Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Đêm trên cù lao lở

Đêm trên cù lao lở

Ngày thứ sáu gần ba tuần sau, khi vào cơ quan tôi đọc trên báo: “… Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát môi trường cùng các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã mật phục vây bắt 14 tàu “cát tặc” trên hai nhánh của con sông Tiền…”.
– Anh biết không? Điều lo lớn nhất của tôi bây giờ không phải chuyện giàu nghèo, mà là những cái gắn bó với kỷ niệm của mình trong gần hết khoảng đời lao động vất vả đã qua liệu có còn tồn tại cho đến sau này.
Hải dừng lời và hướng mắt ra xa. Nắng chiều giờ đã bớt gay gắt. Trên đoạn sông Tiền trước mặt chúng tôi nhịp sống đang không kém phần hối hả. Bờ sông bên kia là lãnh thổ một tỉnh bạn với hàng cây xanh chạy dài. Xen vào đó, xa xa nhô lên các tầng cao ốc cùng các nhà máy với những ống đang thải ra ngoài các cụm khói đen theo gió lan tỏa. Trên sông các con tàu di chuyển đơn độc và từng đoàn, tạo những con sóng làm vở vụn ánh chiều vàng rơi trên mặt nước thành ngàn mảnh nhỏ lung linh.
– Đoạn sông này khá rộng. Ngồi đây nhìn thẳng thấy có vẻ gần vậy mà cũng đôi ba cây số chứ không ít. Ba mươi năm sống nơi này nên tôi có cơ sở để so sánh mới thấy giật mình vì độ lở của sông thời gian qua. Anh nhìn hàng bờ kè của tôi kìa!
Chạy dọc suốt bờ đất dài ven sông của Hải là những bao vải bạt loại to, dày dựng đầy đất được xếp chồng và thả ken chặt với nhau lấn ra sông đến gần mười thước. Phía ngoài các bao đất, nhô lên khỏi mực nước thấp lúc này có những mảng tường và trụ bê-tông ngả nghiêng. Tôi quay nhìn Hải và nhận ra nét buồn trong ánh mắt cùng giọng nói của anh.
– Đất lở! Mà lở ghê lắm anh. Bây giờ câu “Sông sâu bên lở bên bồi” không còn đúng nữa rồi. Bên kia cũng vậy. Giờ anh nhìn xa thấy dọc bờ bên đó là một màu xanh có vẻ dịu mát chứ đến gần thấy lở lói, trần trụi như ở đây thôi.
Có tiếng bước chân dẫm lên lá khô phía sau chiếc ghế đá, nơi tôi và Hải đang ngồi. Một thanh niên khoảng ngoài ba mươi đang bước nhanh về phía chúng tôi.
– Thằng Thành!
Hải nói và liền sau đó là giọng của người thanh niên:
– Chú kêu con?
– Ừ! Có chú nhà báo trên tỉnh về. Mầy coi kiếm mớ mồi sông lên chuẩn bị rồi ngồi chơi luôn!
Thằng Thành đi vào cái nhà kho gần đó. Hải nối tiếp câu chuyện:
– Bờ kè lúc đầu tôi cho xây hết mấy tỉ, vậy mà chịu được hơn một năm thì bắt đầu nghiêng dần. Gia cố thêm, nó cũng chỉ ráng đứng hơn năm nữa rồi sụm luôn.
Anh đứng lên kéo tôi cùng bước chậm trên những bao đất rồi giải thích:
– Tiền tỉ trôi sông ai mà không tiếc! Nhưng để giữ đất mình lại phải làm thôi, anh. Tôi kêu tàu kéo sà lan chở những bao đất nơi khác về, cũng mất gần hai tháng mới xong.
Hải đứng lại. Đôi chân anh giậm giậm lên mấy bao đất lúc này đã bị nén cứng chặt rồi nhìn tôi:
– Mỗi bao chứa đúng một khối đất đó, anh!
