Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

"Tiếng mưa" của Vũ Trần Anh Thư: Nghệ thuật của cái nhìn

"Tiếng mưa" của Vũ Trần
Anh Thư: Nghệ thuật của cái nhìn

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ có con người sống mà như qua đời, là ngôn từ trong Đồng dao cho người lớn của Nguyễn Trọng Tạo. Nếu phải lìa xa nơi thế gian này/ còn một ngày vui muôn nỗi vui, là ca từ trong Nắng chiều rực rỡ của Phạm Duy. Sống, là nở/ dù biết nở là lụi tàn/ tỏa hương là đau/ nhưng có lựa chọn khác không anh, là ngôn từ trong Sen, chiều nay của Dạ Thảo Phương… Phải, sống rực rỡ như những đóa hoa, hay là sống mà như qua đời, đó là vấn đề – vấn đề của sự lựa chọn cách sống, cũng là lựa chọn cách nhìn về đời sống.
Tập thơ “Tiếng mưa” của Vũ Trần Anh Thư, NXB Hội Nhà văn 2022
Tác giả Tiếng mưa xác quyết, rằng ta về thương lấy mình thôi, đồng thời rằng hãy để nỗi buồn nở hoa từ giọt đêm chưng cất. Thế nên, thi tập này không phải là những khúc than thân trách phận như thơ nữ thường tình, mà là như những đóa quỳnh vừa se sẽ vừa xôn xao mở cánh tự thắp mình giữa đêm không trăng. Chắt chiu những dịu dàng ngọt ngào thơm thảo để đan dệt thành lời hoan tụng mùa yêu, để mùa yêu này em nối tới mùa sau, đó phải chăng là phương cách vừa tối giản vừa tối ưu để người thơ vừa tưởng thưởng mình vừa tạ ơn đời?
Thản nhiên nồng nàn, là tâm thế sống mà Vũ Trần Anh Thư không ngừng kiến tạo: cứ kệ dòng đời đang trôi rất vội/ mình ngồi đây bầu bạn với thời gian; ngủ nhé hạ ơi dẫu có ai níu lại/ gối lên sen hạ mơ giấc nồng nàn; em – anh đôi hạt bụi người/ cuốn vào nhau để cùng trôi vô cùng… Người thơ đắm mình cùng những cánh hoa vô ưu rơi vàng con phố; nâng niu tách trà sen cuối hạ; để mặc tháng giêng hôn lên má mùa xuân bằng những cánh đào còn run rẩy giọt sương ban sớm; như cánh hoa sưa tự rơi mình vào lòng phố xá mà không cần biết phố kia có đợi chờ và ủ ấm môi cong… Người thơ đem cuộc sống của mình hòa điệu với cuộc sống của vũ trụ. Gọi tên bốn mùa. Tận tụy làm sứ giả của mùa vui. Mùa nào cũng là mùa hoa, chuếnh choáng mềm môi mật ngọt. Mùa nào cũng là mùa trĩu quả, cho nụ cười thơm trái chín cây…
 Hứng mặt trời trên đỉnh núi/ hoàng hôn tròn trịa lòng tay/ vỡ ra muôn trùng sóng sánh/ má biển lựng hồng như say; cứ tưởng trăng là trăng/ kiêu kì và lộng lẫy/ vậy mà một đêm rằm/ vỡ vào hồ run rẩy… Như một lẽ tự nhiên tất yếu, chủ thể thơ trở về đúng nghĩa với vẻ đẹp thiên tính nữ. Tựa hồ chiếc lá, lúc dịu êm như sương khi nồng nàn như lửa, qua bao ngọt ngào sau bao đắng đót, ướp nỗi mình thành sắc vàng thu.
Số phận người nào trên vai kẻ đó, không thể nào khác được. Sau trước, tác giả Tiếng mưa chủ động nhẫn nại khất thực đêm trường để đong đếm yêu thương cuộc đời. Tự chủ tự tin tự luyến tự thắp sáng mình. Như đêm không trăng lộng lẫy quỳnh. Như chiếc lá nán lại trên cây, cuối cùng phải rơi nhưng sẽ rơi cách nào đẹp nhất. Như hoa loa kèn trắng đến tinh khôi trắng đến dịu dàng, dẫu mùa nối mùa đi mãi.
