Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

XXXXTrại Bồ Tùng Linh

Trại Bồ Tùng Linh

I-

Lời nhà xuất bản

Chúng tôi cho tái bản những tác phẩm của Thế Lữ để đáp lại một phần đòi hỏi của các bạn yêu văn chương, muốn có đầy đủ các tác phẩm  của những nhà văn thời tiền chiến và cũng không ngoài mục đích trình bày với độc giả những tác phẩm đẹp được sáng tác trong khi nghệ thuật còn được tự do phát triển.

Thế Lữ là một văn sĩ kiêm thi sĩ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hiện nay ông còn ở miền Bắc. Dưới chế độ Việt cộng, cũng như bao nhà văn khác ở các nước Cộng sản, Thế Lữ đã phủ nhận văn nghiệp cũ cùa mình, mà chỉ sáng tác những tác phẩm nặng về tuyên truyền, khô khan, không thực với cảm nghĩ.

Thế Lữ đã chối bỏ quá khứ, tư tưởng nghệ thuật và tâm hồn tự do của một con người văn nghệ, bó mình phục vụ văn nghệ đỏ của Việt Cộng trong hỏa ngục miền Bắc.

Truyện  ‘‘Trại Bồ Tùng Linh’’ viết hồi  1930 là vang bóng đáng yêu của một Thế Lữ thời tiền chiến.

Tiếc thay  ‘‘Thế Lữ ngày ngay ’’ đã làm sụp đổ công trình văn nghiệp của mình, họa chăng độc giả ngày nay chỉ còn lòng thương hại, nhớ tiếc một Thế Lữ với những tác phẩm đẹp xa xưa... 

 

 

 

Trại Bồ ngày... tháng 9 năm 1930.

‘‘Anh Bình,

 ‘‘Chỗ tôi đến ở là Trại Bồ. Tôi gọi đùa là Trại Bồ Tùng Linh. Cái tên đặt trong lúc cợt tính đó không ngờ lại hợp với cái cảnh biệt tịnh này đến thế. (Nhất là từ bữa xẩy ra ở đây những việc có thể gọi là rất dị thường).

 ‘‘Anh thử tưởng tượng một cái trại rộng ngót hai mẫu và rậm như một khu rừng. Cây toàn là cây cỗi. Gần hết là nhãn, mươi gốc mít và mấy thứ cây ăn quả mà người ta không nghĩ đến sự lấy hoa lợi; lại thêm hai gốc đa cỗ kính, buông từng súc rễ chằng chịt xuống lối đi. Trên là bóng lá rườm rà. Dưới là cỏ và hoa. Những thứ cây bụi không biết tên là gì và thường thường chỉ mọc ở những cánh đồng hoang, cũng tìm đến sống ở đây, chen lẫn với những khóm hoa không được chăm bón. Một vài khoảng đất vuông vắn, trên đó cỏ lau đâm lên tự do, có lẽ đã là những thửa vườn cũ. Trên con đường rộng nhất trở vào từ cái cổng xây đã đổ nát và mất cánh cửa, một đoạn còn thấy dấu gạch lát, những gạch chỗ thì lụn, chỗ thì bị bẩy chồi lên vì những rễ ngầm. Một cái ao lớn, bèo tấm xanh lè kín gần khắp mặt, chắc là một chỗ trước kia rất đẹp: vì trên một phía bờ ao, một rặng liễu già rủ lá xuống tận nước, xen lẫn với mấy khóm trúc lá mập và mình vàng. Thêm vào đó một ít cây ngọc lan, hoàng lan và từng vầng lớn mẫu đơn cao um tùm.

‘‘Lớp nhà ngói tôi ở, ẩn khuất trong những cây đẹp và quí ấy.

 ‘‘Nhà kiểu cũ, tuy làm trên nền đá nhưng vẫn thấp; hiên trước rộng; bên trong, hai. hàng cột lớn chia thành ba gian. Gian giữa cửa bức bàn. Hai gian bên tường bưng, có cửa sổ nhìn ra cảnh trước hiên; cửa sổ chấn song con tiện, nhưng long mất gần hết. Một nơi phảng phất mùi phong lưu và... chứa chất mùi ẩm mốc. Ngay từ sáng hôm đến, tôi đễ ra cả một nửa ngày bảo quét tước sửa chữa, sắp đặt và làm cho bọn khách trọ bình yên trong ấy - lũ giơi và lũ chuột - phải một bữa hoảng hồn.

‘‘Tôi phân ra từng căn riêng (nhưng là những căn tưởng tượng lấy cột làm địa giới).

Một cái giường cầu mua lại, một cái va-li dựng, và một cái treo áo: đó là phòng ngủ. Ở giữa một cái án thư cũ và một cái bàn mây: đó là  ‘‘phòng khách’’ có tên mà không có thực, vì nhất định sẽ không bao giờ có ai đến chơi. Một cái bàn kê áp cửa sổ ngăn thứ ba, một ngăn sách, một va-li đựng cũng toàn sách và một cái ghế mây dài dùng để nằm nghỉ: đó là phòng làm việc và thư viện, chỗ lịch sự và quan trọng nhất nhà. Cũng nên kể thêm một vài bức tranh mang theo, một bình hoa. Thế là chỗ ở của tôi thành một biệt thự cũng khá tươm tắt.

 ‘‘Tôi muốn xa Hà-nội với sự náo động và bao nhiêu cái bận rộn vội vã,,tìm thuê một chỗ tĩnh mịch để làm việc thong thả trong yên lặng; gặp được cái trại bỏ không này tưởng không cần phải mong đâu hơn. Có thể nói ý muốn của mình được tô điểm thêm lên nữa. Cảnh tịch mịch của tôi lại là cảnh kỳ thú, giữ một mầu cổ kính, bí mật trong bóng những cây cối gần như hoang dại. Tôi đã nghĩ đến một vài truyện và một vài cảnh tả trong truyện Liêu Trai. Thằng Dần, thằng nhỏ tôi đem theo, tuy rất ít mồm miệng mà ngay hôm đầu cũng nổi lên một ý nghĩ tương tự như của tôi:

‘‘ Cậu ạ, trại này trông như một trại có ma ấy.

Nó ngạc nhiên và có vẻ sờ sợ khi tôi bảo:

 ‘‘Có ma thì càng hay cho tao!

 Tôi phải tìm lời an ủi nó ngay, vì xem ra anh chàng chỉ chực những xin trở về. Tuy vậy nó không phải là một đứa yếu bóng vía.

‘‘Chắc anh muốn biết tôi lần mò thế nào mà tìm được chỗ này. Tôi không phải tìm lâu. Nói là gặp có lẽ đúng hơn. Và do một sự tình cờ kể cũng hơi lạ. Tôi đến thăm một người cô họ xa ở Hà-nội; một trong tin báo nói về vụ kiện ở một đồn điền. Câu chuyện dây dưa từ đó đến những ấp, những trại và đến một khu trại bỏ không ở Thái bình. Tôi chú ý liền. Hỏi rõ thêm. Và tức khắc đi tìm chủ nhân Trại Bồ hiện vẫn ở Hà nội. Tôi hỏi thuê ngay từ trước khi đến thăm và người ta rất vui vẻ cho tôi thuê, trước khi biết tôi là người thế vào và đến ở đó để làm gì. Giá trả hàng năm và rẻ một cách không thế ngờ được. Hôm tôi tới xem trại, người gác ở đây cũng tỏ ra vẻ mừng rỡ như người chủ hôm trước. Trong câu chuyện qua lại, tôi thấy một vài điều hơi có vẻ bí mật khi người ta muốn tìm cách cắt nghĩa vẻ hoang phế của Trại Bồ.  ‘‘Trại Bồ bỏ không vì không họp với cụ cố chúng tôi... vì mợ cả đau yếu luôn...’’. Tôi cũng không gắng hỏi kỹ càng hơn vì điều quan trọng nhất đối với tôi là có một chỗ yên lặng và biệt tịch. Hôm ‘‘dọn nhà’’  xuống - tất cả đồ đạc là hai cái va-li lớn và những thứ ứng biến mới sắm thêm ngay ở đây - tôi cũng có nghe thấy mấy người tôi thuê đến quét dọn nói bóng nói gió đến sự  ‘‘bỏ không’’ của trại này. Hình như trong gia đình  ‘‘cụ lớn’’ có người chết oan hoặc tự tử hoặc hóa điên, không rõ lắm ; và hình như từ đấy, nhà  ‘‘cụ lớn’’ không được phong túc như xưa. Tôi còn thoáng bắt chợt được những tiếng ‘‘oan hồn’’, ‘‘con ma gốc đề’’ - cây đề này mọc lẻ loi ở một gốc cuối trại - và những câu trả lời lúng túng của họ khi tôi hỏi rõ thêm. Tôi không muốn có một điều gì đến làm vướng bẩn cái vui của tôi nên không để tai đón chuyện của họ nữa. Tôi lại tự nghĩ: cảnh như ở đây tất nhiên gây nên những ý huyền hoặc trong óc người quê mùa.,. Còn mình chỉ nên để tâm đến vẻ đẹp của cảnh với sự tiện lợi của nơi ở. Vả lại, dù có ma đi nữa, thì đã sao chưa?

Trước sự lo ngại của thằng Dần, tôi cũng giữ vững cái ý nghĩ vừa rồi: tôi thành thật tin rằng dù có những việc hiển hiện lên trước mắt, tôi cũng không khiếp sợ - có lẽ lại coi là một dịp tốt cho cái tính tò mò của mình.

‘‘ Ngày thứ hai ở Trại Bồ tôi đã bắt đầu nghĩ đến cái công việc sung sướng tôi định làm ở đây: là khoan thai viết tập tiểu thuyết tôi nghĩ đã lâu, một tác phẩm thân yêu mà tôi vuốt ve từ trước cái hình ảnh mang trong trí. Thực không phải là ‘‘làm việc’’ nữa, tôi thấy say mô khoái trá khi nghĩ đến, khi dàn xếp những ý tưởng, khi cầm bút sắp viết, và khi những hàng chữ hiện lần lần trên giấy với tất cả sự rung động của tâm hồn mình.

‘‘Lúc nghĩ viết lại là những lúc vui thú khác: hoặc đọc sách hoặc thức dậy giữa cái thế giới nhỏ của khung cảnh trong Trại Bồ. Những cây cỏ rất nhiều hình sắc ở đây hiện trong vẻ đẹp riêng của sự kích thích tinh thần. Phạm vi của một vùng xanh tươi như rộng rãi thêm: có những trường hợp trùng nhau của cảnh tưởng tượng với cảnh bên ngoài, khi đó thì nhân vật tạo tác thường như hoạt động trong lúc thực hiện.

‘‘Cái thói quen làm việc ban bêm để tránh sự náo động ban ngày khi còn ở thành phố

khiến cho những lúc viết của tôi thường lẩn xa vào những giờ khuya. Và ban đêm ở đây có một sự yên lặng khác thường, đầy những, tiếng rộng lớn của gió cây rì rào và tiếng giun dế dưới chân hoa cỏ.

‘‘Một tối về thượng tuần trăng, tôi mải ngồi ngắm cảnh ở ngoài hiên cho đến lúc trăng lặn đã lâu và trời đã trở lại tối đặc. Hàng liễu trước nhà lá hình ảnh đẹp mắt và đáng yêu nhất trong cả buổi. Đến lúc trăng khuất hẳn, những nét mảnh giẻ, mềm mại vẫn như còn in trên những vầng đen nặng, vẫn như còn nhuốm, rất huyền ảo, một ánh sáng mà trí tưởng vẫn thấy còn xót lại riêng trên những mình óng mướt của lá to... Những hình ảnh tưởng tượng nhè nhẹ cử động theo hơi gió lùa qua, phơ phất, lả lướt, chập chờn... những cảm giác rất mong manh cũng phảng phất qua, gợn trong tâm hồn, gợn trên da thịt.. Tôi được hưởng một thứ say sưa hiếm có và chóng biến, những vẫn để cho tình cảm còn rung mãi một điệu rất êm nhẹ và ngọt ngào.

‘‘Khi tôi chợt nhớ đến đoạn văn sẽ viết tiếp trên bàn, tôi trở vào, ngồi ở cái bàn áp cửa sổ rồi cầm bút lên, nhưng trong trí vẫn còn những nét liễu se sẽ động, siêu siêu như theo một chiều nghĩ ngợi. Hình ảnh ấy gợi ra những tà áo mong manh và những dáng điệu biến hiện trong mờ ảo... Tâm hồn có một ý bâng khuâng, lưỡng lự, hình như sắp định một điều chưa rõ rệt, chơi vơi một chút rồi buông xuôi vào một cõi bất định, không biết đâu là bờ bến. Cứ thế, tôi ngồi bên bàn viết, đầu ngả dựa một tay chống đỡ, trước cây đèn chụp hắt ánh sáng xuống vòng quanh. Tiếng giun dế dóng dả ran lên khi tai lắng nghe và dần dần chìm đi, lùi xa vào trong lãng quên, để rồi lại giục giã thêm và nài gợi sự chú ý. Tiếng gió hình như vẫn reo hoài và vừa mới ngừng lại. Một luồng gió nhẹ mát thoảng ùa qua cửa sổ như gửi vào một phần đêm bên ngoài.

‘‘Tại sao tôi lại rờn rợn người lên? Tôi biết tâm trí vẫn nghĩ bình thường- đang cố nhận lấy từng chút chi ly đổi thay của cảm súc. Mắt tôi lúc đó đang nhìn hàng chữ cuối cùng trên tờ giấy viết dở chừng.

‘‘Không, không có gì khác thường.

‘‘Nhưng tôi vẫn thấy một cảm giác lạ. Một cảm giác đột ngột, không liên lạc, hình như vừa chợt đến: gờn gợn, lạnh lẽo, rõ rệt và mạnh mẽ. Tôi nghĩ bụng: ‘‘ Hừ! vô lý thực’’ Nhưng vẫn thấy như một sức gì, một sự gì... một vật gì đang chú ý đến tôi, Ở đâu? Ở rất gần mình, ở trước mặt mình - từ cái khung tối đen ngòm kia - ở cái chỗ tôi không trông thấy gì nhưng đối với ‘‘nó’’ tôi hiện ra rành mạch trước ánh đèn sáng.

‘‘Chỉ ngửng lên là tôi sẽ trông thấy - sẽ biết, hoặc sẽ yên lòng là đã nghĩ lầm. Nhưng không tôi không lầm. Sự ấy tôi có nghĩ ra đâu. Nó đến. Và bắt tôi nghĩ. Tôi vẫn không nhúc nhích, mắt vẫn đọc hàng chữ viết, cố tình nán chậm cái lúc nhìn ra, tuy đó là sự rất vô lý... Sau cùng, lấy hết can đảm, tôi ngẩng mặt lên.

‘‘Cửa sổ’’ - cái huyệt đen, sâu thẳm và vô cùng - cửa sổ vẫn không có gì khác.

‘‘Nhưng ngay lúc ấy, tôi tái hẳn người đi. Một tiếng động nhẹ - nhưng rành rẽ - một tiếng nhẹ và nhanh do một cử chỉ nào của cái vật đứng bên ngoài. Đứng bên ngoài tường. Và cũng nghe ngóng. Tôi ‘‘cảm thấy’’ - không thể mơ hồ được - rõ ràng nó cố ở đây, nó đụng đậy...

‘‘ Tôi tính nhẩm: sẽ gọi thằng Dần dậy - nó vẫn nằm ở cái ghế dài cạnh ngăn sách và rất tỉnh ngủ - cùng chạy ra cửa rồi chia ngả đuỗi (nếu nó chạy): dù là vật gì cũng không thể thế được. Tôi nhẹ nhàng với lấy cái đèn bấm trong ngăn kéo, rồi ngửng lên và kinh ngạc dị thường.

‘‘Giữa khung cửa sổ một khuôn mặt lặng lẽ, trắng một cách lạ, một khuôn mặt đàn bà rất trẻ, đẹp, một vẻ đẹp tuyệt mỹ, đẹp đến lạnh mình...

‘‘ Hiện lên như ở đó đã từ bao giờ. Và thoáng biến ngay, như không bao giờ có...

- II -

Viết tới đó, Tuấn ngừng lại, ngón tay cầm bút cứng ra vì mỏi: anh đã viết thẳng một mạch cả câu chuyện lạ lùng lên hơn tám trang lớn lúc đó dùng thay cho giấy viết thư.

Việc xẩy ra ở trại Bồ này cùng với bao nhiêu cảm tưởng chí lý mà thói quen phân tích của nhà văn đã khiến anh ghi nhớ được, Tuấn đem thuật lại tường tận với một người bạn ở xa. Anh muốn cho bạn biết chuyện để hỏi ý kiến, để xem một người khác sẽ nghĩ và sẽ đoán về việc ấy ra thế nào, và cũng để qua thời giờ. Đêm nay anh cũng lại thức. Anh không đọc sách hay viết tiểu thuyết như mọi tối, vì anh cố ý đợi. Anh chắc hẳn sự kỳ dị sẽ ‘‘nhắc lại’’ cũng như đã nhắc lại đêm sau.

Cái bóng đàn bà thoáng hiện ra lần đầu, lại hiện ra lần thứ hai, trong đêm vừa qua, cùng một trường hợp giống nhau, nghĩa là lúc anh đang làm việc mải miết. Thốt nhiên, một cảm tưởng là lạ ám ảnh đến, anh rờn rợn như mình có người chú ý ; ngửng đầu lên: trong khung cửa sổ, một người rất đẹp đang nhìn anh, lẳng lặng và miệng như mỉm cưòi. Tuấn chưa hết kinh ngạc thì người ấy lui ngay nhẹ nhàng như lần biến vào bóng tối. Tuấn cầm đèn ra soi khắp hiên, tìm quanh nhà, sục sạo khắp trại, nhưng đều vô ích: không có một dấu vết nào khác lạ. Người đàn bà đẹp như đã tan vào trong đêm,

Nhưng Tuấn không thế tin đó là một hình ảnh hư ảo được. Tuy hình ảnh chỉ hiện ra trong thoáng mắt, Tuấn cũng còn nhớ rất rõ khuôn mặt tuyệt mỹ với nước da rất trắng,  và từng nét môi, từng vòng my, từng vành tai nhỏ và nhất là cặp mắt nhìn đen láy, long lanh sáng và yên lặng một vẻ dị thường.

