Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Chuyến đò đã vắng người sang

Chuyến đò đã vắng người sang

1. Vẫn những âm thanh đều đều từ chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường dội xuống. Tuy nhỏ nhưng trong đêm vắng lặng nó tích tắc tích tắc như tiếng nước dột mái nhà rơi vào xô hứng nước. Loan nằm chờ chồng không ngủ được khi đêm đã về khuya.
Từ ngày chồng lên chức phó giám đốc, chồng hay phải tiếp khách, tiếp khách là phải đi nhậu tối đêm, bận rộn triền miên nên chồng, tên là Phòng, không có thời gian ghi chép kỹ các khoản chi tiêu của vợ. Phòng ghi vào một file trên máy tính bàn. Chồng không ghi chi tiêu chi tiết thì chồng đưa tiền cho vợ theo khoán tuần. Loan không thích cái tính cách này của chồng, nhưng vẫn còn hơn không có tiền mà tiêu. Hơn những người phụ nữ khác ở chỗ đó. Chồng chỉ cật vấn Loan khi cô yêu cầu đưa thêm. Người ngoài nhìn vào ai cũng bảo Loan sướng, có chồng cấp tiền chu đáo. Ngoài ngoại hình cao ráo, nói năng từ tốn, nhã nhặn, chẳng mấy khi nghe thấy anh chồng nhà ấy to tiếng với vợ con bao giờ. Phòng kiếm được nhiều tiền, nhà đẹp, xe sang, vợ đẹp…mà không ai biết trong lòng Loan có hài lòng với cuộc sống cô đang có hay không? Gần đây Phòng hay về muộn. Số lần về muộn ngày một tăng nhiều lên. Có tuần kín cả bảy đêm. Loan manh nha hình như có điều gì khác lạ? Bản ngã đàn bà rất nhạy cảm. Bén nhạy như công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hoặc giống  công nghệ cảm ứng chạm vân tay.
2. Đêm mùa thu, gió mát dịu dàng luồn qua khung cửa nhỏ. Vành trăng sắp ngày rằm nghiêng nghiêng đổ ánh sáng vàng thanh nhã trên người hai mẹ con. Loan đang vỗ nựng cho con ngủ. Tiếng chim từ quy khoan nhặt có phần não nề trong đêm vắng. Hương hoa dạ hương thơm thoảng từ hàng cây bên hè phố trước cửa cũng ùa qua những song cửa nhỏ dâng đầy trong phòng, lẽ ra nó đem lại không gian lãng mạn, thì ngược lại với Loan nó càng làm cho sự trống vắng dâng dầy hơn. Đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Đã 12 giờ đêm chồng vẫn chưa về. Mặc dù không ở bên chồng Loan dễ chịu hơn. Không ở gần chồng thì cô không phải trả lời những câu hỏi nghe đến khó chịu từ chồng, nhưng Loan vẫn thấy sốt ruột không yên lòng. Loan đã ru đặt con ngủ. Rồi cô ra ghế gieo người vào lòng ghế thở dài chán nản. Tiếng kim đồng hồ như những giọt mưa buồn tẻ vẫn tí tách bên tai. Loan gục trên ghế, thiếp đi, chìm vào mộng mị. Mộng mị đưa cô trở về với những ngày tuổi học trò, những năm tháng như mơ, thấy mình đang cùng Hoàng và những người bạn nơi xóm bãi ôm cặp sách và đỡ tay nhau bước xuống đò để sang ngôi trường huyện bên kia sông. Vừa tới cái lúc Loan mộng mị tới cái cảnh Loan vờ trượt chân ngã thì Hoàng đã vội đưa tay ôm đỡ Loan, Loan cũng giơ tây ôm lấy cổ Hoàng, đúng cái cảnh ấy thì có tiếng xe con dừng trước ngõ bấm còi, làm Loan choàng tỉnh. Chồng rồi. Loan ra mở cửa. Phòng liêu xiêu bước vào nhà và va vào người cô mùi rượu Wishky nồng nặc trong hơi thở. Loan đỡ chồng dìu vào ghế sofa, Phòng hất tay vợ ra kiểu bất cần, Cử chỉ ấy làm Loan sốc ngán. Gần đây, thái độ của Phòng rất khác, cho dù anh có che đậy kỹ nhưng Loan vẫn nhận ra. Điện thoại thì đặt mật khẩu, đi đâu cũng lăm lăm mang theo như sợ ai giật mất. Hay lén lút nhắn tin, Loan không đọc nhưng Loan biết có điều gì đó không bình thường. Cuộc sống vốn tẻ nhạt lại càng thêm lạnh lẽo. Chả mấy khi vợ chồng có phút giây tâm sự, ngay cả khi ngồi chung bàn ăn. Có chuyện gì Loan muốn nói cùng chồng thì chồng chẳng mấy quan tâm, có khi lại dè bỉu, suy luận, chì chiết. Với Loan, chồng coi như mặc định, rằng anh ta lo cho cô có cuộc sống đủ đầy thế thì làm gì còn có chuyện quan trọng hơn nữa. Cũng không hiểu từ đâu chồng nhiễm đặc tính gia trưởng, cô chỉ được trả lời chứ không được hỏi. Loan cứ lặng lẽ như một cái bóng trong nhà.
