Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Văn Lê và tôi

Văn Lê và tôi

Trong giới văn chương không thiếu những người cố chấp, chỉ vì một lý do gì đấy mà đâm ra thâm thù, tìm mọi cách nói xấu, thậm chí xúc phạm vùi dập nhau, nhưng Văn Lê thì không, anh không giận ai, ghét ai bao giờ, ngay cả với người đã đẩy anh vào hoàn cảnh trớ trêu, gây cho anh bao nỗi đắng cay khổ sở. Không phải anh là con người ba phải, không có chính kiến mà anh sống khoan dung độ lượng, nhân ái, với tất cả. Thế nên những lần nghe tin anh ốm đau hay nằm viện là bạn bè xa gần lo lắng, ai đến được thì đến, không đến được thì gọi điện hỏi thăm. Vừa có tài, vừa có tâm, nhưng bao giờ Văn Lê cũng đến với anh em bạn bè bằng cái tâm trong sáng nên chưa nghe một lời dị nghị nào về anh…
Bạn à. Nếu ta nhìn không phải bằng con mắt thường ngày, ta nghe không phải bằng cái tai thường ngày, sẽ thấy lẫn trong tiếng cười, thấp thoáng trên gương mặt ấy, một nỗi buồn da diết, đớn đau. Nó như muốn khỏa lấp, giấu kín đi một điều gì đấy đã, đang sưng tấy mưng mủ trong lòng anh. Và có phải như trên tôi đã nói, vì thế mà anh dồn tâm sức, kỳ vọng, ký thác nỗi niềm vào những đứa con tinh thần của mình?
Tôi quen Văn Lê vào một ngày đẹp trời mùa mưa năm 1972, khi còn ở rừng Lộc Ninh. Dạo ấy tôi được Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng gọi đi trại viết văn. Trại đặt trong một cụm rừng xanh với những căn nhà hầm  nửa nổi nửa chìm lợp lá trung quân, cách những lô cao su không xa. Một buổi sáng đang “đánh vật“ với những trang bản thảo, gạch gạch, xóa xóa, tôi nghe nhà văn Triệu Bôn- người được “thầy” Nguyễn Trọng Oánh phân công đọc bản thảo, góp ý cho 8 trại viên mà chúng tôi vẫn nói vui là “khổ chủ”gọi “Vọng ơi, sang đây “. Chẳng hiểu có chuyện gì, tôi vội chạy qua hầm anh.
Triệu Bôn chỉ vào một thanh niên dáng người mảnh khảnh, gương mặt thanh thoát, miệng hơi rộng, bảo tôi “tên thật nó là Thụy, nhưng lấy bút danh Văn Lê, hình như hai thằng bằng tuổi nhau. “Nghe anh Triệu Bôn nói, tôi thầm thốt lên “Văn Lê đây à“, rồi đưa bạn về hầm mình. Không ý tứ gì cả, ngay từ câu đầu tiên chúng tôi đã gọi nhau mày tao, cậu tớ và những từ ấy được dùng suốt cho tới những năm sau này. Gần đây có lúc Văn Lê lại gọi tôi là “đằng ấy“ như cách gọi người tình. Khi chúng tôi làm quen, Văn Lê đã là người của Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng – Cái “ngôi đền” văn chương ở chiến trường mà bọn lính đang tập tành viết lách dưới đơn vị như tôi vẫn hằng ao ước được đặt chân vào – và anh đã có nhiều bài thơ in trên đó. Thế đấy, buổi đầu tôi và Văn Lê đã đến với nhau thân mật, suồng sã và có cái gì như là nhân duyên tiền định. Quả vậy, bấy nhiêu năm, cho tới khi bạn đột ngột ra đi, chúng tôi ngoài đời và cả trong tâm tưởng chưa khi nào rời nhau.
***
Cuối năm 1976 tôi ra Hà Nội học, lúc ấy Văn Lê đã chuyển ngành sang làm ở báo Văn Nghệ Giải phóng. Thời gian này kinh tế đất nước, nhất là miền Nam rơi vào khủng hoảng thiếu, Sài Gòn không còn là “hòn ngọc viễn Đông nữa“, lương thực, thực phẩm phân phối theo định lượng, đời sống cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn.