Không! Không thể là một ảo tưởng được. Một hình ảnh thấy trong lúc kích thích của trí não, hoặc lúc hốt hoảng của tâm thần tất không có những nét thực hiện và nổi rõ đến thế. Cái ý tưởng rằng đó là một người sống sẽ chiều được ý thiết thực của Tuấn nhưng sẽ đem lại biết bao nhiêu câu hỏi lạ lùng: người đàn bà - một nhan sắc yêu kiều như thế đến nơi hoang dại vắng vẻ này làm gì, và sao lại đến giữa những lúc đêm tối ghê rợn nhất? Cái dáng lặng lẽ, cái lối hiện biến nhanh chóng, những lúc tìm tòi vô hiệu của Tuấn và sự quái lạ của hành vi người đàn bà khiến cho Tuấn như không biết đường nào mà suy nghĩ.

 

Ban ngày anh đã hỏi chuyện mấy người cầy cấy quanh trại, cho tìm cả người coi trại đến, nhưng không ai biết người đàn bà nào giống như lời anh mô tả. Họ không giúp đỡ anh khỏi sự bối rối mà chỉ bàn thêm những câu rất huyền hồ. Người coi trại lại còn nhắc đến một vài truyện ma quái mà hắn đã có lần trông thấy hồi hắn phải ở trước ngày Tuấn đến. Anh hết lòng,không để ý tới, nhưng sự mê tín của hắn cũng làm anh băn khoăn. Tuấn không muốn nói thêm, gạt ra ngoài tai những ý kiến của mấy người nhà quê và cấm thằng Dần không được nói là cậu nó thấy ma nữa.

Anh nhất định chỉ cho việc xẩy ra hai đêm vừa rồi là một sự bí mật chưa khám phá được. Anh tạm cho là mình bất giác chịu ảnh hưởng của cái vẻ um tùm cỗ kính trong trại. Cái tên ‘‘Trại Bồ Tùng Linh’’  biết đâu chẳng đã gợi đôi chút dị đoan còn cố hữu trong anh? Hay biết đâu óc tưởng tượng đã chẳng tạo ra cái hình ảnh mà anh trông thấy trong lúc tâm trí bị kích thích mà không ngờ?

Nhưng mà...

Tuấn không muốn suy nghĩ kỹ càng hơn. Anh vội giữ lấy những lý luận sơ sài ấy để yên lòng.

Buổi trưa, anh ngủ một giấc dài hơn mọi ngày để khỏi mệt tinh thần và đến chiều, sau bữa cơm, anh để tâm chí hát những bài vui trong khi đi bách bộ quanh trại.

Bóng chiều đổ mau dưới những vòm lá nắng um tùm. Tuấn cắt nghĩa mỗi tiếng reo động gần quanh và luôn luôn tự bảo những lúc hồi hộp của mình là vô cớ, vô lý. Anh đi thăm những cây đa cổ kính, nắm lấy những thần rễ lớn một cách bạo rạn và ngạo nghễ với những vùng bóng xanh tối mỗi lúc một thâm già. Gió rì rào trên đầu cây, trong cành lá, có một âm vang như tự xa về, và hơi lạnh bao vây khiến Tuấn se sẽ rùng mình: anh tự nhủ đó là do tiết trời về thu. Nhưng Tuấn thấy mình bỗng đi gấp bước. Bóng âm u thay đổi cảnh hoa cỏ ở đây nhanh chóng quá. Tuấn nhìn lại và thấy lạ hẳn những chỗ lúc trước vừa đi qua. Anh bực mình vì không thể cưỡng nổi một ý lo ngại cứ dần dần tăng. Một đôi lần, lúc đang bước, anh quay cố nhìn trở lại. Không ngờ Trại Bồ về tối lại có vẻ hoang tịch đến thế.

Tuấn bước lên tới thềm nhà mà vẫn còn thấy khó chịu. Anh vội nhẩy qua bực cửa: ánh sáng đèn làm cho anh được tạm yên lòng.

 

Tuấn không thấy muốn làm việc như mọi lần. Anh cầm bút rất lâu và sau cùng xếp giấy lại, trí nghĩ đi vào những hõm cây hốc bụi và tưởng sự huyền bí ẩn nấp dưới các hình bóng dị kỳ: Trại Bồ lúc này là một nơi cũ kỹ trong một bầu không khí cỗ sơ. Anh nhớ lại những chuyện truyền thuyết, những nhân vật hoang đường. Anh thấy mình có vẻ một chàng thư sinh ngồi dùi mài trong một ngôi chùa và có những sự gặp gỡ quái quắt.

Sự hiên hiện hai đêm trước không giữ được cái tính cách bí mật ‘‘trần gian’’ mà anh muốn thấy. Tuấn cố sua đuổi những ý tưởng huyền hồ đến dìu dắt tâm trí anh. Sự kỳ dị không một lối nào để dò theo, không có một đầu mối nào có thể lần gỡ được. Tuấn không biết nên đỗ sự suy xét theo một chiều nào. Anh chỉ biết - mỗi lúc một rõ, một chắc chắn thêm - rằng hắn sẽ hiện về. Điều đó thành một sự cố nhiên mà anh cứ yên lặng nhận lấy - và chịu lấy.

Tuấn thấy suy tính cũng vô ích. Anh đành lòng đợi vậy.

‘‘ - Để xem đêm nay nữa, xem nào!’’

Anh muốn đánh thức thằng Dần dậy để đi rình bên ngoài - anh vẫn còn giữ một chút nghi hoặc mơ hồ - nhưng anh trông thấy trước sự khiếp sợ của nó. Tuấn đi dạo ngoài hiên hai ba lượt. Ánh sáng từ cửa sổ chạy đến một khóm mẫu đơn gần nhất. Đêm tối sấn đến quanh cùng với cả một thế giới bí hiếm và vô hình. Tuấn bắl đầu cân nhắc lòng can đảm của mình và không thấy vững lòng lắm. Anh gắng đi quanh lớp nhà một vòng nữa, bước chân ghê rợn; lúc trở vào, anh ngồi trước bàn viết và không còn tâm trí nào để lại bước ra ngoài đêm. Anh nói nhỏ bằng tiếng Pháp;

-  Thế mà một người con gái dám đến đây!

Tuấn toan nghĩ thêm:

-... Nếu thực là người.

Nhưng anh vội bật cưòi thành tiếng và nghĩ chuyện khác.

Anh giở sách ra đọc ngắt quãng từng đoạn để nghe gió chạy ồ ạt từng trận, và chú ý luôn đến các tiếng giun, dế ở xa và ở quanh thềm.

Lúc Tuấn nghĩ đến sự viết thơ cho Bình, thì anh mừng rỡ như tìm thấy một việc rất ích lợi. Anh tự nhủ: ‘‘Không thể quên được thì gì bằng nói ngay đến. Xem Bình hắn đoán việc này thế nào’’. Tuấn không nghĩ sắp câu, cầm bút lên là những chữ tiếp theo nhau hiện lên mặt giấy.

Tuấn thấy ham viết cũng như lúc viết văn.

Việc mới sẩy ra còn rõ từng nét trong trí nhớ, thêm linh hoạt vì sức khiêu gợi: Tuấn thấy sống lại từng phút, từng đoạn cảm súc trong hồi đã qua. Sự ‘‘có mặt’’ của người giai nhân bí mật bởt vẻ tỵ hiềm vì sự tô điểm của văn chương. Anh nghĩ thầm: ‘‘Giá lúc này ta nhắc đến nàng hiện ra nhỉ!’’ Và mấy lần toan nói to ý nghĩ ấy lên.

Tuấn đọc lại những hàng cuối cùng. Tay đã hết mỏi, anh cầm bút để viết tiếp bức thư.

Ạnh đoán lúc đó đã khuya lắm và nghĩ thầm: ‘‘Hôm qua với hôm kia mười hai giờ rưỡi thì mình thấy...’’

Rồi đặt bút xuống.

Mười hai rưỡi là khoảng thời giờ ngừời đẹp vẫn hiện đến. Anh chắc lúc ấy sớm ra cũng đã hơn một giờ. Nhìn lên cửa sổ vẫn là cái khuôn đen ngòm, dẫn vào một chút gió rất chậm và rất yếu. Tiếng đêm ran trong vùng tối vẫn giống như bao nhiêu đêm... Trước

khi lại viết tiếp, Tuấn lấy đồng hồ coi và biết mình đoán lầm: mới mười hai giờ hai mươi.

- Quái thế mà mình tưởng khuya lắm rồi!

Và tự dưng Tuấn như thấy hồi hộp.

Anh cầm bút chấm mực, cho sự hồi hộp đó là thói quen ở hai lần kinh ngạc trước và tự yên ủi bằng một câu cứng cỏi vẫn quen nghĩ:

- Ừ, thì là người, là ma, là tinh nữa, thế đã sao chưa?

Nhưng sự hồi hộp lần đến rất mau chiếm lấy cả tâm trí anh. Tuấn lại cố thu cảm tưởng lạnh lùng, nặng nề, và ghê rợn y như mấy lần trước...

- Chắc lần này lại.

Cả câu nghĩ thầm cũng như nghẹn ngào trong cổ.

Tuấn chợt sinh bực tức, thấy rõ mình bị riễu cợt, trêu ghẹo, dù bởi ma hay người... Sự căm giận, nỗi lên vì hổ thẹn và phản kháng, như thêm một sức mạnh lạ lùng, Tuấn nắm tay lại, nhìn phắt lên: ngoài cửa sổ không thấy gì khác.

Hơi Tuấn thở vội, hỗn loạn với nhịp trống ngực. Tuấn sững sờ và thấy mình ngộ

nghĩnh đáng nực cười. Anh lại toan cất tiếng cười lên: muốn tự cho mình là người lo sợ không đâu, và chỉ tưởng tượng ra những điều kỳ dị để tự nạt. Nụ cười đã phát sẵn ở miệng Tuấn, nhưng cứ giữ nguyên thế. Tuấn vừa lại ‘‘cảm thấy’’ một sự gì khác thường. Phải, một sự gì vừa sẩy ra,

Hình như có tiếng gì vừa động, Nhưng ở đâu?

Tuẫn nghe ngóng, bỗng quay lại đằng sau: chưa bao giờ - thực vậy, chưa bao giờ - Tuấn kinh ngạc đến thế.

Một người thiếu phụ - người hai đêm trước - vấn tóc trần, mặc hàng lụa xanh phơn phớt, ngồi bắt chéo chân trong chiếc ghế bành gian giữa, bình thản, lặng lẽ, và tự nhiên như người trong nhà. Tuấn lần này mới nhìn rõ nhan sắc của nàng ta, nhìn rất lâu. Và lần đầu tiên anh biết thế nào là sự rùng rợn.

- III -

Bao ý nghĩ vừa rồi về những việc đã qua, vẫn còn xao xuyến sôi nổi trong trí Tuấn. Tinh thần kích thích như giây đàn căng vừa ngắt tiếng sau một khúc, vang âm còn rung động giữa lúc êm lặng đêm khuya. Trên mặt bàn ngay dưới tay Tuấn, tập thư vừa viết còn ghi nguyên tang chứng của ‘‘sự thực’’. Cái bút đặt lên lọ mực, mấy quyển sách gáy in chữ vàng lấp lánh bên chân đèn. Tuấn nhớ rõ những hình ảnh thực hiện đó. Ánh đèn chiếu xuống không đổi sắc. Tuấn nghe thấy tiếng bấc cháy. Đồng hồ nhỏ lách tách những dịp vội vã đều đặn. Giun dế quanh nhà vẫn lích chích kêu như cũ và từ xa lắm, tiếng chó sủa đáp lại nhau qua mấy cánh đồng...

Tuấn để tai nghe tất cả một lượt rất nhanh. Anh kiểm điểm lại động tĩnh bây giờ trong lúc nhìn cái bóng đàn bà ngồi kia, trong nhà anh, và ở đó như đã từ lúc nào rồi.

Sự kỳ quái của giấc mơ ấy lại là sự thực nhãn tiền.

Mắt Tuấn nhìn người đàn bà đẹp từ đầu đến chân, thâu nhận lấy từng dáng ngồi, đường thân, mầu tóc, nếp áo. Bàn tay ‘‘nàng ta’’ trắng nuột, nhỏ và dẻo một cách lạ, dáng nhẹ nhàng cầm giữ ở đầu ngón một lá cỏ dài và mập như một chiếc lá lan. Nước da trên mặt cũng trắng nuốt, - một mầu trắng đẹp tưởng chưa từng thấy bao giờ. Khuôn mặt thanh tú giữ những đường cong nét uốn hòa đối và mỹ lệ lạ thường. Tất cả người ‘‘nàng ta’’ đều có một vẻ đẹp khác thường, một vẽ đẹp quá chừng như không thể nào có được. Tuấn thấy rợn khắp mình. Một cảm tưởng lành lạnh lại gờn gợn chạy lan cả tâm hồn một cách rất nhẹ, rất chậm. Chưa bao giờ Tuấn nhìn một người đàn bà rõ ràng như thế và lâu đến thế. Mắt anh không thể nào rời khỏi được. Anh gần như không có quan niệm về thì giờ nữa. Sự kinh ngạc giữ anh mãi trong cái phút vô cùng đó và anh tưởng chừng đứng như thế mãi, nhìn như thế mãi mãi, và người đàn bà đẹp cũng sẽ ngồi đó mãi, cũng như ở đó đã tự bao giờ.

Nàng ta không hề ngượng, rất tự nhiên - Có lẽ rất thản nhiên trước vẻ sững sờ của

Tuấn. Điệu ngồi lặng lẽ như người đang suy nghĩ. Tuấn như ở đâu chợt tới, và thấy người ta không để ý đến, hay không biết đến mình,

Người bối rối nhất không phải là người khách dị thường kia ; Tuấn lại thấy ở mình cố một vẻ bỡ ngỡ như chính mình không phải là chủ nhân. Sự yên lặng vẫn ở nguyên, dai dẳng, bướng bỉnh và hết sức khó chịu.

Tuấn không thể tìm được cách nào để sử trí. Anh đờ người ra và như có một sức ám ảnh gì giữ lấy sự lanh lẹ. Tuấn muốn dặng hắng lên. Anh kéo chân về định cho dép xiết trên nền gạch. Vò một tờ giấy. Hay đánh rơi một vật gì rồi cúi xuống nhặt. Tuấn nghĩ đến các việc đó, nhưng anh vẫn đứng im.

Tuấn thầm bực tức cho cái vô lý của mình. Sao minh lại rụt rè thế? Sao lại có cái ý tưởng kỳ dị là cứ phải đứng lặng đó? Sao lại có sự ước mong hồ đồ rằng cái người kia sẽ thôi ở đây, sẽ biến đi?

- Dù sao (Tuấn nghĩ thầm) ta cũng cứ nói lên một câu xem nào

 

 

 

 

 

Sự kinh dị đầu tiên đã lui dần. Tuấn bắt đầu tìm một lời nào; một cử chỉ nào, để đối phó. Tuấn sửa soạn như sắp làm một việc quan trọng và khó nhọc. Anh lựa đường lối để tiến một bước hành động. Câu hỏi đã thầm quát lên trong trí, thầm nhắc lại vài ba lần và chỉ chực lên tiếng. Tuấn nuốt nước bọt mới nhận thấy cổ họng mình khô:

- Tôi muốn hỏi... cô..

Lời nói vang âm lên trong sự im lìm.

Tuấn ngừng lại, thấy trơ trẽn quá, sượng sùng quá ‘‘Trời ơi! sao lại thế mới được chứ!’’ Tuấn nhất định hỏi nữa, rồi muốn ra sao thì ra.

Nhưng rất dịu dàng, người đàn bà đẹp ngửng nhìn, miệng ngậm một nụ cười kín đáo, nhã nhặn. Tuấn thấy một cảm giác rất dễ thương cùng một lúc đôi mắt kia soi vào mắt mình - đôi mắt đen, sáng và long lanh những tia lửa lạnh.

Anh nghe thấy một câu nói nhẹ, giọng thanh và như đưa lại từ đâu xa:

- Thưa anh, anh hỏi gì em? Mà anh hỏi em làm gì?

Câu đáp bất ngờ và giọng thân mật càng làm cho Tuấn ngạc nhiên.

Nhưng anh đã thấy nhẹ mình.

Một chút rùng rợn êm ái dội qua tâm hồn một luồng khác lạ. Tuấn đáp lại và nghe lời nói của mình như trong mơ hồ.

— Tôi muốn... tôi... tôi chưa được cái hân hạnh gặp cô... quen biết cô...

Người ngồi đ đưa mắt nhìn vu vơ, miệng cười hé mở: đôi mày nhẹ nâng cao trên vừng trán xinh nhỏ và cả người đủng đỉnh một vẻ đỏm dáng lẳng lơ. Câu trả lời cũng giấu giọng lơi lả đùa cợt:

- Anh không quen biết em, nhưng em quen biết anh, thế cũng đủ.

Nàng tiếp luôn:

- Thấy lại sự quen biết không cần cho sự yêu mến lắm. Anh trông thấy em, em trông thấy anh lần đầu tiên, thế là ta có thể thành đôi bạn thân yêu được rồi.

Tuấn không nhận thấy điều gì quá dị thường trong câu nói tuy có hơi kiêu cách. Anh đã tìm lại được hết can đảm. Anh lại thấy câu chuyện tuy vẫn lạ lùng nhưng không thiếu phần ngộ nghĩnh dễ ưa. Những tiếng ‘‘anh’’ đột nhiên gửi cho mình và những tiếng ‘‘em’’ ngọt ngào người ta nhận lấy, nói lên từ cái miệng tuyệt mỹ kia, hứa một sự giao thiệp có thể trở nên rất êm đềm, Tuấn gần như được hưởng cái thú ghê rợn rất phức tạp. Anh sẵn sàng để cho tâm trí chiều theo những đường lối một câu chuyện anh chưa biết rồi sẽ dẫn tới đâu. Từ trước đến bây giờ anh chỉ toàn thấy hết cái ngạc nhiên này đến cái ngạc nhiên khác.

-  Ta cứ nhắm mắt lại để cho ‘‘nàng ta’’ dẫn đi cũng được.

Ý nghĩ ấy khiến anh chợt tưởng đến một sự không thể nào làm ngơ được. Tuấn nhìn soi mói người khách lạ của mình.

