Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Chiếc nhẫn kim cương

Chiếc nhẫn kim cương

Hỏi mãi, hỏi mãi hắn mới tìm thấy nhà ông giáo già. Ngôi nhà mái ngói nhỏ nhắn nằm nép trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, qua cả chục lần rẽ phải rồi rẽ trái. Đứng trước hai cánh cổng sắt xinh xinh khép hờ dưới giàn thiên lý đang tỏa hương dìu dịu, không hiểu sao hắn run lên. Đôi tay gân guốc đầy những hình xăm vằn vện dường như không đủ sức để đưa ra bấm chuông.
Trong cả cuộc đời giang hồ bạt gió, chưa khi nào hắn rơi vào trạng thái sợ hãi như thế này, kể cả những lần đối mặt với các đại ca khét tiếng “trên cơ”. Kể cả những lần vác dao kiếm đi thua đủ với các băng nhóm khác, mà hắn xác định trước rằng có thể sẽ “một đi không trở về”. Thế thì phía trong cánh cổng kia có gì khiến hắn phải sợ hãi và lo lắng thế. Gương mặt ông giáo già, hắn vẫn nhớ như in, cho dù ba năm có lẻ đã trôi qua…
Ông giáo già tiếp vị khách không mời với thái độ ngạc nhiên không giấu giếm. Không phải vì hắn là người lạ mà  vì trong số khách khứa vẫn lui tới nhà ông, không ai có bộ dạng thế này. Nhìn hắn thật lạc lõng với khung cảnh giản dị, hiền lành và lương thiện của cả căn nhà. Khách của ông phần lớn là học trò cũ, là những đồng nghiệp lâu năm, là những ông bạn già trong tổ hưu hay đám con cháu ở quê lâu lâu ào ra thăm, mang cho ông lủng củng những trứng gà, trứng vịt, rau gạo và cả những trái bí to tướng cắt ở vườn nhà. Hơn ba năm đã trôi qua từ khi bà giáo qua đời, căn nhà vẫn nguyên vẹn thế. Thậm chí những chiếc áo bà hay mặc thường ngày vẫn được ông treo trên mắc ngay ngắn, thi thoảng ông lại mang ra giặt, ra phơi, như thể bà chỉ đi vắng đâu đó ít ngày. Biết ông ở một mình buồn, đám học trò cũ cũng hay cử nhau về thăm, ăn với ông một bữa cơm đạm bạc, nói đủ chuyện trên trời dưới bể. Có những học trò học ông từ bốn mươi năm trước, định cư ở tận nước ngoài, về thăm ông phải xưng tên, xưng lớp mãi ông mới nhận ra. Nhưng không ai có bộ dạng như vị khách dữ tướng này…
Khi hắn xưng tên, nói mối liên hệ và mục đích chuyến viếng thăm đường đột này bằng giọng điệu khó nhọc như thể công việc này thật quá sức đối với hắn, ông giáo sững sờ đến  mức chiếc ấm pha trà đang cầm trên tay rơi xuống mặt bàn. Câu chuyện hơn ba năm trước trở về trong trí nhớ, kéo theo biết bao đau đớn…
Ngày ấy, khi biết bà giáo, vợ mình lâm bệnh trọng, ông rơi vào trạng thái không trọng lượng hàng tháng trời. Những lời bác sỹ trao đổi như tiếng sét giữa trời quang. Bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Khi biết chuyện, tất cả mọi người quen thân của ông bà đều thốt lên một câu như nhau: vô lý! Sao bà ấy có thể ung thư phổi? Bởi vì, cả đời bà không biết đến khói thuốc lá. Bà không hút đã đành, ông cũng chưa một lần chạm đến điếu thuốc. Căn nhà nhỏ của ông bà nằm sâu trong con ngõ nhỏ, tràn ngập màu xanh cây lá và các loại hoa khoe sắc suốt bốn mùa. Nghĩa là môi trường sống của bà rất đỗi trong lành, không bị ô nhiễm khói bụi gì. Thế thì tại sao lại ung thư phổi? Ông lờ mờ nghĩ đến nguyên nhân mấy chục năm làm cô giáo dạy Văn của bà. Thời bao cấp, mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn. Ngày ngày lên lớp, bà đã phải hít biết bao nhiêu bụi phấn, thứ phấn rẻ tiền, bở bùng bục, bụi bay trắng bảng mỗi lúc bà viết hoặc xóa bảng. Không chỉ riêng bà mà bất cứ giáo viên nào thời đó cũng đều phải dùng loại phấn này. Thể trạng bà yếu, chắc bởi thế nên lâm bệnh. Hồi còn đi dạy, sau mỗi ngày dạy nhiều tiết quá, bà lại ôm ngực ho. Cứ ngỡ mọi chuyện cũng bình thường, ai ngờ về hưu được ít năm thì bà phát bệnh. Cũng theo lời bác sỹ, từ lúc phát hiện bệnh bà sẽ chỉ còn khoảng nửa năm để chống chọi, rồi sẽ ra đi.
