Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Bản lĩnh kiên cường, tâm hồn đôn hậu của… Người con gái Mường Biện

Bản lĩnh kiên cường, tâm hồn
đôn hậu của… Người con gái Mường Biện

Trên văn đàn xứ Thanh, trong những năm gần đây nhà văn Hà Cẩm Anh nổi lên là cây viết khỏe, trường lực, bền bỉ, xuất sắc với nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết đã được các nhà xuất bản ấn hành với đặc trưng ngôn ngữ, hình ảnh, bối cảnh, nhân vật, số phận của người phụ nữ Mường rất riêng biệt trong không gian đậm đặc bản sắc dân tộc.
Hà Cẩm Anh tên khai sinh là Hà Thị Ngọ, sinh năm 1948 tại làng Mổ, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Truyện ngắn, truyện ký của Hà Cẩm Anh đặc biệt ở điểm nào? Trước hết, đa phần truyện ngắn Hà Cẩm Anh viết về người phụ nữ Mường với hình ảnh, tính cách mạnh mẽ, nhưng hầu hết những “ả”, “nàng” ấy đều có chung một điểm đó là họ có bản lĩnh kiên cường, tâm hồn đôn hậu, khi rơi vào hoàn cảnh sống bi thương, éo le, đau khổ đến tận cùng, nhưng  họ đã không chịu đầu hàng số phận. Họ như con suối  lúc mềm mại yếu đuối, lúc kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại len lỏi qua bao chông gai rừng rậm, khi mạnh mẽ vượt thoát trên những tầng thác gềnh cheo leo mà không hề mảy may sợ hãi để tìm đến cuộc sống mới mà cuộc sống đó đã  được ấp ủ, hoài thai về ước mơ khát vọng chân chính của những người phụ nữ Mường muốn vươn lên để sống tốt đẹp hơn. Và rồi, những nỗ lực vượt thác tựa câu chuyện “Cá chép hóa rồng” đã biến ước mơ khát vọng của người phụ nữ Mường đi đến thành công.
Những nhân vật nữ trong truyện và tiểu thuyết của Hà Cẩm Anh có phải là đồng dạng phối cảnh với cuộc đời nữ nhà văn không? Điều này chỉ nhà văn biết rõ, tuy nhiên bạn đọc nhờ những tác phẩm truyện ngắn mang hơi thở đậm đặc vùng bản địa Mường Dồ (một địa danh thường được nhà văn lấy làm không gian nghệ thuật luôn xuất hiện trong truyện của chị). Con đường từ thung lũng Si Dồ – một địa danh có thật ở  xứ Ba Mường (Mường Vang, Mường Chiềng, Mường Dồ) của huyện miền núi mù sương Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã in dấu bước chân trần của một cô gái Mường đi từ ruộng nương xa xôi, tạm biệt những bậc cầu thang để  vượt qua những tập quán lạc hậu, vượt qua hoàn cảnh gia đình để đi thẳng đến ngôi nhà thân thương Hội VHNT Thanh Hóa, rồi tiến thẳng tới Giải A văn chương toàn quốc và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đó chính là nhà văn Hà Cẩm Anh.
Có phải vì cảnh đời nhiều phen lận đận, có thời gian tới hơn mười năm chị không ngó ngàng tới cây bút hay thời gian hơn mười năm ngưng lặng đó để chị nuôi quyết tâm để rồi chỉ ít  năm qua, tuy ở tuổi thất thập, chị vẫn miệt mài với nhiều trang viết, cho ra đời nhiều đầu sách dày dặn, không kể bối cảnh đời thường chưa mấy chu toàn, lắm khi giang dở… Nhưng, những ước mơ, những điều hạnh phúc nhất cho cuộc đời sự nghiệp văn chương của một người phụ nữ  bước ra từ thung lũng Si Dồ thì chị đã đạt được.
