Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Còn ai "Nói thơ" cụ đồ mù tiết tháo

Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời
Còn ai "Nói thơ" cụ đồ mù tiết tháo

Truyện Lục Vân Tiên không những cung cấp cho sinh hoạt nói thơ một bổn thư mới hấp dẫn, mà còn làm nảy sinh một điệu nói thơ mang tên của chính nó. ‘Nói thơ Vân Tiên’ trở thành hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật ở Nam Kỳ.
Đã tròn 200 năm (1.7.1822) cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đến với cuộc đời, với đất Gia Định, với Nam kỳ lục tỉnh. Sống 66 năm đầy những biến cố dân tộc và mất mát cá nhân, ông để lại cho đời những tác phẩm thơ biết cách đến với từng người, từng người bằng cái vỏ mộc mạc, dân dã và tưới tắm, chiếu sáng họ bằng đạo làm người được chở trong ấy…
“Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên
Trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu
Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu
Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình
Cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga
“Trước đèn xem chuyện Tây Minh…”
Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ
Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng, đường lầy, gạo đắt…
Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su
Có những chị bán hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng
Không có ai
Cam đoan là không có ai hay tin
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng
Để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa…”.
1. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên bắt đầu buổi tập huấn “nói thơ Vân Tiên” với các cô giáo trẻ ở Bến Tre bằng những câu thơ ấn tượng như một đoạn phim quay chậm của cố nhà thơ La Quốc Tiến. Những ngày chưa xa lắm trên chuyến phà Rạch Miễu xình xịch giữa sông Tiền như hiện về trong tiếng ngâm ngợi “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le…”.
“Không có ai hay tin Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng, để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa… Câu thơ như tiếng thở dài, phản ánh sự thật mà chúng ta đang đối mặt là các di sản phi vật thể đang mai một đi trong cuộc đời” – tiến sĩ Mai Mỹ Duyên dường như cũng thở dài trước khi bước vào bài giảng “nói thơ”.
Gương mặt bà tươi trở lại khi kể chuyện đi điền dã đã gặp được mấy ông bà cụ ở Ba Tri, Chợ Lách vẫn còn thói quen nói thơ Vân Tiên trong những buổi cúng đình, giỗ chạp.
“Tôi vui mừng biết mấy khi tỉnh Bến Tre có ý tưởng mở các lớp tập huấn đến nhiều đối tượng trẻ như giáo viên, thanh niên phong trào, dịch vụ du lịch hòng khuyến khích làm sống lại tục nói thơ” – tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đưa hàng trăm người nghe háo hức trở về với hàng trăm năm trước, suy ngẫm và tìm ra người đã nói thơ Vân Tiên đầu tiên…
Còn ai khác nữa, người đầu tiên chính là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, ông viết Lục Vân Tiên khi đã lâm cảnh mù lòa. Tôi bật ra câu trả lời khi tưởng tượng cảnh ông đồ ngồi bên án thư ngâm từng câu thơ để học trò chép lại. Từng câu. Từng đoạn. Rồi học trò đọc lại để thầy sửa chữa. Rồi thầy giảng giải, trò thảo luận…
Cứ vậy, những buổi nói thơ Vân Tiên đầu tiên đã xuất phát từ chính lớp học của cụ Đồ. Mái chùa Tôn Thạnh ở Gò Công (Tiền Giang) vẫn u trầm tịch mịch, “năm canh ưng đóng lạnh” dưới bóng cổ thụ như những ngày ấy, nhưng lẽ đời “kiến nghĩa bất vi” thì rất mau chóng lan xa.
Trong bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp lần đầu năm 1864, Gabriel Aubaret viết trong lời nói đầu: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam Kỳ không có một người đánh cá hay một người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo ghe.
Những ngày xa xưa ấy, ở các bến đò, phà, chợ búa, bến xe, đâu đâu người ta cũng thấy “những người ngồi xổm, xúm quanh một người ăn mặc rách rưới, thường là một kẻ mù lòa, đề nghị anh ta gân cổ lên kể chuyện Lục Vân Tiên, nghe đến hàng giờ không biết chán. Ai ai cũng thuộc lòng”.
2. Đến tận hôm nay, “ông già Nam Bộ nhiều chuyện” – nhà văn Trần Bảo Định – vẫn say sưa với những dòng hồi tưởng: “Năm này tháng nọ, nơi bến Vàm Kỳ Hôn, thủy trình huyết mạch tấp nập ghe thuyền miệt Hậu Giang lên và Sài Gòn xuống chẳng lúc nào ngớt vắng tiếng nói thơ Lục Vân Tiên giữa những người đàn bà, con gái bán vàm với khách thương hồ hay hành khách của những chuyến tàu đò.
Họ dù thuộc tầng lớp nào trong xã hội cũng đều nằm lòng, thấm ngẫm “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Nhiều năm rồi tục nói thơ mai một, những người miền Tây đang ngân nga câu vọng cổ “ông lão chèo đò” của soạn giả Viễn Châu: “Con nước mơ màng, mây vẩn vơ. Thì còn lão với một con đò. Có tiền mua lấy vài chai rượu. Nhấp rượu xong rồi lão nói thơ…” cũng chưa chắc đã biết “nói thơ” ấy chính là “nói thơ Vân Tiên”.