Sau cơn choáng ban đầu, ông giáo gắng gượng lấy lại bình tĩnh. Hai vợ chồng già không con nương vào nhau mà sống, giờ bà bệnh trọng, không biết sẽ ra đi lúc nào, thực sự ông thấy mình hết cả sức lực và hết cả nghị lực sống. Niềm vui của ông, nguồn động viên của ông là bà. Nếu bà ra đi trước, ông còn gì mà sống tiếp. Thế nhưng, trong những đêm trắng ngồi cạnh giường bệnh nhìn bà vật vã thiếp đi trong cơn đau, ông tự nhủ ngay lúc này đây mình phải cố gắng trấn tĩnh lại để làm chỗ dựa cho bà trong những ngày tháng cuối cùng này. Ông đã hứa từ những ngày đầu tiên ngỏ lời yêu với bà, rằng ông sẽ nắm tay bà đi trọn con đường trần nhiều chông gai, cay đắng nhưng cũng rất ngọt ngào này. Vì vậy, không có cớ gì để ông buông tay giữa lúc bà đang cần ông nhất. Những ngày tháng ấy, ông luôn bên cạnh bà, không rời bà quá mười phút. Mọi chuyện nâng giấc, chăm sóc bà chỉ một tay ông. Các cháu chắt ở quê ra, những học trò cũ nghĩa tình thương thầy cô neo người qua lại luôn luôn để giúp, nhưng riêng chuyện chăm bà ông không để cho ai. Tự tay ông tắm rửa cho bà. Tự tay ông xúc cho bà từng thìa cháo, đưa cho bà từng viên thuốc, lật giở cho bà xem từng tấm ảnh cũ trong an bum ảnh mà ông bà gìn giữ bấy nay. Rồi ông thủ thỉ ôn lại những kỷ niệm thật dài trong suốt quãng thời gian họ sống bên nhau…
Tính đến ngày bà lâm bệnh trọng, họ đã có tròn bốn mươi năm bên nhau. Bốn mươi năm ấy, chưa một lần bà nói ông nặng lời, chưa một lần ông giận dữ với bà. Nếu may mắn như những người xung quanh thì họ đã con đàn cháu đống. Thế nhưng tròn bốn mươi năm, căn nhà nhỏ chỉ có ông và bà. Không một lần có tiếng khóc trẻ con. Chưa một lần bà làm mẹ. Khi biết mình không có khả năng sinh con, ông đã thức trắng hai đêm trước khi đưa ra đề nghị chia tay để bà đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng bà khóc nấc lên nói hạnh phúc của bà là ông. Chỗ của bà trong cuộc đời này là ở cạnh ông, trong căn nhà này. Có con hay không có con là do số phận. Ông không có lỗi gì. Và vì thế, không bao giờ bà rời bỏ ông. Ngày ấy, bà còn rất trẻ. Ông đưa ra lời đề nghị chia tay mà lòng tan nát, vì ông còn yêu bà nhiều lắm. Thế nhưng trước sự kiên quyết của bà, rồi nỗi buồn đau không con cái cũng dần nguôi. Không phải không có những lúc trong ông cồn lên nỗi dằn vặt và xa xót khi nhìn tuổi xuân của bà dần dần vơi mà chưa một lần bà được hưởng hạnh phúc làm mẹ, chưa một lần được ôm ấp con thơ. Sống trọn vẹn một đời bên ông, bà chịu thiệt thòi nhiều quá. Ngay cái ngày bà về với ông cũng thật gian truân. Chiến tranh vẫn đang trùm lên toàn đất nước. Không có một đám cưới đúng nghĩa. Chỉ có cơi trầu bố mẹ ông mang sang nhà bà để xin dâu. Lúc đó, ông cũng không có nhà. Bom đạn mù trời, ông không về kịp ngày xin dâu đã định. Cưới một tuần rồi bà mới được gặp ông. Cũng vội vã được có ba ngày, rồi ông lại phải đi…
Bà vẫn nói vui với ông rằng bà về làm dâu mà không lễ gia tiên cùng chú rể, không áo cô dâu cũng không nhẫn cưới như bọn trẻ ngày nay. Ông bảo trọn đời ông vẫn nợ bà một đám cưới đúng nghĩa. Bà lại gạt đi, nói miễn ông bà sống với nhau trọn vẹn và hạnh phúc. Mọi thứ phù phiếm bên ngoài nào có nghĩa gì đâu. Thế nhưng những ngày cuối cùng của bà, nhìn bà vật vã trên giường bệnh, nắm bàn tay khô gầy của bà, ông đã có một quyết định thật bất ngờ.
