Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Bạch đầu khả dĩ thành công

Bạch đầu khả dĩ thành công

Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp, làm đúng nghề được mấy năm thì vỡ nợ, nhảy sang học Đại học Y học cổ truyền… chàng trai sinh năm 1983 Mai Tiến Duẩn ở thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tưởng đã yên phận với việc ngồi bốc thuốc và lấy vợ là hoàn tất sự nghiệp.
Thế nhưng đến giờ đã ngót 40 mà Duẩn vẫn độc thân. Thay vào đó gã lại có duyên với văn chương. Năm 37 tuổi trình làng truyện ngắn đầu tay “Nhà vô địch” trên Văn Nghệ Công An và Tạp chí Văn Nhân Nam Định. Cho đến hôm nay đã có hơn chục truyện ngắn đăng trên các báo.
Với lối viết chân thật pha chút hóm hỉnh, nhiều chi tiết sống động cùng cách dựng chuyện logic và giải quyết tình huống bất ngờ… truyện ngắn của Mai Tiến Duẩn để lại ấn tượng khá thú vị cho người đọc.
Năm 2020, Mai Tiến Duẩn được vào chung khảo Cuộc thi Truyện ngắn Báo Dân Việt do Bộ NNPTNT và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với tác phẩm “Bạch đầu khả dĩ thành công”. Một truyện ngắn khá đặc sắc, xin giới thiệu cùng bạn đọc Vanvn.vn.
Nhà văn Mai Tiến Nghị giới thiệu
Đêm cuối tháng mười một âm lịch gió mùa Đông Bắc tràn về. Những cơn gió rít lên vù vù, vỗ mạnh từng đợt vào cánh cửa sổ cạnh giường làm lão tỉnh giấc. Gần bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy người ta chỉ mong đêm chợp mắt hai đến ba giờ đồng hồ là hạnh phúc lắm. Bệnh của người già là khó ngủ nhưng chỉ cần một tiếng động nhẹ là thức giấc. Mà đã thức rồi thì chong mắt tới sáng. Lão đưa tay vơ lấy cái điện thoại cũ kỹ ở đầu giường ấn nút màn hình sáng để xem giờ.
Mới hơn một giờ sáng. Sang tháng tầm này là chuẩn bị tết âm lịch. Có đàn gà nuôi lớn để chờ tết thì chết không còn con nào. Mà sao ông trời khó tính đến vậy. Nuôi gà thì gà cúm, nuôi lợn thì lợn toi, trồng lúa thì mất mùa. Còn… đi làm thuê thì không ai mướn. Người ta nói: “Mướn ông làm, chẳng may ông lăn đùng ra đấy thì liên lụy đến chúng tôi”. Khổ thế chứ, ốm tha già thải. Tiền đâu chuẩn bị tết bây giờ? Hồi trẻ người thầy chấm lá số nói: “Cung Thân của anh có ngôi sao Thiên Phủ gặp sao Hóa Lộc, Thanh Long. Cứ khi nào mái tóc trắng thì khi đó anh sẽ có tiền và nổi tiếng”. Ông ta còn tặng câu “Bạch đầu khả dĩ thành công”.
Lão tung chăn ngồi dậy vén màn đứng lên, lấy cái áo khoác vào người đi về phía bảng điện bật công tắc. Ngôi nhà bừng sáng lão bước nhanh đến chiếc gương treo gần cửa ra vào. Mắt chăm chú nhìn vào gương, tay vạch từng sợi tóc, cái đầu lúc thì cúi xuống, lúc thì xoay trái, lúc thì xoay phải rồi nở nụ cười.
– Chả nhẽ sắp nổi tiếng. Tóc bạc trắng như cước, bạc đến cả râu.
Bỗng có tiếng vọng lên từ chiếc giường ở bên kia đối diện với giường của lão qua ban thờ giữa nhà.
– Già rồi còn đĩ. Tắt điện cho tôi ngủ. Đêm hôm dậy soi gương.
Câu nói khiến lão giật bắn mình vội vàng tắt điện. Ngôi nhà tối đen như mực, lão trở lại giường nằm.
Đèn lại bừng sáng, lão nhổm người dậy hỏi.
– Đã đến giờ đâu?
– Có khách đặt hàng. Phải xôi sớm, đưa đúng giờ để họ đi lễ.