Anh nhận thấy vẻ kiều lệ rõ ràng hơn: bực nhan sắc anh đang tiếp trong một trường hợp khác thường kia có một giá cao quý tuyệt phẩm. Tuấn bâng khuâng như đang ở trong một sự kỳ ảo, lòng mênh mang thấm nhuần hạnh phúc, và lo ngại như chiếm giữ châu ngọc...

 

 

Người đẹp đang nhìn anh, miệng tươi, vẻ ân ái và đắm đuối.

Nàng ta thong thả đứng lên, thong thả đến gần Tuấn, buớc nhẹ và nhịp nhàng. Người uyển chuyển trong mầu áo dịu mềm và tỏa ra một làn hương mong manh của son phấn hay của da thịt.

Nàng đặt một tay lên vai Tuấn, cười một tiếng khẽ và ấm như hơi thở. Lần thứ nhất - Tuấn gợn người tự gót chân tới chân tóc - Tuấn chạm tới bàn tay mỹ nhân. Tuấn thấy tay mình đã nắm những ngón tay nhỏ, mát, trong làn da nhung dịu như cánh hồng non. Một cánh tay anh đã quàng ở ngang tầm lưng thon và gọn. Anh được thấy bên người anh cả một sự súc động âu yếm của tấm thân giai nhân thực hiện: một giai nhân ‘‘đúc bằng xương bằng thịt’’ có quả tim hồi hộp và có những huyết mạch nồng nàn.

Tuấn không cần biết tại sao người ấy lại ở trong tay anh, anh sẵn lòng quên hết các trường hợp ly kỳ. Quả vườn cấm đưa đến tận mình - cần gì biết do đường lối nào? - anh cứ vui lòng hưởng.

Tuấn dìu nàng đến ngồi chung một ghế. Nàng ngoan ngoãn - và sung sướng - vâng theo, dáng điệu thân mật như đã quen biết nhau lâu ngày.

Tuấn ‘‘cảm thấy’’ sự rạo rực rung động trong thân thể người thiếu nữ truyền đến cánh tay mình. Phảng phất một ánh hương nhẹ lại thoảng qua, anh nhíu mắt lại nghĩ đến một ý nhỏ nhắn. Anh chợt hỏi, giọng vô tình hoa mỹ và lời như sẵn chơn, - và cả tâm hồn lúc đó như ngan ngát trong một khí vị văn chương :

- Em là ai, em ở đâu đến đây mà lạ lùng, mà bí mật như một người trong giấc mơ thế?

Nàng ta đáp ngay:

- Có lẽ em là người trong mộng của anh đấy, người trong mộng biến thành người thực, thành sự thực đến với anh đấy.

Tuấn mỉm cười:

- Anh không ngờ lại gặp một sự thực huyền hồ, một sự thực... mơ mộng đến như thế này.

Rồi giọng chân thực hơn, Tuấn nói:

- Nhưng không thể... vì không nhể chúng ta cứ như thế này mãi. Gặp nhau, mến nhau, thân mật nhau ngay lúc đầu, được lắm, nhưng anh muốn biết... anh muốn em nói cho anh biết rõ hơn kia.

- Biết rõ mà làm gì? Mà anh muốn biết rõ những gì? Anh biết là em yêu anh, em tìm đến với anh, thế không đủ sao?... Còn ngoài ra có quan hệ gì?

Câu chuyện theo giọng ấy kéo dài thêm, Tuấn gạn gùng thì người thiếu nữ chỉ cười

hoặc thoải thác khéo. Sự cố ý giấu giếm đó càng khêu gợi thêm cho Tuấn muốn thấu hiểu tường tận hơn.

Anh tìm được một cách ví von khôn khéo để làm cớ cho câu hỏi:

- Nhan sắc như bông hoa quý, anh không thể đành lòng không biết tên thứ hoa mà anh khen ngợi được. Không, hình ảnh chỉ để cho trí nhớ thôi; anh. muốn lòng anh được gọi đến tên em, nhắc đến tâm tình em... anh muốn được trông thấy cả cái vườn tiên mà em đã tạm bỏ để đến đây thăm anh...

Tuấn mỉm cười, nhưng nói bằng giọng hết sức chân thực. Những câu hoa mỹ viển vông đó hình như cũng làm siêu được lòng giai nhân. Nàng ta nhìn Tuấn rồi lại nhìn vẩn vơ và đủng đỉnh nói:

- Em thì em nghĩ rằng anh không biết cố lẽ hơn... Nhưng nếu anh nhất quyết thì vâng, em cũng xin thú thực, không dám giấu nữa...

Tuân vui vẻ:

- Thế thì em ngoan quá... Em nói đi... Em nói cho anh biết tên em đã này...

Nàng ta thoáng có vẻ buồn rầu, nhưng miệng tươi cười ngay:

- Tên em ư? Anh thử đoán xem.

Tuấn nhíu mày nghĩ, rồi lắc đầu. Nàng ta nhắc.

- Tên em là một thứ hoa!

- Lan? Cúc? Huệ? Liên?...

Nàng ta lắc dầu:

- Không...

Và lại nói:

- Không Lan Hương, Hoàng lan Hương.

Tuấn cười:

- Có lẽ chính em là hoa hoàng lan đấy.

Nàng ta khẽ thở dài:

- Có lẽ.

Tuấn hơi ngạc nhiên. Anh hỏi cho có chuyện:

- Hoa Hoàng Lan à? Hoàng Lan thì tất ở trại... Hẳn em cũng có cái trại hoa nào gần đây?

- Không, nhà em ở trên hồ nước bên một hàng liễu xanh tốt và một khóm trúc vàng. Anh không thể tìm được đâu, trừ khi nào em dẫn anh đến.

Nàng lả một bên đầu xuống gần vai Tuấn hai giọt lệ đọng nơi khóe mắt. Tuấn không dưng cũng cảm thấy lòng buồn. Anh mơ hồ tưởng đến một điều vẫn từng động tới cảm tình văn chương của mình và thoáng thấy trong một giây rất chóng biến, hình như hiện đang nhắc lại một cảnh nào đã sống ở một cuộc đời thần tiên nào đã qua.

Tuấn vội sua đuổi ý nghĩ đó và ôm lấy Lan Hương:

- Hoàng Lan Hương, cái tên em mới thơm tho làm sao? Nhưng sao vừa rồi em

nói là anh không thể tìm được nhà em?

- Vì anh không tài nào tìm được nếu không có em dẫn đường.

Tuấn hỏi một câu rất vô tâm.

- Thế liệu em có dẫn anh tới không?

- Điều đó có thể có, mà cũng có thể không được... Vì đó là còn nhờ ở tình anh, và cũng ở cả duyên em...

Nàng thở dài khi rứt câu nói.

Tuấn không hiểu tại sao Lan Hương lại buồn

Nhưng anh cũng lựa lời dỗ dành, và chăm chú vuốt ve nàng. Bỗng nhiên Lan Hương lắc đầu, thong thả đứng dậy, thong thả bước ra phía cửa.

Tuấn hoảng hốt:

- Em đi đâu bây giờ?

- Em xin phép anh em về.

- Kìa! Lan Hương, sao em lại về ngay không ở chơi nói chuyện với anh lát nữa.

Nàng ta ngoảnh lại:

- Có lẽ đêm mai... em sẽ lại. Từ nay trở đi em không phải ở ngoài nữa, có lẽ đêm đêm em sẽ lại thăm anh... Bây giờ xin tạm biệt anh... Nhưng xin anh đừng tìm em đấy,

Nàng đã mở cửa ra

Tuấn sững sờ nhìn trân trân ra cánh cửa vừa khép, hối hận và thương tiếc... Chợt anh lạnh hẳn người đi, vấp phải một ý quái gở:

- Có lẽ... phải có lẽ đấy cũng là...

Tuấn lấy đèn bấm, chạy ra ngoài xực tìm, và biết trước là vô ích.

Anh trở vào ngồi thở dài một tiếng làm động mép một tờ giấy trên bàn.

- IV -

Bức thư viết cho bạn, Tuấn định sẽ không gửi đi. Anh sẽ chỉ thuật lại vắn tắt trên một bức khác để Bình biết đại khái câu chuyện, còn nguyên bản anh giữ lại để lúc nào cũng có sẵn trước mặt những ‘‘dấu tích thực tại’’ của những việc có đủ các vẻ huyền hồ.

Tuấn ngồi lặng trước bàn giấy đến ngót nửa giờ sau khi nàng ta không còn đó. Anh. kéo tập thư lại, lấy bút định ghi tiếp theo cuộc gặp gỡ sau cùng, Anh sẽ chép lại các cử chỉ, các lời nói và tất cả cảm giác, ý nghĩ của mình, thành thực và rõ ràng như viết những trang nhật ký. Công việc đó thực quan trọng đối với Tuấn. Sự tưởng nhờ của ký ức chưa đủ ; anh phải có tang chứng, của những nét chữ kia để có thế tin rằng những việc xẩy ra, quả nhiên đã xẩy ra thực. Tuấn vẫn cho rằng, có lẽ mình mơ.

- Một giấc mơ? Ồ! Có lý nào!

Nhưng Tuấn phải nhận là một ‘‘sự thực’’ kỳ quái hết sức.

Người giai nhân biến đi như một cái hình bóng. Tuấn lại đã chạy ra xục tìm và cũng lại mất công như những lần nàng hiện ra trước,

Trong đêm, Trại Bồ càng rộng um tùm, nhiều lùm cây lớn lạ lùng và nhiều lối khuất khúc hiện lên một phần trong ánh đèn soi mói. Tuấn muốn nghĩ rằng nàng ta có thể lẫn trốn đâu đây, nhưng trong lòng anh vẫn không chịu tin.

‘‘ Lẩn trốn làm gì? Mà nếu biến đi được thì chẳng hóa ra...’’

Cái nhân vật quái lạ ấy thực đã có lần Tuấn ôm giữ trong tay kia mà!

Tuấn càng nghĩ càng bối rối trong lúc trí anh, lòng anh và các giác quan anh còn rung động một thứ tình cảm ly kỳ và thơm dịu.... Mầu đen sáng của đôi mắt nhìn. Miệng cười son thắm. Cái thân hình óng muốt, lả lướt ân ái. Tất cả cái cử chỉ tin cẩn, vâng chịu của người đàn bà trong cái khoảnh khắc gần gũi... Tuấn nhắm mắt lại và lần nào cũng như còn ngửi thấy mùi hương phấn ở cạnh mình. Bên vai anh còn thấy cảm giác êm đềm của một mái đầu đã dựa xuống. Trong cánh tay anh đã ẫn náu hình vóc nồng nàn của một tấm lưng, thon. Bàn tay anh, con mắt, rồi cái kỷ niệm một bàn tay nhỏ nuốt anh đã nắm giữ.

Tuấn vân vê quản bút trước khi viết những hàng tiếp theo.

 

 

 

Suốt ngày hôm sau, Tuấn để tâm tim tòi. suy nghĩ. Ban ngày với ánh sáng mặt trời khiến cho tâm trí minh mẫn, song không làm bớt một chút nào cái vẻ nửa hư nửa thực của việc xẩy ra trong đêm. Tuấn tha thẩn hàng giờ trèn các đường lối trong trại Bồ. Nhìn lại từng bụi cây, từng góc vườn và thuộc hết những chỗ có lẽ không bao giờ Tuấn để ý tới. Tuấn mong thấy một câu trả lời đột nhiên hoặc một ý nghĩ nào vụt hiện lên trong lúc đi nhận xét đó. Nhưng Tuấn chỉ thấy mất thì giờ không đâu.

Cuộc đi dò tìm các vùng quanh trại cũng thế. Những xóm nhà tranh thưa thớt ở đây chỉ là chỗ ở nghèo nàn của những người cầy cấy quê mùa. Một con đường rộng dẫn đến hai đầu làng xa. Tuấn nhìn lên những đồng lúa xanh, bằng phẳng và thật thà, không giữ

một vẻ gì là bí mật. Vừa nghĩ tới anh đã vội bỏ ngay cái ý kiến đi tìm những người anh đã hỏi han mấy hôm trước. Người coi trại thì có vẻ dè dặt khi anh vào chơi nói những chuyện hoang đường hắn thuật lại hôm xưa: Tuấn hiểu ngay là hắn sợ anh tim cớ không thuê trại Bồ nữa.

Tuấn đành phải theo cái phương pháp giản tiện nhất là: lại đợi như trước. Lần nầy anh đợi với một lòng hồi hộp và một ý mong mỏi riêng.

Nhưng đêm hôm ấy người đẹp không đến.

Trong khi ngạc nhiên, Tuấn lấy làm bất mẩn và nghĩ đến những ý nghĩ mà anh cũng tự nhận là vu vơ, Tuấn ngờ có lẽ ‘‘Nàng ta’’ biết. Việc dò hỏi của mình, những hành vi trong suốt một ngày, những bước chân anh trên các đường lối trại Bồ và ở gần quanh, không chừng vẫn có con mắt vô hình chăm chú theo dõi. Tuấn bật cười, nhưng không tìm được nhẽ nào khác để cắt nghĩa sự ‘‘vắng mặt’’ của người thiếu nữ đêm qua.

 

 

Đêm hôm sau, Tuấn lại thức để chờ, nhưng lại không thấy gì hết. Rồi cứ thế luôn ba đêm nữa, Tuấn càng ngày càng có ý mong, đợi hơn lên.

Đêm nào Tuấn cũng tự nhủ: ‘‘Chắc đêm nay đây’’. Anh thấy mình thất vọng trong những buổi chờ đợi vô ích và vẫn vững lòng tin chờ lần sau.

Cái khoang cửa sổ đen tối mỗi đêm một bớt sâu thẳm vì trăng một thêm tròn. Tuấn nhìn quen đến nỗi nhận xét được những vẻ thay đỗi rất nhỏ.

Tuấn không muốn làm việc trong những lúc ngồi hàng giờ yên lặng trước bàn viết, đọc sách không cầm giữ được trí, giác quan chăm chú đến từng tiếng động rất khẽ trong đêm. Những hình ảnh tưởng tượng về giáng điệu giai nhân càng thêm lạnh lùng, sự lạnh lùng vắng mặt. Tuấn nhớ lại và bắt gặp thấy lòng mình âm thầm buồn. Khi nào ngồi lâu mỏi mệt, anh chợp đi một lúc rồi choàng dậy. Tuấn ngơ ngác như thấy một sự gì vừa hiện lại vụt biến ngay: Tuấn vẫn tự riêu mình: ‘‘ - Dễ thường mình tương tư một cái bóng kỳ dị hay sao?’’ Ý nghĩ ấy khiến anh lại tưởng đến những chuyện dan díu với linh hồn hoa, cây của những ngày xưa huyền hoặc.

Một đêm Tuấn ngồi ghếch hai chân lên bàn giấy vừa đợi vừa mơ tưởng. Thần trí anh hoang mang không hẳn theo một ý nghĩ nào. Nhiều lần anh thấy, rất nhanh chóng, như có lại cảm tưởng mới mẻ giống hệt lần gặp gỡ đầu tiên. Anh tưởng chừng như người đẹp hiện về, đang đứng ngoài, đang đợi chờ... Nhưng lúc định thần lại, cảm tưởng ấy lại mất. Tuấn dần dần bị thêm một kích thích. Hai ba lần anh chỗi dậy chạy ra hiên để thấy ngoài đó vẫn vắng lặng như thường. Anh bực dọc và giận dỗi như người bị lỗi hẹn. Anh vào ngồi chỗ cũ định tìm đủ các lẽ để tự bảo là mình đang làm những việc vô nghĩa lý và để dục mình đi nằm. Đêm đã quá khuya và người anh đã mỗi lúc một thêm bơ phờ. Nhưng Tuấn vẫn ngồi yên, vẫn phảng phất có một ý trông chờ và hy vọng. Tiếng gió sào sạc bên ngoài như nghe qua một giấc mơ chập chờn mong manh.

Tuấn tưởng chừng như người đẹp hiễu thấu lòng anh và đang tìm đến. Anh lại thấy hình như Nàng đã đến, đã ở đó và đang nhìn mình. Dẫu là người hay là nhân vật hư huyền, giai nhân cũng đã từng nói nên lời những câu dịu dàng và cũng đã làm anh cảm động. Cái tên Hoàng Lan Hương anh thầm nhắc đến hằng tất cả sự âu yếm của lòng thanh niên lúc đó hình như bay thành phấn hoa bao quanh Tuấn. Anh thoảng thấy từng làn hương đưa lại từ đêm xưa. Tuấn cảm thấy một sự gì gần gũi rất thân mật và hơn nữa, rất ‘‘thực’’.

Anh lo sợ không dám trông lên cửa sổ để thất vọng. Anh muốn mặc cho sự kích thích của tưởng tượng đánh lừa mình lâu nữa, lâu mãi và mỗi lúc một thêm sức mạnh để anh ‘‘thấy’’ hình ảnh Hoàng Lan Hương một rõ lên.

Hương hoa - phải chăng chính đó là hương Hoàng Lan? dìu dặt trong mơ tưởng của anh cùng với một dáng người nhịp nhàng ở gần đâu đây, ở trước mặt hay ở bên cạnh? Tuấn để cho người anh mê đi trong tay ôm ấp gọn ghẽ của chiếc ghế bành - cũng như tâm hồn du dương ẩn nép trong lòng một thú vui mơ hồ.

Một tiếng động khẽ của tờ giấy trên bàn.

Tuấn hé trông thấy một bàn tay quen, mấy ngón muốt bút măng hiện tỏ hiện mờ theo chiều mơ tưởng chờn vờn hay theo nhịp lim dim của đôi mắt nhíp.

Cái hình ảnh thân yêu vẫn không mất.

Tuấn tưởng thấy cả hai bàn tay, cả mầu áo xanh phơn phớt và mầu da trắng điểm hồng.

Hoàng Lan Hương... Hoàng Lan Hương đến đây chăng? Câu hỏi nhắc hai, ba lần trong trí chưa tỉnh giác của Tuấn, và sau cùng cất lên thành tiếng nhỏ dịu. Tuấn mơ hồ nghe thấy lời mình:

- Hoàng Lan Hương đấy phải không?

Một tiếng đập lại bên tai:

- Vâng.

Tuấn nghe rõ ràng câu tiếp liền theo:

- Chính em của anh đây!

Tuấn thức hẳn dậy.

