Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Chùa Long Ẩn - Truyện ngắn của Trần Quang Lộc

Chùa Long Ẩn - Truyện ngắn
của Trần Quang Lộc

Long Ẩn, ngôi chùa cổ may mắn còn sót lại sau chiến tranh, chiếm một vị trí đắc địa giữa lưng chừng đồi. Chùa tựa lưng vào núi Vọng Thê, mặt  nhìn ra dòng sông quê êm đềm nước xanh ngăn ngắt suốt hai mùa mưa nắng lặng lẽ xuôi ra cửa biển. Có lẽ chùa nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ tàn lá sum suê nên người xưa đặt tên là Long Ẩn? Cảnh quang cõi thiền u trầm tĩnh mịch; khí hậu thoáng mát, trong lành nên Long Ẩn không biết từ lúc nào trở thành danh – thắng của một huyện miền Tây cuốn hút khách tham quan, nhất là vào những ngày hè oi bức!
Lúc này, gió từ lòng sông thốc lên lồng lộng. Xa xa, giữa trời xanh mây trắng, từng đàn chim thong thả xoãi cánh lấp loáng ánh chiều bay về phía miệt vườn cây trái sum suê.
Đứng trên sườn đồi mãi mê ngắm nhìn toàn cảnh miền sông nước dưới ánh nắng vàng rộm, bỗng có tiếng niệm phật ngay phía sau lưng khiến Thuận quay đầu nhìn lại. Một nhà sư mặc áo chàm dáng vẻ phong thái, nét mặt của bậc chân tu đang cầm chiếc bình hoa sen, nhìn Thuận chăm chăm:
– A di đà phật! Cho xin hỏi, có phải… thí chủ tên Thuận, Vĩnh Thuận?
Thuận không giấu được sự ngạc nhiên, đứng trố mắt nhìn vị sư thầy, chắp tay bái theo nghi thức nhà chùa:
– Mô phật! Dạ thưa phải. Mà sao… sư biết tên của con?
Sư thong thả đặt chiếc bình tưới trên mô đất bên cạnh, trả lời Thuận bằng một câu hỏi:
– Thí chủ còn nhớ buổi tối mưa phùn trên đường làng Nghĩa Phương có hai người khuân võng đưa một nữ bệnh nhân lên phố huyện cấp cứu?
Ngẫm ngợi một thoáng, rồi như một tia chớp lóe lên trong tìềm thức, quên cả ranh giới đạo – đời, Thuận lao đến ôm chầm lấy nhà sư, bật lên hai tiếng thảng thốt:
– Chú Khổng!
Qua bao thăng trầm dâu bể của thời tao loạn bỗng dưng gặp lại cố nhân, sư không kìm nén niềm phấn khích, đột ngột xưng hô theo thế tục:
– Anh Thuận! Mới đấy mà đã hơn phần tư thế kỉ!
– Vâng! Thời gian ấy quá dài so với một đời người chú ạ!
Bên tách trà sen bốc khói thơm phưng phức trong thư phòng chùa Long Ẩn, đêm mưa phùn lất phất trên đường làng Nghĩa phương ùa về như những con sóng vỗ vào miền kí ức…
Ngày lập đông mưa phùn rả rích. Mới 18 giờ hơn mà trời đã tối đen như đêm trừ tịch! Từ phía bờ sông ken dày cừa nước, một bóng người đang luồn lách xuyên đêm, lầm lũi đi về cuối làng Nghĩa Phương rồi mất hút trong khu vườn cây cành lá um tùm.
Bà Năm đang nằm thiu thỉu trên chiếc võng bện xơ dừa, bỗng nghe có tiếng con Phèng rên ư ử phía cuối vườn. Nghe tiếng chó biết có người quen, bà ngồi bật dậy vặn nhỏ ngọn đèn hột vịt rồi lặng lẽ đi ra phía vườn sau. Bà Năm kêu khẽ:
– Thuận! Vào nhà đi con!
