Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Người làm xanh mãi miền xưa

Người làm xanh mãi miền xưa

Khoảng đầu tháng 4 năm 2022, tôi đang mải ngồi viết bài báo thì nhận được được điện thoại của Nguyễn Minh Nguyệt từ Vũng Tàu gọi, bảo có rỗi không chuyện một lúc. Thì ra là chuyện làm sách.
Hơi bất ngờ, ba bốn chục năm nay, xem sách báo văn nghệ thỉnh thoảng vẫn thấy cái tên Nguyễn Minh Nguyệt xuất hiện, thưa thoáng thôi, khi là bài thơ khi khác một cái tản văn, của một người nữ giàu thương nhớ, đa mang, thổn thức nơi đất khách quê người… Chúng tôi thoảng hoặc lắm mới liên lạc, hay vài ba lần bạn cũ túm tụm cà phê ở Thành Vinh, nhưng đã có bao giờ bạn nêu vấn đề in sách, xuất bản sách cho riêng mình đâu?!
Liền sau đấy, Nguyễn Minh Nguyệt gửi qua email ra cho tôi phần thơ gần 80 bài. Lần đầu tiên, tôi được đọc thơ bạn nhiều đến thế, và cũng lần đầu, dẫu chỉ lướt qua, tôi đã nhận ra “chất riêng”, “tạng riêng” đáng trân trọng trong loạt thơ này. Theo thói quen, tôi chọn một chùm cùng cái ảnh Nguyệt đang ngồi bên nhà thơ Lê Huy Mậu tại nhà riêng của ông ở thành phố Vũng Tàu, rồi đưa ngay lên trang Facebook cá nhân, cùng với mấy lời bộc bạch:
“Chúng tôi là bạn học cấp 1 thời sơ tán suốt những năm tháng dài của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Cho đến ngày Đất Nước ta Thống nhất, năm 1975, tốt nghiệp phổ thông, mỗi đứa mỗi ngả. Nguyệt ra Hà Nội học Trường Đại học Ngoại ngữ, rồi vào phương Nam lập nghiệp, định cư suốt hơn 40 năm nơi Thành phố Vũng Tàu “duyên nợ” tràn ngập nắng gió và biển… Là tác giả của nhiều bài thơ, tản bút gắn với đời thường dung dị, giàu yêu thương, nhạy cảm và lòng trắc ẩn, một số tác phẩm thơ, văn của bạn được chọn, giới thiệu trên sách báo trong nước.   Nguyệt có điều kiện đi nhiều, trải nghiệm rất nhiều góc khuất, rồi lặng lẽ viết ra như một sự dãi bày khó cưỡng lại nổi. Một điều tôi lấy làm lạ và rất nể phục, là cho đến tận bây giờ, bạn chưa là hội viên của bất cứ đoàn thể, tổ chức, hội hè văn nghệ nào từ trung ương xuống tới địa phương. Cho dù với Nguyệt, tôi biết, để vào vào một nơi nào đó không khó; thậm chí Nguyệt đã phải từ chối, để thật thanh thản, thật vô tư mà đi và viết”.
Không ngờ, mấy lời trần tình kể trên, cùng chùm thơ bốn bài (Cà phê sáng cùng bạn, Ngày Cha đi, Cháu tròn một tuổi, Thơ tặng bạn thời thơ ấu) đã tạo được sức tác động, lan tỏa trong đám bạn bè, đồng nghiệp xa gần của tôi. Nhà thơ Đỗ Bạch Mai (Hà Nội) viết sau khi đọc: “Chùm thơ giản dị mà chân thành, như chính cuộc đời!”. Nhà thơ Lam Hà (Nghệ An) ghi: “Chùm thơ chân chất, mà giăng mắc được những tình cảm hồn hậu đến là tinh tế”. Chị Kim Cúc, một hội viên thơ của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An: “Thơ Minh Nguyệt chân thành và giàu xúc động…”. Nhìn chung, dù chỉ qua một chùm thơ ít ỏi, người đọc đã thấy khá rõ ở thơ Minh Nguyệt cái tâm sáng, rõ nét đối với quê hương, con người, thiên nhiên; tình nghĩa đối với mảnh đất Nghệ An quê hương, và rồi không chỉ dừng lại ở đó!
Bài thơ “Có một Thành Vinh”, có đoạn tác giả hồ hởi kể mà sao ta thấy ngậm ngùi:
Có một Thành Vinh em kể với anh
Ràn rạt gió Lào trưa hè nắng đổ
Mẹ ngóng chờ em bên khung cửa nhỏ
Đứa tre lấm lem mót khoai, cất tép bên đồng.
Có một Thành Vinh anh biết không
Bom đạn chiến tranh hoang tàn, đổ nát
Mùa mưa bão nhà chỗ nào cũng dột
Nheo nhóc đàn con, cha nén tiếng thở dài…
Đã gặp trong thơ Cha và Mẹ, hai nhận vật này cứ trở đi trở lại nhiều lần trong cả thơ lẫn văn Minh Nguyệt, gây ám ảnh khôn nguôi tới bạn đọc. Bài thơ “Ngày Cha đi”, tác giả mở đầu đã xa xót:
Cha đi một sáng tháng Năm
Nắng hè trút lửa đăm đăm quê nghèo
Con về xóm nhỏ đìu hiu
Xé lòng tiếng khóc bao nhiêu nỗi niềm!