Trong một lần trở lại Miền Nam công tác, tôi đến thăm Văn Lê ở 190 Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), lúc này anh vẫn ở một mình. Cơm trưa đã nấu, nhưng không biết ăn với gì, nhìn quanh trong bếp chỉ có lưng chai nước mắm và một phần bó rau héo queo còn lại từ hôm trước. Văn Lê đang băn khoăn vì bữa cơm đãi bạn quá đạm bạc thì chị H.N đem đến cho 1 ki lô gam thịt lợn. Trời ơi, thật là hạnh phúc bất ngờ, đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Chị là cháu một đồng chí cán bộ cao cấp. Không biết họ quen nhau trong hoàn cảnh nào, nhưng qua cách ứng xử, tôi hiểu chị rất quí, và coi Văn Lê như một người bạn, người em. Và đây không phải lần đầu chị “cứu tế” cho anh. Cả chị H.D biên tập viên của một nhà xuất bản lớn cũng thường cho quà Văn Lê mỗi khi ghé qua chỗ ở của anh. Rồi ông thiếu tướng Ngô Huy Hồng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần QĐND, vài lần ngồi nói chuyện đã coi Văn Lê như một người bạn thân. Tôi biết còn nhiều người nữa, quân đội cũng như lĩnh vực khác. Thế đấy, Văn Lê không chỉ được anh em bạn bè trong giới mà cả những người ngoại đạo, không liên quan gì tới văn chương, yêu quí. Có lẽ ở Văn Lê, tài năng, sự khiêm nhường và lòng chân thành đã tạo nên sức hút như một thỏi nam châm đối với mọi người.
***
Không còn nhớ đó là năm nào. Văn Lê dẫn đoàn làm phim ra Hà Nội quay bộ phim tài liệu do anh biên kịch và đạo diễn. Đêm ấy đoàn tá túc tại một khách sạn trên đường Quán Thánh. Hai chúng tôi ra ngồi quán cà phê cạnh hồ Trúc Bạch. Tối mùa thu Hà Nội trời mát mẻ, không gian man mác, đường Thanh Niên dập dìu những đôi trai gái. Dưới hồ, những con cá ăn đêm tìm đớp ánh sao trời tạo thành muôn vòng sóng như những câu hỏi không lời giải đáp. Thỉnh thoảng một chùm hoa sữa lại buông mình trước mặt hai người. Lần ấy Văn Lê nói thật nhiều. Chuyện nghề, chuyện người, có những điều tôi không bao giờ được phép nói ra.
Trong câu chuyện tôi biết bạn đang những ngày hạnh phúc – đó là công việc, sự thành công và… Cũng có lúc cả hai cùng im lặng. Tôi ngồi nhìn bạn đốt hết điếu thuốc này đến diếu khác. Trước đấy Văn Lê vừa bị một trận ốm, nhưng sức khỏe còn tốt. Văn Lê cho tôi hay cuốn tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống”, một cuốn sách viết về chiến tranh của anh Hàn Quốc đã dịch sang tiếng Hàn và được đánh giá rất cao bên ấy, rồi các nhà làm phim tài liệu Hàn cũng hợp tác với anh làm phim nữa. Có lẽ đấy là giai đoạn thăng hoa nhất của cuộc đời cầm bút của anh. Rồi những lần liên hoan phim quốc gia, đại hội Nhà văn… chúng tôi luôn gặp gỡ nhau.
Từ trái sang, các nhà thơ: Phan Hoàng, Văn Lê, Hoài Vũ, Đặng Huy Giang.
Dù ở xa, nhưng hễ mỗi khi có dịp là tôi và anh lại gặp nhau, khi ở Hà Nội, lúc Sài Gòn. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra ít lâu, một hôm Văn Lê gửi thư cho tôi báo anh đã tái ngũ, làm lính mặt trận 479. “Tao sắp hết phép, mày có đi Campuchia thì vào ngay”. Lần ấy với tư cách “người nhà”, Văn Lê đưa tôi đi nhiều vùng chiến trận, nơi quân ta và lính Khơ Me đỏ cùng tử chiến. Cao Mê Lai, Xi Xô Phôn, Prets vi hia… đi tới đâu Văn Lê cũng được anh em chiến sĩ gọi tên và chào đón như một người hùng, là bạn, tôi cũng được thơm lây cái vinh hạnh của anh. Làm phóng viên chiến trường, Văn Lê được tướng Bùi Cát Vũ rất yêu mến. Ông coi anh là người bạn tâm giao, hễ có thời gian ông lại gọi Văn Lê lên đàm đạo về văn chương thơ phú. Lạ thế, Văn Lê ở đâu cũng được yêu quí, ý nghĩ đó cứ trở đi trở lại với tôi suốt những ngày cùng anh đi khắp mặt trận 479. Buổi trưa, khi đeo ba lô bước lên chiếc C130 già nua cũ kỹ về nước, nhìn bóng Văn Lê nhỏ nhoi đứng giữa đường băng ngập nắng, lòng tôi quặn thắt nỗi buồn thương, và thấy như mình có lỗi với bạn.