Người thiếu nữ đã ở đó, đứng bên phía trái, đang mỉm cười nhìn anh. Lan Hương nhìn Tuấn không chớp - và không cất nụ cười - vẻ ngạc nhiên vui tươi và im lặng. Tuấn chưa tin ngay và vẫn lo sợ. Anh hỏi rất nhẹ tiếng:

- Thế ra... Thật ra tôi không nằm mơ?

Người thiếu nữ thong thả lắc đầu, dáng điệu khoan hòa và có vẻ nhu mì rất ngây thơ, rất ngoan ngoãn.

Nàng để cho Tuấn dìu ngồi xuống cái ghế anh vừa ngồi. Nàng đợi, những sự vui mừng làm Tuấn lúng túng? Tay nàng - bàn tay trắng đẹp làm sao! - vẫn cầm một tập bản thảo mà lúc đó Tuấn mới nhận rõ là của anh: đó là tập thư đổi thành nhật ký.

Tuấn đã tìm được câu nói:

- Em đến lúc nào thế? Em đến lâu chưa?

Nàng thưa:

- Thưa anh chưa lâu lắm, nhưng cũng đủ xem văn của nhà văn,

- Văn nào? Tập thư này sao?

- Vâng, xin anh thứ lỗi cho, em thấy nói đến câu chuyện hay, nên...

Nàng cười rất dịu dàng.

Tuấn thấy ngượng một cách sỗ sàng, y như người bị bắt chợt đang lúc tắm gội. Nàng tiếp luôn:

- Em vẫn là giống ham văn chương, yêu văn nhân, thi nhân cũng như yêu hoa cỏ, yêu nước non, yêu trăng gió... Em được đọc bài văn thì như được tưới thêm nước, lòng được sung sướng không biết ngần nào.

Lời nói lưu loát, văn hoa. Nàng có một giọng nhẹ trong và hơi trầm mà Tuấn muốn cho ấm hơn vui hơn. Anh bỗng thấy lo ngại vì cái vẻ trầm lặng và vẻ buồn nhẹ nhàng của người thiếu nữ. Anh chợt nhớ đến sự thay đỗi đột nhiên đêm nào và dụng tâm ngăn đón trước. Tuấn toan hỏi một câu nhưng lại thôi..

Nàng đặt tập bản thảo xuống bàn, nhìn sang một bên, đôi mắt nghĩ ngợi. Thấy nàng, thở dài một tiếng. Tuấn vội vàng gọi:

- Em!

Nàng ngẩng lên mỉm cười, đôi mắt lặng lẽ chứa chan một ý thân mật âu yếm. Tuấn thấy sôn sao cả tâm hồn:

- Em Lan Hương... Em... Em có cho phép anh nói chuyện với em, nói chuyện lâu với em không?

- Thì em đến đây chỉ mong được thế...

- Em đến một cách bất ngờ, một cách êm nhẹ như cái bóng hiện lên. (Tuấn sợ lỡ lời chữa ngay) Như... một nàng tiên đến trong giấc mơ...

- Và anh cũng sợ như nàng tiên trong giấc mơ, rồi em sẽ biến mất sao?

Đôi mày nàng hơi nhíu lại khiến Tuấn sợ cuống lên, tìm cách cãi lời nói của mình. Nàng lắc đầu khoan thai để tay vịn lên vai Tuấn:

- Không, em không biến nữa, em không biến vội đâu... Đêm nay em còn nói nhiều

chuyện với anh, em sẽ bầu bạn với anh lâu hơn đêm hôm nào... Và nếu anh biết cho em...

Nàng ngập ngừng một lát, khe khẽ thở dài:

- Nếu anh hiểu cho thân phận mỏng manh của em, em sẽ được gần gũi anh nhiều đêm hơn...

Tuấn càng nghe càng ngạc nhiên nhưng giữ nét mặt rất vui để khuyến khích nàng. Anh ngắt lời:

- Không, em sẽ là bạn anh mãi mãi.

- Em không dám chắc, tự cổ chí kim, hạng chúng em chỉ là...

Tuấn vội vàng nói:

- Không, dù sao, dù em là ai, nhưng anh chỉ biết em là một nhan sắc quí báu, một châu ngọc anh tìm thấy tình cờ... Không, em Hoàng Lan của anh... sẽ mãi mãi là của anh.

Tuấn chợt nghĩ tới cái tên Hoàng Lan Hương, để ý đến cái hương riêng phảng phất bên mình... Anh rùng rợn khắp tâm hồn và thấy ghê người một cách rất êm đềm, rất đằm thắm và rất mới lạ. Anh nghĩ bụng trong lúc quàng tay giữ lấy ngang lưng nàng:

- Có lẽ ta được sống những cuộc đời rất kỳ quái như ngày xưa thực chăng.

Tuấn lại chợt hiểu cái tiếng ‘‘Nàng ta’’ mà anh vẫn thầm gọi khi nghĩ đến người thiếu nữ.

Cảnh tượng lúc đó có một vẻ văn hoa - một vẻ văn chương kiểu cách - đem lại cho tâm hồn Tuấn một thứ cảm động cổ kính cũng như ở nhân vật sống trong truyện hoang đường. Tuấn nghĩ đến hiện tại bây giờ và thấy nó như lùi lại rất xa. Anh nhìn anh với người đẹp như trong một bức tranh quí giá. Anh thoáng nghĩ thầm:

- Lan Hương ơi, hai ta trong khoảng khắc này là hư hay là thực đấy?

Những tiếng xưng hô mà Tuấn định sẽ nói, trong giây phút ấy không phải là những tiếng anh em mà Tuấn đã dùng. Giá gọi Lan Hương là ‘‘Nàng’’ và tự xưng là ‘‘kẻ thư sinh này’’ có lẽ mới thực đúng, mới thực hợp.

Ngồi trong ghế và lả mình vào tay ôm giữ của Tuấn, Lan Hương đang nhìn phía trước mặt. Nàng ta thở đều, thong thả và ở yên đó như người tình nhân ngoan ngoãn đang chung một phút trầm ngâm thân mật với người yêu.

Không hề có chút sượng sùng. Tuấn lại ngạc nhiên khi nhận thấy cái vẻ quen thuộc trong lúc thân cận đột nhiên ấy.

Tuấn nghĩ thầm một câu hỏi văn vẻ:

- Hoàng Lan Hương ơi, Nàng là ai thế, Nàng là người ở đâu đến đây?

Và đoán chừng câu trả lời sẽ có những ý tứ cho mình biết Lan Hương chỉ là hiện thân của thảo mộc, là hương thơm của Hoàng Lan biến thành người, là một nhân vật trong cái thế giới u linh ở lồng với khung cảnh trần gian nhưng lại cách biệt hẳn trần gian: người ta phải có con mắt riêng của một tâm hồn khác thường mới gặp thấy. Tuấn cũng như một người sót lại từ cái thế kỷ cổ sơ trước, Tuấn là một linh hồn còn thuộc những âm vang và những hình ảnh cũ của một thời đại nhuộm mầu tím huyền...

Tuấn thu hẹp lại cái cánh tay ôm quanh vai người thiếu nữ. Anh mỉm cười vơ vẩn, nhận thấy từng chút thời khắc qua đi, tịch mịch trong cái lặng lẽ khuya khoắt của không gian. Anh sống một quãng đòi bâng khuâng rất lạ lùng, tâm trí vừa ngạc nhiên mà bình thản mà hướng theo nguồn tư tưởng không cố gắng, lưu loát như sẵn hiến cho mình một trang văn thơ.

Một chút lo sợ rất quen cũng phảng phất trong lòng Tuấn.

Tuấn liếc nghiêng mắt nhìn người thiếu nữ và hồi hộp trong khi thầm khen nét mày rất thanh tú, hàng mi cong dài díu lại và xa xăm thêm vẻ nhìn trong sáng..

Tuấn lại thấy cần phải dè dặt những lời phải nói ra, những cử chỉ sẽ làm và im lặng như để dò ý tứ.

Không bao giờ có một đôi bạn gần gũi nhau một cách khác thường như thế. Tuấn lại nghĩ:

‘‘- Hoàng Lan Hương ơi! em là ai thế?  Em ở đâu thế? Sao em lại ở trong tay ta lúc này?...’’

Câu nói dìu dặt vang khẽ trong lòng Tuấn và hình như cũng động tới ý Lan Hương. Người thiếu nữ nhìn lên mỉm cười với Tuấn, rồi lại nhìn đi. Tuấn bỗng gọi:

- Lan-Hương!

Và tưởng tiếng nói của mình có thể kinh động cả bầu không khí.

Nhưng Tuấn nhắc lại, tiếng ghìm khẽ xuống:

- Lan Hương! Lan Hương! Em nghĩ gì thế?

Tuấn muốn thú thực hết cả nỗi sung sướng của lòng trai trẻ, hết cả nỗi xúc động của sự gặp gỡ và ngỏ hết tình âu yếm với Lan Hương. Nhưng người thiếu nữ lại nhìn lên, đôi mắt đen lặng lẽ một ý quá đỗi nồng nàn. Những tia lửa chìm trong đôi ngọc huyền ấy bỗng dưng khiến Tuấn ngây ngất. Anh đê mê im lặng.

Đầu nàng ta rất nhẹ nhàng giấu mãi vào lòng tay Tuấn và cả tấm thân yêu kiều nhỏ bé lại lả lướt bên người con trai. Nắm tay nàng víu lấy Tuấn với một ý nhắc bảo xui giục. Và bao nhiêu cử chỉ ấy thầm lặng gào lên những nỗi lòng van lơn.

Nàng không kịp nói với Tuấn thành tiếng một câu ân ái nào.

Nàng để Tuấn hiểu trước lời nói. Và Tuấn mỗi lúc một hiểu rõ ý nàng mỗi lúc một đắm đuối tha thiết hơn.

Anh nghĩ thầm:

- Lan Hương ơi, vì đâu?... Lan Hương ơi... cớ sao... Lan Hương em là loài đa tình nào... Lan Hương ơi...

Những ý nghĩ âu yếm, gạn gùng reo động vang cả tâm hồn. Nhưng đôi mắt kia nhìn Tuấn.

Ngọn trào bồng bột dâng lên.

Tuấn ôm bên mình một mỹ nhân nhu mì, thuần thục nhưng nồng nàn xiết bao! Anh cúi xuống dần. Đôi mắt kia dìu Tuấn vào một bể sôi nổi.

Đồng hồ trong nhà lách tách đều rõ rệt từng tiếng. Tuấn âu yếm bước xa dần ánh sáng đèn trên bàn viết, bên vai êm trĩu một sức nặng bám níu lả lơi. Nàng ngoan ngoãn như trẻ thơ, bước chân nhẹ nhàng và ân ái theo Tuấn.

Ngoài đêm, tiếng gió vừa chạy ào qua. Vài tiếng dế bao quanh. Tuấn tưởng qua đến sự thức giấc của côn trùng và trông thấy hình lá reo động... Nhưng tất cả thành hỗn độn, bị quên đi, mờ xóa trong một cử chỉ vuốt ve. Tuấn thu lượm trong bàn tay mê man những đường nét thanh tân của một thân hình dịu mềm và rung động.

- V -

Sáng hôm nay Tuấn thức dậy như tự trong một giấc mơ dài. Ánh sảng vàng tươi soi vào tận chỗ gối chăn và bên mình anh không còn chút dấu vết nào của người đẹp. Phảng phất một làn hương thơm mát giấu gần đó. Tuấn chỗi dậy ; ở ngực mình rơi xuống một bông hoàng lan cánh đã hơi se.

Tâm trí Tuấn bàng hoàng, nhưng không! không thể là một sự mơ hồ được.

Anh còn nhớ rõ quá. Hơi thở ấm áp của người thiếu nữ với nhịp tim hồi hộp... hơn thế nữa, bao nhiêu ái ân dữ dội tuy thầm lặng còn để lại cho anh một kỷ niệm mê cuồng. Người đàn bà trong tay ôm ấp đêm qua là cả một tấm tình - là cả một thân thể đa tình bừng cháy. Trong bóng dịu mơ, cái nhan sắc nghiêng ngả kia đã khiến anh mừng rỡ kiêu căng giữa lúc ngạc nhiên. Trên khuôn mặt đỏ say, bồng bềnh thả trong đám sóng tóc tối đen đôi mắt còn lạ lùng thỉnh thoảng lại mở nhìn anh một vẻ lặng lẽ rùng mình: Tuấn tưởng chừng lại thấy những tia lửa chìm dấu trong đó.

Cả câu chuyện trong lúc gần gũi chỉ là những câu hỏi dò chừng của Tuấn và những, câu trả lời lảng tránh của người con gái tên là Lan Hương. Anh đã cố tình muốn được biết người yêu của anh hơn. Anh đã quyết, hỏi cho rõ hơn.

- Lan Hương ơi! Lòng anh em chiếm được rồi. Chúng ta đã là của nhau rồi, mà anh chỉ biết tên của em thôi ư?

- Lan Hương ơi! Em nói cho anh biết hết cả đi?...

- Lan Hương ơi! Em không muốn thực tình yêu nhau sao? Sao em cứ mãi lững lờ...

Phần nhiều là những ngón tay đặt lên miệng giữ anh lại, hoặc bịt lại bằng cặp môi; đôi khi anh ngoảnh đi để tránh thì Lan Hương; chui đầu vào nách anh và cùng cười với anh. Nàng đủng đỉnh nói một giọng đùa cợt:

- Lan Hươ-ng của anh là Lan Hương của anh.

Hoặc:

- Lan Hương là người yêu anh...

- Em có biết anh là ai đâu, anh ở đâu đâu?

Nhất định Lan Hương chỉ hỏi có bằng ấy câu khi Tuấn nài hỏi.

Anh lựa lời căn vặn nữa thì nàng buồn rầu đáp:

- Có lẽ em không đáng cho anh thương em...

Tiếng thở dài của nàng khiến Tuấn vội dỗ dành vuốt ve an ủi. Tức khắc Lan Hương lại cười, và nhí nhảnh như đứa trẻ tinh nghịch trong tay anh.

Tuấn ngủ đi giữa lúc thử tìm cách phân giải cái ý nghĩa sự giấu giếm của nàng. Lúc Lan Hương đã ngủ yên từ lâu, bỏ dở một câu ước hẹn không rõ rệt.

Tuấn không thể rõ Lan Hương lẻn đi lúc nào.

Sự nhớ tiếc chân thành xui anh nghĩ đến sự đi tìm nhưng anh lại bỏ ý nghĩ đó ngay, anh chắc lại sẽ mất công như mấy lần trước.

Tuấn nhìn bông Hoàng Lan trong lòng bàn tay và tưởng tới sự liên lạc với tên người thiếu nữ. Không thể sua đuổi, những ý sẵn  sàng đến trong trường hợp đó, Tuấn nhìn ra

ngoài phong cảnh ban ngày như cố ý để phản đối lại. Những cảm tưởng ban đêm lúc gần người thiếu nữ vẫn còn vương trong tâm trí anh.

Tuấn tắc lưỡi:

-  Thì lại đợi xem!

Một lần nữa, anh lại bắt chợt thấy mình có cái hy vọng rằng Hoàng Lan Hương biết anh đang nghĩ đến nàng trong lúc này. Anh nhìn bông hoa, một lòng chứa chan âu yếm.

 

 

Buổi chiều hôm ấy Tuấn chợt nghĩ ra một ý để tối đến thực hành.

Trước lúc người đẹp quen ‘‘hiện’’ đến nửa giờ, Tuấn bắc ghế ngồi ở một chỗ khuất ngoài hiên với chiếc đèn bấm, và đợi đến quá một giờ đêm. Nhưng không thấy gì. Anh trở vào; ngồi bàn giấy đợi hơn một giờ nữa. Cũng vô ích. Suốt đêm ấy. Tuấn không thấy bóng Lan Hương.

Đêm hôm sau, Tuấn có ý ngồi đợi ở trong nhà như mấy lần đầu thì Lan Hương lại đến.

Rồi đêm sau và những đêm sau nữa cũng vậy, Lan Hương vẫn giữ cách hành động bất ngờ và bí mật của Nàng. Tuấn đang ngồi trước bàn, lúc ngoảnh lại đã thấy Lan Hương hoặc ở gian giữa hoặc ở trong cửa, hoặc đứng bên mình anh.

Lần nào cũng lặng lẽ, lần nào cũng để cho Tuấn tưởng như chợt hiện lên.

Và lần nào cũng nồng nàn âu yếm.

Không đêm nào Tuấn thức được trọn để rình lúc nàng lén mất, anh đành phải lượm lấy bông Hoàng Lan mà bao giờ nàng cũng để lại như một lời yên ủi cợt đùa.

Sự quấn quýt vẫn giữ một bực ham mê, những cái bí mật của Lan Hương, Tuấn chưa vào thêm được bước nào. Nàng vẫn lững lờ khi Tuấn căn vặn hỏi. Tuấn hơi tỏ ý giận dỗi thì nàng buồn rầu có khi đến khóc sùi sụt, nhưng tức khắc lại vui vẻ cười khi Tuấn vỗ về.

Tuấn cũng muốn mặc ý nàng và bỏ cả tính thóc mách của chính mình: cần gì biết Lan Hương là người thế nào ; gặp nhau thì cứ yêu nhau, như lời nàng vẫn nói. Nhưng Tuấn đã thấy lòng yêu ngườl con gái kỳ dị ấy một cách sâu xa hơn. Nàng nhắc lại câu vẫn quen nói:

- Anh yêu em chừng nào em càng được đến với anh chừng ấy... Tự em, em không bỏ anh đâu.

Tuấn hỏi tại sao có đêm anh phải đợi vô ích thì nàng đủng đỉnh cười, lắc đầu không thưa. Tuấn hỏi gặng, nàng đáp một câu làm Tuấn càng nghĩ ngợi:

- Thì anh cũng biết đấy?

Một đêm Lan Hương vừa chợt ngủ, Tuấn vùng dậy thắp đèn và đốt hết cả bao nến cho nhà sáng chưng lên. Lan Hươmg vừa thức dậy hỏi, anh không đáp chân chân nhìn nàng. Lan Hương cười một cách rất lạ lùng rồi tắt hết các ngọn lửa vừa mời thắp:

- Em dù là người gì mà yêu anh được như lòng em yêu anh thì cũng đáng là bạn sánh đôi với anh rồi. Anh đừng tìm cách sua đuổi em như thế.

