Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Đến với văn học trong mở đầu thế kỷ XXI qua những thế hệ viết

Đến với văn học trong mở đầu
thế kỷ XXI qua những thế hệ viết

Nếu khoảng cách là một thập niên, hoặc một con giáp (12 năm) làm nên một thế hệ viết thì, theo cách tính của tôi, văn học Việt Nam sau 1945 cho đến nay đã chứng kiến sự xuất hiện và tiếp nối của hơn 5 thế hệ viết. Đó là các thế hệ: tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ gắn với Đổi mới, rồi chuyển qua Hội nhập với mốc lớn là năm 1995 hoặc năm 2000.
Dưới đây là 3 nhận xét sơ bộ.
1. Bất cứ thời nào của sự phát triển văn học kể từ sau 1930 (năm chính thức mở đầu thời hiện đại của lịch sử văn chương Việt), các lực lượng trẻ (lứa tuổi từ ngoài 20 đến trên dưới 30) cũng đều đóng vai trò chủ lực – làm nên gương mặt chung của đời sống văn học qua từng thập niên.
Hiện tượng đó gần như là một quy luật.
Thời 1930 – 1945 gồm hầu hết các tên tuổi tiêu biểu trên cả 3 giòng: hiện thực, lãng mạn và cách mạng – đến 4 tác giả kết thúc là Tố Hữu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh (cùng sinh năm 1920).
Những tập thơ làm nên vinh quang bậc nhất của các tác giả như Thơ thơ của Xuân Diệu, Lửa thiêng của Huy Cận, Nước giếng thơi của Nguyễn Bính, Điêu tàn của Chế Lan Viên, Từ ấy của Tố Hữu… tất cả đều được thực hiện ở tuổi 20.
Cũng là tuổi 20 Nguyên Hồng cho in tiểu thuyết Bỉ vỏ.
Tuổi 25 của Vũ Trọng Phụng là tuổi cho ra mắt cùng lúc những tiểu thuyết tràn ngập sự đời và có giá trị để đời như Giông tố và Số đỏ. Còn tuổi trên dưới 30 của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao là tuổi làm nên những tên sách sáng danh văn học hiện đại: Vang bóng một thời, Vũ Như Tô, Chí Phèo, Sống mòn.
Ấy là nói văn học trong xã hội bán phong kiến – thuộc địa trước 1945.
Văn học sau 1945, trong chống Pháp, xuất hiện từ trước sau thập niên 1950, cùng với Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài thuộc thế hệ tiền chiến là các tác giả: Trần Đăng, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Trần Dần, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc…
Văn học chống Mỹ, với thế hệ xuất hiện từ sau 1960 ở tuổi ngoài 20 và trên dưới 30 như Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo…
Những tên bài, tên sách hay nhất trong và sau hai cuộc chiến tranh gần như hầu hết đều đã được thực hiện ở những tên tuổi đã nêu trên…
Ấy là nói văn học trong chiến tranh – những hơn 30 năm, hoặc đúng ra là ngót 40 năm; bởi ngoài chống Pháp và chống Mỹ còn là chiến tranh ở hai đầu biên giới cũng khốc liệt và hy sinh không kém, suốt từ 1979 đến hết thập niên 1980, mà do tình thế lịch sử – cuộc chiến giữa hai phe, khiến cho cả một thời gian dài ta không (hoặc không được phép) nói đến.
Từ một lược kể như trên để nói đến một cuộc đồng hành rất ngoạn mục gồm hơn ba thế hệ viết: thế hệ tiền chiến, thế hệ chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, gối sang thời Đổi mới – một cuộc đồng hành đã để lại cho văn học hiện đại từ sau 1945 đến nửa đầu thập niên 1990, những câu, những bài, những tập thơ, những áng văn hay nhất về lòng yêu nước và yêu dân, về chủ nghĩa anh hùng và sự hài hòa gắn kết giữa cái chung và cái riêng của Con người Việt và Tổ quốc Việt, trước một chuyển động dữ dội và những thử thách khốc liệt nhất của lịch sử. Một cuộc đồng hành có điểm tựa vững chắc nhất từ trong lịch sử – “Đội ngũ ta dài suốt bốn nghìn năm”, và từ đời sống:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu
quân hành
2. Văn học thời Đổi mới, sau một đội ngũ đóng vai trò chuyển tiếp rất nhạy cảm và dũng cảm, và cũng rất kịp thời, mà đóng góp đã rất được khẳng định như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Quang Thân, Chu Lai, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài…, là các thế hệ mới chủ yếu sinh từ thập niên 1960.
