Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

 

Tiếng hú hồn của mụ ké

1- Tiếng hú hồn của mụ ké

Tiếng hú đưa từ phía rừng Sam-na đưa lại. Đêm nào mưa gió thì nghe tiếng ấy lẫn vào với tiếng nước đổ, cây vù. Đêm nào lặng trời thì nghe rõ ràng lắm. Nhất là về giữa trống canh hai, bấy giờ trong làng người Mán đã bắt đầu yên nghỉ, tất trong cài vùng tối tăm dữ-tợn, tiếng hú bổng lên không tợ như giọng ba bốn đứa trẻ xác xơ đang ngồi ở bãi vắng hay bờ lau mà gào mẹ chết.

Hồn kêu hay ma khóc? Rừng réo hay suối vang?

– Chẳng biết. Nhưng mà ở cái chốn hầm thiêng nước độc, ở cái chốn rừng rú lam-chướng này — tuy rằng dân cư đã dạn với cái khủng-khiếp — tiếng hú mới có độ mất hôm nay ấy nó có cái vẻ quái-lạ khác thường lắm. Có lẽ lần này là lần thứ nhất người ta mới được trông thấy cái lo sợ của người Mán Khao-la.

Bởi vì gần đây trong làng mới thấy một điều khác. Gần đây trong rừng mới có một con hổ rất dữ, các bọn đi săn giỏi nhất cũng bị hại rất nhiều. Có khi giữa ban ngày nó cũng dám ra cướp trâu bò dê lợn của người Mán. Dẫu đặt bao nhiêu bẫy cạm, dẫu đi từng đoàn thiện-xạ săn bắt, dẫu tay lao nỏ trông thấy bóng hổ rất gần: hổ vẫn thoát khỏi. Hết cả phương kế. Hổ vẫn cứ tự do tung hoành. Người Mán thường coi hổ như con chó dữ, bấy giờ cũng phủi nhụt, cũng phải run-sợ vì « Chúa sơn-lâm. »

Cũng một thời kỳ xuất-hiện « Ông rừng» ghê gớm, có một người đàn bà với một cô con gái làng ngoài đến ở. Chừng là hai mẹ con, mà là dân ở thôn xa lắm. Hai người đến ở, dựng một túp lều lá ở bên một cái bụm lớn, lại ở ngay cửa rừng Sam-na. Như thế, dường như hai mẹ con nhà này có ý cách biệt hẳn với xóm làng ở đấy. Cả một làng dăm ba mươi nóc, chen xít nhau ở bên khu rừng, dân cư vẫn giúp đỡ lẫn nhau, vẫn binh vực lẫn nhau, nay có người đột-nhiên đến, lại ăn ở ra cách biệt thì thật lạ lùng. Không ai hiểu lịch-tình hai người ấy. Mà từ khi rừng thành dữ, không mấy ai dám đến nên cũng không biết hai mẹ con làm ăn ra sao. Chỉ những lúc chợ phiên, mới thấy hai người ra mặt; gánh củi từ cửa rừng ra bán rồi đổi lấy gạo muối về nhà.

Người đàn bà trạc độ năm mươi, năm nhăm tuổi, người trông khô xác, thấp bé, chỉ lanh-lẹn ở hai con mắt sắc-sảo mà lúc nào cũng gườm-gườm. Cô con gái độ mười sáu mười bảy tuổi, nét mặt xinh-xắn, lúc nào cũng có vẻ e-lệ ngây thơ. Các cậu ở trong làng ra chợ, cậu nào trông thấy cô ả cũng phải ngơ-ngất mà nhìn hoài, Nhung không cậu nào dám toe-toét cười hay buông lời trêu cợt, vì có mụ già đứng đấy trả lời lại những lối trai-lơi kia bằng một cái nguýt khinh bỉ, hằn giận đến rùng mình. Anh nào to gan không sợ lại cứ sán gần đến cô bé, tức thì mụ mắng cho mấy câu, rồi chẳng đổi chác thì chớ, cầm ngay lấy tay cô bé, cất gánh củi, một mạch đi về. Người Mán vốn có tính đặng-đột thật-thà, không có tính thâm hiểm ghen ghét, nhưng thấy cái cử-chỉ nhạt-nhẽo, bí mật của mụ già khô khan kia; thì không khỏi sinh nghi. Vì thế, sau những buổi chợ, hoặc những lúc nói chuyện vãn với nhau, nguời Mán thường nói đến hai mẹ con nhà ấy.Trước thì cho là một mụ ké cay nghiệt, sau cho là một mụ di có thờ ma gà; rồi từ đó, mỗi ngày một thêm điều bày đặt, thậm chí cho mụ ké chính là một con hùm-tinh. Có người dựng đứng lên nói rằng: « Chính nó đấy, thật là thế, chính nó là con hùm trong rừng. Con hùm trong rừng nó biến thành con mụ ké và cô con gái để đi đánh lừa đó!»

Bỗng nhiên mấy phiên chợ nay, không thấy mặt mẹ con mụ ké nữa, mà từ ngày mụ ké không ra chợ thì dân cư bắt đầu nghe thấy tiếng hú ban đêm. Dân cư lại càng chắc mụ ké không phải là người thật. Hẳn mụ ké biết đã lộ cái cách tàng-hình nên không dám ra nữa, từ nay đành phải giữ nguyên-hình. Nhân đó, thường thường những lúc quây quần buổi tối, nhà nào nhà ấy đóng cửa cho kín ; trước khi đi ngủ ngồi quanh ngọn đèn mà kể chuyện hùm- tinh. Một trận gió đưa, tiếng tầu lá động, chốc-chốc lại thêm tiếng hú nghe xa lăng-lắc, làm cho mọi người lại nín tiếng, lắng tai và tái mặt hồi lâu.

Theo như những câu chuyện họ kể, thì trước kia ở đây cũng có một con hùm-tinh. Con hùm này quỷ-quái lắm, thường thường nhảy vọt được lên cây mà nói được tiếng người. Khi thì thưa-thưa gọi-gọi, khi thì khóc-khóc cười-cười. Thấy người nào đi qua rừng là giả tiếng bà già đang nói, hay một đứa bé nheo-nhẻo gọi: «Thầy ơi, u ơi, ông ơi, bác ơi... » Những người nghe gọi ngảnh nhìn lên cây thì chỉ thấy một con cọp đang cười sằng-sặc, khiến cho người đó kinh hồn ríu chân không chạy được. Hùm-tinh cứ việc nhảy xuống mà xơi. Về sau con hùm tinh ấy hình như bị sét đánh chết, nên dân cư mới được yên mãi cho đến giờ.

Tới nay, lại có một con khác đến.Cái tiếng hú từ phía rừng đưa lại, chẳng là tiếng con hùm-tinh đó sao!

Một đêm kia, dân cư lấy làm ngạc-nhiên lắm: tiếng hú không thấy vẳng nữa, mà đêm hôm ấy lại tạnh ráo, trời đất không có tiếng mưa gió gì. Ai cũng lo rằng có lẽ con hùm- tinh bỏ rừng để đi đánh lừa người ăn thịt. Đêm đã khuya lắm, không ai dám bước chân ra ngoài. Mọi người đều im thin-thít để nghe ngóng. Giá bấy giờ có ai gọi xin lửa hay hỏi gì thật cũng không dám mở, vì biết tiếng người hay tiếng con hùm-tinh? Một vài nhà ló mắt nhìn khe phên để trông ra ngoài. Bên ngoài vẫn lặng-lẽ; trên cái bãi bao-la mờ-mờ sáng lạnh ở dưới mặt trăng còn khuyết kia, chưa thấy bóng con hùm-tinh ra khỏi rừng.

Gần hết canh hai, bỗng nhiên một toán bảy người lực-lưỡng đi mạn Sam-na. Nhìn kỹ thì là bảy người trai trong làng Mán. Nguyên họ nghe lời ông Lang sai đi đến nhà mụ ké để rình xem mụ là người hay là hùm-tinh nhốt lốt. Mấy người đi đây, tuy trong lòng ghê-sợ tai nạn, nhưng vì có bọn đông, và ai cũng tin cậy ở cuộn dây trão ngũ sắc: Hùm-tinh sợ dây phù-phép, vì khi bị dây ấy trói, không tài nào biến được đi đâu. Đi đến nhà mụ ké, một người ra hiệu cho ai nấy rén bước, hễ trông thấy mụ ké tức thì trói nghiến ngay lại hễ thấy mụ ké thò đuôi ra (người ta tin rằng hùm-tinh khi hóa ra người vẫn còn đuôi) thì giết phăng ngay đi.

Nhưng trong nhà tối lắm, mà cửa lại mở, nhìn kỹ vào không thấy có người! Mấy bác đã chột dạ, song cũng rẻo lối sau để nghe ngóng xem sao. Một người bỗng kéo áo người đi cạnh, trỏ vào một vật lù-lù nằm ở sân sau. Mọi người cùng nhìn, sởn cả gai ốc! Bên cái vò nước, dưới bóng trăng suông, một con vật vằn-vằn nằm không cử động!.. Không phải chỉ có một con, nhìn lại thì ra ba bốn con nằm đó, mà con nào cũng như ngủ say mệt say mệt! Ghê-sợ quá cùng nhau hết sức nín tiếng mà lùi. Vô phúc nó trở dậy bây giờ thì chết cả. Cũng có người sực tỉnh khẽ bàn nên nhân lúc nó ngủ đem dây phù mà trói lại cho mau. Chết cái chưa ai hoàn hồn, vì đột nhiên gặp thấy cái bất-thình-lình như thế thì can đảm đến đâu, cũng phải núng. Vả nó là yêu-tinh, nó khôn-ngoan lắm, biết đâu, con mụ ké đoán trước là có người đến, nên đổi nguyên-hình ngủ đây để cho người mắc lừa, đã rắp tâm thế, mà không tìm đường thoát sớm thì …

«Hàầm…!»…Một tiếng vang động đâu đâu, bọn bảy người rụng rời đổ đốt ….

Hầm-m!!! Tiếng gầm của con cọp con cọp dữ ghê dữ gớm, tiếng gầm của con hùm-tinh!

Bảy chàng con trai cường-tráng không còn nghĩ gì đến bắt mấy con cọp ngủ nữa, anh nào anh ấy cuống chân lên chạy… mong cho mọc ngay hai cái cánh mà bay lên trời.

« Hu… ầm, h… ầm!!! »

Nhưng, hú vía! Bọn này chạy đã xa; bây giờ, đã đến xóm; khản cả tiếng, líu cả lưỡi, gọi người ra mở cửa, rồi vào nằm vật ra nhà, thở không ra hơi. Bên ngoài, không thấy gì, nhưng tiếng gầm vẫn cứ rống.

Từ hôm ấy mà đi, ai cũng lo sắp có một cái tai-nạn ghê-gớm. Nhưng mà lạ! Dân làng cứ mất mật mà đợi những tai-nạn không có bao giờ.

Tiếng hú trong rừng thấy mất. Trâu bò của người Mán cũng không thấy dấu hổ đến tha đi. Đã non một tháng rưỡi trời lo sợ, mà chẳng thấy xảy ra việc gì. Hùm-tinh đâu? Chết rồi chăng? Hay đi nơi khác? Mà hùm-tinh chết hay đi rừng khác, có lẽ dân làng được yên chăng?

Cách đó đến gần hai tháng, không ai dám đánh bạo vào rừng; cũng không ai dám bén-mảng đến nhà mụ ké. Mụ ké với người con gái cũng không ai gặp cả. Người Mán không lấy gì làm lạ, họ thản-nhiên mà bảo nhau:« Mụ ké ấy, chinh là con hùm-tinh, con hùm-tinh ấy, nó mới bỏ Sam-na nó đi, vì dân Khao-la khôn hơn con hùm-tinh ấy….»

Đó là việc có thật đã xảy ra ở mạn Khao-la ngày trước. Nhưng việc có thật sao vẫn còn giữ cái vẻ hoang-đường như thế? mà cái tiếng hủ trong từng Sam-na kia duyên do vì đâu mà ra? Người làng Khao-la không chịu biết, họ chỉ sẵn lòng tin những điều họ đã đoán phỏng được thôi. Bởi vậy, nguồn gốc câu chuyện này không mấy ai cho là thực cả

 

 

Cuối đời nhà Tiền-Lê, làng Khao-la thuộc Lầu-chảy, triều-đình vẫn để yên cho dân cư sinh nhai trong chốn nước thẳm non cùng. Chúa Mán là Nang-bô-Kha, nhân trong nước không yên, bèn nổi lên tỏ ý không thần-phục. Quan quân đem binh sát-phạt, số đông dân Khao-la xin hàng. Còn bọn không thuận thì trốn chạy. Được ít lâu liền lập ra ở miền rừng hoang một làng riêng cũng gọi là Khao-la. Hai làng Khao-la nội và ngoại cách nhau xa lắm, và không bao giờ giao-thiệp với nhau ; rồi từ đó tính-tình, phong-tục cũng không giống nhau mấy. Như thế được hơn mười năm hai dân vẫn cứ bằng yên mà làm lụng.