Thuận theo chân bà Năm vào gian nhà ngang, nơi mà anh thường lui tới trong những chuyến hoạt động bí mật ngay trong lòng địch. Bà Năm chỉ vào chiếc võng xơ dừa bảo Thuận:
– Con nằm nghỉ một lát rồi ăn cơm. May quá! Phần cơm má vừa mới nấu cho thằng Khổng, nhưng nó đã ăn bên nhà ông bố vợ tương lai rồi.
– Dạ! má cứ để đó cho con.
Thuận loay hoay phụ giúp má Măm dọn cơm ra mâm, chàng ngồi vào bàn, nói:
– Má cùng ăn với con chứ?
Bà Năm nhìn Thuận như nhìn đứa con trong gia đình:
– Con cứ tự nhiên, tau ăn hồi chiều rồi.
Thuận vừa ăn cơm, vừa nói với má Năm:
– Má ơi! Lần này tổ chức cử con về củng cố lại các cơ sở hoạt động nội thành, đồng thời triển khai chủ trương của chính quyền cách mạng về công tác dân vận đáp ứng với tình hình mới.
Bà Năm bảo:
– Con yên tâm, các cơ sở trong đường dây của má vẫn đang hoạt động tốt….
Bà Năm nói chưa hết câu thì có tiếng con Phèng sủa rân từ phía cổng ngỏ. Bà thì thầm:
– Có gì bất ổn má sẽ ra ám hiệu, con xuống hầm bí mật ngay. Từ hôm con đi, ngày nào má cũng dọn dep sạch sẽ để khi cần dùng đột xuất.
Nói xong, bà vặn to ngọn đèn cầm đi lên nhà trên, mở cửa rọi ra sân. Dưới ánh sáng lờ nhờ của cây đèn dầu lửa, con Phèng đang cong đuôi hướng mõm ra cổng ngỏ sủa dữ. Bà Năm quát lớn:
– Phèng! Cút ngay!
Nghe tiếng chủ, Phèng nín sủa cụp đuôi rút vào góc sân, cổ họng vẫn còn gầm gừ đe dọa. Tiếp theo là tiếng người oang oang:
– Con chó của bác Năm dữ quá trời luôn. Hồi nào bác không nuôi nữa cho tụi con đánh chén một bữa.
Tưởng ai xa lạ, hóa ra là thằng Vinh con bà bạn bán cháo lòng, thằng Pháo có ông bố mở xưởng mộc ngay trước cổng chợ làng. Mấy đứa tuy là lính địa phương quân nhưng tính nết hiền lành. Bà Năm yên tâm nói lớn:
– Mồ tổ mày! Con chó cưng của tau giá đáng ngàn vàng đấy. Mà trời mưa lắc rắc, đường sá trơn trợt, mấy đứa đi đâu lỉnh nghỉnh súng ống như đi càng quét zậy!?
Tiếng thằng Pháo:
– Dạ cháu đi tuần tra. Nghe chỉ huy bảo, cộng sản thường lợi dụng thời tiết xấu là vào làng quấy rối. Bọn cháu lính lác nên thượng cấp bảo sao nghe vậy. Lạng quạng bị đưa ra vùng Một làm bia đỡ đạn!
Vinh tiếp:
– Bọn cháu định pha ly cà phê uống cho ấm bụng, nhưng không có nước sôi. Biết nhà bác thường uống trà tàu nước sôi có sẵn nên vào xin một bình đông.
– Gì chứ nước sôi thì có. Hồi chiều tau có chế đầy phít. Vào nhà mà lấy.
Hai anh lính địa phương quân mang súng carbine M1, giày bê bết bùn đất đi vào nhà. Bà Năm đưa phít nước sôi cho Vinh. Pháo rút từ trong túi quần ra một hộp cà phê hòa tan, khoe:
– Hồi sáng, con bồ bán cốc ổi trên phố huyện biếu cháu một hộp cà phê hòa tan. Lần đầu dùng loại này nên pha với nước sôi để nguội, cà phê vón cục uống nhạt phèo. Sau, đọc hướng dẫn cách sử dụng in trên vỏ hộp mới biết phải pha với nước sôi. Pháo lấy ra hai gói đưa cho bà Năm – Cháu biếu bác hai gói uống chơi cho biết.