Trong giới văn chương không thiếu những người cố chấp, chỉ vì một lý do gì đấy mà đâm ra thâm thù, tìm mọi cách nói xấu, thậm chí xúc phạm vùi dập nhau, nhưng Văn Lê thì không, anh không giận ai, ghét ai bao giờ, ngay cả với người đã đẩy anh vào hoàn cảnh trớ trêu, gây cho anh bao nỗi đắng cay khổ sở. Không phải anh là con người ba phải, không có chính kiến mà anh sống khoan dung độ lượng, nhân ái, với tất cả. Thế nên những lần nghe tin anh ốm đau hay nằm viện là bạn bè xa gần lo lắng, ai đến được thì đến, không đến được thì gọi điện hỏi thăm. Vừa có tài, vừa có tâm, nhưng bao giờ Văn Lê cũng đến với anh em bạn bè bằng cái tâm trong sáng nên chưa nghe một lời dị nghị nào về anh. Viết bằng laptop, không hiểu sao lần ấy Văn Lê bảo tôi kiếm cho anh mấy lọ mực Cửu Long (đã đổi tên thành Hồng Hà ), có lẽ anh muốn sống lại những tháng năm tuổi thơ cắp sách tới trường trên quê hương Ninh Bình, qua mùi thơm đặc trưng và màu sắc lâu bền của nó.
Sống trong đời này không ai không có đau buồn. Văn Lê cũng vậy. Dường như anh lấy công việc viết lách, dồn hết tâm sức, thời gian vào đó để khỏa lấp khoảng trống bất hạnh trong cuộc đời mình. Và dường như anh muốn ký thác tình yêu, sự cô đơn trống trải, đắng cay số phận của một nhà văn tài hoa vào những nhân vật của mình. Tôi đã gọi Văn Lê là “Cống Nhân“ của nỗi buồn là vì thế. Phải, buồn đau thân phận, kiếp người đã bắt anh làm con tin. Không ít lần Văn Lê gọi điện bảo tôi “tớ viết xong cuốn này là cất bút “, nhưng sau đó lại một cuốn sách ra đời. Tôi hiểu, anh lấy việc viết lách làm vui, làm nơi trốn chạy sự đơn côi bất hạnh cuộc đời. Là người hết lòng vì vợ con, mới những ngày mùa khô của Sài Gòn đây thôi, anh gọi điện tâm sự với tôi, thương vợ, con đêm nằm trên tầng 2 nóng lắm, muốn lắp cái điều hoà nhiệt độ nhưng không ai đồng ý vì vấn đề tiền điện…
Ở đâu có Văn Lê là ở đó nghe vang lên tiếng cười. Tiếng cười phóng khoáng của đấng trượng phu, là tiếng cười gọi bạn, tiếng cười của sự bao dung độ lượng, tiếng cười của sự chân thành, ngay thẳng, tiếng cười của một con người giàu lòng tự trọng, một nhân cách không tầm thường. Nhưng trên hết là tiếng cười của sự giải tỏa, giải phóng. Bạn à. Nếu ta nhìn không phải bằng con mắt thường ngày, ta nghe không phải bằng cái tai thường ngày, sẽ thấy lẫn trong tiếng cười, thấp thoáng trên gương mặt ấy, một nỗi buồn da diết, đớn đau. Nó như muốn khỏa lấp, giấu kín đi một điều gì đấy đã, đang sưng tấy mưng mủ trong lòng anh. Và có phải như trên tôi đã nói, vì thế mà anh dồn tâm sức, kỳ vọng, ký thác nỗi niềm vào những đứa con tinh thần của mình? Đã có bao nhiêu cuộc ra đi trong đời, nhưng chao ôi, lần ra đi mãi mãi này anh lại chưa chuẩn bị gì cho riêng mình. Thế nên bao công việc còn ngổn ngang, giang dở.
Văn Lê giờ đã trở về với cát bụi. Đạo quân chữ đã theo ông về cuối chân trời / Bỏ lại thế gian nỗi buồn giấy trắng. Vâng, sự thiếu vắng Văn Lê giữa cuộc đời hôm nay là nỗi buồn nước mắt cho biết bao trái tim. Từ giờ phút ấy, những sớm, những chiều người ta không còn nhìn thấy bóng dáng Lê Chí Thụy – nhà văn Văn Lê thấp thoáng trong ngôi nhà 28 phố Văn Chung, phường 13 quận Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Văn Lê đi rồi, có một hẫng hụt, một khoảng trống tình bạn trong lòng tôi không gì có thể bù đắp nổi. Văn Lê ơi, những tác phẩm của bạn sẽ là sự hiện diện của bạn ở cõi đời này. Và như vậy bạn không chết, bạn vẫn còn đây. Văn Lê, một lần nữa tôi lại gọi tên bạn.
Hà Nội, 3102020
Lê Văn Vọng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...