Tuấn phân giải sự ngờ vực của mình bằng lời khôn khéo. Mãi sau một hôm bất ngờ nàng vừa hỏi Tuấn, vừa mĩm cười như mỉa mai.

- Nếu bây giờ anh biết em không phải là người thường như mọi người thì anh nghĩ sao ?

Nhưng nàng không nghe câu trả lời lung tung của Tuấn. Mà chính câu nàng vừa nói ấy cũng không rõ ý ‘‘Không phải người thường’’. Người thường đây liệu có cùng một nghĩa như Tuấn hiểu không?

Một đêm khác đang ngủ, Tuấn bỗng giật mình thức dậy. Anh tưởng là Lan Hương không ở đó nữa. Nhưng lúc anh mở mắt ra thì Lan Hương đang ngồi bên anh và đang cúi nhìn anh. Tuấn mỉm miệng, nhưng nụ cười ngừng hẳn lại. Lan Hương sao nhìn anh chăm chú thế, kỳ dị thế? Và đôi mắt - anh rợn người lên một chút - đôi mắt sao lại sáng một cách quái lạ thế kia?

- Lan-Hương!

Tuấn gọi, nhưng người thiếu nữ lặng thinh và vẫn cúi nhìn anh im lặng và chăm chú như thế mãi.

- Lan Hương! Kìa! Lan Hương!

Không có tiếng đáp. Lan Hương vẫn không nhúc nhích. Anh bắt đầu nghi ngại. Đưa mắt hai bên thấy nhà vắng và lạnh lẽo hết sức. (Thằng Dần anh cho ngủ buồng dưới từ sau hôm anh gặp nàng).

Hai con mắt đen vẫn soi mói anh.

Tuấn chực hét lớn và vùng lên..

Bỗng Lan Hương thở dài một hơi, nghẹn ngào, rồi tự dưng ôm mặt khóc nức nở.

Tuấn hết sợ đến ngạc nhiên, ngồi lên dỗ dành đủ các lời ngọt ngào. Lan Hương vẫn còn thổn thức: r

- Thân em chỉ là thân cây cỏ: anh có coi ra gì, anh ngờ vực em, anh không cho em được xứng đáng với anh...

Nàng nép đầu ngũ lại trong tay Tuấn, dịu dàng và khăng khít, một cánh tay trần vắt qua ngực anh chàng.

Tuấn mở mắt nhìn lên đình chiếc màn không buông, và đôi ba lần nghe thấy nàng còn thổn thức trong mộng.

Tuấn nghĩ rất nhiều về Lan-Hương. Tiếng đêm trăng bên ngoài nhẹ nhàng xôn xao theo hơi gió cợt nhả.

Anh định tâm cố thức, Nhưng đến chừng gần bốn giờ anh ngủ quên đi.

Sáng ngày; Tuấn thức dậy, tâm hồn bâng khuâng quá chừng quạnh vắng. Anh thấy một sự biến đỗi lớn, lòng chua cay một tình thương tiếc vô cùng tận, một nỗi lạnh lẽo mênh mang. Có dấu hiệu gì đây mà anh tin chắc rằng Lan Hương giận anh và sẽ không, đến với anh nữa. Anh buồn rầu nhìn chỗ nằm của người đẹp: bông Hoàng Lan vẫn để lại cái ý nghĩ bí mật như mọi lần.

- V -

Sáng hôm nay Tuấn thức dậy như tự trong một giấc mơ dài. Ánh sảng vàng tươi soi vào tận chỗ gối chăn và bên mình anh không còn chút dấu vết nào của người đẹp. Phảng phất một làn hương thơm mát giấu gần đó. Tuấn chỗi dậy ; ở ngực mình rơi xuống một bông hoàng lan cánh đã hơi se.

Tâm trí Tuấn bàng hoàng, nhưng không! không thể là một sự mơ hồ được.

Anh còn nhớ rõ quá. Hơi thở ấm áp của người thiếu nữ với nhịp tim hồi hộp... hơn thế nữa, bao nhiêu ái ân dữ dội tuy thầm lặng còn để lại cho anh một kỷ niệm mê cuồng. Người đàn bà trong tay ôm ấp đêm qua là cả một tấm tình - là cả một thân thể đa tình bừng cháy. Trong bóng dịu mơ, cái nhan sắc nghiêng ngả kia đã khiến anh mừng rỡ kiêu căng giữa lúc ngạc nhiên. Trên khuôn mặt đỏ say, bồng bềnh thả trong đám sóng tóc tối đen đôi mắt còn lạ lùng thỉnh thoảng lại mở nhìn anh một vẻ lặng lẽ rùng mình: Tuấn tưởng chừng lại thấy những tia lửa chìm dấu trong đó.

Cả câu chuyện trong lúc gần gũi chỉ là những câu hỏi dò chừng của Tuấn và những, câu trả lời lảng tránh của người con gái tên là Lan Hương. Anh đã cố tình muốn được biết người yêu của anh hơn. Anh đã quyết, hỏi cho rõ hơn.

- Lan Hương ơi! Lòng anh em chiếm được rồi. Chúng ta đã là của nhau rồi, mà anh chỉ biết tên của em thôi ư?

- Lan Hương ơi! Em nói cho anh biết hết cả đi?...

- Lan Hương ơi! Em không muốn thực tình yêu nhau sao? Sao em cứ mãi lững lờ...

Phần nhiều là những ngón tay đặt lên miệng giữ anh lại, hoặc bịt lại bằng cặp môi; đôi khi anh ngoảnh đi để tránh thì Lan Hương; chui đầu vào nách anh và cùng cười với anh. Nàng đủng đỉnh nói một giọng đùa cợt:

- Lan Hươ-ng của anh là Lan Hương của anh.

Hoặc:

- Lan Hương là người yêu anh...

- Em có biết anh là ai đâu, anh ở đâu đâu?

Nhất định Lan Hương chỉ hỏi có bằng ấy câu khi Tuấn nài hỏi.

Anh lựa lời căn vặn nữa thì nàng buồn rầu đáp:

- Có lẽ em không đáng cho anh thương em...

Tiếng thở dài của nàng khiến Tuấn vội dỗ dành vuốt ve an ủi. Tức khắc Lan Hương lại cười, và nhí nhảnh như đứa trẻ tinh nghịch trong tay anh.

Tuấn ngủ đi giữa lúc thử tìm cách phân giải cái ý nghĩa sự giấu giếm của nàng. Lúc Lan Hương đã ngủ yên từ lâu, bỏ dở một câu ước hẹn không rõ rệt.

Tuấn không thể rõ Lan Hương lẻn đi lúc nào.

Sự nhớ tiếc chân thành xui anh nghĩ đến sự đi tìm nhưng anh lại bỏ ý nghĩ đó ngay, anh chắc lại sẽ mất công như mấy lần trước.

Tuấn nhìn bông Hoàng Lan trong lòng bàn tay và tưởng tới sự liên lạc với tên người thiếu nữ. Không thể sua đuổi, những ý sẵn  sàng đến trong trường hợp đó, Tuấn nhìn ra

ngoài phong cảnh ban ngày như cố ý để phản đối lại. Những cảm tưởng ban đêm lúc gần người thiếu nữ vẫn còn vương trong tâm trí anh.

Tuấn tắc lưỡi:

-  Thì lại đợi xem!

Một lần nữa, anh lại bắt chợt thấy mình có cái hy vọng rằng Hoàng Lan Hương biết anh đang nghĩ đến nàng trong lúc này. Anh nhìn bông hoa, một lòng chứa chan âu yếm.

 

 

Buổi chiều hôm ấy Tuấn chợt nghĩ ra một ý để tối đến thực hành.

Trước lúc người đẹp quen ‘‘hiện’’ đến nửa giờ, Tuấn bắc ghế ngồi ở một chỗ khuất ngoài hiên với chiếc đèn bấm, và đợi đến quá một giờ đêm. Nhưng không thấy gì. Anh trở vào; ngồi bàn giấy đợi hơn một giờ nữa. Cũng vô ích. Suốt đêm ấy. Tuấn không thấy bóng Lan Hương.

Đêm hôm sau, Tuấn có ý ngồi đợi ở trong nhà như mấy lần đầu thì Lan Hương lại đến.

Rồi đêm sau và những đêm sau nữa cũng vậy, Lan Hương vẫn giữ cách hành động bất ngờ và bí mật của Nàng. Tuấn đang ngồi trước bàn, lúc ngoảnh lại đã thấy Lan Hương hoặc ở gian giữa hoặc ở trong cửa, hoặc đứng bên mình anh.

Lần nào cũng lặng lẽ, lần nào cũng để cho Tuấn tưởng như chợt hiện lên.

Và lần nào cũng nồng nàn âu yếm.

Không đêm nào Tuấn thức được trọn để rình lúc nàng lén mất, anh đành phải lượm lấy bông Hoàng Lan mà bao giờ nàng cũng để lại như một lời yên ủi cợt đùa.

Sự quấn quýt vẫn giữ một bực ham mê, những cái bí mật của Lan Hương, Tuấn chưa vào thêm được bước nào. Nàng vẫn lững lờ khi Tuấn căn vặn hỏi. Tuấn hơi tỏ ý giận dỗi thì nàng buồn rầu có khi đến khóc sùi sụt, nhưng tức khắc lại vui vẻ cười khi Tuấn vỗ về.

Tuấn cũng muốn mặc ý nàng và bỏ cả tính thóc mách của chính mình: cần gì biết Lan Hương là người thế nào ; gặp nhau thì cứ yêu nhau, như lời nàng vẫn nói. Nhưng Tuấn đã thấy lòng yêu ngườl con gái kỳ dị ấy một cách sâu xa hơn. Nàng nhắc lại câu vẫn quen nói:

- Anh yêu em chừng nào em càng được đến với anh chừng ấy... Tự em, em không bỏ anh đâu.

Tuấn hỏi tại sao có đêm anh phải đợi vô ích thì nàng đủng đỉnh cười, lắc đầu không thưa. Tuấn hỏi gặng, nàng đáp một câu làm Tuấn càng nghĩ ngợi:

- Thì anh cũng biết đấy?

Một đêm Lan Hương vừa chợt ngủ, Tuấn vùng dậy thắp đèn và đốt hết cả bao nến cho nhà sáng chưng lên. Lan Hươmg vừa thức dậy hỏi, anh không đáp chân chân nhìn nàng. Lan Hương cười một cách rất lạ lùng rồi tắt hết các ngọn lửa vừa mời thắp:

- Em dù là người gì mà yêu anh được như lòng em yêu anh thì cũng đáng là bạn sánh đôi với anh rồi. Anh đừng tìm cách sua đuổi em như thế.

Tuấn phân giải sự ngờ vực của mình bằng lời khôn khéo. Mãi sau một hôm bất ngờ nàng vừa hỏi Tuấn, vừa mĩm cười như mỉa mai.

- Nếu bây giờ anh biết em không phải là người thường như mọi người thì anh nghĩ sao ?

Nhưng nàng không nghe câu trả lời lung tung của Tuấn. Mà chính câu nàng vừa nói ấy cũng không rõ ý ‘‘Không phải người thường’’. Người thường đây liệu có cùng một nghĩa như Tuấn hiểu không?

Một đêm khác đang ngủ, Tuấn bỗng giật mình thức dậy. Anh tưởng là Lan Hương không ở đó nữa. Nhưng lúc anh mở mắt ra thì Lan Hương đang ngồi bên anh và đang cúi nhìn anh. Tuấn mỉm miệng, nhưng nụ cười ngừng hẳn lại. Lan Hương sao nhìn anh chăm chú thế, kỳ dị thế? Và đôi mắt - anh rợn người lên một chút - đôi mắt sao lại sáng một cách quái lạ thế kia?

- Lan-Hương!

Tuấn gọi, nhưng người thiếu nữ lặng thinh và vẫn cúi nhìn anh im lặng và chăm chú như thế mãi.

- Lan Hương! Kìa! Lan Hương!

Không có tiếng đáp. Lan Hương vẫn không nhúc nhích. Anh bắt đầu nghi ngại. Đưa mắt hai bên thấy nhà vắng và lạnh lẽo hết sức. (Thằng Dần anh cho ngủ buồng dưới từ sau hôm anh gặp nàng).

Hai con mắt đen vẫn soi mói anh.

Tuấn chực hét lớn và vùng lên..

Bỗng Lan Hương thở dài một hơi, nghẹn ngào, rồi tự dưng ôm mặt khóc nức nở.

Tuấn hết sợ đến ngạc nhiên, ngồi lên dỗ dành đủ các lời ngọt ngào. Lan Hương vẫn còn thổn thức: r

- Thân em chỉ là thân cây cỏ: anh có coi ra gì, anh ngờ vực em, anh không cho em được xứng đáng với anh...

Nàng nép đầu ngũ lại trong tay Tuấn, dịu dàng và khăng khít, một cánh tay trần vắt qua ngực anh chàng.

Tuấn mở mắt nhìn lên đình chiếc màn không buông, và đôi ba lần nghe thấy nàng còn thổn thức trong mộng.

Tuấn nghĩ rất nhiều về Lan-Hương. Tiếng đêm trăng bên ngoài nhẹ nhàng xôn xao theo hơi gió cợt nhả.

Anh định tâm cố thức, Nhưng đến chừng gần bốn giờ anh ngủ quên đi.

Sáng ngày; Tuấn thức dậy, tâm hồn bâng khuâng quá chừng quạnh vắng. Anh thấy một sự biến đỗi lớn, lòng chua cay một tình thương tiếc vô cùng tận, một nỗi lạnh lẽo mênh mang. Có dấu hiệu gì đây mà anh tin chắc rằng Lan Hương giận anh và sẽ không, đến với anh nữa. Anh buồn rầu nhìn chỗ nằm của người đẹp: bông Hoàng Lan vẫn để lại cái ý nghĩ bí mật như mọi lần.

- VI -

Tuấn mong rằng mình nghĩ lầm.

Mấy hôm đầu, một chút hy vọng còn vấn vương song chỉ như thứ hương khói mong manh, lòng càng cố tình luyến giữ càng thấy mau tan biến. Ban ngày vào những giờ quen làm việc, Tuấn thường ngừng bút giữa đoạn, thẫn thờ nghĩ những chuyện xa hẳn đầu đề. Phần thứ nhất thiên tiểu thuyết của anh gần xong, kết thúc một cách uể oải. Tuấn không ham viết như trước. Anh thấy người mỏi mệt, và cho đó là tại mấy đêm vừa qua anh trằn trọc thâu canh.

Từ buổi gặp sau cùng trở về trước, Tuấn không kém làm việc trong khi dan díu với nàng ta. Sự kích thích do một thứ tình duyên kỳ dị, cùng với sự hỏi lòng ái ân, không trực tiếp ảnh hưởng đến tác phẩm của Tuấn. Anh vẫn bình tĩnh trong sự suy tưởng, minh mẫn trong sự kết cấu và say sưa trong lúc phô diễn bằng lời văn. Hình ảnh của giai nhân có thoáng hiện lên những lúc này cũng chỉ như mầu hoa đẹp trong bình mà Tuấn chợt nhiên để mắt tới. Cả những nỗi ngạc nhiên hồi hộp vì Lan Hương cũng không lấn được hết cả tâm trí Tuấn. Anh chia biệt hẳn thời giờ tạo tác nghệ thuật với thời giờ yêu đương. Nhà văn sĩ này giữa những phút say đắm nhất cũng không quên phân tích những cảm xúc chia ly. Anh vẫn tin, theo quan niệm của anh cái thuyết hai bản ngã trong một người, người sống và đắm mê, nhà nghệ sĩ mới tận hưởng

Nhưng bằng đi năm đêm liền, Lan Hương không đến. Có lẽ nàng ta thực không đến nữa chăng? Tất cả sự vắng lạnh bao quanh, phủ lấy nỗi trơ trọi của tâm hồn anh, đã trả lời Tuấn.

Lan Hương đã biến mất hẳn.

Những ngày trống không tẻ ngắt kéo dài từng phút thơ thẩn lê thê. Mùa thu muộn cũng vừa độ tới nơi, bắt đầu xao xác khắp vườn. Lá lìa cánh bay vào tận bàn viết.

Chiều nào Tuấn cũng lên đèn sớm để thấy đêm chóng về. Anh vẫn chờ đợi hết giờ nọ qua giờ kia, nhưng ở trong tuyệt vọng. Việc văn chương không còn chút nào hứng thú.

Viết nhật ký anh cũng bỏ, và những trang ‘‘thư’’ đọc lại chỉ làm gay gắt thêm niềm nhớ nhung. Tuấn không có lòng nào thưởng thức vị chua cay như nhà thi sĩ vẫn ca ngợi. Anh bỏ ghế để nằm thao thức trong giường. Hương hoàng lan thơm nhẹ vẫn chìm đọng lại ở gần anh. Tuấn dìm bên má xuống gối mềm và không buồn cầm giữ nước mắt.

Tuấn không còn đem những ý đùa cợt để tự dối lòng như trước. Anh hiểu rồi. Bao nhiêu bữa ăn không biết vị ngon, bao nhiêu giờ ngồi đăm cùng khổ hận, bao nhiêu tiếng thở dài âm u áo não, bao nhiêu cảnh khuya vùi mình trong chăn nệm để trào bên khóe mắt từng bao nhiêu giọt lệ tủi thương. Những triệu chứng đã quá rõ rệt rồi. Tuấn chịu để cho lòng ủ rũ dưới âu sầu. Thời giờ qua, anh cứ ở hoài trong một hiện tại nặng nề ngao ngán.

Tưởng lại những giờ gần kề người đẹp, tâm hồn Tuấn càng thấy ê chề. Tiếng cười, giọng nói, những lời âu yếm hay, những câu yêm ái văn hoa, những dáng điệu mềm dịu, lả lơi. Tất cả cái thân thể rung động kia, cái hình ảnh kia còn lưu lại trong bầu không khí nhà này một âm vang tịch mịch xa xăm, một hương vị thấm thía lạnh lùng của một sự gì rất thân yêu đã mất đi - đã chết hẳn.

Thà Lan Hương là người tình đã chết! Tuấn sẽ không bị một ngờ vực khác thường ám ảnh thêm nữa. Tuấn sẽ chết dần. Anh chàng chua xót nghĩ:

- Lan Hương ơi! Em là người gì mà cám dỗ lòng anh tới bực này? Em chiếm cả tâm hồn anh rồi.