“Khi xưa, cha mẹ tôi ru tôi bằng nói thơ Vân Tiên” – tâm sự của tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cũng chính là ký ức của rất nhiều người từ thế hệ của bà trở về trước. Lớn lên, những câu thơ “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” đinh ninh trong dạ, góp phần hun đúc cho họ trở thành những con người trung trinh tiết liệt chẳng kém gì chuyện thơ xưa.
3. Đúng vậy. Ai đọc hồi ký của giáo sư Trần Văn Giàu đều xúc động trên mỗi đoạn ông nhắc đến cha mình – người cha đã bán đất cho con đi du học để thành bác sĩ, luật sư nhưng rồi người con ấy lại chọn trở thành một nhà cách mạng, con đường vào tù ra khám.
“Trung cũng là hiếu chứ biết làm sao được”, ông bảo con vậy, và Trần Văn Giàu trong khám lớn tự nhủ mình vững lòng khi nghe tin cha bệnh nặng: “Trung cũng là hiếu”.
Nhưng xúc động hơn nữa là những dòng ông kể về vợ mình, bà Đỗ Thị Đạo, năm ấy mới chỉ là cô gái chưa tròn đôi mươi: “Ai cắt nghĩa giùm tôi sao tôi không mất vợ? Đáng lẽ năm 1930, nhà bên vợ chưa cưới không cho tôi làm đám cưới mới phải, vì khi đi Pháp, tôi hẹn về nước với hai bằng tiến sĩ, nhưng tôi về tay không, bị trục xuất khỏi Paris.
Đáng lẽ, cho dù làm đám cưới rồi, mà tháng sau tôi đi đâu biệt tích bốn năm lần, sống chết không biết, thì cha mẹ vợ lại có thể gả con gái cho mấy chỗ quyền quý đi hỏi. Nhưng không, vợ tôi thà vô chùa dệt vải chứ không chịu lấy chồng lần nữa.
Và đáng lẽ sau khi tôi bị kêu án năm năm tù, bị đày ra Côn Lôn, thì theo lời khuyên của tôi, vợ tôi lại tự do lập gia đình, nhưng cũng không, cô ấy chờ đến hôm nay, đi đón tôi ở Khám Lớn ra. Sao mà chung thủy đến thế…”.
Và khi về nhà, xóm giềng đến thăm mừng, ai cũng kể với anh Mười Ký (tên thường gọi của Trần Văn Giàu) chuyện cô Sáu Đạo vào chùa học dệt vải, làm tương, đi tu mà không chịu xuống tóc, trong túi áo lúc nào cũng có quyển Lục Vân Tiên và ảnh của Trần Văn Giàu.
Cô Sáu Đạo đã làm một Kiều Nguyệt Nga giữa cuộc đời như thế, và đến lượt cô trở thành tấm gương trung trinh, tiết hạnh cho cả vùng từ đó về sau.
Vân Tiên – Nguyệt Nga cứ từng đoạn lịch sử mà lại hiện thân sống giữa đời như thế, để mỗi người lại được nghe được biết lại có những “ký ức nên người” của riêng mình. Cuối buổi tập huấn, những người trẻ của Bến Tre hôm nay cùng nhau ngân nga “Trước đèn xem chuyện Tây Minh…”.
“Truyện Lục Vân Tiên không những cung cấp cho sinh hoạt nói thơ một bổn thư mới hấp dẫn, mà còn làm nảy sinh một điệu nói thơ mang tên của chính nó.
“Nói thơ Vân Tiên” trở thành hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật ở Nam Kỳ: từ nội dung truyện thơ này đã được tái tạo thành nhiều sáng tác thuộc các loại hình biểu diễn khác nhau, từ chặp ca ra bộ khởi đầu cho sân khấu cải lương, các tiểu phẩm tấu hài, hò hát, làm sống lại sinh hoạt diễn xướng truyện thơ cổ lẫn các truyện thơ vè lịch sử xã hội…” – nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.
Bà Âu Dương Thị Yến, bà Châu Anh Phụng là hai người phụ nữ kỳ lạ, giống nhau ở một điểm: niềm say mê với những giá trị mà cụ Đồ Chiểu để lại.
Bà Âu Dương Thị Yến, bà Châu Anh Phụng là hai người phụ nữ kỳ lạ. Họ kỳ lạ vì họ không giống đa số những người chúng ta thường gặp, và họ kỳ lạ vì có chung một điểm: say mê với những giá trị mà cụ Đồ Chiểu để lại.
Niềm kiêu hãnh máu mủ
Sau một hành trình dài đến Bến Tre, xuống huyện Ba Tri rồi quanh co tới xã Mỹ Nhơn, giữa một khu vườn sơri hoang tàn, căn nhà như sắp đổ, một bà cụ hiện ra còm cõi, cô đơn, nghi ngại nhìn người lạ.
