mặt trời cuốn vào, và chị không còn ra ngoài vào ban ngày nữa, trừ những ngày mưa. Trong câu chuyện ấy có phi hành gia, có du hành liên hành tinh, có những buổi đi chơi bằng trực thăng, có tất cả những yếu tố của khoa học, nhưng khoa học chỉ là cái vỏ hạt dẻ – người ta không ăn vỏ hạt dẻ, nó quá cứng, người ta bỏ nó đi, tách nó ra, người ta thưởng thức cái nhân bùi ở bên trong – cái nhân bùi của nỗi thống khổ trong việc làm người, bay xa đến đâu cũng không thoát khỏi việc làm người.
Trong thế giới của Bradbury, con người làm mọi cách để vọt ra lực hấp dẫn của địa cầu, nhưng càng đi, họ càng không đến. Cái mà con người bắt gặp ở ngoài kia có khi không phải là một miền đất mới, mà chỉ là chính mình thôi.
Đứa con một lần hỏi bố: “Ngoài vũ trụ thế nào ạ?”, người bố đáp: “Đó là điều tuyệt vời nhất trong những điều tuyệt vời của cả một đời người. À mà thực ra cũng chẳng có gì. Toàn những thứ lặp đi lặp lại, con sẽ không thích đâu”. Trong thế giới của Bradbury, vũ trụ chỉ là trò tiêu khiển vĩ đại của con người nhưng rồi đến vũ trụ cũng không thể làm hài lòng được giống loài bẩm sinh buồn chán ấy. Trong thế giới của Bradbury, con người làm mọi cách để vọt ra khỏi lực hấp dẫn của địa cầu, nhưng càng đi, họ càng không đến. Cái mà con người bắt gặp ở ngoài kia có khi không phải là một miền đất mới, mà chỉ là chính mình thôi.
Đi đến mù khơi để chỉ bắt gặp chính mình, đó cũng là cảm thức xuyên suốt The Martian Chronicles (Biên niên ký sao Hỏa, bản dịch của Lê Hồng Vân). Gọi đó là một tập truyện ngắn cũng được, gọi đó là một tiểu thuyết cũng được, 27 truyện ngắn kể theo trình tự thời gian nhưng nếu muốn người đọc cũng không cần đọc lần lượt, mỗi truyện là một chương trong cuộc đổ bộ của người Trái đất lên sao Hỏa như người Tây Ban Nha đổ bộ lên châu Mỹ mấy trăm năm về trước, những cuộc đổ bộ thất bại, những cuộc đổ bộ thành công, công cuộc xâm lược sao Hỏa để rồi bị sao Hỏa ru ngủ, và rồi là cuộc tháo chạy khỏi hành tinh màu đỏ.
***
Sao Hỏa của Bradbury là rất nhiều thứ. Đó là giấc mơ mà chúng ta tưởng mình muốn có, nhưng bao giờ chẳng vậy, “be careful what you wish for” (hãy cẩn thận với những gì mình ước, một câu thành ngữ tiếng Anh). Đó là miền đất đánh lừa tri giác, như những đảo đá Sirenum scopuli nơi có những nàng tiên cá hát hay khiến bao con tàu bị đánh đắm trong Odyssey. Đó là một sự tưởng tượng bất lực của con người – giống loài thích tưởng tượng và nghĩ rằng trí tưởng tượng là đặc tính thần thánh của mình – để rồi khác gì con nhện giăng tơ tự mắc bẫy trong lớp mạng, con người bị trí tưởng tượng cuốn đến nghẹt thở, và vui lòng bị thít trong cơn huyễn hoặc ấy.
Trong chương/truyện ngắn The Third Expedition (Đoàn thám hiểm thứ ba), một đoàn thám hiểm tiên phong lên sao Hỏa đi tìm những đồng đội mất tích, và lạ chưa, nơi đây họ gặp lại những người thân đã mất từ lâu của mình. Họ tìm thấy những ngôi nhà như thời ấu thơ, cái thời ấu thơ đã mất từ bao giở bao giờ, vậy mà lúc này họ có thể sống lại từ đầu. Sao Hỏa là thiên đường ư? Hay địa ngục? Giả như trong đêm mất ngủ họ không nhận ra đây chỉ là thuật ám thị của sao Hỏa lên họ, thì họ có bị sao Hỏa trừng phạt không, hay họ có thể an ấm trong ảo mộng ấy đến hết đời? Đó là một truyện ngắn buồn lạ lùng, con người quá tham vọng và lại cũng quá khao khát tình yêu. Tại sao con người đã mưu mô như vậy nhưng lại cũng khờ khạo đến thế? Con người nỗ lực tìm tình yêu, nhưng lại bỏ nhiều nỗ lực hơn cần thiết – vì sao phải lên tận sao Hỏa để kiếm tìm điều đó?