– Sắp tết rồi, có khi bán đi mấy tạ thóc mua con gà trống cúng sang canh, mua đôi ba cân thịt lợn gói bánh chưng. Các cô các chú có quà tết, mình cũng phải đưa lại cặp bánh để đáp lễ.
Người đàn bà gắt lên.
– Lấy đâu ra tiền. Tôi chỉ mua con gà. Thịt lợn đắt, không bánh chưng gì hết. Ao đầy cá, ông bắt lên cho mỗi nhà một con.
– Ừ. Vậy thì được.
Sáng hôm đó mặc cho gió mùa hắt từng cơn vào mặt, lão đứng trên bờ ngắm xuống ao. Mặt nước trong xanh sủi tăm, thi thoảng những con cá to nổi lên quẫy đuôi cuộn nước rồi lặn xuống đáy. Lão nở nụ cười mãn nguyện thì có tiếng chửi đổng vóng lên.
– Nướng cá như cặc. Làm cháy thành than con trắm ốc của bố. Thế này thì biếu ai nữa.
Thì ra tiếng chửi của thằng cha hàng xóm, lão tò mò sang xem sao.
– Nướng ở lò nào đấy?
Gã hàng xóm được đà bắn như súng nhả đạn.
– Thằng con ở Hà Nội gọi về hỏi đầm nhà mình có trắm ốc không, bắt đem nướng để nó biếu cấp trên. Trời lạnh kệ trời lạnh, tất cả vì sự nghiệp của con, em ôm lưới xuống đầm. Đánh cả tiếng mới bắt được con trắm to, giờ thì nó thành than rồi.
Câu trả lời của gã hàng xóm chẳng liên quan gì đến câu hỏi. Lão điềm tĩnh nói.
– Cá biếu mà chú đem đến lò nướng là hỏng. Thằng chủ lò ngu lắm! Có biết gì đâu, người ta đưa cá là cho ngay vào lò nướng, chẳng để ý tới nhiệt độ thấp cao thế nào. Nướng cá là một nghệ thuật. Cùng là cá nhưng trôi khác, chép khác, mè khác… Cùng là lò nướng nhưng nướng điện khác, nướng củi khác, nướng rơm khác, nướng trấu khác…
Gã hàng xóm ngắt lời.
– Bác hiểu sâu về nướng cá nhỉ. Hay em ra chợ mua con trắm khác bác nướng giúp. Em gửi tiền công.
Lão ngần ngừ một lúc rồi chép miệng.
– Cũng được.
Gã hàng xóm ra ngay chợ, tầm hai mươi phút sau trên tay lủng lẳng con trắm ốc cỡ dăm cân. Đuôi quét vào mặt đường bê tông tạo thành những vệt dài đứt khúc ngoằn nghèo. Con trăm ốc đen bóng lừ, gã vất oét ra giữa sân. Con cá giãy lên đành đạch.
– Đây bác nướng giúp em.
– Ừ cứ để đấy.
Lão chạy vội sang hàng xóm ở phía trước vác về bao trấu, ra sau nhà ôm rơm đưa ra giữa sân rồi xách con cá đến bờ giếng. Một tay đè đầu cá trên thớt, tay con lại cầm dao thoăn thoắt mổ bụng lôi sạch ruột cá ra ngoài rồi dìm vào chậu nước bên cạnh tráng qua. Lão dội nước rửa thật sạch, dùng nghệ tươi đã giã nát xoa đều, cả con cá thành màu vàng ươm. Rồi lấy lá ổi nhét căng vào bụng. Lão dàn rơm làm nền, đặt cá lên trên, lấy cái chậu nhôm to tướng đã được rửa sạch úp chụp xuống. Lão trải rơm đốt xung quanh thành chậu. Trời hanh, gió to rơm gặp lửa cháy bừng bừng, lão từ từ rắc trấu vào đám rơm đang cháy. Khuôn mặt đỏ rực vì ngọn lửa táp vào.
– Nướng thế này thì bao giờ được bác? Mải tập trung nướng cá, gã hàng xóm đứng cạnh lúc nào không hay.
– Còn lâu… mươi tiếng nữa. Phải thế thì cá mới chắc, thịt mới ngọt và thơm.
