Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Nửa thế kỷ những dòng nhật ký chiến trường của Bùi Kim Đỉnh

Nửa thế kỷ những dòng nhật ký
chiến trường của Bùi Kim Đỉnh

Hơn 10 năm trước, chiều 29-4-2012, tôi nhận được điện thoại của một người bạn giáo viên. Cô ấy bảo rằng vừa gửi tôi bản thảo một tập nhật ký rất đặc biệt và thêm lời dặn tha thiết: Anh hãy đọc ngay để hiểu thêm về một thế hệ cầm súng đánh giặc giữ nước. Đó là lý do đầu tiên để tôi được tiếp cận cuốn nhật ký chiến trường của Liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh cùng hình ảnh những trang bản thảo chép tay nhòe nét mực…
Trong chúng ta, chắc nhiều người còn nhớ, trước cuốn nhật ký của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh – người con ưu tú của đất Tổ Hùng Vương, tuổi trẻ cả nước đã dấy lên đợt “sinh hoạt chính trị” về lý tưởng và khát vọng cống hiến của thanh niên khi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký bằng thơ của Lê Xuân Đĩnh – những anh hùng thời chống Mỹ cứu nước cùng với các cuốn sách như “Những bức thư tình thời chiến”, “Tài hoa ra trận”… được xuất bản. Cũng háo hức như khi đọc sách Mãi mãi tuổi hai mươi, đêm ấy tôi đã “ngấu nghiến” một mạch tới sáng 364 trang nhật ký của Bùi Kim Đỉnh, được anh viết từ ngày 13-4-1964 đến ngày 16-3-1972!
Việt Nam là đất nước anh hùng. Thế hệ cha anh đã truyền cho thanh niên thời chống Mỹ hào khí Trường Sơn, khát vọng cầm súng để họ nhận thức tự giác về trách nhiệm của tuổi trẻ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” (Lê Mã Lương). Trường Sơn như là điểm hẹn, là nơi thử thách tuổi trẻ Việt Nam, dù có gian khổ, hy sinh nhưng luôn phơi phới lạc quan: Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó là chưa hiểu mình (Tố Hữu), “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” (Phạm Tiến Duật)…
Cuốn nhật ký của anh Bùi Kim Đỉnh đầy ắp thông tin hào hùng mà không kém phần lãng mạn với những sự kiện, những dòng suy tư, trải nghiệm trong cuộc đời người lính. Khi dằn vặt, khát khao, day dứt; lúc khắc khoải, thiết tha mà phơi phới yêu đời về một thời kỳ vừa hào hùng, vừa bi tráng của dân tộc. Đôi khi anh có những câu thơ bất chợt đầy lãng mạn: “Đường ta đi đẹp vô cùng/ Nghìn năm luyện bước, anh hùng là đây!”
Bùi Kim Đỉnh sinh ngày 03-6-1944, là người con cả trong một gia đình có mười người con ở xóm Hòa Bình – Thanh Miếu- Việt Trì. Thân sinh anh là cụ Bùi Văn Vưu. Anh Đỉnh nhập ngũ ngày 4-8-1964, trước một ngày Đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ” để mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ba năm đầu, anh là lính thông tin vô tuyến điện, sau là lính trinh sát pháo binh của Sư đoàn 308 anh hùng. Ròng rã trong tám năm luyện rèn và chiến đấu từ đất mẹ Phú Thọ, đến Tuyên Quang, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, rồi tham chiến chiến dịch Đường 9, Khe Sanh, Nam Lào, Quảng Trị. Bùi Kim Đỉnh đã góp “máu và hoa” cùng đồng đội làm nên bài ca Thành Cổ bất tử. Anh hy sinh ngày 04-6-1972 – ngày mà mười năm trước, Chính phủ có quyết định thành lập khu công nghiệp Việt Trì – tiền thân của thành phố lễ hội ngày nay!
Đọc nhật ký của anh thấy toát lên tâm thế của người công dân trẻ yêu nước, nhất quyết đi đánh giặc giữ nước, dù phải gian khổ, hy sinh. Những dòng anh viết như là lẽ sống tất yếu của tuổi trẻ: “Mình bơi vào cuộc sống với nhịp thở đang nghẹt của đồng bào hai miền…Những người trẻ tuổi đã biết hiến thân, hiến sức với bầu máu nóng và thớ thịt căng da với cả một tấm lòng trong đẹp và ý chí kiên cường. Một tâm hồn nồng cháy, hồn nhiên của tuổi thanh xuân…”. “Thầy mẹ biết không? Con đang đánh nhau ở Khe Sanh…Thầy mẹ nghe đài có lẽ cũng thấy chiến công lừng lẫy ở Khe Sanh. Song thầy mẹ cũng không thể ngờ rằng, trong đó có bàn tay con tham chiến…Hứa với thầy mẹ, con sẽ là một người con ngoan của gia đình, là một đảng viên ưu tú của Đảng”. “Hôm nay, trong xã hội ta, sầu muộn, buồn phiền không thể chồng làm gối hoặc thổi làm cơm được, mà ta phải biến sầu muộn, ưu tư đó thành sức mạnh quật ngã bọn Mỹ xâm lược”.