Bà Năm mắng yêu:
– Tiên sư mày! Mấy năm nay tau bị chứng mất ngủ, uống cà phê vào nữa chắc đi gặp ông bà ông vải sớm!
Pháo cười khì khì:
– Bác Năm thức đêm là do nhớ bác trai đó mà!
– Cái thằng! Nhớ bố mày thì có! Nhớ làm gì cái ngữ vô ơn bạc nghĩa. Hồi nó ra đi tau đang mang thai thằng Khổng, từ bấy đến nay biệt vô âm tín. Chắc nó đã lấy vợ sinh con đẻ cháu ngoài đấy rồi!
Vinh chen vào:
– Lâu nay bác có nhận tin tức gì về bác trai không?
Bà Năm đập cán quạt vào vai thằng Vinh:
– Mồ tổ mày! Mày tưởng như mày với con nhỏ bán ốc luột ngày nào cũng gặp nhau à!
Vinh đột ngột hỏi nhỏ:
– Con hỏi bác nè. Nghe nói hồi đầu hôm có người lạ đi vào xóm mình. Bác Năm có biết chuyện này không?
Má Năm bật cười:
– Có! Đúng là hồi xẩm tối có người vào nhà bác. Để tau gọi ra trình diện hén!
Trong lúc Vinh và Pháo đứng lặng nhìn nhau, sắc mặt biến đổi, bà Năm ra đầu hè gọi với sang nhà bên cạnh:
– Khổng ơi! Về nhà có cậu Vinh, cậu Pháo đến chơi nè con.
Chưa đầy một phút, Khổng xuất hiện chào hỏi rôm rả:
– Chào các quynh trưởng. Đi đâu mà kè kè súng ống như sắp đánh trận vậy?
Pháo cười ha hả:
– Bọn tao sắp hành quân ra vùng Một chiến thuật nè!
Vinh nheo mắt nhìn Khổng:
– Chà chà! Người thành phố có khác. Trắng trẻo, đẹp trai, phong độ phết! Chắc mấy đứa con gái thành phố mê tít.
– Có đứa nào mê đâu anh. Con gái thành phố chỉ mê tiền. Mình dân hai lúa mà. Nghe tin Vân bị ốm nên tranh thủ về xem sao. Tưởng sẽ về sớm rủ các anh mang lưới ra bờ sông vớt mấy con cá lóc vô nhậu. Ai ngờ xe đi giữa đường bị hỏng máy nên về nhà tối om, đường sá sau cơn mưa trơn như mỡ!.
Vinh nhìn Khổng cười hì hì:
– Con Vân sợ mày léng phéng với mấy nhỏ chân dài dưới thành phố nên gọi về kiểm tra đó.
– Quý huynh tưởng em ở phành phố rảnh lắm?! ban ngày làm nghề điện tử, tối còn phải học thêm văn hóa để lấy bằng tú tài, thời gian đâu mà léng phéng với bọn chân dài chân ngắn! Hôm qua ông bố vợ tương lai nhắn tin lên bảo Vân đang ốm, không về mất vợ như chơi! Khổng kéo hộc bàn lôi ra gói trà Ô long khoe – Trà ngon lắm, pha một bình mấy quynh uống thử nhá?
– Thôi, bọn tao còn đi tuần tra, ở đây cà khịa bị phạt nằm chuồng cọp trắng máu. Hay là…hay là chú mày ủng hộ hai anh gói này đi? Pháo cầm gói trà đưa lên mũi hít hít, khen trà thơm ngon rồi cho vào túi! Vinh và Pháo chào bà Năm bước ra sân. Pháo quay lại bảo Khổng:
– Mai rảnh cà phê nhen chú!
Áng chừng hai anh lính địa phương quân đi thật xa, bà Năm và Khổng xuống nhà dưới ra ám hiệu. Thuận từ dưới hầm bí mật trồi lên, má Năm chỉ vào chiếc chõng tre, giọng nghiêm trọng:
– Các con ngồi xuống đây. Hình như bọn chúng đánh hơi có người bên ta.