Loan lấy gối kê dưới đầu chồng. Nâng hai chân anh lên sofa. Tháo giày cởi tất cho chồng. Để chồng ngủ ngoài phòng khách cho dã hết hơi rượu. Sợ động đánh thức anh ta anh ta lại la hét tướng lên mắng mỏ còn đau lòng hơn. Cô pha sẵn một cốc nước cam để ở bàn phòng chồng tỉnh dậy khát nước. Vào buồng ngủ. Nhìn con gái ngủ ngon lành Loan ứa nước mắt. Loan xếp gọn nửa giường phòng khi chồng vào có chỗ nằm. Đã có mấy lần muốn bước chân đi rồi Loan lại quay gót lại.
Người ta nói người Việt có rất nhiều thói xấu, trong đó điển hình là thói ích kỷ. Phòng  không thích vợ đi làm vì cô sẽ ở ngoài tầm kiểm soát của anh ta, anh ta chỉ muốn Loan quanh quẩn trong bốn bức tường và răm rắp nghe lời. Thời con gái Loan ham học, ham hiểu biết. Bố mẹ cùng là giáo viên nên rất ủng hộ con trong việc học. Cô học Đại học Xã hội và Nhân văn chuyên ngành báo chí. Rồi vui chân học văn bằng hai là ngành Luật khi chưa xin được việc làm. Một sự mối lái nào đó, hay tại duyên phận, Loan lấy chồng là Phòng, đang công tác ở Cục thuế tỉnh, bỏ lại cả mối tình dang dở trên dòng sông Thương. Dòng sông ấy chia đôi dòng, nửa ngậm ngùi thương cho số phận của Loan, nửa kia chia sẻ nỗi buồn thất vọng của Hoàng. Nhớ lại, trên bến sông chiều đó trời mưa tầm tã. Lần hẹn đó với Hoàng, người yêu Loan đã đợi mãi trên bến sông mà cô không về. Chỉ mình anh vẫn đứng dưới trời chiều đã chuyển sang đêm mưa. Ông lái đò giục mãi Hoàng mới chịu rời bến sông. Nhưng cũng chỉ sau tuần trăng mật Loan đã biết mình đã chọn lầm đường. Nhà cao, cửa rộng đấy, đời sống vưng giả đấy mà sao Loan thấy buồn đến thế. Cô đâu phải sinh ra để sống như một com chim nhốt trong lồng như thế này? Phòng đã bắt Loan ở nhà cho công việc nội trợ, rồi nuôi con. Loan đã mang thai ngay tháng đầu, và đó càng là cái cớ để Phòng yêu cầu cô không đi làm.
Phòng lớn lên trong một gia đình khá giả, bố làm ở phòng thuế. Xã hội coi cán bộ thuế là “rất trúng”. Bởi thế mới có giai thoại về ba ngành nghề dễ “kiếm chác” nhất trong đó có ngành thuế, được gọi là “của để trong dân”.
Dù học hành chắp vá song Phòng vẫn có công việc tốt, kiếm ra tiền. Con nối nghiệp cha. Phòng có dáng vẻ bề ngoài đạo mạo, nói năng nhỏ nhẹ nhưng hay xăm xoi. Anh có cách ứng xử trong quan hệ xã hội “không thân không sơ”,  từ cử chỉ đến lời nói lúc nào cũng có vẻ đề phòng người khác. Đối ngược với nước da trắng trẻo, gương mặt bụ mập của một người nhàn nhã, thì hàm răng Phòng quắp chặt, biểu thị phẩm chất của người quản lý tài chính chi tiêu rất tốt. Phòng tính toán tỉ mỉ, chi ly và rất chính xác các con số. Anh ta thường nói với vợ “- Văn hay chữ tốt có mài ra ăn được đâu, mơ mộng làm gì nhiều. Tiền tôi làm ra cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt đấy, cô liệu mà chi tiêu”.