Trở lại với truyện ký “Người con gái Mường Biện” của Hà Cẩm Anh in trong tập truyện cùng tên của NXB Văn hóa dân tộc 2002, trang đầu chị viết: “… Cha mất sớm, gia tài cha để lại cho vợ và năm đứa con nhỏ chỉ có cái thông nhãng, con dao nắp và một cái thuổng. Ngôi nhà sản nhỏ xiêu vẹo, mùa đông tháng giá thì thừa gió. Mùa mưa thì thừa nước cũng bị lũ cuộn trôi đi mất. Thành thử mẹ và năm đứa con phải tá túc trong ngôi nhà rẫy của một người họ xa. Ngôi nhà trống trải không đệm không chăn. Ban ngày mẹ vác thuổng lên núi tìm của nâu, của mài, nhặt nấm, hái rau. Ban đêm mẹ thức ngồi giữ lửa cho các con khỏi bị rét… Một hôm cô bảo: Mế à, con lớn rồi từ mai con đi rừng, đi rẫy với mế. Mế âu yếm nhìn con. Nuốt khan nước bã trầu, mế ôm con gái vào lòng thật chặt: Con gái mế lớn thật rồi!”.
Chỉ một đoạn văn ngắn chúng ta đã được nhà văn khái quát cho biết hoàn cảnh nghèo khó của năm mẹ con người đàn bà góa đó phải trải qua những năm tháng cuộc đời vất vả gian nan đến chừng nào. Cô gái nhỏ trong gia đình ấy sớm nhận biết cái nghèo đang khiến cuộc đời người mẹ kính yêu của mình thêm trĩu nặng mỗi ngày. Cô đã đề nghị với mẹ cho mình tham gia làm những công việc của người lớn như đi nương, đi rẫy, cũng đào củ mài, nhặt măng rừng, hái rau rừng để giúp mẹ vơi đi gánh nhọc nhằn mưu sinh, lo từng bữa ăn cho cái gia đình đông đúc ấy… Trái tim non nớt của cô gái đã sớm nghĩ cho người khác. Không buồn với số phận đặt mình sinh ra trong một gia đình thiếu thốn và người cha sớm ra đi để lại khoảng trống không thể lấp đầy trong gia đình người con gái Mường Biện… Chính từ ý chí và nghị lực đó mà đôi chân trần bé nhỏ của cô gái có hoàn cảnh rất khó khăn thuở xưa, đã dần bước trên ngàn dặm đường miền núi xứ Thanh, góp phần phát triển sự nghiệp người phụ nữ dân tộc thiểu số Thanh Hóa đứng vững trên đôi chân mình phấn đấu xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tiếp cận văn hóa và học tập, phấn đấu, góp phần xóa đói giảm nghèo, xác lập vị thế người phụ nữ trong gia đình, dòng họ và trong xã hội.
Trang 30, nhà văn viết tiếp: “Thế là Bốn đi học chữ. Buổi sáng khi con gà chưa gáy, cô bé lên mười đã xuống chân thang giã ngô cho mẹ để đồ uôi làm bữa ăn trưa. Xong công việc nhà, cô bé ôm sách vở mới kịp chạy vội đến lớp. Trường học cách xa nhà mấy eo, chuông. Lối mòn ngập sương, cô bé chạy vội, lá cây ven đường quật mạnh vào người làm cho quần áo ướt đẫm, vừa ngồi học cô bé vừa run run. Mẹ chẳng có cơm nếp đồ để con gói lá chang ban đến lớp, nên tan học rồi, con gái mẹ lại ôm sách vở chạy năm cây số trở về nhà. Ăn xong lát bột ngô iu mẹ đồ rồi đeo đón lên rẫy. Vừa chọc lỗ cho mẹ tra ngô, vừa kể cho mẹ nghe những chuyện con học ở trường. Những chuyện con gái kể làm mẹ vui lòng. Công việc phát rẫy làm nương, hái măng, đào củ nhẹ đi một chút. Đôi bàn chân nhỏ, đôi bàn chân to cùng nhau lên rừng xuống rẫy có bạn, có đôi…”.