Rắn rỏi, quyết tâm là thế nhưng Bùi Kim Đỉnh cũng là người trai có tâm hồn, luôn tràn đầy khát vọng sống và yêu, luôn lãng mạn, mơ màng với những trang viết chân thực, xúc động và sâu lắng về tình yêu, bạn bè, quê hương. Những giấc mơ của anh với người yêu, đọc lại trong hòa bình như cổ tích về một thời bom đạn: “Chúng tôi tới rạp xi nê cùng nhau xem bộ phim “Hai người từ biệt con sông lớn”. Khi về hai người tranh luận nhau mãi về cuộc yêu đương của cặp tình nhân ấy. Hết chuyện phim rồi tới cuộc đời. Tôi hỏi V: “ Anh chẳng có địa vị gì trong xã hội, tại sao V… lại yêu anh nhỉ ?” V… lườm tôi trả lời: “ Anh cho em là cô gái thế nào mà lại hỏi em thế ? Em có địa vị gì đâu nào? Đối với anh đó là tình cảm xuất phát từ đáy lòng em anh ạ! Từ nay em cấm anh được suy nghĩ như thế đấy nhé! Thế thì tình yêu mới chung thủy chứ anh. Hơn nữa anh bảo em yêu ai? Lấy một người lương cao, địa vị để sống nhờ vả về đồng lương, hưởng nhờ địa vị của người ta ư? Để họ khinh rẻ em ư ! Để trong tình cảm vợ chồng, em sẽ bị trở thành một con Sen hầu hạ của họ ư? Anh ạ! Yêu anh vì em hiểu anh. Anh tuy là một người bình thường nhưng thông minh và độ lượng. Và anh biết yêu! Thế thôi! Đủ lắm rồi. Đối với em, yêu như thế là thỏa mãn. Còn tiền, còn địa vị xin nhường chị em khác”.
Tâm hồn nhạy cảm, có lẽ Bùi Kim Đỉnh cũng dễ nhớ nhung, buồn tủi, hay vui, giận bất thường, chưa bày tỏ được với ai thì anh giấu lòng mình vào nhật ký. Hãy đọc những trải lòng của anh: “Tôi chỉ nghĩ cố gắng làm sao để được về nhà vài ngày. Nhưng làm sao được nhỉ? Bỏ hàng ngũ để về ư? Không được! Vậy phải làm sao để về được? Có Trời mà giải quyết được! Thôi! Đành chôn vào đáy lòng vậy. Đáy lòng người lính trẻ đã phải chứa bao là phiền muộn, ưu tư…”.“Đi lấy củi về mà mình cảm thấy buồn tủi khôn cùng. Nỗi buồn man mác tự nhiên xô đến xâm chiếm lòng mình. Thế rồi nước mắt cứ muốn trào ra. Sao lúc này mình cảm thấy đớn hèn thế? Có còn là Kim Đỉnh nữa không?… Hãy lấy gương ra coi lại khuôn mi mặt đi? Mi là đảng viên cộng sản kia mà? Thế là tự nhiên ta lại vùng dậy bước đi cùng đồng đội. Hãy bặm môi, nín thở lại, thở thật sâu. Những bước đi lại vững trãi dần tuy chân vẫn còn mỏi”…
Một người đồng đội, đồng hương của anh – thương binh Lê Diên Quynh ở xã Thanh Đình, đã kể tường tận về trường hợp hy sinh của Bùi Kim Đỉnh trong bức thư đề ngày ngày 1-8-1972 gửi gia đình liệt sĩ: “-Thưa gia đình! Hôm 5/5/1972 (theo dương lịch), tức là ngày 24/4 (theo âm lịch), trời mưa, chúng cháu ra sông Ba Lòng, quan sát mức nước để báo cho đơn vị qua sông. Đấy là một bến phà quan trọng, địch hay bắn phá. Thời gian này, Quảng Trị đã hoàn toàn giải phóng; đơn vị chuẩn bị vào nhận nhiệm vụ bên trong. Khi trời vừa tạnh mưa thì máy bay bay tới và thả bom. Chỉ có một loạt bom thôi, ba người bị thương, nhưng Đỉnh bị nặng hơn cả. Anh có hai vết thương: Một vết ở cổ tay phải chảy nhiều máu; một vết ở bả vai lưng nhưng thấu phổi, vết này nặng nhất. Khi chúng cháu đến, Đỉnh còn dặn: Mang tao về trạm cấp cứu ngay! Khi ấy cháu còn bón cho Đỉnh mấy viên thuốc bổ tăng lực. Cháu và một cậu Hà Tây khênh Đỉnh về trận địa cao xạ, nhờ y sĩ ra cấp cứu. Đồng chí ấy tiêm thuốc và băng bó tiếp cho Đỉnh. Đỉnh vẫn tỉnh táo nhưng kêu khó thở. Sau khi băng bó xong, Đỉnh dặn cháu: “Nhớ lấy địa chỉ của