Thằng Thành từ nhà kho bước ra. Nó vừa đi vừa quấn dây buộc cái rọ tre vào thắt lưng rồi hướng về chỗ một nhánh rẽ trên con sông Tiền. Nhánh sông nhỏ này tự nhiên trở thành cái ranh đất của Hải với những người hàng xóm. Chúng tôi nhẹ bước theo Thành. Vừa đi Hải vừa chỉ những con mương chạy dọc theo mấy bờ đất vườn của anh. Những con mương thường ngày được dùng lấy và trữ nước từ sông Tiền vào tưới cây nhưng giờ đã khô cạn. Tôi nhìn xuống thấy trong đó có những mảng rong héo úa nằm lẫn với lá khô rơi. Hải giải thích:
– Do phải “siết nước” để kích thích sầu riêng ra bông nên mấy tuần nay tôi đã cho tháo cạn mấy cái mương vườn này. Chứ không thì bữa nay thằng Thành chỉ huơ tay chút xíu là mình có mồi nhậu rồi.
Đến chỗ nhánh sông rẽ làm ranh đất, thằng Thành đứng quan sát một thoáng rồi khom người phóng ra xa. Nó sải tay bơi rồi xoay người trong nước và nhìn lên cười khi thấy chúng tôi đang đến:
– Chú cứ đưa chú nhà báo tham quan vườn đi! Khoảng tiếng nữa vô tiệc được.
Nụ cười toát lên vẻ hiền hậu của người thanh niên đang ngụp lặn dưới sông không làm tôi an tâm. Tôi quay nhìn Hải:
– Có làm cực cậu ấy quá không anh? Nước mênh mông như vầy…
– Anh đừng lo! Xuống nước nó như con rái đó mà. Vả lại nước đang ròng.
Hải nói mà không nhìn tôi. Đôi mắt của anh lại hướng ra những trụ bê-tông đã bị sụp lở.
Hoàng hôn càng đến gần dường như càng làm tăng nhịp hối hả của những đoàn tàu ngoài khơi. Những đụn khói từ chúng nhả ra không khí nhiều hơn và tiếng rút máy vang đến chỗ chúng tôi càng rõ. Bất chợt, Hải nhìn tôi:
– Mà vừa rồi anh nói gì?… Ừ… ừ…, tôi nhớ rồi…, thằng Thành. Đâu hổng biết, chứ ở cái cồn này kiếm người qua được nó về khoản bơi sông bắt cá tôm chắc không có đâu!
Hải tiếp tục trấn an tôi. Anh dừng lại một chút để nhìn con nước đang từ nhánh đổ ra sông Tiền rồi nói tiếp:
– Nhưng nước này chắc khó có cá bông lau, tôm thì khỏi nói. Tiếc, vì vợ thằng Thành chế biến mồi nhậu từ loài cá này ngon lắm.
Tôi biết Hải gần bốn tháng trước, khi cơ quan làm báo của tôi triển khai chuẩn bị bài viết cho đặc san kỷ niệm theo đặt hàng của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Lần ấy Tổng biên tập nói với tôi:
– Ông đi Hưng Thạnh một chuyến! Nghe bên Hội Cựu chiến binh nói xã đó có tay làm kinh tế giỏi lắm.
Tôi đến ủy ban xã Hưng Thạnh mà không hẹn trước với Hải do không có số điện thoại của anh. Thật không may, người ở xã gọi điện cho Hải mới biết anh đã ngồi ca-nô của nhà đang trên đường đi Trà Vinh do công việc với đối tác. Tôi hỏi xin số của Hải và anh hứa sau khi xong việc trở về sẽ liên hệ lại.