Thuộc thế hệ 6X, đây là lực lượng đông đúc nhất, theo tôi, hiện vẫn còn đang đóng vai trò quan trọng của đời sống văn học hôm nay. Họ rất dồi dào năng lượng, và có năng lực viết về mọi đề tài, và đặc biệt họ có điều kiện để gắn bó mật thiết với sự sống hôm nay, một hôm nay mang tên Hội nhập (từ 1995), rồi Toàn cầu hóa và Cách mạng 4.0 (sau 2000) cùng gối vào nhau, gắn kết với nhau, mà những người như tôi – thế hệ cuối 3X, dẫu có gắng gỏi đến mấy cũng chỉ có thể là người đồng hành, ngắm nhìn và suy tư trong tư thế không thể hoặc khó được xem là người đại diện hoặc trong cuộc!
Sau 10 kỳ Đại hội, ở thời điểm hôm nay, Hội Nhà văn chúng ta hiện có trên 1000 hội viên. Nhưng đừng nên nhìn vào Danh sách trên 1000 hội viên để đánh giá. Bởi các thế hệ thuộc 3X, 4X.. cho đến 5X (tất cả đều đã đến ngưỡng tuổi 70 “xưa nay hiếm”) số lớn đều đã đạt các đỉnh cao, hoặc đã qua thời sung sức, hoặc đã ngừng viết từ lâu. Văn học mở đầu thế kỷ XXI – hoặc văn học hôm nay, sau gần 30 năm hội nhập, nếu cần trông cậy vào tuổi ngoài 20, hoặc trên dưới 30, như kinh nghiệm của tất cả các giai đoạn trước đã chứng tỏ, thì đó phải là thế hệ sau 8X, mà số lớn, rất lớn đều chưa, hoặc không tham gia Hội Nhà văn. Đây là điều cần suy nghĩ, để có cách cải tiến sinh hoạt của Hội Nhà văn, cho thích hợp với yêu cầu của tình thế mới.
Cần lưu ý thế kỷ XX là thế kỷ diễn ra nhiều chấn động, chuyển động dữ dội, qua các mốc lịch sử 1930 và 1945, 1945 và 1975, 1986 và 1990, 1995 và 2000. Có nghĩa là càng về sau, càng ngắn, càng gấp gáp. Chưa bao giờ trong lịch sử và lịch sử văn học dân tộc lại diễn ra nhiều sự kiện lớn, vừa dồn dập, vừa gối vào nhau theo một gia tốc nhanh gấp như thế.
Còn nếu tính từ 2000 trở đi thì đó là một chuyển động gần như ngoài sức tưởng tượng và bao trùm tất cả – để đưa dân tộc thoát ra khỏi mọi phong bế (của xã hội thuộc địa – phong kiến trước 1945, của chiến tranh – 40 năm, của tình thế hai phe – 40 năm) mà hội nhập vào nhân loại trong bối cảnh Toàn cầu hóa và Kỷ nguyên thông tin cùng Cách mạng 4.0.
Tình thế mới này của lịch sử càng đòi hỏi văn học phải chuyển đổi bằng sức vóc của các thế hệ trẻ; chứ không phải tuổi trung niên, hoặc tuổi … già, bởi phải trẻ mới có được những tiềm năng mới, những dũng cảm mới, những giác quan mới trong bám sát và theo kịp thời cuộc, để đưa dân tộc vào một cuộc hành trình lớn với nhân loại.
3. Như đã nói ở mục 1, một đặc điểm khá nổi trội ở đội ngũ nhà văn ta, trong suốt một thời dài, từ sau 1945 cho đến cuối thập niên 1990, đó là sự đồng hành của nhiều thế hệ, từ 3X đến 7X. Không kể Tô Hoài, mất ở tuổi 95, mới ngừng viết từ 2014, thì đó là thế hệ 3X, gồm Hồ Phương, Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Khắc Phê…; rồi 4X như Đỗ Chu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Thái Bá Lợi, Tô Nhuận Vỹ, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trần Nhuận Minh, Lê Minh Khuê, Dương Hướng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Văn Thọ…. Còn từ 5X trở đi thì xem ra chưa phải đã hết vai trò là đội quân chủ lực – gồm từ Khuất Quang Thụy, Đỗ Phấn, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa…, qua Hồ Anh Thái, Thùy Dương, Tạ Duy Anh, Y Ban, Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh… để đến với 7X như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Bích Lan, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phan Thúy Hà… Đông đảo, kết nối, ít có khoảng trống, hoặc đứt quãng, đó là điều mừng; nhưng cũng cần phải biết, phải xác định thế hệ nào là chủ công, trong quan hệ với thực tại – tức là cuộc sống đương đại, mà việc xác định đội ngũ này lại rất cần trở lại mục 1 tôi đã nêu trên. Có nghĩa là phải tập trung mối quan tâm cho các thế hệ từ sau 8X trở đi, nếu nhìn vào các mùa màng như đã diễn ra trong thế kỷ XX. Nếu chọn Vi Thùy Linh, sinh năm 1980 làm mốc, thì đội ngũ này là rất đông đảo, có tuổi nghề đã trên dưới 30 năm; có không ít tên tuổi đã nổi đình đám cả rồi.