Khói của trấu bay khắp nhà, bốc lên thành ngọn. Rơm và trấu cháy âm ỉ tầm ba giờ đồng hồ thì lão lật chậu và lật ngược con cá. Sau đó lại úp chậu đốt rơm, rải trấu nướng tiếp. Cuối giờ chiều gã hàng xóm sang. Con cá thịt khô vàng ươm thơm ngào ngạt mùi lá ổi đang nằm gọn trên tờ báo. Gã cảm ơn rối rít dúi tờ năm mươi ngàn vào tay lão rồi ra về. Cầm tiền lão thấy một cảm giác đê mê lan tỏa, người lâng lâng sung sướng. Lần đầu tiên trong đời ngồi nhà mà ra tiền. Lão bước lại chiếc gương vạch từng sợi tóc.
– Bạch đầu khả dĩ thành công! Nướng cá. Đúng rồi nướng cá.
Đút tiền vào túi, lão lấy xe đi ra phố huyện vào cửa hàng quảng cáo đề nghị làm cái biển dán chữ màu đỏ rõ ràng: “Ở đây nướng cá uy tín” về treo đầu ngõ. Mấy ngày sau gã hàng xóm sang khoe.
– Con của em gọi về. Sếp nó khen ngon, cá nướng thịt dai, ngọt, chắc. Gần tết sếp nhờ nướng mấy con để đi biếu.
Mặt lão giãn ra, ánh mặt đầy tự hào.
– Cá vào tay tớ nướng thì ngon hết.
Mùa đông có thể người ta nhậu nhiều, mà nhậu với món cá nướng thì tốn rượu phải biết. Thế nên ngày nào lão cũng có khách mang cá tới nướng. Ngày ít thì một con, nhiều thì chục con hãn hữu lắm mới có ngày tắt lửa. Tiếng lành đồn xa, một người biết thì mười người biết rồi trăm người biết. Những ngày gần tết khách mang cá đến nườm nượp. Đủ các loại, từ cá biển như Thu, Chim, Ngừ… rồi cá nước ngọt như Trôi, Mè, Rô Phi, Trê… thậm chí có vị khách mang cả gà, vịt tới. Lão nhận nướng hết, tùy từng loại mà tẩm gia vị, có loại chỉ cần rửa sạch là cho vào nướng. Có lẽ thời gian nướng là quan trọng nhất, con thì ba tiếng, con thì dăm tiếng, thậm chí có con lên hơn chục tiếng đồng hồ. Treo biển chưa được hai mươi hôm, tính toán trừ chi phí dư ra được đến mấy triệu. Cầm tiền trên tay, toàn thân rạo rực, lão chỉ muốn chạy ra sân hét toáng lên. Bên tai văng vẳng câu “Bạch đầu khả dĩ thành công”, lão lại chạy đến chiếc gương nhìn vào mái đầu rồi tủm tỉm cười.
– Dạo này ông phải lòng con nào à? Suốt ngày soi gương, đang nướng cá cũng vào soi gương.
– Kệ tôi! Bà biết gì mà nói.
– Gần tết rồi, ông xem mà bắt cá để cho cô chú, mỗi nhà một con.
– Thôi. Ao nhà mình cá đang độ lớn. Đây bà cấm lấy tiền mua mấy cân thịt lợn về gói bánh chưng.
Hình như đàn bà người ta ham vật chất, nghe “bà cầm lấy tiền” thì mắt vợ lão sáng hơn sao, miệng cười tươi chạy ngay đến trước mặt lão. Đấy cứ có tiền là đâu vào đấy hết, nói ngược nói xuôi đều đúng cả. Tháng trước còn lo không có tiền sắm tết. Vậy mà tết năm nay có cây đào để ngoài sân, có cây quất đặt trong nhà. Bữa cơm chẳng thiếu thứ gì. Thịt gà, thịt lợn, bánh chưng… con cháu ăn thoải mái. Tất cả đều nhờ vào tài nướng cá của lão.
Vợ chồng lão có một người con trai và hai cô con gái. Người con trai đi học rồi lấy vợ lập nghiệp trên Hà Nội, điều kiện kinh tế eo hẹp. Còn hai cô con gái lấy chồng ở xã bên nghèo lắm. Qua tết, người con trai cùng vợ trở lại Hà Nội làm việc. Lão tiếp tục với nghề nướng cá. Tháng giêng là tháng của lễ hội, người ta đua nhau đến chùa này miếu kia để khấn vái, cầu xin những điều họ mong muốn. Lão chả có thời gian đi vì còn bận nướng cá. Lò ngày nào cũng đỏ lửa. Nói là lò nướng cá cho nó oai thê thôi, chứ lão cứ đem sân trước nhà mà nướng. Thế nên lão sợ trời mưa lắm, mưa xuống dập lửa thì hỏng hết. Chính vì lẽ đó lão bàn với vợ.