Hai hôm sau, Hải điện cho tôi. Anh cho biết vài tuần trước đã từ chối khi chính quyền xã đề nghị anh làm hồ sơ gửi về tỉnh, để được xét công nhận gương điển hình của phong trào làm kinh tế giỏi và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với anh thì những việc mình làm dù có thành công so với nhiều người, nhưng đó cũng chỉ là điều bình thường trong cuộc sống. Anh muốn được làm việc bởi đó đã là thói quen của anh từ những ngày tuổi nhỏ theo cha trên các ruộng đồng. Giờ tuổi gần sáu chục, anh bảo mình đau lòng khi thấy môi trường sống của con người, cả nơi anh đang ở, bị tàn phá nghiêm trọng. Trước khi kết thúc câu chuyện, anh mời tôi có dịp trở lại nhà anh chơi:
– Nghe ở xã nói anh là nhà văn, nhà báo tôi nghĩ mình có thể tâm sự được. Biết đâu anh có thể giúp được điều gì đó cho cái xã cù lao của chúng tôi!
Lần này, khi chuẩn bị bài cho đợt báo xuân tôi lại nghĩ đến xã Hưng Thạnh và anh. “Không viết về cá nhân thì viết về phong trào phát triển kinh tế ở một xã cù lao vậy!” – Tôi nghĩ. Vả lại, tôi cũng muốn biết rõ hơn về điều làm anh đau lòng như anh đã nói.
Đúng thời gian như lời của Thành, bàn nhậu được dọn ra trong nhà thủy tạ không quá lớn nhưng khá đẹp. Ngồi nơi này nhìn qua một bờ đất trồng sầu riêng, chúng tôi có thể nhìn thấy khá rõ khung cảnh của một phần con sông Tiền đang chuẩn bị vào đêm.
Trên bàn chỉ có ba cái chén cho người dùng. Tôi đã nghĩ sẽ có đông người hơn. Xung quanh lúc này khá vắng, khác với sự ra vào rộn rịp của những người thợ vườn làm cho Hải khi tôi vừa đến lúc chiều. Hải nói, dường như cũng để trả lời cho suy nghĩ của tôi lúc này:
– Tiếc quá! Lần trước anh đến tôi bận việc. Lần này bà xã tôi cùng con gái đi Sài Gòn thăm con dâu nằm hộ sản. Con trai tôi có vợ và đi làm trên đó. Thợ làm vườn cũng người xã này, tối họ về. Chỉ có vợ chồng thằng Thành ở cùng để phụ tụi tôi quản lý công việc.
Thức ăn đã được dọn. Ngoài con gà luộc còn có những con tôm càng xanh đã được nướng và bày biện bắt mắt. Gần đó, Yến – vợ thằng Thành còn đang tiếp tục trổ tài với những sản phẩm vừa thu hoạch từ sông của chồng. Tôi ngồi xuống, ngạc nhiên:
– Trời ơi! Xuống nước đâu có lâu mà đến nhiều tôm vầy à, Thành?
Thành nhìn tôi cười trong tiếng của Hải:
– Thì tôi nói rồi mà! Ở đây mấy tay sát cá phải kêu thằng Thành bằng sư phụ. Hôm nay do bất ngờ với lại không trúng con nước. Chứ nếu có thời gian chuẩn bị, nó còn lôi từ sông lên những thứ khác đãi anh.
– Bái phục thật! – Nhưng có bí quyết gì không mà hay quá vậy?
Tôi hỏi và cụng ly với hai người bạn nhậu. Thành nói sau khi đặt lại ly rượu của mình xuống bàn:
– Dạ, chắc tại quen. Từ hồi còn ở quê con cũng xuống nước hoài, đeo riết rồi mê. Cá bắt theo mùa nhưng khoái nhất là chặn hang cá ngát.
– Hồi ở trỏng cánh giăng câu, mò cá mê ảnh lắm chú! Họ nói ảnh có khiếu nên ai cũng cố rủ ảnh đi cùng.
Yến vừa nói vừa đặt thêm lên bàn món tôm kho tàu cùng một đĩa rau càng cua bóp chua đã được chuẩn bị từ trước. Thằng Thành nói thêm:
– Đoạn sông này cũng nhiều cá nhưng không có hang cá ngát, chú! Nhiều nhất là tôm với cá bông lau.