Thuận lo lắng:
– Theo ý của má với chú Khổng ta nên đối phó như thế nào?
– Theo em, ngay bây giờ, anh Thuận phải chuyển đến cơ sở khác cho an toàn.
Bà Năm ngăn:
– Đâu có được! Hiện giờ lính địa phương quân đang phong tỏa làng mình chờ sáng mai đưa quân xuống bố ráp! Giờ này ra khỏi nhà là bị tóm ngay!
Thuận không ngờ chuyến công tác vào vùng địch hậu lần này lại rắc rối đến thế! Bà Năm ngẫm nghĩ gây lát, bảo:
– Thôi! Các con yên tâm. Má đã có cách…
Khoảng 20 giờ hơn, dưới cơn mưa rây nhẹ, từ nhà bà Năm, hai người đàn ông mặc áo tơi mưa rộng thình khiêng một chiếc võng rẽ bóng đêm lặng lẽ đi ra đường làng hướng về phố huyện. Người đi trước tay xách chiếc đèn bão soi đường. Võng di chuyển gần đến đầu xóm, bỗng có tiếng quát lớn:
– Ai đó? Đi đâu vào giờ này? Cùng với tiếng quát, một luồng ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin rọi thẳng vào mặt hai người khuân võng. Người chịu đầu đòn phía sau lên tiếng:
– Khổng và Hiền đây anh Vinh! Vân bị ruột thừa nên bọn em phải đưa lên bệnh viện mổ gấp. Nếu chậm trễ ruột thừa bị vỡ rất nguy đến tính mạng. Mong hai ông anh thông cảm cho qua?.
Vinh, Pháo và một anh lính nữa trông lạ hoắc, hình như là tổ trưởng  cùng đến kiểm tra hư thực. Vinh vén tấm ni lông vắt ngang qua thanh đòn thấy Vân đang nằm ôm bụng kêu rên thê thảm. Vinh nói với anh tổ trưởng:
– Người cùng làng đấy anh.
Anh tổ trưởng cúi xuống đưa tay ấn nhẹ vào vùng bụng của Vân. Vân kêu thét lên đau đớn. Anh đứng lên nói với Vinh và Pháo:
– Đúng là bị ruột thừa rồi! Cho họ đi đi. Không khéo ruột thừa bị vỡ gây tử vong, người làng lại đổ hết trách nhiệm về phía minh.
Vinh bảo:
– Chú Khổng, chú Hiền đưa Vân đi nhanh lên. Cẩn thận, đường trơn lắm đấy!
Sợ Vân bị ướt, Pháo còn lấy áo mưa của mình đang mặc vắt ngang qua thanh đòn, giục:
– Đi nhanh lên!
Dưới ánh sáng lờ nhờ của cây đèn bão, hai người khuân võng lặng lẽ tiếp tục di chuyển trên con đường đất nhão nhoẹt sau trận mưa chiều….
Qua khỏi chiếc cầu xi măng đến địa phận của một xã trung du, Hiền lên tiếng:
– Kết thúc vở diễn được rồi đấy!
Vân vội bước xuống võng. Phía bên trong tấm áo mưa rộng thình sau lưng Khổng xuất hiện thêm người thứ 4. Người ấy là Thuận. Khổng cười hì hì:
– Trông anh Thuận vậy mà nhẹ hều hà. Cõng anh qua một chặn đường hơn cây số mà cứ như không!
Vân quan sát chung quanh một lượt, nói với Thuận:
– Từ đây đến khu an toàn độ chừng nửa cây số nữa anh Thuận à. Chúc anh chóng hoàn thành nhiệm vụ.
Thuận run run nắm lấy bàn tay của Hiền và Khổng, giọng nghèn nghẹn:
– Nhờ trí thông minh của má Năm và sự nhiệt tình của các bạn tôi mới thoát khỏi tay kẻ địch.