– Với lượng khách thế này, tôi sẽ làm lò nướng cá sau nhà. Dưới xây tường bốn xung quanh cao tầm hơn mét, trên là khung sắt, mái lợp tôn. Rộng rãi thỏa sức nướng. Ý bà thế nào?
Vợ lão là người tiếp xúc nhiều với khách. Nhưng khổ nỗi, bà chưa một lần được thu tiền.
– Thế ông có tiền chưa?
– Chưa.
Bà im lặng một lúc mới đáp lời.
– Nói thật! Tôi tiết kiệm được hơn cây vàng. Ông lấy mà làm.
– Có vàng cơ à? Thế mà cứ động hỏi tiền thì ngoác mồm lên.
– Tiền phải dành dụm. Không làm gì, bỏ ra để tiêu hết à? Tiền phải sinh ra tiền, giờ ông có việc tôi mới đưa.
Chừng hơn tháng sau, nhà lão có cái lò nướng cá lợp tôn rộng đến gần trăm mét vuông. Lão ra phố huyện vào cửa hàng quảng cáo.
– Anh thiết kế lại cho tôi cái biển. Chữ “Tại đây nướng cá uy tín” màu đỏ, nổi trên nền cái lò nướng.
– Nhất trí. Bố có lò nướng cá.
– Đúng rồi.
– Bố chỉ nướng cá thôi à?
– Gà, vịt, lợn… cứ đưa đến là tớ nướng. Lão đáp.
Anh thợ quảng cáo mắt nhìn màn hình máy tính gợi ý.
– Phải chơi bốn chữ “Lò Nướng Uy Tín” mới hết nghĩa bố ạ.
Nghe thấy hợp lý lão đặt luôn năm cái biển kích cỡ khác nhau. Một cái treo đầu ngõ, bốn cái treo bốn mặt xung quanh lò nướng. Khách lạ đến làng chỉ cần nhìn về cuối làng thì bốn chữ “Lò Nướng Uy Tín” đỏ rực đập ngay vào mắt.
Người trẻ mới ham việc vì họ có sức khỏe, có sáng tạo, có ý chí vươn lên và họ có trách nhiệm lo cho thế hệ sau. Còn lão thì con cái đều trưởng thành và tự lo được cuộc sống nhưng lão vẫn ham. Có một lại muốn có hai, có hai rồi muốn có ba rồi cứ thế lũy thừa tính theo cấp số nhân. Xây được cái lò nướng chưa phải thành công vì lão vẫn chưa nổi tiếng như ông thầy lý số nói. Mỗi lần nhớ đến câu “Bạch đầu khả dĩ thành công” dù làm việc gì, dù ngồi bất cứ nơi đâu cũng phải chạy đến trước chiếc gương ngắm nghía rồi toan tính.
– Nướng cá thuê thì chỉ đủ ăn, khó mà nổi tiếng. Phải làm lớn hơn.
Chiều hôm ấy, lão đề xuất ý tưởng với vợ.
– Tôi quyết định chơi lớn quả này. Tôi để ý kỹ, đầm của thằng cha hàng xóm sủi tăm, sủi bọt. Nhiều khi thấy cả đàn đen xì quẩy lên mặt nước, chắc là trắm đen hoặc cá quả. Tôi sẽ sang hỏi mua cả đầm.
– Ông nhìn kỹ chưa. Tôi chỉ sợ già rồi, mắt nhòe nhìn gà hóa quốc.
– Bà… vớ vẩn.
Nói chuyện với vợ xong, lão thong thả sang đầm nhà hàng xóm ngắm nghía. Thấy lão, gã hàng xóm chạy ra nhanh miệng chào.
– Bác bận nướng cá mà vẫn có thời gian sang em chơi. Em phục bác cái khoản nướng cá.
– Chẳng giấu gì chú. Tôi có ý định mua hết cá ở đầm này.
– Ai chứ… bác là em để ngay. Em còn chưa cảm ơn bác.
– Chú cứ đùa có gì mà phải cảm ơn.
Gã hàng xóm gãi đầu gãi tai trình bày.