Người đàn-bà Mán bị tưởng là hùm-tinh kia là người làng ngoài. Bà ta góa chồng từ sớm: nói là bị góa chồng, nhưng thực ra thì bà ta bị chồng lừa. Người chồng ấy lấy bà ta đến lúc có mang thì bỏ đi. Bà ta căm tức lắm, nguyền rằng nếu đẻ ra con trai thì giết tức thì. Đến lúc nở, lại sinh con gái. Bà ta mới đổi oán làm mừng, nưng niu chăm chút đứa con và làm lụng cần-cù nuôi cho con khôn lớn. Đặt tên cho con là Mi-nàng, và bỏ tên chồng, nhận lấy tên con làm tên mình để tỏ lòng yêu dấu.

Mi-nàng mười sáu tuổi, trong làng có người thấy nhan sắc đem của cái rất nhiều đến xin, mẹ Mi-nàng không thuận, nên Mi-nàng cũng không thuận. Mi-nàng ngây-thơ lắm, bên kia dùng lời ngọt-ngào dỗ-dành không rời. Sau thấy cô ta đã xiêu lòng, liền giở thói cưỡng nài không đợi đến lúc cưới hỏi. Mi-nàng bị lừa rất là hổ-thẹn ăn-năn, đem đầu đuôi thú-thật cả với mẹ. Bà mẹ tức khắc đến điều-đình với bên kia nói là thuận gả con gái. Nhưng bên kia nắm được đằng chuôi, trở mặt ; mong rằng mẹ Mi-nàng đem con biếu không cho mình mới nghe. Bà ta nổi giận, lại nhớ đến con người ăn ở bạc-bẽo với mình…  Không nói năng gì cả, đến đêm rình một chỗ, rồi xông ra chém chết thằng con trai kia. Giết nó xong, không hối-hận, không sợ hãi, xốc ngay cái thây, còn đeo lủng-lẳng cái đầu ma, đem về vất ra sau nhà. Rồi vào gọi con gái vác nải gạo và bọc quần áo đi trốn.

Hai mẹ con đi được một ngày một đêm về mạn Sam-na, thì tìm chỗ nghỉ. Bấy giờ bà mẹ mới cầm hai má cô con gái mà nhìn. Bỗng nước mắt chứa-chan, rồi bà ta ôm lấy con mà khóc nức nở:

– Mi-nàng! Mi-nàng! Nòng-Khon nó muốn đánh lừa mẹ, đánh lừa con ; mẹ đã giết Nòng-Khon cho nó chết.

Rồi bà ta lại khóc, như muốn lấy tiếng nức-nở để nói nốt bao nhiêu lời. Mi-nàng cũng khóc, có lẽ nửa thương tình-nhân bỏ mạng, nửa thương bà mẹ hiền phạm tội ác vì yêu cô ta.

– Mi-nàng ơi! Mẹ với con đi đày, đi trốn! Ở đấy làm gì với những người nó chỉ chực cướp sống con gái yêu của mẹ ; con nghe chưa?

– Con nghe rồi. Con cũng … muốn thế…

– Thế thì hay lắm, mẹ với con đi rõ xa, xa lắm kia. Rồi làm nhà riêng một nơi, mẹ đi làm, con đi làm, mẹ con nuôi nhau, con yên vui mà mẹ cùng vẫn được yêu dấu con, mẹ sung-sướng!

Đêm hôm ấy hai người tìm bóng cây để ngủ. Mi-nàng mỏi quá ngủ ngay, nhưng bà mẹ vẫn thức, vừa thở dài vừa xua muỗi hay kéo lại khăn áo cho con nằm yên.

Sáng hôm sau hai mẹ con lại đi. Cô con gái thì đi trước, xách bọc quần áo; bà mẹ đi sau, khom lưng địu một nải gạo nặng nề. Mi-nàng hai mắt hoe đỏ, chốc chốc lại trông với lại, trông trời cao mây vẩn, trông cỏ cây núi rừng; trông cái khoảng đường xa non án, nó phân chia cho nàng không thấy được quê hương. Những lúc cô con gái trông lại như thế, có khi gặp mắt bà mẹ:  bà mỉm cười cho con gái quay đi, rồi lại đăm-đăm nhìn thẳng trước mắt, như tìm xét xem nơi nào mới chắc-chắn nơi nào mới kín đáo để mẹ con ẩn náu mà nuôi nhau. Đối với lúc phải bỏ quê quán mình ai là người không sầu cảm ; nhưng bà mẹ Mi-nàng vui mừng quá, sẵn lòng quên được buổi phân ly. Từ ngày bị người chồng rẫy bỏ — rẫy bỏ vì đã chán-chường nhau — bà ta chỉ biết lấy cái bông hoa này để làm át được cái gương sầu nó ám ảnh. Bao nhiêu lòng giận-dỗi người đơn bạc, nay đem bỏ đi hết mà để trong lòng cái mối tình rất mật thiết, rất đằm-thắm là tình yêu con. Mẹ cô Mi-nàng yêu cô ấy quá, yêu cô ấy quá mà thành ra ghen hờn với người ngoài, không muốn cho ai dòm-dỏ, không muốn cho ai tấm-tắc khen cô; cái dáng-điệu, cái nhan-sắc Mi-nàng, bà mẹ lấy làm đắc-chí mà thu giữ lấy một minh cái thú được yêu được ngắm.

Đi một ngày một đêm nữa, thì đến cạnh rừng Sam-na. Ở đấy mới thấy có nhà cửa dân-cư, nên mẹ con định lấy làm nơi nương náu. Ở chung với người trong thôn thì lại sợ cho con, nên mới dựng túp lá nhỏ ở xa cho cách biệt, từ đó bắt đầu cuộc đời lam-lũ nhưng rất sung sướng cho bà mẹ. Sáng đi xới vườn, kiếm củi, tối về rau cháo bên con ; bao nhiêu ái-ân, bao nhiêu tình-tứ, lời nỉ-non, giọng tha-thiết; cái nhà tranh hụp-túp bấy giờ không biết đến những điều kinh-hoàng bí-hiểm trong rừng.

Một tháng – sáu bảy ngày phiên chợ –, bà mẹ lại dắt con gánh củi đi chác lấy gạo về ăn. Đến nơi đổi chác cho mau vì bà ta rất gờm những trai làng nó chỉ chực lấy cách nhởn-nhơ mà câu mất con gái.

Mẹ con ở với nhau được hơn một tháng ; mẹ chịu khó, con chịu khó, làm ăn suốt ngày quên cả nhọc nhằn. Yên vui thực. Bà mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại một mình rằng: «Suốt đời người, bây giờ thực mới biết được cái sung sướng» Tuy thế, không hiểu vì đâu, trong lòng bà ta vẫn còn phấp-phỏng sợ ; sợ cái hòn ngọc báu, báu vô ngần vô giá, hòn ngọc không ngọc nào sánh tầy: vẫn sợ rằng không được âu-yếm mãi. Lúc nào mẹ cũng muốn cho con tươi cười vui vẻ; con cũng vẫn tươi cười vui vẻ đấy. Nhưng con mắt chứa-chan tình cảm của bà mẹ kia nó sắc-sảo lạ thường. Trên khuôn mặt Mi-nàng, bà ta vẫn thấy cái bóng mây buồn nó vương vít, cái nét đau đớn nó ẩn núp: nó cứ đòi lẻn vào đôi mắt ươn-ướt với cái miệng cười cố gượng của nàng. Có khi mẹ để con ngồi một mình trong nhà, rồi ra núp một nơi, rón rén bước lại khe hở vách ghé mắt nhìn qua mà xem mặt con. Cũng may, những lúc đó mặt Mi-nàng chưa đổi sắc, vẫn còn nguyên cái cười nụ vừa rồi. Bà mẹ thấy thế vui sướng quá chạy ngay vào nhà ôm ngay lấy con mà nưng-niu trong tay:

– Con yêu mẹ nhé, con thương mẹ nhé! Con khỏe đi, con lớn đi, con vui vẻ đi cho mẹ sung sướng với con.

Rồi bà ta lại ôm chập lấy con, giấu đầu vào ngực nàng mà không biết là cười hay là khóc. Mi-nàng cảm-động lắm càng ngày càng cố làm cho mẹ càng vui càng mừng. Sau mấy lần rình cái vui — hay là cái đau đớn của con— bà mẹ Mi-nàng yên vui sung sướng một cách vững-vàng lắm.

Thương hại thay bà lão! Chưa chi bà đã vội mừng. Bà có hay đâu rằng những khi canh khuya chợt thức, cô con  gái kia vẫn ngấm ngầm mà nuốt cái đắng xót chua cay! Phải, cô ta cay đắng thực, mà cái cay đắng ấy lại gây nên chính bởi tấm lòng yêu quý của mẹ cô ta! Ai xui nên quê hương xa cách, ai xui nên kẻ chết người còn...? Quê-hương kia cô không còn mong được gặp mà người tình-quân chỉ ân-ái chốc lát kia cô cũng không hy vọng —thật không có lấy một mảy may hy vọng gì—là còn được sum-vầy cùng nhau.

Nhưng mà cái khối lòng kia rồi đây dần dần cũng mất chắc hẳn thế. Chừng như mẹ Mi-nàng cũng có biết bụng con vẫn thảm sầu, song bà còn mong ở cái lâu ngày thành quen, con gái cũng quên hẳn được người tình cũ. Vả lại, bà biết cố gắng, bà biết nhẫn-nại, bà biết cách tìm cái vui cười mãi mãi cho con gái của bà.

Mẹ con đã bàn nhau kế sinh-nhai cho dễ-dàng hơn trước. Xới thêm đất trồng rau cỏ, đánh các cây cối về chung quanh nhà, lại tìm lấy mấy cái tổ ong nuôi lấy mật. Rồi ra nếu cố công cần cù vun bón, sẽ kiếm lấy mấy con lợn con bò về nuôi, đợi cho sinh nở ra nhiều thì càng đễ đương, đổi chác cho người trong làng lấy nhiều thóc gạo. Cô Mi lại nghĩ thêm được mấy cách, nào chăn tằm, nào kéo sợi rồi thì đặt khung dệt lụa vải, hay thêu thùa may vá trong những ngày không đi kiếm trên rừng. Bàn đi tính lại, bà già đã trông thấy trước cái cảnh-tượng mới-mẻ cho nhà cửa mẹ con mình.

Hôm ấy đang cùng nhau kiếm củi, bà mẹ Mi-nàng sực nhớ tới mấy cái bẫy chim còn bỏ ở nhà. Bảo con đứng đợi tất tả chạy về tìm bẫy đem lên. Mi-nàng dặn với: mẹ đem cả cái giỏ nữa để đựng nấm. Nấm này còn con sâu nó vào đấy nó cũng rụng hết cả.

Nói rồi nàng để mẹ về, lúi-húi hái những nấm non ở hốc cây hốc đá. Lần này bà ta mới để con một mình ở đó, vì  nhà gần, bà ta lại lên được ngay. Tuy thế trong bụng vẫn bồn chồn lo sợ những tai-nạn bất kỳ xảy đến. Chạy một mạch về nhà, tìm được mấy cái bẫy với cái giỏ lại chạy một mạch lên với con. Lên đến nơi đã không trông thấy Mi-nàng đâu nữa, chắc là con gái đứng khuất đâu gần đó nên chưa muốn vội nghĩ đến cái gì là nguy… Bụng bảo dạ: « Không, con ta không việc gì đâu, không việc gì hết.» Vừa nghĩ thế vừa tươi cười giơ mấy cái bẫy và cái giỏ gọi bảo con rằng:

– Lạy ông trời nhé, ông cho mẹ con tôi đến chiều bắt được nhiều chim. Mi-nàng ơi! giỏ đây rồi, bẫy đây rồi, ra đây mắc bẫy với mẹ …

Mẹ Mi-nàng vẫn mỉm cười, nhưng không gượng để tự giấu mình cái kinh sợ được.

– Con ơi! Mi-nàng ơi! Mi-nàng à!...

Mặt mẹ Mi-nàng bỗng biển sắc, cố nhách mép lấy cái nữa:

– Mi nàng! Mi-nàng đâu, con?