Thế nhưng trên gương mặt chưa hết nét xuân sắc, nụ cười bừng sáng ngay khi nghe khách nhắc đến tên cụ Đồ Chiểu.
“Đồ Chiểu, phải rồi, đời tôi chỉ còn những câu chuyện về cụ đồ thôi”, bà nói, rồi lăng xăng đi thay áo, đi tìm tập thơ, tìm cái giỏ xách để đi thăm cụ đồ… Bà là Âu Dương Thị Yến, người cháu 5 đời của cụ.
“Mảnh vườn tôi đang ở đây là do cụ Nguyễn Đình Chiêm (người con thứ bảy của cụ Nguyễn Đình Chiểu) mua được sau nhiều năm tích cóp, có lẽ sau khi cụ Đồ Chiểu mất. Toàn gia ông Chiêm đã sống ở đây, giữ gìn mảnh vườn này.
Bà cố mẫu Sương Nguyệt Anh làm báo ở Gia Định, khi cuối đời cũng về đây và mất tại vườn này. Bà ngoại tôi là con gái ông Chiêm. Nay tôi còn một mình, chồng mất, con không có, sức khỏe không còn, vườn tược hoang tàn, nhà cửa đổ nát nhưng vẫn không nỡ bán vườn ông Chiêm.
Hơn 150 năm, bao nhiêu biến động, bao nhiêu khó khăn mà mấy thế hệ vẫn gìn vẫn giữ”… Gương mặt bà Yến tươi rỡ kể không dứt về niềm kiêu hãnh cả đời bà: được làm con cháu cụ đồ.
Bước chân bà lững chững đau khó khi ra khỏi nhà chợt như vững hơn, nhanh hơn khi trèo lên những bậc thang đền thờ Nguyễn Đình Chiểu rồi thoăn thoắt bước sang khu mộ.
Cắm xong mấy nén nhang, tìm một chỗ có bóng cây, khi ấy bà mới thư thả ngồi, ngắm ba ngôi mộ giản dị của cụ Đồ Chiểu, người vợ Lê Thị Điền và con gái là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã nằm đó, song song từ bao năm, phía trước còn có thêm mấy nấm mộ tròn nữa.
Tôi hỏi, bà mỉm cười: “Mấy nấm mộ tròn này là của gia đình chủ đất. Cụ Đồ Chiểu và vợ nằm đây là đất của học trò, của bà con Ba Tri tặng cho chứ bản thân cụ không có đất, sau này Nhà nước đổi vườn, mua thêm ruộng để lập khu lưu niệm. Có khu lưu niệm lớn nhất vùng rồi, nhưng cụ vẫn nằm cùng người dân.
Tài sản của cụ nếu có thì ở Gia Định, nhưng chẳng biết là ở đâu. Có hồi quan Tây ngỏ ý tìm trả, cụ không màng tới: “Đất vua còn mất thì của tôi sá gì”. Cụ đi thuyền theo đường biển đến đây, làm người Ba Tri. Khi cụ mất, người dân tự nguyện để tang trắng cả một vùng”.

Bà Yến mỉm cười kể tiếp: “Tôi được tiếng thông minh từ nhỏ, học toán – lý giỏi lắm, tôi đã muốn trở thành nhà khoa học nhưng rồi cha mẹ chết, phải rẽ ngang để đi làm nuôi các em, trở thành giáo viên dạy môn vật lý cấp II. Thế nhưng có “máu Đồ Chiểu” trong người nên tôi còn tập làm thơ. Bắt chước cụ, tôi làm 10 bài thơ nhớ cụ…”.
Bà ngâm nga: “Nỗi buồn non nước suốt canh thâu/ Mây trắng trời xanh cũng nhuốm sầu/ Thương nước thương dân thơ đằm lệ/ Yêu người yêu nước ý u sầu…”.
Ấy là bà nhớ một Nguyễn Đình Chiểu thi sĩ, còn đây là nhớ Nguyễn Đình Chiểu chiến sĩ: “Dù trăm năm lẻ đã trôi xa/ Khí tiết nho gia giữ đạo nhà/ Sáu mẫu tự vang hồn lục tỉnh/ Vạn câu thần rực sắc trăm hoa/ Đêm dài nhỏ lệ thương dân tộc/ Ngày ngắn khôn nguôi chuyện quốc gia/ Bút thép đâm gian dù mắt tối/ Mỗi lời văn một bản hùng ca”…
Câu thứ 27 của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Người phụ nữ thứ hai tôi tìm gặp được ở một khu nhà trọ sâu trong thị trấn Cần Giuộc, cũng già yếu, tiều tụy và cũng như bừng sáng lên khi nhắc đến cụ Đồ Chiểu. Bà là Châu Anh Phụng. “Nói chuyện cụ đồ thì tôi sẽ nói, sẽ gặp”, bà ôm lấy cái cặp đựng tài liệu vật bất ly thân rồi ra khỏi phòng trọ chật hẹp…
Không phải nhà nghiên cứu khoa học, không giảng dạy, không sáng tác, bà Châu Anh Phụng mang lấy cho mình nỗi say mê, tìm tòi những gì liên quan đến cụ Đồ Chiểu từ những ngày là nữ sinh Gia Long.