Cứ sống lệ thuộc vào chồng theo quan niệm của Phòng thì thiếu bền vững, Loan sẽ không còn là Loan nữa, Loan quyết định phải đi làm khi bé Hà con Loan 2 tuổi. Tiền chồng làm ra nhiều nhưng cuộc sống của Loan khá vất vả. Từ ngày Loan đi làm, dù biết cô lương thấp, nhưng Phòng đã cắt một nửa số tiền vốn vẫn đưa cho Loan trước đây. Mọi chi tiêu trong gia đình cô luôn phải lo liệu. Anh còn yêu cầu cô mỗi tháng dành tiền biếu bố mẹ chồng gọi là tiền thuốc men, quà bánh. Phòng có sở thích ngắm tiền và lưu trữ số tài sản mình làm ra. Anh ta có quan niệm ai làm ra tiền thì có quyền cho họ hàng bên mình.Vì vậy, để sĩ diện với họ hàng về nhà nội lần nào anh cũng vung tiền không tiếc tay, nhưng đối với Loan thì anh “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Mọi chi tiêu lớn nhỏ Loan đều phải lo liệu. Nếu có dịp nào Phòng phải đưa cho Loan chút ít, thì cử chỉ cứ như bố thí ban phát.
Phòng lo nhất Loan đi làm là phải mang  y phục đẹp, thời trang “Son phấn – váy ví”. Loan nói với chồng em ăn mặc chỉn chu nơi công sở là làm mát mặt anh chứ. Nhưng Phòng lại nói đồng nghiệp của em chúng ngắm chứ đâu anh được ngắm? Thành thử Loan không dám là quần áo khi có Phòng ở nhà. Thoa chút son phấn phải giấu diếm như đi ăn trộm. Nếu Phòng bắt gặp là bóng gió cô đi với đứa nào mà phải tô vẽ. Loan coi những năm làm vợ Phòng là cuộc sống không tình yêu, và nó cứ lặng lẽ trôi đi. Thực ra ở cuộc đời này “Hạnh phúc là cái được tương đối – Bất hạnh cũng là cố tìm cái được tương đối”.
3. Khởi đầu Loan được tuyển dụng vào làm việc cho một công ty có tên Y & Z, là làm tạp vụ thuộc phòng hành chính. Hai tháng sau giám đốc vô tình gặp một cô gái ưa nhìn – là Loan – đang lau hành lang, ở túi áo trước bụng chiếc áo tạp dề có để hai cuốn sách dày nặng trễ, kéo trễ cả cổ chiếc áo phông đen hở vồng ngực đầy đặn. Giám đốc ngạc nhiên dừng lại hỏi, và yêu cầu Loan lấy sách ra cho ông xem. Đó là hai cuốn, một là cuốn học Tiếng Anh chương trình TOEFL. Hai là cuốn Luật Sở hữu Trí tuệ, cùng một quyển mỏng Hiệp định EVAFTA. Giám đốc giật mình, hỏi chuyện, mới biết Loan có hai bằng cử nhân Báo chí và Luật. Ông chỉ thị ngay cho phòng tổ chức chuyển Loan lên phòng thư ký. Loan được giao công việc giúp giám đốc lập kế hoạch, soạn thảo văn bản, làm truyền thông và tư vấn pháp luật cho hợp đồng các dự án. Với trình độ và kiến thức ấy, Loan thường được Giám đốc yêu cầu cùng tiếp khách tại công ty, hoặc đi tiếp khách với ông với đối tác bên ngoài công ty, bởi phong cách chững chạc, lịch lãm, lại am hiểu về luật pháp kinh tế – xã hội nên có mấy lần ký hợp đồng cô đã tư vấn tránh cho công ty những rủi ro trong những điều khỏa hợp đồng khi thương thảo. Trong những cuộc tiếp, đối tác rất hâm mộ Loan, bởi cô có những luận chứng kinh tế cũng như xã hội học khá sắc xảo. Đôi khi Loan còn dùng tiếng Anh để miêu tả trong những trường hợp chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành công nghiệp phụ trợ, bởi công ty Loan làm là Doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đầu tư tại khu công nghiệp ở địa phương. Sự thực thì Loan có xinh gái, cũng là một điểm cộng,
4. Chỉ có đàn ông ích kỷ như Phòng mới kìm hãm tài năng của phụ nữ, nhất là người phụ nữ ấy là vợ mình. Lẽ ra phải tự hào. Trong khi ông giám đốc công ty Y & Z thì lại đã nhìn ra khả năng bẩm sinh cộng nỗ lực sáng tạo riêng của Loan, nên tin dùng, trân trọng, và…có mong muốn chinh phục.