– Bác nướng cá ngon, mà sếp của con em thích món cá nướng. Em đặt bác nướng là để nó biếu sếp. Mà nó mới nhận chức trưởng phòng. Từ đó suy ra con trai em được thăng tiến là nhờ tài nướng cá của bác.
– Thế chú định bán giá thế nào? Tôi thấy đầm nhà chú chắc nhiều cá trê chứ… chép, trôi và trắm chắc ít.
– Riêng bác trả giá thế nào em bán như thế. Đầm này nhiều cá đấy bác.
Lão không ngờ thằng cha hàng xóm sống bằng nghề nuôi cá, có đến mấy cái đầm mà ngu ngơ đến vậy. Hay là thằng con mới lên chức hắn muốn cảm ơn mình thật. Đành liều ra giá xem thế nào. May thế gã đồng ý ngay mà chẳng cần suy nghĩ. Lão sướng rên, quả này vớ bẫm, tha hồ nướng. Lãi từ gốc đến ngọn. Lão hớt hải chạy về, hai vợ chồng gom hết tiền trong nhà đưa sang trả gã hàng xóm. Hôm sau lão xách lưới bắt cá. Tấm lưới màu xanh được đan bằng những sợi cước thô cứng. Vậy mà nó trở nên mềm mại như dải lụa, uốn thành vòng tròn mỗi khi lão tung ra trên mặt nước. Bao niềm vui, bao hy vọng lão gửi gắm trong mẻ lưới đầu tiên. Lưới vừa tung xuống thì mặt nước xuất hiện những bóng đen lao vun vút. Lão nhanh tay kéo, càng kéo lên thì cái lưới càng nặng nề và nước trong lưới kêu những tiếng sùng sục. Tim lão đánh vào lồng ngực thùm thụp, hơi thở nhanh và gấp gáp. Cái lưới rung lắc mạnh hơn, cả một đàn cá đen nhảy lên tom tóp khi vào sát bờ. Lão mừng như vớ được vàng dồn hết sức vào cánh tay đưa mẻ lưới lên bờ. Lão thất kinh khi nhìn thấy nhông nhốc một lũ quái vật. Con thì bằng bắp chân, con thì băng bắp tay, con thì bằng cổ tay. Chúng giơ cái đầu như cá sấu, da thì nhám đen xì với rất nhiều vây, ngạnh sắc nhọn như cái đao dương lên thách thức. Lão vội ngồi xuống, tay mở nhanh miệng lưới, bắt từng con vất ra ngoài. Toàn cá dọn bể. Đúng là thủy quái, nhìn gớm chết đi được. Khuôn mặt lộ rõ vẻ thất vọng, đôi mắt chứa sự giận dỗi cụp xuống. Lão quăng lưới lần thứ hai, hy vọng lần này sẽ khác. Cái lưới vẫn rung lắc, cá vẫn nhảy tom tóp nhưng kết quả không khác lần trước chỉ một loại duy nhất lên bờ là cá dọn bể.
– Cái thằng hàng xóm đểu thật, lừa mình. Giá nào cũng bán. Chẳng thế mà nó sống bằng nghề nuôi cá. Không! Nó không lừa, do mình tham mà thôi. Mình chỉ là thằng nướng cá, không phân biệt được dưới ao có những loại cá nào. Tý về biết nói với vợ làm sao. Bạch đầu khả dĩ thành công hay là bạch đầu sao vẫn còn ngu.
Khuôn mặt dúm dó bởi các nếp nhăn xô vào nhau, đôi mắt nhòe lệ. Hai cánh tay lão đưa lên lau những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tiếc tiền đến ngẩn ngơ, lão chán nản ngồi nhìn xa xăm. Bỗng cái bóng lao đến chộp lấy con cá to bằng bắp chân chạy đi. Mẹ cái thằng nửa khôn nửa dại thấy cá to là vồ. Người làng hay gọi là thằng ngố. Kệ cho nó lấy! Loại cá này thì chỉ cho lợn ăn, hoặc vất ở gốc cây. Lão thu dọn lưới cho đống cá vào xô xách về ai lấy thì cho. Vợ lão từ trong lò nướng bước ra nhìn vào cái xô hỏi.
– Ông bắt loại này làm gì?
– Đầm toàn loại này. Chẳng có giống nào khác.
Bà vợ xông lên, hai tay túm lấy áo nơi ngực lão rồi giật đi giật lại.