Khắp tâm hồn Tuấn tê tái đi vì cái ý thiết tha não nuột. Anh lại thầm trách:

Lan-Hương ơi! Em quái ác quá lắm! Em để thương để yêu cho nhau mà sao em không cho anh một hy vọng nào tìm được em thế? Em là ai? Em ở đâu? Anh biết đường nào để theo bóng vết em?

Tuấn càng suy tưởng, càng thấy lòng bối rối thêm. Anh không thể hiểu được những cái dị kỳ về Lan Hương. Điều đó đã thành một sự dĩ nhiên cay đắng.

‘‘ Cái khổ của lòng ta càng thêm xót xa thấm thía và đến lúc này ta mới thực yêu Nàng... Lan Hươ-ng ơi! em nỡ tình phụ lòng anh đến thế sao?’’

Và những tiếng thở dài từng khắc, từng giờ, xáo trộn thấu mấy canh trường, hay âm nặng khắp ngày ủ dột.

 

 

Thằng Dần, tên đầy tớ yên lặng của Tuấn, bắt đầu lo sợ.

Sáng nào nó cũng lên nhà rất sớm để buồn rầu thấy chủ ngày một bơ phờ, một dộc dạc thêm. Trong lúc anh ngồi thu trước cửa sổ, hoặc nằm thẳng trên ghế dài, hoặc đứng dựa cột rất lâu ngoài hiên, nó thường quanh quẩn gần đó. Tính rất kín đáo, chỉ nói khi nào hỏi đến hay có việc tối cần, nó không tỏ một ý kiến gì hay một thái độ nào về việc của Tuấn. Anh cũng không cần để tâm đến sự nghĩ ngợi của đầy tớ. Nhưng đến nay anh thấy nó có vẻ ái ngại cho anh rất nhiều. Anh bắt chợt những lúc nó đứng sững nhìn anh bằng đôi mắt băn khoăn; thấy anh nhìn lại, nó vội cúi xuống dọn dẹp quét tước.

Một đêm nửa thức nửa ngủ, anh thấy tiếng chân chạy nhẹ nhàng nhưng gấp ở đâu đó. Vùng thức dậy thì thoáng có bóng người động trong vùng liễu dưới đêm trăng tàn. Anh gọi, thằng Dần lúng túng trở vào, ngượng ngùng và trả lời bên cạnh những câu anh hỏi.

Anh căn vặn mãi đến gần nổi giận nó mới rụt rè thưa:

- Con nằm mơ thấy có người đến...

- Ai đến?

- Con không biết?

- Nhưng người thế nào?

Dần thêm cuống quýt, ấp úng mãi mới nói được. Nó không trông rõ mặt, chỉ biết một hình tóc xòa, vận toàn đồ trắng chập chờn đi qua. Nó giật mình thức dậy, thấy rờn rợn, và nghe như có tiếng loạt soạt ở gần. Nó vùng chạy ra, thì một vùng liễu bên rặng mẫu đơn còn phe phất một cách khác lạ. Nó như sợ quá hóa táo tợn, sấn đến xem thì lại không thấy gì,

Tuấn đang nghi hoặc, bỗng ngạc nhiên vì thấy Dần se sẽ gọi:

- Thưa cậu,..

Nhưng nó im bặt khi anh ngoảnh nhìn. Ngập ngừng mãi, rồi nó mới lại khẽ nói:

- Thưa cậu... ở trại này có ma.

Thoạt nghe, Tuấn cho ngay đó là do cái sợ lưu truyền và rất giản dị của những tâm trí ngô nghê. Thấy trời đã sáng dần, anh không muốn ngủ lại nữa. Nhân dịp vừa rồi anh thử hỏi truyện đầy tớ trong lúc đợi sôi ấm nước trên đèn cồn. Lúc đó, Tuấn mới biết đầy tớ anh bị rầy vò vì một sự khiếp sợ thầm kín.

Hắn biết chủ vẫn tiếp một người con gái đẹp dị kỳ đêm đêm thường hiện đến, nhưng sẵn tính nể sợ chủ và rất ít lời, lại thêm cái lòng kiêng dè, không hay đả động tới việc hắn biết, nên tuy vẫn lo cho Tuấn mà hắn không dám đem điều ấy ra nóí với anh. Vâng lời Tuấn, hắn phải xuống ngủ dưới nhà phía sau và đêm đêm nghe thấy những tiếng gió thổi kinh hoàng. Hắn nhắm mắt lại là thấy người xõa tóc, giống với giáng người con gái mà chỉ đêm đầu hắn thoáng thấy trong nhà, ở cạnh Tuấn. Hắn thú thực vẫn mạn phép Tuấn đi rủ một người nhà quê, mua rượu cho người ấy uống để ngủ với hắn những đêm về sau... Dần không dám lộ câu truyện xẩy ra. Hắn lựa lời hỏi dần dà thì người nhà quê cũng chỉ mơ hồ nói đến những việc hiển hiện kỳ quặc mà chính mình không trông thấy. Theo lời đồn quanh quất thì trại Bồ vẫn có ma, khi thì mập mờ, khi thì hiện ra, nhưng không làm ai việc gì. Ngườl nhà quê bảo Dần: ‘‘ Mình không động đến họ thì chả bao giờ họ hại mình’’. Dần vẫn không yên lòng, mấy đêm sau cùng hắn phải trốn ra ngủ ở chính nhà người bạn táo tợn kia, cho đến hôm hắn thấy Tuấn bơ phờ như người ốm. Hắn lại ngủ ở nhà, ngủ gần Tuấn, mừng vì đoán rằng người đàn bà không hiện đến nữa, nhưng lại lo vì chủ hắn một ngày một hốc hác xanh xao thêm. Dần không dám nói rõ hết ý nghĩ của hắn, nhưng Tuấn hiểu thầm:

‘‘ Hẳn nó cho là mình bị yêu ma ám ảnh’’,.

Tuấn cười một tiếng vu vơ của người đã hiểu và không tin những ý nghĩ của kẻ khác Dần càng ngơ ngẫn khi thấy anh vừa pha nước uống vừa mỉm cười. Một lát Tuấn lại thở dài, mắt đăm đăm buồn. Anh chợt hỏi:

- Mày trốn... mày ra ngủ ngoài mấy đêm?

Anh lấy giọng ôn tồn để cho Dần khỏi lo bị trách mắng. Dần thưa:

- Bẩm cậu, bẩy, tám đêm.

- Sáng về lúc nào?

- Bẩm hôm nào, con cũng về từ tờ mờ đất

Anh nghĩ một lát, dọn câu hỏi cho hắn hiểu rõ:

- Thế... có sáng nào về mày thấy có người trong nhà nữa không?

Dần lúng túng:

- Bẫm... thấy... người đàn bà?

- Phải rồi. Có thấy gì không?

- Bẩm không. Hôm nào về con cũng lên ngay nhà dọn dẹp quét tước trong lúc cậu chưa dậy. Con không thấy gì cả... không thấy ai cả. Nhưng...

- Nhưng sao?

Tuấn chăm chú nghe, đôi mắt nhìn bao dung để khuyến khích Dần nói tiếp:

- Bẩm... chỉ có sáng sớm mười tư (Tuấn tính nhẩm thấy cách đó bẩy ngày) sớm hôm mười tư con về tới cổng thì thấy có bóng người đi ra...

- Ở đâu ra?

- Bẩm ở trong nhà này ra... Con thấy đi rất nhẹ nhàng, nhưng lúc ấy chưa sáng trời lên con trông không rõ lắm.

- Người thế nào?

- Bẩm... người … ở trong này.

- Ăn mặc thế nào?

- Bẩm áo trắng, áo dài.

- Sao lại áo trắng?... Mày nhớ kỹ xem… Áo xanh phơn phớt chứ?

Dần không nhớ rõ, vả lúc ấy cũng không phân biệt được mầu trắng hay mầu phơn phớt, vì sương sớm vẫn hỗn mờ chút bóng đêm tàn. Hắn lại khiếp sợ quá, phải đứng nép vào só cổng, không dám thở nữa. Bóng dáng kia ra khỏi hiên, thướt tha bên rặng liễu, nhẹ nhàng, một cách rất quái lạ, khiến hắn sợ tưởng đến lịm người đi. Dần cố gượng đứng vững, tay níu gẫy một cành khô bên cột gạch. Hình như thấy động cái bóng trắng biến đi ngay.

- Biến đi?

 - Bẩm vâng...

- Biến thế nào? Biến ở đâu?

- Bẩm...

- Nghĩa là mày thấy tới đâu thì mất?

- Bẩm ở khoảng cuối hàng liễu ở đầu hiên. Bẩm đầu hiên phía này (Dần chỉ về phía tay phải) ở khoảng cây đề chẽ ba với cây lan tây già

Tuấn quay về phía bên phải nhìn xem. Sau những khóm lá xum xoe, một cây đề phần trạc từ dưối gốc choãi ra những cành lớn, tàn lá ken mau và chòm tới sát mặt phía ao trước nhà. Tuấn chú ý đến cây hoàng lan hơn. Cây này to ôm, vươn cái thân vút cao lên trên cả lũy tre bên dẫy ngoài và gửi những cành mềm cong lá dính thành tràng vờn xuống những khóm cây khác.

Trời bềnh bệch sáng. Bóng mờ tối kéo lên khỏi cái thế giới cây cỏ vườn hoang. Một hơi gió chậm thoảng qua, dắt díu trong áng hương thơm mát và thân yêu làm động đến lòng Tuấn. Nỗi buồn khổ của anh chàng có một tình nũng nịu như được vỗ về.

Tuấn lặng lẽ trở vào, mang theo một ý định còn mơ hồ trong lòng trống trải. Anh chậm chạp uống tiếp tuần nước, nghe vị trà nóng thấm dần vào huyết mạch và đợi cho rõ rệt thêm cái ý mới mẻ vừa rồi.

‘‘Lan Hương có phải là thế đó chăng? Hay em là một giống cây hoa nào khác trong trại này?

Cái buổi sáng thằng Dần trông thấy cái hình bóng đàn bà, chính là buổi sáng bữa sau

cùng nàng ta đến với Tuấn. Nó có thế hốt hoảng, mà trông sai được, nhưng lối biến hiện của nàng ta bao giờ cũng vẫn đột nhiên. Tuấn sao lại cứ muốn suy nghĩ theo những cách thông thường của mỗi trường hợp trần gian? Anh nhớ lại các câu nói bóng của người yêu và thấy những ý nghĩa rành rọt trong đó.

Tuấn lý luận để tắc trách. Lòng anh không nghi hoặc như trước nữa, đã hướng cả về một chiều tin tưởng rồi.

Lan Hương biết bao lần đã bảo anh rằng : Nàng ta không hẳn là người thường: ‘‘ Em dù là thứ người gì mà anh yêu được thì cũng đáng là bạn của anh... Tự cổ chí kim, em là giống yêu văn thơ, yêu hoa cỏ...’’. Và lần sau cùng gần gũi, nàng than trách Tuấn: ‘‘Thân em chỉ là thân cây cỏ, anh có coi ra gì, anh ngờ vực không cho em được xứng đáng với anh...’’

Tuấn để trở đến tâm hồn mình tất cả bầu hương khói dị đoan mà trí não anh trước đây vẫn cố sua đuổi. Một chút phản kháng của phần thiết thực còn sót lại, nhưng Tuấn nhất tâm làm ngơ. Con người si tình ấy như đã được thứ men nồng làm chìm lỉm bớt đi cái sức dầy vò của sầu muộn.

- VII -

Trưa hôm đó Tuấn đã chịu ăn uống hơn mấy bữa trước.

Tên đầy tớ của anh vẫn kín đáo hầu hạ gần đấy và lo ngại rình xem thái độ của anh. Có lần Tuấn bắt chợt thấy nó kinh ngạc nghe thấy anh khẽ cười. Tự anh cũng ngạc nhiên khi thấy mình lẩm nhẩm đọc những lời thơ Liễu Trai và có một ý mong đợi bâng quơ và êm nhẹ.

- Hay là...

Nhưng anh không dám theo ý nghĩ này, vì vẫn sợ gợi thêm sự thất vọng. Anh lặng lẽ mỉm cười và thở dài một tiếng rất thong thả.

- Lan Hương ơi! Em có biết cho lòng anh lúc này không? Em ở đâu? Xa Chơi những chốn non nước nào?

Anh nghĩ tới cái thân thể anh ôm ấp trong bao đêm nồng, đến nay là một hình ảnh hư huyền mà tất cả sự rung động tâm hồn anh, của xác thịt anh đều tê mê luyến tiếc, cả niềm oán hận, cả sự đau thương cùng thấm thía những ý vị yêu dấu chí tình mà anh tưởng có thể động được tới tâm hồn người đẹp.

 

Buổi chiều, ngồi hờ hững giở những trang sách ngoài hiên, Tuấn trông thấy Dần ở đâu về, mang lấp lánh một nghìn vàng hoa, một thẻ hương và xách một chai rượu nhỏ.

Tưởng như mọi lần đọc sách, Tuấn không bao giờ để ý tới hắn, Dần đi ra phía đầu hiên bên ngoài, Tuấn không nói gì ngồi lại một lát rồi trở vào, mở cửa sau xuống nhà dưới: Dần không có đấy. Anh dảo ra phía đầu hiên xem thì thấy hắn đang xếp vàng rượu lên cái bàn cũ đặt bên gốc hoàng lan,

Dần lúng túng trả lời câu hỏi của anh. Hắn đặt lễ cho yên đất. Tuấn biết là nói dối,tra vặn mãi, Dần mới thú thực rằng hắn đi xem bói bên làng về.

- Ngài dậy cậu gặp vía âm, phải cúng ngay mới giải được hạn. Con sợ cậu cấm, mới mạn phép cậu tự ý sửa lễ ở đây...

Tuấn ái ngại cho lòng thành thực của tên tớ trung thành, nhưng không muốn cho nó được để tâm đến chuyện riêng của anh thêm Tuấn bảo:

- Thôi được, cất cả đi...

Vẻ mặt thất vọng của Dần làm động lòng anh.

- Cất cả lên nhà...Việc của cậu, để cậu... cúng lấy cũng được.

Anh nói cho hắn vững bụng:

- Mà như thế linh nghiệm hơn.

Dần phải vâng theo.

Tuấn nhìn những lễ vật cất trên chiếc bàn nhỏ của anh giữa nhà. Anh mỉm cười thấy cả hai đồng tiền xin âm dương đặt trên đĩa trầu cau. Mấy nén hương cháy đã cắm sẵn trên bát gạo sống.

Lòng ái ân ngán ngát một niềm thành kinh. Tuấn bỗng trầm lặng, cảm thấy một sự sui khiến nào rất lạ lùng.

Anh khẽ khẽ gật đầu và thầm hiểu ra cái ý định chập chờn trong tâm trí anh tự sáng sớm.

 

 

Buổi chiều, thằng Dần bưng cơm lên, Tuấn bảo nó lấy đưa anh chai rượu nhưng không được dọn chỗ vàng hương. Tuấn không quen rượu nên chóng ngà say. Anh thấy tâm tình nhẹ thêm được nỗi buồn, lại rót uống cố chén nữa. Chai rượu nhỏ chỉ vơi đi một phần ba nhưng Tuấn cho là mình đã túy lúy.

Anh đợi Dần cất mâm bát và lên đèn rồi dặn hắn:

- Hôm nay cậu lại cần ở một mình nhà trên, cho mày xuống đi ngủ sớm đi... Cậu như thường rồi, mày đừng lo.

Anh vui vẻ nói thêm câu sau cùng để yên lòng đầy tớ.

Bóng tối đã buông đầy vườn, trước khi anh chú ý, Tuấn ra đầu hiên nhìn lên cây hoàng lan vút lên trong cao thẳm lòng ngậm ngùi một tình nhớ thương cũ kỹ như chàng thư sinh buổi nào. Anh thầm nhẩm những lời khẩn gọi dật dờ. Anh thoáng thấy mình nghĩ gàn gàn, nhưng tức khắc quên bỏ.

Tuấn rón rén trở vào nhà, ngạc nhiên thấy vắng lặng quá chừng. Anh làm ngoa thêm dáng điệu ngất ngưởng, miệng mỉm cười hoài, nhưng buồn vẫn còn rời rợi.

Anh nói lên tiếng:

- Biết thế ta cứ uống hết chai rượu...

Trong lúc đó cả tâm hồn anh trách gọi Lan Hương.

- Lan Hương ơi, em nỡ bỏ anh thực sao? Bao nhiêu cực khổ tan nguôi chẳng được bao lâu, vết cũ lại mở ra, càng thêm đau sót lắm.

Mắt anh nhòa trông ánh đèn. Anh đồ cho lại rượu. Anh đè chừng thương nhớ chua cay lại sắp kéo đến, và tưởng trước cái đêm trằn trọc, sẽ kéo dài hiu quạnh không biết đến bờ bến nào.

Nỗi sầu đủng đỉnh nhắc lại trong lời thơ não nùng. Thi nhân xưa đã chịu vò xé biết mấy mươi từng mà thấu được tình cảnh anh chàng đến thế?

- Lan Hương ơi, em là người sống hay là vật hư huyền, thì tâm hồn em cũng phải anh linh để mà cảm thông với anh chứ. Mà hoa, cây là giống đa tình sao mà tệ ác được thế, sao để khổ cho nhau đến bực nào?

Lòng thấm được oán hờn, và đôi mắt bi ai. Tuấn thờ thẫn đến rút thêm mấy nén hương châm cắm trên bàn và quên mình trong một bầu buồn thương mênh mang bát ngát.

Anh ngồi ngả trong ghế bành nhìn sang làn khói đưa thẳng lên để uốn éo hỗn hào trong sự tan biến. Tất cả tâm hồn anh như chắp tay cầu khẩn lời thầm reo động, muốn quyện bay xa cùng áng hương ngà say.

Anh muốn có sự tâm niệm chân thực của người đàn bà góa ngồi trước bài bị lang quân. Anh muốn có những câu van nài đi thấu tới cõi u linh của tâm tưởng. Lời của anh chỉ là ý nghĩ, anh thấy chưa đủ vang động. Giá Tuấn có thể quên thẹn để lên tiếng khấn những ý kêu gọi trong lòng!

Một bài thơ đã nhiều lần anh nhắc tới, lúc đó như long lanh nối lên những ý tha thiết không ngờ.