Tôi cảm thấy thú vị. Từng nghe nói về cái nghề hạ bạc này nhưng tới nay tôi mới được tiếp xúc với người giỏi giang, từng trải với công việc dù tuổi đời còn khá trẻ.
– Cũng có mùa, Thành hả? – Tôi hỏi.
Thành tỏ ra hứng khởi khi nói về công việc yêu thích của mình.
– Dạ, các loài tôm cá đều có mùa làm tổ, hang, sinh đẻ và phát triển riêng. Với lại việc mò bắt chúng cũng tùy theo con nước nữa. Thí dụ như ở đây tôm càng xanh nhiều từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch và bắt lúc nước xuống thấp. Còn cá bông lau tháng 10 tới tháng 2 năm sau bắt lúc nước trôi chậm, tức khi nước gần đầy hay chuyển ròng…
– Hồi trước, khi tôi mới tạo miếng đất này thì ba thằng Thành phụ coi thợ cho tôi. – Hải nói sau khi Thành dừng chuyện – Ảnh quê Đồng Tháp và vợ chồng tôi quen từ thời còn đi ghe vô đó làm ăn. Được thời gian khá dài thì ảnh cưới vợ cho thằng Thành rồi sau đó và bảo do lớn tuổi muốn về quê để lo hương hỏa.
Tôi lại nhìn Thành:
– Vậy là hai vợ chồng con thay ba về đây với chú Hải?
– Dạ! Tụi con gắn bó chỗ này được hơn tám năm rồi. Con gái con giờ ngồi lớp Một. Sáng má nó đưa ra trường xã cũng gần đây đến chiều rước về.
– Thằng Thành học từ ông già nên giỏi làm vườn. – Hải nói – Thấy nó cũng mê xuống nước nên những lúc rỗi việc làm cây, tôi bảo cứ tranh thủ kiếm thêm để vợ nó có cá giao chợ. Coi vậy chứ thu nhập từ sông của nó lại hơn hẳn công việc trên bờ chứ không chơi đâu anh! Tiếc là bây giờ nguồn thủy sản chỗ này cũng giảm hẳn so với trước.
Hải dừng lời và hướng ánh nhìn trầm tư về phía khơi sông Tiền. Bóng đêm nơi ấy giờ đã phủ trùm và qua những khoảng hở của hàng cây sầu riêng, tôi nhìn thấy trên sông giờ có những ánh đèn pha di động. Xen vào đó cũng có những ánh đèn dừng lại ở vị trí các con tàu đang neo đậu giữa khơi. Đã có nỗi buồn nào đó bất chợt xen vào câu chuyện dở dang của Hải. Tôi nghĩ và cảm nhận dường như có cùng suy nghĩ ấy ở Thành. Không khí trầm lắng một lúc và tôi nghe được tiếng rượu từ bình chảy vào các ly trên bàn theo nhịp tay rót của thằng Thành. Nhưng rồi, cũng chính Hải phá vỡ sự im lặng đó:
– Hồi thằng Thành vừa đưa vợ về đây và chỉ vài lần xuống sông, nó nói trong những dòng chảy nơi này có nguồn trứng cá và cá con nhiều lắm. Nó bày tôi mở mấy cái ao lấy nguồn sinh vật tự nhiên ấy nuôi. Nghĩ cũng chẳng mất gì. Nếu nuôi không thắng thì coi như bỏ công kiếm cá ăn khỏi mua, sẵn dịp lấy đất đào ao đắp bồi làm tốt thêm cây trồng. Ai dè nghĩ làm chơi mà ăn thật. Gần Tết của năm đầu làm ao, tôi cho xổ.
Hải bất chợt ngừng lời rồi nhìn tôi bằng ánh mắt thật vui có pha chút hóm hỉnh.
– Anh thử đoán xem tôi thu hoạch được bao nhiêu cá lúc đó nè?