– Ôi ông ơi. Bao tiền của tôi. Ôi giời ôi, ki ki cóp cóp cho cọp nó tha. Ông giết tôi rồi. Biết ngay mà, mắt có nhìn thấy gì đâu. Nhìn con chim sẻ lại ra con đại bàng.
Lão đứng như trời trồng để vợ giật. Giật áo chán thì bà ôm mặt chạy vào giường nằm vật ra, rên ư ử. Người già bao giờ cũng điềm tĩnh, lão đem lưới ra ao rửa sạch mang cất, cho xô cá vào một góc rồi đi vào lò nướng. Ngôi nhà buồn như đưa đám, vợ không còn khóc nữa nhưng vẫn nằm lỳ trên giường. Nướng cá đối với lão là niềm vui, hôm nay thì khác, đôi mắt chợp chợp nhìn vào mấy đống trấu lẫn rơm đang bốc khói. Nước mắt từ từ rỉ ra chảy dần xuống gò má, lão lấy khăn lau những giọt nước mắt rồi ra khỏi nhà. Ngửa mặt lên là bầu trời nhạt nhòa ánh sáng, khóe mắt thì cay cay. Lão đưa tay lên dụi.
– Lạ nhỉ! Mình có khóc đâu.
Mở lồng ngực hít thật sâu, mùi khen khét quen thuộc xộc vào mũi.
– À! Có người nướng cá. Đến xem thế nào, biết đâu học được cái hay.
Tưởng ai, hóa ra ông ngố nướng cá. Lão đứng quan sát, con cá dọn bể được nó xiên vào cái que củi đang nướng trên đống rơm cháy đùng đùng. Con cá quắt khô thì thằng ngố đưa lên miệng thổi phù phù rồi ăn một cách ngấu nghiến ngon lành. Nhìn nó ăn mà lão cũng thèm.
– Nó ăn được, mình cũng ăn được.
Lão bước nhanh về nhà, đổ xô cá ra nhặt mấy con to, mổ bụng vất ruột, cắt vây, chặt đầu rửa sạch cho vào nướng. Bỏ ăn trưa lão ngồi lì ở trong lò, mặc cái nóng, mặc cho ngọn lửa táp vào mặt. Loại này ăn tạp, còn theo các loài cá khác hút nhớt nên thời gian nướng phải lâu để loại bỏ mùi hôi. Cuối giờ chiều lão mới lật cái chậu nhôm lấy cá ra. Đưa lên ngắm nghía, bên ngoài là lớp da đen khô cong, lấy tay chạm vào thì lớp da bong ra để lộ thớ thịt vàng vừa dai vừa chắc. Lão xé một miếng cho vào miệng, lúc đầu thấy tanh tanh buồn nôn nhưng càng nhai lại càng thấy ngọt. Ngọt như thịt trâu nướng, đã thế còn dai. Được rồi, chỉ cần tẩm gia vị sẽ hết mùi tanh. Cái khó là làm sao loại bỏ hết được lớp da đen bên ngoài để khi nướng xong thì thịt cá thành một màu vàng ươm.
– Nước nóng, dội nước nóng vào xem sao.
Lão gọi vóng vào trong nhà. Bà đi chợ mua ớt tươi, sả, riềng giúp tôi. Lão đổ hết xô cá ra bờ giếng. Tay thoăn thoắt mổ bụng, chặt đầu, chặt vây rửa sạch sẽ bằng nước lạnh rồi cho hết vào cái rổ to đặt lên chậu. Sau đó dội nước nóng, ngâm mấy phút vớt ra. Đứng như dự tính, dao cạo đến đâu lớp vỏ đen bong ra đến đấy. Sau khi cạo xong lại rửa sạch bằng nước lạnh. Cho ớt, sả, riềng vào cối giã nát rồi xoa đều lên lớp thịt. Chờ cho gia vị ngấm lão bê rổ cá vào lò, xếp trên lớp rơm, úp chậu nhôm trải rơm xung quanh đốt rồi thả trấu. Mải nướng cá, quên cả ăn tối. Vợ xót chồng đến bên cạnh nói.
– Khuya rồi. Lên nhà ăn đi? Làm lấy chết à?
– Bà đi ngủ đi. Kệ tôi.
