Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Bức tráng ca về mảnh đất anh hùng

Bức tráng ca về mảnh đất anh hùng

Với Đò Lèn, Lâm Bằng đã thành công khi thể hiện sự trân trọng quê hương – mảnh đất Hà Trung anh dũng. Anh viết về chiến tranh, có bom đạn, hy sinh, đau thương nhưng ấn tượng bao trùm lại là một Đò Lèn giàu truyền thống, dấu vết chiến tranh còn đó nhưng con người kiên trung, giàu tình yêu thương đủ để tất cả ngời sáng. 
Ngàn năm hát khúc ca sông
Đò Lèn – Thanh Hóa rạng cùng nước non.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, chiến thắng Đò Lèn vẫn là một khúc ca khải hoàn vang mãi trong trái tim, trường ca Đò Lèn (*) của Lâm Bằng – một người con của đất Hà Trung anh hùng – như một sự tri ân và nhắc nhớ của những con người biết trân trọng và gìn giữ quá khứ.
Trường ca như một hành trình huy hoàng của cuộc chiến khi con người khát khao đấu tranh vươn lên ánh sáng. Bắt đầu là những câu chuyện kể về Dòng sông, Đất thiêng, Cây cầu, những trang Huyền sử từ thuở khai thiên lập địa về một vùng quê yên ả thanh bình. Những tháng ngày ấy bị phá vỡ bởi bọn giặc xâm lăng, bởi thế những chương tiếp theo là hình ảnh của Bầy quạ sắt, Lưới lửa. Nhưng trong những giờ phút của Chiến sử, của tinh thần Quyết tử vẫn ngời lên những điểm sáng của tình yêu, của con người với Tình sử màu xanh, Cô dân quân huyện Hà và Làng sơ tán. Hai chương cuối là những trang thơ ngợi ca những điều đã trở thành Huyền thoại, đi vào lịch sử và khúc Hoan ca về thắng lợi nước non khải hoàn.
Trong khi nhiều trường ca hiện nay hướng cái nhìn về với đời thường, với những biến đổi của guồng quay cuộc sống thì Lâm Bằng dường như vẫn nặng nợ với quá khứ. Nhận xét về tập Giọt nắng (Nxb. Thanh Hoá, 2005) của anh, Trịnh Quốc Tuấn cho rằng lý tưởng thẩm mỹ trong cả tập thơ vẫn là thế giới quá khứ văn hóa truyền thống phát quang đến ngày nay và giá trị của những cánh đồng quê với con người lam lũ. Ở đây, Đò Lèn cũng vẫn khơi sâu mạch chảy của truyền thống ấy, đó là lịch sử đấu tranh kiên cường của con người quê hương anh. Tuy nhiên, cái tạo được ấn tượng và được tác giả khắc sâu hơn chính bởi tính trữ tình của trường ca vẫn được đảm bảo nhưng những số phận cụ thể, đa dạng khiến cho Đò Lèn như một bức tráng ca đầy màu sắc, đầy xúc cảm về cuộc đấu tranh của đất và người Hà Trung với hình ảnh đò Lèn như một biểu tượng cao đẹp trọn vẹn nhất.
Bắt đầu là sự hình thành dòng sông Mã:
Dứt ra từ đất từ cây…
Chắt từ mạch núi ngàn mây
Muôn ngàn nhánh suối ken dày thành sông.
Đó là một chứng nhân bền bỉ cho cuộc sống cũng như cuộc chiến đấu đầy tự hào của con người nơi đây:
Lúc dữ dằn thác gầm tiếng ngựa
Lúc dịu êm réo rắt nhạc chuông…
Bè mảng về xuôi… dòng phi nước đại
Ngày lại ngày
Dòng sông thành tên gọi
Mã giang
Tên sông nằng nặng
Như giọng huầy dô nằng nặng đôi vai…
Cả trường ca như một bản giao hưởng với nhiều hợp thanh, lúc thiết tha, lúc sôi nổi, khi thì quyết liệt, khi lại hiền hòa. Trái với cái dữ dội của cuộc chiến là hình ảnh đò Lèn trong những phút giây giản dị mà thiêng liêng. Lâm Bằng chứng tỏ sự tinh tế qua những vần thơ mang giai điệu thiết tha. Truyền thống văn hóa của quê hương được anh phác họa lướt qua trong vài dòng thơ mà có sức gợi lớn:
Đò Lèn
Gạch nối đỏ trên bản đồ tổ quốc
Nối đôi triền cỏ xanh
Đưa bóng cọ bóng cau về chung một lối
Khúc ca dao thắc thỏm đường xuân.