Nhưng rồi, đau buồn cũng phải qua đi nhường bước cho cuộc sống với bao nhiêu cung bậc tình cảm khác nhau. Tôi thích cái tình đằm thắm, dân dã, man mác, cái duyên bạn bè trong bài thơ “Cà phê sáng cũng bạn quê”:
Sông Lam một dải trong xanh
Tình người xứ Nghệ mông mênh biển trời
Dẫu xa xôi mấy, người ơi
Thì lòng vẫn hướng về nơi cội nguồn.
Quê nghèo tình nghĩa thảo thơm
Nâng bàn chân bước vững hơn với đời
Cảm ơn bạn đã vào chơi
Mang dùm tôi cả đất, trời Thành Vinh!
Tác phẩm “Xanh mãi miền xưa” của Nguyễn Minh Nguyệt
Không muốn liệt kê nhiều câu thơ bạn ở đây. Người đọc bây giờ “khôn” lắm, đôi khi chỉ qua dăm câu thơ màu mè thì thinh thích, nhưng đến khi đọc thật sự vào, rất có thể họ sẽ… thất vọng. Tôi chỉ muốn nói rằng, bạn tôi đã thành thật mỗi khi cầm bút, đã có đủ chất liệu và kỹ thuật “tối giản” giúp thơ (cả nhiều bài tản văn của bạn nữa) có một chỗ đứng khiêm tốn trong số những cây bút nữ quê hương; một tiếng nói thầm thì, nhạy cảm, thông minh và bản lĩnh, khó lẫn với một ai khác?!
Vài lần trò chuyện qua điện thoại, biết thêm chuyện đời, chuyện văn của bạn, cũng là dịp giúp tôi hiểu sâu thêm những trang bản thảo “Xanh mãi miền xưa”. Nguyệt kể hồi còn sống, cha mình hay can con gái đừng bao giờ dính líu đến văn chương, thi phú. Tâm hồn giản đơn thì sống dễ hạnh phúc. Có lẽ, lời khuyên ấy rút ra từ đời cha mình? Quả thật, người viết văn thường có tâm hồn nhạy cảm hơn những người khác, nên cuộc sống họ cũng nhiều sóng gió, ít bình lặng. Dù quan niệm thơ văn rút cuộc chỉ là một “cuộc chơi”, Nguyễn Minh Nguyệt cũng đã phải dành “lắm công phu” cho nó. Mình là người hay hoài cổ – bạn nói, vì thế mình hay nâng niu, trân trọng kỷ niệm xưa cũ. Với thơ hay tản văn, với mình đều là ngẫu hứng. Thích thì viết, chủ yếu để ghi nhớ, dãi bày, chia sẻ. Hiếm khi mình “chạy” theo cách tân, rắc rối này nọ như nhiều cây bút cùng trang lứa, để cho có vể “tân kỳ”. Trước sau, chỉ đi theo dòng thơ truyền thống, lấy Tâm truyền Tâm, theo cách của nhà Phật. Đấy, cũng là chuyện “bình thường” mà nhiều bậc đàn anh đàn chị đã làm, cùng nhiều bạn trẻ đang làm, có thành tựu, được bạn đọc văn chương chấp nhận đấy thôi.
Nghe kể, hồi 16 tuổi, ấy là vào năm 1974 đang học gần cuối bậc phổ thông, Nguyệt viết bài thơ đầu tiên của đời mình; phải mãi 20 năm sau, năm 1994, bài thơ đầu tiên mới được đăng tạp chí Du lịch Vũng Tàu. Thơ thì vậy, còn tản văn mãi đến năm 2010 mới đặt bút viết. Cứ vùng đất, địa danh nào đặt chân đến làm tim mình rung động, thì viết. Một số vũng đất cứ trở đi trở lại, viết đi viết lại nhiều lần, mỗi lần đều có thêm cái mới mẻ, cái thích thú không lặp lại, như Vinh, Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn, nhất là Vũng Tàu… Đã có thơ, tản văn đăng Tạp chí Sông Lam, Báo Nghệ An cuối tuần ở quê hương, cùng nhiều báo chí văn hóa văn nghệ các địa phương khác trong đó có Báo Văn Nghệ Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Một số cuốn tuyển chọn như “Nửa Thế kỷ thơ của 50 tác giả ngành Dầu khí” (NXB. Thanh Niên, 2011), “Bay đi Bồ công anh” (Tản văn, NXB. Hội Nhà văn, 2020), “Những bông hoa núi” (Tản văn, bút ký. NXB. Hội Nhà văn, ?), “Vinh, trong ký ức” (Hồi ức, tản văn, thơ. NXB. Nghệ An, 2020),… Phần lớn thơ văn được chọn in ít khi bạn chủ động gửi, mà do những người làm sách thấy hay, thấy phù hợp liền gọi xin, hoặc cứ thế lấy dùng. Ở nước mình, đấy cũng là chuyện bình thường!