Thuận nâng tách trà lên chiêu một ngụm nhỏ:
– Sau ngày thống nhất đất nước, được đảng giao nhiều trọng trách và thường xuyên đi công tác nước ngoài nên chưa có dịp về thăm làng Nghĩa Phương, thăm lại má Năm….
Sư Khổng vừa cho thêm trà vào bình, vừa noi:
– Cách đêm hôm đó chừng non tháng thì làng Nghĩa Phương bị bom đạn cày xới tan hoang. Dân làng lớp chết, lớp bồng bế nhau lên trại định cư trên phố huyện. Không ít người tha phương cầu thực. Em đưa mẹ lên thành phố trú nhờ nhà ông chú họ. Khổng đưa tách trà lên chiêu một ngụm, lấy giọng, tiếp – Cuộc sống chưa ổn định thì em bị bắt quân dịch. Nhờ có bằng tú tài nên được vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, em may mắn được điều động về chi khu Nhơn Định, gần nhà. Nhờ đồng lương sĩ quan nên cuộc sống mẹ con em dần dần ổn định. Khổng bỗng thở dài thao thiết – Chắc anh đã biết tính mẹ em. Dù đi đâu, ở đâu mẹ cũng nhớ làng quê, nhớ về những kỷ niệm. Tuy là vùng xôi đậu, trắng đen lẫn lộn, nhưng thi thoảng dân Nghĩa Phương về thăm nhà. Nói là nhà chứ kỳ thực là cái nền đất lở lói còn sót lại. Một hôm, mẹ với vài người nữa về thăm Nghĩa Phương. Người cùng đi không sao, riêng mẹ bị du kích bắt giam sau đó thủ tiêu mất xác.. Họ bảo, mẹ của sĩ quan ngụy về lấy tin báo cáo lại với cấp trên để lãnh thưởng!!
– Trời ơi! Thuận nén cơn đau bật ra hai tiếng.
Sư Khổng nắm tay Thuận dẫn ra phía sau chính điện. Trong một góc nhỏ là bàn thờ có đặt di ảnh của má Năm. Nhìn nét mặt đôn hậu của má, Thuận nhận ra mình là kẻ vô tâm, kẻ bất lương rất đáng bị người đời nguyền rủa! Thuận thắp nén nhang cầu mong má yên vui miền tiên cảnh và cầu xin được tha thứ, bao dung.
Hơn 3 ngày lưu lại chùa Long Ẩn, Thuận mới hiểu thêm về cuộc đời chìm nổi của sư Khổng. Trở về quê hương với cuộc sống đời thường sau 3 năm học tập cải tao. Người thân không còn, bạn bè phần lớn đã vĩnh viễn ra đi sau cuộc chiến tàn khốc, Vân lấy chồng là cán bộ lớn cấp tỉnh. Lại nhằm lúc đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, nạn tham nhũng lộng hành khiến lòng dân ta thán. Trước bối cảnh đó, Khổng phát nguyện xuất gia nương nhờ cửa Phật, mượn câu kinh tiếng mõ để quên những phiền não của cõi vô thường và dốc lòng hướng về sự huyền diệu của đạo pháp. Sư Khổng nổi tiếng học cao, hiểu rộng, đạo pháp uyên thâm, phẩm hạnh tột cùng. Từ ngày về làm trụ trì chùa Long Ẩn, sư được phật tử trong vùng tôn làm bậc đại nhân đại đức. Càng tiếp xúc với sư, Thuận càng thấy thấm thía hơn vị đắng cuộc đời, hiểu biết thêm sự thâm thúy nhiệm mầu của triết lý nhà Phật.
Ngày rời chùa Long Ẩn, Sư Khổng tiễn Thuận xuống tận chân đồi. Sư còn dặn – Cửa thiền luôn rộng mở đón người thiện tâm.