Trời ơi! Mi-nàng chẳng thấy đâu cả! Bà già cất tiếng gọi lớn. Các bụi cây ở đấy yên lặng không trả lời. Vội vàng ném mấy cái bẫy xuống cạnh đống củi, chạy tìm chỗ này chỗ nọ mà vẫn chẳng thấy con gái đâu. Bà già ngơ-ngác, cuồng-cuống, không biết xem đâu, không biết tìm đâu, lúc đi lúc chạy như người rồ dại.

– Mi-nàng!…  Mi-nàng!!…. Mi-nàng!!!

Trời đã gần tối, tìm Mi-nàng không thể thấy được, bà già bỏ cả củi, bỏ cả nấm, bỏ cả bẫy, bỏ tất; vừa khóc lóc vừa lểu-thểu về lều. Bấy giờ hãy còn chút hy-vọng. Vào trong lều: vắng ngắt. Trông bốn phía, nhìn cả xuống gầm phản, lục cả sau đám áo quần: không có. Con gái không thấy nữa. Con gái hẳn bị hổ bắt! con gái yêu, con gái quý, con gái là cái vui thú trong ngày sống thừa của bà già!

Bà già bỗng thét lên khóc, rồi văng mình xuống đất, rứt áo, cào đất, vùng đứng dậy rồi lại gieo mình. Khóc đã khản cả cổ đă ngặt cả tiếng; tâm thần muốn cho say mà vẫn tĩnh, trời đất muốn cho chuyển mà vẫn bằng, muốn cho ngực vỡ toác ra, muốn xé tan tành nhà cửa… Trong tiếng mình khóc như nghe thấy con gái khóc, trong lúc điên cuồng thái quá như trông thấy con gái đứng ở tận những quả núi nào đang cứ vùn-vụt lùi xa… Mấy phen thoắt lồng lên rừng, mấy phen đâm bổ về nhà, đầu thì lắc, mồm thì hả, chân thì đảo…. bao nhiêu cảnh vật bấy giờ như cũng có tri-giác, trông thấy người đàn bà quá điều đau đớn như thế, cũng phải cùng nhau lặng-lẽ mà ái-ngại, mà thương thầm.

Trời đã tối hẳn, trong rừng các mãnh-thú đã rục-rịch đi tìm ăn. Bà mẹ Mi-nàng bấy giờ ngồi ở bên một bụi rậm, tâm-thần rối loạn, không còn chút cảm-giác chi là của người đời. Trong lòng một lúc mà nẩy ra không biết bao nhiêu điều lạ. Trước còn giận mình, rồi hờn con gái, rồi căm tức cây cỏ, rồi căm tức trời mây. Rồi vụt đứng thẳng người dậy, quắc mắt trông những bụm lá, quắc mắt nhìn đây nhìn đó ; quần áo xốc-xếch, đầu tóc bơ-phờ, rồi chân nam đá chân chiêu lảo-đảo đâm về nhà nằm vật lên trên tấm phản.

Ngày hôm sau bà Mi-nàng chợt tỉnh cái giấc say mê mà bao nhiêu đau đớn đã làm cho ngất người đi từ đêm qua. Bà ta ngồi dậy khóc lóc một lúc. Thoắt nín bặt. Mắm môi cau mày hết sức đè nén cái khổ trong  lòng. Rồi thoắt đứng dậy, đai lưng chít tóc, cầm con dao cả quyết đi tìm con. Định tìm con hay tìm xác con, hay tìm con ác thú nó làm cho con không được ở với mẹ; không biết chắc. Nhưng bà ta cả quyết. Trên mặt không còn ngấn nước mắt chảy, chỉ thấy lộ ra vẻ ghê-gớm dữ-tợn lạ thường.

Suốt một ngày trời, chui vào hang, lách vào hốc, phạt cây rợ,, rẽ cỏ lau… không biết bà ta lấy sức lực đâu mà luôn tay không biết mỏi. Vừa thẳng cánh phá phách vừa lảm-nhảm luôn mồm: « À phải! à phải, bà không có sợ mày, bà giết chết mày, bà giết chết mày, được bà mới nghe». Giết chết chi? — Tất nhiên là con hổ dữ tợn làm cho cả vùng Khao-la bấy lâu kinh hãi.

Phải, chính con hổ ấy nó bắt mất Mi-nàng đấy. Bấy lâu nó đã có ý rình mò, nhưng bà ta đã phòng bị sẵn. Ban đêm nó toan nhảy vào nhà thì đống mồi vẫn hằng cháy đã làm cho nó sợ ; ban ngày nó toan vồ thì lại khiếp cái tiếng ống nứa-ngộ bà đem theo và chốc chốc lại gõ, lúc đi kiếm củi ở trong rừng. Hổ đêm thì sợ lửa, ngày thì sợ tiếng nứa ; bà Mi-nàng nghe thấy mấy người đi săn ở quê nhà nói thế, bây giờ thấy quả như lời. Tuy vậy, ta cũng chưa thể tin được cái « phương Kỵ-hổ »lạ lùng kia. Chẳng biết « Chúa sơn-lâm» sợ ống nứa hay lại sợ ngay cái cử-chỉ mạnh bạo của người đàn bà lúc nào cũng hết lòng che chở cho con gái. Vì ta phải biết, ví thử có yêu ma quỷ quái linh thiêng độc dữ đến thế nào mặc dầu, nếu cùng nhau có hợp sức lại, cùng nhau toan đến làm hại con gái bà ta ; ví thử có thế, ta sẽ thấy bà già tức thì một tay ôm giữ con, một tay rút thanh dao rừng sáng vằng lên tứ phía, như vung bao nhiêu cái đảm-lực thiêng-liêng vì tấm mẫu-tình ; chết thì liều chết chứ thử chạm đến con gái bà xem.

Ấy thế mà bây giờ con bà phải chết! Ấy thế mà con hổ vô phúc kia dám cả gan ăn thịt mất con gái yêu của bà. Bà biết thế rồi. Bà lại biết rằng chút máu dư của bà mà mất là bà không thể sống được mà cũng không muốn sống nữa! Thế nhưng hãy gượm, mặc cho ruột nó đứt ra từng khúc, trước khi chết, bà ta phải báo thù.

Năm sáu hôm, ngày thì hết sức tìm sục, bà ta một tay cầm dây rợ, một tay cầm thanh dao dài đi vào rừng. Có hôm quên cả ăn, quên cả mệt, quên cả dấu ngành gai, lá sắc nó cứa vào da. Đêm thì lại ngồi ở cửa rừng mà đợi.

Những lúc canh khuya một mình giữa nơi hoang địa,, nhớ đến con gái bây giờ hồn đang vơ vẩn đâu đâu, bà ta lấy làm đau lòng lắm. Nhưng không khóc. Hay là không khóc ra nước mắt. Chỉ đem cái chua, cái chát, cái phẫn-uất, cái hằn-học căm hờn … bao nhiêu khối hại người ấy đã hết lòng nén chặt, bây giờ đem ra thu vào tiếng hú, tiếng hú để gọi hồn con gái, để nói chuyện với hồn con gái ; cái tiếng hú lạnh-lùng dữ-tợn, đã làm cho dân Khao-la sợ hãi mấy đêm trời.

Bà ta ngồi đó, thỉnh-thoảng lại hú, có ý đợi cho con hổ đến. Nhưng con hổ cũng khôn lắm, ban ngày vẫn cứ lẩn lút, ban đêm thì tìm lối khác ra kiếm ăn. Cái đống lửa ở cạnh bà ta bấy giờ, với đôi con mắt bà ta quắc lên lúc ban ngày, khiến cho con vật cũng phải chột dạ. Mấy lần định xổ ra vồ, nhưng có lẽ nó còn ghê còn gờm một người dữ tợn nhất trong giống người mưu mẹo tinh quái kia.

Đến mãi ngày thứ bảy, bà ta mới tìm được sào huyệt con hổ. Bảy đêm ngày cơ-cực, giá không có ngọn lửa hăng-hái mà tấm lòng quyết báo thù kia nó hằng nhóm lên bùng bùng thì có lẽ bà ta không còn hơi sức đâu còn sống được với cái sầu cái khổ. Chiều hôm ấy, không biết con hổ đi đâu vắng, năm con hổ con ra lăn lộn ở bên cái hang hầm khuất trong lá cây. Bà Mi-nàng hôm nay mới tìm đến chỗ đó, trông thấy thế liền sồ lại đâm chết được ba con. Đuổi giết nốt hai con kia, nhưng nó hồng-hộc chạy trốn, bà ta liền cố sức vác ba con hổ chết về quẵng sau nhà. Biết trước thế nào đêm nay con hổ mẹ cũng có lúc về hang, bà ta liền sắm dây sắm rợ, toan mang đuốc nhưng lại thôi, rồi đai chít gọn gàng, lăm-lẳm con dao đi bắt hổ. Đến nơi, đợi đã khuya lắm, chả thấy bóng hổ đâu. Có lẽ nó đi tìm ba con hổ mất. Một chốc, dưới bóng trăng non, trong hang thơ thẩn đi ra hai con hổ con lúc nãy. Bà Mi-nàng bỗng nghĩ ra một ý. Lập tức chạy ra giết phăng hai con hổ con đi. Rồi trão chặt hai chân sau lại, vừa trão vừa nguyền rủa:

« Mày giết con tao! Mày không trả con tao. Tao cũng giết con mày. Tao lại giết mày nốt.» Nhưng chỉ giết chết con hổ cái cũng chưa hả giận. Bà ta muốn cho trước khi bị giết, hổ mẹ phải trông thấy hổ con chết, mà chết vì tay mình.

Bà ta vừa trói xong hai con hổ con, bỗng thấy sột-soạt lá, biết rằng hổ mẹ đã đến, bà ta bèn cấm lấy đầu dây rồi trèo lên một cái cây ở gần.

Nhờ có bóng trăng, bà già trông thấy hổ mẹ trong bụi đi ra. Con hổ này rất to, không trách nó ghê-gớm đến nỗi làm cho không những ngoài làng, chính các thú trong Sam-na cũng phải sợ. Con hổ cứ từ từ đi lại, trong đám bóng bụm bóng cây, hai con mắt mở ra trong xanh lèn-lẹt. Đi được hơn mười bước nghe thấy tiếng động đàng sau, con hổ đã toan quay lại. Nhưng chừng ngửi thấy hơi lạ, nó liền đủng-đỉnh về hang. Trên cây người đàn bà Mán đã buộc xong mình bà ta vào một cành cây to, và đã thắt cái dây dài trói hổ vào cái chạc bên cạnh. Con hổ vào hang, ý như kinh ngạc lắm, lúc ngoắt ra trông thấy hai con mình bị treo lủng-lẳng trên cây thì nhe nanh mà gừ. Chợt trông thấy trên cây có bóng người, con hổ nghe chừng đã hiểu, liền vừa lồng lộn vừa gầm một tiếng cực to.

Trên này mẹ Mi-Nàng đắc-chí lắm. Bởi vì bà ta biết rằng hổ cũng có con, hổ cũng làm mẹ. Hổ con chết, mẹ hổ cũng cay cực vì thương. Vậy thì cái thương cái khổ kia bây giờ bà ta được trông thấy. Bà ta lại cầm dây giựt mãi, khiến cho hai con hổ con cứ lay lắt dưới đầu dây. Một tiếng gầm nữa, hai chân trước con hổ đã quài được gần tới tay bà mẹ Mi-nàng. Bà ta vội lấy con dao chém bổ xuống, con hổ lại càng tức giận, mỗi lần tụt xuống lại co chân nhảy lên. Nếu không có con dao thì mấy lượt mặt bà ta bị tay hổ xé ra tan nát. Bà ta không ngờ con hổ nhảy cao đến thế, tưởng rằng nó thấy mình trên cây chỉ biết tức tối mà không làm gì được mình. Hay đâu, hổ đã to lại thêm phần hăng vì hằn-học, nếu không mau leo cao lên ngọn, có lẽ không thoát khỏi được móng hổ nó xé xác mình ra. Nhưng nguy hại thay! Bà ta đã lấy dây buộc mình vào cây từ trước! Bấy giờ phải hai tay cầm dao chống cự, không tài nào cởi vội được ra. Con hổ bị dao chém vào đầu và vào chân càng thêm dữ đội, bà ta chỉ chậm tay một tý nữa là nó bám được vào người.

Bấy giờ cả một khu rừng như lay chuyển …..

Người làng Khao-la trên mặt không còn hột máu nào. Bảy anh con trai bạo dạn đi dòm dỏ nhà mụ ké lúc nãy, tuy đã thoát thân nhưng vẫn còn khiếp đảm, tưởng con hùm-tinh vẫn còn đuổi đến nơi. Còn việc báo thù của bà Mi-nàng với con hổ cái, cùng cái tiếng hú mấy đêm trước với tiếng gầm rống đêm hôm nay, thì không ai biết đó là tiếng gào rống khóc của hai «bà mẹ».