bố tao trong ba lô và báo tin cho bố tao. Ông Bùi Văn Vưu… nhé. Cho tao gửi lời chào tất cả anh em.” Sau đó, Đỉnh vẫn rất tỉnh táo. Cháu khênh về trạm cứu thương. Dọc đường đi, Đỉnh kêu khó thở (vì không khí vào qua vết thương). Lúc 12 giờ 15 phút, Bùi Kim Đỉnh hy sinh! Kể từ lúc bị thương tới lúc đó là 2 giờ 15 phút. Vì còn thương binh phía sau, cháu chỉ kịp tìm cho Đỉnh một túi ni lông to (túi tử sĩ). Khi đi qua thi hài Đỉnh, mắt anh đã nhắm. Cháu vuốt mắt anh lần cuối và đau lòng từ giã người đồng chí thân yêu. Hôm ấy, Đỉnh được anh em chôn cất ở cao điểm 38, cách thị xã Quảng Trị về phía Tây 8 km. Ở đó đã có những đồng đội của cháu nằm cạnh Đỉnh. Thưa gia đình, người đồng đội của chúng cháu ngã xuống, chúng cháu mất một tay súng. Tổ quốc mất một chiến sĩ. Gia đình ta mất một đứa con. Đau xót vô cùng. Gia đình ta cũng như bao nhiêu gia đình khác chịu thiệt thòi. Đóng góp cho đất nước những khúc ruột của mình. Dù có mất đi như thế hoặc hơn nữa nhưng cả dân tộc ta có được một cuộc sống ấm no thực sự. Cháu chắc gia đình cũng nén đau thương! Chăm sóc cho những đứa em của anh Đỉnh lớn lên trả thù và gánh vác nghĩa vụ với non sông”.
Khi còn sống, ông Vưu đã đọc bức thư báo tử con trai cả trong đầm đìa nước mắt, nỗi đau tột cùng tại căn hầm phòng không của gia đình dưới gốc cây hồng không hạt bị chặt rễ khi đào đất đến héo khô. Sau đó, ngày 28-3-1973, nghĩa là sau hai tháng một ngày Hiệp định Pa ri được ký kết, thì địa phương mới tổ chức lễ báo tử và trao lại di vật của anh cho gia đình.
Tôi tìm gặp Bùi Hùng Tuấn, người em út của anh Bùi Kim Đỉnh hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về cuốn nhật ký và được biết: Ngoài các dòng nhật ký, liệt sĩ Đỉnh còn có nhiều bài thơ chép trong 12 cuốn sổ. Nhiều bài trong số đó đã được đồng đội và các nhạc sĩ phổ nhạc. Vào công cụ tìm kiếm Google, tôi thấy trên một số blogs cá nhân đã đăng tải một số đoạn nhật ký, một số bài thơ của Bùi Kim Đỉnh, một số bài hát phỏng thơ anh cùng các ý kiến phản hồi.
Một bạn đọc ở thị xã Phú Thọ viết trên trang cá nhân: “Cảm ơn những người lính anh hùng đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Thế hệ đi sau xin hứa làm tròn trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, dù phải hy sinh thân mình”. Một cô giáo ở Trường THCS Văn Lang – Việt Trì viết: “Tôi thật sự xúc động khi đọc tập nhật ký của Liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh. Cách đây mấy năm, tôi cũng đã đọc tập nhật Ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Tập Nhật ký của nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm. Thật sự tôi đã bị cuốn hút một cách kỳ lạ về những trang viết của các anh các chị. Tôi như cảm nhận được ánh sáng từ tâm hồn trong trẻo, tràn đầy tình yêu, sức sống của các anh các chị. Ánh sáng đó đã rọi chiếu và khiến cho tôi cảm thấy mình phải sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Tôi sẽ giới thiệu tập nhật ký của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh và những ca khúc phổ từ thơ của anh cho học sinh của mình và tôi nghĩ rằng đó sẽ là những minh chứng sinh động nhất, thuyết phục nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp. Và tôi tin những học sinh của tôi sẽ suy nghĩ khác hơn, lớn hơn khi hiểu hơn về thế hệ cha anh của mình”.