Cấu trúc kiểu truyện thơ thể hiện ở tính chất kể, những câu chuyện được tạo dựng. Chuyện về tinh thần chiến đấu anh dũng, chuyện về sự gắn bó sắt son của con người với quê hương và cả chuyện tình yêu đôi lứa thiết tha… Không chỉ hình ảnh mảnh đất Đò Lèn, con sông, cây cầu trở thành chứng tích oai hùng của một thời khói lửa mà những con người nơi đây cũng trở thành huyền thoại.
Tuy dung lượng phản ánh không đồ sộ như văn xuôi nhưng trường ca không hẳn bị lép vế trong việc tái hiện những hình ảnh, sự kiện có quy mô lớn, thậm chí đây còn là thể loại giúp người viết thể hiện cảm xúc một cách sâu lắng. Hiện nay, những năm đầu của thế kỷ XXI, khi nhiều đề tài khác hấp dẫn người cầm bút, Lâm Bằng vẫn hướng cái nhìn ưu ái của mình về chặng đường hào hùng đã qua của dân tộc. Anh thể hiện sự nhận thức về số phận con người, dân tộc. Đó là hình ảnh cô gái làng Na:
Em là con gái làng Na
Mười chín tuổi ngực căng sức sống
Chắn vén việc nhà em đi trực chiến
Vành mũ rơm ngúng nguẩy tóc đuôi sam.
là cô dân quân huyện Hà:
Gái nơi nào như gái Hà Trung
Chiu chắt giây phút bình yên
Dựng khẩu súng vào vách hầm trực chiến
Em trở lại với chiếc áo len đan dở
Chiếc áo chưa thành hình
Mảnh bom xuyên lỗ chỗ
Như đất quê hương lỗ chỗ vết đạn bom.
những cụ già – linh hồn của một làng quê yên bình:
Có cụ già chân chậm lưng còng
Bận trông cháu ở hầm sơ tán
Có bát nước chè xanh vò chát
Cũng gửi anh bộ đội giữ cầu…
Hình ảnh làng sơ tán bình dị được khắc họa chân thực mà đầy ám ảnh qua những vần thơ lục bát:
Làng sơ tán những sớm chiều
Không vương khói bếp, không diều căng dây
Mặt trời nếu ghé qua đây
Cũng mang dáng của một ngày đạn bom
Nhà hầm một vuông con con
Giường kê sàn nứa, bữa cơm không đèn
Làng sơn tán toàn trẻ con
Đánh chắt đánh chuyền dưới rãnh tăng xê…
Những mất mát, đau thương của chiến tranh được tái hiện đầy xót xa, day dứt, hình ảnh những em học sinh chết bom:
Trái đất như ngừng quay
Những mái đầu xanh gục trên bàn học
Khăn quàng đỏ tả tơi bên những hố bom toang hoác
Sáu mươi em học sinh, sáu mươi cánh chim non
rũ cánh dưới khói bom
Sáu mươi vai khăn quàng đã không còn đứng dậy
Máu các em nhuộm đỏ sân trường.
Đặc biệt, hình ảnh nhân vật trung tâm của thời đại đã được anh tập trung khai thác từ nhiều góc độ. Anh bộ đội anh hùng trong chiến đấu:
“Lưu bị thương…”, ai đó hét lên
Anh khụyu xuống. Không. Anh đứng dậy
Mảnh bom lia đứt cánh tay phải
Anh chuyển cờ sang tay trái phất cao.
Cũng con người ấy giản dị trước giờ quyết tử, nhờ những người đồng chí trao lại kỷ vật và gửi lời từ biệt người thân…
Ở trường ca này, Lâm Bằng có những trang viết thể hiện độ sâu cảm xúc của một bút lực dồi dào:
– Năm lại năm
Bao đời cây non thành cổ thụ
Chum vàng huyền thoại làng tôi đứng đấy
Vờn khói mây soi bóng xuống dòng sông.