Ông nhờ người tìm hiểu nhân thân của Loan. Biết được cá tính của chồng Loan. Thói xấu của anh ta. Những bức bối trong môi trường gia đình Loan đang sống…Tất cả đều không thuộc cuộc sống tốt đẹp viên mãn. Ông giám đốc nghĩ rằng đây chính là vết rạn nứt của một bức tường, cân bằng không bền, chỉ tác động một lực nhỏ là đủ đánh đổ sập tường. Sự gắn bó tình chồng vợ của Loan rất chênh vênh, mong manh như tờ giấy bản ướt ẩm, động mạnh là rách tươm.
Có một phụ nữ như Loan cặp bồ rất đáng để giành giật. Giám đốc là người biết cách chinh phục phụ nữ. Ông quan tâm tới Loan với tư cách ông chủ với nhân viên có năng lực mà không ai có thể ganh tỵ được. Lại như người cha chăm cho con đảm cộng việc cũng chẳng phải là sai trái. Và có thân thiết như anh em cũng là lẽ thường.
Một năm làm việc tại Công ty Y & Z đã dạy cho Loan kỹ năng để sinh tồn. Những giới hạn có thể giữa cô và cấp trên cùng các đồng nghiệp. Và Loan cũng không quên những gì gọi là bổn phận.
Vào một buổi chiều, Giám đốc nhờ Loan cùng ông đi mua hộ một bó hoa. Mua hoa xong giám đốc mời Loan vào một tiệm cà phê. Tại đây ông tặng Loan bởi hôm nay là sinh nhật cô. Cô giật mình sao mình lại không nhớ sự kiện này nhỉ? Quan hệ với chồng không suôn sẻ làm cô sao nhãng nhiều thứ. Loan cảm động nhận bó hoa từ tay giám đốc, và nhận một cái ôm hôn vào má nồng ấm. Cái hôn ấy nhắc nhớ cô việc đón con. Trễ 15 phút.
Loan cảm ơn giám đốc và xin lỗi ông phải về đón con ở trường mẫu giáo. Giám đốc không cản, đưa Loan trở lại Công ty lấy xe máy. Cũng không hiểu tại sao Loan lại cảm ơn lần nữa và hôn lên má trái ông, cô bỗng cảm nhận Giám đốc vừa đáng kính lại vừa đáng yêu.
Loan phi xe về nhà cô giáo. Đã quy ước nếu Loan về trễ thì nhờ cô đưa Hà về nhà cô. Hà ngồi sau xe ôm hoa cho mẹ. Vừa về đến cổng đã gặp ngay vẻ mặt cau có của chồng. Hai hàm răng rít lại, chì chiết:
– Cô tích cực việc cơ quan gớm nhỉ. Hay hẹn hò với thằng nào mà về muộn thế, quên cả việc đón con. Cái loại mẹ bỏ được con đi cả ngày có xứng đáng không?
Chồng đã quá lời. Loan không nói gì. Cô lặng lẽ đi nấu cơm. Nếu như hôm nay Phòng bắt gặp ở quán cà phê thì quá dở vì tình ngay lý gian. Loan rùng mình. Phòng tiếp tục đay nghiến:
– Cô thật không xứng đáng làm mẹ!
– Em cũng có công việc, sao anh nỡ xúc phạm em thế? – cô đáp lại mà lòng không cảm xúc.
Có lẽ Phòng cũng thấy mình vô lý, anh ta lặng lẽ bỏ lên phòng ôm lấy cái ti vi. Phòng ngày càng béo lên, dáng đi bắt đầu nặng nề chắc nịch từng bước giống như việc anh ta khư khư ôm túi tiền chỉ lo Loan rút trộm.