Con hổ vừa gầm thét vừa chồm lên cây. Bà già tuy mạnh bạo, nhưng thấy con hổ thế cũng phát lo sợ. Có lẽ không phải lo vì sợ con hổ, chỉ lo chưa giết được nó mà đã bị chết trên cây. Chân tay bà ta bấy giờ bủn-rủn. Thần trí bà ta bấy giờ ngà say. Đôi con mắt hoa nhìn thấy đến bốn năm cái đầu hổ nó nhảy bổ lên mà gào thét, con dao cầm ở tay mấy lần chực rời ra mà rơi xuống. Bà ta biết mình sức đã kiệt, chỉ trong chốc lát nữa là xong đời…. chợt nghĩ đến cái thân cơ-khổ, chợt nghĩ đến cái cảnh thảm hại của hai mẹ con, bên tai như nghe thấy hồn con nó âm thầm, trong trí thoáng thấy cái cảnh tượng thân con bị xâu xé. Con gái yêu quí của bà bị hổ xé, bị hổ cướp sống mất giữa lúc vui tươi khôn lớn, khiến cho bà đau khổ rồi khiến cho bà đến nỗi nước này đây! Mặt đương tê tái bỗng nóng dội lên, bà ta giơ tay giáng xuống chân con hổ một cái cực mạnh. Con hổ bị què một chân trước kêu rống lên một tiếng mà ngã lăn kềnh ra…. Người đàn bà nghiến răng, lăm-lăm trong tay thanh dao sắt, quắc mắt nhìn con hổ, phun ra những lời nguyền rủa độc địa vô cùng. Dưới này con hổ đã chồm dậy được, hai mắt đỏ ngầu, nhe nanh giương vuốt trả lời lại, rồi thu hình gắng hết sức mạnh, nhảy vót lên bám lấy ngang lưng bà Mi-nàng. Bà lão quên cả đau, điên tiết cầm dao cứ nhè giữa đầu con ác thú nện xuống. Con hổ bị mấy nhát vào đầu nặng quá, gào váng lên như sấm đùng sét nổ mà bà ta chẳng nghe thấy tiếng gì. Bấy giờ mặt con hổ với mặt bà ta gần nhau, cùng ghê gớm như nhau. Bốn mắt long lên sòng-sọc nhìn nhau trao-tráo, lộ ra không biết bao nhiêu cái cay độc, cái hằn-học căm tức, lẫn với cái chút cảm-giác bi-đát trước khi hồn bay…. Bà mẹ Mi-nàng còn sức chém, con hổ còn sức bám lấy lưng bà ta. Chém mãi, bám mãi, dần dần bà không nâng dao được nữa, thì con hổ cũng khoan tiếng kêu gào. Đến lúc thần mè máu cạn, người đàn bà đã buông thõng tay xuống, con hổ cũng hết sức mà rã rời chân ra.

Dưới bãi cỏ rừng đầm đìa những máu của hai vật nặng tình mẫu-tử, thấy con hổ rơi xuống đánh bịch một cái,  trong một « tay » còn nắm lấy một mảnh áo với một miếng thịt lưng bà già.

2- Những tiếng nói thầm của người chết

Đêm hôm ấy bầu trời mây ám, nửa mặt trăng khuyết không mấy khi hiện hẳn được ra. Trông đó đây toàn là đồng ruộng, chỉ thấy xa xa mập-mờ mấy đám cây cối, im lặng một cách say đắm mơ-màng.

Trời bỗng thêm mây đen phủ đặc, gió lốc bắt đầu cuốn, khách rảo cẳng mà vẫn không thấy tiến mau. Trên đầu ầm-ỳ sấm động, lại lấp-loáng chớp giật liên hồi: Mưa to sắp đổ xuống, mà làng xóm lại xa, đi chậm thế này chưa chắc đã kịp đến nơi mà ẩn náu. Khách vừa lo ngại vừa gấp bước, nhưng gió cứ táp mãi vào mặt phải giữ chặt lấy cái nón lá cho khỏi bị lật ra sau gáy, rồi lại phải bỏ ra cầm ở tay. Cũng không xong. Gió mạnh lắm, như cố tình thổi cho khách phải giật lùi. Người đã nhọc quá. Dè chừng không thể tránh khỏi mưa, mới chậm chân để mà thở. Bỗng thấy một đám cây cối đang cót-két ngả nghiêng ở cạnh một cái đầm con. Nhìn kỹ thì đó như là một cái miễu lớn, ở trong lại hình như có chùa hay miếu, hay không có gì chăng nữa thì cây cối um-tùm thế kia cũng che đỡ cho mình được ít nhiều. Khách liền dấn bước về nẻo miễu. Nhờ có chớp nhoáng nên tìm lối vào cũng không lâu. Trong miễu quả có một cái chùa cổ, nhưng khách không dám vào. Trong chùa vắng ngắt, mà tối tăm lắm. Chớp có nhoáng lên được lát nào thì mới thoảng thấy một cái bệ phẳng trần giữa những cột to sù, và một vài tượng bụt cụt đầu nằm ngổn-ngang dưới đất. Sau cái bệ ấy là bóng tối, cái tối sâu âm-thầm, sâu thăm-thẳm, người ta không biết trong ấy có những gì; người ta cũng không biết sợ những gì mà không dám liều bước vào chỗ đó. Không những không dám vào tận đấy, khách lại không dám bước qua cửa chùa. Vả ngoài hiên cũng còn rộng, cũng đủ để cho khách ẩn mưa. Khách ngả nón ngồi đó, không lo ngại sợ hãi gì, nhưng không hẳn được yên lòng.

Bấy giờ hạt mưa đã lác-đác, rồi ào-ào trút xuống, nước hắt vào gần chỗ ngồi. Khách phải thu hình lại lấy nón che chân. Trông ra chỉ thấy một màu đen tối. Trong cái khoảng đen tối chốc chốc lòe lên sáng ấy, chỉ nghe tiếng rầm-rập rào-rào nối vào những tiếng soẹt tiếng đùng như cả một phương trời chuyển động. Sấm dồn, sét nổ, gió réo, mưa gầm…. Bấy nhiêu cái kinh-hoàng cho cây cỏ khiến cho khách chẳng kịp nghĩ ngợi gì; trong lòng khách bồi-hồi lắm.  Nhưng biết làm thế nào? Trời mưa, đành phải cố ngồi đây mà đợi cho tạnh hẳn.

Khách là một người bộ-hành đi từ phương nam đi lại. Khách từ nhà đến đây ròng-rã mất một ngày đường, mới rồi nghe thấy mới ở Bắc-thượng có ông Cao-sĩ sống từ đời Lê mạt tới bây giờ đã ngoài một trăm tám mươi tuổi ; cụ biết được nhiều điều mầu nhiệm, đoán được các điều hậu lai. Khách nghe thấy thế, không quản xa-xôi đi ngay tới Bắc-thượng ở gần thôn này để xin điều chỉ giáo. Ở nhà đi từ sáng, định đến chiều tới nơi, tìm vào nhà một ông họ Đàm là bạn học cũ, nghỉ ở đấy một đêm sáng hôm sau sẽ đi tìm cao-nhân. Khách đi chẳng may lạc đường, lúc biết ra thì trời đã tối. Hỏi thăm cặn-kẽ rồi cứ đi, không muốn trọ đỗ ở đâu. Gần đến Bắc-thôn thì trời mưa, khách phải miễn-cưỡng vào ẩn trong miếu.

Khách ngồi ở hiên chùa đợi tạnh, tuy có bồi-hồi thật song chỉ là cái bồi-hồi của mọi người gặp phải những lúc này thôi, chứ khách có biết đâu đến cái tai nạn ghê gớm khách sắp phải gặp!

 

 

 

Chùa này có tiếng là thiêng lắm. Chùa dựng lên đã lâu, nghe nói là của một ông quan triều Đinh, cáo lão sai làm để đến tu niệm. Bây giờ tuy là nơi bỏ hoang cách xa hẳn làng xóm, nhưng trước kia, quanh năm vẫn tấp-nập nghi-ngút, khách thập-phương qua lại kêu cầu rất nhiều.

Tự nhiên mấy năm chùa này xảy ra một việc rất kỳ dị. Sáng hôm rằm tháng chín năm ấy, những người đi lễ đến chùa thì cửa chùa còn đóng. Đợi mãi đến lúc mặt trời đã cao mà chưa thấy nhà sư thỉnh chuông. Đẩy cửa chùa thì cửa không cài then trong, mà từ tượng bụt bát nhang, cùng giá bình, trên phương-trượng đều đổ vỡ. Lạ một điều là các tượng bụt bị quăng cả xuống đất, pho nào cũng cụt mất đầu. Đang kinh ngạc thì người ta lại lôi ở trong xó tối ra mấy cái thây cũng cụt đầu, là xác hai vị sư và hai chú ticu.

Đi trình huyện-quan. Huyện-quan đến khám-xét và tra-vấn nhưng không ra được manh mối, mà kỳ quá, trong chùa ngoài những thủ cấp của bụt và sư ra thì không thấy mất mát chi. Không biết hung-thủ làm gì bằng những của ấy. Không tài nào khám-phá được. Đành phải bỏ. Rồi dần dần việc đó cũng bẵng đi. Nửa năm sau trong chùa lại có hai nhà sư khác đến ở. Hai nhà sư chưa kịp thu dọn, mới đến hôm trước, hôm sau một ông trốn đi đâu mất, còn một ông thì chết lăn ra sau phương-trượng, không biết được tên họ, vì ông ấy cũng cụt đầu. Còn đương tầm bắt ông sư đi trốn, chưa tìm được tăm tích, đến sáng thứ ba đã thấy ông ta chết treo lủng lẳng ở cây đại lớn trước cửa chùa! Khắp vùng đó nôn-nao lên vì sự quái gở. Ngay từ ngày xảy ra mấy cái án mạng ấy, người bàn đi, người bàn lại, phần nhiều người tin rằng chùa này phát hung-thần. Vẫn biết nói thế là lạc lẽ, nhưng bảo là quân gian đồ làm nên chăng? — Vô lý, chúng giết những người tu-hành vô tội ấy làm gì? Mà những vị sư ấy ai cũng biết là người chân-tu, thì bảo rằng có tay đến giết để trị tội ác cũng không có lý. Vậy thì đành nhận là chùa đó hoặc bị hung-thần chiếm, hoặc bị yêu quái ám vào. Nhân đó, mấy người chú ý riêng về việc này đều nói quả-quyết rằng: thường thường những đêm ầm-ỷ mưa gió; trong chùa thấy lập-lòe một ngọn lửa xanh, họ cố rình xem thì thấy hiện lên những hình thù rất là quái-gở, xúm quanh ngọn đèn mà rì-rầm nói chuyện với nhau. Câu chuyện nói ra ai cũng lấy làm sợ-hãi, nhất là đàn bà con trẻ thì lại càng thất kinh. Chùa đó vì thế thành ra một nơi ghê-rợn lâu ngày không ai dám bén mảng.

Ba bốn năm trời không nhang khói, không người qua lại, không ai dám biết đến những việc xảy ra ở trong. Miễu thành ra rậm rạp, chùa thành ra bí-hiểm, chốn này coi như một nơi tụ-họp của vong-hồn người chết hay một cái cửa xuống âm-phủ, lù-lù hiện ra đấy để nạt người trần-gian.

Người ta lại kể chuyện rằng: « Một hôm, có một bọn người đi buôn ở xa đến không biết là trong chùa có yêu quái nên rủ nhau vào ngủ đó một đêm sáng hôm sau không thấy ra nữa. Ai cũng biết là bọn người ấy tất thành ma không đầu. Rồi mỗi năm lại thêm một điều kỳ-dị: Khi thì mấy người táo-tợn bị thiệt mạng và mất xác vì đòi vào khám phá trong chùa ; khi thì ông lý-trưởng làng trên, vì dám nói động đến chùa này, nên tự nhiên bỏ nhà đi đâu mất; khi thì bọn tuần tráng trong làng gặp thấy trong lúc đêm hôm những con yêu tinh tóc xõa áo trắng đi lại vẩn-vơ quanh miễu. Bao nhiêu bịnh tật, bao nhiêu tai nạn ở vùng đó người làng đều cho là các hồn người chết làm ra cả.»