“Sinh sống ở Sài Gòn nhưng quê tôi ở Cần Giuộc. Mỗi lần về quê, tôi thấy quê mình thật nghèo, thật xấu xí. Kể với bạn, bạn trêu “cần tiền không cần, lại cần giuộc thì nghèo là phải rồi”.
Thế rồi có lần thầy giáo hỏi rồi xoa đầu tôi bảo: “Quê em đáng tự hào lắm đó”. Tôi về hỏi cha, cha nói “Quê mình có cụ Đồ Chiểu đó con”.
Từ đó để ý, mỗi lần đọc tác phẩm của Đồ Chiểu là cha khóc. Tôi biết tự hào về Cần Giuộc từ đó, say mê với Đồ Chiểu từ đó, lặn lội đi tìm, sưu tầm những gì liên quan đến ông từ đó”.
Bà Phụng đi cùng tôi ra tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được hoàn thành vào năm 2018 ở trung tâm thị trấn như sáng rực lên giữa trưa hè, tự hào chỉ vào cặp câu biền ngẫu thứ 27 của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc khắc dưới chân tượng.
“Bài văn tế này có 31 câu, khác các bản lưu hành chỉ có 30 câu, là khắc theo văn bản mà tôi đã sưu tầm được trong quá trình điền dã từ mấy chục năm trước: bản viết tay của cụ Lê Công Cẩn – một nhà nho ở vùng Cần Giuộc, cũng là cháu vợ cụ Đồ Chiểu. Bài có thêm câu biền ngẫu thứ 27:
“Sông Cần Giuộc cỏ cây nhuốm lệ, thương là thương kẻ tử vô cô; Chợ Trường Bình phố xá bỏ hoang, giận là giận người sanh bất võ”. Chợ Trường Bình xưa nằm gần chùa Tôn Thạnh…”. Quả là câu thứ 27 này trong các bản văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đang lưu hành không có, mà chỉ có câu thứ 17: “Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”.
“Câu thứ 27 mà tôi tìm thấy đọc được rõ tâm sự mất nước xót xa của Nguyễn Đình Chiểu và gắn liền máu thịt với đất với người Cần Giuộc. Văn bản ấy là báu vật đối với tôi”, bà Phụng nói.
Bà còn có nhiều “báu vật” khác nữa, như những bản Lục Vân Tiên đầu tiên hơn trăm năm trước mà bà đang cất giữ “ở một nơi an toàn hơn phòng trọ. Và còn này nữa…”, bà khoe.
Chúng tôi cùng đến chùa Tôn Thạnh – Cần Giuộc. Mái chùa nâu xưa cũ và những tòa tháp sau này cùng đứng hài hòa, mát rượi và thơm ngát dưới bóng những cây sala cổ thụ.
Kéo tôi đến một tấm bia nằm trong sân chùa, bà chỉ: “Đây là tấm bia tôn vinh những ngày cụ Đồ Chiểu sống và sáng tác dưới mái chùa này do chính tôi vận động xây dựng từ 1973”.
Trên tấm bia đề: “Dưới mái chùa Tôn Thạnh này, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), Đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) bề ngoài mở lớp dạy học bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp, và cũng nơi đây cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên”.
Được xây dựng từ 1808, những ngày mái chùa gần với cuộc đời nhất là những ngày nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở đây, chứng kiến trận đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16-12-1861) của nghĩa dân Cần Giuộc “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấc lòng son gởi lại bóng trăng rằm; Đồn Lang Sa một khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ”…
Bà Âu Dương Thị Yến tự hào: “Cụ đồ xưa gắn bản thân vào đất nước mật thiết như vậy. Gia Định mất, cụ về Cần Giuộc. Cần Giuộc không giữ được, cụ chạy về Ba Tri. Rốt cuộc lục tỉnh cũng bàn giao cho giặc, cụ quyết sống mà không động đến những thứ đồ văn minh, hiện đại mà người Pháp đem đến.
Những người con cụ, như ông ngoại Nguyễn Đình Chiêm của tôi cũng theo nếp cụ. Mẹ kể: Có hồi đang đi trên đường, ông chợt hỏi “Đường này ai làm?”, nghe trả lời “Tây làm”, lập tức ông xắn quần lội xuống ruộng. Tôi là người thời đại khác rồi, tôi tự đúc kết khí chất Đồ Chiểu “năng lực, nhiệt thành, nhân ái” để sống cuộc đời mình, nghèo nhưng kiêu hãnh”.