Gom hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, ông tạm biệt bà một buổi sáng để đi thành phố. Số tiền này lẽ ra là tiền dưỡng già của hai vợ chồng, nhưng giờ bà sắp từ biệt ông để về thế giới khác, tiền bạc với ông chẳng còn nghĩa lý gì. Bác sỹ khuyên ông đưa bà về nhà để bà có những ngày cuối cùng trong căn nhà mà bà đã sống trọn cuộc đời làm vợ bên ông. Để bà cho đứa cháu chăm sóc, ông một mình tìm đến hiệu kim hoàn. Ông muốn mua tặng bà một chiếc nhẫn cưới thật đẹp. Một chiếc nhẫn kim cương, đẹp và vĩnh cửu như tình yêu của hai vợ chồng già. Như một lời đính ước, rằng kiếp sau, họ lại hẹn gặp nhau, lại cùng nên duyên chồng vợ. Số tiền của ông chẳng có nhiều, mặc dầu là tiền tích cóp suốt cuộc đời của cả hai vợ chồng không con cái. Cô bé trông coi cửa hàng sau khi biết mục đích của ông là muốn mua nhẫn cưới kim cương  bèn vội vã gọi ông chủ tiệm kim hoàn ra bởi “cháu chỉ trông cửa hàng thôi. Hôm nay bà chủ đi vắng ông ạ”. Ông chủ tiệm kim hoàn có bộ râu quai nón và ánh nhìn dữ tợn.
Khi ấy, vì vội về với bà ở nhà, ông đã không băn khoăn nhiều trước vẻ ngoài bặm trợn của  chủ tiệm kim hoàn, cũng không băn khoăn gì về chiếc nhẫn lấp lánh đang cầm trên tay. Ông đã thật thà một cách đau xót kể về mục đích mua chiếc nhẫn kim cương của mình khi được hỏi ông mua quà cưới để tặng con hay cháu. Ông mua nó để tặng cho bà. Tặng cho người vợ chưa khi nào được đeo nhẫn cưới. Tặng cho một người sắp sửa từ giã cõi đời này. Chiếc nhẫn ấy sẽ theo bà sang thế giới bên kia, như dấu hiệu để mai này họ nhận ra nhau ở một nơi xa lắm; để họ vẫn tìm thấy nhau, vẫn được bên nhau như ở kiếp này… Khi ông run run lồng chiếc nhẫn kim cương vào tay bà, thì thầm với bà những lời yêu thương ấy, khóe mắt bà giàn giụa nước. “Kiếp sau, mình lại tìm nhau nhé? Mình lại bên nhau nhé!” Bà khe khẽ gật đầu.
Hắn cúi gằm mặt trước mái đầu bạc trắng của ông giáo già như một kẻ tội đồ cúi đầu trước Chúa. Trong cả cuộc đời giang hồ ngang dọc, chưa khi nào hắn sợ hãi thế này. Tiệm kim hoàn chỉ là thứ để hắn che mắt thế gian. Thông thường, không làm mà vẫn có ăn thì chỉ là quân ăn cướp và ăn cắp, qua mắt làm sao được những kẻ xung quanh. Thế nên hắn phải tạo cho mình một vỏ bọc có vẻ làm ăn lương thiện. Hắn khoán trắng việc kinh doanh buôn bán ấy cho vợ và mấy đứa cháu ở quê, không một lần nhếch mép hỏi về doanh thu hay lỗ lãi.  Những phi vụ làm ăn của hắn nằm chỗ khác. Những đồng tiền hắn mang về có mùi lừa đảo, cướp bóc và rất nhiều khi vấy máu.