 

 

 

Nguy hại là thế, nhưng khách có ngờ chi. Có lẽ khách chưa bao giờ có ai bảo cho biết việc trong miễu. Bên ngoài mưa đã ngớt, khách còn ngồi dốn để đợi cho tạnh hẳn, đã toan tìm chỗ nằm ngủ đến sáng mai. Bỗng nghe ở phía sau có tiếng sột-soạt, khách ngảnh nhìn thì thấy trong xó tối hai con mắt lè-lè sáng. Hai con mắt tuy nhỏ nhưng trong xó tối trông thực là ghê người. Lại nghe thấy tiếng gừ-gừ lẫn với tiếng nhai ngâu-ngấu. Khách «suỵt!» một cái thì một con cáo chạy bổ ra lẫn vào trong một đám bụi cây. Con cáo vừa chạy thì một con rắn to ở phía ngoài bò lần qua. Khách vừa đứng phắt dậy thì đã thấy dưới ánh sáng mờ-mờ của mặt trăng soi xuống, con cáo nhảy ra chập-chờn chực vồ con rắn. Hai con đang gầm-gừ phì phò sắp đuổi nhau thì khách nhảy xổ ra dẫm lên đầu con rắn. Nó oằn oại rồi chết ngay, còn con cáo thì chạy biến mất. Bấy giờ mưa đã tạnh hẳn, chỉ còn tí-tách mấy hạt đọng ở cành cây mái chùa rơi xuống thôi. Khách thấy trời đã quang-quẻ, mà ở chốn này lắm rắn rết như thế chừng không ngủ yên được, nên xách nón lững-thững đi ra.

Lạ thật! khách là ai, mà lại thoát khỏi được bao nhiêu nạn ghê-gớm ở đây như thế? Hay là số chưa đến lúc chết, nên trời đất che chở không cho những loài yêu quái phạm được tới mình? Khách đi ra, bao nhiêu cảnh dữ tợn âm-u như đe với khách rằng sẽ báo-thù có ngày, mà khách vẫn thản nhiên không chú ý tí gì cả. Tiếng gió trên cây rung động. Tiếng chân khách dẫm lên cành gẫy ngoài sân… Ta không phải lo cho khách nữa, trên con đường nhỏ hẹp bùn lầy kia, khách đã rảo bước đi về thôn Bắc.

 

 

 

Ông họ Đàm phì lên cười:

– Nguyễn tiên-sinh lẫn mất! Bao nhiêu chứng cớ hiển nhiên còn đấy, ai dám bảo là không có? Chính tôi đây cũng không còn ngờ vực nỗi gì. Thế thì tiên-sinh cho lời tôi nói là vu-khoát sao?

– Chẳng dám thế… Nhưng mà đến câu chuyện này..

Câu chuyện này là câu chuyện khách thuật lại cho bạn cũ nghe: Ông họ Đàm nhứt quyết không tin việc Nguyễn tiên-sinh ẩn mưa trong chùa bỏ hoang mà còn sống được mà ông Nguyễn thì lấy làm lạ lắm, lại bực rằng bạn cho lời nói của mình là lời bịa đặt để kinh-ngạc mọi người.

Hai ông bạn ngồi đối diện trên mâm rượu, vừa chén tạc chén thù vừa cãi nhau về câu chuyện yêu quái. Ông họ Đàm người xương-xương, búi tóc nhỏ, gò má cao, trán gồ, mắt bé mà sắc-sảo. Cách nhau đã hơn mười năm trời — kể từ ngày còn theo học cụ bảng Đản — bây giờ mới gặp mà hai người không quên nhau; hai ông vẫn giữ được nét mặt ngày còn đồng học. Ông Đàm thấy ông Nguyễn, vẫn nước da đo-đỏ, vẫn đôi mắt nghiêm trang, vẫn cái miệng măm-mắm trên cái hàm vuông của người chính-trực quả quyết, bây giờ lại thêm hoa râm cái bộ râu ba chòm, mà trước kia bạn học vẫn gọi đùa là râu ông« Trình-tử » ; ông Đàm thấy ông Nguyễn đến, xem chừng vồn-vã, vui mừng.

Sau khi hỏi nhau về cuộc đời mười năm về trước, ông Đàm thở dài mà than trách thân-thế của ông. Nay ở thôn Bắc, ông chả muốn làm gì cả ; cái công luyện tập sách đèn bấy lâu đã tính đem ra răn bảo đàn sau, nhưng nghĩ có điều bất-đắc-chí nên lại thôi. Phó thác việc gia đình cho « bà nó » chăm chút. Bà là người đảm, thắt lưng bó que làm lụng, nuôi dạy con cái, cung-phụng ông chồng. Ngày dài tháng rộng ông chỉ văn thơ ngâm vịnh cho tiêu khiển, cái công-danh sự-nghiệp khiến cho ông đã chìm nổi lắm nước mà không kiếm được chút chi, thôi thì ông cũng không cần nữa. Mặc kệ! đời nó xoay vần, đời nó sóng gió, ông chán lắm rồi. Ông nghỉ ngơi, ông thơ phú, ông châm chọc đời chơi.

Nhưng cái ông chán đời để yên ấm trong điền-viên ấy lại liên quan đến truyện cái miễu. Ông thấy Nguyễn tiên-sinh nói đến, ông không «rũ áo » mặc kệ việc đời, ông lại đem bao nhiêu điều kỳ lạ kể cho bạn biết; rồi lại tiếp:

– Thế-gian lắm điều kỳ lạ, song không kỳ lạ bằng truyện này. Mấy năm nay, bên tai tôi không lúc nào ngơi được những điều kinh-dị người ta kể. Trước vẫn cho là việc bầy đặt, sau cũng đến phải tin. Vả «thế-gian chẳng ít thời nhiều » vạ gì bịa đặt ra những điều người la không trông thấy! Huống chi việc lại xảy ra ngay gần đây, các người thôn này đều rùng mình kinh hãi, ai cũng lo sẽ gặp phải cái tai vạ tầy trời…. một người đặt để ra nói còn có lẽ, chớ có đâu cả mấy thôn gần đây ai cũng nói đến những điều không có để nạt nhau ư?…. Tiên-sinh ở xa đến, đành là thấy các điều kể trên này là lạ lùng lắm, nhưng lạ lùng mà có thật, lại thật hơn cái việc ẩn mưa trong chùa của tiên-sinh vừa kể cho tôi nghe…

Ông Nguyễn không muốn cãi lại, ngồi lẳng-lặng ngẫm nghĩ hồi lâu. Có lẽ ông cũng hơi chột dạ, có lẽ ông đang tìm cái cớ vì sao ông không phải làm con ma cụt đầu trong chùa. Nhưng ông đặt chén rượu xuống sẽ lắc đầu mà nói:

– Người ta vẫn bảo rằng ma quái chỉ đến nạt những người yếu bóng-vía. Còn tôi thì tôi cho là những người ấy tự nát mình thì phải hơn. Trời đất sinh ra người, có thâm thiểm gì mà tạo ra những vật ấy để hại người ta? Chẳng qua bụng mình bao giờ cũng chứa sẵn cái sợ, trong trí lúc nào cũng tưởng có các vật thiêng-liêng độc ác nó chỉ chực ám ảnh mình. Bởi thế, một tiếng động trong đêm tối, một tiếng chim kêu trong lúc đêm tăm đều khiến cho mình trông thấy những hình-thù không có. Một bọn người đi ngoài đồng ban đêm thường có người kêu rú lên rằng « ma », mà những người kia thì lấy làm ngạc- nhiên, không thấy gì cả. Thế thì ma ấy ở đâu, chẳng là ở cái nát đảm của người nhát, ta vẫn gọi là yếu bóng vía ấy hình dung ra trước mắt hay sao?

Ông Đàm:

– Trong trời đất có nhiều việc ta lấy lý-tưởng mà đoán biết được, lại có nhiều việc cao sâu ta không thể lấy tri-thức mà đo-lường. Vậy chỉ nên tin là những điều ta cho là vô-tý nhất cũng có thể được … Này xem như cái việc oan-hồn hiện lên bảo mộng cho Bao-long-Đồ khi trước ngoài những mưu-kế Bao-Công bày ra, còn nhiều điều vẫn chép trong dật-sử. Lại như việc thần Xương-Cuồng ăn thịt người trong cái miếu hãm hại Bất-Vi ở nước ta ngày xưa, ai dám bảo là truyện mơ-hoặc? Không nói đâu xa, không nói đâu đến truyện cũ trong đó đầy dẫy những tích oan-hồn hiển-hiện …. nói ngay những điều tôi mắt thấy tai nghe ở trong miếu cũng đủ chứng rằng các quỷ thần hoặc tà hoặc chính, là có thật. Tạo-hóa dựng nên, hay là cho phép những linh-hồn ấy được ở lẫn với người trần-thế, là ý thế nào ; bất-tất phải cố bóp tâm nghĩ những điều mầu-nhiệm ấy vội. Bây giờ chỉ nên biết: Những hung-thần hay yêu quái đến đột nhiên chiếm cứ ở đấy; một là để phạt lũ tăng-ni làm nhiều điều hắc-ám trong nơi thanh tịnh, mà tội ác chỉ giấu được người trần-gian ; hai là để làm hại những người tà, người đến số chết như thế và người vô phúc lạc vào đó. Ví bằng việc sát-hại trên này không do ở lòng trời khiến ra, mà lại do ở cái quái ác của các linh-vật kia, thì chỉ một lưỡi tầm-sét đánh xuống là tan nát hết. — Một lẽ nữa là các vong-hồn đây là những hồn đơn quỷ đói, đi tìm tòi các người tận-số, hoặc phải chết vì nước lửa, hoặc chết vì rắn rết, vì sấm sét hay vì cách nào ; thì run rủi đến đây mà chết. Những người chết đó xác thì bị các quỷ đói chia xé, còn hồn thì lại vẩn-vơ quanh miễu, lâu ngày thảnh tinh, chính là những con tinh tóc xõa áo trắng lừ-lừ trong những lúc đêm hôm mà thỉnh-thoảng bọn tuần-đinh trông thấy đó..

Ông Nguyễn vuốt râu cười lạt:

– Tiếc thay! Bộ Liễu-Trai không thấy chép những lý-luận như tiên-sinh vừa giải đó. Người đọc Liêu-Trai có lẽ vì thế sẽ kinh khủng hơn nhiều….

– Thế ra tiên-sinh vẫn chưa tin ư? Trước kia tôi cũng không thể tin được lời họ thuật lại. Mãi về sau, vì suy nghĩ vừa dò xét, lúc « chính mắt được thấy » cái ánh lửa xanh lè trong chùa với những yêu tinh quanh chùa mới không nghi-ngờ gì nữa.

Nguyễn-công thấy ông Đàm nói quả quyết lắm, đã bắt đầu kinh dị, cho là việc lạ thường. Ông cau mày một lúc, rồi hỏi:

– Hay Đàm tiên-sinh cũng lại bị cái lỏng yếu đuối nó mê-hoặc chăng?

– Không phải, trước khi tôi chưa được thấy những điều tôi vừa nói thì lòng tôi vững-vàng lắm, nhưng mắt thấy rõ ràng, mà cùng thấy một lúc với các người đi rình với tôi đêm hôm đó! Những hình thù trong chùa thì trông không rõ, chỉ thấy xanh lè với tối đen thôi, còn ở quanh miễu thì không còn bảo rằng trông lầm được nữa.

– Thế thì lạ thật! trong trời đất lại có điều lạ đến thế ư?... Nếu vậy đêm nay tôi thử vào chùa rình xem ẳ…

– Tôi can tiên-sinh đấy. Tiên-sinh để mặc họ, hơi đâu mà trêu họ cho mang vạ vào mình….

Nhưng ông Đàm khuyên bạn thế nào cũng không được, ông Nguyễn cứ một mực rằng:

– Tôi vì nghi hoặc lắm, không đành tin một việc huyền hồ như kia. Nếu có xảy ra điều gì bất-lợi cho tôi, tôi cũng không oán thán.

Cơm nước xong ông Đàm chỉ lối cho ông Nguyễn đi lên Bắc-thượng tìm cao-sĩ, và hẹn đến chiều sẽ lại hội diện ở nhà.

Chiều hôm ấy, ông Nguyễn lên Bắc-thượng và lại thăm ông Đào-Đình Văn-Khê là huyện-quan ở gần đó, đã xong. Hai ông (Đàm và Nguyễn) lại vừa uống rượu vừa nói chuyện. Ông Đàm rất lấy làm lo ngại cho bạn, vì ông bạn cứ nhất quyết đi khám-phá việc trong chùa.