Rời khỏi khu mộ cụ Đồ Chiểu, bà Yến còn ngâm nga hai câu thơ khắc trên bia của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh: “Lọng sương dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”…
Cách đây hơn chục năm, bài viết “Lục Vân Tiên đã chết” của một bạn đọc Bến Tre ghi lại câu chuyện mình chứng kiến trên phà Rạch Miễu và lời tâm sự “tinh thần Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”…”.
'Trên mảnh đất mà gió luôn thổi loan đi hương thơm của tinh thần Nguyễn Đình Chiểu thì những người muốn ngẩng đầu lên làm sao có thể khác'. Trích hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một người con đất Ba Tri - Bến Tre.
Cách đây hơn chục năm, bài viết "Lục Vân Tiên đã chết" của một bạn đọc Bến Tre ghi lại câu chuyện mình chứng kiến trên phà Rạch Miễu và lời tâm sự "tinh thần Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha" trong chính tôi chết rồi, chết ngay trên phà này đây" đã trở thành một diễn đàn sôi nổi trên Tuổi Trẻ. 
Hàng trăm lá thư đã gửi đến với những đau đáu: Lục Vân Tiên vẫn còn; Làm gì để ngày càng nhiều Lục Vân Tiên? Lục Vân Tiên ngày nay phải khác...
Và hàng ngàn người đã được thức tỉnh những "giá trị Lục Vân Tiên" sống dậy trong mình...
Tôi cho rằng sở dĩ người Việt Nam ở miền Nam thích truyện Lục Vân Tiên trước hết là vì họ thấy mình trong các nhân vật tích cực được ca tụng trong truyện, y như Nguyễn Đình Chiểu viết về họ. Còn gì thích thú hơn là đọc truyện mà thấy chính mình trong truyện?
Ba Tri kiến nghĩa bất vi
Về Ba Tri, nơi cụ Đồ Chiểu đã sống nửa cuối của cuộc đời mình trong sự đùm bọc của người dân, chúng tôi được xem một triển lãm về những gương mặt đáng tự hào của mỏm cù lao giữa hai con sông Hàm Luông - Ba Lai này. 
Ba Tri nhỏ bé có những con người lớn. Tinh thần Lục Vân Tiên thì đã ở sẵn đó tự bao giờ, trước cả khi được nói ra thành lời "nhớ câu kiến nghĩa bất vi" nữa, như câu chuyện về "ông già Ba Tri" vẫn được truyền tụng, nhắc nhở.
Chuyện kể rằng gia đình họ Thái đã cùng đoàn ghe bầu từ xứ Quảng xuôi Nam vào vùng Ngao Châu khai hoang, lập ấp, góp phần vào sức sống xứ Ba Tri. Trải mấy đời, đến ông Thái Hữu Kiểm được phong làm Trùm cả làng An Bình Đông, kêu gọi bà con đắp đường, khơi rạch, lập chợ, tôn tạo nên một khu buôn bán sầm uất, ghe thuyền tấp nập. 

Chợ Trong của ông là điểm cuối, lại rộn rã hơn chợ Ngoài của làng An Bình Tây khiến những ông trùm ngoài đó bực mình. Xã trưởng An Bình Tây kêu gọi dân đắp đập, không cho ghe thuyền đi đến chợ Trong. Mâu thuẫn giữa hai làng cùng sinh sống trên con rạch Ba Tri nổ ra. Quan huyện rồi quan tỉnh đều xử người chợ Trong thua kiện vì "đất thuộc ai người nấy có quyền xây đập".
Không cam tâm trước sự bất công, phi lý, nhất là khi nó ảnh hưởng đến cuộc sống của cả làng, Trùm cả Thái Hữu Kiểm đã cùng hai lão nông khác cơm đùm cơm nắm ra kinh đô kiện đến nhà vua. 
Không có ai ghi lại, và dù ghi lại cũng không thể kể xiết vô vàn lao nhọc của những bàn chân trần trên chặng đường vạn dặm qua ruộng xuyên rừng vượt sông trèo núi ấy. Người Ba Tri hẳn cũng không ngờ ba ông lão đã đi đến nơi và còn về đến chốn, đưa được đơn kiện lên bệ rồng, trình bày được câu chuyện và lý lẽ của mình. 
Lẽ phải đã thắng. Vua Minh Mạng phán: "Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ huyện phải cho phá đập". Vua cho tiền lộ phí, và khi ba ông lão về đến nơi, con đập oái oăm ngăn trở thương thuyền, chia cắt tình làng nghĩa xóm đã biến mất. Từ đấy ông Kiểm được dân trong vùng gọi là "ông già Ba Tri".
Con đường dẫn vào chợ Ba Tri hôm nay mang tên Thái Hữu Kiểm. Bảo tàng Nguyễn Đình Chiểu ghi nhận: "Cho tới nay, cụm từ "ông già Ba Tri" đã trở thành thành ngữ phổ biến trong dân gian để chỉ những ông già cứng cỏi, cương quyết bảo vệ công lý".
Ông già Bến Tranh
Cũng trên con đường thiên lý đi đến công lý ấy, chúng tôi còn tìm thấy một câu chuyện khác nữa, một ông già cứng cỏi bảo vệ công lý nữa...