Cả đêm không ngủ, chờ đủ chín tiếng lão lật từng chậu, lấy cá xếp vào chiếc mâm phủ giấy báo. Tất cả đều săn khô, óng ánh một màu vàng điểm thêm những chấm đỏ của ớt, cá có mùi thơm lựng đặc trưng của rơm. Lão ăn thử xem sao. Đưa vào miệng không có mùi tanh, lúc đầu cay, nhai một lúc thấy ngọt, càng nhai càng ngọt, ngọt đến tận chân răng. Được rồi, để đánh giá chất lượng phải đưa ra quán bia, hàng ăn ở phố huyện xem sao. Dân nhậu tinh lắm, họ ăn được thì chắc sẽ bán được. Cho tất số cá dọn bể nướng đêm hôm qua vào làn, treo lên xe tới nhà hàng. Mỗi cửa hàng lão gửi mấy con kèm theo tờ giấy ghi số điện thoại rồi về nhà chờ. Buổi tối lão đang ngán ngẩm ngồi trong lò nướng thì chuông điện reo liên tục. Chủ cửa hàng thông báo cá nướng ngon, đã bán hết. Họ còn đặt hàng để hôm sau bán nữa chứ. Mừng ơi là mừng! Cá dọn bể, loại phế thải mình cho vào lò nướng lại ngon.
Đúng là không có gì truyền thông tin nhanh bằng vô tuyến truyền mồm. Món cá nướng được người ta truyền tai khắp phố huyện, truyền về làng, truyền từ xã này sang xã khác. Món cá nướng độc và lạ ai cũng muốn thưởng thức, người ta đặt hàng nhiều đến mức lão nướng không xuể. Ngày có hai tư giờ thì phải đến mười hai giờ lão trong lò nướng, đêm chỉ chợp mắt vài ba tiếng. Nhiều đêm chả ngủ được, thấp thỏm suy tính làm sao có nhiều cá để nướng. Chắc phải thuê thêm đầm để nuôi chứ với cái đà tiêu thụ thế này thì hết cá. Mà không sao loại này sinh sản nhiều, dễ nuôi, lớn nhanh lại khó chết. Sau khi soi gương xong, lão sang đặt vấn đề với gã hàng xóm.
– Đợt này chú nuôi cá thế nào?
– Hết vụ này em nghỉ. Con cái lớn cả rồi, ăn chơi cho sướng.
Nghe câu này lão như mở cờ trong bụng.
– Thế chú cho tôi thuê lại.
Gã hàng xóm đồng ý. Đêm đến lão bắt cá dọn bể từ đầm cũ đưa sang đầm mới để chúng tự do sinh sản. Vẫn biết chúng sinh sản nhiều và nhanh nhưng lại không được to. Thỉnh thoảng mới có con bằng bắp chân, đa số chỉ như cổ tay. Không biết nuôi thế nào để chúng lớn nhanh mà phải to cỡ bắp chân trở lên mới giá trị. À ngày nào mình cũng nướng cả tạ, vậy thì lấy đầu, ruột, vây văm nát làm thức ăn cho chúng. Quả nhiên có thức ăn lũ cá lớn nhanh, con nào con ấy to như bắp chân. Thế là thành một vòng khép kín. Giờ thì đầy cá dọn bể, lão thoải mái với sự nghiệp nướng cá của mình.
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Gần bảy mươi tuổi còn tay trắng thế mà với nghề nướng cá chỉ mươi năm lão làm nên sự nghiệp, nổi tiếng cả một vùng. Trở thành tấm gương sáng của hội người cao tuổi, điển hình cho mẫu người nông dân vượt khó làm giàu. Lão được rất nhiều tờ báo viết bài ca ngợi. Có tiền thì lão mua nhà Hà Nội cho con trai, xây cho hai anh con rể ở quê hai cái nhà. Còn lão vẫn ở ngôi nhà lợp ngói từ thời các cụ để lại. Món cá nướng của lão trở thành đặc sản của một vùng quê. Mọi bữa tiệc, từ ma chay hiếu hỉ ở huyện đều phải có món cá nướng, nếu không có thì mâm cỗ mất sang. Người trong huyện có anh em bạn bè từ xa về chơi đều dùng món cá nướng đãi khách. Tiễn khách thì họ lấy món cá nướng để làm quà. Tiếng của lão đồn tới Hà Nội và nhiều tỉnh thành cả nước. Vào dịp gần tết mọi ngả đường dẫn vào con ngõ nhà lão chật kín xe ô tô. Xã phải cử bảo vệ ra chỉ dẫn để khỏi tắc đường.