Có những buổi ta nhìn em kinh ngạc,

Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly.

Ôi mắt xa khơi, ôi mắt dị kỳ!

Ta trông đó thấy trời ta mơ ước,

Ta thấy bóng cả một vừng đông thuở trước,

Cả con đường sao mọc lúc ta đi.

Cả chiều sương mây phủ lúc ta về,

Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ,

Tuấn đọc khẽ mấy câu đầu. Rồi hứng khởi nâng giọng cao dần, anh say sưa nghe tiếng anh vang trầm và đưa xa, vuốt nắn từng đoạn ngân, dịu dàng và réo rắt theo những điệu sôi nổi. (1)

Ta run sợ cho yêu là mệnh số,

Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.

Vì người em có bao phép nhiệm mầu,

Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.

Ta đặt em lên ngai thờ Nữ sắc,

Trong âm thầm chiêm ngưõng một làn da.

 Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa,

Ta sống mãi thờ lấy hồn trinh tiết,

Ôi! Cám dỗ cả mình em băng tuyết,

Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân!

Ta gần em, mê từ ngón bàn chân,

Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.

Khi sùng bái ta nâng từng nép áo,

Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm.

 Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,

Chưa tội lỗi cũng thấy tràn hối hận.

........

[1] Thơ của Đinh Hùng

Một câu cười khẽ sóc lên đâu đó.

Tuấn quay lại nhìn ra hiên. Khung cửa sau tối trống không. Anh ngoảnh sang phía trong thi Lan Hương đã đứng cạnh anh, áp bên tay trái.

Tuấn mừng rỡ không nói được.

Khói hương bay loạn vì anh vùng đứng lên.

Lan Hương lại về! đang ở trước mặt anh đây, và Lan Hương tươi đẹp lộng lẫy hơn truớc! Áo nàng mầu lá cây điểm kín đáo những vòng thêu ẩn hiện lấp lánh như dát ngọc châu. Thân nàng như một cành cây dêu bám đầy hạt móc.

- Lan Hương! Lan Hương! Em... ồ... Thực Lan Hương của anh đây rồi!

Nàng mỉm cười, đôi mắt ngọc huyền khoan dung soi vào lòng sung sướng của bạn...

- Lan Hương! em có biết anh đang cầu khấn em đây không?

Nàng thoáng liếc những vàng hương bầy giữa nhà. Nàng đủng đỉnh nói qua nét cười.

- Em không biết sao em lại về?

Rồi nghiêm nét mặt lại, nàng thở dài, nhưng đôi mắt lại tươi sáng ngay, nàng ngồi xuống ghế và dìu Tuấn ngồi ghế cạnh. Một tay vẫn đặt trên vai bạn. Nàng nhìn nhận lấy vẻ mặt xanh gầy của anh chàng.

Nàng nói, tiếng nói kề gần mà như tự đâu xa đưa tới:

- Em giận anh lắm, anh đòi biết những điều không cần biết, anh băn khoăn nghĩ ngợi quá để động lòng hờn dỗi của em... Em vẫn còn giận anh, đã nguôi đâu, nhưng giận mà vẫn không thế nào quên được thương nhớ.

Nàng ngả đầu bên má Tuấn ngửa lòng bàn tay cho anh đặt tay lên. Tuấn chỉ khẽ nói được một câu:

- Thế em có còn giận anh nữa không?

Nàng ròn rã cười, ngẩng lên nhìn nghiêng:

- Cái bác si tình này rõ khéo hỏi ngẩn ngơ. Những nỗi khổ của lòng còn cả trên nét mặt anh đây, sao em không cảm không thương. Thôi, em chả giận nữa đâu, đừng khóc nữa.

Tuấn đã qua được cái phút mừng tủi ban đầu. Anh tự nhiên hơn trong cử chỉ thân yêu, và lời nói có duyên dễ dàng đến miệng.

- Không đâu, anh không khóc nữa, mà cũng chẳng còn khổ nữa. Em đến thế mà cất hết cả gánh nặng cho anh, tiêu tan hết cả muôn nghìn vạn ức từng cay dắng... Lòng anh bây giờ chỉ tràn đầy hạnh phúc mà Lan Hương đem đến, đem trả lại cho anh...

Nàng nghe, mắt đăm đăm một vẻ say sưa dịu dàng. Nàng hưởng dần lấy những lời tâm tình của ai mỗi lúc một nồng nàn theo sự ấp yêu một thêm khăng khít.

Cánh mũi hơi nheo lại, nàng trách đùa:

- Anh chàng này lại sinh ra rượu chè nữa đây!

Tuấn cười, muốn nói: ‘‘ Uống để quên buồn.’’ Nhưng anh chỉ im lặng. Nàng nhẹ gỡ cánh tay Tuấn, đứng lên nhìn anh trong làn mắt quyến luyến lả lơi, rồi lững thững đi xem khắp nhà như một người mới đến.

Tuấn nhân lúc ấy ra hiên sửa vội lại vẻ trễ tràng của râu tóc anh. Anh cạo mặt mò trong bóng tối..

Lúc Tuấn trở vào thì Lan Hương đang bỏ áo bên giường.

Anh đến trước mặt nàng, lòng khẽ run một thứ tủi hổ êm nhẹ. Anh giữ mãi lấy nàng trong hai tay ràng buộc.

Ánh đèn vặn nhỏ trên bàn làm trong trẻo bóng tối.

Những ngón măng chuốt của nàng bó lấy cánh tay anh. Nàng nói như mê man:

- Ai mà không thương anh cho được! Người đàn ông nào đây? Mà có sự quyến rũ nhau đến chừng ấy,..

Nàng kéo Tuấn lên, nói nhỏ vào tai anh chàng:

- Em nhớ anh quá quắt lắm... Chốn nằm ngồi của thân em như trăm nghìn cánh tay ôm ấp của người yêu...

Tuấn chỉ khẽ đáp:

- Lan Hương!

Nàng lả người, buông mình trong nguồn im lặng nồng say.

&&&

Tuấn rắp tâm hỏi một câu anh đã dự sẵn. Anh chưa lựa đuợc cách cho lời nói thốt ra và lặng nhìn lên trong khi nàng ta thu người nép bên cạnh. Nghe hơi thở đều đều của nàng Tuấn sợ nàng ngủ đi mất, anh khẽ gọi:

 - Lan-Hương.

Đôi mắt đen ngước nhìn anh. Miệng nàng mỉm cười chờ đợi.

 Lan Hương ơi... em... em có biết anh nghĩ gì lúc này không?

Nàng hơi nhíu mày nhưng vẫn cười:

- Anh chỉ nghĩ lẩn thẩn.

Rồi không để Tuấn nói nữa, nàng tiếp Iuôn:

- Em khổ lắm. Anh dầy vò em vì bao nhiêu lần nghi ngại... Anh đón hỏi, anh nghĩ ngợi... cả trong những đêm yên giấc, anh dò xét em trong giấc mơ.

‘‘Không, anh để em nói. Anh nghĩ gì, anh định hỏi em đêm nay, em biết cả, mà em biết, em càng thêm tủi... Em yêu anh, em có cần biết rõ anh đâu. Cả đến tên của anh em có hỏi đâu. Duyên may như gió thổi, tình cờ đưa em qua chốn này. Em thấy có một văn nhân cầu tự trong đêm khuya, thế là lòng em rung động.

‘‘ Đến với nhau ngẫu nhiên, rồi sẽ phải xa nhau mãi, trước kia không duyên cớ, không gặp gỡ mà yêu dấu thì sau cũng không oán giận sự chia ly... Duyên ta chỉ có một hồi, anh nên để cả trăm năm vào sự ngần ngại ấy.’’

Câu nói nàng đượm một giọng buồn mà Tuấn chưa từng biết lần nào. Những lời yên ủi anh như thổn thức những ý tủi hận.

- Trời ơi! sao em lại khóc! Lan Hương ! Lan Hương?

Nàng nghẹn ngào:

- Không, em sung sướng mà khóc đấy. Em chỉ nghĩ đến lúc này thôi, chỉ hưởng lấy hạnh phúc được gần bên anh thôi. Giây phút này còn nhiều nữa trong đêm nay kia mà, phải không anh, phải không mình?

Tiếng ‘‘mình’’ nàng gọi đến lần đầu tiên, tha thiết một vẻ rất lạ thường trong giọng ướt lệ. Tuấn chợt lo sợ. Anh không nhịn được câu hỏi:

- Sao, Lan Hương? Chỉ còn đêm nay nữa thôi ư?

Nàng gật đầu, nhưng rồi bật cười thấy Tuấn cuống sợ ra hết cử chỉ. Nàng che tay bịt lấy miệng Tuấn.

- Anh để em nói anh nghe. Lúc nẫy vào đây em bảo là giận mình, nhưng em nói dối đấy. Em chỉ giận mình một chút nhỏ thôi. Hết giận lại khổ. Em tưởng kiếp kiếp không thể nào về với nhau được nữa, nhưng lòng em còn ân hận mãi. Đêm nay cảm vì tâm thành của người yêu em lại về để cảm tạ tình anh, cũng để giải cái hận không có đêm từ biệt... Không, mình đừng nói, em nghe thấy ý mình rồi. Duyên ta có lúc cùng, nhưng tình ta còn mãi mãi không thể mất được...

 Nàng vui vẻ đưa tay cho Tuấn giữ.

- Thật đấy, thân em sẽ không được gần anh nữa, nhưng tâm hồn Lan Hương không mất được... vì... vì... còn ở mãi mãi trong tưởng nhớ của anh, phải không? Đây em nói rõ cho anh biết nhé: Anh có biết tình anh đã sinh ra một Lan Hương không giống ai, không thuộc về loài nào, cũng không có hẳn nguyên tính, nguyên chất của Lan Hương nữa. Trước kia có lẽ em là một loài thảo mộc nào. Nhưng bây giờ anh muốn em là giống nào thì em là giống ấy, Em có thể là nàng khuê nữ thất tình ở đâu đây, một buổi chết rũ dưới hoa, và tâm hồn u uất còn vơ vẫn mãi; em có thể là một người của những áng văn thơ ngàn đời kết lại, mà cũng có thể hồn tinh của hương hoa? Nhưng Lan Hương của anh chỉ muốn là Lan Hương của anh thôi.

 Nàng đăm mắt nhìn xa, đối diện Tuấn mà như cách biệt, nói những lời quả chừng hoa mỹ mà giọng hết sức chân thành.

Lòng Tuấn ngơ ngác nghe theo và ngạc nhiên thấy trong ý sâu kín của mình đã nghĩ đúng như nàng vừa nói.

Thốt nhiên, nàng cười rốn một tràng, tiếng lanh lảnh rung động khắp người Tuấn, rồi nàng chui đầu vào vai áo rúc rích hoài. Tuấn lùi ngực lại, nhẹ ấn vai nàng ra coi thì đôi mắt lại như vừa khóc, vẻ mặt buồn khô ngoảnh đầu về phía trong. Tuấn lại chống tay dậy vỗ về nàng. Tâm trí hỗn độn và ảo não một tình thương mơ hồ. Anh âu yếm lau nước mắt cho nàng và ngừng tay trước hai mắt kia nhìn anh một vẻ yên lặng vô cùng tận.

Anh gợn người lên vì một tiếng gọi âu yếm.

- Mình.

Nàng thấp tiếng xuống nói tiếp:

- Em nói nhiều quá, toàn những lời vô ích, đến với nhau có phải để phân giải đâu? Đêm của ta một khắc một mất đi mãi. Em... có chuyện này muốn hỏi mình,

Nàng áp miệng vào tai Tuấn nói bóng gió một câu rất tình tứ,

Và nói tiếp sau tiếng cười khẽ:

- Phải đấy, ta yêu nhau hơn, mình yêu Lan Hương nữa đi!

Nàng áp má đón giữ lấy bàn tay vuốt ve của anh.

Tóc nàng sòa lượn dưới khuôn mặt bầng say …

...........

........

Tuấn nhất định cố thức. Đêm tịch mịch trùm vây lấy căn phòng mờ sáng một mầu hồng. Lan Hương khép cánh hoa thơm dịu bên mình anh. Thần trí Tuấn dật dờ trong các tiếng canh khuya, chập chờn vương theo một ý bâng khuâng... và bỗng như choàng tỉnh dậy.

Anh không chối, tin rằng mình không hề ngủ? Có chăng cũng chỉ là chợp mắt một giây lát ngắn thôi. Nhưng Lan Hương đâu? Anh chực vùng dậy lòng sẵn đón các điều buồn bực, thì nhận thấy có người thấp thoáng trong nhà ở căn kê bàn làm việc của anh.

Nàng.

Anh gọi:

- Lan Hương!

Người thiếu nữ không giật mình, ‘‘Dạ !’’ một tiếng rất ngoan, Nàng đã chỉnh tề y như lúc mới vào, lụng thụng bước lại gần Tuấn. Lần thứ nhất anh chú ý đến bước đi quá chừng êm nhẹ của Lan Hương. Nàng đi như không hề đặt chân xuống mặt đất. Anh chợt hỏi:

- Kia, đôi giầy của em đâu rồi?

Nàng đặt tay giữ ống quần và hé bàn chân không ra, vừa thong thả cười vừa nói:

- Em... đang tìm giấy gói để lại đôi hài này cho anh,

Rồi nàng đưa cái tay giấu sau lưng ra? Tuấn cầm lấy đôi hài, ngẫm nghĩ một lát.

Nàng ngồi xuống mép giường kéo tay Tuấn đặt vào lòng với đôi hài và dò ý tứ trong mắt bạn. Rồi chậm rãi. Nàng bảo Tuấn:

- Đôi hài này ghi những bước sau cùng của em khi tới đây với anh...

Nàng vội nói thêm:

- Nghĩa là làm chứng cho lòng ân ái của em khi trở lại với anh lần sau cùng. Em để vật ấy lại cho anh làm kỷ niệm.

Tuấn bất chợt thấy mắt nàng long lanh lên một thoáng rất mau. Nụ cười điểm ngay trên vẻ mặt nghiêm trầm. Nàng đứng dậy vừa nói:

- Nó cũng là hoa kết lại đấy, mình nương nhẹ cho em.

Rồi đỡ lấy đôi hài, nàng đủng đỉnh ra ngồi trên ghế bành và gọi Tuấn:

- Anh ra đây,

Lúc Tuấn ngồi chung ghế với nàng, Lan Hương lại dặn:

- Anh lấy giấy bọc lại rồi cất đi, em chả muốn cho ai trông thấy nó đâu.

Tuấn với một từ báo phong đôi hài lại đặt xuống gần đó và không dám đứng dậy.

- Anh đem cất đi đi!

- Không! Lan Hương chả nhẽ bỏ anh bây giờ sao? Kỷ niệm của em anh sẽ gìn giữ nhưng anh trao lại cho em cả tâm hồn anh rồi. Cả sự sống nữa. Em mà ra đi lúc này...

Nàng giơ tay bịt câu nói của Tuấn:

- Không, em không đánh lừa anh để biến mất đâu, em chưa đi vội đâu...

- Nhưng rồi em cũng bỏ anh phải không?

Nàng thở dài:

- Em không gần anh được mãi.

Bao nhiêu lời van lơn của Tuấn chỉ làm nàng thêm nức nở. Hỏi nàng chỉ nghẹn ngào than trách số phận ác nghiệt. Tuấn cũng rưng rưng nước mắt. Hai người ôm nhau chung một tình ngậm ngùi.

Lan Hương thu nhỏ người lại trong tay vỗ về im lặng của anh.

Tất cả vẻ đẹp của nàng như nổi dậy lên, như lộng lẫy thêm, quý báu vô cùng vì sẽ không còn đó mãi. Sự tiếc rẻ thêm gay gắt và lòng quyến luyến càng thiết tha

Thân thể nàng rung gọn cùng một câu nói hạ thấp.

- Sao mình không cất đôi hài của em đi. Tuấn đem cất vào ngăn kéo bàn giấy rồi trở lại ngay. Lan Hương vui tươi, nhưng một vẻ trang trọng lả lơi còn trầm ngâm lắng trong đôi mắt.

Nàng run run tiếng nói vào tai Tuấn:

- Mình! em yêu mình, em yêu mình!

Tuấn thức dậy thì trời đã sáng bạch. Anh không thấy bông hoàng lan nào nàng để lại

như mọi lần. Có lẽ đó cũng là một dấu hiệu. Anh cố tìm cách tự yên ủi để đành tâm chịu lấy sự vắng mất người yêu. Tất cả ân hận của anh bấy giờ là không thể gắng thức được lúc nàng đi, gọi là có phút thở than vĩnh biệt.

Nhưng Lan Hương có để cho ta tiễn biệt bao giờ đâu? Có lẽ nàng không đủ can đảm..

Tuấn đoán rằng đêm vừa qua nàng định đi ngay từ lúc để lại đôi hài.

Tuấn cảm động nghĩ đến sự gìn giữ trân trọng của anh đối với vật kỷ niệm thân yêu đó. Anh thầm nhủ:

‘‘Lan Hươ'ng ơi, từ nay auh chỉ còn một chút hương thừa của bàn chân em nữa thôi’’.

Đến bàn viết, rút ngăn kéo nâng cái gói cất đó đêm qua lên, thì lạ lùng sao! anh thấy trên tay nhẹ bỗng.

Tuấn thất vọng mở mau tờ báo ra để thấy điều mình đoán trước.

Trong gói toàn một thứ cánh hoa mẫu đơn trắng với những sợi cỏ tóc tiên.

Mấy bông hoàng lan khô anh giữ trong hộp đựng thư cũng biến mất.

- VIII -

Tuấn lượng trước cái buồn của mình trong những ngày dài dặc sau này. Anh không thể đành lòng ngay với sự đoạn tuyệt đột nhiên và kỳ dị của người thiếu nữ. Cái phen tái hợp ngắn ngủi kia chỉ khiến anh thêm tiếc thương, thêm ham muốn ngườl đẹp. Lòng anh mắt hẳn cả mối hy vọng của sự nghi ngờ. Thôi từ nay trở đi, Lan Hương sẽ không khi nào còn đến với anh nữa.

Tuấn nhận được điện tín của Bình ở Hà nội hẹn về chơi. Anh mong bạn như mong sự yên ủi. Trong thư trước trả lời anh, Bình xem ra để tâm tới chuyện của Tuấn lắm. Anh chờ đợi bạn đến mãi mười một giờ hôm sau.