Can ngăn thế nào cũng không được, ông Đàm ngại ngùng tiễn bạn ra khỏi thôn. Lúc chia tay lại cạn lời khuyên lần nữa. Ông Nguyễn phải bật cười mà rằng:

– Sao tiên sinh sợ hãi quá như thế? Người xưa đã bao phen nguy khổ mới biết được những điều hay. Đây chả là một điều biết ư? Tôi muốn tin lời tiên sinh mà vẫn còn chưa hiểu việc lạ, vậy thì tôi di cho hiểu chớ có quan ngại gì.

– Nếu vậy, xin vĩnh biệt, thân người là trọng, tiên-sinh không muốn giữ gìn, tôi cũng không dám can ngăn.

Nguyễn-công thì mỉm cười mà lên đường, còn Đàm-công đứng trông theo, cau mày lẩm-bẩm mấy câu rồi trở bước.

 

Bấy giờ vào gần trống canh ba.

Khu miễu trơ-trơ ở giữa khoảng đồng không bát ngát kia, phản chiếu cái hình lù lù đen sẫm xuống mặt nước của cái đầm bên cạnh. Mảnh trăng trên trời không bị mây khuất, tỏa ánh sáng lạt-lẽo xuống khắp miền đó đang lặng lẽ như tờ. Trong không trung hây-hẩy một làn gió lạnh thoang-thoảng đưa những hơi thở của cảnh vật ban đêm.

Sáng trăng. Trong miếu vẫn âm tối. Lác-đác ở dưới đất chỉ thấy những mảnh sáng lọt qua những kẽ hở của đám cây lá chen sít với nhau. Tối thì tối um, lại có sáng, sáng xanh mà lạnh-lẽo. Thỉnh-thoảng gió lay cây cựa trong miễu bao nhiêu sáng tối cùng đưa-đẩy, cùng nhấp-nháy, như có tay sai khiến cho những bóng ấy cử động chập-chờn … Mà yên lặng lắm! Yên như say, yên như chết, yên như tất cả cùng nín hơi nín tiếng, cùng tê tái mà sợ hãi, sợ hãi các yêu-tinh quỷ-quái, các vong-hồn những người cụt đầu, người thắt cổ, người mất xác trong chùa.

Trong chùa cũng đen tối: Ngọn lửa xanh ở giữa không đủ sức soi ra ngoài cái vệ phẳng lỳ. Ai thắp ngọn lửa ấy? Không có ai. Trước khi ngự lơ-lửng trên bệ, ngọn lửa cứ từ-từ từ trong cái tường không trông thấy mặt đi ra.. đi như con đom-đóm, đi đến gần cái bệ có trông kỹ thì mới biết là một cái đèn. Cái đèn trông cũng lạ: Không có bầu không có bóng chỉ thấy một ngọn lửa lè-lè ở giữa một cái đĩa sắt cực to. Có lẽ là ngọn lửa của người chết nêm không thật là lửa, đốt lên đây có lẽ là để hù các vong-hồn.

Trong xó có tiếng chuột rích, ngoài hiên có tiếng lá rơi. Thế rồi im, không còn tí gì là hoạt-động của sinh- vật nữa. Có chăng cũng chỉ văng-vẳng, tợ như tiếng nhạc nhong-nhong mãi tít trên thượng tầng không khí, hay ở mãi thế giới hư-vô nào. Rồi lại tiếp đến tiếng vo-vo rất nhỏ, nhỏ lắm, nhỏ quá, tiếng vọng kêu hay tiếng ma khóc trên lưng chừng trời mây? một bàn tay đen sì to tướng thò ra, năm ngón quều xuống như chực quào lấy ngọn đèn. Rồi cứ yên đó, không co lại, để một cái tay nữa đặt lên trên. Tức thì bốn năm con quỷ ở đâu đến ngồi quanh bệ, che khuất ngọn lửa xanh và châu đầu vào nói chuyện với nhau, nói không ra tiếng, chỉ thấy lắp-bắp phì phào mấy cái, rồi cùng nhe hai hàm nanh ở trong cái mồm rất lớn, dưới đôi mắt trợn thao-láo, trên cái mặt mầu lửa lè xanh.

Ông họ Nguyễn can-đảm đến thế bấy giờ trống ngực cũng đánh thình-thình. Ông ta núp một xó gần đấy, chỗ ấy tối đen như mực, các con quỷ không trông thấy,… hay là chưa muốn trông thấy ông ta.

Bấy giờ các con quỷ gật-gù rồi liếc mắt cho nhau trông về chỗ ông Nguyễn nấp, rồi lại rì-rầm nói nhỏ hồi lâu, cố ý chưa nghe rõ được gì thì bỗng thấy một con « hà-hà » mấy tiếng. Rồi lại im rồi lại rì-rầm một hồi nữa. Sau một con (ý chừng con chúa-quỷ) thì-thào một thôi một hồi nói như người hết hơi. Lũ quỷ liền rút năm con dao sáng giơ lên trước mặt và đứng dậy cùng nhau cười khàn:

– Hà-hà..!

– Hà-hà! hà-hà..!

Ông Nguyễn không còn hồn vía nào nữa, khẽ đứng dậy vùng chạy ra ngoài cửa thì đã bị một con quỷ nữa ở ngoài xổ vào, nắm chân kéo lại. Bấy nhiêu con liền khiêng để lên bệ và khêu to ngọn lửa lên. Ông Nguyễn kêu không ra tiếng, nhắm nghiền mắt lại, sẵn sàng da thịt đợi cho dao sắc và ngón tay ghê gớm của lũ quỷ xé tan tành. Bỗng nghe thấy một con nói, nói tuy khẽ, nhưng lần này là tiếng người:

– M…ở mắt….ra…a. Mở…mắt…!

Ông Nguyễn vô tình vâng lời, mở mắt ra thì mặt một con quỷ ghé gần vào mặt ông ta. Nhìn kỹ. Càng nhìn càng kinh-hòn. Ông ngơ ngác liếc quanh rồi lại nhìn trở vào mặt con quỷ ấy. Nó liền cầm ngọn lửa gần vào mặt nó, ông ta liền điên tiết quát lên:

– Chúng bay tụ nhau ở đây để giết người  ăn thịt đấy phỏng?

Một con rền-rĩ trả lời:

– Chín…ph…ải…chính…phải..rồi…!

– Thế thì chúng mày ăn thịt tao đi!

– Hãy yên… sắp đến nơi rồi ….!

Ông liền quát rất to:

– Thì giết ông đi! giết đi!! giết đi!!!

Con chúa quỷ đáp:

– Không nói to, đợi đó ….

Bấy giờ ông ta bị một tay ấn cổ, một tay ấn hai chân, người rủn cả ra rồi. Các con quỷ thì lại phào-phào nói nữa. Ông biết là nó bàn nhau giết mình, liền hăng máu vùng lên thét lo một tiếng. Các con quỷ túm lấy ông giơ dao chực chém. Ông né mình được khỏi thì ngọn đèn một con đang cầm tắt hẳn, rồi lửa đuốc bỗng sáng rực lên, rồi có tiếng xôn xao, rồi năm con quỷ đều bị trói chặt. Ngoài cửa chùa đến hơn một chục người tay đuốc tay gươm xông vào.

– Các người là lính của Đào huyện quan sai đến phải không?

Lính thưa:

– Bẩm, cả Đào đại-nhân cũng đến.

– Đâu?

– Bẩm ngài, quan cùng mấy người xông vào trong kia bắt thêm.

Nói dứt lời thì huyện-quan và mấy người đi theo dẫn con chúa quỷ lúc nãy ra. Huyện-quan cười và nói với Nguyễn-công:

– Bây giờ tiểu-đệ mới biết mặt vong-hồn.

– Nếu không có đại-nhân đến, thì tiểu-đệ cũng bị các «vong-hồn» giết chết, tiểu-đệ xin đội ơn mãi-mãi.

– Nhân-huynh dạy quá. Đó là chức-trách của tiểu-đệ, khi nào dám nhận ơn của ngài.

Huyện-quan lại ngảnh trông lũ quỷ:

– Các «vong-hồn» oan uổng đói khát quá, nay ta đem về huyện cho nơi ăn chốn ở hẳn hoi. Quân bay! «rửa mặt» cho chúng!

Tức thì bằng ấy con quỷ đều bị rứt nanh, vặt râu và chùi hết phấn nhọ bôi trên mặt. Nguyễn-công trông vào con chúa-quỷ kinh ngạc kêu lên một tiếng: « Đàm tiên- sinh! »

Huyện-quan gật đầu, cười mà nói:

– Phải Đàm tiên-sinh, hay là Ba-Đen,(vì trong bọn vẫn gọi thế). Bọn này Ba-Ben đứng đầu, tất cả có mười hai đứa, nhưng đây mới là những tên ghê gớm nhất, cả bọn thì một nửa là quân cường-bạo hợp lại, còn một nửa là tuần đinh ở mấy làng gần đây. Cái ý kiến giết sư lấy chùa làm sào-huyệt và bày ra những việc yêu-quái một cách khôn khéo ghê gớm như thế, là Ba-Đen nghĩ ra. Sào-huyệt của chúng ở đây, nhưng chỗ chúng đến ăn cướp lại xa lắm, bởi thế sau những án giết người lấy của, dò xét thế nào cũng không ra. Ai có ngờ đầu rằng bọn cướp kia chính là lũ yêu-quái — yêu quái giả-mạo!

Đàm tiên-sinh (hay là Ba-đen) khôn khéo như thế, song vẫn có điều khuyết-điểm: Ba-Đen cứ tưởng rằng trong bọn ai cũng sợ hắn, và tin rằng thủ-hạ hắn đã uống máu ăn thề rồi thì không ai dám làm phản. Nhưng mà Đàm tiên-sinh lầm, cái lòng tham lam chỉ muốn vơ cho đẫy, muốn cướp hết cả phần của thủ-hạ mình, với cái lòng nham-hiểm chỉ khát giết cho nhiều nhân mạng kia ; đã khiến cho một con yêu giả trong chùa này sinh ra căm hờn, và hối hận. Con yêu ấy tên là Trần-văn-Thình, tuần-tráng ở làng trên. Chiều hôm nay bản-chức đang ngồi trong công-đường thì lính dẫn nó đến. Nó đến để thú tội và tố cáo các việc «hiển-hiện» ở chùa Đầm. Bởi thế bản-chức mới đem lính đến chận lấy cửa sau mà tóm được …

Đàm tiên-sinh chịu trốn, không muốn cho bản-chức được cái hạnh-ngộ tiếp kiến ngài, không muốn cho bản-chức biết ngài là Ba-Đen ….nhưng bản-chức hỏi tên thú tội ở huyện-đường nên đã biết các cửa ngạch bí mật trong chùa và đã sai lính vít hết lối trốn.

Nguyễn-Công lúc đó vừa thương, vừa giận, vừa buồn cười một cách chua chát mỉa-mai: ồ! có ai ngờ! có ai ngờ đâu rằng cái khoảng mười năm xa-cách đã thay đổi lòng người cố-hữu nhanh chóng đến như kia.. Mà là người văn-tự! Có văn-tự để mà quỷ-quyệt, để bày ra mưu sâu chước thiễm, để mà làm nhiều tội ác cho dễ dàng, để mà khéo rào khéo chống, đối với tội ác của mình làm ra như người đứng ngoài cuộc, lấy miệng lưỡi làm cho người non trí phải tin những điều vô-lý, những truyện ly kỳ!

Ông vừa nghĩ thế vừa trông vào Đàm tiên-sinh. Bấy giờ Đàm cúi gằm mặt xuống, búi tóc tuột ra rủ xuống vai. Nguyễn-Công toan mắng cho tàn tệ, nhưng nghĩ lại, lườm lườm không nói chi cả, ngoắt bước ra, ngảnh chào quan Huyện rồi đi.

Hừ! họa hổ, họa bì, nan họa cốt,

Tri nhân, tri diện, bất tri tâm!

3- Thật thà và Dối trá

Một hôm, hai bác nhà quê cùng nhau trò chuyện. Môt bác là người quỷ-quyệt và chỉ đi lừa, suốt đời chỉ tìm mưu sâu chước khéo để nuôi miệng; mà có phải ăn trộm ăn cắp hắn cũng không từ. Còn người kia thì theo đường ngay-thực, bao giờ cũng cố ăn ở ra người lương-thiện thật-thà. Hết chuyện gần, đến chuyện xa, hai bác liền bàn nhau về cách ăn ở: Bác thứ nhất thì bảo ở đời nên dối trá là hơn ; bác thứ hai thì cãi:

– Người ta không dối trá được mãi; thà chịu khổ sở nghèo đói mà giữ được điều thực-thà là hơn.