– Em gái về thăm quê ngoại bên làng
Khỏa nước sông lên đò chao sóng
Bên nớ bên này nửa mong nửa ngóng
Con đò chở nặng tình quê…
Đặc biệt, trong một trường ca tương đối dài hơi như Đò Lèn, tác giả thể hiện được sự tiết chế cảm xúc, vững vàng trong cấu trúc tổng thể. Bên cạnh những trang thơ theo thể tự do – thể loại duy nhất có thể chuyên chở được cái tiết tấu cuộc chiến với nhịp điệu linh hoạt, là những vần thơ lục bát khá nhuần nhuyễn:
Lòng sông in bóng mây trôi
Ngời xanh dáng núi đọng lời thi nhân
Trải bao tao loạn chiến tranh
Non sông ngàn thuở vẹn nguyên âu vàng
Lòng người thấm đượm yêu thương
Núi sông gấm vóc cất lời ngàn thơ.
Tập trường ca Đò Lèn của Lâm Bằng
Một điểm độc đáo nữa của trường ca Đò Lèn là cách viết tạo ra sự lây lan cảm xúc với hiệu quả bất ngờ, bởi nghệ thuật là ngôn ngữ của tình cảm, thứ ngôn ngữ mà có thể lay động tâm can người đọc, đặt biệt là những người có cùng suy nghĩ. Trong hoàn cảnh chung của đất nước, con người nào, dân tộc nào cũng có những xúc cảm giống nhau, tinh thần quyết chiến giống nhau. Giọng điệu thơ trong Đò Lèn không chỉ hào sảng, bừng bừng khí thế mà có nhiều trầm tư. Tuy nhiên, có những đoạn tác giả viết mang tính khẩu hiệu, lời thơ không truyền tải được cảm xúc sâu lắng vì có phần diễn giải quá chi tiết: Vị chủ tướng rút gươm chém vào dòng nước, thề không đội trời chung cùng nghịch tặc, thề quét sạch xâm lăng, giành lại giang sơn… Đoàn nghĩa binh ào ào vượt sông… Trận ấy giặc khiếp đảm, tan tác, tơi bời, non sông huy hoàng, chí anh hùng rạng rỡ núi sông. Tiếc là chương bảy Tình sử màu xanh với hai phần O dân quân làng Kim và Lá thư không tem hơi sơ sài, nếu được khai thác sâu hơn sẽ khắc họa đậm nét hình ảnh con người với tình yêu trong sáng – sức mạnh lớn lao để đi qua cuộc chiến. Chương Tám có hai tên không phù hợp nhau khi cùng nói về một sự kiện liền mạch: Thù này nhớ mãi không quên và Phần thưởng lớn. Những khúc nhỏ nên được gộp lại thành một mạch thống nhất, tránh tình trạng bị chia vụn, khiến hơi thơ nhiều khi bị hẫng và không tạo được dấu ấn thật sâu. Đây đó vẫn còn những câu thừa như: Năm Một nghìn chín trăm linh một/ Năm đầu tiên của thế kỷ hai mươi… nhưng cái thành công hơn cả và neo đậu lại trong lòng bạn đọc đa phần là những trang viết mộc mạc, dung dị, với những hình ảnh ám ảnh trở đi trở lại như một điệp khúc day dứt, khắc khoải:
Trăm năm…
Ngàn năm…
Dòng sông cắt chia đôi ngả
Những chí lớn chiến chinh
Những chí lớn mở cõi…
Đều vượt sông
Nào mảng, nào bè, nào thuyền, nào thúng…
những anh hùng một thuở, nối đôi bờ bằng bầu máu nóng vượt sông.
Với Đò Lèn, Lâm Bằng đã thành công khi thể hiện sự trân trọng quê hương – mảnh đất Hà Trung anh dũng. Anh viết về chiến tranh, có bom đạn, hy sinh, đau thương nhưng ấn tượng bao trùm lại là một Đò Lèn giàu truyền thống, dấu vết chiến tranh còn đó nhưng con người kiên trung, giàu tình yêu thương đủ để tất cả ngời sáng:
Những mùa sen, những mùa hoa
Tỏa hương thơm ngát giữa mùa chiến công
Đò Lèn mảnh đất anh hùng
Chàng Dũng sĩ giữa muôn trùng sóng xô
Chiến công tô thắm màu cờ
Sóng sông Lèn vỗ đôi bờ quân reo…
27/6/2022
Đỗ Quyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...