Chính cô gái ngoan hiền, siêng năng và luôn nghĩ cho người khác ấy đã được kết nạp là hội viên phụ nữ thôn, rồi chị phấn đấu liên tục để trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Thạch Thành. Đôi bàn chân người con gái Mường Biện lại băng rừng đến tận vùng sâu, vùng xa trong khói lửa bom đạn Mỹ ở thập niên bảy mươi để vận động chị em phụ nữ tham gia tăng cường sản xuất, tích lũy lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Từ một cô gái nghèo khó, có hoàn cảnh éo le, cô gái đã bước đi bền bỉ với một nguồn ánh sáng soi rọi tâm hồn là sự quan tâm phát triển phụ nữ của Đảng, là lòng tự hào về truyền thống Anh hùng của dân tộc và đặc biệt là nghị lực phi thường đã thúc đẩy hành động: Đó là mong muốn  bản  thân mình Phải được học hành để hiểu biết và để vươn lên trong cuộc sống.
Tại trang 32, nhà văn Hà Cẩm Anh viết: “Những năm động rừng, chuột từ trong núi tràn xuongs ruộng, xuống rẫy, gặp gì phá nấy, mùa màng mất trắng, dân đói. Người con gái Mường Biện mảnh khảnh, có đôi mắt đen nhánh rất đẹp, cũng từng có những tháng này xanh xao vì đói..”. Dẫu vậy, Chị vẫn cùng chị em trong đội ngũ hội phụ nữ các cấp, bám cơ sở hàng tháng để chỉ đạo bà con khắp chòm này, bản kia tăng gia sản xuất, bài trừ mệ tín dị đoan, tuyên truyền cách nuôi đàn gia súc gia cầm, trồng cây gây rừng, trồng cây cao sản và vun vén gia đình hạnh phúc. Chị cùng chị em ở cơ quan huyện hội cũng tự tham gia sản xuất tự túc, ăn rau, ăn sắn trừ bữa. “Từ lúc nào đó, chị đã trở thành đứa con chung của mọi bếp lửa các chòm bản. Lòng tận tuy, ý chí và nghị lực cảu chị làm cho người già thì thương, con gái, con trai trong mường trong bản thì quý thì nể. Chị là tấm gương cho họ làm theo. Họ bảo với nhau: (Trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt. Chúng ta làm theo lời cán bộ Bốn là đỡ nghèo, bớt khổ)”.
Truyện ký “Người con gái Mường Biện” của Hà cẩm Anh đã lấy chất liệu một nhân vật có thực với cái tên đầy đủ là Bùi Thị Bốn. Nhân vật từ gia đình nghèo khổ bước ra cuộc đời, thấu hiểu hoàn cảnh éo le của gia đình mình, mẹ mình, bản thân mình, cô gái Mường Biện đã đem lòng yêu thương bà con nhân dân vùng cao như yêu thương chính gia đình mình và đặc biệt là cảm thông, chia sẻ, tận tâm hết lòng với sự nghiệp phát triển phụ nữ miền núi. Người con gái Mường Biện ấy đã dành khoảng thời gian 50 năm đời người để gắn bó với phong trào phụ nữ với  nghị lực phi thường, bản lĩnh kiên cường và tâm hồn đôn hậu của chị đã lan tỏa bao năng lượng tốt cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vượt thác cuộc đời vững bước đi lên khẳng định vị thế người phụ nữ mới xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước và xây dựng gia đình ấm êm hạnh phúc.
Nhà văn Hà Cẩm Anh đã chọn được nhân vật điển hình cho trang văn của mình. Bằng sự thẩm thấu giá trị vốn từ và bối cảnh đặc biệt trong đời sống sinh hoạt khu vực miền núi khi viết truyện ký người con gái Mường Biện với văn phong hấp dẫn trong trường sinh thái dày đặc không gian văn hóa bản địa đã thu hút công chúng và bằng lỗi dẫn chuyện tự nhiên, hòa mình với nhân vật trong những dòng tự sự sâu thẳm tính nữ vì vậy tinh thần bản lĩnh kiên cường, tâm hồn đôn hậu của người phụ nữ Mường trong truyện ký “Người con gái Mường Biện” của Hà Cẩm Anh càng thêm sâu đậm đối với công chúng khi đọc truyện ký này.
8/6.2022
Hà Cẩm Anh 
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người bạn tri kỷ

Người bạn tri kỷ Trích hồi ký “Về người cha là thi sĩ Những người thường lui tới nhà cha con tôi có bác Quách Tạo. Tôi xem như là người an...