Tôi lúng túng bởi tự biết kiến thức của mình về lĩnh vực nuôi trồng rất tệ. Nhưng không đành lòng nhìn Hải cụt hứng, tôi áng chừng một con số:
– Chừng vài trăm ký không anh?
Ngay lập tức, tôi biết mình đã bị hố khi nghe tiếng cười bất chợt của thằng Thành. Hải cũng cười và nhìn tôi với vẻ cảm thông:
– Chỉ tính riêng cá lóc thôi cũng đã là năm tấn! Còn lại cũng không ít tôm càng xanh và những thứ khác.
– Trời! – Tôi tròn mắt.
– Vậy đó! – Hải nói tiếp – Vô tình thằng Thành đã tạo thêm việc làm và thu nhập kinh tế khá cho nông dân xứ cồn này. Liên tục những năm sau đó cứ khoảng tháng Mười một và tháng Chạp, tàu xe liên tục ra vô xã này để chuyển trái cây thuận và nghịch vụ cùng tôm cá đi các nơi. Thằng Thành cũng chẳng thiệt thòi, bởi có thêm nguồn thu nhập không nhỏ từ việc tư vấn đào ao nuôi và thu hoạch cho các gia đình ở đây. Giờ làm cho tôi chứ nó cũng đã mua và tự lo được hai công vườn riêng bên cạnh.
– Giỏi thật, Thành!
Tôi ngưỡng mộ nói cùng đưa ngón tay cái rồi nâng ly lên hướng về thằng Thành. Nó giải thích sau khi đã cụng và cạn ly:
– Cái cồn này được thiên nhiên ưu đãi đủ thứ, chú! Chỉ tính riêng trên dòng chảy thôi thì đoạn sông Tiền ở đây trong vài cây số đã có hai nhánh tẽ lớn. Sự lên xuống của thủy triều hai nơi này thường ngày đã tạo những dòng xoáy làm gom phù sa cùng cá, tôm và trứng của chúng lại rồi đưa vào các nhánh sông con. Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao cây trái các loại trên mảnh đất cồn này từ bao đời nay luôn cho năng suất cao.
– Đúng là những hiểu biết thực tế có khi lại hữu dụng hơn kiến thức mang tính bác học trong sách vở, anh ạ!
Tôi nói với Hải. Anh cười đồng cảm:
– Tôi từng học hỏi ở nhiều người bất kể già trẻ trên ruộng đồng, sông hồ. Hầu hết họ từ nhỏ dở dang việc học thậm chí có người không được điều ấy. Nhưng họ rất giỏi lao động và có những hiểu biết hiếm khi sai sót về những vấn đề tự nhiên liên quan đến công việc của mình.
– Và anh cũng từng như vậy với gần hết khoảng đời đã qua!
Hải lại trầm tư. Điều tôi vừa nói xen có lẽ vô tình gợi ở anh nhiều kỷ niệm của một khoảng thời gian dài vật lộn với cuộc sống. Trong những kỷ niệm cùng sự việc ấy, hẳn có những điều tôi đã được biết từ lời kể của người ở ủy ban xã, khi trước đây tôi tìm đến với dự định viết bài về anh. Nhưng chỉ một thoáng, giọng anh trở lại bình thường:
– Thật ra gốc tôi cũng không phải xứ này. Tính từ lúc tôi làm xong nghĩa vụ quân sự rồi lập gia đình vài tháng sau đó, đến nay cũng gần bốn mươi năm. Cũng ngần ấy thời gian vợ chồng tôi lăn lóc với cuộc sống. Gần mười năm đầu xuôi ngược mua bán từ quê vô miệt Đồng Tháp, An Giang trên chiếc ghe mua lại của người ta từ khoản cha mẹ hai bên cho trong ngày cưới cùng vay mượn thêm. Dành dụm chút đỉnh mới nghĩ đến định cư và được chỉ về đây. Lúc đó xã vừa được lập còn thưa dân, chính quyền khuyến khích nhập cư nên dù không nhiều tiền chúng tôi cũng mua được chút ít. Rồi cứ làm tích cóp mua dần thêm, giờ cũng được mười mấy công…
Tàn cuộc rượu, Hải đưa tôi lên sảnh tầng hai ngôi nhà của anh uống trà. Từ nơi này chúng tôi có thể nhìn đêm trên đoạn sông Tiền trước mặt bao quát hơn. Cầm tách trà Hải rót đưa, tôi nói:
– Lần đầu tôi về tìm anh mấy tháng trước mới biết người xã này quý trọng anh như thế nào. Họ tin và xem mô hình nuôi trồng của anh như sự định hướng sản xuất với họ. Tôi cũng khá bất ngờ khi biết nhiều gia đình nông dân ở đây nghĩ ra việc sắm cả ca-nô để tiện giao dịch với các nơi qua đường sông.