Cãi nhau mãi, không bên nào chịu bên nào, hai bác bèn rủ nhau lên đường đem câu chuyện vừa rồi để hỏi ý-kiến các người qua lại. Đi một lúc lâu, gặp một người nhà quê đang cày ruộng. Hai bác đến bên mà hỏi người ấy rằng:

– Chào bác, xin trời phù hộ bác. Bác thử xem hộ chúng tôi xem ai phải ai trái ; ở đời này ăn ở thực-thà hơn hay dối-trá hơn?

Người thợ cày đáp:

– Các bác ạ, ở đời này ăn ở thật-thà với họ thì không thể được ; chỉ ăn ở dối trá là hơn. Anh thật-thà chỉ được đi giày gai, mà anh dối trá thì được đi hài đi hán. Cứ xem ngay thận phận chúng tôi thì biết: chúng tôi phải làm cho bọn quý-phái cả ngày, không được lúc nào làm cho chúng tôi cả. Bởi thế cứ phải tảng-lờ ra đau ốm để nhân lúc được nghỉ mà đi kiếm củi trong rừng.

Bác đi lừa liền ngảnh lại bảo bác ngay thực rằng:

– Đấy nhé, tôi nói liệu có phải không?

Hai bác lại đi.  Đi một lúc lâu gặp một người bán hàng xe rong. Hai bác lại hỏi:

– Này bác, bác hãy làm ơn đứng lại để chúng tôi hỏi một lời: ở đời này ăn ở thế nào là nên: nên thật-thà hay nên dối-trá?

– Ở đời này mà ăn ở thực-thà thì khó lắm các anh ạ, chỉ dối-trá là hơn thôi; người lừa dối ta thì ta lừa dối lại.

Anh đi lừa lại nói:

– Bác đã nghe ra chưa, ai cũng bảo tôi nói phải.

Hai bác còn muốn hỏi một người nữa, nên còn đi một lúc lâu gặp một ông quan lớn:

– Quan lớn, xin ông dừng gót lại mà phán đoán cho: Ở đời phải nên ăn ở thế nào, theo đường ngay hay theo đường dối?

– Như thế mà các anh còn phải hỏi! Ở đời này tất nhiên nên ăn ở dối-trá là hơn. Thời bây giờ các anh có thấy cái gì là thật-thà không đã. Anh có ăn ở thật-thà tất lại bị người ta khinh thường mà bảo anh là một thằng đi lừa lọc.

Anh đi lừa lại đắc-chí:

– Đấy nhé, bác nghe ra chưa, ai ai cùng nói như tôi đã nói: ai ai cũng bảo răng nên theo cách dối trá mà ăn ở là hơn.

Anh thật-thà trả lời:

– Không, phải nên ăn ở cho ngay thẳng; muốn sao thì sao, tôi không ăn-ở dối trá bao giờ cả.

Thế rồi hai bác nhà quê cùng đi tìm công kiếm việc, Anh gian-dối thì biết luồn biết cúi nên được người sẵn lòng nưôi giúp y cho ăn no uống say; còn anh thực thà thì ăn cơm hẩm, uống nước lã, nhưng cũng cứ bằng lòng.

Một hôm anh thực thà đói khát quá; năn-nỉ với bạn, xin bạn một chút cơm. Anh gian-dối bèn hỏi:

– Tôi cho anh ăn, anh trả ơn tôi cái gì?

– Tùy lòng anh, anh đòi chi tôi cũng thuận.

– Ừ thế thì tôi muốn chọc một mắt của anh.

– Tôi xin bằng lòng.

Anh đi lừa chọc mắt anh thực-thà rồi mới cho một ít cơm. Đoạn lại cùng lên đường. Rồi anh thực-thà lại đói, lại xin bạn một ít cơm để ăn. Anh gian-dối bảo:

– Lần này thì tôi đòi chọc nốt một mắt của anh.

– Ôi, anh thương tôi với, anh chọc nốt mắt nữa thì tôi mù!

–  Cần gì mù  hay không có cần gì, vì anh cứ thật-thà mà ăn ở ; còn tôi, tôi cứ đi lừa!

Biết làm sao bây giờ? đói thì ai chịu được. Anh thật-thà đành phải ưng-thuận đi lấy miếng mà ăn:

– Thôi được, nếu anh không sợ tội thì anh chọc nốt mắt tôi đi.

Anh đi lừa chọc mắt anh thật-thà xong, cho một ít cơm, rồi bỏ anh mù đó mà đi nơi khác, nói rằng:

– Tôi không hơi đâu mà dắt thằng mù!

Anh mù ăn hết cơm rồi vừa lần vừa đi, bụng bảo dạ. «Ta cứ đi mãi, có khi cũng đến được làng».

Anh ta đi một lúc lâu rồi lạc đường không biết đi về đâu nữa. Anh ta bèn khẩn trời đừng bỏ mình thì bỗng có tiếng bảo:

– Rẽ về phía hữu mà đi, ngươi sẽ đến một cái suối róc-rách chảy trong một khu rừng. Lấy nước ấy rửa mắt thì ngươi được sáng. Mở mắt ra thì ngươi sẽ thấy một cây to, ngươi hãy trèo lên cây mà ngủ đêm ở trên ấy.

Anh mù liền đi về phía tay phải, cố lần mò đi đến khu rừng như lời thần bảo, rồi tìm đến cái suối róc-rách ở trong rừng. Đến nơi hắn ta rửa mắt cho đến lúc sáng, mở mắt trông ra thì thấy cái cây to, cỏ ở gốc cây bị giày xéo be bét. Anh ta bèn trèo lên cây đợi cho đến đêm. Đến đêm, dưới gốc cây đến hàng trăm nghìn con ma hiện đến. Lũ ma quây-quần nói chuyện với nhau, và đem kể các công việc mình mới làm để trêu ghẹo người ra khoe với chúng bạn. Một con ma nói:

– Chúng mày ạ, đã hai năm nay tớ vào ám ảnh một nàng công-chúa đẹp lắm, họ tìm hết cách mà trừ tớ, thế mà chẳng ai làm gì được tớ cả. Chỉ có anh nào bây giờ vớ được cái bùa ở nhà hàng kia là đuổi được tớ thôi.

Đến sáng, khi các con ma đã biến đi các ngả, bác nhà quê lương thiện bèn trèo xuống đi tìm nhà có bùa. Chẳng biết hắn ta dò xét bao lâu, nhưng chỉ biết về sau hắn tìm thấy nhà, rồi xin vào làm thợ ở nhà ấy:

– Thưa ông, tôi xin làm công không cho ông, chỉ xin đến cuối năm, ông cho tôi cái bùa kia thôi.

Người chủ bằng lòng, anh thực-thà hết sức làm lụng đêm ngày không nghỉ ngơi lúc nào cả. Hết năm, hắn xin chủ cái bùa. Người chủ trả lời:

– Tôi thật rất lấy làm bằng lòng anh lắm!Nhưng tôi tiếc cái bùa quý-hóa ấy lắm. Thôi, để tôi trả tiền anh.

– Thưa ông, tôi không cần đến tiền, ông cho tôi cái bùa kia.

– Nếu vậy thì anh phải làm cho tôi một năm nữa.

Anh nhà quê xin vâng. Lại làm cho đến hết năm. Hết năm, ông chủ lại không muốn trả cho anh nhà quê cái bùa quý-hóa.

– Thôi, để tôi trả tiền anh thôi. Nếu anh nhất định xin cái bùa ấy thì anh lại phải làm cho tôi một năm nữa.

Cưỡng với một người giàu sang mà có thế lực thì khó lòng lắm. Bác nhà quê ta lại phải dằn lòng. Ra công cố sức làm trọn một năm nữa, người chủ mới lấy cái bùa trao cho anh ta mà bảo rằng:

– Anh thực là người chịu thương chịu khó, đây tôi thưởng cho anh cái bùa đây, xin trời phù hộ cho anh.

Anh ta được cái bùa mừng lắm, chào người chủ rồi tức khắc đi đến dinh nhà vua để tìm cô công-chúa bị ma ám. Đi đến nơi, liền vào trong lầu mà bảo rằng:

– Tôi đến đây để chữa cho công-chúa.

Thấy nói là đến chữa cho công-chúa người nhà vua bèn đưa anh ta đến phòng của nàng. Anh ta sai lấy một thau nước, nhúng cái bùa xuống ba lượt rồi bảo lấy nước ấy rửa mặt thì khỏi ngay. Quả nhiên vừa rửa mặt xong con ma tức mình hóa ra luồng gió cút thẳng. Bệnh nàng công-chúa khỏi, nàng ta lại vui cười khỏe mạnh như xưa. Vua và hoàng hậu mừng khôn xiết kể, chưa biết lấy gì thưởng công cho thầy lang: đem chức quyền của cái rất nhiều ra, anh ta cũng từ chối:

– Tâu bệ-hạ, tôi không muốn chức quyền của cải.

– Thế ngươi muốn gì.

– Tâu, tôi không muốn lấy của cái gì cả..

Công-chúa biết ý liền thưa:

– Thưa cha, con muốn kết duyên với chàng.

Vua bằng lòng ngay, rồi truyền cho nhân-dân mở đại-tiệc ăn mừng lễ cưới.

Từ ngày ấy, bác thật-thà ta cứ ở ngay trong lầu, mặc toàn đồ vàng ngọc mà ăn uống được ngồi cùng bàn với vua.

Được ít lâu chàng phò-mã  nói với vua và hoàng-hậu:

– Xin bệ-hạ cho con về quê thăm mẹ già.

Công-chúa cũng xin:

– Cho thiếp đi với.

Rồi hai vợ chồng lên xe cùng đi.

Đi được một ít lâu thì gặp anh đi lừa ngày trước. Bèn sai dừng xe lại gọi bảo anh chàng rằng:

– Kìa, chào bác, bác không  nhận được tôi sao? Tôi đây mà, người bị bác chọc mù hai mắt vì ăn ở theo đường chân-thực đây mà, bác có nhớ không?

Anh đi lừa nghe nói, sợ hãi bối rối lắm. Nhưng ông phò-mã kia yên-ủy rằng:

– Bác đừng sợ, tôi không giận bác đâu. Tôi cứ theo đường ngay-thẳng thực- thà mà đi, nên trời đất che chở cho tôi, và cho tôi được có ngày nay đó.

Thế rồi phò-mã bèn đem việc rửa mắt ở suối, việc nghe lời ma lúc ở trên cây, việc đi kiếm bùa cho đến việc cưới nàng công-chúa cho bạn cũ biết.

Anh đi lừa chú-ý nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Bèn có ý muốn vào trong rừng tìm đến chỗ cái suối. Hắn nghĩ thầm: « Ta đến đấy nghe ma kể chuyện kín, có khi thành sung sướng như thằng cha nầy cũng nên ».

Anh gian dối liền tức khắc đi vào rừng; rồi trèo lên trên cây ở cạnh  cái suối để đợi ma hiện đến. Đến đêm, bằng ấy con ma cùng lên, rồi lại cũng họp bên bờ suối. Anh ta bèn để tai nghe. Một con ma nói:

– Chúng mày ạ, đã lâu nay tớ vào ám ảnh một nàng công-chúa đẹp lắm, họ tìm hết cách để trừ tớ mà chẳng làm gì được tớ cả

Anh gian-dối lại cố nghe xem phép chữa cô công-chúa đẹp lắm ấy thế nào. Con ma nói luôn:

– Tớ chỉ sợ cái bùa ở  nhà ấy… nhà ấy. Không ngờ có người biết được, đi lấy bùa đuổi được tớ ra.

Bằng ấy con ma nổi giận:

– Chắc có đứa nào nghe trộm gần đây.

Lũ ma liền liếc tìm chung quanh, lúc trông lên cây, thấy anh gian dối, chúng liền lôi anh chàng xuống mà xé ra làm trăm mảnh.

4- Thần thông biến hóa

Ngày xưa có hai vợ chồng già, chỉ có một mụn con trai. Nhà thì nghèo, mà bố lại muốn cho con tập tành lấy chút nghề-nghiệp để yên lòng cha mẹ và để ngày sau trông vào đó mà nương thân già. Nhưng nghèo khổ thế kia thì làm gì được? Bố đã dắt con đi hết trong làng ngoài tỉnh, mong tim thầy học cho con mình theo, song chẳng có ai chịu dạy không cả. Lão ta phải dắt con về nhà khóc lóc với bà vợ và than-trách cái số phận của nhà mình. Đoạn lại đem con ra tỉnh. Chưa đi đến nơi, hai bố con đã gặp một người la mặt, người ấy hỏi ông già rằng:

– Sao trông ông buồn rầu thế?

Ông già trả lời:

– Tôi có một thằng con trai, đem con đi hết đây cùng đó để tìm người nuôi dạy hộ, nhưng không ai chịu dạy không, mà tôi thì nhà nghèo! Ông tính thế không buồn sao được.