Mẹ chồng Loan cũng giống tính con trai chồng cô, xem thường những người xuất thân từ nhà quê như Loan. Có lần đến chơi bà còn bảo với Loan:
– Phải cảnh giác với bọn nhà quê, bọn đó hay ăn cắp vặt lắm đấy.
Chồng Loan phù họa:
– Đúng đấy mẹ ạ, con về quê ngoại lúc nào cũng chỉ lo mất cắp. Lũ trẻ con cứ xúm vào cái ô tô, con chỉ lo xước sơn, mấy đứa trẻ tay đen nhẻm còn cầm cả sỏi, nó mà vạch cho mấy nhát là mình mất cả triệu như chơi.
Rồi Phòng nhìn Loan, nói với mẹ:
– Con không thích cho bé Hà về quê ngoại. Toàn bờ sông, bãi sú, cỏ rác ghê chết đi được!
Nước mắt Loan ứa lưng tròng. Bố mẹ Loan nhiều khi muốn lên thăm cháu cũng ngại con rể. Bước đi ban đầu sai như kéo theo cả chặng đường đời gập ghềnh lỗi nhịp. Ta làm sao bây giờ?
5. Loan không đi lối đường quốc lộ. Về quê, cô đi vòng theo lối con đê mềm mại uốn quanh dòng sông Thương thơ mộng. Xuống xe. Loan dắt bé Hà xuống đò. Sang bên kia sông là về đến làng có căn nhà bố mẹ Loan ở đó.
Vẫn cảnh xưa xóm nhỏ thấp thoáng bên kia sông màu xanh bờ bãi. Tại sao ngày xưa Loan lại từ bỏ ước mơ. Ông lái đò vẫn nhận ra Loan lại nhắc chuyện cũ.  Xưa Loan và Hoàng yêu nhau cả cái xóm ven sông đều biết. Ai cũng khen hai đứa đẹp đôi. Thằng Hoàng chăm chỉ hiền lành, con Loan dịu dàng nết na, cả hai cùng học giỏi, là niềm tự hào của cả xóm bãi.
Biết tin Loan lấy chồng Hoàng sau khi học Đại học mỏ đã xách ba lô vào Nam lập nghiệp. Ông lái đò cho hay mới tháng trước Hoàng có đưa vợ con về thăm quê, cô vợ người thành phố nhưng có vẻ cũng hiếu thảo và gần gũi lắm. Chiều nào hai vợ chồng cũng đưa con ra bờ sông hóng mát.
Cũng chuyến đò này nhưng người xưa đã vắng xa. Bao kỷ niệm trên bến sông này Loan vẫn còn cất giữ. Vậy mà sao cô nỡ rời xa? Loan không dám hỏi thăm thêm ông lái đò nữa. Mỗi lần về quê Loan cũng tỏ ra mình đang hạnh phúc cho bố mẹ an lòng. Và với bà con hàng xóm láng giềng cũng thế. Bao suy nghĩ ngổn ngang. Nhiều lần trước về quê Phòng thường lấy cớ bận công việc không ở lại lâu hơn để về cùng hai mẹ con.
Bóng chiều hắt xuống dòng sông ánh lên lấp lánh. Những khóm lục bình  xanh biếc dát đầy ánh sáng hoàng hôn. Những lồng bè nuôi cá chia ô như bàn cờ  nổi bồng bềnh trên triền sông nhìn xa lung linh như gấm dệt. Dòng sông mùa thu trong trẻo quá, bình yên quá. Loan nhìn thấy bóng mình in vào đáy nước. Lại nhớ tuổi học trò. Nhớ Hoàng. Man mác buồn cho mình.
Bỗng bé Hà reo lên thích thú:
– Đẹp quá mẹ ơi! – Ấy là khi có khóm lục bình lướt qua mạn thuyền có bông hoa tím biếc. – Con rất thích, chỉ về quê mới được đi đò, lâu lắm mẹ con mình chưa về thăm ông bà ngoại nhỉ?
Bóng hai mẹ con ngả dài trên bến sông. Đứng lặng, Loan ngắm nhìn lại  bến sông xưa, thầm thương con đò đơn lẻ. Thương phận mình cũng lẻ loi. Hình ảnh những chuyến đò xưa đầy ắp tiếng cười loang vào dòng nước đã xa tít tắp rồi. Loan giơ tay vẫy chào ông lái đò.
Chuyến đò nay đã vắng người sang!.
3/3/2023
Vũ Lệ Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...