Anh à, trái tim em đấy/ tự dưng muốn cất thành lời. Là những lời yêu mùa đầu, thơ trong tập thơ này không tránh khỏi ít nhiều ngập ngừng run rẩy. Mà, lời yêu chân thành thì có cần cầu kì chuốt tẩy? Những chữ nghĩa yêu thương dào dạt/ không cần sắp đâu con/ cứ để nó cuộn trào.
“Sống đọa thác đày”, là tên một tiểu thuyết của nhà văn Mạc Ngôn. Làm sao để cái sống có thể lộng lẫy như đóa hoa mùa hạ, theo đó cái thác có thể lặng lẽ và đẹp đẽ như chiếc lá mùa thu, như cách nói của nhà thơ Rabindranath Tagore – tín đồ của đạo Sự Sống? Và làm sao để cái viết có thể bay bổng thanh thoát thăng hoa? Theo triết gia Lão Tử thì “Đôn hề kì nhược phác, khoáng hề kì nhược cốc”, nghĩa là người ta cần mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt, giữ cho bản thân trống rỗng như hang núi. Để đón hứng, dung chứa. Để kháng cự lại cái lí tính ráo hoảnh trơ khấc. Tư tưởng lớn này của tác giả Đạo đức kinh đã tạo sinh những cuộc gặp gỡ thú vị. Ví như nhà văn Orhan Pamuk cũng đưa ra quan niệm, rằng tác phẩm văn chương là cách mà chủ thể viết nhìn thế giới bằng từ ngữ; để có thể thấy thế giới thật diệu kì và lắm vẻ ngạc nhiên, anh ta cần sở hữu sự lạc quan của một đứa trẻ nhìn thế giới lần đầu tiên. Hay như nhà văn Konstantin Paustovsky cũng minh giải, rằng sở dĩ có thứ văn chương buồn chán dường như được viết ra bởi những người khiếm thị là vì chủ thể viết mang cặp mắt lạnh tanh; để sáng mắt cần phải học lấy cách nhìn…
Văn chương, là nghệ thuật nhìn thế giới. Thử đi thật khẽ thật sâu vào thi giới Tiếng mưa, biết đâu khách thơ ít nhiều được gột rửa, được tiếp truyền năng lượng tích cực, để rồi thấy hoặc càng thấy yêu quá đời này.
HOÀNG ĐĂNG KHOA giới thiệu và chọn
Thắp
Ơi này
đêm không trăng
em thắp quỳnh lên nhé
từng cánh mở se sẽ
mãn khai
bung ánh rằm
Một đóa hương
một đóa trăng
thắp cho đêm say đắm
Huyễn hoặc
nồng nàn
sâu thẳm
đêm không trăng lộng lẫy quỳnh.
Trò chuyện cùng chiếc lá
Rồi chiếc lá cuối cùng cũng về bên cỏ
ơi đường gân vẽ những nốt thăng trầm
sau điệu vũ nhớ vô vàn nỗi gió
nên rơi rồi vẫn vàng thế lá ơi
Rồi sẽ thế sẽ ngàn năm nữa
lá cứ xanh rồi lại chuyển vàng
lúc dịu êm như sương
khi nồng nàn như lửa
qua bao ngọt ngào
sau bao đắng đót
ướp nỗi mình thành sắc mùa thu
Rồi chiếc lá cuối cùng cũng về bên cỏ
ta nhặt lên nựng nịu một mùa rơi.
Chắt chiu
Chắt chiu từng giọt sương sa
ban mai tinh khiết vừa sà lòng tay
Chắt chiu đêm để cho ngày
cho mê mải nắng cho mây ngọc ngà
Chắt chiu hương để dành hoa
ướp từng nhụy cánh thơm òa tóc ai
Chắt chiu từng sợi vắn dài
đan thành chiếc áo thiên thai của mùa.
4/3/2023
Vũ Trần Anh Thư
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội số 1001/2022
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...