Con người không thích những gì dễ dàng. Đó là sự vĩ đại mà cũng là điểm yếu chí tử của con người. Nhân vật đức cha Peregrine trong The Fire Balloons (Những quả cầu lửa) cùng các vị linh mục của mình lên tận sao Hỏa để truyền đạo những mong gột rửa hành tinh ấy khỏi những tội lỗi mà họ còn chưa biết là gì. “Chẳng phải chúng ta nên giải quyết tội lỗi của mình trên Trái đất sao?”, đức cha tự hỏi, nhưng rồi người vẫn lên phi thuyền, vẫn quyết tâm gặp những linh hồn sao Hỏa cổ xưa và cho họ hay về Thượng đế, chẳng hề biết rằng từ lâu họ đã sống trong ân sủng của Chúa, đã từ chối xác thân để chỉ còn lại phần hồn cao khiết.
Peregrine là một tu sĩ với tư tưởng vượt thời đại, với ông hình hài chỉ là vật chứa, nếu một con sư tử biển có linh hồn thì ông sẵn sàng xây nhà thờ dưới biển thôi. Ngỡ như ông đã đạt rất gần đến trạng thái Chúa rồi, nhưng không, ông vẫn chỉ là một con người, nghĩa là ngay cả trong những ý nghĩ tốt đẹp nhất vẫn ẩn chứa sự kiêu mạn của con người. Trong khi những thứ như “khai hóa” chỉ là một trò tự kỷ ám thị, những người mà chúng ta cho là cần khai hóa, như những bộ tộc thiểu số, như người ngoài hành tinh, có khi họ đã ở một ngưỡng tinh thần vượt lên từ lâu rồi, và chúng ta chỉ là một ổ dịch u mê lây lan ra toàn vũ trụ.
Những người mà chúng ta cho là cần khai hóa, như những bộ tộc thiểu số, như người ngoài hành tinh, có khi họ đã ở một ngưỡng tinh thần vượt lên từ lâu rồi, và chúng ta chỉ là một ổ dịch u mê lây lan ra toàn vũ trụ.
***
Trong một truyện ngắn lạ kỳ bậc nhất, Night Meeting (Cuộc gặp mặt giữa đêm), một người Trái đất gặp một người sao Hỏa, người Trái đất cho rằng người sao Hỏa đã chết gần hết, chỉ còn lại một nhúm mà thôi, người sao Hỏa gạt đi, anh ta bảo người sao Hỏa vẫn sống ngon lành, anh ta vừa tham gia một lễ hội, ở ngay kia, cái nơi bị người Trái đất coi là thành phố chết. Người sao Hỏa nhìn thấy những con kênh rượu oải hương, người Trái đất chỉ thấy những con kênh đã cạn. Người Trái đất nói về cái thành phố tái định cư xinh đẹp làm từ hàng triệu mét khối gỗ mang lên từ địa cầu, người sao Hoả bảo anh ta chỉ thấy đó là một đại dương và nước triều đang xuống. Đâu mới là hiện thực? Trong hai người ai đang sống trong quá khứ? Ai mới là tương lai? Niên lịch của người Trái đất chẳng có nghĩa lý gì với người sao Hỏa và ngược lại. Mấy chục nghìn năm trước và mấy chục nghìn năm sau có ý nghĩa gì, trong cái vũ trụ đời đời thay đổi và bị hư không chiếm lĩnh ấy?
Câu chuyện kết thúc khi mỗi kẻ tự giữ lấy niềm tin, bước đến buổi lễ hội rạo rực của mình, mỗi người mỗi ngả dưới bầu trời hai Mặt trăng của sao Hỏa. Với họ, nơi đâu có rượu và phụ nữ đẹp, nơi đó có sự thật, còn thì chẳng ai thật hơn ai và chẳng ai ảo hơn ai, mọi linh hồn cùng là những sát na thoáng qua, nhưng đồng thời, mọi linh hồn sẽ cùng vĩnh viễn chia sẻ không-thời gian này.