Trong mười năm qua, với hàng chục nghìn người đọc “Khát vọng sống và yêu”, cuốn nhật ký của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh đã được tái bản lần thứ năm. Mỗi lần xuất bản lại được bổ sung những tư liệu quý, mang đến bạn đọc những thông tin bổ ích cùng cảm xúc mới. “Khát vọng sống và yêu” đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh và xác lập kỷ lục “Tập nhật ký chiến trường của một liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị có số trang nhiều nhất” (sách dày 675 trang khổ 14,5 x 20,5 cm, với 211.887 chữ). Đồng hành cùng xuất bản sách, Album nhạc phổ thơ Bùi Kim Đỉnh cũng mang tên “Khát vọng sống và yêu” gồm 17 ca khúc đã ra đời và chiếm được tình cảm người yêu âm nhạc. Trong đó ca khúc “Khát vọng sống và yêu” của nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ đã giành được Giải thưởng âm nhạc năm 2012 của Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh. Phóng sự truyền hình “Khát vọng sống và yêu” do Trường Sĩ quan Lục quân II thực hiện giành Huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ X (2013). Tiếp nối chương trình giao lưu nghệ thuật “Tỏa sáng khát vọng sống và yêu” là đêm thơ Bùi Kim Đỉnh có tên gọi “Lời nguyện ước năm xưa” cùng nhiều hoạt động giới thiệu sách, tọa đàm về khát vọng tuổi trẻ… được tổ chức ở nhiều địa phương.
Theo anh Bùi Hùng Tuấn: Ước nguyện từ lúc còn trẻ của Bùi Kim Đỉnh là khi đất nước giải phóng sẽ về làm nghề dạy học. Nhưng Bùi Kim Đỉnh đã anh dũng hy sinh, để lại cuốn nhật ký chiến trường “Khát vọng sống và yêu” chan chứa tình đời. Từ ngày đầu phát hành cuốn nhật ký, gia đình đã ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh tại Phú Thọ. Từ đó, quỹ đã lan tỏa ra nhiều trường học và địa phương trong tỉnh, như Trường THPT Việt Trì, Trường THCS Lý Tự Trọng…
Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh còn lan tỏa đến Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị – nơi anh Đỉnh anh dũng chiến đấu và hy sinh. Đến nay, Quỹ đã dành nhiều trăm suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó ở một số tỉnh, thành phố. Từ “Học bổng Bùi Kim Đỉnh”, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi đã được trợ giúp để tiếp tục nuôi ước mơ đến trường, thực hiện khát vọng tri thức. Cùng phối hợp với gia đình liệt sĩ trao học bổng Bùi Kim Đỉnh, những năm qua, Hội Khuyến học Phú Thọ đã tích cực hành động lan tỏa nội dung cuốn sách “Khát vọng sống và yêu” đến các em học sinh và thầy, cô giáo; không chỉ là góp phần giáo dục truyền thống, sự tri ân mà đó còn là sự trân trọng văn hóa đọc!
Đó là những giá trị nhân văn vượt ra ngoài cuốn sách mà “Khát vọng sống và yêu” mang lại.
Sắp đến kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội, nhân 10 năm cuốn nhật ký chiến trường của Liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh được Bùi Hùng Tuấn – người em út của liệt sĩ – biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên cho ra mắt bạn đọc lần đầu, tôi nhớ lại kỷ niệm khi tiếp xúc với bản thảo, nên viết đôi ba trang về “Khát vọng sống và yêu”.
Trang mở đầu cuốn nhật ký được viết vào ngày 13-4-1964, và trang chót đề ngày 16-3-1972! Những dòng viết tay cuối cùng khép lại 8 năm tuổi quân đầy hào hùng của chàng trai đất Tổ. Chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị và những trận chiến đấu chống địch lấn chiếm vùng giải phóng bên bờ nam sông Bến Hải diễn ra cách đây tròn 50 năm, nhưng máu xương của biết bao liệt sĩ, chiến sĩ vẫn còn đây đó dưới lớp cỏ dày, dưới làn nước biếc. Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Dù mộ Bùi Kim Đỉnh đã được quy tập về Nghĩa trang Quốc gia Đường số 9, nhưng vạt phù sa ven bờ Ái Tử – dòng sông mẹ yêu con – vẫn ấp ủ phần máu thịt của anh.
Có bao người, nhất là lớp trẻ, đã đọc “Khát vọng sống và yêu” để trong các em bùng lên ngọn lửa lý tưởng và tâm hồn cao đẹp mà thế hệ cha anh đã nhen nhóm? Nửa thế kỷ đã qua, nhưng vẫn tươi rói khát vọng sống và yêu của một thời đánh giặc… Bài viết này là nén tâm nhang tri ân của tôi, dâng trước vong hồn anh Đỉnh và các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc!.
6/3/2023
Nguyễn Sản
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...