Vợ hắn, như bản tính chung của tất cả đàn bà là cũng rất tham lam. Ngoài việc kinh doanh vàng bạc mụ còn có  tủ hàng tạp hóa bán đủ thứ trên đời, từ gói mì tôm cho đến cái kim băng, hộp xà phòng và quần xi líp đàn ông đàn bà. Có cả những đồ trang sức giả vàng giả bạc để bán cho những cô gái quê lên thành phố, muốn có đồ trang sức như vàng bạc mà lại chẳng có tiền nhiều. Công nhận là công nghệ chế tác đồ trang sức giả vàng, bạc thật tinh vi. Giá sử có đặt đồ thật bên cạnh đồ giả bảo hắn phân biệt hắn cũng chẳng biết đâu mà lần. Cái hôm ông giáo già lên, lập cập đòi mua nhẫn kim cương, vợ hắn lại đi vắng. Con bé cháu bán hàng gọi hắn ra. Nhìn vẻ hiền lành đến ú ớ của ông già trước mê cung nhẫn vàng, nhẫn bạc, dây chuyền, máu lưu manh trong hắn rần rật chảy. Nhất là khi ông tâm sự muốn mua nhẫn cưới kim cương để tặng nó cho một bà vợ già sắp chết, để bà ấy mang xuống mồ. Bố khỉ! Chết đến nơi còn bày đặt! Mà đã mang xuống mồ thì nhẫn nào chẳng như nhẫn nào. Hắn nói với ông chờ một lát rồi lẹ làng chạy sang gian bên cạnh, nơi có tủ hàng tạp hóa của vợ. Hắn lựa một chiếc nhẫn nhìn đẹp nhất, mặt kim cương giả lóng lánh nhất mang sang. Hắn bảo đó là bạch kim đính kim cương nhân tạo. Ông hỏi giá, hắn vờ nhân đức nói giá của nó thật sự thì đắt lắm, nhưng xem ông có bao nhiêu tiền. Nể tình vợ chồng già thắm thiết, bao nhiêu tiền hắn cũng bán cho ông. Ông nhận chiếc nhẫn được đặt trong chiếc hộp sơn mài bé xíu rất đẹp (giâ trị của chiếc hộp đó có lẽ lớn hơn giá trị chiếc nhẫn) mà xúc động, nghĩ hắn thật có tấm lòng cao cả.
Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đó thì không có gì nói tiếp. Chiếc nhẫn kim cương giả kia đã theo bà giáo xuống mồ. Nhưng mọi chuyện lại bắt đầu từ mụ vợ lắm điều của hắn. Con bé bán hàng bép xép với vợ hắn về chuyện ông già đi mua nhẫn cưới kim cương và hắn bán hàng. Vợ hắn ngạc nhiên hết mức vì cửa hiệu kim hoàn con con của vợ chồng thị có bán kim cương đâu. Hắn đắc chí chỉ cho vợ xem xấp tiền của ông giáo và kể về chiếc nhẫn giả trong tủ tạp hóa của thị, kể về câu chuyện chiếc nhẫn cưới cho bà vợ sắp lìa đời của ông giáo. Nào ngờ mụ vợ ngồi lặng đi, nước mắt giàn giụa và một hai đòi hắn mang tiền đến trả cho ông giáo. Lần đầu, hắn tát vợ hai cái, đổ máu mồm máu mũi. Lần thứ hai, hắn chỉ tát một cái. Lần thứ ba, hắn gườm gườm nhìn vợ như nhìn quái vật. Lần thứ tư, thứ năm thì hắn gầm lên: con điên kia, câm mồm đi, tao biết ông ấy ở đâu mà trả!