Bằng cách chuyển dịch con người vào một thế giới khác, Ray Bradbury đã làm cái điều vĩ đại là chứng minh tính người là một hằng số vật lý, dù ở bất cứ đâu con người vẫn là con người vậy thôi. Họ thích được tung hô, họ buồn rầu, mơ mộng, tự phỉnh mình, họ thích cái đẹp, họ sợ cô đơn mà rồi vẫn cô đơn. Trong Những thị trấn yên lặng, một nốt hài hước hiếm hoi ở phần cuối cuốn sách này, chàng trai duy nhất còn lại trên sao Hoả sau khi loài người tổ chức một cuộc đại di cư trở về Trái đất đã nghe thấy một tiếng chuông điện thoại trong thị trấn hoang tàn. Anh làm đủ mọi cách để nghe được cuộc điện thoại ấy, để tìm ra người gọi nó là ai, anh ước gì giá như mình có một người đàn bà ở bên cạnh. Ấy thế mà, khi đã gặp được cô – người đàn bà cuối cùng trên nhân gian, một người đàn bà béo bệu, anh liền chuồn thẳng.
Ở một góc độ khác, có thể coi truyện ngắn trên là một giễu nhại với truyền thuyết Adam và Eve. Nếu Adam và Eve là người đàn ông và người đàn bà đầu tiên được Chúa tạo ra, thì ở đây, ta có người đàn ông và người đàn bà cuối cùng. Chúng ta chẳng biết được nàng Eve có đẹp hay không, mà khéo Adam cũng thế, vì anh ta làm gì có sự so sánh nào? Nhưng người đàn ông này thì đã ở nấc cuối cùng trong chuỗi tiến hóa, đã biết thế nào là một người đàn bà đẹp, anh ta không có lựa chọn khác, nhưng anh thà cô đơn. Sự kết thúc của loài người trên hành tinh Đỏ đã diễn ra như vậy, với một cá thể đực và một cá thể cái không thể thành đôi. Chúa cũng bó tay trước tính kén cá chọn canh của con người. Sự diệt vong là do con người chọn lấy.
***
Năm 1971, NASA gửi tàu thăm dò không người lái Mariner 9 lên sao Hỏa. Nhân sự kiện trọng đại ấy, các nhà khoa học của NASA đã mời những tên tuổi văn hóa nổi bật với niềm yêu thích vũ trụ tới cùng gặp gỡ, trong đó có Ray Bradbury. Bradbury khi đó đã chia sẻ một bài thơ ông viết, một bài thơ mà theo ông là “gói gọn những cảm xúc của tôi về lý do tại sao tôi yêu thích du hành không gian, vì sao tôi viết khoa học viễn tưởng”, bài thơ mang tên If we had been taller (Nếu như chúng con cao hơn), trong đó có đoạn ông kể về một nơi giữa lưng chừng trời mà ta muốn vươn tay chạm lấy. Chúng ta chịu đớn đau khi cố vươn tay chạm vào nơi ấy, nhưng với bao nhiêu dường như cũng là không đủ:
“Giá như chúng con cao hơn,
và chạm vào cái còng tay của Thượng đế, ve áo của ngài…”
Ray Bradbury viết ông đã lao động vì cái chạm giữa Adam và Chúa như bức tranh tường của danh họa Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine, cho cái giấc mơ được một ngày nào sẽ reo lên rằng ta đã tới được ngôi sao gần nhất với hệ Mặt trời, rằng ta đã không còn là người lùn nữa, ta đã cao lên để chạm tới Chúa Trời.
Con người sẽ chẳng bao giờ chạm tới Chúa Trời theo cách ấy cả. Bradbury biết thế. Dù có bay vọt lên sao Hỏa hay chạm tới ngôi sao Alpha Centauri thì chúng ta cũng sẽ chỉ mang vị Chúa mà ta nghĩ là của mình đến đó, không biết rằng Chúa đích thực đã luôn ở đó rồi, và ở cả trong ta. Trong truyện ngắn And the moon be still as right (Và trăng vẫn sáng), một phi hành gia phản bội tất cả những người anh em chung chuyến phi thuyền của mình, anh giết họ vì không muốn con người làm lấm bẩn sao Hỏa, anh bỗng trở thành một nhà cách mạng dù không ai yêu cầu, bởi anh nhận ra ở trên hành tinh Đỏ, anh đã có được một lý do để sống và chiến đấu: “Đó là học cách thở lại từ đầu. Cách nằm dưới nắng để có làn da rám nâu, để cho nắng đi vào, nuôi dưỡng cơ thể. Cách nghe nhạc và cách đọc sách. Còn nền văn minh của các anh thì có gì?” Sao lại không có gì? Những điều đó người ta có thể làm cả trên Trái đất. Nghĩa là chân lý đã có sẵn trên Trái đất. Nhưng bao giờ chẳng vậy, phải ở rất xa Trái đất mới nhìn được toàn bộ Trái đất, phải ở rất xa chân lý mới biết chân lý đã từng ở ngay bên mình.
21/3/2024
Hiền Trang
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...