Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Vũ Thảo Ngọc - Nhà văn nữ duy nhất của thợ mỏ hiện nay

Vũ Thảo Ngọc - Nhà văn nữ
duy nhất của thợ mỏ hiện nay

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc từng là công nhân vận hành bơm đáy moong mỏ Cọc Sáu. Chị yêu văn thơ và đã được tạo điều kiện cho đi học trở về phục vụ ngành Than. Chị đã ra được nhiều đầu sách. Có thể khẳng định, Vũ Thảo Ngọc là nhà văn đầu tiên chạm đến chiều sâu của nghề làm mỏ, công việc của thợ lò ở dưới lòng đất, cuộc sống gia đình, cộng đồng của người thợ mỏ…
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc với thợ lò Công ty Than Mạo Khê, Quảng Ninh.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc hiện là nhân viên Văn phòng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Chị vốn là công nhân Công ty Than Cọc Sáu, từng là lãnh đạo Hội VHNT Quảng Ninh và Báo Hạ Long, hiện đang sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh. Thảo Ngọc là một cây bút nữ đa năng, nhưng đề tài chủ yếu trong 18 đầu sách của chị vẫn là những người thợ mỏ.
Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Nhà văn Vũ Thảo Ngọc từng là công nhân vận hành bơm đáy moong mỏ Cọc Sáu. Chị yêu văn thơ và đã được tạo điều kiện cho đi học trở về phục vụ ngành Than. Chị đã ra được nhiều đầu sách. Có thể khẳng định, Vũ Thảo Ngọc là nhà văn đầu tiên chạm đến chiều sâu của nghề làm mỏ, công việc của thợ lò ở dưới lòng đất, cuộc sống gia đình, cộng đồng của người thợ mỏ. Ở đó, mỗi người một gương mặt, một tính cách riêng, nhưng đều có điểm chung là tính kỷ luật trong lao động. Tác phẩm của chị còn phản ánh đời sống gian khổ của người thợ trong lòng đất, cuộc sống tốt đẹp của họ trong mối quan hệ với gia đình, cộng đồng.
Đã có nhiều nhà văn viết về thợ mỏ, nhưng viết một cách dày dặn bằng tiểu thuyết như Vũ Thảo Ngọc thì rất hiếm. Bởi vậy, Ánh đèn lò (NXB Lao động, 2015), tiểu thuyết thứ 5 của Vũ Thảo Ngọc là tiểu thuyết đầu tiên của một nhà văn nữ viết về thợ lò. Theo ông Đoàn Văn Kiển, tiểu thuyết Ánh đèn lò của Vũ Thảo Ngọc có những chi tiết câu chuyện có thật không ở Vàng Danh, Mạo Khê, Mông Dương thì Hà Lầm.v.v.. Họ ở đâu đó trong các đơn vị ngành Than chỉ có điều, nhà văn đã khéo kết nối, hình tượng hoá thành nhân vật tiểu thuyết. Theo đánh giá của ông Đoàn Văn Kiển, từ góc nhìn của người làm than, đây là một tiểu thuyết rất thành công khi viết về thợ mỏ.
Tuy nhiên, viết về thợ mỏ là một công việc khó khăn, nhiều thử thách với nhà văn, nhất là với những nhà văn nữ, bởi công việc của người thợ lò rất gian khổ, nhà văn nữ khó mà tiếp cận và am hiểu được. Trong khi đó, để có được những trang văn sinh động bắt buộc nhà văn phải có vốn thực tế phong phú. Vậy nhưng với tình yêu những người thợ lò vất vả gian nan, nữ nhà văn Vũ Thảo Ngọc đã vượt qua những khó khăn đó, quyết tâm viết về họ với lòng kính trọng. Nhà văn đã tích luỹ vốn sống trực tiếp bằng nhiều lần đi lò và cả vốn sống gián tiếp qua lời kể của người thợ lò. Từ vốn sống đó, nhà văn đã rất thành công trong việc tạo dựng hệ thống nhân vật những người thợ lò, tuy có gương mặt, tính cách khác nhau, nhưng cùng chung những phẩm chất tốt đẹp.
Từ phải sang, các nhà văn: Phan Hoàng, Vũ Thảo Ngọc, vợ chồng Dương Hướng, Đào Quốc Vịnh ở Quảng Ninh năm 2022.
Cũng đánh giá cao những sáng tác viết về thợ mỏ của nữ nhà văn này, nhà văn Dương Hướng nhận xét, Vũ Thảo Ngọc là nhà văn nữ duy nhất đang trực tiếp sáng tác về những người thợ mỏ với sức vươn lên kiên trì vượt mọi khó khăn. Chị đã tiến một bước đi rất xa so với thời kỳ còn là công nhân ở mỏ Cọc Sáu, nhưng chính những năm, tháng làm thợ đã giúp Vũ Thảo Ngọc thành công. Nếu không có những năm tháng làm thợ, không bám sát vào cái hiện thực sinh động đó chắc chắn nhà văn sẽ không có được thành công như bây giờ.
Từ cái nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Quang Tình, từng là cán bộ văn phòng của TKV, nhận xét: Đọc văn Vũ Thảo Ngọc tôi cứ rưng rưng xúc động, vì cũng thấy có một phần cuộc đời của mình trong đó, nó vô tư, nhẹ nhàng, nhưng chất chứa một sự nhọc nhằn của tuổi thơ đầy khốn khó. Những người thợ thuộc thế hệ chúng tôi ngày ấy ra đi làm mỏ không có mấy ai tính toán thiệt hơn, nó đơn giản, sòng phẳng, nói như ngôn ngữ hiện tại thì không biết có nhiều thủ đoạn hay âm mưu gì. Những thanh niên nông thôn ở vùng quê Bắc Bộ được tuyển chọn ra mỏ học nghề, ai tìm được tình yêu và gắn bó lâu dài thì ở lại với mỏ, có người sức khỏe tốt lại phải xa mỏ ra mặt trận tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc để rồi có nhiều người không bao giờ được quay trở lại vì họ đã hoá thân vào đất ở chiến trường góp phần làm tươi thắm cho màu xanh đất nước.
9/3/2024
Phạm Học
Nguồn: Báo Quảng Ninh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa Mỗi lần viết về một nhà thơ tôi thườn...