Sau chuyến du lịch miền Tây, tính tình Thuận bỗng dưng thay đổi đột ngột. Ông không còn tha thiết với công việc kinh doanh. Xưởng gỗ chuyên sản xuất các mặt hàng dân dụng Thuận giao cho thằng cháu họ. Thuận chỉ tham gia giải quyết những vụ việc quan trọng. Thuận dành phần lớn thời gian về quê thăm họ hàng, tham gia vào nhóm thiện nguyện. Trong mùa dịch covid-19, Thuận đã chi gần tỉ Việt Nam đồng giúp người nghèo cách giãn xã hội. Với bà con chòm xóm, Thuận thường lui tới thăm hỏi.
Bà con họ hàng làng xóm rất ngạc nhiên về sự thay đổi tính cách của Thuận. Hồi còn là “đầy tớ” của nhân dân, Thuận lúc nào mặt cũng lạnh như băng, nói năng trịch thượng, rất khó gần!
Ban đêm, Thuận trằn trọc thao thức suy gẫm về quãng đời đã qua, về luật nhân quả của nhà Phật, và ngộ ra: giàu có, địa vị rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ có phẩm hạnh con người mới để lại tiếng thơm cho đời. Mặc dù đã bị nhà nước thu hồi một số tài sản lớn, nhưng Thuận vẫn đang sở hữu một ngôi biệt thự, căn nhà 5 mê mặt tiền và 4 lô đất vàng giữa lòng thành phố, một xưởng chế biến gỗ dân dụng. Cả đời làm đầy tớ cho nhân dân thì lấy đâu ra để có một tài sản kết sù như vậy? Nuôi heo gà? Bán chổi đót? Chạy xe ôm? Láo! Bịp! Lừa đảo! Đấy là tài sản mà Thuận, với cương vị một giám đốc công ty khai thác gỗ cấu kết với bọn lâm tặc băm nát hàng trăn hecta rừng phòng hộ đầu nguồn mới có được! Cũng may, nhờ nhân dân phát hiện sớm nên Thuận bị cách chức, bị tống cổ về vườn trước tuổi hưu.
Ngày giỗ đầu của vợ, Thuận cho gọi các con vào phòng khách để ông bàn chuyện hệ trọng. Đợi các con yên vị, Thuận đưa tờ di chúc viết sẵn cho cậu trai cả:
– Con đọc giúp ba.
Cậu Cả cầm tờ di chúc trịnh trọng đọc. Nội dung tờ di chúc tóm tắt như sau: Ngôi nhà 3 mê và xưởng chế biến gỗ xuất khẩu dành cho cậu cả. Ngôi biệt thự tọa lạc trên khu đất rộng trên 200 mét vuông dành cho cậu con trai thứ hai. 4 lô đất mặt tiền Thuận mua với giá bèo của một doanh nghiệp sa cơ lỡ vận giao cho cô gái út 1 lô. Ba Lô còn lại hiến cho nhà nước xây trường mầm non.
Đợi cậu trai cả đọc xong tờ di chúc, Thuận bảo:
– Ba nay đã có tuổi rồi, sống không còn bao lâu nữa nên lập sẵn tờ di chúc có kèm theo sổ đỏ. Nếu các con đồng thuận chỉ cần ra công chứng nữa là hoàn tất thủ tục pháp lý.
Yên lặng một lúc, cậu trai cả là bác sĩ trưởng khoa ngoại phàn nàn:
– Bạn con đứa nào cũng đươc bố mẹ mua cho nhà bên Canada, bên Mỹ. Lẽ ra ba nên dành lại ba khu đất chia đều cho chúng con. Thời buổi bây giờ các quan chức đua nhau kiếm tiền để lại cho con cái, còn ba thì ngược lai!
Thằng hai là kỹ sư xây dựng cũng hùa theo:
– Anh cả nói đúng đấy ba. Nhiều đại gia không những có nhiều nhà trong nước họ còn mua thêm nhà nước ngoài, tiền bỏ ngân hàng Thụy sĩ. Đất ba hiến chắc gì chính quyền địa phương thực hiện theo ý của ba? Có thể họ sẽ phân nền bán lấy tiền chia nhau bỏ túi. Nó tiếp với giọng hờn dỗi – Mà thôi, của ba mà, ba muốn giao cho ai thì tùy!