– Ba má tôi trước đây nghèo nên tôi dừng ở hết cấp ba rồi đi nghĩa vụ. Được cái tôi vẫn giữ thói quen đọc. Tôi nhận ra việc đó cộng những điều góp nhặt từ kinh nghiệm người khác đã giúp mình nhiều lắm, anh! Nhưng liệu cái nền đất cồn này năm, mười năm tới hay lâu hơn nữa còn giữ được bao nhiêu? Anh nhìn những chiếc tàu đang pha đèn ngoài khơi xa kìa! Không biết trong số đó đêm nay có hay không và nếu có thì bao nhiêu chiếc đang ra sức hút cát từ nền sông? Với dân xứ cồn này thì những chiếc tàu đó luôn là nỗi ám ảnh.
Giờ tôi hiểu ra nguyên nhân nỗi trăn trở của Hải khi mở đầu cuộc tiếp chuyện với tôi lúc chiều. Trong câu chuyện buồn ở phần còn lại của đêm, tôi nghe trong giọng anh có niềm uất ức:
– Không chỉ cù lao này mà cả những nơi khác, luôn bờ sông bên kia không ngừng bị lở. Mà tụi nó cũng ma mảnh lắm, cứ cho tàu liên tục thay đổi hoạt động hết từ nơi này sang nơi khác.
– Nhưng cũng có các cơ quan chức năng quản lý chứ, anh!
– Thì đúng vậy nhưng không hiểu sao?…
Anh nói suốt thời gian dài dân kêu rồi chính quyền xã, huyện cũng kêu. Thỉnh thoảng thấy có cuộc ra quân của ngành chức năng tỉnh, cũng yên ắng thời gian rồi lại như cũ. Cái ấm ức ngày qua ngày dân chỉ biết cách nuốt dần mà không sao hết được. Đôi lần đại biểu quốc hội về tiếp xúc cử tri giải thích do đoạn sông này kéo dài ra hai phía là ranh giới của nhiều tỉnh, nên gây trở ngại cho mỗi tỉnh trong việc truy bắt cát tặc. Dân chờ chính quyền có biện pháp hữu hiệu hơn nhưng đất và nước không chờ. Độ màu mỡ đất giảm nhìn thấy nhưng dẫu sao với người nông dân, được mùa đã là vui. Có điều sau mỗi vụ cây trái, niềm vui thu hoạch không lấn át nỗi đau ở họ khi tính ra phần đất vườn của mình bị nước cuốn trôi. Người ta chú ý hơn đến xây bờ kè nhưng hiệu quả không phải cứ bỏ tiền là có.
– Anh biết không? Có khi mấy tàu đó quần dữ, gió xuôi đưa về tiếng máy hút gầm rung suốt đêm. Rồi dòng chảy thay đổi quá nhiều cũng trở nên khắc nghiệt hơn với đời sống cá tôm, nên không còn nguồn phong phú như xưa. Mấy năm sau này hiếm ai còn tính đến việc đầu tư cho ao nuôi.