Xuôi lên quốc lộ 1, qua ngã ba Tân Lý Tây - Châu Thành - Tiền Giang, sẽ rất dễ dàng để người đi đường nhìn thấy một ngôi miễu bên đường. Ghé lại, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc được hàng chữ mộc mạc trên biển đề: "Miễu anh hùng nông dân Lê Văn Duyên - Chết vì chống tham nhũng", hai bên cột là hàng câu đối cũng mộc mạc không kém: "Hận vì bênh công lý sống cho chân công lý - Thương cho tố tham nhũng chết bởi tay tham nhũng". 
Bên trong, miễu thờ luôn được bà con xung quanh quét dọn sạch sẽ, hoa trái bốn mùa, tấm chân dung được vẽ trên bàn thờ ánh mắt đầy quyết tâm, cương nghị. Tìm hỏi, chị bán nước bên cạnh mỉm cười: "Tôi không rõ câu chuyện của ông, nhưng đọc thấy ông chống tham nhũng thì thương mến, cảm phục, ngày rằm mùng một vào thắp cây nhang...".
Câu chuyện về ông nông dân chống tham nhũng Lê Văn Duyên được ghi chép cặn kẽ trong hồi ký của cố nhà báo Hồ Ngọc Nhuận. Quê ở xã Tân Lý Tây, Tiền Giang, cha ông Hồ Ngọc Nhuận sống trong miệt vườn và quen biết với ông Duyên. 
Ông viết: "Lê Văn Duyên là một nông dân trơn, không thanh thế, không phương tiện, không quyền lợi, cái có chăng chỉ là lòng can đảm và căm tức trước nạn ách của người dân. Vậy là ông chống tham nhũng và nổi danh chống tham nhũng ở địa phương những năm đầu thập niên 1970’...". 
Ông bị dọa giết và biết chắc mười mươi sẽ bị giết. Thời gian ấy chiến tranh vẫn còn, việc giết một người đâu có khó! Ông biết vậy và phải ẩn trốn nhiều nơi, đêm thường ngủ dưới ghe để tiện di chuyển tới lui trong vườn nhà. Và ông vẫn chống tham nhũng, cộng tác mật thiết với chú nhà báo đồng hương Hồ Ngọc Nhuận để bảo vệ bà con.
Ông Nhuận ghi lại cuộc gặp cuối cùng: "Mấy hôm ấy tôi đều phải thức trắng để viết một bài tố cáo những vi phạm Hiệp định Paris, gửi đi tham dự một hội nghị hòa bình ở Turin (Ý) thì ông già Duyên lại lù lù hiện ra. Lo cho tính mạng ông, tôi nổi đóa: "Nói với anh nhiều lần rồi mà anh không chịu nghe, nó sẽ giết anh. Tối nay tôi phải thức để viết, anh ngủ. Mai anh về nhà cha tôi ở luôn đó, đừng đi đâu cho tới khi có tin của tôi". 
Ông cười giả lả: "Tôi vừa có một tài liệu tham nhũng mới, mừng quá chạy lên khoe với chú, rồi sẽ về nằm yên như chú dặn...". Giận vậy nhưng sáng ra tôi vẫn lái xe đưa ông đi ăn phở 79, mua tặng ông mấy tấm vé số và đưa ông ra xe đò về lại quê. Hôm sau nữa, con trai ông chạy lên báo ông đã bị bắn chết...
Ông đã không về nhà cha tôi như tôi dặn, như ông đã từng tá túc nhiều lần. Ông về nhà ông ở Tân Hòa Thành, lại không ngủ dưới ghe trong các mương vườn như trước đây mà ngủ trong nhà... Và ông bị giết".
Bà con nông dân ở địa phương, nhà báo, dân biểu ở Sài Gòn đã quyên góp, làm lễ cầu siêu, lập miễu thờ, tôn ông lên làm "Anh hùng nông dân". Cái tên "ông già Bến Tranh" thành thần từ đó. Lễ khánh thành miễu "ông già Bến Tranh" long trọng quan khách từ Sài Gòn và các tỉnh, đủ mặt tôn giáo, cảnh sát đứng gác vòng trong vòng ngoài. 
Nhà thơ Cung Văn "khóc ông già Bến Tranh" trên báo Điện Tín số ra ngày 23-6-1974: "Than ôi!/ Ông đã mất nhưng tên ông sống mãi/ Người nông dân bất khuất của Bến Tranh/ Của bờ tre, của ruộng lúa Hòa Thành/ Cửa thách đố lương tâm loài cướp mới... Lê Văn Duyên/ Đất nước ta cần những người như bác/ Tổ quốc ta còn lớp lớp anh hùng/ Vì đồng bào vì nghĩa cả hy sinh/ Để đổi lấy công bằng và hạnh phúc...". 