Cô út là giáo viên cấp 2 lên giọng mát mẻ:
– Các anh thiệt là…của ba cứ để ba tự quyết!
Tuy các con không ra mặt phản ứng việc phân chia tài sản, nhưng trong thâm tâm chúng không phục.
Anh cả định đứng lên, Thuận bảo:
– Các con ngồi lại một chút nữa đã. Đợi thằng cả ngồi lại vị trí cũ, Thuận đằng hắng mấy tiếng lấy giọng – Tuổi già ai cũng rất sợ cô đơn. Ý ba muốn những ngày tháng cuối đời được sống gần con cháu. Theo lẽ đời, ba phải ở với đứa con cả. Các con có ý kiến gì không?
Anh trai cả ngẫm ngợi một lúc, nói:
– Đành rằng là vậy, nhưng vợ chồng con bận suốt ngày, các cháu phải gửi vào nội trú, chắc không có thời gian rảnh rổi chăm sóc ba chu đáo. Hay là ba ở với chú hai vậy.
Thằng hai phản ứng ngay:
– Tài sản ba dành phần hơn cho anh, với lại anh là con cả phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Nếu anh viện lý do không có thời gian chăm sóc thì cô út. Dù sao con gái chăm sóc bố mẹ vẫn tốt hơn mà!
Cô út dẫy nẩy:
– Anh nói thế mà nghe được à. Con gái xuất giá tòng phu! Với lại thằng chồng em tính khí thất thường, không hợp với ba!.
Nghe các con tranh cãi, đứa nào cũng có cái lí của nó. Thuận không trách các con. Có lẽ chúng nó cũng như thế hệ của ông đã tiếp thu nền giáo dục phi nhân bản?! Thuận rất buồn ngẫm nghĩ, cả đời chắt góp thậm chí bán rẻ lương tâm, đánh đổi nhân cách mới được chút tài sản cho con, vậy mà chúng không những vô ơn mà còn thối thác trách nhiệm. Luật nhân quả báo ứng nhãn tiền? Thuận thở dài, giọng thật buồn:
– Các con đừng tranh cãi nữa. Ba mẹ đã hy sinh tất cả vì các con, đến cuối đời hy sinh thêm chút nữa cũng chẳng sao. Ba còn đủ khả năng tự quyết định lấy số phận. Chỉ mong các con sống hòa thuận, nuôi dạy con cái nên người là ba mừng, mẹ con cũng thanh thản cõi vĩnh hằng…
Chiếc xe đò bon bon chạy về bến miền Tây. Ngang qua núi Vọng thê, Thuận bảo tài xế dừng lại lối rẽ lên chùa Long Ẩn. Xuống xe, Thuận mang ba lô men theo con đường đất dẫn đến chân đồi.
Trời về chiều, gió từ miệt vườn thốc lên lồng lộng. Nhìn lên sườn đồi,Thuận không giấu được sự ngạc nhiên khi bắt gặp chùa Long Ẩn trần trụi phơi mình giữa trời xanh mây trắng. Phía sau lưng chùa, những chiếc máy ũi đang gầm rú xới tung một vạt rừng cây xanh. Thuận leo đến lưng chừng dốc thì gặp chú tiểu từ trên đi xuống. Thuận hỏi:
– Mô phật! Tại sao phải san ũi đất và đốn sạch cây cổ thụ trong khuôn viên chùa vậy chú?
Chú tiểu chùng giọng:
– Giáo hội cho xây lại chùa Long Ẩn làm khu du lịch tâm linh bác à. Mặc dù dự án này đã bị sư Khổng và đạo hữu trong vùng phản ứng quyết liệt, nhưng vẫn không lay chuyển nổi nghị quyết của Giáo hội, của chính quyền địa phương!
– Sư Khổng có trên chùa không?
– A di đà phật! Sư Khổng bị điều chuyển sang làm trụ trì một ngôi chùa miền trung du. Sư đã viên tịch, đến nay gần 2 tháng.
Thuận đứng lặng hướng nỗi buồn về phía chân trời xa ngái…
6/3/2023
Trần Quang Lộc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...