Hải lại nhìn ra xa một hồi. Sau đó tôi nhận ra không chỉ sự u buồn trong giọng nói mà còn có nét gia nua hơn trên gương mặt của anh:
– Tôi đọc mới biết để thiên nhiên nâng từ lòng sông lên thành cồn phải mất ít nhất hàng ngàn năm. Nhưng kiểu làm của con người bây giờ, có thể từ cồn trở về sông chỉ bằng phần trăm thời lượng ấy thôi; có khi còn ngắn hơn nhiều.
Chúng tôi ngồi đến nửa đêm. Lúc mê chuyện cùng Hải tôi đã vô tình đưa lượng nước trà đặc vào cơ thể quá nhiều. Đến khi ngả lưng, nó cùng với hình ảnh ưu tư của anh hiển hiện làm tôi không ngủ được. Tôi bật dậy đến mở của sổ. Kèm theo ngọn gió từ ngoài thổi vào, tôi nghe có cả tiếng ho của anh cùng tiếng ghế bị kéo dịch từ phòng bên cạnh.
Ngày thứ sáu gần ba tuần sau, khi vào cơ quan tôi đọc trên báo: “… Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát môi trường cùng các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã mật phục vây bắt 14 tàu “cát tặc” trên hai nhánh của con sông Tiền…”.
“- Sự kiện này hẳn gây chấn động ở Hưng Thạnh đây!” – Tôi nghĩ và mở chiếc điện thoại di động. Giọng Hải vang lên trong máy một cách hứng khởi:
– Công an mới hốt đám tàu hút cát gần chỗ tôi!
– Tôi cũng vừa đọc tin đây.
– Báo chí đăng không hết đâu. Nay cuối tuần. Rảnh, đến tôi chơi đi! Có mấy thông tin cũng hay hay!
Tôi thấy mình đang lây niềm vui của anh:
– Chiều tôi lên.
Sang chiếc cầu bê-tông từ lộ huyện bắt qua cù lao Hưng Thạnh chừng một cây số, xe cộ đậu nhiều ở khu vực chợ xã. Thời điểm này đang là tháng Mười một âm lịch, mối lái từ các nơi về thu mua và vận chuyển trái cây cùng tôm cá đi các nơi. Có cả mấy chiếc xe chuyên dùng chở thủy sản và việc chuyển hàng diễn ra thật nhộn nhịp, dù như Hải đã nói mấy năm sau này, dân xã cồn ở đây không còn quan tâm đến đầu tư nuôi. Cá bây giờ được thu hoạch chủ yếu từ các ao, mương vườn tự nhiên. Tôi hình dung nếu ở thời điểm trước đây năm, bảy năm trở đi, hẳn khu vực này chật chội hơn rất nhiều.
Bữa cơm tối lần này rộn rã hơn và có thêm vợ cùng con gái của Hải. Anh mở đầu câu chuyện:
– Hóa ra họ đến đây dọ tình hình trước đó mà mình đâu có biết. Thấy người lạ cứ ngỡ họ cũng như nhiều thương lái khác từ các nơi về đây thôi.
Vợ Hải có vẻ cũng là người vui tính. Chị nói:
– Trời ơi! Khi ấy sợ lắm anh dù họ cũng nhẹ nhàng, lịch sự. Gần 8 giờ tối, nghe bấm chuông cổng thằng Thành đi ra. Cả chục người lạ có mang cả súng đi thẳng vô nhà. Họ trình thẻ rồi gom mọi người trong nhà lại ở phòng khách và kêu thằng Thành dẫn đi kiểm tra xăng bình của ca-nô.
Thằng Thành xen vào:
– Lúc đó ai cũng sợ nhưng giá như nỗi sợ như vậy năm nào cũng có vài lần thì hay biết bao nhiêu.