Cha của ông Hồ Ngọc Nhuận cũng có thơ điếu người đồng hương: "Sống chẳng dung tha phường nhũng lạm/ Thác nguyền tẩy sạch đám tham quyền/ Dương gian tranh đấu vì xã hội/ Chín suối độ trì lớp tráng niên"... Miễu ông già Bến Tranh được người dân hương khói đến hôm nay.
Nói như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một người con đất Ba Tri trong hồi ký "Thời gian trong mắt tôi": trên mảnh đất mà gió luôn thổi loan đi hương thơm của tinh thần Nguyễn Đình Chiểu thì những người muốn ngẩng đầu lên làm sao có thể khác.
Dịp kỷ niệm 200 năm này, UNESCO ra nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng những giá trị tư tưởng, nhân văn, giáo dục, y học mang tầm nhân loại. Tại lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể ngay tại đền thờ cụ đồ ở Ba Tri tối 30-6-2022, dòng thơ "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" rực sáng lên trong trời đêm...
Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời - Kỳ cuối: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Dịp kỷ niệm 200 năm này, UNESCO ra nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng những giá trị tư tưởng, nhân văn, giáo dục, y học mang tầm nhân loại.
Tại lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại đền thờ cụ đồ ở Ba Tri tối 30-6-2022, dòng thơ "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" rực sáng lên trong trời đêm, tiếng thơ Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga được nói, được hát, được diễn bằng tiếng Việt, tiếng Anh lặp lại lẽ sống của cụ với lớp hậu sinh...
Khát vọng của lòng người
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart xúc động nhắc lại những nhận định của Ủy ban UNESCO khi trao quyết định vinh danh: "Những triết lý của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. 
Ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc vĩ đại với một tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. 
Bên cạnh đó, ông còn là niềm hy vọng cho những người khuyết tật bởi ông đã đạt được những thành công ngay cả khi ông bị mù. Câu chuyện cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại...".
Đây không phải những nhận định sau 200 năm. Từ 160 năm trước, khi nghe những tiếng giày đầu tiên của quân Pháp bước trên đất Gia Định, cụ Đồ Chiểu đã là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào tị địa. 
Cụ đi về Cần Giuộc. Cụ đi về Ba Tri. Cụ từ khước những gì được gọi là văn minh phương Tây, lắc đầu trước mọi đề nghị ưu đãi. Trong khi ấy, người Pháp nghe danh tiếng của cụ đồ, nghe dân Việt nói thơ Vân Tiên. Bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1864, rồi đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Dương Từ - Hà Mậu... cũng lần lượt được dịch, tiếng lòng của những người yêu nước được đưa thẳng đến tai thực dân. 
Khi công nghệ in ấn được đưa vào Sài Gòn, những ấn bản Lục Vân Tiên quốc ngữ đầu tiên đã được xuất bản năm 1867, được đưa vào sách giáo khoa dạy quốc ngữ ở cả Việt Nam và Pháp. Và cứ thế lan xa. Những vần thơ Lục Vân Tiên, được người Pháp giới thiệu: "Là thi phẩm tiêu biểu nhất của đất nước này", đã giới thiệu lời ăn tiếng nói, tâm hồn và lẽ đời người Việt đến với thế giới.
Không thể đếm hết những ca dao dân ca, những sáng tác thơ, truyện, kịch, cải lương, phim ảnh từ cảm hứng câu chuyện Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga và cảm hứng từ chính con người - cuộc đời cụ Đồ Chiểu của hàng trăm tác giả khuyết danh và có danh đã nối tiếp nhau ra đời suốt hàng trăm năm sau này. 
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người người soi chiếu vào tác phẩm để tìm ra chính mình. Như giáo sư Trần Văn Giàu phân tích: "Có gì thích thú hơn đọc truyện mà thấy mình trong truyện? Nếu là trai thì họ thấy mình trong Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực, chú tiểu đồng. Nếu là gái thì họ thấy mình trong Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên. 
Nếu là già thì họ thấy mình trong ông Quán, ông Tiều, ông Ngư, Lão bà... Toàn là những người vì nghĩa, mà vì nghĩa là đức tính quý báu phổ biến của người Việt Nam. Trong đó, người miền Nam nổi tiếng trọng nghĩa khinh tài, thấy nghĩa phải làm, có dũng phải dùng...
Các nhân vật chính của truyện Nôm thế kỷ XIX hay trước nữa, có ở đâu có chàng trai ra trai Việt Nam như Lục Vân Tiên, như Hớn Minh đâu? 
Các chàng không hề bi lụy tuy rằng tình cảm dồi dào, luôn vững vàng trong cơn bão táp của cuộc đời, éo le của tình duyên. Thanh niên Việt Nam có khí phách, tắm gội trong chữ "nghĩa", chữ "dũng" thì việc họ ưa thích Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu nào có lạ gì"...
Hàng trăm tham luận trong và ngoài nước gửi đến hội thảo khoa học quốc tế "Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay" được tổ chức hôm 29-6-2022 đã cùng lúc soi chiếu trong ngoài, các góc độ, các chiều kích tư tưởng, nhân cách và di sản của cụ Đồ Chiểu trong dòng chảy lịch sử, dưới cái nhìn khoa học, hội nhập quốc tế. 