Lực lượng trẻ, ở tuổi từ 20 đến trên dưới 30, dẫu thực tiễn thời cuộc có muốn hoặc không muốn thì tự họ vẫn đủ sức cáng đáng sứ mệnh nghề nghiệp, như kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, và như tâm thức dân gian đã tổng kết: “Tre già măng mọc”, “Trẻ cậy cha, già cậy con”, “Con hơn cha là nhà có phúc”. Nếu vẫn cần có một (hoặc nhiều) Hội nghề nghiệp, có chức năng như Hội Nhà văn trong tương lai thì Hội cần đầu tư nhiều công sức cho họ, trên tất cả các phương diện của bản lĩnh và bản sắc cá nhân. Bản lĩnh – đó là lý tưởng sống và hoài bão nghề nghiệp tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cả một thế hệ. Còn bản sắc – đó là cái riêng của từng người. Cả hai cần bổ sung cho nhau, chứ không bài trừ nhau. Cần tạo mọi điều kiện cho các thế hệ trẻ đi tìm và khẳng định cho được cái riêng, và cái khác (bởi văn học cần sự đa dạng, và tôn trọng cả tính sáng tạo); nhưng đó là cái riêng không quay lưng hoặc xa lạ với cái chung; là cái khác nhưng không biệt lập hoặc đối trọng với cái giống, tức cái chung, cái cộng đồng – nó là khát vọng chung của Nhân dân, của Dân tộc. Còn Nhân dân là ai, và Dân tộc là ai thì tôi tin câu trả lời của mọi người viết chân chính, đích thực sẽ không khác nhau là mấy!
Cuối cùng, xin có một đôi lời tự sự về bản thân. Tôi thuộc thế hệ cuối 3X, cho đến nay đã có thâm niên nghề nghiệp trên 60 năm. Từ buổi đầu vào nghề, tôi đã có hai bậc thầy lớn, đó là Hoài Thanh – tác giả Thi nhân Việt Nam – chọn và bình 45 nhà thơ; và Vũ Ngọc Phan – tác giả Nhà văn hiện đại – chọn và nghiên cứu 79 nhà văn. Cả hai đều là người đồng hành, là đại diện đáng tin cậy của hơn một Thế hệ Vàng của văn học Việt Nam hiện đại, thế hệ làm nên mùa gặt ngoạn mục 1930-1945. Thế nhưng, sau 1945, Hoài Thanh thôi không tiếp tục đối tượng quen thuộc mà chuyển sang những đối tượng khác – đó là thơ ca quần chúng, là thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu và những người viết mới, những cây bút trẻ như Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy. Còn Vũ Ngọc Phan thì dứt khoát chuyển sang văn học dân gian để trở thành chuyên gia hàng đầu về tục ngữ, ca dao, dân ca Việt. Là học trò của các vị tôi đã rất say mê và ngưỡng mộ những bậc thầy và bậc đàn anh đi trước mình; và không bỏ lỡ các cơ hội để xây dựng tình bạn với những người thuộc cùng thế hệ mình trên cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu – phê bình, trong một đồng hành cùng họ từ đầu thập niên 1960 cho đến cuối 1990. Có nghĩa là một hành trình trên dưới 40 năm. Còn với các thế hệ viết mới sinh ra từ sau 1980, những người đã và đang làm chủ đàn văn thế kỷ XXI thì thật sự là vất vả trong gắng gỏi để có được chút ít tâm thế và vị thế của người đồng hành, chứ không dám nói là người trong cuộc, hoặc người nhập cuộc.
14/6/2022
Phong Lê
Nguồn: Văn Nghệ số 23/2022
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...