Người lạ mặt liền nói:

– Nếu vậy, ông cho con ông về với tôi, tôi xin trong ba năm dạy dỗ nó các điều khôn khéo. Ba năm nữa, cứ đến ngày này, giờ này ông đến mà nhận lấy con; nhưng ông phải đến cho đúng hạn, hễ ông nhậu được con thì đem con về, bằng không thì con ông phải ở mãi với tôi.

Ông già nghe nói mừng rỡ quá đến nỗi không tưởng gì đến sự hỏi xem người lạ mặt ấy là người thế nào, nhà cửa ở đâu, và dạy con mình những nghề nghiệp gì ; cứ trao con cho người ấy đem đi rồi tất-tả, về nói chuyện với vợ.

Người lạ mặt ấy là ai? Chính là một tay phù-thủy đó.

Hết ba năm ông già lại quên bẵng mất ngày giờ ebo con đi học. Ông ta đang bối rối thì may sao người con hiện về trước hôm hết bạn để dặn dò ông ta. Người con học ở nhà ông phù-thủy đã biết nhiều phép biến hóa. Hôm ấy biến thành một con chim bay về, đến nhà cha, con chim liền bay vào cái ghế đất trước cửa mà hiện nguyên hình thành một chàng con trai lớn khôi ngô. Người con trai vào nhà nói với bố:

– Thưa cha, đến mai thì vừa hết hạn ba năm, cha đến đem con về nhưng đừng đến chậm.

Rồi chàng ta lại chỉ dẫn đường lối đến nhà ông phù-thủy và cách thức nhận được con thế nào…:

– Ở nhà ông phù-thủy không phải chỉ có một mình con đến làm học-trò ; ở đấy đã có mười một người nữa, nhưng bởi cha mẹ họ không thể nhận ra được con nên bằng ấy người vẫn phải ở mãi nhà ông phù-thủy. Ngày mai mà cha không nhận được con thì con lại phải ở đấy cũng như mười một người trước. Thế thì cha phải nhớ kỹ lấy những điều con dặn đây: Đến mai, khi cha đến tìm con, ông phù-thủy sẽ đem chúng con bắt biến ra mười hai con chim bồ câu trắng, giống nhau từ đầu chí đuôi. Mười hai con cùng bay lên cao; nhưng có một mình con, thỉnh-thoảng lại bay bổng lên trên một chút. Khi người phù-thủy hỏi: « Ông có nhận được con ông không?» Thì cha nhận lấy con chim bay cao nhất ấy. Thầy phù-thủy lại đem mười hai con ngựa con cùng một màu như nhau, cùng lớn bằng nhau ra hỏi, thì cha nên nhận kỹ rằng: bằng ấy con đều đứng yên, duy chỉ có mình con thỉnh thoảng lấy chân bên phải đạp xuống đất. Thầy phù-thủy sẽ lại hỏi: « Ông có nhận được con ông không? » Cha sẽ cứ chỉ vào con ngựa đạp đất. Sau cùng thầy phù-thủy lại hóa phép ra mười hai người con trai đẹp đẽ, cùng tầm-thước, cùng mầu tóc, cùng giọng nói, cùng khuôn mặt, và cùng vận một thứ quần áo giống nhau. Khi cha đi qua trước mặt họ, cha phải nhận kỹ rằng: người con trai nào trên má bên phải có con ruồi đậu chính là con đấy.

Nói đoạn người con từ biệt cha. Ra khỏi nhà, chàng ta đến đụng vào đống đất rồi lại biến ra con chim bay về nhà thầy. Sáng hôm sau, ông bố lên đường, đến tìm con ở nhà ông phù-thủy. Thì ông ta bảo:

– Ông già, tôi đã dạy được cho con ông các phép biến hóa rồi đó. Nhưng nếu ông không nhận được ra nó thì nó phải ở với tôi suốt đời.

Nói đoạn người phủ-thủy thả mười hai con chim giống nhau từ đầu đến đuôi cho bay lên cao, rồi hỏi ông lão:

– Ông già, ông tìm xem đứa  nào là con ông!

– Giống nhau thế kia thì nhận làm sao được!

Ông già vừa nói vừa chú ý nhìn, bỗng thấy một con vượt lên cao hơn cả, ông ta liền chỉ mà nói rằng:

– Chắc con kia là con tôi.

– Phải đấy, ông già nhận được con rồi đấy.

Người phù-thủy nói xong lại đem mười hai con ngựa con giống nhau ra sắp hàng ở trước mặt ông lão. Ông ta bèn chú ý ngắm bằng ấy con. Người phù thủy hỏi:

– Thế nào ông có nhận được ra con ông không?

– Hãy gượm, chưa nhận được.

Khi thấy một con ngựa lấy chân đạp xuống đất thì lão liền chỉ con ấy mà bảo người phù-thủy rằng:

– Đây chắc hẳn là con tôi.

– Phải đỏ.

Thế rồi người phù-thảy lại dẫn mười hai chàng trai-trẻ mặt mũi tầm thước y như nhau ra. Ông già đi lại trước mặt, lần thứ nhất chẳng thấy chi. Lần thứ hai cũng chẳng thấy chi, đến lần thứ ba lão mới thấy một con ruồi đậu trên má một người, lão liền nói:

– Đây rồi, người này thực là con lão đây.

Ông phù thủy nói:

– Phải đó. Lão nhận ra con lão rồi đó, nhưng không phải là lão tài đoán, chính con lão đã đã dặn trước lão rồi.

Ông già bèn dắt con về nhà. Hai cha con đi, chẳng biết đi lâu hay đi chóng thì giữa đường gặp một bọn đi săn. Bọn này đang đuổi riết một con cáo.

Chàng con trai liền bảo với cha:

– Thưa cha, bây giờ con hóa ra một con chó săn để đuổi bắt con cáo ấy; khi bọn đi săn đến đòi con cáo thì cha bảo với họ rằng: «Các ông ơi, con chó này là của lão, nó nuôi lão về nghề săn đấy». Bọn  đi săn sẽ bỏ một món tiền to ra mua thì cha nên bán con ngay nhưng dù họ trả bao nhiêu mặc lòng cha cũng đừng bán cái dây tròng cổ.

Xói xong liền hóa ra con chó săn, chạy đuổi một lúc thì bắt được con cáo. Bọn đi săn cũng vừa đến nơi, quát hỏi ông già:

– Này, lão kia sao lão lại bắt mất cáo của ta thế?

Ông già trả lời:

– Các ông ơi, con chó này là của tôi, nó nuôi tôi đó.

– Ông già bán con chó ấy cho chúng ta.

– Được.

– Có đắt không?  Bao nhiêu?

– Bốn chục bạc.

Bọn đi săn không mà-cả lôi thôi, trả tiền ngay và lấy con chó. Thấy ông già bỏ dây tròng cổ ra thì họ hỏi:

– Tại sao ông đòi lại cái này?

– Thưa các ông, để khi dây giầy lão đứt, lão sẽ lấy cái này buộc vào thay.

– Cũng được, cho lão đẩy:

Bọn đi săn liền lấy dây của mình buộc con chó mới. Rồi lại đi săn. Được ít lâu thấy một con cáo chạy qua liền thả chó săn đuổi bắt, nhưng chó săn của họ đuổi chậm lắm, họ bèn thả con chó mới mua ra.

Nhưng khi đuổi ra xa thì cáo chạy một đàng, chó theo một lối. Con chó liền đi về chỗ ông già, biến thành người con trai rồi hai cha con lại đi.

Đi đến gần một cái hồ thì lại gặp một bọn đi săn ngỗng trời vịt trời và bồ-nông dưới nước. Người con nói:

– Thưa cha, bây giờ con biến ra một con chim ưng để bắt đàn vịt ngỗng bay trên lưng chừng trời kia. Hễ bọn đi săn có đến hỏi thì cha cứ nói rằng:« Chim ưng kia là của lão nó nuôi lão sống đấy. » Chắc họ hỏi mua ngay, nhưng dù trả bao nhiêu cha cũng đừng bán cái dây trói.

Nói rồi liền biến ra một con chim ưng thực mạnh! bay vượt lên trên đàn ngỗng, bắt từng con một ném xuồng chỗ ông già. Dưới này ông già không kịp nhặt vì ngỗng rơi xuống nhiều quá. Khi bọn đi săn đến nơi, họ liền hỏi:

– Sao lão già lại đến bắt thức săn bắn của ta?

Ông già trả lời:

– Thưa các ông, con chim ưng này là của lão. Nó nuôi lão sống đó.

– Lão có muốn bán cho chúng ta chăng?

– Có chứ. Lão muốn bán.

– Bán bao nhiêu?

– Tám chục bạc.

Bọn đi săn trả tiền thì ông già lấy lại dây trói.

– Sao ông già lại lấy lại dây trói? Lão muốn bán cái dây  ấy bao nhiêu tiền?

– Thưa các ông, lão không muốn bán, cái dây này lão để buộc giầy, vì giầy gai của lão gần hỏng.

Bọn đi săn cũng không nài, chào lão già rồi đi bắt ngỗng. Được ít lâu bọn này trông thấy một đàn ngỗng trời bay trên cao liền thả chim ưng ra. Nhưng vừa thả ra thì con chim ưng đã bay mất.

Thế là ông già vừa được tiền vừa được con. Sau khi con chim ưng lại biến thành chàng con trai, thì hai cha con đi về nhà cùng nhau yên vui sung-sướng lắm.

Đến ngày phiên chợ, người con lại nói với cha:

– Thưa cha, bây giờ con biến ra một con ngựa, cha đem ngựa ra chợ mà bán, nhưng thế nào cũng đừng bán cương ngựa, vì như thế con không về nhà được đâu.

Nói xong liền tàng hình ra một con ngựa rất đẹp. Ông già bèn đem ra chợ thì bao nhiêu người xúm lại để đòi mua. Giá ngựa vì thế lên thực cao, nhưng ông phù-thủy lại trả một giá cao nhất nên mua được. Ông già bán con rồi lại lấy dây cương về. Người phù-thủy liền nói:

– Nếu vậy thì tôi dắt ngựa bằng gì? Ông già không bán cương ngựa thì cho tôi mượn vậy, tôi dắt được ngựa về chuồng rồi xin trả ông già dây cương ngay.

Nhân lại có mấy người lái nói thêm vào:

– Đã bán ngựa thì cương không được lấy về nữa mới phải chứ.

Ông già không biết làm thế nào đành phải nghe.

Người phù-thủy bèn đem ngựa buộc xuống chuồng, chỉ cho đứng lên hai chân sau còn hai chân trước không được chạm chân xuống đất, buộc thế xong, thầy ta gọi con gái bảo:

– Này con ạ, ta đã mua được thằng con trai tinh-quái kia rồi.

– Thế cha để hắn ở đâu?

– Ở chuồng ngựa ấy.

Cô con gái xuống chuồng xem. Thấy người con trai Kinh đẹp như thế mà phải trói một cách khổ sở như thế thì thương ; cô bèn hạ dây xuống cho con ngựa đứng cả bốn chân được. Vì thế con ngựa mới vùng mấy cái kỳ cho đứt dây cương ra rồi chạy trốn. Cô con gái không dám giấu phải đem sự tình thú thực với cha:

– Xin cha tha tội cho con, con đã làm cho con ngựa xổng ra mất!

Thầy phù-thủy nghe nói liền biến ra con chó sói xám để đuổi theo. Lúc đến bờ sông gần bắt được con ngựa thì con ngựa liền biến ra con nhái bơi dưới nước. Con chó sói tức khắc hóa ra con cá măng bơi theo. Con nhái bơi được qua sông liền biến ra cái nhẫn vàng lăn đến bên một cô con gái đang giặt áo. Cô con gái đeo ngay cái nhẫn vào tay thì ông phù thủy lại hiện hình người để đòi:

– Cô trả tôi cái nhẫn vàng.

– Thì đây.

Cô vừa nói thế vừa vứt cái nhẫn xuống đất.

Cái nhẫn liền hóa ra trăm nghìn hạt trai nhỏ tí,  ông phù thủy liền biến thân ra con gà sống để nhặt hạt trai. Đang lúc gà nhặt hạt trai dưới đất thì có một hạt biến thành con diều hâu nhảy lại giết con gà chết tươi.. Giết xong lại biến thành chàng con trai xinh đẹp. Cậu ta trông thấy cô con gái cũng đẹp, hai người ưng nhau liền lấy nhau.

Từ đó, ông già bà già vừa giàu sang vừa được hưởng sung sướng với con trai, con dâu và một đàn cháu.

Thế Lữ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...