Hàng ngàn trang sách của ngày hôm nay lại càng khẳng định những thâm sâu, uyên áo mà người xưa đã viết, như những dòng duyên dáng sâu thẳm này của thi nhân Bùi Giáng: 
"Chắc chúng ta sẽ vì lòng thiên ái ít nhiều, nên chủ quan mà nói rằng không một cuốn truyện nào xúc động tâm hồn người Việt bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Nó ngấm sâu vào tâm hồn đại chúng hơn mọi tác phẩm khác. Có gì đáp lại khát vọng tiềm lắng của lòng người?
Một khát vọng trong tâm hồn đạo lý khôn nguôi của người dân trên dải đất cha ông đã đổ nhiều mồ hôi khi khai thác, và để chảy nhiều máu lúc giữ gìn. Lòng hiếu trung được thử thách, nung nấu đã bao lần.
Cụ Đồ Chiểu đã gửi lại họ cả tấm lòng của họ. Họ nhìn lại trong tấm gương đạo lý của cụ lung linh hình bóng niềm khát vọng trong tâm hồn mình. Lục Vân Tiên luôn luôn cảm động người trong cái phần trong sáng nhất của tâm tình đạo lý, dào dạt sâu thẳm nhất của tâm tình yêu thương, và của tâm tình người thiết tha theo lý tưởng, hân hoan đi trên mọi thực tế trớ trêu"...
Lòng can đảm của ngòi bút
"Hân hoan đi trên mọi thực tế trớ trêu", đó là Lục Vân Tiên, còn Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ vô cùng quyết liệt. Cụ tuyên bố lẽ sống của mình "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". 
Hẳn nhiên, nếu đôi mắt không bị mù, Nguyễn Đình Chiểu sẽ chẳng cam tâm ngồi nhà làm thầy đồ, ngao du làm thầy thuốc. Nhưng dẫu có bị trói buộc bởi số phận, ngòi bút của cụ càng mạnh mẽ, quyết tâm "lòng đạo xin tròn một tấm gương" càng cứng rắn, hành động càng quyết liệt. 
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động bày tỏ: "Trong một thời đại mà chủ nghĩa nhân văn đang bị đe dọa nghiêm trọng và cái ác trở nên ngang nhiên trong đời sống con người, thì tầm vóc thơ ca của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu càng được minh chứng và lan tỏa. 
Một trong những giá trị của thơ ca và con người Nguyễn Đình Chiểu là cụ đã trở thành biểu tượng lòng can đảm của một nhà thơ trước những bất công, trước cường quyền, trước thói đạo đức giả và trước cái ác. Cả đời cụ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để chống lại những thứ tồi tệ đó".
Cụ chiến đấu không chỉ bằng ngọn bút mà bằng cả con người, cả cuộc đời mình. Người Ba Tri tới nay còn kể chuyện cụ Đồ Chiểu đứng ra tổ chức lễ tế nghĩa sĩ tại chợ Ba Tri năm 1886. Khăn áo chỉnh tề, cụ đứng lên đọc bài "Tế lục tỉnh sĩ dân trận vong" mà cụ đã sáng tác và đọc cho vợ là bà Lê Thị Điền ghi. 
Đọc xong bài, nước mắt cụ Đồ Chiểu ràn rụa, xúc động ngã xuống đất, học trò phải xúm vào chữa trị... Và đến ngày 3-7-1888 ấy, khi cụ đồ tạ thế, cánh đồng Ba Tri trắng một màu khăn tang, dù không phải người dân quê nào lúc đó cũng thấm nhuần chữ nghĩa.
Ngồi bên mộ cụ đồ, bà Âu Dương Thị Yến - cháu 5 đời của cụ - lại ngâm một bài thơ: "Trọn đời mải miệt với thi thư/ Đồ Chiểu danh nho bậc thế sư/ Bút thép đâm gian mong cố quốc/ Đạo thuyền răn giặc mộng bình cư/ Điếu trung liệt bồi nhân cách lớn/ Khóc sĩ dân trả nợ thi thư/ Lòng đạo nguyện tròn gương nghĩa khí/ Xứng danh muôn thuở vạn thế sư".
Ngòi bút ấy, cụ đã dùng cả đời mình để mài sắc, để tôi rèn và dành lại cho những người cầm bút hôm nay.
Từ xưa đến nay, chúng ta mới tìm hiểu được rất ít về Nguyễn Đình Chiểu mà đã thấy ông là nhà thơ yêu nước thật lớn, "một vì sao có ánh sáng khác thường" và "càng ngày càng thấy sáng".
Nếu chúng ta chịu tìm hiểu ông một cách có phương pháp, sẽ thấy được ngôi sao ấy sáng đến mức nào. "Nguyễn Đình Chiểu học" thực sự mới bắt đầu...
Vũ Đức Phúc - trích tiểu luận "Mở rộng việc nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu".
2/7/2022
Phạm Vũ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...