Bản thảo cuốn “Xanh mãi miền xưa” gói lại trong nó 43 bài thơ và 22 bài tản văn, chọn trong số rất nhiều thơ, văn Nguyễn Minh Nguyệt viết ra trong quang thời gian gần 50 năm, tính từ bài thơ đầu tiên.Thơ và tản văn của bạn tuy hai thể loại khác nhau, nhưng gần gũi nhau trong thế giới tình cảm, chúng liên quan và bổ sung cho nhau. Thơ hàm súc, không nói xuể thì tản văn bù vào; tản văn miên man, có nhiều chỗ gần với báo chí, thì lại có ưu thế nói được kỹ, nói hết những gì bản thân tác giả thấy lạ lẫm, thú vị, đan xen với hồi ức có thể nhảy ùa vào bất chợt…
Đọc các bài “Mẹ tôi và chiếc xe đạp Thống Nhất”, “Hà Nội trong tôi”, “Trở về trường xưa”, hay “Duyên nợ nước Nga”, “Những người hát rong”, và nhất là “Vũng Tàu, thành phố tôi yêu”, bạn sẽ thấy một điều, là nếu chỉ tập trung đi thật sâu vào tản văn, không khéo bạn tôi sẽ thành một “cây” viết tản văn đáng nể cũng nên? Nguyệt bảo, đời mình chỉ làm một cuốn này thôi, chỉ xin giấy phép xuất bản tại một nhà xuất bản tỉnh nhà, và ra mắt đúng vào đầu năm 2023, là năm Nguyệt bước vào tuổi 65. À, thì ra con số cộng của 43 bài thơ và 22 bài tản văn đúng bằng tuổi của bạn năm tới. Chợt nhiên, muốn ngoái về tuổi thơ ấu nghịch ngộ. Bọn tôi sơ tán theo gia đình, học cấp 1 cấp 2 ở xã Nghi Phú rồi Nghi Đức của huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Chiến tranh vất vả, thiếu thốn, chết chóc là thế mà lũ chúng tôi vẫn vui đùa theo kiểu trẻ con, sống đằm mình trong ruộng vườn, chợ búa, tập tục của bà con nông thôn theo Công giáo vùng đó.
Hồi ấy, trong trí nhớ của tôi, Nguyệt nhỏ nhắn, mảnh mai, có chiếc răng khểnh, mỗi lần bọn bạn bè chơi trò “ghép đôi” là cô bé ấy ngồi thụp xuống, che mặt khóc tức tưởi. Ngày ấy đâu đã dám mạnh bạo, quyết đoán, tung tẩy như bây giờ. Nói vậy thôi, chứ sâu thẳm trong con người đã vào tuổi Thu cuộc đời ấy, chắc vẫn còn e ấp một “khoảng lặng thầm” xôn xao: “Đôi khi muốn về chốn cũ/ Lặng thầm nhặt nhánh Thu rơi/ Mà sợ lòng mình lá đổ/ Đông sang gió lạnh tơi bời…”. (Thu qua). Nghiền ngẫm sách vở, theo đuổi nghề nghiệp, rồi đi qua rất nhiều vùng đất quen và lạ, gặp rất nhiều con người thân và sơ, trải bao hy vọng và thất vọng, té ra đấy lại là một cách bạn tôi đi – tìm – chính – mình: “Bâng quơ tôi đi tìm tôi/ Cỏ vương lối mòn xưa cũ/Ai cất dùm tôi mảnh nhớ/ Chỉ là một chút bâng quơ”.
Bạn đã tìm ra mình chưa ở tập sách này? Điều khiến tôi quan tâm là Nguyệt làm thơ theo thể lục bát dân tộc khá có duyên. Vào tháng 4 năm 2022, nghĩa là mới đây thôi, bài thơ “Lời ru tháng Tư” ra đời, tôi cho là một trong những bài thơ lục bát hay, tiêu biểu cho “lối thơ” của Nguyễn Minh Nguyệt: đằm thắm, du dương, trải nghiệm, và xao xác buồn! Hai câu cuối bài: “Nếu còn được nghĩ về nhau/ Xin làm ngọn gió dãi dầu muôn phương”. À, thì ra được nghĩ về nhau cũng đâu có dễ nhỉ. Thơ văn bạn viết ra, tận trong tâm cảm thuở ấy tới giờ, tôi nghĩ, cũng chính là “ngọn gió dãi dầu muôn phương” đó rồi. Ngọn gió hào phóng đi khắp nơi để thăm thú, để trải nghiệm, và hình như cả để đánh thức bao nhiêu kỷ niệm con người đang ngủ vùi theo năm tháng…
Xin chúc mừng, và mong cứ Xanh – Mãi – Miền – Xưa, bạn nhé!.
4/3/2023
Nguyễn Văn Hùng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...