Nhưng khi Bình đến trại Bồ, Tuấn thấy hơi khó chịu. Người bạn vui vẻ nhanh nhẹn kia hỏi han và xem xét cuộc tình duyên của anh như một nhà luân lý thiết thực. Tập ‘‘thư nhật ký’’ giở chừng của Tuấn, Bình đọc rất chăm chú nhưng mắt thoáng có những ánh đùa cợt. Tuấn thuật tiếp chuyện Lan Hương để đáp lại câu hỏi cặn kẽ của Bình và rào trước:

- Không phải là tôi không suy nghĩ đến đủ các lẽ, nhưng vô ích. Đến ở ngay trong cảnh, đem hết trí giác, hết tâm tư ra mà luận đoàn bao nhiêu lâu còn không hiểu gì cả, nữa là đứng ngoài trông vào... Đây có phải là tiểu thuyết đâu?

Binh gật đầu mỉm cười nói chậm rãi:

- Đứng ngoài trông vào... có lẽ chính vì thế mà cái tiểu thuyết của anh, hay của cô Lan Hương mới rõ được các đường lối... Giá anh tinh tường được như lúc chưa bỏ giở những đoạn nhật ký rất hay của anh thì có lẽ tôi nói chuyện với anh dễ hơn. Nhưng anh si tình mất rồi. Tôi lấy làm lạ rằng anh si tình như một cậu học trò hai mươi được yêu lần thứ nhất.

Tuấn nhìn bạn, buồn rầu, và thương hại cho bạn hay cho chính mình anh. Một lúc lâu anh mới thở dài nói:

- Không phải đâu Bình ạ. Có lẽ tôi yêu mê yêu say thực, nhưng chính vì tôi không còn tấm lòng của người học sinh tuổi hai mươi. Đàn bà qua trong đời tôi cũng đã nhiều, nhưng toàn là những thứ tình đẹp đẽ một cách rất văn chương: tôi ôm ấp trong tay và nghĩ đến một đoạn văn sẽ viết. Tôi thực không được yêu - không yêu được ai hết. Nhưng đến người đàn bà kỳ dị này... Không! Thực thế đấy, cái sự vô lý ôm ở đó thực đã khiến tôi... không đời nào sẽ quên được. Cái bí mật của Lan Hương tôi dò xét chán chê rồi nhưng bây giờ tôi đành chịu...

Anh nhìn xa, nói trầm ngâm như nhắc lại cho mình nghe một câu quen nghĩ:

- Đã là sự bí mật thì chỉ là sự bí mật, không thể nào tìm được một cách phân giải nào bao giờ...

Tuấn để mặc bạn dò xét, tìm tòi và căn dặn.

Anh trả lời các điều Bình hỏi và lững thững đưa Bình đi xem khắp trại Bồ.

Tuấn nhìn lại các hình cây, vòm lá anh đã thuộc lòng và nay thấy mất đi một khí sắc huyền hồ rất thắm thiết. Anh nhớ lại những lức đứng dưới bóng đa cỗ kính mà tưởng đến hồi quá khứ nặng chĩu cành lá những ngày nào: bây giờ cây đã hóa không hồn cũng như

những rèm liễu, những vùng mẫu đơn và cả đến dăm bẫy gốc hoàng lan trơ trẽn.

Tuấn nhìn vẻ trầm mặc ngẫm nghĩ của Bình mà thấy hết cả sự vô ích của lý trí. Bình trỏ cây đề cỗi gần bờ nước:

- Từ khoảng cây này đến cây hoàng lan là chỗ cái hình bóng biến đi phải không? Thằng Dần không trông rõ lúc biến?

Tuấn toan nhại: ‘‘ - Trông - rõ - lúc - biến’’. Nhưng anh chỉ gật đầu.

Bình với tay uốn một thân cây, rồi len qua khóm lá thấp tới bên gốc đề ba trạc.

- Trèo lên đây dễ lắm. Lá chung quanh phủ kín đáo ba mặt. Giá... một buổi tối nào tôi muốn biến mất thì...

Bình ngừng bặt lại: đôi mắt Tuấn vừa lườm anh.

Bữa cơm chiều, Tuấn khề khà uống rượu trước vẻ ngạc nhiên và ái ngại của Bình. Tuấn chỉ nói đến chuyện văn thơ. Bình hiểu anh chàng tránh những lý luận của bạn. Nhưng Bình đã rắp tâm hỏi với việc muốn biết, rồi đi bách bộ ở ngoài hiên rất lâu. Anh nhẩm thầm trong trí câu nói của Lan Hương mà Tuấn chép lại trong tập ‘‘nhật ký’’:

‘‘ Nhà em ở bên một hồ nước, sau rặng liễu và khóm trúc vàng... Em sẽ đưa anh đến khi nào anh xứng đáng...’’.

Bình vào nhà, ngồi trước bàn viết của Tuấn nghĩ ngợi đến khuya rồi mới đi nằm. Bên cạnh Tuấn, trong bóng hồng mờ - ngọn đèn treo phía bàn lúc ấy đã vặn nhỏ ngọn, - Bình chập chờn với nhiều câu hỏi. Anh ngủ đi khi tưởng tượng đến một hình ảnh kiều diễm.

 

 

Sáng hôm sau Tuấn thức dậy chưa biết Bình đi đâu vắng, toan gọi thằng Dần hỏi thì Bình mũ áo hẳn hoi ở ngoài vừa về.

Bình trả lời Tuấn:

- Tôi đi tìm cô Hoàng Lan Hương cho anh. Chưa thấy nhưng thế nào cũng thấy. Tôi muốn cả anh cùng đến một chỗ này, nhưng tôi còn muốn anh nghe tôi nói đã. Đêm qua tôi nghĩ nhiều lắm. Thì ra cầu chuyện của anh cũng có liên quan đến cái bí mật của chủ nhân trại Bồ này...

Hôm nhận được bức thư vắn tắt của Tuấn, Bình đã hơi biết được rằng chủ nhân trại Bồ là một vị hưu quan. Ông ta có một trai và hai gái. Người con trai lấy vợ rồi sang Pháp học và chết ở đó ; con dâu ông án buồn rầu quá tự tử chết, nhưng việc ấy giữ kín trong nhà. Hai cô con gái lớn lên rồi ‘‘lấy chồng rất xa’’. Cả việc ấy cũng chỉ là một cách che đậy. Hình như họ bị thất tình, hoặc trốn đi, hoặc bị cầm giữ ở một bệnh viện nào, hay cũng lại quyên sinh như người chị dâu. Những chuyện đó đến hôm nay Bình không cho là quan hệ lắm nữa.

Vì Bình đã biết người vẫn hiện đến đây, trái với điều Bình đoán từ hôm trước, không phải là người nhà này. Cô gái tên là Hoàng Lan Hương (tên đó có phải tên thực hay tên mượn ?) có lẽ chỉ là bạn bè thân thuộc gì với nhà ông án. Cũng là con nhà thế gia, sống trong khuôn nghiêm cấm, và nuôi tâm hồn cô quạnh bằng tất cả cái kho tàng lãng mạn nồng đậm của văn chương, Hoàng Lan Hương hẳn cũng có một phen thất tình (Bình vội nói chữa câu nói lỡ) hẳn cũng... có một sự uất ức gì đó. Người thiếu nữ kiêu nhược sống với tưởng tượng, lòng âm ỷ cháy những sự ước muốn ngấm ngầm, là hạng rất dễ bị khích động. Một cuộc phân ly, một chuyện bức bách về tâm tình, một sự tuyệt vọng cho duyên phận: thế là đủ cho cô Lan Hương khuê các, lặng lẽ thành ra cái nhân vật dị kỳ mà Tuấn thấy ‘‘hiện lên’’ ở trại Bồ này. Trại Bồ chẳng là nơi trước kia Lan Hương thường qua lại chuyện trò với mấy người bạn chí thiết? Những lời tâm giao, những câu than thở hay dãi bầy, những mộng tưởng ân ái thố lộ qua từng đoạn văn thơ... Bao nhiêu tâm sự ấy vẫn còn u uất trong bóng cây lá.

Trại Bồ về sau bỏ hoang vì cái oan khí của người con dâu và cảnh chia rẽ đột nhiên của gia đình chủ nhân.

Chỉ có Lan Hương là thỉnh thoảng đến thăm viếng. Và chỉ đến những lúc đêm tối, hoặc để không ai trông thấy, hoặc để cảm thông với hồn cảnh vật hay để tưởng mình là hiện tinh của hoa cỏ, hay vì một cớ éo le ỡm ờ nào thường dật dờ trong trí não vơ vẩn của người... người... (Bình chọn lấy một tiếng nhẹ) người không vững bộ thần kinh?

Tuấn ngồi nghe, bình tĩnh và có vẻ nhẫn nại. Anh chỉ mỉm cười một đôi chỗ, rồi lại chăm chỉ yên lặng theo lời phân giải của Bình. Lúc đó anh mới khẽ nói:

- Không... vững bộ… thần kinh? Thì anh cứ bảo là điên có tiện không?

Bình:

- Người điên... có lẽ. Nhưng không là thứ người điên rồ dại mất hẳn thần trí. Lan Hương có những lúc, những hồi giữ một ý định rất bền chắc, những hoài niệm rất mạnh mẽ và có lẽ tinh thần sáng suốt một cách kỳ dị để sống trong những nhân vật và những cảnh tưởng tượng ra...

‘‘ Lan-Hương đến trại lần anh thấy không phải là lần đầu. Nhưng lần trước không biết cô ta tưởng mình là gì. Nhưng khi đột nhiêu thấy có một anh chàng viết lách dưới ngọn đèn trước cửa sổ, không biết ở đâu tới nhưng đoán chắc là một nhà văn, Lan Hương mới nẩy ra cái ý dàn xếp câu chuyện có một vẻ đẹp mơ hồ và làm hiện thực một thiên Liễu Trai mới. Trong đó có sự tò mò tinh nghịch của người đàn bà và tính thị kỳ của tấm lòng ưa tác quái, cử chỉ của anh, sự kinh ngạc cùng với những câu hỏi ngờ vực khêu gợi thêm cái hứng thú khác thường của người thiếu nữ. Cái tấn kịch ứng biến ấy, đêm này qua đêm khác, nối tiếp theo một điệu, một cách khá công phu. Không  khí huyền ảo đã thừa có ở nơi hoang tịch này rồi, chỉ thêm sự giữ gìn chờ đợi cho khôn khéo. Lan Hương có thế ẩn đâu mà chẳng được? Cô nàng chọn một nơi ẩn tiện nhất, những khi cần phải lánh: Không kín đáo lắm nhưng lại rất chắc chắn vì không ai ngờ. Những người vào hạng này thường vẫn có những cái thông minh sắc sảo thế đấy.

Tuấn đủng đỉnh hỏi:

- Anh cho là Lan Hương trốn lên cây.... Hoàng lan?

- Không.

- Cây liễu?

- Không. Có một cây rậm hơn... dễ leo hơn...

- Cây đề?

- Có lẽ. Một người gái đẹp ẩn lên cây để xem một anh chàng ngơ ngẫn theo tìm... sao lại không? Mà sự trêu nghẹo đó biết bao thi vị!

- Nhưng về sau, Lan Hương có bị ai theo tìm đâu? Tôi ngủ dậy thì...

Bình bật cười:

- Thì không thấy cô nàng bên cạnh? Lạ nhỉ. Anh không thể ngờ được sao? Cô nàng đã biến một cách giản dị nhất: là nhân trời chưa sáng, bỏ anh ngủ đấy, để lại cho anh một bông hoàng lan nhặt ở ngoài vườn hay đem theo sẵn trong mình... lẳng lặng ra về, dễ lắm. Những bông  Hoàng lan của Hoàng Lan  Hương... cái ý nên thơ xinh xắn có thể làm vơ vẫn được một anh chàng tên là Tuấn... Nhưng đến mớ cỏ với những cánh mẫu đơn tráo đỗi vào đôi hài... thì... cũng hơi ngoa.

Bình chắc hẳn hồi lý thuyết của mình làm tỉnh ngộ bạn ngay, và sững sờ thấy mặt Tuấn vẫn lạnh lùng. Tuấn khẩy một nụ cười nhạt nhẽo của người không tin nhưng không buồn cãi.

- Đa tình cũng đẹp lắm, nhưng đừng mê muội. Tuấn ạ. Anh làm tôi muốn thương hại cho anh...

Tuấn đáp:

- Đúng đấy. Bây giờ anh dẫn tôi đến con đường cuối cùng của anh đi.

- Con... đường... cuối... cùng?

- Ừ. Quên rồi à? Anh còn đưa tôi đi tìm... tìm thấy Lan Hương mà! Phải không? Ở đâu thế nhỉ?

Bình toan gạt vội cái giọng thờ ơ của Tuấn, nhưng anh vẫn ôn tồn:

- Ở cũng không xa đây, độ hơn hai cây số. Tôi biết đấy có một ngôi chùa, và mới qua quýt hỏi thăm được rằng có một người con gái nhà giầu đến ở trong ấy. Tôi chưa kịp tìm

đến tận nơi, và muốn về để anh khỏi nóng ruột lúc thức dậy. Rồi ta sẽ cùng đến để anh trông thấy người tiên của anh giữa ban ngày. ‘‘ Nàng thiếu nữ ban đêm’’ có lẽ bây giờ đã ngủ dậy.

Tuấn không nói gì, lấy chiếc áo trắng dài, mặc rồi theo Bình.

 

 

Ngôi chùa nhỏ có vẻ cũ nát ở trong một rào cây lưa thưa. Trước chùa, một cây đa lớn và cả bóng. Cửa chùa bưng đóng, một cánh gỗ hẻ mở một phía bên.

Im vắng nhẹ reo trong râm lạnh và thơm nhẹ hương hoa. Một cây hoàng lan nhô lên khỏi một khóm trúc.

Tuấn thản nhiên như trước một cảnh vô nghĩa lý.

Hai người đẩy cánh cửa hé bước vào. Không thấy ai. Hương khói vắng ngắt.

Trở ra còn đương bỡ ngỡ thì từ phía sau chùa có tiếng lá khô bị dầy séo chậm chạp. Một bà già ăn mặc cũ kỹ cầm chổi bước ra sân, một đứa bé gái, đầu còn trái đào, tay cầm một cành ổi, hai quả đã chín, trố mắt nhìn hai người.

Bà già lúc đó mới biết có khách lạ.

Bình hỏi nhưng bà già không biết ai là cô Lan Hương. Ở đây độ hơn tháng nay có một cô gái lịch sự, nói tiếng trọ trẹ, và một đứa ở gái, không biết từ đâu đến, xin trọ ở chùa. (Đứa bé nói leo: - A phải rồi, cô Huế, với chị Tân). Cô gái hình như ở dưỡng bệnh. Cả ngày chẳng chuyện trò chi hết, chỉ thỉnh thoảng hát những câu lạ tai và buồn... Bà già là người vẫn ở đây, giúp đỡ người con gái kia về việc mua bán thổi nấu ; nhiều lúc bà già cũng dò hỏi và tìm cách gợi chuyện với cô Huế, nhưng không biết được gì.

Bình hỏi người con gái hình dung thế nào.

Bà già đáp rằng cô ta mặc quần áo hàng đen, tóc vấn trần cũng có hôm búi thành món sau gáy, da trắng xanh, dáng người yếu ớt, có lúc nào sai bảo đứa ở thì nói nhỏ nhẹ ít khi bà già hiểu là nói gì.

Bình thấy Tuấn nghe bằng cái tai rất lơ đãng. Tuấn có vẻ một người ngoài cuộc đi với Bình cho có bạn và lễ phép không dính dáng đến việc không phải của mình.

- Thế... (lời Bình hỏi bà già) cô... Huế không ở đây nữa sao?

- Bẩm vâng. Hai ba hôm trước người nhà đưa ô tô đến đón đi. Hôm đến ở cũng người nhà đưa đến...

- Sao lai ở đây mà không ở chỗ khác?

Nhưng Bình tặc lưỡi hỏi tiếp một câu mà bà già lại không biết thế nào trả lời. Sau một hồi căn vặn không có kết quả gì. Bình đành phải trở ra với cái anh chàng Tuấn hững hờ một vẻ đáng ghét. Hai người không nói với nhau một tiếng nào trên đường về.

 

 

Về nhà Tuấn ngả người trên ghế bành, ngồi rất im lặng.

Bình đang tìm cách phân giải cho Tuấn nghe những lý luận của mình thì đột nhiên, nhìn thẳng vào mặt bạn, Tuấn hỏi:

- Này Bình, bao nhiêu lời anh nói với tôi lúc sắp ra đi anh còn nhớ cả chứ?

- Còn, thế nào?

- Anh cũng không tin hẳn phải không?

Tuấn lẩm bẩm như nói một mình:

- Sự bí mật có bao giờ cắt nghĩa được đâu.

Bình không giấu được vẻ lúng túng. Mắt Tuấn sáng lên một cách lạ.

Bình hiểu rằng lời thuyết giải đến thế nào cũng không ích gì, ái ngại nhìn Tuấn.

- IX -

Mặc dầu bao công tìm kiếm về sau, Tuấn và Bình đành chịu nhận Hoàng Lan Hương là sự bí mật không thể khám phá được. Một lần, cách đó tám năm, Tuấn nghe một vị bác sĩ chuyên chữa về thần kinh nói đến một bệnh nhân có những triệu chứng giống như trong giả thuyết của Bình. Đó là một người đàn bà. Người ấy khi tưởng mình là đủ các nhân vật trong tiểu thuyết, khi tin mình là công chúa trong cung cấm, khi là người kỷ nữ sông Hương ca những câu ai oán, lại cũng có khi tự nhận là một vai đào hát trứ danh Nam Kỳ. Bệnh không thể nào chữa được. Người điên mất hết lý trí, đã giao trả về nhà hình như đã chết.

Tuấn không còn cách nào biết rõ thêm.

Thời gian không có hiệu lực gì: Tuấn không bao giờ quên được Hoàng Lan Hương, và cả với Bình anh cũng không bao giờ chịu nhắc đến chuyện trước. Văn nghiệp của Tuấn không hề có chút dấu vết nào của người thiếu nữ. Cuộc đời tình duyên của anh chàng cũng không thiếu những phen gặp gỡ để ưa.

Nhưng đàn bà đối với Tuấn không ai có nhan sắc nữa.

Thế Lữ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...