Người làng khen gần tám mươi mà vẫn khỏe, cả ngày hì hụi với cái lò. Họ còn xì xào: “Nhiều tiền cũng chẳng sướng, mùa hè mà chui vào lò khác gì tự thiêu. Nướng cá không cẩn thận có ngày chết vì lửa”. Mỗi lần lão từ trong lò nướng bước ra với chiếc áo ướt sũng mồ hôi thì cũng bằng ấy lần vợ lão lấy tay quệt mắt.
– Ông à! Mình là nông dân chỉ quanh quẩn bên mẫu ruộng với con lợn, con gà, làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn. Từ ngày nướng cá, ông lo cho chúng nó được gian cửa gian nhà. Lo thế đủ rồi, lo mãi sao được. Để các con tự thân vận động. Cả đời ông lam lũ rồi, nghỉ thôi. Tôi dành dụm được một khoản, ăn chơi đến cuối đời cũng chả hết.
Nhìn vào mắt vợ, lão lấy khăn lau những giọt mồ hôi trên trán, miệng thở dài.
– Xế chiều rồi, ham hố gì nữa. Người già như ngọn đèn trước gió, nay sống mai chết chả biết thế nào. Tôi cũng muốn nghỉ nhưng lũ quái vật nó đông nhung nhúc. Phải cho vào lò nướng bằng hết. Giờ mà nghỉ… chẳng may vào mùa lũ nó bơi sang đầm nhà người ta thì khổ. Sợ nhất là nó bơi ra sông sinh sôi nảy nở thì gây hại cho cả nước. Hại đến nhiều thế hệ sau.
Vợ lão an ủi.
– Còn mấy năm nữa là đến hạn trả đầm. Cố nướng hết rồi nghỉ. Vậy không cho ăn nữa. Thức ăn của chúng để chăm cây cho xanh tốt.
Giữa trưa hè oi ả cả làng đang im lìm thì tiếng kêu cứu vọng lên từ nhà lão.
– Ôi giời ơi. Cứu, cứu với.
Cả làng đổ xô tới, người ta thấy lão nằm bất động trong lò nướng bên cạnh những đống rơm, đống củi đang cháy rực lửa. Họ tập trung đưa lão đi bệnh viện huyện cấp cứu. Bác sĩ nói do trời nóng lại ngồi nướng cá, lửa táp vào mặt làm tăng huyết áp rồi dẫn tới tai biến. Bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển luôn ra Hà Nội. Ơn trời, may mà chưa chết. Lão nằm bẹp như con cá khô trên giường bệnh. Tóc thì cháy nham nhở gần hết mái, mắt nhắm chặt, lông mày lông mi cháy sạch. Cái miệng thì méo xệch sang một bên, râu thì chỗ có chỗ không. Nhìn lão chả giống ai, như người từ hành tinh khác tới. Phải mất hơn tháng lão mới tỉnh táo nhận ra mọi người nhưng miệng nói ú ớ không ra tiếng, dãi rớt ra liên tục. Nhiều người cho rằng già không sợ chết, trẻ mới sợ. Chẳng phải, mỗi người được sống có lần ai mà chả sợ chết. Lão cũng sợ chết. Chưa bao giờ lão run sợ trước cái chết như lúc này. Nếu chết thì ai sẽ nướng lũ cá dọn bể. Cũng may cho lão, do được cấp cứu kịp thời nên di chứng để lại nhẹ, ngoài méo mồm thì tay trái bị co quắp, chân trái bước đi khó khăn. Lão đề nghị bệnh viện cho dùng những loại thuốc tốt nhất để nhanh lấy lại sức khỏe. Bác sĩ cho rằng chỉ cần nghỉ ngơi, tập luyện đúng phương pháp, chịu khó xoa bóp bấm huyệt là phục hồi. Lão điều trị trên Hà Nội đến khi chập chững tự bước đi được thì về quê. Người thân, họ hàng khuyên lão bỏ nghề nướng cá. Tiền đã có, tiếng cũng nổi nên nghỉ để vui với tuổi già.
Tháng này đã là tháng chạp. Sáng nay bầu trời trong vắt nhưng lạnh, người làng đang co ro trước cái rét thì họ lại thấy cuối làng cột khói nghi ngút bốc lên từ phía ngôi nhà treo cái biển: “Lò nướng uy tín”.
Hải Hậu - Nam Định, 25/6/2020
Mai Tiến Duẩn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...