Mọi người cùng cười. Tôi nhìn Hải trong suy nghĩ hẳn anh là người vui nhất. Anh nói:
– Gần xuất phát, họ kêu tôi ngồi vào ghế lái rồi cả nhóm xuống ngồi cùng. Ca-nô tôi chở tối đa mười hai người. Họ dùng máy bộ đàm để liên hệ với những nhóm khác. Đúng 9 giờ xuất phát. Ra sông lớn mới biết họ huy động ca-nô của vài gia đình khác ở đây, có cả ca-nô riêng của họ nữa. Đôi chiếc tàu hút nhận ra công an vội tháo ống bỏ chạy, ca-nô đuổi theo và tôi nghe có vài phát súng chỉ thiên. Tất cả tàu bị bắt được gom tập trung về bến phà cũ để lập biên bản, chụp ảnh, quay phim… Tôi về tới nhà hơn 2 giờ sáng. Nói thật, khi ấy dù mệt và có lúc sợ nhưng nghĩ lại thấy thích vì được trải nghiệm việc mà không mấy người dân có được, lại vui vì sự mong chờ của mình lâu nay đã được đáp ứng.
Sau bữa cơm, tôi và Hải lại ngồi trà trên sảnh tầng hai. Trong vườn sầu riêng, loang loáng những ánh đèn pin của con gái anh cùng vợ chồng thằng Thành. Họ đang quơ gạt nhẹ những cây sào tre có cột chổi lông gà phía trên vào những tàn cây, để kích hạt phấn từ nhị rơi đậu nhiều hơn trên nuốm nhụy gây thụ phấn cho hoa. Hải nói với tôi cách làm vậy dù không được tỉ mỉ như hướng dẫn của các kỹ sư khuyến nông, nhưng đáp ứng được thời gian kịp thụ phấn hết cho số lượng hoa của rất nhiều cây trong vườn; đồng thời vẫn đảm bảo đạt hiệu quả cao. Bởi khả năng thụ phấn của hoa sầu riêng chỉ kéo dài từ 7 giờ tối, thời điểm bao phấn bắt đầu mở để tung hạt phấn, đến trước nửa đêm.
Tôi bất chợt phát hiện có cây trụ buộc cặp cột nhà tiền chế gần đó mà lần trước đến không thấy. Anh nói đó là cây sào chống cái máy phát tiếng kêu dụ chim yến. Con trai anh mua gửi về phát để xem nguồn chim có nhiều không, trước khi quyết định việc xây nhà nuôi. Đã phát thử hai tuần. Anh mời cả những người nhiều kinh nghiệm nuôi từ Gò Công về đánh giá tình hình và họ nói tốt. Họ bảo không khí vùng sông nước nơi đây còn khá trong lành cùng nguồn thức ăn côn trùng phong phú, thuận lợi cho chim yến phát triển. Con trai anh bàn nếu làm nên cùng bà con tổ chức nuôi theo hình thức tổ hợp, có liên kết với Phòng Nông nghiệp và Phòng Tài nguyên môi trường huyện. Làm như vậy vừa khai thác được tiềm năng tạo hiệu quả kinh tế, đồng thời được bộ phận chức năng có chuyên môn giám sát, hướng dẫn để tránh sa đà gây hậu quả xấu.
– Trước mắt là vậy nhưng chỉ sợ về lâu dài khi chim yến phát triển quá mức sẽ gây ô nhiễm, làm suy giảm nguồn côn trùng có lợi cho các vườn cây gây mất cân bằng sinh thái.
Anh dừng lời và lại nhìn ra sông, vẻ trầm tư một lúc rồi nói tiếp:
– Phải tính thật kỹ! Nếu không, có thể mình lại trở thành kẻ phá hoại môi trường giống như họ vậy.
Tôi hiểu điều anh vừa ám chỉ và cũng hướng mắt ra khơi. Nơi ấy bây giờ vẫn là những ánh đèn cùng các con tàu đang neo đậu hoặc di chuyển. Hẳn đêm nay lòng sông Tiền khu vực quanh nơi này không còn bị xáo trộn. Tôi giống anh đều đang mong trạng thái yên bình này được kéo dài mãi, không chỉ ở sông Tiền mà ít ra cũng trên khắp các con sông của đất nước này.
6/8/2022
Nguyễn Thảo Nguyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...