Sau vụ chiếc nhẫn kim cương ấy, vợ hắn như lên cơn điên. Trước đây mụ sợ hắn một phép thì tự dưng giở chứng cãi lại chồng, bất chấp những cú thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Mụ còn dám nói về luật nhân quả, về việc sống đừng làm nhiều điều thất đức mà di hại đến mấy đời mấy kiếp về sau. Mụ còn khóc ầm ầm nói đến chuyện đời đàn bà, thứ cần nhất không phải là tiền bạc mà là tình nghĩa vợ chồng. có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng yên ấm, yêu thương nhau còn hơn ngồi trên đống vàng thế này mà nay bị ăn tát, mai bị ăn đấm. Có lần mụ còn vác dao lên, ấn vào tay hắn, gào lên: ông giết tôi đi! Tôi chỉ mong chết  mà không được…
Người mong chết là vợ hắn thì không sao cả, nhưng thằng con trai mười hai tuổi của hắn tự dưng không ốm không đau gì lại không bao giờ tỉnh lại nữa sau một đêm ngủ. Sáng ra, không thấy con dậy đi học như mọi ngày, hắn vào giường phát vào mông nó, gọi dậy. Nào ngờ con chết cứng tự lúc nào. Thằng con trai duy nhất của hắn. Thằng cháu trai duy nhất của bố hắn. Thằng đích tôn của cả dòng họ nhà hắn. “Ông giời” của hắn! Những hy vọng tràn trề của hắn! Nó đã không còn nữa. Vợ hắn chết đi sống lại. Hắn cũng chết đi sống lại bao lần. Gượng dậy sau đám tang con, vợ hắn ném vào mặt hắn một câu: trời quả báo ông đấy! Trời quả báo ông vì ăn ở thất đức đấy! Rồi mụ ôm quần áo lên chùa nương náu, không một lần ngoảnh lại, như thể mụ sinh ra đã ở trong chùa rồi.
Những giấc mơ hãi hùng cứ hành hạ hắn hàng đêm. Thằng con hắn, mụ vợ hắn cứ lần lượt sỉ vả, trách  cứ hắn. Rồi bố hắn, mẹ hắn, hai người đã qua đời từ lâu, cũng thường xuyên trở về trong những giấc mơ để hỏi hắn về chuyện chiếc nhẫn kim cương. Kinh sợ hơn, bà giáo già, người được mang chiếc nhẫn kim cương giả của hắn xuống mồ, người  mà hắn chưa bao giờ gặp mặt cũng xuất hiện trong các giấc mơ của hắn. Hễ nhắm mắt vào là hắn gặp những con người ấy. Sau một thời gian dài phờ phạc vì mất ngủ và sợ hãi, hắn nhận ra một điều: mình đã làm một việc thực sự thất đức, bất nhân, như lời vợ hắn nói. Và cuối cùng, hắn quyết tâm đi tìm ông giáo. Trong lần hắn bán nhẫn giả cho ông, ông đã kể rất rành mạch về mình…
Ông giáo già chết lặng trước những lời thú nhận của hắn, trước chiếc nhẫn kim cương thật đặt ở trên bàn đang lấp lánh, lấp lánh. Nỗi đau không thể bật thành lời. Hóa ra chiếc nhẫn mà ông nâng niu đeo vào tay bà trong những phút cuối cùng của bà lại là một chiếc nhẫn giả… Bà không biết điều ấy! Bà mang theo chiếc nhẫn giả về thế giới bên kia với lời hẹn ước của ông, rằng vợ chồng mình lại tìm nhau nhé! Rằng chúng mình lại sống bên nhau trọn một kiếp sau… Chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc nhẫn nại vang lên. Tưởng như hàng thế kỷ đã trôi qua. Tưởng như cả hai con người ngồi đây đã hóa đá rôi. Cuối cùng, ông là người lên tiếng trước. Ông nhìn sâu vào đôi mắt đang bạc đi của hắn, rồi chậm rãi bảo: chuyện đã qua rồi… Anh biết lỗi, biết quay đầu lại, vậy là tốt rồi. Kim cương thì quý thật, nhưng có thứ còn quý hơn nhiều, đó là sự tử tế của con người. Anh biết trở thành một con người tử tế, thì một chiếc nhẫn kim cương chứ một nghìn chiếc nhẫn kim cương cũng không sánh được. Tôi tin dưới suối vàng, bà ấy cũng sẽ tha lỗi cho anh…
Hắn òa lên khóc như một đứa trẻ!.
5/8/2022
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...